Chữ tắt

CHỮ TẮT

DBrFP – Documents on British Foreign Policy. Hồ sơ của Bộ Ngoại giao Anh quốc.

DDI – I Documenti diplomatica Italiani. Hồ sơ của Chính phủ Ý.

DGFP – Documents on German Foreign Policy. Hồ sơ của Bộ Ngoại giao Đức.

FCNA – Fuehrer Conferences on Naval Affairs. Tóm tắt biên bản các buổi họp của Hitler với Tư lệnh Hải quân Đức.

NCA – Nazi Conspiracy and Aggression. Một phần của hồ sơ Nuremberg.

N.D. – Hồ sơ Nuremberg.

NSR – Nazi-Soviet Relations. Từ hồ sơ của Bộ Ngoại giao Đức.

TMWC – Trial of the Major War Criminals. Hồ sơ Nuremberg và lời khai.

TWC – Trials of War Criminals before Nuremberg Military Tribunals.

Cácphiên xét xử Tội phạm chiến tranh trước Toà án quân sự Nuremberg


DẪN NHẬP

TÔI sống và làm việc ở Đế chế Thứ Ba – nước Đức dưới chế độ Quốc xã – trong nửa thời gian đầu Đế chế này hiện hữu, quan sát Adolf Hitler củng cố quyền lực để trở thành nhà lãnh đạo độc tài của quốc gia lớn lao nhưng khó hiểu này, rồi dẫn dắt quốc gia ấy trên con đường chiến tranh và thôn tính. Nhưng chỉ kinh nghiệm cá nhân thôi thì không đủ để thôi thúc tôi viết nên cuốn sách này, mà còn do một sự kiện độc đáo trong lịch sử xảy ra vào cuối Thế chiến II .

Đó là việc tịch thu phần lớn thư khố của Chính phủ Đức và mọi cơ quan ban ngành, kể cả Bộ Ngoại giao, Lục quân và Hải quân, Đảng Quốc xã và cơ quan Mật vụ của Himmler. Tôi tin rằng chưa từng có kho dữ liệu nào quý báu như thế rơi vào tay các sử gia đương thời. Từ trước đến nay, thư khố của một quốc gia – ngay cả khi chiến bại và chính quyền bị cách mạng lật đổ như trong trường hợp của Đức và Nga năm 1918 – đều bị quốc gia ấy giữ kín và chỉ tài liệu nào phục vụ lợi ích của chế độ cầm quyền nối tiếp mới được công khai sau đó .

Sự sụp đổ nhanh chóng của Đế chế Thứ Ba vào mùa xuân 1945 dẫn đến việc tịch thu không những một khối lượng lớn tài liệu mật mà cả những tư liệu vô giá khác, như nhật ký cá nhân, bài diễn văn, báo cáo hội nghị và thư tín, kể cả bản ghi chép những cuộc điện đàm của các lãnh đạo Đảng Quốc xã được ghi âm bởi một cơ quan đặc biệt do Hermann Goering thành lập trong Bộ Hàng không .

Lấy ví dụ, Tướng Franz Halder giữ một tập nhật ký dày, ghi tốc ký những biến cố không những từng ngày mà còn từng giờ trong ngày. Đây là nguồn tư liệu độc đáo trong giai đoạn từ ngày 14 tháng 9 năm 1939 đến ngày 24 tháng 9 năm 1942, khi Halder là Tham mưu trưởng Lục quân, tiếp xúc hàng ngày với Hitler và các nhà lãnh đạo khác của Đức Quốc xã. Cũng có những cuốn nhật ký khác có giá trị lớn, như nhật ký của Tiến sĩ Joseph Goebbels, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tuyên truyền, Đảng viên thân cận của Hitler, của Tướng Alfred Jodl, Tham mưu trưởng Hành quân của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực (OKW). Cũng có những nhật ký của chính OKW và của Bộ Tư lệnh Hải quân. Khoảng 60.000 hồ sơ của Thư khố Hải quân Đức đã ghi chép hầu như toàn bộ tin báo, hải trình của tàu, nhật ký, bản ghi nhớ v.v. của Hải quân Đức từ năm 1868 (khi Hải quân Đức được thành lập) đến tháng 4 năm 1945 (khi hồ sơ bị tịch thu) .

Bộ hồ sơ nặng tổng cộng 485 tấn của Bộ Ngoại giao Đức – mà Đại Quân đoàn Thứ Nhất của Mỹ tịch thu ngay trước khi bị thiêu huỷ theo lệnh từ Berlin – bao gồm những tài liệu của giai đoạn từ lúc bắt đầu Đế chế Thứ Hai của Bismarck, qua chế độ Cộng hoà cho đến thời của Đế chế Thứ Ba. Trong nhiều năm sau chiến tranh, hàng tấn tài liệu của Quốc xã được giữ trong kho lưu trữ của Quân đội Mỹ ở Alexandria, Bang Virginia, mà Chính phủ Mỹ không màng mở ra để xem có giá trị lịch sử nào không. Cuối cùng, đến năm 1955, 10 năm sau khi bị tịch thu, nhờ sáng kiến của Hội Sử học Hoa Kỳ và sự tài trợ phóng khoáng của vài tổ chức tư nhân, kho tài liệu Alexandria mới được khui ra. Một nhóm nhỏ học giả, với nhân viên và thiết bị hạn chế, xem lướt qua và chụp ảnh các tài liệu một cách vội vã trước khi các tài liệu này được hoàn trả về Đức. Và việc này đã giúp tìm ra những phát hiện giá trị .

Những bản ghi chép của 51 "buổi họp với Lãnh tụ" về tình hình quân sự hàng ngày và các cuộc thảo luận tại tổng hành dinh của Hitler, cùng những văn bản ghi lại toàn bộ lời phát biểu của Hitler với các nhân vật thân cận và thư ký trong thời gian chiến tranh là những tài liệu vô cùng có giá trị. Thứ nhất là vài tài liệu của Hitler chỉ mới bị cháy xém do một sĩ quan quân báo của Sư đoàn Không vận 101 của Mỹ kịp thời thu hồi được, thứ hai là những tài liệu của Martin Bormann, thư ký riêng của Hitler .

Hàng trăm nghìn tài liệu của Đảng Quốc xã được vội vã mang đến Nuremberg để dùng làm chứng cứ cho toà án xử phạm nhân chiến tranh Quốc xã. Trong khi tường thuật phần đầu của phiên toà này, tôi đã thu thập được các bản chụp, tiếp sau đó là 42 tập lời khai và hồ sơ đã từng được công bố và thêm 10 tập bản dịch những tài liệu quan trọng. Bên cạnh đó, còn có 15 tập tài liệu được công bố trong 12 phiên toà Nuremberg tiếp theo cũng có giá trị, tuy nhiều hồ sơ và lời khai không được đưa vào .

Cuối cùng là những bản cung khai của sĩ quan quân đội, nhân viên Đảng và chính quyền Đức cùng lời khai tiếp theo của họ trong các phiên xử, cung cấp loại thông tin mà tôi tin rằng không có trong những cuộc chiến trước đó .

Dĩ nhiên là tôi không thể đọc được hết khối lượng đồ sộ như thế, điều này là quá sức lực của một cá nhân. Nhưng tôi đã bỏ công đọc qua phần lớn những tài liệu đó, dù công việc tiến hành chậm chạp vì thiếu hệ thống sắp xếp danh mục .

Điều khá kỳ lạ là những người là nhà báo và nhà ngoại giao như chúng tôi, trực tiếp làm việc ở nước Đức dưới chế độ Quốc xã, lại biết rất ít về những gì đang thực sự xảy ra đằng sau vẻ bề ngoài của nó, nguyên nhân chủ yếu có lẽ là do bản chất của một chế độ độc tài chuyên chế làm việc trong vòng bí mật và biết cách che giấu bí mật khỏi những cặp mắt săm soi của người ngoài. Cũng không quá khó khăn để ghi chép và mô tả bề nổi của những biến cố trong Đế chế Thứ Ba: Hitler lên nắm chính quyền, toà nhà Nghị viện bị cháy, Hitler thanh trừng nhóm Roehm, Chamberlain nhượng bộ Munich, Đức chiếm đóng Tiệp Khắc, tấn công Ba Lan, Bắc Âu, Tây Âu, vùng Balkans và Liên Xô. Quốc xã gây kinh hoàng trong những vùng chiếm đóng, trại tập trung và dân Do Thái bị tàn sát. Nhưng những quyết định bí mật, mưu đồ, sự phản bội, động lực và lầm lạc dẫn đến những biến cố ấy, vai trò của các nhân vật chính trong hậu trường, mức độ kinh hoàng mà họ gây ra và phương thức mà họ tổ chức. Tất cả và còn hơn thế nữa đều đã bị che giấu khỏi cặp mắt của chúng ta cho đến khi tài liệu bí mật của Đức được khui ra .

Vài người nghĩ rằng vẫn còn quá sớm để viết lại lịch sử của Đế chế Thứ Ba, và rằng đó là nhiệm vụ phải để cho thế hệ sau thực hiện, khi thời gian sẽ tạo cho họ những cái nhìn khách quan hơn. Tôi thấy quan điểm này đặc biệt phổ biến ở Pháp, khi tôi đến đây để làm vài công việc nghiên cứu, họ bảo tôi rằng người viết sử không nên viết về đề tài xảy ra sau thời Napoléon .

Dĩ nhiên, quan điểm ấy là có cơ sở. Phần lớn các sử gia chờ đợi trong 50 năm, 100 năm hoặc thậm chí là lâu hơn, trước khi quyết định viết về một quốc gia, một đế quốc, một kỷ nguyên. Nhưng tôi nghĩ thời gian dài như vậy phải chăng là do sử gia phải chờ đợi cho đến khi tài liệu được công bố và cung cấp chất liệu thực mà họ cần? Và tôi cũng nghĩ rằng sau thời gian dài chờ đợi, liệu một vài thông tin có bị mất đi hay không, khi mà tác giả không còn cơ hội thấu hiểu về cuộc sống, không khí của những thời khắc cũng như các gương mặt lịch sử mà họ muốn viết? Đế chế Thứ Ba là một trường hợp độc đáo vì khi Đế chế này sụp đổ, ta có thể tiếp cận với hầu như tất cả tài liệu và nguồn tài liệu này còn được làm phong phú thêm bởi lời khai của tất cả những nhà lãnh đạo còn sống, với vài người là trước khi họ bị hành quyết. Với khối lượng tài liệu lớn như thế, được tiếp cận trong thời gian ngắn như thế cộng thêm trí nhớ về cuộc sống dưới thời Đức Quốc xã cùng bộ dạng, cách hành xử và bản chất của những nhà lãnh đạo, tôi quyết định dù thế nào cũng nên thử viết về lịch sử thăng trầm của Đế chế Thứ Ba ở Đức .

Thucydides nhận xét trong quyển Lịch sử Chiến tranh Peloponnese, một trong những công trình sử học vĩ đại nhất: "Tôi đã sống qua suốt cuộc chiến vào tuổi có thể thấu hiểu và chú ý đến các biến cố để biết được sự thật về chúng" .

Tôi nhận thấy muốn thấu hiểu sự thật về nước Đức dưới chế độ của Hitler là điều cực kỳ khó khăn, thậm chí là không thể nào hiểu được. Khối lượng tư liệu khổng lồ giúp ta tiến thêm một bước trong việc tìm hiểu sự thật, điều không thể đạt được ở 20 năm về trước, nhưng chính khối lượng này tự nó có thể làm cho ta rối trí. Và trong mọi tài liệu ghi ghép cùng lời khai của nhân chứng, sẽ có những điểm mâu thuẫn .

Chắc chắn là ý kiến chủ quan của riêng tôi – không tránh khỏi phát sinh từ kinh nghiệm và bản tính của cá nhân – thỉnh thoảng sẽ len lỏi vào trong các trang của cuốn sách này. Trên nguyên tắc, tôi kinh tởm chế độ độc tài chuyên chế, càng sống trong chế độ này và nhìn thấy những sự chà đạp lên tinh thần con người, tôi càng có ác cảm với nó hơn. Tuy thế, trong cuốn sách này tôi cố gắng khách quan một cách nghiêm túc, chỉ để các sự kiện tự lên tiếng và ghi chú nguồn thông tin của mỗi sự kiện. Không có biến cố, cảnh tượng hoặc lời trích dẫn nào được tưởng tượng ra, tất cả đều dựa trên tài liệu, lời khai của nhân chứng hoặc do chính tôi quan sát. Trong dăm ba trường hợp có sự phỏng đoán nào đấy mà thiếu sự kiện, tôi đều ghi rõ .

Chắc chắn là nhiều người sẽ chất vấn diễn giải của tôi. Điều này là khó tránh khỏi, vì ai cũng có ý kiến sai lạc. Những diễn giải đúng lý nhất mà tôi đưa ra – nhằm làm rõ hoặc tạo thêm chiều sâu – xuất phát từ chứng cứ cũng như kiến thức và kinh nghiệm của riêng tôi .

Có lẽ Adolf Hitler là nhà thôn tính phiêu lưu cuối cùng đi theo cách thức của Alexander, Caesar và Napoléon, cũng như Đế chế Thứ Ba là đế chế cuối cùng đi theo con đường của Macedonia, La Mã và Pháp .

Tấm màn đã khép lại giai đoạn lịch sử này, ít nhất là qua sự phát minh của bom hạt nhân, đầu đạn xuyên lục địa và hoả tiễn có thể nhắm đến Mặt Trăng .

Trong kỷ nguyên mới của khí tài gây kinh hoàng và tử vong nhanh chóng thay thế vũ khí cũ, một cuộc đại chiến xâm lược mới – nếu xảy ra – sẽ được phát động bởi một kẻ điên rồ tầm thường muốn tự sát bằng cách nhấn một cái nút điện tử. Sẽ không có những nhà thôn tính và cũng không có những cuộc chinh phục, mà chỉ có những bộ xương cháy nám của người chết nằm trên một hành tinh chẳng còn sự sống .

VÀO đêm trước ngày ra đời Đế chế Thứ Ba, bầu không khí căng thẳng bao trùm thành phố Berlin. Hầu như mọi người đều biết rằng nền Cộng hoà Đức sắp cáo chung. Trong hơn một năm, chế độ này đã tàn lụi một cách nhanh chóng. Giống như người tiền nhiệm Franz von Papen, Tướng Kurt von Schleicher chẳng quan tâm mấy đến số phận của chế độ Cộng hoà và càng ít quan tâm hơn đến nền dân chủ. Cả hai đã giữ chức vụ Thủ tướng do Tổng thống Đức chỉ định mà không thông qua Nghị viện .

Ngày 28 tháng 1 năm 1933, Kurt von Schleicher đột nhiên bị vị Tổng thống già nua, Thống chế von Hindenburg bãi nhiệm chức vụ Thủ tướng chỉ sau 57 ngày nắm quyền. Adolf Hitler, thủ lĩnh Quốc xã, Đảng lớn nhất của Đức, đòi nắm chức vụ Thủ tướng của một nước Cộng hoà dân chủ mà ông nguyện sẽ tiêu diệt .

Nhiều tin đồn lan truyền trong ngày cuối tuần mùa đông định mệnh ấy và tin đồn gây quan ngại nhất không phải là vô căn cứ. Có tin cho biết Schleicher định âm mưu với Tướng Kurt von Hammerstein, Tư lệnh Lục quân, để làm cuộc nổi loạn với sự hậu thuẫn của doanh trại Potsdam nhằm bắt giữ Tổng thống và thành lập chế độ độc tài quân phiệt. Có cả tin đồn về việc Quốc xã định cướp chính quyền. Đội ngũ S.A. ở Berlin, được hỗ trợ bởi những cảm tình viên Quốc xã trong lực lượng cảnh sát, định chiếm lấy khu Wilhelmstrasse, nơi toạ lạc Dinh Tổng thống và phần lớn văn phòng các bộ. Cũng có tin đồn về một cuộc tổng đình công. Ngày 29 tháng 1 năm 1933, hàng trăm nghìn công nhân biểu tình ở trung tâm Berlin để phản đối việc chỉ định Hitler làm Thủ tướng. Một trong những lãnh đạo công nhân cố bắt liên lạc với Tướng von Hammerstein nhằm đề xuất hành động kết hợp giữa quân đội và nghiệp đoàn nếu Hitler được chỉ định cầm đầu Chính phủ. Trước đó, trong cuộc nổi loạn Kapp năm 1920, một cuộc tổng đình công cũng đã giúp cứu nguy cho nền Cộng hoà sau khi Chính phủ trốn chạy khỏi thủ đô .

Trong những ngày này, Hitler đi đi lại lại trong căn phòng ở khách sạn Kaiserhof ở Quảng trường Reichskanzlerplatzcách Phủ Thủ tướng không xa. Tuy lo lắng, nhưng ông vẫn tin chắc rằng thời khắc của mình sắp đến. Trong gần một tháng, ông bí mật đàm phán với Papen và phe Hữu bảo thủ. Ông phải dung hoà. Ông không thể lập được một Chính phủ Quốc xã thuần túy, nhưng trở thành Thủ tướng của một Chính phủ liên hiệp gồm 11 thành viên và 8 người trong số đó tuy không phải là Quốc xã, nhưng đã đồng ý với mưu đồ xoá bỏ nền Cộng hoà thì lại là chuyện có thể. Chỉ có một kẻ ngáng đường duy nhất, chính là vị Tổng thống già nua, cứng rắn. Mới chỉ vào ngày 26 tháng 1 thôi, Tổng thống còn nói với Tướng Kurt von Hammerstein rằng ông "không hề có ý định trao cho viên hạ sĩ người Áo ấy chức Bộ trưởng Quốc phòng hay chiếc ghế Thủ tướng của nước Đức .

Tuy thế dưới ảnh hưởng của người con trai – Thiếu tá Oskar von Hindenburg, của Ottovon Meissner – Bí thư cho Tổng thống, của [cựu Thủ tướng] Papen và những thành viên khác trong nhóm quân sự, cuối cùng vị Tổng thống đã phải nhượng bộ. Ông đã 86 tuổi và đang lún sâu vào tình trạng lão suy. Xế chiều ngày 29 tháng 1 năm 1933, trong khi Hitler đang dùng trà và bánh cùng với Goebbels và các trợ lý khác thì Chủ tịch Nghị viện, Hermann Goering – nhân vật số Hai trong Đảng Quốc xã, thông báo rằng Hitler sẽ được cử làm Thủ tướng vào ngày hôm sau .

Gần trưa ngày 30 tháng 1 năm 1933, Hitler đi đến Phủ Thủ tướng để hội đàm với Hindenburg trong buổi gặp gỡ định mệnh đối với chính ông, đối với nước Đức và đối với toàn thế giới. Từ một cửa sổ của khách sạn Kaiserhof, Goebbels, Roehm và các thủ lĩnh Quốc xã khác âu lo dõi mắt nhìn cánh cửa của Dinh Thủ tướng nơi Lãnh tụ sắp bước ra. Goebbels nhận xét: "Chúng tôi có thể nhìn nét mặt ông ấy để biết rằng ông có thành công hay không". Nhưng ngay cả vào lúc đó, họ vẫn không chắc chắn. "Trái tim chúng tôi như bị giằng xé giữa nghi ngờ, hy vọng, niềm vui và sự chán nản". Goebbels đã ghi vào nhật ký của mình: "Chúng tôi đã thất vọng quá nhiều lần nên không thể toàn tâm tin vào một phép lạ lớn lao nào" .

Nhưng sau đó, họ đã được chứng kiến một phép lạ thật sự. Con người với bộ râu kiểu danh hài Charlie Chaplin, gã thanh niên từng lông bông trên đường phố thủ đô Vienna của Áo, người lính vô danh trong Thế chiến I, người sống vật vờ trong những ngày hậu chiến, kẻ cầm đầu cuộc bạo loạn có phần khôi hài ở một nhà hàng bia, người thậm chí còn không mang trong mình dòng máu Đức và giờ chỉ mới 43 tuổi, đã vừa được cử hành lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng nước Đức .

Hitler lái xe hàng trăm mét trở về khách sạn Kaiserhof để gặp lại những phụ tá thân tín: Goebbels, Goering, Roehm và các nhân vật chỉ huy lực lượng S.A. – những người đã hỗ trợ ông trên con đường chông gai tiến đến quyền lực. Goebbels ghi chép: "Ông ấy không nói gì và tất cả chúng tôi cũng không nói gì, nhưng đôi mắt ông ấy đẫm lệ" .

Cả buổi tối ấy cho đến sau nửa khuya, hàng chục nghìn binh sĩ S.A. cuồng nhiệt của Quốc xã đã đốt đuốc diễu hành để mừng chiến thắng. Trong những đội hình có kỷ luật, họ đi qua công viên Tiergarten, qua cổng Brandenburg rồi đi xuống khu Wilhelmstrasse, với ban nhạc nổi lên những khúc quân hành cổ xưa hùng tráng theo nhịp trông như sấm dậy, cất tiếng hát theo bài hát mới của Horst Wessel cùng những bài hát lâu đời của nước Đức. Trong tiếng giày đinh rầm rập, những ngọn đuốc giơ lên cao tạo nên một con rồng lửa ngoằn ngoèo soi sáng cả phố phường, giữa tiếng hò reo của dân chúng kéo ra xem .

Từ trên một khung cửa sổ của Phủ Tổng thống, Hindenburg nhìn xuống đoàn diễu hành, lấy cây gậy gõ theo nhịp của khúc quân ca, có vẻ như mãn nguyện vì đã chọn được một Thủ tướng có thể khơi dậy toàn dân theo cách thức Đức truyền thống. Người ta không rõ ông có ý niệm nào về những chuyện sẽ xảy ra sau này hay không. Nhưng chẳng bao lâu sau, một câu chuyện, có lẽ là được ngụy tạo, đã được lan truyền ở Berlin: Giữa buổi diễu hành, Hindenburg đã quay sang một vị tướng già và nói: "Tôi không biết ta đã bắt được nhiều tù binh người Nga đến thế" .

Riêng Hitler thì đứng ở khung cửa sổ của Phủ Thủ tướng, tỏ vẻ cực kỳ phấn khích và vui sướng, nhảy nhót tới lui, liên tục giơ tay chào theo kiểu Quốc xã, cười và cười cho đến khi nước mắt lại giàn giụa .

Một người nước ngoài nhìn cuộc diễu hành đêm ấy với cảm nghĩ khác .

André François-Poncet, vị Đại sứ Pháp, viết: "Con sông lửa chảy qua trước Đại sứ quán Pháp, qua đó tôi đã nhìn thấy một luồng ánh sáng với con tim nặng trĩu chứa đầy cảm nghĩ về điềm gở" .

Lúc 3 giờ sáng đêm ấy, Goebbels trở về nhà, mệt mỏi nhưng sướng thoả .

Trước khi đi ngủ, ông ghi vào nhật ký: "Gần như là một giấc mơ... một câu chuyện cổ tích... Đế chế mới đã ra đời. 14 năm nỗ lực đã mang đến thành công. Cuộc Cách mạng Đức đã bắt đầu!" Hitler bạo miệng tuyên bố rằng Đế chế Thứ Ba ra đời ngày 30 tháng 1 năm 1933 sẽ kéo dài 1.000 năm. Trên thực tế chế độ này chỉ kéo dài 12 năm 4 tháng. Nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, nó đã gây ra cho toàn thế giới sự bạo lực dữ dội hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó. Chế độ này đã đưa người Đức lên đến đỉnh cao mà họ chưa từng trải qua trong hơn một thiên niên kỷ, biến họ thành chủ nhân của cả châu Âu, trải dài từ Đại Tây Dương đến sông Volga, từ cực Bắc xuống đến Địa Trung Hải và rồi sau đó dìm họ xuống vực sâu của sự tàn phá và tiêu điều ở cuối cuộc Thế chiến. Chế độ này đã biến một quốc gia trở nên nhẫn tâm hơn, gieo rắc làn sóng khủng bố lên các dân tộc khác trong những cuộc diệt chủng có chủ đích, vượt qua tầm mức của mọi chế độ hà khắc nhất từ trước đến giờ .

Nhân vật lập nên Đế chế Thứ Ba, người đã cai trị một cách tàn bạo, với sự tinh ranh khác thường, người đã dẫn dắt nước Đức lên một tầm cao chóng mặt và tụt xuống kết cục bi thảm, đúng là người có biệt tài, chỉ có điều biệt tài đó lại được áp dụng cho những mưu đồ đen tối .

Nếu không có Adolf Hitler – với cá tính như ác quỷ, ý chí sắt đá, bản năng độc đoán, tàn nhẫn lạnh lùng, một kẻ mang trong mình một khối lượng tri thức đáng kể, óc tưởng tượng vượt bậc và khả năng diệu kỳ về việc đánh giá đúng con người và tình huống – thì chắc chắn hẳn đã chẳng bao giờ có Đế chế Thứ Ba .

Như Friedrich Meinecke, một sử gia nổi tiếng người Đức đã nói: "Đó là một trong những ví dụ điển hình nhất trong lịch sử về quyền năng độc tôn của tính cách cá nhân" .

Đối với một số người Đức và chắc chắn là đối với đa số người nước ngoài, dường như một tên bịp bợm đã lên nắm quyền ở Berlin. Nhưng đối với đa số người Đức, Hitler lại là một nhà lãnh đạo đất nước có sức lôi cuốn. Trong 12 năm bão táp, họ mù quáng tuân theo mệnh lệnh của ông, như thể ông có khả năng phán xét thần diệu vậy .

SỰ RA ĐỜI CỦA ADOLF HITLER Xét qua lai lịch và thời tuổi trẻ của Hitler, khó mà tưởng tượng nổi một con người lập dị gốc nông thôn Áo như thế lại có thể nối gót Bismarck, những Hoàng đế vương triều Hohenzollern và Tổng thống hiện tại, Hindenburg .

Hitler sinh vào lúc 6 giờ 30 tối ngày 20 tháng 4 năm 1889 tại Gasthofzum Pommer, một khu nhà trọ khiêm tốn ở thị trấn Braunau am Inn gần biên giới với Bavaria. Sinh quán này có ý nghĩa đặc biệt, vì từ thời tuổi trẻ, Hitler bị ám ảnh với ý nghĩ là đường biên giới giữa hai dân tộc nói tiếng Đức này không nên tồn tại, cả hai dân tộc phải thuộc về cùng Đế chế Đức. Ý nghĩ này trở nên dai dẳng đến nỗi vào tuổi 35, khi ngồi trong nhà tù viết nên cuốn sách sau này trở thành nền tảng cho Đế chế Thứ Ba, những dòng đầu tiên của nó đều liên quan đến ý nghĩa sinh quán của ông. Cuốn Mein Kampf bắt đầu bằng câu: "Vào thời điểm này, tôi thấy có vẻ như định mệnh đã chọn Braunau am Inn là nơi tôi sinh ra. Vì thị trấn nhỏ bé này nằm dọc đường biên giới của hai bang người Đức mà thế hệ trẻ chúng ta dày công cả đời để mong thống nhất... Có vẻ như đối với tôi, thị trấn nhỏ bé ở đường biên giới ấy là biểu tượng cho một sứ mệnh vĩ đại" .

Adolf Hitler là người con thứ ba từ cuộc hôn nhân thứ ba của ông bố làm nhân viên hải quan Áo cấp thấp. Cha của Hitler là con ngoài giá thú, trong 39 năm đầu đời mang họ mẹ là Schicklgruber. Họ Hitler là họ của cả bên ngoại lẫn bên nội. Cả bà ngoại và ông nội của Hitler đều mang họ Hitler, hoặc dạng biến thể của họ này: Hiedler, Huetler hoặc Huettler. Mẹ và cha của Hitler có quan hệ họ hàng với nhau, nên cần có giấy phép của Cha xứ địa phương mới được cưới nhau .

Tổ tiên nhiều đời hai bên nội ngoại của Lãnh tụ Quốc xã tương lai sống Waldviertel, một huyện của vùng Hạ nước Áo, giữa sông Danube và ranh giới giữa Bohemia và Moravia. Lúc sống ở Vienna, đôi khi tôi đi ngang qua vùng này trên đường đến Prague hoặc đến Đức. Đó là một vùng rừng trên đồi núi, nơi có những xóm làng yên bình và những nông trại nhỏ bé. Mặc dù chỉ cách Vienna khoảng 80 km, nhưng nó trông có vẻ cô lập và nghèo nàn, cứ như thể dòng đời của Áo đã bỏ qua nơi này vậy. Cư dân thường tỏ ra nghiêm nghị, giống như nông dân người Tiệp sống gần họ về phía Bắc. Hôn nhân giữa thân bằng quyến thuộc là điều bình thường như trường hợp của cha mẹ Hitler và có nhiều người được sinh ngoài giá thú .

Bên họ ngoại có phần ổn định hơn. Bốn thế hệ trong gia tộc của Klara Poelzl (mẹ của Adolf Hitler) đều là nông dân ở số 37, làng Spital. Tổ tiên bên họ nội thì khác. Như ta đã thấy, những người thuộc nhánh này có họ viết theo những cách khác nhau, nơi cư trú cũng thường thay đổi. Các thành viên trong gia tộc Hilter thích tự do tự tại nên thường thay đổi chỗ ở từ làng này qua làng khác, từ nghề này qua nghề khác, nhằm tránh bị trói buộc để sống cuộc đời tha phương trong các mối quan hệ với phụ nữ .

Ông nội của Hitler có tên Johann Georg Hiedler, làm nghề xay xát từ làng này qua làng khác ở vùng Hạ nước Áo. Vào năm 1824, 5 tháng sau cuộc hôn nhân thứ nhất, một bé trai ra đời, nhưng đứa trẻ và mẹ nó đều chết. 18 năm sau, trong khi làm việc ở Duerenthal, ông cưới một phụ nữ nông dân 47 tuổi tên Maria Anna Schicklgruber ở làng Strones. 5 năm trước đó, vào ngày 7 tháng 6 năm 1837, bà này sinh 1 người con trai ngoài giá thú mà bà đặt tên là Alois – tức cha của Adolf Hitler. Rất có thể cha của Alois là Johann Hiedler, nhưng không có bằng chứng xác đáng nào chứng minh điều đó. Dù sao đi chăng nữa, Johann cuối cùng cũng cưới người phụ nữ ấy, nhưng ngược với lệ thường trong những trường hợp như thế, sau hôn lễ ông chẳng màng chính thức hoá đứa trẻ. Đứa trẻ lớn lên mang tên Alois Schicklgruber .

Anna qua đời năm 1847, sau đó Johann Hiedler biến mất trong suốt 30 năm, rồi xuất hiện khi đã ở tuổi 84 trong thị trấn Weitra ở vùng Waldviertel, họ của ông được đổi thành Hitler, để khai trước công chứng cùng 3 người làm chứng rằng ông là cha của Alois Schicklgruber. Không ai rõ vì lý do tại sao ông già phải mất một khoảng thời gian lâu như thế mới nhận con và việc đó có mục đích gì. Theo Heiden, sau này Alois tâm sự với một người bạn rằng việc khai nhận như vậy sẽ giúp ông nhận được 1 phần thừa kế từ 1 người chú ngày xưa đã nuôi nấng ông trong nhà của ông ấy. Dù gì đi chăng nữa, vào ngày 6 tháng 6 năm 1876, cái tên Alois Schicklgruber được đổi lại thành Alois Hitler. Đến ngày 23 tháng 11, vị giáo sĩ ở Doellersheim nhận bản khai được công chứng xoá tên Alois Schicklgruber trong sổ đăng ký rửa tội rồi viết thay vào đó là tên Alois Hitler .

Thế là từ đó cha của Hitler chính thức mang tên Alois Hitler và lẽ tự nhiên là họ Hitler được truyền đến con trai Adolf Hitler. Chỉ mới trong thập niên 1930, các ký giả bạo gan ở Vienna đã lục tìm hồ sơ lưu trữ của giáo khu, tìm ra những sự kiện về tổ tiên của Hitler. Phớt lờ việc ông già Johann Georg Hiedler đã muộn màng khai nhận đứa con hoang, họ vẫn cứ cố gán cái tên Alois Schicklgruber cho nhà lãnh đạo Quốc xã .

Nhiều biến chuyển lạ kỳ có tính định mệnh đã xảy ra trong cuộc đời của Adolf Hitler, nhưng không có biến chuyển nào lạ kỳ hơn sự kiện diễn ra 13 năm trước khi ông sinh ra. Nếu gần 30 năm sau cái chết của người mẹ, ông già xay xát lang thang 84 tuổi không bất thình lình xuất hiện để nhìn nhận đứa con 39 tuổi, thì đáng lẽ Adolf Hitler đã được sinh ra dưới tên Adolf Schicklgruber. Đáng lẽ ra thì mang họ nào thì cũng thế cả thôi, nhưng tôi nghe người Đức bàn tán rằng liệu Hitler có thể trở thành lãnh tụ nước Đức không, nếu ông mang cái họ Schicklgruber nghe có phần khôi hài khi thốt lên từ cửa miệng người miền Nam nước Đức. Liệu người ta có thể mường tượng những đám đông Đức cuồng nhiệt gào thét đón chào một người tên Schicklgruber bằng khẩu hiệu "Heil"? "Heil Schicklgruber" ư? Khẩu hiệu "Heil Hitler" không chỉ được hô lên trong những buổi mít tinh của Quốc xã, mà nó còn là cách chào hỏi bắt buộc giữa những người Đức dưới thời Đế chế Thứ Ba, ngay cả khi nói qua điện thoại thay cho câu chào "Hello" thông thường. "Heil Schicklgruber" ư? Thật khó mà tưởng tượng ra được. Vì lẽ dường như cha mẹ của Alois không bao giờ sống chung với nhau ngay cả sau khi kết hôn, nên cha của Adolf Hitler được người chú tên Johann von Nepomuk Huetler nuôi nấng. Xét qua lòng căm thù thâm sâu của Lãnh tụ Quốc xã đối với người Tiệp mà qua đó sau này ông huỷ hoại Tiệp Khắc, chúng ta cần nói sơ qua về tên thánh của người chú kia. Johann von Nepomuk là vị thánh bổn mạng của dân tộc Tiệp, thế nên một số sử gia cho rằng có dòng máu Tiệp trong gia tộc Hitler .

Ban đầu, Alois Schicklgruber học nghề đóng giày ở làng Spital, nhưng vì tính lông bông giống người cha mà chẳng bao lâu sau, ông lên đường đi thử thời vận ở Vienna. Khi lên 18 tuổi, ông gia nhập cảnh sát biên phòng thuộc ngành hải quan Áo gần Salzburg, rồi 9 năm sau khi cưới Anna Glasl-Hoerer, con nuôi của một nhân viên hải quan, ông được thăng chức. Người vợ đã mang cho ông một ít của hồi môn và giúp ông nâng cao địa vị xã hội, như thường thấy trong giới công chức Áo-Hung cấp thấp thời xưa. Nhưng cuộc hôn nhân ấy lại không được hạnh phúc. Bà vợ lớn hơn chồng 14 tuổi, có thể chất yếu đuối và không thể sinh con. Sau 16 năm, họ ly thân, rồi 3 năm sau, 1883, bà vợ qua đời .

Trước khi hai người ly thân, Alois – bây giờ đã mang họ theo luật định là Hitler – có một người tình tên là Franziska Matzelsberger – là một đầu bếp khách sạn. Năm 1882, người này sinh cho ông 1 bé trai mang tên Alois Hitler Junior. Một tháng sau cái chết của vợ, ông cưới Franziska, rồi 3 tháng sau họ có một cô con gái, Angela. Cuộc hôn nhân thứ hai kéo dài không lâu. Trong vòng 1 năm, Franziska qua đời vì bệnh lao. 6 tháng sau, Alois Hitler kết hôn lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng .

Cô dâu mới tên Klara Poelzl (người chẳng bao lâu sau sẽ là mẹ của Adolf Hitler), lúc ấy 25 tuổi, còn chồng cô đã 48 tuổi. Cả hai người đã quen biết nhau từ lâu. Klara có sinh quán ở Spital, cũng là sinh quán của gia tộc Hitler. Ông ngoại của Klara là Johann von Nepomuk Huetler, chính là người nuôi nấng Alois Schicklgruber. Vì thế mà Alois và Klara có quan hệ huyết thống .

Đó là cuộc hôn nhân mà ông nhân viên hải quan đã suy ngẫm nhiều năm trước khi nhận Klara vào ngôi nhà không con cái của ông với tư cách là con nuôi trong cuộc hôn nhân thứ nhất. Trong nhiều năm, cô sống cùng gia tộc Schicklgruber ở Braunau. Khi người vợ đầu đang đau yếu, dường như Alois có ý nghĩ sẽ cưới Klara ngay sau khi vợ qua đời. Việc ông được nhận là con chính thức rồi nhận một khoản thừa kế của người chú (cũng là ông ngoại của Klara) diễn ra khi cô gái lên 16, vừa đủ tuổi kết hôn. Nhưng người vợ vẫn sống thoi thóp sau khi ly thân và có lẽ cũng bởi vì lúc ấy Alois đang có quan hệ với cô đầu bếp Franziska Matzelsberger, nên Klara bỏ nhà đi Vienna khi cô 20 tuổi, rồi nhận làm công trong nhà người ta .

Bốn năm sau, Klara trở về, rồi Franziska – trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời – đã dọn ra khỏi nhà chồng. Alois Hitler và Klara Poelzl kết hôn ngày 7 tháng 1 năm 1885. 4 tháng 10 ngày sau, đứa con trai Gustav ra đời, nhưng chết yểu. Đứa con trai thứ hai, Ida, sinh năm 1886 và cũng chết yểu. Adolf là đứa con thứ ba trong cuộc hôn nhân thứ ba của ông bố. Đứa con trai thứ tư, Edmund, ra đời năm 1894 nhưng chỉ sống được 6 năm. Đứa con thứ năm và cũng là con gái út, Paula, sinh năm 1896, sống thọ hơn người anh nổi tiếng .

Người anh cùng cha khác mẹ Alois Hitler Junior và người chị cùng cha khác mẹ Angela Hitler của Adolf Hitler (tức là hai con của Franziska Matzelsberger), cũng sống đến tuổi trưởng thành. Người chị Angela xinh xắn cưới một nhân viên thuế vụ tên Raubal, rồi sau khi ông này qua đời, bà làm công việc quản gia ở Vienna. Nếu thông tin của Heiden là chính xác, thì trong một thời gian, bà đã nấu ăn cho một bếp ăn từ thiện của người Do Thái. Năm 1928, Hitler mời bà đến biệt thự Berghof để chăm sóc nhà cửa cho ông. Chẳng bao lâu sau, Đảng viên Quốc xã đồn đại với nhau về các loại bánh ngọt và thức tráng miệng của bà mà Hitler rất ưa thích. Năm 1936, bà rời xa Hitler để cưới một giáo sư kiến trúc ở Dresden. Hitler – lúc ấy đang là Thủ tướng – còn giận dỗi việc bà ra đi nên không gửi quà cưới. Bà là người thân duy nhất trong gia đình mà Hilter có phần thân thiết. Angela có một con gái tên Geli Raubal, một cô gái có mái tóc bạch kim xinh đẹp và cũng là người duy nhất mà Hitler thật sự yêu say đắm .

Adolf Hitler không bao giờ thích nhắc đến người anh cùng cha khác mẹ của mình cả. Alois Matzelsberger, về sau được hợp thức hoá là Alois Hitler Junior, làm nghề hầu bàn và trong nhiều năm cuộc đời, ông này đã gặp nhiều rắc rối với pháp luật. Ghi chép của Heiden cho thấy năm 18 tuổi, ông bị án tù 5 tháng vì tội trộm cắp. Năm 20 tuổi, ông lại lãnh thêm 8 tháng tù cũng vẫn vì tội ấy. Cuối cùng, ông ta chuyển đến Đức, điều mà sẽ trở thành rắc rối thực sự trong tương lai. Vào năm 1924, khi Adolf Hitler đang mòn mỏi trong tù vì tham gia cuộc nổi dậy chính trị ở Munich, thì Alois Hitler bị án tù 6 tháng vì tội đa thê. Cũng theo ghi chép của Heiden, sau đó Alois đi Anh, nhanh chóng lập gia đình rồi lại tan vỡ .

Khi Quốc xã lên cầm quyền, đời sống của Alois Hitler Junior có khá lên. Ông mở một quán bia nhỏ tên là Bierstube ở vùng ngoại ô Berlin, rồi sau này dời đến Quảng trường Wittenbergplatz ở vùng Tây Thủ đô trước khi chiến tranh xảy ra. Sĩ quan Quốc xã thường đến đây ăn uống và trong thời kỳ đầu của chiến tranh, thực phẩm khan hiếm nhưng quán bia vẫn có đủ món. Lúc ấy, tôi thỉnh thoảng có ghé đến quán. Alois Hitler Junior đã gần 60 tuổi, trông khá giống người em cùng cha khác mẹ nổi tiếng của mình, mà thật ra thì giữa ông với hàng tá những chủ quán bia khác ở Đức và Áo trông cũng chẳng có gì khác biệt. Dù cho quá khứ có thế nào đi chăng nữa, thì rõ ràng lúc bấy giờ Alois cũng đang hưởng thụ cuộc sống sung túc. Ông chỉ có một mối lo duy nhất: người em cùng cha khác mẹ trong một thời khắc khinh khi hoặc tức giận có thể rút giấy phép hành nghề của ông. Đôi lúc có lời bàn tán trong quán bia rằng vị Thủ tướng và Lãnh tụ của Đế chế không thích ai nhắc đến gốc gác nghèo hèn của gia tộc Hitler. Tôi còn nhớ là chính Alois cũng không muốn bị kéo vào bất cứ câu chuyện nào liên quan đến người em cùng cha khác mẹ. Đó là thái độ khôn ngoan, nhưng các nhà báo chúng tôi thì thất vọng vì không thể tìm hiểu rõ hơn lý lịch của Adolf Hitler lúc ấy đang chuẩn bị thôn tính châu Âu .

Ngoại trừ cuốn Mein Kampf, với phần tự thuật sai lạc và rất nhiều chi tiết bị phớt lờ, Adolf Hitler hiếm khi đề cập – hoặc cho phép đề cập khi có mặt ông – về gốc gác gia đình và thời trai trẻ của mình .

THỜI TRAI TRẺ CỦA HITLER Lúc người cha nghỉ hưu ở tuổi 58, cậu bé Adolf lên 6 đang theo học một trường công lập ở làng Fischlham, chỉ một quãng ngắn gần thị trấn Linz về hướng Tây Nam. Đó là vào năm 1895. Trong 4 hoặc 5 năm kế tiếp, người cha lông bông của cậu đang lĩnh lương hưu và cư ngụ từ làng này qua làng khác chung quanh Linz. Khi bước sang tuổi 15, cậu học trò còn nhớ địa chỉ đã thay đổi 7 lần và trường học đã thay đổi 5 lần. Trong 2 năm, cậu theo học trường nhà dòng ở Lambach, ở gần nơi cha cậu đã mua một nông trại. Ở đây, cậu hát trong ca đoàn, tham gia một lớp dạy hát và – theo lời kể của riêng cậu – mơ đến một ngày được thụ phong .

Cuối cùng, gia đình cậu định cư hẳn trong làng Leonding, vùng ngoại ô phía Nam của thị trấn Linz, nơi họ có một ngôi nhà và khu vườn khiêm tốn .

Năm 11 tuổi, Adolf theo học trường trung học ở Linz. Việc này cho thấy người cha đã chịu hy sinh tài chính cho con ăn học và mong mỏi đứa con trở thành công chức giống như mình như thế nào. Nhưng Adolf luôn chống lại ý tưởng này một cách quyết liệt. Sau này, ông kể: "Lúc chỉ mới 11 tuổi, lần đầu tiên tôi buộc phải chống đối (cha tôi)... Tôi không muốn trở thành công chức" .

Câu chuyện về một cậu bé còn chưa đến tuổi thiếu niên tranh đấu với người cha cứng rắn có tính áp đặt là một trong những đề mục hiếm hoi mà Hitler kể một cách chi tiết và xem chừng trung thực trong quyển Mein Kampf. Mâu thuẫn giữa hai cha con cho thấy biểu hiện đầu tiên của một ý chí mãnh liệt, không nao núng mà sau này sẽ mang người con đi xa, bất chấp bao trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua được .

"Tôi không muốn trở thành công chức, không, nghìn lần không. Bằng những mẩu chuyện trong cuộc đời mình, cha tôi cố khơi dậy trong tôi lòng yêu thích cái nghề này, nhưng kết quả chỉ là ngược lại. Tôi... ớn đến tận cổ khi nghĩ đến việc ngồi trong một văn phòng, đánh mất mọi tự do, chẳng còn có thể làm chủ thời gian của mình, bị bắt buộc phải cảm thấy toại nguyện cả đời với những biểu mẫu cần điền vào... Cho đến một ngày, tôi thấy rõ rằng mình sẽ trở thành một hoạ sĩ, một nghệ nhân... Cha tôi cực kỳ kinh ngạc: 'Họa sĩ hả? Nghệ nhân hả?' Ông ấy nghĩ tôi không minh mẫn, hoặc có lẽ ông ấy nghĩ đã nghe nhầm hoặc hiểu lầm về tôi. Nhưng khi biết rõ và đặc biệt khi hiểu ra ý nguyện nghiêm túc của tôi, ông tỏ ra cương quyết hết mực. 'Nghệ nhân! Không! Không bao giờ trong khi cha còn sống!'... Cha tôi không hề thay đổi câu "Không bao giờ!" Còn tôi vẫn cương quyết nói: "Nhưng...." .

Sau này, Hitler giải thích một trong những nguyên do khiến ông học hành kém cỏi rồi cuối cùng bỏ học là vì chống lại ý muốn của người cha .

"Tôi nghĩ một khi cha tôi thấy tôi không tiến bộ ở trường học, ông sẽ cho tôi dồn thời gian vào mơ ước của mình, dù ông có thích hay không" .

Điều này được viết ra vào 34 năm sau, có thể là một phần biện hộ cho sự thất bại của Hitler ở trường học. Điểm của ông ở trường tiểu học đều cao. Nhưng điểm của ông ở trường trung học Linz thì kém đến nỗi cuối cùng, khi không thể nhận được chứng chỉ, ông bị buộc phải chuyển qua học trường công lập ở Steyr. Ông chỉ theo học trường này một thời gian ngắn rồi bỏ dở .

Thất bại ở trường học giày vò Hitler trong đoạn đời về sau, khi ông dùng nhiều ngôn từ mang tính hạ nhục để nói về "hạng người" hàn lâm, bằng cấp và chứng chỉ cùng dáng vẻ mô phạm của họ. Ngay cả trong 3, 4 năm cuối của cuộc đời, ở Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, trong khi tất bật về chiến lược, chiến thuật và chỉ huy quân đội, Hitler thường dành một buổi tối để kể lại với những người bạn chí thân của mình về sự ngu xuẩn của những thầy giáo lúc ông còn nhỏ. Nhiều câu lải nhải của ông trong thời gian này đã được ghi lại .

"Khi nhớ về những thầy giáo của mình, tôi nhận ra là phần lớn trong số họ đều hơi điên khùng. Những người được xem là nhà giáo giỏi thì chỉ là ngoại lệ. Những người như thế mà có quyền cản bước đường của một đứa trẻ thì sẽ là cả một bi kịch – 3 tháng 3 năm 1942" .

"Tôi cảm thấy khó chịu nhất khi nghĩ về những người thầy dạy học của mình, vẻ ngoài của họ toả ra sự dơ dáy, cổ áo của họ lôi thôi... Họ là sản phẩm của tầng lớp vô sản không hề có độc lập cá nhân về tư tưởng, đặc trưng về sự dốt nát không gì bằng, thích hợp một cách đáng khen để trở thành trụ cột của một hệ thống nhà nước lỗi thời mà, đa tạ Ơn Trên, đã chỉ còn là quá khứ. – 12 tháng 4 năm 1942." "Khi nhớ về những giáo viên của mình ở trường học, tôi nhận ra phân nửa trong số họ là bất bình thường... Học trò chúng tôi ở nước Áo ngày xưa được nuôi nấng nhằm tuân phục người lớn và phụ nữ. Nhưng ta không khoan dung với giáo viên, họ là những kẻ thù tự nhiên của ta. Đa số có phần điên khùng và một số rốt cuộc trở nên tận trung với Chúa trong hoang tưởng!... Tôi có ác cảm đặc biệt với giáo viên. Tôi không có khả năng về ngoại ngữ – đó là vì ông giáo của tôi khi đó là một kẻ ngu ngốc bẩm sinh. Tôi không thể chịu được khi nhìn thấy ông ta. – 29 tháng 8 năm 1942." "Giáo viên của chúng tôi là những kẻ chuyên chế tuyệt đối. Họ không có lòng cảm thông với tuổi trẻ, mục đích duy nhất của họ là nhồi nhét vào đầu của chúng tôi và biến chúng tôi trở thành loài khỉ vượn thông thái giống như họ. Nếu có đứa học trò nào cho thấy chút ít tính sáng tạo, thì họ sẽ liên tục hành hạ nó và những đứa học trò gương mẫu mà tôi từng được biết thì đều thất bại ở kiếp sau. – 7 tháng 9 năm 1942". Rõ ràng là cho đến ngày cuối trong đời, Hitler vẫn không bao giờ tha thứ, cũng như không thể nào quên các giáo viên, vì họ đã cho ông điểm kém. Nhưng ông có thể bóp méo sự việc đến mức lố bịch .

Có một vài ghi chép ngắn gọn về ấn tượng của Hitler đối với giáo viên của mình được sưu tập sau khi ông trở thành người nổi tiếng trên thế giới. Một trong số hiếm hoi những giáo viên mà có vẻ như được Hitler ưa thích là Giáo sưTheodor Gissinger, người cố gắng dạy môn khoa học cho ông. Sau này, Gissinger nhớ lại: "Đối với tôi, Hitler không để lại ấn tượng nào tốt hoặc xấu lúc còn ở Linz. Cậu bé không phải là người đứng đầu trong lớp. Cậu có dáng người mảnh mai, vươn thẳng, gương mặt nhợt nhạt và rất mỏng, gần giống người bị lao phổi, tia nhìn mở rộng một cách khác thường, đôi mắt thì rất sáng." Giáo sư Eduard Huemer, hiển nhiên chính là "kẻ ngu ngốc bẩm sinh" như Hitler đề cập ở trên – bởi vì ông ta dạy tiếng Pháp – đến Munich năm 1923 để khai về cậu học trò của mình năm xưa, lúc này đang bị xét xử về tội phản quốc sau vụ Bạo loạn Nhà hàng Bia. Cho dù ca ngợi những mục tiêu của Hitler và nói từ đáy lòng rằng ông mong Hitler có thể hoàn thành lý tưởng, nhưng ông giáo lại khai về cậu học trò trung học như sau: "Chắc chắn là Hitler có thiên bẩm, dù chỉ trong những môn đặc biệt, nhưng cậu ấy thiếu tính kiềm chế và, nói một cách nhẹ nhàng, cậu ấy có tính hay tranh cãi, độc đoán, không chịu lắng nghe ý kiến người khác, hay nổi nóng và không thích tuân theo kỷ luật nhà trường. Cậu ấy cũng không được chăm chỉ, nếu không thì đáng lẽ ra cậu ấy đã đạt kết quả tốt hơn nhờ vào thiên bẩm của mình." Có một người ở Trường trung học Linz đã tạo ảnh hưởng mạnh mẽ và có tính định mệnh đối với cậu trai trẻ Adolf Hitler. Đó là một giáo viên dạy Lịch sử, Tiến sĩ Leopold Poetsch, sinh quán ở vùng biên giới phía Nam nói tiếng Đức tiếp giáp với các dân tộc Slav và sau khi kinh qua cuộc tranh đấu chủng tộc thì đi theo chủ nghĩa quốc gia Đức cuồng tín. Trước khi đến Linz, ông dạy học ở Marburg, vùng đất được chuyển cho Nam Tư sau Thế chiến I để trở thành Maribor .

Mặc dù Tiến sĩ Poetsch chỉ cho cậu học trò điểm "trung bình" về Sử, nhưng ông là giáo viên duy nhất của Hitler được ca ngợi trong quyển Mein Kampf. Hitler hết lòng tỏ ra biết ơn ông thầy này .

"Có lẽ sự kiện mang tính quyết định cho cả đời tôi sau này là tôi may mắn có một người thầy dạy Sử thấu hiểu nguyên tắc về việc giữ lại những điều thiết yếu và quên đi những điều không thiết yếu. Ít người có được tư tưởng như thế. Qua người thầy của tôi, Tiến sĩ Leopold Poetsch ở Trường trung học Linz, yêu cầu ấy đã được đáp ứng một cách lý tưởng. Một người có phong cách, tử tế nhưng cũng nghiêm khắc, nhờ ngôn từ hùng biện sáng chói của mình, ông ấy chẳng những làm cho chúng tôi chú ý lắng nghe, mà còn dẫn dắt chúng tôi theo ông ấy. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn xúc động thật sự khi nghĩ về ông thầy tóc hoa râm với ngôn từ sôi nổi đôi lúc làm cho chúng tôi quên cả hiện tại, như thể ông có phép thuật để đưa chúng tôi về quá khứ, rồi thoát ra khỏi tấm màn thời gian thiên niên kỷ mà biến những sự kiện lịch sử khô khan thành thực tế sống động. Chúng tôi ngồi nghe, thường sục sôi vì lòng nhiệt thành, đôi lúc xúc động đến rơi lệ... Ông ấy sử dụng chủ nghĩa cực đoan quốc gia mới chớm nở làm công cụ để giáo huấn, đồng thời khơi gợi đến cảm nghĩ danh dự quốc gia của chúng tôi. Người thầy này đã làm cho môn Sử trở thành môn học yêu thích của tôi .

Và đúng vậy: nhờ đó mà tôi trở thành một nhà Cách mạng trẻ, cho dù ông ấy không có ý định như thế." 35 năm sau, vào năm 1938, trong khi còn say men chiến thắng sau khi sáp nhập được Áo vào Đế chế Thứ Ba, Thủ tướng Hitler dừng lại ở Klagenfurt để thăm người thầy cũ, lúc này đã về hưu. Ông lấy làm vui khi thấy người thầy già là thành viên chìm của lực lượng S.S. Quốc xã, vốn đã bị ngăn cấm trong thời gian Áo được độc lập. Một mình ông trò chuyện với người thầy, rồi sau đó tiết lộ với đoàn tuỳ tùng của mình: "Các cậu không thể tưởng tượng được tôi mang ơn ông già ấy đến thế nào đâu." Ngày 3 tháng 1 năm 1903, Alois Hitler qua đời vì bị xuất huyết ở phổi, hưởng thọ 65 tuổi. Ông lên cơn đau trong khi đi dạo buổi sáng rồi sau đó từ trần trong quán trọ gần đó giữa vòng tay của một người láng giềng. Khi trông thấy thi thể người cha, cậu con trai 13 tuổi đã thất thần bật khóc .

Bà mẹ, lúc này 42 tuổi, dời đến cư ngụ trong một căn hộ khiêm tốn ở Urfahr, vùng ngoại ô của Linz, cố gắng nuôi 2 đứa con Adolf và Paula bằng số tiền dành dụm ít ỏi và khoản lương hưu nhỏ nhoi. Như Hitler đã nhắc đến trong quyển Mein Kampf, bà vẫn muốn đứa con trai trở thành công chức theo kỳ vọng của người cha. Hitler ghi "nói cách khác, bà bắt tôi học để theo nghề công chức." Nhưng cho dù người quả phụ trẻ có tính khoan dung đối với cậu con trai và có vẻ như cậu con cũng thương yêu bà hết mực, nhưng cậu vẫn "nhất quyết không muốn theo đuổi cái nghề đó." Thế là, dù giữa hai mẹ con có sợi dây tình cảm thân thương, nhưng họ vẫn có mâu thuẫn và Adolf tiếp tục bỏ bê việc học .

"Rồi thình lình một cơn bệnh đã cứu nguy cho tôi, nó đã xảy ra ngay trong ít tuần lễ quyết định tương lai của tôi và nó cũng đã chấm dứt sự cãi vã trường kỳ trong gia đình." Khi gần đến tuổi 16, Hitler bị bệnh phổi nên buộc phải thôi học ít nhất 1 năm. Trong một thời gian, cậu được đưa đến sinh quán gia đình ở làng Spital, để hồi phục sức khoẻ tại nhà người dì tên Theresa Schmidt, làm nghề nông. Sau khi lành bệnh, cậu trở lại học ở trường công lập Steyr trong một thời gian ngắn. Bảng điểm cuối cùng đề ngày 16 tháng 9 năm 1905 cho thấy mức điểm "trung bình" của các môn tiếng Đức, Hoá học, Vật lý, Hình học và Vẽ hình học. Chỉ có 2 môn Địa lý và Lịch sử, cậu được chấm "khá" và môn vẽ tự do được "xuất sắc." Cậu cảm thấy phấn khích trước viễn cảnh được giã từ trường học vĩnh viễn, đến nỗi lần đầu tiên và cũng là lần cuối trong đời, cậu uống rượu đến say mèm. Nhiều năm sau, cậu nhớ lại hình ảnh của mình khi nằm trên một đường quê ngoài Steyr, đến sáng được một người giao sữa vực dậy và đưa về thị trấn. Cậu thề sẽ không bao giờ như thế nữa. Ít nhất là về phương diện này, Hitler đã giữ lời, vì sau này ông không uống rượu, không hút thuốc, lại ăn chay, ban đầu do cuộc sống lang thang rỗng túi ở Vienna và Munich, sau đó là do sự tin tưởng .

Hitler thường miêu tả giai đoạn 2 đến 3 năm kế tiếp là những ngày đẹp nhất trong đời mình. Dù cho bà mẹ động viên và những người thân thúc giục học nghề và tìm việc làm, nhưng cậu trai trẻ vẫn mơ đến ngày trở thành một hoạ sĩ và thơ thẩn dọc sông Danube cho qua tháng ngày. Cậu không bao giờ quên những năm tháng từ 16 đến 19 tuổi khi còn là "cục cưng của mẹ", vui hưởng sự "trống rỗng của một cuộc đời thoải mái." Tuy bà mẹ hay đau yếu và túng quẫn vì khoản lợi tức ít ỏi, nhưng cậu trai trẻ Adolf vẫn không muốn đỡ đần bằng cách kiếm một công việc. Cậu luôn căm ghét ý tưởng làm một nghề thường xuyên nào đấy để sinh sống .

Điều khiến cho cậu trai trẻ Hitler sắp thành niên cảm thấy hạnh phúc lúc này là được tự do mà không phải làm việc, để nghiền ngẫm ý tưởng, để mơ mộng, để thơ thẩn trên đường phố hoặc trong vùng đồng quê mà tranh luận với bạn bè rằng thế giới đang có những vấn đề gì và phải giải quyết ra sao, để những buổi tối nằm co với một cuốn sách hoặc đứng sau nhà hát ở Linz hoặc Vienna mà nghe những âm điệu huyền bí của nhà soạn nhạc người Đức Richard Wagner .

Một người bạn thời trai trẻ còn nhớ Adolf Hitler là một thanh niên có nước da xanh xao, có vẻ bệnh hoạn, khổ người mảnh khảnh, thường tỏ ra e thẹn và ít nói, nhưng có thể nổi cơn giận dữ đối với bất cứ người nào bất đồng ý kiến với anh ta. Trong 4 năm, anh ta tưởng tượng mình đem lòng yêu tha thiết một cô gái xinh đẹp có mái tóc bạch kim tên Stefanie. Và tuy vẫn thường trìu mến nhìn theo cô khi cô đi trên đường phố ở Linz cùng với bà mẹ, nhưng anh không bao giờ tìm cách làm quen với cô, mà chỉ muốn giữ cô trong thế giới tăm tối với những mộng tưởng của mình. Đúng thế: trong nhiều bài thơ tình ông sáng tác cho cô nhưng không hề gửi đi (một bài có tựa Hymn to the Beloved, có nghĩa là: Khúc thánh ca cho người yêu dấu) mà ông đọc cho người bạn August Kubizeknghe, cô trở thành một khuê nữ trong vở opera Die Walkuerie, mặc bộ áo bằng nhung màu lam thẫm, cưỡi một con chiến mã trắng trên cánh đồng đầy hoa .

tuổi 16, tuy vẫn muốn trở thành một hoạ sĩ hoặc kiến trúc sư, nhưng Hitler luôn bị chính trị ám ảnh. Lúc này, cậu có ác cảm mạnh mẽ đối với vương triều Habsburg và tất cả những chủng tộc không phải là gốc Đức. Bắt đầu từ tuổi 16 cho đến cuối đời, Hitler vẫn là người theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan .

Dù thích thơ thẩn đây đó, nhưng dường như Hitler lại không có phong cách vô tư lự của giới trẻ. Những vấn nạn của thế giới đè nặng tâm tư cậu. Kubizek sau này kể lại: "Đâu đâu cậu ấy cũng nhìn ra được những chướng ngại và thù địch... Cậu luôn tỏ thái độ chống đối với điều gì đó và thường đối nghịch với cả thế giới... Tôi chưa từng thấy cậu ấy xuề xoà với bất cứ điều gì...." Chính vào giai đoạn này mà người thanh niên vốn chán ghét trường học lại trở thành một người thích đọc sách, cậu đăng ký làm hội viên của Thư viện Giáo dục Thường xuyên ở Linz và Câu lạc bộ Bảo tàng, những nơi cậu mượn rất nhiều sách. Người bạn thời trai trẻ còn nhớ xung quanh Hitler luôn có đầy sách, thường là sách về lịch sử nước Đức và huyền thoại Đức .

Vì lẽ Linz chỉ là một tỉnh lỵ, nên chẳng bao lâu thủ đô huy hoàng của Đế quốc Áo bắt đầu lôi cuốn người trai trẻ với tham vọng và hoài bão lớn lao. Năm 1906, khi vừa lên 17 tuổi, với một khoản tiền do mẹ và những người thân khác cung cấp, Hitler đi đến sống ở thủ đô Vienna trong 2 tháng. Tuy rằng sau này cậu phải trải qua những năm tháng cay đắng vì có nhiều khi phải sống trong cống thoát nước, thế nhưng ở giai đoạn đầu, thành phố này đã làm cho gã thanh niên mê mẩn. Trong nhiều ngày, cậu đi thơ thẩn qua đường phố, cảm thấy phấn khích khi trông thấy những cung điện và dinh thự, bảo tàng và cả nhà hát .

Cậu cũng dò hỏi việc theo học tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Vienna, rồi vào tháng 10 năm 1907, dự kỳ thi tuyển sinh với ước vọng trở thành hoạ sĩ. Khi 18 tuổi, cậu mang đầy những ước vọng cao xa, thế nhưng chẳng được bao lâu thì chúng đều tan vỡ. Một mục ghi chép trong danh mục xếp hạng của Viện Hàn lâm kể lại câu chuyện: "Người sau đây dự thi với kết quả không đạt, hoặc không được chấp nhận. Adolf Hitler, Braunau am. Inn, ngày 20 tháng 4 năm 1889, người Đức, Công giáo. Cha làm công chức. 4 lớp ở Trung học. Ít điểm Giỏi. Bức vẽ thử không thoả đáng." Năm sau, Hitler thử lần nữa. Lần này, các bức vẽ của cậu kém cỏi đến nỗi còn không được chấp nhận vào thi. Như sau này Hitler viết, đối với một người trẻ đầy tham vọng thì đó là một cú trời giáng. Ông đã vô cùng tự tin mình sẽ thành công. Theo lời ông kể trong quyển Mein Kampf, Hitler đã yêu cầu viện trưởng Viện Hàn lâm giải thích .

"Ông ấy muốn nói rằng những bức vẽ mà tôi nộp đều cho thấy tôi không thích hợp cho nghiệp hội hoạ và rằng khả năng của tôi nằm trong lĩnh vực kiến trúc, trường Hội hoạ không phù hợp với tôi, chỗ của tôi là trường Kiến trúc." Người trai trẻ đành phải chấp nhận phán quyết, nhưng chẳng bao lâu sau phải lấy làm buồn, vì không tốt nghiệp trung học nên cậu cũng không thể vào Trường kiến trúc .

Trong lúc ấy, bà mẹ đang hấp hối vì bệnh ung thư nên Hitler trở về Linz. Trong 3 năm kể từ lúc người trai trẻ rời mái trường, bà và dòng họ đã cố gắng chu cấp cho anh nhưng lại không thấy kết quả gì. Ngày 21 tháng 12 năm 1908, trong khi thị trấn chuẩn bị đón chào mùa lễ Giáng sinh, mẹ của Hitler qua đời, rồi 2 ngày sau, bà được an táng ở Leonding bên cạnh chồng mình. Ở tuổi 19, Hitler cho biết: "Đó là một cú sốc khủng khiếp... Tôi tôn kính cha tôi và tôi cũng thương yêu mẹ tôi... Cái chết của bà đột ngột chấm dứt mọi kế hoạch lớn lao của tôi... Cảnh nghèo túng và thực tế khó khăn đã buộc tôi phải có quyết định nhanh chóng... Tôi đối diện với vấn đề là bằng cách nào đấy phải tự mưu sinh." Bằng cách nào đấy! Cậu chẳng có nghề nghiệp gì cả. Cậu luôn khinh bỉ lao động và chưa từng bỏ sức ra để kiếm một đồng xu nào .

Nhưng cậu không nản lòng. Khi giã từ người thân để ra đi, cậu tuyên bố rằng sẽ chẳng bao giờ trở lại nếu không thành danh .

Với một vali đầy quần áo trên tay và ý chí không gì lay chuyển nổi trong tim, tôi đi đến Vienna. Tôi hy vọng mình sẽ thoát khỏi định mệnh đã bám đuổi cha mình, tôi cũng hy vọng trở thành "cái gì đấy" – nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ là một công chức .

"GIAI ĐOẠN BUỒN NẢN NHẤT ĐỜI TÔI" Bốn năm kế tiếp, từ 1909 đến 1913, là khoảng thời gian khốn khó đến cùng cực đối với người trai trẻ khởi hành từ Linz để mưu cầu chinh phục. Trong những năm cuối cùng trước khi vương triều Habsburg sụp đổ, Vienna chẳng còn là thủ phủ của một đế quốc gồm 52 triệu dân nằm ở trung tâm châu Âu nữa. Thế nhưng thành phố này vẫn có sự độc đáo so với những thủ đô khác trên thế giới bởi nét vui tươi và vẻ mê hoặc lòng người của nó. Chẳng những qua kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, cộng thêm với tinh thần phóng khoáng, vui vẻ và văn hoá của cư dân, Vienna còn thổi lên luồng không khí hoa mỹ và lộng lẫy mà không một thành phố phương Tây nào khác có được .

Nằm dọc sông Danube, dưới những ngọn đồi phủ rừng của vùng Wienerwald là những vườn nho mang theo màu vàng xanh xen kẽ, đó là nơi làm cho khách thăm viếng phải mê mẩn và khiến cho cư dân tin rằng mình được Ơn Trên ban phúc. Âm nhạc lấp đầy không gian – thứ âm nhạc đỉnh cao của những người con địa phương và là những bậc thầy mà cả châu Âu đều nghe danh: Haydn, Mozart, Beethoven và Schubert, khi mùa hè đến thì là những điệu luân vũ của Johann Strauss mà cả Vienna đều yêu thích. Đối với những người được ban đặc ân như thế và đã quen với nếp sống sang cả như thế, cuộc đời tự nó như là giấc mộng đẹp. Cư dân của thành phố vui hưởng những cuộc khiêu vũ thâu đêm suốt sáng, uống rượu vang, hàn huyên tầm phào ở quán cà phê, lắng nghe âm nhạc và thưởng thức những vở nhạc kịch trình bày cốt truyện theo mộng tưởng, ve vãn và làm tình, lãng quên phần lớn cuộc đời của họ để vui thú và để mơ mộng .

Đúng là cần làm nhiều việc để cai trị một đế quốc, chỉ huy một quân đội, bảo trì tuyến giao thông, quản lý mậu dịch và điều hành lao động, nhưng rất ít người ở Vienna phải làm việc thêm giờ – hay thậm chí chỉ là toàn thời gian thôi – cho những việc này .

Dĩ nhiên là thành phố này vẫn có mặt trái. Giống như những thành phố khác, Vienna cũng có người nghèo: người thiếu ăn, thiếu mặc hoặc sống ở những nơi tồi tàn. Nhưng – là một trung tâm công nghiệp ở Trung Âu cũng như là thủ phủ của cả một đế quốc – Vienna có mức sống cao và sự phồn thịnh được phân phối, chia sẻ cho mọi thành phần cư dân. Thành phần đông đảo dưới mức trung lưu kiểm soát thành phố về mặt chính trị: công nhân không những được thành lập nghiệp đoàn, mà còn có một Đảng chính trị đầy quyền lực là Đảng Dân chủ Xã hội. Đời sống luôn sôi sục ở thành phố hiện có số dân lên đến 2 triệu. Nền dân chủ lấn át chế độ chuyên chế của vương triều Habsburg, cơ hội văn hoá và giáo dục được mở ra cho quần chúng rộng rãi đến mức vào thời điểm Hitler đi đến Vienna năm 1909, gã trai trẻ không một xu dính túi vẫn có thể tiếp tục nền học vấn bậc cao hoặc kiếm được công việc mưu sinh đàng hoàng như một trong hàng triệu người đang làm việc ăn lương, sống dưới sự mê hoặc văn minh của thủ đô này. Chẳng phải anh bạn duy nhất, Kubizek, cũng nghèo và không tiếng tăm như Hitler, đã thành danh ở Viện Hàn lâm Âm nhạc đấy sao? Nhưng người trai trẻ Adolf không muốn theo đuổi tham vọng ở trường Kiến trúc. Dù không có bằng tốt nghiệp trung học, nhưng người có "tài năng đặc biệt" vẫn có thể được nhận vào học, dù Adolf không xin vào học theo cách ấy. Và cậu cũng chẳng thiết tha việc học nghề chuyên môn hoặc nhận bất kỳ việc làm thường xuyên nào. Thay vào đó, cậu nhận công việc lặt vặt này nọ: quét tuyết, làm sạch thảm, di chuyển hành lý bên ngoài ga tàu Tây, đôi lúc còn làm công nhân xây dựng trong vài ngày .

Tháng 11 năm 1909, không đầy 1 năm sau khi đến Vienna nhằm "thử thời vận", gã trai trẻ phải rời bỏ căn hộ cho thuê có nội thất ở Simon Denk Gasse để sống 4 năm kế tiếp trong một phòng trọ rẻ tiền hoặc trong khu nhà trọ lụp xụp ở 27 Meldemannstrasse trong Quận 12 của Vienna, gần sông Danube và thường phải dùng bữa ở bếp ăn từ thiện của thành phố cho qua cơn đói .

Chẳng có gì lạ khi gần 2 thập kỷ sau, Hitler kể lại: "Đối với nhiều người, Vienna là thành phố mẫu mực để hưởng thụ sự hồn nhiên, nơi vui chơi của những người thích hội hè đình đám, nhưng đối với tôi đó chỉ là một nơi khắc ghi giai đoạn buồn nản nhất trong cuộc đời mình .

Cho đến tận bây giờ, thành phố ấy vẫn chỉ khơi dậy trong tôi những ý nghĩ ảm đạm. Đối với tôi, cái tên của thành phố thích vui chơi hời hợt ấy chỉ gợi lại 5 năm khốn khó và thiếu thốn. 5 năm ấy tôi phải tìm cách giật gấu vá vai, khởi đầu làm công nhân, sau đó là một hoạ sĩ quèn, cuộc sống túng quẫn không bao giờ xoa dịu được cơn đói hàng ngày của tôi." Ông nói vào thời gian ấy, ông luôn bị đói .

"Lúc ấy, cơn đói cứ chực chờ bên tôi, chẳng bao giờ rời xa phút nào... Cuộc sống của tôi là sự tranh đấu không ngừng nghỉ chống lại đói kém." Tuy thế, tình cảnh không bao giờ thôi thúc được người trai trẻ đi tìm công ăn việc làm ổn định. Như giải thích trong quyển Mein Kampf, Hitler luôn có nỗi lo sợ bị kéo xuống giai cấp vô sản – giai cấp của công nhân tay làm hàm nhai, nỗi lo sợ mà sau này Hitler đã lợi dụng khi gây dựng Đảng Quốc xã trên nền tảng của những con người từ trước tới giờ không có thủ lĩnh, bị o ép về đồng lương, của giới nhân viên cổ cồn trắng mà con số lên đến hàng triệu người vốn luôn mang ảo tưởng rằng ít nhất về mặt xã hội, họ vẫn còn khá hơn "công nhân." Tuy tự nhận rằng mình sống như là một "hoạ sĩ quèn", nhưng Hitler lại không cho biết thêm chi tiết nào, ngoài việc kể lại trong tiểu sử của mình rằng trong hai năm 1909 và 1910, ông đã cải thiện được cuộc sống của mình đến mức chẳng còn phải làm công nhân nữa. Đó là nhờ công việc vẽ kỹ thuật và hoạ sĩ màu nước. "Vào lúc ấy," ông kể, "tôi sống tự lập bằng nghề vẽ kỹ thuật và hội hoạ màu nước." Điều này có phần sai lạc, giống như nhiều điều tự sự khác trong quyển Mein Kampf. Chúng ta có nhiều thông tin nối ghép lại với nhau để tạo ra những hình ảnh xác thực hơn. Có một điều khá chắc chắn là Hitler không bao giờ làm nghề sơn nhà, như các đối thủ của ông chế giễu. Ít nhất thì chẳng có chứng cứ nào cho thấy rằng ông đã làm việc đó. Ông chỉ vẽ hoặc sơn những hình ảnh thô thiển về Vienna, thường thể hiện nơi chốn dễ nhận như Thánh đường St. Stephen, nhà hát, hí viện Burgtheater, Quảng trường Schoenbrunn hoặc phế tích La Mã ở công viên Schoenbrunn. Theo những người quen biết thì Hitler sao chép từ những công trình khác, hiển nhiên là ông ta không thể nào vẽ được phong cảnh thiên nhiên. Các bức vẽ thường cứng nhắc và vô hồn, giống như các bức phác hoạ thô thiển của kiến trúc sư, còn hình ảnh người mà đôi lúc ông thêm vào thì trông tệ đến nỗi khiến cho người ta liên tưởng đến kí hoạ. Tôi tìm thấy một ghi chép của mình sau khi xem qua một xấp phác hoạ ban đầu của Hitler: "Ít khuôn mặt. Thô thiển. Một khuôn mặt gần giống ma cà rồng." Đối với Heiden, "Hình ảnh chồng chất lên nhau như những bao tải nhỏ căng phồng bên ngoài các cung điện cao lớn, uy nghiêm." Có lẽ hàng trăm bức hoạ nhỏ đáng thương hại như thế đã được Hitler bán cho những người bán dạo để trang trí một bức tường, cho người bán tranh để lấp đầy những khung trống nơi trưng bày và cho người làm đồ nội thất để đóng vào phía sau ghế bành hoặc ghế ngồi rẻ tiền theo cách thức ở Vienna thời ấy. Hitler cũng có thể có một chút đầu óc kinh doanh. Ông thường vẽ panô cho các cửa hàng để quảng cáo các sản phẩm như phấn trị mồ hôi hiệu Teddy. Và cũng có lẽ để kiếm thêm tiền vào dịp Giáng sinh, Hitler còn vẽ ông già Noel đang bán những cây nến nhiều màu, hoặc một bức vẽ khác còn cho thấy ngọn tháp của Thánh đường St. Stephen mà Hitler đã sao chép không mệt mỏi .

Đó là mức độ thành công của Hitler về mặt "nghệ thuật", tuy rằng cho đến cuối đời ông vẫn xem mình là một "nhà nghệ thuật." Trong những năm sống ở Vienna, chắc chắn Hitler trông giống người Bohemian. Những người quen biết Hitler vào thời này còn nhớ anh ta luôn mặc áo choàng xộc xệch dài xuống cổ chân, do một người Do Thái-Hungary cùng sống trong khu nhà trọ tồi tàn làm nghề bán áo quần cũ tặng. Họ còn nhớ anh quanh năm đội mũ quả dưa màu đen, mái tóc anh chải xuống trán giống như những năm sau này, phía sau rối bời phủ xuống cổ áo bẩn thỉu, bởi vì anh ít khi được cắt tóc hoặc cạo râu, hai bên má và cằm luôn có râu mọc lởm chởm. Nếu người ta có thể tin tưởng Hanisch, người sau này trở thành một dạng giống như nhà nghệ thuật, thì Hitler lúc này trông giống như "kiểu người rất hiếm hoi trong số tín đồ Cơ đốc." Khác với những trai trẻ nghèo khó mà anh gần gũi, Hitler không có thói hư tật xấu nào của tuổi trẻ. Anh không hút thuốc, không uống rượu. Anh không có quan hệ gì với phụ nữ – chẳng phải vì do bản chất bất bình thường nào mà chỉ vì tính hay e thẹn .

"Tôi tin rằng," sau này, Hitler kể lại trong quyển Mein Kampf, với sự khôi hài hiếm hoi, "những người quen biết tôi thời ấy đều cho rằng tôi lập dị." Giống như các giáo viên của Hitler, họ nhớ về đôi mắt mạnh mẽ, chăm chăm, nổi bật trên khuôn mặt, thể hiện cái gì đó trong cá tính khác biệt với lối sống khổ sở của con người lang thang bẩn thỉu. Nhiều người còn nhớ rằng gã trai trẻ, tuy lười biếng trong công việc chân tay, nhưng lại có thói quen đọc sách rất nhiều, anh có thể bỏ ra nhiều ngày đêm để đọc sách ngấu nghiến .

"Vào thời ấy, tôi đọc rất nhiều và đọc rất kỹ. Mỗi khi có thời giờ, tôi đều dùng vào việc học tập. Theo cách này, trong vài năm tôi tạo được những nền tảng mà tôi vẫn sử dụng cho đến ngày nay." Trong quyển Mein Kampf, Hitler giải thích về việc đọc sách: tôi là "việc đọc sách" của tôi có chút khác biệt với việc đọc sách của giới "trí thức" nửa mùa .

Tôi biết có người 'đọc' rất nhiều... nhưng tôi không cho là họ 'đọc giỏi'. Đúng là họ có hành động 'kiến thức', nhưng đầu óc của họ không thể tổ chức và ghi nhận thông tin mà họ tiếp nhận... Mặt khác, người nắm nghệ thuật đọc sách sẽ ghi nhận lập tức mọi điều đáng nhớ mãi mãi... Nghệ thuật đọc là như thế này: ... giữ lại phần thiết yếu, quên đi phần không thiết yếu... Chỉ có cách đọc như thế mới có ý nghĩa và mục đích. Xét theo khía cạnh này, thời gian tôi sống ở Vienna là đặc biệt phong phú và hữu ích .

Hữu ích cho việc gì? Câu trả lời của Hitler là từ việc đọc sách trong thời gian sống ở Vienna, ông học được tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống sau này .

"Đối với tôi, Vienna đã và luôn là trường học khó khăn nhất nhưng bao quát nhất cho đời tôi. Tôi đặt chân đến thành phố này lúc còn là trai trẻ và lúc rời đi tôi là người trưởng thành, trầm tĩnh và nghiêm túc .

Trong thời gian này, đầu óc tôi định hình bức tranh của toàn thế giới và hệ thống triết lý mà sau này sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho mọi hành động của tôi. Thêm vào những gì tôi đã xây dựng, tôi chỉ cần học thêm một ít và tôi chẳng phải thay đổi gì cả." Thế thì, Hitler học được những gì từ ngôi trường trong cảnh nghèo khổ mà Vienna đã cung cấp một cách hào phóng? Từ việc đọc sách ở đây, ông tiếp nhận những ý tưởng nào mà ông nói sau này chẳng phải thay đổi gì cả? Câu trả lời là dựa trên điều ta thấy sau này: những gì ông tiếp nhận chỉ là nông cạn và xoàng xĩnh, thường là phi lý và lố bịch, lại bị đầu độc bởi những thiên kiến kỳ dị. Rõ ràng là ở đây, những ý tưởng này có tầm quan trọng đối với lịch sử cũng như đối với thế giới, vì những ý tưởng ấy tạo thành một phần nền tảng cho Đế chế Thứ Ba mà gã trai trẻ ham đọc sách sắp gây dựng nên .

NHỮNG Ý TƯỞNG MANH NHA CỦA ADOLF HITLER Chỉ trừ một ngoại lệ, còn lại thì những ý tưởng này không phải là mới, mà được thu nhặt nguyên vẹn từ nền chính trị rối loạn của Áo và từ cuộc sống vào những năm đầu của thế kỷ XX. Vương triều ở Áo đang chết lịm vì chứng bội thực. Trong nhiều thế kỷ, một nhóm thiểu số người Đức – Áo trị vì một đế quốc gồm hàng chục dân tộc và đặt lên họ dấu ấn về ngôn ngữ và văn hoá. Nhưng từ năm 1848, vị thế của đế quốc yếu đi. Những dân tộc thiểu số không thể hoà nhập. Áo không phải là môi trường tốt để dung hoà sự khác biệt. Trong thập niên 1860, người Ý tách ra khỏi đế quốc, rồi đến năm 1868, người Hungary đạt vị thế ngang bằng người Đức dưới chế độ Quân chủ Kép. Thời bấy giờ, khi thế kỷ XX bắt đầu, các dân tộc nhóm Slav như Séc, Slovak, Serbi, Croatia... đều đòi quyền bình đẳng hay ít ra là quyền tự trị. Nền chính trị của Áo bị chi phối bởi những bất hoà cay đắng giữa các dân tộc .

Nhưng không chỉ có thế. Cũng có cuộc nổi dậy về mặt xã hội và việc này biến thành cuộc đấu tranh về chủng tộc. Giới hạ lưu thiếu người đại diện đòi hỏi quyền bầu cử, công nhân đòi quyền lập nghiệp đoàn và đình công – không chỉ để đòi tiền lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn, mà còn để đạt được mục đích chính trị. Cuối cùng, một cuộc tổng đình công bùng nổ, chấm dứt sự thống trị của người Đức ở Áo, vốn chỉ chiếm một phần ba dân số trong phân nửa phần đất đế quốc .

Với tinh thần quốc gia quá khích Áo-Đức, Hitler chống đối một cách cay đắng những diễn biến này. Ông nghĩ đế quốc đang chìm vào một "bãi lầy thối tha." Chỉ có thể cứu nguy cho đế quốc nếu dân tộc chủ chốt – người Đức – tái lập uy quyền tuyệt đối như xưa. Những dân tộc khác – đặc biệt là các dân tộc Slav và Séc – đều thuộc hàng hạ đẳng. Dân tộc Đức có quyền cai trị họ với bàn tay sắt. Phải giải tán Nghị viện và chấm dứt mọi "tấn trò vô nghĩa" về dân chủ .

Dù không trực tiếp can dự vào chính trị, nhưng Hitler vẫn theo dõi sát sao hoạt động của ba Đảng phái chính của Đế quốc Áo cũ: Dân chủ Xã hội, Xã hội Cơ đốc và Quốc gia Toàn Đức. Việc này giúp gã trai trẻ hay đi ăn ở bếp ăn từ thiện tạo nên đầu óc sắc sảo về chính trị, giúp anh nhìn rõ mặt mạnh và mặt yếu của những phong trào chính trị đương thời. Theo thời gian, đầu óc trưởng thành như thế biến Hitler thành một chính trị gia bậc thầy của nước Đức .

Khởi đầu, Hitler ghét cay ghét đắng Đảng Dân chủ Xã hội. Sau này, ông kể lại: "Điều làm tôi kinh tởm nhất là thái độ thù địch đối với cuộc đấu tranh cho việc bảo tồn vị thế của người Đức nhưng lại ve vãn các 'bằng hữu' Slav của họ. Chỉ trong ít tháng, tôi nhận ra điều mà đáng lẽ phải mất hàng thập kỷ để hiểu ra, đó là về cơn dịch bệnh khoác tấm áo đức hạnh xã hội và tình anh em." Tuy thế, Hitler vẫn đủ thông minh để kìm nén cảm xúc giận dữ mà bình tâm xem xét cẩn thận những lý do khiến cho Đảng này được ủng hộ rộng rãi. Và gã trai trẻ ấy đã tìm ra một số nguyên nhân, để rồi sau đó vận dụng kiến thức này trong việc gây dựng Đảng Quốc xã của nước Đức .

Ông kể lại trong quyển Mein Kampf rằng một ngày, ông chứng kiến cuộc biểu tình của công nhân Áo .

"Trong gần 2 tiếng đồng hồ, tôi đã đứng đấy và hồi hộp nhìn đoàn người như một con rồng khổng lồ chậm chạp lướt qua. Cuối cùng tôi rời đi, cố trấn áp nỗi lo sợ mà thong dong đi về nhà." Về nhà, Hitler bắt đầu đọc những bài báo viết về Đảng Dân chủ Xã hội, xem xét bài diễn văn của các nhà lãnh đạo Đảng, nghiên cứu cơ cấu tổ chức, suy ngẫm mặt tâm lý học và phương pháp chính trị, rồi nghiền ngẫm kết quả. Ông đi đến 3 kết luận giải thích tại sao Đảng Dân chủ Xã hội đã thành công: họ biết tạo ra phong trào quần chúng mà nếu thiếu vắng Đảng sẽ không có thực quyền, họ lĩnh hội được nghệ thuật tuyên truyền trong quần chúng và họ hiểu được giá trị của phương pháp mà ông gọi là "sự khủng bố tinh thần và thể chất." Bài học thứ ba, tuy dựa trên quan sát sai lạc và bị thiên kiến làm chệch hướng, nhưng lại khiến cho gã trai trẻ Hitler cảm thấy hiếu kỳ. Chỉ trong 10 năm, ông sử dụng bài học này để đạt được mục đích của mình .

"Tôi hiểu ra sự khủng bố tinh thần khét tiếng mà phong trào này thực hiện, đặc biệt là đối với giới tư sản. Nó không hề tương xứng với các cuộc tấn công về mặt đạo đức lẫn tinh thần, sau một dấu hiệu đã định, họ tung ra hàng loạt lời dối trá và vu khống để chống lại bất kỳ đối thủ nào bị xem là mối đe doạ, cho đến lúc tinh thần của đối thủ bị dập tắt... Đây là chiến thuật dựa trên sự tính toán chính xác về những điểm yếu của con người và chắc chắn sẽ luôn thành công... Tôi cũng hiểu ra tầm quan trọng của sự khủng bố thể chất đối với cá nhân và quần chúng... Chiến thắng đạt được trong hàng ngũ những người ủng hộ có thể là nhờ công lý, còn đối thủ bị đánh bại thường không thiết gì đến việc đối kháng thêm." Không có phân tích nào chính xác hơn những luận điểm trên khi nói về những chiến thuật của Quốc xã mà Hitler sẽ triển khai sau này .

Có 2 đảng phái chính trị mà một người chưa đủ lông đủ cánh như Hitler cảm thấy bị thu hút và qua đó, ông đã vận dụng sức mạnh phân tích một cách lạnh lùng, sắc sảo của mình. Hitler cho biết thoạt đầu mình có thiện cảm với Đảng Quốc gia Toàn Đức do Georg Ritter von Schoenerer thành lập. Sinh quán ông này ở gần Spital trong vùng Hạ của Áo, giống như sinh quán của Hitler. Vào lúc ấy, Đảng Quốc gia Toàn Đức đang chiến đấu đến cùng nhằm đưa người Đức lên vị thế ưu việt trong đế chế đa chủng tộc. Hitler nghĩ Schoenerer là "nhà tư tưởng uyên thâm" và sôi nổi ủng hộ chương trình cơ sở của ông này về chủ nghĩa quốc gia bạo lực, bài Do Thái, bài chủ nghĩa xã hội, thống nhất với nước Đức, chống lại vương triều Habsburg và Toà Thánh. Tuy thế Hitler nhanh chóng nhìn ra những yếu tố thất bại: "Phong trào này không đánh giá đúng mức tầm quan trọng của những vấn nạn xã hội nên không thu hút được những quần chúng thực sự hăng say, việc gia nhập Nghị viện làm mất đi đà tiến và làm tăng thêm gánh nặng với tất cả những điểm yếu kém của định chế này, cuộc đấu tranh với Công giáo... làm mất đi vô số yếu tố mà quốc gia có thể gọi là của riêng mình." Cho dù Hitler sẽ quên đi điều này khi lên nắm chính quyền ở Đức, nhưng một trong những bài học của những năm ở Vienna mà ông nhấn mạnh một cách cặn kẽ trong quyển Mein Kampf chính là sự chống đối trong vô vọng với Giáo hội. Ông giải thích tại sao phong trào Los-von-Rom (Xa lánh Rome) lại là một sự sai lầm về mặt chiến thuật: "Cho dù có cơ sở khi chỉ trích việc nhân danh tín ngưỡng, nhưng một Đảng chính trị cũng không được phép quên rằng, theo kinh nghiệm lịch sử trước đây, một Đảng chính trị thuần tuý sẽ không bao giờ thành công khi muốn cải tổ tôn giáo." Nhưng Hitler cho rằng việc Đảng Quốc gia Toàn Đức không phát động được quần chúng và không thông hiểu tâm lý của dân thường là lỗi lầm lớn nhất của họ. Chỉ chưa đến 21 tuổi mà Hitler đã hình thành ý tưởng trong đầu về sai lầm cốt yếu. Ông sẽ không lặp lại sai lầm ấy khi thành lập phong trào chính trị cho riêng mình .

Có một sai lầm khác của Đảng Quốc gia Toàn Đức mà Hitler sẽ không phạm phải. Đó là thất bại trong việc tranh thủ sự hậu thuẫn của ít nhất một trong những định chế quốc gia – nếu không phải là Giáo hội, thì phải là Quân đội, Nội các hoặc Quốc trưởng. Gã trai trẻ kết luận rằng nếu một phong trào chính trị không nắm được sự hậu thuẫn như thế thì khó mà giành lấy quyền hành. Chính vì khôn khéo giành được sự hậu thuẫn nên vào cuối tháng 1 năm 1933, Hitler và Đảng Quốc xã của ông đã có được quyền lực của một đất nước vĩ đại. Có một nhà lãnh đạo chính trị ở Vienna vào thời Hitler hiểu rõ những nguyên tắc trên, cũng như biết rằng cần phải xây dựng Đảng dựa trên sức mạnh của quần chúng. Đó là Tiến sĩ Karl Lueger, Thị trưởng Vienna và cũng là thủ lĩnh Đảng Xã hội Cơ đốc, người vô hình trung đã trở thành cố vấn cho Hitler, dù 2 người không hề gặp nhau. Hitler luôn xem ông là "vị thị trưởng người Đức vĩ đại nhất trong lịch sử... một chính khách vĩ đại hơn tất cả những người được gọi là 'nhà ngoại giao' vào thời ấy. Nếu Tiến sĩ Karl Lueger sống ở Đức, thì đáng lẽ ông đã được xếp vào hàng những người có đầu óc vĩ đại nhất của dân tộc chúng tôi." Dĩ nhiên là chẳng có mấy điểm giống nhau giữa một bên là con người Hitler về sau và bên kia là thần tượng của giới trung lưu thấp ở Vienna. Đúng là Lueger đã trở thành chính trị gia có ảnh hưởng mạnh nhất ở Áo là nhờ vào tư cách thủ lĩnh của một Đảng dựa trên giới tư sản cấp thấp đang bất mãn. Nhưng Lueger – vốn tiến thân từ hoàn cảnh khiêm tốn, leo lên dần trong môi trường đại học và là một người có trình độ tri thức đáng kể. Những người chống đối ông, kể cả người Do Thái, cũng phải công nhận ông là người tề chỉnh, có tinh thần hiệp sĩ, khoáng đạt và khoan dung. Ngay cả nhà văn nổi tiếng người Áo gốc Do Thái lớn lên ở Vienna vào thời ấy, Stefan Zweig, còn phải nói rằng Lueger không bao giờ để cho chủ nghĩa bài Do Thái chính thức của mình ngăn cản việc giúp đỡ người Do Thái. Zweig nhớ lại: "Chính quyền thành phố của ông hoàn toàn công tâm và thậm chí dân chủ đúng nghĩa... Người Do Thái tuy lo sợ Đảng bài Do Thái chiến thắng nhưng vẫn tiếp tục được sống với đầy đủ quyền con người và sự tôn trọng." Người trai trẻ Hitler không ưa ý kiến như thế. Ông cho rằng Lueger quá khoan dung và không thấy rõ được vấn nạn chủng tộc mà người Do Thái gây ra. Ông lấy làm bất mãn khi vị thị trưởng không chủ trương chính sách Toàn Đức, đồng thời tỏ ý nghi ngại thuyết giáo quyềnCông giáo La Mã và lòng trung thành đối với vương triều Habsburg của ông. Chẳng phải vị hoàng đế già Franz-Josef đã 2 lần từ chối phê chuẩn kết quả bầu cử thị trưởng của Lueger đấy sao? Nhưng cuối cùng Hitler cũng buộc phải nhìn nhận Lueger là một thiên tài về mặt vận động sự hậu thuẫn của quần chúng, là người thấu hiểu những vấn nạn xã hội hiện đại, nhìn ra tầm quan trọng của sự tuyên truyền và có tài hùng biện có thể lay chuyển đám đông. Hitler cũng thán phục cách thức Lueger đối phó với Giáo hội đầy uy quyền – "chính sách của ông ấy được thiết lập với sự khôn khéo cùng cực." Thêm vào đó, Lueger còn "nhanh chóng vận dụng mọi cách thức để giành lấy sự hậu thuẫn của những định chế đã ổn định từ lâu, nhằm tạo lợi thế lớn nhất cho phong trào của mình." Đó là tóm gọn những ý tưởng và phương pháp mà Hitler sau này sẽ vận dụng để gây dựng một Đảng chính trị cho riêng mình và dẫn dắt Đảng này lên nắm chính quyền ở Đức. Tố chất độc đáo của Hitler nằm ở chỗ ông là chính trị gia duy nhất ở cánh Hữu biết vận dụng những ý tưởng và phương pháp như thế vào chính trường nước Đức sau Thế chiến I. Chính nhờ vậy mà phong trào Quốc xã là phong trào duy nhất trong số các đảng phái quốc gia và Đảng bảo thủ giành được sự hậu thuẫn của đông đảo quần chúng, tiếp theo đó là sự ủng hộ của Quân đội cùng với vị Tổng thống nền Cộng hoà và các hiệp hội kinh doanh lớn – cũng chính là ba "định chế đã ổn định từ lâu" có uy quyền lớn. Những bài học mà Hitler rút ra từ tình hình nước Áo là thật sự hữu ích .

Tiến sĩ Karl Lueger là nhà hùng biện xuất chúng, nhưng Đảng Quốc gia Toàn Đức lại thiếu người có khả năng nói trước đám đông. Hitler để ý đến điều này và trong quyển Mein Kampf, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tài hùng biện trong chính trị: "Uy lực trong lịch sử tạo ra những cơn lốc về tôn giáo và chính trị từ ngàn xưa đều là uy lực thần kỳ của lời nói và chỉ do lời nói mà thôi .

Chỉ có thể kích động quần chúng bằng uy lực của lời nói. Mọi phong trào vĩ đại đều là phong trào quần chúng, là sự bùng nổ của nỗi mê đắm và xúc cảm của con người... đều được khuấy động bởi sự không thương tiếc từ Nữ thần của Đau khổ, hoặc bởi ngọn đuốc của tiếng nói cất lên từ quần chúng, chứ không phải xuất phát từ những nhà thẩm mỹ về văn học hay những anh hùng lịch sự trong phòng khách." Dù không tham gia vào hoạt động chính trị của Áo, nhưng gã trai trẻ Hitler đã bắt đầu tập luyện tài hùng biện với những cử toạ anh tìm được ở khu nhà trọ ở Vienna, bếp ăn từ thiện hay những góc đường phố. Dần dà, việc này phát triển thành một kỹ năng đáng sợ hơn bất kỳ kỹ năng nào giữa hai cuộc Thế chiến, đồng thời đóng góp phần lớn vào thành công đáng kinh ngạc của Hitler. (Điều này có thể được minh chứng bởi tác giả, người đã từng nghe qua nhiều bài diễn văn quan trọng của Hitler) .

Và cuối cùng, Hitler còn có được kinh nghiệm về người Do Thái trong thời gian sống ở Vienna. Ông nói ở Linz có rất ít người Do Thái .

nhà, tôi không nhớ đã nghe về người Do Thái khi cha tôi còn sống. Ở trường trung học có một cậu Do Thái nhưng chúng tôi không nghĩ ngợi gì... Thậm chí tôi còn nhầm họ [người Do Thái] với người Đức .

Theo một người bạn thời trẻ của Hitler thì sự thật lại khác hẳn. August Kubizek nhớ lại những ngày 2 người quen nhau ở Linz: "Lần đầu tiên tôi gặp Adolf Hitler thì ông ấy đã nói về chủ nghĩa bài Do Thái rồi... Khi đến Vienna thì Hitler đã mang sẵn trong đầu tư tưởng bài Do Thái. Cho dù những gì ông ấy kinh qua ở Vienna chắc chắn không khởi sinh mà có lẽ chỉ làm sâu đậm thêm cảm nghĩ ấy." Hitler kể: "Thế rồi, tôi đi đến Vienna .

Đầu óc đang ngập tràn với những ấn tượng... lại bị đè nặng bởi cuộc sống khó khăn, thoạt đầu tôi không nhìn thấu đáo sự phân hoá nội tại của cư dân thành phố rộng lớn này. Dù rằng Vienna vào thời ấy có gần 200.000 người Do Thái trong số 2 triệu cư dân, nhưng tôi vẫn không nhận ra họ... Đối với tôi, người Do Thái chỉ khác biệt về tôn giáo và vì thế, trên cơ sở khoan dung nhân bản, tôi không chấp nhận việc phê phán dựa trên tôn giáo trong trường hợp này, cũng như trong những trường hợp khác. Do vậy mà luận điệu bài Do Thái của báo chí Vienna đối với tôi là vô giá trị so với truyền thống văn hoá của một quốc gia vĩ đại." Hitler nhớ lại có một ngày, khi ông đang thơ thẩn qua trung tâm thành phố .

"Thình lình tôi thấy một người mặc áo thụng màu đen và mang lọn tóc bênmàu đen. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: Đây có phải là người Do Thái không? Bởi vì chắc chắn là ở Linz chẳng có ai giống như thế. Tôi quan sát người này một cách kín đáo và e dè, nhưng tôi càng nhìn khuôn mặt xa lạ ấy, để ý quan sát từng chi tiết, thì tôi càng thắc mắc: Có phải đây là người Đức không?" Câu trả lời của Hitler là hoàn toàn có thể đoán được. Tuy thế, ông cho biết, trước khi trả lời, ông quyết định xoá tan mối nghi ngờ qua sách. Ông vùi đầu đọc tư liệu về bài Do Thái, lúc ấy được bày bán rất nhiều ở Vienna. Rồi ông đi ra đường để quan sát "hiện tượng" kỹ hơn. Ông kể: "Mỗi nơi tôi đi qua, tôi bắt đầu nhận ra người Do Thái và càng quan sát, tôi càng thấy họ trở nên khác biệt với phần còn lại của loài người... Sau đó tôi thường cảm thấy buồn nôn vì cái mùi từ những người mặc áo thụng ấy." Ông kể, kế đến ông phát hiện ra "vết nhơ về đạo đức của 'dân tộc được chọn'này... Liệu có loại hình nhơ bẩn hoặc phóng đãng nào, đặc biệt trong đời sống văn hoá, mà không có ít nhất một người Do Thái can dự trong đó? Giống như giòi bọ trong một cơ thể rữa nát thường quáng mắt vì ánh sáng bất ngờ vậy, nếu bạn cắt một khối u cho dù cẩn thận đến mấy, thì bạn vẫn sẽ tìm ra một tên Do Thái ở trong đó!." Bản thân Hitler cho rằng người Do Thái là mầm mống của tệ nạn mại dâm và mua bán nô lệ da trắng. Ông kể: "Khi lần đầu tiên nhận ra người Do Thái là kẻ cầm đầu mua bán tội lỗi ghê tởm một cách nhẫn tâm, vô liêm sỉ và đầy mưu đồ trong cặn bã của thành phố to lớn này, tôi đã rùng mình đến lạnh xương sống." Có nhiều tính chất giới tính trong ngôn từ điên khùng của Hitler đối với người Do Thái. Đó là đặc điểm của báo chí bài Do Thái ở Vienna lúc bấy giờ và sau này cũng là đặc điểm của tờ tuần báo Der Stuermerở Nuremberg. Tờ báo này được xuất bản bởi Julius Streicher, là một trong những thuộc hạ đắc của Hitler – Xứ uỷ Quốc xã ở Franconia, kẻ đồi trụy khét tiếng và là một trong những nhân cách xấu xa nhất trong Đế chế Thứ Ba. Quyển Mein Kampf chứa đầy rẫy những lời bóng gió khủng khiếp về những người Do Thái hoang dại dụ dỗ những cô gái Cơ đốc ngây thơ, bởi vậy đã làm pha trộn dòng máu của các cô gái này. Hitler đã viết về "cơn ác mộng về những đứa con hoang Do Thái gớm ghiếc dụ dỗ hàng trăm nghìn thiếu nữ." Như Rudolf Olden chỉ ra, một trong những cội rễ của tư tưởng bài Do Thái của Hitler có lẽ là do nỗi ganh tị về giới tính luôn dày vò ông ta. Cho dù Hitler đang ở độ tuổi đôi mươi, nhưng lại không có chứng cứ cho thấy bất kỳ mối quan hệ nào với phụ nữ trong thời gian ông này sống ở Vienna .

Hitler kể lại: "Dần dà, tôi bắt đầu ghét họ... Đối với tôi, đó là thời điểm của một bước ngoặt có ý nghĩa nhất về mặt tâm linh mà tôi phải trải qua. Tôi không còn là con người uỷ mị vì thế giới đại đồng, mà trở thành người bài Do Thái." Suốt đời, Hitler vẫn là người bài Do Thái mù quáng và quá khích. Di chúc của ông – được viết ra vài giờ trước khi qua đời – chứa đựng những lời công kích cuối cùng đối với người Do Thái, cho là họ có trách nhiệm đối với cuộc chiến mà ông phát động, để rồi cũng là nguyên nhân kết liễu ông và Đế chế Thứ Ba. Lòng căm thù nóng bỏng này, được lan truyền qua nhiều người Đức, cuối cùng dẫn đến một cuộc tàn sát khủng khiếp trên diện rộng, đến nỗi để lại một vết sẹo kinh tởm cho nền văn minh của nhân loại và chắc chắn vết sẹo ấy sẽ còn mãi tồn tại, một khi con người còn sống trên Trái Đất này .

Vào mùa xuân 1913, Hitler vĩnh viễn rời xa Vienna để đến sống ở Đức, nơi mà ông nói luôn ở trong tim mình. Lúc này Hitler 24 tuổi, và mọi người đều thấy là có vẻ như ông hoàn toàn thất bại trong cuộc đời. Ông không thể trở thành một hoạ sĩ, hay một kiến trúc sư. Dưới con mắt của mọi người, Hitler chẳng là gì cả mà chỉ là một gã lông bông, một kẻ lập dị và một con mọt sách. Con người này không bạn bè, không gia đình, không nghề nghiệp và vô gia cư. Tuy nhiên, ông có một thứ: lòng tự tin không gì dập tắt được và một ý thức về sứ mệnh nung nấu trong tim .

Có lẽ Hitler rời Áo là để trốn nghĩa vụ quân sự. Đó chẳng phải là vì ông hèn nhát, mà vì ông căm ghét ý nghĩ phải phục vụ trong cùng hàng ngũ với người Do Thái, với các dân tộc Slav và các dân tộc thiểu số khác của Đế quốc Áo .

Kể từ năm 1910 khi Hitler được 21 tuổi, ông thuộc diện phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Theo Heiden, chính quyền Áo không thể liên lạc với ông ở Vienna. Cuối cùng họ tìm được ông ở Munich và ra lệnh ông đến trình diện tại Linz. Josef Greiner, trong quyển Das Ende des Hitler-Mythos, đã trình bày một số thư trao đổi giữa Hitler và nhà cầm quyền quân sự, trong đó Hitler bác bỏ mình đi Đức để trốn nghĩa vụ quân sự. Nêu lý do thiếu tiền, ông yêu cầu được khám sức khoẻ ở Salzburg vì nơi này ở gần Munich. Hitler được khám vào ngày 5 tháng 2 năm 1914 và được miễn nghĩa vụ vì lý do thiếu sức khoẻ – hẳn là do vẫn còn bệnh phổi. Khi nắm quyền hành, có lẽ là Hitler đã cảm thấy khó chịu với sự kiện mình đã không tự ý trình diện khi đến tuổi thi hành nghĩa vụ. Lúc Quân đội Đức chiếm Áo năm 1938, Hitler ra lệnh truy lục hồ sơ liên quan đến nghĩa vụ quân sự lúc trước, nhưng họ tìm không ra, dù cho Hitler nổi cơn thịnh nộ. Một nhân viên chính quyền địa phương đã mang hồ sơ này đi và sau khi chiến tranh chấm dứt mới trình ra .

Trong quyển Mein Kampf, Hitler cho biết vào mùa xuân 1913, ông đi đến Munich, nhưng việc này không đúng. Một đăng ký của cảnh sát ghi ông sống ở Vienna cho đến tháng 5 năm 1913 .

Hitler đưa ra những lý do khá lớn lao giải thích tại sao mình rời khỏi Áo .

"Mối ác cảm trong thâm tâm tôi đối với vương triều Habsburg ngày càng sâu đậm... Tôi cảm thấy kinh tởm các dân tộc ở thủ đô, kinh tởm người Séc, Ba Lan, Hungary, Ruthenian, Serb và Croat, nơi nào cũng có Do Thái và Do Thái. Đối với tôi, thành phố to lớn này là hiện thân cho sự chà đạp về chủng tộc... Càng sống ở thành phố này, tôi càng căm ghét đám tạp nham những chủng tộc ngoại lai đã bắt đầu làm băng hoại nền văn hoá Đức... Vì những lý do đó, càng ngày tôi càng muốn đi đến nơi chốn đã thu hút tôi qua những ước vọng và lòng thương yêu thầm kín thời tuổi nhỏ." Dù có mơ mộng xa vời đến đâu, thì hẳn Hitler vẫn không thể mường tượng ra định mệnh của ông gắn liền như thế nào với đất nước ông thương yêu hết mực. Cho đến trước khi trở thành Thủ tướng Đức, ông vẫn luôn là người nước ngoài đối với Đức, chính xác là người Áo. Chỉ có thể hiểu được con người của Hitler nếu nhận ra đó là một người Áo vừa lớn lên trong thập kỷ cuối cùng trước khi Đế quốc Habsburg sụp đổ, không bén rễ ở thủ đô văn minh, không nhìn ra được sự tề chỉnh, lương thiện và lòng danh dự của phần lớn những cư dân bạn bè cho dù họ có là người Tiệp, Do Thái hay người Đức, mà lại tiếp thu mọi thiên kiến và lòng thù hận ngớ ngẩn đang lan tràn giữa những người cực đoan nói tiếng Đức. Có lẽ không có người Đức nào sinh ra ở miền Bắc, hay Rhineland ở miền Tây, ở Đông Phổ hoặc thậm chí Bavaria ở miền Nam lại kinh qua một cuộc đời như thế để có trong máu và tinh thần những yếu tố pha trộn mà đã đẩy Adolf Hitler lên tầm cao cuối cùng mà ông đạt đến .

Nhưng vào mùa xuân 1913, tài năng của ông chưa bộc lộ. Ở Munich cũng như ở Vienna, ông vẫn không một xu dính túi, không bạn bè, không nghề nghiệp ổn định. Và rồi vào mùa hè 1914, Thế chiến I bùng nổ, huy động hàng triệu thanh niên. Ngày 3 tháng 8, Hitler xin Vua Ludwig III của Bavaria cho phép mình tình nguyện đầu quân trong một trung đoàn của Bavaria và được chấp thuận .

Đó là một cơ hội trời cho. Bây giờ, gã trai lông bông chẳng những có thể thoả mãn ước vọng được phục vụ nước Đức, mà còn có thể thoát khỏi mọi thất bại và não nề trong cuộc đời cá nhân. Hitler viết trong quyển Mein Kampf: "Tôi chẳng ngượng ngùng gì mà nói rằng vì sự nhiệt tình thôi thúc vào lúc ấy, với tất cả tấm lòng, tôi đã quỳ xuống mà cảm tạ Ơn Trên đã cho tôi cơ hội được sống vào thời khắc như thế ... Đối với tôi, giống như đối với mọi người Đức, bây giờ mới là lúc bắt đầu giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời. So với những biến cố của cuộc đấu tranh vĩ đại này thì tất cả quá khứ đã trôi vào lãng quên." Đối với Hitler thì quá khứ – với mọi cảnh tồi tàn, cô đơn và thất chí – đều lui vào bóng tối, dù cho quá khứ ấy định hình tư tưởng và tố chất của ông cho đến trọn đời. Cuộc đại chiến sau đó mang đến cái chết cho hàng triệu người, nhưng cũng mang đến cho người thanh niên 25 tuổi bước khởi đầu của cuộc đời mới .

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dichle