Chương 13: Chỉ là hạng nô tài rửa chân cho Thái Tổ mà thôi
Chương 13: Chỉ là hạng nô tài rửa chân cho Thái Tổ mà thôi
Ngày hôm sau, Trần Chấp ngồi trong thư phòng đợi Thôi Hoài Cảnh đến.
Thôi Hoài Cảnh quả nhiên đến sớm, vừa lúc bên Hoàng đế mới kết thúc buổi chầu sáng, ông ta đã mặc y phục thường ngày đến thăm bái.
Không khoác lên người quan phục, Thôi lão chỉ mặc áo vải, đứng trước bàn hành lễ cúi đầu với Trần Chấp, một cái cúi này cúi đến rất sâu.
"Nếu quả thực người là trung thần của Thái Tổ, lão già này một đời nguyện tuân mệnh lệnh, trước kia hẳn có sự bất kính, mong được người tha thứ."
"Ngồi đi." Trần Chấp chỉ tay về phía ghế.
Thôi Hoài Cảnh xương cốt già nua, chống tay lên ghế từ từ ngồi xuống, nhìn về phía Trần Chấp đang ngồi sau bàn. Hôm nay hắn có vẻ lạnh lùng nghiêm nghị, ngón tay chống lên thái dương, nghiêng người trên ghế.
Nếu là những ngày trước, khi Thôi Hoài Cảnh nhìn thấy vẻ nghiêm nghị này của hắn chắc hẳn sẽ tránh xa như sợ cọp. Nhưng hôm nay, ông ta lại cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng, chỉ thấy hắn có uy nghi của thiên tử, đất nước hẳn là đã có hy vọng rồi.
"Trần Quân, lão già này có thể làm gì?"
"Hôm nay có muốn kể chuyện xưa cho ta nghe nữa không?" Trần Chấp hỏi.
"Biết gì xin nói nấy." Thôi Hoài Cảnh đáp.
"Kể cho ta nghe về toàn bộ gốc gác của nhà họ Khương đi." Trần Chấp khép mắt lại.
Nghe đến nhà họ Khương, sắc mặt Thôi Hoài Cảnh lập tức xấu đi, căm phẫn đáp: "Nhà họ Khương này, đối với Đại Trần chẳng có công lao khai quốc, cũng chẳng có công lao dựng quốc. Xét đến tổ tiên, thì chỉ là hạng nô tài rửa chân cho Thái Tổ trong những năm Thiên Nguyên mà thôi!"
Quỷ: Người xưa thường đặt tên cho một giai đoạn trị vì của một vị vua, đó gọi là "niên hiệu", ví dụ như với nước ta thời Lý Thái Tổ trị vì gọi là những năm "Thuận Thiên", thời Lê Hiến Tông trị vì gọi là những năm "Hồng Đức". "Thiên Nguyên" ở đây là niên hiệu chỉ những năm mà Trần Chấp trị vì.
Trần Chấp nghe vậy, dùng đầu ngón tay xoa xoa thái dương.
"Nhưng ả nô tài này ỷ vào vẻ đẹp trời cho của mình, sau tiệc Trung Thu thừa dịp lúc Thái Tổ say rượu đã định trèo lên long sàng. Thái Tổ lúc về già có lòng từ bi mới tha cho ả một mạng, sau đó đuổi ả ra khỏi cung, chỉ phân phó cho làm kẻ hầu thấp kém..."
Ngón tay Trần Chấp dừng lại.
"Ngưng."
Thôi Hoài Cảnh lập tức im bặt. Trần Chấp mở mắt ngó đăm đăm mặt bàn. Hắn có chút ấn tượng đối với ả nô tài mà ông ta vừa nhắc đến. Quả thật đó là một trong những lần hiếm hoi hắn tỏ lòng từ bi. Đêm đó Trung Thu tuổi hắn đã ngả xế chiều, khi thấy ả ta vẫn đương thiếu niên xuân thịnh, trong phút giây động lòng, không nỡ xuống tay, hắn đã phất tay để ả ta đi.
Chỉ một cái phất tay đó, đã quăng đi mất một nửa giang sơn của hắn.
Trần Chấp nhắm mắt lại, đột nhiên cau mày, trong lòng dâng lên một nỗi tiếc hận, không thể kìm nén, đau đớn đến tột cùng.
Trần Chấp à Trần Chấp! Cả đời tính toán, cuối cùng lại chỉ vì tha cho nữ nhi nhà khác một lần mà hủy hoại con cháu nhà mình ư.
"Trần Quân than thở vì điều chi?" Thôi Hoài Cảnh không hiểu sao người trước mặt lại tỏ ra bi thương như vậy bèn cất tiếng hỏi.
"...Ta hận tai họa ấy thế mà lại bắt nguồn từ Thái Tổ. Hắn ta tuổi già thiếu đi mưu trí, một phút yếu lòng mà dẫn đến cơ sự bại nước."
"Trần Quân nói vậy có phần quá nghiêm khắc," Thôi Hoài Cảnh nghe vậy không hài lòng, "Thái Tổ một đời sáng suốt, chưa từng đi nửa bước sai lầm. Chuyện của ả hầu gái nhà họ Khương thì sao lại có thể trách Thái Tổ được? Nếu như con cháu kế vị Thái Tổ cũng giống như Thái Tổ đuổi đám yêu nữ nhà họ Khương ra ngoài, thì làm sao có chuyện nhà họ Khương lại lộng hành đến thế?"
Tay Trần Chấp một bên phủ lên mắt, một bên chống trên bàn, chỉ lặng lẽ lắc đầu không nói gì, để Thôi Hoài Cảnh tiếp tục.
Thôi Hoài Cảnh quả nhiên tiếp tục kể về việc nhà họ Khương vẫn không yên phận như thế nào, âm mưu quyến rũ Trần Nhị Thế của chúng ra sao.
Bầy con của Trần Chấp, trời sinh là tội nợ chứ chẳng phải phúc phần. Hắn tự biết trong đám con cái, chỉ có đứa con trưởng là giống hắn được ba phần, tiếc thay lại hỏng ở cái tính khí nóng nảy, hữu dũng vô mưu. Từ khi tự tay chém đầu con trưởng ở nơi quân doanh, những đứa con thứ về sau của hắn càng khó mà kế nghiệp.
Hắn biết rõ đứa con thứ của mình chỉ có thể trông coi mà không có khả năng mở mang bờ cõi, nên sau khi lập nó làm Thái tử, hắn đã trăm phương ngàn kế lo liệu, nào ngờ vẫn sai một nước cờ.
Thôi thì sau khi hắn khuất núi, đám con cháu đã bị nhà họ Khương trèo lên đầu, đến đời cháu chắt, Trần Chấp chẳng cần phải nghe cũng biết.
Nếu nói Trần Chấp dạy con vô phương, thì cái đứa con vô phương ấy khi dạy con mình, lại càng biến vô phương thành vô độ. Đứa con trưởng do chính nó nuôi dạy, cũng chính là cháu đích tôn của Trần Chấp, bị dạy thành một kẻ hèn nhát nhu nhược, chỉ như bùn nhão chẳng dính nổi lên tường.
Đến khi Trần Chấp băng hà, đứa cháu đích tôn này đã hai mươi mốt tuổi. Hai mươi mốt năm hắn chưa bao giờ được ban một ánh mắt thiện cảm từ ông nội, thậm chí chưa một lần bước vào từ đường bởi Trần Chấp không cho phép.
Thật sự là chẳng có chút khí phách anh hùng nào, làm nhục thanh danh nhà họ Trần!
"Đến đời Trần Tam Thế, hoàng tổ đã tôn Khương thị làm Thái hậu, cưới nữ nhi nhà họ Khương, từng bước đưa lên ngôi vị Quý phi. Khương quý phi hạ sinh long tử, ngài ấy liền phong cha ả ta làm An Quốc Công. Từ đó nhà họ Khương một mình độc tôn trong đám ngoại thích."
Đau đầu, đau đầu quá! Trần Chấp day day trán.
"Nhà Trần xưa nay lập con trưởng làm Thái tử, Khương thị không phải mẹ ruột của tân hoàng, nên để củng cố quyền lực đã một lòng muốn tân hoàng kết hôn với con cháu nhà họ Khương. Mẹ ruột của tân hoàng bị nhà họ Khương hãm hại nên ngài ấy chán ghét dòng họ này, hậu cung không chứa chấp bất kỳ ai mang họ Khương. Than ôi, tân hoàng phúc mỏng mệnh bạc, tuổi vừa ba mươi, nhiễm phải phong hàn, bệnh nặng liệt giường, khó lòng chấp chính. Phái họ Khương nhiếp chính tám năm ròng, mới đưa ấu đế lên ngôi, chính là thánh thượng đương triều bây giờ đó."
Trần Chấp dựa lưng vào ghế, tay đặt trên bàn, ngón trỏ đeo chiếc nhẫn ngọc có màu đỏ rực như máu mà Trần Liễm Vụ đã cất công tìm kiếm trong quốc khố. Lúc này, ngón tay hắn chậm rãi gõ lên mặt bàn, từng tiếng, từng tiếng một, khiến thời gian trong thư phòng như kéo dài ra vô tận. "Phò ba đời vua, tám năm nhiếp chính, tiền tài, quyền binh đều nắm trong tay, quan lại trong triều, e là cũng thu phục được phân nửa rồi chứ nhỉ?"
Trần Chấp nói xong bèn ngẩng đầu nhìn về phía Thôi Hoài Cảnh. Thôi Hoài Cảnh gật đầu, đáp rằng những gì hắn vừa nói không sai một ly.
"Giang sơn như đã nằm gọn trong túi, chỉ một cái chớp mắt là có thể đổi thành họ Khương rồi, Thôi khanh, ngươi nói xem, vì sao nhà họ Khương lại không phản?" Trần Chấp hỏi Thôi Hoài Cảnh.
Nghe câu hỏi này, Thôi Hoài Cảnh vuốt râu, trầm giọng "Thái Tổ truyền đến nay đã năm đời, quốc nghiệp nhà Trần chưa tròn trăm năm. Những nơi mà Thái Tổ khai quốc cai trị hãy còn thanh bình, luật pháp hãy còn nghiêm minh, ân đức hãy còn lan rộng tám phương, lòng con dân vẫn biết quy phục hoàng đế nhà Trần."
"Nay ngoại thích mưu đồ soán ngôi, trái với đạo trời, trái đạo trời thì ắt mất lòng dân, lòng dân oán hận, không chịu khuất phục, quốc nghiệp sẽ không bền. Đó là điều thứ nhất."
"Thứ hai, năm xưa khi Thái Tổ đuổi giặc bắc phạt, binh pháp quỷ quyệt như rắn, khí thế nuốt trời như hổ, uy danh còn vang dội đến tận ngày nay. Mà truyền thuyết về Quân Trần Khoách do chính Thái Tổ chiêu mộ vẫn còn mãi lưu truyền, không một ai biết được gốc gác và quy mô của đội quân này. Nếu Nhà họ Khương khởi binh tạo phản, e rằng lòng quân sẽ sợ hãi, khó bề yên ổn."
"Thứ ba, hiện nay, nước La ở biên giới ngày càng hung hăng. Binh lực cả nước ta đều trường kỳ đóng quân dọc biên giới. Nếu nội loạn xảy ra, binh lính từ biên giới được điều về trong nước, khó mà đảm bảo nước La không nhân cơ hội này xâm phạm biên giới, tiến xuống cướp thành. Vùng đất ngoài núi Tần Lĩnh mất đi biên phòng, giang sơn phía bắc e rằng sẽ rơi vào miệng cọp."
"Thứ tư, quan lại trong triều tuy phân nửa theo nhà họ Khương, nhưng vẫn còn phân nửa là dòng dõi lập quốc trung thành với hoàng đế nhà Trần. Hai phe Khương - Trần chia bè kết phái, nhưng đạo nghĩa thuộc về nhà Trần chứ không phải nhà họ Khương. Phe họ Khương không dám công khai chống đối, dòng máu hoàng tộc vẫn còn đó, chúng vẫn còn phải kiêng dè."
"Thứ năm, phàm là một nước có chủ mà sinh ra kẻ dám mưu phản, nhất định sẽ bị sử sách ngàn đời chỉ trích, phúc đức tổ tiên hao mòn, tai họa sau này sẽ liên tục kéo đến. Dù có cướp được ngôi báu nhưng không danh chính ngôn thuận thì nào còn uy danh gì chứ."
"Có năm điều này, nhà họ Khương chắc chắn không dám tùy tiện tạo phản. Nhiếp chính qua nhiều thế hệ, từ từ thu phục lòng dân - đó mới chính là âm mưu của chúng, đợi đến một ngày nhà Trần hoàn toàn mất đi đạo nghĩa làm vua, rồi trong thời loạn lạc thay đổi cơ đồ, đó mới là thượng sách, danh chính ngôn thuận."
Nghe xong, Trần Chấp cười nhạt, rót một chén trà cho Thôi Hoài Cảnh, đẩy đến trước mặt ông ta.
"Khuông Trần Thôi Gia, quả xứng danh là dòng dõi bề tôi trung nghĩa."
Hết chương 13
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top