Phần 12


13 TIỆP KHẮC BỊ XÓA SỔ 

TRONG vòng 10 ngày sau khi đặt bút ký vào Hiệp ước Munich, khi mà Quân đội Đức chưa chiếm đóng xong Sudetenland thì Adolf Hitler đã gửi một văn bản tối mật đến Tướng Keitel – Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực: Cần có tăng viện như thế nào trong tình hình hiện tại để đập tan tất cả chống đối của Tiệp Khắc ở Bohemia và Moravia? Cần thời gian bao lâu để tập kết lại hoặc điều động lực lượng mới? Cần thời gian bao lâu cho cùng mục đích nếu thực hiện sau những biện pháp giải giới và đưa quân quay lại? Cần thời gian bao lâu để có tình trạng sẵn sàng tác chiến như trong ngày 1 tháng 10? Ngày 11 tháng 10, Keitel gửi một bức điện ghi các câu trả lời chi tiết. Không cần nhiều thời gian và quân tăng viện. Trong vùng Sudetenland có sẵn 24 sư đoàn, kể cả 3 sư đoàn thiết giáp và 4 sư đoàn cơ giới. Tóm lại: "Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực tin rằng có thể bắt đầu hành quân mà không cần tăng viện, xét theo biểu hiện chống trả yếu ớt của Tiệp Khắc" .

Được trấn an như thế, 10 ngày sau Hitler chỉ thị cho các cấp chỉ huy quân sự .

TỐI MẬT Berlin, ngày 21 tháng 10 năm 1938 Tôi sẽ vạch ra những công tác trong tương lai cho Quân lực và việc chuẩn bị tiến hành chiến tranh từ những công tác này .

Cho đến khi chỉ thị này có hiệu lực, Quân lực phải chuẩn bị để lúc nào cũng sẵn sàng cho những tình huống sau: Củng cố các vùng biên giới của Đức .

Trừ khử phần còn lại của Tiệp Khắc .

Chiếm lấy huyện Memel .

Memel là một cảng bên bờ biển Baltic với khoảng 40.000 dân, bị Hoà ước Versailles cắt ra từ Đức để trao cho Lithuania. Vì Lithuania nhỏ và yếu hơn Áo và Tiệp Khắc, việc chiếm lại Memel không phải là vấn đề đối với Quân đội Đức, nên trong chỉ thị này Hitler chỉ ghi là sẽ "sáp nhập". Còn đối với Tiệp Khắc: "Phải đập tan bất cứ lúc nào phần còn lại của Tiệp Khắc nếu họ có chính sách thù địch với Đức .

Việc chuẩn bị của Quân lực... sẽ nhỏ hơn nhiều so với 'Phương án Màu Lục', tuy nhiên, phải đảm bảo ở trong tình trạng chuẩn bị sẵn sàng cao hơn vì đã dẹp bỏ các biện pháp huy động theo kế hoạch... Mục đích là chiếm đóng nhanh chóng Bohemia cùng Moravia, đồng thời cắt đứt Slovakia" .

Nhưng dĩ nhiên là vẫn có thể cắt đứt Slovakia bằng biện pháp chính trị, vì thế nên không cần đến Quân đội. Bộ Ngoại giao sẽ đảm nhận nhiệm vụ này, Ribbentrop đã thúc giục Hungary vào chia phần ở Slovakia. Nhưng Đức lại có kế hoạch khác. Tiệp Khắc đã cho Slovakia quyền tự trị rộng rãi. Về lâu dài, phía Đức thấy Slovakia khi độc lập sẽ trở nên yếu kém về mặt thể chế, Hiến pháp và dễ hơn cho Đức xâm nhập vào phía Đông .

Đây là một điểm ngoặt mới cho Đế chế Thứ Ba. Lần đầu tiên, Hitler lo thôn tính một lãnh thổ không phải là của Đức. Trong 6 tuần qua, ông trấn an Chamberlain rằng Sudetenland là đòi hỏi lãnh thổ cuối cùng của mình ở châu Âu. Có cơ sở để Chamberlain tin tưởng vào Hitler. Chẳng phải Hitler đã nói nhiều lần rằng ông không muốn có người Tiệp trong Đế chế Thứ Ba đó sao? Chẳng phải trong quyển Mein Kampf vô số bài diễn văn, Hitler nói rằng, để được hùng mạnh, nước Đức không nên chấp nhận chủng tộc ngoại lai, nhất là người Slav đó sao? Nhưng có lẽ người Anh cũng quên rằng Mein Kampf ghi là tương lai của nước Đức nằm trong việc thôn tính không gian sinh sống phía Đông. Mà trong hơn một thiên niên kỷ, vùng đất này là nơi các chủng tộc Slav sinh sống .

TUẦN LỄ THUỶ TINH VỠ Vào mùa thu 1938, có thêm một điểm ngoặt cho Quốc xã diễn ra trong thời gian mà đảng viên sau này gọi là "Tuần lễ Thuỷ tinh vỡ" .

Ngày 7 tháng 11, một thanh niên người Đức gốc Do Thái 17 tuổi tên Herschel Grynszpan đã bắn chết Bí thư Thứ Ba của Đại sứ quán Đức ở Paris tên Ernst von Rath. Cha của chàng trai trẻ này nằm trong số cả chục nghìn người Do Thái bị trục xuất sang Ba Lan. Để trả thù cho việc này và cho việc ngược đãi người Do Thái nói chung ở Đức, người thanh niên đó đã tìm đến Đại sứ quán Đức với ý định hạ sát Đại sứ, Bá tước Johannes von Welczeck. Nhưng người Bí thư Thứ Ba được phái ra xem anh muốn gì, rồi bị anh bắn chết. Có một điều oái oăm trong cái chết của Rath đó là chính ông ta cũng đang bị Mật vụ theo dõi vì có thái độ chống Quốc xã .

Đêm 9 rạng sáng 10 tháng 11, sau khi các lãnh đạo Đảng vừa kết thúc lễ kỷ niệm hàng năm vụ bạo loạn Nhà hàng Bia do Hitler và Goering chủ trì, thì một đợt giết chóc tệ hại nhất cho đến lúc này đã xảy ra. Theo Tiến sĩ Goebbels và báo chí Đức, thì đó chỉ là do việc dân Đức có phản ứng "tự phát" với tin giết người ở Paris. Nhưng sau Thế chiến II, các tài liệu tịch thu được đã trình bày Đức sắp đặt việc "tự phát" này như thế nào .

Vào buổi tối 9 tháng 11 năm 1938, Tiến sĩ Goebbels ra chỉ thị "tổ chức và thực hiện" cuộc "biểu dương tự phát" trong đêm này. Nhưng nhà tổ chức thật sự là Reinhard Heydrich, nhân vật số Hai dưới Himmler trong lực lượng S.S., đã chỉ huy S.D. và Mật vụ. Mệnh lệnh của Heydrich được tìm thấy trong số tài liệu tịch thu sau chiến tranh .

... không gây nguy hiểm cho sinh mạng và tài sản của người Đức... Có thể phá huỷ nhưng không cướp bóc các toà nhà kinh doanh và dân cư của người Do Thái... d .

2. ... Cảnh sát không được ngăn cản... 5. Bắt giữ càng nhiều người Do Thái càng tốt, đặc biệt là người giàu... Đó là một đêm kinh hoàng trên toàn nước Đức. Giáo đường, nhà ở và cửa hàng của người Do Thái bị đốt cháy, một số đàn ông, phụ nữ và trẻ em Do Thái bị sát hại trong khi cố thoát ra khỏi ngọn lửa. Heydrich nộp một báo cáo mật sơ khởi cho Goering ngày hôm sau .

"815 cửa hàng bị phá huỷ, 171 nhà ở bị cháy hoặc phá huỷ... 119 giáo đường bị đốt, 76 giáo đường khác bị phá huỷ... 20.000 người Do Thái bị bắt giữ. 36 người chết, 36 bị thương nặng. Những người chết và bị thương đều là người Do Thái" .

Số người Do Thái bị sát hại đêm ấy được cho là còn cao hơn nhiều lần so với con số đã nêu. Chính Heydrich, một ngày sau khi tự mình nộp báo cáo, đã cho biết con số cửa hàng Do Thái bị phá phách là 7.500. Thậm chí còn có vài vụ hãm hiếp, việc này bị xem là tệ hại hơn cả giết người, vì vi phạm luật chủng tộc quy định cấm quan hệ tình dục giữa người Đức và người Do Thái .

Người Do Thái còn phải tự chi trả cho sự phá huỷ tài sản đó. Nhà nước tịch thu tiền bảo hiểm đáng lẽ họ được nhận. Thêm nữa, họ phải chung nhau trả khoản tiền phạt một tỉ mác Đức vì "tội ác ghê tởm" của mình, theo lời Goering. Phiên họp của một số thành viên Nội các và các quan chức cấp cao do Goering chủ trì ngày 12 tháng 11 đã xác định khoản tiền phạt và một phần biên bản đánh máy vẫn còn tồn tại sau chiến tranh .

Một số công ty bảo hiểm Đức có nguy cơ phá sản nếu họ phải tuân thủ theo hợp đồng bảo hiểm cho các toà nhà bị cháy (tuy có cửa hàng người Do Thái nhưng cả toà nhà là do người Đức làm chủ). Riêng thiệt hại do kính vỡ đã lên đến 5 triệu mác (1,25 triệu USD) và còn phải nhập kính thay thế trong khi Đức lại đang thiếu ngoại tệ .

Goering, vốn cũng là người đứng đầu ngành kinh tế thốt lên: "Đủ rồi!" Và quay sang Heydrich, ông la lên: "Tôi ước gì ông giết 200 người Do Thái thay vì phá huỷ nhiều tài sản giá trị đến thế!" Trong Toà án Nuremberg, khi Chánh án hỏi Goering có phải ông đã thật sự nói như thế hay không, ông đáp: "Có, câu nói trong lúc bực tức và phấn khích... Không có ý nghiêm túc." Còn Heydrich thì tự bào chữa rằng: "35 người đã bị giết" .

Ai sẽ trả 25 triệu mác cho thiệt hại gây ra trong vụ phá phách do Nhà nước phát động và tổ chức là vấn đề nghiêm túc đối với Goering, người bây giờ có trách nhiệm cho nền kinh tế của Quốc xã. Hilgard, người đại diện cho các công ty bảo hiểm, vạch ra rằng nếu không chi trả đúng theo hợp đồng, ngành bảo hiểm của Đức sẽ mất uy tín cả trong lẫn ngoài nước. Mặt khác, nếu các công ty bảo hiểm nhỏ chịu trả thì họ sẽ phá sản .

Goering giải quyết vấn đề này một cách chóng vánh. Các công ty bảo hiểm sẽ chi toàn bộ cho người Do Thái, nhưng Nhà nước sẽ tịch thu các khoản tiền này và hoàn trả một phần cho các nhà bảo hiểm .

Một đại diện của Bộ Ngoại giao dám tham mưu rằng cần để ý đến dư luận quần chúng Mỹ khi có biện pháp khác đối với người Do Thái. Goering quát lên: "Đất nước của bọn côn đồ!... Đất của gangster!" Sau cuộc thảo luận kéo dài, người Đức đồng ý giải quyết vấn đề Do Thái theo cách sau: loại trừ người Do Thái ra khỏi nền kinh tế của Đức, chuyển mọi cơ sở kinh doanh và tài sản – kể cả nữ trang và tác phẩm nghệ thuật – vào tay người Aryan với ít đền bù qua trái phiếu để người Do Thái có thể sử dụng tiền lãi nhưng không thể rút tiền vốn. Một uỷ ban sẽ xem xét việc loại người Do Thái ra khỏi trường học, khu nghỉ dưỡng, công viên... Heydrich phát biểu trước khi buổi họp kết thúc: "Dù đã loại người Do Thái ra khỏi nền kinh tế, thì vấn đề chính yếu vẫn còn, đó là tống cổ người Do Thái ra khỏi nước Đức." Bá tước Schwerin von Krosigk, Bộ trưởng Tài chính, cựu học giả Rhodes, người từng tự hào là đại diện cho "nước Đức truyền thống và lịch sự" trong chính quyền Quốc xã, đồng ý rằng "ta sẽ làm mọi cách để tống người Do Thái ra nước ngoài" .

Sau gần 4 tiếng đồng hồ, Goering đúc kết: "Tôi kết thúc buổi họp với lời như thế này: để trừng phạt những tội ác ghê tởm, người Do Thái ở Đức sẽ phải đóng góp một tỉ mác. Như thế là đủ. Bọn chó má sẽ không dám gây ra một vụ ám sát nào nữa" .

Trong một thời gian ngắn, con người này, Nhà nước này và Lãnh tụ của họ sẽ còn gây khổ sở cho người Do Thái hơn thế nữa. Vào đêm bạo loạn 9 tháng 11 năm 1938, Đế chế Thứ Ba chủ động rẽ sang một con đường đen tối và dã man hơn và kể từ đó, sẽ không bao giờ quay đầu lại. Nhiều người Do Thái bị sát hại, tra tấn và cướp bóc, nhưng chủ yếu là do lực lượng S.A. thi hành vì bản chất tàn bạo và tham lam, trong khi Nhà nước thì làm ngơ. Lúc đó, đích thân Chính phủ đã đứng ra tổ chức và thực hiện một cuộc đốt phá trên diện rộng. Cũng chính các nghị định của Chính phủ đã phạt cộng đồng Do Thái 1 tỉ mác, loại họ ra khỏi nền kinh tế, cướp đi những gì còn lại, đẩy họ vào những khu biệt lập – và còn tệ hơn thế nữa .

Dư luận thế giới bị sốc và ghê tởm vì tính dã man của một quốc gia đã trải qua nhiều thế kỷ của Cơ Đốc giáo và văn hoá nhân bản. Đáp lại, Hitler tức giận vì phản ứng của thế giới, đồng thời tin rằng điều này chỉ là minh chứng cho sức mạnh và phạm vi trong "âm mưu toàn cầu của người Do Thái" .

Sau vụ việc này, ngày 14 tháng 11 năm 1938 Tổng thống Roosevelt triệu hồi Đại sứ Hugh Wilson tại Đức về nước "để tham vấn" và không bao giờ phái ông quay lại nhiệm sở. Đại sứ Đức tại Mỹ, Hans Dieckhoh, báo cáo về Berlin rằng "một trận bão tố đang nổi lên ở đây" do cơn đập phá tài sản người Do Thái, cũng được triệu hồi về Đức ngày 18 tháng 11 và cũng không bao giờ quay lại. Ngày 30 tháng 11, Tham tán Đức ở Washington đề nghị di chuyển các "hồ sơ chính trị mật" về Berlin. Ông nói: "Hồ sơ quá nhiều nên không thể phá huỷ nhanh chóng khi cần" .

Khi xét toàn thể sự kiện, ta dễ dàng nhận thấy những chuyện kinh hoàng gây ra cho người Do Thái trong đêm 9 tháng 11 năm 1938 và những biện pháp đối xử tàn bạo sau đó chính là dấu hiệu báo trước cho sự suy yếu tai hại, mà cuối cùng sẽ dẫn nhà độc tài, chế độ của ông và đất nước của ông đến chỗ suy tàn. Chúng ta đã thấy đầy rẫy những biểu hiện của chứng hoang tưởng tự đại trong Hitler. Nhưng từ trước đến giờ, Hitler luôn cố tự kiềm chế những thời điểm khẩn trương trên bước đường đi lên của mình và của đất nước. Ở những thời điểm như thế, thiên tài về hành động gan lì và tính toán cẩn thận cho hậu quả giúp cho ông đạt hết thắng lợi này đến thắng lợi khác .

Nhưng bây giờ, như ngày 9 tháng 11 và những hệ luỵ về sau sẽ cho thấy, Hitler đang mất dần khả năng tự kiềm chế. Chứng hoang tưởng tự đại của ông ta trở nên áp chế. Biên bản buổi họp ngày 12 tháng 11 do Goering chủ trì cho thấy chính Hitler có trách nhiệm với đêm tàn phá vào tháng Mười một ấy, chính ông ta đã thúc đẩy Goering loại trừ người Do Thái ra khỏi cuộc sống ở Đức. Từ lúc này trở đi, chủ nhân tuyệt đối của Đế chế Thứ Ba sẽ không còn biết tự kiềm chế – đức tính đã thường cứu nguy cho ông ta trước đây. Và dù cho thiên tài của ông sẽ dẫn đến những cuộc thôn tính đáng kinh ngạc khác, nhưng những hạt mầm độc hại cho việc tự phá huỷ chung cuộc của nhà độc tài và của đất nước Đức đã được gieo cấy .

Chứng bệnh của Hitler có tính lây nhiễm mạnh, cả quốc gia đều đang mắc phải, như thể đó là virus. Như tác giả có thể chứng thực từ kinh nghiệm cá nhân, giống như người Mỹ, người Anh và nhiều người nước ngoài khác, bản thân nhiều người Đức cảm thấy kinh tởm về vụ việc trong đêm 9 tháng Nhưng lãnh đạo các Giáo hội Cơ Đốc, các tướng lĩnh hay những đại diện của "người Đức tốt bụng" lại không hề công khai lên tiếng phản đối. Họ đều chịu khuất phục đối với cái mà Tướng von Fritsch gọi là "điều không tránh khỏi" hoặc "số phận của nước Đức" .

Không khí hoà hoãn khi ký kết Hiệp ước Munich chẳng bao lâu đã tiêu tan. Trong mùa thu này, qua các bài diễn văn nảy lửa, Hitler liên tục cảnh cáo thế giới và đặc biệt là người Anh rằng chỉ nên lo việc của họ và không nên dây dưa vào "vận mệnh của người Đức bên trong biên giới của Đế chế". Ông gào lên rằng vận mệnh ấy hoàn toàn là chuyện nội bộ của Đức. Chẳng bao lâu, ngay cả Chamberlain cũng bừng tỉnh về bản chất của Chính phủ Đức mà ông đã cố xoa dịu. Dần dà, khi mà năm 1938 đầy biến động đang là điềm báo cho năm 1939, ông đã nghe được những gì Hitler đang âm mưu trong hậu trường. Ngày 28 tháng 1 năm 1939, Lord Halifax bí mật cảnh báo Tổng thống Roosevelt rằng "tháng 11 năm 1938, có dấu hiệu ngày càng hiện rõ cho thấy Hitler đang dự trù một cuộc phiêu lưu mới ở nước ngoài vào mùa xuân 1939". Vị Ngoại trưởng Anh nói "Hitler, được Ribbentrop, Himmler và những người khác thúc giục, đang xem xét một cuộc tấn công các cường quốc phương Tây như là cú mở đầu cho những động thái kế tiếp ở phía Đông" .

Không lâu sau khi ký kết Hiệp ước Munich, Ribbentrop đi Rome. Đầu óc của ông lúc này đang "tập trung" vào chiến tranh. Ciano ghi vào nhật ký ngày 28 tháng 10: "Lãnh tụ tin rằng trong vài năm tới, có thể là 3 hoặc 4 năm, ta sẽ không thể tránh một cuộc chiến với những nền dân chủ phương Tây... Cuộc khủng hoảng Tiệp Khắc cho thấy sức mạnh của ta! Ta có điểm lợi là sáng kiến và làm chủ tình thế. Ta không thể bị tấn công. Tình hình quân sự là rất khả quan: từ tháng 9 [1938] ta có thể đối đầu với những nước dân chủ lớn" .

Phiên bản Đức ghi cuộc hội đàm giữa Ribbentrop và Ciano ở Rome ngày 28 tháng 10 xác nhận thái độ hiếu chiến của Ribbentrop, trích lời ông này nói rằng Đức và Ý phải chuẩn bị "xung đột vũ trang với các nước dân chủ phương Tây... ở đây và ngay lúc này." Ribbentrop cũng trấn an Ciano rằng [Hội nghị] Munich đã cho thấy sức mạnh của những người theo chủ trương cô lập ở Mỹ "vì thế chẳng có gì phải sợ Mỹ" .

Ribbentrop đến Ý để thuyết phục Mussolini ký kết một liên minh quân sự giữa Đức, Nhật và Ý, mà Mussolini đã nhận được bản thảo ở Munich nhưng lúc ấy còn chần chừ. Ciano nhận thấy Mussolini chưa sẵn sàng đóng cánh cửa đối với Anh và Pháp .

Mùa thu ấy, Hitler cố tách Pháp ra khỏi mối liên minh với Anh. Ngày 18 tháng 10 ở Kehlsteinhaus (Tổ chim đại bàng) trên một đỉnh núi bên trên thị trấn Berchtesgaden, khi tiếp Đại sứ Pháp François-Poncet đến từ biệt, Hitler công kích Anh một cách kịch liệt, ông nói rằng mình mong muốn có quan hệ thân thiện và gần gũi hơn với Pháp. Để minh chứng, ông sẵn sàng ký một hiệp ước hữu nghị, đảm bảo những đường biên giới hiện tại (vì thế từ bỏ yêu sách vùng Alsace-Lorraine) và đề nghị dàn xếp những mối bất đồng trong tương lai qua sự tham vấn .

Ngày 6 tháng 12 năm 1938, tại Paris, 2 ngoại trưởng Đức Ribbentrop và Pháp Bonnet ký kết hiệp ước. Vào lúc này, Pháp đã phần nào trấn tĩnh lại sau cơn hoảng loạn ở Munich. Tôi đang ở Paris vào ngày ký kết hiệp ước và nhận thấy không khí lãnh đạm nơi đây. Khi Ribbentrop đi qua, cả đường phố đều vắng lặng và nhiều Bộ trưởng trong Nội các, cũng như những nhân vật hàng đầu của giới chính trị và văn học Pháp đều từ chối đến dự các buổi chiêu đãi được tổ chức để đón tiếp vị khách Quốc xã .

Từ buổi họp này, giữa Bonnet và Ribbentrop đã dấy lên một sự hiểu lầm mà về sau giữ vai trò trung tâm trong các sự kiện. Ngoại trưởng Đức nghĩ Bonnet đã đảm bảo với mình rằng sau Hiệp định Munich, Pháp chẳng còn quan tâm đến Đông Âu nữa, nên ông diễn dịch là Pháp sẽ để cho Đức tự do tung hoành trong vùng này, đặc biệt đối với Tiệp Khắc và Ba Lan. Bonnet phủ nhận ý đó. Theo ghi chép của Schmidt, khi trả lời yêu cầu của Ribbentrop là phải tôn trọng tầm ảnh hưởng của Đức ở phía Đông, Bonnet tuyên bố rằng "các điều kiện đã thay đổi sâu xa kể từ Hiệp định Munich". Nhận xét mơ hồ này được Bộ Ngoại giao Đức diễn dịch thành phát biểu khẳng định mà họ đưa đến Hitler, cho rằng "ở Paris, Bonnet tuyên bố ông ta chẳng còn quan tâm đến những vấn đề ở phía Đông". Hitler nghĩ sự đầu hàng nhanh chóng của Pháp ở Munich đã chứng tỏ điều ấy. Nhưng điều này là không đúng .

SLOVAKIA ĐƯỢC "ĐỘC LẬP" Ngay từ ngày 14 tháng 10 năm 1938, khi tân Ngoại trưởng Tiệp Khắc František Chvalkovsky dò hỏi liệu Đức có cùng với Anh và Pháp đảm bảo đường biên giới còn lại của Tiệp Khắc hay không, Hitler khinh khỉnh trả lời rằng "sự đảm bảo của Anh và Pháp là vô giá trị... và sự đảm bảo hữu hiệu nhất là của Đức" .

Nhưng cho đến đầu năm 1939, vẫn không thấy Đức đảm bảo gì cả. Lý do đơn giản là: Lãnh tụ không có ý định đảm bảo. Việc đảm bảo như thế sẽ ngáng trở những kế hoạch mà ông đang chuẩn bị ngay sau khi ký Hiệp ước Munich. Chẳng bao lâu sẽ không còn Tiệp Khắc để đảm bảo. Nhằm bắt đầu việc này, cần tách Slovakia ra khỏi Tiệp Khắc .

Ít ngày sau khi ký Hiệp ước Munich, vào ngày 17 tháng 10, Goering tiếp 2 nhà lãnh đạo của Slovakia: Ferdinand Durcansky, Phó Thủ tướng và Mach, lãnh đạo người Đức thiểu số. Trong bản ghi nhớ mật của Bộ Ngoại giao, Goering quyết định cần ủng hộ nền độc lập của Slovakia .

"Tiệp Khắc thiếu đi Slovakia sẽ càng dễ cho ta tính toán. Căn cứ không quân ở Slovakia phòng thủ phía Đông là rất quan trọng" .

Kế hoạch của Đức là tiến hành song song 2 việc tách Slovakia khỏi Tiệp Khắc và chuẩn bị trừ khử những gì còn lại của Tiệp Khắc bằng cách điều quân chiếm đóng Bohemia và Moravia. Như ta đã biết, ngày 21 tháng 10 năm 1938, Hitler đã chỉ thị cho Quân đội phải sẵn sàng. Qua ngày 24 tháng 11, Hitler ban hành một chỉ thị mật khác ra lệnh Quân đội chuẩn bị đánh chiếm Danzig bằng vũ lực. Lãnh tụ đã có những tính toán sau bước đi ở Tiệp Khắc .

Ngày 17 tháng 12, Tướng Keitel ban hành "bổ sung cho Chỉ thị ngày 21 tháng 10": TỐI MẬT ... Lãnh tụ ban hành những lệnh sau: Chuẩn bị chiến dịch theo giả định là không có sức kháng cự nào đáng kể .

Đối với thế giới, phải tạo vẻ rõ ràng đây chỉ là một hành động thời bình chứ không phải động thái chiến tranh .

Vì thế phải thực hiện chiến dịch chỉ bằng những lực lượng vũ trang thời bình, không cần huy động để tăng viện... Dù cố xoa dịu Hitler nhưng tân Chính phủ Tiệp Khắc thân Đức bắt đầu nhận ra rằng số phận của đất nước mình đã bị định đoạt. Trước Giáng sinh năm 1938, Nội các Tiệp Khắc giải tán Đảng Cộng sản và cho thôi việc các giáo viên người Do Thái ở trường học của người Đức. Ngày 12 tháng 1 năm 1939, Ngoại trưởng Chvalkovsky gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Đức, khẳng định Chính phủ của ông "sẽ nỗ lực chứng tỏ lòng trung thành và thiện chí bằng cách đáp ứng mọi ý muốn của Đức". Cùng ngày, ông lưu ý với Đại biện lâm thời Đức ở Prague về tin đồn đại rằng "việc sáp nhập Tiệp Khắc vào Đức sắp diễn ra" .

Để xem còn có thể cứu vãn được những mảnh đất còn lại hay không, Chvalkovsky đã cố xin gặp Hitler vào ngày 21 tháng 1. Đó là một cảnh tượng đau khổ, tuy không đau khổ bằng người dân Tiệp sau này. Vị Ngoại trưởng Tiệp phải khom lưng nhũn nhặn trước Lãnh tụ kiêu ngạo đang bực dọc. Hitler nói "thái độ kiềm chế của Đức" đã cứu cho Tiệp Khắc thoát khỏi thảm hoạ. Tuy thế, nếu người Tiệp không thể hiện tinh thần khác, ông sẽ "trừ khử" họ. Họ phải quên "lịch sử" của họ vì đây chỉ là "chuyện vô nghĩa của đám học trò", đồng thời phải làm theo mệnh lệnh của Đức. Cụ thể là: Tiệp Khắc phải rút khỏi Hội Quốc liên, giảm mạnh quân số "bởi vì Quân đội không có nghĩa lý gì cả", gia nhập Hiệp ước Chống Đệ tam Quốc tế, chấp nhận cho Đức chỉ đạo chính sách ngoại giao, ký hiệp định thương mại ưu đãi với Đức, với một điều kiện là Tiệp Khắc không được xây dựng ngành công nghiệp nào mà Đức không đồng ý, sa thải mọi quan chức và biên tập viên không thân thiện với Đức và đặt người Do Thái ra ngoài vòng pháp luật, giống như Đức đã làm với Luật Nuremberg .

Hitler cũng đòi Ngân hàng Nhà nước Tiệp Khắc giao một phần trữ lượng vàng cho Ngân hàng Nhà nước Đức. Ngày 18 tháng 2, Goering gửi công văn cho Bộ Ngoại giao Đức: "Do tình hình tiền tệ ngày càng khó khăn, tôi ra lệnh tiếp nhận số vàng [từ Ngân hàng Nhà nước Tiệp Khắc] trị giá đến 30 triệu mác, cần thiết khẩn cấp theo chỉ thị của Lãnh tụ." Cùng ngày, Ribbentrop đòi Chvalkovsky phải thi hành lập tức nếu không sẽ có "hậu quả thê thảm". Khúm núm trước mặt Hitler nhưng thích bắt nạt người yếu hơn, vị Ngoại trưởng Đức còn buộc Chvalkovsky không được nói với Anh và Pháp về những đòi hỏi mới của Đức, mà chỉ nên tuân hành .

Và phải tuân hành mà không cần lo lắng về việc Đức đảm bảo đường biên giới! Có vẻ như Anh và Pháp cũng không lo lắng lắm. 4 tháng trôi qua mà Hitler vẫn chưa làm theo lời cam kết này. Cuối cùng, vào ngày 8 tháng 2 có công hàm Anh-Pháp gửi đến cho biết 2 Chính phủ "sẽ lấy làm vui nếu hiện tại được biết quan điểm của Chính phủ Đức về cách tốt nhất để tạo hiệu lực cho thoả thuận ở Munich trong việc đảm bảo cho Tiệp Khắc" .

Chính Hitler thảo văn bản trả lời và đến ngày 28 tháng 2 năm 1939, ông mới phúc đáp rằng chưa đến lúc Đức đảm bảo. Đức phải "chờ tình hình nội bộ của Tiệp Khắc được sáng tỏ trước đã" .

Lãnh tụ vạch ra "tình hình nội bộ" theo hướng hiển nhiên. Ngày 12 tháng 2, Hitler tiếp kiến Giáo sư, Tiến sĩ Vojtech Tuka, người đã bị Tiệp Khắc cầm tù về tội "phản quốc" và bây giờ là một trong những nhà lãnh đạo của Slovakia. Gọi Hitler là "Lãnh tụ" như bản ghi nhớ mật của Đức khẳng định, Tiến sĩ Tuka xin nhà độc tài giúp Slovakia được độc lập và tự do. Ông nói: "Thưa Lãnh tụ, tôi đặt vận mệnh của nhân dân tôi vào bàn tay ngài. Dân tôi đang trông chờ ngài giải phóng hoàn toàn cho họ." Câu trả lời của Hitler có phần tránh né. Ông nói rằng không may là mình chưa hiểu gì về vấn nạn của Slovakia. Nếu trước đây ông biết Slovakia mong mỏi độc lập, thì đáng lẽ ông đã thu xếp việc này ở Munich. Nhưng Hitler "có thể đảm bảo một nước Slovakia độc lập bất cứ lúc nào, có thể ngay hôm nay..." Giáo sư Tuka trả lời: "Đây là một trong những ngày đẹp nhất của đời tôi." Tấm màn của tấn tuồng kế tiếp của thảm kịch cho Tiệp Khắc bây giờ đã có thể vén lên. Lại thêm một chuyện oái oăm nữa trong lịch sử này: Chính người Tiệp ở thủ đô Prague làm cho tấm màn vén lên quá sớm. Vào đầu tháng 3 năm 1939, họ lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Các phong trào ly khai của Slovakia và Ruthenia bùng phát mạnh đến mức Tiệp Khắc sẽ có thể tan nát. Trong trường hợp ấy, Hitler chắc chắn sẽ chiếm lấy Prague. Nhưng nếu chính quyền Trung ương trấn áp họ, thì cũng chắc chắn là Hitler sẽ lợi dụng tình hình mà đưa quân vào Prague .

Sau nhiều lưỡng lự và cũng vì tình hình đã đến mức nguy cấp, Chính phủ Tiệp Khắc chọn phương án thứ hai. Ngày 6 tháng 3 năm 1939, Tiến sĩ Hácha, Tổng thống Tiệp Khắc, đã giải tán các chính quyền tự trị ở Ruthenia và Slovakia, bắt giam các nhà lãnh đạo đối lập kể cả Đức cha Tiso, Thủ tướng Slovakia và Tiến sĩ Tuka, đồng thời ban hành tình trạng thiết quân luật ở Slovakia .

Động thái nhanh nhẹn của Chính phủ Tiệp Khắc vốn đang chao đảo khiến cho Đức kinh ngạc. Trước đó, vào ngày 11 tháng 3, Hitler đã quyết định chiếm Bohemia và Moravia bằng tối hậu thư: Đòi Tiệp Khắc phải chấp nhận Quân đội Đức vào chiếm đóng mà không được kháng cự. Ngày hôm ấy, Tướng Keitel chấp bút lệnh của Hitler rồi gửi cho Bộ Ngoại giao Đức. Tuy nhiên, hiện giờ tin này vẫn thuộc diện "tối mật quân sự" .

Bây giờ là lúc Hitler "giải phóng" Slovakia. Karol Sidor, người được Tổng thống Hácha cử làm Thủ tướng Slovakia thay cho Đức cha Tiso, triệu tập cuộc họp Nội các mới của ông. Vào lúc 10 giờ tối, có một đoàn người không mời mà đến làm gián đoạn cuộc họp: Seyss-Inquart lúc này là Toàn quyền Quốc xã của Áo và Jodelf Buerckel, chỉ huy Đảng bộ Quốc xã ở Áo, đi cùng với 5 tướng lĩnh Đức. Họ yêu cầu Nội các tuyên bố nền độc lập của Slovakia ngay lập tức, nếu không Hitler sẽ không màng gì đến số phận của Slovakia .

Sidor còn nhùng nhằng vì không muốn cắt mọi quan hệ với Tiệp Khắc. Nhưng ngày hôm sau, Đức cha Tiso, vừa thoát khỏi nơi giam lỏng trong một tu viện, yêu cầu triệu tập cuộc họp Nội các, tuy ông không còn là thành viên của Nội các này. Để tránh bị phía Đức gây phiền hà, Sidor triệu tập Nội các họp ở nhà riêng, nhưng khi thấy quân Áo Nâu vây quanh nhà, ông dời cuộc họp đến văn phòng một tờ báo địa phương. Tại đây, Tiso thông báo rằng ông vừa nhận được bức điện của Buerckel mời Sidor đi gặp Hitler ở Berlin. Nếu ông này từ chối lời mời, 2 sư đoàn Đức sẽ tiến vào và Slovakia sẽ bị phân đôi cho Đức và Hungary .

Tiso và Durcansky đến gặp Hitler vào tối ngày 13 tháng 3 năm 1939 và còn trông thấy Ribbentrop cùng 2 vị tướng: Tham mưu trưởng Quân lực Keitel và Tư lệnh Lục quân Brauchitsch. Cũng nhờ các tài liệu mật được tịch thu sau chiến tranh, ta mới được nhìn thấy một lần nữa tính hoang tưởng tự đại cùng những lời lẽ dối trá và đe doạ của Hitler mà ông ta tin rằng sẽ chẳng bao giờ bị bại lộ .

Hitler nói: "Chỉ nhờ có Đức mà Tiệp Khắc mới không bị chia 5 xẻ 7 thêm." Đức đã cố "kiềm chế đến mức tối đa", nhưng người Tiệp không đánh giá cao điều này. "Trong những tuần lễ gần đây, tình trạng đã đến mức không thể chấp nhận được." Slovakia cũng làm Hitler thất vọng. Sau Hội nghị Munich, ông "gây bất hoà" với những người bạn Hungary khi không cho phép họ chiếm lấy Slovakia. Ông đã nghĩ Slovakia muốn được độc lập .

"Lúc ấy Hitler đã triệu Tiso đến để làm rõ vấn đề trong thời gian ngắn nhất... Vấn đề là: Slovakia có muốn được độc lập hay không?... Đây là vấn đề cấp thiết không phải từng ngày, mà là từng giờ. Nếu Slovakia muốn độc lập, ông sẽ ủng hộ và thậm chí đảm bảo cho nền độc lập này... Nếu Slovakia chần chừ hoặc không muốn tách ra khỏi Tiệp Khắc, ông sẽ phó mặc số phận của Slovakia cho biến cố và không còn chịu trách nhiệm gì nữa." Đến đây, theo biên bản buổi họp, Ribbentrop đã "trao cho Lãnh tụ một báo cáo vừa nhận được cho biết sự chuyển động của Quân đội Hungary dọc biên giới Slovakia. Lãnh tụ đọc bản báo cáo, thông báo cho Tiso rõ nội dung và phát biểu hy vọng rằng Slovakia sẽ có quyết định sớm." Tiso lúc ấy vẫn chưa quyết định. Ông xin Lãnh tụ "thứ lỗi cho mình vì nếu dưới tác động của lời nói của Thủ tướng, ông không thể có quyết định cụ thể ngay lập tức." Nhưng ông vội vã bổ sung rằng người Slovakia "sẽ chứng tỏ họ xứng đáng với lòng rộng lượng của Lãnh tụ" .

Và họ đã chứng tỏ như thế trong suốt buổi họp kéo dài đến tận khuya tại Bộ Ngoại giao Đức. Theo lời khai trước Toà án Nuremberg của Keppler, đặc vụ của Hitler tại Slovakia, phía Đức đã giúp Tiso thảo một bức điện mà vị "Thủ tướng" ngay khi về đến Bratislava sẽ gửi cho Hitler để tuyên cáo nền độc lập của Slovakia và yêu cầu Hitler bảo vệ cho quốc gia mới này. Điều này khiến ta nhớ lại bức điện năm ngoái mà Seyss-Inquart gửi để yêu cầu Hitler điều quân qua Áo. Nhưng lúc này, chiến thuật "điện tín" của Quốc xã đã hoàn hảo hơn. Ngày 16 tháng 3, Tiso gửi bức điện được rút gọn đi nhiều đến Hitler và Hitler phúc đáp lập tức rằng ông rất lấy làm vui khi được "đảm nhiệm việc bảo vệ quốc gia Slovakia" .

Cũng trong buổi họp ở Bộ Ngoại giao, Ribbentrop soạn thảo bản tuyên ngôn "độc lập" của Slovakia và cho dịch sang tiếng Slovakia để Tiso kịp mang về Bratislava. "Thủ tướng" Tiso đọc văn bản chỉ với một ít sửa đổi trước Nghị viện vào ngày hôm sau, 14 tháng 3 .

Thế là, nước Slovakia "độc lập" đã ra đời vào ngày 14 tháng 3 năm 1939. Nhân viên ngoại giao của Anh nhanh chóng báo cáo cho London cách thức quốc gia này ra đời, nên Chamberlain cũng nhanh chóng lợi dụng việc Slovakia "tách ra" để lấy cớ Anh không tôn trọng lời hứa đảm bảo cho Tiệp Khắc, sau khi Hitler hành động ngay tối cùng ngày 14 tháng 3 để hoàn tất những gì còn dang dở ở Munich .

Số phận của các nhà lãnh đạo Tiệp Khắc đang dần bị khép lại. Và một lần nữa, vì bị khuấy phá quá mức, họ rơi vào tay Hitler để dựng lên trang sử cuối trong thảm kịch của đất nước mình. Vị Tổng thống già nua Hácha xin gặp Hitler. Có những ý kiến khác nhau về điểm này. Vài sử gia cho rằng phía Đức ép buộc Hácha đến Berlin. Có lẽ họ đã dựa trên báo cáo của Đại sứ Pháp tại Berlin, người từng cho hay đó là "nguồn tin đáng tin cậy". Nhưng tài liệu của Bộ Ngoại giao Đức sau này được tìm ra cho thấy rõ Hácha đã chủ động xin đến gặp Hitler .

Hitler đã sắp xếp đâu ra đấy trước khi gặp Hácha. Tuyên ngôn độc lập của Slovakia và Ruthenia mà ông đã khéo léo dàn dựng khiến cho Tiệp Khắc chỉ còn có phần lõi là Bohemia và Moravia. Nhưng Anh và Pháp lại có ý tưởng đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Tiệp Khắc sau hội nghị Munich. Để tạo ra vẻ hợp lệ theo tiêu chuẩn công pháp quốc tế ít nhất là trên giấy tờ, Hitler sẽ gây áp lực lên con người Hácha lão suy chấp nhận chính giải pháp đó là Đức sẽ định đoạt bằng vũ lực. Làm như vậy, Hitler tạo ra vẻ bề ngoài là do Hácha yêu cầu. Và Hitler chính là bậc thầy duy nhất ở châu Âu về chiến lược thôn tính không đổ máu, như việc sáp nhập Áo và Hiệp ước Munich đã chứng tỏ. Những điểm tinh tế về "tư cách hợp lệ" mà Hitler đã áp dụng thành công khi lên nắm quyền lực cũng sẽ được áp dụng để thôn tính những phần đất không phải là của người Đức .

Hitler cũng dàn dựng để đánh lừa dân Đức và những người cả tin khác ở châu Âu. Trong nhiều ngày, điệp viên Đức sách động nhiều vụ gây rối ở những thành phố Tiệp Khắc. Họ không được thành công lắm vì lý do oái oăm như Công sứ Đức ở Prague báo cáo: "Cảnh sát Tiệp Khắc được lệnh không được hành động chống người Đức, ngay cả trong trường hợp bị khiêu khích." Nhưng Goebbels lại khuấy động báo chí Đức gây ồn ào về cái mà họ gọi là những hành động khủng bố của người Tiệp Khắc chống lại người Đức đáng thương. Như Đại sứ Pháp Coulondre báo cáo về Paris, những hàng tít lớn trông giống như trường hợp mà Tiến sĩ Goebbels đã dựng lên trong cuộc khủng hoảng Sudetenland – ví dụ chuyện phụ nữ Đức mang thai bị người Tiệp đánh đập hay chuyện "tắm máu" khi những người Đức không được ai bảo vệ hứng chịu hành động tàn bạo của người Tiệp. Qua đó, Hitler có thể trấn an người dân Đức rằng đồng bào của họ sẽ không phải chịu cảnh bơ vơ lâu nữa .

Đó là tình hình và những kế hoạch của Hitler, mà hiện nay chúng ta đã được biết từ thư khố của Đức, trong khi chuyến xe lửa mang Tổng thống Hácha và Ngoại trưởng Chvalkovsky đến Berlin vào buổi tối ngày 14 tháng 3 năm 1939. Vì bị yếu tim, Hácha không thể đi bằng máy bay .

NỖI KHỔ NHỤC CỦA TIẾN SĨ HÁCHA Nghi thức ngoại giao của Đức là hoàn hảo. Tổng thống Tiệp Khắc được tiếp đãi theo đúng nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia. Một đội quân danh dự dàn hàng chào ở nhà ga xe lửa, nơi Ngoại trưởng Đức tiếp đón vị khách quan trọng và trao cho con gái ông một bó hoa. Tại khách sạn Adlon, nơi đoàn khách cư ngụ trong những phòng sang trọng nhất, còn có kẹo sô cô la cho cô con gái Hácha do Hitler gửi tặng. Và khi vị Tổng thống cùng Ngoại trưởng đi đến Phủ Thủ tướng, họ được một đội quân danh dự của S.S. đứng dàn chào .

Hácha hẳn đã biết số phận của mình ra sao. Trước khi đoàn tàu rời Tiệp Khắc, ông được thông báo là quân Đức đã chiếm Moravská-Ostrava, một thị trấn công nghiệp quan trọng, đồng thời đang tiến đánh vào lãnh thổ Bohemia và Moravia. Khi bước vào phòng họp, ông thấy có sự hiện diện của Thống chế Goering và Tướng Keitel bên cạnh Hitler .

Có lẽ ông không trông thấy Theodor Morell, bác sĩ riêng của Hitler. Ông này hiện diện ở đây vì một lý do đặc biệt .

Biên bản mật của Đức cho buổi họp mô tả quang cảnh đáng thương ngay từ đầu. Tiến sĩ Hácha, dù là một Chánh án Toà án Tối cao được vị nể, trút bỏ mọi tự trọng để quỵ luỵ nhà Lãnh tụ Đức nghênh ngang. Có lẽ Tổng thống Tiệp Khắc nghĩ làm như thế mới khuấy động được lòng độ lượng của Hitler và vớt vát phần nào cho dân tộc ông. Nhưng dù cho ông có động lực gì đi nữa, lời lẽ của ông cũng sẽ khiến cho những độc giả ngày nay phải kinh tởm dù thời gian trôi qua đã lâu. Hácha trấn an Hitler rằng cá nhân mình không hề can dự vào chính trị. Ông ít khi gặp gỡ những người đã thành lập nên Cộng hoà Tiệp Khắc, Masaryk và Beneš, mà thật ra ông cũng không ưa họ. Ông nói mình hoàn toàn xa lạ với chế độ của họ – "xa lạ đến nỗi ngay khi chế độ thay đổi [sau Hội nghị Munich] ông tự hỏi một nước độc lập liệu có phải là điều tốt cho Tiệp Khắc hay không" .

"Ông tin chắc rằng vận mệnh của Tiệp Khắc đang nằm trong tay Lãnh tụ và ông cũng tin rằng vận mệnh này được an toàn khi nằm trong đôi bàn tay như thế... Rồi ông nói đến điều ông quan tâm nhất, số phận của dân tộc ông. Ông cảm thấy đúng là Lãnh tụ thấu hiểu quan điểm của ông rằng Tiệp Khắc có quyền được sống như là một quốc gia... Tiệp Khắc đang bị trách móc vì vẫn còn quá nhiều người ủng hộ chế độ của Beneš... Chính phủ ông đang cố tìm mọi cách để trấn áp họ. Ông chỉ muốn nói thế" .

Rồi Adolf Hitler nói ra tất cả những điều mình muốn nói. Ông bắt đầu bằng cách kể lể tất cả hành động sai trái mà chính quyền Tiệp Khắc của Masaryk và Beneš gây ra cho người Đức và nước Đức, đồng thời lặp lại điều không may là Tiệp Khắc đã không thay đổi bao nhiêu kể từ Hội nghị Munich, rồi ông đi vào vấn đề .

"Lãnh tụ đi đến kết luận rằng chuyến đi này của Tổng thống, dù vị khách đã lớn tuổi, có thể là lợi ích to tát cho đất nước của ông ấy bởi vì chỉ vài giờ nữa thôi, Đức sẽ can thiệp... Lãnh tụ không có ý thù địch với quốc gia nào... Việc quốc gia Tiệp Khắc nhỏ bé còn tồn tại được chỉ là do thái độ trung thành của ông... Vào mùa thu vừa rồi, ông chưa rút ra kết luận vì ông nghĩ có thể chung sống hoà bình với nhau, nhưng Lãnh tụ chắc chắn rằng nếu xu hướng chính trị của Beneš không biến mất hoàn toàn thì ông sẽ huỷ diệt hoàn toàn quốc gia này." Vì xu hướng ấy không biến mất hoàn toàn, nên ông phải cho Tiệp Khắc một bài học .

Vì thế, ngày Chủ Nhật 12 tháng 3 vừa rồi, hậu quả đã xảy ra... Lãnh tụ đã ra lệnh cho quân Đức xâm chiếm Tiệp Khắc và sáp nhập Tiệp Khắc vào Đế chế Đức .

Tiến sĩ Schmidt nhận thấy cả Hácha và Chvalkovsky "ngồi như tượng đá. Chỉ có đôi mắt cho thấy là họ còn sống." Nhưng chưa hết, Hitler tiếp tục khủng bố theo kiểu Teuton: "6 giờ sáng ngày mai, Quân đội Đức sẽ tiến vào Tiệp Khắc từ mọi ngả và Không quân Đức sẽ chiếm lấy các sân bay của Tiệp Khắc. Có 2 khả năng xảy ra. Thứ nhất là việc tiến quân của Đức có thể dẫn đến nổ súng. Trong trường hợp này, mọi kháng cự sẽ bị đập tan... Khả năng kia là việc tiến quân được thực hiện theo cách ôn hoà, trong trường hợp này sẽ dễ dàng hơn cho Lãnh tụ cho việc chấp thuận Tiệp Khắc có đời sống riêng, được tự trị và được hưởng phần nào quyền tự do quốc gia .

Ông làm mọi việc này không phải từ lòng thù hận mà để bảo vệ nước Đức. Nếu mùa thu vừa rồi Tiệp Khắc không chịu chấp thuận thì đáng lẽ người Tiệp đã bị tận diệt. Không ai có thể ngăn ông làm việc này. Nếu phải chiến đấu... trong 2 ngày Quân đội Tiệp Khắc sẽ tan tành. Dĩ nhiên là có vài người Đức cũng bị giết và điều này sẽ kéo theo lòng hận thù vốn sẽ ngăn chặn ông chấp thuận quyền tự trị. Thế giới sẽ không màng gì đến. Ông cảm thông với nhân dân Tiệp Khắc khi ông đọc báo chí nước ngoài... Đó là lý do tại sao ông đã yêu cầu Hácha đến đấy. Hiện nay, đấy là cơ hội cuối cùng để ông có thể làm điều tốt cho nhân dân Tiệp... Có lẽ chuyến viếng thăm của Hácha có thể ngăn chặn điều tệ hại nhất... Từng giờ đang trôi qua. Lúc 6 giờ, binh sĩ sẽ tiến vào. Ông thấy ngượng mà nói ra, nhưng cứ mỗi tiểu đoàn Tiệp Khắc thì có 1 sư đoàn Đức. Bấy giờ ông muốn khuyên ông ấy [Hácha] ra về cùng với Chvalkovsky và thảo luận xem phải làm gì." Phải làm gì? Vị Tổng thống già nua không cần phải ra về để quyết định chuyện này. Ông bảo Hitler ngay lập tức: "Tình hình đã khá rõ ràng. Chống cự chỉ là điên rồ." Nhưng ông hỏi, bấy giờ đã là quá 2 giờ sáng, làm thế nào mà trong 4 tiếng đồng hồ, ông có thể dàn xếp để cả dân tộc Tiệp Khắc kiềm chế mà không chống cự? Hitler trả lời rằng vị khách nên hội ý với những người trong đoàn của ông. Bộ máy quân sự Đức đã khởi động và không thể dừng lại. Hácha nên liên lạc ngay với Prague. Biên bản họp của Đức ghi: "Đó là một quyết định hệ trọng. Nhưng ông ấy thấy loé lên khả năng của một thời gian hoà bình dài giữa 2 dân tộc. Nếu quyết định theo cách khác, ông ấy sẽ phải nhận lấy sự tận diệt của Tiệp Khắc." Với những lời này, Hitler tạm chia tay với khách. Lúc đó là 2 giờ 15 phút sáng. Trong phòng kế bên, Goering và Ribbentrop bắt đầu gây áp lực lên 2 nạn nhân. Theo Đại sứ Pháp, trong báo cáo gửi về Paris mô tả quang cảnh mà ông cho rằng là đúng sự thật từ một nguồn đáng tin cậy, Hácha và Chvalkovsky lên tiếng phản đối sự sỉ nhục đối với quốc gia của mình. Họ tuyên bố sẽ không ký vào văn bản nhượng bộ. Nếu làm thế, họ sẽ bị nhân dân Tiệp Khắc nguyền rủa suốt đời. Đại sứ Coulondre viết trong báo cáo: "Hai Bộ trưởng Đức [Goering và Ribbentrop] tỏ ra không thương xót. Họ săn đuổi Tiến sĩ Hácha và ông Chvalkovsky vòng quanh chiếc bàn đặt đầy những văn bản, liên tục ấn từng văn bản vào tay khách, đưa bút viết cho khách, luôn đe doạ rằng nếu khách cứ từ chối, phân nửa Prague sẽ bị máy bay tàn phá trong 2 giờ và đấy chỉ mới là bắt đầu. Hàng trăm máy bay oanh tạc đang chờ lệnh để cất cánh và họ sẽ nhận lệnh này lúc 6 giờ sáng nếu không có các chữ ký." Vào lúc ấy, Tiến sĩ Schmidt nghe Goering cất tiếng gọi bác sĩ Morell: "Hácha đã bất tỉnh!" Trong một khoảnh khắc, phía Quốc xã sợ rằng vị Tổng thống Tiệp Khắc đang nằm gục có thể chết trong tay họ và như Schmidt nói: "Ngày mai cả thế giới sẽ nói ông ấy bị ám sát trong Phủ Thủ tướng." Nghề chuyên môn của bác sĩ Morell là chích thuốc – sau này ông thậm chí còn suýt giết chết Hitler vì những liều thuốc – nên lúc đó ông đã tiêm cho Tiến sĩ Hácha và cứu ông này tỉnh lại. Vị Tổng thống vừa đủ tỉnh táo đã phải nhận lấy máy điện thoại dúi vào tay để nói chuyện với Chính phủ của ông ở Prague qua đường dây đặc biệt, mà Ribbentrop đã ra lệnh nối giữa 2 nước. Hácha thông báo tình hình cho Nội các Tiệp Khắc rõ và khuyên nên nhượng bộ. Rồi, có phần tỉnh táo thêm sau mũi thuốc thứ hai của bác sĩ Morell, ông loạng choạng trở lại gặp Hitler để ký bản án tử hình cho Tiệp Khắc. Lúc đó là 4 giờ kém 5 phút sáng ngày 15 tháng 3 năm 1939 .

Schmidt kể lại là "Hitler đã soạn thảo trước" văn bản và trong khi Hácha đang bất tỉnh, thông dịch viên người Đức này bận rộn sao chép bản thông cáo chung, cũng được soạn thảo trước, mà Hácha và Chvalkovsky bị buộc phải ký vào .

Berlin, ngày 15 tháng 3 năm 1939 Thể theo lời yêu cầu, hôm nay tại Berlin, Lãnh tụ đón tiếp Tổng thống Tiệp Khắc, Tiến sĩ Hácha và Bộ trưởng Ngoại giao Tiệp Khắc, Tiến sĩ Chvalkovsky, với sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao von Ribbentrop. Trong buổi hội đàm, 2 bên đã thảo luận một cách thẳng thắn tình hình nghiêm trọng của các biến cố trong những tuần gần đây trên lãnh thổ hiện tại của Tiệp Khắc .

2 bên nhất trí biểu lộ sự tin tưởng rằng mục đích của mọi nỗ lực phải là đảm bảo an ninh trật tự và hoà bình trên phần đất này của Trung Âu. Tổng thống Tiệp Khắc tuyên bố rằng, nhằm thực hiện mục tiêu ấy và đạt đến nền hoà bình chung, ông tin tưởng đặt vận mệnh của nhân dân và của đất nước Tiệp Khắc vào tay của Lãnh tụ Đế chế Đức. Lãnh tụ chấp nhận lời tuyên bố đó và bày tỏ ý định của ông là đặt nhân dân Tiệp Khắc dưới sự bảo vệ của Đế chế Đức, đồng thời đảm bảo cho họ sự phát triển tự trị đời sống chủng tộc – theo cách thức phù hợp với bản sắc của họ .

Theo lời kể của một phụ nữ là thư ký của Hitler, sau khi ký kết, Hitler đã chạy vào phòng ôm lấy tất cả các phụ nữ hiện diện và thốt lên: "Các con! Đây là thời khắc vĩ đại nhất trong đời ta. Ta sẽ đi vào lịch sử như là người Đức vĩ đại nhất!" Hitler đã không nhận ra? – rằng kết cục của Tiệp Khắc có thể là bước khởi đầu cho kết cục của Đức. Từ sáng sớm ngày 15 tháng 3 năm 1939 này, con đường dẫn đến chiến tranh, đến chiến bại, đến thảm trạng đang trải rộng trước mặt ông. Đó sẽ là con đường ngắn và thẳng tắp. Và một khi đã tiến bước trên con đường đó, phóng nhanh đến cuối con đường, Hitler – giống như Alexander Đại đế và Hoàng đế Napoléon – không thể dừng lại .

Lúc 6 giờ sáng ngày 15 tháng 3 năm 1939, quân Đức tràn vào Bohemia và Moravia. Họ không gặp sự kháng cự nào và đến buổi tối Hitler có thể tiến bước như người chiến thắng vào Prague – chiến thắng mà ông nghĩ Chamberlain đã tước đoạt cơ hội ở Munich. Trước khi rời Berlin, Hitler ra một tuyên cáo hùng hồn cho dân Đức, lặp lại lời dối trá về những hành động "quá trớn man dại" và "khủng bố" của người Tiệp mà ông bị bắt buộc phải ra tay chấm dứt, đồng thời tuyên bố một cách hãnh diện "Tiệp Khắc đã bị xoá sổ!" Đêm ấy, Hitler nghỉ trong lâu đài Hradschin, là nơi các vị vua của Bohemia ngày xưa trị vì và gần đây nhất là nơi Masaryk cùng Beneš đã sống và làm việc cho nền dân chủ đầu tiên ở Trung Âu .

Ngày hôm sau, từ lâu đài Hradschin, Hitler ra tuyên cáo thành lập Xứ Bảo hộ Bohemia và Moravia, tạo dựng chế độ "tự trị và tự thành lập chính quyền", nhưng với luận điệu hoàn toàn nằm dưới gót giày của Đức. Mọi quyền hành đều được trao cho người "Bảo quốc của Đế chế", đứng trên Bí thư Quốc gia và Chủ tịch Hội đồng Hành chính, do Lãnh tụ bổ nhiệm. Để làm xoa dịu dư luận quần chúng ở Anh và Pháp, Hitler triệu hồi Neurath vốn đang bị cho về vườn và bổ nhiệm ông này vào chức Bảo quốc. Trước Toà án Nuremberg, Neurath khai là ông "hoàn toàn ngạc nhiên" khi Hitler bổ nhiệm mình và ông cảm thấy "nghi ngại" về chức vụ ấy. Tuy nhiên, ông chấp nhận khi Hitler giải thích rằng qua sự bổ nhiệm này, Hitler muốn trấn an Anh và Pháp rằng "ông ấy không muốn thực hiện chính sách thù địch với Tiệp Khắc." 2 nhà lãnh đạo Sudetenland hàng đầu – Konrad Henlein và kẻ côn đồ Karl Hermann Frank – có cơ hội trả thù người Tiệp khi được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Hội đồng Hành chính và Bí thư Quốc gia. Chẳng bao lâu sau, Himmler muốn kiểm soát chặt chẽ Xứ bảo hộ, nên với tư cách Tư lệnh Cảnh sát Đức, ông đã bổ nhiệm Frank làm kiêm Chỉ huy trưởng Cảnh sát Xứ Bảo hộ. Ngày 16 tháng 3 năm 1939, thể theo yêu cầu trong một "điện tín" của Thủ tướng Tiso, Hitler đặt Slovakia dưới sự bảo vệ rộng lượng của mình. Quân đội Đức nhanh chóng tiến vào Slovakia để thực hiện sự "bảo vệ" ấy. Ngày 18 tháng 3, Hitler đến Vienna để phê duyệt "Hiệp ước Bảo vệ" kế tiếp sẽ do Ribbentrop và Tiến sĩ Tuka ký kết ở Berlin ngày 23 tháng 3, trong đó có một điều khoản bí mật cho phép Đức độc quyền khai thác nền kinh tế của Slovakia .

Đối với Ruthenia, là phần chóp mũi phía Đông của Tiệp Khắc, nền độc lập của lãnh thổ này có tên "Cộng hoà Carpatho-Ukraine" được tuyên cáo ngày 14 tháng 3 nhưng chỉ kéo dài 24 giờ. Hitler không màng gì đến lời kêu gọi giúp "bảo vệ". Ông đã giao lãnh thổ này cho Hungary. Trong tài liệu của Bộ Ngoại giao Đức tịch thu được có một bức thư viết bằng tay của Miklós Horthy, Nhiếp chính Hungary, gửi cho Adolf Hitler ngày 13 tháng 3 .

THƯA NGÀI: Rất cảm ơn! Tôi không thể nói hết mình đã vui mừng như thế nào, vì vùng chóp đối với Tiệp Khắc – tôi không thích dùng ngôn từ to tát – nhưng đó là một vấn đề sống còn... Chúng tôi đang năng nổ xử lý vấn đề. Kế hoạch đã được đề ra. Ngày thứ Năm, tức ngày 16, một sự cố ở biên giới sẽ xảy ra, tiếp theo là cú tấn công vào ngày thứ Bảy .

Sự kiện tiếp theo cho thấy không cần thiết có "sự cố" ấy. Quân Hungary chỉ việc tiến vào Ruthenia lúc 6 giờ sáng ngày 15 tháng 3, cùng lúc với Quân đội Đức tiến vào miền Tây và ngày hôm sau, lãnh thổ này được chính thức sáp nhập vào Hungary .

Vì thế vào cuối ngày 15 tháng 3, như Hitler nói, Tiệp Khắc không còn hiện diện nữa .

Cả Anh và Pháp không làm gì để cứu vãn Ruthenia, dù ở Hội nghị Munich họ đã long trọng đảm bảo với Tiệp Khắc .

Sau Hội nghị Munich, cả Hitler lẫn Mussolini đều đi đến kết luận rằng nước Anh đã trở nên quá hèn yếu và Thủ tướng Anh quá nhu nhược, nên không cần phải để ý gì đến Anh. Ngày 11 tháng 1 năm 1939, Chamberlain đi cùng Lord Halifax đến Rome để mong cải thiện mối quan hệ Anh-Ý. Tác giả đã có mặt ở ga xe lửa khi 2 người đến và ghi vào nhật ký về vẻ "tự mãn" trên gương mặt của Mussolini khi ra đón khách. Tôi ghi: "Khi Mussolini đi ngang qua tôi, ông đang đùa cợt với con rể [Ciano]". Tôi không nghe ông nói gì, nhưng Ciano ghi vào nhật ký: "[Nhật ký của Ciano ngày 11 và 12] Chamberlain đến... Chúng tôi cách xa họ làm sao! Đó là một thế giới khác. Sau bữa ăn tối với Duce, chúng tôi đã bàn về việc này. Ông ấy nói: 'Họ sẽ đánh mất Đế quốc của họ.' Người Anh không muốn chiến đấu. Họ cố rút lui càng chậm càng tốt, nhưng họ không chiến đấu... Không còn có đối thoại với bên Anh. Không đạt được gì. Tôi đã gọi cho Ribbentrop nói rằng chuyến thăm viếng là một trò hề..." Trong khi Hitler làm nhục Hácha và khi các đại biểu Nghị viện Anh giận dữ đặt các câu hỏi về việc Đức dàn dựng sự "ly khai" của Slovakia, thì ngày 14 tháng 3, Chamberlain trả lời: "Không có hành động gây hấn như thế." Nhưng ngày hôm sau, sau khi vụ việc xảy ra, Chamberlain dựa trên tuyên ngôn "độc lập" của Slovakia để viện cớ Anh không cần giữ lời cam kết. Ông giải thích: "Hiệu lực của tuyên ngôn này chấm dứt sự bất ổn nội bộ trong quốc gia mà chúng ta đã đề xuất đảm bảo đường biên giới. Do đó, Chính phủ Vương quốc không còn bị ràng buộc vào nghĩa vụ này." Thế là, chiến lược của Hitler có kết quả hoàn hảo. Ông đã cho Chamberlain một con đường thoát và Chamberlain đã chọn con đường này .

Điều kỳ lạ là thậm chí Chamberlain còn không muốn kết án Hitler là đã không giữ lời hứa. Ông nói: "Tôi đã nghe quá nhiều lời cáo buộc về việc đánh mất niềm tin mà đối với tôi, thì điều đó là không dựa trên cơ sở vững chắc, nên tôi không muốn liên can đến những cáo giác như thế." Không lạ gì khi mà sự phản đối của Anh – nếu có thể gọi như thế – là quá hời hợt và khiến cho Đức tỏ ra kênh kiệu và khinh thường .

"Chính phủ của Vương quốc Anh không có ý muốn can dự một cách không cần thiết vào vụ việc mà những Chính phủ khác có thể liên quan trực tiếp hơn.... Tuy nhiên, như Chính phủ Đức hiểu rõ, Anh quan tâm sâu sắc đến sự thành công trong tất cả nỗ lực nhằm vãn hồi sự tin cậy và giải toả mối căng thẳng ở châu Âu. Chính phủ Vương quốc Anh lấy làm tiếc về bất cứ hành động nào ở Trung Âu vốn sẽ ngăn trở tiến trình tin cậy chung này..." Đây là bức công hàm chính thức của Lord Halifax mà Đại sứ Henderson đã trao cho Ribbentrop vào ngày 15 tháng 3 năm 1939. Công hàm không có một câu chữ nào nhắc đến những sự kiện cụ thể trong ngày .

Ít nhất là Pháp còn tỏ ra cụ thể hơn. Đại sứ Robert Coulondre của Pháp tại Đức không chia sẻ ảo tưởng của người Anh về Quốc xã hoặc sự khinh thị của Henderson đối với người Tiệp. Cũng trong ngày 15 tháng 3, vị Đại sứ Pháp nói với Thứ trưởng Ngoại giao Đức Ernst von Weizsaecker điều mà Chamberlain và Henderson chưa sẵn sàng nói: Bằng sự can thiệp quân sự ở Bohemia và Moravia, Đức đã vi phạm cả Hiệp ước Munich và bản tuyên cáo chung (hiệp ước hữu nghị) Pháp-Đức ngày 6 tháng 12 năm 1938. Nam tước von Weizsaecker, người sau này cho rằng mình luôn chống Quốc xã, đã có thái độ kênh kiệu khi tiếp Đại sứ Pháp. Theo bản ghi nhớ của ông về buổi diện kiến: "Tôi đã nói chuyện một cách kiên quyết với ông Đại sứ và nói với ông ta rằng đừng nhắc đến Hiệp ước Munich mà ông ấy cáo buộc đã bị vi phạm và cũng đừng lên giọng thuyết giảng gì hết... Tôi bảo ông ấy rằng xét qua thoả thuận đạt được tối qua với Chính phủ Tiệp Khắc, tôi không thấy có lý do gì khiến Pháp phải phản ứng..." Ba ngày sau, tức ngày 18 tháng 3, khi 2 Chính phủ Anh và Pháp, thuận theo dư luận giận dữ trong 2 nước, gửi công hàm chính thức phản đối Đức, Weizsaecker thậm chí còn qua mặt sếp Ribbentrop của mình về tính láo xược – lần này cũng là qua bằng chứng do ông để lại. Trong một bản ghi nhớ tìm được ở Bộ Ngoại giao, ông kể lại: "Tôi lập tức trả bản công hàm vào trong phong bì và đẩy về phía ông Đại sứ, đồng thời nói rằng tôi nhất định từ chối chấp nhận bất kỳ sự phản đối nào của ông ta liên quan đến vụ Tiệp Khắc và Slovakia. Tôi cũng không ghi chú gì về bức công hàm, cùng với đó tôi cũng khuyên ông Coulondre nên thúc giục Chính phủ của mình sửa lại bản văn..." Không giống như Henderson, vào giai đoạn này, Coulondre không phải là nhà ngoại giao mà Đức có thể bắt nạt. Ông trả đũa rằng bản công hàm của Chính phủ ông được soạn thảo sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và rằng ông không có ý định đề nghị sửa lại. Khi vị Thứ trưởng vẫn từ chối chấp nhận bản văn, vị Đại sứ lưu ý ông về nghi thức ngoại giao thông thường và kiên quyết nói rằng Pháp hoàn toàn có quyền trình bày quan điểm của mình với Chính phủ Đức. Cuối cùng, Weizsaecker – theo chính lời ông kể – đã để lại văn bản trên bàn làm việc của mình, giải thích rằng "sẽ xem như nó được gửi cho chúng tôi qua đường bưu điện" .

Weizsaecker có thái độ khác đối với vị Đại sứ Anh vốn có tính dễ dãi hơn và là người đã chuyển đến công hàm phản đối của Chính phủ Anh vào buổi chiều ngày 18 tháng 3. Hiện tại Anh có quan điểm "xem những biến cố trong những ngày qua là sự chối bỏ hoàn toàn Hiệp ước Munich" và "động thái quân sự của Đức" là "thiếu cơ sở hợp pháp". Weizsaecker cho rằng công hàm của Anh không mạnh mẽ như sự phản đối của Pháp, khi mà Pháp cho rằng "sẽ không công nhận sự chiếm đóng của Đức là hợp pháp" .

Ngày 17 tháng 3, Henderson đã đến gặp Weizsaecker để thông báo là ông được triệu hồi về Anh "để tham vấn" và theo lời kể của Weizsaecker, Henderson muốn tìm hiểu "những luận cứ mà ông có thể chuyển cho Chamberlain để sử dụng vào việc chống lại luận cứ của phe đối lập... Henderson giải thích rằng Anh không trực tiếp quan tâm đến lãnh thổ Tiệp Khắc. Ông lo âu nhiều hơn cho tương lai." Ngay cả việc Hitler thôn tính toàn bộ Tiệp Khắc dường như vẫn chưa thức tỉnh được vị Đại sứ Anh về bản chất của quốc gia ông đến nhận nhiệm sở. Và ông cũng vẫn chưa nhận thức được những gì đang xảy ra đối với quốc gia mà ông đại diện .

Vì lẽ, 2 ngày sau khi Đức nuốt chửng Tiệp Khắc, ngày 17 tháng 3, Neville Chamberlain mới thức tỉnh. Ông kinh ngạc thấy hầu hết báo chí Anh và Viện Dân biểu đều phản ứng một cách dữ dội hành động gây hấn của Hitler. Nghiêm trọng hơn, nhiều dân biểu trong phe ông và phân nửa thành viên Nội các chống lại chính sách xoa dịu Hitler. Đặc biệt Lord Halifax còn kiên quyết yêu cầu vị Thủ tướng nhận ra tình hình và thay đổi đường lối ngay lập tức. Chamberlain chợt nhận ra rằng vị thế Thủ tướng và lãnh đạo Đảng Bảo thủ của mình đang bị lung lay .

Và ông đã thay đổi ngay lập tức thật. Ông vứt bỏ bài viết phát biểu có sẵn và ghi chép vài điều với nội dung khác hẳn .

Chamberlain xin lỗi về "lời phát biểu rất dè dặt... có phần lạnh lùng và chủ quan" mà ông đã nói lên ở Viện Dân biểu 2 ngày trước. Ông nói: "Tôi muốn tối nay sửa chữa lại lời phát biểu ấy." Cuối cùng thì Thủ tướng Anh cũng nhận ra được Adolf Hitler đang lừa dối mình. Ông nhắc lại những lần Hitler trấn an ông rằng Sudetenland là yêu sách lãnh thổ cuối cùng ở châu Âu: "Bây giờ chúng ta đã được nghe rằng việc chiếm đoạt lãnh thổ ấy là cần thiết vì những biến động ở Tiệp Khắc... Nếu có bất ổn, có phải đó là do từ bên ngoài?... Có phải đấy là kết cục của cuộc phiêu lưu cũ hay là bắt đầu cho cuộc phiêu lưu mới? Có phải đó là một bước đi theo chiều hướng thống trị thế giới bằng vũ lực?... Tôi không muốn để quốc gia này [Anh quốc] dây dưa vào những cam kết mới và mù mờ dưới những điều kiện mà hiện giờ ta không thể dự kiến, tuy thế sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu [ai đó] cho rằng, vì tin chiến tranh là vô nghĩa và tàn bạo, mà Anh đã đánh mất bản chất của mình đến nỗi không dám tham gia với sức mạnh cao nhất nhằm chống lại sự thách thức như thế..." Đây là bước ngoặt đột ngột đối với Chamberlain cùng nước Anh và Hitler cũng đã được cảnh báo như thế. Đại sứ Đức tại London, Herbert von Dirksen, ngày 18 tháng 3 đã gửi một báo cáo dài về Bộ Ngoại giao Đức. "Cố giữ ảo tưởng rằng không có thay đổi căn cơ về thái độ của Anh đối với Đức là điều sai lầm" .

Đối với người đã đọc Mein Kampf, đã nhìn lên bản đồ rồi trông thấy những vị trí của Quân đội Đức ở Slovakia và đã có suy nghĩ về việc thôn tính Áo và Tiệp Khắc, họ hẳn sẽ nhận ra mục tiêu kế tiếp của Hitler là gì. Cũng như bất kỳ ai khác, Chamberlain biết rất rõ .

Ngày 31 tháng 3 năm 1939, 16 ngày sau khi Hitler tiếnvào Prague, Chamberlain phát biểu trước Viện Dân biểu: "Trong trường hợp có hànhđộng nào rõ ràng đe doạ đến nền độc lập của Ba Lan và Chính phủ Ba Lan theo đóxét thấy cần phải kháng cự bằng lực lượng quốc gia của họ, thì Chính phủ Vươngquốc Anh sẽ lập tức hỗ trợ cho Chính phủ Ba Lan theo mọi khả năng của mình.Chính phủ Vương quốc Anh sẽ đảm bảo với Chính phủ Ba Lan về việc ấy. Tôi có thểbổ sung rằng Chính phủ Pháp đã cho phép tôi làm rõ là họ có cùng quan điểm vớichúng tôi trong vấn đề này." Lầnnày đã đến lượt Ba Lan  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dichle