Thập nhị nhân duyên
I. NỘI DUNG
Chu Hy Viết: "Cần kiệm cốt để trị gia, học hành cốt để khởi gia, hòa thuận cốt để tề gia, làm theo công lý cốt để báo gia". Đây là phương châm làm người của nhà Nho, để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Đối với nhà Phật, sự tu hành còn nhắm đến mục đích cao siêu: Xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Đức Phật là bậc Vô Thượng Y Vương, có đến tám vạn bốn ngàn phương thuốc điều trị tâm bệnh cho chúng sanh; trong đó có những cách thức điều trị tận gốc, giúp chúng sanh khỏi được tâm bệnh phiền não và giải thoát được sinh tử luân hồi. Pháp môn quán chiếu về Thập nhị nhân duyên là một trong những phương pháp điều trị tiệt căn ấy.
Cùng với Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên là giáo lý rất quan trọng trong hệ thống kinh điển Nguyên thủy. Đây là mười hai chi phần liên hệ hỗ tương với nhau theo lý duyên sinh và nhân quả, diễn biến trong cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Chúng thường được minh họa theo sơ đồ sau đây, gọi là Tam thế lưỡng trùng nhân quả (Ba đời và hai tầng nhân quả):
1. Nhân quá khứ: gồm Vô minh và Hành, gọi là nhân khổ
VÔ MINH được hiểu theo nhiều cách, tuỳ theo gốc độ nhìn của mỗi tông phái; tựu trung có hai nghĩa chính: Thứ nhất, Vô minh là không thấy các pháp đúng như thật, không nhận chân được thực tướng của các pháp là vô thường, duyên sinh vô ngã. Thứ hai, Vô minh là nhận lầm thân tứ đại và những tâm phân biệt lăng xăng làm thân tướng và tâm tướng của mình, mà quên mình đang sẵn đủ tự tánh bất sanh bất diệt. Đây là căn bản vô minh, là Hoặc (tức mê hoặc).
Do Vô minh khuấy động, trong tâm phát khởi buồn thương giận ghét... Từ sanh tâm khởi ý thiện hoặc ác, đưa đến miệng và thân theo đó tạo nghiệp. Đây là HÀNH, động cơ chính để tái sinh.
Như vậy, vì có vô minh nên có hành động tạo tác, vì có Hoặc nên mới có Nghiệp, mới trở lại lục đạo luân hồi. Chúng sinh bị nghiệp lực lôi dẫn để thọ sanh, khác với các bậc Bồ tát, cũng lăn lộn vào các cõi nhưng do nguyện lực. Các Ngài cũng làm tất cả để độ người; nhưng không thấy có người làm, việc làm và đối tượng làm nên không thuộc về Hành nghiệp.
2. Quả hiện tại: gồm Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc và Thọ, gọi là quả khổ.
Đối với THỨC, chúng ta cần hiểu theo hai nghĩa: Thứ nhất, đó là Thần thức hay Hương ấm. Khi thân trước mất đi, thần thức theo nghiệp dẫn để thọ thân sau. Nếu nghiệp không còn thì thức cũng diệt, nên nói Hành duyên Thức. Nghĩa thứ hai, hiểu theo Duy thức học, là Ý thức và Tàng thức. Vì chúng sanh vô minh, quên tánh giác, tạo nghiệp thiện ác mới phát sinh thức. Nếu giác ngộ tự tánh thanh tịnh bản lai của mình thì thức không phải bị diệt, mà ngay đó chuyển thành Trí.
Thức làm duyên cho DANH SẮC hình thành. Danh là tinh thần, sắc là thể chất. Trong bào thai danh sắc tạo nên nhờ sự phối hợp của tinh cha huyết mẹ và thần thức gá vào. Danh sắc cũng có nghĩa là phần tinh thần và vật chất của một cơ thể khi còn trong bào thai.
LỤC NHẬP là sáu căn duyên với sáu trần. Khi đã ra đời, sáu căn tiếp xúc với sáu trần phát sinh sáu thức. Các căn càng trưởng thành càng dính mắc với trần cảnh, tác động qua lại tạo nên XÚC. Xúc là sáu căn tiếp xúc với sáu trần.
Khi có tiếp xúc giao thoa giữa căn và trần, cảm thọ phát sinh, nên xúc duyên THỌ. Thọ gồm ba loại: Khổ, lạc và trung tính. Cần phân biệt cảm thọ vui (lạc thọ) của phàm phu với niềm vui của các bậc đã giác ngộ. Lạc thọ hình thành do căn dính mắc theo trần, khi hình thành rồi trở lại chi phối thân và tâm. Đối với các Ngài, tuy vẫn đối duyên xúc cảnh nhưng không khởi niệm phân biệt chia chẻ, nên dù xúc và thọ mà tâm vẫn thanh tịnh an nhiên. Niềm hỷ lạc của các Ngài là một hạnh phúc đích thực vì tâm an định và thanh tịnh.
3. Nhân hiện tại: gồm Ái, Thủ và Hữu.
Ái là ưa thích, đam mê. Đây là Chi mạc vô minh hay Nhuận sanh vô minh, cũng là Hoặc.
Phàm phu chúng ta có rất nhiều đam mê khát ái, nhưng quan trọng nhất là ái ngã. Do yêu mình nên tìm mọi phương tiện phục vụ cho nhu cầu vật chất và tinh thần của chính bản thân. Ngay cả tình cảm thương yêu đối với người khác, ngẫm lại cũng chỉ vì mình mà thương. Cho nên, tình cảm nào cũng có tính ích kỷ, không nhiều thì ít. Cũng chính vì ái ngã, nên khi mất thân này liền tìm thân khác, tiếp tục vòng quay sinh tử.
Vì sao có Ái? - Bởi vì vô minh nhận thân tâm huyễn hóa làm thật mình; từ chấp ngã rồi chấp ngã sở đều có thật nên sanh tham ái. Ái lại làm tăng trưởng vô minh, nên hai yếu tố này có sự liên hệ hết sức chặt chẽ, và là hai động lực vô cùng mạnh mẽ làm chuyển động bánh xe luân hồi.
Cũng do ái ngã nên những gì bên ngoài làm mình vừa ý, mình lại muốn chiếm hữu. Đây là THỦ. Giữ lấy cho riêng mình là hành động tạo tác nên thuộc nghiệp. Khi chiếm giữ được, liền phát khởi ý có sở đắc (hữu). HỮU là điều kiện để tái sanh vào ba cõi, nên còn được chia thành Dục hữu, Sắc hữu và Vô sắc hữu
4. Quả vị lai: gồm sanh và lão tử
Có nhân hiện tại tức có điều kiện tái sinh ở vị lai. Một hữu tình lại chào đời (Sanh). Trong hữu tình này cũng có yếu tố Vô minh, Hành, Thức... Ái, Thủ, Hữu... Quy luật tất yếu của cuộc sống là có sinh trưởng thì phải có hoại diệt, nên SANH duyên LÃO TỬ.
Như vậy mười hai nhân duyên đã giải thích tường tận guồng máy sinh diệt của loài hữu tình. Duyên hợp là sinh, duyên tan là diệt. Đi theo chiều thuận, nhân quá khứ sanh quả hiện tại (tầng nhân quả thứ nhất), và nhân hiện tại sanh quả vị lai (tầng nhân quả thứ hai). Đây là chiều lưu chuyển. Trong mỗi tầng nhân quả đều có Hoặc-Nghiệp-Khổ:
Phần đông các nhà nghiên cứu về Phật học thường theo chiều lưu chuyển của mười hai nhân duyên để chứng minh và giải thích luân hồi, mà chủ yếu là làm thế nào liễu thoát sinh tử; cho nên mới có chiều ngược lại, từ quả phăng lần đến nhân: Mọi người đều già chết (lão tử); Vì sao có già chết? - Vì có Sanh. Cứ đi ngược lần lên đến tận cùng, ta hiểu rõ bản chất của sanh tử là vô minh. Đây là chiều hoàn diệt. Muốn giải quyết vấn đề sinh tử, phải giải quyết nơi nhân. Chúng ta thấy Đức Phật đã khéo dùng phương pháp đi ngược từ quả đến nhân. Lần đầu tiên khi giảng về Tứ Diệu Đế: cuộc đời là khổ (Khổ-quả); tìm hiểu vì sao có khổ (Tập-nhân); trừ hết nguyên nhân gây khổ sẽ có an lạc giải thoát (Diệt-quả); các phương pháp để đạt được giải thoát (Đạo-nhân). Nguyên nhân của khổ, tức Tập nhân trong Tứ Diệu Đế cùng tương đồng với Ái-Thủ-Hữu trong mười hai nhân duyên; và chẳng khác gì vọng tưởng sanh diệt mà nhà Thiền chủ trương buông bỏ.
II. Ý NGHĨA
Kinh A Hàm, Phật dạy: "Cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt". Đây là một định lý về duyên sinh duyên diệt. Tất cả các pháp từ vô tình đến hữu tình đều vay mượn nhau, hỗ trợ nhau, nương tựa nhau mà sinh khởi và tồn tại. Ví như một bó lau, cùng nương vào nhau để đứng vững; nếu một cọng lau ngã xuống, những cọng khác khó thể trụ lại.
Mười hai nhân duyên cũng thuộc giáo lý Duyên sinh, nhưng hạn cuộc cho loài hữu tình. Nếu nhìn theo chiều dọc từ trên xuống dưới, thì chi phần trên làm duyên cho chi phần dưới phát sinh. Vô minh là Hoặc nhân của quá khứ, làm duyên phát sinh Hành nghiệp. Vì là nhân quá khứ, nên hiện tại người tu không thể sửa đổi gì được đối với Vô minh, mà chủ yếu chỉ chuyển hóa nhân hiện tại là Ái, Thủ, Hữu. Nhân hiện tại bị diệt trừ thì không có quả vị lai. Sanh lão tử ngay đây đoạn dứt.
Tuy nhiên, cách hiểu ấy chỉ là khái niệm về nhân quả theo tuyến tính, theo thời gian, không phản ứng đúng tinh thần tương tức và tương nhập của Đạo Phật. Thật ra mỗi chi phần đều vừa là nhân vừa là quả của mười hai chi phần còn lại, và ảnh hưởng ở cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Rõ ràng là trong vô lượng kiếp chúng ta đã vô minh, vì vô minh mới tạo nghiệp trầm luân trong sinh tử. Kiếp này chúng ta cũng đang vô minh, đang tạo nghiệp; và trong tương lai, nếu không thức tỉnh, chúng ta sẽ lại vô minh và tạo nghiệp không có ngày cùng. Như vậy vô minh có mặt ở cả ba thời.
Lại nữa, Vô minh có mặt trong Hành nên tác ý khởi niệm, sanh phiền não; đến lượt phiền não trở lại tác động làm Vô minh nặng thêm. Đây là liên hệ hai chiều, Vô minh duyên Hành và Hành cũng duyên Vô minh. Vô minh cũng đồng thời có mặt trong Thức, Danh sắc, Lục nhập... Nếu thức không có Vô minh vì sao lại bị nghiệp dẫn lôi, thọ sanh theo nghiệp? Nếu Lục nhập không có Vô minh sao đối duyên xúc cảnh lại sanh tâm phân biệt, không thấy được thực tướng của các pháp? Nếu Ái không có Vô minh thì không có ý thức chấp ngã và ngã sở. Vì có Vô minh mới có phiền não, mà phiền não khổ đau thì luôn hiện hữu trong cuộc sống. Suy ra toàn bộ các chi phần khác, chúng ta sẽ thấy rõ sự tương quan trùng trùng điệp điệp: Mỗi chi phần có liên hệ nhân duyên với chi phần kế cận, đồng thời cũng liên hệ như thế với tất cả những chi phần còn lại. Sự tương quan này chằng chịt mật thiết trong cả không gian lẫn thời gian, không có điểm đầu tiên, cũng không có điểm tận cùng.
Tuỳ theo cách hiểu về Mười hai nhân duyên và tuỳ theo sở thích, hành giả có thể áp dụng nhiều phương pháp về công phu. Nhưng tựu trung có hai mắt xích quan trọng. Nếu phá được một trong hai, có thể phá vỡ được sự liên hệ chằng chịt giữa các chi phần: Đó là Vô minh và Ái, hai chi phần này là những lực tác động hết sức mãnh liệt làm chuyển động bánh xe luân hồi, đều có cùng bản chất vô minh.
Hành giả tu theo Duyên Giác, thực hành pháp quán về Mười hai nhân duyên. Lúc đầu theo chiều lưu chuyển để thấy rõ sự vận hành của guồng máy sinh tử, trong tinh thần "Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh". Vì Vô minh sanh nên Hành mới sanh, vì Hành sanh nên có Thức sanh... tiếp tục cho đến cuối cùng là Sinh-Lão-Tử. Sau đó hành giả quán theo chiều hoàn diệt trong tinh thần "Cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt". Tuy vậy, vì Vô minh là tập nhân hùng hậu, khó thể can thiệp được, nên hành giả tập trung tâm lực trừ nhân hiện tại là Ái. Do Ái diệt nên Thủ-Hữu không còn; Thủ-Hữu diệt nên Sanh-Lão tử diệt; hành giả liễu thoát sinh tử, đạt quả vị Duyên Giác là Bích Chi Phật. Nếu sinh ra đời không gặp Phật pháp, tự quán lý duyên sinh của trời đất mà ngộ, hành giả được tôn xưng là Độc Giác Phật.
Hành giả tu theo Thiền đốn ngộ quan niệm về Mười hai nhân duyên bằng tinh thần tương tức tương nhập đã nói ở trên. Vô minh và Hành là biệt danh của Ái-Thủ-Hữu; Thức - Danh sắc - Lục nhập - Xúc - Thọ là biệt danh của Sanh-Lão tử. Các vị quán chiếu sự liên hệ hỗ tương trùng điệp của tất cả chi phần, ngộ được lý duyên sinh, chứng trí vô ngã, không còn chấp lầm thân tâm sinh diệt vô thường là thật mình. Vì vậy, đoạn trừ Căn bản vô minh. Đây là lối tu ngay gốc, khi gốc bị diệt thì các ngọn ngành theo đó tự tiêu. Nhưng làm thế nào để đoạn trừ được Căn bản Vô minh? - Khi tâm hành giả hoàn toàn rỗng lặng, bặt hết mọi ý niệm phân biệt so sánh, biết tất cả các pháp mà không sanh tâm trên chúng, cái biết ấy mới ở trong trạng thái như thị. Đây là "Tri kiến vô kiến" Đức Phật đã dạy trong kinh Lăng Nghiêm, hành giả thấy Niết bàn ở ngay tại đây và bây giờ, không giở chân mà đến. Muốn tìm nước phải ngay sóng mà nhận, ngay trong phiền não mà thấy được Bồ đề. Nếu thấy rõ trong si mê có hạt giống trí tuệ, trong Vô minh đồng thời cũng là Minh, ta sẽ hiểu được tinh thần bất nhị, một tư tưởng vút cao của nhà Phật.
Mười hai nhân duyên là một trong những giáo lý quan trọng trong hệ thống kinh điển của Đạo Phật. Giáo lý này cũng nhằm giải thích và chứng minh luân hồi, nhưng chủ yếu nhằm đưa đến phương pháp giải thoát sinh tử. Chúng ta không chỉ hiểu Mười hai nhân duyên theo "Tam thế lưỡng trùng nhân quả", trong đó các chi phần liên hệ nhau theo chiều thời gian; mà nên hiểu theo tinh thần "Trùng trùng duyên khởi"; các chi phần liên hệ chằng chịt hỗ tương lẫn nhau theo không và thời gian, trùng điệp vô thuỷ vô chung. Áp dụng vào công phu tu hành, chúng ta theo thứ lớp đoạn trừ Chi mạt vô minh là Ái, rồi dần đến Thủ và Hữu. Đây là lối tu tiệm, cần dụng công nhiều, buông bỏ lần như chặt các ngọn. Tinh cần tu tập, một thời gian lâu xa sẽ thành thục, vì có tu có tiến. Lối tu thứ hai theo Thiền đốn ngộ, chúng ta đoạn trừ Căn bản vô minh, thật ra không phải là "đoạn trừ vô minh" mà là "nhận ra Minh ngay tại đó". Tuỳ theo căn cơ và sở thích, chúng ta tự chọn cho mình một con đường, miễn sao đạt được mục đích tối hậu của đời tu: Ra khỏi nhà phiền não và ra khỏi nhà tam giới.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top