Stolen dawn - chap1+2_ by Leo
Ai đó đã nói rằng: “ Chúng ta sống trong đời sống này, không phải tìm kiếm một người Hoàn Hảo để yêu mà sống để học cách yêu những người KHÔNG Hoàn Hảo. Những con người KHÔNG Hoàn hảo đó tồn tại rất nhiều xung quanh bạn và tôi, đó có thể là bất cứ ai trong số chúng ta... Là bạn? ...Và tất nhiên là cả tôi nữa! Từ lúc được bàn tay thượng đế nhào nặn và mang hình hài của một con người, tôi đã biết mình không hoàn hảo...Không phải tôi thiếu hụt bất cứ bộ phận nào trên cơ thể ( cười!), cũng không phải tôi có những tư tưởng và suy nghĩ thiếu lành mạnh ( cười lớn!) Mà chỉ đơn giản, tôi loay hoay không biết mình là ai giữa cuộc đời này! ..Không biết giới tính thực sự của mình là gì...Không biết mình muốn gì, cần gì và làm thế nào để đương đầu với những rào cản và khó khăn phía trước... 20 tuổi- Tôi vẫn trong trạng thái loay hoay như vậy!... Nhưng có một điều lí thú, những con người Không Hoàn Hảo luôn mong muốn kiếm tìm cho mình một sự Hoàn hảo... Chính vì thế, câu chuyện này được viết ra như một sự kiếm tìm... Và khi đọc nó, có thể ai đó trong số những người...”Chưa kịp” Hoàn Hảo như tôi sẽ tìm thấy một điều gì đó...Dù ít...dù nhiều...
~ Leo Tomboy ~
-------------------------------------------------------
Đừng rời xa tôi Vì tôi lỡ yêu người mất rồi Và con tim tôi, từ ngày ấy khi bước vào cuộc đời Biết mãi về sau chỉ yêu một người....Một người thôi.....................................
Chương 1: Hoài niệm tuổi thơ
-Bốp! …..Con nhỏ này, sao mày cứng đầu quá vậy. Con búp bê đẹp thế này mà mày lỡ vặn cổ nó!
Tiếng người đàn ông tức giận gầm lên như sấm khiến mọi người lặng đi vì sợ duy chỉ một kẻ cứng đầu, không biết nể sợ ai, vẫn chăm chú làm nốt phần việc còn lại của việc tàn phá nhan sắc con Búp bê, khuôn mặt cúi gằm, phớt lờ tất cả. Vết hằn của bàn tay còn đỏ ửng trên má cũng chẳng làm nó mảy may lo sợ… Người cha bất lực , đưa cặp mắt ngao ngán nhìn đứa trẻ bướng bỉnh, khẽ buông tiếng thở dài rồi quay lưng đi ra cửa. Tiếng động cơ ầm ầm rồi bóng chiếc ô tô đen vút nhanh qua cổng… Căn nhà lại chìm vào im lặng…
-Má hứa mua cho Chin súng đại bác pằng pằng cơ mà… Chin không thích con búp bê này đâu… Không thích đâu…!!!
Đứa trẻ giãy nảy ăn vạ, rồi liệng mạnh con búp bê Nga-tóc vàng giờ đã bị ngoẹo cổ xuống đất, nước mắt giàn giụa, miệng nấc lên những tiếng nghẹn ngào…Con búp bê nằm chỏng chơ, mái tóc vàng rối tung, rũ rượi trông thật thảm hại. Người mẹ khẽ khàng nhặt con búp bê lên, vuốt lại mớ tóc rối, đưa ánh mắt buồn rầu nhìn đứa con nhỏ:
-Má hứa rồi mà… Má sẽ mua cho Chin. Nhưng đây là quà ba đi công tác tận Nga mang về… Chin phải yêu, phải giữ gìn nó thì ba mới vui lòng chứ…- Nói đoạn bà choàng tay ôm đầu đứa trẻ vào lòng, xoa xoa mái tóc ngắn ngủn của nó với vẻ cưng nựng vỗ về…
-Nhưng mà Chin không thích Búp bê… Chin thích Súng đại bác, thích xe tăng cơ… má mua xe tăng, mua súng nổ pằng pằng cho Chin đi má…- Đứa trẻ được thể dỗi hờn và khóc to hơn, tay lay lay áo người mẹ.
-Nhưng Chin của má là con gái. Con gái thì phải chơi đồ hàng, phải thích búp bê, ai lại chơi mấy thứ đồ bạo lực của con trai đó bao giờ…
-Không đâu… Chin thích Súng cơ… Chin ghét búp bê lắm….
Người mẹ trẻ đưa ánh mắt buồn bã nhìn đứa con nhỏ đang dụi dụi đầu vào lòng mình..Đứa bé bướng bỉnh nào có hiểu được nỗi lòng của mẹ nó…
…………….
Đó là câu chuyện lúc tôi lên 5 tuổi. Một đứa con gái tóc ngắn ngủn, xoăn tít, chỉ thích mặc quần áo con trai có mấy cái hình siêu nhân và trong túi lúc nào cũng thủ sẵn vài viên bi to như cái kẹo mút. Sự vui thích duy nhất của tôi là sở hữu những chiếc xe tăng đồ chơi và sưu tập đủ các loại súng ống, từ súng nước cho đến những khẩu đại bác bắn đạn nhựa pằng pằng. Có thể nói tủ đồ chơi của tôi là niềm ao ước của tất thảy những đứa con trai trong phố, nhưng lại là…. Nỗi khiếp đảm của lũ con gái cùng tuổi.
Và đó là lí do tại sao tôi là Đại ca của Lũ Loi Choi trong con phố này, dù tôi là con gái !
Những thằng con trai nể sợ tôi ra mặt vì tôi sẵn sàng lăn xả vào tranh cướp với chúng nó mọi thứ mà chẳng ngại ngần gì. Đánh, đấm, cấu, xé, thậm chí cả ăn vạ, và bao giờ phần thắng cũng thuộc về tôi. Tôi không ưa tụi con trai nhưng hành động lại chẳng khác gì một đứa con trai thứ thiệt. Đám con gái thì khác, cứ có việc gì cần, hay đứa nào bị bắt nạt là chúng nó lại đi mách với tôi. Tuy vậy, suốt thời thơ ấu, tôi không chơi thân với bất cứ đứa trẻ nào…ngoại trừ một người bạn đặc biệt. Không phải tôi khó tính trong việc lựa chọn bạn bè hay cố tỏ ra lạnh lùng, khó gần. Đơn giản là vì bọn con trai tôi không ưa, và con gái, tuy tôi thấy bình thường nhưng tôi chúa ghét những món đồ hàng hay những con Búp bê của chúng nó. Tôi sợ một lúc nào đó, một trong những con búp bê xinh đẹp kia trở thành Nạn nhân xấu số của trò bẻ đầu, dứt tóc khi tôi không kiềm chế được nghịch ngợm thì thật khổ thân cho chủ nhân của nó…
Duy nhất một người bạn thân thiết với tôi những năm tháng tuổi thơ là bé Bin.Cô bé với lúm đồng tiền dễ thương và chiếc răng khểnh duyên dáng, lúc nào cũng được mẹ bện cho hai bím tóc gọn gàng và thắt chiếc nơ màu hồng hình con bướm xinh xinh. Tôi thích nhìn bé Bin cười, nụ cười ngây thơ và hồn nhiên, không giống bất cứ đứa con gái nào trong con phố tôi ở. Có điều, mọi người ai cũng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bé, còn chính bé lại không thể thấy được vẻ đẹp của mình.. Bé Bin không nhìn thấy gì ngoài bóng tối…
Tôi thích chơi với bé Bin, vì bé là người duy nhất chịu ngồi yên nghe tôi luyên thuyên kể về các loại súng ống, xe tăng, tàu chiến mà không biết chán, và cũng là người duy nhất không bao giờ rủ rê tôi chơi đồ hàng. Hai đứa trẻ con, tôi và Bin, cứ chiều chiều lại xách cái vợt sang nhà ông Mã cuối phố vợt cá vàng trong bể cá nhà ông. Bin không nhìn thấy gì, nhưng lại lăng xăng phụ tôi cầm vợt, xách xô nước. Nhiều khi tôi vô tâm, mải rượt theo con cá, bỏ mặc Bin cầm xô. Bé không nhìn thấy đường đi, loạng choạng, ngã sấp mặt,tay chân trầy trụa máu. Những lúc như vậy, tôi lại cõng bé chạy về nhà mình để mẹ băng bó cho bé , rồi lại nghe những lời trách móc từ mẹ :
-Chin ! Con phải để ý đến bạn chứ. Lần sau phải dắt bạn đi cùng nghe Chin…
Tôi cứ vâng vâng dạ dạ qua quýt rồi đâu lại đóng đấy vì Bin tuy ngã nhưng luôn mỉm cười rất tươi để tôi yên tâm. Bin là một cô bé can đảm.. Thật sự, Bin thích chơi với tôi và tôi cũng vậy. Dường như ngoài tôi ra, cô bé thu mình, không trò chuyện với bất kì ai khác. Hồi đó còn thơ dại, tôi không suy nghĩ gì nhiều mà chỉ lấy thế làm hãnh diện. Khi bạn được sở hữu một cái gì đó tuyệt đẹp, bạn sẽ thấy mình thật may mắn. Tôi tin tôi là một kẻ cực kì may mắn vì rõ ràng bé Bin của tôi rất đẹp-vẻ đẹp của một Thiên thần.
-Chin ơi, sau này tớ sẽ lấy cậu – Bin thì thầm vào tai tôi, khẽ khàng.
Tôi hí hửng, cười toe toét. Lúc đấy, chúng tôi đang xem một bộ phim truyền hình nước ngoài mà nội dung tôi chẳng hiểu gì, nhưng có vẻ nó hoàn toàn không dành cho con nít.
« - Fiola…anh yêu em, anh cần em…( Nhân vật nam nói)
-Charlie, em cũng yêu anh.. hãy ở lại với em nhé. ( Cô Fi-ô-lar gì đó nói)
-Chắc chắn rồi… Anh sẽ lấy em làm vợ…
Vậy là, tuy bé Bin không hề nhìn thấy trong phim, nhân vật diễn cảnh như thế nào, nhưng cô bé lắng nghe được lời thoại trong phim và bắt chước theo nhân vật.
-Chin ơi, sau này tớ sẽ lấy cậu.- Bin nhắc lại, giọng đầy quả quyết.
-Thế ai làm vợ, tớ làm vợ à ? – Tôi ngẩn người hỏi lại.
-Không..- Bin lắc đầu quầy quậy-…Cậu sẽ là chồng tớ. Còn tớ làm vợ cho.
Khi nói xong câu này, tôi thấy má Bin ửng đỏ. Một cô nhóc 6 tuổi biết xấu hổ khi nói những lời như vậy quả là điều hiếm lạ. Nhưng tôi vốn ngốc nghếch nên chẳng để ý gì nhiều, chỉ cảm thấy, khi bé Bin xấu hổ, đỏ bừng mặt, trông cô bé rất đáng yêu và xinh xắn. Má cô bé hồng rực như trái đào chín mọng mà tôi nhìn chỉ muốn cắn phập một miếng.
-Nhưng ai sẽ đẻ em bé ?- tôi hỏi – Tớ không đẻ đâu !
-Tớ không biết… Nhưng tớ sợ đau lắm… - Bin khẽ rùng mình.
-Ừ…Tớ cũng sợ đau… -Tôi tỏ ra sợ hãi không kém-… Mọi người nói đẻ em bé đau lắm đấy, Bin ạ.
-Ừ…đau lắm - Cô bé gật đầu tán thành.
-Thế thôi, đừng đẻ nữa- Tôi gạ gẫm.
-Ừ… Vậy chúng ta sẽ không đẻ.
Câu chuyện trẻ con của chúng tôi kết thúc sau khi đã bàn luận và thống nhất về việc sinh em bé. Sau này, mỗi lần nhớ lại, không hiểu sao, trong lòng tôi luôn chợn vợn một cảm xúc thật khó tả. Một nỗi bồi hồi và xúc động nghẹn ngào nhen lên trong tôi…
Người ta nói, những kỉ niệm tuổi thơ khờ dại và hồn nhiên luôn là những xúc cảm đẹp nhất, thiêng liêng nhất lắng đọng trong lòng người, để mỗi lần nhớ tới, con người ta được trở lại với những gì trọn vẹn nhất của nguyên sơ và hoài niệm…
Ba tôi là Tổng Giám Đốc một công ty bất động sản tương đối tiếng tăm ở ngoài Bắc cho nên những chuyến đi công tác dài ngày trở thành một phần quen thuộc trong lịch sinh hoạt của ông và má con tôi phải học cách quen với điều đó. Má tôi- một cô giáo dạy Nhạc, người gốc Huế, tính cách hướng nội, thích sự tĩnh lặng và tránh xa những buổi tiệc tùng nên chẳng mấy khi thấy má đi cùng ba đến chốn đông người…Tất nhiên là ngôi nhà của tôi- ngoài hai má con khi ba đi công tác liên tục- còn có sự hiện hữu của những người giúp việc, nhưng thật kì lạ, tôi luôn cảm giác nó cứ thiếu vắng điều gì… Sau này tôi mới hiểu, sự thiếu vắng đấy là từ ba tôi…Khi người đàn ông trụ cột của gia đình thường xuyên vắng mặt, linh hồn của ngôi nhà sẽ khuyết đi một nửa và bữa cơm chưa bao giờ ngon một cách trọn vẹn !
Lên bảy tuổi, lần đầu tiên một con nhóc bướng bỉnh và vô tâm như tôi có một vài cảm nhận về sự thiếu hụt này….
Má cưng tôi như một thiên thần, nâng niu tôi từng chút một nên mọi công việc trong nhà tôi chẳng phải làm gì, có người giúp việc hay không thì vẫn thế, tôi vẫn là Thiên thần, là cục cưng bé bỏng của má mà thôi… Tôi vòi vĩnh điều gì, má cũng chiều, tôi thích một món đồ chơi vào buổi sáng thì buổi chiều, má nhờ người đi mua ngay tắp lự. Tôi chơi chán rồi quăng đi, má lại nhờ người đi mua món khác… Cứ như vậy, tôi như một « Cậu » ấm được thỏa sức làm nũng và vòi vĩnh má hết thứ này, thứ nọ…Tuy vậy, tôi cực kì dị ứng với việc Học Đàn mà má nhất định bắt tôi học bằng được dù tôi có phản đối như thế nào…
-Chin ơi, cả ngày hôm nay con chưa ôn đàn rồi đó. Mau đánh đi con, nhớ đánh lại bản số 9, hôm bữa má thấy con bị chậm nhịp à.
-………………
-Chinnnnnnnn !!! Má gọi mà không nghe hả ?
-…………………..
Và sau cuối má tóm được tôi núp sau cánh cửa tủ, đầu chúi chặt vào đống áo quần đã bị bới tung tả, hòng tìm chỗ ẩn nấp để trốn học nhưng cái mông to đùng vẫn thò ra. Tôi nghe thấy tiếng cười vui vẻ của má, và cảm giác tê rân rân như bị điện giật khi ai đó tét mạnh vào mông…
-Ra thôi nào, con chuột Mông to… Chin của má lười học lắm… Chin học ngoan rồi má thưởng đồ chơi cho Chin nha…
-Chin không thích học đàn đâu….. – Tôi chu chéo la lên ăn vạ, một tay nắm chặt khẩu súng nước, một tay tóm chặt quần cho khỏi tuột khi bị má lôi ra-… Chin ghét đàn lắm…
-Thôi mà… Má thương… Chin học đàn rồi mai mốt nổi tiếng, Chin kiếm tiền nuôi má, Chin à…
Dù có vẻ vô cùng chật vật trong việc huấn luyện tôi học đàn nhưng cuối cùng má vẫn thành công một nửa… Tám tuổi, tôi chán cái trò chui vào trong tủ quần áo trốn, một phần vì tôi biết chắc dù có trốn kiểu gì, trốn ở đâu, cuối cùng vẫn bị má lôi ra, phần nữa vì lúc này cái tủ quần áo đã quá nhỏ so với thân hình của tôi… Cái Mông to đoành không còn nhét vừa nữa, thậm chí mấy bận tôi xém khóc nhè vì chui vào rồi mà không chui ra được… Nhưng điều quan trọng là vì má dần dần nhận ra, tôi chỉ có thể học để chơi đàn nghiệp dư, còn tuyệt nhiên, tôi không hề có năng khiếu để có thể thành công về lĩnh vực âm nhạc như má mong muốn... Vậy nên tôi có thể tự do chọn lựa để được làm những thứ mình thích…
Và thật tình cờ… Năm tám tuổi, tôi phát hiện ra khả năng của mình trong việc học vẽ….
Một người bạn của ba cũng là một họa sĩ nổi tiếng đến chơi nhà tôi. Trong lúc ông ta và ba mải mê bàn luận về kiến trúc ngôi nhà thì tôi tót ra vườn chơi đùa cùng con Mi-lu già, lông xù lên như bờm Sư tử… Nhà kho đang được sửa chữa, và cánh cửa nhà kho đang được sơn dở màu trắng tinh. Gần đó là mấy cái hộp sơn màu còn nguyên, chưa đụng đến. Có lẽ bác làm vườn thiếu sơn trắng nên đi mua thêm về làm…Không biết trời xui đất khiến thế nào mà tôi lại nghĩ ra một trò quái đản, tôi cạy bằng được nắp hộp sơn ra, lấy cái chổi quét màu và hăm hở bôi bôi quẹt quẹt lên cánh cửa trắng…Tôi pha trộn đủ các thứ màu cho đến khi được gam màu như đúng ý và tất nhiên con Mi-lu trở thành nạn nhân xấu số cho việc thử màu của tôi… Bộ lông vàng của con Lu Già bỗng chốc biến thành con công sặc sỡ và cánh cửa nhà kho trở thành một tác phẩm nghệ thuật… Kinh dị…
-Ồ ồ… Ông phải xem khu vườn nhà tôi, tôi xây cái bể cá cảnh chếch về hướng Nam theo đúng lời thầy phong thủy dặn…- Tiếng nói vang như sấm của ba làm tôi giật mình.
-…Vâng… vâng… Vậy ta đi…..
Ba tôi và ông bạn họa sĩ tiến lại khu vườn và cái nhà kho thì nằm kế bên khu vườn. Tôi dừng công việc dang dở, đưa mắt nhìn chăm chú hai người đang tiến lại, cố gắng lấy người che khuất cánh cửa bị bôi vẽ lem nhem…
-Chin! Sao không chào bác đi, còn đứng ngây ra đấy nhìn- Ba nghiêm mặt lại, khẽ nhắc tôi.
-Dạ. Con chào bác. – Tôi nói mà không dám cúi thấp đầu xuống, cứ đứng như trời trồng, điệu bộ lúng túng.
-Ừ… Bác chào con. Con gái ba Hưng ngoan quá. – Bác họa sĩ già nói chậm rãi, chòm râu bạc khẽ rung rung làm lộ ra nụ cười thân thiện.
-Chin!!! Con lại bày trò gì thế kia?
Ba tôi cau mày, đưa mắt nhìn con Mi-Lu lúc đấy đang hăm hở vẫy đuôi mừng tíu tít mà tôi phải cố gắng dùng chân kìm lại để nó khỏi nhảy xổ ra ngoài. Nhưng dường như con Mi lu quá đỗi phấn khích khi thấy có khách, nó cứ tớn lên, tìm mọi cách thoát khỏi sự kìm kẹp của tôi.. Và cuối cùng nó cũng dành chiến thắng. Con Mi-Lu lông vàng, giờ đây sặc sỡ như một con Công nhảy chồm lên bác Họa sĩ làm bác hoảng hốt lùi lại… Nó vẫy đuôi vui vẻ, đoạn lại xoay người rũ mạnh bộ lông đầy những “Dấu vết nghệ thuật” của tôi… Và người lĩnh trọn “thành quả” đấy là bác họa sĩ…
Ba tôi tức giận, mặt mũi đỏ gay khi chứng kiến cảnh tượng đó. Ba đá con Mi-lu một cú đau điếng làm con Chó già tội nghiệp kêu ăng ẳng rồi lủi vội ra xó cửa. Hết con Mi-lu, giờ tới lượt tôi bị ba xử tội khi ông nhìn thấy cánh cửa chi chít những vệt sơn loang lổ…
-Chinnnnnnn!!! Mày lại bày trò quái quỷ gì thế... Con gái con đứa..Như cái đồ cướp giặc. Mau xin lỗi bác đi!
Thấy tình hình quá đỗi căng thẳng, tôi vội vàng cúi mặt, len lén đưa cặp mắt sợ hãi và đầy vẻ biết lỗi nhìn ba, rồi nhìn sang bác họa sĩ:
-Con xin lỗi bác…- Tôi lí nhí-… Con xin lỗi bác ạ….
-Ừ…thôi..Anh đừng mắng cháu. Cháu còn nhỏ, nghịch ngợm chút thôi mà. Trẻ con thì phải hiếu động thế chứ.
Bác cười xuề xòa với ba, đoạn nheo mắt nhìn hắt về phía sau lưng tôi rồi chầm chậm tiến lại phía cánh cửa… Tôi thấy tim mình như ngừng đập khi ba tôi lườm tôi, ánh mắt đầy giận dữ.
-Cái này là con vẽ ra hả?- Bác họa sĩ nhìn tôi rồi ngạc nhiên hỏi.
-Dạ thưa bác. Là con vẽ ạ. – Tôi nói nhỏ nhẹ, cố lấy giọng lễ phép cho ba nguôi giận.
-Vẽ gì nó, cái đồ cướp giặc, cái cánh cửa đẹp như thế mà quệt màu lung tung, bẩn thỉu. Ông cứ lên nhà thay đồ, để tí tôi cho con « trời đánh » này một trận – Ba tôi xen ngang vào, giọng nói vẫn bừng bừng tức giận làm tôi khẽ rùng mình vì sợ.
Bất chợt bác họa sĩ tủm tỉm cười… Bác nắm lấy bàn tay lấm lem màu vẽ của tôi rồi nhìn chăm chú những đường chỉ tay trên đó. Hết úp mặt trước xuống, lại lật mặt sau lên, rồi sau cuối bác buông tay tôi ra, đoạn quay sang ba tôi, nói vui vẻ :
-Anh chị nên cho cháu đi học vẽ…. Cháu có năng khiếu đó.
-Ông nói cái gì cơ ?- Ba tôi ngẩn người- Cái con bé này mà vẽ được á ?
-Tôi không nói chơi đâu. Cháu có năng khiếu thật sự đấy. Thường thì bọn trẻ con tuổi này vẽ được những bức tranh sặc sỡ và bắt mắt là đẹp rồi, nhưng anh nhìn xem, con bé nhà anh còn biết cách phối màu nữa. Cái màu đất trong tranh y màu đất thật mà đến tôi cũng chưa chắc đã chọn được màu tinh tế như thế đâu.
Ba tôi há hốc mồm ra ngạc nhiên tột độ Một người làm kinh doanh như ông đâu có hiểu gì về Mĩ thuật và hội họa, nên nghe những lời bác họa sĩ nói, ba tôi có vẻ nguôi hết bực dọc mà vui mừng ra mặt. Nhưng ông vẫn có vẻ không tin :
-Cái con trời đánh, bướng bỉnh này thì ai dám dạy nó hả ông ? Nó chẳng sợ một ai hết, tôi e cái tính khí thất thường đấy, học được dăm bữa, người ta đuổi…
Tôi nghe ba nói mà thấy ngứa ngáy trong lòng, đã toan cự lại, thì bác họa sĩ cười ha hả , cắt lời ba tôi :
-Không ai dạy thì tôi dạy. Tôi đảm bảo với ông nó mà không thành tài thì tôi với ông không nhìn mặt nhau nữa.
Lời nói chắc như đinh đóng cột làm ba tôi như cởi tấm lòng.. Tuy có vẻ hơi nghi ngại nhưng ông hoàn toàn tin tưởng vào lời nói của ông bạn họa sĩ nổi tiếng. Gương mặt nghiêm nghị của ba dãn ra, cho một nụ cười xuất hiện…Chưa bao giờ tôi thấy ánh mắt ba tràn đầy sự tự hào và hài lòng về tôi đến vậy.
Năm đó tôi tròn 8 tuổi. Sự xuất hiện tình cờ của bác họa sĩ già kéo theo sự thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi những năm sau đó….
.JVà sự thay đổi đầu tiên và cũng là lớn nhất mà tôi có được là thoát khỏi việc học đàn
0
Năm tháng cứ trôi qua…Tôi dần quen với những buổi chiều chủ nhật đến nhà bác họa sĩ học vẽ. Ba má tôi bớt lo lắng về tôi hẳn đi khi tôi dành hết thời gian rảnh rỗi cho việc vẽ vời và quên hết những trò nghịch quái đản. Thỉnh thoảng Bin theo tôi đến lớp học vẽ. Cô bé không nhìn thấy gì, chỉ ngoan ngoãn ngồi im nghe tôi thao thao kể về những bức vẽ với những đường nét và gam màu tuyệt đẹp. Tôi biết là Bin rất thích vì đôi lần tôi bắt gặp Bin say sưa cầm cục chì màu của tôi và mân mê chúng với vẻ trìu mến. Giá mà Bin không bị mù, cô bé và tôi đã có thể học vẽ cùng nhau…
Một bức tranh đẹp một phần do tài phối màu, bố trí khung cảnh và cẩn trọng trong từng đường nét, phần còn lại là do tình cảm mà người họa sĩ gửi gắm vào bức tranh.. Rất lâu sau này, tôi chẳng hề gặp được ai có niềm yêu thích trẻ thơ và hồn nhiên với việc vẽ tranh như bé Bin, cái cách cô bé nâng niu mẩu chì màu và phác họa những nét vẽ nguệch ngoạc theo trí tưởng tượng vào không khí đến một họa sĩ bậc thầy cũng phải ngỡ ngàng…
Tôi luôn tin thế giới của Bin không bao giờ chỉ có toàn bóng tối….
Năm tôi mười một tuổi…
Một vài sự kiện xảy ra làm xê dịch đi một chút bánh xe quỹ đạo cuộc đời tôi.
Đó hình như là một buổi chiều mùa hè, trời nắng như đổ lửa. Nhưng lũ trẻ con loi choi bọn tôi vẫn nhảy nhô nhảy nhốc ở ngoài đường, đợi chờ bà bán kem mút đi qua với ánh mắt thèm thuồng. Nhà tôi không thiếu gì những món đồ ăn ngon lành và đắt tiền. Nhưng trò đời, cái gì đầy đủ và dư thừa, người ta thường không mấy thích thú với nó. Vả lại, tôi vẫn giữ trong mình những ham thích của một đứa trẻ con, háo hức với những thứ quà « ba xu » rẻ bèo, bán nơi đầu đường xó chợ. Vậy nên, tôi cũng là một Phần tử của bè đảng Thèm ăn kem hè phố. Tất nhiên, tôi giấu nhẹm mẹ tôi về thú vui này vì mẹ mà biết sẽ không bao giờ để tôi ăn uống những thứ đồ không đảm bảo vệ sinh như vậy.
Bé Bin chưa bao giờ được ăn kemJTôi đã phải bán đi cái súng xịt nước ưa thích cho thằng Khiêm để lấy 2000 đồng mua kem mút. Đáng lẽ tôi chỉ cần bán với giá 1000 đồng nhưng vì tôi muốn mua kem cho cả bé Bin ăn, vậy nên tôi tăng giá lên một chút.
Mút, vậy nên cô bé cũng háo hức y như tôi vậy.
-Chin ơi, tiền này có mua được hai cái kem không Chin ? – Bin hỏi đi hỏi lại tôi với vẻ lo lắng, vì sợ tôi không đủ tiền mua kem cho bé ăn cùng.
-Đủ mà, Bin yên tâm nha…Chin có nhiều tiền mà- Nói rồi tôi toét miệng cười cho Bin yên tâm nhưng chợt nhớ ra cô bé chẳng hề nhìn thấy nụ cười của tôi, dù tôi có mở mồm to cỡ nào đi chăng nữa…
« Toe…toe…toe…Keng…leng keng…keng… »
Tiếng còi của xe chở kem làm cả hai đứa giật mình. Tôi hăm hở chạy vội lại phía xe đẩy, xòe những đồng tiền bán súng nước ra để đổi lấy hai que kem to tướng. Rồi vừa chạy vừa liếm láp trước một que kem, tôi cố gắng mang cái kem còn lại về cho Bin cũng đang háo hức ngồi chờ đợi. Kem tan ra lạnh buốt, nước chảy ròng ròng, trong khi người tôi nhễ nhại mồ hôi...
-Ngon không Bin? – Tôi hỏi Bin khi thấy cô bé cắn một miếng thật to rồi nhăn mặt vì lạnh.
-Ngon lắm, Chin ạ... Kem ngon thật đấy... Sau này khi lấy nhau rồi, chúng mình bán Kem nha.
-Ừ…Bán cả Bimbim nữa. – Tôi hưởng ứng nhiệt tình và không quên bổ sung cho thêm phần đầy đủ ( Bimbim là món tôi thích ăn mà).
Hai đứa cứ đi bên nhau như vậy, một tay tôi cầm kem, một tay tôi nắm chặt lấy tay cô bé. Chợt có tiếng xe máy gầm rú phía sau, tôi đưa mắt nhìn và khẽ đẩy Bin đi sát vào phía trong. Hai thằng choai choai phóng xe phân khối lớn, chúng tiến sát phía tôi và Bin rồi nhanh như cắt một thằng giật phăng cây kem trên tay Bin. Cô bé ngơ ngác bấu chặt tay tôi, quờ quạng tìm kiếm mà không hiểu chuyện gì…
-Hahahaha… - Hai thằng cười sặc sụa-…Nhóc con! Có muốn lấy lại kem không?
-Trả kem cho bạn tôi đây- Tôi nắm chặt bàn tay dứ dứ nắm đấm về phía chúng.
-Muốn anh mày trả lại dễ thôi. – Một thằng mặt đen xì, nói giọng gạ gẫm- Nhóc con lại đây, anh bảo….
Tôi lưỡng lự rồi đi về phía chiếc xe của chúng, Bin nắm chặt cánh tay tôi níu lại.
-Thôi. Chin kệ chúng nó. Bin không ăn kem nữa đâu. Mình đi đi… Bin sợ lắm…
Mặc dù Bin cản lại nhưng tôi vẫn quyết tâm lấy bằng được que kem về cho Bin. Tôi không muốn bị ức hiếp hay tỏ ra sợ sệt trước hai thằng choai choai ngang ngược này.
-Ngoan lắm! – Thằng mặt đen hất hàm nói rồi cười hềnh hệch- Nhóc con dám đặt tay lên chỗ ống xả này thì anh mày trả kem cho.
Bin giật mình, theo phản xạ kéo rụt tôi lại. Tôi cũng sợ vì ống xả xe máy rất nóng, có khi làm bỏng tay. Nhưng nhìn cái vẻ hất hàm của hai thằng kia, tôi như bị thách thức.
-Đừng! Chin… Nóng lắm đấy- Bin hoảng hốt níu cánh tay tôi không rời.
-Không sao đâu… Phải lấy lại kem cho Bin mà… -Tôi nói cứng dù cũng thấy sờ sợ.
Nói đoạn tôi chầm chậm tiến lại phía gần chiếc xe và cúi xuống. Thằng mặt đen cầm cái kem dứ dứ về phía tôi khiêu khích rồi lại giật ngay lại làm máu nóng trong tôi bốc lên.
-Tôi sờ vào đó, các anh phải trả kem cho Bin.
-Rồi…rồi…để xem nhóc con có dám không … hahahah….
Điệu cười rất đểu của hai thằng choai choai làm tôi tức tối vô cùng. Không chần chừ, tôi chạm bàn tay vào ống xả xe máy…. Cái quái gì thế này… Bàn tay tôi như sưng rộp lên… Bỏng rát…Nóng quá… Buốt quá… Nước mắt tôi trào ra đầm đìa vì cảm giác đau đớn đến nghẹt thở. Nhưng tôi bặm chặt môi để Bin không biết là tôi khóc.
-Xong rồi đó, giờ thì đưa đây.
Hai thằng trố mắt ra nhìn tôi, không tin nổi là đứa nhóc con gầy còm kia lại có thể dám làm cái việc chúng thách đố. Chúng nhìn bàn tay phồng rộp của tôi với vẻ hoảng hốt. Phía trước có vài người đi tới, hai thằng thanh niên vội vã nhảy lên xe, không quên ném trả chiếc kem cho tôi:
-Của mày này! Nhóc con!
Tiếng động cơ ầm ầm và bóng hai thằng choai choai mất hút… Que kem ướt nhẹp bị quăng xuống nền đất bẩn thỉu, vữa ra, tan chảy. Tay tôi vẫn còn đau nhói vì vết bỏng nhưng tuyệt nhiên, không một tiếng khóc nào phát ra… Tôi cứ mải miết nhìn mãi vào que kem…nhìn mãi, nhìn mãi…cho đến khi Bin hốt hoảng lay tay tôi:
-Chin không sao chứ Chin? Có đau lắm không? – Cô bé vội vàng kéo tay tôi lên, nhưng vụng về chạm vào vết bỏng khiến tôi nhăn mặt rụt vội tay lại.
-Ái…..
-Bin xin lỗi… Bin không nhìn thấy gì- Khi nói câu đó, mặt Bin thoáng buồn buồn làm tôi quên cả vết bỏng-… Chin đau lắm phải không?
Bin sờ nhẹ lên mặt tôi, bàn tay mát lạnh của cô bé lướt trên gò má tôi, chạm cả vào những giọt nước mắt đang lăn dài vì đau đớn.
-Chin khóc rồi này…- Bin luống cuống-… Chin ngốc lắm, khờ lắm...
Thế rồi không hiểu sao, Chin ôm chặt tôi vào lòng. Cơ thể tôi nóng bừng lên và vết thương như chẳng còn chút đau đớn gì nữa... Bất chợt, Bin cúi sát mặt xuống rồi thơm thật nhanh vào má tôi. Rất lâu sau này, khi ngồi một mình hồi tưởng lại, tôi đã phân vân mãi… Nếu Bin không bị mù, liệu sự ngọt ngào mà cô bé dành cho tôi có phải là một nụ hôn???
……………………………
Vì vết bỏng mà tôi ngưng học vẽ một thời gian dài. Thời gian rảnh, tôi mang sấp hình có những bức vẽ đẹp ra ngắm nghía và rủ Bin xem chúng với tôi dù cô bé không thấy gì nhưng lại rất hào ứng với những bức tranh đó trong khi tôi chật vật miêu tả lại chúng với cô bé.
-Mai mốt, Bin nhìn thấy, nhất định Bin sẽ học vẽ như Chin. Hai vợ chồng mình sẽ cùng bán Kem, Bim bim và vẽ tranh Chin nha.
Tôi toan cự lại vì vẽ tranh vốn là một môn nghệ thuật cao sang và lãng mạn…đi kèm với bán kem thì có vẻ gì đó hơi… lãng xẹt! Nhưng tôi chỉ mỉm cười và đồng tình với Bin… Cô bé cũng cười, nụ cười dễ thương khiến tâm hồn tôi như có dòng suối mát lành mùa hạ chảy qua….
Nhưng tôi đâu ngờ, những buổi chiều ngọt ngào và êm đềm bên người bạn nhỏ đáng yêu đó thật ngắn ngủi.
Hai tháng sau….
Gia đình Bin chuyển đi nơi khác. Theo như lời của người lớn nói chuyện thì cha mẹ cô bé muốn đưa cô đi chữa bệnh. Hôm đó tôi đi học vẽ ở nhà thầy, bé Bin có đến nhà chào tôi nhưng không gặp. Có một chút gì tiếc nuối chợn vợn trong lòng tôi nhưng tôi không buồn lâu. Tôi mừng vì tôi tin đôi mắt của cô bé sẽ được chữa khỏi và Bin của tôi sẽ lại nhìn thấy ánh sáng nhưng cảm giác sắp mất đi người bạn thân yêu, không biết đến bao giờ mới được gặp lại làm tôi thấy buồn bã vô cùng.
Bin đi, mang theo cả cơn mưa mùa hạ của tôi…mang theo cả những buổi chiều hai đứa rủ nhau đi vợt cá cảnh… Mang theo những dịu ngọt và ấm áp của cái ôm chớp nhoáng… Mang theo cả nỗi tiếc nuối về những gì êm đềm nhất của tuổi thơ tôi…
………………………….
Chương 2: Sóng gió.
Từ khi Bin chuyển nhà, tôi mất hẳn một người bạn. Tôi co mình lại trong cái thế giới mà trước đó vẫn có hai người- Tôi và Bin… Mẹ biết tôi buồn khi phải xa người bạn thân thiết nhất nhưng bà cảm thấy lo lắng khi tính tình tôi thay đổi hẳn. Tôi không còn nghịch ngợm như trước, cũng chẳng vòi vĩnh cái này cái nọ để mẹ phải cưng chiều. Tôi sống nín lặng và trốn mình vào cái vỏ ốc xù xì do tôi tạo ra.
Suốt năm cấp hai rồi đến cấp ba, tôi chẳng hề thân thiết với bất cứ đứa bạn nào. Có vài lời xì xầm to nhỏ rằng tôi kiêu căng, cậy con nhà giàu . Nhưng dần dần những lời xì xầm đó biến mất khi ngay cả những đứa thuộc hội nhà giàu trong lớp, tôi cũng chẳng thân thiết hơn là bao. Tôi vẫn tham gia những hoạt động sinh hoạt lớp bằng tài chơi đàn và vẽ tranh cực đỉnh. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy hào hứng với công việc đó dù có tụi bạn dành hết mọi lời xuýt xoa, khen ngợi cho tôi.
JCuộc sống của tôi cứ đều đều trong cái lịch sinh hoạt nhàm chán và vùi đầu vào việc vẽ tranh. Ba tôi hài lòng về tôi. Mọi người khen tôi là một đứa trẻ hiền lành, ngoan ngoãn và biết điều. Chỉ có má- má sợ tôi bị trầm cảm
-Chin.. Sao con không đăng kí đi dã ngoại với lớp?
-Chin… Má đăng kí cho con lớp học bơi rồi đó, chiều mai hai má con mình đi bơi nha.
-Chin…..
Rất nhiều, rất nhiều những công việc nữa mà má vẽ ra nhưng đáp lại từ tôi chỉ có sự im lặng. Tôi không thích chốn đông người. Và tôi nghĩ như vậy cũng chẳng có gì nghiêm trọng lắm. Tôi vẫn bình thường, tôi không bị trầm cảm, chỉ đơn giản- Tôi không ưa sự náo nhiệt…
Những lúc như thế, má thường nhìn tôi thở dài. Trong mắt bà tôi là đứa trẻ có lớn mà chưa có khôn, và cần bàn tay cưng nựng, chăm sóc của má. Nhưng tôi đâu hiểu, có nhiều việc không hẳn đúng như suy nghĩ non nớt của tôi và nỗi lòng của má, tôi hiểu còn quá ít. Nhìn sâu trong mắt má tôi luôn có cảm tưởng như đôi mắt ấy ẩn chứa một nỗi niềm gì đó, má không tỏ cùng ai.
…………..
Gia đình tôi có lẽ sẽ rất hạnh phúc, cuộc sống của tôi có lẽ sẽ rất phẳng lặng nếu không có vài sự kiện làm sụp đổ tất cả mọi định hướng về tương lai phía trước.
Cuối năm lớp 10. biến cố xảy đến với gia đình tôi.
Biến cố bắt đầu từ công ty- nơi ba tôi lúc này đã là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc. Công ty của ba bị kiện tụng về việc buôn lậu và trốn thuế, tất nhiên mọi hướng điều tra của cảnh sát đều tập trung vào ba tôi. Gia đình tôi lúc đó chịu rất nhiều sức ép từ dư luận.
Ba tôi bị buộc từ chức và mọi quyền hạn trao hết vào tay của Phó tổng giám đốc đương nhiệm , để tránh cho công ty khỏi bị phá sản. Toàn bộ vốn liếng của gia đình tôi đem ra trả nợ và cứu ba tôi khỏi cảnh tù tội. Căn nhà tôi ở, má mang cầm cố. Xe hơi, đồ nữ trang, tất cả mọi vật dụng đắt tiền đều được má mang bán để trả khoản nợ ngân hàng kếch xù và khoản thuế còn thiếu.
Tôi bán hết tất cả dàn máy vi tính, xe máy rồi cả điện thoại của mình để bù thêm cho má.. Mười sáu tuổi tôi bàng hoàng nhận ra của cải mà tôi có thật nhiều nhưng dù nhiều đến thế nào, chỉ sau một đêm, tất cả đều mất trắng. Mười sáu tuổi tôi cay đắng nhận ra , những người bạn mà trước đây ba tôi coi như anh em ruột thịt, rồi cả những nhân viên dưới quyền khi ba còn đương nhiệm vẫn hay mang quà đến nhà tôi, đều quay lưng với ba khi ba vào tù. Mười sáu tuổi, tôi hoảng loạn khi không biết rồi đây gia đình tôi sẽ phải sống tiếp ra sao trong những ngày tháng tới…
Nhưng dường như những tâm tư của một đứa trẻ ranh như tôi chẳng thấu nổi tới ông trời. Nối đau cứ chất chồng nối đau. Và biến cố cứ trải dài biến cố…
Buổi chiều hôm đó, khi đi từ tòa án về nhà, lo xong thủ tục thuê luật sư cho ba tôi, chiếc xe trở má tôi đâm phải một chiếc công-ten-nơ đi ngược chiều. Tất cả những người có mặt trên xe, gồm má tôi và chú tài xế đều bị chiếc công-ten-nơ nghiền nát.
Lúc đó tôi đang học trong lớp, tin dữ được cô chủ nhiệm thông báo khiến tai tôi ù cả đi. Và tôi đã lao như điên đến bệnh viện chỉ những mong mọi chuyện không quá trầm trọng như lời cô giáo nói nhưng tất cả đã muộn.
Má chỉ còn thều thào được vài từ trong hơi thở yếu ớt đến đứt đoạn, để tôi đứng đó với nỗi đau cào xé con tim ….Đau…Rát… Buốt nhói…Nước mắt tôi mặn đắng nơi khóe miệng và cổ họng không cất nổi thành lời:
-Má! Má đừng chết! Má đừng bỏ Chin… Má ơi…
-………
-Má….. Má ơi…Chin xin má…. Má chết rồi, Chin biết sống với ai nữa đây… Má ơi…
Từng lời đau đớn của tôi nhận về chỉ là sự im lặng. Má tôi không đủ sức để nói bất cứ điều gì, đôi môi má khô khốc, cố gắng níu giữ những nhịp thở đứt đoạn, rệu rã… Nhưng dường như má vẫn muốn làm điều gì đó cuối cùng…Đôi tay má run rẩy lần xuống túi áo và kéo ra một vật gì đó tôi không thể nhìn rõ khi má nắm chặt trong tay.
-Chin……
Rõ ràng má đã gọi tôi.... Tôi vội nhào tới nắm chặt tay má, lay thật mạnh. Đôi mắt má trợn trừng lên thật đáng sợ, người má gồng lên co giật, nhưng má vẫn cố gắng thả vào bàn tay tôi kỉ vật cuối cùng. Một chiếc đồng hồ nhỏ bằng vàng.
Má tôi đi ngay sau đó…. Các bác sĩ và y tá nhanh chóng chuyển xác má ra khỏi phòng bệnh…
Đám tang của má tôi, trời chợt đổ mưa to…Một vài người đến dự nói rằng cơn mưa mát lành sẽ xua hết đi những tà khí và làm cho linh hồn má mau được siêu thoát..
Tôi không biết mình đã đứng lặng bao lâu dưới cơn mưa để mặc cho những hạt nước li ti làm ướt nhòe khuôn mặt. Nước mắt và nước mưa như hòa vào làm một, mặn đắng nơi khóe miệng tôi, thấm cả vào áo và chảy dài xuống ngực…
Tôi ngẩng đầu lên, đôi mắt dõi thẳng về phía bầu trời, nơi mà tôi tin linh hồn má sẽ được lên trên đó. Bất giác tôi khẽ mỉm cười và dường như phía trên cao kia, má cũng dõi theo và cười với tôi:
-Chin sẽ không bỏ cuộc, Chin sẽ sống và sống thật can đảm, má ạ…
Ngồi lặng đi trong căn nhà trống trải và lạnh lẽo, tôi nhìn chăm chăm lên bức ảnh cả gia đình chụp chung. Má tôi đứng bên cạnh ba, âu yếm đặt tay lên vai tôi và mỉm cười rạng rỡ. Gia đình tôi đấy. Thật sự nhìn vào nụ cười hạnh phúc của má và gương mặt bừng lên vẻ mãn nguyện của ba, không ai nghĩ, gia đình tôi sẽ có ngày này…Cuộc sống vốn chẳng bao giờ êm đềm và mọi biến cố của đời người luôn có thể làm thay đổi tất cả. Ví như lúc này đây, tôi cảm thấy tất cả những gì mình có đều tuột khỏi tầm với và hạnh phúc với tôi sao thật quá mong manh…
Ba tôi đón nhận tin dữ bằng vẻ bình thản đến lạ lùng… Chỉ mấy ngày bị giam, mà gương mặt ba hốc hác hẳn đi, thân hình tiều tụy và mái tóc trở lên bạc trắng. Tôi chỉ có 30 phút để nói chuyện với ba. Hai ba con cứ ngồi im lặng nhìn nhau mà chẳng biết nói gì . Ba ôm khư khư di ảnh của má, khẽ vuốt nhẹ lên tấm kính mờ, cử chỉ đầy vẻ trân trọng…Bất chợt, ba ngước đôi mắt buồn rầu lên nhìn tôi, giọng nói nghẹn ngào:
-Chin…con ơi…Ba có lỗi với con… với má… Ba để cả nhà ta bị liên lụy theo…tội của ba lớn lắm….
-Ba à…-Tôi nắm chặt bàn tay ba- …Chin hiểu mà ba, có ai muốn vậy đâu. Chin chỉ còn mình ba thôi, ba hứa ở bên Chin nha ba.
-Ba thương con, thương má. Ba đã làm cả nhà ta tan nát. Ba không xứng với tình cảm của má con con…Nhưng Chin à, Ba không làm điều già sai trái. Ba hoàn toàn không làm...Người ta hại ba. Bọn họ hại ba...
Tôi nắm chặt tay ba hơn khi thấy ba run rẩy và nước mắt của người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi ứa ra ướt đầm gương mặt sạm đi vì khổ cực. Đôi mắt của ba thẳm sâu một nỗi buồn vô hạn, và cái nhìn thất thần đến ngây dại khiến lòng tôi đau nhói. Ba tôi vốn nghiêm nghị và lạnh lùng, trong công việc và lời nói luôn giữ được sự bình tĩnh. Nhưng giờ đây, phong thái ấy đã chẳng còn mà thay vào đó là sự hoảng loạn của một con người chịu cảnh tù tội… Nhưng tôi biết những lời ba nói với tôi đèu từ sâu cõi lòng ba bởi vì đôi mắt buồn của ông và lời hứa chắc như đinh đóng cột đã nói lên tất cả.
-Chin hiểu. Ba cố gắng vượt qua mọi chuyện nha ba. Sẽ không sao đâu ba. Chin tin ở ba mà.
-… Chin…Con...Ba xin lỗi…
Câu cuối cùng tôi kịp nghe từ ba là như vậy khi người quản giáo yêu cầu tôi ra ngoài. Tôi đi về mà một nỗi buồn nặng trĩu đè trên vai tôi. Rệu rã. Mỏi mệt.
Một tuần sau, vụ án của ba được đem ra xét xử. Rất đông người đến dự nhưng phần nhiều đều chỉ đến vì tò mò và hiếu kì chứ thật sự họ chẳng hề quan tâm hay tỏ ý chia sẻ với gia đình tôi. Thậm chí nhiều người ác khẩu còn cho rằng cái chết của má tôi là báo ứng cho những việc phạm pháp ba tôi làm. Chẳng ai buồn quan tâm hay dành một ánh mắt thiện cảm cho gia đình của kẻ tù tội. Và ba, dù luật sư có cố gắng hết khả năng nhưng tất cả những chứng cứ thu thập được đều chống lại ông. Tất cả chỉ trông chờ vào sự khoan hồng từ phía tòa án. Tôi vẫn thấy ba tôi tỏ ra bình tĩnh, nhưng ẩn sau đôi mắt làm vẻ bình tĩnh kia là một nỗi lo sợ và hốt hoảng tột độ. Thi thoảng ba đưa mắt nhìn sang tôi, đôi mắt buồn và cái nhìn dại đi vì đau đớn khiến tôi như xé lòng.
-Tám năm tù !
Tôi chỉ còn kịp nghe loáng thoáng vài từ khi tòa tuyên án ba. Thân hình cao lớn của ông chợt khuỵu hẳn xuống và đôi vai rung lên bất lực. Ba cúi gắm mặt để tránh những cái nhìn săm soi từ hàng ghế những người tới dự và ống kính máy quay của nhà báo.
Ông chậm rãi bước những bước đầy khó nhọc theo đồng chí cán bộ công an đi vào phía trong để tôi đứng đó nhìn theo bóng ông, chết lặng. Lúc ba tra tay vào chiếc còng số 8, ông khẽ xoay người lại, ánh mắt vội vàng tìm tôi. Và khi thấy tôi vẫn đứng yên dõi theo ông, ba tôi bất giác mỉm cười. Nụ cười của kẻ tù tội những mong sự thứ tha nơi người thân sao mà gượng gạo và buồn thương đến vậy. trông xa, đó chẳng còn là nụ cười nữa mà gương mặt ba như méo xệch hẳn đi để ngăn cho nước mắt ngừng tuôn chảy…
Tôi lách mình đi ra ngoài. Những giọt nước mắt mặn đắng đã ướt đẫm gương mặt từ bao giờ… Phía trước tôi là bầu trời cao vời vợi. Nắng chiếu xiên qua những tán lá mướt một màu xanh tươi mới. Nắng đu mình trải trên mặt đất những vệt vàng tươi, lấp lánh. Nắng cười với tôi mà lòng tôi thì nặng trĩu trong một nỗi buồn da diết…
Rồi đây tôi sẽ phải sống tiếp như thế nào khi hai người thân duy nhất của tôi chẳng còn bên tôi nữa…
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top