Tây Sơn thất hổ: Nguyễn Văn Lộc

Trong "Tây Sơn thất hổ tướng", Đô đốc Nguyễn Văn Lộc có kết thúc bình yên nhất. Cũng đáng tiếc như một số vị tướng Tây Sơn thất hổ khác, năm sinh và năm mất của ông đều không rõ, chỉ biết quê ông nay là xã Phước Sơ, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông từ nhỏ là người giỏi võ nghệ, thân hình cường tráng, có sức khỏe nên làm nghề chăn trâu, gác mướn thuở hàn vi. Thấy ông người có sức khỏe mà lại đôn hậu, nên một vị sư đi ngang qua biết đã truyền lại võ nghệ cho ông.

Khi Tây Sơn dựng cờ đào, ông đến xin gia nhập. Khi Thái Đức hoàng đế lên ngôi, ông được phong hữu đô đốc cùng tả đô đốc Nguyễn Văn Tuyết. Từ đó, ông ra tài đánh nam dẹp bắc, cùng quân Tây Sơn đánh cả chúa Trịnh và chúa Nguyễn.

Năm 1773, Nguyễn Văn Lộc cùng Nguyễn Văn Tuyết làm tả hữu tiền quân, theo Chinh nam đại tướng quân Ngô Văn Sở tiến đánh Diên Khánh, Bình Thuận và Phú Yên. Quân Tây Sơn đại thắng, tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền bị giết, Nguyễn Khoa Kiên bị bắt sống. Đô đốc Lộc được giao trấn thủ thành Bình Phú Yên.

Năm 1786, ông được phong chức Thủy sư Đô đốc theo Nguyễn Huệ tiến đánh thành Tuận Hóa của chúa Trịnh do Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể trấn giữ. Hoàng Đình Thể cùng hai con chết tại trận, Phạm Ngô Cầu bị ông bắt sau đó bị giết chết. Cuối cùng, ông cùng nhà Tây Sơn giành lấy xong đất Thuận Hóa.

Năm 1789, ông tham gia thảo phạt quân Thanh, được giao nhiệm vụ chặn đánh đường rút lui của địch qua ải Nam Quan tại Lạng Sơn, Phượng Nhãn. Tôn Sĩ Nghị bị đánh cho hồn xiêu phách lạc, phải thất kinh bỏ cả ấn tín chạy về nước.

Sau khi Hoàng đế Quang Trung mất năm 1792, Nguyễn Văn Lộc cùng các tướng Tây Sơn cố gắng đánh lui các cuộc tiến quân của Gia Long. Ông nhiều lần chạm trán cùng các đại tướng trong "Ngũ hổ tướng Gia Định" như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành trong các trận tại thành Quy Nhơn, thành Quảng Nam.

Khi vua Cảnh Thịnh bị bắt, triều Tây Sơn đến điểm cuối của chuỗi sụp đổ hoàn toàn, ông giải toán đạo quân của mình rồi lên núi Dương An trú ẩn. Nhiều lần ông cùng cựu tướng Tây Sơn là Nguyễn Quang Huy gặp nhau, ông tỏ chí muốn khôi phục nhà Tây Sơn, ông Huy nói:

- Khi Tây Sơn dựng cờ đào, tôi thần nhà Tây Sơn không ai là không tận sức. Nhưng Hoàng đế mất, nghiệp Tây Sơn đã dứt, thì nay ta còn tận trung với ai? Tôi thần của Lê Chiêu Thống ngoài Bắc hà chiêu tập binh mã dấy loạn mấy năm nay gọi là khôi phục nghiệp nhà Lê, nhưng làm cho nhân dân trăm họ lầm than, đau khổ, loạn ly... Nếu vì một cái trung với một nhà mà làm cho nhân dân phải khổ thì cái trung ấy không nên nghĩ đến.

Lời của Nguyễn Quang Huy như lời kết thúc cho thời đại vỏn vẹn 25 năm của triều Tây Sơn oai hùng. Dù cái bóng anh hùng của Hoàng đế Quang Trung có thật sự rộng lớn như chúng ta đã biết, thì cũng không thể nào chối cãi được sự thống nhất đất nước sau hơn 200 năm chia cắt của Hoàng đế Gia Long Nguyễn Thế tổ. Vậy nên đất nước cần đến ngày hòa bình, thôi nạn binh đao để trâu ra đồng, người ra chợ mà vực dậy nền kinh tế tiêu điều của quốc gia...

Lời kết: Một vị đại tướng trong Thất hổ Tây Sơn đều mang trong mình một bản trường ca hùng tráng, nhưng bản hùng ca đó đã gắn chặt với huyền thoại Quang Trung bất tử. Các vị đã mang tài năng của mình ra giúp đời trong cảnh loạn lạc, nuôi chí lớn thống nhất giang sơn để thỏa mộng dựng xây nước non. Nhưng như sự so sánh giữa Quang Trung và Gia Long, số phận đã chọn Gia Long Nguyễn Ánh cùng bầy hổ tướng của ông thống nhất giang sơn này sau hơn 200 năm lấy sông Gianh làm giới tuyến chia cắt dân tộc.

Ngẫm lại cũng thấy công bằng. Từ ngày Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mở cõi, dòng họ Nguyễn - Nguyễn Phúc đã đóng góp cho dân tộc một dải non sông gấm vóc tươi đẹp như thế này. Thì nay số phận lựa chọn người con cháu của Ngài thống nhất giang sơn thì cũng là điều công bằng với ngài.

Lịch sử không thể có chữ "nếu" và huyện thoại về "Tây Sơn thất hổ tướng" đã kết thúc trên chiến trường một cách bi ai và hào hùng nhất trong thời vận của từng vị chiến tướng ấy. Họ không có gì để tiếc nuối cho công nghiệp mà mình đã cống hiến cho dân tộc, cho Tổ quốc.

Phần chúng ta, là con cháu của những bậc anh hùng thì phải luôn biết noi gương tiền nhân, sống vì lý tưởng quốc gia dân tộc, quyết tâm trong khả năng của mình mà giữ lấy đất nước, giữ lấy mảnh đất cha ông đã dùng máu xương để mở cõi. Ai làm mất đi dù chỉ một tấc đất, một thước sông của tiền nhân thì kẻ đó đáng phải chết ngàn lần và tên họ phải khắc rõ hai từ bán nước để mang nhục ngàn năm cho con cháu của họ.

Nguồn : yêu sử Việt.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top