Quyển 1 - Chương 12

Quyển 1: Mạc đạo xuân lai vãn
(Chớ bảo rằng xuân đến quá muộn)

Chương 012

Trong trung thế giới Đạo Xuân, khi nhắc đến tông môn Phật tu, mọi người sẽ nghĩ ngay đến Hoa Nghiêm tông.

Tông môn Phật tu nhiều vô số kể, về cơ bản thì trong đại thế giới chia thành: Chỉ Luật tông, Minh Thiền tông, Pháp Tướng tông, Tam Luận tông và Tịnh Thổ tông. Nhân Chân tự là một trong những chi nhánh của Minh Thiền tông trong hạ giới, song vì đã nhiều năm mà chẳng có Phật tu nào ra hồn, lại còn làm mất "Quan Âm đồ lục – quyển một", thế nên đã bị Minh Tiền tông xóa tên. Mất đi chỗ dựa vững chắc này, Nhân Chân tự mới bị các tông môn khác chia năm xẻ bảy.

Còn Hoa Nghiêm tông là một trong các chi nhánh của Chỉ Luật tông, cứ hai đời thì sẽ có một Phật tu có thứ pháp ấn, vì thế nên rất được xem trọng, nay đã trở thành tông môn Phật tu được truyền thừa mạnh nhất và hoàn chỉnh nhất trong trung thế giới Đạo Xuân. Vô số các đệ tử hướng Phật đều mong mỏi sẽ được vào Hoa Nghiêm tông tu hành, thế nhưng điều kiện nhận đồ đệ của Hoa Nghiêm tông lại hà khắc hơn các tông môn khác nhiều, do đó số lượng đệ tử luôn chẳng có bao nhiêu. Đến thế hệ này, số Phật tu trẻ tuổi chỉ được mười mấy người, và trong mười mấy đệ tử, ngoài Thánh Tâm Phật quân Tam Tư đại sư đứng thứ mười bảy trên Thiên Đan bảng ra, những người khác chỉ xếp trên một trăm, trông có vẻ yếu, song tất cả đều có tên trên bảng!

Có thể thấy rõ rằng Hoa Nghiêm tông áp dụng hình thức giáo dục tinh anh, hai chữ tuệ căn của Phật môn hư vô mờ mịt lắm, trong một trăm người, chưa chắc có một người thích hợp với con đường Phật tu, thế nên họ làm vậy cũng đúng thôi.

Tam Tư đại sư thành đan đã mười năm, nay ngồi vững trong mười hạng đầu, cũng chính vì có tấm lòng Bồ Tát nên được gọi là "Thánh Tâm Phật quân".

Thôi được, trên thực tế, hầu như những Phật tu trên bảng đều có tên gọi hay, dù sao thì Phật tu rất ít sát sinh. Cái tên "Bán Phật" nửa vời của Tạ Chinh Hồng mới có vẻ như đang làm mất mặt Phật tu. Mọi tu sĩ trông thấy tên này đều cho rằng Tạ Chinh Hồng không xuất thân từ Phật tu chân chính, tất nhiên, người của Hoa Nghiêm tông cũng không ngoại lệ.

Vì vậy, cho dù cái tên Tạ Chinh Hồng xuất hiện ở vị trí thứ mười lăm trên Thiên Đan bảng với tốc độ chóng mặt, song vẫn chẳng có Phật tu nào muốn tìm y bàn luận Phật đạo.

Phật môn chính thức luôn xem Thiền chồn hoang như những tên lừa gạt trong giang hồ, chẳng bao giờ đặt họ vào mắt.

Xá Thân tự vốn chỉ là một ngôi chùa bình thường, song lúc này lại đông đúc vô cùng, cứ nhìn cảnh tượng nhộn nhịp rộn rã này thì biết danh tiếng của Tam Tư đại sư vang xa đến đâu. Tuy những tu sĩ ở mười hạng đầu Thiên Đan bảng không phải loại lúc nào cũng ru rú ở nhà, nhưng người từng gặp mặt họ lại ít ỏi vô cùng. Những tu sĩ đến Xá Thân tự ngoài một số ít là thật lòng muốn nghe Phật pháp, số còn lại hầu như đều chỉ để xem mặt mũi Tam Tư ra sao, còn một số nữa là muốn có tràng hạt Phật Tâm mộc do chính tay Tam Tư làm, suy cho cùng thì pháp khí Phật môn không chỉ ít mà còn rất mắc, một chuỗi tràng hạt không là gì, song vẫn có đôi chút hiệu quả đối với các tu sĩ kỳ Trúc Cơ hoặc Luyện Khí.

Tạ Chinh Hồng cũng có mặt trong dòng người, y bị xô đẩy vào chùa.

Trải nghiệm này rất mới lạ, song cũng khá thú vị.

Một ngôi chùa nhỏ mà lại tụ tập đủ loại tu sĩ với các mục đích khác nhau, đứng giữa dòng người, Tạ Chinh Hồng có thể cảm nhận được ý niệm của họ một cách rõ ràng. Thế tục rối ren, biển người cuồn cuộn.

Tuy Xá Thân tự khá nhỏ, song lại rất độc đáo.

Nhiều tu sĩ thấy đã không còn chỗ ngồi, bèn dùng đủ mọi cách, có người đứng trên phi kiếm, áo bay phần phật; có người ngồi trên đài sen vờ như mình là Phật tu; cũng có người ngồi trên bàn cờ, đôi mắt láo liên tứ phía, đủ các loại pháp khí phi hành, đa dạng vô cùng. Thậm chí còn có người đạp trên một con xúc xắc, quả thật làm người ta dở khóc dở cười.

Bấy giờ Tạ Chinh Hồng mới nhớ pháp khí của mình đều thuộc loại công kích, vả lại đều là pháp khí Phật môn, mang ra thì có vẻ huyênh hoang quá. Thế là chỉ đành ngồi xuống bên cạnh một tu sĩ kỳ Luyện Khí trẻ tuổi.

"Ồ, huynh cũng không mua nổi pháp khí phi hành sao?" Tu sĩ trẻ tuổi nọ quay đầu hỏi Tạ Chinh Hồng.

Tạ Chinh Hồng suy nghĩ một lúc rồi gật đầu.

"Không sao, chúng ta cố gắng tu hành, sẽ có một ngày mua nổi thôi mà." Nam tử nọ tự an ủi, "Không chừng lát nữa sẽ được Tam Tư đại sư tặng cho một chuỗi tràng hạt Phật Tâm mộc, như vậy sẽ tiết kiệm được tiền mua Luyện Khí đan." Tràng hạt Phật Tâm mộc có hiệu quả ngưng thần, mang lại tác dụng nhất định cho các tu sĩ kỳ Luyện Khí hoặc Kim Đan, đa số các tu sĩ đến đây là vì Phật Tâm mộc. Địa vị của đại đa số các Kim Đan chân quân đều khá cao, hơn nữa quả thật mục đích tổ chức Phật hội lần này của Thánh Tâm Phật quân là dành cho các tu sĩ cấp thấp, tất nhiên sẽ không có bao nhiêu người đến tự làm mất hứng mình. Bên cạnh đó cũng có một số tu sĩ kỳ Kim Đan đến để xem thử khoảng cách chênh lệch giữa mình là Kim Đan chân quân trên Thiên Đan bảng là bao nhiêu, song họ đều chọn vị trí khá xa, chỉ dùng thần thức thăm dò bên này.

Vì thế, người thật lòng đến nghe Tam Tư nói Phật pháp như Tạ Chinh Hồng chợt trở nên đặc biệt.

Bỗng dưng, Tạ Chinh Hồng nhìn về phía bên trái.

"Các vị đến Xá Thân tự này tức là chúng ta có duyên, Phật độ người có duyên, tại hạ pháp hiệu Tam Tư, xin ra mắt các vị."

Một giọng nói dịu dàng vang lên, người này tựa như một làn gió mát, không biết từ đâu xuất hiện, cũng chẳng ai cảm giác được sự xuất hiện của hắn.

Chiếc tăng bào màu xanh lục, một chuỗi tràng hạt mộc mạc giản dị, đó là trang phục của Tam Tư.

Trông hắn còn trẻ lắm, làn da trơn nhẵn như ngọc, dung mạo vừa tú lệ vừa dịu dàng, đôi mắt đen và sáng, thâm sâu vô cùng, nhưng nếu nhìn kỹ sẽ cảm thấy nó long lanh rực rỡ như một hạt trân châu đen, làm rung động lòng người. Dáng người trông như một bức tượng không vướng chút bụi trần, dù dung nhan hắn rất đỗi xuất sắc, song khí chất vẫn khiến người ta không thể phớt lờ được.

Thì ra đây là Thánh Tâm Phật quân, quả nhiên danh bất hư truyền!

Mọi người đều có suy nghĩ này, cảm xúc vốn đang nóng nảy cũng dần bình lặng.

Thì ra hắn tu luyện Thiền nói chuyện(1) sao?

Tạ Chinh Hồng bỗng nghĩ thế.

Trong Phật môn có cách tu luyện Thiền yên lặng, một số Phật tu cho rằng tất cả vòng luân hồi sinh tử của chúng sinh đều tập trung trong ba nghiệp là "thân, khẩu, ý", bỏ đi ba nghiệp này thì sẽ được giải thoát hoàn toàn, trở nên tự do tự tại. Nguyên lý của Thiền yên lặng là nhằm vào giảm khẩu nghiệp(2). Phát triển dần về sau, các Phật tu còn nghiên cứu ra thêm một loại công pháp vốn mang tên "Bàn Nhược khẩu nghiệp tâm kinh", cho dù mở miệng nói chuyện vẫn có thể giúp người nghe ngộ ra nhiều điều. Người của giới tu chân gọi vui là "Thiền nói chuyện", lâu dần, tên gọi chính thức của nó chỉ được lưu truyền trong các tông môn Phật tu, còn tên Thiền nói chuyện thì lại được lan truyền rộng rãi.

Tuy Thiền nói chuyện rất nổi tiếng, song không phải ai cũng luyện được.

Ngoài ra, việc luyện Thiền nói chuyện mang đến lợi ích rất nhỏ cho bản thân, chủ yếu là vì người khác thôi, mỗi khi các Phật tu tụng kinh hoặc tuyên truyền Phật pháp, nếu sử dụng Thiền nói chuyện sẽ giúp người nghe hiểu rõ hơn về Phật lý, trải nghiệm sự huyền bí của những điều hay lẽ phải, nó hoàn toàn được dùng để phục vụ người khác. Vì vậy, những Phật tu tu luyện Thiền nói chuyện hầu như đều phải có một nghị lực lớn, hơn nữa tu vi càng thấp càng kém hiệu quả, người chỉ mới đến kỳ Kim Đan đã luyện được đến hiệu quả này như Tam Tư, có lẽ đã bắt đầu từ khi còn Luyện Khí.

Các tu sĩ kỳ Luyện Khí ngay cả năng lực tự bảo vệ mình cũng chẳng có, thế mà đã nghĩ đến chuyện phải làm gì để phục vụ người khác, người như vậy mà không được danh hiệu "Thánh Tâm Phật quân" thì người khác cũng chẳng cần mơ.

"Hôm nay bần tăng xin nói về hai chữ "duyên khởi"." Tam Tư phất tay, chợt thấy dưới mặt đất xuất hiện một tấm bồ đoàn cũ.

Hắn ngồi xuống, tựa như đang ngồi trên đài sen thanh cao, toát ra khí thế không thể diễn đạt bằng lời.

Trong đầu Tạ Chinh Hồng hiện lên vô số cách nói về "duyên khởi", song cuối cùng đều quy về hai chữ "nhân quả".

"Duyên khởi, nghĩa là các pháp sinh ra do nhân duyên. Phật nói, nhược thử hữu tắc bỉ hữu, nhược thử sinh tắc bỉ sinh; nhược thử vô tắc bỉ vô, nhược thử diệt tắc bỉ diệt(3). Vạn vật trên thế gian này đều cùng tồn tại hoặc không cùng tồn tại. Như việc gieo một hạt giống xuống đất, nguyên tắc nảy mầm của nó là: chết đi sẽ lại nảy mầm, nảy mầm rồi lại chết đi..."

Cách nói về nhân duyên của Phật môn cũng tương tự như nhân quả của Đạo giáo, việc Tam Tư chọn cách giảng Phật pháp như thế cũng nhanh chóng được các tu sĩ theo Đạo chấp nhận. Đây quả thật là một mở đầu tốt.

Tam Tư nói rất rõ ràng, cũng rất dễ hiểu.

Song Tạ Chinh Hồng vẫn nghe rất say mê.

Thứ càng dễ hiểu thì khi nói ra sẽ càng phức tạp, tuy Tạ Chinh Hồng đã biết về điều này, nhưng từ xưa đến nay y chưa từng bàn luận với người khác, mọi Phật pháp hay kinh Phật đều do bản thân y tự học hỏi và tìm hiểu. Còn Tam Tư xuất thân Phật tu chính thống, những điều hắn nói sẽ nghiệm chứng cho điều mà Tạ Chinh Hồng nghĩ, đây mới là nguyên nhân chân chính của việc Tạ Chinh Hồng đến.

Phật hội kết thúc, Tạ Chinh Hồng vẫn còn muốn nghe tiếp.

"Phật hội hôm nay kết thúc tại đây, các vị vất vả rồi." Tam Tư chắp tay lại, nói với vẻ trang trọng.

Giọng của Tam Tư đã gọi những người đang ngủ gật dậy, với các tu sĩ cấp thấp, uy lực của Thiền nói chuyện của Tam Tư rất dễ khiến họ tĩnh tâm, nghĩa là sẽ khiến họ dễ ngủ thiếp hoặc nghỉ ngơi. Phật hội này kéo dài từ sáng sớm đến tối khuya, hiện bầu trời đã giăng đầy sao, suốt quá trình lại chẳng hề có thời gian ngơi nghỉ, số lượng tu sĩ nghe hết cả buổi Phật hội có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Dù sao thì hầu hết những người ở đây đều không phải Phật tu, hơn nữa tu vi khá thấp, rất khó hiểu được ẩn ý sâu xa trong những điều mà Tam Tư nói. Còn các tu sĩ kỳ Kim Đan đều hiểu rõ về điều này, có nghe cũng chẳng được bao nhiêu lợi ích. Thần thức của các tu sĩ Kim Đan lần lượt tán đi, không gây ra chút tiếng động nào.

Còn những tu sĩ ở lại hầu như đều vì tràng hạt Phật Tâm mộc.

"Một chút lòng thành, bần tăng xin chúc các vị mạnh khỏe." Tam Tư niệm câu "a di đà phật", đằng sau hắn xuất hiện hơn trăm chuỗi tràng hạt có chữ 卍 (vạn) lóe ánh Phật quang, từng chuỗi một rơi vào tay các tu sĩ. Cậu thanh niên ngồi cạnh Tạ Chinh Hồng cũng được một chuỗi, song bên cạnh đó cũng có nhiều người không có duyên với nó.

Nếu ai đó để ý sẽ phát hiện, những người nhận được tràng hạt đều có để tâm nghe chút Phật pháp.

"Ài, huynh đệ đừng nản lòng nhé, sau này sẽ còn cơ hội mà, tôi đi trước đây." Cậu thanh niên kia mỉm cười an ủi Tạ Chinh Hồng vài câu, sau đó rời đi cùng bạn bè mình. Những người không nhận được tràng hạt tuy hơi mất mặt, song cũng không thể chống đối với tu sĩ Kim Đan chỉ vì một chuỗi tràng hạt, thế là hậm hực rời đi.

Chẳng bao lâu sau, nơi này chỉ còn lại một mình Tạ Chinh Hồng.

"Không biết vị đạo hữu này có điều gì muốn chỉ giáo Tam Tư?" Tam Tư chắp tay, hỏi Tạ Chinh Hồng với vẻ kính trọng.

Hắn nhận ra Tạ Chinh Hồng cũng là Phật tu, thậm chí còn đoán được đôi phần về thân phận của y.

"Pháp là do duyên sinh, duyên hết pháp mới mất; thầy của tôi là một Đại Sa Môn(4) thường nói như thế."

***

Lời tác giả: Lời Tạ Chinh Hồng nói được trích từ "Duyên khởi yết" rất nổi tiếng của một trong năm vị Tỳ Khưu(5). Nói cách khác, đó là cách nói chính xác nhất về hai chữ "duyên khởi", cũng là đáp án tiêu chuẩn nhất.

***

(*)

Thiền nói chuyện(1): Cái này trong truyện tác giả có giải thích rồi, nhưng mình bổ sung thêm là Thiền nói chuyện là do tác giả tự chế ra, chứ Phật giáo chỉ có Thiền yên lặng thôi.

Khẩu nghiệp(2): Trong khẩu nghiệp bao gồm vọng ngữ (lời nói dối), khởi ngữ (lời tục tĩu dâm ô), lưỡng thiệt (lời đâm sau lưng, gây xích mích) và ác khẩu (lời mắng chửi người khác).

Nhược thử hữu tắc bỉ hữu, nhược thử sinh tắc bỉ sinh; nhược thử vô tắc bỉ vô, nhược thử diệt tắc bỉ diệt(3): Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt.

Đại Sa Môn(4): Hay còn gọi là Tỳ Khưu, Tỳ Khưu được chú thích bên dưới.

Năm vị Tỳ Khưu(5): Theo ghi chép của điển tịch Phật giáo, năm vị Tỳ Khưu gồm: A Nhược Kiêu Trần Như, A Thuyết Thị (Mã Thắng), Bạt Đề, Thập Lực Già Diệp, Ma Ha Nam Câu Lợi. Họ là những nô bộc được cha của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (tức thái tử Tất Đạt Đa) là vua Tịnh Phạn phái đến để hầu hạ Thích Ca Mâu Ni, năm vị này đã đồng hành cùng Thích Ca Mâu Ni trong quá trình tu tập khổ hạnh (hình thức tu bắt cơ thể chịu đói khát đau đớn) và trở thành những vị đệ tử đầu tiên của Phật sau khi Đức Phật đắc đạo.

Mình search không ra cái "Duyên khởi yết" :'(

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top