Đảng quốc xã ra đời


Buổi sáng hôm đó, vị giáo sĩ báo cho các binh sĩ biết Hoàng đế Đức Wilhelm II đã thoái vị và phải sống lưu vong ở Hà Lan. Ngày trước đó, nền Cộng hoà đã được tuyên cáo ở Berlin. Ngày tiếp theo, 11 tháng 11, Hiệp định đình chiến sẽ được ký kết tại Compiègne, Pháp. Đức đã thất trận và sẽ bị các nước Đồng minh chiến thắng mặc nhiên xâu xé. Vị giáo sĩ bắt đầu sụt sùi .

Hitler kể lại: "Tôi chẳng còn chịu đựng được nữa. Mọi thứ đều tối sầm trước mắt tôi. Tôi lảo đảo và dò dẫm bước về phòng, thả mình xuống giường, vùi đầu dưới tấm chăn và gối... Thế là mọi việc đã trở nên công cốc. Tất cả hy sinh và thiếu thốn đều là công cốc... những thời khắc thực hiện nghĩa vụ với nỗi sợ hãi lấp đầy trong tim là công cốc, cái chết của 2 triệu người là công cốc... Họ đã ngã xuống vì chuyện này hay sao?... Tất cả xảy ra chỉ để một đám tội phạm tồi tệ có thể làm nguy hại cho Tổ quốc hay sao?" Đó là lần đầu tiên ông bật khóc kể từ cái lần đứng trước ngôi mộ bà mẹ mới mất. "Tôi chẳng dằn lòng được." Giống như hàng triệu người Đức khác lúc ấy và mãi về sau, Hitler không thể chấp nhận thực tế khốc liệt và tan vỡ là nước Đức đã chiến bại .

Giống như hàng triệu người Đức khác, Hitler là một chiến binh can đảm. Sau này, có một số đối thủ chính trị kết án ông là kẻ hèn nhát trong chiến tranh, nhưng công bằng mà nói, không có bất kỳ chứng cứ nào trong hồ sơ hậu thuẫn cho lời kết án này. Sau ba tháng huấn luyện, vào cuối tháng 10 năm 1914 ông được gửi ra trận tuyến, làm giao liên cho Đại đội 1 thuộc Trung đoàn 15 Bộ binh Trù bị của Bavaria. Sau 4 ngày chiến đấu mãnh liệt, lần đầu tiên ở Trận Ypres, nơi quân Anh chặn đà tiến của quân Đức hướng về biển Manche và đơn vị của ông bị đánh tan tác. Theo một bức thư Hitler gửi cho ông thợ may tên Popp, chủ nhà trọ của ông ở Munich, ông cho biết Trung đoàn gồm 3.500 người của ông chỉ còn lại 600, chỉ có 30 sĩ quan sống sót, và 4 đại đội phải bị giải thể .

Trong cuộc chiến, Hitler bị thương 2 lần. Lần đầu bị thương là ngày 7 tháng 10 năm 1916 ở trận Somme khi ông bị bắn vào đùi. Sau khi được điều trị ở Đức, đến tháng 3 năm 1917 ông được điều vào Trung đoàn List (mang tên vị Trung đoàn trưởng đầu tiên). Ông được thăng lên hạ sĩ vào mùa hè năm ấy khi chiến đấu ở trận Arras và trận Ypres lần thứ ba. Vào mùa xuân và hè năm 1918, trung đoàn của ông chiến đấu trong cuộc tiến công cuối cùng của Đức. Vào đêm 13 tháng 10 năm 1918, đơn vị của ông bị quân Anh tấn công bằng khí độc trên triền đồi phía Nam Werwick trong Trận Ypres cuối cùng. Ông kể lại: "Tôi ngã xuống với đôi mắt cay xè, mang theo thành tích cuối cùng của tôi trong cuộc chiến. Ít giờ sau, mắt tôi như than hồng, rồi một màn đen như bao trùm quanh tôi." Hitler được thưởng huân chương hai lần vì lòng dũng cảm. Vào tháng 12 năm 1914, ông được trao Huân chương Chữ thập sắt hạng Nhì và tháng 8 năm 1918, Huân chương Chữ thập sắt hạng Nhất, vốn ít khi được ban cho cấp binh sĩ thông thường trong Quân đội Đế chế cũ. Một người trong đơn vị kể rằng Hitler được trao huân chương do đã một mình bắt sống 15 lính Anh, người khác lại nói ông bắt sống lính Pháp. Lịch sử chính thức của Trung đoàn List không ghi gì về chiến công này, cũng không hề ghi chiến công của nhiều binh sĩ trong đơn vị nhận huân chương. Cho dù lý do ra sao, điều chắc chắn là Hạ sĩ Hitler đã được thưởng Huân chương Chữ thập sắt hạng Nhất. Ông luôn mang tấm huân chương này một cách hãnh diện cho đến lúc chết .

Tuy thế, Hitler là một người lính kỳ lạ, như có một số người bạn đồng ngũ nhận xét. Ông không có thư từ hoặc quà tiếp tế từ gia đình gửi đến như thường thấy ở những binh sĩ khác. Ông không bao giờ xin nghỉ phép, không hề để ý đến phụ nữ như những người lính khác. Giống như chiến binh quả cảm nhất, ông không bao giờ phàn nàn về tình trạng bẩn thỉu, chấy rận, bùn lầy, hôi thối nơi chiến trường. Ông tỏ ra là một chiến binh hăng say, luôn luôn cực kỳ nghiêm túc trong mọi mục tiêu của cuộc chiến và với vận mệnh của nước Đức .

Một binh sĩ trong đại đội của ông sau này thuật lại: "Chúng tôi đều nhiếc móc và không thể chịu nổi anh ta. Trong khi chúng tôi nguyền rủa chiến tranh thậm tệ thì lại có một người không đồng tình." Một người khác mô tả Hitler: "Ngồi ở một góc căng tin, suy tư với hai tay ôm lấy đầu, bỗng nhiên anh ta đứng bật dậy, phấn khích chạy vòng quanh nói dù cho có đại bác quân ta vẫn không thể chiến thắng, vì những kẻ thù vô hình của dân Đức còn nguy hiểm hơn cả đại bác lớn nhất của quân thù." Rồi thì Hitler cất tiếng công kích dữ dội những "kẻ thù vô hình" ấy – chính là người Do Thái và người Marxit. Có phải đó chính là những người mà hồi còn ở Vienna, Hitler tin là nguồn gốc của mọi vấn nạn? Và có phải chính Hitler đã trông thấy những người như thế trên đất Đức khi ông đang hồi phục vết thương vào giữa cuộc chiến? Lúc được xuất viện Beelitz ở gần Berlin sau lần thứ nhất bị thương, Hitler đi thăm thủ đô rồi đến Munich. Ở nơi nào ông cũng thấy những "tên vô lại" đang nguyền rủa cuộc chiến và mong cho chiến tranh mau chấm dứt. Những người phất phơ xuất hiện ở khắp nơi, nếu không phải Do Thái thì còn ai vào đây? Ông thấy: Các văn phòng đầy người Do Thái. Hầu như tất cả thư ký đều là người Do Thái và hầu như tất cả người Do Thái đều làm thư ký... Trong các năm 1916-1917, hầu hết việc sản xuất nằm dưới sự kiểm soát của tài chính Do Thái... Người Do Thái tước đoạt cả đất nước và đặt đất nước dưới sự thống trị của họ... Tôi cảm thấy kinh hoàng mà nhận ra thảm hoạ đang đến gần... Hitler nói không thể chịu nổi những gì mình quan sát và cảm thấy vui khi được trở lại chiến trường .

Nhưng ông càng không thể chịu đựng được tấn thảm kịch ập xuống quê hương thân yêu của mình vào tháng 11 năm 1918. Đối với ông, cũng như đối với mọi người Đức, đó là điều khủng khiếp và chẳng đáng có .

Quân đội Đức không thua trên trận tuyến, mà bị kẻ phản quốc ở hậu phương đâm sau lưng .

Vì thế mà Hitler, cũng như nhiều người Đức, nảy ra sự tin tưởng quá khích đối với "truyền thuyết đâm sau lưng", dần dà làm suy yếu nền Cộng hoà và cuối cùng là dọn đường cho Hitler lên nắm chính quyền. Thực ra, truyền thuyết này là một câu chuyện lừa lọc. Chính Đại tướng Ludendorff trên thực tế đã chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu vào ngày 28 tháng 9 năm 1918 và yêu cầu đình chiến "ngay lập tức" và vị chỉ huy trên danh nghĩa của mình là Thống chế von Hindenburg đã ủng hộ ý kiến này. Trong cuộc hội kiến với Hoàng đế Wilhelm II, Hindenburg lặp lại lời yêu cầu của Bộ Tổng Tham mưu là đình chiến ngay lập tức, nói "Quân đội không thể chờ đợi, cho dù chỉ là 48 giờ." Hindenburg thẳng thừng phát biểu là tình hình chiến sự đòi hỏi phải "ngừng chiến đấu." Không có ý kiến nào đưa ra về việc "đâm sau lưng." Chỉ sau đó, tường trình trước Nghị viện ngày 18 tháng 11 năm 1919, 1 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, vị anh hùng vĩ đại của Đức mới tuyên bố: "Như một tướng lĩnh của Anh nói rất đúng, Quân đội Đức đã bị đâm sau lưng." Sự gán ghép cho một tướng lĩnh của Anh như thế là không hẳn đúng. Wheeler-Bennett, trong quyển Wooden Titan viết rằng: Hindenburg giải thích rằng điều trái khoáy khi 2 vị tướng người Anh đã vô tình có liên quan. Người thứ nhất là Thiếu tướng Frederick Maurice, viết một cuốn sách bị báo chí Đức hiểu lầm, nói ông cho rằng Quân đội Đức bị người theo xã hội chủ nghĩa ở hậu phương phản bội. Tướng Maurice cải chính suy diễn này, nhưng không có kết quả. Người thứ hai là Trung tướng Malcolm, cầm đầu Phái bộ Quân sự Anh ở Berlin. Khi Ludendorff dùng bữa với vị tướng người Anh, ông đề cập việc Quân đội Đức không được chính quyền dân sự hỗ trợ. Để tóm tắt ý tưởng bằng một câu ngắn gọn, Tướng Malcolm hỏi: "Có phải ý ông muốn nói các ông đã bị đâm sau lưng không?" Mắt sáng lên, Ludendorff trả lời: "Vâng, chính xác như thế. Chúng tôi đã bị đâm sau lưng." Thực tế là, cho đến cuối tháng Chín, chính quyền dân sự dưới quyền Hoàng thân Max of Baden vẫn không được thông báo về tình hình chiến sự tồi tệ, nên họ đã trì hoãn việc đình chiến trong vài tuần .

Người ta phải sống ở Đức trong khoảng thời gian giữa 2 cuộc đại chiến mới có thể nhận ra rằng đại bộ phận dân Đức đã tin tưởng vào truyền thuyết khó tin ấy đến mức nào. Có nhiều sự kiện minh chứng cho việc lừa dối này. Cánh Hữu không hề muốn đối diện với sự thật, mà chỉ luôn hô hào thủ phạm là "những kẻ tội đồ Tháng Mười Một" – một ý niệm mà Hitler luôn dùng để đánh mạnh vào tâm tư người Đức. Họ không nhớ rằng chính Quân đội Đức – theo cách khôn lanh và hèn nhát – đã thúc đẩy Chính phủ Cộng hoà ký Hiệp định đình chiến, rồi sau đó khuyến cáo Chính phủ ký Hoà ước Versailles. Và Đảng Dân chủ Xã hội chỉ miễn cưỡng nắm quyền năm 1918 nhằm tránh cho nước Đức không bị xáo trộn. Họ không có trách nhiệm trong sự sụp đổ của Đức. Lý do thực sự là ở những người nắm quyền lực trước đó .

Nhưng hàng triệu người Đức không muốn nhìn nhận như thế. Họ phải tìm bằng được vật tế thần cho nỗi ô nhục và thống khổ của họ. Họ dễ dàng tin rằng đó là "những kẻ tội đồ Tháng Mười một", tức là những người đã ký văn kiện đầu hàng chiến tranh và thiết lập chính quyền dân chủ. Tính cả tin của người Đức bị Hitler khai thác trong quyển Mein Kampf và liên tiếp bị lợi dụng cho mưu đồ riêng của ông .

Khi vị giáo sĩ rời quân y viện ở Pasewalk vào buổi tối 10 tháng 11 năm 1918 ấy, Hitler đã nghĩ "tiếp theo là những ngày kinh khủng và những đêm còn tệ hại hơn. Tôi biết tất cả đã chấm dứt. Chỉ có những kẻ ngu xuẩn, lọc lừa và tội đồ mới mong kẻ thù dung thứ cho mình. Trong những đêm ấy, lòng tôi nuôi mối căm ghét, căm ghét những kẻ có trách nhiệm gây ra hành này... Những tội đồ khốn khổ và thoái hoá! Càng cố tìm hiểu rõ về biến cố khủng khiếp ở thời khắc đó thì tôi càng cảm thấy mi mắt mình cháy bỏng bởi sự phẫn nộ và ô nhục. Tất cả sự đau đớn của đôi mắt tôi làm sao sánh được với cơn khổ não này?" Và rồi: "Tôi nhận thức được định mệnh của mình. Tôi quyết định tham gia vào chính trị." Như những gì tiếp theo cho thấy, đó là một quyết định có tính định mệnh đối với Hitler và đối với cả thế giới .

BƯỚC KHỞI ĐẦU CỦA ĐẢNG QUỐC Xà

Khởi đầu, chẳng có triển vọng gì về sự nghiệp chính trị ở Đức cho một người Áo 30 tuổi không bạn bè, không tiền bạc, không công ăn việc làm, không nghề chuyên môn và chẳng hề có kinh nghiệm gì về hoạt động chính trị. Ngay từ đầu, Hitler đã nhận thức được điều này. Ông kể lại: "Trong nhiều ngày, tôi tự hỏi mình phải làm gì, nhưng tôi tỉnh táo nhận ra rằng tôi, con người vô danh như thế này, chẳng hề có cơ sở tối thiểu cho hoạt động hữu ích nào." Cuối tháng 11 năm 1918, Hitler trở về Munich mà không thể nhận ra thành phố mà mình đã từng trông thấy lúc trước. Cách mạng đã nổ ra. Vua của Bavaria thuộc vương triều Wittelsbach đã thoái vị. Chính quyền Bavaria được chuyển qua Đảng Dân chủ Xã hội, những người dựng lên "Bang của Nhân dân" dưới quyền lãnh đạo của Kurt Eisner. Ông này là cây viết người Do Thái ở Munich rất được ưa thích. Vào ngày 7 tháng 11, Eisner với bộ râu rậm rạp màu xám, mang đôi mục kỉnh, đội chiếc mũ quá khổ và thân người nhỏ thó đã dẫn đầu vài trăm người tuần hành qua các đường phố. Chẳng cần nổ phát súng nào, đoàn người chiếm lấy toà nhà Nghị viện và Chính phủ rồi tuyên cáo nền cộng hoà .

3 tháng sau, ông bị ám sát bởi Bá tước Anton Arco-Valley, người thuộc cánh Hữu. Đến phiên công nhân theo Cộng sản nổi lên thiết lập Nhà nước Xô Viết, nhưng Nhà nước này chết yểu. Đến ngày 1 tháng 5 năm 1919, binh sĩ Quân đội Chính quy từ Berlin và Lực lượng Tự do Bavaria tiến vào Munich và lật đổ chế độ Cộng sản, sát hại vài trăm người kể cả những người không theo Cộng sản, nhằm trả thù cho việc chế độ Xô Viết đã bắn chết vài chục con tin. Mặc dù một chính quyền Dân chủ Xã hội do Johannes Hoffmann cầm đầu được dựng lên trên danh nghĩa, nhưng quyền lực chính trị thật sự ở Bavaria thật sự lại nằm trong tay phe Hữu .

Vậy phe Hữu ở Bavaria trong giai đoạn nhiễu nhương này là những ai? Đó chính là Quân đội chính quy của Đức, thành phần bảo hoàng muốn hoàng gia trở lại nắm quyền và khối quần chúng bảo thủ căm ghét chế độ Cộng hoà dân chủ được thiết lập ở Berlin. Nhưng trên hết là đám lính đã giải ngũ, giờ thất nghiệp và không thể tái hoà nhập với xã hội an bình của năm 1918 mà họ đã rời xa từ 4 năm trước. Qua cuộc chiến, họ đã trở nên cứng cỏi và thích bạo lực, bây giờ khó tẩy sạch tính chất ấy. Có một thời chính Hitler cũng là một trong số họ – người mà sau này đã nói "trở thành những nhà cách mạng mong muốn thấy Cách mạng được thiết lập như là điều kiện trường cửu." Nhiều đội Lực lượng Tự do mọc lên khắp nước Đức và được Quân đội Đức bí mật trang bị. Ban đầu họ có nhiệm vụ duy trì trật tự, rồi sau đó họ hậu thuẫn cho những mưu đồ lật đổ chế độ Cộng hoà. Vào tháng 3 năm 1920, Lữ đoàn Ehrhardt khét tiếng, cầm đầu bởi một tay lục lâm là Đại uý Ehrhardt chiếm đóng, rồi để cho Tiến sĩ Wolfgang Kapp, sinh năm 1868 ở New York – một chính trị gia yếu kém thuộc phe Cực Hữu, tự tuyên bố làm Thủ tướng. Quân đội Chính quy Đức dưới quyền Tướng von Seeckt án binh bất động trong khi Tổng thống nền Cộng hoà và Chính phủ bỏ chạy tán loạn về miền Tây nước Đức. Phải nhờ một cuộc tổng đình công mà Chính phủ Cộng hoà mới được phục hồi .

Cũng trong thời gian này, tại Munich, Quân đội thực hiện thành công một cuộc đảo chính theo cách khác. Ngày 14 tháng 3 năm 1920, Quân đội lật đổ Chính phủ phái Xã hội của Hoffmann và lập chính quyền thân Hữu do Gustav von Hahr đứng đầu. Giờ đây, thủ đô của Bavaria trở thành tâm điểm thu hút mọi lực lượng ở Đức muốn lật đổ nền Cộng hoà, thiết lập chế độ chuyên chế và xé bỏ Hoà ước Versailles. Nơi đây, các chiến sĩ Lực lượng Tự do kể cả Lữ đoàn Ehrhardt tìm được chốn dung thân. Đó cũng là nơi Đại tướng Ludendorff đến định cư cùng với một số sĩ quan bất mãn đã rời quân ngũ. Đó cũng là nơi mà âm mưu các vụ ám sát chính trị như vụ ám sát Matthias Erzberger – chính trị gia Công giáo ôn hoà đã có can đảm ký vào Hiệp định đình chiến khi các tướng lĩnh thối lui, và vụ ám sát Walther Rathenau – vị ngoại trưởng lỗi lạc, có văn hoá mà những người cực đoan căm ghét vì ông là người Do Thái và vì ông thi hành chính sách của Chính phủ quốc gia nhằm thoả mãn ít nhất vài điều khoản của Hoà ước Versailles .

Chính trong hoàn cảnh nhiễu nhương ở Munich mà Adolf Hitler bắt đầu vươn lên .

Khi trở về Munich vào cuối tháng 11 năm 1918, Hitler thấy tiểu đoàn của mình đang nằm trong tay của "Hội đồng Binh sĩ." Ông kể là mình cảm thấy kinh tởm về việc này, đến nỗi ông quyết định "rời xa càng sớm càng tốt." Ông trải qua mùa đông làm nhiệm vụ canh gác trong một trại tù binh ở Traunstein, gần biên giới Áo. Vào mùa xuân năm 1919, Hitler trở lại Munich. Trong quyển Mein Kampf, Hitler kể mình bị Chính phủ cánh Tả "chê bai" và chỉ có thể tránh bị bắt bằng cách chĩa khẩu carbine vào ba "tên côn đồ" truy tìm ông. Ngay sau khi Quân đội lật đổ chính quyền Cộng sản, Hitler bắt đầu việc mà ông gọi là "hoạt động đầu tiên ít nhiều liên quan đến chính trị." Ông tham gia vào việc cung cấp thông tin cho cuộc điều tra của Trung đoàn 2 Bộ binh về những người đã can dự vào chế độ Xô Viết ngắn ngủi ở Munich .

Rất có thể Hitler đóng góp vai trò hữu ích cho quân đội, vì thế ông được điều vào Ban Báo chí và Thông tin của Phòng Chiến tranh Chính trị thuộc Bộ chỉ huy quân khu địa phương. Trái với truyền thống, Quân đội Đức lúc đó đã can thiệp sâu vào chính trị, đặc biệt là ở Bavaria – nơi mà cuối cùng họ đã thiết lập được một chính quyền như mong muốn. Nhằm quảng bá đường lối bảo thủ, họ tổ chức cho binh sĩ theo học các "lớp chính trị" và Hitler là học viên chăm chỉ tham dự một trong những lớp học này. Theo lời ông kể lại, một hôm, ông đã chen vào tranh luận khi có người nói tốt cho dân Do Thái. Lời diễn thuyết bài Do Thái của ông hẳn làm cho cấp trên vui lòng, kết quả là Hitler được điều đến một trung đoàn với tư cách giống như là chính trị viên, nhận nhiệm vụ đánh đổ những ý tưởng nguy hiểm – chủ nghĩa cầu hoà, chủ nghĩa xã hội và ý niệm dân chủ, đó là quan điểm về vai trò của quân đội trong nền Cộng hoà dân chủ mà họ đã tuyên thệ phục vụ .

Đây là một bước ngoặt quan trọng cho Hitler – sự công nhận đầu tiên trong lĩnh vực chính trị mà ông đang cố chen vào. Vai trò mới cho ông cơ hội để thử thách tài hùng biện của mình – yếu tố tiên quyết mà ông luôn nghĩ phải có đối với một chính trị gia thành đạt. Hitler kể lại: Đột nhiên, tôi có cơ hội để phát biểu trước đám đông. Vậy là điều mà tôi luôn nghĩ trong đầu nhưng không chắc chắn có thể làm tốt, đã được minh chứng: tôi có thể 'ăn nói' .

Hitler vui mừng tột độ vì điều khám phá này tuy không lấy làm ngạc nhiên lắm. Trước đó, ông đã lo sợ giọng nói của mình có thể bị yếu đi do khí độc trên chiến tuyến. Bây giờ, ông thấy giọng nói được bình phục để "ít nhất mọi góc của gian phòng nhỏ" người ta đều nghe được ông. Đây là bước khởi đầu cho một tài năng để cuối cùng ông trở thành nhà hùng biện tài giỏi nhất nước Đức, khi cất tiếng trên sóng phát thanh với mãnh lực lay chuyển hàng triệu con tim .

Một ngày tháng 9 năm 1919, Phòng Chiến tranh Chính trị ra lệnh cho Hitler đi dò xét một nhóm chính trị nhỏ tự gọi là Đảng Lao động Đức. Quân đội luôn tỏ ra nghi ngờ các Đảng phái của công nhân vì họ thường theo cánh Xã hội hoặc Cộng sản, nhưng tin rằng nhóm này có thể khác. Hitler không hề biết gì về Đảng này, nhưng có quen biết với một người sẽ phát biểu trong buổi họp của Đảng mà ông được lệnh điều tra .

Vài tuần trước, trong một buổi học tập chính trị do quân đội tổ chức, Hitler được nghe bài phát biểu của Gottfried Feder – một kỹ sư xây dựng và cũng là chuyên gia kinh tế lập dị. Ông này bị ám ảnh với ý nghĩ rằng tư bản "đầu cơ" – thay vì tư bản "sáng tạo" hoặc tư bản "sản xuất" – là cội rễ của mọi vấn nạn kinh tế của Đức. Ông cổ vũ cho việc xoá bỏ loại thứ nhất và vào năm 1917 đã lập nên một tổ chức để phục vụ cho mục đích này mang tên: Liên đoàn Chiến đấu Đức xoá bỏ nô lệ lãi suất. Là người chẳng biết gì về kinh tế, Hitler có ấn tượng mạnh với bài phát biểu của Feder. Ông thấy lời kêu gọi của Feder về "xoá bỏ chế độ nô lệ của lãi suất" là một trong những "tiền đề cần thiết cho việc thành lập một đảng mới." Ông nói qua bài diễn thuyết của Feder "tôi cảm nhận một khẩu hiệu mạnh mẽ cho cuộc tranh đấu sắp tới." Nhưng ban đầu, Hitler không hề nhận ra tầm quan trọng của Đảng Lao động Đức. Ông đến buổi họp của Đảng này chỉ vì được phái đến và sau khi ngồi nghe suốt một buổi chán ngắt với khoảng 20-25 người tham dự trong một căn phòng tối tăm ở nhà hàng bia Sterneckerbrau, ông không có ấn tượng tốt. Ông kể: "Đó là một tổ chức mới giống như bao tổ chức khác. Đây là thời kỳ mà bất kỳ ai bất mãn với thời cuộc... đều cảm thấy cần thành lập một đảng mới. Đâu đâu cũng thấy đảng mới mọc lên rồi lặng lẽ biến mất. Tôi xét Đảng Lao động Đức cũng chẳng khác gì." Sau khi Feder phát biểu xong, Hitler chuẩn bị ra về, thì có một "giáo sư" đứng lên, cật vấn ý kiến của Feder rồi đề nghị Bavaria nên tách ra khỏi nước Đức và lập một nước Nam Đức mới cùng với Áo. Đó là ý tưởng phổ biến ở Munich thời bấy giờ, nhưng Hitler kể lại là ông đã tỏ ra giận dữ và quyết định đứng lên để cho "quý ông thông thái" kia biết đôi điều suy nghĩ. Theo lời Hitler thì dường như ông đã nói một cách mạnh mẽ đến nỗi vị "giáo sư" kia phải rời bỏ phòng họp "như chó cụp đuôi", trong khi cả hội trường nhìn người thanh niên với "vẻ mặt kinh ngạc." Một người – mà Hitler kể lúc ấy không nghe rõ tên – đã dúi một cuốn sách nhỏ vào tay ông .

Người này có tên là Anton Drexler, làm thợ rèn. Có thể nói ông mới là người sáng lập thực sự của Đảng Quốc xã. Không viết giỏi và cũng không có tài ăn nói, Drexler làm việc trong ngành đường sắt ở Munich. Vào ngày 7 tháng 3 năm 1918 ông thành lập "uỷ ban Công nhân Độc lập" nhằm chống lại chủ nghĩa Marxit trong các nghiệp đoàn và nhằm khuấy động nền hoà bình "công tâm" cho Đức. Thật ra, tổ chức này là chi nhánh của một phong trào ở miền Bắc nước Đức có tên rất dài là Hiệp hội Xúc tiến Hoà bình theo Đường lối Giai cấp lao động (nước Đức lúc ấy và cho đến năm 1933 có đầy rẫy những đoàn thể mang tên dài dòng như thế) .

Drexler chẳng bao giờ kết nạp được hơn 40 thành viên và vào tháng 1 năm 1919, ông sáp nhập tổ chức của mình với một nhóm tương tự của một nhà báo tên là Karl Harrer. Tổ chức mới mang tên Đảng Lao động Đức, chỉ có không đến 100 đảng viên và do Harrer làm Chủ tịch Đảng đầu tiên. Trong quyển Mein Kampf, Hitler đánh giá Harrer là con người "trung thực" và "chắc chắn có nền giáo dục sâu rộng" nhưng lấy làm tiếc là thiếu "thiên bẩm về hùng biện." Có lẽ lý do Harrer chỉ nổi tiếng ngắn ngủi là vì ông khăng khăng cho rằng Hitler nói năng kém cỏi – một phán xét đã chọc tức nhà lãnh đạo Quốc xã cho đến mãi về sau, như Hitler đã phàn nàn trong cuốn tự truyện của mình .

Nhưng dù sao chăng nữa thì có vẻ như Drexler chính là động lực chủ yếu của Đảng Lao động Đức nhỏ bé và ít người biết đến này .

Sáng hôm sau, nằm trong doanh trại quân đội, Hitler mở cuốn sách mà Drexler trao cho ra xem. Ông mô tả chi tiết việc này trong quyển Mein Kampf. Đó là lúc 5 giờ sáng, Hitler đã thức giấc, theo thói quen nằm ngả người trên giường của Trung đoàn 2 Bộ binh ngắm con chuột ăn các mẩu bánh mì mà ông rải trên sàn đêm hôm trước. Ông đùa cợt: "Tôi đã chịu đựng nhiều gian khổ trong đời nên có thể mường tượng ra cơn đói, do đó cũng mường tượng ra niềm vui của các sinh vật bé nhỏ." Ông nhớ đến cuốn sách mỏng và bắt đầu đọc nó. Sách có tựa đề "Sự thức tỉnh chính trị của tôi." Ông ngạc nhiên nhận thấy cuốn sách thể hiện nhiều ý tưởng hay mà chính mình đã tiếp thu trong nhiều năm. Mục đích chính của Drexler là gây dựng một đảng chính trị dựa trên giai cấp công nhân, nhưng không giống như Đảng Dân chủ Xã hội mà đảng này phải thiên mạnh về chủ nghĩa quốc gia. Drexler đã là thành viên của Mặt trận Tổ quốc có lòng yêu nước, nhưng chẳng bao lâu bất mãn với tinh thần của giai cấp trung lưu của Mặt trận vốn dường như xa rời quần chúng. Như ta đã biết, ở Vienna, Hitler có cảm nghĩ khinh bỉ giới tư sản với cùng lý do: không quan tâm đến giới công nhân và những vấn nạn xã hội. Vì thế, ý tưởng của Drexler hợp với Hitler .

Chiều hôm ấy, Hitler cảm thấy kinh ngạc khi nhận được một bưu thiếp cho biết mình được chấp nhận gia nhập Đảng Lao động Đức. Ông kể lại: "Tôi không biết phải giận dữ hay bật cười. Cho đến lúc này, tôi không định gia nhập một đảng có sẵn, mà muốn thành lập một đảng mới cho riêng mình. Họ quá đường đột nên không có chuyện tôi sẽ gia nhập đâu." Ông định viết thư trả lời như thế, nhưng rồi "tính hiếu kỳ trỗi dậy" và ông quyết định tham dự buổi họp Trung ương Đảng mà ông được mời, để giải thích lý do tại sao không gia nhập "cái tổ chức nhỏ bé phi lý này." "Quán rượu nơi buổi họp diễn ra là Alte Rosenbad ở Herrenstrasse, một nơi chốn tồi tàn... Tôi đi qua căn phòng ăn tối tăm chẳng có một bóng người, mở cánh cửa thông ra phòng phía sau, và rồi tôi đối diện với Trung ương Đảng. Trong ánh đèn khí đốt tù mù, 4 người trẻ tuổi ngồi, trong số đó có tác giả của cuốn sách nhỏ, người này lập tức vui vẻ chào hỏi rồi mở lời tiếp đón tôi với tư cách một đảng viên mới của Đảng Lao động Đức. Tôi sửng sốt thực sự .

Người ta đọc lên biên bản buổi họp trước, rồi thư ký ghi nhận biểu quyết chấp thuận. Kế đến là báo cáo tài chính – toàn Đảng chỉ sở hữu số tiền 7 mác Đức và 50 pfennigvà rồi theo đấy người tài vụ nhận biểu quyết chấp thuận. Rồi người ta cũng ghi việc này vào biên bản buổi họp. Sau đó, Chủ tịch Đảng đọc thư phúc đáp cho vài người và mọi người đều tỏ ý thông qua. Kế đến là báo cáo về những thư mới nhận được... Kém cỏi, thật là kém cỏi! Đây là một câu lạc bộ theo cách thức và loại hình tệ hại nhất. Liệu tôi có nên gia nhập tổ chức này hay không?" Tuy thế, có điều gì đấy ở những người ăn mặc lôi thôi trong gian phòng tù mù khiến cho Hitler cảm thấy bị cuốn hút: "Tấm lòng tha thiết dành cho một phong trào mới đã vượt quá tầm vóc của một đảng phái theo đúng nghĩa từ trước đến nay." Tối hôm ấy, Hitler trở về doanh trại quân đội là để đối diện với câu hỏi khó khăn nhất trong đời mình: có nên gia nhập hay không? Lý trí khuyên ông nên từ chối. Nhưng tuy vậy... Chính vì đảng này không có vị thế quan trọng nên nó sẽ tạo cho gã trai trẻ có năng lực và ý tưởng một cơ hội "hoạt động đúng theo sở nguyện cá nhân thật sự." Hitler ngẫm nghĩ về những gì ông có thể "mang đến cho nhiệm vụ này." "Tôi có thể chịu đựng được cảnh nghèo túng và không có phương tiện sinh nhai, nhưng điều khó khăn hơn là tôi đang ở trong số những người vô danh, tôi chỉ là một trong hàng triệu người phải nỗ lực tồn tại mà chẳng có ai thân cận chiếu cố đến. Hơn nữa, còn có hạn chế vì tôi thiếu học vấn... Sau 2 ngày suy nghĩ cật lực, cuối cùng tôi cũng xác định là cần tiến theo hướng này .

Đây là chủ tâm có tính chất quyết định nhất trong đời tôi. Từ bây giờ, sẽ chẳng có chuyện quay đầu lại." Thế là, Adolf Hitler trở thành uỷ viên Trung ương thứ bảy của Đảng Lao động Đức .

Ta cũng cần đề cập đến 2 đảng viên của Đảng chính trị tí hon này, cả 2 đều đóng vai trò quan trọng cho tiến trình của Hitler .

Đại uý Ernst Roehm đã từng phục vụ trong một đơn vị quân Đức ở Munich, gia nhập Đảng này trước Hitler. Ông là một người lính chuyên nghiệp có thân hình chắc nịch, cổ bạnh, mắt lồi, mặt có sẹo – phần trên sống mũi đã bị bắn bay vào năm 1914 – một bộ óc nhạy cảm về chính trị và có tài tổ chức. Giống như Hitler, ông mang tư tưởng ghét bỏ sục sôi đối với nền Cộng hoà dân chủ và những kẻ "tội đồ Tháng Mười Một" mà ông cho là có trách nhiệm tạo ra nền Cộng hoà. Ông có chí hướng tái lập một nước Đức có tính quốc gia mạnh mẽ, và cùng với Hitler, ông tin rằng chỉ có thể làm được điều này qua một đảng dựa trên giai cấp hạ đẳng mà từ đây ông ngoi lên, điều này khác với phần lớn sĩ quan chính quy. Ông là người có hành động cứng rắn, tàn bạo, sục sôi. Cho dù là người đồng tính luyến ái giống như nhiều Đảng viên Quốc xã vào thời kỳ đầu nhưng ông đã giúp tổ chức tạo nên những đội quân sau này trở thành lực lượng Áo Nâu S.A và ông là chỉ huy của đội quân này cho đến tận khi bị Hitler sát hại năm 1934. Roehm dẫn theo một số lớn cựu chiến binh và quân tình nguyện để tạo nên xương sống cho Đảng trong thời kỳ đầu. Trên cương vị một sĩ quan trong Quân đội đang kiểm soát Bavaria, Roehm cũng vận động sự bao che cho Đảng và đôi lúc lôi kéo được sự hậu thuẫn của chính quyền. Không có những hỗ trợ này, hẳn Hitler không thể nào có được bước khởi đầu thuận lợi để phát động quần chúng lật đổ nền Cộng hoà. Có một điều chắc chắn là Hitler có thể tự do thực hiện những biện pháp khủng bố và đe doạ như vậy chính là nhờ sự làm ngơ của chính quyền và cảnh sát Bavaria .

Dietrich Eckart, nhà báo dí dỏm nhưng là nhà thơ và kịch tác gia kém cỏi, lớn hơn Hitler 21 tuổi, thường được xem là nhà sáng lập tinh thần của Quốc xã. Ông chính là người dịch tác phẩm Peer Gynt của Ibsen và viết một số vở kịch chưa từng được công bố. Cũng như Hitler hồi ở Vienna, có một thời ông sống lông bông ở Berlin, lại thêm nghiện rượu, sử dụng nha phiến, rồi được đưa vào bệnh viện tâm thần, nơi ông có thể dàn dựng những vở kịch của mình và dùng bệnh nhân làm diễn viên. Vào cuối cuộc chiến, ông đã trở về sinh quán Bavaria của mình và hò hét diễn thuyết trước những người hâm mộ dưới hầm rượu vang Brennessel ở Schwabling – chỗ ăn ở của ông ở Munich. Ông thường thuyết giảng về tính ưu việt của chủng người Aryan, kêu gọi diệt trừ người Do Thái và lật đổ chính quyền Berlin .

Heiden, ký giả ở Munich lúc bấy giờ, trích lời Eckart diễn giảng cho những khách quen của hầm rượu vang Brennessel năm 1919: "Chúng ta cần một người cầm đầu có thể chịu được tiếng súng liên thanh. Đám đông phải giấu sợ hãi trong ống quần. Ta không thể sử dụng sĩ quan, vì dân chúng chẳng còn kính trọng họ nữa. Người thích hợp nhất là một công nhân có tài ăn nói... Anh ta chẳng cần có đầu óc... Anh ta phải còn độc thân, rồi ta sẽ thu hút phụ nữ." Điều gì còn tự nhiên hơn là nhà thơ nghiện rượu ấytìm ra Adolf Hitler – người mà bấy lâu ông vẫn trông đợi? Eckart trở thành cố vấn thân cận cho người thanh niên đang lên trong Đảng Lao động Đức, cho anh mượn sách báo, giúp anh cải thiện khả năng tiếng Đức – cả viết và nói – và giới thiệu anh với đám bạn bè đông đảo. Những người này không chỉ gồm có nhà giàu cung ứng ngân quỹ cho Đảng và chi phí sinh hoạt cho Hitler, mà còn có những phụ tá trong tương lai như Rudolf Hess và Alfred Rosenberg. Hitler luôn ngưỡng mộ Eckart và câu sau cùng trong quyển Mein Kampf bày tỏ lòng trân trọng đối với ông này. Hitler viết lời kết luận cho cuốn sách: "Ông ấy là một trong những người tốt nhất, người cống hiến suốt cuộc đời để đánh thức dân tộc ta, trong những bài viết, trong tư tưởng và cuối cùng là trong những hành động của ông." Đó là tập hợp của những nhân vật quái dị sáng lập nên Đảng Quốc xã, những người vô hình trung bắt đầu đặt nền tảng cho một phong trào mà 13 năm kế tiếp sẽ lan rộng khắp cả nước, đồng thời là phong trào mạnh mẽ nhất châu Âu và đưa nước Đức lên vị thế Đế chế Thứ Ba. Thợ rèn Drexler với ý tưởng lộn xộn làm hạt nhân, thi sĩ nghiện rượu Eckart tạo nên nền tảng "tâm linh", nhà kinh tế quái đản Feder thiết lập ý thức hệ, con người đồng tính luyến ái Roehm mang đến sự hậu thuẫn của quân đội và cựu chiến binh .

Nhưng bây giờ, chính cái gã Adolf Hitler lông bông chưa tròn 31 tuổi và hoàn toàn vô danh ấy sẽ nắm lấy vai trò đi đầu trong việc gây dựng một tổ chức đang làm việc trong trụ sở nghèo nàn tiến lên thành một đảng phái chính trị đáng sợ .

Tất cả ý tưởng nhen nhúm từ những tháng ngày cô đơn đói kém ở Vienna giờ có chỗ phát huy và nguồn năng lượng nội tại trước đây âm ỉ giờ đã có dịp bùng cháy. Hitler thúc đẩy Trung ương Đảng còn đang rụt rè tiến lên để tổ chức những Đại hội lớn hơn. Ông tự đánh máy thư mời dự Đại hội. Ông kể lại, có một lần sau khi gửi đi 80 thư mời,"chúng tôi ngồi đợi đám đông mà chúng tôi nghĩ sẽ xuất hiện. Đã muộn 1 tiếng đồng hồ và 'Chủ tịch' phải tuyên bố khai mạc Đại hội. Một lần nữa, chỉ có 7 người – vẫn là 7 người cũ." Nhưng Hitler không sờn lòng. Ông tăng số người tham dự bằng cách cho in thư mời bằng ronéo. Ông dùng vài đồng mác Đức để nhờ đăng thông cáo Đại hội trên một tờ báo. Hitler kể: "Kết quả thật là diệu kỳ. Có 111 người đến dự." Hitler dự kiến sẽ có "bài phát biểu" đầu tiên, sau bài diễn văn chính của một "giáo sư Munich." Nhưng Herrer, Chủ tịch Đảng trên danh nghĩa, chống đối dự định này. Hitler kể: "Ông ấy chắc chắn là một con người chân thật, nhưng ông lại cho rằng tôi có khả năng làm được việc gì đây, chỉ có điều đó chắc chắn không phải là tài ăn nói. Thế nhưng tôi đã phát biểu trong suốt 30 phút – điều mà từ trước tới nay tôi chỉ nghĩ trong đầu, mà chẳng có cách nào chứng minh. Giờ điều đó đã trở thành hiện thực: tôi có khả năng diễn thuyết!" Hitler cho rằng cử toạ "giật nảy người" vì tài hùng biện của mình, và thể hiện sự phấn khích bằng cách đóng góp 300 đồng mác giúp Đảng vượt qua cơn khốn khó về tài chính trong một thời gian .

Vào đầu năm 1920, Hitler nhận lấy nhiệm vụ tuyên truyền cho Đảng, một công tác mà ông suy nghĩ rất nhiều kể từ lúc quan sát tầm quan trọng của tuyên truyền ở các đảng phái tại Vienna. Ông bắt đầu ngay bằng cách tổ chức một Đại hội lớn nhất mà Đảng tí hon này chưa bao giờ dám mơ đến. Đại hội được dự trù vào ngày 24 tháng 2 năm 1920 trong nhà hàng bia nổi tiếng Hofbrauhaus ở Munich với sức chứa lên đến 2.000 người. Các uỷ viên Trung ương nghĩ Hitler đã hoá điên. Harrer từ chức để phản đốivà được thay thế bởi Drexler, người cũng tỏ ra hoài nghi .

Hitler khẳng định mình phải là người đích thân lo liệu các công tác chuẩn bị. Đúng là Đại hội có tầm quan trọng đến mức Hitler kết thúc chương đầu của quyển Mein Kampf bằng đoạn mô tả Đại hội này, bởi vì đó là cơ hội để "Đảng thoát ra ngoài lớp vỏ bọc của một tổ chức nhỏ và lần đầu tiên ảnh hưởng quyết định tới yếu tố hùng mạnh nhất của thời đại chúng ta: chính kiến của quần chúng." Ngay cả Hitler vẫn không được xếp lịch là người phát biểu chính. Vai trò này được dành cho Tiến sĩ Johannes Dingfelder nào đấy, một bác sĩ vật lý theo phương pháp vi lượng đồng cân, con người lập dị đã đóng góp nhiều bài viết về kinh tế trên các báo và là người chẳng bao lâu nữa sẽ đi vào quên lãng. Mọi người đều im lặng sau bài diễn văn của ông, rồi đến phiên Hitler phát biểu. Theo như Hitler mô tả thì "Hội trường trở nên ồn ào với những tiếng la ó, và hỗn loạn vì các Đảng viên trung thành xô xát với những kẻ phá bĩnh của Đảng Cộng sản và Xã hội... và trật tự chỉ được vãn hồi từng chút một. Tôi được cho phép tiếp tục phát biểu. Sau nửa giờ, tiếng vỗ tay bắt đầu lấn át tiếng la ó... Gần 4 tiếng sau, khi phòng họp bắt đầu vắng, tôi biết rằng giờ đây người ta không còn phớt lờ những nguyên tắc của phong trào này nữa mà nó dần đang thâm nhập vào dân tộc Đức." Trong bài phát biểu đó, lần đầu tiên Hitler nêu lên 25 điểm trong cương lĩnh của Đảng Lao động Đức. Drexler, Feder và Hitler thảo ra bản cương lĩnh này một cách vội vã. Phần lớn tiếng la ó là nhắm vào bản cương lĩnh khi Hitler đọc lên, nhưng ông vẫn xem như tất cả các điểm đều được thông qua và trở thành chương trình hành động chính thức của Đảng Quốc xã khi tên được sửa ngày 1 tháng 4 năm 1920, thành Đảng Quốc gia Xã hội chủ nghĩa của Công nhân. Đúng thật là vì lý do chiến thuật, vào năm 1926, Hitler tuyên bố những điểm này là "không thể thay đổi." Các điểm trong bản cương lĩnh đúng là một thứ tạp nham, đánh đồng bao quát nhằm mua chuộc công nhân, giai cấp dưới trung lưu cùng nông dân và phần lớn đều bị quên lãng khi Đảng này lên nắm chính quyền. Nhiều cây bút có trình độ chế giễu điều đó, còn chính nhà lãnh đạo Quốc xã cảm thấy bối rối khi có người nhắc đến một số điểm. Tuy thế, giống như trường hợp của những nguyên tắc được thảo ra trong quyển Mein Kampf, những điểm quan trọng nhất sẽ được Đế chế Thứ Ba mang ra thi hành với hệ luỵ tàn khốc cho hàng triệu người trong và ngoài nước Đức .

Điểm thứ nhất trong bản cương lĩnh đòi hỏi hợp nhất mọi người Đức trong một nước Đức mở rộng. Phải chăng đây chính là việc mà Hitler thực hiện sau này khi sáp nhập Áo cùng 6 triệu người Đức với vùng Sudetenland cùng 3 triệu người Đức khác? Phải chăng đây cũng chính là yêu sách của Thủ tướng Hitler khi đòi lại vùng Danzig và những vùng đất khác ở Ba Lan có nhiều người Đức sinh sống bằng các cuộc tấn công trong Thế chiến II? Và phải chăng một trong những điều bất hạnh cho thế giới là có quá nhiều người trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến bỏ qua hoặc chế giễu mục đích này của Quốc xã mà Hitler cất công ghi trên giấy trắng mực đen? Chắc chắn là những quan điểm bài Do Thái đưa ra trong nhà hàng bia ở Munich buổi tối 24 tháng 2 năm 1920 đã thể hiện một lời cảnh cáo kinh khủng .

Người Do Thái sẽ bị mất việc làm, thậm chí mất quốc tịch ở Đức và bị loại ra khỏi báo chí. Những người vào Đế chế sau ngày 2 tháng 8 năm 1914 sẽ bị trục xuất .

Nhiều điểm trong bản cương lĩnh chỉ có tính cách mị dân nhằm lấy lòng tầng lớp dưới trong giai đoạn mà họ có cảm tình với những khẩu hiệu cực đoan. Ví dụ, Điểm 11: xoá bỏ thuế thu nhập do công ăn việc làm, Điểm 12: quốc hữu hoá các tập đoàn độc quyền, Điểm 13: nhà nước ăn chia lợi nhuận của các ngành công nghiệp lớn, Điểm 14: bãi bỏ thuế thuê đất và cấm đầu cơ đất đai, Điểm 18: án phạt tử hình cho kẻ bán nước, cho vay nặng lãi và trục lợi và Điểm 16: duy trì "giai cấp trung lưu lành mạnh", công xã hoá trung tâm bách hoá và cho doanh nhân nhỏ thuê với giá rẻ. Đó là những ý tưởng mà Drexler và Feder kiên quyết đưa vào, vì hiển nhiên họ tin nơi cụm từ "xã hội chủ nghĩa" trong cái tên Quốc gia Xã hội chủ nghĩa của Đảng. Những điểm ấy cũng khiến cho Hitler cảm thấy khó xử sau này khi giới công nghiệp và địa chủ bắt đầu rót tiền vào két sắt của Đảng và dĩ nhiên, những ý tưởng này sẽ chẳng bao giờ được thực hiện .

Tuy nhiên vẫn có hai điểm trong cương lĩnh đã được Hitler thi hành ngay khi trở thành Thủ tướng. Điểm 2 đòi xoá bỏ các Hoà ước Versailles và Saint-Germain. Và Điểm 25 trù định việc "thiết lập một quyền lực Trung ương mạnh cho Nhà nước." Điểm này – cũng giống như Điểm 1 đòi hỏi hợp nhất mọi người Đức trong Đế chế và Điểm 2 là xoá bỏ các Hoà ước – đều được chính Hitler kiên quyết đưa vào cương lĩnh. Việc này cho thấy ngay tại thời điểm khi mà bên ngoài Munich còn chưa có mấy ai biết đến Đảng của Hitler, thì ông đã phóng tầm nhìn đến chân trời xa hơn, dù cho có nguy cơ bị mất sự hậu thuẫn ngay trong lãnh địa của mình .

Vào lúc ấy, tư tưởng ly khai nổi lên mạnh mẽ ở Bavaria. Người Bavaria thường xuyên mâu thuẫn với chính quyền Trung ương vì họ yêu sách phân quyền nhiều hơn để Bavaria có thể được tự trị. Chính vào lúc mà họ đang thực hiện điều đó, Berlin đang có rất ít thẩm quyền ở các bang. Hitler đang nhắm đến quyền lực chẳng những ở Bavaria mà còn bao trùm cả nước Đức, và nếu muốn duy trì quyền lực như thế thì cần có chính quyền Trung ương vững mạnh, xoá bỏ những bang bán tự trị trong nền Cộng hoà hiện thời và trong Đế chế Hohenzollern. Một trong những động thái của Hitler sau ngày 30 tháng 1 năm 1933 là nhanh chóng thực hiện điểm cuối cùng trong cương lĩnh của Đảng, mà lúc đầu chẳng có mấy ai để ý hoặc cho là nghiêm túc. Và dĩ nhiên chẳng ai có thể trách Hitler đã không cảnh báo trước, trên giấy trắng mực đen, ngay từ bước khởi đầu .

Tài hùng biện sục sôi và cương lĩnh cực đoan, dù là quan trọng đối với một Đảng còn non nớt muốn thu hút sự chú ý và giành sự hậu thuẫn từ quần chúng, nhưng vẫn là chưa đủ. Bây giờ Hitler phải chú tâm đến rất nhiều việc khác. Đây chính là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy thiên bẩm kỳ lạ của Hitler bắt đầu bộc lộ. Ông nghĩ cái mà quần chúng cần không phải chỉ là ý tưởng – vài ý tưởng giản đơn mà ông liên tục nhồi nhét vào đầu óc của họ – mà là những biểu tượng nhằm tranh thủ lòng trung thành của họ, những nét phô trương và màu mè nhằm khích động họ và những hành động khủng bố để áp đặt lòng kiên trì và tạo cho họ cảm nghĩ về quyền lực đối với kẻ yếu .

Như ta đã thấy, ở Vienna, Hitler chú ý đến cách "khủng bố tinh thần và thể chất" mà Đảng Xã hội Dân chủ dùng để chống lại các đối thủ chính trị của họ. Và bây giờ ông lại áp dụng cùng phương cách vào Đảng chống Xã hội của mình. Khởi đầu, đám cựu chiến binh được điều động trong các buổi Đại hội để trấn áp những người la ó phản đối và nếu cần, sẽ đẩy họ ra khỏi phòng họp. Vào mùa hè 1920, cụm từ "Quốc gia Xã hội chủ nghĩa" được thêm vào cái tên "Đảng Lao động Đức" để trở thành Đảng Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa Lao động Đức, viết tắt theo tiếng Đức là N.S.D.A.P. Ngay sau đó, Hitler tổ chức cựu chiến binh thành một lực lượng máu lửa được nguỵ trang với tên gọi "Ban Thể dục thể thao", dưới quyền chỉ huy của Emil Maurice – một thợ làm đồng hồ đã từng vào tù. Ngày 5 tháng 10 năm 1921, lực lượng bán quân sự được chính thức đặt tên Sturmabteilung, gọi tắt là S.A.. Được tuyển từ đám lục lâm của Lực lượng Tự do, bận đồng phục màu nâu, lực lượng S.A. được đặt dưới sự chỉ huy của Johann Ulrich Klintzich, phụ tá của Đại uý Ehrhardt, người vừa mãn hạn tù do dính líu đến một vụ giết người .

Không mãn nguyện với việc giữ gìn trật tự trong các buổi đại hội của Quốc xã, lực lượng S.A. chẳng bao lâu đã can dự vào việc đàn áp những đảng phái khác. Một lần là vào năm 1921, do đích thân Hitler dẫn dắt tấn công một đại hội của nhóm đối lập và đánh đập Ballerstedt, người sẽ đọc diễn văn trong đại hội đó. Vì việc này, Hitler bị án 3 tháng tù, nhưng được trả tự do sau 1 tháng. Ông gần như trở thành một vị thánh tử vì đạo và giành được thêm nhiều sự hậu thuẫn. Hitler khoe khoang với cảnh sát: "Chẳng sao cả. Chúng tôi đã đạt được mục đích. Ballerstedt không thể phát biểu được nữa." Đúng như Hitler đã tuyên bố vài tháng trước: Trong tương lai, Phong trào Quốc gia Xã hội chủ nghĩa sẽ ngăn chặn một cách không khoan nhượng – bằng vũ lực nếu cần – mọi đại hội hoặc buổi diễn thuyết có thể khiến cho đồng bào ta phân tâm .

Vào mùa hè năm 1920, hoạ sĩ thất bại Hitler giờ đây trở thành bậc thầy về nghệ thuật tuyên truyền, nảy ra ý tưởng được xem là một cú đột phá của thiên tài. Ông thấy cái mà Đảng đang thiếu là một huy hiệu, một lá cờ, một biểu tượng nhằm thể hiện những gì mà Đảng muốn phát huy và nhằm kích thích óc tưởng tượng của quần chúng – những người sẽ tiến bước và chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng. Sau khi tập trung suy nghĩ và xem xét vô số mẫu thiết kế, Hitler tạo nên một lá cờ nền màu đỏ, ở giữa có một đĩa tròn màu trắng trong đó in hình chữ thập ngoặc màu đen. Hình chữ thập ngoặc này đã có từ ngàn xưa, sẽ trở thành một biểu tượng đầy sức mạnh và đáng sợ của Đảng Quốc xã và cuối cùng là của cả nước Đức. Trong quyển Mein Kampf, Hitler không trình bày mình lấy ý tưởng sử dụng hình chữ thập ngoặc này trên lá cờ và huy hiệu của Đảng Quốc xã này từ đâu .

Biểu tượng này đã có từ thuở xa xưa. Nó đã được tìm thấy ở phế tích thành Troy, ở Ai Cập và cả Trung Quốc. Chính tôi đã trông thấy nó tại các di tích thuộc Ấn giáo và Phật giáo ở Ấn Độ. Trong thời cận đại, nó được dùng làm biểu tượng chính thức của các nước vùng Baltic như Estonia và Phần Lan, nơi mà quân sĩ Đức đi qua trong Thế chiến I. Lữ đoàn Ehrhardt đã sơn biểu tượng này trên mũ sắt của họ khi tiến vào Berlin năm 1920 để đàn áp cuộc nổi dậy Kapp. Chắc chắn Hitler đã trông thấy nó ở Áo tại một trong những buổi đại hội bài Do Thái và thấy ấn tượng với nó khi Lữ đoàn Ehrhardt tiến vào Munich. Ông nói rằng có rất nhiều mẫu thiết kế mà Đảng viên đề xuất với ông có hình chữ thập ngoặc này .

Về màu sắc, dĩ nhiên là Hitler loại bỏ màu đen, đỏ và vàng của nền Cộng hoà mà nhiều người có ác cảm. Hitler tỏ ra thích màu đỏ, trắng và đen trong lá cờ Đế chế cũ, không những vì ông thấy các màu này "hoà hợp với nhau một cách tuyệt diệu nhất", mà còn vì ông đã chiến đấu dưới lá cờ ba màu ấy. Nhưng lá cờ của ông phải có mẫu khác đi, thế là hình chữ thập ngoặc được thêm vào .

Hitler tỏ ra say sưa với sáng tạo độc đáo của mình, ông nhấn mạnh trong quyển Mein Kampf. "Đúng thật là một biểu tượng đích thực!" "Qua màu đỏ ta thấy ý tưởng về xã hội của phong trào, qua màu trắng là ý tưởng về chủ nghĩa quốc gia, qua chữ thập ngoặc là nghĩa vụ tranh đấu cho chiến thắng của người Aryan." Chẳng bao lâu, lực lượng S.A. và đảng viên Quốc xã mang băng tay có hình chữ thập ngoặc và 2 năm sau, Hitler thiết kế lá cờ nghi thức để mang đi trong những cuộc diễu hành và để giăng lên sau khán đài trong những buổi mít tinh. Lấy từ những thiết kế La Mã cổ xưa, cờ nghi thức gồm chữ thập ngoặc đen phía trên với vòng hoa màu bạc có con ó đậu bên trên, phía dưới là chữ tắt N.S.D.A.P trên hình chữ nhật kim loại treo những tua và núm tua, một cờ chữ thập ngoặc hình vuông với dòng chữ Deutschland Erwache! (Đức Thức tỉnh!) Những tác phẩm này không hẳn là "mỹ thuật", nhưng nó lại là nghệ thuật tuyên truyền ở đẳng cấp cao. Đảng Quốc xã bây giờ có một biểu tượng mà không Đảng phái nào khác sánh bằng. Hình chữ thập ngoặc dường như tự nó toát ra một sức mạnh huyền bí, vẫy gọi những người thuộc tầng lớp dưới trung lưu vẫn còn đang lúng túng sau những năm đầu hậu chiến tranh đi theo con đường mới và họ bắt đầu tụ hội dưới lá cờ của Quốc xã .

BƯỚC TIẾN CỦA "LÃNH TỤ"

Vào mùa hè 1921, con người phát động trẻ tuổi với tài năng hùng biện, tổ chức và tuyên truyền đáng kinh ngạc, lúc đó đã lên nắm quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng. Hitler cho các đồng chí của mình lần đầu tiên nếm trải bản tính tàn độc và đầu óc tinh ranh về chiến thuật, mà nhờ đấy ông sẽ gặt hái thêm thắng lợi trong những cuộc khủng hoảng quan trọng hơn sau này .

Đầu mùa hè năm ấy, Hitler đi đến Berlin nhằm tiếp xúc với vài phe nhóm theo Chủ nghĩa Quốc gia, nhằm mục đích mở rộng phong trào Quốc xã ra toàn nước Đức. Trong khi ông đi vắng, những uỷ viên Trung ương khác của Đảng Quốc xã thấy có cơ hội để thách thức quyền lãnh đạo của ông. Hitler đã trở nên quá độc đoán với họ. Thế là họ trù định sáp nhập với những phe nhóm có chủ kiến tương tự, nghĩ rằng khi ấy ảnh hưởng của Hitler sẽ suy yếu .

Nhận ra vị thế của mình bị đe doạ, Hitler vội vã trở về Munich để dập tắt những người mà ông gọi là "mất trí điên rồ." Ông xin rút ra khỏi Đảng. Những uỷ viên Trung ương khác thấy ngay là Đảng không thể mất ông. Hitler không chỉ là nhà hùng biện tài giỏi nhất, mà còn là nhà tổ chức và tuyên truyền hữu hiệu nhất. Hơn nữa, chính Hitler là người mang về phần lớn ngân khoản đóng góp cho Đảng từ những buổi đại hội có ông phát biểu và từ những nguồn khác, kể cả quân đội. Nếu Hitler ra đi, chắc chắn Đảng Quốc xã sẽ tan rã. Trung ương Đảng khước từ ý nguyện của Hitler. Sau khi nhận thức rõ vị thế của mình, Hitler đã buộc các nhà lãnh đạo khác của Đảng phải nhượng bộ. Ông ta đòi hỏi quyền độc tài cho mình với tư cách là vị lãnh đạo duy nhất, xoá bỏ Trung ương Đảng và chấm dứt mưu đồ thoả hiệp với các phe nhóm khác .

Các uỷ viên Trung ương khác không thể chấp nhận. Dưới sự cầm đầu của người sáng lập Đảng là Anton Drexler, họ soạn ra một bản kết án nhà độc tài và cho lưu hành dưới dạng tờ rơi. Đây là lời kết án hệ trọng nhất mà Hitler từng phải đối diện trong nội bộ Đảng của mình, từ những người đã nhận ra bản chất của ông: "Lòng khao khát quyền lực và tham vọng cá nhân khiến cho Adolf Hitler trở về sau sáu tuần ở Berlin... Càng ngày càng thấy rõ rằng mục đích của ông chỉ là lợi dụng Đảng Quốc xã để làm bàn đạp cho mưu đồ vô đạo đức của mình, nhằm đoạt lấy quyền lãnh đạo và thúc ép Đảng đi theo một chiều hướng khác... Điều này được thể hiện rõ trong tối hậu thư ông gửi cho các nhà lãnh đạo Đảng, trong đó ông yêu sách sẽ nắm quyền độc tài tuyệt đối, đồng thời đòi Trung ương Đảng, kể cả Anton Drexler, người sáng lập và Lãnh tụ của Đảng, phải từ chức... Và làm thế nào ông ấy tiến hành chiến dịch? Giống như một người Do Thái. Ông ấy bẻ cong mọi sự kiện... Hỡi những người Quốc gia Xã hội chủ nghĩa! Hãy nhìn nhận lại con người này! Đừng nhầm lẫn. Hitler là kẻ mị dân... Ông ta tin mình có khả năng... làm đầy tai bạn bằng đủ thứ chuyện giả trá." Tuy lời kết án này là thiếu thuyết phục bởi tư tưởng bài Do Thái được thể hiện một cách khờ khạo (cho là Hitler hành động như một người Do Thái!), nhưng phần lớn các lập luận khác đều đúng lý. Tuy nhiên, việc công bố những lập luận ấy lại chẳng đem lại lợi ích gì cho nhóm phản đối. Hitler lập tức khởi kiện các tác giả của tờ rơi về tội vu khống và trong một buổi Đại hội, Drexler phải công khai rút lại bản kết án .

Trong 2 buổi họp đặc biệt của Đảng, Hitler đưa điều kiện để dàn hoà: xoá bỏ Trung ương Đảng và cho mình nắm chức chủ tịch Đảng với quyền hành độc tôn. Drexler được đẩy lên làm chủ tịch danh dự, và chẳng bao lâu bị cho ra rìa. Drexler rời khỏi Đảng năm 1923 nhưng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Nghị viện Bavaria trong giai đoạn 1924-1928. Năm 1930, ông dàn hoà với Hitler nhưng không bao giờ trở lại chính trường .

Tháng 7 năm 1921, "nguyên tắc lãnh đạo" được thiết lập, trở thành điều luật trên hết cho Đảng Quốc xã và sau đó cho Đế chế Thứ Ba. "Lãnh tụ" đã xuất hiện trên chính trường nước Đức .

Vị "lãnh tụ" bây giờ bắt đầu lo tái tổ chức Đảng. Từ một căn phòng nhỏ xíu, tối tăm, mà Hitler mô tả là giống hầm mộ hơn là một văn phòng, Đảng đã được dời về trụ sở mới, rộng rãi và sáng sủa hơn. Có thêm máy đánh chữ, tủ hồ sơ, nội thất, điện thoại và một thư ký lĩnh lương toàn thời gian .

Đảng tiếp tục nhận được thêm các đóng góp tài chính. Gần 1 năm về trước, tháng 12 năm 1920, Đảng mua lại tờ báo Voelkischer Beobachtercó xu hướng bài Do Thái, xuất bản mỗi tuần 2 lần, nhưng lại đang mang nợ. Hitler không cho biết nguồn gốc số tiền 60.000 mác Đức dùng để mua lại tờ báo, nhưng được biết Eckart và Roehm đã thuyết phục Thiếu tướng Ritter von Epp – Thượng cấp của Roehm trong quân đội và là đảng viên – giúp đỡ bằng cách quyên tiền. Nên rất có thể đó là từ quỹ mật của quân đội .

Từ đầu năm 1923, tờ báo Voelkischer Beobachter được phát hành hàng ngày, qua đó Hitler có một nhật báo làm tiếng nói cho Quốc xã. Điều hành một tờ nhật báo thì tất nhiên là cần thêm ngân khoản, và bây giờ, tiền đến từ các nguồn mà đối với những kẻ vô sản du côn của Đảng thì thật là lạ kỳ. Bà Helene Bechstein, vợ của nhà sản xuất dương cầm giàu có, là một trong số những nguồn ấy. Từ buổi gặp mặt đầu tiên, bà tỏ ra thích gã trẻ tuổi thích manh động, khi Hitler đến Berlin thì bà mời ông đến nhà mình, tổ chức những buổi họp mặt để giúp ông gặp gỡ giới giàu có và đóng những khoản tiền lớn cho phong trào. Một phần tiền tài trợ khác cho tờ báo mới thì được đóng góp bởi bà Gertrud von Seidlitz, người sở hữu cổ phần trong một vài nhà máy giấy ở Phần Lan .

Tháng 3 năm 1923, Ernst (Putzi) Hanfstaengl, tốt nghiệp Đại học Havard, có mẹ là người Mỹ, thuộc một gia đình có văn hoá và giàu có ở Munich, cho Đảng vay 1.000 USD để làm thế chấp cho tờ báo Đảng. Tính ra đồng mác trong giai đoạn lạm phát, đó là một khoản tiền lớn và giúp ích rất nhiều cho Đảng và tờ báo .

Trong hồi ký của mình mang tựa Unheard Witness (Người chứng không tên tuổi), Hanfstaengl cho biết tác nhân đưa đẩy ông về phía Hitler là một người Mỹ khác, Đại uý Truman Smith, lúc bấy giờ là phụ tá tuỳ viên quân sự trong Đại sứ quán Mỹ ở Berlin. Vào tháng 11 năm 1922, Smith được phái đến Munich để tìm hiểu về một người bí ẩn tên Adolf Hitler và Đảng Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Lao động mới của ông này. Chỉ là một gã quan trẻ nhưng Smith lại khá có tài về phân tích chính trị. Trong vòng một tuần, từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 11, ở Munich, ông xoay xở đi gặp Ludendorff, cựu Thái tử Rupprecht và một số nhà lãnh đạo chính trị ở Bavaria. Họ nói với ông rằng Hitler là một ngôi sao đang lên và phong trào của ông này là một lực lượng chính trị ngày càng rộng lớn. Smith vội đi tham dự một buổi diễn thuyết ngoài trời của Hitler. Ngay sau đó, ông viết trong nhật ký: "Tôi chưa bao giờ được chứng kiến một cảnh tượng như thế trong đời". Và sau đó: "Gặp Hitler, ông ấy hẹn trao đổi với tôi vào thứ Hai để giải thích về những mục tiêu của mình" .

Ngày thứ Hai, Smith tìm đến nơi cư ngụ của Hitler – như ông mô tả là "một phòng ngủ nhỏ trơ trọi trong một toà nhà ọp ẹp" và trao đổi một lúc lâu với nhà độc tài tương lai, lúc ấy không được mấy ai bên ngoài Munich biết đến. Smith ghi vào nhật ký: "Một người có khả năng thuyết phục phi thường! Hiếm khi được nghe một người có lý lẽ và nhiệt huyết đến thế". Đó là ngày 22 tháng 11 năm 1922 .

Trước khi trở về Berlin, Smith gặp và khuyên Hanfstaengl nên tìm hiểu Hitler. Hanfstaengl nghe theo lời khuyên và nhanh chóng bị tài hùng biện của Hitler cuốn hút .

Khi trở về Berlin, lúc ấy chưa biết nhiều về Hitler, Đại uý Smith viết một báo cáo dài được Đại sứ quán Mỹ gửi về Washington ngày 25 tháng 11 năm 1922. Đây là một tài liệu khác thường nếu xét qua thời điểm được soạn ra .

"Lực lượng chính trị hoạt động năng nổ nhất ở Bavaria vào lúc này là Đảng Lao động Quốc gia Xã hội chủ nghĩa. Đó là một phong trào quần chúng hơn là một Đảng chính trị, có tầm ảnh hưởng đối với đời sống chính trị Bavaria tương tự như Đảng Phát xít đối với nước Ý... Gần đây, Đảng này tạo được ảnh hưởng chính trị rộng lớn so với tầm vóc của nó... Ngay từ đầu, Adolf Hitler đã là sức mạnh chiếm ưu thế trong phong trào và cá tính của nhân vật này chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa đến thành công... Ông có khả năng kỳ lạ trong việc tạo ảnh hưởng đến đám đông quần chúng. Khi nói chuyện riêng, ông hiện thân là người ăn nói hùng hồn, có lý lẽ, cộng với lòng tha thiết cuồng tín tạo được ấn tượng cho những người nghe mang tư tưởng trung lập" .

Smith, sau này là Đại tá tuỳ viên quân sự Mỹ tại Berlin trong những năm đầu của chế độ Quốc xã, cho tác giả sử dụng nhật ký và sổ ghi chép của ông về chuyến đi Munich. Tài liệu có giá trị cao để soạn chương này .

Nhưng tình thân hữu của gia đình Hanfstaengl vượt quá cả sự hỗ trợ tài chính. Họ là một trong số những gia đình danh giá đầu tiên ở Munich mở rộng cửa tiếp đón anh chính trị gia trẻ thích tranh luận. Hanfstaengl trở thành bạn thân của Hitler và cuối cùng được cử vào chức Trưởng ban Báo chí Nước ngoài của Đảng. Là một người lập dị, lóng ngóng, có đầu óc nông cạn nhưng bù lại là tính dí dỏm, đồng thời Hanfstaengl cũng là một nhạc sĩ dương cầm tài hoa. Vào nhiều buổi tối, ngay cả sau khi Hitler lên cầm quyền, anh kiếu từ bọn nhà báo chúng tôi vì Lãnh tụ mời anh đến nhà. Tiếng dương cầm và tính hài hước của ông giúp xoa dịu và thậm chí làm cho Hitler vui lên sau một ngày làm việc mệt nhọc .

Về sau, con người Harvard lạ kỳ nhưng vui tính – giống như một số bạn thân đầu tiên của Hitler – phải rời bỏ nước Đức để bảo toàn tính mạng. Trong Thế chiến II, có thời Hanfstaengl làm "cố vấn" cho Chính phủ Mỹ về Đức Quốc xã – vai trò làm cho những người Mỹ biết về ông và Đức Quốc xã cảm thấy khó hiểu và hẳn là sẽ khiến cho Hanfstaengl phải cười thầm .

Phần lớn phụ tá thân cận nhất của Hitler đã hoặc sẽ gia nhập Đảng vào thời kỳ này. Rudolf Hess gia nhập năm 1920. Ông là một thương gia người Đức, nhưng sinh sống ở Ai Cập. Hess dành 14 năm đầu đời ở đất nước ấy và chỉ trở về Rhineland để học hành. Trong chiến tranh, có một thời gian ông hoạt động cùng 1 Trung đoàn với Hitler, mặc dù cả 2 không hề quen biết nhau. Ông làm một phi công và đã từng bị thương 2 lần khi tham chiến. Sau này ông theo học kinh tế ở Đại học Munich, nhưng bỏ nhiều thời gian để phân phát truyền đơn bài Do Thái và xô xát với các phe nhóm vũ trang đang hoành hành ở Bavaria. Ông gặp nguy hiểm và bị thương ở chân khi chế độ Xô Viết sụp đổ ở Munich vào ngày 1 tháng 5 năm 1919. Vào buổi chiều của 1 năm sau đó, ông đến để nghe Hitler phát biểu trong một đại hội, Hess bị ngôn từ hùng biện lôi cuốn rồi gia nhập Đảng. Chẳng bao lâu, ông trở thành bạn thân, Đảng viên tận tụy và là thư ký của vị lãnh tụ. Chính Hess giới thiệu cho Hitler những ý tưởng địa-chính trị của Tướng Karl Haushofer – lúc này đang là giáo sư địa-chính trị ở Đại học Munich .

Hess khiến cho Hitler phấn khích với một luận văn đoạt giải thưởng, tựa đề "Người sẽ lãnh đạo Đức lên lại đỉnh cao phải có tố chất như thế nào?" "Khi mọi quyền lực đã tan biến, chỉ một người trong quần chúng có thể thiết lập quyền lực... Nếu nhà độc tài có gốc gác càng sâu trong quần chúng, thì ông càng thấu hiểu phải đối xử với tâm lý quần chúng như thế nào và khi nhân công càng tin tưởng ông hơn, ông lại càng giành thêm hậu thuẫn từ những tầng lớp năng động nhất trong dân chúng hơn... Khi cần phải chỉ huy, ông không ngại gây đổ máu. Những vấn đề lớn lao luôn luôn được giải quyết bằng máu và sắt... Để đạt được mục tiêu của mình, ông phải sẵn sàng đè bẹp bạn hữu thân cận nhất... Và nếu cần thiết, ông có thể giẫm bẹp quần chúng dưới gót giày của binh sĩ..." Chẳng lạ gì mà Hitler chịu ảnh hưởng của Hess. Đó có lẽ không phải là chân dung của nhà lãnh đạo vào lúc này, nhưng là của nhà lãnh đạo mà Hitler muốn đạt đến – và sẽ đạt được. Dù cho vẻ bề ngoài nghiêm túc và siêng năng, Hess vẫn là con người có óc thông minh hạn chế, luôn luôn đón nhận tư tưởng kỳ quặc mà ông theo đuổi một cách quá khích. Ông tỏ ra là người trung thành và đáng tin cậy nhất đối với Hitler gần như đến những giây phút cuối cùng .

Alfred Rosenberg là một người có trí óc kém cỏi dù thường được ca ngợi là nhà "lãnh đạo tinh thần" và "triết gia" của Đảng Quốc xã. Ông là con trai của một thợ làm giày, sinh ra vào ngày 12 tháng 2 năm 1893 tại Reval (Tallinn hiện nay) ở Estonia, là một phần của Đế quốc Nga từ năm 1721. Ông chọn học Đại học ở Nga, thay vì ở Đức và đã lấy được bằng kiến trúc ở Đại học Moscow năm 1917, rồi xin gia nhập Quân đội Đức nhưng bị từ chối vì lý do là "người Nga" .

Rosenberg gia nhập Đảng Quốc xã cuối năm 1919. Một điều hiển nhiên là người thật sự đỗ bằng kiến trúc luôn tạo ấn tượng tốt với người không xin được vào trường kiến trúc. Hitler ấn tượng với "sự nghiệp học hành" của Rosenberg, cũng như thích thú với lòng thù hận người Do Thái của ông ta. Đến cuối năm 1932, Hitler cử ông làm chủ bút cho tờ báo của Đảng. Trong nhiều năm, Hitler tiếp tục nâng đỡ "triết gia" rỗng tuếch này như là vị cố vấn tri thức của phong trào Quốc xã và là một trong những nhân vật chính yếu có kiến thức về ngoại giao .

Tương tự Rudolf Hess, Hermann Goering đến Munich một thời gian sau chiến tranh để theo học kinh tế tại Đại học Munich và cũng bị Adolf Hitler cuốn hút. Ông là một trong những anh hùng quân đội nổi tiếng, chỉ huy một phi đội máy bay chiến đấu, được ban thưởng Huân chương Pour le Mérite cao quý nhất của Đế chế Đức. Sau chiến tranh, so với phần đông cựu chiến binh, Goering cảm thấy còn khó khăn hơn trong việc trở lại đời sống dân sự yên bình. Trong một thời gian, ông là phi công vận tải ở Đan Mạch và sau đó là ở Thuỵ Điển. Một ngày, ông được thuê lái máy bay đưa Bá tước Eric von Rosen về cơ ngơi của ông này. Trong khi làm khách ở đây, ông đem lòng yêu chị vợ của Bá tước Eric von Rosen tên là Carin von Kantzow, nhũ danh Baroness Fock, một trong những hoa khôi của Thuỵ Điển. Nhưng có một số khó khăn nảy sinh, Carin von Kantzow bị mắc chứng động kinh. Cô cũng đã kết hôn và đang có một cậu con trai lên 8 tuổi. Tuy nhiên cô đã dàn xếp việc ly dị để cưới chàng phi công có tính nịnh đầm. Nhờ có nhiều của cải, cô cùng với người chồng mới dời đến Munich, nơi cô sống trong dư dả, còn anh chồng thì học hành phất phơ ở trường Đại học .

Nhưng chẳng được lâu. Goering gặp Hitler năm 1921, gia nhập Đảng, hào phóng đóng góp tài chính cho Đảng (và cho cá nhân Hitler), trút mọi năng lượng không mệt mỏi vào việc tổ chức lực lượng S.A. và năm sau được cử làm chỉ huy lực lượng này .

Một đám người ít nổi tiếng hơn và phần lớn là kẻ nhơ nhuốc gia nhập làm cận thần cho nhà độc tài của Đảng. Cựu chiến binh Max Amann có tính sắt đá, vụng về nhưng là nhà tổ chức có năng lực, được cử làm quản trị kinh doanh của Đảng và quản lý tờ báo của Đảng, rồi sau đó nhanh chóng mang lại sự ổn định tài chính cho cả hai .

Hitler chọn Ulrich Graf làm cận vệ. Người này là một đô vật nghiệp dư, thợ học nghề giết mổ gia súc và là người hay gây gổ khét tiếng .

Heinrich Hoffmann được chọn là nhà nhiếp ảnh riêng, trong nhiều năm là người duy nhất được phép chụp ảnh Hitler. Ông này trung thành với Hitler như con cún và cũng biết cách kiếm lợi, nên cuối cùng trở thành triệu phú .

Một chiến hữu hay gây gổ được tin cậy khác là Christian Weber, người buôn bán ngựa, uống bia như hũ chìm .

Cũng thân cận với Hitler trong thời gian này là Hermann Esser, có tài hùng biện có thể sánh với nhà lãnh tụ và những bài báo bài Do Thái của ông thì luôn gây được sự chú ý. Ông không giấu giếm rằng mình được sống nhàn nhã một thời gian là nhờ vào những cô nhân tình hào phóng. Là một tên chuyên tống tiền khét tiếng, kẻ sẵn sàng "lật mặt" với những người trong Đảng có thể gây trở ngại cho ông ta. Esser khiến cho nhiều người kinh tởm đến nỗi họ đòi trục xuất ông ra khỏi Đảng. Tuy vậy, Hitler đã công khai đáp trả rằng: "Tôi biết Esser là một tên vô lại, nhưng tôi sẽ trọng dụng anh ta khi nào mà anh ta còn hữu ích cho tôi". Đó là thái độ của Hitler đối với hầu hết những người cộng tác với mình: chẳng cần biết quá khứ của họ xấu xa như thế nào – hoặc ngay cả hiện tại họ ra sao. Kẻ sát nhân, ma cô, người đồng tính luyến ái, nghiện ngập hoặc chỉ là người hay gây rối đều chẳng có nghĩa lý gì, miễn là họ giúp ông đạt được mục đích .

Lấy ví dụ, Hitler vẫn trọng dụng Julius Streicher gần đến phút chót. Con người bạo dâm suy đồi này ban đầu là giáo viên trường sơ cấp, rồi trở thành một trong những cộng sự tai tiếng nhất của Hitler từ năm 1922 đến năm 1939. Là người chuyên thông dâm (như đã tự khoe khoang), tống tiền ngay cả chồng của những phụ nữ làm nhân tình của mình, ông trở nên nổi tiếng và giàu có nhờ tư tưởng bài Do Thái một cách mù quáng. Tờ tuần báo khét tiếng của ông đăng đầy những mẩu chuyện gớm ghiếc về tội ác của người Do Thái và những kẻ "sát nhân theo nghi thức". Những chi tiết ấy tục tĩu đến mức khiến ngay cả các Đảng viên Quốc xã cũng cảm thấy nôn mửa. Streicher cũng khét tiếng vì thói ưa thích tranh ảnh khiêu dâm. Ông nổi danh như là "Vua không ngai" với trung tâm quyền lực đặt tại Nuremberg, nơi mà ông làm luật qua mệnh lệnh và ai làm phật ý ông đều không thoát khỏi tù tội và tra tấn. Người ta luôn thấy hình ảnh của ông với một sợi roi da trên tay hoặc giắt trên lưng và cười cợt khoe khoang về những trận đòn thị uy với đối thủ .

Đó là những người mà Hitler lôi kéo đến quanh mình trong những năm đầu tiên tiến đến địa vị độc tài ở một đất nước đã sản sinh ra nhiều triết gia, nhà văn và nhà soạn nhạc nổi tiếng .

Ngày 1 tháng 4 năm 1920, ngày mà Đảng Lao động Đức trở thành Đảng Lao động Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Lao động Đức – từ đây có tên tắt "Quốc xã". Hitler rời bỏ hẳn quân ngũ. Từ lúc này, ông dành tất cả thời giờ cho Đảng Quốc xã, trong khi ông không bao giờ hưởng lương từ ngân quỹ của Đảng .

Thế thì Hitler sinh sống bằng cách nào? Những người làm việc cho Đảng thỉnh thoảng đặt câu hỏi như thế. Trong bản kết án mà các uỷ viên Trung ương soạn thảo tháng 7 năm 1921, họ thẳng thừng đặt vấn đề: "Nếu có Đảng viên hỏi ông ấy sinh sống bằng cách nào và nghề nghiệp trước đây ra sao, ông luôn tỏ ra giận dữ và phấn khích. Cho đến nay vẫn không có câu trả lời nào cho nghi vấn ấy. Có thể là do lương tâm không được trong sạch, đặc biệt là khi ông ta còn có những hoạt động mua dâm đắt đỏ với phụ nữ..." Trong phiên toà Hitler bị khởi kiện với tội danh vu khống đối với tác giả của tờ rơi đã công kích mình, ông đã trả lời câu hỏi của toà về việc mình sống như thế nào: "Nếu diễn thuyết cho Đảng Quốc xã thì tôi không nhận thù lao. Nhưng nếu diễn thuyết cho đoàn thể khác... dĩ nhiên tôi nhận thù lao. Tôi cũng dùng bữa trưa luân phiên với nhiều đồng chí trong Đảng. Tôi còn được một số đồng chí hỗ trợ phần nào vật chất" .

Có lẽ điều đó cũng gần với sự thật. Những bạn hữu giàu có của Hitler chắc chắn cho ông "vay" để trả tiền thuê phòng, mua quần áo và thực phẩm .

Nhu cầu của ông chắc chắn là giản đơn. Cho đến năm 1929, Hitler thuê một căn hộ hai phòng ngủ trong một khu vực của giai cấp trung lưu thấp gần sông Isar. Vào mùa đông, ông thường mặc một chiếc áo choàng cũ, mà sau này trở thành vật dụng quen thuộc đối với bất cứ ai ở Đức qua nhiều bức ảnh của ông. Năm 1923, Eckart và Esser tình cờ gặp Hitler ở một khách sạn nghỉ hè gần Berchtesgaden giữa cảnh núi rừng đẹp đẽ mà ông ưa thích. Chính ở nơi này, về sau Hitler cho xây biệt thự rộng lớn Berghof mà ông thường đến nghỉ dưỡng trong những năm trước Thế chiến II .

Tuy nhiên, giữa các năm 1921 và 1923, ông không có nhiều thời giờ để nghỉ ngơi. Phải lo xây dựng và kiểm soát Đảng trong tình hình các phe nhóm chống đối cũng ương ngạnh như chính ông. Đảng Quốc xã chỉ là một trong số những phong trào cánh Hữu ở Bavaria đang cố giành sự chú ý và hậu thuẫn của công chúng, vì ngoài ra còn có rất nhiều các phong trào khác đang diễn ra trên toàn nước Đức .

Có một loạt biến cố và tình hình luôn thay đổi khiến một chính trị gia phải theo dõi, đánh giá và lợi dụng. Tháng 4 năm 1921, phe Đồng minh áp đặt Đức phải trả tiền bồi thường chiến tranh lên đến 33 tỉ USD – mà người Đức ca thán không thể nào chi trả được. Tỉ giá bình thường là 4 đồng mác Đức đổi 1 USD, nhưng lại có xu thế giảm nhanh chóng: mùa hè 1921 là 75, năm sau đến 400 đồng mác đổi 1 USD. Nhiều vụ ám sát chính trị nghiêm trọng xảy ra, thủ phạm thường thuộc cánh Hữu. Chính phủ đang lung lay ở Berlin đòi giải tán vô số tổ chức vũ trang và chấm dứt tình trạng bạo lực chính trị. Chính quyền Bang Bavaria cảm thấy khó mà chiều lòng Nhà nước Trung ương. Khi họ định thực hiện luật chống khủng bố, các phe cánh Hữu – mà Hitler là một trong những nhà lãnh đạo – đã tổ chức âm mưu lật đổ chính quyền Bavaria và kéo đến Berlin để xoá bỏ nền Cộng hoà .

Nước Cộng hoà Đức phôi thai đang bị khủng hoảng trầm trọng khi bị cả hai cánh Hữu và Tả đe doạ sự sống còn .

Nhưng là được tuyên cáo một cách ngẫu nhiên! Vào chiều ngày 9 tháng 9, sau khi Hoàng đế thoái vị, Đảng Dân chủ Xã hội dưới quyền lãnh đạo của Friedrich Ebert và Phillipp Scheidemann gặp nhau ở Nghị viện. Họ vô cùng phân vân, không biết phải làm gì. Ebert ủng hộ chế độ quân chủ lập hiến, nghĩ rằng bất kỳ người con nào của cựu Hoàng đế lên nắm quyền cũng được, nhưng phải ngoại trừ vị Hoàng Thái tử có tư cách phóng đãng ra. Ebert mặc dù đang dẫn dắt Đảng xã hội nhưng lại căm ghét các cuộc cách mạng xã hội vì nghĩ chúng chính là tội ác .

Nhưng những cuộc cách mạng ở Berlin vẫn cháy âm ỉ. Thủ đô bị tê liệt vì tổng đình công. Cách toà nhà Nghị viện vài khu phố, nhóm Spartakist dưới quyền Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht đang tập hợp để chuẩn bị thiết lập nền Cộng hoà Xô Viết. Đảng Dân chủ Xã hội cảm thấy lo âu. Cần phải làm gì đấy để ngăn cản đây? Một ý tưởng chợt loé lên trong đầu Scheidemann. Không tham khảo ý kiến các đồng chí, ông vội vàng tuyên bố thành lập nền Cộng hoà! Ebert giận dữ, vì đã hy vọng bằng cách nào đấy có thể cứu vãn được vương triều Hohenzollern .

Thế là, Cộng hoà Đức ra đời, như một cú ăn may. Cả hai phe Xã hội và Bảo thủ đều chẳng thiết tha với nền Cộng hoà. Phe Bảo thủ và các chỉ huy Quân đội – Ludendorff và Hindenburg – ấn quyền lực chính trị vào tay Đảng Dân chủ Xã hội lúc ấy còn đang lưỡng lự. Bằng cách đó, họ đùn đẩy giao trách nhiệm ký bản Hiệp định đầu hàng và sau đó là hoà ước lên vai của giai cấp công nhân thiên dân chủ. Giới này sẽ phải chịu sự phê phán về việc nước Đức bại trận và về hậu quả của nền hoà bình bị áp đặt lên nhân dân Đức. Đó là trò lừa bịp xoàng xĩnh mà đứa trẻ con cũng nhận ra, nhưng ở Đức lại thành công. Nền Cộng hoà đã chịu bất hạnh ngay từ lúc khởi đầu .

Mà mọi việc có lẽ cũng không tệ đến vậy. Khi nắm quyền tuyệt đối vào tháng 11 năm 1918, Đảng Dân chủ Xã hội có thể nhanh chóng đặt nền móng cho nền Cộng hoà vĩnh cửu. Nhưng muốn làm được việc này, họ phải khống chế các phe phái ủng hộ vương triều, những kẻ không chấp nhận một nước Đức dân chủ: các chủ đất người Junker, lực lượng tự do, công chức cấp cao của đế quốc cũ, và trên hết, tầng lớp lãnh đạo quân đội. Họ cũng phải cải cách đất đai, cải tổ công nghiệp nắm độc quyền, và loại bỏ khỏi hệ thống hành chính, toà án, cảnh sát, trường đại học và quân đội những phần tử không muốn phục vụ chế độ dân chủ mới .

Đảng Dân chủ Xã hội – chủ yếu là các nghiệp đoàn với cùng thói quen nhượng bộ những định chế xưa cũ – không dám thực hiện những việc như thế. Thay vào đó, họ lại muốn trao quyền cho một định chế luôn có ảnh hưởng lớn trong nước Đức: Quân đội. Dù cho bị đánh bại trên chiến trường, quân đội vẫn hy vọng có thể trụ vững ở hậu phương và chiến thắng phe Cách mạng. Để thực hiện việc này, họ phải hành động một cách nhanh chóng và can đảm .

Đêm 9 tháng 11 năm 1918, vài tiếng đồng hồ sau khi nền Cộng hoà được "tuyên cáo", điện thoại trong phòng làm việc của Ebert ở Phủ Thủ tướng reo vang. Đó là một cuộc điện thoại rất đặc biệt, vì được nối với Tổng Hành dinh Tối cao ở Spa qua đường dây riêng và bí mật. Ebert lúc đó đang ở một mình, ông nhấc máy và đó là giọng của Groener. Ebert thật sự ấn tượng trước việc một người từng là thợ làm yên xe, mà giờ đây lại hoang mang vì những biến cố ban ngày đã ấn vào tay ông một ít quyền lực còn sót lại của nước Đức đang tan rã. Tướng Wilhelm Groener đã tiếp nhiệm Ludendorff làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Trước đó trong ngày, khi Thống chế von Hindenburg đang ngập ngừng, chính Groener đã nói thẳng với Hoàng đế rằng binh lính dưới quyền chẳng còn trung thành với triều đình và ông này phải ra đi. Đó là một hành động can đảm mà quân đội chẳng bao giờ tha thứ. Ebert và Groener có mối quan hệ tôn trọng nhau từ trước, đã thảo luận với nhau về cách làm thế nào cứu vãn vương triều và Tổ quốc .

Bấy giờ, khi Tổ quốc đang lâm vào cảnh khủng hoảng, nhà lãnh đạo Dân chủ Xã hội và vị tướng đứng hàng thứ hai trong đội quân bí mật đạt một thoả hiệp nhằm quyết định vận mệnh của đất nước. Ebert đồng ý sẽ trấn áp tình trạng vô Chính phủ và giữ cho quân đội tuân theo mọi truyền thống. Groener cam kết sự hậu thuẫn của quân đội để giúp Chính phủ mới đứng vững và đạt mục đích .

"Liệu Thống chế (Hindenburg) có tiếp tục tại vị không?" Ebert hỏi .

Tướng Groener đáp rằng ông ấy sẽ tiếp tục .

"Xin chuyển tới Ngài Thống chế lời cảm ơn của Chính phủ", Ebert đáp lại .

Quân đội Đức được đã được cứu nguy, nhưng nền Cộng hoà lại bị thua thiệt. Ngoại trừ Groener và một số ít người khác, các tướng lĩnh không bao giờ phục vụ Nhà nước một cách trung thành. Cuối cùng, dưới sự dẫn dắt của Hindenburg, họ phản bội nền Cộng hoà và ngả theo Quốc xã .

Chắc chắn là trong thời gian này, viễn cảnh của những gì vừa xảy ra đã ám ảnh tinh thần của Ebert và một số ít Đảng viên Xã hội. Họ không muốn đóng vai trò của những Kerensky. Họ không muốn bị Bolshevik qua mặt. Mọi nơi trên nước Đức, những Hội đồng Quân nhân và Hội đồng Công nhân mọc lên và nắm quyền hành – giống như ở nước Nga. Chính những Hội đồng này, vào ngày 10 tháng 11, bầu lên Hội đồng Đại biểu Nhân dân do Ebert cầm đầu để tạm thời điều hành nước Đức. Vào tháng 12, Đại hội Xô Viết Đức được tổ chức lần đầu tiên. Quy tụ đại biểu từ Hội đồng Quân nhân và Hội đồng Công nhân ở các địa phương, Đại hội yêu cầu Hindenburg từ chức, giải tán quân đội và thay thế bằng lực lượng dân phòng với sĩ quan được chọn từ người trong lực lượng này và chịu dưới quyền chỉ huy tối cao của Hội đồng .

Tình hình này vượt quá mức chịu đựng của Hindenburg và Groener. Họ không công nhận thẩm quyền của Đại hội Xô Viết. Và chính Ebert cũng không hề có bất kỳ hành động nào tuân theo yêu cầu của Đại hội. Nhưng quân đội, đang tranh đấu cho sự tồn tại của họ, đòi hỏi Chính phủ mà họ đồng ý ủng hộ có động thái tích cực hơn. Hai ngày trước lễ Giáng sinh, Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến Nhân dân dưới sự kiểm soát của nhóm Spartakist thiên cộng sản xâm nhập Phủ Thủ tướng và cắt đường điện thoại. Nhưng đường dây mật nối với tổng hành dinh Quân đội vẫn hoạt động và qua đó, Ebert gọi điện yêu cầu hỗ trợ. Quân đội hứa sẽ can thiệp, nhưng trước khi họ đến nơi, nhóm binh sĩ nổi loạn đã rút về doanh trại của mình .

Nhóm Spartakist, dưới quyền Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht – 2 nhân vật gây rối năng nổ nhất nước Đức – tiếp tục tranh đấu cho nền Cộng hoà Xô Viết với lực lượng vũ trang ngày càng mạnh hơn. Vào trước lễ Giáng sinh, Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến dễ đàng đẩy lui đội quân được điều từ Potsdam đến. Hindenburg và Groener thúc ép Ebert phải tôn trọng cam kết của hai bên mà trấn áp nhóm Bolshevik. Hai ngày sau Giáng sinh, Ebert bổ nhiệm Gustav Noske làm Bộ trưởng Quốc phòng .

Noske là một tên đồ tể bậc thầy, một công nhân đã đi lên từ phong trào nghiệp đoàn và Đảng Xã hội Dân chủ, đắc cử đại biểu Nghị viện năm 1906 và được Đảng xem là chuyên gia về quân sự, cũng là người theo chủ nghĩa quốc gia sắt đá. Hoàng thân Max of Baden (cầm đầu chính quyền dân sự) đã chọn anh ta để đàn áp vụ nổi loạn của Hải quân ở Kiel vào những ngày đầu tháng 11 và anh ta đàn áp thật sự. Người có thân hình vạm vỡ, cằm vuông, sức mạnh dồi dào tuy óc thông minh hạn chế, khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng thì tuyên bố "phải có ai đó làm chó săn" .

Đầu tháng 1 năm 1919, Noske ra tay. Trong các ngày 10 đến 17, binh sĩ chính quy và tự do dưới quyền Noske và Tướng von Luettwitz mở cuộc đàn áp phe Spartakist. Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht bị bắt rồi bị hạ sát .

Ngay sau khi cuộc đàn áp ở Berlin kết thúc, cuộc tổng tuyển cử Nghị viện để soạn thảo bản Hiến pháp mới diễn ra ngày 19 tháng 1 năm 1919. Kết quả cho thấy giai cấp thượng lưu và trung lưu đã cất tiếng nói can đảm hơn. Đảng Dân chủ Xã hội nhận được 13.800.000 phiếu trên tổng số 30.000 phiếu, chiếm 185 trong tổng số 421 ghế trong Nghị viện, rõ ràng là vẫn còn thiếu khá nhiều để đạt đa số ghế. Điều này cho thấy là một mình giai cấp công nhân là không đủ để xây dựng lại nước Đức. Hai Đảng của giai cấp trung lưu – phe Trung dung – đạt được 11.500.000 phiếu, chiếm tổng cộng 166 ghế Cả 2 Đảng này đều ủng hộ nền Cộng hoà ôn hoà, dân chủ, dù có cảm tình với việc phục hồi vương triều .

Các đảng Bảo thủ cho thấy, dù chiếm số ghế ít hơn, nhưng họ vẫn chưa bị xoá bỏ. Dù là thiểu số, hai Đảng Bảo thủ vẫn đủ số ghế để tiếng nói của mình có sự ảnh hưởng .

Hiến pháp được Nghị viện thông qua ngày 31 tháng 7 năm 1919 trên giấy tờ có tính phóng khoáng và dân chủ nhất trong thế kỷ XX, thiết lập nhiều định chế tài tình và đáng khen để đảm bảo nền dân chủ vận hành được suôn sẻ. Ý tưởng về chính quyền Nội các được vay mượn từ Anh và Pháp, về Tổng thống từ Hoa Kỳ, về trưng cầu dân ý từ Thuỵ Sĩ. Một hệ thống chi ly và phức tạp bao gồm việc đại diện và bầu cử theo danh sách được thiết lập nhằm ngăn chặn lá phiếu bị uổng phí và cho phép các Đảng thiểu số quyền được đại diện trong Nghị viện .

Dĩ nhiên là bản Hiến pháp này cũng có khuyết điểm, cuối cùng dẫn đến hậu quả tai hại. Hệ thống đại diện và bầu cử theo danh sách dẫn đến việc đưa vào những Đảng thiểu số, rốt cuộc không thể tạo ra thế đa số vững chắc, và chính quyền phải thay đổi thường xuyên. Cuộc bầu cử toàn quốc năm 1930 có đến 28 Đảng tham dự .

Đáng lẽ nền Cộng hoà có thể được ổn định nếu vài ý tưởng của Giáo sư Hugo Preuss – người chủ trì soạn thảo bản Hiến pháp Weimar – được thực hiện. Ông đề nghị thành lập Chính phủ Trung ương tập quyền, giải tán Phổ và những bang khác để chuyển thành tỉnh. Nhưng Quốc hội bác bỏ đề nghị này .

Cuối cùng, Hiến pháp Weimar ban cho Tổng thống quyền độc tài trong tình trạng khẩn cấp. Các Thủ tướng Bruening, von Papen và von Schleicher lạm dụng điều này để điều hành mà không cần sự chuẩn y của Nghị viện, vì thế hậu quả là sự cáo chung của chính quyền Nghị viện Dân chủ ngay cả trước khi Hitler nổi lên .

Ngôn từ của bản Hiến pháp Weimar tỏ ra ngọt ngào và hùng hồn đối với những người yêu dân chủ: "Quyền hạn chính trị là từ nhân dân... Không gì xâm phạm được tự do cá nhân... Mọi người Đức đều có quyền... tự do phát biểu ý kiến của mình... Mọi cư dân Đức được hưởng hoàn toàn quyền tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng..." Theo tinh thần Hiến pháp Weimar này, không ai trên Trái Đất này được hưởng nền dân chủ phóng khoáng như người Đức. Ít nhất trên giấy tờ là như thế .

CÁI BÓNG CỦA HOÀ ƯỚC VERSAILLES

Trước khi bản Hiến pháp Weimar được soạn thảo xong, một biến cố không tránh khỏi đã xảy ra, đe doạ việc nền Cộng hoà sẽ được thành lập. Trong những ngày náo loạn của thời bình và ngay cả sau những buổi tranh luận của Nghị viện ở Weimar, dường như dân Đức chẳng để ý gì đến những hệ luỵ của việc họ là chiến bại trong Thế chiến I. Hoặc nếu có để ý thì dường như họ tự tin rằng sau khi lật đổ vương triều Hohenzollern, trấn áp phe Bolshevik và chuẩn bị thành lập Chính phủ Cộng hoà và Dân chủ, họ sẽ được quyền hưởng một nền hoà bình công bằng mà không phải chịu số phận như một nước chiến bại .

Ký ức của người Đức dường như không thể bị kéo trở lại một năm trước, vào ngày 3 tháng 3 năm 1918, khi mà Bộ Tư lệnh Tối cao Đức, lúc ấy đang chiến thắng, áp đặt lên nước Nga chiến bại một hoà ước mà 2 thập kỷ sau, một sử gia người Anh viết là "nhục nhã không có tiền lệ và chẳng có hoà ước nào sánh bằng trong lịch sử hiện đại", Hoà ước này đã chiếm đoạt của Nga một diện tích gần bằng Áo-Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ cộng lại với 56 triệu dân, tức ⅓ dân số của Nga, một phần ba chiều dài đường sắt, 73% lượng quặng sắt, 89% sản lượng than, và trên 5.000 nhà máy. Thêm nữa, Nga còn phải trả tiền bồi thường lên đến 6 tỉ mác Đức .

Ngày phán xử cho Đức đến vào cuối mùa xuân năm 1919. Các điều khoản của Hoà ước Versailles, do phía Đồng minh soạn ra mà không thảo luận với Đức, được phát hành ở Berlin ngày 7 tháng 5. Hiệp ước gây sốc cho một dân tộc muốn tự lừa dối mình cho đến phút cuối. Nhiều người giận dữ tổ chức biểu tình để phản đối bản hoà ước và đòi Chính phủ không ký kết. Cả Thủ tướng Scheidemann và Tổng thống Lâm thời Ebert đều lên tiếng phản đối bản hoà ước. Ngày 9 tháng 5, đại biểu Đức tại Versailles gửi công văn cho Thủ tướng Pháp Clemenceau nói một cách không khoan nhượng rằng một hoà ước như thế là "không thể chấp nhận được đối với bất cứ quốc gia nào" .

Điều khoản nào không thể chấp nhận được? Hoà ước trả lại cho Pháp miền Alsace-Lorraine, một mảnh đất cho Bỉ, một mảnh tương tự ở Schleswig cho Đan Mạch – tuỳ thuộc vào kết quả một cuộc trưng cầu dân ý – mà Bismarck đã chiếm trong thế kỷ trước sau khi đánh bại Đan Mạch. Bên cạnh đó, bản hoà ước này còn trả lại đất cho Ba Lan (một số nơi tuỳ thuộc vào kết quả trưng cầu dân ý) mà Đức đã chiếm khi xâu xé Ba Lan. Đây là một trong những điều khoản khiến dân Đức tức giận nhất, vừa vì bất mãn khi thấy miền Đông Phổ bị tách rời khỏi Tổ quốc bằng một hành lang cho Ba Lan có đường thông ra biển, vừa vì có ác cảm với người Ba Lan mà họ xem như chủng người hạ đẳng. Người Đức cũng giận dữ chẳng kém khi thấy hoà ước đòi hỏi họ phải nhận trách nhiệm đã khởi động cuộc chiến, phải giao Hoàng đế Wilhelm II và khoảng 800 "tội nhân chiến tranh" cho Đồng minh .

Đồng minh sẽ định sau số tiền bồi thường chiến tranh, nhưng Đức phải trả khoản đầu gồm 5 tỉ USD trong khoảng thời gian từ năm 1919 đến 1921, và có thể nộp bằng hiện vật như: than, tàu, gỗ, gia súc... thay cho tiền bồi thường .

Điều khoản đau đớn nhất là Hoà ước Versailles vô hình trung giải giới nước Đức và vì thế, ít nhất trong một thời gian nó sẽ ngăn chặn bước đường bá quyền của Đức ở châu Âu. Hoà ước giới hạn quân đội theo cơ số 100.000 người tình nguyện, cấm sở hữu máy bay và xe thiết giáp. Bộ Tổng Tham mưu phải bị dẹp bỏ. Hải quân bị giảm chỉ còn là lực lượng tượng trưng, bị cấm đóng tàu ngầm hoặc tàu trọng tải trên 10.000 tấn .

Chính phủ lâm thời ở Weimar chống đối mạnh mẽ việc chấp nhận bản Hoà ước Versailles vô lý, theo tên gọi chế giễu thời bấy giờ. Đại đa số dân Đức, dù cho thiên về cánh Hữu hay cánh Tả, đều hậu thuẫn Chính phủ .

Quân đội thì sao? Nếu từ chối ký vào bản hoà ước, liệu quân đội có thể chống cự nổi cuộc tấn công của Đồng minh hay không? Ebert đặt câu hỏi này cho Bộ Tư lệnh Tối cao. Groener thấy chống trả quân sự là vô vọng, nên thúc giục Thống chế von Hindenburg cho ý kiến. Ngày 17 tháng 6, Hindenburg trả lời: "Nếu chiến tranh lại xảy ra, ta có thể thôn tính tỉnh Posen [ở Ba Lan] và bảo vệ đường biên giới của ta về phía Đông. Tuy nhiên, về phía Tây, nếu xét qua khả năng và quân số, thì ta khó mà chống đỡ nổi cuộc tấn công mạnh mẽ nếu họ đánh gọng kìm ta .

Nói chung, chiến dịch khó mà thành công, nhưng với tư cách là một chiến binh tôi không tránh khỏi ý nghĩ là thà thua trong danh dự còn hơn chấp nhận một nền hoà bình nhục nhã." Lời kết luận của một Tổng Tham mưu trưởng được sùng kính là đúng theo truyền thống của Quân đội Đức nhưng có vẻ không thành thật. Dân Đức không hề biết Hindenburg đã đồng ý với Groener rằng cố chống cự Đồng minh là chẳng những vô vọng, mà còn có thể khiến cho các cấp chỉ huy quân đội ưu tú bị tiêu diệt và do đấy nước Đức cũng bị huỷ diệt theo .

Bây giờ, Đồng minh đang đòi hỏi Đức trả lời dứt khoát. Ngày 16 tháng 6, một ngày trước khi Hindenburg gửi văn bản trả lời cho Ebert, Đồng minh ra tối hậu thư: phải chấp nhận hoà ước chậm nhất vào ngày 24 tháng 6, nếu không Hiệp định đình chiến sẽ bị chấm dứt và lực lượng Đồng minh sẽ "có biện pháp cần thiết để áp đặt các điều khoản" .

Một lần nữa, Ebert kêu gọi đến Groener. Nếu Bộ Tư lệnh Tối cao nghĩ có cơ may nhỏ nào đấy chống cự được Đồng Minh, Ebert hứa đảm bảo Nghị viện sẽ bác bỏ hoà ước. Nhưng ông phải có ngay câu trả lời. Thời hạn chót của tối hậu thư, ngày 24 tháng 6, đã đến. Nội các họp vào lúc 16 giờ 30 để lấy quyết định cuối cùng. Một lần nữa, Hindenburg và Groener hội ý với nhau. Vị Thống chế già nua, mệt mỏi nói: "Ông cũng như tôi biết rõ rằng không thể kháng cự bằng quân sự". Nhưng một lần nữa, ông không có can đảm nói sự thật với Tổng thống Lâm thời của nền Cộng hoà. Ông bảo Groener: "Ông có thể trả lời cho Tổng thống cũng tốt như tôi thôi". Và một lần nữa, vị tướng can đảm nhận trách nhiệm cuối cùng mà đáng lẽ phải thuộc về ngài Thống chế, dù biết mình bị đưa ra làm vật tế thần cho quân đội. Ông thông báo cho Tổng thống rõ quan điểm của Bộ Tư lệnh tối cao .

Cảm thấy nhẹ nhõm vì các cấp chỉ huy Quân đội đã nhận trách nhiệm – sự kiện mà nhiều người chẳng bao lâu nữa sẽ quên bẵng – Nghị viện với đa số cao chấp nhận việc ký kết hoà ước. Quyết định được thông báo cho Clemenceau chỉ 19 phút sau thời hạn chót của tối hậu thư. Bốn ngày sau, ngày 28 tháng 6 năm 1919, hoà ước được ký kết ở Điện Versailles .

CHIA NĂM XẺ BẢY

Từ ngày ấy, Đức trở thành một quốc gia chia năm xẻ bảy .

Phe bảo thủ không chấp nhận cả hoà ước lẫn nền hoà bình và cả chế độ Cộng hoà đã phê chuẩn hoà ước. Về lâu về dài, quân đội cũng thế – ngoại trừ Tướng Groener – dù cho quân đội đã tuyên thệ ủng hộ chính quyền dân chủ mới và đã có quyết định cuối cùng để ký kết hoà ước ở Versailles. Mặc dù "Cách mạng" tháng Mười Một đã lật đổ vương triều và thiết lập chế độ dân chủ, phe bảo thủ bị giảm thực lực chính trị nhưng vẫn còn có sức mạnh về kinh tế. Từ trước đến nay, họ vẫn dùng tiền để tài trợ các đảng phái chính trị và giới truyền thông nhằm lũng đoạn nền Cộng hoà .

Quân đội bắt đầu vi phạm những điều khoản giới hạn quân sự ghi trong hoà ước trước khi mực chưa kịp khô. Và nhờ các nhà lãnh đạo phe Xã hội nhút nhát và thiển cận, giới chỉ huy quân sự chẳng những duy trì được quân đội theo truyền thống cũ của Phổ, mà còn trở thành một trung tâm quyền lực thật sự trong nước Đức mới. Cho đến những ngày cuối cùng của nền Cộng hoà yểu mệnh, quân đội không dựa vào một phong trào chính trị duy nhất nào. Nhưng dưới quyền Tướng Hans von Seeckt (người sáng lập nên đội quân 100.000 người), dù cho quân số ít ỏi nhưng quân đội trở thành quốc gia trong một quốc gia, ảnh hưởng ngày càng mạnh lên các chính sách ngoại giao và nội vụ, cho đến lúc sự tồn vong của nền Cộng hoà tuỳ thuộc vào giới chỉ huy quân sự .

Vì là quốc gia trong một quốc gia, quân đội giữ vị thế độc lập khỏi Chính phủ. Theo Hiến pháp Weimar, quân đội ở dưới Nội các và Nghị viện, giống như định chế quân sự ở những nền dân chủ phương Tây. Nhưng sự thật không phải thế. Và giới chỉ huy quân sự cũng không loại khỏi đầu óc tư tưởng bảo hoàng, chống lại nền Cộng hoà. Một số nhà lãnh đạo phe Xã hội thúc giục "dân chủ hoá" các lực lượng vũ trang. Họ nhìn ra mối hiểm nguy khi trao quân đội vào tay những cấp chỉ huy theo truyền thống độc đoán kiểu đế chế. Nhưng chẳng những tướng lĩnh mà cả những đồng chí Xã hội của họ do Bộ trưởng Quốc phòng Noske cầm đầu đều chống đối họ. Vị Bộ trưởng vô sản này công khai huênh hoang là ông muốn hồi sinh "những ký ức chiến binh tự hào của cuộc Thế chiến." Thời gian sẽ cho thấy sai lầm tai hại của nền Cộng hoà chính là không xây dựng được một Quân đội trung thành với tinh thần dân chủ và chịu sự chỉ huy của Nội các và Nghị viện .

Một sai lầm khác của nền Cộng hoà chính là không cải tổ hệ thống pháp luật. Những nhà hành pháp trở thành một trong những trung tâm quyền lực của công lý phản cách mạng, hư hỏng để phục vụ mục đích chính trị của phe chống đối. Nhà sử học Franz L. Neumann tuyên bố: "Khi công lý bị nhiễm chính trị, đó là trang đen tối nhất trong lịch sử của Cộng hoà Đức". Sau vụ bạo loạn Kapp năm 1920, Chính phủ truy tố 705 người về tội phản quốc, chỉ có một người, chỉ huy cảnh sát Berlin, bị kết án 5 năm "tù giam danh dự". Khi bang Phổ xoá bỏ lương hưu của ông, Tối cao Pháp viện ra lệnh phục hồi. Một toà án Đức vào năm 1926 trả lại cho Tướng von Luettwitz, người cầm đầu vụ bạo loạn Kapp, tiền lương hưu cho giai đoạn ông đang chống lại chính quyền và cho 5 năm ông trốn tránh pháp luật ở Hungary .

Tuy thế, hàng trăm người theo phe tự do bị án tù dài ngày với lý do phản quốc chỉ vì họ tiết lộ hoặc phản đối việc quân đội liên tục vi phạm Hoà ước Versailles. Những điều luật chống phản quốc Đức được vận dụng cho người ủng hộ nền Cộng hoà, còn người cánh Hữu cố lật đổ nền Cộng hoà thì được tha bổng hoặc chỉ bị án tù nhẹ. Thậm chí đối với kẻ can tội giết người, nếu họ thuộc cánh Hữu và nạn nhân của họ thuộc phe dân chủ, toà án sẽ xử khoan hồng, hoặc thường thì họ được sĩ quan quân đội hoặc phe cực đoan giúp trốn thoát .

Vì thế mà người của Đảng Dân chủ Xã hội có xu hướng ôn hoà, bị bỏ mặc bởi Đảng Dân chủ Đức và Đảng Trung dung Công giáo để điều hành một nền Cộng hoà còn đang chập chững. Họ nhận lãnh mọi sự thù ghét, lăng mạ và đôi lúc những viên đạn của các phe đối lập – những người ngày càng đông đảo và thêm quyết tâm .

Bavaria, Adolf Hitler nhận ra thực lực của làn sóng quốc gia chống dân chủ, chống cộng hoà. Ông bắt đầu nương theo làn sóng ấy mà tiến lên. Những diễn biến thời cuộc giúp Hitler có thêm lợi thế nhất là việc đồng mác mất giá và việc Pháp chiếm đóng vùng sông Rhur. Đồng mác bắt đầu mất giá năm 1921, xuống mức 75 đổi 1 USD, năm sau xuống mức 400, và đầu năm 1923 là 7.000. Vào mùa thu 1922, Chính phủ Đức yêu cầu Đồng minh cho hoãn trả tiền bồi thường chiến tranh. Chính phủ Poincaré của Pháp thẳng thừng từ chối. Khi Đức không giao nộp đủ số gỗ, vị Thủ tướng Pháp ra lệnh quân Pháp đánh chiếm vùng Ruhr. Sau khi mất vùng Thượng Silesia cho Ba Lan, trung tâm công nghiệp ở vùng Ruhr – cung ứng 4/5 sản lượng than và thép của đất nước – đã bị cắt rời khỏi Đức .

Thiệt hại kinh tế khiến cho dân Đức đoàn kết với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết kể từ khi chiến tranh bùng nổ. Công nhân vùng Ruhr tham gia tổng đình công, được Chính phủ ở Berlin hỗ trợ tài chính và Chính phủ cũng kêu gọi chống đối bất bạo động. Quân đội hỗ trợ việc phá hoại và chiến tranh du kích. Người Pháp trả đũa bằng cách bắt bớ, trục xuất hoặc thậm chí tuyên án tử hình. Nhưng không một nhà máy nào ở vùng Ruhr hoạt động .

Nền kinh tế tuột dốc càng khiến cho đồng mác bị mất giá một cách thảm thương. Khi vùng Ruhr bị chiếm tháng 1 năm 1923, hối suất xuống còn 18.000 đồng mác đổi 1 USD, ngày 1 tháng 7 xuống đến 160.000, ngày 1 tháng 8 đến mức 1 triệu. Khi Hitler nghĩ thời điểm của mình đã đến, hối suất là 4 tỉ đồng mác đổi 1 USD và sau đó là hàng nghìn tỉ. Đồng tiền của Đức xem ra đã là vô dụng. Mãi lực của tiền lương gần như là con số không. Tiền dành dụm của giới trung lưu và công nhân bị xoá sạch. Nhưng còn có một yếu tố còn quan trọng hơn cũng bị xoá, đó là niềm tin của dân chúng nơi cơ cấu kinh tế trong xã hội Đức. Nếu những tiêu chuẩn và điều luật của xã hội – vốn là để khuyến khích và tiết kiệm với lời hứa tạo ra lợi nhuận – thì khi bị phá sản còn có ích gì nữa? Đó có phải là lừa gạt nhân dân không? Thật ra, nền Cộng hoà cũng có phần trách nhiệm trong chuyện này. Có thể tránh lạm phát bằng cách cân đối thu chi – một việc khó khăn nhưng là có thể thực hiện được. Thu thuế đầy đủ có thể tạo được sự cân đối, nhưng Chính phủ mới lại không dám làm. Chi phí chiến tranh – 164 tỉ đồng mác Đức – là lấy từ 93 tỉ tiền vay, 29 tỉ từ trái phiếu kho bạc, còn lại là nhờ vào việc in thêm tiền. Thay vì thu thêm thuế từ người có khả năng đóng thuế, vào năm 1921, chính quyền lại giảm thuế cho họ .

Giới công nghiệp và địa chủ được hưởng lợi khi nhiều người bị phá sản, nên từ lúc này họ thúc đẩy Chính phủ cứ để cho đồng mác xuống giá để Nhà nước không phải trả công nợ, tránh việc trả tiền bồi thường chiến tranh, phá hoại người Pháp ở vùng Ruhr. Hơn nữa, việc đồng mác mất giá giúp cho ngành công nghiệp nặng xoá bỏ các món nợ của họ bằng cách trả nợ với đồng tiền vô dụng. Quân đội Đức cũng thấy việc đồng mác mất giá đã xoá đi các khoản nợ chiến tranh và vì thế giúp cho Đức chẳng còn bị vướng víu về mặt tài chính cho một cuộc chiến mới .

Tuy nhiên, dân chúng không nhận ra là các nhà tài phiệt công nghiệp, quân đội và Nhà nước đang hưởng lợi do việc đồng mác mất giá. Họ chỉ thấy một tài khoản lớn trong ngân hàng không đủ để mua một bó cà rốt, ít củ khoai tây, vài lạng đường... Họ chỉ biết rằng cá nhân họ đã bị phá sản. Và họ nhận ra cơn đói mà họ phải chịu đựng mỗi ngày. Trong nỗi khốn cùng và tuyệt vọng, họ biến nền Cộng hoà thành vật tế thần .

Chính giai đoạn này lại là cơ hội trời cho đối với Hitler .

BẠO LOẠN Ở BAVARIA

Hitler viết trong quyển Mein Kampf rằng: "Chính phủ cứ điềm nhiên in thêm tiền giấy vô dụng bởi vì nếu họ ngừng lại, tất cả sẽ cáo chung. Ngừng in tiền là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn lạm phát, nhưng nếu làm thế họ sẽ lộ mặt là kẻ lừa đảo... Hãy tin tôi đi, nỗi khổ của ta sẽ trầm trọng thêm. Đồ vô lại sẽ thoát thân. Lý do: vì bản thân Nhà nước đã trở thành một tên lừa gạt và gian manh tồi tệ nhất... Một Nhà nước của những tên cướp!... Nếu người dân nhận thấy họ vẫn đói khát cho dù có trong tay cả tỉ, thì họ đều phải đi đến kết luận này: không thể chấp nhận được một Nhà nước dựa trên ý tưởng lừa bịp của đa số. Cái chúng ta cần là một chế độ độc tài..." Rõ ràng là những thống khổ và bấp bênh trong cơn lạm phát kinh khủng đã khiến cho hàng triệu người dân Đức tin vào kết luận như thế và Hitler đã sẵn sàng lãnh đạo họ. Đúng thế: ông bắt đầu tin rằng tình trạng xáo trộn năm 1923 tạo ra cơ hội để lật đổ nền Cộng hoà và có lẽ chẳng còn cơ hội nào khác như thế nữa. Nhưng nếu ông muốn lãnh đạo phong trào phản cách mạng thì phải giải quyết vài khó khăn ngáng đường trước đã .

Trước hết, dù cho đang mở rộng mỗi ngày, Đảng Quốc xã vẫn chưa phải là phong trào chính trị quan trọng nhất ở Bavaria. Và ngoài bang này ra thì chẳng được ai khác biết đến. Làm thế nào mà một Đảng nhỏ nhoi như thế lại có thể lật đổ nền Cộng hoà? Hitler không dễ gì nản chí và ông nghĩ mình có cách. Ở Bavaria, ông có thể tụ họp dưới quyền lãnh đạo của mình mọi lực lượng chống nền Cộng hoà. Rồi với sự hậu thuẫn của chính quyền bang Bavaria, cùng với các tổ chức vũ trang và đơn vị quân đội trấn đóng trong Bavaria, ông có thể dẫn đầu đoàn biểu tình đến Berlin – giống như năm ngoái, Mussolini đã biểu tình đến thủ đô Rome – và lật đổ Nhà nước Cộng hoà. Rất có thể sự thành công dễ dàng của Mussolini đã gợi nên ý tưởng cho Hitler .

Dù đã khơi dậy lòng thù hận của người Đức đối với kẻ thù truyền kiếp và làm sống lại chủ nghĩa quốc gia, nhưng việc chiếm đóng của Pháp trong vùng Ruhr lại khiến cho công tác của Hitler có phần phức tạp. Việc chiếm đóng này đã khiến cho dân Đức đoàn kết sau Chính phủ Cộng hoà ở Berlin – điều mà Hitler chẳng hề muốn. Mục đích của ông là xoá bỏ nền Cộng hoà. Có thể giải quyết vấn đề Pháp sau khi Đức thực hiện thành công cuộc Cách mạng quốc gia và thiết lập chế độ độc tài. Ngược lại, với cao trào ý kiến của quần chúng, Hitler đã dám nói rằng: "Không – không đả đảo Pháp, phải đả đảo kẻ phản bội Tổ quốc, đả đảo tội đồ Tháng Mười Một. Đó là khẩu hiệu của chúng ta" .

Suốt những tháng đầu năm 1923, Hitler dốc toàn lực để phát huy hiệu quả của khẩu hiệu này. Tháng 2 năm 1923, do tài tổ chức của Roehm, 4 tổ chức vũ trang ở Bavaria hợp lực với Quốc xã để lập nên một tổ chức kết hợp mới dưới quyền lãnh đạo của Hitler. Một tổ chức lớn hơn được thành lập, với Hitler nằm trong nhóm lãnh đạo tam đầu chế. Tổ chức này khởi phát từ một cuộc mít tinh lớn ở Nuremberg ngày 2 tháng 9 nhằm kỷ niệm Đức chiến thắng Pháp ở Sedan năm 1870. Phần đông những phe nhóm Phát xít miền Nam nước Đức đều có đại diện trong tổ chức này. Sau một bài diễn văn dữ dội công kích Chính phủ quốc gia, Hitler đã được hoan hô nồng nhiệt. Mục tiêu của tổ chức này được công khai tuyên bố: lật đổ nền Cộng hoà và xé bỏ Hoà ước Versailles .

Trong cuộc mít tinh ở Nuremberg, Hitler đứng trên khán đài cạnh Tướng Ludendorff để thị sát đoàn người diễu hành. Đó không phải là do ngẫu nhiên. Có một khoảng thời gian Hitler có liên hệ mật thiết với người anh hùng chiến tranh này – người trước đây tham gia cuộc bạo loạn Kapp ở Berlin. Hitler không muốn Ludendorff là nhà lãnh đạo chính trị của phong trào quốc gia phản cách mạng, vai trò mà vị anh hùng chiến tranh có tham vọng muốn nắm giữ. Hitler nhất quyết muốn đảm nhận vai trò này. Nhưng tên tuổi của Ludendorff cùng uy tín của ông đối với hàng ngũ sĩ quan và phe bảo thủ khắp nước Đức có lợi cho Hitler lúc đó vốn chưa có tiếng tăm gì bên ngoài Bavaria. Thế nên Hitler bắt đầu đưa Ludendorff vào những kế hoạch của mình .

Vào mùa thu 1923, nước Cộng hoà Đức và bang Bavaria tụt xuống hố sâu khủng hoảng. Ngày 26 tháng 9, Thủ tướng Gustav Stresemann tuyên bố chấm dứt phản đối bất bạo động ở vùng Ruhr và tiếp tục trả tiền bồi thường chiến tranh. Là cựu phát ngôn viên của Hindenburg và Ludendorff, một con người bảo thủ hạng nặng và theo phe bảo hoàng, Stresemann đi đến kết luận rằng để cứu vãn, đoàn kết và phục hồi nước Đức thì cần chấp nhận nền Cộng hoà, hoà hoãn với Đồng minh và tạo ổn định để vực dậy nền kinh tế. Nếu để tình hình tồi tệ thêm có thể dẫn đến nội chiến và có lẽ cuối cùng là sự huỷ diệt của nước Đức .

Việc chấm dứt chống đối Pháp ở vùng Ruhr và việc tiếp tục trả tiền bồi thường chiến tranh làm dấy lên sự phẫn nộ của các phe nhóm quốc gia lẫn Cộng sản, họ kết hợp lại để kịch liệt lên án nền Cộng hoà. Stresemann đối mặt với sự chống đối của cả hai cánh Cực Hữu và Cực Tả. Để đối phó, ông yêu cầu Tổng thống Ebert ban hành tình trạng khẩn cấp cùng với ngày ông thông báo thay đổi chính sách về vùng Ruhr và về việc trả tiền bồi thường chiến tranh. Từ ngày 26 tháng 9 năm 1923 cho đến tháng 2 năm 1924, quyền hành pháp được đặt trong tay Bộ trưởng Quốc phòng Otto Gessler và Tư lệnh Lục quân von Seeckt. Trên thực tế, vị tướng này và quân đội là những nhà cai trị độc tài của nước Đức .

Bavaria không chấp nhận giải pháp như thế. Ngày 26 tháng 9, Nội các Bavaria của Eugen von Knilling ban hành tình trạng khẩn cấp của riêng bang mình. Ông này cử Gustav von Kahr, người bảo hoàng cánh Hữu, làm Thủ Hiến của bang với mọi quyền hành độc đoán. Chính phủ Trung ương e sợ Bavaria sẽ thoát ly khỏi nước Đức và có lẽ sẽ kết hợp với Áo để thành lập nước Nam Đức. Tổng thống Ebert vội vã triệu tập Nội các và mời Tướng von Seeckt đến dự. Ebert muốn biết quân đội đứng về phe nào. Seeckt thẳng thừng trả lời: "Thưa Tổng thống, quân đội đứng phía sau tôi" .

Cả Tổng thống và Thủ tướng đều không ngạc nhiên về lời nói lạnh lùng này. Họ đã công nhận địa vị của quân đội như là một nhà nước trong Nhà nước và chẳng tuân phục ai. Vấn đề duy nhất bây giờ là quan điểm của Seeckt .

May mắn cho Chính phủ Cộng hoà là vị tướng này vẫn ủng hộ họ, không phải do ông tin vào nguyên tắc dân chủ, mà do ông nghĩ quân đội cần được chính quyền hậu thuẫn để tồn tại vì chính quân đội cũng bị đe doạ bởi bạo loạn ở Bavaria và miền Bắc và cũng để cứu nguy Đức khỏi nạn nội chiến. Seeckt biết một số sĩ quan cao cấp của sư đoàn đóng ở Munich đang hùa theo phe đòi Bavaria tự trị. Ông biết âm mưu của Thiếu tá Buchrucker là chỉ huy "Quân đội Đen" nhằm chiếm đóng Berlin và lật đổ Chính phủ Cộng hoà. Bấy giờ, ông chuẩn bị hành động với độ chính xác lạnh lùng và một lòng quyết tâm cao nhằm thiết lập lại quyền hành trong quân đội và chấm dứt những nguy cơ về một cuộc nội chiến .

Đêm 30 tháng 9 năm 1923, lực lượng "Quân đội Đen" dưới quyền Thiếu tá Buchrucker, một cựu sĩ quan tham mưu, đã chiếm đóng ba pháo đài phía Bắc Berlin. Seeckt điều quân chính quy đến bao vây và sau 2 ngày, Buchrucker đầu hàng. Ông này bị kết tội phản quốc và lãnh án 10 năm tù giam trong pháo đài .

Lực lượng "Quân đội Đen", do chính Seeckt lập ra nhằm bí mật tăng cường cho cơ số 100.000 của quân đội, bị giải tán. Lực lượng này gồm 20.000 quân, được điều đến biên giới phía Đông để ngăn chặn Ba Lan trong giai đoạn rối loạn từ năm 1920 đến năm 1923. Họ trở nên khét tiếng vì tự tiện thi hành án tử hình đối với người tiết lộ hoạt động của họ cho Uỷ ban Kiểm soát Đồng minh. Vài vụ giết người được đưa ra toà. Trong một phiên xử, Bộ trưởng Quốc phòng Otto Gessler phủ nhận việc thành lập lực lượng này. Nhưng khi bị chất vấn thêm, Gessler thét lên: "Ai đề cập đến Quân đội Đen tức là có tội phản quốc!" .

Kế tiếp, Seeckt quay sang đối phó với những cuộc bạo loạn của Cộng sản ở Sachsen, Thuringia, Hamburg và Ruhr. Nếu đàn áp phe Tả thì có thể trông cậy vào lòng trung thành của quân đội. Vì thế, những tổ chức hoặc chính quyền Cộng sản nhanh chóng bị dập tắt. Bây giờ, Chính phủ Trung ương cho rằng sau khi dễ dàng đàn áp Bolshevik, những phần tử âm mưu chẳng còn có thể viện lý do họ đang hành động để cứu nền Cộng hoà thoát khỏi hiểm hoạ Cộng sản nữa. Nhưng sự thật không phải thế .

Bavaria vẫn muốn thách thức Chính phủ Trung ương. Hiện bang này đang nằm dưới quyền của một tam đầu chế: Kahr làm Thủ hiến, Tướng Otto von Lossow chỉ huy quân đội ở Bavaria, còn Đại tá Hans von Seisser làm Chỉ huy trưởng cảnh sát. Kahr không công nhận lệnh ban hành tình trạng khẩn cấp của Hindenburg và cũng không muốn tuân hành chỉ đạo từ Berlin. Khi chính quyền Trung ương đòi hỏi phải trấn áp tờ nhật báo của Hitler vì những bài báo đả kích nền Cộng hoà, Kahr từ chối một cách ngạo mạn .

Kahr cũng từ chối thi hành lệnh thứ hai từ Berlin là bắt giữ người cầm đầu các nhóm vũ trang ở Bavaria .

Hết kiên nhẫn, Seeckt ra lệnh cho Tướng von Lossow trấn áp tờ báo Quốc xã và bắt giữ 3 người cầm đầu các nhóm vũ trang. Tướng von Lossow, vốn là người Bavaria và bị Hitler mê hoặc, tỏ ra lưỡng lự. Ngày 24 tháng 10, Seeckt cách chức ông. Nhưng Kahr không muốn thi hành lệnh như thế từ Berlin. Ông tuyên bố von Lossow vẫn giữ quyền chỉ huy ở Bavaria và, trong sự thách thức đối với Seeckt và Hiến pháp, ông bắt buộc sĩ quan và binh sĩ cất lời thề trung thành với chính quyền Bavaria .

Đối với Chính phủ Trung ương, việc này đây là một hành động phản loạn chẳng những về chính trị mà còn về quân sự, và Tướng von Seeckt nhất quyết trấn áp cả hai mặt .

Ông phát lời cảnh cáo tam đầu chế Bavaria cùng Hitler và các nhóm vũ trang là bất kỳ hành động phản loạn nào cũng sẽ bị dập tắt bằng vũ lực .

Nhưng đối với Hitler, thoái lui thì đã muộn. Các bộ hạ điên dại của ông đòi hỏi ông phải hành động lập tức. Trung uý Wilhelm Brueckner, một trong những chỉ huy của quân S.A. dưới trướng Hitler đã từng thúc giục rằng: "Khi tôi không thể giữ chân binh lính của mình nữa thì có nghĩa là 'ngày đó' đang đến gần. Nếu ông không có bất kỳ hành động nào, binh sĩ sẽ rời bỏ chúng ta" .

Hitler cũng thấy nếu để Thủ tướng Stresemann có thêm thời gian và ổn định lại tình hình thì Quốc xã sẽ mất cơ hội. Hitler yêu cầu Kahr và Lossow hành quân đến Berlin trước khi Berlin cử quân đến Bavaria. Và Hitler lo rằng tam đầu chế đang nhụt chí hoặc đang âm mưu một cuộc đảo chính mà không có ông để tách Bavaria ra khỏi nước Đức. Với ý tưởng cực đoan cho một nước Đức hùng mạnh, thống nhất và theo đường lối quốc gia, Hitler kiên quyết chống đối ý đồ như thế .

Thật ra, Tam đầu chế Kahr, Lossow và Seisser đã bắt đầu nhụt chí sau lời cảnh cáo của Seeckt. Họ không muốn hành động một cách vô ích để rồi bị triệt hạ. Ngày 6 tháng 11, họ thông báo cho tổ chức của Hitler rằng họ sẽ không hấp tấp hành động và chính họ sẽ là người quyết định hành động khi nào và thế nào. Đó là dấu hiệu cho thấy Hitler phải chủ động. Ông không có đủ sự hậu thuẫn để một mình lật đổ Chính phủ. Ông cần có sự hậu thuẫn của bang Bavaria, Quận đội và cảnh sát – đó là bài học ông lĩnh hội từ những ngày ở Vienna. Bằng cách nào đấy, ông phải đặt Kahr, Lossow và Seisser vào vị thế khiến cho họ phải hành động cùng với mình mà không thể thoái lui được. Cần có can đảm, thậm chí liều lĩnh, và bây giờ Hitler chứng tỏ rằng mình đạt đủ những tố chất này. Ông quyết định bắt cóc tam đầu chế và ép buộc họ thực thi quyền hành theo ý mình muốn .

Ý tưởng này là do Rosenberg và Scheubner-Richter đưa ra. Người thứ hai nhờ cưới vợ thuộc dòng dõi quý tộc nên tự xưng là Max Erwin von Scheubner-Richter. Ông này có tư cách đáng ngờ và cũng như Rosenberg, là người lánh nạn từ Nga, gia nhập Quốc xã và trở thành người thân cận của Hitler .

Ngày Chiến sĩ Trận vong (Totengedenktag) của Đức mùng 4 tháng 11 sẽ được tổ chức bằng một cuộc diễu binh ở Munich. Báo chí loan tin không những cựu Thái tử Rupprecht mà cả Kahr, Lossow và Seisser sẽ chủ toạ từ khán đài xây trên một con đường hẹp. Scheubner-Richter và Rosenberg đề nghị với Hitler rằng vài trăm binh sĩ S.A. được đưa đến con đường hẹp bằng xe tải trước khi binh sĩ diễu hành đến, rồi sau đó phong toả khán đài bằng súng tự động. Lúc ấy, Hitler sẽ bước lên khán đài, tuyên bố khởi động cuộc Cách mạng và dùng súng lục để uy hiếp giới quý tộc gia nhập để hỗ trợ cho ông lãnh đạo. Hitler cảm thấy kế hoạch này nghe có vẻ hấp dẫn nên đã đồng Nhưng đến ngày đã định, Rosenberg đến địa điểm sớm để trinh sát và thấy có một lực lượng cảnh sát đông đảo được vũ trang hùng hậu đang bảo vệ chắc chắn con đường hẹp. Thế là "cách mạng" bị huỷ bỏ .

Thật ra, đây chỉ là sự trì hoãn. Một phương án thứ hai được trù định để không bị cảnh sát ngăn trở. Vào đêm mùng 10 rạng ngày 11 tháng 11, đội quân S.A. và những lực lượng khác sẽ tập trung ở phía Bắc Munich, rồi đến sáng 11 tháng 11, tròn năm sau ngày ký hiệp định ngừng bắn tủi nhục, họ sẽ tiến vào thành phố, chiếm lấy những vị trí chiến lược, tuyên bố cuộc Cách mạng quốc gia và đẩy Kahr, Lossow và Seisser vào chuyện đã rồi .

Vào lúc ấy, một thông báo không quan trọng lắm khiến cho Hitler phải bãi bỏ phương án trên để lên kế hoạch mới. Báo chí đăng một thông báo vắn tắt cho biết, theo yêu cầu của vài tổ chức doanh nghiệp ở Munich, Kahr sẽ đến phát biểu tại một buổi mít tinh ở nhà hàng biaBuergerbräukeller nằm ở vùng ngoại ô phía Đông Nam thành phố. Đề tài phát biểu sẽ là về chính quyền Bavaria. Tướng von Lossow, Đại tá von Seisser và những nhân vật quyền quý khác sẽ hiện diện .

Có hai yếu tố khiến cho Hitler đi đến quyết định vội vã. Một là ông nghi ngờ Kahr có thể lợi dụng cuộc mít tinh để tuyên bố nền độc lập cho Bavaria và đưa vương triều Wittelsbach trở lại ngai vàng. Hitler muốn ngăn chặn Kahr thực hiện việc này. Yếu tố thứ hai là cuộc mít tinh tạo cơ hội mới sau khi thất bại ngày 4 tháng 11: đẩy tam đầu chế vào rọ và chĩa súng uy hiếp họ tham gia cuộc Cách mạng của Quốc xã. Thế nên, Hitler quyết định hành động lập tức: huỷ bỏ kế hoạch của đêm mùng 10 tháng 11 và điều các lực lượng khẩn cấp đến nhà hàng bia .

BẠO LOẠN NHÀ HÀNG BIA 

Khoảng 9 giờ 45 tối ngày 8 tháng 11 năm 1923, sau khi Kahr phát biểu được nửa giờ trước đám đông khoảng 3.000 người đang ngồi hỗn độn quanh những chiếc bàn và cầm những cốc bia làm bằng đá theo kiểu Bavaria mà uống, thì lực lượng S.A. kéo đến bao vây nhà hàng Buergerbräukeller rồi Hitler tiến vào. Trong khi một số thuộc hạ bố trí một khẩu súng máy ở cổng vào, Hitler nhảy lên một chiếc bàn và bắn một phát súng lục để đám đông chú ý. Kahr ngừng nói giữa bài phát biểu. Đám đông nhìn quanh quất để tìm nguyên do của sự ngăn trở. Với sự hỗ trợ của Hess và Ulrich Graf, lúc trước là đô vật, thợ giết mổ gia súc, người hay gây gổ và giờ là cận vệ, Hitler tiến đến khán đài. Một thiếu tá cảnh sát định ngăn cản, nhưng Hitler chĩa khẩu súng lục vào ông này và tiếp tục tiến đến. Kahr, theo như miêu tả của một nhân chứng tận mắt, thì lúc đó hoàn toàn "xanh xao và sợ hãi". Ông bước lùi ra khỏi bục phát biểu và Hitler đến thế chỗ. Hitler hô lớn: "Cách mạng Quốc gia đã bắt đầu! Lực lượng vũ trang gồm 600 người đã bao vây. Không ai được rời đi. Nếu không giữ yên lặng lập tức, tôi sẽ điều động súng máy. Chính quyền Bavaria và chính quyền nước Đức đã bị lật đổ, một chính quyền Quốc gia lâm thời đã được thành lập. Các doanh trại quân đội và cảnh sát đã bị chiếm đóng. Quân đội và cảnh sát đang tụ họp dưới lá cờ của Quốc xã." Câu cuối cùng là bịa đặt, đây chỉ là một trò tháu cáy. Nhưng trong tình huống lộn xộn, chẳng ai biết rõ chuyện gì đã xảy ra. Riêng khẩu súng lục của Hitler là thật; nó đã nhả đạn. Lực lượng S.A. với súng trường và súng máy là thật. Bây giờ, Hitler ra lệnh Kahr, Lossow và Seisser đi theo ông vào một căn phòng riêng gần khán đài. Qua sự thúc ép của đội quân S.A., ba nhân vật cao cấp nhất của Bavaria tuân theo lời của Hitler trong ánh nhìn đầy kinh ngạc của đám đông .

Nhưng vẫn có ý kiến bất mãn. Nhiều doanh nhân vẫn xem Hitler là con người hách dịch. Một người hô lên: "Đừng hèn nhát như năm 1918. Bắn đi!". Nhưng khi thấy các lãnh đạo ngoan ngoãn nghe theo lời Hitler và lực lượng S.A. chiếm đóng nhà hàng, cảnh sát không có hành động gì. Hitler đã dàn xếp để một sĩ quan cảnh sát làm nội gián cho Quốc xã điện thoại ra lệnh cho nhóm cảnh sát làm nhiệm vụ ở nhà hàng bia không được ngăn trở, mà chỉ báo cáo vụ việc. Đám đông càng thêm ủ rũ đến nỗi Goering thấy cần phải bước lên khán đài để trấn an họ. Ông hô lên: "Không có gì phải sợ. Chúng tôi có ý thân thiện, về việc này, quý vị không có lý do gì để phiền lòng, quý vị đã có bia để uống!". Và ông cho họ biết là trong phòng bên cạnh, một Chính phủ mới đang được thành lập .

Đúng là như thế, trước nòng súng của mình, khi đưa 3 người vào căn phòng, Hitler bảo họ: "Không ai được rời khỏi phòng này nếu tôi không cho phép". Rồi ông thông báo rằng họ sẽ giữ chức vụ trọng yếu hoặc trong chính quyền Bavaria hoặc trong Chính phủ Đức mà ông đang thành lập cùng với Ludendorff. Cùng với Ludendorff? Trước đó, Hitler đã phái người đi tìm vị tướng nổi tiếng để đi đến nhà hàng bia, trong khi ông này chẳng biết gì về âm mưu của Quốc xã .

Lúc đầu, 3 người không muốn nói chuyện với Hitler. Ông tiếp tục kêu gọi họ. Cả ba phải cùng với ông tuyên cáo Cách mạng và Chính phủ mới, cả ba phải nhận chức vụ mà ông bổ nhiệm, nếu không, họ "không có quyền để tồn tại". Kahr sẽ là Phụ chính cho Bavaria, Lossow làm Bộ trưởng Liên lạc Nghị viện, Seisser làm Bộ trưởng Bộ Cảnh sát của Đức. Cả ba người đều không có ấn tượng với những chức vụ như thế. Họ không trả lời .

Sự im lặng kéo dài khiến cho Hitler cảm thấy bất an. Cuối cùng, ông chĩa khẩu súng về phía họ: "Tôi còn 4 viên đạn trong khẩu súng. 3 viên cho những người cộng sự, nếu họ bỏ rơi tôi. Viên đạn cuối cùng dành cho tôi!". Rồi chĩa súng vào thái dương mình, Hitler thốt lên: "Nếu đến chiều mai tôi không đạt được chiến thắng, tôi sẽ chịu chết" .

Kahr không phải là người thông minh, nhưng có can đảm. Ông trả lời: "Ông Hitler, ông có thể ra lệnh cho người ta bắn tôi hoặc tự ông bắn tôi. Tôi chết hoặc sống cũng không hề gì" .

Seisser cũng cất tiếng. Ông trách Hitler đã không giữ lời hứa rằng sẽ không nổi dậy chống lại cảnh sát .

Hitler trả lời: "Đúng là tôi có hứa. Xin lỗi, nhưng tôi phải làm nhiệm vụ cho Tổ quốc" .

Tướng von Lossow vẫn giữ im lặng trong sự khinh miệt. Nhưng khi Kahr bắt đầu thầm thì với ông, Hitler cắt ngang: "Im! Không được nói nếu tôi không cho phép!" .

Hitler chẳng đạt kết quả gì trong việc thuyết phục họ. Cả 3 người đang nắm giữ quyền lực ở Bavaria đều không muốn theo ông, dù đang bị nòng súng đe doạ. Cuộc bạo loạn không diễn ra như dự trù. Rồi Hitler có động thái bất chợt. Không nói thêm một tiếng, ông chạy ra, bước lên khán đài, tuyên bố với đám đông rằng 3 người trong căn phòng bên cạnh cùng tham gia với ông để lập nên Chính phủ Trung ương mới. Hitler lớn tiếng: "Chính quyền Bavaria bị bãi nhiệm. Chính phủ của những tội đồ Tháng Mười Một và Tổng thống Đức bị tuyên cáo bãi nhiệm. Một Chính phủ quốc gia mới sẽ được công bố ngày hôm nay tại Munich. Một quân đội quốc gia Đức sẽ được thành lập ngay lập tức. Tôi đề nghị là, cho đến khi tính toán xong xuôi với những tội đồ Tháng Mười Một, tôi sẽ giữ trách nhiệm chèo lái chính sách của Chính phủ quốc gia... Ludendorff sẽ lãnh đạo quân đội quốc gia Đức... Nhiệm vụ của Chính phủ quốc gia Đức lâm thời là tiến đến Berlin để giải thoát dân tộc Đức... Ngày mai, hoặc sẽ có Chính phủ Quốc gia của nước Đức, hoặc tất cả chúng ta sẽ chết!" .

Chẳng phải là lần đầu tiên và chắc chắn chẳng phải là lần cuối cùng, Hitler thốt lên lời dối trá đầy bản lĩnh và có hiệu lực. Khi đám đông nghe Thủ Hiến Kahr, Tướng von Lossow và Cảnh sát trưởng von Seisser theo phe Hitler, họ lập tức thay đổi thái độ. Nhiều tiếng reo hò cất lên và âm thanh khiến cho 3 người vẫn còn bị nhốt trong gian phòng kế bên có ấn tượng mạnh .

Đột nhiên, Tướng Ludendorff được đưa ra giới thiệu, như là con thỏ từ chiếc mũ của nhà ảo thuật. Vị anh hùng chiến tranh giận dữ vì Hitler đã không hề thông báo gì cho ông biết trước và khi được biết không phải ông mà chính người cựu hạ sĩ sẽ là nhà lãnh đạo nước Đức, ông càng thêm bất mãn. Ông không thốt nên lời với gã trai trẻ hung hăng. Nhưng Hitler không cảm thấy phiền hà, miễn là có Ludendorff với tên tuổi nổi tiếng của ông này làm bình phong để cứu vãn tình thế tuyệt vọng và giúp thuyết phục 3 nhà lãnh đạo Bavaria ngoan cố. Và Ludendorff chịu làm việc này. Hitler bảo bây giờ là vấn đề hệ trọng cho quốc gia, và khuyên 3 người nên cộng tác .

Cảm thấy nể nang vì sự quan tâm của vị tướng, ba người có vẻ như thuận lòng, tuy sau này Lossow cho biết ông đã không chịu đặt mình dưới sự chỉ đạo của Ludendorff. Riêng Kahr thì vẫn còn vương vấn với ý tưởng tái lập vương triều Wittelsbach ở Bavaria, nhưng sau cùng nói sẽ hợp tác với tư cách là "đại diện của nhà vua" .

Sự xuất hiện kịp thời của Ludendorff đã cứu vãn tình thế cho Hitler. Quá vui mừng vì sự may mắn này, Hitler dẫn 3 người trở ra khán đài, rồi mỗi người phát biểu ngắn gọn và cam kết cộng tác với nhau và với chế độ mới. Đám đông nhảy nhót trên bàn ghế mà la hét một cách cuồng nhiệt. Hitler lộ vẻ hớn hở mà theo một sử gia có mặt kể lại, trông "giống như trẻ thơ" .

Bước lên khán đài lần nữa, Hitler nói lời đúc kết với đám đông: "Bây giờ, tôi muốn làm tròn tâm nguyện của mình 5 năm về trước lúc tôi là thương bệnh binh trong một quân y viện: tôi sẽ hoạt động không ngừng nghỉ cho đến khi những tội đồ Tháng Mười Một bị lật đổ, cho đến khi trên đống tro tàn của nước Đức khốn khổ ngày hôm nay vươn lên lần nữa một nước Đức hùng mạnh và vĩ đại, tự do và vinh quang" .

Cuộc mít tinh chuẩn bị kết thúc. Tại các cửa ra vào, Hess cùng với lực lượng S.A. giữ lại một số thành viên Nội các Bavaria và những nhà quý tộc khác khi họ muốn lẻn ra ngoài cùng với đám đông. Hitler trông chừng Kahr, Lossow và Seisser. Thế rồi, có tin lực lượng S.A. đụng độ với lính công binh. Hitler quyết định đích thân đi đến nơi giải quyết vụ việc, để lại Ludendorff phụ trách kiểm soát tình hình ở nhà hàng bia .

Nhưng cuối cùng đó hoá ra lại là một sai lầm hết sức tai hại. Lossow là người đầu tiên lẻn đi. Ông cho Ludendorff biết mình phải trở về bản doanh quân đội gấp để ra chỉ đạo cần thiết. Sau đó, Kahr và Seisser cũng biến mất .

Hitler quay lại với tinh thần phấn chấn, nhưng lại thấy các con mồi đã vuột khỏi tầm tay. Ông đã tự tin mà nghĩ lúc này đáng lẽ các "bộ trưởng" của ông phải tất bật lo chuẩn bị cho những nhiệm vụ mới, trong khi Ludendorff và Lossow phải vạch kế hoạch tiến về Berlin. Nhưng gần như chẳng có việc gì xảy ra. Thậm chí Munich vẫn chưa nằm trong tay lực lượng Cách mạng. Roehm chỉ mới chiếm được doanh trại của Bộ Chiến tranh nhưng bỏ sót một số địa điểm chiến lược, kể cả văn phòng điện báo. Vì thế, tin tức về vụ bạo loạn được truyền đến Berlin và Tướng von Seeckt truyền lệnh cho quân đội ở Bavaria phải trấn áp đám phản loạn .

Chỉ có vài sĩ quan cấp thấp và một số binh sĩ bỏ hàng ngũ để ủng hộ Hitler và Roehm. Sĩ quan cao cấp dưới quyền Tướng von Danner, chỉ huy quân sự ở Munich, chẳng những chuẩn bị tuân lệnh Seeckt mà còn bất mãn vì cách Hitler đối xử với von Lossow. Theo quy củ của quân đội, một dân thường chĩa súng vào một vị tướng là đáng bị trừng phạt. Lúc gần sáng, quân đội tạo một vòng vây xung quanh lực lượng của Roehm đang chiếm đóng Bộ Chiến tranh .

Hitler và Ludendorff cùng đến gặp Roehm để xem xét tình hình. Roehm bị sốc khi thấy ngoài mình ra, không ai có động thái quân sự nào để chiếm đóng những vị trí trọng yếu. Hitler cố gắng nối lại liên lạc với Lossow, Kahr và Seisser, nhưng không có kết quả. Poehner, cựu Chỉ huy Trưởng Cảnh sát Munich và bây giờ ủng hộ Hitler, được phái cùng với Thiếu tá Huehnlein và một toán quân S.A. đi chiếm tổng hành dinh cảnh sát, nhưng họ lập tức bị bắt giữ .

Riêng Gustav von Kahr, người cầm đầu chính quyền Bavaria, đã lấy lại tinh thần và lòng dũng cảm. Ông ra lệnh đặt nhiều tấm panô khắp thành phố, tố cáo: "Sự lừa dối và phản trắc của các đồng chí nhiều tham vọng đã biến một buổi hội họp vì lợi ích cho Quốc gia thức tỉnh trở thành bạo lực đáng phỉ nhổ. Lời tuyên bố của tôi, Tướng von Lossow và Đại tá Seisser dưới sự đe doạ của nòng súng là không có hiệu lực. Đảng Công nhân Quốc gia xã hội Lao động Đức và các lực lượng chiến đấu [của Đảng này]... bị giải tán" .

VON KAHR, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Bang Đối với Hitler, chiến thắng vào buổi tối đã rất gần và rất dễ dàng nhưng đến đêm thì chúng lại đang dần tan biến. Nền tảng cho Cách mạng chính trị thành công – sự ủng hộ của các định chế hiện hữu như quân đội, cảnh sát và nhóm chính trị đang cầm quyền – giờ đang tan rã. Thậm chí tên tuổi của Ludendorff bây giờ cũng chẳng có hiệu lực tạo ra sự hậu thuẫn của quân đội địa phương. Hitler đề nghị vị tướng cùng mình rút ra ngoài thành phố để huy động nông dân ủng hộ rồi tấn công Munich, nhưng ông này lập tức từ chối .

Tuy vậy, vẫn còn một cách khác để tránh được thảm hoạ. Khi nghe tin về vụ bạo loạn, cựu Thái tử Rupprecht, kẻ thù của Ludendorff, đã phát lời kêu gọi trấn áp nhóm phản loạn. Bây giờ, Hitler quyết định kêu gọi Thái tử của cựu Hoàng đế dùng ảnh hưởng của mình tác động lên Lossow và Kahr nhằm đạt đến sự dàn xếp ôn hoà. Trung uý Neunzert, bạn của cả Hitler và Rupprecht, được phái đi lo việc này. Vì không có xe, anh này phải đáp tàu hoả, đến trưa mới đến nơi. Trong khi ấy, sự việc diễn tiến ngoài dự liệu của Hitler và mong ước của Ludendorff .

Hitler đã trù định một vụ bạo loạn, không phải là nội chiến. Dù cho đầy phấn khích, Hitler vẫn tỉnh táo mà nhận ra rằng mình không có đủ thực lực để chống lại cảnh sát và quân đội. Ông muốn làm Cách mạng cùng với quân đội, chứ không phải chống lại họ. Dù có hăng máu trong khi phát biểu và cầm súng uy hiếp tam đầu chế, nhưng ông không hề muốn những người cùng ghét bỏ nền Cộng hoà lại gây đổ máu cho nhau .

Ludendorff cũng thế. Ông sẽ vui khi thấy Tổng thống Ebert và "bọn tay sai" bị trẹo cổ. Nhưng ông không muốn giết cảnh sát và binh sĩ – những người đã cùng ông chia sẻ tinh thần phản Cách mạng quốc gia .

Bây giờ, Ludendorff đề nghị với người lãnh đạo Quốc xã đang lung lay tinh thần một kế hoạch nhằm mang chiến thắng đến cho họ và tránh đổ máu. Ông tin chắc rằng binh sĩ và ngay cả cảnh sát Đức – phần đông là cựu chiến binh – không bao giờ bắn một vị tướng huyền thoại đã từng chỉ huy họ chiến thắng trên các mặt trận. Ông và Hitler sẽ cùng với thuộc hạ tiến đến trung tâm thành phố. Ông tin rằng chẳng những cảnh sát và quân đội không dám giết ông, mà còn sẽ quy thuận và chiến đấu theo mệnh lệnh của ông. Tuy còn hồ nghi, Hitler vẫn đồng ý. Dường như chẳng còn cách nào khác. Vì Hitler thấy vị cựu Thái tử đã không phúc đáp lời yêu cầu làm trung gian của mình .

Lúc 11 giờ sáng ngày 9 tháng 11 năm 1923, ngày kỷ niệm nền Cộng hoà Đức khai sinh, Hitler và Ludendorff dẫn đầu 3.000 quân S.A. hướng về trung tâm thành phố Munich. Bên cạnh họ còn có Goering (chỉ huy lực lượng S.A.), Scheubner-Richter, Rosenberg, Ulrich Grat (cận vệ của Hitler) và một số nhà lãnh đạo khác của Đảng. Lá cờ hình chữ thập ngoặc và các tấm biểu ngữ tung bay trên đầu mỗi hàng quân lính. Tiếp theo sau là một xe tải mang súng máy cùng xạ thủ. Binh sĩ S.A. đeo súng trường trên vai, một số người gắn thêm lưỡi lê. Hitler lăm lăm khẩu súng lục trong tay. Không phải là lực lượng mạnh lắm, nhưng Ludendorff – vốn đã chỉ huy hàng triệu binh sĩ thiện chiến nhất của Đức – nghĩ thế là đủ để đạt được mục đích .

Vài trăm mét cách nhà hàng bia về hướng Bắc, họ gặp phải chướng ngại đầu tiên. Một toán cảnh sát án ngữ trên cầu Ludwig dẫn đến trung tâm thành phố. Goering chạy đến nói chuyện với người chỉ huy cảnh sát, đe doạ sẽ bắn các con tin mà mình nói đang dẫn theo phía sau nếu cảnh sát bắn vào nhóm của ông. Vào đêm trước, Hess đã bắt giữ một số con tin, bao gồm cả 2 thành viên Nội các nhằm phục vụ cho mục đích như thế này. Chẳng rõ có phải Goering tháu cáy hay không, nhưng dường như vị chỉ huy cảnh sát tin theo lời Goering nên để cho đoàn người đi qua êm thấm .

Quảng trường Marienplatz, đoàn người Quốc xã gặp một đám đông đang lắng nghe lời kêu gọi của Julius Streicher, người đả phá Do Thái ở Nuremberg, đã vội chạy đến Munich ngay khi nghe tin về vụ bạo loạn. Không muốn bị bỏ qua bên lề cuộc Cách mạng, ông cắt ngang bài diễn thuyết của mình mà gia nhập nhóm bạo loạn, tiến bước ngay phía sau Hitler .

Xế trưa, đoàn người tiến đến gần mục tiêu là Bộ Chiến tranh, nơi Roehm và nhóm quân S.A. của ông vẫn còn chiếm đóng, nhưng bị Quân đội bao vây bên ngoài. Cả hai bên chưa bắn phát súng nào. Phía Roehm có cựu chiến binh và họ có nhiều chiến hữu phía bên kia. Không ai có lòng dạ nào mà bắn giết lẫn nhau .

Để tiến đến Bộ Chiến tranh và giải thoát Roehm, Hitler và Ludendorff dẫn đoàn người đi qua con đường hẹp mang tên Residenzstrasse. Ở cuối con đường, một nhóm khoảng 100 cảnh sát đang án ngữ. Họ chiếm vị trí thuận lợi và nhóm này không muốn nhường đường .

Nhưng đoàn người lại cố gắng tìm cách đi qua. Ulrich Graf tiến lên phía trước và hô lớn với vị chỉ huy cảnh sát: "Đừng bắn! Ngài Ludendorff đang đi đến!" Hitler phụ hoạ: "Đầu hàng đi! Đầu hàng đi!" Nhưng vị chỉ huy cảnh sát không muốn đầu hàng. Rõ ràng là cái tên Ludendorff chẳng có ma lực gì đối với ông ta, đây là cảnh sát, không phải là quân đội .

Không ai biết bên nào nổ súng trước. Bên này đổ lỗi cho bên kia. Một người bàng quan khai rằng Hitler đã bắn phát súng lục trước tiên. Người khác cho rằng chính Streicher bắn trước. Và sau này, có hơn một Đảng viên Quốc xã đã kể lại với tác giả rằng hành động này của Streicher chủ yếu là để nhằm lấy lòng Hitler .

Dù sao chăng nữa, một tiếng súng đã nổ. Kế tiếp là hàng loạt súng vang lên từ hai phía, dập tắt mọi hy vọng của Hitler. Scheubner-Richter ngã xuống tắt thở. Goering bị một vết thương nặng. Trong vòng 60 giây, tiếng súng ngừng bặt, nhưng con đường la liệt những người. 16 người bên Quốc xã và 3 nhân viên cảnh sát thiệt mạng hoặc đang hấp hối, nhiều người khác bị thương, những người còn lại – kể cả Hitler – nằm rạp trên mặt đường để tránh đạn .

Nhưng cũng có một ngoại lệ. Ludendorff không nằm rạp, vẫn đứng thẳng và hãnh diện với truyền thống quân đội, cùng với Thiếu tá tuỳ viên Streck bên cạnh, ông điềm tĩnh đi giữa những họng súng của cảnh sát, trông cô đơn và dị kỳ. Không có Đảng viên Quốc xã nào đi cùng ông. Thậm chí vị lãnh tụ Adolf Hitler cũng không .

Vị thủ tướng tương lai của Đế chế Thứ Ba là người đầu tiên bỏ chạy để thoát lấy thân. Trước đó, ông đã vòng cánh tay trái để ôm lấy cánh tay phải của Scheubner-Richter và khi người thuộc hạ ngã xuống, anh kéo vị lãnh tụ ngã theo khiến ông này bị trật khớp xương vai. Theo vài nhân chứng kể lại, Hitler "là người đầu tiên đứng dậy và quay đi", bỏ lại phía sau các đồng chí đang nằm la liệt trên mặt đường. Ông được đưa nhanh lên một chiếc xe rồi chạy đến một ngôi nhà vùng nông thôn. Hai ngày sau, Hitler bị bắt .

Ludendorff bị bắt ngay tại chỗ. Ông khinh thường nhóm phản loạn đã không đủ can đảm tiến bước theo ông, và cảm thấy cay đắng vì quân đội đã không hậu thuẫn, đến nỗi ông tuyên bố từ nay về sau sẽ chẳng nhìn mặt sĩ quan nào và cũng chẳng bao giờ mặc bộ quân phục sĩ quan nữa. Goering được sơ cứu rồi được đưa đi lánh ở Áo. Hess cũng lẩn trốn ở Áo. Roehm đầu hàng tại Bộ Chiến tranh 2 giờ sau .

Trong vòng ít ngày, tất cả nhóm lãnh đạo ngoại trừ Goering và Hess đều bị bắt. Cuộc bạo loạn của Quốc xã thất bại một cách thảm hại. Đảng bị giải tán. Vị lãnh tụ độc tài, người đã bỏ chạy sau loạt đạn đầu, mất hết uy tín và sự nghiệp chính trị đang lên như diều của Hitler dường như sắp bị đặt một dấu chấm hết .

PHIÊN TOÀ XỬ TỘI PHẢN QUỐC 

Thật ra, những diễn tiến tiếp theo cho thấy sự nghiệp ấy chỉ bị gián đoạn, nhưng không gián đoạn lâu. Hitler thừa khôn ngoan để biến phiên toà này thành một diễn đàn mà qua đó, ông lên án những người đã bắt giữ mình. Điều quan trọng hơn là lần đầu tiên tên tuổi ông lan khỏi Bavaria và lan ra cả bên ngoài biên giới nước Đức. Ông biết rõ rằng những nhà báo khắp thế giới cũng như của những tờ báo của Đức đang đổ xô đến Munich để tường thuật vụ xử của toà án đặc biệt họp trong Trường Huấn luyện Bộ binh ở Blutenburgstrasse, bắt đầu từ ngày 26 tháng 2 năm 1924. Khi phiên toà kết thúc vào 24 ngày sau, Hitler đã biến thất bại thành chiến thắng, khiến cho dưới mắt quần chúng, Kahr, Lossow và Seisser phải chịu một phần trách nhiệm về những nỗi khổ sở của họ. Hitler cũng tạo ấn tượng mạnh trong lòng người dân Đức bằng tài hùng biện và tinh thần quốc gia sôi sục, đưa tên tuổi của ông lên trang nhất nhiều tờ báo trên thế giới .

Dù Ludendorff dễ trở nên nổi tiếng nhất trong số 10 bị can đứng trước vành móng ngựa, nhưng Hitler lại ngay lập tức thu hút được sự chú ý đặc biệt. Từ đầu đến cuối, ông ta áp đảo các thủ tục toà án. Frank Guertner, Bộ trưởng Tư pháp bang Bavaria và cũng là người bạn lâu năm của Hitler, đã dàn xếp để đảm bảo phiên xử thuận lợi và khoan dung. Hitler được phép ngắt lời người khác bất cứ khi nào ông ta muốn, được tự do chất vấn nhân chứng, có cơ hội nói về mình bất kỳ lúc nào và bao lâu cũng được – bài phát biểu mở đầu của ông kéo dài 4 giờ đồng hồ, và đấy mới chỉ là khai mào cho những màn diễn thuyết tiếp theo .

Hitler không muốn lặp lại lỗi lầm của những người gây bạo loạn trước đó và nói rằng họ chẳng biết gì, chẳng chủ định gì, chẳng muốn gì. Thay vào đó, Hitler nghĩ mình phải tỏ ra can đảm trước thẩm phán mà nói: "Đúng vậy, đó là điều chúng tôi muốn làm, chúng tôi muốn lật đổ Nhà nước" .

Khi đứng trước Hội đồng xét xử và phóng viên báo đài cả thế giới, Hitler hãnh diện tuyên bố: "Chỉ một mình tôi chịu trách nhiệm. Nhưng tôi không phải là kẻ tội đồ. Tôi đứng đây với tư cách là một nhà Cách mạng... Chống lại những kẻ phản quốc năm 1918 thì không phải là tội phản quốc" .

Nếu đó là tội phản quốc, thì tam đầu chế lãnh đạo chính quyền, quân đội và cảnh sát của bang Bavaria và những kẻ đồng mưu với ông cũng phải có tội và đáng lẽ phải ra trước vành móng ngựa bên cạnh ông. Hitler tỏ ra khôn ranh mà lôi tam đầu chế cùng vào cuộc: "Có một điều chắc chắn là Lossow, Kahr và Seisser đều có cùng mục tiêu như chúng tôi, đó là lật đổ Chính phủ Đức. Nếu Đảng chúng tôi thực sự phản quốc, thì xuyên suốt vụ việc Lossow, Kahr và Seisser đều có hành vi phản quốc cùng với Đảng chúng tôi. Vì trong những tuần lễ gần đây tất cả chúng tôi đã chỉ bàn bạc về những mục tiêu mà khiến cho giờ đây chúng tôi bị kết án" .

Cả 3 người khó mà phủ nhận điều này, vì đó là sự thật. Kahr và Seisser không thể đối chọi lại miệng lưỡi của Hitler. Chỉ có Tướng von Lossow tự biện hộ một cách thách thức. Ông nhắc cho toà biết: "Tôi không phải là kẻ vô công rồi nghề đi gây náo loạn. Tôi có vị trí cao trong chính quyền bang". Rồi vị tướng trút mọi câu mắng nhiếc của một nhà lãnh đạo quân sự lên người cựu hạ sĩ, kẻ mới phất mang đầy tham vọng muốn sai khiến cả quân đội và chính quyền Bang. Ông bắt bẻ: "Làm thế nào mà cái trò mị dân bừa bãi như thế lại đến từ những người gần đây chỉ lo đánh trống thổi kèn!" Chỉ đánh trống thổi kèn? Hitler biết cách để đáp lại điều đó: "Kẻ tiểu nhân luôn có tư tưởng nhỏ mọn! Xin hãy tin tôi, tôi thấy không đáng phải tranh luận với lời kết án của một Bộ trưởng như thế. Tôi thấy một con người vĩ đại muốn đi vào lịch sử chỉ với tư cách là Bộ trưởng thì không xứng đáng. Ông ta rồi có thể được chôn bên cạnh những Bộ trưởng khác. Tôi muốn trở thành người huỷ diệt chủ nghĩa Marx. Tôi sẽ hoàn tất sứ mệnh này và nếu thế, cái chức Bộ trưởng đối với tôi chỉ là vô nghĩa" .

Thế rồi Hitler đưa ra tấm gương của Wagner: "Lần đầu tiên tôi đứng trước mộ của Richard Wagner, tim tôi tràn ngập niềm hãnh diện đối với người đã không muốn có ngôn từ ghi trên mộ chí như "Nơi an nghỉ của Thành viên Hội đồng Cơ mật, Giám đốc Âm nhạc, Ngài Nam tước Richard von Wagner". Tôi hãnh diện khi thấy người này và nhiều người khác trong lịch sử nước Đức chỉ muốn nêu tên với lịch sử mà không có chức danh. Không phải do khiêm tốn mà tôi muốn là một kẻ đánh trống những ngày này. Đó là ước vọng cao nhất – còn lại thì chẳng là gì cả" .

Hitler bị kết án là muốn từ kẻ đánh trống thổi kèn nhảy lên địa vị nhà độc tài. Ông không phủ nhận điều này. Vì định mệnh đã an bài như thế .

"Người sinh ra làm nhà độc tài không để cho ai thúc đẩy, mà tự làm chủ con người mình. Ông không đợi cho ai đốc thúc, mà tự phấn đấu tiến lên. Như thế chẳng có gì là xấu hổ. Một công nhân muốn nỗ lực trở thành lao động chuyên sâu thì có đáng xấu hổ hay không? Một người có vầng trán cao như nhà tư tưởng suy nghĩ hàng đêm cho đến khi đưa ra thế giới phát minh của mình thì có phải là đường đột hay không? Người nào cảm thấy mình có nghĩa vụ đối với nhân dân thì không nên nói: 'Nếu cần đến tôi, tôi sẽ hợp tác'. Không được! Ông ấy phải tiến lên mà gánh lấy nghĩa vụ" .

Dù có thể phải nhận bản án tù lâu năm vì tội phản quốc, nhưng trong tiếng gọi của "nghĩa vụ đối với nhân dân", Hitler lại vô cùng tự tin. Trong khi đang bị giam chờ ngày ra toà, ông phân tích những lý do thất bại, và dặn lòng sẽ chẳng bao giờ lặp lại những lỗi lầm ấy. 13 năm sau khi đạt mục tiêu của mình, trong lễ kỷ niệm ngày Bạo loạn Nhà hàng Bia, Hitler nói với cử toạ: "Tôi có thể bình tâm mà nói thì đó là quyết định khinh suất nhất trong đời mình... Nếu bây giờ nhìn thấy Đảng viên của ta trong tình trạng như vào năm 1923, các bạn có thể hỏi: 'Họ từ trại tế bần nào thế?' Nhưng định mệnh đã an bài tốt cho ta. Nếu ta không thành công ở bước đầu, thì điều không tránh khỏi sẽ là sự sụp đổ. Vì nền tảng cũng như tri thức của tổ chức khi ấy còn non kém... Ta nhận ra rằng lật đổ Nhà nước cũ thì không đủ, mà trước đó còn phải xây dựng xong một Nhà nước mới sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm... Vào năm 1933, không còn có vấn đề lật đổ một Nhà nước bằng vũ lực nữa, vì khi một Nhà nước đã được gây dựng thì việc còn lại chính là phá huỷ những tàn tích cuối cùng của Nhà nước cũ – mà việc này chỉ mất có vài tiếng đồng hồ" .

Trong khi đang đối chất với các quan toà và công tố viên, đầu óc Hitler đã định hình phương cách thành lập Nhà nước Quốc xã. Lần sau, ông sẽ lôi kéo để quân đội Đức hậu thuẫn thay vì chống đối mình. Trong bài phát biểu đúc kết, Hitler nêu ý tưởng dàn hoà với quân đội. Vì chẳng có lấy một lời trách móc quân đội: "Tôi tin rằng sẽ đến ngày mà quần chúng, những người hôm nay đứng dưới ngọn cờ Đảng của chúng tôi, sẽ đoàn kết với những người đã bắn vào họ... Khi biết cảnh sát đã nổ súng, tôi lấy làm vui vì thấy không phải quân đội bị ô danh, quân đội vẫn giữ thanh danh trong sạch như từ trước đến giờ. Một ngày nào đấy, sẽ đến lúc quân đội đứng bên cạnh chúng tôi, tất cả sĩ quan cũng như binh sĩ" .

Đó là lời tiên đoán chính xác, nhưng vị thẩm phán chủ toạ ngắt ngang: "Ông Hitler, ông bảo rằng cảnh sát đã bị ô danh. Toà không chấp nhận câu nói ấy" .

Bị cáo không hề chú ý đến lời khiển trách. Với ngôn từ khiến cho cử toạ của phiên toà bị thu hút một cách mê mẩn, Hitler phát biểu lời kết luận: "Lực lượng do chúng tôi thành lập đang lớn mạnh từng ngày... Tôi vẫn ấp ủ hy vọng trong niềm hãnh diện rằng một ngày kia, sẽ đến lúc những đại đội non yếu này trở thành những tiểu đoàn, tiểu đoàn thành trung đoàn, trung đoàn thành sư đoàn, rồi những phù hiệu sẽ được mang lên từ bùn lầy, những lá cờ khi xưa sẽ tung bay, rồi sẽ có sự hoà giải theo phán xét thiêng liêng vĩ đại cuối cùng mà chúng tôi sẵn sàng đối mặt." Hitler hướng đôi mắt cháy bỏng đến Hội đồng xét xử: "Không phải là quý toà phán xử chúng tôi. Sự phán xử ấy sẽ do phiên toà vĩnh cửu của lịch sử tuyên bố. Quý toà sẽ phán xử thế nào thì tôi biết. Nhưng phiên toà ấy sẽ không hỏi chúng tôi: 'Các ông nhận tội phản Quốc hay không?' Phiên toà ấy sẽ phán xử chúng tôi, vị Chủ nhiệm Hậu cần trong quân đội cũ [Ludendorff], sĩ quan và binh sĩ của ông, như là những người Đức vốn chỉ muốn điều tốt lành cho nhân dân và Tổ quốc của họ, những người sẵn sàng chiến đấu và hy sinh. Quý toà có thể tuyên bố hàng nghìn lần rằng chúng tôi có tội, nhưng vị nữ thần của phiên toà lịch sử vĩnh cửu sẽ mỉm cười và rơi lệ để xoá đi cáo trạng của công tố và bản án của toà này. Bởi vì nữ thần sẽ tha bổng cho chúng tôi" .

Cuối cùng thì bản án của quan toà trần tục chẳng khác với phán xét của lịch sử là bao. Toà tha bổng cho Ludendorff, nhưng cho rằng Hitler và những người khác đều có tội. Tuy phải đối mặt với luật pháp (Điều 81 Bộ luật Hình sự của Đức ghi "người có hành vi sử dụng vũ lực để thay đổi Hiến pháp của Đế chế Đức hoặc bất kỳ bang nào của Đức sẽ bị phạt tù chung thân"), nhưng Hitler chỉ bị án 5 năm tù. Ngay cả các thẩm phán trần tục cũng phản đối, cho rằng bản án là quá nặng, nhưng vị thẩm phán chủ toạ trấn an họ rằng tù nhân sẽ có cơ hội được ân xá sau khi thực hiện bản án được 6 tháng. Cảnh sát cố tìm cách trục xuất Hitler vì ông là người nước ngoài – ông vẫn còn mang quốc tịch Áo – nhưng không thành công. Bản án được thi hành ngày 1 tháng 4 năm 1924. Không đầy 9 tháng sau, ngày 20 tháng 12, Hitler được trả tự do, hoàn toàn có quyền tiếp tục cuộc tranh đấu để lật đổ Nhà nước dân chủ .

Nếu là người theo phe Cực Hữu thì bản án cho tội phản Quốc không đến nỗi nặng, dù luật quy định thế nào chăng nữa .

Tuy thất bại, nhưng cuộc bạo loạn lại khiến cho Hitler nổi danh cả nước và trong con mắt của nhiều người, ông chính là một người yêu nước và là một vị anh hùng. Chẳng bao lâu sau, bộ máy tuyên truyền của Đảng Quốc xã biến vụ việc thành một trong những huyền thoại vĩ đại nhất. Mỗi năm, ngay cả khi Hitler đã lên nắm chính quyền, ngay cả lúc đang bị Thế chiến II tàn phá, Hitler đều trở về nhà hàng bia ấy ở Munich đúng vào ngày 8 tháng 11 để ban huấn từ cho Đảng viên .

Năm 1935, Hitler, lúc này đã là Thủ tướng, ra lệnh khai quật thi hài của 16 Đảng viên Quốc xã đã ngã xuống trong cuộc bạo loạn và đặt trong đài tưởng niệm Feldherrnhalle. Khi khánh thành lăng mộ, Hitler tuyên bố: "Họ đã đi vào cõi vĩnh hằng của nước Đức. Nơi đây, họ hiện thân cho nước Đức và che chở cho nhân dân ta. Nơi đây, họ nằm xuống như là những nhân chứng đích thực cho phong trào của chúng ta" .

Ông không nói thêm – và dường như không có người Đức nào còn nhớ – rằng họ chính là những người mà Hitler đã bỏ mặc sống chết khi tự mình chạy thoát thân .

Mùa hè 1924 năm ấy trongtoà pháo đài Landsberg xưa cũ được dùng làm nhà tù nhìn xuống dòng sông Lech,Adolf Hitler, là tù nhân nhưng lại được đối xử như là khách danh dự với một cănphòng cho riêng mình và cảnh quan tuyệt vời bên ngoài, gọi Rudolf Hess đến (đãra đầu thú và vào tù) để bắt đầu đọc cho anh ta ghi lại từ chương này quachương kia của một cuốn sách. Trước khi Hess đến, Emil Maurice – một cựu tùnhân, thợ làm đồng hồ và là thủ lĩnh của đội quân Quốc xã – đã ghi lại phần đầu  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dichle