Sống thử_tâm sự của bạn gái
Hôn nhân là chuyện hệ trọng của cả đời người, không thể cứ cưới cho xong, cho bằng bạn bằng bè được vì hậu quả nhiều khi không lường hết.
Mình quen một chị bạn, làm cho công ty nước ngoài ở Việt Nam, lương khá, tính hiền lành, dịu dàng, cưới cách đây vài năm. Trước khi cưới, anh người yêu tính tình cũng như bao người bình thường khác. Một tuần gặp người yêu vài lần, chăm sóc, đưa đón, điềm đạm, sống có hiếu với gia đình mình và lễ phép với bố mẹ chị. Hai gia đình biết nhau qua loa, chủ yếu hai người hợp nhau thì cưới.
Đến lúc lấy nhau về, ở cùng bố mẹ chồng. 6 giờ sáng mà chưa ngủ dậy dọn dẹp nhà cửa là bà mẹ chồng chì chiết. Chồng thì yêu mẹ hơn vợ, bất kể mẹ nói gì cũng nghe và mắng vợ. Thậm chí "bệnh hoạn" đến mức, chả hiểu bà mẹ thủ thỉ gì, anh chồng thấy vợ làm cho công ty nước ngoài thì bắt đầu đâm ra ghen, cấm vợ… không được mặc váy đi làm. Đến một ngày "đỉnh điểm" là khi đi làm về, bắt gặp cảnh chồng và mẹ chồng đang đốt hết váy của chị. Lúc này chị đang mang thai tháng thứ sáu.
Tất nhiên hiện tại chị đã ly dị, một mình nuôi con và cảm thấy được giải thoát sau hai năm như sống trong địa ngục. Nhiều lúc mình băn khoăn, liệu có cách nào để những người phụ nữ độc lập và trưởng thành như chị có được một quyết định hôn nhân chín chắn hơn? Phụ nữ ngày nay có quyền được quyết định cuộc sống của mình.
"Sống thử" là một khái niệm mới mà mọi người hay kháo nhau vài năm nay, chính xác bắt nguồn từ định nghĩa của các nhà báo. Khái niệm này theo cách hiểu đơn giản là hai người sống chung với nhau không cần hôn nhân hoặc tiền hôn nhân.
Bản thân từ "sống thử" nghe đã thấy cái gì đó không đúng, mang ý nghĩa tạm bợ nhiều hơn là ý nghĩa thực sự đằng sau của từ này. Đã là sống chung thì phải đường đường chính chính, sao phải "thử", thế nên mình thấy nên chuyển định nghĩa đó sang "sống chung" thì đúng hơn.
Nhiều người hay đùa "phải sống thử, nhỡ đâu vớ phải anh chồng bất lực hay chị vợ lãnh cảm". Thực ra, sống chung trước khi cưới (hoặc thậm chí không cưới) đâu phải là để giải tỏa vấn đề sinh lý mà nguyên nhân sâu xa hơn thế rất nhiều. Đây có lẽ chính là những hiểu lầm lệch lạc dẫn đến vì sao ở Việt Nam vẫn còn nhiều định kiến về khái niệm này. Một khi đã nảy nở tình yêu bền chắc, vấn đề sinh lý dường như chỉ là bỏ thêm gia vị vào tình yêu, chứ không hẳn là yếu tố quyết định hôn nhân.
Mình và "đồng chí xã" cũng từng sống chung trước khi cưới nên cảm thấy bản thân đủ "open mind" để không phủ nhận lợi ích của việc này và cũng đủ bản lĩnh để không làm điều gì người đời có thể đàm tiếu. Ở đây, mình không khuyến khích ai sống chung trước khi cưới hết. Nó có những mặt trái, mặt phải và hơn hết đó là sự lựa chọn, phụ thuộc hoàn cảnh của mỗi người, tùy theo "thuần phong mỹ tục" mà mỗi người tự đặt ra.
Tuy nhiên, nếu một người phụ nữ trưởng thành, có trách nhiệm với bản thân và gia đình, quyết định sống chung với người mình yêu trước khi tiến tới hôn nhân, đó là quyền lựa chọn của họ. Hôn nhân là chuyện hệ trọng của cả đời người, không thể cứ cưới cho xong, cho bằng bạn bằng bè được vì hậu quả nhiều khi sẽ không lường hết.
Phụ nữ ngày nay độc lập hơn xưa rất nhiều, cả về tính cách lẫn tài chính. Vậy không có lý do gì cấm đoán người phụ nữ thoát ra khỏi rào cản phong kiến để tìm kiếm một tình yêu đích thực và một mái ấm gia đình vững chắc cho tương lai. Một tuần gặp nhau một, hai lần, mỗi lần một vài tiếng, chỉ kịp trao nhau nụ hôn và thủ thỉ tâm tình những lời yêu thương, mình tin không đủ để tạo nên một nền tảng hôn nhân gia đình bền vững cho hai người (ngoại lệ có lẽ do may mắn).
Phải tới lúc sống cùng nhau rồi mới có thể nhận thấy hết được tính xấu của nhau, mới có thời gian để hòa nhập để thay đổi, để vượt qua những cái không thể thay đổi và chấp nhận đi tiếp hoặc biết dừng lại chưa muộn.
Bản thân ủng hộ việc sống chung trước hôn nhân (nếu có điều kiện hoặc biết tạo ra điều kiện), mình lại phản đối việc nhiều phụ nữ độc lập thích có con một mình mà không lấy chồng. Sống chung, lấy chồng hay không lấy chồng, đó là quyền của mỗi người. Nhưng tự quyết định có con một mình xem ra là một sự áp đặt. Không có chồng, có lẽ chẳng sao nhưng "ép" một đứa trẻ không có quyền được có cha, liệu ác quá không?
Sao lại để cho đứa trẻ lớn lên với những câu hỏi lớn, những dèm pha từ bạn bè, trường học, hàng xóm láng giềng, mất đi một tuổi thơ trọn vẹn?
Vân Mai
(theo ngoisao)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top