Phần 13
ĐẾN LƯỢT BA LAN
NGÀY 24 tháng 10 năm 1938, không đầy 1 tháng sau Hiệp ước Munich, Ribbentrop mời Józef Lipski, Đại sứ Ba Lan tại Đức dùng bữa trưa kéo dài 3 giờ đồng hồ. Một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh bữa ăn diễn ra "trong không khí rất thân thiện" .
Tuy thế, Ribbentrop không để mất thời giờ đi vào vấn đề. Ông nói đã đến lúc Ba Lan và Đức đi đến thoả thuận chung. Trước tiên chúng ta cần nói về Danzig ở Ba Lan. Phải "giao trả" miền này cho Đức. Hơn nữa, Đức muốn xây một đường cao tốc và một tuyến đường sắt có 2 đường ray xuyên qua Hành lang Ba Lan để nối với Danzig và Đông Phổ. Cả 2 đều sẽ có quyền ngoài lãnh thổ. Cuối cùng, Hitler mong mỏi Ba Lan gia nhập Hiệp ước chống Đệ tam Quốc tế Cộng sản để cùng nhau chống lại Liên Xô. Để đáp lại những nhượng bộ này, Đức sẽ sẵn lòng gia hạn Hiệp ước Ba Lan-Đức từ 10 đến 20 năm và đảm bảo biên giới cho Ba Lan .
Ribbentrop nhấn mạnh rằng mình sẽ giữ kín việc thảo luận về những vấn đề này, đồng thời đề nghị Lipski báo cáo với Ngoại trưởng Beck "bằng miệng – bởi vì có nguy cơ rò rỉ thông tin, nhất là cho phía báo chí". Lipski hứa sẽ báo cáo về Warsaw nhưng cảnh báo Ribbentrop rằng mình không thấy "khả năng" giao trả Danzig cho Đức. Ông còn nhắc đến 2 sự kiện – 5 tháng 11 năm 1937 và 14 tháng 1 năm 1938 – khi Hitler đích thân trấn an người Ba Lan rằng mình không ủng hộ bất kỳ thay đổi nào trong Quy chế Danzig. Ribbentrop trả lời lúc này ông không có câu trả lời, nhưng khuyên bên Ba Lan nên "suy nghĩ về điều này" .
Ngày 19 tháng 11 năm 1938, Ribbentrop và Lipski gặp lại nhau. Ba Lan không thuận theo các đòi hỏi của Đức, nhưng sẵn lòng thay thế sự đảm bảo của Hội Quốc liên cho Danzig bằng một hiệp định Đức-Ba Lan về Quy chế Thành phố Tự do. Bản ghi nhớ của Beck gửi Ribbentrop ghi: "Bất kỳ giải pháp nào khác, đặc biệt là bất kỳ động thái nào nhằm sáp nhập Thành phố Tự do vào Đế chế, sẽ không tránh khỏi dẫn đến xung đột." Ribbentrop trả lời rằng "cảm thấy tiếc về quan điểm của Beck" và đề nghị phía Ba Lan nên "xem xét nghiêm túc những đề xuất của phía Đức" .
Hitler có phản ứng mạnh bạo hơn. Ngày 24 tháng 11 năm 1938, 5 ngày sau buổi gặp gỡ của Ribbentrop và Lipski, ông gửi một chỉ thị đến các tư lệnh quân chủng .
TỐI MẬT Lãnh tụ chỉ thị: Ngoài ba biện pháp dự phòng theo chỉ thị ngày 21 tháng 10 năm 1938, cũng cần chuẩn bị điều quân Đức đến chiếm đóng bang Tự do Danzig một cách bất ngờ .
Phải tiến hành chuẩn bị dựa trên cơ sở sau: Điều kiện là việc chiếm đóng có hình thức gần giống như một cuộc Cách mạng, khai thác tình hình thuận lợi về chính trị, không phải là chiến tranh chống Ba Lan... Các đơn vị được sử dụng cho mục đích này phải khác với các đơn vị sẽ chiếm Memel, sao cho nếu cần thiết, sẽ chiếm đóng 2 nơi cùng một lúc. Hải quân sẽ hỗ trợ Lục quân bằng cách tấn công từ ngoài biển... Phải nộp kế hoạch của các quân chủng vào ngày 10 tháng 1 năm 1939 .
Dù Beck đã cảnh cáo rằng bất kỳ động thái nào nhằm chiếm Danzig sẽ "không tránh khỏi" dẫn đến xung đột, nhưng lúc đó, Hitler vẫn tin rằng có thể làm việc này mà không gây ra chiến tranh. Đảng Quốc xã địa phương đang kiểm soát Danzig và giống như người Đức Sudeten, họ nhận lệnh từ Berlin. Sẽ không phải khó khăn để tạo ra tình trạng "có vẻ như là Cách mạng" ở đấy .
Thế là, sau khi thôn tính Áo và vùng Sudetenland mà không phải đổ máu trong năm 1938, khi năm này sắp hết, Hitler lại để tâm trí vào việc thôn tính phần còn lại của Tiệp Khắc, Memel và Danzig. Làm nhục Schuschnigg và Beneš đã khá dễ dàng. Và hiện nay chính là đến lượt Ngoại trưởng Józef Beck của Ba Lan .
Nhưng ban đầu Hitler chưa đối xử với Beck theo cách tệ hại như với Schuschnigg và Beneš, vì ông còn lo thôn tính phần còn lại của Tiệp Khắc trước. Theo tài liệu mật của Ba Lan và Đức cho thấy, Hitler giữ thái độ hoà hoãn khi tiếp Józef Beck ngày 5 tháng 1 năm 1939. Ông mở đầu bằng cách nói mình "khá sẵn lòng hỗ trợ cho Beck" và còn hỏi có gì "đặc biệt" trong tâm trí của Beck không? Beck trả lời rằng Danzig đang chiếm tâm trí của ông. Rõ ràng nó cũng đang chiếm tâm trí của Hitler .
Lãnh tụ nhắc nhở vị khách: "Danzig là của Đức, sẽ luôn là của Đức và chẳng chóng thì chầy sẽ thuộc về nước Đức." Tuy nhiên, ông cam đoan rằng sẽ không dự tính sắp đặt cho "chuyện đã rồi" ở Danzig .
Ông muốn Danzig và ông muốn 1 đường cao tốc cùng 1 tuyến đường sắt xuyên qua Hành lang Ba Lan. Nếu ông và Beck "thoát ra khỏi khuôn sáo xưa cũ mà tìm kiếm giải pháp theo đường hướng mới", ông tin chắc chắn có thể đạt đến thoả thuận công bằng cho cả 2 quốc gia .
Józef Beck thì không tin chắc. Tuy thế, như ông thổ lộ với Ribbentrop ngày hôm sau, ông không muốn quá thẳng thừng với Lãnh tụ, nên ông trả lời rằng "Danzig là một vấn đề rất khó khăn", ông không thấy trong đòi hỏi của Lãnh tụ có việc gì "tương đương" cho Ba Lan. Vì thế, Hitler vạch ra "điểm lợi to tát" cho Ba Lan trong việc "có biên giới giáp với Đức, kể cả Hành lang Ba Lan, được đảm bảo bằng hiệp ước". Beck có vẻ không thấy hấp dẫn vì việc này, nhưng hứa sẽ suy nghĩ thêm .
Sau một đêm suy nghĩ, hôm sau Beck yêu cầu Ribbentrop thông báo với Lãnh tụ rằng ông "không thấy có khả năng nào để thoả thuận" .
Giống như nhiều người khác, phải mất một thời gian Đại tá Beck mới thức tỉnh. Cũng như phần lớn người Ba Lan, ông chống Liên Xô một cách quyết liệt. Hơn nữa, ông cũng có ác cảm với người Pháp từ năm 1923, khi là Tùy viên Quân sự ở Paris, ông bị trục xuất vì bị cáo giác bán tài liệu về Quân đội Pháp. Vì vậy, có lẽ điều tự nhiên là vị Ngoại trưởng này từ năm 1932 trở nên thân thiện với Đức hơn. Ông có cảm tình với chế độ độc tài Quốc xã và hơn 6 năm qua, ông đã cố đưa nước mình đến gần với Đức hơn và làm suy yếu mối quan hệ truyền thống với Pháp .
Trong số tất cả quốc gia giáp với Đức, Ba Lan ở vào vị thế đáng lo nhất về lâu dài. Trong số tất cả quốc gia, Ba Lan không thấy được hiểm hoạ của Đức. Điều khoản Hoà ước Versailles khiến cho Đức bất mãn nhất là việc lập Hành lang để tạo cho Ba Lan đường thông thương ra biển và cắt Đông Phổ lìa khỏi Đức. Việc tách rời cảng Hanseatic của Danzig và đặt dưới sự giám sát của Hội Quốc liên, nhưng bị Ba Lan thống trị về kinh tế cũng khiến cho người Đức nổi giận. Thậm chí nền Cộng hoà Đức, vốn yếu hèn và hoà hoãn, cũng không bao giờ chấp nhận tình trạng mà họ cho là Ba Lan đã xâu xé Đế chế Đức. Ngay vào năm 1932, Tướng von Seeckt phát biểu quan điểm của Quân đội Đức: "Sự hiện hữu của Ba Lan là không thể chấp nhận được và không tương thích với những điều kiện thiết yếu cho đời sống của Đức. Ba Lan phải ra đi và sẽ ra đi... với sự giúp đỡ của ta... Việc xoá sổ Ba Lan phải là một trong những động lực cơ bản nhất của chính sách Đức... được đạt đến qua cách thức của Nga và với sự hỗ trợ của Nga." Thật đúng là những lời tiên tri! Người Đức quên – hoặc có lẽ không muốn nhớ – rằng hầu hết đất đai của Đức được Hoà ước Versailles cắt giao cho Ba Lan – kể cả các tỉnh Posen và Pomorze tạo nên Hành lang Ba Lan – là do Phổ chiếm đoạt trong những lần Phổ, Nga và Áo xâu xé Ba Lan. Trong hơn một nghìn năm, người Ba Lan đã sinh sống trên những vùng đất này .
Không có quốc gia nào được tái lập theo Hoà ước Versailles trải qua thời kỳ nhiễu nhương như Ba Lan. Trong những năm đầu tiên sau khi tái lập quốc gia, Ba Lan khởi động chiến tranh chống lại Liên Xô, Lithuania, Đức và ngay cả Tiệp Khắc. Vì không có nền tự do chính trị trong hơn một thế kỷ rưỡi nên họ cũng không có kinh nghiệm gì trong việc tự trị, người Ba Lan không thể thành lập chính quyền vững chắc hoặc giải quyết những vấn đề kinh tế và nông nghiệp .
Năm 1926, Thống chế Pilsudski, người anh hùng của Cách mạng 1918, đã tiến vào Warsaw, cướp chính quyền và thiết lập nên chế độ độc tài. Trước khi qua đời năm 1935, một trong những động thái quan trọng của ông là vào ngày 26 tháng 1 năm 1934 đã ký kết một hiệp ước bất tương xâm với Hitler. Đây là bước đầu tiên làm suy yếu mối liên minh giữa Pháp với các quốc gia Đông Âu, đồng thời cũng làm yếu đi Hội Quốc liên cùng ý niệm an ninh tập thể của tổ chức này .
Sau cái chết của Pilsudski, Ba Lan được điều hành bởi một nhóm nhỏ những "Đại tá", trước đây là những chỉ huy trong Binh đoàn Ba Lan dưới quyền Pilsudski chiến đấu chống Nga trong Thế chiến I. Cầm đầu nhóm này là Thống chế Smigly-Rydz, một chiến binh giỏi nhưng không phải là chính khách. Chính sách ngoại giao dần dà rơi vào tay của Đại tá Józef Beck. Kể từ năm 1934, Ba Lan càng thân thiện hơn với Đức .
Thực tế thì đó là một chính sách tự sát. Khi xét qua vị thế của Ba Lan ở châu Âu sau Hoà ước Versailles, người ta khó tránh khỏi kết luận là trong giai đoạn này, người Ba Lan chính là kẻ thù tệ hại nhất của chính họ. Chừng nào mà Danzig và Hành lang Ba Lan còn hiện diện như thế này thì không thể có hoà bình lâu dài giữa Ba Lan và Đức Quốc xã. Ba Lan cũng không đủ mạnh để cứ mãi mâu thuẫn với 2 láng giềng khổng lồ Liên Xô và Đức. Quan hệ với Liên Xô vẫn luôn tồi tệ kể từ năm 1920, khi Ba Lan tấn công Liên Xô thừa dịp Liên Xô đang suy yếu vì Thế chiến I và xung đột nội bộ. Sau cuộc chiến này, biên giới Ba Lan tiến sâu 240 km vào Liên Xô. Vì thế Đức không chấp nhận đường biên giới phía Tây của Ba Lan, còn Liên Xô không chấp nhận đường biên giới phía Đông của Ba Lan. Đây là sự kiện mà hình như các nước dân chủ phương Tây không nhận ra khi Đức và Liên Xô bắt đầu xích lại gần nhau vào mùa hè 1939 .
Hitler muốn nắm bắt cơ hội nhằm tạo thân thiện với một quốc gia chống Nga mãnh liệt, đồng thời tách Ba Lan ra khỏi Hoà ước Versailles và mối liên minh với Pháp. Vì thế, ông có sáng kiến ký Hiệp ước 1934 với Ba Lan. Đấy là quyết định khiến cho người Đức không ưa thích. Vốn có thái độ thân Nga và chống Ba Lan từ thời của Seeckt, Quân đội Đức tỏ ra bất mãn. Nhưng trong lúc này, Hiệp ước 1934 với Ba Lan lại nhằm phục vụ mưu đồ của Hitler một cách đắc lực. Mối thân hữu với Ba Lan giúp ông hoàn tất những việc đầu tiên: chiếm lại vùng Rhineland, thôn tính Áo và Tiệp Khắc. Những bước này khiến cho Đức mạnh lên, phương Tây suy yếu và phía Đông bị đe doạ, nhưng Beck và những Đại tá đồng sự của ông ở Ba Lan thì vẫn thờ ơ và không nhận ra vấn đề .
Vào đầu năm, Ngoại trưởng Ba Lan cảm thấy bi quan đối với những yêu sách của Hitler và đến mùa xuân, tinh thần ông còn xuống thấp hơn nữa. Dù cho Hitler trong bài diễn văn ngày 30 tháng 1 năm 1939 đọc trước Nghị viện Đức đã thân mật nói về "tình hữu nghị giữa Đức và Ba Lan" và tuyên bố rằng đó là "một trong những yếu tố gây an tâm nhất trong đời sống chính trị châu Âu", nhưng chỉ 4 ngày trước, khi viếng thăm chính thức Ba Lan, Ribbentrop lại có lời lẽ thẳng thừng hơn. Ông này lặp lại với Józef Beck yêu cầu của Hitler về Danzig và giao thông qua Hành lang Ba Lan, cho rằng như thế là "vô cùng phải chăng". Ông cùng đòi hỏi Ba Lan gia nhập Hiệp ước Chống Đệ tam Quốc tế nhằm kình chống với Liên Xô. Nhưng phía Ba Lan vẫn bác bỏ tất cả .
Đại tá Beck đã chán ngán Ribbentrop và bắt đầu tỏ ra khó chịu. Ngày 26 tháng 2 năm 1939, Đại sứ Đức tại Warsaw báo cáo về Berlin rằng Beck đã lấy sáng kiến để được Anh mời qua London vào cuối tháng Ba và ông có thể sẽ đi Paris sau đó. Beck đã ghi trong bản báo cáo là Ba Lan "muốn tiếp xúc với các nước dân chủ phương Tây... vì e sợ có thể xảy ra xung đột với Đức qua vấn đề Danzig". Đối với Beck, cũng như đối với nhiều người đã cố xoa dịu Hitler, họ đang sáng mắt ra .
Và họ đã sáng mắt hẳn vào ngày 15 tháng 3 năm 1939, khi Hitler chiếm lấy Bohemia và Moravia, đồng thời gửi Quân đội đi bảo vệ "nền độc lập" của Slovakia. Sáng hôm ấy, khi người Ba Lan thức dậy, họ thấy Quân đội Đức đã tiến gần dọc biên giới Slovakia về phía Nam, dọc biên giới Pomerania và Phổ về phía Bắc. Chỉ qua một đêm, vị thế quân sự của Ba Lan đã trở nên chông chênh .
21 tháng 3 năm 1939 là một ngày đáng nhớ trong lịch sử của châu Âu khi tiến dần đến chiến tranh .
Vào ngày này, hoạt động ngoại giao trở nên tất bật ở Berlin, Warsaw và London. Tổng thống Pháp cùng với Ngoại trưởng Bonnet đến London trong chuyến viếng thăm chính thức. Chamberlain đề nghị với Pháp là 2 quốc gia sẽ hợp cùng Ba Lan và Liên Xô ra tuyên cáo chính thức rằng 4 nước sẽ lập tức thảo luận với nhau về những bước nhằm chặn đứng hành động gây hấn kế tiếp ở châu Âu. 3 ngày trước, Litvinov đề nghị Pháp cũng như đã đề nghị 1 năm trước, rằng sau khi Đức sáp nhập Áo thì một hội nghị ở châu Âu, lần này gồm Anh, Ba Lan, Liên Xô, Rumania và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng hợp tác để ngăn chặn Hitler. Nhưng Thủ tướng Anh cho rằng ý tưởng này là "quá sớm". Ông rất nghi ngại Liên Xô và nghĩ cùng lắm chỉ cần có một "tuyên cáo" của 4 nước kể cả Liên Xô. Cùng ngày 21 tháng 3, Đại sứ Anh ở Warsaw trình ra cho Beck đề nghị của Chamberlain, nhưng được đón nhận một cách lạnh nhạt. So với Chamberlain, Ngoại trưởng Ba Lan còn nghi ngại Liên Xô nhiều hơn và thêm nữa, ông cũng chia sẻ quan điểm của Chamberlain về khả năng quân sự vô dụng của Liên Xô. Và Beck vẫn cứ khăng khăng giữ thái độ như thế cho đến sát thời điểm của thảm hoạ .
Nhưng biến cố có tính định mệnh nhất của ngày 21 tháng 3 năm 1939 lại xảy ra ở Berlin. Ribbentrop mời Đại sứ Ba Lan đến gặp mình. Lần đầu tiên, như Lipski ghi lại trong báo cáo, Ngoại trưởng Đức chẳng những lạnh nhạt mà còn tỏ ra hung hăng. Ông cảnh cáo rằng Lãnh tụ "càng ngày càng trở nên ngỡ ngàng vì thái độ của Ba Lan". Đức muốn có câu trả lời thoả đáng về Danzig và đường cao tốc, cùng tuyến đường sắt đi qua Hành lang Ba Lan. Đó là điều kiện để tiếp tục mối quan hệ hữu nghị Ba Lan-Đức. Ribbentrop nhấn mạnh "Ba Lan phải nhận ra rằng họ không thể có thái độ lưng chừng giữa Nga và Đức". Cách duy nhất để cứu nguy cho Ba Lan là "mối quan hệ đúng lý với Đức và Lãnh tụ", kể cả về "chính sách chung chống Nga". Ribbentrop kiên quyết yêu cầu Đại sứ Ba Lan trở về Warsaw và đích thân báo cáo tình hình. Lipski thông báo với Beck rằng "không nên trì hoãn việc thảo luận [với Hitler] kẻo Thủ tướng Đức đi đến kết luận là Ba Lan đã bác bỏ tất cả đề nghị của ông ấy" .
MỘT CUỘC THÔN TÍNH NHỎ Trước khi rời Berlin, Lipski dò hỏi và được Ribbentrop thông báo rằng đã thảo luận vấn đề Memel, vốn đang "đòi hỏi một giải pháp", với Ngoại trưởng Lithuania .
Thật ra, Ribbentrop đã gặp Jouzas Urbays, Ngoại trưởng Lithuania, ngày hôm trước và đòi Lithuania trả lại huyện Memel cho Đức kẻo "Lãnh tụ sẽ hành động với tốc độ sấm chớp". Ông cảnh cáo người Lithuania không nên trông chờ "sự giúp đỡ nào đấy từ bên ngoài" .
Thực ra, vài tháng trước, Đại sứ Pháp và Đại biện lâm thời Anh đã lưu ý Chính phủ Đức về những báo cáo rằng người Đức ở Memel đang chuẩn bị nổi dậy và yêu cầu Đức dùng ảnh hưởng của mình để Memel – vốn đang được Anh và Pháp đảm bảo – không bị gây hấn. Phúc đáp của Bộ Ngoại giao đã bày tỏ sự "kinh ngạc và ngỡ ngàng" về phản ứng của Anh-Pháp. Ribbentrop ra chỉ thị rằng nếu có thêm những bước đi như thế phải nói với 2 Đại sứ quán rằng "Chúng tôi thật sự mong Pháp và Anh chấm dứt can thiệp vào các sự vụ của Đức" .
Trong một thời gian, Chính phủ Đức và nhất là Đảng Quốc xã đang tổ chức người Đức ở Memel theo cách thức như ta đã thấy ở Áo và Sudetenland. Quân đội Đức được kêu gọi trợ giúp và Hitler chỉ thị các quân chủng lo chuẩn bị. Vì Hải quân chưa có vinh quang gì trong 2 chiến dịch ở Áo và Tiệp Khắc vì do 2 đất nước này đều nằm sâu trong đất liền, nên bấy giờ Hitler quyết định sẽ chiếm Memel từ ngoài biển. Tháng 11 năm 1938, kế hoạch của Hải quân được soạn thảo dưới tiêu đề "Thao diễn vận chuyển Stettin". Hitler và Thuỷ sư Đô đốc Raeder muốn phô trương sức mạnh của Hải quân nên cả 2 đã đi trên chiếc tàu thiết giáp bỏ túi Deutschland đến Memel vào ngày 22 tháng 3 năm 1939, đúng 1 tuần sau khi Lãnh tụ tiến vào Prague .
Ngày 21 tháng 3, Weizsaecker – sau này khai là mình đã tránh xa khỏi những phương pháp tàn bạo của Quốc xã – báo cho Chính phủ Lithuania là "không được để mất thời giờ" và phải gửi đại diện toàn quyền đến Berlin "bằng máy bay đặc biệt vào ngày mai" để ký kết nhường Memel cho Đức. Sau một hồi giằng co, lúc 1 giờ 30 giờ sáng ngày 23 tháng 3 năm 1939, Ribbentrop gửi điện cho Hitler, lúc đó đang đi trên chiếc Deutschland, cho biết phía Lithuania đã chịu ký .
Lúc 2 giờ 30 chiều ngày 23 tháng 3 năm 1939, Hitler có thêm một chuyến đi thắng lợi vào thành phố mà ông vừa thôn tính, lần này là ở Memel, Hitler cũng phát biểu với một đám đông người Đức mà ông vừa "giải phóng". Thêm một điều khoản của Hoà ước Versailles đã bị xé bỏ. Thêm một cuộc thôn tính không đổ máu. Dù cho nhà Lãnh tụ không biết, đó là cuộc thôn tính không đổ máu cuối cùng .
ÁP LỰC LÊN BA LAN Đại sứ Hans-Adolf von Moltke của Đức tại Ba Lan báo cáo về Berlin rằng việc sáp nhập Memel vào Đức khiến cho Chính phủ Ba Lan "rất lo lắng bởi vì họ sợ rằng sẽ đến phiên Danzig và Hành lang Ba Lan". Ông cũng báo cho Bộ ngoại giao biết Ba Lan đang cho gọi quân trù bị vào quân ngũ .
Ngày hôm sau, 25 tháng 3 năm 1939, Đô đốc Giám đốc Quân báo Canaris báo cáo là Ba Lan đã động binh và đang tập trung quân xung quanh Danzig. Tướng Keitel không tin rằng việc này cho thấy "ý định gây hấn từ phía Ba Lan", nhưng ông vẫn ghi nhận là Bộ Tư lệnh Lục quân "có nhận định khá nghiêm túc" .
Ngày 24 tháng 3 Hitler từ Memel trở về Berlin, ngày hôm sau ông có một buổi họp kéo dài với tướng Tư lệnh Lục quân von Brauchitsch. Theo bản ghi nhớ mật của vị tướng, có vẻ như Hitler chưa quyết định sẽ đối phó với Ba Lan như thế nào. Dường như đầu óc quay cuồng của ông chứa đầy những mâu thuẫn. Đại sứ Lipski trở về vào ngày kế nhưng Lãnh tụ không muốn gặp .
Brauchitsch ghi chép: "Lipski... sẽ được hỏi rằng liệu Ba Lan có sẵn sàng nhân nhượng về Danzig hay không. Lãnh tụ không muốn giải quyết vấn đề Danzig bằng vũ lực. Ông không muốn đẩy Ba Lan vào tay Anh khi làm như thế .
Sẽ xem xét việc chiếm Danzig chỉ khi nào Lipski cho thấy dấu hiệu Chính phủ Ba Lan không thể nhận trách nhiệm đối với dân chúng của mình, để rồi nhượng lại Danzig một cách tự nguyện. Giải pháp này sẽ là dễ dàng hơn cho họ khi mọi chuyện đã rồi." Chỉ mới 3 tháng trước, Hitler cam đoan với Ngoại trưởng Beck rằng sẽ không dự tính sắp đặt cho "chuyện đã rồi" ở Danzig. Nhưng ông cũng nhớ Beck đã nhấn mạnh rằng người dân Ba Lan sẽ không bao giờ chấp nhận giao Danzig cho Đức. Nếu Đức chỉ việc chiếm lấy Danzig, liệu đây có phải là chuyện đã rồi để giúp cho Chính phủ Ba Lan dễ chấp nhận? Từ trước đến giờ Hitler luôn có tài nhận ra điểm yếu của đối thủ để lợi dụng, nhưng ở đây ông lại nhầm. Các "Đại tá" đang điều hành Ba Lan tuy ngu dốt nhưng không hề muốn hoặc chấp nhận chuyện đã rồi ở Danzig .
Thành phố Tự do này là mối bận tâm hàng đầu của Hitler, nhưng ông cũng đang nghĩ xa hơn, giống như nghĩ đến Tiệp Khắc sau khi Hội nghị Munich đã cho ông Sudetenland .
Ngày 26 tháng 3, Đại sứ Lipski trở lại Berlin và trình ra phúc đáp của nước ông trong một bản ghi nhớ. Ribbentrop xem qua, bác bỏ văn bản, than phiền về việc động binh của Ba Lan, đồng thời cảnh cáo về "những hậu quả có thể xảy ra". Ông cũng tuyên bố rằng nếu quân Ba Lan xâm phạm Danzig thì đó sẽ được xem như là hành vi gây hấn với Đức .
Phúc đáp của Ba Lan có ngôn từ hoà hoãn nhưng cương quyết khước từ những đòi hỏi của Đức. Ba Lan sẵn lòng bàn thảo thêm để tạo điều kiện thuận lợi cho đường cao tốc và tuyến đường sắt xuyên qua Hành lang, nhưng từ chối xem xét đưa đường giao thông như thế ra ngoài lãnh thổ. Đối với Danzig, Ba Lan sẵn lòng thay đổi thể chế đã được Hội Quốc liên thành lập bằng sự đảm bảo Ba Lan-Đức, nhưng không muốn giao Danzig cho Đức .
Vào lúc này, Đức Quốc xã, vốn không quen thấy một nước nhỏ khước từ yêu sách của mình, nên Ribbentrop đã nhận xét với Lipski rằng "việc này khiến cho ông nhớ lại vài hành động rủi ro của một nước khác" – rõ ràng ám chỉ Tiệp Khắc. Lipski cũng thấy rõ ràng là Đế chế Thứ Ba sẽ áp dụng cùng chiến thuật mà họ đã dùng thành công ở Áo và Tiệp Khắc lên đất nước ông. Khi gặp lại Lipski, vị Ngoại trưởng Quốc xã nổi giận cáo giác việc người Đức thiểu số ở Ba Lan bị ngược đãi, mà ông nói rằng việc đó đã tạo ra "ấn tượng tệ hại ở Đức" .
"Những đòi hỏi mà Đại sứ Ba Lan chuyển đến ngày hôm qua không thể được xem là cơ sở cho giải pháp. Mối quan hệ giữa 2 quốc gia vì thế mà đang trở nên tồi tệ." Vị Đại sứ đã phải kêu lên: "Các ông muốn thương thuyết trên đầu lưỡi lê!" Beck trả lời: "Đó là phương pháp của chúng tôi." Ba Lan không dễ bị bắt nạt như Áo và Tiệp Khắc. Ngày hôm sau, 28 tháng 3, Ngoại trưởng Beck triệu Đại sứ Đức đến để đáp lời Ribbentrop rằng nếu việc Ba Lan can thiệp vào Danzig là hành động chiến tranh, thì Ba Lan sẽ xem việc Đức hoặc Thượng viện Danzig của Quốc xã thay đổi thể chế của Thành phố Tự do này là hành động chiến tranh .
Vị Ngoại trưởng Ba Lan có thể ương ngạnh với Đức hơn cả Beneš trước đây, bởi vì ông biết rằng Chính phủ Anh lúc trước lo xoa dịu Hitler trong vấn đề Tiệp Khắc, nhưng bây giờ lại đang ủng hộ ông trong vấn đề Ba Lan. Chính Beck đã bác đề nghị 4 nước cùng ra tuyên bố, cho biết Ba Lan không muốn dính dáng đến Liên Xô trong bất kỳ vụ việc nào. Thay vào đó, ông đề nghị một hiệp định bí mật Anh-Ba Lan nhằm tham khảo trong trường hợp bị bên thứ 3 tấn công. Nhưng do việc Đức đang chuyển quân gần Danzig và Hành lang Ba Lan, nên bên Anh muốn đi xa hơn việc chỉ đơn thuần "tham vấn" .
Vào buổi tối ngày 30 tháng 3 năm 1939, Đại sứ Anh tại Ba Lan, Howard Kennard, trình cho Beck đề xuất của Anh-Pháp về những hiệp ước trợ giúp lẫn nhau trong trường hợp Đức gây hấn và một lần nữa, Liên Xô không được tham gia.Nhưng ngay cả bước này cũng đã bị những biến cố mới vượt mặt. Những báo cáo mới nhất về khả năng Đức sắp tấn công Ba Lan khiến cho Chính phủ Anh hỏi Beck liệu ông có muốn sự đảm bảo đơn phương tạm thời của Anh cho nền độc lập của Ba Lan hay không. Beck đồng ý mà không ngần ngại .
Như ta đã biết, ngày hôm sau, 31 tháng 3 năm 1939, Chamberlain đã có câu tuyên bố lịch sử trước Viện Dân biểu về việc Anh và Pháp hỗ trợ cho Ba Lan .
Việc Anh đơn phương đảm bảo cho Ba Lan xem chừng là khó hiểu, dù cho việc này rất được các nước khác hoan nghênh. Hết lần này đến lần khác, khi Đức chiếm Rhineland năm 1936 rồi thôn tính Áo và Sudetenland năm 1938 và Tiệp Khắc 2 tuần trước, đáng lẽ Anh và Pháp với sự hỗ trợ của Liên Xô đã có thể ngăn chặn Hitler mà không phải tốn kém nhiều. Nhưng con người thèm khát hoà bình Chamberlain đã thoái lui, thậm chí còn giúp Adolf Hitler đạt đến điều mà ông ta muốn. Ông đã giúp nhà độc tài Đức huỷ hoại nền độc lập của quốc gia dân chủ duy nhất dọc biên giới phía Đông của Đức. Ông cũng không màng xem xét giá trị đối với phương Tây của 35 sư đoàn thiện chiến và trang bị đầy đủ đóng dọc theo các công sự phòng thủ miền đồi núi, khi mà Anh chỉ có thể đặt 2 sư đoàn ở Pháp, còn Đức thì không thể chiến đấu ở 2 mặt trận, hơn nữa lại không thể chọc thủng hàng phòng ngự của Tiệp Khắc .
Hiện tại, chỉ sau ngày một ngày hai, Chamberlain lại muốn đơn phương đảm bảo cho một nước Đông Âu của một đám "đại tá" bất tài vốn đã cộng tác với Hitler cho đến lúc này, đã như bầy kền kền hợp với Đức để xâu xé Tiệp Khắc và có Quân đội suy yếu vì chính những cuộc thôn tính của Đức với sự giúp đỡ của Anh và Pháp. Chamberlain không thể không biết tình hình của Quân đội Ba Lan. Đại tá Sword, Tùy viên quân sự Anh ở Ba Lan, đã báo cáo về London tình trạng thê thảm của Ba Lan khi đối diện với Đức ở 3 phía, cùng với sự thiếu thốn về vũ khí hiện đại và trang thiết bị. Đại sứ Anh tại Ba Lan, Howard Kennard, cho biết Ba Lan không thể bảo vệ Hành lang hoặc biên giới phía Tây chống lại Đức, nên sẽ rút lui về sông Vistula ở trung tâm Ba Lan. Ông nói thêm: "Vì thế một nước Nga thân thiện sẽ có tầm quan trọng đáng kể" cho Ba Lan .
Dù sao chăng nữa, bước đi của Chamberlain khiến cho Hitler phải đối diện với một tình hình mới. Từ lúc này trở đi, xem như Anh đã ngáng trở mọi bước đường gây hấn. Hitler không còn có thể áp dụng chiến thuật thôn tính từng quốc gia một trong khi các nước phương Tây còn đang bàn luận phải làm gì được nữa. Bên cạnh đó, động thái của Chamberlain dường như là bước khởi đầu cho việc thành lập một khối liên minh chống Đức. Nếu không hoá giải được việc này, Đức sẽ bị bao vây .
PHƯƠNG ÁN MÀU TRẮNG Tin báo Chamberlain đơn phương đảm bảo cho Ba Lan khiến nhà độc tài Đức nổi cơn giận dữ. Ông đang gặp Đô đốc Giám đốc Cục Quân báo Canaris và theo lời kể của vị đô đốc, Hitler đã đi vòng quanh phòng, đập mạnh nắm tay lên mặt bàn bằng cẩm thạch, khuôn mặt méo mó vì điên tiết, đồng thời la hét chửi bới người Anh: "Tôi sẽ ra một đòn mà họ chống đỡ không nổi!" Ngày hôm sau, 01 tháng 4 năm 1939, Hitler phát biểu nhân lễ hạ thuỷ tàu thiết giáp Tirpitz với giọng điệu trở nên hiếu chiến đến nỗi ông không kiềm chế được, vì vào lúc cuối ông đã phải ra lệnh huỷ bỏ việc phát thanh trực tiếp bài diễn văn và chỉ phát thanh lại phần ghi âm sau khi đã lược bỏ bớt. Việc truyền trực tiếp bài diễn văn đến các mạng phát thanh của Mỹ bị cắt ngay khi Hitler vừa bắt đầu. Việc này khiến cho có tin đồn ở New York là Hitler bị ám sát. Trong vòng 15 phút, hãng CBS từ New York gọi qua yêu cầu tôi kiểm tra tin ám sát Hitler. Tôi có thể phủ nhận dễ dàng vì qua đường điện thoại mở, tôi vẫn có thể nghe Hitler đang hò hét trong bài diễn văn. Khó mà bắn Hitler vào ngày hôm ấy vì ông đứng phía sau ô kính chắn đạn .
Như việc bãi bỏ phát thanh trực tiếp bài diễn văn cho thấy, Hitler đủ cẩn trọng để không khiêu khích quá đáng dư luận ngoài nước. Có tin cho rằng Hitler sẽ tuyên cáo bãi bỏ hiệp ước Hải quân Anh-Đức để trả đũa Chamberlain. Nhưng không, thay vào đó, ông chỉ nói nếu Anh không còn tôn trọng hiệp ước này thì Đức "sẽ chấp nhận một cách rất bình thản" .
Và như nhiều lần trước, Hitler kết thúc bằng câu quen thuộc về hoà bình: "Đức không có ý định tấn công các dân tộc khác..." Và ông còn bổ sung: "Do nhận thức này, 3 tuần trước tôi đã quyết định đặt tên cho Đại hội Đảng sắp tới là 'Đại hội Đảng của Hoà bình'." – câu khẩu hiệu sẽ trở nên ngày càng mỉa mai hơn vào mùa hè năm 1939 .
Đó thực ra chỉ là vẻ bề ngoài. Còn trong vòng bí mật cao độ nhất, Hitler sẽ đưa ra câu trả lời thật sự trong chỉ thị ngày 3 tháng 4 năm 1939 gửi quân lực, được làm thành 5 bản .
TỐI MẬT Phương án Màu Trắng Thái độ hiện tại của Ba Lan đòi hỏi... công tác chuẩn bị quân sự nhằm loại bỏ bất kỳ hiểm hoạ nào theo chiều hướng này .
Yêu cầu và mục đích chính trị: Mục đích là huỷ diệt sức mạnh quân sự của Ba Lan... Sẽ tuyên cáo Danzig là một phần của lãnh thổ Đức vào lúc chiến sự bùng nổ... Phải cô lập Ba Lan nhằm giới hạn chiến tranh ở Ba Lan .
Kết thúc bằng quân sự: Sẽ tiếp tục quyết định những mục tiêu lớn lao trong việc xây dựng Quân lực Đức, bởi thái độ đối kháng của các nước dân chủ phương Tây, "Phương án Màu Trắng" chỉ là sự bổ sung phòng hờ cho những sự chuẩn bị này... Ngay cả sau khi chiến sự bùng nổ, việc cô lập Ba Lan vẫn sẽ dễ dàng hơn nếu ta thành công trong việc khởi động chiến tranh với đòn đánh bất ngờ, mãnh liệt và trong việc đạt những thắng lợi nhanh chóng... Nhiệm vụ của Quân lực: Nhiệm vụ của Quân lực Đức là tiêu diệt quân lực Ba Lan. Để đạt được điều này, cần nhắm đến và chuẩn bị những đòn tấn công bất ngờ .
Việc bất ngờ chiếm đóng Danzig là có thể, mà không tuỳ thuộc vào "Phương án Màu Trắng", bằng cách khai thác tình hình chính trị thuận lợi... Lục quân sẽ chiếm đóng từ Đông Phổ. Hải quân sẽ hỗ trợ Lục quân bằng cách can thiệp từ ngoài biên .
Phương án Màu Trắng là tập hồ sơ dày với vài "đính kèm", "phụ lục" và "lệnh đặc biệt", được phát hành toàn bộ ngày 11 tháng 4 và dĩ nhiên được bổ sung lúc gần đến thời điểm chiến sự. Nhưng ngay vào ngày 3 tháng 4, Hitler có phụ lục như sau: Phải thực hiện các bước chuẩn bị sao cho có thể hành quân bất kỳ lúc nào kể từ ngày 1 tháng 9 năm 1939 .
Giao cho Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực (OKW) nhiệm vụ soạn thảo lịch trình cho "Phương án Màu Trắng", đồng thời sắp xếp lịch hoạt động đồng bộ giữa 3 quân chủng .
Phải nộp kế hoạch của các quân chủng và chi tiết về lịch trình cho OKW vào ngày 1 tháng 5 năm 1939 .
Vấn đề bây giờ là liệu Hitler có thể làm Ba Lan nhụt chí đến mức chấp nhận các yêu sách của ông ta như đã xảy ra ở Áo và Tiệp Khắc hay không. Và Ba Lan có thể trụ vững hay không khi mà phải chống trả Đức và sự chống trả đó sẽ như thế nào. Tác giả đi tìm các câu trả lời ở Ba Lan trong tuần lễ đầu tháng 4 năm 1939. Theo những gì tác giả có thể thấy được, Ba Lan sẽ không đầu hàng trước lời đe doạ của Hitler, đồng thời sẽ chống trả đến cùng nếu bị xâm lăng, nhưng vị thế quân sự và chính trị của họ là cả một thảm kịch. Không quân thì lạc hậu, lục quân thì nặng nề, còn vị thế chiến lược thì đang bị Đức bao vây 3 mặt – nên càng vô vọng hơn. Hơn nữa, việc củng cố Bức tường Tây khiến cho cuộc tấn công của Anh-Pháp vô cùng khó khăn. Cuối cùng, rõ ràng là các "Đại tá" Ba Lan bướng bỉnh không bao giờ chấp nhận Liên Xô giúp đỡ, cho dù quân Đức sắp tiến đến thủ đô Warsaw .
Các sự kiện vào thời điểm đó diễn ra rất nhanh chóng. Ngày 6 tháng 4, Đại tá Beck ký với Anh một hiệp ước chuyển sự đảm bảo đơn phương của Anh thành sự tương trợ 2 chiều .
Ngày hôm sau, Mussolini phái quân thôn tính Albania, tạo một đầu cầu đến Hy Lạp và Nam Tư. Đức được thông báo trước và đã chấp nhận việc này. Ngày 13 tháng 4, Anh và Pháp đáp lại bằng việc đảm bảo cho Hy Lạp và Rumania. 2 khối kình chống nhau đang thành hình. Giữa tháng Tư, Goering đi đến Rome và hội đàm với Mussolini trong 2 ngày liên tiếp. 2 bên đồng ý rằng họ cần "từ 2 đến 3 năm" để chuẩn bị cho một cuộc "xung đột toàn diện", nhưng Goering tuyên bố nếu chiến tranh đến sớm hơn, "Phe Trục sẽ ở vào vị thế rất mạnh" và "có thể đánh bại bất kỳ đối thủ nào" .
Chúng ta cũng cần nhắc đến lời kêu gọi của Tổng thống Roosevelt gửi đến Rome và Berlin ngày 15 tháng 4 năm 1939, với câu hỏi thẳng thừng: "Ông có sẵn lòng đảm bảo rằng quân lực của mình sẽ không tấn công hoặc xâm lăng lãnh thổ của những quốc gia độc lập dưới đây không?" Và theo sau câu nói đó là danh sách của 31 quốc gia, kể cả Ba Lan, các nước vùng Baltic, Nga, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Pháp và Anh. Vị Tổng thống hy vọng rằng sự đảm bảo không gây hấn như thế có thể được đưa ra cho "ít nhất 10 năm" hoặc "¼ thế kỷ, nếu chúng ta dám nhìn xa đến thế". Nếu được sự đảm bảo, ông cam kết Mỹ sẽ tham gia vào những cuộc "thảo luận" toàn thế giới để giúp thế giới tránh khỏi "gánh nặng đè bẹp của vũ trang" và mở ra những con đường lớn cho nền mậu dịch quốc tế .
Ông nhắc nhở Hitler: "Ông đã nhiều lần tuyên bố rằng ông và nhân dân Đức không muốn chiến tranh. Nếu đó là sự thật, thì sẽ không cần có chiến tranh." Đây có vẻ như là một lời kêu gọi ngây thơ, nhưng Hitler thấy lúng túng đến nỗi ông cho biết sẽ trả lời – không phải trực tiếp, mà qua một bài diễn văn đọc trước một phiên họp Nghị viện được đặc biệt triệu tập vào ngày 28 tháng 4 .
Trong khi chờ đợi đến ngày ấy, theo tài liệu tịch thu được của Bộ Ngoại giao, Đức đã gửi điện đến các nước mà Roosevelt kể tên, ngoại trừ Ba Lan, Nga, Anh và Pháp, đặt ra 2 câu hỏi: Họ có cảm thấy bị Đức đe doạ không? Và họ có uỷ quyền cho Roosevelt đưa ra đòi hỏi ấy hay không? Ngày 22 tháng 4, Bộ Ngoại giao tổng hợp một báo cáo cho Hitler là phần lớn các nước, kể cả Nam Tư, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Luxembourg "đều trả lời phủ định cả 2 câu hỏi" – câu trả lời cho thấy những nước này có quan điểm ngây thơ như thế nào đối với Đế chế Thứ Ba. Riêng Rumania trả lời một cách chua chát rằng: "Chính phủ Đế chế có tư cách biết rõ có đe doạ hay không?" Ban đầu Latvia không hiểu phải trả lời đúng như thế nào, nhưng chẳng bao lâu sau Bộ Ngoại giao Đức đã chấn chỉnh. Ngày 18 tháng 4, Weizsaecker gọi cho Bộ trưởng của ông ở Riga: "nhằm nói cho ông này rằng chúng ta không thể hiểu câu trả lời của Ngoại trưởng Latvia đối với câu hỏi về bức điện của Roosevelt. Trong khi hầu hết các Chính phủ khác đã trả lời dĩ nhiên là theo hướng phủ định, ông Munters lại đi xem các tuyên truyền kỳ quặc của Mỹ như là câu hỏi mà ông muốn tham khảo Nội các. Nếu ông Munters không lập tức trả lời 'Không' thì chúng ta phải đưa Latvia vào danh sách các nước làm đồng loã với Roosevelt. Tôi nghĩ lời nói của ông von Kotze [Bộ trưởng Đức] theo chiều hướng này là đủ để nhận câu trả lời hiển nhiên." Và đúng là như vậy .
HITLER TRẢ LỜI ROOSEVELT Trả đũa đối phương bằng vũ khí lợi hại, Hitler đã sử dụng nó một cách tài tình trong bài diễn văn trước Nghị viện ngày 28 tháng 4 năm 1939. Tôi tin rằng đó là bài phát biểu công khai dài nhất của Hitler, kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ. Đấy có lẽ cũng là bài hùng biện tài ba nhấtcủa Hitler mà tôi đã từng được nghe. Với tất cả sự hùng biện, xảo quyệt, châm biếm, chế nhạo và đạo đức giả, bài diễn văn đạt đến một tầm cao mới mà Hitler sẽ không bao giờ đạt đến lần nữa. Và dù được chuẩn bị để cho người Đức nghe, bài diễn văn còn được truyền đi trên hàng trăm đài phát thanh khắp thế giới, đồng thời được truyền đi trên những mạng phát thanh chính ở Hoa Kỳ. Chưa bao giờ, trước đó và cả sau này, có một bài diễn văn có số lượng người nghe lớn như thế. Vào ngày đọc diễn văn, Weizsaecker gửi điện cho Hans Thomsen, Đại biện lâm thời Đức ở Washington, chỉ thị ông này phổ biến bài diễn văn của Lãnh tụ rộng rãi trên nước Mỹ. Ngày 1 tháng 5 Thomsen trả lời: "Sự quan tâm đến bài diễn văn đã vượt quá bất kỳ sự kiện nào từ trước đến nay. Vì thế tôi đã gửi bản tiếng Anh... đến hàng chục nghìn địa chỉ ở mọi tầng lớp theo kế hoạch đã định." Bài diễn văn bắt đầu với nghị luận dài dòng như thường thấy về những bất bình đẳng của Hoà ước Versailles, từ đấy chất chồng lên người Đức nhiều bất công và khổ đau, rồi đến câu trả lời đầu tiên cho Anh và Ba Lan .
Sau khi bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tình thân hữu với nước Anh và rồi công kích Anh vì đã ngờ vực ông và có "chính sách bao vây" đối với Đức, Hitler bài bác Hiệp ước Hải quân Anh-Đức 1935. Ông nói: "Cơ sở cho hiệp ước đã bị đánh mất." Tương tự đối với Ba Lan. Hitler công bố đòi hỏi với Ba Lan về Danzig và Hành lang Ba Lan (trước giờ vẫn được giữ kín), gọi đó là "sự nhượng bộ lớn lao nhất có thể hình dung được vì quyền lợi của nền hoà bình châu Âu" và cho Nghị viện biết rằng, Chính phủ Ba Lan đã khước từ "đề nghị độc nhất" này .
"Tôi lấy làm tiếc về thái độ không hiểu nổi của Chính phủ Ba Lan... Điều tệ hại nhất là bây giờ Ba Lan, giống như Tiệp Khắc vào thời điểm năm ngoái, dưới áp lực của một chiến dịch quốc tế dối trá, tin rằng họ phải huy động quân đội, dù rằng Đức chưa huy động một binh sĩ nào và chưa nghĩ đến tiến hành chống Ba Lan theo bất cứ cách nào. Việc này tự nó đã là đáng tiếc và thế hệ sau sẽ phán xét liệu điều đó có phải thật sự là đúng hay không khi khước từ đề nghị này, mà tôi đã đưa ra một lần... là giải pháp dung hoà duy nhất..." Hitler nói tiếp rằng những báo cáo nói Đức định tấn công Ba Lan "chỉ là do báo chí quốc tế bịa đặt". (Không ai trong số hàng chục triệu thính giả biết rằng, mới 3 tuần trước ông đã chỉ thị bằng văn bản cho Quân lực Đức chuẩn bị "hành quân bất kỳ lúc nào kể từ ngày 1 tháng 9 năm 1939" để huỷ diệt Ba Lan) .
Hitler tiếp tục rằng những bịa đặt của báo chí đã khiến cho Ba Lan ký hiệp ước với Anh mà "trong vài tình huống sẽ buộc Ba Lan phải có động thái quân sự chống Đức". Và: "Vì thế, tôi xem hiệp ước Ba Lan-Đức... đã bị Ba Lan đơn phương vi phạm và do đó không còn hiện hữu nữa" .
Sau khi đơn phương xé bỏ 2 hiệp ước, Hitler nói với Nghị viện rằng ông sẵn sàng đàm phán cho những hiệp ước thay thế! Ông tuyên bố: "Tôi chỉ có thể hoan nghênh ý tưởng như. Không ai vui sướng hơn tôi với viễn cảnh như vậy". Đó là mánh khóe xưa cũ mỗi khi ông muốn xé bỏ một hiệp ước, nhưng lần này lại chẳng còn tác dụng nữa .
Kế tiếp, Hitler quay sang Tổng thống Roosevelt và lúc này nhà độc tài Đức đạt đến đỉnh cao của tài hùng biện. Đối với một đôi tai bình thường, ngôn từ của Hitler sặc mùi đạo đức giả và dối trá. Nhưng đối với các đại biểu Nghị viện do Quốc xã tuyển chọn và đối với hàng triệu người Đức, lối châm chọc và mỉa mai bậc thầy nghe thật là thích thú. Các đại biểu bụng phệ cười nghiêng ngửa khi Lãnh tụ liên tục giễu cợt Tổng thống Roosevelt. Hitler nêu lên từng điểm một trong bức điện của Roosevelt, ngừng một chút, gần như mỉm cười và rồi giống như là Hiệu trưởng của một trường Trung học, thốt lên nhỏ nhẹ "Trả lời" – rồi ông đọc câu trả lời (Tác giả vẫn còn thấy trong tâm trí cảnh Hitler nhiều lần ngừng lại một chút để nói nhỏ nhẹ "Trả lời", trong khi Goering trên ghế Chủ tịch cố ghìm tiếng cười khúc khích và các đại biểu chuẩn bị cất tiếng cười lớn mỗi khi Hitler thốt lên từ "Trả lời".) "Ông Roosevelt tuyên bố rằng mình thấy rõ mọi vấn đề quốc tế có thể được giải quyết ở bàn hội nghị .
Trả lời:... Tôi sẽ rất lấy làm vui sướng nếu những vấn đề này có thể thật sự tìm thấy giải pháp ở bàn hội nghị. Tuy nhiên, sự nghi ngờ của tôi dựa trên sự kiện là chính nước Mỹ đã từng tuyên bố không tin tưởng vào hiệu quả của hội nghị. Bởi vì, hội nghị vĩ đại nhất của các dân tộc trên thế giới là Hội Quốc liên... đại diện cho mọi dân tộc của thế giới, được thành lập theo ý muốn của một Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, quốc gia đầu tiên trốn lánh khỏi việc này lại là Hợp Chúng Quốc... Chỉ sau nhiều năm tham dự mà không có mục đích, tôi mới quyết định noi theo gương của Mỹ..." Hitler nhắc cho Roosevelt nhớ rằng Đức đã có lần đi dự hội nghị – tại Versailles – không phải để thảo luận mà để nghe người khác nói xem mình phải làm gì mà đại biểu Đức đã phải "chịu sự sỉ nhục còn nặng nề hơn là tù trưởng những bộ lạc Sioux đã từng chịu" .
Cuối cùng, Hitler đi đến phần cốt lõi để trả lời Roosevelt về yêu cầu ông đảm bảo sẽ không tấn công 31 quốc gia .
"Trả lời: Làm thế nào ông Roosevelt biết được quốc gia nào cảm thấy bị chính sách của Đức đe doạ và quốc gia nào không bị đe doạ? Hoặc có phải ông Roosevelt, dù cho bị gánh nặng công việc khổng lồ trong đất nước Mỹ chồng chất lên mình, nhưng vẫn có khả năng tự nhận ra tất cả cảm nghĩ và tinh thần bên trong những dân tộc khác và chính quyền của họ? Cuối cùng, ông Roosevelt yêu cầu một sự đảm bảo rằng quân lực Đức sẽ không tấn công và trên hết, sẽ không xâm lăng lãnh thổ hoặc chiếm đoạt những quốc gia độc lập sau đây..." Rồi Hitler chầm chậm đọc lên tên của mỗi quốc gia và tôi còn nhớ khi phát âm từng tên, tiếng cười trong Nghị viện lại nổi lên. Tôi tin rằng không có đại biểu nào và không có ai ở Berlin, ngay cả tôi, để ý là Hitler đã quỷ quyệt không nhắc đến Ba Lan .
Bây giờ, Hitler lật lên con bài chủ .
"Trả lời: Tôi đã cất công dò hỏi các quốc gia được nhắc đến, trước tiên là họ có cảm thấy bị đe doạ hay không, sau đó và trên hết, câu hỏi của Tổng thống đưa đến chúng tôi có phải do họ đòi hỏi hoặc họ có đồng tình hay không .
Câu trả lời trong mọi trường hợp đều là phủ định... Đúng là tôi không thể dò hỏi vài quốc gia được nhắc đến bởi vì chính họ – lấy ví dụ như Syria – lúc này không còn được tự do, bị quân đội của những nước dân chủ chiếm đóng và cướp đi mọi quyền tự do .
Tuy nhiên, ngoài sự kiện này, tất cả quốc gia có biên giới liền kề với Đức đều nhận được sự đảm bảo còn ràng buộc hơn... là sự đảm bảo mà ông Roosevelt đòi hỏi tôi trong bức điện lạ lùng của ông... Tôi muốn ông Roosevelt chú ý đến 1 hoặc 2 sai lầm về lịch sử. Ví dụ, ông nhắc đến Ireland, đồng thời yêu cầu Đức tuyên bố sẽ không tấn công Ireland. Tôi vừa được đọc một bài diễn văn của De Valera, Thủ tướng Ireland, mà trong đó lạ lùng thay, trái ngược với ý kiến của ông Roosevelt, ông ấy không cáo buộc Đức ngược đãi Ireland nhưng lại trách cứ nước Anh đã liên tục gây hấn với Ireland... Cũng tương tự như vậy, ông Roosevelt hiển nhiên không biết đến sự kiện là hiện giờ không phải Quân đội Đức, mà là Quân đội Anh đang chiếm đóng Palestine và đất nước này đang bị tước quyền tự do bởi cách thức sử dụng vũ lực thô bạo nhất..." Tuy thế, Hitler nói mình sẵn sàng "đảm bảo cho tất cả các quốc gia được nhắc đến theo cách mà ông Roosevelt mong muốn". Nhưng còn hơn thế nữa. Đôi mắt Hitler sáng lên: "Tôi muốn nhân cơ hội này trao cho Tổng thống Hợp Chúng Quốc một sự đảm bảo liên quan đến những lãnh thổ khiến cho ông ấy có lý do lo lắng nhất, đấy chính là Hợp Chúng Quốc cùng những quốc gia trên lục địa châu Mỹ .
Tôi long trọng tuyên bố rằng tất cả các cáo buộc đã lan truyền bằng mọi cách liên quan đến việc Đức định tấn công hoặc xâm lăng trên hoặc trong lãnh thổ Mỹ, đều là những sự ngụy tạo thối tha và sai lạc trắng trợn, ngoại trừ sự kiện là các cáo buộc như thế, xét về khả năng quân sự, chỉ có thể bắt nguồn từ óc tưởng tượng ngu xuẩn." Cả Nghị viện rung chuyển vì những tiếng cười, riêng Hitler không hề mỉm cười chút nào, mà vẫn giữ sắc mặt nghiêm trang .
Và rồi đi đến đoạn kết – mà tôi tin rằng là đoạn hùng hồn nhất mà Hitler đã từng phát biểu .
"Ông Roosevelt! Tôi hoàn toàn hiểu được quốc gia bao la của ông và tài nguyên đồ sộ của đất nước ông cho phép ông cảm thấy có trách nhiệm đối với lịch sử của cả thế giới và đối với lịch sử của mọi quốc gia. Thưa ngài, tôi được đặt trong một phạm trù khiêm tốn và nhỏ nhoi hơn nhiều... Tôi lên nắm quyền trong một quốc gia lúc đó đang phải đối mặt với sự huỷ diệt toàn bộ chỉ vì đã tin tưởng vào những lời hứa từ phần còn lại của thế giới và chỉ vì chế độ tệ hại của những chính quyền dân chủ... Tôi chế ngự được sự hỗn loạn trong nước Đức, tái lập trật tự và gia tăng sản xuất đến mức khổng lồ... phát triển giao thông, cho xây những tuyến đường và đào những con kênh to lớn, lập nên những nhà máy có tầm cỡ, đồng thời cố gắng nâng cao nền giáo dục và văn hoá cho nhân dân chúng tôi .
Tôi thành công khi tạo công ăn việc làm cho cả 7 triệu người đang thất nghiệp... Không những tôi thống nhất dân tộc Đức về mặt chính trị, mà còn tái vũ trang cho họ. Tôi xé bỏ từng tờ của hiệp ước ấy với 448 điều khoản chứa đựng sự áp bức ghê tởm nhất mà các dân tộc và con người đã từng trải qua .
Tôi lấy lại cho Đế chế những tỉnh đã bị cướp đi từ tay chúng tôi vào năm 1919. Tôi đưa về đất nước nguyên quán của hàng triệu người Đức vốn đã bị rứt ra khỏi chúng tôi và sống trong cùng khổ... và thưa ông Roosevelt, mà không phải đổ máu và không phải gây cho dân tộc tôi và những dân tộc khác nỗi đau khổ của chiến tranh... Ngược lại, thưa ông Roosevelt, ông có một nhiệm vụ dễ dàng hơn nhiều. Ông trở thành Tổng thống của Hợp Chúng Quốc năm 1933 khi tôi trở thành Thủ tướng của Đế chế. Ngay từ lúc bước lên, ông đã là nguyên thủ của một trong những quốc gia rộng lớn và giàu có nhất thế giới... Những điều kiện hiện hữu trong đất nước ông ở tầm mức rộng lớn đến nỗi ông có thời giờ và sự nhàn hạ mà để mắt đến những vấn đề bao quát... Những quan ngại và đòi hỏi của ông bao trùm một phạm trù lớn hơn và rộng hơn so với phạm trù của tôi, bởi vì, thưa ông Roosevelt, thế giới của tôi mà Ơn Trên đã đặt tôi vào và trong đó tôi phải làm việc, thì không may nhỏ hơn nhiều, mặc dù đối với tôi nó còn quý giá hơn bất kỳ thứ gì khác, vì nó chỉ thu hẹp với dân tộc của tôi! Tuy nhiên, tôi tin rằng đó là cách mà tôi có thể tỏ ra hữu dụng nhất theo những gì mà tất cả chúng ta cùng quan tâm, đó là công lý, sự phồn vinh, tiến bộ và hoà bình cho cả cộng đồng." Trong sự lừa dối dân tộc Đức, bài diễn văn này là kiệt tác vĩ đại nhất của Hitler. Nhưng khi đi vòng quanh châu Âu vào những ngày tiếp theo, người ta có thể dễ dàng nhận thấy là, không giống như những lần trước, khi Hitler trổ tài hùng biện, bài diễn văn lần này đã không còn lừa bịp được các dân tộc hoặc chính quyền nước ngoài nữa. Trái ngược với dân Đức, bên ngoài nước Đức đã nhận ra mê cung của những trò lừa dối. Và họ hiểu rằng, dù cho ăn điểm với Roosevelt, nhưng Hitler vẫn chưa thật sự trả lời các câu hỏi cốt lõi của vị Tổng thống: Ông đã xong việc gây hấn hay chưa? Ông có tấn công Ba Lan hay không? Đây là lần cuối cùng mà Hitler đọc bài diễn văn quan trọng trước công chúng trong thời bình. Kẻ gốc Áo lông bông ngày xưa đã đi được một đoạn đường dài trong thế giới này chủ yếu qua tài hùng biện. Từ bây giờ trở đi, ông sẽ tạo cho mình một chỗ đứng trong lịch sử như là một chiến binh .
Trở về biệt thự nghỉ dưỡng Berghof, Hitler không công khai đáp lại trả lời của Ba Lan qua bài phát biểu của Đại tá Beck trước Nghị viện Ba Lan ngày 5 tháng 5 năm 1939 và trong một công hàm gửi đến Đức cùng ngày. Bài phát biểu và công hàm có ngôn từ tự trọng, hoà hoãn nhưng cũng cương quyết: "Rõ ràng là việc đàm phán không còn là đàm phán đúng nghĩa khi một quốc gia nêu lên những yêu sách và quốc gia kia bị buộc phải chấp nhận những yêu sách ấy mà không được thay đổi." SỰ CAN DỰ CỦA LIÊN XÔ: I Trong diễn văn đọc trước Nghị viện ngày 28 tháng 4 năm 1939, không có câu từ nào nhắc đến Liên Xô. Điều này đồng nghĩa với việc Đức đã bãi bỏ nỗ lực chống Liên Xô .
Khó mà xác định chính xác lúc nào có những chuyển biến đầu tiên hướng đến sự thông cảm giữa Đức Quốc xã và Liên Xô, điều sẽ dẫn đến hệ luỵ rộng lớn trên thế giới. Một trong những thay đổi nhỏ xảy ra 4 ngày sau Hội nghị Munich, khi Stalin tỏ ý có thể "tích cực hơn" đối với Đức. Công sứ Đức tại Moscow kêu gọi mạnh mẽ cho hợp tác kinh tế "rộng hơn" giữa 2 nước và lặp lại lời kêu gọi này trong báo cáo tiếp theo vào 1 tuần sau đó. Cuối tháng Mười, Đại sứ Đức ở Moscow, Friedrich Werner Count von der Schulenburg, báo cho Bộ Ngoại giao Đức rằng ông "có ý định sớm tiếp cận Molotov, Chủ tịch Hội đồng Dân uỷ, để giải quyết những vấn đề đang làm xấu đi quan hệ Đức-Nga." Hẳn là vị Đại sứ không thể tự tiện như thế nếu xét qua thái độ thù địch đối với Nga trước đây của Hitler. Ý tưởng này có lẽ là xuất phát từ Berlin .
Sự việc lại càng rõ ràng hơn thông qua thư khố của Bộ Ngoại giao Đức bị tịch thu được. Một bản ghi nhớ ngày 4 tháng 11 năm 1938 cho thấy Goering nhấn mạnh ít nhất là phải phục hồi được quan hệ mậu dịch với Liên Xô, nhất là việc mua nguyên vật liệu của Liên Xô. Những hiệp ước kinh tế Nga-Đức hết hạn vào cuối năm và các cuộc đàm phán để ký kết lại thì chưa ngã ngũ. 2 bên vẫn còn nghi ngại nhau nhưng đang chầm chậm tiến đến gần nhau. Trở ngại chính của mậu dịch là trong khi Đức đang thèm muốn nguyên liệu của Liên Xô, thì Đức lại không thể cung cấp cho Liên Xô những hàng hoá để dùng vào việc trao đổi hiện vật .
Đầu năm 1939, Đại sứ Nga ở Berlin, Alexei Merekalov, thông báo cho Đức về "ước mong của Liên Xô bắt đầu một kỷ nguyên mới trong quan hệ Đức-Nga." Nhưng việc này lại vấp phải một số vấn đề. Vụ trưởng Chính sách Kinh tế Bộ Ngoại giao Đức giải thích: Đức không thể cung cấp cho Nga những hàng hoá để trao đổi. Ông nghĩ việc "dừng đàm phán" là "rất đáng tiếc, nếu xét qua nhu cầu của Đức về nguyên liệu thô" .
Tuy quan hệ kinh tế khó thành công, nhưng vẫn còn những định hướng khác. Ngày 10 tháng 3 năm 1939, Stalin đọc một bài diễn văn dài trong Đại hội Đảng lần thứ 18. 3 ngày sau, Đại sứ Đức ở Nga, Friedrich Werner von der Schulenburg, gửi về Berlin một bản báo cáo dài. Ông nghĩ "điều đáng quan tâm là lời lẽ châm biếm và phê phán của Stalin hướng đến Anh hơn là Đức" .
Stalin kết luận bằng những nguyên tắc chỉ đạo như sau: Tiếp tục theo đuổi chính sách hoà bình và củng cố quan hệ kinh tế với mọi quốc gia .
... Không bị kẻ hiếu chiến lôi kéo vào cuộc xung đột... Đây là lời tuyên cáo rõ ràng rằng Liên Xô không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Đức Quốc xã để trợ giúp Anh và Pháp. Anh bỏ qua, nhưng Đức thì để ý đến việc này. Ngày 21 tháng 3, Joseph E. Davies, nguyên Đại sứ Mỹ tại Nga, gửi thư cho Thượng nghị sĩ: "... Hitler đang nỗ lực tách Stalin khỏi Pháp-Anh. Ông ấy sẽ thành công nếu người Anh và Pháp vẫn còn mê ngủ." Tuy thế, chính sách ngoại giao của Liên Xô vẫn là để mở cho các phe. Như ta đã biết, 3 ngày sau khi Đức chiếm Tiệp Khắc, Liên Xô đề nghị một hội nghị 6 nước, nhưng Chamberlain lại khước từ vì cho rằng "quá sớm". Ngày 18 tháng 3, Liên Xô ra thông cáo chính thức phủ nhận Liên Xô cam kết hỗ trợ Ba Lan và Rumania trong trường hợp 2 nước này bị tấn công. Lý do: "Cả Ba Lan lẫn Rumania đều không tiếp xúc với Liên Xô hoặc thông báo gì về nguy cơ đe doạ họ" .
Việc Anh đơn phương đảm bảo cho Ba Lan có thể khiến cho Stalin tin rằng Anh thích liên minh với Ba Lan hơn là với Liên Xô và rằng, Chamberlain muốn đẩy Liên Xô ra rìa chính trường châu Âu, như ông đã từng làm ở Hội nghị Munich .
Trong tình hình này, Đức và Ý bắt đầu thấy xuất hiện vài cơ hội. Goering, người đang có ảnh hưởng đến Hitler về chính sách ngoại giao, hội đàm với Mussolini và nói ông có ấn tượng với câu nói của Stalin rằng "người Nga không cho phép bị lợi dụng như là những con tốt cho các cường quốc tư bản". Goering nói "tôi sẽ hỏi ý kiến Lãnh tụ liệu có thể thăm dò... với mục đích lập mối hữu nghị". Mussolini cũng nhận ra sự đảo chiều ở Moscow và hoan nghênh nồng nhiệt ý kiến dàn hoà với Nga .
"Mục đích là dẫn dụ Nga phản ứng với Anh một cách lạnh lùng và thiếu thiện chí... Hơn nữa, trong sự tranh đấu ý thức hệ chống lại giới tài phiệt và chủ nghĩa tư bản, về mặt nào đó Phe Trục có cùng mục tiêu như chế độ Nga" .
Đây là bước thay đổi quan trọng của Phe Trục và chắc chắn sẽ khiến cho Chamberlain kinh ngạc. Có lẽ Dân uỷNgoại giao Nga Litvinov cũng sẽ ngạc nhiên như thế .
Đúng vào ngày 16 tháng 4 năm 1939, khi Goering đang gặp gỡ Mussolini, Litvinov tiếp Đại sứ Anh tại Nga và chính thức đề nghị Hiệp ước Ba Bên gồm Anh, Pháp và Nga. Đó là nỗ lực cuối cùng của Litvinov nhằm tạo mối liên minh chống Đức. Không nước nào ở Đông Âu, kể cả Ba Lan, có đủ tiềm lực duy trì một mặt trận ở vùng này. Tuy thế đề nghị của Nga lại khiến cho Anh và Pháp quan ngại .
Tuy nhiên, trước khi đề nghị này bị bác bỏ, Stalin đã có động thái nghiêm túc hướng về phía bên kia .
1 ngày sau khi Litvinov tiếp Đại sứ Anh tại Nga, Đại sứ Nga tại Đức Merekalov đến gặp Thứ trưởng Ngoại giao Đức Weizsaecker. Ông này viết: "Ông Đại sứ hỏi thẳng thừng tôi nghĩ gì về mối quan hệ Đức-Nga... Ông nói đại khái như sau: Chính sách của Nga luôn đi theo đường thẳng. Những khác biệt về ý thức hệ không mấy ảnh hưởng đến mối bang giao giữa Nga và Ý, đồng thời cũng không nên làm xáo trộn mối bang giao với Đức. Nga không khai thác mâu thuẫn giữa Đức và các nước dân chủ để chống ta... Không có lý do gì Nga không thể sống trên cơ sở bình thường với ta và từ mối bang giao bình thường ấy, sẽ làm dậy lên những mối quan hệ ngày càng được cải thiện..." Thủ đô Liên Xô có những biến chuyển quan trọng vào ngày 3 tháng 5 năm 1939: Chủ tịch Hội đồng Dân uỷ Vyacheslav Molotov thay thế Litvinov để kiêm nhiệm ngành ngoại giao. Ngày kế, Đại biện lâm thời được báo cáo tin này về Berlin. Việc thay đổi đột ngột gây kinh ngạc tột cùng ở đây, vì Litvinov đang thương thảo với Anh và đã xuất hiện kế bên Stalin trong lễ diễu hành ngày 1 tháng 5 .
Có vẻ như việc cách chức Litvinov là do quyết định bộc phát của Stalin. Trong Đại hội Đảng vừa qua, Stalin kêu gọi cẩn trọng kẻo Liên Xô sẽ bị kéo vào các tranh chấp. Molotov không phải là người Do Thái, lại có tiếng là "người bạn thân nhất và người cộng tác gần gũi nhất" của Stalin. Việc bổ nhiệm ông hiển nhiên là nhằm đảm bảo chính sách ngoại giao sẽ được thực hiện theo sát chỉ đạo của Stalin .
Tầm quan trọng của việc cách chức bất ngờ Litvinov là hiển nhiên với mọi người. Việc này có nghĩa là chính sách ngoại giao Nga đã thay đổi sâu sắc và mạnh mẽ. Litvinov có chủ trương củng cố an ninh cho Nga chống lại Đức Quốc xã bằng cách liên minh với Anh và Pháp. Sự lưỡng lự của Chamberlain với liên minh này đã làm hại Litvinov. Theo phán xét của Stalin, chính sách của Litvinov đã thất bại. Hơn nữa, chính sách này đe doạ đưa Nga vào cuộc chiến với Đức. Stalin kết luận rằng phải thay đổi. Nếu Chamberlain đã xoa dịu Hitler, liệu ông cũng có thể xoa dịu như thế được không? Việc Molotov không phải là người Do Thái thay thế Litvinov gốc Do Thái có thể tác động tới giới lãnh đạo Quốc xã .
Ngày 5 tháng 5, Đại biện lâm thời Nga Georgi Astakhov, hội kiến với Tiến sĩ Julius Schnurre, chuyên gia Bộ Ngoại giao Đức về sự vụ kinh tế Đông Âu. Schnurre báo cáo: "Astakhov đề cập đến việc cách chức Litvinov và... muốn biết liệu sự kiện này có làm thay đổi thái độ của ta đối với Liên Xô hay không. Ông ấy nhấn mạnh tầm quan trọng lớn lao trong nhân cách của Molotov, người không chỉ là chuyên gia về chính sách ngoại giao mà còn có vai trò quan trọng hơn trong chính sách ngoại giao của Liên Xô trong tương lai." Vị Đại biện lâm thời Nga cũng mời phía Đức nối lại cuộc đàm phán mậu dịch bị ngừng vào tháng Hai .
Mãi đến ngày 8 tháng 5, Anh mới trả lời đề nghị của Litvinov vào ngày 16 tháng 4 về mối liên minh quân sự: Anh khước từ. Điều này củng cố thêm cho mối e ngại của Nga rằng Chamberlain không muốn lập liên minh với Nga để ngăn chặn Hitler chiếm Ba Lan .
Thế thì, không lạ gì mà Liên Xô tăng cường sự tiếp xúc với Đức. Ngày 17 tháng 5, Astakhov gặp lại Schnurre ở Bộ Ngoại giao và sau khi thảo luận những vấn đề mậu dịch, họ chuyển qua những đề tài bao quát hơn. Schnurre báo cáo: "Astakhov nghĩ không có mâu thuẫn về chính sách ngoại giao giữa Đức và Liên Xô, vì thế không có lý do cho sự thù địch giữa 2 nước... Về cuộc đàm phán Anh-Nga, hiện giờ kết quả theo ý mong muốn của Anh là khó thành hiện thực" .
3 ngày sau, 20 tháng 5, Đại sứ von der Schulenburg có buổi hội đàm kéo dài với Molotov ở Moscow. Vị tân Dân uỷ Ngoại giao tỏ ra "thân thiện hết mức" và thông báo cho nhà ngoại giao Đức biết là có thể nối lại cuộc đàm phán kinh tế giữa 2 nước, nếu tạo dựng được cơ sở chính trị cần thiết. Đây là đường hướng mới từ điện Kremlin, nhưng Molotov lại tỏ ra kín đáo. Khi Schulenburg hỏi "cơ sở chính trị" có nghĩa như thế nào, Molotov đáp đó là điều 2 Chính phủ nên suy nghĩ. Mọi nỗ lực của vị Đại sứ muốn khai thác thêm ý nghĩa từ vị Dân uỷ Ngoại giao quỷ quyệt chỉ hoài công. Sau buổi họp, Đại sứ Đức ghé qua gặp Vladimir Potemkin, Phó Dân uỷ Ngoại giao Nga và nói mình không thể hiểu Molotov muốn gì. Schulenburg báo cáo: "Tôi yêu cầu ông Potemkin tìm hiểu" .
Việc Đức-Nga nối lại các tiếp xúc không thoát khỏi cặp mắt tinh tường của Đại sứ Pháp Coulondre tại Đức. Ông báo cáo về Paris rằng "Đức đã hoặc sắp đề xuất với Nga về việc phân chia Ba Lan" .
HIỆP ƯỚC THÉP Mặc dù giới lãnh đạo quân sự Đức khinh rẻ sức mạnh quân sự của Ý, nhưng Hitler lại thúc đẩy một liên minh quân sự với Ý và Mussolini cũng không tỏ ra vội vã. Bắt đầu từ tháng Tư, các sĩ quan tham mưu 2 bên bắt đầu thảo luận, rồi Keitel báo cáo với Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực rằng cả lực lượng chiến đấu lẫn chương trình tái vũ trang của Ý đều không thoả đáng. Hitler nghĩ phải đi đến quyết định chiến tranh, hoặc là người Ý phải đứng ngoài .
Vào giữa tháng 4 năm 1939, như nhật ký của ông này cho thấy, Ciano tỏ ra lo lắng vì những dấu hiệu cho thấy Đức có thể tấn công Ba Lan bất cứ lúc nào và dẫn đến một cuộc chiến tranh châu Âu mà Ý chưa sẵn sàng. Ciano thúc giục Đại sứ Ý tại Đức dàn xếp cuộc gặp gỡ với Ribbentrop kẻo Ý bị bất ngờ .
2 vị bộ trưởng ngoại giao gặp nhau ngày 6 tháng 5 năm 1939. Phía Ý ngạc nhiên khi nghe Ribbentrop nói cũng đồng ý kéo dài hoà bình. 2 bên đồng ý cải thiện quan hệ giữa Phe Trục với Liên Xô .
Khi Mussolini điện qua để hỏi về cuộc hội đàm và Ciano đã nói nó có kết quả tốt, thì đột nhiên Mussolini yêu cầu Ciano ra thông cáo báo chí cho biết Đức và Ý đã quyết định liên minh quân sự. Lãnh tụ đồng ý với đề nghị của Mussolini .
Kết quả là sau hơn 1 năm rưỡi do dự, chỉ vì 1 cơn bốc đồng mà Mussolini đã gắn kết bản thân mình với vận mệnh của Hitler. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy nhà độc tài Ý – giống như Hitler – bắt đầu đánh mất tính tự chủ thép. Chẳng bao lâu sau, Mussolini sẽ nhận lấy hậu quả thảm khốc .
Ngày 22 tháng 5 năm 1939, tại Phủ Thủ tướng ở Berlin, với mọi nghi thức long trọng hai bên đã ký kết "Hiệp ước Thép" .
Đó là một hiệp ước quân sự có ngôn từ thẳng thừng và tính chất hiếu chiến được thể hiện qua một câu trong phần mở đầu mà Hitler cương quyết đưa vào, tuyên bố rằng 2 quốc gia: "được hợp nhất bởi sự đồng cảm nội tại về ý thức hệ của họ... quyết tâm hành động bên nhau và với sức mạnh tổng hợp nhằm đảm bảo không gian sinh sống của mình." Cốt lõi của hiệp ước là Điều III .
"Nếu ngược lại với mong mỏi và hy vọng của các bên ký kết để khiến cho 1 bên can dự vào những hệ luỵ giống như chiến tranh với 1 nước hoặc những nước khác, bên ký kết kia sẽ lập tức đến giúp đỡ như là một Đồng minh và hỗ trợ bên kia với tất cả lực lượng quân sự của họ trên bộ, trên biển và trên không." Điều V quy định rằng trong trường hợp có chiến tranh, không bên nào được ký kết riêng rẽ một hiệp ước đình chiến hoặc hoà ước .
Ta sẽ thấy ban đầu Mussolini không tuân thủ phần thứ nhất, rồi cuối cùng cũng không tuân thủ phần thứ hai .
HITLER CẠN TÀU RÁO MÁNG: NGÀY 23 THÁNG 5 NĂM 1939 1 ngày sau khi ký kết Hiệp ước Thép, Hitler triệu các lãnh đạo quân sự đến Phủ Thủ tướng ngày 23 tháng 5 năm 1939, đồng thời thẳng thừng nói với họ rằng để đạt được thành tựu tiếp nối thì phải đổ máu và rằng, chiến tranh là điều không thể tránh được .
Buổi họp này quy tụ nhiều nhân vật hơn là buổi họp ngày 5 tháng 11 năm 1937, khi Lãnh tụ lần đầu tiên cho biết quyết định đi đến chiến tranh. Có tất cả 14 sĩ quan kể cả Thống chế Goering, Thuỷ sư Đô đốc Raeder, Đại tướng von Brauchitsch, Đại tướng Halder, Đại tướng Keitel, Đại tướng Erhard Milch (Thứ trưởng Hàng không kiêm Tổng Thanh tra Không quân) và Phó Đô đốc Otto Schniewind (Tham mưu trưởng Hải quân). Trung tá Rudolf Schmundt (Tùy viên của Lãnh tụ) cũng có mặt và may mắn cho lịch sử, đã ghi chép nội dung buổi họp. Biên bản của ông còn lưu lại trong số tài liệu tịch thu được của Đức. Rõ ràng là lời nói của Hitler vào dịp này được xem là tối mật đến nỗi không có bản sao chép nào, bản mà chúng ta có chính là bản viết tay của Schmundt .
Đây là một trong những tài liệu quan trọng nhất cho thấy con đường dẫn Hitler đến chiến tranh. Ở đây, Hitler bỏ qua tuyên truyền và lừa dối chính trị, mà nói lên sự thật tại sao ông phải tấn công Ba Lan và nếu cần thiết, đánh luôn cả Anh và Pháp. Ông dự đoán với độ chính xác lạ kỳ tiến trình của chiến tranh – ít ra là trong năm thứ nhất. Nhưng cho dù đã thẳng thừng bày tỏ nhưng cả bài thuyết trình của ông – vì chỉ có ông phát biểu – cho thấy đầu óc Hitler vẫn còn mông lung và hoang mang. Trên hết, ông vẫn còn cảm thấy khó hiểu về Anh và Pháp, cho đến tận cuối đời vẫn vậy .
Nhưng ông tỏ ra rõ ràng và chính xác về diễn tiến của cuộc chiến và mục đích của mình. Tất cả các vị tướng và đô đốc khi rời khỏi Phủ Thủ tướng ngày 23 tháng 5 đều biết đích xác những gì sẽ xảy ra vào cuối mùa hè. Hitler nói chỉ có thể giải quyết những vấn nạn kinh tế của nước Đức bằng cách chiếm thêm không gian sinh sống ở châu Âu và "chỉ có thể đạt được điều này bằng cách xâm lấn những quốc gia khác hoặc tấn công lãnh thổ của người khác." "Danzig không phải là đề tài tranh chấp gì cả. Đó là vấn đề của việc mở rộng không gian sinh sống ở phía Đông, của việc đảm bảo nguồn cung ứng lương thực và cũng giải quyết vấn đề các quốc gia vùng Baltic... Không có khả năng nào khác ở châu Âu... Nếu định mệnh bắt buộc ta phải sống mái với [các nước] phía Tây, thì chiếm được một vùng rộng lớn ở phía Đông là điều rất quý giá." Hitler nói tiếp, số dân không phải người Đức sống ở phía Đông sẽ là nguồn cung ứng lao động – một gợi ý về chương trình lao động nô lệ mà ông sẽ thực hiện sau này .
"Không có chuyện tha cho Ba Lan và ta chỉ còn 1 quyết định: Tấn công Ba Lan ngay khi có cơ hội thích hợp đầu tiên .
Ta không thể trông mong tình hình giống như vụ Tiệp Khắc có thể lặp lại. Sẽ có chiến tranh. Nhiệm vụ của ta là cô lập Ba Lan. Thành công trong việc cô lập Ba Lan có tính chất quyết định" .
Liệu nước Ba Lan "bị cô lập" có chiến đấu một mình hay không? Lãnh tụ không nói rõ điểm này. Thật ra, ông trở nên hoang mang và tự mâu thuẫn với chính mình .
"Không nên chiến đấu cùng lúc với phương Tây, tức Anh và Pháp .
Nếu không thể chắc chắn rằng cuộc xung đột Đức-Ba Lan sẽ không dẫn đến chiến tranh với phương Tây, thế thì cuộc chiến sẽ chủ yếu là với Anh và Pháp .
Vì thế, điều cốt lõi là: Xung đột với Ba Lan – bắt đầu bằng việc tấn công Ba Lan – chỉ có thể thành công nếu phương Tây đứng ngoài .
Nếu không được như thế, đánh phủ đầu phương Tây và kết liễu Ba Lan cùng một lúc" .
Đối với ngôn từ liên tục mâu thuẫn với nhau như vậy, nhưng biên bản của Schmundt không cho thấy ai có câu hỏi gì để xin làm rõ vấn đề .
Kế đến, Hitler quay sang Nga: "Không loại trừ khả năng là Nga sẽ thờ ơ với việc tàn phá Ba Lan". Mặt khác, nếu Nga về phe Anh và Pháp, việc này "sẽ khiến tôi tấn công Anh và Pháp..." Mà điều này cũng có nghĩa là lặp lại sai lầm của Đức trong Thế chiến I. Dù trong bài giảng này, Hitler đã rút ra vài bài học từ Thế chiến I, nhưng chính ông lại không áp dụng những bài học ấy .
Tiếp theo, ý nghĩ của Hitler lại hướng sang Anh .
"Lãnh tụ nghĩ sẽ không có khả năng dàn hoà với Anh. Việc chuẩn bị cho trận chiến là cần thiết. Anh nhận ra trong sự phát triển của ta sự thiết lập bá quyền, vốn sẽ làm Anh suy yếu. Vì thế, Anh là kẻ thù của ta và cuộc xung đột với Anh là vấn đề sống còn .
Cuộc xung đột này sẽ như thế nào? Anh không thể khuất phục Đức với vài trận đánh. Điều quan trọng có tính chất quyết định là Anh sẽ tiến hành chiến tranh càng gần vùng Ruhr càng tốt. Pháp cũng không tránh khỏi đổ máu. Sự sống còn của ta tuỳ thuộc vào việc chiếm giữ vùng Ruhr" .
Sau khi đã quyết định đi theo một sai lầm của Hoàng đế Đức trước kia – tấn công cả Anh và Pháp nếu họ về phe với Nga – sau đây Hitler lại tuyên bố rằng ông sẽ noi gương Hoàng đế trong 1 việc khác mà cuối cùng sẽ là thảm hoạ cho Đức .
"Phải chiếm lấy các căn cứ không quân của Hà Lan và Bỉ. Có thể phớt lờ các tuyên cáo trung lập. Nếu Anh muốn can dự vào cuộc chiến với Ba Lan thì ta phải tấn công chớp nhoáng Hà Lan. Ta phải nhắm đến việc thiết lập một tuyến phòng thủ mới trên đất Hà Lan đến tận Zuyder Zee. Cuộc chiến với Anh và Pháp sẽ là cuộc chiến một mất một còn .
tưởng rằng ta có thể đạt thắng lợi mà không tốn kém là nguy hiểm. Không có khả năng như thế. Vậy nên ta phải chiến đấu tới cùng và đây sẽ chẳng còn là đúng hay sai, mà là phải làm hoặc không làm cho 80 triệu người" .
Dù đã tuyên bố rằng Đức sẽ tấn công Ba Lan "ngay khi có cơ hội thích hợp đầu tiên" và dù người ngồi nghe mệnh lệnh biết rằng tất cả sức mạnh quân sự của Đức sẽ tập trung vào mục tiêu này, nhưng khi tiếp tục dông dài thì Hitler vẫn có ý nghĩ vương vấn về nước Anh. Ông bàn luận về những mặt mạnh và yếu của nước Anh .
"Người Anh có tính tự tôn, can đảm, chịu khổ nhọc, gan lì và là người có tài tổ chức bẩm sinh. Họ biết khai thác mọi tình huống mới. Họ yêu thích phiêu lưu và có tính quả cảm của dân tộc Bắc Âu... Bản thân nước Anh là một cường quốc thế giới. Ổn định qua 300 năm, phát triển qua các mối liên minh, cường quốc này không chỉ là một cái gì đấy chắc chắn mà còn phải được xem là một sức mạnh tâm lý bao trùm cả thế giới... Anh có an ninh địa chính trị, được che chở bằng hải quân hùng mạnh và không quân dũng cảm" .
Nhưng Hitler nhắc nhở cho người nghe rằng Anh cũng có những mặt yếu .
"Thuở xưa... muốn thôn tính Anh, thì việc cần thiết là phải xâm lăng họ. Khi đó Anh có thể tự túc về mặt lương thực. Nhưng bây giờ họ không còn được như thế nữa .
Vào thời điểm Anh bị cắt khỏi những nguồn tiếp tế, họ sẽ đầu hàng. Việc nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu tuỳ thuộc vào sự bảo vệ đường biển .
Việc tấn công Anh bằng không quân sẽ không thể bắt buộc họ đầu hàng. Nhưng nếu hạm đội của họ bị tiêu diệt, họ sẽ đầu hàng ngay. Chắc chắn rằng một cuộc tấn công bất ngờ có thể dẫn đến một quyết định nhanh chóng" .
Tấn công bất ngờ bằng phương tiện gì? Chắc chắn là Thuỷ sư Đô đốc Raeder nghĩ Hitler đã nói một cách bâng quơ. Theo kế hoạch tái vũ trang, sức mạnh Hải quân Đức chỉ có thể bằng Anh vào năm 1945. Lúc này, vào mùa xuân 1939, Đức không có đủ tàu chiến lớn để đánh chìm Hải quân Anh, dù là tấn công bất ngờ .
Nhưng có lẽ vẫn còn khả năng đánh bại Anh bằng cách khác. Ở đây, Hitler tỏ ra thực tế và vạch ra một kế hoạch chiến lược mà 1 năm sau sẽ thành công một cách kỳ lạ .
Mục tiêu là giáng cho địch một đòn mạnh hoặc là một đòn quyết định cuối cùng ngay từ đầu. Việc xem xét đúng hay sai, hoặc xét về các hiệp ước, đều không được áp dụng ở đây... Phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài cũng như cho một cuộc tấn công bất ngờ, đồng thời phải đập tan mọi sự can thiệp của Anh trên lục địa .
Lục quân phải chiếm lấy những vị trí quan trọng cho hạm đội và Không quân. Nếu ta thành công trong việc chiếm đóng, đồng thời giữ vững Hà Lan và Bỉ cũng như hạ gục được Pháp, thì cơ sở cho cuộc chiến chống Anh thành công sẽ được hình thành .
Không quân lúc ấy có thể phong toả Anh từ phía Tây nước Pháp và hạm đội sẽ phong toả ngoài khơi với tàu ngầm .
Chính xác đó là những gì sẽ phải thực hiện vào 1 năm sau. Đức cũng sẽ thi hành một kế hoạch chiến lược khác. Vào lúc khởi đầu Thế chiến I, nếu Quân đội Đức đánh vòng về hướng các cảng trên bờ biển Manche thay vì hướng đến Paris, thì kết cục có lẽ đã khác. Hitler sẽ thử theo cách này vào năm 1940 .
Hitler kết luận mà có vẻ như quên hẳn Ba Lan: "Mục đích luôn luôn là bắt Anh phải quỵ luỵ ta" .
Và ông cũng không quên bổ sung thêm một sự cân nhắc cuối cùng: "Bảo mật là điều kiện tiên quyết cho thành công. Phải giữ bí mật đối với cả Ý và Nhật về những mục đích của ta" .
Chính vì lẽ đó nên ngay cả Bộ Tư lệnh Lục quân, mà Tham mưu trưởng Halder dự họp, vẫn không được tin tưởng hoàn toàn. Lãnh tụ sắp đặt: "Không thể giao cho Bộ Tư lệnh Lục quân nghiên cứu. Vì nếu thế sẽ không thể nào đảm bảo bí mật được nữa". Hitler quyết định thành lập một nhóm nhỏ trong Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực nhằm soạn thảo kế hoạch tác chiến .
Vào ngày 23 tháng 5 năm 1939, theo như chính lời Hitler nói, ông sẽ cạn tàu ráo máng. Sẽ có chiến tranh. Đức cần không gian sinh sống ở phía Đông. Muốn được vậy thì sẽ tấn công ngay khi có cơ hội đầu tiên. Danzig không liên quan gì đến chuyện này. Đó chỉ là một cái cớ. Anh quốc ngáng đường và họ cũng là lực lượng thực sự chống Đức. Được thôi, sẽ phải xử lý Anh và cả Pháp nữa. Đây sẽ là cuộc đấu tranh một mất một còn .
Lần đầu khi Lãnh tụ phác thảo kế hoạch chiến tranh vào ngày 5 tháng 11 năm 1937, Thống chế von Blomberg và Đại tướng von Fritsch đã phản đối – ít nhất dựa trên lý do là Đức còn quá yếu cho chiến tranh toàn châu Âu. Mùa hè sau, Tướng Beck từ nhiệm chức Tham mưu trưởng Lục quân với cùng lý do. Nhưng ngày 23 tháng 5 năm 1939, biên bản buổi họp đã cho thấy không một ai đặt vấn đề về trí tuệ của Hitler nữa .
Họ thấy nhiệm vụ của họ chỉ là nhắm mắt phục tùng. Ngày 7 tháng 5, Đại tá Guenther Blumentritt thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân, cùng với các tướng von Rundstedt và von Manstein trong "Tổ Công tác", đã trình nộp ước lượng tình hình cho Phương án Màu Trắng. Thật ra, đó là kế hoạch thôn tính Ba Lan – một kế hoạch đầy sáng kiến và táo bạo, đồng thời sẽ được thực hiện với rất ít thay đổi .
Thuỷ sư Đô đốc Raeder trình kế hoạch Hải quân cho Phương án Màu Trắng trong chỉ thị tối mật được ký ngày 16 tháng 5. Vì lẽ Ba Lan có bờ biển rất ngắn của biển Baltic nằm ở phía Tây Danzig và có hải quân nhỏ, nên dự kiến sẽ không có nhiều khó khăn. Pháp và Anh là mối quan ngại chủ yếu của vị Thuỷ sư Đô đốc. Tàu ngầm sẽ bảo vệ lối vào biển Baltic, hai tàu thiết giáp và hai tàu thiết giáp bỏ túi cùng với những tàu ngầm "còn lại" sẽ chuẩn bị cho "chiến tranh trên Đại Tây Dương". Theo chỉ thị của Lãnh tụ, Hải quân phải chuẩn bị thực hiện phần việc của họ trong "Màu Trắng" vào ngày 1 tháng 9, nhưng Raeder thúc giục các chỉ huy dưới quyền đẩy nhanh kế hoạch bởi vì "do những diễn biến chính trị mới nhất" mà có thể phải hành động sớm hơn .
Đến cuối tháng 5 năm 1939, những công tác chuẩn bị của Đức đã tiến triển khá tốt. Các nhà máy sản xuất vũ khí làm việc tất bật, cho ra lò súng ống, xe tăng, máy bay và tàu chiến. Các bộ phận lập kế hoạch hành quân đã đi đến giai đoạn cuối cùng. Lực lượng lớn mạnh lên vì có thêm nhiều đội ngũ được gọi vào cho việc "huấn luyện mùa hè" .
Một ngày sau khi Hitler giảng bài cho các chỉ huy quân sự, trong một buổi giảng bí mật dành cho Bộ Ngoại giao, Tướng Georg Thomas, Chủ nhiệm Cục Kinh tế và Vũ trang của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, đã tóm tắt lại những thành tựu đạt được. Ông cho biết, Quân đội của Hoàng đế khi xưa mất 16 năm – từ 1898 đến 1914 – để tăng từ 43 sư đoàn đến 50 sư đoàn, Đế chế Thứ Ba tăng từ 7 sư đoàn lên 51 sư đoàn chỉ trong vòng 4 năm. Trong số ấy, có 5 sư đoàn thiết giáp nặng và 4 sư đoàn thiết giáp nhẹ, một lực lượng "kỵ binh tác chiến cơ động" mà không quốc gia nào có được. Hải quân gây dựng hầu như từ con số không để có hạm đội gồm 2 tàu thiết giáp loại 26.000 tấn, 2 tàu tuần dương hạng nặng, 7 tàu khu trục và 47 tàu ngầm. Hải quân đã hạ thuỷ 2 tàu thiết giáp loại 35.000 tấn, 1 tàu sân bay, 4 tàu tuần dương hạng nặng, 5 tàu khu trục, 7 tàu ngầm và đang dự trù nhiều tàu nữa .
Từ con số không, Không quân hiện có 21 phi đoàn với 260.000 người .
Thực ra, Tướng Thomas đã lừa dối ngay cả với Bộ Ngoại giao. Một tài liệu của Hải quân Đức hơn 1 năm trước cho biết Đức đã cung cấp cho Anh số liệu giả tạo về trọng tải tàu chiến theo Hiệp ước Hải quân Anh-Đức. Loại tàu "26.000 tấn" thực ra là 31.300 tấn, còn 2 tàu thiết giáp gọi là "35.000 tấn" thực ra là chiếc Bismarck trên 50.000 tấn và chiếc Tirpitz trên 42.000 tấn .
Dù tiềm năng quân sự của Đức có hùng hậu, nhưng viễn cảnh thành công trong chiến tranh mà Hitler đang trù định lại tuỳ thuộc vào loại hình và quy mô chiến tranh. Đức vẫn chưa – và có lẽ không bao giờ – đủ mạnh để chống lại Pháp, Anh và Liên Xô, lại thêm cả Ba Lan. Tất cả sẽ tuỳ thuộc vào khả năng của Lãnh tụ để hạn chế chiến tranh – trên hết là ngăn Liên Xô liên minh với phương Tây, mối liên minh mà Litvinov đề nghị trước khi bị sa thải và Chamberlain vẫn còn lần lữa .
SỰ CAN DỰ CỦA LIÊN XÔ: II Thủ tướng Anh Chamberlain vẫn có thái độ lạnh nhạt, thậm chí khinh bỉ Liên Xô. Trái lại, Churchill cho rằng Liên Xô đã có một đề nghị "công bằng hơn, đơn giản hơn, trực tiếp hơn và hiệu quả hơn" so với đề nghị của chính Chamberlain. Ông van nài Chính phủ Anh quốc: "hãy tiếp thu một chút sự thật tàn nhẫn vào cái đầu của mình đi. Không có một mặt trận phía Đông vững chắc thì sự phòng thủ phía Tây sẽ không được thoả đáng và nếu không có Nga, thì sẽ không có một mặt trận phía Đông vững chắc." Chiều theo làn sóng công kích từ mọi phía, cuối cùng Chamberlain đã ra chỉ thị cho Đại sứ Anh tại Nga bắt đầu vòng đàm phán cho hiệp ước trợ giúp tương hỗ và đảm bảo cho những quốc gia bị Hitler đe doạ. Ngày 27 tháng 5, Đại sứ Anh và Đại biện lâm thời Pháp ở Moscow trình cho Molotov bản thảo của hiệp định đề xuất. Cả 2 nhà ngoại giao ngạc nhiên khi thấy Molotov tỏ thái độ rất lạnh lùng về việc này .
Đại sứ von Dirksen ở London báo về Bộ Ngoại giao Đức rằng Chính phủ Anh có thái độ "rất miễn cưỡng". Ông còn giải thích lý do chính là do động thái của Chamberlain. Ông báo cáo rằng Bộ Ngoại giao Anh đã nghe phong thanh về "sự thăm dò của Đức ở Moscow" và "e sợ rằng Đức có thể thành công trong việc giữ cho Liên Xô trung lập... Điều này có nghĩa hành động bao vây sẽ hoàn toàn sụp đổ." Ngày 31 tháng 5 năm 1939, Molotov đọc bài diễn văn công khai đầu tiên trên cương vị Dân uỷ Ngoại giao trước Hội đồng Tối cao của Liên Xô. Ông trách móc các nước dân chủ phương Tây đã lưỡng lự và tuyên bố nếu họ nghiêm túc trong việc tham gia cùng Liên Xô ngăn chặn sự gây hấn, thì họ phải tỏ ra thực tế hơn và đạt đến thoả thuận về 3 điểm chính: Hiệp ước trợ giúp tương hỗ 3 bên có tính chất thuần túy phòng thủ .
Phải có sự đảm bảo cho các nước Trung Âu và Đông Âu, bao gồm tất cả các nước tiếp giáp với Liên Xô .
Hiệp ước về loại hình và phạm vi tương trợ tức thời sẽ có hiệu quả cho mọi bên và cho các quốc gia nhỏ hơn đang bị đe doạ gây hấn .
Molotov cũng tuyên bố rằng việc đàm phán với phương Tây không có nghĩa là Liên Xô sẽ bỏ qua "những quan hệ mậu dịch trên cơ sở thực dụng" với Đức và Ý .
Khi báo cáo cho Chính phủ Đức về bài diễn văn, Đại sứ von der Schulenburg cho biết Liên Xô vẫn đang sẵn sàng đạt hiệp ước với Anh và Pháp "với điều kiện là đáp ứng mọi yêu cầu của họ", nhưng việc này có thể sẽ mất thời gian. Ông cho biết Molotov đã "tránh thúc ép Đức sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán bắt đầu ở Berlin và Moscow" .
Và đột nhiên Hitler cũng tỏ ra sẵn sàng như Liên Xô .
Trong những ngày cuối cùng của tháng Năm, Hitler và các phụ tá của ông vẫn nhùng nhằng trong một vấn đề gai góc, chính là việc đạt thoả hiệp với Liên Xô để ngăn trở các cuộc đàm phán Nga-Anh. Bên Đức nghĩ trong cuộc hội kiến với Đại sứ von der Schulenburg ngày 20 tháng 5,Molotov đã tỏ ra lạnh nhạt với sự tiếp cận của Đức. Ngày hôm sau, 21 tháng 5, Weizsaecker gửi điện cho vị đại sứ và cho biết vì thái độ kín đáo của Molotov, "ta phải ngồi yên mà chờ xem bên Nga có chịu bày tỏ một cách cởi mở hay không" .
Nhưng sau khi định ngày tấn công Ba Lan là 1 tháng 9, Hitler đã không thể ngồi yên thêm được nữa. Ông muốn "thiết lập mối quan hệ dễ được chấp nhận hơn giữa Đức và Liên Xô". Ribbentrop nhận nhiệm vụ soạn chỉ thị cho Schulenburg và bản thảo có khá nhiều chi tiết về đường hướng mới mà ông này muốn trình bày với Molotov "càng sớm càng tốt". Văn bản này được tìm thấy trong số tài liệu của Bộ Ngoại giao Đức khi bị tịch thu .
Ngoại trưởng Ribbentrop đề nghị Schulenburg trình bày cho Molotov những điểm sau: "Giữa Đức và Liên Xô không có xung khắc về quyền lợi trong các sự vụ ngoại giao. Đã đến lúc xem xét sự hoà hoãn và bình thường hoá quan hệ Đức-Nga... Liên minh Ý-Đức không nhằm chống Nga... Đó chỉ là để chống liên minh Anh-Pháp... Nếu đi ngược với ý muốn của chúng tôi, thì có thể sẽ dẫn đến xung đột với Ba Lan, nhưng chúng tôi vững tin rằng ngay cả việc này cũng không nên dẫn đến va chạm những quyền lợi của Liên Xô. Ngay cả khi giải quyết xong vấn đề Đức-Ba Lan, chúng tôi sẽ xem xét đến quyền lợi của Liên Xô..." Mối nguy hại của liên minh giữa Nga và Anh cũng được chỉ rõ: "Chúng tôi không thể nhìn ra điều gì có thể dẫn dụ Liên Xô dự phần tích cực trong các tấn trò của chính sách Anh về bao vây... Việc này có nghĩa là Nga sẽ phải gánh trách nhiệm 1 chiều trong khi Anh không đáp lại với nghĩa vụ gì cho xứng đáng... Anh không có gì để đền đáp cho Nga, dù soạn thảo hiệp ước thế nào chăng nữa. Vì thế chúng tôi tin rằng một lần nữa, Anh sẽ theo đuổi chính sách cố hữu là để cho các cường quốc khác gánh vác thay cho họ" .
Schulenburg cũng phải khẳng định rằng Đức "không có ý định gây hấn với Nga". Cuối cùng, ông nhận chỉ thị phải nói với Molotov rằng Đức không những sẵn sàng thảo luận với Liên Xô các vấn đề kinh tế mà còn muốn "bình thường hoá trở lại mối quan hệ chính trị" .
Hitler nghĩ văn bản này đi quá xa và ra lệnh đình lại. Ông nghe Chamberlain nói Anh-Nga sẽ sớm ký kết hiệp ước và ông sợ rằng Nga sẽ khước từ đòi hỏi của Đức. Hitler không từ bỏ ý định liên minh với Nga, nhưng ông muốn vào thời điểm này nên tỏ ra thận trọng hơn .
Tài liệu tịch thu được của Bộ Ngoại giao Đức cho thấy đầu óc của Hitler đã dao động trong tuần lễ cuối tháng 5 năm 1939. Ông đã thúc đẩy đối thoại với Liên Xô nhằm ngăn chặn các cuộc đàm phán Anh-Nga. Schulenburg sẽ đi gặp Molotov cho mục đích ấy. Nhưng rồi Lãnh tụ huỷ bỏ lệnh này. Weizsaecker gửi điện cho Schulenburg, khuyên ông này "không nên có động thái gì cho đến khi có chỉ thị mới" .
Bộ Ngoại giao Đức soạn thảo bức điện ấy cùng lá thư ngày 27 tháng 5, nhưng đến ngày 30 tháng 5 mới gửi đi cùng với phần tái bút quan trọng .
Việc này cho thấy thái độ lưỡng lự ở Berlin .
Weizsaecker nghĩ hiệp ước Anh-Nga "không phải dễ mà ngăn cản" và Đức không nên chen vào kẻo sẽ biến thành trò hề ở Moscow. Hơn nữa, cả Nhật và Ý đều tỏ ra lãnh đạm trước những đòi hỏi của Đức ở Moscow. Ông kết luận "bây giờ ta phải chờ đợi xem Moscow và Paris-London thân thiết với nhau đến đâu" .
Dù vậy, Weizsaecker vẫn tìm dịp tiếp xúc với Đại biện lâm thời Liên Xô Georki Astakov. Và mỗi bên đều dò hỏi xem bên kia nghĩ gì. Weizsaecker nói mình đồng ý với Molotov là không thể tách rời hoàn toàn những vấn đề chính trị và kinh tế, đồng thời tỏ ý quan tâm đến việc bình thường hoá mối quan hệ giữa Liên Xô và Đức. Astakov thì cho biết Molotov "không có ý định đóng sập cánh cửa cho việc thương thảo Nga-Đức" .
Dù cả 2 người đều rất thận trọng, nhưng phía Đức vẫn cảm thấy phấn khởi. Buổi tối 30 tháng 5, Weizsaecker gửi một bức điện "tối khẩn" cho Schulenburg ở Moscow: "Ngược lại với những chiến thuật được trù tính, hiện tại ta nên quyết định tiếp xúc theo một chừng mực nào đó với Liên Xô" .
Có lẽ bản ghi nhớ dài của Mussolini gửi Hitler vào ngày 30 tháng 5 đã giúp Hitler quyết định quay sang Liên Xô. Mussolini tin rằng không thể tránh khỏi chiến tranh, nhưng "Ý cần một thời gian chuẩn bị, có thể kéo dài đến cuối năm 1942... Chỉ từ năm 1943 trở đi... mới có triển vọng thành công". Sau khi kể ra một số lý do tại sao "Ý cần một thời gian", Mussolini kết luận: "Ý không muốn thúc đẩy nhanh chiến tranh châu Âu, tuy tin rằng chiến tranh như thế là không tránh khỏi" .
Hitler quyết định tiếp tục đàm phán với Nga. Suốt tháng Sáu, Đại sứ quán Đức ở Moscow và Anatas Mikoyan, Dân uỷ Ngoại thương, đàm phán cho một hiệp ước thương mại mới .
Phía Liên Xô vẫn còn tỏ ra rất nghi ngờ Đức, tin rằng Đức muốn thúc đẩy hiệp ước thương mại chỉ là để phá hoại những vòng đàm phán của Liên Xô với Anh-Pháp. Schulenburg gửi điện về Berlin: "Họ e sợ rằng một khi có được lợi thế này, ta sẽ lơ là việc đàm phán" .
Ngày 28 tháng 6, sau buổi hội đàm kéo dài với Molotov "theo cách thức thân thiện", khi Schulenburg đang nhắc đến những hiệp ước bất tương xâm giữa Đức và các nước Baltic, thì Molotov phản bác một cách chua cay là "ông phải nghi ngờ hiệu quả của những hiệp ước này khi xét qua kinh nghiệm của Ba Lan".Schulenburg nhắc đến việc Đức đã ký hiệp ước bất tương xâm với Latvia và Estonia ngày 7 tháng 6 nhằm đón đầu đảm bảo của Anh-Pháp-Nga cho 2 nước này. Schulenburg kết luận: "Cảm nghĩ của tôi là Chính phủ Liên Xô rất quan tâm đến việc tìm hiểu quan điểm chính trị của ta và muốn duy trì tiếp xúc với ta. Dù rằng Molotov còn nghi ngại, nhưng ông ấy vẫn mô tả việc bình thường hoá mối quan hệ với Đức là đáng mong mỏi và khả thi" .
Schulenburg yêu cầu cho chỉ thị về bước đi kế tiếp của mình. Ông thật tình muốn lập lại mối quan hệ gần gũi với Liên Xô như dưới thời Cộng hoà Weimar. Nhưng ông hiểu rất ít về Hitler .
Đột nhiên ngày 29 tháng 6 năm 1939, Hitler ra lệnh ngừng cuộc đàm phán với Liên Xô .
BERCHTESGADEN, 29 THÁNG 6, 1939 ... Lãnh tụ chỉ thị như sau: "Thông báo cho bên Nga rằng ta đã thấy thái độ của họ là sẽ đặt điều kiện tiếp tục đàm phán, dựa trên sự chấp thuận cơ sở cho cuộc đàm phán về kinh tế như được chốt lại vào tháng Giêng. Vì lẽ ta không chấp nhận cơ sở ấy, nên hiện tại ta cũng sẽ không quan tâm đến việc nối lại đàm phán về kinh tế với Nga nữa." Lãnh tụ đồng ý chuyển hạn phúc đáp cho chỉ thị này thêm vài ngày .
Thật ra, ngày hôm sau, nội dung chính của bức điện đã được Weizsaecker gửi cho Đại sứ quán Đức ở Moscow .
"Bộ trưởng Ngoại giao có ý kiến rằng trên phương diện chính trị đã phát biểu, vào thời điểm này ta sẽ không tiếp tục đàm phán .
... Yêu cầu ông không có thêm động thái nào mà phải chờ chỉ thị mới" .
Tài liệu mật của Đức không có giải thích tại sao Hitler lại bất ngờ thay đổi quyết định. Tiến sĩ Julius Schnurre, chuyên viên Bộ Ngoại giao Đức về kinh tế Đông Âu, cảnh cáo rằng sự tan vỡ trên bàn đàm phán sẽ là bước lùi của Đức cả về kinh tế lẫn chính trị .
Trong khi ấy, các cuộc đàm phán Anh-Pháp-Nga cũng đang trong tình trạng sóng gió do bất đồng ý kiến trong vấn đề đảm bảo cho Ba Lan, Rumania và các nước vùng Baltic. Ba Lan và Rumania muốn được Anh và Pháp đảm bảo khi bị Đức tấn công, nhưng không muốn Liên Xô đảm bảo, thậm chí không cho phép quân Nga đi qua lãnh thổ của họ để chống Đức. Latvia, Estonia và Phần Lan cũng chống đối đảm bảo của Liên Xô .
Trong sự bế tắc này, đầu tháng Sáu, Molotov đề nghị Anh phái Ngoại trưởng đến Moscow để tham gia đàm phán, nhưng Lord Halifax từ chối. Ivan Maisky, Đại sứ Nga tại Anh, đề nghị với Lord Halifax rằng vị Ngoại trưởng nên đi Moscow "khi tình hình đang lắng dịu", nhưng Halifax cho biết "vào lúc này", ông không thể đi vắng khỏi London .
Cựu Ngoại trưởng Anthony Eden xin đi thay, nhưng Chamberlain từ chối. Thay vào đó, Anh cử một nhân viên cấp thấp là William Strang, nhân viên Bộ Ngoại giao có thời làm việc ở Sứ quán Anh tại Moscow, nói được tiếng Nga nhưng ít được biết đến cả ở Anh và nước ngoài. Ông này không đạt kết quả gì. Andrei Zhdanov viết một bài trên tờ báo Sự thật dưới tiêu đề "Chính phủ Anh và Pháp không muốn Hiệp ước trên cơ sở bình đẳng với Liên Xô". Zhdanov không những là uỷ viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm uỷ ban Ngoại giao của Quốc hội Liên Xô, mà như Schulenburg cho biết, còn là "một trong những người thân tín của Stalin", nên chắc chắn bài báo này được viết là do lệnh từ cấp trên .
Zhdanov viết: "Đối với tôi, có vẻ như Chính phủ Anh và Pháp không chủ định đạt thoả thuận thật sự chấp nhận được với Liên Xô, mà chỉ muốn thảo luận nhằm cho công luận trong nước họ thấy thái độ khăng khăng của Liên Xô, vì thế tạo thuận lợi đạt thoả thuận với những kẻ gây hấn. Vài ngày tới sẽ cho ta thấy sự thật có đúng như thế hay không" .
Thế là, việc Stalin mất tin tưởng Anh-Pháp và nghi ngờ rằng cuối cùng phương Tây sẽ có thoả thuận với Đức, như họ đã làm trước Hội nghị Munich và được công bố cho cả thế giới biết. Đại sứ von der Schulenburg nhận xét với Đức rằng một trong những mục đích của bài báo là nhằm "đổ lỗi cho Anh và Pháp về sự đổ vỡ đàm phán" .
KẾ HOẠCH CHO CHIẾN TRANH TOÀN DIỆN Nhưng cho dù là vậy, Hitler vẫn không chịu giật lấy miếng mồi nhử từ phía Liên Xô. Có lẽ là vì suốt tháng 6 năm 1939, ông đang tất bật ở Berchtesgaden giám sát việc hoàn thiện các kế hoạch quân sự để xâm lăng Ba Lan vào cuối mùa hè .
Vào ngày 15 tháng 6, Hitler nhận được kế hoạch hành quân tối mật của Tướng von Brauchitsch. Lặp lại giọng điệu của Lãnh tụ, vị Tư lệnh Lục quân tuyên bố: "Mục tiêu của cuộc hành quân là tiêu diệt quân lực Ba Lan... chiến tranh phải bắt đầu bằng những đòn mãnh liệt và mang đến thành công nhanh chóng... Mục đích của Bộ Tư lệnh Lục quân là ngăn chặn việc động quân và tập trung theo cách thông thường của Quân đội Ba Lan bằng một cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ nước này, đồng thời tiêu diệt phần lớn quân Ba Lan dự kiến là ở phía Tây tuyến Vistula-Narew, bằng một cuộc tấn công tập trung từ Silesia ở một bên và từ Pomerania-Đông Phổ ở bên kia" .
Để thực hiện kế hoạch này, Brauchitsch thành lập 2 tập đoàn quân: Tập Đoàn quân Nam gồm có các Đại Quân đoàn Thứ Tám, Mười và Mười Bốn dưới quyền Tướng von Rundstedt sẽ tấn công từ Silesia theo hướng Warsaw, chiếm lấy sông Vistula ở cả hai bên Warsaw .
Tập Đoàn quân Bắc gồm có các Đại Quân đoàn Thứ Ba và Bốn, sẽ làm cầu nối giữa Đức và Đông Phổ bằng cách đánh xuyên qua Hành lang Ba Lan .
Việc tuyên cáo Danzig là lãnh thổ Đức sẽ được thực hiện ngay từ ngày đầu tiên, do những lực lượng địa phương dưới quyền chỉ huy của Đức trấn giữ .
1 chỉ thị bổ sung quy định rằng sẽ đưa ra mệnh lệnh dàn quân cho Phương án Màu Trắng vào ngày 20 tháng 8. "Mọi công tác chuẩn bị phải xong xuôi vào ngày này" .
1 tuần sau, Tướng Keitel nộp cho Hitler "Lịch trình sơ bộ cho Phương án Màu Trắng". Lãnh tụ ra lệnh: "Để không làm hoang mang dân chúng vì việc kêu gọi quân trù bị nhiều hơn thường lệ... khi các cơ quan dân sự, chủ doanh nghiệp hoặc người thường dò hỏi thì phải trả lời rằng đó là phục vụ cho mục đích của cuộc diễn tập mùa thu" .
Cuộc chiến mà Hitler đang trù định là cuộc chiến toàn diện, đòi hỏi huy động quân sự cũng như mọi nguồn lực của Đức. Nhằm điều phối nỗ lực trên diện rộng, một buổi họp Hội đồng Quốc phòng Đế chế đã được triệu tập vào ngày hôm sau dưới sự chủ trì của Goering. Khoảng 35 nhân vật dân sự và quân sự đến dự họp, kể cả Keitel, Raeder, Halder, Thomas và Milch của Quân lực, các Bộ trưởng Nội vụ, Kinh tế, Tài chính, Vận tải, cũng như Himmler. Đây chỉ là buổi họp thứ hai của Hội đồng nhưng, như Goering giải thích, họ chỉ họp khi phải ra quyết định quan trọng. Theo tài liệu mật tịch thu được, Goering nói rõ rằng chiến tranh sắp đến gần và vẫn còn nhiều việc phải làm về nhân lực cho công nghiệp và nông nghiệp, cùng nhiều việc khác liên quan đến tổng động viên .
Goering thông báo với Hội đồng rằng Hitler dự định huy động 7 triệu người. Để tăng nguồn lao động, Tiến sĩ Funk, Bộ trưởng Kinh tế, phải dàn xếp "sẽ giao công việc nào cho tù binh và những người bị giam trong những nhà tù và trại tập trung". Himmler xen vào nói "sẽ sử dụng các trại tập trung nhiều hơn trong thời gian chiến tranh". Goering thêm rằng "sẽ điều hàng trăm nghìn công nhân từ Xứ bảo hộ Tiệp Khắc làm việc dưới sự giám sát ở Đức, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và sẽ cho họ cư ngụ trong lều trại". Chính từ lúc này, chương trình lao động nô lệ của Quốc xã đã dần được hình thành .
Tiến sĩ Frick, Bộ trưởng Nội vụ, hứa sẽ "tiết kiệm nhân lực trong hành chính công" và làm sống động buổi họp bằng lời nhận xét rằng dưới chế độ Quốc xã, số công chức tăng "từ 20 đến 40 lần – là điều không thể chấp nhận được". Một uỷ ban sẽ được thành lập để khắc phục tình trạng này .
Một báo cáo bi quan hơn của Đại tá Rudolf Gercke, Cục trưởng Cục Quân vận của Bộ Tư lệnh Lục quân, thẳng thắn cho biết: "Trong lĩnh vực vận tải, vào lúc này Đức chưa sẵn sàng cho chiến tranh" .
Dĩ nhiên là liệu những phương tiện vận tải của Đức có đáp ứng được nhiệm vụ hay không lại tuỳ thuộc vào việc chiến tranh có được hạn chế trong phạm vi Ba Lan hay không. Nếu phải chiến đấu với Anh và Pháp, e rằng hệ thống vận tải sẽ không đủ. Trong tháng Bảy, 2 buổi họp khẩn cấp của Hội đồng được triệu tập "nhằm hoàn tất Bức tường Tây chậm nhất là vào ngày 25 tháng 8 năm 1939, với vật liệu có thể thu được bằng những nỗ lực vượt bậc". Công ty và tổ hợp thép Krupp được chỉ định vơ vét mọi khối lượng kim loại để hoàn tất các công sự của Bức tường Tây .
Dù Hitler thẳng thắn một cách bất thường khi tuyên bố Danzig không phải là nguyên nhân tranh chấp với Ba Lan, nhưng đây có thể là thùng thuốc súng khiến cho chiến tranh bùng nổ. Trong một thời gian, Đức đã bí mật chuyển vào Danzig vũ khí và sĩ quan quân đội để huấn luyện lực lượng phòng vệ địa phương. Ngày 19 tháng 6 năm 1939, Bộ Tư lệnh Lục quân Đức thông báo cho Bộ Ngoại giao rằng 168 sĩ quan quân đội "đã được cho phép mặc thường phục đi qua Danzig phục vụ cho mục đích nghiên cứu". Vào đầu tháng Bảy, Tướng Keitel hỏi Bộ Ngoại giao rằng "liệu có vấn đề gì về chính trị không khi công chúng thấy 12 khẩu pháo nhẹ và 4 khẩu trọng pháo tham gia diễn tập, nếu có thì ta phải che giấu" .
Ba Lan đã tăng số nhân viên hải quan và lực lượng biên phòng, nhưng chính quyền địa phương, khi ấy chỉ nhận lệnh từ Berlin, lại cố tìm cách cản trở nhân viên Ba Lan thi hành nhiệm vụ .
Sự xung đột biến thành khủng hoảng ngày 4 tháng 8 năm 1939, khi Ba Lan thông báo sẽ trang bị vũ khí cho nhân viên hải quan và nếu xét thấy sự cản trở là "hành động bạo lực", thì Chính phủ Ba Lan sẽ "trả đũa ngay lập tức" .
Đó là một dấu hiệu nữa cho Hitler thấy người Ba Lan không dễ bị bắt nạt. Đại sứ Đức tại Ba Lan cũng gửi điện báo cáo rằng "không có nghi ngờ gì" là Ba Lan sẽ chiến đấu "nếu có sự vi phạm rõ rệt" những quyền lợi của họ ở Danzig. Chúng ta biết bức điện Đức trình cho Hitler nhờ ghi chú bên lề viết tay của Ribbentrop .
Hitler nổi giận. Ngày 7 tháng 8 năm 1939, ông triệu Xứ uỷ Quốc xã Albert Forster tại Danzig đến Berchtesgaden và bảo mình đã hết kiên nhẫn với người Ba Lan. 2 bên Đức và Ba Lan đã trao đổi qua lại bằng những ngôn từ mạnh bạo đến nỗi không bên nào dám công bố nội dung ra bên ngoài. Đáp lại lời cảnh cáo của Đức, Chính phủ Ba Lan cho biết: "họ sẽ tiếp tục hành động giống như từ trước đến giờ... bằng cách thức và biện pháp chỉ do tự họ quyết định và rằng, họ sẽ xem bất kỳ sự can thiệp nào của Chính phủ Đế chế... là hành động hiếu chiến" .
Chưa từng có quốc gia nhỏ nào ngáng đường tiến của Hitler lại sử dụng ngôn từ như thế. Hitler nói với Carl Burckhardt, người Thuỵ Sĩ, là Cao uỷ Hội Quốc liên tại Danzig, rằng "nếu Ba Lan có động thái nhỏ nào, ông sẽ giáng cho họ đòn sấm sét với mọi vũ khí sẵn có..." Vị Cao uỷ sau này báo cáo lại: "Ông Burckhardt nói việc ấy sẽ dẫn đến xung đột rộng lớn. Ông Hitler trả lời rằng nếu ông phải gây ra chiến tranh, ông thà gây ra hôm nay còn hơn ngày mai... và ông sẽ chiến đấu mà không khoan nhượng..." Chiến đấu chống ai? Chắc chắn là chống Ba Lan. Nếu cần, chống cả Anh và Pháp. Cũng chống Liên Xô chăng? Về phần Liên Xô, cuối cùng Hitler cũng đã có quyết định .
SỰ CAN DỰ CỦA LIÊN XÔ: III Liên Xô có sáng kiến mới .
Ngày 18 tháng 7 năm 1939, Đại diện Thương mại E. Babarin của Liên Xô tại Berlin đến gặp chuyên viên, Tiến sĩ Julius Schnurre tại Bộ Ngoại giao Đức, để thông báo rằng Liên Xô muốn mở rộng và tăng cường quan hệ kinh tế với Đức. Ông mang theo một bản ghi nhớ chi tiết cho hiệp định thương mại kêu gọi tăng cường trao đổi hàng hoá giữa 2 nước và cho biết, nếu làm sáng tỏ được một vài khác biệt giữa 2 bên, thì ông sẽ được phép uỷ quyền ký hiệp ước kinh tế này ngay tại Berlin. Theo bản ghi nhớ mật của buổi hội đàm, bên Đức đã tỏ ra hài lòng. 4 ngày sau, 22 tháng 7, báo chí Nga loan báo ở Moscow rằng vòng đàm phán thương mại Liên Xô-Đức đã được nối lại ở Berlin .
Cùng ngày, Weizsaecker điện cho Đại sứ von der Schulenburg ở Nga để ra chỉ thị mới. Về việc đàm phán thương mại, "chúng ta sẽ hành động với cách thức khá sẵn sàng... Vì thế ông được trao quyền để tiếp tục, mà không bị thúc ép dưới bất kỳ hình thức nào" .
Ngày 26 tháng 7, Tiến sĩ Schnurre theo lệnh của Ribbentrop mời Đại biện lâm thời Georki Astakhov và Đại diện Thương mại Babarin đi ăn tối tại một nhà hàng tráng lệ ở Berlin để thăm dò. Và 2 người Nga cũng chẳng cần phải thăm dò. Theo Tiến sĩ Schnurre ghi trong một biên bản mật, họ chuyện trò sôi nổi cho đến sau nửa đêm về những vấn nạn chính trị và kinh tế .
Với sự đồng tình của Babarin, Astakhov tuyên bố rằng một sự hoà hoãn về chính trị Nga-Đức sẽ được đáp ứng vì những lợi ích quan trọng của 2 bên. Ông nói ở Moscow người ta không hề hiểu được tại sao Đức Quốc xã có ác cảm với Liên Xô đến thế .
Đáp lại, Tiến sĩ Schnurre giải thích: "Chính sách của Đức ở phía Đông hiện nay đã đi theo một đường lối hoàn toàn khác .
Về phần Đức, không có chuyện đe doạ Liên Xô. Những mục tiêu của chúng tôi là về một hướng khác hẳn... Chính sách của Đức là nhắm đến Anh... Tôi có thể hình dung ra 1 sự dàn xếp những quyền lợi tương hỗ rộng rãi với nội dung xem xét nghiêm túc đến những vấn đề của Nga" .
Tuy nhiên, khả năng này có thể bị ngáng trở vào lúc Liên Xô hợp tác với Anh để chống Đức. Thời điểm để có sự cảm thông giữa Đức và Liên Xô chính là bây giờ... "Liệu Anh có thể mang đến cho Nga những gì? Cùng lắm là việc tham gia vào một cuộc chiến châu Âu và sự thù địch với Đức. Chúng tôi có thể mang đến cho Nga những gì? Tính trung lập và đứng ngoài cuộc xung đột châu Âu nếu cần, một sự cảm thông Nga-Đức dựa trên những quyền lợi chung... Tôi thấy không có vấn đề tranh cãi [giữa Đức và Nga] tại bất kỳ nơi nào từ biển Baltic cho đến biển Đen và đến Viễn Đông. Hơn nữa, dù cho đã có những quyết định khác nhau, nhưng vẫn có một điểm chung trong ý thức hệ của Đức, Ý và Liên Xô đó là: chống lại các nền dân chủ tư bản ở phương Tây." Thế là, vào giờ giấc khuya khoắt đêm 26 tháng 7, trong một nhà hàng Đức với thức ăn và rượu vang ngon mà những nhà ngoại giao cấp trung đang chè chén với nhau, lần đầu tiên Đức đã tỏ ý định nghiêm túc muốn đạt thoả thuận với Liên Xô. Đường hướng mới là do chính Ribbentrop truyền đạt qua Tiến sĩ Schnurre. Astakhov vui mừng với những gì được nghe và hứa với Tiến sĩ Schnurre rằng sẽ báo cáo ngay về Moscow .
3 ngày sau, 29 tháng 7, Weizsaecker gửi một hồ sơ mật được chuyển phát nhanh cho Schulenburg ở Moscow: "Điều quan trọng là ta muốn biết phía Liên Xô nghĩ gì về ý kiến phía Đức đã nói với Astakhov và Babarin... Cho dù vấn đề Ba Lan phát triển như thế nào, ta sẵn sàng bảo vệ những lợi ích của Liên Xô và đạt đến sự thông hiểu với Chính phủ ở Moscow. Về vấn đề Baltic cũng thế, nếu đàm phán đi theo chiều hướng tích cực, ta sẽ điều chỉnh quan điểm đối với các nước miền Baltic nhằm tôn trọng những lợi ích của Liên Xô ở biển Baltic" .
2 ngày sau, Bộ Ngoại giao gửi cho Schulenburg một bức điện "khẩn và mật": "Yêu cầu báo cáo bằng điện tín ngày và giờ ông được gặp Molotov ngay sau khi có lịch .
Chúng tôi nóng lòng cho buổi hội đàm sớm" .
Có lý do khiến cho Đức cảm thấy cần phải khẩn trương. Ngày 23 tháng 7 năm 1939, Anh và Pháp cuối cùng đồng ý với đề nghị của Liên Xô là các phái bộ quân sự cần thảo luận ngay để soạn thảo bản quy ước quân sự chỉ định cụ thể 3 nước sẽ đối phó như thế nào với quân lực của Hitler. Phía Đức bắt được tin này. Ngày 28 tháng 7, Đại sứ von Welczeck tại Pháp báo cáo với Berlin rằng từ một "nguồn tin rất thông thạo", ông được biết Pháp và Anh đang gửi phái bộ quân sự đến Moscow. Hơn nữa, phái bộ Pháp đang được cầm đầu bởi Tướng Doumenc, "một sĩ quan đặc biệt có năng lực", lúc trước làm Phó Tham mưu trưởng dưới quyền Tướng Maxime Weygand. Phái bộ Anh gồm Đô đốc Reginald Plunkett-Ernle-Erle-Drax, cựu Tư lệnh Plymouth từ năm 1935 đến năm 1938, Trung tướng Không quân Charles Burnett và Thiếu tướng Heywood .
Hai ngày tiếp theo, von Welczeck báo cáo thêm rằng Pháp và Anh đã đồng ý các cuộc thảo luận phái bộ quân sự như là cách thức cuối cùng nhằm ngăn chặn các cuộc đàm phán Moscow .
Tuy nhiên, trong khi Liên Xô đề nghị một hiệp định quân sự quy định chi tiết "phương pháp, hình thức và tầm mức" mà 3 nước sẽ hỗ trợ quân sự cho nhau, thì Anh và Pháp lại không đánh giá cao tiềm năng quân sự của Liên Xô. Bộ Tổng Tham mưu của Anh, giống như Quân đội Đức sau này, đánh giá quá thấp sức mạnh của Hồng quân, có lẽ do những báo cáo từ tuỳ viên quân sự của họ mà 1 phần dựa trên cuộc thanh trừng sĩ quan cấp cao ở Nga. Nhưng Đại tá tuỳ viên quân sự Firebrace đã vạch rõ với London rằng: "Hồng quân nghĩ không thể tránh khỏi chiến tranh và chắc chắn đang chuẩn bị tích cực cho khả năng này". Vì thế Anh-Pháp đã đề nghị đàm phán về quân sự sau khi ký hiệp định chính trị. Nhưng Liên Xô cương quyết là phải tiến hành trọn gói các hiệp định chính trị và quân sự .
Sau những trao đổi bất đồng qua lại giữa hai bên, đến ngày 23 tháng 8, chủ yếu do áp lực của Pháp, Chính phủ Anh đành phải đồng ý đàm phán một quy ước quân sự .
Chamberlain luôn hờ hững với việc đàm phán quân sự. Giới ngoại giao còn lạnh nhạt hơn, vì cho rằng không nên bàn đến những bí mật quân sự trong khi chưa chắc Liên Xô có phải là nước Đồng minh của Anh hay không. Phía Nga thì trái lại: muốn biết phương Tây sẽ hỗ trợ như thế nào về quân sự trước khi bàn đến chính trị, như Molotov phát biểu: "Điểm quan trọng là xem mỗi bên đóng góp được bao nhiêu sư đoàn cho sự nghiệp chung và các sư đoàn này sẽ đóng ở đâu" .
Đại sứ Dirksen của Đức ở Anh báo cáo về Berlin rằng giới chính quyền Anh đang nhìn nhận sự đàm phán quân sự với Liên Xô bằng con mắt hoài nghi .
"Điều này thể hiện rõ qua thành phần của Phái bộ Quân sự Anh. Vị Đô đốc... nằm trong danh sách về hưu và chưa từng ở trong Bộ Tham mưu Hải quân. Vị Thiếu tướng lục quân là một sĩ quan thuần túy tác chiến. Vị Đại tướng không quân là một phi công và huấn luyện viên xuất sắc, nhưng không phải là nhà chiến lược. Điều này dường như chỉ ra rằng nhiệm vụ của Phái bộ Quân sự [Anh] là nhằm đánh giá năng lực tác chiến của quân lực Nga hơn là để ký kết hiệp ước về hành quân... Các tuỳ viên quân sự Đức đều ngạc nhiên khi thấy giới quân sự Anh tỏ vẻ ngờ vực về những vòng đàm phán sắp tới với quân lực Nga" .
Chính phủ Anh tỏ ra hoài nghi đến nỗi không cho Trưởng Phái bộ Anh, Đô đốc Drax, có toàn quyền trong vòng đàm phán, khiến cho phía Nga phải than phiền. Drax chỉ nhận lệnh là phải "tiến hành thật chậm với những buổi thảo luận quân sự, dò xét tiến triển của những đàm phán chính trị" cho đến lúc thoả thuận được một hiệp ước chính trị. Và ông không được tiết lộ bí mật quân sự cho phía Nga trước khi đạt đến hiệp định chính trị. Bắt đầu từ tháng Tám, Chamberlain và Halifax đã mất hy vọng sẽ đạt thoả thuận với Nga nhằm ngăn chặn Hitler, nên họ nghĩ kéo dài đàm phán ở Moscow có thể làm nhụt chí Hitler mà không đi đến chiến tranh. Trước đó, ngày 24 tháng 7, 1 ngày sau khi Anh chấp thuận đàm phán, Seeds, Đại sứ Anh ở Moscow điện cho London: "Tôi không lạc quan về sự thành công trong đàm phán quân sự và không nghĩ rằng sẽ có thể kết thúc nhanh, nhưng bắt đầu đàm phán bây giờ sẽ khiến cho Phe Trục bị sốc, còn bạn bè ta có thể vượt qua nguy hiểm trong vài tháng sắp tới" .
Trái lại với phía Anh-Pháp, người Nga cử những nhân vật ở cấp cao nhất vào phái bộ quân sự của họ: Nguyên soái Dân uỷ Quốc phòng Voroshilov, Tướng Tham mưu trưởng Hồng quân Shaposhnikov, thêm Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh Không quân. Phía Liên Xô còn để ý là Anh đã cử Tham mưu trưởng Quân đội đi Ba Lan vào tháng Bảy để thảo luận với Bộ Tổng Tham mưu Ba Lan, nhưng bây giờ lại không cử nhân vật cao cấp này đi Liên Xô .
Các phái bộ quân sự Anh-Pháp không chịu gấp rút đi đến Moscow. Đáng lẽ họ có thể đi bằng máy bay trong 1 ngày. Nhưng họ lại đi trên một chiếc tàu chậm chạp chở hành khách và hàng hoá mà thời gian đưa họ đến Nga bằng thời gian chiếc tàu khách Queen Mary có thể đưa họ đến Mỹ. Họ lên tàu đi Leningrad ngày 5 tháng 8 và ngày 11 tháng 8 mới đến Moscow .
Lúc này thì đã quá muộn: phái bộ Đức đã đến trước .
Trong khi các sĩ quan Quân đội Anh và Pháp đang chờ chiếc tàu chậm chạp để lên đường thì người Đức đang hành động cấp tốc, liên tục tiếp xúc và trao đổi với Liên Xô .
3 tháng 8 năm 1939 là ngày quan trọng ở Berlin và Moscow. Lúc 12 giờ 58 phút chiều, Ribbentrop gửi một bức điện "Mật – Tối Khẩn" cho Schulenburg ở Moscow .
"... Tôi khẳng định với phía Nga là Đức muốn thay đổi mối quan hệ Đức-Nga và thấy có thể giải quyết mọi vấn đề từ biển Baltic đến biển Đen để 2 bên cùng mãn nguyện..." 1 giờ sau, Weizsaecker cũng gửi một bức điện "Mật – Tối Khẩn": "Xét qua tình chính trị và lợi ích của việc tiến hành nhanh chóng, chúng tôi rất mong... quan hệ Đức-Nga được hoà hoãn... chúng tôi sẵn sàng để tiếp tục cho cuộc đàm phán cụ thể" .
Cho dù Ribbentrop bất ngờ lại mong muốn đàm phán "cụ thể" cho mọi vấn đề "từ biển Baltic đến biển Đen" làm cho phía Nga ngạc nhiên, nhưng có lúc ông nhấn mạnh với Đại sứ Đức ở Nga rằng ông đã nói với Đại biện lâm thời Nga là "chúng tôi không gấp rút" .
Đó là cú tháu cáy, như Đại biện lâm thời Nga cho biết. Tiến sĩ Schnurre viết trong một bản ghi nhớ mật: "Tôi nói với Astakhov rằng cho dù Ngoại trưởng không biểu lộ sự khẩn trương đối với Chính phủ Nga, thì chúng tôi vẫn nghĩ cần phải sử dụng vài ngày sắp tới để nối lại đàm phán nhằm thiết lập cơ sở càng nhanh càng tốt" .
Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Molotov tỏ ra tiêu cực, ông nói "cho đến giờ không thấy Đức tỏ thái độ gì cụ thể". Tối hôm ấy, Dân uỷ Ngoại giao Nga chuyển ý nghĩ này cho Đại sứ Schulenburg ở Moscow, rồi sau nửa đêm vị Đại sứ báo cáo về cuộc hội đàm với Molotov kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. Molotov kể lể một số hành động thù nghịch của Đức đối với Liên Xô: Hiệp ước chống Đệ tam Quốc tế, việc ủng hộ Nhật chống Liên Xô và việc loại Liên Xô ra khỏi Hội nghị Munich. Molotov hỏi: "Làm thế nào những lời tuyên bố mới của Đức phù hợp với 3 điểm này? Vẫn còn thiếu chứng cứ về sự thay đổi thái độ của Chính phủ Đức" .
Trong khi 2 bên chưa đạt được thoả thuận, Schulenburg lại có vẻ như nản lòng. Dù là nhà ngoại giao lão luyện về những sự vụ Nga, nhưng ông vẫn đánh giá quá cao tiến triển của các cuộc đàm phán giữa Nga và Anh-Pháp khi cho rằng "ta sẽ cần có nỗ lực đáng kể để thay đổi đường lối của Nga" .
Riêng chính quyền Đức tỏ ra tự tin là có thể thay đổi đường lối ngoại giao của Liên Xô. Một khi Liên Xô bị vô hiệu hoá, Anh hoặc Pháp sẽ không muốn tham chiến vì Ba Lan hoặc, nếu họ muốn, họ sẽ bị cầm chân dễ dàng bởi hệ thống lô cốt phía Tây trong khi Quân đội Đức sẽ tiêu diệt Ba Lan nhanh chóng rồi quay sang phía Tây .
Đại biện lâm thời Pháp tại Berlin, con người sắc sảo Jacque Tarbé de St. Hardouin, nhận ra sự thay đổi ở thủ đô Đức. Vào ngày 3 tháng 8, khi các hoạt động ngoại giao Đức-Nga đang diễn ra dồn dập ở Berlin và Moscow, ông báo cáo về Paris: "Trong tuần qua, tình hình ở Berlin nhất định có sự thay đổi... Một thời kỳ mới đã tiếp nối giai đoạn bối rối, lưỡng lự, trì hoãn của giới lãnh đạo Quốc xã" .
CÁC ĐỒNG MINH CỦA ĐỨC DO DỰ Các Đồng minh của Đức-Ý và Hungary – thì lại khác. Trong mùa hè này, càng ngày họ càng lo sợ đất nước mình sẽ bị lôi kéo vào phe Đức trong cuộc chiến hơn .
Ngày 24 tháng 7 năm 1939, Thủ tướng Hungary thông báo với Đức và Ý rằng "vì lý do đạo đức, Hungary không thể có động thái quân sự chống lại Ba Lan" .
Hitler lại lên cơn thịnh nộ. Khi gặp Ngoại trưởng Hungary, Bá tước Csáky vào ngày 8 tháng 8, ông tuôn ra một tràng dài kể công của Đức và chỉ trích phía Hungary một cách mạnh bạo đến nỗi cuối cùng vị Ngoại trưởng yêu cầu ông hãy xem như là không có bức thư của Thủ tướng Hungary .
Suốt nhiều tuần lễ, Mussolini tỏ ra lo lắng và bồn chồn về hiểm hoạ khi Hitler lôi kéo Ý vào cuộc chiến. Đại sứ Ý ở Đức, Attolico đã gửi về những báo cáo cho biết Hitler có chủ định tấn công Ba Lan. Cụ thể là báo cáo về cuộc hội kiến giữa ông và Ribbentrop ngày 6 tháng 7. Nếu Ba Lan dám tấn công Danzig, Ngoại trưởng Đức nói Đức sẽ giải quyết vấn đề Danzig trong 48 tiếng đồng hồ – ở Warsaw! Nếu Pháp can dự vào Danzig và do đó, khơi mào cuộc chiến toàn diện thì cứ mặc Pháp, Đức không mong gì hơn. Pháp sẽ bị "tiêu diệt". Sẽ có một hiệp ước Nga-Đức và Nga sẽ không động binh. Mỹ cũng sẽ không nhúc nhích vì lo sợ Nhật .
"Ribbentrop vẽ ra viễn cảnh về cuộc chiến của Đức... Ông ấy chỉ thấy chiến thắng cho Đức trên mọi lĩnh vực ở mọi miền... theo cách tôi hiểu, có thoả thuận giữa Duce và Lãnh tụ là Ý và Đức đang chuẩn bị cho một cuộc chiến, nhưng không phải cuộc chiến trong tương lai gần" .
Mussolini muốn gặp Hitler và họ lên lịch vào tháng Bảy, sau đó chuyển thành ngày 4 tháng 8. Thông qua Attolico, ông đề ra "vài nguyên tắc cơ bản" để thảo luận. Nếu chiến tranh xảy ra, Mussolini cho biết mình sẽ đứng về phía Hitler, nhưng ông muốn nhắc Hitler rằng một cuộc chiến với Ba Lan không thể là hạn hẹp, nó sẽ dẫn đến xung đột cả châu Âu. Mussolini nghĩ bây giờ không phải là lúc cho Phe Trục khởi động chiến tranh. Thay vào đó, ông đề nghị "một chính sách hoà hoãn trong vài năm" với Đức, dàn xếp những bất đồng với Ba Lan và Ý sẽ dàn xếp với Pháp qua đàm phán ngoại giao. Ông còn đi xa hơn: đề nghị một hội nghị quốc tế gồm các cường quốc .
Phản ứng của Hitler là tiêu cực. Mussolini quyết định nên hoãn hội đàm với Hitler. Thay vào đó, ông đề nghị ngoại trưởng 2 bên sẽ gặp nhau. Ciano ghi vào nhật ký: 10 tháng 8: Duce ngày càng tin rằng cần thiết phải trì hoãn xung đột... Tôi sẽ thẳng thắn thông báo cho phía Đức rằng chúng ta phải tránh xung đột với Ba Lan bởi vì không thể khoanh vùng. Hơn nữa, 1 cuộc chiến toàn diện sẽ là thảm hoạ cho tất cả mọi người .
Vị Ngoại trưởng Ý trẻ tuổi đi Đức và trong 3 ngày kế tiếp – từ ngày 11 đến 13 tháng 8 – ông nhận được một cú sốc để đời từ Ribbentrop và đặc biệt là từ Hitler .
CIANO TẠI ĐỨC: NGÀY 11, 12, 13 THÁNG 8 NĂM 1939 Ngày 11 tháng 8, Ciano hội ý với Ribbentrop trong khoảng 10 tiếng đồng hồ tại cơ ngơi của ông này ở Fuschl, bên ngoài Salzburg. Vị Ngoại trưởng Quốc xã chiếm đoạt cơ ngơi này từ một người trong hoàng tộc Áo sau khi đã đưa chủ nhân vào trại tập trung. Ciano cảm thấy không khí lạnh lẽo và u ám. Trong bữa ăn tối, cả 2 không trao đổi với nhau một lời nào. Thật ra thì không cần thiết. Ribbentrop đã thông báo cho vị khách biết quyết định tấn công Ba Lan là không thể lay chuyển .
Ciano kể lại là ông hỏi "Này, Ribbentrop, ông muốn gì? Hành lang hay là Danzig?" Ribbentrop trả lời với cặp mắt lạnh lùng, sắc lẻm: "Không còn như thế nữa. Chúng tôi muốn chiến tranh!" Ciano biện luận rằng cuộc xung đột với Ba Lan không thể trong phạm vi hạn hẹp, rằng nếu tấn công Ba Lan thì các nước dân chủ phương Tây sẽ tham chiến. Lập luận của ông bị bác bỏ. 2 ngày trước lễ Giáng sinh 4 năm sau, trong nhà tù Verona đang chờ đợi bị hành quyết, Ciano ghi lại những dòng cuối cùng trong nhật ký rằng ông vẫn còn nhớ vào ngày 11 tháng 8 năm 1939 lạnh lẽo, Ribbentrop đã đánh cược với ông một bộ sưu tập áo giáp Đức cũ đổi lấy một bức hoạ Ý để khẳng định rằng Pháp và Anh sẽ giữ trung lập – và Ribbentrop đã thua cuộc nhưng không bao giờ chung độ .
Rồi Ciano đi đến Obersalzberg để yết kiến Hitler trong 2 ngày là 12 và 13 tháng 8. Hitler vẫn lặp lại rằng Pháp và Anh sẽ không tham chiến. Trái hẳn với Ribbentrop, Lãnh tụ tỏ ra thân thiện nhưng vẫn khăng khăng muốn gây chiến tranh. Điều này được thể hiện trong báo cáo của Ciano và cả biên bản buổi họp của Đức được tìm thấy lại trong số tài liệu bị tịch thu. Vị Ngoại trưởng Ý thấy Hitler đứng trước một cái bàn rộng phủ đầy những bản đồ quân sự .
Hitler bắt đầu bằng cách giải thích sức mạnh của Bức tường Tây của Đức. Ông nói nó không thể bị xuyên thủng. Hơn nữa, Anh chỉ có thể đưa 3 sư đoàn vào Pháp. Còn Pháp có nhiều quân hơn, nhưng vì lẽ Ba Lan sẽ bị đánh bại "và một thời gian rất ngắn", nên Đức có thể tập trung 100 sư đoàn ở phía Tây "trong trận chiến sinh tử sẽ bắt đầu lúc ấy" .
Nhưng có đúng thế không? Một lúc sau, bực bội vì phản ứng ban đầu của Ciano, Lãnh tụ mâu thuẫn với chính mình. Vị Ngoại trưởng Ý lên tiếng với Hitler như ông đã dặn lòng. Theo biên bản của Đức, Ciano cho biết "Ý lấy làm kinh ngạc vì tình hình trở nên trầm trọng hoàn toàn vượt ngoài dự kiến". Ông than phiền là Đức đã không thông báo cho Đồng minh biết rõ. Nhưng Hitler lại nói: "Trái lại, Bộ trưởng Ngoại giao Đế chế đã tuyên bố [vào tháng 5 ở Milan và Berlin] rằng sẽ giải quyết nhanh chóng vấn đề Danzig" .
Khi Ciano nói rằng một cuộc chiến với Ba Lan sẽ lan rộng thành chiến tranh châu Âu, Hitler ngắt lời: "Cá nhân tôi tuyệt đối tin tưởng rằng các nước dân chủ phương Tây sẽ chùn bước mà không dám khởi động chiến tranh toàn diện" .
Biên bản của Đức ghi Ciano trả lời rằng "ông hy vọng Lãnh tụ sẽ đúng, nhưng ông không tin". Rồi Ciano trình bày chi tiết cặn kẽ về những điểm yếu của Ý. Hẳn Hitler cuối cùng cũng đã phải tin rằng trong cuộc chiến sắp tới, Ý sẽ không giúp được gì nhiều cho Đức. Đến một lúc, rõ ràng là Ribbentrop tỏ ra bực tức nên ông bảo: "Chúng tôi không cần các anh! Tương lai sẽ cho thấy điều đó". (Từ nhật ký của Halder không được xuất bản, ghi ngày 14 tháng 8 năm 1939. Halder nói ông lấy thông tin từ Weizsaecker.) Ciano nói một trong những lý do Mussolini muốn hoãn chiến tranh là vì ông ấy "đặt tầm quan trọng đặc biệt vào việc tổ chức Triển lãm Thế giới 1942". Ciano lại còn ngây thơ trình ra bản thảo của thông cáo chung – mà ông yêu cầu công bố – cho biết cuộc hội đàm của 2 bộ trưởng Phe Trục đã "tái xác nhận ý định hoà bình của 2 Chính phủ" và sự tin tưởng rằng có thể đạt hoà bình "qua đàm phán ngoại giao thông thường". Ciano giải thích rằng Mussolini đã dự kiến một hội nghị hoà bình giữa các quốc gia châu Âu chính yếu, nhưng sợ "Lãnh tụ nghi ngờ" nên ông ấy chấp nhận đàm phán ngoại giao thông thường .
Trong ngày đầu, Hitler không từ chối tất cả ý tưởng về hội nghị, nhưng nhắc nhở Ciano rằng "không còn có thể loại Nga ra khỏi những buổi hội họp trong tương lai giữa các cường quốc" .
Khi Ciano cố ép Hitler nói ra ngày tấn công Ba Lan, Hitler trả lời rằng vì lý do mưa trong mùa thu khiến các sư đoàn thiết giáp và cơ giới trở nên vô dụng, thời gian sẽ là "cuối tháng Tám" .
Cuối cùng, Ciano đã biết được ngày, hoặc ngày chậm nhất, bởi vì sau đó Hitler nói nếu Ba Lan có hành động gây hấn mới, ông nhất quyết sẽ "tấn công Ba Lan trong vòng 48 giờ". Ông còn bổ sung, vì thế "động thái chống Ba Lan có thể diễn ra bất kỳ lúc nào". Buổi hội kiến chấm dứt sau khi Hitler hứa sẽ xem xét những đề nghị của Ý .
Ngày hôm sau, Hitler bảo Ciano rằng không nên phát hành thông cáo nào về cuộc hội đàm thì tốt hơn. Ông nói, vì lý do thời tiết xấu trong mùa thu .
"Thứ nhất, điều quan trọng cốt lõi là Ba Lan phải cho biết rõ ràng ý định trong thời gian ngắn nhất có thể và thứ hai, Đức sẽ không chấp nhận thêm bất kỳ hành động gây hấn nào" .
Khi Ciano hỏi: "Thời gian ngắn nhất có thể là gì", Hitler đáp: "Chậm nhất là cuối tháng Tám". Ông giải thích, tuy chỉ cần thời gian ngắn là đủ để đánh bại Ba Lan, nhưng ông sẽ cần thêm 2 đến 4 tuần để "trừ khử rốt ráo". Sau này, ta thấy đó là tiên đoán về thời điểm khá chính xác .
Cuối cùng, Hitler thốt ra lời tâng bốc Mussolini theo thói quen, mà Ciano hẳn biết là không nên tin. Hitler cho biết mình cảm thấy may mắn khi "sống trong một thời đại mà, không tính đến chính ông, có một chính khách khác nổi trội trong lịch sử như là một nhân vật vĩ đại và độc đáo. Bản thân ông cảm thấy vui mừng được làm bạn với người ấy. Khi thời khắc đã điểm cho cuộc đấu tranh chung, ông sẽ luôn ở kế bên Duce cho dù có ra sao" .
Dù Hitler có tỏ lời nịnh bợ Mussolini và bố vợ của Ciano có thể có xu hướng tin theo, nhưng người con rể thì không. Ciano viết trong nhật ký của ông ngày 13 tháng 8 năm 1939: "Tôi trở về Rome mà vô cùng kinh tởm người Đức, Lãnh tụ của họ và cách họ hành động. Họ đã phản bội và dối trá với chúng tôi. Bây giờ, họ lại đang lôi kéo chúng tôi vào một cuộc phiêu lưu mà chúng tôi không mong muốn, cuộc phiêu lưu có thể huỷ hoại chế độ và đất nước nói chung" .
Dù biên bản của Đức ghi rõ là Ciano đồng ý với Hitler "không phát hành thông cáo nào về cuộc hội đàm", nhưng hai giờ sau khi Ciano ra về và không hề bàn bạc với phía Ý, hãng thông tấn Đức DNB ra một thông cáo cho biết các buổi hội đàm đã đạt "một trăm phần trăm" thoả thuận, thế nên 2 bên không cần phải gặp lại nhau nữa .
Attolico nổi giận, phản đối phía Đức và cáo buộc họ thất tín. Ông mật báo cho Henderson biết là chiến tranh sắp xảy ra. Trong báo cáo gửi về Ý, ông vạch ra rằng Đức cố ý làm thế để trói buộc Ý về phe Đức khi chiến tranh xảy ra và xin Mussolini nên cương quyết yêu cầu Hitler tuân thủ điều khoản về "tham khảo" trong Hiệp ước Thép qua kênh ngoại giao .
Nhưng vào lúc này, Hitler không quan tâm đến Ý. Ông đang bận tâm đến Liên Xô. Vào cuối buổi hội kiến với Ciano ngày 12 tháng 8, một "bức điện đến từ Nga", như biên bản của Đức ghi, được trao cho Lãnh tụ. Cuộc đối thoại ngừng lại trong khi Hitler và Ribbentrop xem qua bức điện. Rồi họ báo cho Ciano biết về nội dung .
Hitler nói: "Người Nga đãđồng ý cho Đức gửi một nhà thương thuyết chính trị đến Moscow" .
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top