NGOẠI TRUYỆN 3

NGÀY ĐẦU GẶP MẶT

Mới khẽ chớp mắt thôi, cuộc sống cấp III đã trôi qua tựa cơn mưa rào...

Và khi mở mắt lần nữa... tôi thấy mình đã trở thành một tân sinh viên đại học.

"Thi phỏng vấn xong nhớ gọi điện báo cho mẹ, Kong nhé."

"Kong tự về cũng được. Mẹ cũng bận nhiều việc ở nhà máy mà."

Tôi thi đỗ vào một trường đại học cách nhà không xa, nhưng mẹ cứ khăng khăng đòi lái xe chở tôi đi học bằng được dù cho tôi có thể chủ động việc đi lại của mình.

Quả nhiên, mẹ lại nài nỉ, "Thôi mà, sắp tới mẹ đâu đưa đón con đi học được nữa đâu. Kong sắp chuyển vào ở ký túc xá rồi."

"Được rồi ạ." Đến đây, tôi đành gật đầu.

Đúng là trường không xa nhà lắm, song do muốn trải nghiệm cuộc sống tự túc độc lập nên tôi xin mẹ cho chuyển vào ký túc xá. Mẹ miễn cưỡng chiều ý tôi. Đây tạm xem như là khởi đầu để tôi bước chân ra ngoài thế giới rộng lớn, giống như chú chim non lần đầu rời tổ, vỗ cánh tập bay, theo lẽ tự nhiên thì chim mẹ sẽ rất lo lắng cho con mình, nên tôi hoàn toàn hiểu được tấm lòng của mẹ.

"Vậy khi nào tan, con sẽ gọi điện cho mẹ ạ"

Điều chỉnh lại quyết định của mình, tôi mở cửa xe bước xuống điểm dừng. Mẹ cười dịu dàng như thể gửi gắm sự động viên dành cho tôi rồi lái xe đi làm. Tôi lặng lẽ nhìn theo, đến khi bóng chiếc xe mất hút.

Cho dù mỗi năm tuổi tôi lớn thêm bao nhiêu đi chăng nữa, thì trong mắt mẹ, tôi mãi chỉ là đứa con trai bé bỏng. Một phần bởi tôi là con út trong nhà, lại là con trai duy nhất mới đỗ đại học còn hai người chị gái đã tốt nghiệp, nên mẹ lúc nào cũng quan tâm đặc biệt đến tôi bất kể công việc ở nhà máy bận rộn nhường nào.

Công ty của gia đình tôi sở hữu nhà máy sản xuất nhựa xuất khẩu ra nước ngoài, quy mô kinh doanh không quá lớn nhưng doanh thu tạm xem là ổn định, số lượng đơn hàng tăng theo từng năm và tương lai hứa hẹn sẽ còn phát triển xa hơn nữa nên buộc phải có người kế nghiệp gia đình. Đó là lý do mẹ muốn tôi đăng ký học khoa Kỹ thuật Công nghiệp.

Tôi băng qua từng dãy nhà trong trường trước khi đến khu vực thi phỏng vấn của khoa. Càng tới gần càng nghe rõ tiếng trống lẫn tiếng hát hò rộn ràng ngay từ dưới đại sảnh, tôi không mất quá nhiều thời gian để nhận biết đương diễn ra chuyện gì.

Khoảng tầm mười sinh viên vận đồng phục áo trắng quần vải đỏ đang đồng thanh tập hát bài cổ động chào mừng tân sinh viên, tiếng hát vang vọng khắp không gian rộng lớn kèm theo vũ đạo nhảy múa nhịp nhàng cùng điệu trống sôi động, chẳng có vẻ gì là mệt mỏi, xa xa là Ban Giám hiệu đứng giám sát. Đương nhiên có rất nhiều ánh nhìn tò mò hướng đến đây và vài người trong số đó lập tức được lôi kéo tham gia cùng.

Thông lệ của các trường đại học là đầu năm học mới tổ chức hoạt động chào đón tân sinh viên. Tuy nhiên tôi không hứng thú với mấy việc như thế, chẳng hồi hộp, cũng không ngạc nhiên, bởi lẽ đã được nghe đến
phát nhàm rồi. Chưa kể, tin tức xuất hiện trên báo chí về hoạt động này cũng chẳng mấy tốt đẹp, tiêu biểu có thể kể đến "nhóm Đàn anh giáo dục".

Tôi chưa từng tìm hiểu về mục đích của chế độ gọi là "SOTUS". Với tôi, nó là cụm từ viết tắt mà sinh viên khóa trên sử dụng để ra oai, đe nẹt đám ma mới năm nhất, bắt họ phải phục tùng và nghe lời rồi viện cớ ấy là truyền thống được kế thừa qua nhiều thế hệ. Chẳng ai thật sự hiểu rõ ý nghĩa của nó cả. Nhiều lần, hoạt động đó đã đi quá giới hạn dẫn đến xô xát, mà nói đâu xa, ngay chính ngành Kỹ thuật Công nghiệp này cũng nổi danh có nhóm Đàn anh giáo dục hung dữ nhất trường.

Hễ nghĩ đến cảnh mình sắp trở thành nạn nhân cho thứ hoạt động này, tôi không ngăn được nỗi chán ngán xộc vào tâm trí, quên bẵng luôn cả hình ảnh đội cổ vũ vừa rồi. Tiến đến bàn đăng ký, điền tên xong, chợt tôi nghe thấy ai đó từ đằng sau gọi mình.

"Á! Phải Kong không?"

"Aim, dạo này mày thế nào?"

Ra là Aim, cậu bạn tôi từ thời cấp III của tôi. Phải nói là không thân lắm nhưng cũng thuộc nhóm chơi được nên chúng tôi quen biết nhau kha khá. Nó cười ngoác miệng vì vớ được người quen đăng ký chung khoa với mình, nhưng ngay lập tức, nụ cười khép lại, dường như nó nghĩ đến điều gì đó nên ấp úng hỏi tôi, "Thế chốt lại là thi vô đây hả? Thấy Tae bảo mày đăng ký học Kinh tế cơ."

Lần này đến lượt tôi im lặng trong giây lát, không phải vì Aim hay Tae. Gần như tất cả bạn bè trong nhóm chơi đều biết tôi thích mày mò mấy con số, được chứng minh rõ ràng trên bảng điểm môn Toán, thậm chí cả điểm Hóa học, Vật lý hay Sinh học cũng đều thuộc ngưỡng cao. Thường thì con người sẽ đạt kết quả tốt nhất cho những môn học mà mình hứng thú, thành thử lựa chọn theo học khoa, ngành nào cũng dựa nhiều trên môn học mà người ta hứng thú trừ phi có lý do ngoại lệ nào đó khiến họ phải thay đổi lựa chọn. Như tôi là trường hợp điển hình.

"Tao phải phụ việc kinh doanh cho gia đình nên học Kỹ thuật chắc sẽ ổn hơn..."

Gia đình là lý do quan trọng nhất.

Sự nghiệp kinh doanh nhựa của gia đình tôi ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt. Về cơ bản hiện nay, tôi đã có thể phụ giúp một vài việc lặt vặt trong dây chuyền sản xuất của nhà máy, nhưng vẫn chẳng thấm tháp vào đâu nếu so với khối lượng kiến thức khổng lồ về hệ thống hoạt động sản xuất công nghiệp mà tôi sắp sửa phải kế thừa trong tương lai gần để để phát triển sự nghiệp kinh doanh tiến xa hơn. Lựa chọn học tại khoa này sẽ là tiền đề giúp tôi san sẻ nỗi cực nhọc cho bố mẹ, để bố mẹ có thể vững tâm truyền lại tâm huyết của mình cho thế hệ con cháu tiếp nối mà không phải lo lắng gì cả.

Chỉ là tự sâu thâm tâm, khi phải chia tay ước mơ của mình thật sự đau đớn hơn tôi tưởng, cảm giác ấy mỗi lần nhớ đến đều khiến tâm can tôi day dứt khôn cùng.

Chắc Aim cũng thấy được nỗi lòng từ nét mặt tôi, nên nó mới xáp lại vỗ vai tôi nhè nhẹ như thể an ủi, "Mày cứ nghĩ cho kỹ vào, chứ đâm đầu đi học cái ngành mình không thích suốt bốn năm trời, tưởng dễ mà không dễ đâu. Cùng lắm nói chuyện lại với bố mẹ thử, dù sao cũng là tương lai của mày."

Nghe vậy, tôi càng nghĩ lung hơn về lựa chọn của mình.

Căn bản, tôi biết nếu đề đạt với mẹ, mẹ cũng không cấm cản tôi. Trên thực tế, mẹ không hề ép tôi học Kỹ thuật, nhưng khi nộp hồ sơ dự tuyển, chính tôi đã lựa chọn bốn ngành học mong muốn mà cả bốn đều không có Kinh tế. Kết quả là giờ đây, tôi sợ lỡ mình trúng tuyển, mình lại không dám theo nó đến tận cùng, có lẽ nỗi lo ấy chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho việc tôi chưa hề sẵn sàng dành bốn năm cuộc đời toàn tâm toàn ý làm một sinh viên ngành Kỹ thuật Công nghiệp.

"Ai đăng ký thi phỏng vấn của khoa thì báo tên xong rồi lên phòng ngồi đợi luôn nhé."

Âm thanh thông báo vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ mê mải, nhắc nhở những ai còn đang đứng dưới đại sảnh hãy di chuyển lên khu vực phòng học để chuẩn bị vào phỏng vấn theo thứ tự bảng chữ cái là vừa. Tên tôi bắt đầu bằng chữ K, chắn chắn sẽ là một trong những số báo danh đầu tiên được gọi. Thế rồi đột nhiên, tôi quay sang nói với Aim rằng, "Mày lên trước thay tao nhé. Tao chạy vào nhà vệ sinh một lát!"

"Ờ, nhanh lên nha!"

Aim có vẻ lo lo cho tôi, ném cho tôi một ánh mắt ẩn ý rồi mới chạy lên cầu thang. Tôi bỏ ra ngoài khu vực khoa, xuyên qua từng đoàn học sinh vội vã chạy theo hướng ngược lại vì chỉ sợ mình lỡ mất giờ đăng ký phỏng vấn, nom thật khác dáng vẻ thủng thẳng đi vào nhà vệ sinh như thể muốn kéo dài thời gian hơn nữa của tôi hiện giờ. Thề có trời, lòng tôi đang rối tung lên được, tựa như đứng giữa ngã ba đường, không biết tương lai của mình rồi sẽ đi đâu về đâu.

Nhà vệ sinh của tòa nhà khá vắng vẻ, chỉ có duy nhất một người đang rửa tay. Tôi vặn vòi rửa tay rửa mặt, mong dòng nước mát sẽ giúp đầu óc mình thông thoáng và khoáng đãng chút đỉnh. Vô thức buông tiếng thở dài thật dài vì lòng dạ quá bức bối, tôi giật mình khi nghe có người chào hỏi:

"Em đến thi phỏng vấn à?"

Tôi quay sang nhìn người vặn vòi nước cạnh mình: Ánh mắt sắc sảo, gương mặt bảnh bao, thoạt nhìn bề ngoài dường như trạc tuổi tôi, song tấm áo sơ mi bên ngoài lại đỏ thẫm và in rõ nét một hàng chữ "We are Engineer", đồng nghĩa đây là đàn anh khóa trên của khoa Kỹ thuật và ắt hẳn cũng là một trong số những người tập chào đón tân sinh viên dưới sảnh mà tôi mới gặp trước đó.

"Dạ vâng" Tôi trả lời thành thật.

Người kia khẽ gật ra chiều đồng tình, "Đừng căng thẳng quá nhé. Toàn hỏi vui vui thôi ấy mà."

Xem ra anh ta đã nhầm tưởng tôi hồi hộp trước vòng thi phỏng vấn sắp diễn ra, trong khi sự thật là tôi chẳng căng thẳng gì với nó cả.

Chưa chờ tôi giải thích, người kia đã thao thao bất tuyệt, "Hồi thi vào khoa, anh bị thầy hỏi nhà có nuôi con gì không, anh mới trả lời nhà có nuôi chó giống Golden. Thầy hỏi tiếp tên nó là gì, anh đáp tên là "Bảy Màu" vì ngày xưa nó dám thò đầu vào bể cả chén gọn con cá bảy màu anh nuôi bao nhiêu lâu. Thầy bật cười rồi chấm anh qua vòng phỏng vấn, bảo ra ngoài chờ kết quả chính thức là xong. Mỗi thế thôi á." Rõ ràng là truyền kinh nghiệm mà anh lại kể bằng giọng điệu hỉ hả đan xen tiếng cười khúc khích, "Thật ra qua được bài thi đầu vào là coi như đỗ rồi, màn phỏng vấn chỉ để xác nhận xem các em có chắc chắn học ngành đó hay không thôi. Không cần căng thẳng quá!"

Tôi ngơ ngẩn nghe câu chuyện mình vốn chẳng định hỏi, nhưng cũng hiểu được người này có ý tốt, muốn giúp mình bớt cảm thấy căng thẳng dù bề ngoài tưởng rất khó tính, đâu ngờ tốt bụng hơn tôi tưởng tượng. Có lẽ xúc động trước lòng tốt của anh, tôi mới buột miệng xin anh lời khuyên về vấn đề mình đang dằn vặt, "Anh ơi, em hỏi ý anh một chút ạ. Tại sao anh chọn học khoa Kỹ thuật?"

"Thì thi đỗ nên anh học thôi."

Nghe đơn giản đến mức như một lời bỡn cợt khiến tôi suýt nữa đánh mất hy vọng sẽ có được lời khuyên giá trị. Nhưng rồi ý nghĩ ấy biến mất ngay lập tức, vì sau đó tôi được nghe anh trải lòng.

"Khi đăng ký thi đầu vào, anh cũng chỉ nộp hồ sơ cho vui chứ chưa hề nghĩ mình sẽ học Kỹ thuật. Anh quan niệm học gì cũng như nhau thôi à."

Thật sự bắt đúng tâm trạng của tôi, hệt như hai con người một số phận. Tôi ngẩng mặt lên, "Tức là anh không thích khoa Kỹ thuật ạ?"

Người đối diện lập tức lắc đầu rồi nhún vai mà rằng, "Cũng không hẳn. Ban đầu phải học hành vất vả, anh cũng thấy nhụt chí, nhưng lâu dần thành quen, bầu không khí của khoa đã giúp anh phấn chấn hơn phần nào."

"Bầu không khí của khoa?"

"Ừ. Không khí ở trường và đặc biệt ở khoa Kỹ thuật - từ thầy cô, bạn bè, các anh chị khóa trên hay đàn em khóa dưới - cho anh cảm giác ấm áp, giống như là... anh cũng không biết diễn tả thế nào nữa, cảm giác như một gia đình vậy."

Chia sẻ của anh làm tôi trầm mặc nghĩ về hết thảy. Chắc sẽ vậy rồi, nhất là từ lúc quyết định trải nghiệm cuộc sống ký túc xá, chẳng mấy chốc, nơi này sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi suốt bốn năm đại học, thời gian nói ngắn không ngắn, nói dài chẳng dài, chung quy vừa đủ để tôi tích lũy kinh nghiệm.

Hơn nữa, tôi cũng không ghét bỏ không khí trường đại học mà trái lại, nhờ chứng kiến tận mắt tấm lòng của các anh chị từ công đoạn đăng ký tên hay tập luyện cổ vũ, tôi càng thấy trìu mến hơn cả. Dù bản thân chưa hiểu rõ về ý nghĩa và mục đích của hoạt động chào đón tân sinh viên này, nhưng ít nhất tôi đã cảm nhận được lòng nhiệt tình từ các anh chị - một phần "ngôi nhà tương lai" của tôi.

"Rồi anh nhận ra học ở đây hay học khoa khác không hoàn toàn giống nhau như anh vẫn nghĩ, bởi mỗi trường, mỗi khoa, mỗi ngành đều có những điều hay cả, tùy thuộc vào lựa chọn của chúng ta mà thôi." Anh kết luận tựa như đã trải qua nhiều biến cố, chẳng thể phủ nhận những gì đã được nhận.

Và một khi chúng ta nhận được gì đó, thì sẽ phải đánh đổi bằng một thứ khác, đồng nghĩa nếu chọn cuộc sống thực tế của gia đình, tôi sẽ phải từ bỏ ước mơ ấp ủ bấy lâu. Đương nhiên trên đời này vẫn có người gánh vác tốt cả hai cái nhưng nó đòi hỏi nhiều thời gian trong khi đã chẳng còn bao nhiêu thời gian cho tôi nữa rồi. Ngay lúc này đây, tôi phải nhanh chóng đưa ra quyết định lựa chọn về con đường sẽ đi.

Cơn day dứt lần nữa le lói trong tâm trí, tôi cầm lòng không đặng, lại hỏi xin lời khuyên cho nỗi rối bời này, "Vậy ý anh là nếu em chọn học khoa mình sẽ là một quyết định sáng suốt?"

"Ờ thì anh cũng không rõ nữa. Lỡ em vào học rồi lại không thấy thích thì cũng là chuyện thường tình mà. Đâu ai nói trước được tương lai!"

Nghe thật chung chung, chẳng thể giúp gì cho tôi lúc này, lại còn khiến tôi do dự hơn chứ. Nhưng nếu tương lai diễn ra theo đúng những gì tôi mơ ước, há chẳng phải đảm bảo cho niềm vui trọn vẹn cuối con đường hay sao?

Tôi khẽ thở dài đánh thượt. Nếu phải đặt lên bàn cân, có vẻ sức nặng đang nghiêng về phía Kinh tế nhiều hơn chút đỉnh, song tôi vẫn chưa chính thức gạch bỏ Kỹ thuật ra khỏi lựa chọn của mình.

Anh kết thúc bằng một câu nói làm tôi sững sờ, "Nếu cho anh lựa chọn lại lần nữa, anh vẫn sẽ chọn học khoa Kỹ thuật... Vì anh thích nơi này"

Đủ giản đơn, mà vẫn đủ mang lại cảm xúc khác biệt, bởi lẽ từ ánh mắt đến giọng nói anh đều đong đầy cảm xúc "thích" đúng nghĩa đen mà chẳng cần thêm câu từ giải thích dài dòng, truyền thẳng vào trái tim tôi, để tôi cảm nhận thật sâu nỗi lòng của người nói.

Bừ rừ rừ rừ!

Tiếng chuông điện thoại reo lên khiến chủ nhân của nó vội vàng bắt máy, nghe qua có vẻ là một người bạn, "Sao vậy Not? Cái gì cơ? Không có trưởng nhóm thì bọn mày cứ tự triển khai trước thôi. Hả!? Anh Tum tới? Ờ rồi, tạo tới liền đây!" Cất điện thoại vào túi quần bò, anh hấp tấp ra hiệu chào tạm biệt.

Tôi vội gọi, "Anh ơi, em cảm ơn anh nhiều!"

Dù chỉ là một lời cảm ơn nhưng thốt ra chân thành từ tận tâm khảm, vì anh chẳng hề biết tôi là ai mà vẫn chịu dành thời gian để khuyên lơn. Anh bước đến gần cửa mà nheo nheo mắt chừng như chưa hiểu lắm, chỉ vỏn vẹn đáp lại, "Có gì đâu mà cảm ơn. Đằng nào em cũng sẽ là đàn em của anh mà. Hẹn sớm gặp lại."

Tôi nhoẻn cười, chào tạm biệt lần cuối. Anh đi thẳng khỏi đây, bỏ lại tôi nhìn theo màu áo đỏ của khoa Kỹ thuật. Một con người kỳ lạ, vội vàng đưa ra kết luận mà chẳng hỏi han suy nghĩ của tôi lấy một lần...

Tôi thở dài khe khẽ, nhưng đã không còn là tiếng thở dài của nỗi mỏi mệt, mà giờ đây, tinh thần tôi như thể đã thoát khỏi tảng đá đè nặng.

Rời nhà vệ sinh rồi quay lại con đường mình vừa định bỏ lại đằng sau, tôi mạnh dạn bước lên cầu thang, tiến tới căn phòng đầy những học sinh đang chờ phỏng vấn. Aim nhận ra tôi, bèn vui vẻ hỏi xen lẫn tiếng thở phào, "Mày trốn đi đâu mà lâu vậy, Kong? Sắp đến số báo danh của mày rồi. Tao tưởng mày đổi ý."

Tôi ngồi xuống cạnh nó, lắc đầu và đáp chắc nịch, "Tao không trốn. Tạo quyết định rồi, sẽ học khoa Kỹ thuật."

"Hả? Tại sao?" Aim hốt hoảng.

Mà cũng chẳng trách Aim được... Chính tôi còn giật mình vì quyết định trong tích tắc của mình nữa là. Cảm xúc nơi tôi giờ đây không còn chút do dự hay rối bời nào nữa cả. Sau cùng, tôi giải thích, chẳng cần phải suy nghĩ nhiều nhặn, "Tao nghĩ là... đến một ngày nào đó, tao sẽ thích nơi này"

Chẳng rõ tôi đã bị lây bệnh vội vã kết luận tự chừng nào, nhưng nếu cuộc đời sinh viên cũng trôi qua trong nháy mắt tựa cơn mưa rào đầu hạ tương tự thời cấp III, thì tôi cũng muốn thử lựa chọn con đường mình chưa từng nghĩ sẽ trải nghiệm.

Kinh tế - ước mơ của tôi - chắc chắn vẫn là điểm đến của tôi nơi cuối con đường. Nhưng tôi chấp nhận ngoặt hướng sang Kỹ thuật, có lẽ không đến nỗi tệ. Biết đâu con đường rẽ lối ấy lại chẳng kinh khủng như tôi nghĩ, giống người anh "nhân chứng sống" vừa chứng minh cho tôi vậy.

Đáng tiếc tôi chưa kịp hỏi tên anh. Không biết lần sau gặp lại, liệu rằng chúng tôi có thể nhận ra nhau hay chăng giữa biển người mênh mông này. Nhưng cũng sớm thôi, tôi sẽ trở thành sinh viên năm nhất, được tiếp bước trên con đường mà các đàn anh, đàn chị đã đi qua với niềm tin tuyệt đối rằng, chúng tôi sẽ gặp lại tại nơi nào đó.

Và nếu ngày ấy đến thì... cảm xúc trong tôi nhất định sẽ rõ ràng hơn.

Cảm xúc vui sướng khi hai ta lại được gặp gỡ, chuyện trò...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top