Chương 23: Nước La tạo phản, Thái Tổ Nguyên Đế hịch văn

Chương 23: Nước La tạo phản, Thái Tổ Nguyên Đế hịch văn

Nước La ở phương Bắc đã phản.

Vì sao nói là phản? Bởi vì trên danh nghĩa, nước La vẫn là chư hầu của Đại Trần.

Năm xưa khi Trung Nguyên loạn lạc vô chủ, nước La từng thúc ngựa rong ruổi đến tận dãy Tần Lĩnh, cùng với người Hán chia đôi hai phương Nam Bắc cai trị hơn bảy mươi năm. Về sau Trần Thái Tổ bình định phương Nam, thân chinh dẹp Bắc, ba mươi vạn thiết kỵ giày xéo non sông, trong vòng mười năm thây chất thành núi, đẩy lui được quân địch ra xa ngàn dặm.

Sau đó nước La xin hàng, lại cắt thêm một ngàn dặm đất. La địch bị đuổi ra khỏi Âm Sơn, xưng làm nước chư hầu.

Nước La sinh trưởng ở vùng đất phía Bắc hoang vu cằn cỗi, chưa được giáo hóa, hiếu sát thành tính, dân tộc như vậy rất khó thuần phục. Khi Thái Tổ còn sống, họ khuất phục dưới quân luật sắt thép của Thái Tổ. Nhưng sau khi Thái Tổ qua đời, lòng lang sói lại trỗi dậy, biên cương ngày càng lỏng lẻo, danh xưng nước chư hầu chỉ còn trên danh nghĩa.

Nhưng hiện giờ, việc nước La dấy binh xâm phạm biên giới với quy mô lớn như vậy vẫn là lần đầu tiên trong vòng một trăm năm qua.

Dân chúng phía Bắc kinh hãi.

Năm xưa phía Bắc Tần Lĩnh bị đặt dưới sự cai trị của nước La, người Hán bị đày đọa như súc vật. Nay nước La lại xâm phạm Bắc phương, như một hòn đá ném xuống dậy ngàn lớp sóng khiến lòng dân xôn xao bất an.

Lời đồn nhất thời rộ lên.

Một tờ giấy được đặt trên bàn của Trần Chấp. "Sau khi nước La xâm lấn, bài hịch văn này gần như lan truyền khắp thiên hạ chỉ trong một đêm, giờ đã công khai truyền đến kinh thành rồi." Thôi Hoài Cảnh nói.

Trần Chấp cúi đầu nhìn xuống, trên tờ giấy có bảy chữ lớn được viết bằng bút lông: Trần Thái Tổ Nguyên Đế hịch văn.

Trần Chấp cầm tờ giấy lên.

"Khi xưa, phía Bắc Tần Lĩnh, non sông Hoa Hạ đều bị La Di chiếm đoạt, ngàn vạn người Hán chết mất gần nửa. Thái Tổ thân chinh dẫn kỵ binh Bắc phạt tiêu diệt quân La, binh mã như mây, chạy nhanh như gió, thế như sấm sét. Dọc đường ai nấy đều mang bình rượu giỏ cơm ra đón quân, cảm kích khóc lóc quỳ lạy trước đế quân minh chủ..."

"Trong vòng mười năm ấy, giày xéo hai ngàn dặm quân địch, vung roi vạch đôi Âm Sơn mà cai trị, ba ngàn vạn thần dân đồng thanh hô "vạn tuế", tự cho rằng từ nay đất nước đã có nơi để nương tựa..."

"Lúc đó La Di chỉ còn tám trăm dặm đất lay lắt, binh tàn tướng mòn, sắp trút hơi tàn..."

"Tám trăm dặm đất đủ để tiêu diệt giặc La, tuyệt trừ hậu họa, ấy thế nhưng Thái Tổ lại không làm..."

"Mang theo cả xe mỹ nữ nước La, chất đầy ngựa mỏi kỳ trân dị bảo, rồi ra lệnh thu binh, khải hoàn trở về..."

"Ngựa Hồ giày xéo người Hán hơn bảy mươi năm, huyết hải thâm cừu, không phải một sớm một chiều có thể trả, Thái Tổ có thể tiêu diệt sài lang ấy thế mà lại không diệt..."

"Thái Tổ cũng xuất thân từ thường dân nghèo hèn. Nhưng nghĩ lại, thật đáng buồn thay! Lòng Thái Tổ lo cho dân đen thực sự kém xa lòng ham muốn kỳ trân mỹ nữ!"

"La Di là gì? Lòng dạ độc ác như hổ sói. Một khi cho chúng cơ hội lấy lại một hơi tàn, còn có thể đứng trên lưng ngựa bắn cung, nhất định sẽ nghĩ đến việc hướng về phía Nam mà bắn khắp thiên hạ..."

"Mà Thái Tổ chỉ quan tâm đến công lao hiện tại, không nghĩ đến bách tính sau này..."

"Ngẫm ra, tai họa đương thời của người dân Trần quốc, thực sự là do Thái Tổ ngày xưa gây ra đó..."

Trần Chấp lắc lắc tờ giấy, lật sang trang sau.

"Thái Tổ Nguyên Đế truyền đến nay đã năm đời, trai tráng khắp nơi đều bị biếm đến biên giới phía Bắc chống địch, ruộng đất bỏ hoang, phụ nữ trẻ em không được nuôi dưỡng, người già và trẻ nhỏ lang thang, côi cút lạnh lẽo đói khát..."

"Mà La Di lại công phá hàng triệu quân đóng ở biên giới như vào chỗ không người, thúc ngựa phi nước đại, mũi tên chĩa vào Trung Nguyên..."

"Quốc lực dồn hết vào biên giới, binh lính Trung Nguyên còn sức để chiến đấu hay chăng?"

"Mà hoàng đế tại vị bỏ bê triều chính, chìm đắm nơi hậu cung, không để ý quốc lực sắp kiệt quệ, sinh linh lầm than..."

"Vua không còn là vua, nước sắp không còn là nước, nhà không còn là nhà, dân có còn là dân hay không? Than ôi!"

Cả Trần Liễm Vụ cũng bị mắng luôn.

Trần Chấp xem xong, đặt bài hịch lên bàn.

"Vài nơi ở Ký châu đã có người mang theo bài hịch đến đập phá miếu thờ Thái Tổ do bách tính lập, ai ra cản đều bị gọi là giặc Trần," trưởng tử nhà họ Thôi nói, "nếu có người đứng trước miếu không chịu đi, thì họ sẽ đánh người sống trước rồi mới đập miếu, có vài người già đã mất mạng vì chuyện này rồi."

Triều Trần thái bình đã lâu, thế hệ ngày nay chỉ nghe danh Thái Tổ, chỉ có những ai đã già mới thực sự có người thân từng được Thái Tổ cứu mạng cứu nhà.

Trần Chấp nhìn Thôi Hoài Cảnh.

"Vừa ăn cướp vừa la làng, thực sự là vừa ăn cướp vừa la làng. Nhà họ Khương bọn chúng nói là chống La nhưng thực ra là nuôi La, bao nhiêu năm nay lấy hết trai tráng của cả nước về dưới trướng mình, giờ lại đổ tội lên đầu Thái Tổ." Thôi Hoài Cảnh vuốt râu nghiến răng.

Trần Chấp giơ tay chỉ, "Râu của ngươi hình như ít đi rồi."

"Gia phụ ở nhà tức đến nỗi ngày nào cũng vuốt râu thở dài." Trưởng tử nhà họ Thôi chen vào.

"Vuốt ra được gì chưa?" Trần Chấp hỏi.

"Đây đều là âm mưu của đám họ Khương." Thôi Hoài Cảnh nói, tay lại vuốt râu, "Thái Tổ là ngọn núi che chở cho nước Trần. Có danh tiếng của Thái Tổ, tính chính danh của con cháu họ Trần sẽ mãi trường tồn. Giờ nhà họ Khương muốn phá đổ ngọn núi này."

"Nước La có thể dễ dàng xâm phạm biên giới như vậy chắc chắn là do Khương Đảng mở cửa đón giặc, hoặc cũng có thể nước La cùng phe cánh của đám họ Khương cấu kết lật đổ Trần triều." Thôi Hoài Cảnh nói tiếp, "Khương Đảng làm vậy là để tạo thế, kích động lòng dân, khi lòng dân loạn, chúng cũng sẽ sẵn sàng tạo phản."

"Cũng vất vả cho chúng giăng ra một bàn cờ lớn như vậy. Bệ hạ giết con trai út nhà họ Khương, Khương Nhất Hải chịu không nổi, lúc này muốn tạo phản nhưng hoàng đế nhà Trần vẫn còn, lòng dân hướng về Trần triều, lúc này mà tạo phản đương nhiên là phải khó khăn hơn một chút." Ánh mắt của trưởng tử nhà họ Thôi sâu thẳm, nói.

"Cái túi gấm kia..." Trần Chấp nhìn trưởng tử nhà họ Thôi, đột nhiên hỏi đến việc quan trọng mà hắn đã giao phó lần trước.

Thôi công tử nghe vậy, liền lấy túi gấm mà Trần Chấp đã giao cho mình từ trong ngực ra, dùng cả hai tay đặt lên bàn, "Lão giả họ Thạch vẫn còn sống, nhưng ông ta nói không quản việc của triều Trần sau này nữa, nhà họ Trần bây giờ... không liên quan gì đến ông ta hết." Thôi công tử ngập ngừng, nguyên văn lời nói của lão Thạch là: Trần gia bây giờ rặt một đám súc sinh.

Trần Chấp im lặng, giơ tay thu lại túi gấm.

Cả căn phòng cũng chìm trong im lặng mất một lúc.

"Bây giờ chúng ta phải làm sao?" Thôi Hoài Cảnh hỏi Trần Chấp.

"Chờ." Ngón tay Trần Chấp gõ gõ mặt bàn, "Nước La đã nhòm ngó biên giới Trần Bang từ lâu, người dân Trần Bang kiêng dè kỵ binh tộc Hồ, trong phạm vi hai trăm dặm từ biên giới hẳn là có quân mà không có dân. Chỉ cần dân chúng không bị thương vong, thì có thể chờ thêm một chút."

Lời này là sự thật, bách tính Trần Bang quả thực đã rút lui vào trong vùng cách biên giới hai trăm dặm.

"Chờ gì?" Thôi Hoài Cảnh và con trai ông ta đồng thanh hỏi.

"Chờ Bệ hạ để ý đến ta," Trần Chấp nhắm mắt lại, giữa hai lông mày thoáng vẻ phiền muộn, "Bàn cờ tiếp theo, nhất định phải mượn tay Bệ hạ mới có thể tiến hành."

Nhưng đã gần một tháng Bệ hạ không đến rồi. Thôi Hoài Cảnh nhìn Trần Chấp đang ngồi sau bàn, giọng nói vô thức nhỏ lại, "Nếu Bệ hạ không để ý thì phải làm sao?"

Trần Chấp không nói gì, tay vẫn gõ trên mặt bàn.

Trong phòng chỉ có tiếng gõ tay, tiếng nối tiếng.

Trần Chấp vẫn nhắm mắt, Thôi Hoài Cảnh chăm chú nhìn Trần Chấp.

Trong đầu Trần Chấp thầm tính toán thời gian, nhắc một câu, "Thế thì chờ cháu trai của ngươi về."

Trưởng tử nhà họ Thôi hình như đột nhiên có chút hoảng loạn, quay đầu nhìn cha mình.

Thôi Hoài Cảnh không hề chớp mắt, trầm giọng nói với Trần Chấp: "Ngươi đừng làm khó lão phu."

Mỗi chữ đều rõ ràng.

Nỗi bất an trong lòng trưởng tử nhà họ Thôi đã bị cha hắn ta nói ra. Họ chỉ nhìn thấy nước La là đám hổ sói, nhà họ Khương cũng là đám hổ sói, mà lúc này người đang ngồi trước mặt họ, nhắm mắt cụp mày...

Ông ta bỗng nhận ra đó mới là người có khí phách lang hổ thực sự.

Thôi Hoài Cảnh chăm chú nhìn Trần Chấp, chòm râu có chút run rẩy. Một bên là di mệnh của Thái Tổ, một bên là cốt nhục của Thái Tổ, nếu người trước mặt thực sự có ý đồ khác với hoàng đế, vậy thì ông ta thực sự là tiến thoái lưỡng nan.

Không chỉ là tiến thoái lưỡng nan, ông ta còn sợ mình đã nuôi hổ thành họa.

Người sau bàn vẫn chỉ gõ nhẹ lên mặt bàn.

"Trần Khoách!" Thôi Hoài Cảnh gọi to.

Quân Trần Khoách lấy trung với vua làm lẽ sống, Thôi Hoài Cảnh quát lớn như vậy là để cảnh cáo hắn đừng quên gốc rễ của mình.

Người sau bàn liền bật cười.

Nhưng mà, ta tên Trần Chấp cơ mà.

Hết chương 23

Quỷ: Giải thích một chút tại sao cha con nhà họ Thôi hoảng hốt, Trần Chấp điều Thôi Hộc đi dẫn binh về kinh thành, nên khi nói chờ Thôi Hộc về có thể hiểu là dẫn binh về đảo chính lật anh Vụ đó =))

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top