Sound horizon - Marchen

Lời nói đầu: Revo-sama từng nói: “Đối với cốt truyện của Sound Horizon, tất cả giả thiết được đặt ra đều là khả thi. Horizon là chân trời, chân trời thì nối dài. Tuy nhiên, khi nhìn ở mỗi góc độ khác nhau, trông chân trời cũng mỗi khác.” Vì vậy, những bài tóm tắt dưới đây cũng chỉ như “bài văn miêu tả phong cảnh” từ góc nhìn của tớ, không thể coi là sự thật hoàn toàn, và hiển nhiên là cũng sẽ chứa không ít lỗ hổng, lập luận thiếu chặt chẽ. Bạn không nên để những dòng viết dưới đây hạn chế trí tưởng tượng và suy đoán của riêng mình khi nghe nhạc Sound Horizon. Trước khi đọc, hãy thử tự mường tượng ra cốt truyện từ “góc độ” của riêng bạn xem. Rồi hẵng đem đối chiếu với các summary dưới đây. Có khi lại tìm được nhiều giả thiết thú vị hơn đấy ^^

[Phần 1] Ido e Itaru Mori e Itaru Ido: Prologue

*Hikari to Yami no Marchen (Chuyện cổ tích về ánh sáng và bóng tối):

Đây là câu chuyện được kể lại từ khía cạnh của Marchen von Friedhof. Marchen chính là hiện thân chứa linh hồn của Marz von Ludowing sau khi cậu rơi xuống giếng chết. Tuy nhiên, khi trở lại trần thế vì nguyên do nào đó mà Elise cho rằng là “để trả thù”, Marchen hoàn toàn chẳng nhớ gì về thân phận của mình trước đó.Trong anh chỉ có những mảng kí ức rời rạc về quãng thời gian sống cùng Therese và làm bạn với Elisabeth, nhưng Marchen không hề nghĩ chúng là kí ức của mình. Vì vậy, anh kể lại những kí ức này ở ngôi thứ ba, như thể mình là kẻ ngoài cuộc, và xem Marz von Ludowing như một cá thể xa lạ.

Marz von Ludowing là con trai của Therese von Ludowing. Từ khi sinh ra, cậu bé đã bị tật nguyền: mắc bệnh bạch tạng và sau đó còn bị mù. Đây có thể là kết quả của mối tình loạn luân giữa Therese với một người cùng trong dòng họ Ludowing. Marz không được chấp nhận làm người kế thừa của dòng họ và hai mẹ con cậu bị trục xuất. Therese cùng Marz sống trong rừng, gần như hoàn toàn tách biệt với xã hội bên ngoài. Trong quãng thời gian ấy, Therese cố học về các loại thảo dược mọc hoang quanh môi trường mình sống để sắc thuốc chữa mắt cho Marz. Dần dà, bà trở nên uyên bác về cách chữa đủ loại bệnh tật bằng thảo mộc, và bắt đầu chữa bệnh cho những người dân trong ngôi làng gần đó. Tuy nhiên, trớ trêu thay, một quãng thời gian sau bà bị đồn là phù thủy.

Cuối cùng, Therese cũng chữa được cho mắt của Marz sáng lại (nhưng không phải bằng thảo mộc, sẽ giải thích thêm ở bài 3). Sau đó, Marz bắt đầu đi lại nhiều hơn. Rồi một ngày nọ, cậu bé tình cờ trèo được vào ô cửa sổ của một căn phòng trong một dinh thự kín. Đó chính là căn phòng của cô bé Elisabeth von Wettin. Elisabeth gần như chưa một lần được ra khỏi phòng (vì một lí do bí ẩn nào đó). Vậy là Marz đã giúp cô bé lẻn ra ngoài để được mở mang tầm mắt. Elisabeth hết sức vui mừng và phấn khởi khi được ngắm nhìn cảnh đẹp của khu rừng gần dinh thự, được thấy “một thế giới thật bạt ngàn”. Những lần cùng nhau dạo chơi như vậy ngày càng nhiều, và tình bạn giữa Marz và Elisabeth cũng càng trở nên thắm thiết. Cả hai có một “nơi đặc biệt” – đó chính là bên cạnh chiếc giếng ngoài cửa sổ tòa tháp trong rừng nơi mẹ con Marz ở.

Một ngày nọ, Therese bảo Marz rằng hai mẹ con không thể ở trong khu rừng được nữa và phải nhanh chóng dọn đi nơi khác. Marz xin mẹ được nói lời tạm biệt với Elisabeth lần cuối. Trong lần gặp gỡ cuối cùng này, Elisabeth đã tặng Marz một con búp bê trông giống mình làm kỉ vật, và Marz đã hứa sẽ “quay lại gặp Elisabeth một ngày nào đó”. Tuy nhiên, trên đường về, Marz bị hai gã săn phù thủy tên Tom và Hans (chú ý hai cái tên này nhé ^^) lừa đưa về nơi ở của mình với lí do “chúng tôi muốn gặp nữ thông thái để chữa bệnh”. Khi chúng đến nơi, Marz bị một gã đẩy từ trên đỉnh tháp xuống giếng, con búp bê bị đốt và quẳng xuống theo. Therese cuối cùng bị bắt và đem đi thiêu sống với tội danh “phù thủy”…

Chuyện kết thúc với câu “Vào khoảnh khắc ngời sáng ấy; nơi có bóng dáng nụ cười của em. Không cần oán giận ai, không run sợ cái chết, ta sẽ gặp nhau ở đấy bằng bất cứ giá nào” – Đây là một câu rất đặc biệt (sẽ phân tích sau ^^), được lặp lại ở Gyoukou no Uta (Bài ca buổi bình minh). Sau đó là câu nói hết sức điển hình của Marchen von Friedhof: “Ta cùng bắt đầu vở bi kịch rửa hận nào.” cùng điệu cười bất hủ (mà mình không tài nào bắt chước được T_T) của Elise…

*Kono Semai Torikago no Naka de (Trong chiếc lồng chim bé nhỏ này):

Câu chuyện kể từ khía cạnh của Elisabeth von Wettin. Trước tiên xin kể sơ về thân phận của Elisabeth. Những điều này là suy luận từ khía cạnh chủ quan của mình cộng với một số tình tiết được nhắc đến trong bài hát, không nên đặt nặng những giả thiết này quá:

Elisabeth thuộc dòng dõi quý tộc von Wettin. Khi còn là trẻ sơ sinh, Elisabeth lẽ ra đã phải chết vì một căn bệnh bí ẩn. Nhưng vì quá đau buồn, mẹ cùng cha cô bé – Walter đã đào mộ Elisabeth lên giữa đêm hôm khuya khoắt để tránh bị dòm ngó, với hi vọng cứu sống đứa bé. Ôm cái xác lạnh ngắt của con gái đến nhà “nữ thông thái” Therese von Ludowing, người mẹ khẩn khoản cầu xin bà cứu lấy con gái mình. Tuy trong lòng có bất an, Therese vẫn chấp nhận cứu Elisabeth, và cô bé đã sống lại. Tuy nhiên, anh trai Elisabeth là một kẻ độc tài. Hắn dọa sẽ làm lộ chuyện Elisabeth sống dậy từ nấm mồ (thời buổi bấy giờ là chuyện lớn đó, cực lớn luôn o.o) nếu người cha – Walter – không nhường cho hắn cái chức đứng đầu dòng tộc. Vì con, Walter đã chấp nhận bị giáng xuống chức hầu cận và phải che đậy danh tín. Để không bị phát hiện về sự “chết đi sống lại” thần kì của mình, Elisabeth phải trải qua thời thơ ấu trong căn phòng đóng kín, hoàn toàn không biết gì về thế giới bên ngoài (được ví như “chim trắng trong lồng”)

Trớ trêu thay, một ngày nọ, Elisabeth gặp được Marz – con trai của chính vị ân nhân đã cứu sống mình thưở trước. Marz dạy cho Elisabeth nhiều thứ về thế giới bên ngoài và đưa cô đi thăm thú cảnh vật. Elisabeth đem lòng cảm mến Marz. Sự xuất hiện của cậu bé trong cuộc đời cô diệu kì tựa như “ánh trăng trên cao” vậy.

Ngày cả hai phải nói lời từ biệt với nhau, Elisabeth tặng Marz con búp bê giống hệt mình với lời nhắn nhủ “xin hãy xem nó như tớ”. Con búp bê ấy sau này trở thành Elise. Khi Marz, trong tay cầm búp bê, bắt đầu quay lưng trở về khu rừng, Elisabeth gọi với theo: “Marz! Nhất định…Nhất định cậu phải quay về gặp tớ nhé.” Và Marz đã đáp: “Ừ…tớ hứa.” Lời hứa đó chính là lí do vì sao Marz, tuy đã rơi xuống giếng, vẫn muốn quay lại thế gian để gặp Elisabeth, thực hiện lời hứa, và đúng là cậu bé đã trở về thật, nhưng lại trong vai Marchen và hoàn toàn chẳng nhớ gì về lời hứa cũng như quá khứ của mình (tương tự Hiver).

Sau cái chết của Marz và Therese, Elisabeth thề sẽ không bao giờ yêu một ai khác ngoài Marz. Về phía người anh độc đoán của cô, hắn vẫn xem đứa em gái mình như cái gai trong mắt – nguy cơ hắn có thể bị mất quyền thừa kế. Thế là Elisabeth bị ép lấy chồng để không còn được mang họ von Wettin, và một cuộc hôn nhân được sắp đặt sẵn…

*Kanojo ga Majo ni Natta Riyuu (Nguyên do người phụ nữ ấy trở thành phù thủy):

Câu chuyện kể từ phương diện của Therese von Ludowing. Thêm một vài giả thiết về xuất thân và cuộc đời của bà:

Therese thuộc dòng dõi von Ludowing, thậm chí là con gái ruột của người đứng đầu. Có thể trong quãng thời gian trước khi bị trục xuất, nàng Therese đã lầm lỡ, dây vào một mối tình loạn luân với chính cha mình và mang thai Marz. (Trích dẫn lyrics: “Một người mẹ và cũng là một người chị…” – ám chỉ việc Therese sinh ra Marz nên bà là mẹ của cậu bé; nhưng cả Marz và Thersese cùng có chung một người cha, nên hiển nhiên Therese cũng sẽ là chị ruột của cậu). Cha Therese có một thê thiếp tên Annelise, và cũng đã có con với người đàn bà này. Bà ta muốn con mình được thừa kế tài sản của dòng họ Ludowing. Tuy nhiên, đứa trẻ bị tật nguyền, lại không phải là con chính thiếp nên hoàn toàn không có quyền. Annelise đâm thù Therese, trong lòng lại bắt đầu dấy lên nỗi sợ rằng con trai bà – Marz – đứa trẻ mang huyết thống Ludowing thuần túy – sẽ trở thành người thừa kế thay vì con mình. Annelise đã mưu hại Therese (có thể là đồn thổi về mối quan hệ giữa Therese và cha ruột), đồng thời đầu độc làm Marz bị mù mắt (vì có giả thiết rằng khi mới sinh ra, cậu bé chỉ bị bạch tạng chứ không mù và vẫn có khả năng trở thành người thừa kế, vì vậy mới bị Annelise ám hại). Thế là mẹ con Therese bị trục xuất ( “Annelise…Tôi hiểu rõ nỗi đau của cô. Dù vậy…Tôi vẫn sẽ không bao giờ tha thứ…” – Therese hiểu rõ cảm giác của người mẹ có một đứa con tật nguyền, bị ruồng bỏ; nhưng không thể tha thứ cho việc Annelise đã hãm hại mẹ con mình).

Trong khoảng thời gian sống trong rừng, Therese học cách chữa bệnh bằng thảo mộc, nuôi hi vọng chữa cho mắt của Marz sáng lại. Bà cũng giúp đỡ những người dân trong ngôi làng gần đó, cưu mang những đứa trẻ mồ côi không nhà vào những đêm đông. Thậm chí bà còn cứu chữa cho cô bé Elisabeth, vốn dĩ đã chết, sống lại, vào cái đêm mẹ cô ôm cái xác lạnh cóng của con gái mình đến nhà bà. Dần dà, Therese được biết đến với biệt danh “Nữ thông thái sống trong rừng sâu”.

Ngoài tòa tháp nơi mẹ con Therese sinh sống có một cái giếng cũ bị bỏ hoang. Ngày nọ, bà bỗng nghe thấy trong giếng có tiếng gọi (“\Người kia có nghe ta nói không…? Nếu vậy thì ngươi có thể tin ta… Nào, giờ thì kéo ta lên đi!/…) Tiếng nói đó chính là của Id (Sẽ giải thích thêm ở dưới, tạm thời hãy cứ hiểu nôm na rằng nó giống như một bóng ma ^^”). Id hứa với Therese rằng nếu bà “kéo nó lên” khỏi cái giếng, nói cách khác, giải thoát cho nó, Id sẽ cho bà năng lực đặc biệt để chữa lành đôi mắt cho Marz. Therese chấp nhận giao kèo, và mắt của Marz sáng lại. Tuy nhiên, chính vì sự kiện này, Therese dần bị đồn là phù thủy. Thế là mẹ con bà buộc phải rời khỏi khu rừng, vì sự an nguy của cả hai, đáng buồn thay là lại đúng vào lúc tình bạn giữa con trai bà và cô bé Elisabeth đang đến hồi đẹp đẽ. Sự việc tiếp theo xảy ra tương tự như trong lời kể của Marchen. Marz bị quẳng xuống giếng và Therese bị bắt đi. Khi phải lên giàn thiêu, bà bật cười thật to một cách đầy mỉa mai trong đau đớn, phẫn nộ: “Hãy nhìn đây! Phải, nhìn vở hài kịch này xem… Nếu sự tình đã như thế này, thì ta sẽ trở thành một mụ phù thủy thực sự, nguyền rủa cõi đời!! …Ahaha…ahahahahaha…ahahahahaha!”

Tiếng thét của bà, theo sau là câu nói “―Và thế là, [Vở hài kịch thứ bảy] sẽ tiếp tục được lặp lại…” nối trực tiếp sang bài đầu tiên trong Marchen – Yoiyami no Uta (Bài ca trong ánh tà dương).

Bonus Track 1: Tereeze、Moshiku ha Eriize no Tameni (Thư gửi Therese… hay Elise):

Đây là bonus track đính kèm trong bản Regular Edition của Ido e Itaru Mori e Itaru Ido (vì bonus track trong 2 bản Regular và Limited khác nhau. Vậy mà mình từng lầm tưởng một cách ngu ngốc rằng chỉ có 1 bonus track duy nhất khi chỉ nghe mỗi bản của Limited, cứ nghĩ Regular không có bonus track. Thậm chí tập bản nhạc của bonus track trong Regular, thấy khác còn tự nhủ: “Ờ, hình như người soạn lại thay đổi chút ít cho phù hợp với piano ý mà” — –“). Một bản piano solo mang giai điệu chính của Ido và Marchen. Giai điệu này chính là chủ đề xuyên suốt câu chuyện. Tựa đề ám chỉ việc sau khi Therese chết, tình yêu thương của bà dành cho con trai cũng như những cảm xúc tiêu cực trong bà đã cùng với tình yêu của Elisabeth dành cho Marz nhập vào con búp bê kỉ vật mà cô đã tặng cậu bé, cộng thêm sức mạnh siêu nhiên của Id trong giếng cũng “ngấm” vào người búp bê; tất cả những cái đó hòa vào nhau, khống chế con búp bê vốn dĩ vô tri, tạo cho nó một “linh hồn”, và Elise đã ra đời. Vì vậy mà đôi khi Elise được xem là hiện thân của chính Therese quay về để báo thù cho bi kịch của mình (là cái việc “ta sẽ trở thành phù thủy thực sự, nguyền rủa cõi đời” mà Therese nhắc đến).

Tuy là hiện thân của tất cả các yếu tố tiêu cực trong thâm tâm một con người, Elise căm ghét loài người, luôn luôn muốn “trả thù” và gieo rắc sự căm hờn khắp mọi nơi để nó được cùng Marchen dựng lên những vở bi kịch ai oán mãi mãi (thể hiện sự thù hận trong chính linh hồn Therese), vì nó yêu Marchen một cách cuồng tín và muốn được ở bên anh “cho đến khi thế giới này bị hủy diệt, không, ngay cả sau khi thế giới bị hủy diệt!” (tình yêu của cả Elisabeth và Therese dành cho Marz).

Bonus Track 2: Kuroki Shi no Shinkou (Sự tràn lan của căn bệnh dịch “Cái chết đen”)

Bonus track trong bản Limited Edition, cũng mang giai điệu chính như bonus track 1 nhưng là một bản hòa tấu violin, viola và cello. Trong track này có lồng hiệu ứng âm thanh tiếng chuột kêu, chỉ sự tràn lan của căn bệnh dịch hạch (thời trung cổ người ta gọi là “Cái chết đen”) mà sinh vật trung gian lan truyền căn bệnh này chính là chuột.

Nguyên nhân sự bùng phát của dịch bệnh được nhắc đến trong track 5 của Marchen – “Sei to Shi wo Wakatsu Kyoukai no Furuido” (Chiếc giếng bỏ hoang nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết). Khi Chi-chan – con gái ruột bà mẹ kế của cô bé nhân vật chính trong “vở bi kịch” (fan gọi cô là Idoko – “Ido” nghĩa là giếng, “-ko” là đuôi theo sau thường thấy trong tên con gái, chỉ việc cô “ngã” xuống giếng chết) – quay về từ “thế giới bên kia giếng” và bị bà tiên Holle trừng phạt vì thói lười biếng: thay vì được phủ vàng như cô chị Idoko chăm chỉ, Chi-chan lười nhác bị phủ trong nhựa cây nhớp nhúa suốt đời. Chính thứ nhựa cây đó đã mang mầm mống bệnh dịch hạnh đến thế giới loài người. Và từ đó, dịch bệnh bùng phát, giết “hằng hà sa số” là người và dựng lên không biết bao nhiêu nấm mồ. Bằng chứng là tiếng chuột kêu trong bonus track này một lần nữa được phát lại vào cuối track 5 trong Marchen để thể hiện sự kiên kết.

*Trivia:

_Id [Ido] không có một thực thể nhất định (không phải ma cũng chẳng phải người) và về cơ bản, mang ý nghĩa biểu tượng. Tuy nhiên, nó lại được nhắc đến như một cá thể có hình thù trong album và thậm chí có khả năng gây tác động to lớn đến hướng đi của câu chuyện. Id tượng trưng cho xung động bản năng của con người và những cảm xúc, yếu tố tiêu cực, điển hình là “lòng thù hận”, cũng như 7 tội lỗi trong Kinh thánh: Thói phàm ăn, Sự tham lam, Lòng đố kị, Sự lười nhác, Lòng kiêu hãnh, Thói dâm dục, và Sự phẫn nộ. Lí do vì sao nó tồn tại trong chiếc giếng cũ bị bỏ hoang là một điều bí ẩn.

_Idolfried Ehrenberg (Trích dẫn track 4 của Marchen: “Tên ta là Idolfried Ehrenberg, các ngươi có thể gọi ta là Ido!”): một nhà hàng hải từng tham gia hành trình cùng Hernann Cortes đến Mexico và chiếm lấy vùng đất này từ tay người Aztec, được nhắc đến trong bài hát LIVE “Conquistadores”(đây là sự kiện lịch sử có thật, cả Hernann Cortes cũng là người thật). Ehrenberg có nghĩa là “Ngọn núi vinh hiển”. Idolfried là cha của cô bé Idoko. Vì lí do gì đó, anh bị ngã xuống giếng và chết. Bề ngoài của Idolfried trông giống hệt Marchen von Friedhof, chỉ khác là tóc anh thay vì đen pha trắng thì lại là vàng, và màu mắt là xanh lục bảo. Sau khi Idolfried chết, xác anh ở dưới giếng đã trở thành thân xác mới cho linh hồn của Marz von Ludowing và Id – trở thành cơ thể của Marchen. Điều đó giải thích vì sao Marchen và Idolfried trông giống nhau đến vậy.

_Sau khi Marz von Ludowing rơi xuống giếng, cậu đã gặp Id. Nó đã đặt ra cho cậu một giao kèo: Nếu Marz chịu để Id “nhập vào người”, cùng chia sẻ linh hồn và cơ thể, thì nó sẽ giúp cậu quay về thế gian thực hiện lời hứa với Elisabeth. Marz đã chấp nhận, và thế là linh hồn của Marz đã hòa với Id rồi nhập vào cơ thể của Idolfried. Một cá thể mới – Marchen von Friedhof ra đời. Đáng buồn thay, Marchen lại chẳng nhớ gì về thân phận mình trước khi đó, kể cả việc thực hiện lời hứa.

_Tại sao bonus track lại có tên “Thư gửi Therese…hay Elise”?? Chắc hẳn ai cũng biết tuyệt tác “Thư gửi Elise” (Fur Elise) của Beethoven. Tương truyền khi bản nhạc “Fur Elise” vừa được phát hành, có người cho rằng nhà xuất bản đã in sai, phải là “Fur Therese” mới đúng (Vì chẳng ai biết Elise là ai, trong khi Therese là tên một người phụ nữ mà Beethoven từng ngỏ lời cầu hôn). Điều này gây khá nhiều tranh cãi trong một thời gian, vì lúc bấy giờ tác giả của bản nhạc – Beethoven – đã mất được 40 năm rồi ^^” (còn có người đổ lỗi tại chữ Beethoven xấu XD). Nhưng cuối cùng tên bản nhạc vẫn được quyết định là “Fur Elise”. Có thể Revo đã đặt tên cho bonus track dựa trên sự kiện này.

~ Hết phần 1 ~

[Phần 2] Märchen

Trừ 2 track đầu và cuối, hầu hết các track còn lại trong album đều dựa trên những câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm. Mình sẽ không kể lại toàn bộ nguyên tác của mỗi chuyện cổ tích mà chỉ nêu tên cụ thể.

Sự trả thù trong mỗi track là hình phạt cho một trong số các tội lỗi sau: “Thói phàm ăn, lòng tham, sự đố kị, sự lười nhác, lòng kiêu hãnh, thói dâm dục và sự phẫn nộ”. Các sự kiện trong Marchen xảy ra sau khi Ido Ido kết thúc. Tuy nhiên, bản thân các mốc thời gian trong chính album này lại hết sức lộn xộn (cứ cho là Marchen von Friedhof biết du hành vượt thời gian đi – -“), thậm chí từng có giả thiết “cả bảy câu chuyện của các nàng công chúa trong Marchen diễn ra vào cùng một đêm”, và còn có nhiều mấu ngoặt, nút thắt rối đến điên đầu khác. Tuy nhiên, bản tóm tắt vẫn sẽ đi theo trình tự track number, có thêm thắt các chi tiết trong phần “Chú thích” để vấn đề trở nên dễ hiểu hơn.

1/ Yoiyami no Uta (Bài ca trong ánh tà dương):

Đầu Yoiyami no Uta dẫn trực tiếp đoạn kết của track 3 trong Ido – Kanojo ga Majo ni Natta Riyuu (tiếng thét của Therese và câu “-Thế là… vở hài kịch thứ bảy sẽ lại được tái diễn”). Sau đó là lời của Therese, tiếp theo là quá trình một phần linh hồn bà nhập vào con búp bê bị quẳng xuống cùng Marz khi cậu rơi xuống giếng – Elise ra đời. Rồi Marchen von Friedhof thức tỉnh với một kí ức trống rỗng, hoàn toàn không nhớ gì về thân phận mình trước đó và cũng không biết về mục đích sự tồn tại của mình. Lúc ấy, Elise đã bảo Marchen rằng “chúng ta tồn tại để trả thù”. Tuy nhiên, trả thù vì điều gì thì bản thân Marchen cũng không nhớ nốt, thế là anh chỉ biết làm theo những gì “Id” mách bảo – đi giúp những con người khác rửa hận, mà cụ thể là 7 nàng công chúa trong album; qua đó gieo rắc lòng thù hận khắp thế gian.

Giữa track có đoạn miêu tả sự hình thành của Marchen von Friedhof: Đoạn đối thoại giữa Marz von Ludowing và Id sau khi cậu bé rơi xuống giếng; Marz chấp nhận để Id nhập làm một với linh hồn mình và cùng chia sẻ cơ thể Idolfried (tiếng hét của Marz chuyển dần thành tiếng hét của Marchen).

2/ Kakei no Majo (Mụ phù thủy bị thiêu sống):

Track 2 dựa trên chuyện cổ tích “Hansel và Gretel”. Tội lỗi được nhắc đến là “Thói phàm ăn”.

Truyện kể theo lời của cô gái nhân vật chính – “nàng công chúa” thứ nhất: Từ thưở nhỏ, cô cùng mẹ sống trong một khu rừng. Vì vậy mà hai mẹ con bị cho là phù thủy và hay bị gán cho đủ thứ tội danh hoàn toàn chẳng liên qua gì đến họ (như “bỏ độc giếng nước”…). Những người bạn duy nhất của cô bé tội nghiệp là muông thú trong rừng.Tuy không có cha và phải sống một cuộc sống túng thiếu, cô vẫn rất hạnh phúc bên mẹ mình. Nhưng một ngày nọ, người mẹ gửi cô vào thành phố cho một tu viện nhận nuôi mà không cho con mình biết lí do. Cô con gái lớn lên trong tu viện, lòng vẫn không ngừng thắc mắc về lí do mẹ “bỏ rơi” mình năm xưa. Rồi khởi nghĩa nổ ra, tu viện bị phá hủy. Cô khăn gói lên đường trở về nhà, vừa để gặp lại mẹ, vừa để tìm hiểu về điều mình luôn mong mỏi được biết. Nhưng khi gặp lại người mẹ, bà chẳng những không nhận ra con gái mình mà dường như đã hóa điên. Bà đòi thức ăn. Khi cô gái không còn thức ăn cho mẹ, bà thẳng tay dùng dao đâm chết con. Và cô con gái chết mà trong lòng mang oán hận: hận người mẹ đã bỏ rơi và thậm chí giết con mình…

Lúc đó, Marchen xuất hiện để giúp cô báo thù. Anh đưa linh hồn cô gái trở về trần thế, về khu rừng nơi hai mẹ con từng sinh sống. Trong rừng lúc ấy có hai đứa trẻ bị bỏ rơi, đó là Hansel và Gretel. Linh hồn cô gái liền điều khiển cho lũ chim trong rừng ăn hết vụn bánh do hai đứa trẻ rải làm dấu vết dẫn đường về nhà. Thế là Hansel và Gretel bị lạc. Cả hai đi loanh quanh trong rừng cho tới khi tìm được một ngôi nhà – chính là ngôi nhà của người mẹ. Bà mẹ lúc này vừa hay tin chồng mình đã chết và được thừa hưởng một số tài sản từ ông ta, có cuộc sống tương đối no đủ, không còn nghèo đói như xưa. Hansel và Gretel đã gõ cửa căn nhà ấy và được bà tiếp đón ân cần, thậm chí cho ăn uống thỏa thích. Tuy nhiên, hai đứa trẻ càng ở lại lâu, Hansel càng ăn nhiều và trở nên béo ra. Gretel bắt đầu lo sợ. Nỗi sợ của cô bé cùng lời thì thầm của linh hồn cô con gái và Id (“Thật nguy hiểm nếu ta không giết mụ…”) đã khiến cho Gretel lầm tưởng rằng người đàn bà sống trong căn nhà đó thực sự là một phù thủy, và bà đã cố vỗ béo hai anh em để ăn thịt. Thế là cô bé đã đạp bà vào trong chiếc lò, thiêu chết “mụ phù thủy” – hành động được Hansel cho là “ngầu hết sức”. Sau khi giết người đàn bà, hai đứa trẻ chiếm luôn căn nhà và thậm chí còn kể cho người bạn của chúng – Tom – về chiến công của mình. Vở bi kịch trả thù đầu tiên kết thúc…

*Chú thích:

_Lí do người mẹ gửi con gái vào thành phố là vì nhà lúc ấy đã gần hết thức ăn. Bà không muốn con phải chết đói liền gửi con bé vào tu viện. Còn lại một mình với số thức ăn gần cạn kiệt, người mẹ dần hóa điên vì đói (có giả thiết cho rằng bà còn bị mù lâm sàng nữa, và đó là nguyên do vì sao sau này bà không nhận ra con). Khi gặp lại con, người mẹ không thể nhận ra nó nữa, bà chỉ còn nhận thức được về cơn đói và nhu cầu tìm thức ăn. Sau khi giết con gái, bà mẹ mới bắt đầu hoàn hồn và hết sức hối hận. Vì vậy, khi gặp Hansel và Gretel, bà đã không ngần ngại đón tiếp hai đứa trẻ và cho chúng ăn thỏa thích, một phần để chuộc lại lỗi lầm mình gây ra và để không phải thấy đứa trẻ nào bị bỏ rơi, bị đói như con gái mình nữa. Trớ trêu thay, việc làm tốt của bà lại bị hiểu nhầm và đem đến cho bà một kết cục đau thương.

_Người bạn của Hansel và Gretel – Tom, gọi Hansel là Hans. Chắc hẳn mọi người còn nhớ Tom và Hans trong “Hikari to Yami no Marchen”. Chúng chính là hai tên săn phù thủy đã đẩy Marz xuống giếng và đem Therese đi thiêu sống. Ngoài ra, câu “Whoa! Trúng số rồi nhé!” của cậu bé Tom trong “Kakei no Majo” cũng giống hệt cậu “Chà! Chúng ta trúng mánh rồi!” của tên Tom trong “Hikari to Yami…”. Giả thiết của mình: Sau khi nghe kể câu chuyện Gretel giết mụ phù thủy, Hansel (Hans) và Tom cũng quyết tâm đi săn cho được một mụ phù thủy. Thế là chúng lớn lên trở thành những tay săn phù thủy với mục tiêu là Therese von Ludowing – mẹ của Marz. Nói cách khác, chính việc Marchen giúp cô con gái trong “Kakei no Majo” trả thù mẹ đã gây ra cái chết của Marz – Marchen/Marz chịu trách nhiệm cho cái chết của chính mình và mẹ mình. Đây chính là mốc thời gian bị xáo trộn đầu tiên trong album ^^”

3/ Kuroki Okami no Yado (Nhà nghỉ của mụ chủ trọ đen tối):

Track 3 dựa trên chuyện cổ tích “Người đàn ông trên giá treo cổ” (The man from the gallows/Der Mann vom Galgen – đây là một câu chuyện cổ Grimm rất ít ai biết đến, và cũng siêu ngắn nữa). Tội lỗi được nhắc đến là “Lòng tham”.

Nhân vật chính – tạm gọi là Buranko – là một cô bé được sinh ra và lớn lên ở một vùng làng quê nghèo đói, nơi mà nhà thờ Công giáo nắm mọi quyền hành. Nhưng rồi cũng tới ngày người dân không thể chịu được cảnh phải sống túng thiếu nữa, họ nổi dậy khởi nghĩa (đây có vẻ như được dựa trên một sự kiện lịch sử có thật mà mình chưa nghiên cứu). Tất cả đàn ông trong làng cầm vũ khí thô sơ ra chiến trường, để rồi chỉ còn một số rất ít trở về. Ngôi làng lại càng rơi vào cảnh túng thiếu do phần lớn những người lao động đã tử trận. Thế là Buranko bị bán vào một thành phố…

Cô được “Nhà nghỉ Cáo Đen” nhận nuôi và trở thành một nữ bồi bàn. Mụ chủ nhà nghỉ là một kẻ biến thái, “không rõ giới tính” và có một cuộc đời “tai tiếng”. Tuy nhiên, món gan hầm mụ làm lại rất đắt khách. Thế nhưng ít ai biết rằng thứ gan mụ dùng để làm món hầm lại chính là gan người – mụ cắt gan của những xác chết bị treo cổ ở pháp trường. Vốn chẳng ưa gì Buranko, mụ chủ quyết định giết và cắt gan cô bé. Thế là Buranko bị treo cổ chết và lá gan cô bị cắt đi làm món hầm.

…Marchen lại xuất hiện để giúp Buranko trả thù. Anh đưa linh hồn của cô về trần thế để đòi mụ chủ “trả lại” gan. Buranko “đòi lại” gan bằng cách cắt đi là gan của chính kẻ đã sát hại mình (*tiếng gõ cửa* “…Trả lại gan cho ta….” rùng rợn…). Vở bi kịch thứ hai đã hạ màn.

*Chú thích:

_ Trước tiếng hô “Theo chân tướng Geffenbauer!!” còn có một đoạn giai điệu nghe rất giống trong Chronicle 2nd, ngoài ra trong Chronicle 2nd cũng có một vị tướng tên Geffenbauer. Những mối liên hệ như thế này trong Marchen khá nhiều.

4/ Garasu Hitsugi de Nemuru Himegimi (Nàng công chúa ngủ trong quan tài thủy tinh):Mình thích track này nhứt XD XD XD

Track 4 dựa trên chuyện cổ tích “Nàng Bạch tuyết và bảy chú lùn” (Snow White/Schneewittchen). Tội lỗi được nhắc đến là “Lòng đố kị”

Mình sẽ chỉ nêu một số điểm cần lưu ý và kết cục thôi (khác Disney hoàn toàn nhé ^^).

…Sau khi Bạch Tuyết (Schneewittchen) “chết” do ăn trái táo độc của Hoàng hậu – mẹ kế mình đưa, Marchen đã giúp nàng công chúa trả thù bằng cách đưa hoàng tử đến với nàng. Mọi chuyện sau đó diễn ra theo đúng kịch bản, hoàng tử đưa công chúa về lâu đài để làm lễ cưới sau khi nàng tỉnh lại do nhả được miếng táo độc ra. Bạch Tuyết cho mời cả Hoàng hậu đến dự đám cưới. Khi Hoàng hậu đến nơi, nàng Bạch Tuyết sai quân lính ép bà mang một đôi giày bằng sắt nung nóng đỏ và nhảy cho tới chết. Vở bi kịch thứ tư khép lại.

*Chú thích:

_Trong track này có một đoạn Bạch Tuyết nói liến thoắng nghe đến chóng cả mặt. Nếu chú ý, bạn sẽ nhận ra rằng chèn ngay sau “bài diễn văn” của nàng công chúa là một đoạn đối thoại khác, hoàn toàn không liên quan gì đến câu chuyện về Bạch Tuyết. Đó chính là đoạn đối thoại giữa Idolfried Ehrenberg và một người đàn ông vô danh về Hernann Cortes. Vì sao nó được chèn ở đó và tung tích của Cortes thì vẫn còn là bí ẩn. Hãy cùng hi vọng tất cả sẽ được tiết lộ ở story cd thứ 8 nào TT^TT *cầu nguyện*

_Sau khi Bạch Tuyết “sống lại” và ra tay trả thù mẹ kế, Hoàng tử có vẻ khá phật lòng về người vợ mới của mình (“Quỷ thần ơi…”). Điều này cộng thêm việc có cùng ca sĩ, sự giống nhau đến kì lạ về ngoại hình và lời thoại của chàng với chàng hoàng tử ở track 6 đã cho ra khả năng: Hoàng tử không thể chịu được sự độc ác của Bạch Tuyết đã bỏ rơi nàng đi tìm “nửa ka” đích thực của mình. Thế là đến track 6, chàng gặp được Người đẹp ngủ trong rừng – người mà chàng cho rằng chính là người đàn bà lí tưởng mình luôn tìm kiếm – và quyết định lấy nàng làm vợ… Có ai từng thắc mắc vì sao chàng hoàng tử này toàn chọn những nàng công chúa đã chết rồi không? =) Giống Ludwig Kakumei ha  )

5/ Sei to Shi wo Wakatsu Kyoukai no Furuido (Chiếc giếng cổ nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết):

Track 5 dựa trên chuyện cổ tích “Bà chúa tuyết” (Mother Hulda/Frau Holle). Tội lỗi được nhắc đến là “Thói lười nhác”. Tuy có giai điệu trong sáng nhất trong toàn album, hình phạt trong track này lại là tàn bạo nhất, tước đi sinh mạng của vô số người…

Sau khi cô gái nhân vật chính (Idoko) trở về từ thế giới của bà tiên Holle (bà chúa tuyết), mẹ kế cô đã sai đứa con ruột của mình (Chi-chan) cũng nhảy xuống giếng, với hi vọng con bé cũng sẽ mang về được nhiều vàng. Tuy nhiên, khác với Idoko, Chi-chan lại hết sức lười biếng: Cô không giúp những trái táo và bánh mì biết nói, cũng không chăm chỉ làm việc khi đến ở cùng bà tiên Holle. Vì vậy mà khi được Holle gửi về nhà, Chi-chan không được nhận vàng làm phần thưởng như cô chị mà lại bị nhựa cây trút lên đầu (đoạn này không được kể chi tiết trong bài hát vì Revo nói: “Dài lắm, mà phần này chắc mọi người đều biết cả rồi.”). Thế là Chi-chan trở về nhà trong bộ dạng lấm láp nhựa cây, và cô sẽ phải sống suốt đời cùng thứ nhựa cây nhớp nhúa ấy – đó chính là hình phạt cho sự lười biếng.

Thoạt đầu ta dễ lầm tưởng rằng: “Chà, thế cũng đâu tệ lắm nhỉ. Ít ra thì lần này không có ai phải chết thảm như ba track trước.” Tuy nhiên, mầm mống của căn bệnh dịch hạch, hay “Cái chết đen”, lại chính là từ thứ nhựa cây do Chi-chan mang về. Căn bệnh ấy tước đi vô số sinh mạng, bao gồm cả của những người trong ngôi làng gần khu rừng nơi mẹ con Marz von Ludowing từng sinh sống. Vậy mới thấy Marchen đã mỉa mai hết sức khi nói “Hình phạt lần này dễ thương đấy chứ”…

*Chú thích:

_Idoko chính là con gái của Idolfried Ehrenberg (“Cha tôi là một nhà hàng hải, nhưng vì lí do gì đó, ông ngã xuống giếng và chết”). Có lẽ đó là lí do vì sao ở đầu track, Marchen nói: “Đây là lần đầu hai ta gặp gỡ, thế thì cảm giác thân quen này đến từ đâu…?” Phải chăng thân xác của Idolfried vẫn còn chứa chút kí ức của anh, và cả tình cảm anh dành cho con gái?

_Lại nói về vấn đề mốc thời gian loạn xạ: Căn bệnh dịch hạch lan tới ngôi làng gần cánh rừng của mẹ con Marz, nhưng lúc bấy giờ, cả Marz lẫn Therese vẫn đang còn sống (vì có khả năng Therese bị nghi ngờ là mầm mống của “tai họa” đó nên mới bị cho là phù thủy) – tức là trước khi Marchen von Friedhof ra đời. Một lần nữa, nếu nói từ phương diện của Marz thì cậu đã tự mang đến cái chết cho cả mình và mẹ, nếu là từ phương diện của Marchen thì anh đã tự châm ngòi cho sự kiện dẫn đến việc mình ra đời (vì dù gì thì Marz và Marchen cũng là một).

6/ Bara no Tou de Nemuru Himegimi (Nàng công chúa ngủ trong tòa tháp hoa hồng):

Track 6 dựa trên chuyện cổ tích “Công chúa ngủ trong rừng” (Sleeping Beauty/Dornroschen). Tội lỗi được nhắc đến là “Lòng kiêu hãnh”.

Đây là một track khá thú vị vì nó thế hiển được một mối liên kết tương đối rõ ràng giữa album Marchen với Elysion và Moira, giống như track 3 có liên kết với Chronicle 2nd vậy.

“Alte Rose” – tên bà tiên thứ 13 trong track này – dịch sang tiếng anh sẽ trở thành “Old Rose”. Vậy Alte Rose chính là Crimson Old Rose trong Elysion – mụ phù thủy già sống trong rừng đã cưu mang cô bé Lafrenze khi cô bị bỏ rơi từ lúc còn là một đứa trẻ sơ sinh. Nếu để ý, ở cuối track 6 này bạn sẽ nghe được cả giai điệu của “El no Ehon: Majo to Lafrenze” trong Elysion (cái đoạn bác Sascha dẫn truyện nói: “Và thế là…nàng công chúa mới chào đời sẽ bị bỏ rơi trong rừng.”). Vậy nếu tóm lại tất dữ kiện trên, ta được mạch truyện như sau:

Sau khi nàng công chúa ngủ trong rừng lấy hoàng tử (hoàng tử giống trong track 4 ), và cũng lại do Marchen von Friedhof đưa đến với công chúa để giúp nàng trả thù), cả hai sinh được một cô con gái. Cô bé đó chính là Lafrenze. Tuy nhiên, do chịu lời nguyền cuối cùng của Alte Rose (“Ta sẽ để lại một lời quyền làm quà lưu niệm. Ahahahaha!!!”), nàng công chúa mới sinh mắc dị tật gì đó, có lẽ là bạch tạng vì Lafrenze có ngoại hình gần như giống hệt El trong Elysion: tóc trắng và mắt đỏ. Vì dị tật đó mà cô bé bị bỏ rơi trong rừng. Trớ trêu thay, chính Alte Rose – Crimson Old Rose lại là người đem Lafrenze về nuôi dưỡng. Cô lớn lên, được bà nuôi dạy trở thành người gác cổng địa ngục. Các sự kiện xảy đến với Lafrenze sau khi Old Rose qua đời chắc ai cũng biết cả. Cô bị Orpheus lừa dối, tước đi sự trong trắng. Khi trinh tiết của người gác cổng cõi âm ti không còn, cánh cổng mở ra, Orpheus nhân cơ hội chạy vào để cứu vợ mình là Eurydice (lúc đó Eleuseus, hay Amethystos trong album Moira cũng nhân thời cơ chạy xuống để tính sổ với nữ thần số mệnh Moira). Lafrenze tức giận giáng xuống Orpheus một lời nguyền. Và khi chàng quay đầu lại để nhìn vợ mình, cả hai vợ chồng cùng bị giam cầm dưới địa ngục mãi mãi.

7/ Aoki Hakushaku no Shiro (Lâu đài của Bá tước xanh):

Track 7 dựa trên chuyện cổ tích “Yêu râu xanh” (Bluebeard). Tội lỗi được nhắc đến là Thói dâm dục. Đây cũng là track “bạo lực” nhất trong toàn album (ngồi trans thôi cũng làm mình nổi hết cả da gà da vịt… – -“).

Theo nguyên tác, Bá tước Râu Xanh trải qua cả thảy bảy đời vợ. Câu chuyện ở đây có lẽ được kể lại theo lời của người vợ thứ sáu, vì như hình minh họa trong booklet thì thi thể của cô là con nguyên vẹn nhất trong số các xác chết bị treo trong căn phòng cấm – tất cả đều là xác những người vợ cũ của Râu Xanh. Khác với các nàng công chúa ở những track trước, Aohigeko (tên gọi tạm của người đàn bà đang kể câu chuyện) không chỉ chất chứa toàn sự hận thù trong lòng, mà nàng còn dành cho chồng một tình yêu thắm thiết, không điều kiện. Thậm chí nàng chấp nhận một cách đầy cam chịu rằng chồng không hề yêu thương mình mà dành tình cảm cho một người đàn bà khác. Tuy nhiên, Aohigeko vẫn chấp nhận để Marchen giúp mình trả thù vì có lẽ đúng là “bản thân lòng thù hận là một dạng tình yêu kì dị”, hay đơn giản chỉ vì nàng không muốn có thêm những cô gái trẻ phải chết dưới bàn tay của người đàn ông tội lỗi là chồng mình. Được Marchen đưa linh hồn về trần thế, Aohigeko đã đến thì thầm bên tai người vợ thứ bảy – cũng là người vợ cuối cùng của Râu Xanh về “một báu vật tuyệt diệu trong căn phòng với chiếc chìa khóa vàng” nhằm kích thích trí tò mò của cô gái. Mọi chuyện sau đó diễn ra đúng theo kịch bản: Người vợ thứ bảy đã mở căn phòng, tận mắt chứng kiến các xác chết và bị Râu Xanh phát hiện. Nàng xin được lên tháp cầu nguyện một lần cuối trước khi phải trở thành một trong số những tử thi bị treo trong căn phòng cấm. Khi ở trên tháp, người vợ thứ bảy rướn người qua cửa sổ kêu thét lên, gọi các anh trai của mình tới cứu. Những người anh đã nhanh chóng ập đến, giết chết Bà tước Râu Xanh và giải cứu em mình. Ngay cả khi chết, tên Bá tước ác quỷ vẫn không ngừng cười một cách man dại…

*Chú thích:

_Trong track 7 có một đoạn Bá tước Râu Xanh trực tiếp hát rằng: “Ta sẽ không bao giờ tha thứ cho lũ súc vật vô ơn đã dám kết tội nàng là phù thủy!” Điều này đã sinh ra nghi vấn rằng người mà hắn nói đến chính là Therese von Ludowing. Vậy Therese sẽ là người tình đầu tiên của Râu Xanh và hắn trở thành cha của Marz. Tuy nhiên, giả thiết này vẫn chưa đủ căn cứ để được hoàn toàn chấp nhận.

8/ Haritsuke no Seijo (Nữ thánh bị đóng đinh):

Track 8 dựa trên chuyện cổ tích “Thánh Kummernis” (Saint Kummernis/Die heilige Frau Kummernis). Tội lỗi được nhắc đến là “Sự phẫn nộ”.

Nàng công chúa thứ bảy và cũng là cuối cùng chính là Elisabeth (lúc bấy giờ đã lớn). Câu chuyện nối tiếp track 2 trong Ido – Kono Semai Torikago no Naka de: Elisabeth được anh trai triệu tới, theo sau là “người hầu” Walter. Vị hôn phu của nàng đã được chọn lựa (tên là Rhein-Pfalz). Anh trai Elisabeth lúc này đã là người đứng đầu dòng tộc bèn phủ nhận mối quan hệ anh em với nàng và buộc nàng phải gọi mình là “Phụ vương”. Tuy nhiên, Elisabeth không chấp nhận cách xưng hô đó, cũng như không chấp nhận cuộc hôn nhân áp đặt vì “nếu phải sống cùng thứ tình yêu giả tạo thì thà rằng chết đi mà chung thủy với sự thật”. Người anh độc đoán nổi giận bèn ra lệnh cho Walter đem Elisabeth đi đóng đinh.

Như thường lệ, Marchen von Friedhof xuất hiện để giúp nàng trả thù. Nhưng bất ngờ làm sao, khác với sáu cô gái trước, Elisabeth đã từ chối sự giúp đỡ của Marchen. Nàng sẵn lòng chấp nhận những tai ương do số phận mang lại, hoàn toàn không oán trách cũng chẳng hối tiếc. Elisabeth đã đưa những kí ức đẹp đẽ năm xưa về trở về với Marchen/Marz. Và sau đó, nàng đã ra đi thật thanh thản, trong tư cách một “Elisabeth” giản dị – một thiếu phụ giản dị, chứ không phải một công nương quyền quý mang họ “von Wettin”, hay một nữ thừa kế “von Sachsen”. Cho đến tận phút cuối, nàng vẫn giữ trọn tấm lòng chung thủy, sống thực với tình cảm của mình…

Ngay sau đoạn “Elisabeth siêu thoát”, track chuyển đến cảnh Marchen và Elise trong rừng. Marchen rảo bước, có vẻ trầm tư suy nghĩ, theo sau là một Elise đang cố níu anh lại và luôn mồm bảo “Đừng tin những gì cô ả kia nói” và “Chúng ta phải tiếp tục trả thù” (vì chỉ khi Marchen cùng Elise tiếp tục đi gieo rắc lòng thù hận thì nó mới có nguyên do để ở bên anh, mà Elise thì muốn ở bên Marchen “yêu dấu” của mình mãi mãi…mãi mãi…). Thế nhưng Marchen có vẻ chẳng quan tâm đến những gì con búp bê nói, anh tiếp tục bước đi, bước đi mãi về phía ánh sáng, mặc cho Elise kêu gào. Elise – cá thể được tạo nên trong bóng tối và bằng những yếu tố tiêu cực – không thể đi theo Marchen, nó đã bị chối bỏ, đồng nghĩa với việc sự tồn tại của nó chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Những nhân tố tạo nên linh hồn của Elise liền bay biến đi mất, và nó trở lại thành con búp bê bình thường…

9/ Gyoukou no Uta (Bài ca buổi bình minh):

Marchen von Friedhof đã tìm lại được những kí ức của mình sau cuộc gặp gỡ với Elisabeth. Điều đó đồng nghĩa với việc anh cũng đã biết được mục đích mình trở về thế gian: không phải để trả thù mà đơn giản chỉ để thực hiện lời hứa với Elisabeth. Nay việc đó đã được thực hiện, Marchen chẳng còn lí do gì để vương vấn ở lại thế giới này nữa. Thế là bản thân anh cũng siêu thoát, linh hồn đi về phía “ánh sáng” để gặp Elisabeth, nơi cả hai cuối cùng cũng được ở bên nhau vĩnh viễn…

*Trivia:

_Các track từ 2 đến 8 trong Marchen được nối thành một chuỗi thẳng qua các yếu tố nhất định được nhắc đến trong mỗi track:

+Track 2 và 3: Thức ăn

+Track 3 và 4: Lá gan

+Track 4 và 5: Táo

+Track 5 và 6: Con suốt

+Track 6 và 7: Phù thủy

+Track 7 và 8: Ngọn giáo

_Tuy kết thúc của “Marchen” thoạt đầu có vẻ trong sáng và có hậu, nhưng nếu “mổ xẻ” sâu hơn ta sẽ thấy được nhiều khả năng khác. Theme của album này là “mặt tối của các câu chuyện thần tiên” (vì vậy mà mỗi câu chuyện trong album có thể được hiểu theo 2 chiều hướng: hiện thực và “thần tiên”. Mình không nhắc đến cách hiểu theo chiều hướng “hiện thực” của mình trong bản tóm tắt này vì đơn giản là nó kinh khủng quá! >”<). Dù vậy, chắc ai cũng nhận ra chỉ riêng câu chuyện của Elisabeth là có kết thúc có hậu và gần như không chứa “mặt tối”. Nếu nói như Marchen trong Yoiyami no Uta – “Tác giả những câu chuyện cổ tích đã dùng những ngôn từ dối trá để dệt nên những ảo tưởng móp méo” – thì cái kết thúc có hậu được bày ra trước mặt chúng ta kia có thể cũng chỉ là một “ảo tưởng”, và sự thật về cái kết của Elisabeth đã bị bóp méo, tức là một cái kết tiêu cực hơn có thể tồn tại, mà chính nó đã bị “tác giả” (Revo chăng?) xuyên tạc đi.

Hơn nữa, ở phần 1 của bản phân tích mình có nhắc đến câu “Giữa khoảnh khắc ngời sáng ấy, nơi có bóng dáng nụ cười của em… Không cần oán giận ai, không run sợ cái chết, ta sẽ gặp nhau ở đấy bằng bất cứ giá nào” được lặp lại ở track 1 trong Ido và track 9 trong Marchen. Ta dễ dàng nhận ra cách Marchen nói câu đó ở hai track trên rất khác nhau. Thế thì khác nào “ở đấy” có thể là hai nơi chốn khác nhau. Đó có thể là một nơi tươi sáng, đẹp đẽ – nơi Elisabeth và Marchen được đoàn tụ nếu ta hiểu theo nghĩa tích cực. Trái lại, đó cũng có thể là “ở đáy giếng” (theo một bản trans mà mình đọc được ở đâu đó, quên khuấy mất rồi – -“, thì có vẻ như có hai cách để dịch câu này), có nghĩa là cả hai mãi mãi bị kẹt trong vòng tuần hoàn, bi kịch của Id… Dù vậy, mình vẫn mong Elisabeth và Mar có một cái kết đẹp và luôn tin vào điều đó.

_Những ai có học nhạc chắc cũng để ý thấy rằng tiếng chuông vang lên giữa mỗi track từ 2 đến 8 trong Marchen (đoạn Marchen xuất hiện sau khi mỗi công chúa chết và nói “Naruhodo, sore de kimi wa…”) được chơi ở nốt Mi (E) giáng. Theo cung bậc âm nhạc kiểu Đức, nốt Mi giáng là “Es”. Mà “Es” trong tiếng tiếng Đức cũng biểu tượng cho “Id” [Ido]! Vậy từ đây ta rút ra được kết luận sau: “Tiếng chuông” = “Es” = “Id” Chú ý công thức này nhé, vì nó sẽ còn được ứng dụng nữa đấy.

_Lại nói đến cung bậc âm nhạc trong tiếng Đức, ở đầu Hikari to Yami no Marchen (track 1 trong Ido Ido), người dẫn truyện nói: “Und nur die His ist übrig geblieben.”, dịch nôm na là “-Và thế là, chỉ còn lịch sử sót lại”, với từ “His” trong câu trên nghĩa là “lịch sử”. Tuy nhiên, nếu tra trong từ điển tiếng Đức, “lịch sử” lại không phải là “His”. Vậy thì vì sao Revo lại mắc một lỗi sơ đẳng như vậy, và nếu được đặt vào câu một cách có chủ đích chứ không phải do sơ suất thì từ “His” kia nghĩa là gì? Trong cung bậc thường, được sử dụng rộng rãi, các nốt nhạc từ Do đến Si được gọi như sau: “C D E F G A B” với “B” tượng trưng cho Si. Tuy nhiên, trong tiếng Đức, các cung bậc trên lại là “C D E F G A H”. Lúc này, Si không còn là “B” mà là “H”. Người Đức cũng thể hiện nốt nhạc được tăng lên một nửa cung bằng cách thêm đuôi “-is” sau nốt nhạc đó. Vậy “Si thăng” sẽ là “His”. Mà “Si thăng” là “Do trưởng”. Nốt nhạc lạc lõng nổi lên ở đầu Hikari to Yami no Marchen (mình đã nhắc đến ở trên) lại chính là “Do trưởng”. Thế thì câu ở trên nên được dịch là: “-Và thế là, chỉ còn Do trưởng (Si thăng) sót lại”.

_Bạn còn nhớ câu “Chuông báo tử gióng lên từng hồi cho một kỉ nguyên. Và những xung động (Id) dần vơi tàn-“ nghe như bị cắt bỏ giữa chừng ở cuối Gyoukou no Uta chứ? Câu đó nối trực tiếp sang đầu Hikari to Yami no Marchen của Ido Ido. Tức là nếu chỉ dịch trên bề mặt, nối cuối Gyoukou và đầu Hikari to Yami lại ta được vế: “Chuông báo tử gióng lên từng hồi cho một kỉ nguyên. Những xung động dần vơi tàn-Và chỉ còn lịch sử là sót lại”. Giờ là lúc ta kết hợp câu vừa tìm được với hai giả thiết về “His” (Do trưởng) và “Es” (Mi giáng) ở trên. Vì “tiếng chuông” = “Es” = “Id” và “His” = “lịch sử”, thế các yếu tố trên vào trong câu, ta được: ““Es” (Mi giáng) dần vơi tàn-Và chỉ còn “His” (Do trưởng) là sót lại.” Ta đã biết “Es” là Id, nhưng “His” tượng trưng cho điều gì thì chưa rõ. Nghĩa là khi “Id” dần biến mất, vẫn còn một điều gì đó (Do “His” tượng trưng) là sót lại. Vậy thì “His” là gì?? o.o Lại thêm một bí ẩn chưa được giải đáp…

~ Hết

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: