Chapter 4: Mắt xích bất ngờ

Thấm thoát cũng đã hai tuần trôi qua kể từ ngày chúng tôi về quê ngoại, có lẽ ngoài ăn và chơi ra thì chúng tôi chẳng thể giúp ích gì nhiều. Nhà ngoại tôi nằm trên con đường số 9, ở vùng rìa khu thị trấn Vĩnh Bình nằm nép góc Gò Công Tây. Cuộc sống hằng ngày của ông bà cũng khá thư thả. Hai người không sống cùng với bất kì người con nào, hoàn toàn tự túc và chẳng bao giờ để căn  nhà  rơi  vào  buồn  tẻ. Chúng tôi được ông bà sắp xếp vào một căn phòng nhỏ, vô cùng tiện nghi và chả bao giờ có thể cất lời phàn nàn được.

Chị tôi vẫn hay thường theo bà ra chợ. Có lẽ chị ấy muốn phụ giúp gì đó cho bà đỡ công việc hơn, chẳng hạn mấy việc lặt vặt như nấu nướng hay giặt giũ. Bình thường ở nhà hai chị em tôi toàn nạnh  nhau, chia công việc hàng tuần ấy thôi nhưng đến hè thì chị tôi sẽ bắt đầu năng nổ hẳn. Mà, chắc đó cũng là chuyện thường tình. Bản thân tôi thì vẫn ngồi đây ăn hại, hoặc đó chỉ là điều làm tôi bứt rứt khi không phụ giúp gì được nhiều. Tôi thường dành thời gian rảnh của mình ngồi chơi cờ tướng với ông ngoại. Ông tôi chơi siêu lắm, phải gọi là cao thủ, và ông thì chả bao giờ chịu nhường bước chỉ vì trình độ chơi cờ của tôi kém xa ông. Mỗi ván cờ là một trận chiến, ông luôn biết cách gây áp lực cho tôi bằng những cú chiếu tướng lựa chọn, một là mất tướng, hai là mất mã, hay đại loại như thế. Mỗi lần tôi thắng được ông một ván thực sự là kì tích! Nhưng sau đó, tôi sẽ bị mất chiêu đó ngay trận kế vì bị bị ông nhìn thấu và chặn lại. Một chiêu thức không thể áp dụng hai lần là đây.

Tháng bảy nối tiếp kì nghỉ hè, vào thời điểm này hằng năm gần khu nhà ngoại tôi sẽ tổ chức một buổi hội chợ đêm kéo dài 3 ngày, và năm nay cũng không phải là năm ngoại lệ. Tôi, chị Hạnh và anh Chiến đã đến hội chợ. Rồi, sau khi cảm nhận được túi tiền đã cạn gần đến đáy, chúng tôi mới chịu ra về cùng hai món đồ chơi được bày bán trong khu. Chiến là anh họ của chúng tôi, con của cậu Hai. Gọi là anh thế nhưng thật chất nó nhỏ hơn tôi tận 5 tuổi, năm nay chỉ mới học hết lớp 3. Chiến mua một chiếc đèn hụ và một chiếc còi. Phải, nó một nâng trò cảnh sát bắt cướp lên một đẳng cấp mới chân thật hơn. Tôi dám chắc thế nào cậu Hai cũng sẽ la um lên mỗi lần Chiến bật chiếc đèn hú hay thổi chiếc còi khi chơi cùng lũ bạn. Cơ mà đó là chuyện của sau này, còn nếu chúng tôi không mua cho nó thì thế nào nó cũng làm mặt giận mặt hờn với hai chị em tôi. Chị tôi chỉ biết cười mỗi lần có ai hỏi đến vì sao Chiến là không chơi với mình.

Chúng tôi rẽ vào một con hẻm nhỏ, được tạo bởi những căn nhà ngoảnh mặt chừa lối. Con đường rộng chưa đầy 3 mét, tối om, phía xa xa lập lòe được chút ánh sáng hắt ra từ ô cửa sổ. Chúng tôi thường băng qua đây, nó là một lối tắt, kéo dài từ trung tâm thị trấn đến một khu phố gần nhà ngoại. Băng qua lối này thì chúng tôi không cần phải ra đường lớn, đánh một vòng thật xa để rồi băng qua 2 đoạn đường luôn đông đúc xe cộ. Tôi và chị vẫn thường hay đi lối này để tránh mất thời gian, và lần này cũng vậy.

Anh Chiến lấy từ trong túi ra một chiếc 1280, hay còn được biết đến là điện thoại Nokia đời cũ của cậu Hai. Chiến lọ mọ trong ánh sáng màn hình, tay bấm bàn phím một cách rành rạo. Rồi, chẳng mấy chốc, chiếc điện thoại đập đá bỗng trở thành một chiếc đèn pin dẫn đường. Chúng tôi theo ánh sáng, bắt đầu tiến vào bên trong.

Ba người bọn tôi vừa đi vừa trò chuyện rôm rả, chủ đề chắc có lẽ tập trung chủ yếu về hội chợ vừa rồi. Tôi không sợ bóng tối, nhưng đi trong màn đêm đặc quánh thì có lẽ có tiếng người trò chuyện sôi nổi sẽ giúp người ra đỡ nghĩ về những điều không hay. Tôi cũng vậy.

Ánh sáng đèn pin dừng lại ở bức tường nhà ở đoạn khúc cua hình chữ Z. Tôi chợt nghe thấy tiếng gì đó, cả ba cùng im lặng.

"Em không có giỡn với mấy anh đâu!!"

Tôi tò mò tiến về phía trước nghe ngóng tình hình. Đó là một cô gái, trẻ tuổi, vóc người thấp thấp. Cô ta xõa tóc và đeo trên lưng một chiếc balo, nhưng vì trời tối nên tôi cũng không thể nhìn rõ mặt mũi cô ấy trông như thế nào. Đối diện với cô ấy là ba, bốn người đàn ông khác, vóc dáng khá cao, đứng tản ra, bao vây lấy cô gái. Họ vừa nhìn cô vừa cười đùa cỡn cợt.

"Giờ mấy anh có chịu để tui đi không? Có người tới là coi như các anh giắt giò lên cổ chạy cũng không kịp đâu!" Cô gái trẻ đáp lại với giọng cứng cỏi, không hề có sự sợ sệt.

Chúng tôi đứng yên, im thin thít, không cất lời nào. Tại sao chúng tôi cứ phải gặp mấy cảnh đòi hỏi thách thức tính nhân văn thế nhỉ?! Nếu bây giờ cả ba chúng tôi quay người lại, dậm ba bước bỏ đi thế là xong việc, không cần quan tâm gì nhiều. Nhưng, như thế thì tôi và chị cũng đang dạy cho một thằng nhóc lớp Ba thế này là cách nó đối xử với người khác khi gặp khó khăn. Dày vò và khó chịu, tôi bất ngờ giật lấy chiếc còi hụ từ tay Chiến. Bật công tắc lên, một âm thanh nhức óc phát ra đánh động sự chú ý của đám người phía trước. Rồi, bằng một cách dứt khoát, tôi chộp lấy chiếc còi mà Chiếc đang đeo trên cổ, cởi nó ra, thổi một hơi thật dứt khoát, hét to:

"Ê! ĐANG LÀM GÌ ĐẤY!?"

Những người bao vây cô gái giật hết cả mình, ánh mắt hướng về phía âm thanh phát ra. Nhưng, chưa đợi bọn chúng suy nghĩ nhiều, chị tôi bất ngờ cướp lấy chiếc điện thoại trên tay Chiến. Cứ như thế, chị tiện tay ném thẳng nó về phía trước. Chiếc 1280 đang bật đèn quay mòng mòng trên không trung, bay thẳng về phía đối phương. Ánh sáng của nó lập lòe mà bay với tốc độ đáng sợ. Cô gái cúi rạp cả người xuống, còn bọn người kia thì hoảng loạn giục nhau đi. Con hẻm lại trở về với sự im lặng. Chiếc điện thoại đáp vào tường, ánh sáng tắt ngấm.

Chị tôi nhanh chóng chạy về phía trước, để lại tôi và anh Chiến vẫn đứng người người tại chỗ, nhất là Chiến, nó đứng luôn cả hình.

"Em gì đó ơi, em không sao chứ?"

Chị tôi tiến đến nâng cô gái kia lên. Ánh đèn từ khung cửa sổ của một ngôi nhà gần đó bất ngờ bật lên, chiếu sáng đoạn đường tăm tối. Đến bây giờ tôi mới có cơ hội nhìn rõ mặt của cô gái kia, hóa ra cô ấy trông khá trẻ, nhìn như học sinh trung học cơ sở vậy. Cô ấy mặc một chiếc áo sơ mi sọc hồng và quần tây đen, tóc xõa ngang vai và trông khá xinh xắn. Tôi và Chiến tiến đến chỗ hai người.

"Em cám ơn anh chị nhiều nha! Tự dưng đám người kia ở đâu ra chặn đường em, cũng hên là có anh chị tới!" Em gái vừa nói vừa cười, thở phào nhẹ nhõm.

"Nhà em ở gần đây chứ? Lần sau đừng có đi vào đường tối một mình nghe!"

"Nhà em là quán cà phê ở đằng kia, đi thêm chút xíu nữa là tới rồi." Ngưng một chút, cô lại nói tiếp. "Đám người kia chắc chắn không phải là người ở khu này rồi, em đi đoạn đường này quài mà có bao giờ gặp bọn họ đâu!"

Chà...nhà là quán cà phê à? Thảo nào cách giao tiếp tự tin thế!

Đẩy trách nhiệm giao tiếp cho chị, tôi âm thầm tiến đến gần bước tường, cúi xuống nhặt chiếc điện thoại lên. Nó đã bị rớt nắp, pin văng đi đâu vẫn chưa rõ tung tích. Tôi cúi rạp người xuống đất, bắt đầu mò mẫm trong bóng tối tìm viên pin.

"Em cần tụi chị đưa về nhà giùm không?" Chị tôi hỏi với giọng ân cần, nhẹ nhàng đến bất ngờ. Tôi chưa từng thấy chị quan tâm đến người lạ nhiều đến vậy.

Tôi vừa mò được viên pin.

"Thôi được rồi chị! Nhà em cũng ở sát đây thôi!" Rồi, em ấy nhìn bao quát cả ba chúng tôi, cười hớn hở. "Mà nếu được thì có ba người theo cũng được, làm em đỡ sợ hơn!"

Hai câu trước, câu sau mâu thuẫn thật...

Chị tôi mỉm cười, gật đầu đồng ý.

Cả bốn người chúng tôi cùng nhau tiến ra khỏi con hẻm. Ánh đèn đường sáng rực chiếm trọn lấy tầm nhìn, tôi có cảm giác như mình vừa trong một thế giới khác bước ra vậy. Mân mê những mảnh điện thoại trong tay, tôi vừa đi vừa cố gắng ráp chúng lại. Dẫn đầu bốn người chúng tôi là em gái trung học cơ sở, em ấy vừa đi vừa trò chuyện ríu rít. Chị tôi cũng tươi cười bắt chuyện lại, và cả anh Chiến cũng góp phần làm câu chuyện sôi nổi hơn. Tôi vẫn chăm chú ráp điện thoại, bấm nút mở nguồn lên. 

Tôi vừa vấp phải cục đá, cắm mặt, nhưng điện thoại lên lại rồi. 

Tôi đưa chiếc điện thoại đã hoạt động được trở lại cho Chiến, nó nhảy cẩn cả lên, cười hớn hở cất lời cám ơn liên tục. Chúng tôi dừng lại ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Cánh tay của em gái bất ngờ hướng về phía trước, cười vui vẻ tự tin giới thiệu nhà của mình. Tôi và chị nhìn theo, bất ngờ nhìn nhau, không nói gì mà bỗng dưng bật cười thành tiếng. 

***

Kể từ ngày chúng tôi giúp đỡ em Vân, đưa em ấy về nhà, tôi và chị cũng thường xuyên ghé vào quán cà phê Ngọc Vân chơi hơn. Chị Ngọc cũng khá bất ngờ khi nghe câu chuyện của chúng tôi, nhưng điều đầu tiên hai chị em chị ấy phải ứng là cười một trận cho ra trò vì sự trùng hợp. Phải, cả bốn chúng tôi đều cảm thấy thích thú và kì lạ về nó. 

"Mà, chị cũng không mấy bất ngờ khi hai đứa quyết định giúp em chị đâu. Bản tính người tốt mà nhở?" Chị người vừa cười vừa nói, mang ra cho cả bốn người chúng tôi mỗi người một ly nước cam ép. "Uống đi! Cứ coi như chị vừa quỵt xong tiền đi xe ké và công mấy đứa giúp đỡ em chị cũng được!" 

Câu nói của chị ấy mém làm tôi sặc nước bọt. 

"Vậy là hai đứa nhà cũng gần đây đúng không? Khu hội chợ cũng kế bên đây mà." 

"Nhà ngoại tụi em ở đường số 9." Chị tôi đáp lại. "Đi bộ 15 phút là tới nơi mà!"

Bất chợt, tôi cảm thấy có vài sự chú ý hướng về mình, Vân bất ngờ mở lời.

"Em thấy anh Duy có vẻ ít nói nhỉ? Lần trước cũng vậy, toàn để chị Hạnh nói thôi."

"Ừ. Chị cũng thấy vậy." Chị Ngọc đáp lại lời em mình.

Tôi đoán họ cũng nói đúng thật, tôi có vẻ là một người ít nói. Đôi lúc tôi im lặng chỉ đơn giản là vì tôi không biết mình nên nói gì với người khác, nếu nói nhiều nhưng trật thì sẽ đâm ra là nói nhảm, còn tôi thì khá ngượng về vấn đề đó. 

Cố gắng nở một nụ cười gượng gạo, tôi mở lời. 

"Hình như là vậy...." 

"À mà anh này, nhìn anh lúc nghe nhạc cứ như đang phê ma túy hay cần sa gì ấy. Anh có thấy thế không?" 

Tôi vội vàng gỡ tai nghe ra, nhét vào túi áo. 

"Không.... Bộ nhìn bất thường lắm à?" 

"Phải." 

"..."

Chị tôi, chị Ngọc và em Vân lại tiếp tục nói chuyện rôm rả, tôi thì lâu lâu cũng chen vào một hai câu như có tham gia chuyện trò. Sự tập trung bắt đầu dần lơ đãng, tôi hướng ánh mắt của mình ra khắp xung quanh căn phòng. 

Quán cà phê Ngọc Vân nằm ngay mặt tiền ở ngã tư đường chính. Về phần diện tích, quán có lẽ rộng không quá 40 mét vuông. Xung quanh phòng là những chậu cây kiểng, mấy dây đèn neon được mắc xung quanh tường nhà. Bộ bàn ghế được làm bằng nan tre, trên mặt bàn lót thêm mặt kính lúc nào cũng sạch bóng. Quầy pha chế nằm sát góc phòng, đặt trên ấy là những vỉ cà phê được chuẩn bị sẵn. Có một người phụ nữ trung niên đang đứng ở đấy. Tóc bà ấy búi cao, trang phục cũng khá giản dị. Chợt nhận ra ánh mắt của bà ấy đang hướng về chúng tôi, tôi nhẹ gật đầu chào bà ấy. 

"À, đó là thím của em." Vân bất ngờ mở lời. "Thím ấy là chủ của quán cà phê này đấy." 

"Ủa? Đó không phải là mẹ của hai người à?" Chị tôi ngạc nhiên. 

"Không. Mẹ tụi chị đang ở trên Sài Gòn cơ. Ba tụi chị ở đây, giờ này ba đi làm rồi." Chị Ngọc mỉm cười đáp lại. Vân cũng gật đầu theo lời nói của chị. 

"Chà. Vậy mà trước đây em cứ tưởng...." Chị tôi cười gượng, bưng ly nước ép lên uống một ngụm. 

"Ha ha. Ba mẹ tụi chị ly hôn. Trước kia thì cả nhà chị đều sống trên thành phố cả. Nhưng, sau trận xung đột ấy, ba chị bỏ về quê, mẹ chị cũng chuyển nhà. Vân thì theo ba, còn chị thì theo mẹ, cuộc sống như thế cũng được 3 năm rồi." 

Chị Ngọc kể với giọng nhẹ nhàng, trầm trầm, đều đặn nhưng gương mặt chị ấy thì không có gì là buồn cả. Tôi và chị đều im lặng lắng nghe, đồng thời cũng có thứ cảm giác gì đó gọi là cảm thông dâng trào trong tâm trí. Phải chăng đôi lúc người nghe còn cảm thấy buồn hơn người trong cuộc? Tôi không thể khẳng định được... 

"Trời, hoàn cảnh của hai người nó..." Chị tôi nói với giọng đầy cảm thông. 

"Không sao đâu!" Vân đáp lại. "Người ngoài thấy vậy chứ người trong cuộc đây có buồn quài được đâu! Tụi em quen rồi!" 

Giọng em ấy hồn nhiên đến lạ....

"À mà còn hai người? Ba mẹ hai người làm gì, giờ khỏe chứ?" Chị Ngọc hỏi thăm.

Chị tôi ngập ngừng đôi lát, ánh mắt hiện rõ sự đắn đo suy nghĩ. Rồi, chị ngồi thẳng người lên, quyết định mở lời. 

"Ba mẹ tụi em ở thành phố Hồ Chí Minh, hiện tại thì gia đình tụi em đang sống ở một khu chung cư. Mẹ em mất cũng được gần hai năm rồi, còn ba em thì vẫn sống khỏe!" 

Chị tôi nở một nụ cười, còn tôi thì cũng chẳng có phản ứng gì gọi là bộc lộ cảm xúc. 

Quen rồi, chúng tôi có thể đáp lại như thế. Tuy rằng người ngoài nhìn vào thì cảm thấy cảm thông và thương xót, đánh giá rằng hẳn chúng tôi phải rất đau lòng khi nói ra điều đó và đột nhiên họ sẽ cảm thất hối hận vì đã động và chuyện không vui của người khác. Nhưng, như Vân đã nói, người trong cuộc không hề đau khổ nhiều như họ nghĩ. Đó chỉ là một khoảnh khắc nhỏ, một khoảnh khắc có thể để lại một cú sốc lớn cho người ở lại và một cảm giác day dứt sau này. Nhưng, thời gian vẫn cứ trôi, nó không hề chờ đợi ai ngồi thu mình vào một chỗ. Vết thương rồi cũng sẽ lành lại, những cảm xúc đau đớn buồn rầu rồi cũng sẽ vơi đi ít nhiều, nhường tâm trí lại cho những điều mới mẻ hơn. Tuy rằng gợi lại kí ức sẽ gợi lại cảm giác gì đó nhưng cũng không thể đau khổ mãi được, đó chính là điều kì diệu của tâm lí con người. 

Và rõ ràng, chúng tôi không hề đơn độc ở đây.

"Mà, ba mẹ của hai người làm nghề gì thế?" 

Chị tôi bất ngờ mở lời, phá vỡ không gian yên lặng. 

" À! Ba tụi em làm kĩ sư, giờ thì chuyển qua sửa chữa các đồ dùng gia dụng với động cơ máy. Còn mẹ tụi em là nhân viên ở một tiệm bánh ABC trên thành phố, bà ấy cứ mang bánh về cho tụi em suốt thôi." Vân vừa nói vừa cười, vẻ mặt tươi tắn. " Còn hai người?" 

"Ba chị là thợ điện. Còn mẹ chị trước kia là giáo viên ở một trường tiểu học." Chị tôi đáp.

"Chà, giáo viên tiểu học à?" Chị Ngọc bất ngờ. 

"Phải. Bà ấy là hiệu trưởng luôn đấy!" Chị tôi nở một nụ cười thật tươi. "Là trường tiểu học Phương Định ở quận 3." 

Trong một khoảnh khắc lướt qua, tôi chợt nhận ra mặt của Vân đột nhiên tái lại, nụ cười tươi tắn trên môi đột nhiên bị vụt tắt và thay vào đó là ánh mắt ngạc nhiên đến tột độ. Và rõ ràng, nó không phải là ngạc nhiên không. 

"Ấy! Hình như đó là trường cũ của Vân kìa!" Chị Ngọc reo lên, quay sang Vân kiểm chứng. "Phải không Vân?" 

Vân ậm ừ, hàng lông mày của em cau lại, ánh mắt hiện rõ những suy nghĩ lo âu. Chị Ngọc gọi lại, Vân đột nhiên giật bắn cả mình, thoát khỏi dòng suy nghĩ của mình trong sự ép buộc. Vân cười gượng, lảng tránh câu hỏi của chị. Em nói rằng mình có việc bận cần làm ngay lập tức rồi chào tạm biệt chúng tôi, bỏ đi trong sự ngỡ ngàng của mọi người. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top