Sự thất bại của kẻ đến sau (phần 3)
Mưa phùn. Dạo này Hà Nội hay mưa quá, chắc sắp thành Huế thứ hai rồi. Ngồi trong quán café nhỏ, nhâm nhi tách café đen đặc, lặng nghe một khúc nhạc Trịnh xưa, cảm nhận nỗi cô đơn thấm dần vào cơ thể, không hiểu sao tôi thấy lòng khoan khoái lạ thường. Phải, sự ăn mòn cơ thể kiểu này, quả thực rất khoan khoái.
Mưa phùn giăng mắc trắng trời, gợi tôi nhớ đến chị, nhớ lần cuối tôi gặp chị trên cầu Long Biên. Không biết giờ chị và anh sống thế nào? Thật sự, đến giờ mỗi lần nghĩ về chị, tôi vẫn cảm thấy có chút nuối tiếc nhưng mà tôi không hối hận, không hối hận.
- Chào cô, cô đợi tôi lâu chưa? Xin lỗi, đường tắc quá.
Nhìn người đàn ông hơn ba mươi tuổi sơmi comple cavat chỉnh tề tự tin kéo ghế ngồi xuống trước mặt mình, tôi thầm nghĩ: "Có vẻ khá hơn những đối tượng xem mặt trước đây". Hai mươi bảy tuổi rồi, cũng đến lúc tôi nên tìm một bến đỗ cho bản thân thôi.
...
- Để tôi đưa cô về.
- Cám ơn anh nhưng tôi có xe, tôi tự về được
- Được, vậy cô về cẩn thận.
Bóng người đàn ông vội vã khuất dần sau màn mưa, tôi cười khẩy. Lại thế nữa! Hễ nghe đến phần nghề nghiệp của tôi là y như rằng người đàn ông nào cũng e dè, thận trọng như tôi có thể ngay lập tức phanh phui hết chuyện xấu của họ lên mặt báo và làm họ phá sản vậy. Hài hước thật! Tôi lắc đầu, không lẽ hai tiếng gia đình nó vô duyên với tôi vậy sao?
Bước về bãi đỗ xe, lúc lui cui cúi người mở cốp xe lấy mũ bảo hiểm, tôi như thấy có gì đó là lạ trên nền đất cách đó không xa. Tính hiếu kì nổi lên, tôi lại gần và phát hiện một người phụ nữ nằm gục dưới đất. Trên mái tóc đen dài xổ tung vương đầy những hạt mưa nhỏ li ti.
- Chị, chị gì ơi! – Tôi khẽ lay.
"Không ổn rồi!"
Rút điện thoại ra gọi 115, trong khi chờ xe cấp cứu đến, tôi cũng chỉ biết đứng đó trông chừng người phụ nữ, không dám động chạm hay xê dịch chị ta, chỉ sợ va chạm làm ảnh hưởng đến não bộ hay động mạch gì đó. Khi xe cấp cứu đến và đưa người phụ nữ ấy đi, tôi nhận ra gương mặt người phụ nữ có gì thân thuộc. Đó chẳng phải là người cũ của anh sao? Hà Nội, thế mà cũng thật nhỏ bé.
...
Rét. Gió mùa đông bắc tràn về chấm dứt chuỗi ngày mưa dầm rả rích cả tuần qua. Ngồi trong quán café quen thuộc, hít hà cốc cacao nóng trong tay, mặc gió rét ngoài kia cuộn xoáy từng cơn, tôi thấy lòng bình yên lạ. Nhìn khói tỏa lên từ cốc cacao, tôi chợt thấy đời người, tuổi trẻ chỉ như làn khói, chẳng mấy mà tan biến vào hư vô; lại nhìn ra ngoài đường, dường như cuối tuần giá rét, nhịp sống ở Hà Nội cũng trùng xuống và chậm đi thì phải.
- Tôi có thể ngồi đây được không?
Không nhìn người vừa đến, tôi cầm balo định đi về. Hôm nay ngồi thế cũng đủ rồi.
- Chờ chút đã!
Người phụ nữ từ phía sau giữ vai tôi lại, tiến đến ngồi xuống đối diện với tôi:
- Tôi biết, Hà Nội này rất nhỏ bé mà. Cô cũng đừng nhìn tôi bằng ánh mắt soi mói lẫn thù hận ấy. Tôi – chị ta khẽ mỉm cười, nụ cười mang vài phần cay đắng, chua chát – cũng đâu còn thù địch gì với cô nữa.
Dẫu biết chị ta nói đúng nhưng không hiểu sao, tôi vẫn không có thiện cảm với chị ta được.
- Nói đi, chị định bảo gì tôi?
Bất ngờ, chị ta vươn người về phía trước, giơ ngón tay lên xoa vào giữa hai hàng lông mày của tôi:
- Cô có cặp lông mày rất đẹp, đừng nhíu chặt như thế, sau sẽ hằn thành nếp nhăn, rất xấu.
- Chị bị điên à? – Hất tay chị ta ra, tôi vội đứng dậy. "Con mẹ này thần kinh không bình thường. Chị ta nghĩ chị ta là ai?"
- Cám ơn cô về chuyện hôm nọ - Tôi khoác balo lên vai, quay người.
- Thật ra tôi vốn là khách quen ở quán này. Suốt thời gian qua, tôi luôn ngồi ở một góc quán nhìn cô, nhìn cô cô đơn, lặng lẽ.
Tôi đứng sững người lại.
- Muốn nói chuyện với cô nhưng không biết phải nói gì, cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Dù sao, tôi cũng là kẻ đã khiến cô và anh ấy chia tay.
Khẽ thở dài, tôi đặt lại balo xuống ghế, ngồi vào vị trí cũ:
- Tôi đã từng ghét chị, rất ghét chị, cả con người kia nữa. Những kẻ đã biến tôi trở thành một kẻ đến sau trong vở hài kịch mà mấy người đặt ra. Nhưng giờ, tôi chẳng còn ghét ai nữa.
Phải, ghét để mà làm gì? Trái tim tôi đã đóng vảy, thành sẹo từ lâu rồi. Vả lại chị ta có lẽ còn đáng thương hơn tôi.
Chúng tôi cứ lặng yên ngồi như vậy, bốn mắt nhìn nhau cho đến lúc cốc cacao tôi uống dở đã trở nên lạnh ngắt.
Trưa hôm đó, tôi theo chân chị ta về phòng.
Cảm xúc đầu tiên khi vào phòng chị ta, tôi nhận ra dường như đây không phải là nơi tôi nên đến.
- Cô ngồi đi, có muốn uống gì không?
- Không cần đâu, tôi về đây. Nơi này, không phải nơi tôi nên đến.
- Tại sao? – Chị ta nhìn tôi đầy nghi hoặc lẫn tò mò.
- Quá ngăn nắp, quá sạch sẽ, tôi thấy mình không có chỗ đứng ở đây – Tôi thật thà trả lời.
- Ha ha - chị ta phá lên cười – Cô hay thật. Người ta thì nói bừa bộn không có chỗ đặt chân, cô thì ngăn nắp quá lại không có chỗ đứng. Tôi ngày trước cũng chẳng gọn gàng gì. Chỉ là... giờ tôi đâu còn gì ngoài quãng thời gian còn lại, cũng chẳng còn nhiều nhặn gì đâu.
Câu cuối chị ta nói ra, nghe sao mà buồn.
Tôi quyết định thôi, không về nữa. Ngồi xuống giường, tôi cởi bỏ áo khoác ngoài (phòng chị ta khá ấm) và ngạc nhiên ngỡ ngàng nhìn chị ta tự nhiên thay đồ ngay trước mắt tôi. Phải nói chị ta có thân hình đẹp, mảnh khảnh nhưng không quá gầy, đủ để dấy lên trong lòng người cảm giác muốn che chở, bảo vệ hay ôm chị ta vào lòng, vuốt ve cặp xương bả vai hơi nhô ra hay phần xương chậu dưới hông.
- Đừng nhìn tôi bằng ánh mắt ấy, cơ thể bệnh tật của tôi... có gì đáng nhìn đâu.
- Không, chị đẹp lắm – Tôi đáp thật lòng.
- Vô sinh, đau tim, ung thư máu, cô nghĩ tôi cần đẹp mà làm gì?
Nghe chị ta hỏi vặn lại, tôi nín lặng.
- Á đau... - Tôi đang trầm tư với suy nghĩ thương cho chị ta thì bất ngờ hai má tôi bị véo đau điếng.
- Cô nhóc này, bản mặt đó là đang thương hại tôi đấy hả?
Nhìn ánh mắt chị ta như soi thấu cõi lòng tôi, tôi chợt nghĩ, chị ta... thật ra cũng dễ thương mà.
...
Tiếp xúc với chị ta nhiều, tôi được biết chị là một nhà báo tự do. Chị gửi bài cho mấy mục tâm sự, chuyện gia đình, chuyện phụ nữ... trên các trang báo mạng bây giờ. Trong nghề, tôi thừa hiểu chuyện này cũng không có gì mới mẻ. Tôi còn biết ở nhiều tờ báo có hẳn một đội ngũ tư biên tự diễn thêu dệt lên những chuyện nghe mùi mẫn đầy hư cấu đấy để câu người xem nữa. Và khốn thay, những mục này thường câu view và share nhất.
Tôi dần thành vị khách thường trú tại phòng chị, lấy cớ vì lo cho bệnh tình chị nhỡ chẳng may chuyển biến xấu:
"- Không phải lúc nào tôi cũng vô tình bắt gặp chị ở một bãi đỗ xe nào đó đâu. Mà sao chị không chạy chữa bệnh tình của chị đi.
- Chữa bệnh để mà cho ai mới được? Người thân tôi chẳng còn, vả lại tôi cũng không có nhiều tiền đến thế. Thế nên tôi muốn sống vui vẻ trọn vẹn những ngày này, vậy là đủ".
Vui vẻ của chị nằm trong việc nấu ăn và viết lách. Những ngày rỗi việc, ăn dầm nằm dề tại phòng chị, tôi được chị vỗ béo tăng thêm gần 2kg. Còn những hôm tôi có quá nhiều việc, cảm thấy sức lực sắp cạn kiệt mà deadline mỗi lúc một sát, chị lại bắt tôi đi nghỉ ngơi và giúp tôi viết dựa trên những gì tôi thu thập được.
"- Tôi có cảm giác như tôi đang lợi dụng chị vậy.
- Vì việc cô lợi dụng làm tôi vui nên cô cứ tiếp tục lợi dụng đi".
Tính ra, đối với chị tôi cũng chỉ là kẻ đến sau, một kẻ đến sau đã mang quá nhiều thất bại, đau thương. Và phải chăng, chúng tôi đã quá hiểu nhau rồi nên suốt thời gian tôi quen chị, chúng tôi không hề nhắc lại chuyện cũ. Chuyện cũ nhắc lại mà làm gì, sẽ ảnh hưởng đến mong muốn vui sống trong những ngày cuối cùng của chị.
...
Chị đẹp. Dường như những nỗi đau chị từng trải qua càng làm tăng thêm vẻ đẹp mặn mà nơi chị. Mà ngần ấy thời gian qua đi, tôi nhớ gần như chưa lần nào chị than thở bệnh tình. Nhưng tôi biết, bản thân chị luôn âm thầm đấu tranh với nó để có thể mỉm cười mỗi ngày. Mỗi lần thấy chị chải đầu, thu vào trong tay một nắm tóc rụng, tôi cũng chỉ biết thương chị trong lòng, chẳng biết làm gì hơn.
"Khi cô chịu đủ đau thương rồi, cô có thể mỉm cười trong mọi hoàn cảnh".
Nghe chị nói mà càng thêm xót. Nụ cười của chị, giờ tôi không biết nó mang ý nghĩa gì nữa. Có lẽ, đó chỉ là thói quen... cười trong mọi hoàn cảnh mà thôi.
Trở về từ một chuyến đi xa, tôi vội chạy đến phòng chị. Dù vẫn luôn liên lạc với chị nhưng không hiểu sao, tôi vẫn rất lo lắng, lòng như có lửa đốt. Bước vào căn phòng không khóa, một mùi máu tanh xộc lên cánh mũi, tôi hiểu, sự lo lắng của tôi đã thành hiện thực. Giờ... chị chẳng thể mỉm cười nữa rồi.
...
Đám tang của chị diễn ra trong thầm lặng, chẳng có mấy ai đến thăm viếng, chia buồn. Tôi như càng thêm thấm thía nỗi cô đơn mà chị đã trải qua. Tôi chợt nghĩ, liệu sau này tôi có như thế không? Rồi suy nghĩ của tôi lại vô thức nhớ về thứ gọi là "bức thư tuyệt mệnh" trên màn hình máy tính bật sáng hôm đấy; chỉ vỏn vẹn bốn chữ: "Cám ơn, vĩnh biệt". Chị... chị cũng tàn nhẫn lắm.
Nắng lên sau những ngày mưa tầm tã. Trước ngôi mộ mới đắp còn nguyên mùi đất ẩm, tội cúi người đặt xuống mộ một đóa bách hợp trắng. Có ích kỉ quá không khi bản thảo những câu chuyện, tản văn chị viết, tôi quyết định giữ chúng cho riêng mình? Lặng đứng trước di ảnh của chị, tôi không chú ý đến một cặp đôi một nam một nữ đang tiến gần về đây, trên tay họ, cũng là một đóa bách hợp trắng.
dE4'
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top