Phần 15

16 NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA HOÀ BÌNH 

 Thông báo ở Berlin cho biết Ngoại trưởng Ribbentrop đi Moscow vào ngày 21 tháng 8 để ký kết Hiệp ước Quốc xã-Xô Viết khiến cho Nội các Anh quốc phải nhóm họp vào lúc 3 giờ chiều ngày 22 tháng 8. Sau đó, Nội các Anh đưa ra thông cáo rằng Hiệp ước bất tương xâm Quốc xã-Liên Xô "sẽ không hề ảnh hưởng đến nghĩa vụ [của Chính phủ Anh] đối với Ba Lan, mà họ đã nhiều lần nhắc lại công khai và sẽ nhất quyết sẽ làm tròn". Nghị viện cũng được triệu tập ngày 24 tháng 8 để thông qua Luật Quyền hành (Quốc phòng) Khẩn cấp, cùng với một số biện pháp phòng chống .

Dù Nội các đã tỏ rõ theo ngôn từ cho phép, nhưng Chamberlain vẫn không muốn Hitler hiểu lầm gì nữa. Ngay sau buổi họp Nội các, ông viết một lá thư riêng cho Hitler .

"... Dường như vài giới ở Berlin đang xem thông báo về Hiệp ước Đức-Liên Xô có nghĩa là chẳng còn cần thiết xét đến sự can thiệp của Anh quốc ở Ba Lan. Không có sai lầm nào tệ hại hơn. Dù thực chất của Hiệp ước Đức-Liên Xô là thế nào, thì nghĩa vụ của Anh quốc đối với Ba Lan vẫn không thay đổi... Có luận cứ cho rằng, nếu Chính phủ Vương quốc Anh tỏ rõ hơn quan điểm của họ năm 1914, thì đáng lẽ thảm hoạ tồi tệ đã không diễn ra. Dù luận cứ ấy đúng hay sai, thì trong dịp này Chính phủ Vương quốc Anh vẫn sẽ quyết tâm không tạo hiểu lầm tai hại như thế .

Nếu trường hợp này xảy ra, Chính phủ sẽ quyết tâm và sẵn sàng sử dụng ngay mọi lực lượng dưới quyền và cũng không thể nào dự đoán kết cục của những cuộc xung đột..." Sau khi "nêu quan điểm của chúng tôi một cách thật rõ ràng", một lần nữa Chamberlain lại kêu gọi Hitler tìm kiếm một giải pháp hoà bình với Ba Lan và đề nghị Chính phủ Anh sẽ hợp tác để giúp đạt đến giải pháp này .

Ngày 23 tháng 8 năm 1939, Đại sứ Henderson bay từ Berlin đến Berchtesgaden để trực tiếp trao bức thư cho Hitler. Nhà độc tài nổi cơn thịnh nộ. Henderson gửi điện cho Lord Halifax: "Hitler tỏ ra kích động và không khoan nhượng. Ngôn từ của ông trở nên hung hãn và cường điệu đối với cả Anh quốc và Ba Lan" .

Báo cáo của Henderson và bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Đức về buổi hội kiến – bản này được tìm thấy trong số tài liệu bị tịch thu – là phù hợp với nhau về bản chất trong lời đả kích của Hitler. Ông quát tháo rằng Anh phải chịu trách nhiệm cho sự ngoan cố của Ba Lan giống như chịu trách nhiệm cho thái độ vô lý của Tiệp Khắc một năm trước. Hàng nghìn người Đức ở Ba Lan đang bị ngược đãi. Ông tố giác rằng đã có 6 trường hợp nạn nhân bị thiến. Ông chẳng còn có thể chịu đựng được nữa. Bức điện của Henderson gửi cho Lord Halifax ghi: "Tôi phản biện tất cả các điểm và liên tục nói những lời phát biểu của ông ấy là không đúng, nhưng chỉ khiến cho ông ấy quát tháo thêm." Cuối cùng, Hitler đồng ý sẽ viết 1 thư trả lời cho Chamberlain .

Weizsaecker, người có mặt trong buổi họp đó đã kể lại: "Ngay khi cánh cửa vừa đóng lại [sau khi Đại sứ Henderson ra về], Hitler lấy tay vỗ đùi mình và cười lớn: 'Chamberlain không thể thoát sau buổi trò chuyện này, Nội các của ông ta sẽ sụp đổ tối nay'" .

Khi Henderson được gọi lại để nhận bức thư, ông thấy trái ngược với buổi hội kiến đầu, Lãnh tụ "tỏ ra khá trầm tỉnh và không còn lên cao giọng". Henderson kể: "Ông ấy [Hitler] nói mình bây giờ 50 tuổi, ông thà có chiến tranh bây giờ còn hơn là lúc 55 hoặc 60 tuổi" .

Bức thư của Hitler trả lời Chamberlain là sự pha trộn của mọi dối trá và phóng đại cũ rích mà ông ta đã hò rống với người nước ngoài và dân Đức, từ khi Ba Lan dám đứng lên đối mặt với ông ta. Hitler nói Đức không tìm kiếm xung đột với Anh. Đức đã sẵn sàng ngay từ đầu để thảo luận các vấn đề Danzig và Hành lang với Ba Lan "trên cơ sở của một đề xuất rộng lượng chưa từng thấy". Nhưng việc Anh đảm bảo vô điều kiện cho Ba Lan chỉ khuyến khích Ba Lan "phóng ra đợt khủng bố kinh hoàng chống lại 1 triệu rưỡi người Đức sinh sống ở Ba Lan". Ông tuyên bố "những hành động tàn ác này là điều kinh khủng đối với các nạn nhân mà một nước mạnh như Đế chế Đức không thể chịu đựng được" .

Cuối cùng, ông ghi nhận sự đảm bảo của Anh đối với Ba Lan và tỏ rõ rằng "việc này không khiến cho Chính phủ Đế chế thay đổi quyết tâm bảo vệ quyền lợi của Đế chế... Nếu bị Anh tấn công, Đức sẽ xác định tâm lý chuẩn bị..." Hai bức thư mà Chamberlain gửi Hitler và Hitler phúc đáp Chamberlain đã đạt được những gì? Hitler đã nghe Chamberlain long trọng tuyên cáo rằng Anh sẽ tham chiến nếu Đức tấn công Ba Lan. Chamberlain đã nghe Hitler cho biết như thế sẽ không thay đổi gì cả. Nhưng, như những động thái tất bật trong 8 ngày kế tiếp cho thấy, người này vẫn chưa nghe hết ý kiến của người kia .

Điều này đặc biệt là đúng với Hitler. Phấn chấn về Hiệp ước Quốc xã-Xô Viết và tự tin rằng cho dù Anh cảnh báo như thế, Pháp sẽ chôn chân ngay sau khi Nga bỏ rơi họ, tối ngày 23 tháng 8 Lãnh tụ bay về Berlin, ấn định thời điểm tấn công Ba Lan: 4 giờ 30 sáng Thứ Bảy, 26 tháng 8 .

Tướng Halder ghi vào nhật ký: "Sẽ không có thêm chỉ thị về Ngày Y và Giờ X. Mọi chuyện đều tự động tiến hành" .

Nhưng vào ngày 25 tháng 8, có hai sự kiện khiến cho Hitler phải đổi ý, một từ London và một từ Rome .

Sáng ngày 25 tháng 8, Hitler gửi một thư cho Mussolini, muộn màng giải thích tại sao đã không thông báo cho Ý về việc đàm phán với Liên Xô (Hitler bảo mình không ngờ diễn biến xảy ra quá nhanh). Và ông cho biết phải xem Hiệp ước Quốc xã-Xô Viết "là lợi ích to lớn nhất đối với Phe Trục" .

Nhưng mục đích chính của bức thư là thông báo cho Ý biết Đức sẽ tấn công Ba Lan vào bất cứ lúc nào, dù Hitler không tiết lộ chính xác ngày giờ. Hitler không yêu cầu cụ thể Ý giúp đỡ. Theo những điều khoản của liên minh Ý-Đức, bên này phải tự động giúp đỡ bên kia. Hitler lấy làm tự mãn với việc bày tỏ hy vọng được Ý thông hiểu. Ribbentrop đọc bức thư qua điện thoại cho Đại sứ Đức tại Ý mà Mussolini nhận được lúc 3 giờ 20 chiều .

Trong lúc ấy, Hitler tiếp kiến Đại sứ Anh tại Phủ Thủ tướng. Ông vẫn nhất quyết tiêu diệt Ba Lan nhưng cũng muốn cố gắng lần chót nhằm giữ Anh ở ngoài vòng chiến. Vị đại sứ báo cáo về London là ông thấy Lãnh tụ "tuyệt đối trầm tĩnh và bình thường, nói với vẻ thiết tha và chân thật". Ngay cả vào lúc này, cho dù đã kinh qua những biến cố trong năm vừa qua, Henderson vẫn chưa nhìn ra sự "chân thật" của nhà lãnh đạo Đức. Vì lẽ, những gì Hitler nói ra là khá lố bịch. Ông nói với vị đại sứ rằng mình "chấp nhận" Đế quốc Anh, đồng thời sẵn sàng "đích thân cam kết sự hiện hữu tiếp tục của Anh và sử dụng quyền lực của Đế chế Đức cho lời cam kết này" .

"Ông ấy mong mỏi [Hitler giải thích] động thái tiến gần đến Anh có tính chất quyết định như động thái tiến gần đến Nga... Lãnh tụ sẵn sàng ký kết hiệp ước với Anh để không những đảm bảo sự hiện hữu của Đế quốc Anh trong mọi tình huống liên quan đến Đức, mà còn đảm bảo Đức sẽ hỗ trợ Đế quốc Anh mà không cần biết sự hỗ trợ ấy cần thiết ở đâu .

Hitler thêm rằng mình sẵn sàng "chấp nhận một giới hạn đúng lý của mức độ vũ trang" và xem các đường biên giới là không thể thay đổi được. Đến một lúc, Hitler sa đà vào chuyện đa cảm nhảm nhí (tuy Henderson không mô tả chính xác như thế): "Lãnh tụ cho biết theo bản chất, ông là một nhà nghệ thuật, không phải là chính trị gia. Và một khi giải quyết xong vấn đề Ba Lan, ông sẽ sống hết cuộc đời như là một nhà nghệ thuật chứ không phải là kẻ gieo rắc chiến tranh" .

Những nhà độc tài kết thúc theo cách khác .

"Lãnh tụ lặp lại rằng ông là con người của quyết định to tát... và rằng đây là lời mời chào cuối cùng của ông. Nếu họ [Chính phủ Anh] khước từ ý tưởng này, chiến tranh sẽ xảy ra" .

Trong buổi hội kiến, Hitler liên tục vạch ra rằng "những lời mời chào hào phóng mang tính toàn diện" của ông đối với Anh đi kèm một điều kiện: chỉ có hiệu lực "sau khi đã giải quyết vấn đề Đức-Ba Lan". Khi Henderson liên tục đáp lại rằng Anh chỉ xem xét đề xuất của Đức nếu cùng lúc có sự giải quyết hoà bình với Ba Lan, thì Hitler nói: "Nếu ông nghĩ lời mời chào này là vô dụng thì đừng gửi gì hết" .

Tuy nhiên, ngay sau khi Henderson trở về Đại sứ quán, Tiến sĩ Schmidt mang đến biên bản những lời phát biểu của Hitler – với nhiều đoạn được cắt bỏ – kèm theo tin nhắn của Lãnh tụ yêu cầu Henderson thúc giục Chính phủ Anh "xem xét lời mời chào thật nghiêm túc" và đề nghị chính ông này mang về, cùng với đó sẽ có một máy bay Đức phục vụ ông trong việc này .

Như người đọc đã đi đến đoạn này có thể nhận thấy, hiếm khi ta hiểu được cách làm việc lạ lùng và kỳ dị trong đầu óc nóng nảy của Hitler. "Lời mời chào" lố lăng ngày 25 tháng 8 nhằm đảm bảo Đế quốc Anh hiển nhiên là ý nghĩ đột xuất, vì 2 ngày trước ông không nói gì đến việc này với Henderson. Ngay cả sau khi đã xét qua tính cách loạn thần kinh của Hitler, khó mà tin rằng chính ông ta đang có ý nghiêm túc. Hơn nữa, làm thế nào mà Chính phủ Anh lại có thể "xem xét lời mời chào thật nghiêm túc" khi họ khó có thời gian đọc qua trước khi quân đội Quốc xã tràn qua Ba Lan vào ngày hôm sau, 26 tháng 8 như đã ấn định trước? Nhưng chắc chắn là phía sau "lời mời chào" ấy vẫn tồn tại những mục đích nghiêm túc. Dường như Hitler tin rằng mình cần mở ra cho Chamberlain – giống như cho Stalin – một lối thoát, mà theo đó đưa đất nước họ đứng ngoài chiến tranh. 2 ngày trước, ông mua chuộc tính trung lập của Stalin bằng cách mời chào Liên Xô được tự do hành động tại vùng Baltic. Liệu bây giờ ông có thể mua chuộc Anh để đừng can dự bằng cách trấn an Chamberlain rằng Đức không hề là mối đe doạ cho Anh không? Điều mà Hitler không nhận ra – và Stalin cũng thế nên phải trả giá đắt về sau – là cuối cùng Chamberlain đã mở mắt ra để thấy sự thống trị của Đức trên lục địa châu Âu sẽ là mối đe doạ lớn nhất đối với Đế quốc Anh – cũng như đối với Liên bang Xô Viết. Như Hitler ghi trong Mein Kampf, trong nhiều thế kỷ điều bắt buộc đầu tiên trong chính sách ngoại giao của Anh đã là ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào thống trị lục địa châu Âu .

Lúc 5 giờ 30 chiều, Hitler tiếp kiến Đại sứ Pháp Coulondre. Ông này nói với Hitler rằng, bằng lời nói danh dự của một quân nhân, ông chắc chắn rằng "nếu Ba Lan bị tấn công, Pháp sẽ đứng về phía Ba Lan với tất cả lực lượng" .

Hitler trả lời: "Tôi lấy làm đau khổ mà nghĩ đến việc phải chiến đấu với đất nước của ông, nhưng chuyện này không tuỳ thuộc vào tôi. Xin vui lòng nói với ông Daladier như thế" .

Lúc đó đã là 6 giờ chiều 25 tháng 8 tại Berlin. Bầu không khí trở nên khẩn trương trong suốt cả một ngày. Từ lúc xế chiều, mọi liên lạc với thế giới bên ngoài qua đường phát thanh, điện tín và điện thoại đều bị cắt. Đêm trước, những phóng viên và nhân viên dân sự không quan trọng cuối cùng của Anh và Pháp rời Berlin để đi đến biên giới gần nhất. Trong ngày này, Bộ Ngoại giao Đức gửi điện cho các Đại sứ quán và Lãnh sự quán Đức ở Ba Lan, Pháp và Anh yêu cầu công dân Đức rời khỏi những nước này nhanh nhất có thể. Nhật ký của tôi trong hai ngày 24 và 25 tháng 8 năm 1939 đã ghi lại bầu không khí khẩn trương ở Berlin. Thời tiết oi bức, mọi người đều căng thẳng. Nhiều ổ súng phòng không được dựng lên khắp thành phố và từng đoàn máy bay thả bom nối đuôi nhau trên bầu trời bay về hướng Ba Lan. Trong cả 2 đêm, những người Đức mà chúng tôi gặp trên khu Wilhelmstrasse đều thầm thì rằng Hitler đã ra lệnh cho Quân đội tiến vào Ba Lan lúc bình minh .

Chúng ta biết rằng lệnh được đưa ra là bắt đầu tấn công lúc 4 giờ 30 sáng Thứ Bảy, 26 tháng 8. Nhưng cho đến 6 giờ chiều 25 tháng 8 vẫn không có chuyện gì xảy ra. Chắc chắn không phải vì nguyên nhân 2 Đại sứ Henderson và Coulondre đã cảnh cáo rằng Anh và Pháp sẽ ủng hộ Ba Lan mà khiến cho Hitler phải chồn chân. Nhưng khoảng 6 giờ chiều hoặc ít lâu sau đó, tin tức từ London và Rome đưa đến khiến cho con người không hề biết run sợ ấy đã phải lưỡng lự .

Tài liệu mật của Đức và lời khai trước Toà án Nuremberg không cho biết chính xác lúc nào Hitler đã nhận được tin về việc ký kết hiệp ước Anh-Ba Lan. Nhưng có chứng cứ trong nhật ký của Halder và Sổ Đăng ký Hải quân cho thấy hiệp ước sẽ được ký vào trưa ngày 25 tháng 8. Sổ Đăng ký Hải quân ghi tin tức về hiệp ước Anh-Ba Lan và "thông tin từ Duce" đã được tiếp nhận từ lúc giữa trưa. Nhưng điều này là không thể được. 6 giờ chiều chính là dự đoán đúng .

Dù là vào lúc nào đi chăng nữa,nhưng Hitler hẳn đã cảm thấy rúng động. Đây có thể là cách Anh quốc đáp lại "lời mời chào" của ông. Điều này có nghĩa là ông đã thất bại trong ý đồ mua chuộc Anh. Tiến sĩ Schmidt, hiện diện trong văn phòng của Hitler khi báo cáo gửi đến, sau này nhớ lại rằng sau khi đọc qua, Hitler đã ngồi ủ ê ở bàn làm việc .

MUSSOLINI NHỤT CHÍ Nhưng Hitler cũng không ngồi ủ ê được lâu, vì lại có một tin xấu khác đến từ Rome. Cả buổi xế chiều, Hitler sốt ruột chờ đợi Mussolini trả lời bức thư của mình. Đại sứ Ý Attolico được hỏi nhưng cho biết chưa nhận được tin gì. Vào lúc này, đầu óc Hitler căng thẳng đến nỗi ông yêu cầu Ribbentrop gọi điện thoại đường dài cho Ciano, nhưng Ribbentrop không gọi được. Schmidt cho biết Attolico đã bị mời ra về "với rất ít phép lịch sự" .

Trong nhiều ngày, Hitler đã nhận được cảnh báo từ Rome rằng Ý có thể thoái lui vào thời khắc khẩn trương khi tấn công Ba Lan và tin báo này là có cơ sở. Sau khi hội kiến với Hitler và Ribbentrop vào các ngày từ 11 đến 13 tháng 8, Ciano tan vỡ ảo tưởng trở về, rồi nỗ lực thay đổi quan điểm của Mussolini để chống lại Hitler. Việc này không thoát khỏi sự dòm ngó của Đại sứ quán Đức ở Rome. Nhật ký của Ciano ghi đầy những thăng trầm trong nỗ lực của ông nhằm giúp Mussolini nhìn thấy ánh sáng và tránh xa khỏi cuộc chiến của Hitler. Ciano cố thuyết phục Mussolini rằng người Đức "đã phản bội ta, dối trá với ta" và "đang lôi kéo ta vào con đường phiêu lưu" .

Phản ứng của Mussolini thay đổi thất thường: có lúc đồng ý với Ciano, có lúc muốn theo Hitler vì danh dự và có lúc ông lại muốn phân chia lãnh thổ ở Croatia và Dalmatia. Ngày hôm nay, ông nghĩ rằng không nên mù quáng mà theo Hitler, nhưng đến ngày kế ông lại vẫn tin các nước dân chủ sẽ không tham chiến và Đức có thể thắng một cách dễ dàng, vì thế ông không muốn đứng ngoài .

Ciano ghi vào nhật ký: 21 tháng 8 – Hôm nay tôi đã nói rất rõ... Khi tôi bước vào phòng, Mussolini đã xác nhận quyết định của mình về mối quan hệ với Đức. 'Duce không thể và không nên làm chuyện ấy... Tôi đã đi Salzburg để đạt thoả thuận chung cho hành động. Tôi thấy mình đang đối mặt với một kẻ độc tài. Người Đức chứ không phải chúng ta đã phản bội nhóm liên minh... Hãy xé bỏ hiệp ước. Ném nó vào mặt Hitler!...' Kết quả của cuộc trao đổi này là Ciano phải đến gặp Ribbentrop vào ngày hôm sau để thông báo là Ý sẽ đứng ngoài cuộc xung đột khởi phát từ việc Đức tấn công Ba Lan. Ribbentrop trả lời là muốn thay đổi địa điểm cuộc hội kiến, vì ông chuẩn bị đi Moscow để ký một hiệp ước chính trị với Chính phủ Xô Viết .

Cả Ciano và Mussolini đều kinh ngạc. Họ quyết định là cuộc hội kiến giữa hai ngoại trưởng "không còn đúng lúc". Một lần nữa, Đồng minh Đức của họ tỏ thái độ khinh thường họ khi không thông báo gì về sự thoả thuận với Liên Xô .

Đức đã biết được thái độ lưỡng lự của Mussolini, tư tưởng chống Đức của Ciano và khả năng Ý thoái lui trước nghĩa vụ thể theo Điều III của Hiệp ước Thép, đòi hỏi một bên phải tự động tham gia chiến tranh nếu bên kia can dự vào hành động thù nghịch với một nước khác .

Ngày 20 tháng 8, Bá tước Count Massimo Magistrati, Đại biện lâm thời ở Berlin, đến gặp Weizsaecker ở Bộ Ngoại giao Đức, rồi Weizsaecker báo cáo cho Ribbentrop qua một bản ghi nhớ mật về "trạng thái tinh thần Ý mà cho dù tôi không lấy làm lạ, nhưng ta vẫn nên xem xét". Magistrati than phiền rằng Đức đã không tuân thủ các điều khoản của liên minh vốn yêu cầu liên lạc chặt chẽ và tham khảo về những vấn đề lớn, lại còn xem sự xung đột với Ba Lan là chuyện riêng của Đức. Tóm lại, Ý đang tìm đường thoát ra .

2 ngày sau, 23 tháng 8, Đại sứ Đức tại Ý, Hans Georg von Mackensen, báo cáo cho Weizsaecker về chuyện gì xảy ra "ở hậu trường". Quan điểm của Ý là nếu Đức xâm lăng Ba Lan thì họ sẽ vi phạm Hiệp ước Thép, vì Hiệp ước này quy định hoãn chiến tranh cho đến 1942. Hơn nữa, ngược lại với quan điểm của Đức, Mussolini chắc chắn rằng nếu Đức tấn công Ba Lan thì Anh và Pháp sẽ can thiệp "rồi Hoa Kỳ cũng thế sau vài tháng". Trong khi Đức cố phòng ngự ở phía Tây, thì Pháp và Anh... "theo ý kiến của Duce, sẽ đổ xuống Ý với tất cả sức mạnh họ có. Trong cuộc chiến này, Ý sẽ gánh chịu toàn bộ gánh nặng của chiến tranh nhằm tạo cơ hội cho Đế chế thanh toán vấn đề ở miền Đông..." Chính vì những cảnh báo như thế mà vào sáng 25 tháng 8, Hitler gửi thư cho Mussolini và cả ngày sốt ruột chờ đợi phúc đáp .

Khi Đại sứ Đức tại Ý – Mackensen – trao thư của Hitler cho Mussolini vào ngày 25 tháng 8, Mussolini vẫn đang tin chắc rằng Anh và Pháp sẽ lập tức tham chiến. Kết quả cho Ý sẽ là thê thảm vì Ý không thể chống cự lại Hải quân Anh, còn Lục quân Ý sẽ bị Lục quân Pháp đánh bại.Thế nhưng theo như báo cáo của Mackensen gửi về Berlin, sau khi đọc bức thư của Hitler 2 lần với sự hiện diện của ông, thì Mussolini lại tỏ ý "đồng ý hoàn toàn" về Hiệp ước Quốc xã-Liên Xô và nhận thức rằng "không còn có thể tránh được xung đột vũ trang với Ba Lan". Cuối cùng, Mackensen báo cáo: "Và ông ấy nhấn mạnh điều này, ông ấy ủng hộ ta vô điều kiện với tất cả nguồn lực của mình" .

Nhưng vị đại sứ không biết rằng đây không phải là nội dung trong thư Mussolini trả lời Hitler. Lá thư thật là do Ciano chuyển cho Attolico và ông này đích thân trao cho Hitler vào "khoảng 6 giờ chiều". Theo Tiến sĩ Schmidt, hiệu ứng của lá thư này như là một quả bom tấn đối với Hitler .

Sau khi bày tỏ sự "chấp thuận hoàn toàn" về Hiệp ước Quốc xã-Xô Viết và tỏ ý "thông cảm về việc Ba Lan", Mussolini đi vào vấn đề chính: Về thái độ thực tế của Ý trong trường hợp có hành động quân sự, quan điểm của tôi là như sau: Nếu Đức tấn công Ba Lan và cuộc xung đột chỉ là cục bộ, Ý sẽ hỗ trợ mọi mặt về chính trị và kinh tế nếu được yêu cầu .

Nếu Đức tấn công Ba Lanvà Đồng minh của Ba Lan mở cuộc phản công chống lại Đức, tôi báo trước với anh rằng tôi sẽ phải thức thời mà không lấy thế chủ động về quân sự, vì phải xét qua tình trạng chuẩn bị chiến tranh hiện tại của Ý, mà tôi đã nhiều lần thông báo kịp thời với các anh, Lãnh tụ và ông von Ribbentrop .

Tuy vậy Ý có thể can thiệp tức thời nếu Đức chuyển giao ngay cho Ý hàng hậu cần và nguyên vật liệu để chống lại cuộc tấn công mà Anh và Pháp sẽ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất nước của chúng tôi .

Trong các cuộc hội kiến giữa chúng ta, đã có những dự định chiến tranh là vào năm 1942 và lúc ấy tôi sẽ sẵn sàng trên mặt đất, trên không và trên mặt biển, theo những kế hoạch đã đề ra .

Tôi còn có ý kiến là các biện pháp quân sự thuần túy đã diễn ra và các biện pháp sau này có thể sẽ khiến cho Pháp và Anh huy động những lực lượng đáng kể ở châu Âu và châu Phi .

Tôi thấy có bổn phận là người bạn trung thành để nói với anh tất cả sự thật và báo trước cho anh tình hình thực tế. Nếu không làm thế sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho tất cả chúng ta... Thế là, tuy Đức thu phục được Nga trở thành trung lập thân thiện thay vì hiếu chiến, nhưng Đồng minh của Đức trong Hiệp ước Thép lại rút lui, đúng vào ngày Anh ký kết hiệp ước với Ba Lan .

Tiến sĩ Schmidt nghe Hitler càu nhàu một cách cay đắng: "Người Ý đang hành xử giống như là họ đã làm vào năm 1914"và buổi tối ấy, Phủ Thủ tướng vang đầy những tiếng vọng nói về "đồng minh Phe Trục bất trung". Nhưng chỉ có lời nói thì không đủ: trong 9 tiếng đồng hồ nữa Quân đội Đức sẽ tiến công, lúc 4 giờ rưỡi sáng ngày 26 tháng 8. Bị Chamberlain và Mussolini ép vào chân tường, Hitler đành phải nhanh chóng quyết định vẫn tấn công hay sẽ hoãn lại .

Halder ghi vào nhật ký: "Lãnh tụ tỏ ra khá bàng hoàng", rồi ghi tiếp: 7 giờ rưỡi tối – Phê chuẩn hiệp ước giữa Anh và Ba Lan. Không nổ ra hành động thù địch. Sẽ ngừng lại mọi sự chuyển quân, ngay cả gần biên giới nếu không có cách nào khác .

8 giờ 35 tối – Keitel xác nhận [tin ngừng chuyển quân]. Canaris: thu hồi lệnh giới hạn liên lạc điện thoại với Anh và Pháp. Xác nhận diễn tiến các sự kiện .

Hải quân Đức ghi rõ hơn về việc ngừng động binh, với cùng lý do: 25 tháng 8 sẽ ngừng lại Phương án Màu Trắng lúc 20 giờ 30 vì tình hình chính trị đã thay đổi (Hiệp ước Trợ giúp Tương hỗ Anh-Ba Lan ngày 25 tháng 8, trưa, cùng với tin tức từ Duce rằng ông sẽ giữ lời hứa nhưng xin cung cấp một lượng lớn nguyên vật liệu.) 3 bị cáo tại Toà án Nuremberg khai khác nhau về việc hoãn cuộc tấn công. Ribbentrop khai rằng khi sau nghe tin về Hiệp ước Anh-Ba Lan và "nghe" về "những động thái quân sự chống Ba Lan đã được triển khai" (như thể ông không biết gì về kế hoạch tấn công), thì ông "lập tức" thúc giục Hitler hoãn việc xâm lăng Ba Lan và "Lãnh tụ đã đồng ý ngay". Điều này là chắc chắn không đúng .

Lời khai của Keitel và Goering có vẻ trung thực hơn. Keitel nói: "Tôi bất ngờ được Hitler gọi đến Phủ Thủ tướng và ông ấy nói: 'Dừng ngay mọi việc. Gọi ngay Brauchitsch. Tôi cần thời gian để đàm phán'" .

Goering xác nhận việc Hitler vẫn còn tin rằng có thể đàm phán để thoát khỏi bế tắc: "Vào ngày Anh chính thức đảm bảo cho Ba Lan, Lãnh tụ gọi điện cho tôi và bảo rằng ông ấy đã cho dừng lại cuộc xâm lăng Ba Lan. Tôi hỏi ông ấy việc này là chỉ là tạm thời hay vĩnh viễn. Ông ấy nói: 'Tôi sẽ xem liệu có thể loại ra sự can thiệp của Anh hay không'" .

Dù việc Mussolini rời bỏ hàng ngũ vào phút cuối là đòn đau cho Hitler, nhưng các lời khai trên cho thấy chính việc Anh khi ký kết hiệp ước trợ giúp hỗ tương với Ba Lan mới là hành động đã gây ảnh hưởng mạnh nhất khiến cho Hitler phải hoãn lại cuộc tấn công. Tuy thế điều lạ lùng là chính vào ngày này, sau khi Đại sứ Henderson cảnh báo lần nữa với Hitler rằng Anh sẽ tham chiến nếu Ba Lan bị tấn công và sau khi Chính phủ Anh long trọng cam kết việc này trong một hiệp ước chính thức, Hitler vẫn tin rằng mình có thể "loại ra sự can thiệp của Anh" .

Vẫn còn một số việc cần làm để Đức ngừng động binh vào buổi tối 25 tháng 8, vì lẽ một số đơn vị đã bắt đầu di chuyển. Ở Đông Phổ, lệnh bãi bỏ tấn công được đưa đến Quân đoàn I của Tướng Petzel lúc 9 giờ 37 tối. Và chỉ sau khi vài sĩ quan hộc tốc chạy đến những đơn vị tiền phương, thì việc động binh mới ngừng lại. Riêng những đội hình cơ giới của Tướng von Kleist ở miền Nam thì đã bắt đầu tiến đến biên giới Ba Lan và 1 sĩ quan tuỳ viên đi máy bay thám thính đã đến để ra lệnh dừng lại. Trong vài khu vực, chỉ sau khi nổ súng, lệnh dừng tấn công mới đến nơi, nhưng vì Quân đội Đức đã gây ra nhiều sự cố dọc biên giới trong vài ngày qua, nên phía Ba Lan cũng không biết thật sự chuyện gì đã xảy ra. Quân Ba Lan báo cáo ngày 26 tháng 8 là nhiều "đội quân Đức" đã tràn qua biên giới, đồng thời tấn công các lô cốt và trạm hải quan với súng máy và lựu đạn và rằng "trong 1 trường hợp, đó là một bộ phận của quân chính quy" .

Những "người âm mưu" vui mừng và hoang mang .

Việc Hitler bãi bỏ tấn công Ba Lan khiến cho những người âm mưu ở Cục Quân báo vui mừng tột độ. Đại tá Hans Oster báo tin cho Schacht và Givesius, kêu lên: "Lãnh tụ đã thân bại danh liệt!" Canaris có vẻ như lên tận chín tầng mây: "Hitler sẽ không bao giờ qua nổi đòn này. Hoà bình đã được cứu vãn trong 20 năm tới". Cả hai người đều nghĩ rằng không cần phải màng đến việc lật đổ nhà độc tài Quốc xã nữa vì sự nghiệp của ông ta xem như đã chấm dứt .

Trong nhiều tuần của mùa hè này, nhóm âm mưu đã hành động khá tất bật, tuy chính xác với mục đích gì thì khó mà hiểu được. Họ đi Anh để cảnh báo Chamberlain, Halifax và ngay cả Churchill rằng Hitler đang trù định tấn công Ba Lan vào cuối tháng Tám. Chính họ thấy rằng người Anh, kể cả Chamberlain đã thay đổi chính kiến như thế nào, đồng thời điều kiện mà họ đặt ra để lật đổ Hitler – là Anh và Pháp tuyên bố chống lại hành động quân sự mới của Quốc xã – đã được thực hiện. Thế thì, họ còn muốn gì thêm nữa? Qua tài liệu để lại, vẫn không ai biết rõ và có cảm tưởng rằng chính họ cũng không biết rằng mình đang muốn gì. Dù là có thiện chí, nhưng họ vẫn hoang mang trầm trọng và tê liệt vì cảm giác như mọi việc đang đi vào ngõ cụt. Hitler đã hoàn toàn khống chế cả nước Đức – Quân đội, Cộng sản, chính quyền và dân chúng – đến nỗi họ không thể nghĩ ra cách nào tháo gỡ hoặc làm lũng đoạn sự khống chế như thế .

Ngày 15 tháng 8, Hassell đến thăm Tiến sĩ Schacht, cựu Bộ trưởng Kinh tế bị bãi nhiệm. Hassell ghi vào nhật ký của mình: "Quan điểm của Schacht là ta không thể làm được gì, ngoài việc mở to mắt ra để theo dõi tình hình và chờ đợi cho các sự kiện đi theo con đường không tránh khỏi" .

Hassell cũng nói với Gisevius rằng ông "cũng có ý định hoãn lại hành động trực tiếp trong một thời gian" .

Nhưng "hành động trực tiếp" nào phải bị hoãn lại? Tướng Halder, người cũng có ý muốn đập tan Ba Lan như Hitler, vào lúc này lại không quan tâm đến việc lật đổ nhà độc tài nữa. Tướng von Witzleben, người năm ngoái đã được cử đi chỉ huy binh sĩ nhằm lật đổ Hitler, bây giờ lại là tư lệnh một tập đoàn quân ở phía Tây và vì thế không thể hành động ở Berlin ngay cả nếu ông muốn. Nhưng liệu ông có muốn không? Gisevius đến thăm ông tại tổng hành dinh của ông, thấy ông đang nghe tin tức của đài BBC và chẳng bao lâu nhận ra rằng ông chỉ muốn biết những gì đang diễn ra .

Về phần tướng Halder, đang bận rộn chuẩn bị kế hoạch tấn công Ba Lan nên không còn nghĩ gì đến việc lật đổ Hitler nữa. Trước Toà án Nuremberg, ông được hỏi tại sao mình và nhóm chống chế độ Quốc xã không làm gì vào cuối tháng Tám và qua đó cứu nước Đức khỏi thảm hoạ chiến tranh. Ông đáp: "Không có khả năng". Tại sao? Bởi vì Tướng von Witzleben đã được thuyên chuyển về phía Tây. Nếu không có Witzleben, Quân đội không thể hành động .

Còn về dân Đức thì sao? Khi nghe Halder nói dân Đức chống chiến tranh, Đại uý Sam Harris của Quân đội Mỹ, người thẩm vấn ông, đã hỏi: "Nếu Hitler nhất quyết muốn gây chiến tranh, tại sao ông không dựa trên sự ủng hộ của quần chúng?" Halder: "Ông phải thứ lỗi nếu tôi cười. Nếu tôi nghe chữ 'nhất quyết' liên quan đến Hitler, tôi phải nói rằng chẳng có gì là nhất quyết cả". Rồi ông giải thích thêm rằng mãi cho đến ngày 22 tháng 8, sau khi Hitler tiết lộ cho tướng lĩnh nghe kế hoạch "nhất quyết" tấn công Ba Lan, bản thân ông vẫn không tin Lãnh tụ sẽ làm như lời nói. Xét qua những gì Halder ghi vào nhật ký trong những ngày này, câu nói trên quả là lạ lùng. Nhưng đó là điều thông thường không những của Halder mà còn là của hầu hết nhóm âm mưu .

Tướng Beck, cựu Tham mưu trưởng Lục quân và được xem là người cầm đầu nhóm chống đối, lúc đó đang ở đâu? Theo Gisevius, Beck gửi một bức thư cho Tư lệnh Lục quân Brauchitsch nhưng ông này không hề đáp nhận. Gisevius kể rằng, kế tiếp Beck có buổi nói chuyện dài với Halder. Ông này đồng ý là một cuộc chiến lớn có thể huỷ hoại Đức nhưng nghĩ rằng "Hitler sẽ không bao giờ cho phép chiến tranh xảy ra" và rằng vì lý do đó nên vào lúc này không cần thiết phải lật đổ ông ta .

Ngày 14 tháng 8, Hassell dùng bữa tối với Beck và ghi vào nhật ký: "Beck là người có văn hoá, có tính thu hút và thông minh nhất mà tôi từng biết. Không may là giới lãnh đạo quân sự không nghĩ tốt lắm về ông. Vì lý do này, ông không thể tìm ra đất đứng. Ông tin chắc rằng chính sách Đế chế Thứ Ba mang tính chất nguy hiểm" .

nghĩ của Beck và của nhóm xung quanh ông là cao quý, nhưng khi Adolf Hitler chuẩn bị ném nước Đức vào chiến tranh, không một ai trong nhóm người đáng kính này làm gì để ngăn chặn ông ta. Hiển nhiên việc này là khó khăn và có lẽ đến thời khắc muộn màng này là không thể được. Nhưng họ đã không cố gắng .

Có lẽ Tướng Thomas, Tổng cục trưởng Kinh tế và Vũ trang của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, đã cố gắng. Sau bản ghi nhớ mà ông soạn và đích thân đọc lên cho Tướng Keitel vào giữa tháng Tám, ông đi đến gặp Keitel để "trao cho ông ấy bằng chứng thống kê đính kèm bảng biểu... chỉ ra rằng các cường quốc phương Tây có tiềm năng vượt trội về quân sự và kinh tế. Với sự can đảm khác thường, Keitel mang tài liệu trình cho Hitler xem. Ông này trả lời rằng mình không chia sẻ "nỗi lo của Tướng Thomas về hiểm hoạ của chiến tranh thế giới, đặc biệt là vì bây giờ ông đã kéo Liên Xô về phía mình" .

Thế là chấm dứt những cố gắng của "nhóm âm mưu" nhằm ngăn chặn Hitler khởi động Thế chiến II, ngoại trừ nỗ lực vào phút chót của Tiến sĩ Schacht, mà ông dựa vào đó để biện hộ cho mình trước Toà án Nuremberg. Vào tháng 8 năm 1939 ông gửi thư cho Hitler, Goering và Ribbentrop – đây là một thời điểm gay cấn, nhưng các nhà lãnh đạo phe chống đối chỉ biết viết thư và bản ghi nhớ – và như ông kể sau này, ông "rất ngạc nhiên" không nhận được phúc đáp .

Kế đến, ông quyết định đi Zossen, cách Berlin vài dặm về hướng Đông Nam, nơi Bộ Tư lệnh Lục quân thiết lập tổng hành dinh cho chiến dịch Ba Lan và đích thân gặp Brauchitsch. Để nói gì? Trước Toà án Nuremberg Schacht giải thích ông định nói với Tư lệnh Lục quân rằng khởi động chiến tranh mà không thông qua Nghị viện là trái với Hiến pháp! Vì thế nhiệm vụ của Tư lệnh Lục quân là tôn trọng lời tuyên thệ của ông ấy đối với Hiến pháp! Hỡi ôi, cuối cùng Tiến sĩ Schacht đã không bao giờ gặp Brauchitsch! Canaris cảnh cáo nếu ông này đi gặp, vị Tư lệnh Lục quân "có lẽ sẽ ra lệnh bắt giữ chúng ta lập tức" – một số phận mà người từng ủng hộ Hitler thấy không hề hấp dẫn. Nhưng Gisevius giải thích lý do thật sự khiến Schacht không đi nói ra chuyện kỳ quái ấy (việc yêu cầu Nghị viện bù nhìn phê chuẩn là trò trẻ con đối với Hitler, đến nỗi khi phát động chiến tranh, ông cũng chẳng màng đến thủ tục ấy). Có vẻ như Schacht đã bãi bỏ chuyến đi khi Hitler ra lệnh bãi bỏ tấn công Ba Lan. Cũng theo Gisevius, 3 ngày sau ông định đi nhưng Canaris khuyên ông là đã quá muộn. Không phải là các nhà âm mưu đã lỡ chuyến tàu, mà thậm chí họ chẳng bao giờ đi đến nhà ga để tìm cách lên tàu .

Các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng bất lực như nhúm người Đức chống Quốc xã. Ngày 24 tháng 8, Tổng thống Roosevelt gửi thư khác cho Hitler và Tổng thống Ba Lan, thúc giục 2 người giải quyết bất đồng mà không phải dùng đến vũ lực. Tổng thống Moscicki, trong thư trả lời có tự trọng, nhắc cho Roosevelt rõ rằng không phải Ba Lan "soạn ra yêu sách và đòi hỏi nhượng bộ", tuy thế Ba Lan vẫn sẵn sàng giải quyết tranh chấp với Đức qua cách đàm phán hoặc hoà giải trực tiếp. Còn Hitler thì đã không trả lời. (Roosevelt đã nhắc Hitler là ông không nhận được câu trả lời vào tháng Tư vừa rồi) .

Ngày hôm sau, 25 tháng 8, Roosevelt gửi lá thư thứ hai, báo tin cho Hitler về lời phúc đáp dàn hoà của Moscicki và cầu khẩn Hitler "đồng ý cách thức hoà hoãn để giải quyết mà Chính phủ Ba Lan đã chấp nhận" .

Lá thư thứ hai cũng không được trả lời. Đại biện lâm thời Mỹ tại Đức được yêu cầu thông báo với Roosevelt là Lãnh tụ đã nhận được 2 bức thư và đã giao cho Bộ trưởng Ngoại giao để Chính phủ xem xét .

Giáo hoàng lên đài phát thanh ngày 24 tháng 8 nhằm kêu gọi hoà bình. Vào buổi chiều 31 tháng 8, ông gửi những bức thư có nội dung giống nhau cho các Chính phủ Đức, Ba Lan, Ý, Anh và Pháp để "cầu khẩn, nhân danh Chúa, các Chính phủ Đức và Ba Lan... tránh gây ra bất kỳ sự cố nào", đồng thời yêu cầu các Chính phủ Anh, Pháp và Ý hỗ trợ lời kêu gọi của ông .

Vài ngày trước, 23 tháng 8, Vua Bỉ đã thay mặt cho các nhà lãnh đạo của Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Phần Lan và 3 nước Scandinavia (Thuỵ Điển, Na Uy và Đan Mạch) phát thanh kêu gọi hoà bình. Ngày 28 tháng 8, Vua Bỉ và Nữ hoàng Hà Lan cùng đề nghị giúp đỡ "trong niềm hy vọng tránh chiến tranh" .

Tuy những lời kêu gọi này có tính chất cao quý về cách thức và ý định, nhưng bây giờ khi đọc lại người ta lại thấy có điều gì đó không thực tế và thậm chí còn có phần thảm bại. Như thể là Tổng thống Mỹ, Giáo hoàng và vua chúa các nước dân chủ Bắc Âu sống trong một hành tinh khác hơn là hành tinh có Đế chế Thứ Ba. Họ thấu hiểu những gì đang xảy ra ở Berlin không hơn những hiện tượng diễn ra trên Sao Hỏa. Họ không biết gì về đầu óc, cá tính và mục tiêu của Adolf Hitler, cũng như không hiểu gì về người Đức – những người Đức sẵn sàng đi theo ông này một cách mù quáng mà không cần biết đi đâu và đi như thế nào, cũng không màng đến đạo đức, danh dự, hoặc tư tưởng của Cơ Đốc giáo về nhân bản. Vì sự kém hiểu biết này, các dân tộc được lãnh đạo bởi Roosevelt và các vương triều của Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Na Uy và Đan Mạch sẽ phải trả giá đắt trong những tháng tới .

Những người như cánh phóng viên chúng tôi có mặt ở Berlin trong những ngày cuối cùng căng thẳng của hoà bình và đang cố gắng truyền tải tin tức ra thế giới bên ngoài đều biết rất ít về những gì đang diễn ra ở khu Wilhelmstrasse, nơi toạ lạc Phủ Thủ tướng và Bộ Ngoại giao, hoặc ở khu Bendlerstrasse, nơi đặt những doanh trại quân đội. Hàng ngày, chúng tôi phải gạn lọc một đống những lời đồn đại, tin mật báo và các thông tin sai lạc được cố ý cài vào. Những lời nói trong các cuộc hội kiến giữa Đại sứ Henderson và Hitler hoặc Ribbentrop, những gì được trao đổi bằng văn bản giữa Hitler và Chamberlain, giữa Hitler và Mussolini, giữa Hitler và Stalin, những điều trao đổi giữa Ribbentrop và Molotov, giữa Ribbentrop và Ciano, những nội dung trong văn bản mã hoá truyền đi qua các đường dây điện tín giữa các quan chức, mọi động thái mà các chỉ huy quân sự trù định hoặc thi hành – tất cả những sự kiện này chúng tôi và quần chúng đều hầu như mù tịt vào thời gian ấy .

Dĩ nhiên là có đôi điều mà chúng tôi và quần chúng vẫn được biết. Chúng tôi biết rằng trước khi ký kết Hiệp ước Quốc xã-Xô Viết, Henderson đã bay đến Berchtesgaden để nhấn mạnh với Hitler là hiệp ước sẽ không ngăn cản Anh đảm bảo cho Ba Lan. Khi bắt đầu tuần lễ cuối của tháng 8 năm 1939, chúng tôi ở Berlin đều biết rằng chiến tranh là điều không tránh khỏi và sẽ bùng nổ trong vài ngày tới – trừ phi có một Hội nghị Munich khác .

Vào ngày 25 tháng 8, những dân thường Anh và Pháp cuối cùng đã rời khỏi nước Đức. Ngày hôm sau, có tin chính thức bãi bỏ Đại hội Đảng ở Tannenberg dự trù diễn ra vào ngày 27 tháng 8 .

Ngày 27 tháng 8, chính quyền thông báo thiết lập chế độ phân phối thực phẩm, xà bông, giày dép, vải vóc và than đá. Thông báo này, hơn tất cả, đã khiến cho người Đức bừng tỉnh về hiểm hoạ chiến tranh sắp đến và những lời ta thán của họ dần trở nên công khai. Ngày 28 tháng 8, người dân Berlin ngắm nhìn binh sĩ từ thành phố tiến về hướng Đông. Họ được chuyên chở trên xe tải, xe chở hàng tạp hoá và mọi loại xe cộ có thể huy động được .

Tôi còn nhớ thời tiết trở nên oi bức hơn trong những ngày cuối tuần ấy. Dù cho chiến tranh đang đến gần, nhưng phần đông người dân Berlin vẫn đi chơi ở những vùng hồ và rừng cây xung quanh thành phố. Khi trở về vào buổi tối Chủ nhật, họ nghe đài phát thanh loan báo có một buổi họp kín, không chính thức của Nghị viện tại Dinh Thủ tướng. Hãng thông tấn DNB của Đức cho biết "Lãnh tụ đã vạch ra mức độ nghiêm trọng của tình hình". Đó là lần đầu tiên công chúng Đức được Hitler cho biết thời khắc này là nghiêm trọng. Không có chi tiết nào khác về buổi họp, không ai ngoài Nghị viện và nhóm tháp tùng Hitler biết gì về thái độ của Hitler ngày ấy. Sau đó khá lâu, Đại tá Oster mới cho Halder biết đôi điều và ông này ghi vào nhật ký: "Hội nghị tại Dinh Thủ tướng lúc 5 giờ 30 chiều. Nghị viện và một số nhân viên cấp cao của Đảng... Tình hình là nghiêm trọng. Nhất định sẽ giải quyết vấn đề phía Đông bằng cách này hay cách khác. Đòi hỏi tối thiểu: trả lại Danzig, dàn xếp vấn đề Hành lang [Ba Lan]. Đòi hỏi tối đa: 'Tùy thuộc vào tình hình quân sự'. Nếu đòi hỏi tối thiểu không đạt được, thì chiến tranh: Tàn khốc! Ông ấy sẽ đích thân ra tuyến đầu... Chiến tranh là khó khăn, có lẽ là vô vọng, 'Ngày nào mà tôi còn sống thì tôi sẽ không nói đến đầu hàng'. Nhiều Đảng viên hiểu sai lạc về Hiệp ước Xô Viết .

Ấn tượng cá nhân về Lãnh tụ: kiệt sức, hốc hác, giọng khàn, tâm trí lo lắng. 'Bây giờ giữ quanh mình toàn là những cố vấn S.S. của ông'." Người nước ngoài ở Berlin cũng nhận ra cách thức mà báo chí, dưới quyền chỉ đạo chuyên nghiệp của Goebbels, đang lừa dối người dân Đức cả tin. Trong 6 năm, từ khi Quốc xã "điều phối" các tờ nhật báo, có nghĩa là dập tắt tự do báo chí, thì người dân đã bị cắt đứt khỏi sự thật của những gì diễn ra trên thế giới. Trong một thời gian, một số tờ báo tiếng Đức xuất bản ở Thuỵ Sĩ được bày bán ở những sạp báo lớn ở Đức và các báo này đều đăng tải những tin tức khách quan. Nhưng trong những năm gần đây, việc bày bán bị cấm đoán hoặc hạn chế còn vài tờ. Đối với người Đức có thể đọc tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, thỉnh thoảng lại có vài tờ báo xuất bản ở London hoặc Paris, nhưng chúng chỉ đến tay một nhúm người .

Tôi ghi vào nhật ký ngày 10 tháng 8 năm 1939: "Dân Đức sống trong một thế giới hoàn toàn cô lập. Chỉ nhìn thoáng qua các nhật báo hôm qua và hôm nay là thấy ngay điều đó" .

Sau thời gian ngắn đi Washington, New York và Paris, tôi trở về Đức và thấy như mình đi vào một thế giới khác. Sau khi đến Berlin ngày 10 tháng 8, tôi ghi thêm: "Trong khi cả phần còn lại của thế giới đều cho rằng Đức sắp phá vỡ nền hoà bình, rằng Đức đang đe doạ tấn công Ba Lan..., thì các nhật báo trong nước của Đức đều đăng tải điều ngược lại. Các tờ báo Quốc xã loan tin như thế này: Chính Ba Lan là nước đang làm khuấy động nền hoà bình của châu Âu, Ba Lan đang đe doạ tấn công vũ trang Đức" .

Cho đến ngày 27 tháng 8, dĩ nhiên là báo chí Đức vẫn không đăng tải gì về việc động binh, dù Đức đã động binh cả nửa tháng nay .

SÁU NGÀY CUỐI CÙNG CỦA HOÀ BÌNH Sau khi Hitler bình tâm lại từ cú sốc do bức thư của Mussolini buổi tối 25 tháng 8 và từ tin ký kết hiệp ước Anh-Ba Lan khiến cho ông phải hoãn tấn công Ba Lan vào ngày kế, Hitler đã gửi một bức thư cụt lủn cho Mussolini, hỏi "ông cần khí tài và nguyên vật liệu gì và trong thời gian nào" để Ý có thể "tham gia một cuộc xung đột châu Âu lớn". Ribbentrop đích thân chuyển bức thư qua đường điện thoại cho Đại sứ Đức tại Ý để trao cho Mussolini .

Mussolini cùng với tư lệnh các quân chủng Ý soạn một danh mục yêu cầu gồm xăng dầu, than đá, thép, gỗ, molybden, titan, zirconi, súng phòng không. Theo ngôn từ của Ciano, người giúp soạn ra danh mục, đó là "đủ để giết một con bò mộng – nếu con bò mộng đọc được danh mục đó". Thư yêu cầu được đưa đến Hitler ngày 26 tháng 8 .

Bức thư này không đơn giản chỉ là một danh mục dài những thứ cần thiết. Vào lúc này, Mussolini hiển nhiên là muốn thoát khỏi nghĩa vụ đối với Đức và Hitler thấy rõ điều ấy .

Đại sứ Attolico, người chống chiến tranh và đặc biệt chống Ý về phe Đức, nhấn mạnh với Hitler rằng "phải đưa đến Ý mọi vật liệu trước khi bắt đầu xung đột" và rằng yêu cầu này là "dứt khoát" .

Việc này khiến cho Đức khó chịu và tăng thêm sự hoang mang ở Rome. Ciano đã đứng ra giải quyết việc này. Attolico nói với Ciano rằng ông đòi hỏi mọi vật liệu trước khi bắt đầu xung đột "nhằm khiến cho Đức nản chí". Chuyển giao 13 triệu tấn hàng trong vài ngày là hoàn toàn bất khả thi, nên Mussolini đã xin lỗi Đại sứ von Mackensen vì sự "hiểu nhầm" này, đồng thời nhận xét rằng "thậm chí Thượng đế toàn năng cũng không thể vận chuyển khối lượng như thế trong vài ngày. Ông đã không nghĩ ra điều đó khi nêu yêu cầu vô lý như vậy" .

Trong vòng 3 tiếng đồng hồ, Hitler đã gửi 1 thư dài để trả lời Mussolini, cho biết không thể cung cấp vài loại vật liệu. Dù sao đi nữa, việc Attolico đòi hỏi đưa đến vật liệu trước khi nổ ra xung đột là "không thể được" .

Và bây giờ, cuối cùng, Hitler mới chịu tiết lộ với người bạn và Đồng minh về mục đích thật sự và trước mắt: "Vì lý do cả Pháp lẫn Anh đều không thể đạt thắng lợi quyết định ở phía Tây và Đức, nhờ có Hiệp ước với Nga, sẽ tập trung mọi lực lượng ở phía Đông sau khi Ba Lan bại trận... nên tôi không muốn chối bỏ trách nhiệm giải quyết vấn đề phía Đông, ngay cả khi có rủi ro gặp chuyện phức tạp ở phía Tây .

Duce, tôi hiểu tình cảnh của anh và chỉ yêu cầu anh cầm chân các lực lượng Anh-Pháp bằng cách tuyên truyền tích cực và diễu hành quân sự như anh đã từng đề nghị với tôi" .

Đây là chứng cớ đầu tiên trong thư khố của Đức cho thấy 24 giờ sau khi bãi bỏ tấn công Ba Lan, Hitler đã lấy lại tự tin và đang khởi động lại kế hoạch "ngay cả khi có rủi ro" chiến tranh với phương Tây .

Cùng tối ấy, Mussolini vẫn cố gắng khuyên giải Hitler từ bỏ ý định qua bức thư ông gửi cho Hitler .

"Tôi tin chuyện hiểu lầm giữa chúng ta sẽ được giải toả lập tức... Đó là những gì tôi yêu cầu, ngoại trừ súng phòng không, có thể được giao trong vòng 12 tháng. Nhưng tuy đã giải toả hiểu lầm, hiển nhiên là anh không thể trợ giúp tôi về mặt vật chất nhằm bù đắp đủ những hao hụt khí tài to tát của Ý do các cuộc chiến ở Ethiopia và Tây Ban Nha gây ra" .

Nhưng Mussolini vẫn nghĩ nên xem xét những khả năng cho một Hội nghị Munich khác .

"... Tôi muốn nhắc lại... vì lợi ích của 2 dân tộc và của 2 chế độ chúng ta, nên có 1 cơ hội cho giải pháp chính trị, tôi thấy điều này là có khả năng và thoả đáng về mặt tinh thần và vật chất cho Đức" .

Như các tài liệu bây giờ chỉ rõ, nhà độc tài Ý mong mỏi hoà bình chủ yếu là bởi vì ông chưa sẵn sàng cho chiến tranh. Nhưng vai trò của mình khiến cho ông vô cùng lo âu. Thư cuối cùng của ông gửi Hitler viết thêm: "Tôi nghĩ anh có thể hình dung ra tâm tư tôi như thế nào khi những thế lực đang vượt quá tầm kiểm soát, khiến tôi không thể sát cánh cùng anh vào thời khắc của hành động" .

Bây giờ, Hitler đã phải hoàn toàn chấp nhận hoàn cảnh bị Mussolini bỏ rơi trong cơn hoạn nạn. Cùng đêm 26 tháng 8, ông gửi thêm 1 thư cho Mussolini, và bức thư ấy đã đến tay ông này lúc 9 giờ sáng ngày 27 tháng 8: Duce: Tôi tôn trọng những lý do và động cơ của anh khiến cho anh đi đến quyết định ấy... Tuy nhiên, theo ý tôi, điều kiện tiên quyết là, ít nhất cho đến khi cuộc đấu tranh bùng nổ, thế giới không được biết nước Ý sẽ có thái độ thế nào. Vì thế, tôi thân ái yêu cầu anh hỗ trợ cuộc đấu tranh của tôi về mặt tâm lý qua báo chí của anh hoặc cách khác. Tôi cũng xin yêu cầu anh, nếu được, có những biện pháp quân sự trình diễn, ít nhất để bắt buộc Anh và Pháp cầm chân vài lực lượng của họ, hoặc trong mọi trường hợp khiến cho họ hoang mang .

Bây giờ, tôi đang yêu cầu anh một ân huệ lớn. Trong cuộc đấu tranh khó khăn này, anh và nhân dân anh có thể giúp tôi cách tốt nhất bằng cách gửi sang công nhân trong cả lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp... ADOLF HITLER Lúc xế trưa Mussolini mềm mỏng trả lời rằng trước khi bùng nổ hành động thù địch, thế giới sẽ "không được biết nước Ý có thái độ thế nào". Điều này có nghĩa là ông đồng ý giữ bí mật. Ông cũng sẽ cầm chân càng nhiều lực lượng Anh và Pháp càng tốt, đồng thời sẽ gửi cho Hitler những công nhân Ý theo yêu cầu. Trước đó trong ngày, Mussolini đã lặp lại cho Đại sứ Đức tại von Mackensen rằng ông "vẫn tin có thể đạt mọi mục đích mà không phải đi đến chiến tranh" và ông sẽ nêu vấn đề này lần nữa trong bức thư mình gửi cho Lãnh tụ. Nhưng Mussolini đã không hề gửi bức thư đó. Có vẻ như vào lúc này, ông cảm thấy quá chán chường nên thậm chí không muốn nhắc đến ý tưởng đó nữa .

Cho dù Pháp sẽ cung ứng hầu như toàn bộ quân Đồng minh ở biên giới phía Tây của Đức và cho dù trong những tuần lễ đầu họ có quân số đông hơn Đức, nhưng Hitler vẫn không có vẻ lo lắng. Ngày 26 tháng 8, Thủ tướng Pháp gửi cho ông một bức thư cảm động và hùng hồn, nhắc lại là Pháp sẽ tham chiến nếu Ba Lan bị tấn công. Sau khi kêu gọi Hitler tìm kiếm giải pháp hoà bình với Ba Lan, Daladier thêm: "Nếu máu của Pháp và Đức chảy lần nữa, như đã chảy 25 năm về trước, trong 1 cuộc chiến lâu dài hơn và chết chóc hơn, thì mỗi bên vẫn sẽ chiến đấu với niềm tin chiến thắng, nhưng kẻ chiến thắng sẽ là lực lượng của sự phá huỷ và bạo tàn" .

Khi trình thư của Thủ tướng Pháp cho Hitler, Đại sứ Coulondre bổ sung thêm lời kêu gọi của cá nhân ông, van nài Hitler "trên danh nghĩa của nhân bản và vì sự bình an trong lương tri của ông, không nên để vuột mất cơ hội cuối cùng cho giải pháp hoà bình" .

Thư của Hitler trả lời Thủ tướng Pháp vào ngày hôm sau được tính toán một cách khôn ngoan nhằm khai thác sự lưỡng lự của Pháp, không muốn "cái chết cho Danzig", dù ông không dùng cụm từ này. Hitler tuyên bố Đức đã từ bỏ mọi đòi hỏi về lãnh thổ đối với Pháp, vì thế không có lý gì mà Pháp phải tham chiến .

Đó là sự tiếp xúc ngoại giao giữa Đức và Pháp trong tuần lễ cuối của hoà bình. Sau cuộc họp vào ngày 26 tháng 8, Coulondre không còn gặp Hitler nữa. Quốc gia khiến cho Hitler bận tâm nhất lúc này là Anh quốc .

ĐỨC VÀ ANH VÀO GIỜ CHÓT Sau khi tin tức từ Rome và London khiến cho Hitler phải hoãn tấn công Ba Lan, thì ngày 25 tháng 8 Tướng Halder ghi vào nhật ký: "Lãnh tụ đang rất bàng hoàng". Nhưng chiều ngày kế Halder để ý Lãnh tụ đột ngột thay đổi. Lúc 3 giờ 22 chiều, ông ghi: "Lãnh tụ rất bình tĩnh và sáng tỏ". Có lý do cho việc này và nhật ký của Halder cho biết: "Sẵn sàng mọi việc cho buổi sáng ngày động binh lần thứ 7. Tấn công bắt đầu vào 1 tháng 9". Hitler gọi điện cho Bộ Tư lệnh Lục quân để ban hành lệnh này .

Vậy là Hitler đã nhất quyết gây chiến tranh với Ba Lan. Việc này đã được quyết định xong. Trong khi chờ đợi, Hitler sẽ làm mọi việc để giữ Anh đứng ngoài. Nhật ký của Halder ghi lại ý nghĩ của Hitler: "Kế hoạch: Ta đòi hỏi Danzig, một hành lang đi qua Hành lang [Ba Lan] và trưng cầu dân ý về cơ bản như Saar. Có lẽ Anh sẽ chấp nhận. Có lẽ Ba Lan sẽ không. Cần cách ly 2 nước" .

Câu nhấn mạnh là của Halder và chắc chắn câu này phản ánh trung thực đầu óc của Hitler. Hitler dự tính cách ly Ba Lan khỏi Anh, đồng thời tạo cho Chamberlain một cái cớ để thoát ra khỏi nghĩa vụ đã cam kết với Ba Lan. Sau khi ra lệnh Quân đội sẵn sàng để tiến công vào ngày 1 tháng 9, Hitler đã chờ London trả lời việc ông đề nghị "đảm bảo" cho Đế quốc Anh .

Ông có 2 nguồn tiếp xúc: Đại sứ Đức tại Anh Dirksen và người bạn Thuỵ Điển của Goering, Birger Dahlerus, người trung gian không chính thức, lén lút và nghiệp dư .

Trước Toà án Nuremberg, Goering khai: "Vào thời gian ấy, tôi liên lạc với Halifax qua một người trung gian nằm ngoài các kênh ngoại giao thông thường" .

Ông giải thích thêm: "Ribbentrop không biết gì về việc Dahlerus được phái đi làm công việc trung gian, tôi không bao giờ trao đổi về Dahlerus với Ribbentrop. Ông ấy không biết gì về việc Dahlerus được phái đi qua lại giữa tôi và Chính phủ Anh" .

Nhưng Goering luôn báo cáo cho Hitler .

Cả hai bên Anh và Đức giữ bí mật vai trò của nhà doanh nghiệp Thuỵ Điển Dahlerus trong nỗ lực duy trì hoà bình. Theo tôi được biết, các thông tin viên và các nhà ngoại giao trung lập thời ấy hoàn toàn không biết gì về những công việc của Dahlerus cho đến khi ông này khai trước Toà án Nuremberg .

Ngày 25 tháng 8, Goering phái Dahlerus đến London gặp Lord Halifax để dò hỏi bên Anh. Ngày trước, Goering gọi Dahlerus đến Berlin lúc ông này đang ở thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển, rồi cho biết là dù đã ký kết Hiệp ước Quốc xã-Xô Viết vào ngày hôm kia, nhưng Đức vẫn muốn có sự "thông cảm" của Anh. Goering điều một chiếc máy bay cho Dahlerus sử dụng riêng để đi London .

Ngoại trưởng Lord Halifax, người vừa ký Hiệp ước Trợ giúp Tương hỗ Anh-Ba Lan 1 tiếng đồng hồ trước, bây giờ lại cảm ơn Dahlerus và cho rằng kênh thông tin chính thức giữa Berlin và London đã đủ nên không cần đến người Thuỵ Điển trung gian này nữa. Nhưng chẳng bao lâu, họ vẫn cần đến ông. Goering cho ông biết có lẽ một hội nghị giữa Anh và Đức có thể cứu vãn hoà bình. Giống như Mussolini, Goering có ý nghĩ trong đầu về một Hội nghị Munich thứ hai .

Dahlerus thuyết phục Lord Halifax viết một bức thư cho Goering vì nghĩ ông này có thể ngăn chặn chiến tranh. Lá thư ngắn gọn, không hứa hẹn gì, chỉ lặp lại lòng mong mỏi của Anh muốn đạt giải pháp hoà bình .

Tuy thế Goering xem lá thư này có tầm "quan trọng to lớn", nên muốn đánh thức Hitler lúc nửa đêm khi Dahlerus vừa mang bức thư tới. Đến lúc này, Dahlerus vẫn cho rằng Hitler là người biết lý lẽ và có thể chấp nhận giải pháp hoà bình như ở Munich. Nhưng đó lại là lần đầu tiên ông đối diện với những hoang tưởng và tính nóng nảy kinh khủng của nhà độc tài .

Hitler không để ý gì đến bức thư của Halifax do Dahlerus mang đến, mà Goering cho là quan trọng đến nỗi phải đánh thức ông dậy. Thay vào đó, trong hai mươi phút ông thuyết giảng cho Dahlerus về quãng đời tranh đấu của mình, những thành tựu cũng như mọi nỗ lực của ông nhằm đạt sự thông cảm với người Anh. Kế tiếp, khi Dahlerus cố nói chen rằng có thời ông làm việc ở Anh, thì Lãnh tụ hỏi han ông về đất nước lạ lùng và người dân lạ lùng mà ông không hiểu nổi. Rồi ông tiếp nối bằng bài giảng có phần thiên về kỹ thuật sức mạnh của Đức. Đến lúc này, Dahlerus đã tự hiểu rằng mình đến đây là vô ích. Cuối cùng, ông cố nhân cơ hội nói cho Hitler rõ đôi điều về người Anh .

"Hitler đã lắng nghe một cách chăm chú mà không ngắt lời... rồi bỗng đứng dậy, tỏ ra rất phấn khích và lo lắng, đi qua đi lại nói nhỏ, như thể nói với chính mình, rằng [không nước nào] chống cự được Đức... Đột nhiên, ông đứng lại giữa phòng và nhìn chăm chăm. Giọng ông run rẩy, thái độ ông giống như người bất bình thường. Ông nói giật từng đoạn: 'Nếu phải có chiến tranh, thì tôi sẽ đóng tàu ngầm, đóng tàu ngầm, tàu ngầm, tàu ngầm'. Tiếng của ông ngày càng khó nghe và cuối cùng không ai hiểu gì cả. Rồi ông cất cao giọng như thể đang phát biểu trước đám đông và hò hét: 'Tôi sẽ đóng máy bay, đóng máy bay, máy bay, máy bay và tôi sẽ tiêu diệt mọi kẻ thù.' Ông ấy có vẻ như con ma trong truyện cổ tích hơn là một người thật..." Cuối cùng, Hitler tiến đến trước mặt Dahlerus và hỏi: "Ông Dahlerus, ông biết rõ nước Anh, ông có thể nói cho tôi lý do tại sao tôi không thể đạt thoả ước với họ không?" Dahlerus lưỡng lự, rồi trả lời rằng theo ý kiến riêng của mình, rằng người Anh "thiếu tin tưởng Hitler và Chính phủ của ông" .

Hitler thét lên, tay phải giơ ra và tay trái đập lên ngực: "Đồ ngu xuẩn! Đã có bao giờ tôi nói dối trong đời tôi chưa?" Rồi nhà độc tài Quốc xã bình tĩnh lại, thảo luận về những đòi hỏi của ông ta và nhờ Dahlerus mang đến nước Anh những đề nghị mới. Goering muốn tránh viết ra giấy, nên đã yêu cầu Dahlerus ghi nhớ. Đề nghị gồm có 6 điểm: Đức muốn 1 hiệp ước hoặc liên minh với Anh .

Anh giúp Đức nhận Danzig và Hành lang Ba Lan, nhưng Ba Lan vẫn có cảng biển tự do ở Danzig, giữ lại cảng Gdynia và hành lang nối vào đất liền .

Đức sẽ đảm bảo biên giới của Ba Lan .

Đức sẽ trả thuộc địa của Ba Lan về cho Ba Lan .

Dân tộc thiểu số Đức ở Ba Lan được đảm bảo .

Đức cam kết bảo vệ Đế quốc Anh .

Với những điều khoản như thế ghi vào trí nhớ, Dahlerus bay đến London vào ngày 27 tháng 8 và yết kiến Chamberlain, Lord Halifax, Horace Wilson và Alexander Cadogan. Hiển nhiên là Chính phủ Anh bây giờ đã xem công việc của Dahlerus là nghiêm túc .

Chamberlain và Halifax nhìn thấy ngay là họ đang đối mặt với hai bộ đề nghị của Hitler: một bộ trao cho Henderson và bộ kia cho Dahlerus. Bộ đầu đề nghị đảm bảo cho Anh sau khi Hitler tính xong chuyện Ba Lan, còn bộ thứ hai có vẻ như cho thấy Lãnh tụ đã sẵn sàng đàm phán qua trung gian là Anh để nhận lại Danzig và Hành lang Ba Lan, sau đó ông sẽ "đảm bảo" cho biên giới mới của Ba Lan. Đây là điệp khúc xưa cũ đối với Chamberlain, hiện đã vỡ mộng sau vụ Tiệp Khắc, nên ông này tỏ ra ngờ vực. Ông bảo Dahlerus rằng ông "không thấy viễn cảnh giải quyết theo những điều kiện này. Ba Lan có thể nhượng Danzig, nhưng họ thà chiến đấu thay vì nhượng bộ vấn đề Hành lang" .

Cuối cùng, họ đồng ý rằng Dahlerus phải lập tức trở về Berlin với câu trả lời sơ bộ và bán chính thức của Anh cho Hitler, rồi báo cáo với London về ý kiến của Hitler, trước khi một phúc đáp chính thức được soạn thảo và gửi đến Berlin vào tối ngày hôm sau cùng với Henderson. Như Halifax nhận xét: "Vấn đề có phần khúc mắc do sự liên lạc không chính thức và bí mật thông qua ông Dahlerus. [Vì thế] nên làm rõ điều này khi Dahlerus trở lại Berlin đêm ấy, không phải để mang câu trả lời của Chính phủ Hoàng gia, mà để sửa soạn cho các thông tin chính" mà Henderson sẽ mang đi .

Ông thương gia người Thuỵ Điển ít người biết đến ấy bây giờ lại trở nên quan trọng trong việc làm trung gian cho các đàm phán giữa Chính phủ của hai nước mạnh nhất châu Âu. Thế nên, theo lời ông kể, vào giai đoạn gay cấn này, ông đã nói với Thủ tướng và Ngoại trưởng Anh rằng "họ nên giữ Henderson ở London cho đến thứ Hai [ngày kế] để có thể đưa ra một câu trả lời sau khi họ nhận được thông báo về ý kiến của Hitler đối với quan điểm của Anh" .

Còn quan điểm của Anh mà Dahlerus sẽ mang đến cho Hitler thì sao? Lord Halifax và Dahlerus đã có những thông tin bất đồng về quan điểm của Anh. Theo ghi chú của Halifax, quan điểm của Anh chỉ là: i. Đảm bảo nghiêm túc ý muốn có sự thấu hiểu giữa G. và Gt.B. [Chữ viết tắt của Halifax]. Không được ai trong Chính phủ nghĩ khác đi. ii. Gt.B. tuân thủ những nghĩa vụ đối với Ba Lan. iii. Phải giải quyết ôn hoà những bất đồng Đức-Ba Lan .

Theo Dahlerus, phúc đáp không chính thức được giao cho ông thì sâu rộng hơn .

Theo lẽ tự nhiên, Điểm 6, đề xuất bảo vệ Đế quốc Anh, bị bác bỏ. Tương tự, họ không muốn bất kỳ cuộc thảo luận nào trong khi Đức động binh. Còn về đường biên giới của Ba Lan, họ muốn năm cường quốc cùng đảm bảo. Còn về vấn đề Hành Lang, họ đề xuất đàm phán với Ba Lan lập tức. Riêng về điểm thứ nhất [trong đề xuất của Hitler] thì trên nguyên tắc Anh sẵn lòng đồng ý với Đức .

Dahlerus bay về Berlin tối Chủ Nhật và gặp Goering trước nửa đêm. Goering nghĩ phúc đáp của Anh "không thuận lợi lắm". Nhưng sau khi gặp Hitler lúc nửa đêm, Goering báo cho Dahlerus biết Hitler "chấp nhận quan điểm của Anh" miễn là Henderson mang văn bản chính thức đến tối vào thứ Hai .

Goering hài lòng và Dahlerus còn cảm thấy hài lòng hơn. Lúc 2 giờ sáng, Dahlerus đánh thức George Ogilvie Forbes, Tham tán ở Đại sứ quán Anh tại Đức, để báo tin vui. Không những báo tin mà ông còn cố vấn cho Chính phủ Anh – đó là theo cách mà Dahlerus nghĩ về vị thế mới của mình, văn bản mà Henderson mang đến ngày thứ Hai, ngày 28 tháng 8, phải có điều khoản là Anh sẽ thuyết phục Ba Lan ngay lập tức đàm phán trực tiếp với Đức .

Dahlerus vừa mới gọi điện [đọc phúc đáp sau từ Forbes ngày 28 tháng 8] từ văn phòng của Goering theo những đề nghị mà ông nghĩ quan trọng nhất .

Phúc đáp của Anh cho Hitler không nên đề cập đến kế hoạch của Roosevelt. Hitler nghi Ba Lan tránh đàm phán. Vì thế phúc đáp phải có câu tuyên bố rõ ràng rằng mạnh mẽ đề nghị Ba Lan lập tức liên hệ với Đức và đàm phán. Vào thời điểm đó, con người Thuỵ Điển tự tin không những tư vấn dồn dập cho Forbes và gọi điện về London, mà ông còn tự gọi điện luôn cho Bộ Ngoại giao Anh với bổ sung thêm đề nghị cho Lord Halifax .

Vào lúc gay cấn trong lịch sử thế giới như thế, nhà ngoại giao nghiệp dư người Thuỵ Điển đúng thật là đã trở thành trọng tâm giữa Berlin và London .

Lúc 2 giờ chiều ngày 28 tháng 8, Lord Halifax gửi điện yêu cầu Đại sứ Anh tại Ba Lan, Howard Kennard, đến gặp Ngoại trưởng Beck "ngay lập tức" để ông này cho phép Anh thông báo với Hitler rằng "Ba Lan sẵn sàng thảo luận trực tiếp với Đức". Vị Ngoại trưởng đang hối hả. Ông thúc giục Đại sứ của mình ở Warsaw gọi điện về phúc đáp của Beck. Đến chiều, Beck báo cho biết Anh được phép như yêu cầu và việc này được gấp rút đưa vào công hàm của Anh .

Henderson trở lại Berlin với công hàm đó tối ngày 28 tháng 8. Khi đến Phủ Thủ tướng, ông được đội quân danh dự của S.S. bắn súng và đánh trống dàn chào (nghi lễ ngoại giao lố bịch vẫn được duy trì cho đến phút chót), rồi ông được đưa vào diện kiến Hitler vào lúc 10 giờ 30 tối .

Bản văn của Anh ghi rằng Chính phủ Anh "hoàn toàn đồng ý" với Hitler, nhưng "trước hết" Đức và Ba Lan phải giải quyết những bất đồng. Anh từ chối một cách lịch sự đề nghị của Hitler muốn đảm bảo cho Anh. Cuối cùng, phía Anh nêu quan điểm: "Một cách giải quyết công bằng... giữa Đức và Ba Lan có thể mở đường cho nền hoà bình thế giới. Nếu không đạt được điều này, sẽ không có hy vọng cho Đức và Anh thông cảm với nhau. Và điều này sẽ mang hai nước vào một cuộc xung đột có thể dìm thế giới vào cảnh chinh chiến. Kết quả như thế sẽ là tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử." Sau khi Hitler đọc xong, Henderson giải thích cho rõ thêm. Sau này ông kể lại, đây là buổi yết kiến Hitler duy nhất mà ông được phát biểu nhiều. Điểm chính yếu là Anh muốn quan hệ hữu nghị với Đức, Anh muốn hoà bình, nhưng Anh sẽ tham chiến nếu Hitler tấn công Ba Lan .

Hitler trả lời bằng cách kể tội Ba Lan. Hôm nay, "phải nhận lại Danzig và nguyên Hành lang thì ông mới mãn nguyện, cùng với việc phê chuẩn Silesia, nơi mà 90% số dân bầu cho Đức trong cuộc trưng cầu dân ý sau chiến tranh." Điều này là không đúng, vì một lúc sau Hitler nói 1 triệu người Đức đã bị trục xuất khỏi Hành lang từ năm 1918. Theo cuộc điều tra dân số do Đức tổ chức vào năm 1910, chỉ có 385.000 người Đức, nhưng bây giờ Hitler muốn mọi người phải tiêu hoá lời dối trá của mình .

Đại sứ Henderson cũng tiêu hoá được một ít, vì ông báo cáo: "Vào dịp này, ông Hitler một lần nữa tỏ ra thân thiện và biết điều..." Ông cũng báo cáo là "Cuối cùng, tôi đặt hai câu hỏi thẳng thắn với ông ấy" .

Ông có muốn đàm phán trực tiếp với Ba Lan hay không, đồng thời có sẵn sàng thảo luận vấn đề trao đổi dân hay không? Ông ấy trả lời khẳng định cho câu hỏi thứ hai... Về câu hỏi đầu, ông ấy sẽ "xem xét cẩn thận". Đến đây, vị Thủ tướng Đức quay sang Ribbentrop và nói: "Ta phải gọi Goering đến đây để thảo luận việc này". Hitler hứa sẽ trả lời bằng văn bản vào ngày hôm sau, thứ Ba ngày 29 tháng 8 .

Henderson nhấn mạnh với Lord Halifax rằng: "Buổi trao đổi diễn ra trong bầu không khí khá thân thiện, dù hai bên tuyệt đối cứng rắn". Tuy đã quen biết phía chủ nhân khá rõ, nhưng có lẽ Henderson vẫn không hiểu lý do tại sao Lãnh tụ lại quyết tâm khởi động chiến tranh chống Ba Lan vào cuối tuần này. Dù cho tất cả những gì Chính phủ Anh và Henderson tuyên bố, ông vẫn hy vọng có thể giữ cho Anh đứng ngoài .

Ngày hôm sau, Henderson thêm vào báo cáo: "Hitler khẳng định rằng ông ấy không hù doạ và người ta sẽ nhầm to nếu tin rằng ông ấy đang hù doạ. Tôi trả lời tôi biết rõ và chúng ta cũng không hù doạ. Ông Hitler nói ông hoàn toàn thấu hiểu điều ấy" .

Hitler nói như thế nhưng có thật thấu hiểu hay không? Vì lẽ, trong phúc đáp ngày 29 tháng 8, ông đã cố ý đánh lừa Chính phủ Anh theo cách mà ông nghĩ sẽ chiếm hết phần lợi về mình. Dahlerus nhận được tin nhắn của Goering rằng bên Đức thấy phúc đáp của Anh "rất thoả đáng và có hy vọng là hiểm hoạ của chiến tranh đã trôi qua" .

Dahlerus còn báo tin vui cho Lord Halifax rằng: "Hitler và Goering thấy là có khả năng giải quyết theo cách ôn hoà". Lúc 10 giờ 50 sáng, Goering gặp Dahlerus và bắt tay ông này mà kêu lên: "Sẽ có hoà bình! Hoà bình được đảm bảo!" Được nghe chắc chắn như thế, Dahlerus báo tin cho Henderson và ông này báo cáo về Anh. Dahlerus nói với ông rằng phía Đức tỏ ra rất lạc quan. Họ "đồng ý" với "điểm chính" của Anh. Hitler chỉ đòi hỏi Danzig và Hành lang – không phải nguyên Hành lang mà chỉ là một hành lang hẹp chạy dọc tuyến đường sắt đi đến Danzig. Dahlerus bảo Lãnh tụ sẵn sàng tỏ ra "rất biết điều. Ông ấy sẽ nhượng bộ nhiều để đáp ứng phía Ba Lan" .

Đại sứ Anh Nevile Henderson không tin lắm, ông nói với Dahlerus rằng người ta không thể tin một lời nào Hitler đã nói và Goering cũng thế, vốn đã dối trá với ông nhiều lần. Henderson có ý nghĩ là Hitler đang chơi trò bất lương và tàn nhẫn .

Nhưng Dahlerus, bây giờ đang trở thành tâm điểm của vụ việc, không muốn bị thuyết phục – ông chỉ sáng mắt ra sau khi Henderson đã sáng mắt. Ông gọi điện cho Bộ Ngoại giao lúc 7 giờ 10 tối để nhắn với Lord Halifax rằng sẽ "không có khó khăn trong phúc đáp của Đức". Nhưng ông đề nghị Chính phủ Anh nên khuyên người Ba Lan "hành xử đúng mực" .

5 phút sau, lúc 7 giờ 15 tối ngày 29 tháng 8, Henderson đi đến Phủ Thủ tướng để nhận phúc đáp thật sự của Đức. Chẳng bao lâu sau, ông thấy sự lạc quan của Goering và người bạn Thuỵ Điển của ông này đều là rỗng tuếch. Ông báo cáo rằng buổi hội kiến "có tính sóng gió và ông Hitler đã thiếu biết điều hơn ngày hôm qua" .

Công hàm trả lời chính thức của Đức lặp lại mong muốn quan hệ hữu nghị với Anh nhưng khẳng định rằng "không thể mua chuộc quan hệ này bằng cái giá là Đức phải từ bỏ quyền lợi thiết yếu của mình". Sau khi dông dài như thường lệ về những việc làm sai trái của Ba Lan, những sự khiêu khích và "hành động ngược đãi bạo tàn với tiếng kêu thấu trời xanh", công hàm trình bày yêu cầu của Hitler lần đầu tiên được đưa ra chính thức bằng văn bản: trả lại Danzig và Hành lang Ba Lan, đồng thời bảo vệ người Đức ở Ba Lan. Nhằm xoá bỏ "những điều kiện hiện tại, thời gian không còn tính bằng ngày, lại càng không tính bằng tuần, mà có lẽ bằng giờ" .

Công hàm trả lời ghi tiếp: Đức không còn có thể chia sẻ với Anh quan điểm là có thể đạt giải pháp bằng cách đàm phán trực tiếp với Ba Lan nữa. Tuy nhiên, chỉ với mục đích "độc nhất" là làm vui lòng Chính phủ Anh và vì quan hệ hữu nghị Anh-Đức, Đức sẵn sàng "chấp nhận đề nghị của Anh và tham gia thảo luận trực tiếp" với Ba Lan .

"Đối với phần còn lại,... Chính phủ Đức không bao giờ có ý đồ xâm phạm những quyền lợi thiết yếu của Ba Lan hoặc đặt vấn đề về sự hiện hữu của một nhà nước Ba Lan độc lập" .

Và rồi, gần đoạn cuối, là cái bẫy: "Chính phủ Đức do đó đồng ý chấp nhận đề nghị của Chính phủ Anh làm trung gian để mời đến Berlin một đại diện có đủ quyền hạn của Ba Lan. Đức mong đại diện này sẽ đến vào thứ Tư, ngày 30 tháng 8 năm 1939 .

Chính phủ Đức sẽ lập tức soạn thảo những đề nghị cho một giải pháp chấp nhận được và nếu có thể, sẽ trao cho Chính phủ Anh trước khi nhà đàm phán đến" .

Đại sứ Henderson đọc qua công hàm trong khi Hitler và Ribbentrop im lặng nhìn ông. Khi đến đoạn nói về đại diện có đủ quyền hạn của Ba Lan, Henderson nhận xét: "Điều này nghe như là tối hậu thư". Hitler và Ribbentrop cực lực chối bỏ. Họ nói họ chỉ muốn nêu rõ "tính chất khẩn cấp của thời điểm khi hai đội quân được huy động toàn diện đang đối mặt nhau" .

Hẳn là do vẫn còn nhớ về cách Hitler đã đón tiếp Schuschnigg và Hácha như thế nào, Henderson hỏi liệu Đặc sứ Toàn quyền Ba Lan có được "đối đãi tử tế" hay không và cuộc thảo luận có "diễn ra trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng" hay không .

Hitler đáp: "Dĩ nhiên" .

Tiếp theo là sự trao đổi gay gắt khi Hitler có nhận xét "vô căn cứ" rằng Henderson không hề quan tâm bao nhiêu người Đức đã bị sát hại ở Ba Lan. Henderson báo cáo rằng ông đã "trả đũa kịch liệt". Ngày kế, ông gửi điện cho Halifax: "Tôi cố át giọng Hitler... Tôi cất tiếng nói đến mức cao nhất có thể" .

Henderson kể lại trong hồi ký: "Tôi rời Phủ Thủ tướng đêm ấy với linh tính ảm đạm nhất", dù ông không đề cập điều này trong báo cáo gửi về London. Hitler đã nói với ông: "Binh sĩ của tôi đang hỏi tôi: 'Có hay không?' Họ đã mất 1 tuần lễ và không thể mất thêm 1 tuần lễ nữa, nếu không họ sẽ có thêm 1 kẻ thù là mùa mưa ở Ba Lan" .

Như các báo cáo chính thức và hồi ký của ông cho thấy, Henderson không thể hiểu ra cái bẫy của Hitler cho đến ngày hôm sau, khi có thêm một cái bẫy nữa được giăng ra và trò lừa lọc của Hitler thể hiện rõ hơn trong điều kiện về nhà đàm phán Ba Lan. Nếu Ba Lan không gửi người đến đàm phán, hoặc nếu người này từ chối yêu sách của Hitler, lúc ấy Ba Lan có thể bị lên án là từ chối "sự dàn xếp ôn hoà", Anh và Pháp có lý do để không giúp đỡ Ba Lan. Thô thiển, nhưng đơn giản và rõ ràng .

Nhưng vào đêm 29 tháng 8, Henderson vẫn chưa nhìn ra được vấn đề ấy .

Ông mời Đại sứ Ba Lan đến để thuật lại buổi hội kiến với Hitler và theo ý riêng của mình, "vạch rõ cho ông ấy rõ cần thiết phải hành động lập tức. Tôi van nài ông ấy, vì quyền lợi của Ba Lan mà thúc giục Chính phủ cử ngay người đại diện đến cuộc đàm phán theo đề xuất" .

Tướng Halder tóm lược trò lừa lọc của Hitler trong đoạn nhật ký ngày 29 tháng 8: "Lãnh tụ hy vọng vào sự chia rẽ giữa Anh, Pháp và Ba Lan. Chiến lược: nêu ra một số đòi hỏi về dân số và dân chủ... Người Ba Lan sẽ đến Berlin ngày 30 tháng 8. Ngày 31 tháng 8, cuộc đàm phán sẽ tan vỡ. Ngày 1 tháng 9, bắt đầu sử dụng vũ lực." Lúc 2 giờ sáng ngày 29 tháng 8, Lord Halifax gửi điện cho Henderson cho biết trong khi xem xét cẩn thận công hàm của Đức và báo cáo của Henderson về buổi hội kiến với Hitler, thì "dĩ nhiên là vô lý mà trông mong hôm nay chúng ta có thể đưa ra một đại diện của Ba Lan và Chính phủ Đức cũng không nên trông mong việc này". Lúc 4 giờ 30 sáng, Henderson gửi tin nhắn như thế cho Chính phủ Đức .

Trong ngày 30 tháng 8, ông gửi thêm 4 tin nhắn nữa từ London. Ông "chào mừng chứng cứ trong việc trao đổi quan điểm để mong đạt đến sự thấu hiểu giữa Anh-Đức" .

Sau khi suy nghĩ thêm, sáng sớm ngày 30 tháng 8, Henderson gửi điện lần nữa cho London: Trong khi tôi vẫn đề nghị là Chính phủ Ba Lan nên chịu nhẫn nhục cho nỗ lực vào giờ chót này mà tiếp xúc trực tiếp với Hitler, ngay cả chỉ để cho thế giới thấy là họ đã sẵn sàng hy sinh để bảo tồn hoà bình, nhưng từ câu trả lời của Đức, người ta chỉ có thể kết luận là Hitler đã quyết chí đạt mục đích bằng cái gọi là đường lối bình đẳng hoà hoãn, còn nếu không được nữa thì Đức sẽ dùng vũ lực .

Đến lúc này, thậm chí Henderson chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ đến đàm phán kiểu Hiệp ước Munich. Người Ba Lan không bao giờ nghĩ đến đàm phán – cho chính họ. Lúc 10 giờ sáng ngày 30 tháng 8, vị Đại sứ Anh tại Ba Lan báo tin cho Lord Halifax rằng ông tin chắc: "không thể nào thuyết phục Chính phủ Ba Lan phái ông Beck, hoặc bất kỳ đại diện nào khác đến ngay Berlin để thảo luận giải pháp dựa trên cơ sở do Hitler đưa ra. Họ thà chiến đấu và chết, còn hơn là chịu nhục nhã như thế, nhất là sau các bài học của Tiệp Khắc, Lithuania và Áo" .

Ông đề nghị rằng nếu đàm phán "giữa các nước bình đẳng" thì phải diễn ra ở một nước trung lập nào đó .

Với thái độ cứng rắn hơn qua báo cáo của các đại sứ tại Đức và Ba Lan, Lord Halifax gửi điện cho Henderson rằng chính phủ Anh không thể "khuyên" Ba Lan tuân theo yêu cầu của Hitler mà gửi đặc sứ toàn quyền đến Berlin. Ông nói việc này là "hoàn toàn bất hợp lý". Ông thêm: "Ông có thể nào đề nghị với Chính phủ Đức rằng họ nên đi theo các quy trình thông thường, khi có sẵn các đề xuất, để mời Đại sứ Ba Lan đến, sau đó trao đề xuất để ông ấy chuyển về Warsaw và đề nghị tiến hành đàm phán" .

Vào giữa đêm 30 rạng sáng 31 tháng 8, Henderson trao cho Ribbentrop thư của Anh phúc đáp đề nghị mới nhất của Hitler. Kế tiếp là một buổi họp mà Tiến sĩ Schmidt, người duy nhất chứng kiến đã mô tả là "sóng gió nhất mà tôi từng kinh qua trong suốt 20 năm làm công việc thông dịch" .

Henderson kể lại thái độ của Ngoại trưởng Đức "thù địch lên đến mức dữ dội mỗi khi tôi cất tiếng. Ông ấy luôn nhảy dựng lên khỏi ghế ngồi trong thái độ kích động cao độ và hỏi tôi có muốn nói thêm điều gì không. Tôi luôn trả lời rằng: Có". Theo Schmidt, có lúc cả 2 người đứng bật dậy khỏi ghế ngồi và chăm chăm nhìn nhau một cách giận dữ đến nỗi ông nghĩ họ sắp đánh nhau .

Nhưng điều quan trọng hơn đối với lịch sử không phải là sự đối đầu giữa Bộ trưởng Ngoại giao Đức và Đại sứ Vương quốc Anh, mà là 1 diễn biến dẫn đến hành động lừa dối cuối cùng của Hitler .

Ribbentrop không màng đọc kỹ phúc đáp của Anh và cũng không chăm chú nghe Henderson giải thích phúc đáp này. Anh cũng muốn cải thiện quan hệ như Đức, nhưng "không thể hy sinh quyền lợi của một bạn hữu khác để đạt đến sự cải thiện này". Anh thấu hiểu Chính phủ Đức không thể "hy sinh những quyền lợi thiết yếu của Đức, nhưng Chính phủ Ba Lan cũng đang ở trong cùng hoàn cảnh". Chính phủ Anh vẫn thúc giục Đức và Ba Lan trực tiếp đàm phán với nhau, nhưng xét thấy "không thực tế khi thiết lập liên lạc sớm như hôm nay" .

Khi Henderson hỏi về những đề nghị của Đức cho việc giải quyết vấn đề Ba Lan, Ribbentrop trả lời một cách khinh miệt rằng bây giờ là quá muộn vì Đặc sứ Ba Lan đã không đến vào lúc nửa đêm. Tuy nhiên, phía Đức đã soạn thảo các đề nghị, mà bây giờ Ribbentrop sẽ đọc lên .

Ribbentrop đọc lên các đề nghị bằng tiếng Đức mà Henderson báo cáo là: "Với tốc độ tối đa, như thể lắp bắp với tôi càng nhanh càng tốt, với giọng điệu vô cùng khó chịu .

Trong số 16 điều khoản, tôi chỉ có hiểu được đại ý 6 hoặc 7, nhưng không thể nào đảm bảo hiểu được chính xác nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng bản văn. Khi ông ấy đọc xong, tôi yêu cầu ông cho tôi xem bản văn. Ông từ chối, ném văn bản lên bàn và nói bây giờ văn bản đã quá hạn vì không có Đặc sứ Ba Lan đến vào lúc nửa đêm" .

Trước Toà án Nuremberg, Ribbentrop khai rằng Hitler đã "đích thân đọc cho chép" 16 điều khoản và "cấm những điều khoản này lọt khỏi tay tôi". Ông không nói tại sao. Và Ribbentrop thừa nhận là: "Hitler bảo tôi rằng tôi chỉ có thể truyền đạt nội dung cho Đại sứ Anh nếu tôi nghĩ mình nên làm thế. Tôi làm hơn thế một chút: Tôi đọc tất cả điều khoản từ đầu đến cuối" .

Tiến sĩ Schmidt phủ nhận việc Ribbentrop đọc quá nhanh bằng tiếng Đức khiến cho Henderson không thể hiểu hết. Schmidt nói Henderson không giỏi tiếng Đức. Ribbentrop có trình độ tiếng Anh xuất sắc, nhưng không dùng tiếng này trong cuộc trao đổi .

Bản văn đúng là có thể quá hạn, bởi vì phía Đức chủ ý làm như vậy. Nhưng điều quan trọng là các "đề xuất" của Đức này không bao giờ có mục đích nghiêm túc. Đó chỉ là trò lừa bịp, đồng thời là một màn kịch để lừa dối người Đức và, nếu có thể, lừa dối cả dư luận thế giới để tin rằng Hitler đã nỗ lực vào phút cuối nhằm giải quyết một cách đúng lý những yêu cầu đối với Ba Lan. Hitler cũng công nhận như thế. Sau đó, Tiến sĩ Schmidt nghe ông nói: "Tôi cần một bằng chứng ngoại phạm, đặc biệt với nhân dân Đức, để cho họ thấy rằng tôi đã làm mọi việc nhằm duy trì hoà bình. Điều này giải thích tại sao tôi đã rộng lượng đề nghị cách giải quyết các vấn đề Danzig và Hành lang" .

Bản văn gồm 16 điều khoản được gửi bằng điện tín đến Đại biện lâm thời Đức ở London lúc 9 giờ 15 tối 30 tháng 8, 4 tiếng đồng hồ trước khi Ribbentrop "lắp bắp" với Henderson. Nhưng Đại biện lâm thời Đức nhận chỉ thị "giữ thật bí mật và không được thông báo cho ai biết nếu không có lệnh mới". Hẳn chúng ta còn nhớ rằng Hitler đã hứa sẽ trao cho Chính phủ Anh các đề nghị trước khi nhà đàm phán Ba Lan đến .

So với các yêu sách trước, các điều khoản này thật sự rộng lượng. Hitler chỉ đòi trả lại Danzig cho Đức. Một cuộc trưng cầu dân ý sẽ quyết định tương lai của Hành lang, trong thời hạn 12 tháng sau khi mọi xáo trộn lắng xuống. Ba Lan sẽ giữ lại cảng Gdynia. Bên nào nhận được Hành lang qua cuộc trưng cầu dân ý, bên ấy sẽ cho bên kia quyền ngoài lãnh thổ đối với các đường cao tốc và tuyến đường sắt chạy qua Hành lang. Về mặt bản chất đây chỉ là sự đảo ngược của yêu sách vào mùa xuân năm ngoái. Sẽ có sự chuyển giao dân, các dân tộc của mỗi nước được hưởng tất cả quyền lợi ở nước bên kia .

Người ta có thể suy đoán rằng nếu Đức đưa ra những đề nghị này một cách nghiêm túc, chắc chắn đây có thể là cơ sở cho Đức và Ba Lan đàm phán và đáng lẽ đã có thể tránh cho thế giới cuộc chiến thứ hai trong cùng một thế hệ. Đài phát thanh Đức loan báo những đề nghị này lúc 9 giờ tối ngày 31 tháng 8 và – theo như tác giả có thể suy xét ở Berlin – Hitler đã thành công trong việc lừa dối người dân Đức. Những đề nghị cũng đánh lừa cả tôi, vì tôi có ấn tượng sâu sắc về sự hợp tình hợp lý sau khi nghe qua máy thu thanh và tôi cũng nói như thế khi gửi tin về Mỹ trong đêm cuối cùng của hoà bình này .

Henderson trở về Đại sứ quán của ông mà tin rằng "hy vọng cuối cùng cho hoà bình đã biến mất". Nhưng ông vẫn nỗ lực. Ông đánh thức Đại sứ Ba Lan Lipski lúc 2 giờ sáng, mời ông này đến rồi kể lại việc gặp Ribbentrop, đề cập việc nhượng Danzig và trưng cầu dân ý cho Hành lang, cho rằng các điều khoản "không phải là quá đáng" và đề nghị Lipski tham mưu cho Chính phủ là 2 Thống chế Smigly-Rydz và Goering nên gặp nhau. Henderson nói: "Tôi không thể mường tượng ra cuộc đàm phán nào sẽ thành công nếu có ông von Ribbentrop tham dự". Cùng lúc, con người Dahlerus không hề biết mệt mỏi vẫn không chịu ngồi yên. Lúc 10 giờ tối 29 tháng 8, Goering gọi Dahlerus đến thông báo về nội dung các đề nghị mới, với 2 yêu cầu rõ ràng là nhượng Danzig và trưng cầu dân ý cho Hành lang. Dahlerus nhỏ nhẹ dò hỏi về diện tích lãnh thổ trong cuộc trưng cầu dân ý. Goering xé 1 trang trong một cuốn sách bản đồ cũ kỹ rồi dùng bút chì màu tô những phần "thuộc Ba Lan" và "thuộc Đức". Dahlerus không khỏi để ý đến việc những quyết định quan trọng lại được thi hành một cách nhanh chóng và cẩu thả đến thế trong Đế chế Thứ Ba. Tuy nhiên, theo lời yêu cầu của Goering, ông lập tức bay trở lại London lúc 4 giờ sáng 30 tháng 8. Ông được gặp Chamberlain, Halifax, Wilson và Cadogan lúc 10 giờ 30 sáng .

Nhưng vào thời điểm đó, cả 3 chính khách Anh – vốn đã góp công vào Hội nghị Munich – đã không còn bị Hitler và Goering lừa phỉnh nữa, hơn nữa họ cũng không có ấn tượng với nỗ lực của Dahlerus. Ông này thấy họ "rất nghi ngại" cả hai nhà lãnh đạo Quốc xã và họ đều nghĩ "không gì có thể ngăn Hitler tuyên chiến với Ba Lan". Hơn nữa, họ còn nói thẳng với Dahlerus rằng Chính phủ Anh sẽ không rơi vào trò lừa dối của Hitler khi đòi hỏi một Đặc sứ Toàn quyền của Ba Lan đi đến Berlin trong vòng 24 tiếng đồng hồ tới .

Thế là Dahlerus không làm được việc gì trong chuyến đi này. Lúc nửa đêm, ông trở về Berlin, rồi Đại sứ quán Anh kể lại cho ông việc Ribbentrop "lắp bắp" các điều khoản quá nhanh đến nỗi Henderson không thể hiểu hết và ông Đại sứ cũng không nhận được bản văn. Dahlerus nói với Goering rằng đây không phải là cách "đối xử với đại sứ của một đế quốc như Anh" và đề nghị Goering cho phép mình đọc văn bản qua điện thoại cho Đại sứ quán Anh. Sau đôi chút lưỡng lự, Goering đồng ý. Trong Toà án Nuremberg, Goering khai rằng khi chuyển văn bản "đề nghị" của Hitler, ông chịu rủi ro to tát bởi vì Lãnh tụ đã cấm công bố thông tin này. Goering khai: "Chỉ có tôi chấp nhận rủi ro này" .

Theo cách thức như thế, qua một doanh nhân Thuỵ Điển vô danh xúi giục và một Tư lệnh Không quân đồng loã, Hitler và Ribbentrop đã bị qua mặt và phía Anh được thông báo về những "đề nghị" của Đức cho Ba Lan. Có lẽ vào lúc này, vị Thống chế – vốn không phải là kém thông minh hoặc thiếu kinh nghiệm – đã nhận ra rằng việc nhanh hơn Lãnh tụ và vị Ngoại trưởng sẽ mang lại vài lợi điểm nếu để cho Anh biết được bí mật .

Nhằm đảm bảo Henderson nhận được nội dung chính xác, Goering phái Dahlerus đi đến Đại sứ quán Anh vào lúc 10 giờ sáng 31 tháng 8, với văn bản gồm 16 điều khoản. Sáng hôm ấy, Henderson vẫn còn thúc giục Lipski qua điện thoại, cảnh cáo rằng nếu Ba Lan không hành động vào lúc giữa trưa, chiến tranh sẽ xảy ra. Khi Dahlerus đến, Henderson phái ông đi cùng với tham tán Forbes đến Đại sứ quán Ba Lan .

Lipski có phần hoang mang khi gặp Dahlerus – người mà ông chưa từng nghe qua và càng khó chịu hơn khi bị thúc giục phải đến gặp Goering, đồng thời phải chấp nhận đề nghị của Lãnh tụ. Khi yêu cầu Dahlerus đọc cho thư ký đánh máy 16 điều khoản trong phòng bên, Lipski phàn nàn với Forbes về việc dẫn đến một "người lạ mặt" vào thời điểm muộn màng như thế cho một sự việc quan trọng như thế. Vị Đại sứ Ba Lan đang phiền hà hẳn còn bực bội hơn khi Henderson gây áp lực lên ông và Chính phủ ông để lập tức đàm phán trên cơ sở những điều khoản mà ông vừa nhận được một cách không chính thức và theo cách lén lút, nhưng Henderson nói với ông rằng những điều khoản đó "nói chung không phải là vô lý".Lipski không biết rằng Chính phủ Anh đã không chấp nhận quan điểm của Henderson. Nhưng dù sao thì ông cũng không có ý định nghe theo lời khuyên của một người Thuỵ Điển vô danh, ngay cả khi Đại sứ Anh phái ông này đến. Ông không được chỉ thị đi đến chỗ Goering để chấp nhận đề nghị của Hitler và dù được phép, ông cũng không muốn đi .

Cần ghi ra đây một tình tiết kỳ lạ khác trong ngày cuối của hoà bình này. Sau khi gặp Lipski, Dahlerus trở về Đại sứ quán Anh và vào lúc giữa trưa, từ văn phòng của Henderson, ông gọi điện cho Horace Wilson tại Bộ Ngoại giao Anh. Ông bảo Wilson rằng những đề nghị của Đức là "vô cùng phóng khoáng" nhưng Đại sứ Ba Lan lại từ khước. Ông nói: "Rõ ràng là Ba Lan đang cản trở các khả năng đàm phán" .

Đến lúc này, Wilson nghe vài tiếng ồn qua đường dây điện thoại khiến ông nghĩ người Đức đang nghe lén. Ông cố chấm dứt cuộc điện đàm, nhưng Dahlerus vẫn huyên thuyên về việc Ba Lan tỏ ra không biết điều. Wilson kể trong bản ghi nhớ: "Tôi lại bảo Dahlerus nên câm miệng, nhưng vì ông ấy vẫn còn nói nên tôi gác máy" .

Wilson báo cáo với cấp trên và trong một tiếng đồng hồ sau, Lord Halifax gửi một bức điện mã hoá cho Henderson: "Ông thật sự phải cẩn thận khi dùng điện thoại. Cuộc điện đàm giữa Dahlerus và Bộ Ngoại giao chắc chắn đã bị người Đức nghe lén" .

NGÀY CUỐI CÙNG CỦA HOÀ BÌNH 2 Chính phủ Anh và Pháp nghĩ rằng họ đã thuyết phục được Đức và Ba Lan đồng ý đàm phán, nên dù có nghi ngờ Hitler cao độ, nhưng họ vẫn muốn tiếp tục các nỗ lực để mang lại một cuộc đàm phán như thế. Trong việc này thì Anh chủ trì và được Pháp hỗ trợ về mặt ngoại giao ở Berlin và Warsaw. Anh không khuyên Ba Lan chấp nhận tối hậu thư của Hitler và gửi đặc sứ với đầy đủ quyền hạn đến Ba Lan, cho rằng việc này đúng như Lord Halifax nói là: "Hoàn toàn bất hợp lý". Nhưng Anh thúc giục Ngoại trưởng Beck của Ba Lan nên tuyên bố rằng sẵn sàng đàm phán "lập tức". Đó là nội dung văn bản mà Lord Halifax gửi cho Đại sứ Anh Kennard tại Ba Lan vào đêm 30 tháng 8 .

"Chúng tôi xem việc này là rất quan trọng dựa theo tình hình quốc nội ở Đức và dư luận quốc tế. Khi nào mà Chính phủ Đức còn cho thấy họ sẵn sàng đàm phán, thì không nên cho họ cơ hội để đổ lỗi cho xung đột ở Ba Lan" .

Kennard gặp Beck vào lúc nửa đêm. Vị Ngoại trưởng Ba Lan hứa sẽ trả lời vào trưa ngày 31 tháng 8. Báo cáo của Kennard về cuộc họp đón Bộ Ngoại giao lúc 8 giờ sáng và Halifax không hài lòng lắm. Giữa trưa ngày 31 tháng 8, ông gửi điện yêu cầu Kennard phải "phối hợp" với đồng nghiệp Pháp của ông này ở Warsaw (Léon Noël, Đại sứ Pháp) và đề nghị với Chính phủ Ba Lan: "rằng họ phải vạch rõ với Chính phủ Đức – tốt nhất là trực tiếp, nếu không thì qua chúng ta – rằng họ đã nắm bắt câu trả lời cuối cùng của chúng ta cho Chính phủ Đức và rằng họ khẳng định chấp nhận nguyên tắc đối thoại trực tiếp" .

Chính phủ Pháp lo sợ Chính phủ Đức có thể lợi dụng sự im lặng của Chính phủ Ba Lan .

Lord Halifax vẫn còn cảm thấy bất an về Đồng minh Ba Lan của mình, nên không đầy 2 tiếng đồng hồ sau, lúc 1 giờ 45 chiều, ông lại gửi điện cho Kennard: "Lập tức thông báo cho Chính phủ Ba Lan và đề nghị rằng xét vì họ đã chấp nhận nguyên tắc đối thoại trực tiếp, nên hãy chỉ thị ngay cho Đại sứ Ba Lan ở Berlin và nói với Chính phủ Đức rằng, nếu Đức có đề xuất nào thì ông ấy sẵn lòng chuyển về Chính phủ của ông ấy để họ có thể xem xét ngay và đưa đề nghị về việc đối thoại sớm" .

Nhưng ngay trước khi bức điện này được gửi đi, Beck thông báo cho Đại sứ Anh biết rằng Chính phủ Ba Lan đã đồng ý đối thoại trực tiếp với Đức, và rằng ông đã chỉ thị cho Đại sứ Lipski của Ba Lan tại Đức đến gặp Ngoại trưởng Đức Ribbentrop để cho biết:"Ba Lan chấp nhận đề nghị của Anh". Khi Kennard hỏi Lipski sẽ làm gì nếu Ribbentrop trao đề nghị của Đức, Beck nói Lipski không có thẩm quyền để chấp nhận, bởi vì "theo kinh nghiệm trong quá khứ, có thể có tối hậu thư đi kèm". Beck bảo điều quan trọng là tái lập mối liên lạc "và rồi sẽ bắt đầu thảo luận chi tiết như đàm phán đâu, với ai và trên cơ sở nào". Xét qua "kinh nghiệm trong quá khứ", đây là quan điểm đúng lý. Kennard còn thêm rằng Beck đã nói: "Nếu được mời đến Berlin dĩ nhiên ông ấy sẽ không đi, vì ông không muốn bị đối xử như Tổng thống Hácha." Thật ra, Beck không hề gửi chỉ thị cho Lipski như ông đã nói. Thay vì nói Ba Lan "chấp nhận" đề nghị của Anh, Lipski được lệnh nói với phía Đức rằng Ba Lan "đang xem xét một cách tích cực" đề nghị của Anh và sẽ trả lời chính thức "muộn nhất trong vòng vài giờ tới" .

Phía Đức không muốn tiếp Lipski. Đã quá muộn. Lúc 1 giờ trưa, Lipski xin diện kiến Ribbentrop. Sau khi chờ đợi vài tiếng đồng hồ, Lipski nhận điện thoại của Thứ trưởng Ngoại giao Weizsaecker thay mặt cho Ribbentrop và hỏi xem ông có được trao đủ quyền hạn hay không hay "là với tư cách khác" .

Sau này, Lipski thuật lại trong báo cáo của mình : "Tôi trả lời rằng tôi xin diện kiến với tư cách là Đại sứ, để trao bản tuyên bố của Chính phủ tôi" .

Lại thêm chờ đợi. Lúc 5 giờ chiều, Ngoại trưởng Attolico đến gặp Ribbentrop và chuyển lời với "mong ước khẩn cấp của Duce" là Lãnh tụ nên tiếp kiến Lipski "nhằm thiết lập ít nhất mối liên lạc tối thiểu để tránh sự tuyệt giao". Ngoại trưởng Đức hứa sẽ "chuyển" mong ước cho Lãnh tụ .

Mussolini cũng can thiệp. Theo chỉ thị của ông, Attolico nói với Weizsaecker rằng Mussolini đã liên hệ với Anh và đề nghị trả Danzig cho Đức, đồng thời Mussolini cần có chút thời gian để hoàn thiện kế hoạch cho hoà bình, vậy trong lúc chờ đợi, liệu Chính phủ Đức có chấp nhận gặp Lipski hay không? Câu trả lời là có. Nhưng buổi hội kiến giữa Ribbentrop và Lipski bắt đầu từ 6 giờ 15 chiều lại không kéo dài lâu. Khi Ribbentrop hỏi Lipski rằng ông này có phải đến với tư cách đặc sứ toàn quyền để đàm phán hay không, Lipski trả lời "trong lúc này" mình chỉ được chỉ thị trao bản tuyên bố. Ribbentrop cho biết mình đã mong đợi Lipski đến với tư cách "đặc sứ có đủ thẩm quyền" và khi nghe rằng không phải thế ông mời Lipski ra về và nói sẽ thông báo cho Lãnh tụ .

Lipski kể: "Khi trở về Đại sứ quán, tôi không thể liên lạc với Warsaw, vì người Đức đã cắt đường điện thoại của tôi." Những câu hỏi của Weizsaecker và Ribbentrop về tư cách của Lipski chỉ là thủ tục để ghi chép, bởi vì Đức đã biết Lipski không phải là Đại sứ toàn quyền. Họ đã giải mã bức điện của Ba Lan. Goering đã nhận được một văn bản của bức điện này, đồng thời nhờ Dahlerus gửi cho Handerson. Trước Toà án Nuremberg, Goering khai mình làm thế là để cho Chính phủ Anh "biết ngay thái độ của Ba Lan là thiếu khoan nhượng như thế nào". Goering đọc trước phiên toà nội dung của bức điện là "trong bất cứ trường hợp nào" Lipski cũng không được tham gia đàm phán chính thức và phải nói rõ rằng mình không được toàn quyền, mà chỉ trao thông báo chính thức của Ba Lan. Trong lời khai này, Goering còn cố chứng tỏ rằng Ba Lan đã "phá hoại" nỗ lực cuối cùng của Hitler cho hoà bình .

Riêng Ribbentrop thì khai là chỉ sau khi chuyến đi của Lipski đến Bộ Ngoại giao Đức lúc 6 giờ 15 tối 31 tháng 8, thì Hitler mới quyết định "xâm lăng vào ngày hôm sau" .

Nhưng sự thật lại không phải như thế. Mọi động thái tất bật vào giờ chót ngày 31 tháng 8 chỉ là vô vọng và trong trường hợp của Đức, là hoàn toàn mang mục đích lừa dối .

Vì lẽ, lúc 12 giờ 30 trưa ngày 31 tháng 8, trước khi Lord Halifax thúc giục Ba Lan nên khoan nhượng, trước khi Lipski xin một cuộc hẹn với Ribbentrop, cả trước khi Đức công bố đề nghị "rộng lượng" cho Ba Lan và kéo Mussolini can thiệp, Adolf Hitler đã đi đến quyết định cuối cùng và ban hành mệnh lệnh mà sau này sẽ đưa hành tinh vào cuộc chiến đẫm máu nhất .

TƯ LỆNH TỐI CAO QUÂN LỰC TỐI MẬT Berlin, 31 tháng 8, 1939 Chỉ thị số 1 Về việc Tiến hành Chiến tranh Bây giờ, khi mọi khả năng chính trị qua đường lối hoà bình cho tình hình ở vùng Biên giới phía Đông mà Đức không thể chấp nhận đều không còn, tôi quyết định đi đến giải pháp bằng vũ lực .

Phải tiến hành cuộc tấn công vào Ba Lan theo những chuẩn bị của Phương án Màu Trắng... Việc phân bố công tác và những mục tiêu hành quân là không đổi .

Ngày tấn công: 1 tháng 9, 1939 .

Giờ tấn công: 4 giờ 45 [được ghi thêm vào bằng bút chì đỏ] .

Cũng áp dụng thời điểm này cho kế hoạch hành quân ở Gdynia, vịnh Danzig và cầu Dirschau .

Ở phía Tây, điều quan trọng là để cho Anh và Pháp chịu trách nhiệm mở đầu hành động thù địch... Trong lúc này, chỉ đối phó với những xâm phạm nhỏ vùng biên giới bằng hành động cục bộ .

Phải tuyệt đối tôn trọng tính trung lập mà ta đã đảm bảo của Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và Thuỵ Sĩ .

Trên đất liền, không được vượt qua biên giới phía Tây của Đức mà không có lệnh cụ thể của tôi .

Trên mặt biển, cũng áp dụng nguyên tắc tương tự cho mọi hành động giống chiến tranh hay những hành động được xem như thế. Nếu Anh và Pháp khai mào hành động thù địch chống Đức, các đơn vị của Quân lực Đức hoạt động ở phía Tây phải bảo toàn lực lượng đến mức tối đa và qua đó, duy trì các điều kiện để cho cuộc hành quân qua Ba Lan đi đến chiến thắng. Trong những giới hạn này, phải gây thiệt hại càng nhiều càng tốt cho các lực lượng của địch và những nguồn lực quân sự – kinh tế của họ. Trong bất kỳ trường hợp nào, chỉ mình tôi có quyền ra lệnh tấn công .

Quân đội phải giữ lấy Bức tường Tây và chuẩn bị những biện pháp nhằm tránh bị đánh qua sườn phía Bắc do các cường quốc phương Tây xâm phạm lãnh thổ của Bỉ hoặc Hà Lan... Hải quân sẽ tiến hành chiến tranh chống lại sự vận chuyển hàng hải, chủ yếu là chống Anh... Không quân, trước hết, phải ngăn chặn Không quân Anh và Pháp tấn công Quân đội Đức và Lenbenraum [không gian sinh sống] của Đức .

Trong việc tiến hành chiến tranh chống Anh, phải có những bước chuẩn bị nhằm sử dụng Không quân Đức quấy rối các tuyến tiếp tế bằng hàng hải, công nghiệp vũ khí và các tuyến vận chuyển quân đội qua Pháp. Phải chiếm lấy cơ hội tốt để tấn công các đơn vị Hải quân Anh, đặc biệt chống các tàu thiết giáp và tàu sân bay. Tôi sẽ là người ra quyết định tấn công London hay không .

Phải có những chuẩn bị nhằm tấn công đất liền của Anh và nhớ rằng: Trong mọi trường hợp, ta phải tránh sự thành công không trọn vẹn do lực lượng yếu .

ADOLF HITLER Như chỉ thị chiến tranh cho thấy, Hitler vẫn chưa biết chắc liệu Anh và Pháp sẽ làm gì. Ông sẽ tránh đánh họ trước. Nếu họ có hành động thù địch, ông đã chuẩn bị để đương đầu. Gần trưa ngày 31 tháng 8, trong khi Hitler vẫn còn nói đang chờ đợi Đặc sứ Ba Lan thì Quân đội Đức đã nhận được chỉ thị .

Tôi còn nhớ bầu không khí kỳ quái ngày hôm ấy ở Berlin, có vẻ như mọi người đều đi qua đi lại trong bàng hoàng. Thứ trưởng Ngoại giao Weizsaecker thấy chỉ còn có một hy vọng cuối cùng: Henderson thuyết phục Lipski và Ba Lan gửi đặc sứ toàn quyền đến ngay lập tức, hoặc ít nhất là thông báo ý định sẽ làm như thế. Lúc 7 giờ 25 sáng, Weizsaecker gọi điện cho Ulrich von Hassell, một người trong "nhóm âm mưu", để nhờ ông này đi gặp Henderson và Goering cho mục đích này. Hassell cố gắng. Ông gặp Henderson hai lần và Goering một lần. Dù là nhà ngoại giao kỳ cựu và lúc đó đang chống Quốc xã, nhưng Hassell vẫn không nhận ra rằng những nỗ lực của mình là vô vọng. Ông cũng không hiểu hết mức độ nhầm lẫn của chính mình, của Wietersheim và của những "người Đức tốt bụng" vốn muốn hoà bình – nhưng là hoà bình theo điều kiện của Đức. Đáng lẽ vào ngày 31 tháng 8, họ phải hiểu rằng chiến tranh sẽ xảy ra nếu Hitler hoặc Ba Lan không chịu nhượng bộ và thực tế không ai chịu nhượng bộ cả. Tuy thế, như nhật ký của Hassell chỉ ra, ông vẫn mong chờ Ba Lan nhượng bộ và đi theo con đường bất hạnh của Áo và Tiệp Khắc .

Khi Henderson vạch rõ với Hassell rằng "khó khăn chủ yếu" là do phương pháp của Đức khi ra lệnh cho người Ba Lan "như là cho những đứa trẻ ngu dốt", Hassell trả đũa rằng "sự im lặng dai dẳng của Ba Lan là đáng trách". Ngay cả đối với ông, người Ba Lan không được quyền hỏi han. Khi ông đưa ra "kết luận cuối cùng" về nguyên nhân của chiến tranh, Hassell vừa trách cứ Hitler và Ribbentrop vừa đổ trách nhiệm lên Ba Lan, thậm chí lên cả Anh và Pháp. Ông viết: "Về phần Ba Lan, với tính tự phụ của con người Ba Lan, tính bâng quơ của người Slav, cùng với sự tự tin về sự ủng hộ của Anh và Pháp, họ đã bỏ qua tất cả cơ hội cuối cùng nhằm tránh chiến tranh" .

Người ta chỉ có thể hỏi họ bỏ qua cơ hội gì ngoại trừ đầu hàng tất cả yêu sách của Hitler. Hassell thêm: "Chính phủ ở London... vào những ngày cuối đã bỏ cuộc cùng với thái độ sống chết mặc bay. Pháp đã đi qua những giai đoạn như thế, nhưng chỉ với chút ít lưỡng lự. Còn Mussolini thì làm tất cả trong khả năng của mình nhằm tránh chiến tranh" .

Nếu một nhà ngoại giao có học thức, có văn hoá và nhiều kinh nghiệm như Hassell còn có tư tưởng như thế thì có gì lạ khi Hitler có thể mê hoặc đại đa số người Đức một cách dễ dàng? Xét qua chỉ thị chiến tranh được đưa ra trong ngày, ta có thể nghĩ Tư lệnh Không quân Goering lúc này hẳn phải đang rất bận rộn, vì nhiều đội máy bay sẽ cất cánh chiến đấu sâu vào đất Ba Lan từ sáng sớm hôm sau. Trái lại, Dahlerus mời Goering đi ăn trưa và đãi ông này một bữa tiệc rượu thịnh soạn. Sau khi đã làm cho Goering hứng chí, Dahlerus đề nghị người bạn mời Henderson đến trao đổi. Được Hitler cho phép, Goering mời Henderson và Forbes đến nhà mình dùng trà lúc 5 giờ chiều. Dahlerus kể rằng mình đề nghị Goering thay mặt Đức đi gặp một Đặc sứ Ba Lan ở Hà Lan. Henderson kể lại Goering: "kể lể suốt 2 tiếng đồng hồ về những hành động bất công của Ba Lan, về lòng mong mỏi của Hitler và của chính ông cho tình hữu nghị với Anh. Đó là buổi trao đổi không đi đến đâu cả... Cảm nghĩ của tôi là ông ấy có nỗ lực cuối cùng nhưng tuyệt vọng nhằm tách Anh ra khỏi Ba Lan... Tôi dự đoán điềm xấu nhất khi ông ấy ở cương vị như thế vào thời điểm như thế lại bỏ thời giờ như thế với tôi..." Người thứ ba kể về buổi dùng trà kỳ lạ là Tham tán Forbes khi trả lời Luật sư của Goering tại Toà án Nuremberg: "Bầu không khí là tiêu cực và vô vọng, dù vẫn còn sự thân thiện... Goering tuyên bố với Đại sứ Anh là: Nếu Ba Lan không nhượng bộ thì Đức sẽ đè họ bẹp dí như chấy rận, còn nếu Anh quyết định tuyên chiến thì ông sẽ rất lấy làm tiếc, nhưng đó là động thái khinh suất nhất của Anh." Henderson cho biết vào buổi tối, ông thảo bức điện gửi về London, nói rằng "nếu tôi nêu thêm đề xuất gì cũng là vô ích... và ta chỉ còn có một cách là tỏ ra cương quyết chống lại vũ lực bằng vũ lực". Có lẽ ông thảo bức điện vào buổi tối nhưng gửi đi lúc 3 giờ 45 hôm sau, gần 12 tiếng đồng hồ sau khi Đức bắt đầu tấn công Ba Lan. Sau đó là thêm vài bức điện báo cáo về sự xung đột, có câu: "Hy vọng cuối cùng nằm ở quyết tâm không gì lay chuyển của ta nhằm chống lại vũ lực bằng vũ lực" .

Nevile Henderson đã hoàn toàn vỡ mộng. Dù cho ông đã có nhiều nỗ lực không mệt mỏi trong bao năm qua nhằm xoa dịu nhà độc tài Đức tham lam vô độ, thì ông vẫn thú nhận rằng mình đã thất bại. Vào ngày cuối tháng 8, nhà ngoại giao Anh nông cạn, yêu đời này, với sách lược cá nhân mù quáng một cách tệ hại, đã cố gắng đối mặt với hy vọng vỡ vụn và kế hoạch thất bại của mình. Một sự thật xưa cũ hé mở trong tâm trí ông: có những thời khắc và tình huống mà vũ lực phải đối đầu với vũ lực. Khi màn đêm buông xuống châu Âu vào đêm 31 tháng 8 năm 1939, 1 triệu rưỡi binh sĩ bắt đầu di chuyển về những vị trí cuối cùng nằm dọc biên giới để tiến quân vào sáng sớm. Tất cả những gì còn lại mà Hitler phải làm là trò tuyên truyền lừa dối để chuẩn bị cho người dân Đức cú sốc của chiến tranh gây hấn .

Tôi nói chuyện với nhiều người trên đường phố Berlin và sáng ngày hôm ấy tôi đã ghi vào nhật ký: "Ai nấy đều chống chiến tranh. Họ phát biểu công khai. Làm thế nào 1 quốc gia có thể khởi động 1 cuộc chiến mà người dân của họ chống đối?" Dù có kinh nghiệm trong Đế chế Thứ Ba, nhưng tôi vẫn nêu lên câu hỏi ngây thơ như thể Hitler biết rất rõ câu trả lời. Chẳng phải trong tuần trước ông đã hứa với các tướng lĩnh rằng sẽ "cho lý do tuyên truyền để khởi động chiến tranh" và bảo họ "không cần biết có đúng lý hay không" đó sao? Ông đã nói với họ rằng: "không ai hạch hỏi người chiến thắng liệu anh ta có nói thật hay không. Trong việc khởi động và vận hành chiến tranh, vấn đề không phải là đúng, mà là chiến thắng" .

Lúc 9 giờ tối, tất cả các đài phát thanh đều phát đi những đề nghị hoà bình của Lãnh tụ cho Ba Lan, nghe thật đúng lý đến nỗi thông tín viên này cũng bị đánh lừa. Nhưng có một sự kiện bị bỏ qua: Hitler chưa bao giờ trình bày những đề nghị này cho phía Ba Lan và ngay cả cho Anh, ngoại trừ theo cách thức mơ hồ và không chính thức. Trái lại, Hitler còn tỏ ra là bậc thầy về nghệ thuật lừa dối. Bản tin cho biết sau khi Anh đề nghị làm trung gian ngày 28 tháng 8, ngày hôm sau Chính phủ Đức trả lời rằng, "dù nghi ngờ ý muốn của Ba Lan là đạt đến sự thông cảm, nhưng họ [Chính phủ Đức] vẫn sẵn sàng vì lợi ích của hoà bình mà chấp nhận vai trò trung gian hoặc đề nghị của Anh... Để tránh một tai hoạ, họ xét thấy cần thiết phải hành động nhanh chóng... Họ tuyên bố sẵn sàng tiếp một đặc sứ của Chính phủ Ba Lan hạn cuối là tối 30 tháng 8, với điều kiện người này phải được uỷ quyền tham gia đàm phán và ký kết .

Thay vì tuyên bố cử đặc sứ toàn quyền, câu trả lời đầu tiên của Ba Lan mà Chính phủ Đế chế nhận được... là tin tức về việc động binh... Vì thế Lãnh tụ và Chính phủ Đức trong hai ngày đã vô vọng chờ đợi nhà đàm phán của Ba Lan .

Trong tình huống ấy, vào lúc này Chính phủ Đức sẽ xem những đề nghị của họ là đã bị... khước từ, dù xét thấy những đề nghị này, vốn cũng đã được thông báo cho Chính phủ Anh, là hơn cả trung thành, công bằng và thiết thực" .

Để có hiệu quả, tuyên truyền cần đi đôi với chứng cứ. Sau khi thuyết phục người Đức rằng Ba Lan đã khước từ đề nghị hoà bình rộng lượng của Lãnh tụ, nên bây giờ chỉ cần ngụy tạo một chứng cứ để "minh chứng" rằng không phải Đức mà là Ba Lan tấn công trước nữa là xong .

Hitler chỉ thị cho phía Đức chuẩn bị kỹ càng cho cái trò lập lờ này. Alfred Naujocks được lệnh chỉ huy binh sĩ S.S. mặc quân phục Ba Lan tấn công một đài phát thanh của Đức ở Gleiwitz. Binh sĩ S.S. làm nhiệm vụ nổ súng, còn tội nhân trong các trại tập trung bị chích thuốc cho chết để giả làm số "thương vong". Naujocks thuật lại trước Toà án Nuremberg: "Giữa trưa ngày 31 tháng 8, tôi nhận lệnh của Heydrich là khởi sự tấn công lúc 8 giờ tối hôm ấy. Heydrich bảo tôi đến trình diện với Mueller. Tôi đến gặp Mueller và trao cho ông ấy chỉ thị là giao một người gần đến đài phát thanh. Tôi tiếp nhận người này và đặt anh ta nằm gần lối ra vào. Anh còn sống nhưng hoàn toàn bất tỉnh. Tôi cố mở mắt anh ta ra. Tôi không thể nhận ra anh ta còn sống qua con mắt, mà chỉ thấy qua hơi thở. Tôi không thấy vết thương do đạn bắn nhưng có nhiều máu dính trên mặt anh ấy. Anh mặc quần áo dân sự .

Làm theo lệnh, chúng tôi chiếm lấy đài phát thanh, cho phát sóng một bản tuyên bố dài 3 đến 4 phút qua một máy phát sóng khẩn cấp, bắn vài phát súng lục rồi rút lui". Tối hôm ấy, phần lớn Berlin bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài, ngoại trừ vài cơ sở gửi tin tức truyền tải "đề nghị" của Lãnh tụ cho Ba Lan và các cáo buộc về những cuộc "tấn công" của Ba Lan vào lãnh thổ Đức. Tôi cố gắng gọi điện đi Warsaw, London và Paris nhưng được báo rằng đường viễn thông nối với các thủ đô này đã bị cắt. Riêng Berlin có vẻ bề ngoài như thường lệ. Không có việc di tản phụ nữ và trẻ em như ở Paris và London, cũng không có bao cát chắn cửa sổ của cửa hàng. Lúc 4 giờ sáng ngày 1 tháng 9, sau khi gửi đi bản tin cuối cùng, từ Văn phòng Phát thanh tôi trở về khách sạn Adlon. Không có xe cộ chạy trên đường. Những toà nhà đều tối đen .

Hitler ở trong tình trạng bình thường cả ngày. Lúc 6 giờ chiều 31 tháng 8, Halder ghi vào nhật ký: "Lãnh tụ bình tĩnh, ngủ được ngon giấc... Quyết định không di tản [ở phía Tây] cho thấy ông nghĩ Anh và Pháp sẽ không có hành động" .

Vào ngày này, Hitler có thời giờ để viết thư cho Quận công Windsor ở Antibes, nước Pháp: Berlin, ngày 31 tháng 8 năm 1939 Tôi cảm ơn ông về bức điện của ông ngày 27 tháng 8. Xin ông an tâm là thái độ của tôi đối với Anh quốc và lòng mong muốn của tôi nhằm tránh một cuộc chiến khác giữa hai dân tộc chúng ta là vẫn không đổi. Tuy nhiên, những mong ước của tôi về sự phát triển quan hệ Anh-Đức trong tương lai có thực hiện được hay không là tuỳ thuộc vào Anh quốc .

ADOLF HITLER Đô đốc Giám đốc Quân báo Canaris, một trong những nhân vật chính âm mưu chống Hitler, thì mang tâm trạng khác. Dù Hitler đang dẫn nước Đức đi vào chiến tranh – hành động mà nhóm Canaris đã thề phải ngăn chặn bằng cách lật đổ nhà độc tài – nhưng vào thời điểm đó, lại không có bất cứ âm mưu nào được thực hiện khi hành động ấy đã đến .

Buổi chiều, Đại tá Oster gọi Gisevius đến Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực. Trung tâm đầu não này của Đức đang nhộn nhịp với những hoạt động của mình. Canaris kéo Gisevius đi xuống một hành lang tối lờ mờ. Giọng nghẹn ngào vì xúc động, ông nói: "Đây là dấu chấm hết cho nước Đức" .

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dichle