Chương 5 : Hai miền xưng đế tranh thiên hạ, Quang Trung bắc tiến phá quân Thanh


Ở phía vùng Nam Bộ lúc này, quân đội của Nguyễn Ánh hầu như đã chiếm được hết toàn bộ khu vực phía nam của Đại Việt từ Gia Định trở xuống. Riêng ở vùng Gò Công (ngày nay là Tiền Giang) vẫn còn tàn dư của quân Tây Sơn đang chiếm đóng ở đấy.

Nguyễn Ánh liền sai Huy và Lê Văn Duyệt kéo binh đi đánh. Duyệt mang hơn 800 binh sĩ tân quân vừa được huấn luyện kéo đi. Huy liền nói với Hoàng Lâm :

- Mấy người các huynh mang nhiều tinh kì cắm hết ở rìa vực sông Tiền lại. Nếu thấy quân Tây Sơn chạy về đấy thì hãy giơ cao lên. Đám Tây Sơn khi thấy tinh kì vẫy lên chắc chắn sẽ chạy ngược về phía Sa Đéc. Lúc đó mấy người các huynh muốn làm gì thì làm !

Hoàng Lâm tuân lệnh đi ngay. Duyệt mang quân tiên phong đi trước, Huy kéo hậu quân ở phía sau. Quân Tây Sơn lúc này đang đóng quân cách chỗ Duyệt không xa, họ vốn là tàn quân chạy khỏi Gia Định khi trước.

Nghe thấy quân Nguyễn tiến đánh, quân Tây Sơn kéo hết quân đến chống trả. Họ dùng mũi tên sắc nhọn với vài khẩu pháo trong tay cố gắng chặn lùi quân địch. Quân Nguyễn vốn được huấn luyện theo kiểu phương Tây nên tác chiến vô cùng nhanh nhẹn. Hai bên giằng co nhau một hồi lâu. Huy cũng mang hậu quân tiếp ứng, quân Tây Sơn bị giết quá nhiều, phần bị bắn chết, phần bị quân Nguyễn xông vào chém giết.

Tàn quân chạy về phía sông Tiền. Lúc này Hoàng Lâm nổ một tiếng pháo hiệu, hàng loạt lá cờ quân Nguyễn được phất lên. Quân Tây Sơn thấy thế khinh hồn bạt vía bỏ chạy về phía Sa Đéc. Hoàng Lâm liền dẫn hơn trăm người truy kích đuổi theo.

Quân của Duyệt thu được nhiều vũ khí, lương thảo lại quay về họp chỗ Huy. Phía bên Huy tuy đã đánh đuổi được quân Tây Sơn, nhưng Hoàng Lâm vẫn chưa trở về nên cảm thấy lo lắng.

Bỗng quân của Lâm quay lại. Huy hỏi tại sao về lâu thế, Lâm nói :

- Phía trước Sa Đéc có một toán người bắt hết quân Tây Sơn, tướng lĩnh bên đó muốn nói chuyện với ngài !

Huy ngạc nhiên, ai lại có thể bắt được quân Tây Sơn ở chỗ đó. Quân đóng ở Sa Đéc còn lâu mới chịu đem binh đến hỗ trợ. Huy đoán là nghĩa quân địa phương liền cưỡi ngựa đi đến.

Một vị tướng trẻ, râu dài, mặc áo nâu thẫm, đầu đội khăn xếp. Xung quanh người đó đều là binh lính nông dân cả, ai nấy cũng đeo khăn màu đỏ, tay cầm một cây giáo gọt giũa.

Huy liền xuống ngựa tạ lễ :

- Cảm ơn vị nghĩa quân đã ra tay bắt giữ quân Tây Sơn, cho ta hỏi các vị tên gì ?

Người ấy đáp lại :

- Tại hạ tên Võ Tánh, người ở Phước An. Trước đây có tụ tập người dân Gò Đông lại làm nghĩa quân chống lại quân Tây Sơn. Nay thấy Chúa Nguyễn đem quân đánh, tại hạ cùng các anh em ở đây phục kích bắt lại bọn chúng không chừa tên nào !

Võ Tánh là người Phước An, Biên Hoà. Khi xưa cùng cha đi xuống Gia Định làm ăn. Khi quân Tây Sơn kéo đến, ông cùng anh mình là Võ Nhàn tập hợp nông dân làm nghĩa quân, tự xưng là Nghĩa quân Kiến Hoà, giương ngọn cờ Khổng Tước Nguyên Võ sau đó chiếm lĩnh cả khu Gò Đông.

Huy liền bảo :

- Nhà ngươi có chịu hàng chúa Nguyễn không ?

- Tại hạ vốn đã muốn theo chúa thượng từ lâu !

Huy có biết Võ Tánh là một vị tướng giỏi của nhà Nguyễn. Nay y đã hàng mình, Nguyễn Ánh chắc chắn không biết chuyện này. Huy liền biến Võ Tánh thành bộ hạ dưới trướng mình rồi họp quân với Lê Văn Duyệt.

Quân của Huy và Duyệt trở về Gia Định ăn mừng chiến thắng. Nguyễn Ánh liền phong Duyệt làm tổng trấn Biên Hoà, được quyền mang binh lính đi theo mình. Huy được phong làm Gia Định tướng quân, cấp ngang hàng với bọn Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu. Bấy giờ những ai có công lao trong trận chiến năm qua đều được phong hàm tước cả. Huy liền tiến cử Hoàng Lâm và Võ Tánh, cả hai đều được Nguyễn Ánh thăng lên làm Vệ Đô Uý (cao hơn Vệ Uý 1 bậc).

Nguyễn Tiến Dũng là kẻ thân cận nhất với Nguyễn Ánh. Với quân sĩ tân quân hiện đại, Nguyễn Ánh tự đắc ý rằng quân ta là bất khả chiến bại. Ánh khen thưởng cho các sĩ quan người Pháp và được ban tặng nhiều vàng bạc châu báu. Đám người Pháp đó cảm tạ hết lời.

Nhưng Ánh vẫn không tin tưởng bọn người Tây dương này cho lắm. Ánh muốn có một người trung gian giữa ông và người Pháp. Chính vì thế Tiến Dũng trở thành hầu cận cố vấn cho Nguyễn Ánh cùng hàng với Bá Đa Lộc. Những việc hệ trọng hay những chuyện vui buồn, Dũng đều kể hết với Ánh, Nguyễn Vương rất tin tưởng y.

Một hôm trời đột nhiên mưa to, cây cối đổ xuống không biết là bao nhiêu, trong đó có 1 cây cổ thụ trăm năm bị nhổ gốc ra. Ai nhìn cũng cảm thấy sợ hãi. Nhưng được một lúc thì trời tạnh mưa, mặt trời chói nắng ngay lập tức, soi sáng cả thành trì Gia Định. Nguyễn Ánh thấy làm lạ liền hỏi Tiến Dũng. Dũng mới nói :

- Trời đột nhiên âm u đổ bão tức là có điềm thay đổi, cổ thụ trăm năm chỉ vị một cơn bão mà đổ tức là nhà Lê đã mất. Mặt trời mới xuất hiện chiếu nắng xuống đất tức có Thiên tử mới ra. Hạ thần đoán chắc rằng Nguyễn Huệ đã xưng đế phế truất vua Lê rồi !

Thật ra Nguyễn Huệ đã xưng đế cách đây mấy ngày trước rồi, còn vua Lê Chiêu Thống thì hôm nay mới chạy khỏi Thăng Long đến cầu viện nhà Thanh.

Nguyễn Ánh khi nghe Nguyễn Huệ xưng đế thì lòng ngày càng căm tức phẫn nộ. Tiến Dũng biết được chuyện liền bàn với đám quan văn võ trong triều một hồi, ai cũng đồng tình nghe theo. Hôm sau Nguyễn Ánh đang ngồi đọc sớ thì Tiến Dũng cùng toàn văn võ bước đến quỳ xuống. Ánh giật mình hỏi :

- Các ngươi vì sao lại quỳ xuống ? Muốn gì cứ nói !

Dũng liền nói :

- Chúng thần cầu xin Nguyễn Vương xưng đế tranh hùng thiên hạ với Nguyễn Huệ !

Ánh đã muốn xưng đế từ lâu nhưng trong lòng vẫn hay kìm nén không nói ra. Nay được các quan văn võ nói thế liền cười bảo :

- Ta luôn một lòng vì nước vì nhà Lê. Nay nhà Lê sụp đổ, thiên mệnh chỉ hướng về ta. Ta hiểu những lời mà các vị đã nói cho, nhưng hãy để khi khác hẵng bàn !

Nguyễn Ánh nói xong thì đám Dùng bèn lui ra. Ánh vẫn băn khoăn về chuyện xưng đế. Lúc này Huy vừa cùng với Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh tuyển thêm quân ở Gò Đông trở về yết kiến. Ánh liền hỏi :

- Chúng bầy tôi muốn ta xưng đế nhưng ta vẫn chưa biết có nên hay không ?

Huy liền nói :

- Thiên hạ Đại Việt chia đôi. Xứ Bắc Hà thuộc Tây Sơn, xứ Nam Hà thuộc Nguyễn Vương bệ hạ. Nay nhà Lê đã mất, Tây Sơn đã xưng đế từ trước, nay không sớm muộn cũng tranh giành thiên hạ với ta. Xin Nguyễn Vương xem xét !

Huy liền xin cáo lui. Đám Nguyễn Văn Thành cùng Lê Văn Duyệt cũng vào yết kiết. Nguyễn Ánh lại nói chuyện ban nãy. Thành nói :

- Giang sơn chia cắt đã lâu, vua tôi nhu nhược chỉ biết trông nhờ các chúa. Nay Tây Sơn xưng đế Bắc Hà như một con hổ mạnh mẽ đang gầm trốn rừng sâu. Nguyễn Vương giữ cơ nghiệp nhiều đời lại có nhiều kẻ tài hiền sĩ đứng giúp như con rồng xanh trỗi dậy từ đại dương lên. Nay thiên hạ hai bên đều muốn thống nhất, Nguyễn Vương và Nguyễn Huệ giành nhau từng đất ví như long tranh hổ đấu, xin Nguyễn Vương xem xét !

Nguyễn Ánh nghe xong mà vui sướng tột độ :

- Ý ta đã quyết, các vị không phải bàn thêm nữa !

Ngày 3 tháng 1 năm 1789, Nguyễn Ánh lập đến tế cúng trời cao lên ngôi hoàng đế, hiệu là Gia Long, đóng đô ở Gia Định. Phong Nguyễn Phúc Cảnh làm Thái tử, Nguyễn Văn Thành làm Thái sư, tất cả viên quan văn võ đều được thăng chức, ân xá toàn thiên hạ.

Vua Gia Long vừa xưng đế đã muốn cất quân đi đánh Tây Sơn. Huy biết chuyện liền kéo Dũng đi vào nhà mình mà nói :

- Phía bắc ta quân Thanh đang kéo đến, nếu cứ để quân ta tiến lên phía bắc thì nhà Thanh sẽ thôn tính nước ta mất !

Dũng cũng nói :

- Việc này đúng là không thật trong lịch sử. Chúng ta đi hơi quá xa rồi đó. Bây giờ nên tạm kìm hoãn lại đi !

Hôm đó Dũng lên thành Gia Định bái kiến Gia Long đế. Gia Long đế thấy vậy liền hỏi :

- Ái khanh đến có việc gì ?

Dũng liền tâu :

- Nay bệ hạ lên ngai rồng chưa lâu lại muốn kéo binh đi đánh lên Bắc Hà. Thần trộm nghĩ khi xưa quân ta giúp Xiêm, Chất Tri xưng đế cũng mất vài tháng mới dám mang quân viện giúp bệ hạ. Nguyễn Nhạc xưng đế cũng phải nuôi quân lâu năm mới đánh Bắc Hà đuổi họ Trịnh. Thần muồn xin bệ hạ hãy để thư cho vài tháng chuẩn bị xây dựng lực lượng rồi cùng nhau quyết chiến với Tây Sơn một trận !

Gia Long đế nghe vậy liền cảm thấy khó chịu, giọng phàn nàn :

- Trẫm có tân quân bất khả chiến bại, lại có quân Pháp viện binh giúp trợ. Nay ta biết tin quân Thanh tràn xuống đánh nhau với Tây Sơn, thực là một cơ hội hiếm có. Nay ta muốn cất quân bắc phạt, chớ có nhiều lời với trẫm !

Dũng khuyên mãi nhưng Gia Long đế không nghe đành buồn bã lui về.

Lại nói về nhà Tây Sơn, lúc này Nguyễn Huệ xưng đế lấy hiệu là Quang Trung. Nay đang tuyên chiến với quân Thanh ở Bắc Hà.

Quân Thanh đứng đầu đạo quân đánh xuống Thăng Long là Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị. Hắn cùng các tướng Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống, Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long cùng hơn trăm tướng kéo đại quân khoảng 30 vạn quân, thanh thế rất lớn.

Quân Thanh chia đạo quân ra làm 3 đường. Một đường từ Vân Nam qua Tuyên Quang đến Thăng Long do Ô Đại Kinh chỉ huy. Một đường đi trực tiếp quan Lạng Sơn kéo đến Thăng Long do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy. Đường còn lại do Sầm Nghi Đống chỉ huy, kéo quân từ Long châu tiến vào Cao Bằng rồi tiến về Thăng Long.

Quân của Ngô Thì Nhậm chống chả không nổi đành phải rút quân khỏi Thăng Long. Càng ngày quân Thanh càng thắng trận nhiều, Tôn Sĩ Nghị ban đầu chủ quan. Để tăng cường phòng thủ, Nghị bố trí đồn Ngọc Hồi ở Thanh Trì (Hà Nội), đồn Hà Hồi ở Thường Tín (Hà Nội), đồn Nhật Tảo ở Duy Tiên (Hà Nam) và đồn Nguyệt Quyết huyện Thanh Liêm (Hà Nam).

Vua Quang Trung liền họp khẩn cùng bàn kế sách chống địch. Phạm Bình liền nói :

- Quân Thanh từ xa mới đến chắc chắn mệt mỏi nhiều. Nay ta nên lấy ít địch nhiều, mang hơn ngàn quân ra Thăng Long tập kích trại địch. Quân Thanh chắc chắn sẽ đuổi theo, lúc nấy ta dựa vào thế núi rừng hiểm trở đánh tiêu hao địch chắn chắn sẽ đánh tan đại quân bọn chúng !

Phạm Bình dâng kế như vậy nhưng hầu như không ai hưởng ứng. Mọi người đều cho là đại quân Thanh mạnh áp đảo không thể lấy ít địch nhiều.

Ngô Thì Nhậm bèn nói :

- Kế của tướng quân tuy hữu dụng song thực tế lại phi lí ! Bắc Kỳ Mãn Châu quân là đại quân tinh nhuệ hiếu chiến của nhà Thanh. Họ am hiểu về địa thế rất tốt lại có cả quân của Lê Chiêu Thống dẫn đường cho. Theo kế của thần thì ta nên vừa đánh vừa lui, quân địch khắc sẽ xa lưới !

Cả hai tranh cãi nhau một hồi. Quang Trung đế thấy thế liền nói :

- Ý cả hai lại vừa ý ta. Nay nên tập hợp binh lực chuẩn bị bắc tiến !

Vua Quang Trung kéo quân ra Nghệ An ra sức tuyển quân, nhân dân Nghệ An ai cũng nô nức tham gia đi lính. Chưa đầy tháng Quang Trung đế đã có hơn vạn quân tham gia. Lực lượng Tây Sơn ngày càng đông đảo.

Lại có một vị cống sĩ tên là Nguyễn Thiếp xin được gặp vua Quang Trung. Nhà vua đối đãi tử tế với Thiếp. Vua Quang Trung hỏi :

- Nay quân tôi sắp đánh với quân Thanh. Mưu đánh hay giữ, được hay thua xin tiên sinh cứ nói !

Thiếp liền nói :

- Giờ đất nước trống không, lòng người tan rã. Quân Thanh từ xa tới đây, không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không hiểu rõ thế nên đánh hay nên giữ ra sao. Chúa công đi chuyến này, không quá mười ngày, quân Thanh sẽ bị dẹp tan !

Vua Quang Trung vỗ tay vui mừng mà nói :

- Lời nói của tiên sinh giống y như lời của của đô đốc Bình !

Quang Trung chia quân ra làm 6 đạo quân. Đạo quân do Quang Trung chỉ huy có Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân làm tiên phong, có cả tượng binh và kỵ binh đánh vào chính mặt nam Thăng Long.

Đạo quân do đô đốc Tuyết chỉ huy theo đường thuỷ tiến vào sông Lục Đầu, đánh đồn quân cần vương của Lê Duy Kỳ ở Hải Dương, chặn đường rút của quân Thanh bên kia sông Hồng.

Đạo quân đô đốc Lộc chỉ huy cùng đạo quân đô đốc Tuyết theo đường thuỷ tiến vào sông Lục Đầu, tới đây tách ra đi gấp lên Phượng Nhãn, Lạng Giang chặn đường rút của quân Thanh phía bắc.

Đạo quân đô đốc Bảo chỉ huy, cũng có tượng binh và kỵ binh theo đường Ứng Hoà (Hà Tây) ra làng Đại Áng, phối hợp với cánh quân Quang Trung đánh đồn Ngọc Hồi của Hứa Thế Hanh.

Đạo quân đô đốc Long chỉ huy, cũng có tượng binh và kỵ binh theo đường Chương Đức, hướng lên Sơn Tây nhưng sẽ rẽ quặt sang làng Nhân Mục tập kích đồn Khương Thượng của Sầm Nghi Đống và tiến vào Thăng Long từ hướng tây.

Đạo quân đô đốc Bình chỉ huy thuỷ binh và bộ binh đi từ Nghệ An vòng lên xứ Yên Quảng rồi đánh Chí Linh vào Thăng Long.

Bấy giờ họ gọi cả 5 người là ngũ đại đô đốc Bắc Hà.

Vua Quang Trung tiến quân đến núi Tam Điệp, hai tướng Phạm Văn Lân và Ngô Văn Sở ra đón. Bấy giờ là sắp đến Tết. Nhà vua liền mở tiệc chiêu đãi các binh sĩ trong quân lại mà nói :

- Quân giặc cách chúng ta không xa, ta đoán trong mười ngày ách quân Thanh đại bại. Vì thế ta cùng các người hãy tạm sửa lễ cúng Tết trước đã. Đêm tối 30 lập tức lên đường, hạn đến mồng 7 mới vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Các ngươi nhớ lấy, đừng cho ta nói khoác !

Cả năm đạo quân đều lạy xuông vâng lệnh. Đúng 30 đêm lập tức xuất quân, trống đánh vang dội, tinh kì phấp phới.

Riêng đạo quân thứ 6 của Phạm Bình đã kéo quân đến Yên Quảng rồi. Bình liền cùng bộ tướng dưới trướng là Phạm Minh Khoa chiêu mộ rất nhiều binh lính, quân sĩ kéo đến ngày một đông.

Ngày mồng 1 Tết, Bình mang đại quân bắn phá Chí Linh, binh sĩ Tây Sơn sử dụng loại pháo mới tối tân do Bình đặt thuê từ các công ty Đông Ấn Hà Lan, loại đạn pháo này bắn rất xa lại rất chuẩn xác. Binh sĩ Thanh triều trúng đạn chết nhiều vô kể. Tướng canh giữ là Trập Bát Mãn Tư phi ngựa ra bỏ chạy về Thăng Long, binh sĩ đi theo vứt bỏ nhiều áo giáp, vũ khí.

Bình nhìn qua hầu như chỉ toàn bọn quân Hán, tức không phải quân Mãn Châu. Bình cười ầm lên, lòng vui sướng. Khoa liền hỏi :

- Đô đốc sao lại mừng vui như thế ?

Bình nói :

- Quân Thanh đến đây hầu như là quân Hán. Vậy là Bát Kỳ Mãn Châu không có ở đây. Ta đoán Chúa công ta chưa đến mười ngày là có thể đánh tan quân Thanh cứu viện rồi !

Bình vừa nói nhưng cũng thúc ngựa kéo quân chiếm ngay Chí Linh. Quân Tây Sơn dựng lại các trại, lại trưng thu được nhiều áo giáp vũ khí.

Phía vua Quang Trung. Quân Tây Sơn tiến như vũ bão vượt qua sông Gián. Quân Thanh thấy thế khinh hồn bạt vía bỏ chạy đi hết. Quân Tây Sơn cứ tiếp tục tấn công. Khi vượt qua sông Thanh Quyết, thám mã phát hiện có do tham quân Thanh. Vua Quang Trung chẳng sợ gì mà cưỡi voi tiến thẳng vào phía trước địch. Đám thám mã thấy thế sợ hãi bỏ chạy. Vua Quang Trung cho đội súng hoả mai tấn công, nhiều tên thám mã bị bắn chết, mấy tên còn lại đều bị bắt sống không chừa một ai. Quân Thanh ở Hà Hồi và Ngộc Hồi đều không biết gì hết.

Quân Tây Sơn tiến sát Hà Hồi, bấy giờ quân Thanh đang vui mừng ăn Tết, tên nào cũng say rượu be bét cả. Vua Quang Trung bí mật cho quân bao vây đồn, lại sai người làm những cái loa đồng cỡ lớn. Mấy tên lính tráng khoẻ mạnh hò hét trong cái loa đó. Quân Thanh nghe thấy đều khiếp vía rời rạc chân tay. Quân Thanh hoảng loạn bỏ chạy khắp nơi cả. Tướng Thanh là Trương Triều Long mặc áo giáp chạy ra ngoài, nghe thấy tiếng lớn y như có vài chục vạn quân Tây Sơn ở đây. Long sợ hãi quá mà cưỡi ngựa cùng đám quân đột phá cửa đông về Thăng Long cầu cứu. Quân Thanh mất tướng như rắn mất đầu nhanh chóng hàng cả. Quân Tây Sơn thu được nhiều vũ khí lương thực.

Ngày mồng 4 Tết, quân Thanh do tướng Thang Hùng Nghiệp kéo quân ra tiếp ứng. Vua Quang Trung lại dùng kế nghi binh, cắm nhiều tinh kì khắp nơi, lại dùng loa hò hét dữ dội. Nghiệp thấy thế án binh bất động sau đó từ từ lui về Thăng Long.

Ngày mùng 5 Tết, quân Tây Sơn kéo đến đồn Ngọc Hồi, Hứa Thế Hanh cùng Thượng Duy Thăng mang hơn vạn quân tiên phong ra trước đồn phòng thủ, ai dè làm bia đỡ đạn cho quân Tây Sơn.

Vua Quang Trung cưỡi voi ra lệnh tượng binh tấn công. Hứa Thế Hanh cũng cho kị binh của mình tấn công lên trước. Quân tượng binh Tây Sơn có lắp đại bác trên lưng voi, bắn tan tác đội kị binh Mãn Thanh. Vua Quang Trung lại sai đội khiên cảm tử, làm lá chắn bằng gỗ quấn rơm ướt che mình, tiến thành hàng ngang dàn thành chữ "Nhất", phía sau là quân bộ binh, tay cầm đoản đao đồng loạt xông lên. Quân Thanh với đội hoả mai bắn thế nào cũng không xuyên qua lớp lá chắn.

Thấy có gió bắc đang nổi, Trương Thế Hanh mới nói :

- Mau mang ống phun lửa ra !

Quân Thanh nối đuôi nhau mang ra nhiều ống khói tre, bên trong là dầu hoả bôi trơn. Quân Thanh đốt đầu ống, lửa cháy ra, phía sau được lấy hơi thổi mạnh, ngọn lửa cháy ra càng xa. Bất ngờ trời đổi gió nam, lửa lại thổi cháy ngược lại quân Thanh, binh sĩ chết cháy rất nhiều.

Quân Tây Sơn tiến sát vào quân địch, cả hai bên lao vào chém giết lẫn nhau. Quân sức chiến đấu đã sa sút không thể đánh nổi đại quân Tây Sơn liền bỏ chạy hết. Trương Thế Hanh chống cự không nổi bị quân Tây Sơn lao vào chém thành trăm mảnh. Thượng Duy Thăng và Trương Triều Long dẫn tàn quân bỏ chạy. Thăng bị đạn lạc bắn chết tại chỗ, còn Long may mắn chạy thoát.

Quân Tây Sơn khí thế sôi sục lại tiến quân ngay ra Đống Đa. Lúc này đô đốc Long đã kéo quân đến làng Nhân Mục. Đội quân tượng binh Tây Sơn với đại bác trên lưng bắn phá dữ dội, quân Thanh chết nhiều vô kể. Sầm Nghi Đống ở bên trong lo lắng không ngừng liền dẫn hơn ngàn lính đột phá vòng vây. Nhưng khi quân Đống vừa ra ngoài lại bị bắn trúng đạn pháo, mảnh thịt quân sĩ văng thẳng vào mặt Đống. Thấy thế Đống sợ quá lại chạy vào trong trại. Quân Tây Sơn xông vào chém giết lung tung, tứ chi văng khắp nơi. Sầm Nghi Đống sợ hãi tuyệt vọng mà thắt cổ tự tử.

Ngay trong đêm mùng 4, quân của đô đốc Long tiến đánh vào Nam Đồng. Quân Thanh chống cự không nổi lại vứt bỏ khí giới chạy về Thăng Long. Quân Thanh từ đồn Ngọc Hồi chạy tới đê Yên Duyên, trông thấy phục binh Tây Sơn chặn đánh, phải chạy theo đường Vịnh Kiều trốn về Thăng Long. Nhưng chạy tới nửa đường thì gặp cánh quân đô đốc Bảo đánh tới từ làng Đại Áng. Đô đốc Bảo cho thả voi xuống, dẫm đạp chết nhiều quân Thanh.

Lúc bấy giờ Vua Lê Chiêu Thống và Tôn Sĩ Nghị vẫn còn ca hát ngày Tết. Bỗng quân của Trương Triều Long dẫn bại quân quay về báo cáo. Khi nghe được tin Hà Hồi, Ngọc Hồi thất thủ. Nghị hoảng loạn cả lên. Nay lại nghe tin quân Tây Sơn đang kéo đến Thăng Long, Nghị liền vội vã lên ngựa, áo giáp mặc không kịp dẫn bọn quan lại chạy khỏi Thăng Long.

Đám hộ vệ ở lại phía sau phòng thủ. Nghị liền giao hết binh quyền cho Long, hắn đành chấp nhận ở lại chiến đấu. 4 đạo quân của đô đốc Long, đô đốc Tuyết, đô đốc Lộc, đô đốc Bảo kéo quân đánh vào Thăng Long. Quân Thanh chiến đấu trong vô vọng, quân sĩ bị giết chết khắp nơi. Toán quân Thanh cuối cùng do Long chỉ huy cũng bị đô đốc Tuyết giết sạch.

Tôn Sĩ Nghị lúc này chạy tới sông Hồng, hắn nhanh chóng chạy qua được cầu. Đám binh sĩ quan lại phía sau vì tranh nhau qua cầu mà khiến cầu đứt gãy, trăm người chết dưới sông, máu chảy xuôi xuống hạ giang.

Bấy giờ Nghị cảm thấy an toàn liền dẫn quân về Đại Thanh. Nào ngờ đi giữa đường gặp ngay toán quân của đô đốc Bình. Bình cười lên mà nói :

- Ta đã biết thừa là bọn bay kiểu gì cũng chạy đến đây cơ mà. Số trời đã định, bọn bay không thoát được đâu !

Bình liền sai toàn quân Tây Sơn xông lên. Đám quân Thanh bị giết sạch, Nghị cũng bị giết chết. Phạm Bình chặt đầu Nghị dẫn hơn ngàn quân trở về Thăng Long ăn mừng.

Đô đốc Lộc mang quân ra truy sát Lê Chiêu Thống nhưng không thấy y đâu bèn dẫn quân quay về Thăng Long cùng.

Toán quân Vân Nam đóng ở các đồn phía bắc Thăng Long do Ô Đại Kinh nghe tin Thăng Long mất thì lần lượt bỏ chạy về đại Thanh quốc.

Vua Quang Trung khải hoàn trở về Thăng Long, áo bào dính đầy thuốc súng. Quân dân thành Thăng Long đứng thành hai bên reo hò quân Tây Sơn thắng trận trở về. Vậy là chỉ chưa đầy 10 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan đạo quân của nhà Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dynasty#war