Sự phú tàng, che dấu (Maya)http://phattriencanhan.org

Sự phú tàng, che dấu (Maya)

28. Nov, 2011 0 Comments

Trong một vài trường hợp, sự phối hợp giữa hai tâm sở tham lam và ái dục (tanha lobha) được gọi là Maya, được tạm dịch là Phú tàng, tức là sự che dấu. Sự phú tàng cũng tựa như một tên phù thủy, một nhà ảo thuật trỏ vào viênđá mà khiến cho cử toạ tưởng đó là một khối vàng. Phú tàng che dấu các lỗi lầm, ác tâm của con người; kẻ bị tâm sở phú tàng ám ảnh luôn luôn muốn người khác tưởng rằng mình chẳng hề lầm lỗi, một bực toàn thiện, trong khi sự thật lại khác hẳn.

042.- Sự che dấu của một người đàn bà.

Một thời kia, có vị sư phụ và một người đệ tử. Vợ người đệ tử thường hay ngoại tình với một người đàn ông khác. Ngày nào mụ làm quấy, mụ lại tỏ ra chiều chuộng chồng hết mực. Nhưng đến những hôm mụ chẳng làm chuyện xấu hổ đó thì lại coi chồng như một tên nô lệ. Người đệ tử chẳng thể hiểu được thái độ khác thường của vợ, thắc mắc mà trình với sư phụ. Vị nầy liền giải thích rõ bản tính điêu ngoa của vợ y cho y nghe.

Ghi chú: Trong câu chuyện, vì muốn che dấu lỗi lầm của mình vào những ngày ngoại tình, mụ giả làm ra dáng thân yêu nồng nàn với chồng. Thái độ xảo quyệt, gian trá đó là sự phú tàng Trong vài trường hợp, thái độ lừa dối, che đậy đó được gọi là tankhanuppatti mana, sự lanh trí đúng lúc, (tankhana = vào ngay lúc ấy; uppatti mana = sự lanh trí.). Đó chẳng phải thật sự là có trí thông minh, mà chỉ là trí giả trá, sự lém lỉnh, thói láu cá mà thôi. Trí thông minh thật sự chỉ có được khi ta làm điều tốt.

043.- Một người vợ điêu ngoa.

Một người nội trợ kia thường hay thông dâm với tên đầy tớ trai. Một hôm người chồng bắt gặp vợ đang hôn hít đứa ở. Biết chồng đã thấy rõ cử chỉ bỉ ổi của mình, bà ta liền đến bên cạnh, thỏ thẻ: 'Nầy anh yêu dấu, thằng nhỏ nầy bất lương; nó đã lén ăn mất phần bánh ngọt em dành cho anh. Em tra hỏi nó, nó chối bây bẩy, em mới ngửi vào miệng nó, mùi bánh còn ràng ràng đó. Mình phải đưổi nó ra khỏi nhà mới được."

Ghi chú: Trong câu chuyện, hành động hôn hít tên đầy tớ là một sự tội lỗi nặng nề. Ý tưởng gian ngoa đột nhiên khởi lên để lừa phỉnh và che đậy việc làm bậy bạ đó nào có phải gì khác hơn là sự phú tàng Chẳng những chỉ có phụ nữ mới che đậy, đàn ông cũng thường có tâm sở đó, khi lập mưu mẹo để phỉnh phờ.

044.- Sự phú tàng của một kẻ ẩn tu.

Tại một làng nọ, có một tu sĩ ẩn cư được sự sùng bái của một thí chủ trong xóm. Ông nầy vì sợ trộm cắp nên đem một trăm đồng tiền vàng chôn dưới đất gần cái am của ẩn sĩ và nói: "Thưa Ngài, xin Ngài hãy trông chừng giùm tôi" Vị ẩn tu liền đáp: "Nầy tín chủ! Đó chẳng phải là điều mà ông nên nhờ một kẻ tu hành làm."

Một ý tưởng đen tối khởi lên trong tâm kẻ ẩn tu: "Một trăm đồng tiền vàng cũng quá đủ cho ta sống trọn đời đầy đủ tiện nghi." Liền đào lên và đem dấu đi ở chỗ khác, trên một con đường mòn kín đáo. Sáng hôm sau, ăn lót lòng xong, ẩn sĩ đến nói: 'Nầy thí chủ, tôi đã sống ở đây khá lâu, sanh lòng quá quyến luyến thí chủ, nên tôi cần phải dời đi nơi khác." Người thí chủ năn nỉ nhiều lần xin ông đừng đi, nhưng lời thỉnh cầu chẳng có hiệu quả; giờ đây, chỉ còn có cách là đi tiển nhà tu hành đến tận cổng làng.

Sau khi đi được một đỗi đường, vị ẩn tu liền quay trở lại và nói:"Nầy thí chủ hảo tâm, đây là một cọng rơm còn dính trên tóc tôi, tôi xin gởi trả lại. Một kẻ tu hành ẩn cư đâu nên cầm giữ những gì chẳng được cho mà lấy." Người thí chủ chất phác tin tưởng vào đức hạnh của ẩn sĩ, nên càng sùng kính hơn lên.

Tuy nhiên, lúc ấy, có một người khách rất thông minh đến nhà thăm, và hỏi: "Bạn có nhờ vị ẩn sĩ ấy giữ chừng một vật gì không? Nếu có, nên xem lại ngay." Khi soát lại chỗ chôn vàng thấy mất, người thí chủ cùng với người khách vội rượt theo và bắt được quả tang tên trộm.

Ghi chú: Trong câu chuyện, người ẩn tu trả lại cọng rơm, để che đậy tội trộm của mình; điều gian trá đó là sự phú tàng. Như thế, mưu mẹo gian xảo cũng được các người ẩn tu thi hành, mà ngay cả các vị sa môn (samanas, tu sĩ Phật giáo) cũng có phạm đến nữa; còn trong hàng các người chưa tập theo đạo pháp, sự lừa đảo, dối gạt ngày nay càng thấy nhan nhản. Số người đáng được tin cẩn hoàn toàn thật rất khó mà tìm thấy; nếu trong các đời trước ta có làm nhiều việc thiện lành thì trong đời nầy, ta mới mong được hợp tác với người chân thật, ngay thẳng.

045.- Các hình thức phú tàng nhiều đến vô số.

Ngoài các sự che dấu lỗi lầm của mình được kể trong các câu chuyện vừa qua, còn có rất nhiều mưu mẹo gian xảo khác nữa; chẳng hạn thình thịch giậm chơn xuống đất giả bộ bực tức, ấm ức, để chứng tỏ mình trong trắng, vô tội; hoặc dùng lời đe dọa cay đắng hay giọng tâng bốc ngọt ngào nào khác.

Những kẻ giảo quyệt thường được gặp trong các cộng đồng, các trú sở nơi mà nhiều người chung sống với nhau. Nếu có một kẻ phóng uế ban đêm tại một chỗ khuất, sáng ra làm gì mà y lại chịu nhận mình là tác giả. Nếu lỡ xì hơi thối, có kẻ lại chà mạnh lên tấm thảm để cho âm thanh của sự cọ xát phát ra lấn át được cái tiếng chẳng thơm tho gì của y. Đấy chỉ là một vài hình thức phú tàng thông thường; chẳng thể kể ra hết được, vì còn nhiều đến vô số.

Nguồn: Vi diệu pháp nhật dụng

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #wdthang