Hồi Thứ Sáu

Thẹn cả thua, Thanh Vạn Trí cầu Hắc Liên Hùng

Đến võ đài, Hồng Đại Lực gặp Bạch Giáp Lang

Nhắc lại bọn Sơn Tòng đêm ấy cứu được Thanh Yến Ngọc về núi, Yến Ngọc quỳ lại đền ơn cứu mạng, nhị vị anh hùng cản lại mà rằng:

- Xin tiểu thư chớ làm như vậy, anh em chúng tôi đã kết nguyền, việc này cũng như việc nhà xin đừng nhọc lòng nghĩ đền việc ơn nghĩa mà chi.

Yến Ngọc tỏ ý muốn cùng Lão bà đến Vân An nương náu, Huỳnh Sơn Tòng can rằng:

- Từ đây đến Vân An đường còn xa lắm, lúc này là còn lúc ly loạn, tứ phương đều có đạo tặc nhiễu hại, tiểu thư là phận gái trong khi lộ hành tránh sao khỏi việc bất kỳ, nếu tiểu thư chẳng chê chốn này là nơi lục lâm thảo khấu, xin hãy ở lại đây nương náu, chẳng nay may thì Bạch hiền đệ cũng đến đây sum hiệp cùng nhau chẳng là lưỡng tiện hơn sao ?

Lão bà nhớ việc Hắc Quang Bảo Tự cũng giật mình nên khuyên rằng:

- Tiểu thư hãy nghe lời Huỳnh đại vương mà tạm ở nơi đây, chờ Bạch Quân đến sẽ tính, chớ đây đến Vân An còn phải mất nhiều ngày đường mụ cũng sợ phòng cơn bệnh cách này, không biết cháu của mụ nó còn ở đó hay không, nếu nó đã đi lánh nạn rồi thi thầy tớ ta phải bơ vơ không nơi đùm đậu.

Yến Ngọc thấy Lão bà cũng một ý như Huỳnh Sơn Tòng, nên nàng cũng thuận tình. Sơn Tòng bảo lâu la dọn dẹp chỗ ở cho Lão bà và Yến Ngọc nghỉ ngơi, sáng ngày Sơn Tòng và Vân hành đang ngồi nhà sảnh bàn luận thế cự địch cùng Hắc Liên Hùng. Bỗng thấy lâu la tuần núi vào báo rằng:

- Có Nhân Đức Thiền Sư đang ở dưới núi, nói là mời nhị vị đại vương xống đó nói chuyện.

Sơn Tòng nói với Vân Hành rằng:

- Quả thật như lời anh đã nói, như lão ấy hiền thì chẳng đến, đến ắt chẳng hiền.

Nói rồi quay lại hỏi lâu la rằng:

- Ngươi thấy lão đi một mình như thường khi, hay là có ai nữa chăng ?

Tên lâu la thưa rằng:

- Hòa thượng đi với hai chục sãi vạm vãi nai nịt hẳn hoi, tùy thân khí giới coi bộ hăm hở lắm.

Lý Vân hành Nói:

- Hắn đi khiêu chiến đây mà, bây giờ đại ca tính nên xuống đó chăng ?

Huỳnh Sơn Tòng nói:

- Hắn đã đến đây ta lẽ nào giấu mặt nếu lánh đường đao kiếm sao gọi đấng anh hùng, vậy hiền đệ hãy lấy đạo linh phù của anh cho khi trước giắt vào mái tóc mà phòng việc binh đao, rồi cùng anh xuống núi coi qua nói chuyện ?

Lý Vân hành gật đầu rồi hỏi rằng:

- Ta cũng nên đem lâu la theo nữa chớ ?

Sơn Tòng nói:

- Hắn đem theo hai chục sãi, thì bọn ta cũng đem theo hai chục lâu la mà thôi.

Nói rồi truyền đánh trống tụ binh lâu la các trại tụ đến đủ mặt, Lý Vân Hành chọn hai chục tên cường tráng nai nịt sẵn sàng dàn ra trước trại. Huỳnh Sơn Tòng dạy bọn lâu la thủ trại rằng:

- Bọn ngươi hãy dự bị cây gỗ và cung tên cho sẵn sàng, nếu anh em ta bại trận mà lão ấy rượt theo thì chúng bây phải tới giúp sức.

Bọn lâu la đồng y lệnh chia nhau lo chuyên vận cây gỗ và mai phục cung tên, Sơn Tòng và Vân Hành nai nịt hẳn hoi, mỗi người cầm một cây đao dẫn lâu la xuống núi, lại dặn dò nếu hòa thượng bại trận chớ đuổi theo. Hắc Liên Hùng đang đứng đợi chờ, bỗng thấy Sơn Tòng và Vân Hành kéo lâu la xuống bèn bước ra đứng giữa đường còn bọn sãi dàn ra sau lưng. Huỳnh Sơn Tòng thủ lễ bái Liên Hùng một bái và hỏi giã lã rằng:

- Chào hòa thượng, xưa rày vắng mặt sang chơi, tôi lấy làm hoài vọng nay thế rảnh rang nên mới quá bước đến tệ trại, vậy xin mời lên núi sẽ cùng nhau đàm đạo.

Hắc Liên Hùng sầm nét mặt xuống trả lời rằng:

- Bổn tăng đến đây để hỏi thăm việc lôi thôi, chẳng hay đại vương có ý gì mà đem lâu la đông đảo như vậy ?

Lý Vân hành nói:

- Hòa thượng đem các sãi theo thì chúng tôi cũng đem theo lâu la chứ, hai bên cũng đều tùy thời thế mà làm, có lạ gì mà hỏi.

Hắc Liên Hùng ngó Vân Hành lườm lườm hỏi rằng:

- Bổn tăng nghe đâu nàng mỹ nhân tại ngục Bá Hoa đã mọc cánh mà bay lên sơn trại rồi phải chăng?

Lý Vân hành nói:

- Nàng mỹ nhân ấy không có mọc cánh chỉ có phép đằng vân mà thôi.

Hắc Liên Hùng thấy Vân Hành nói như vậy thì tức giận bừng bừng, điểm mặt mà nạt rằng:

- Ta cùng ngươi thuở nay nay chưa hề xích mích sao ngươi lại trở lòng dám chiếm đoạt mỹ nhân của ta ?

Sơn Tòng gượng cười và dùng lời nhỏ nhẹ nói rằng:

- Hòa thượng ôi, thuở nay hòa thượng làm việc gì chúng tôi cũng không dám can dự, nay nàng này là vị hôn thê của người bạn thân thiết của tôi, xin hòa thượng vị tình tôi mà phóng xá cho.

Hắc Liên Hùng nạt đùa rằng:

- Nếu có việc như vậy, sao bọn ngươi chẳng thương nghị với ta, để làm chuyện ám muội như vầy có phải là khinh rẻ ta chăng ?

Sơn Tòng nói:

- Chúng tôi cũng có chủ tâm như thế, song e hòa thượng chấp nê chẳng chịu nạp lời, nên thà làm quấy trước, nay chịu lỗi sau xin hòa thượng cũng nên phì cười mà bỏ qua việc này thì chẳng mất niềm hòa hảo.

Hắc Liên Hùng nạt rằng:

- Bọn ngươi dám quấy trước, ta cũng biết rửa hờn sau, nay ta hỏi quyết một lời bọn ngươi chịu giao nàng ấy cho ta hay không thì nói phứt đi.

Lý Vân Hành thấy Sơn Tòng hạ mình nhỏ nhẹ khuyên lơn, mà Liên Hùng cứ lên giọng thì sẵn tức thì nổi giận hét rằng:

- Nàng ấy đã đi Hương Cảng hồi hôm qua rồi, bây giờ ngươi muốn tìm thì hãy qua đó đi mà tìm lấy.

Hắc Liên Hùng cả giận rút gươm hét lớn rằng:

- Đồ tiểu khấu, trong thế ngươi muốn thử gươm báu của ta à ?

Lý Vân Hành nói:

- Lão ác tăng, ai mà sợ cây gươm ngươi chớ ta có sợ chi, ngươi biết thử gươm, còn ta lại không biết thử đao sao ?

Liên Hùng nghe nói xúc tâm cả giận, múa kiếm đi tới chém Vân Hành, Vân Hành tránh khỏi rồi chém trả lại, được năm chục hiệp, Hắc Liên Hùng liền bấm sợi chỉ thứ tư nơi cán kiếm, tức thì mũi kiếm xông ra một đạo khói đen, rồi quơ múa giáp vòng lẹ như chong chóng, chỉ thấy hắc quang bao phủ chớ không thấy dạng người. Lý Vân Hành bị hắc quang chói mắt, song nhờ đao pháp tuyệt diệu nên đứng một chỗ loạn đao che chở, Liên Hùng chém không được, Sơn Tòng thấy Vân hành có bộ đỡ không có bộ đánh, sợ phải rủi ro, bèn múa đao nhảy vào trợ lực bọn sãi áp vào binh hoàng thượng, bọn lâu la cũng xông đến tiếp đại vương, hai bên đồng ráng sức tranh đua, thật là quỷ chùa không nhường giặc núi.

Hắc Liên Hùng một mình cự Sơn Tòng và Vân Hành đánh hơn trăm hiệp, cây kiếm như phụng múa rồng bay, hai vị anh hùng tuy chưa mệt sức, song bị hắc quang chóa mắt không dám đánh lâu, bèn rút chạy dài, bọn lâu la cũng đua theo bén gót, Hắc Liên Hùng rượt theo hét lớn rằng:

- Bọn ngươi chạy đâu cho khỏi, hãy coi kiếm báu lấy đầu.

Liền bấm sợi chỉ thứ bảy nơi cán kiếm rồi cầm chỉ ngay đầu Vân hành, liền thấy lằn hắc quang bay theo vần vũ trên đầu chàng, không ngờ trên đầu Vân Hành có bùa linh nên hắc quang bay trở lại, Liên Hùng lại chỉ ngay Sơn Tòng thì hắc quang cũng dội lại như trước, Hắc Liên Hùng lấy làm lạ không rõ tại sao mà Hắc Quang Bửu Kiếm không linh nghiệm song cũng không bỏ cứ việc rượt theo quyết lên sơn trại cướp mỹ nhân cho được. Bọn Sơn Tòng đã quen đường núi nên chạy riết qua khỏi mấy vòng cây gỗ rồi đừng lại ngó xuống thấy Hắc Liên Hùng dẫn bọn sãi rượt lên nửa chừng, Lý Vân Hành kêu lớn rằng:

- Bớ lũ trọc kia, bọn bây muốn lên núi này thì trước phải học phép đằng vân đi đã.

Nói rồi truyền lâu la giật dây lăn gỗ xuống ầm ầm, Hắc Liên Hùng cả kinh la lớn rằng:

- Các phụ hãy chạy cho mau kẻo gỗ đè.

Nói rồi chạy xuống núi, bọn sãi cũng giông theo, đến chân núi thì gỗ cũng theo bén gót, bọn Sơn Tòng đứng trên núi thấy bọn Liên Hùng đâm đầu chạy xuống như bay thì vỗ tay cả cười, đoạn truyền thêm gỗ lại cắt phiên cho lâu la canh giữ nghiêm ngặt mà phòng Hắc Liên Hùng. Các việc xong rồi, anh em cởi giáp nghỉ ngơi chừng ấy Lý Vân hành mới le lưỡi lắc đầu nói rằng:

- Nay tôi mới biết cây kiếm ấy là lợi hại, còn Hắc Liên Hùng quả nhiên thủ đoạn phi thường.

Sơn Tòng nói:

- Liên Hùng học được nhiều miếng bí truyền của gia sư thúc, trừ Bạch Giáp Lang ra thì không ai đối thủ, bây giờ chúng ta hãy nhẫn nhịn chờ chàng đến sẽ hay.

Còn Hắc Liên Hùng thấy bọn Sơn Tùng đã dự bị đề phòng liệu thế khó lên núi, phải dẫn bọn sãi về chùa. Qua ngày sau lại đến khiêu chiến mà chửi mắng đến điều, mà bọn Sơn Tòng cũng giả điếc, cứ việc ăn uống vui chơi không thèm xuống núi, Hắc Liên Hùng lấy làm tức tối, song cũng chẳng biết làm sao, lại phải trở về chùa buồn bực chẳng vui. Qua ngày thứ ba, Hắc Liên Hùng vừa muốn dẫn bọn sãi lên Thái Hành Sơn khiêu chiến nữa, bỗng có tiểu tăng vào báo rằng:

- Có quan tổng binh ở Đăng Châu đến viếng.

Hắc Liên Hùng vội vã bước ra nghinh tiếp, thấy Thanh Vạn Trí đi trước, lại có bốn tên quân khiêng lễ vật theo sau, Liên Hùng chắp tay làm lễ rước thẳng vào phương trượng trà nước xong xuôi, Hắc Liên Hùng hỏi rằng:

- Đại nhân ở Đăng Châu đến tệ am thăm bần tăng hay là có việc chi chăng ?

Vạn Trí đáp rằng:

- Bổn quan đến đây trước là thăm lão sư, sau khẩn cầu một việc.

Nói rồi truyền quân khiêng lễ vật đến ghế rồi vòng tay nói rằng:

- Bổn quan rất căm hận thằng thất phu Huỳnh Sơn Thạch, nó chiếm cứ Hà Điệp lãnh mà đối đầu với bổn quan làm cho bổn quan mấy phen giao chinh đều bị thất bại cả, thiệt là nhục nhã với bạn đồng liêu, nay nhe được lão sư ở quý tự này nên chẳng nài xa xôi đến đây trước dâng chút lễ hèn, sau xin lão sư ra thần oai vì nước cứu dân, trừ khử thằng nghịch ấy.

Hắc Liên Hùng thấy trên bàn lễ vật la liệt những ngọc ngà châu báu và vàng bạc rất nhiều thì có lòng mừng bèn nghĩ thầm rằng: "Ta ở đây bị bọn Thái Hành Sơn khi dễ, mà ta không phương rửa hận vì thế núi rất hiểm, âu là ta nhân dịp này xuống Đăng Châu trợ chiến vài ngày cho khuây bớt tầm lòng căm tức. Bọn Vân Hành thấy ta vắng mặt chắc cũng sơ sót trong việc quan phòng, chừng ấy ta lẻn về chùa sẽ thừa cơ lên núi ắt chúng nó chẳng kịp trở tay." Nghĩ rồi đáp rằng:

- Thằng súc sanh Huỳnh Sơn Thạch nó là đồ đệ của bần tăng, từ nơi Khánh Vân Tự nó xúc phạm đến bần tăng rồi trốn mất, tôi cũng muốn tìm kiếm mà tru diệt đứa bội sư, song chưa có dịp rãnh, không dè nó lại quấy rối trong địa phương của đại nhân, nay đại nhân đã có lòng sỡ cầu đến bần tăng đâu dám phụ tình, vậy đại nhân hãy ở tạm lại tệ am ngơi nghỉ một đêm nay rồi mai sáng sẽ lên đường.

Thanh Vạn Trí thấy Hắc Liên Hùng chịu đi, thì trong rất đẹp bèn từ việc cầm cọng mà rằng:

- Thành Đăng Châu là nơi yêu địa nếu sơ sảy thì tội bản quan chẳng nhỏ, vả lại lúc này bọn Hà Điệp Lãnh đương công kích luôn luôn, bổn quan e quân sĩ bê trễ việc quan phòng, xin lão sư hãy tính việc lên đường cho kịp con nước, vì có thuyền chực sẵn tại mé sông.

Hắc Liên Hùng thấy Vạn Trí đã hết lời, bèn thâu cất lễ vật, kêu các sãi phó thác việc chùa, lại bảo Như Mai sắp đặt hành lý đặng đi cùng lão. Như Mai có lòng mừng thầm nghĩ rằng: "Họa may là trời xui khiến có cơ hội ta báo cừu tiết hận đây chăng?". Sắp đặt an bày, nội bọn vầy nhau xuống thuyền nhắm Hàng Châu tách dặm.

Xe ngựa xôn xao, tàu bè xan xát, lầu đài cao chất ngất, phố xá cất dọc ngang, đèn điện sáng choang, chiếu rạng non sông màu cẩm tú, áo quần lè loẹt, điểm tô vỏ trụ vẽ thanh kỳ. Hương Cảng cũng thuộc về địa phận Trung Quốc, trước kia vẫn là một cái hải cảng to tát, nay thuộc quyền nhượng địa Hồng Mao, lại càng thêm náo nhiệt phồn hoa, trong lúc cách mang và Triều Thanh xung đột, khắp vùng trong nước Trung Hoa đều rối rắm lung tung, duy chỉ có nơi đây giữ phần trung lập nên nhân dân được vô sự an nhàn, bởi vậy các nhà tư bản cùng những kẻ hào hộ trong các tỉnh đều di cư đến đây mà lánh nạn đao binh. Bạch Giáp Lang từ khi thoát nạn nơi Đăng Châu, thì ngày đêm dung ruổi, đội nguyệt mang sao, chẳng mấy ngày thì đến Hương Cảng, chàng tìm được tiệm thuốc Tái Sanh Đường, gặp chú là Bạch Xuân Thành đang nương đậu nơi đó, chú cháu nhìn nhau mừng mừng tủi tủi, Bạch Giáp lang thuật việc Bạch Thiên Kim đã tại Đăng Châu, Xuân thành nghe nói bi thiết thảm thương, giậm chân than khóc. Người chủ tiệm đương là em vợ của Xuân Thành thấy tình cảnh hai chú cháu như vậy cũng động lòng, bèn kiếm lời khuyên và dọn cơm nước đãi đằng, Bạch Giáp lang nhân khi vắng vẻ, bèn thuật việc mình đã trừ bọn Xích Đầu Đảng, lại giết cha con Trương tri huyện cho Xuân Thành nghe, ông cũng hả hớt lòng căm tức.

Ở được hai ngày, Bạch Giáp Lang đi dạo khắp phố phường, đàng này sang nẻo nọ, có ý kiếm Sơn Tòng và Đại Lực, song không thấy tăm dạng chi cả trong lòng lấy làm buồn bực. Cách ít ngày ngày sau nghe thiên hạ truyền ngôn rằng:

Tôn Trung Sơn đã trở về nước, hiện đương khởi nghĩa tại Quảng Đông, thanh thế lần này lại càng mạnh mẽ bội phần.

Bạch Giáp Lang nghe tin ấy lấy làm nóng nảy, bèn nhất định đến Quảng Đông đầu quân ứng nghĩa. Sáng hôm sau, Bạch Giáp Lang dậy sớm thưa với Xuân Thành rằng:

- Ngày nay thân chú đã được yên ổn khỏi lo ấm lạnh, còn phận cháu cha mẹ qua đời, chị em chết hết, một thân trơ trọi giữa trần ai, cháu quyết chí châu du khắp năm sông bốn biển mà quan sắt phong tục nhân tình, vậy này cháu xin từ giã chú mà lên đường.

Bạch Xuân Thành rơi lụy mà rằng:

- Cháu đã có chí hồ hải tứ phương như vậy chú đâu cản trở, song tình chú cháu mười năm xa cách, nay mới cùng nhau hội ngộ, cháu bao nỡ vội phân lìa.

Người chủ tiệm cũng hết sức cầm cự, song Bạch Giáp Lang đã quyết định rồi nên Xuân Thành phải dọn tiệc tiễn hành.

Thơ rằng:

Một chén quan hà

Ngàn câu trân trọng

Trong cơn vĩnh biệt

Ai dễ cầm lòng

Mãn tiệc, Bạch Giáp Lang từ giã lên đường, Bạch Xuân Thành đưa ra khỏi cửa, ngó theo khuất dạng mới gạt lệ trở vào. Bạch Giáp Lang vừa đi vừa suy nghĩ chắc có lẽ bọn Sơn Tòng sớm nghe tin tức nên đã đến Quảng Đông trước rồi, đi một dãy phố đến ngã ba đường, Bạch Giáp Lang hơi khô cổ bèn ghé vào quán kêu một chén nước thấm giọng, chàng ngồi uống nước thấy một bọn khách thương ngồi bàn kế bên vừa ăn uống vừa hối thúc nhau rằng:

- Hãy ăn uống cho mau đặng có đến võ đài xem thử coi bữa nay có lên tỉ thí với Ngạo Bát Vân Trung không ?

Nghe người khác nói:

- Ôi, đâu có ai dám lên nữa mà đi cho mất công.

Người kia lại nói:

- Anh tưởng có một mình người ấy là giỏi sao, trong thiên hạ thiếu chi tay hào kiệt giang hồ, nếu gặp tay cao thủ tỉ thí mà không được xem thì uổng biết chừng nào, vậy chúng ta hãy đến đó chơi, dầu có hay không cũng không hại gì.

Bạch Giáp lang nghe bốn chữ Ngạo Bát Vân Trung thì giật mình vì đó là hiệu riêng của Hồng Đại Lực, chàng bèn bước lại làm quen với bọn ấy mà hỏi thăm rằng:

- Không biết võ đài phía nào thưa các anh ?

Mấy người ấy nghe giọng khác xứ mình biết là khách viễn phương bèn đáp rằng:

- Không xa, không xa ở tại phía tây cách đây chừng một dặm mà thôi, chú em có muốn đi hãy uống cho mau đặng đi với bọn ta đây.

Bạch Giáp Lang nghĩ rằng: "Phải rồi, mấy ngày nay mình chưa đi qua phía ấy chắc là Hồng Đại Lực cũng tìm mình không được nên kiếm thế lập võ đài cho dễ gặp nhau đây chăng?

Nghĩ rồi bèn đáp rằng:

- Chẳng nói giấu chi các anh, tôi có ý muốn lên võ đài tỉ thí đây, song không biết đường đến vì thế phải hỏi thăm.

Mấy người ất ngó Bạch Giáp lang sững sốt rồi trề môi nói rằng:

- Chú em đừng có lấp lửng mà bỏ thây đấy, rất đổi nhiều tay võ nghệ có danh trong xứ này còn chịu không nổi mấy hiệp phải té xuống đài, bộ tịch như chú em thì bị gạt một tay cũng bay như tàu lá.

Bạch Giáp Lang nói rằng:

- Tôi chẳng dám khoe tài, đến đó sẽ biết

Mấy người ấy thấy bộ dạng Bạch Giáp lang quả quyết thì hối hả trả tiền nước rồi nói rằng:

- Vậy thì chú em cứ việc theo chúng tôi đây.

Bạch Giáp Lang cũng trả tiền rồi đi theo mấy người ấy, đến võ đài thấy thiên hạ rất đông, Bạch Giáp lang ngước mặt ngó lên thấy một người anh hùng ngồi trên ghế, bộ tịch mạnh mẽ, da mặt đỏ hồng quả thật là Hồng Đại Lực thì cả mừng, muốn nhảy lên võ đài hội diện nhau song cũng dằn lòng đễ coi Hồng Đại Lực làm thế nào? Kế đó thấy đại Lực bước ra ngó xung quanh bốn phía đài rồi hỏi lớn rằng:

- Bữa nay có vị bằng hữu nào muốn lên đài dợt quyền với Ngạo Bát Vân Trung này không ?

Hỏi đôi ba lần mà không có một người nào nhảy lên, Đại Lực lại nói rằng:

- Còn một ngày nay là ngày chót, ai có muốn thử sức thì xin mời ngay lên, kẻo mai này tôi không còn ở đây nữa.

Nói vừa dứt tiếng, bỗng nghe dưới đài có người ứng thanh lên rằng:

- Có tôi đây.

Liền thấy một người thiếu niên, hình dung tuấn tú, răng trắng môi son, mày xanh lá liễu, gương mặt chữ điền, mặc đồ võ phục, vỗ tay nhảy phóc lên đài nhẹ nhàng như hoa rơi lá rụng, thiên hạ bốn phía khen rùm. Hồng Đại Lực giật mình ngó lại thấy Bạch Giáp Lang thì mừng rỡ mà rằng:

- Sao hiền đệ bây giờ mới đến, làm cho anh trông đợi mỏi mòn.

Bạch Giáp Lang đáp:

- Vì lắm chuyện trở ngăn, nên em phải trễ hẹn, vậy đại ca đến đây bao giờ, còn huỳnh đại ca ở đâu không thấy ?

Hồng Đại Lực bước ra ngó xuống khán đài nói lớn rằng:

- Xin lỗi cùng quý vị, bữa nay tôi mắc gặp anh em, nên không rảnh dợt quyền cho quý vị xem, xin đình lại ngày mai.

Khán giả ban đầu thấy Bạch Giáp lang nhảy lên đài đều có lòng mừng tưởng có một cuộc tranh đấu, không dè hai người lại là anh em với nhau, nên buồn ý lần lần giải tán. Đoạn Hồng Đại Lực cùng Bạch Giáp Lang bước xuống đài kiếm nơi vắng vẻ mà đàm đạo với nhau. Chừng ấy Đại Lực mới thuật chuyện kết nghĩa với bọn Thái Hành Sơn và biết được Hắc Liên Hùng đang ở Hắc Quang Bảo Tự, Bạch Giáp Lang nghe nói lấy làm ngạc nhiên, bèn hỏi rằng:

- Hắc Liên Hùng ở đó làm gì ?

Hồng Đại Lực nói:

- Thì ba mươi đời thứ quỷ chùa ấy cứ dùng miếng cũ là giả mắt Phật gạt người lành, bọn anh chưa dám vọng động, là còn kiêng cây Hắc Quang Bửu Kiếm nên phải bịt mắt bưng tai mà đợi hiền đệ đến sẽ hay.

Bạch Giáp Lang cũng thuật cả tâm sự của chàng cho Đại Lực nghe rồi hỏi rằng:

- Đại ca có hay việc Quảng Đông chăng ?

Hồng Đại Lực đáp:

- Có, anh cũng lấy làm nóng nảy, nên tính nội ngày mai sẽ trở lại Thái Hành Sơn đặng có vầy nhau sang Quảng Đông lập tức.

Bạch Giáp Lang nói:

- Em đến đây đã ba ngày, tìm anh hết sức mà không gặp, chẳng ngờ anh lại ở góc này, vậy bây giờ anh hãy mau tóm dẹp võ đài để còn lên đường cho sớm.

Hồng Đại Lực nói:

- Võ đài này của chính phủ lập ra cho hào kiệt anh hùng thử sức chớ không phải của anh, bây giờ anh chỉ có trở lại đó lấy hành lý là xong.

Đoạn cả hai trở lại võ đài, Hồng Đại lực thu xếp hành lý xong xuôi, anh em tìm đến quán cơm ăn uống no say, lại dự bị lương thực rồi hối hả đi miết đếm ngày trở lại Thái Hành Sơn. Nói về nơi Thái Hành Sơn, bọn Sơn Tòng và Vân Hành cứ lo cố thủ chờ đợi Bạch Giáp Lang và Hồng Đại Lực, ngày kia bọn thám tử về báo rằng Hắc Liên Hùng đã đi Đăng Châu rồi. Huỳnh Sơn Tòng cả kinh hỏi thám tử rằng:

- Mi có biết Hắc Liên Hùng sang Đăng Châu vì lẽ nào chăng ?

Tên thám tử thưa:

- Tôi có dọ tin rõ ràng quan tổng binh Đăng Châu viện hòa thượng sang trợ chiến đặng có dẹp bọn Hà Điệp Lãnh nào đó.

Sơn Tòng giậm chân nói rằng:

- Ôi thôi, chắc là hai em ta khó nổi cự đương, e chúng nó khinh thường cây Hắc Quang Bửu Kiếm mà phải mang khốn.

Lý Vân Hành nói:

- Huỳnh đại vương trước khi có thọ giáo với lão yêu tăng, lẽ nào lại không biết trước mà giữ gìn sao ?

Sơn Tòng đáp:

- Tuy nó cũng đã biết cây gươm ấy là lợi hại, song chưa thấy lão ấy dùng khi nào cả, cũng như chúng ta hôm nọ có thấy mới là biết được, thiệt lòng anh lo sợ khôn cùng, bây giờ Bạch Giáp lang chưa đến, thiệt khó nổi liệu toan.

Nhị vị anh hùng đang ba lo bảy liệu, bỗng thấy lây la vào báo rằng:

- Hồng đại vương đã về đến, lại có một người thiếu niên mặc võ phục trắng theo sau.

Sơn Tòng nghe báo vỗ tay reo mừng mà rằng:

- May lắm, may lắm cứu tinh đã đến rồi.

Bèn cùng Vân Hành bước ra nghinh tiếp Hồng Đại Lực và Bạch Giáp Lang thẳng vào sảnh. Huỳnh Sơn Tòng nói rằng:

- Bạch hiền đế đến đây may lắm, nếu chẳng vậy Hà Điệp Lãnh phải lâm nguy.

Bạch Giáp Lang hỏi:

- Sao mà lại có việc nguy ?

Sơn Tòng thuật việc từ lúc cứu nạn Thanh Yến Ngọc cho đến khi bại trận rồi nói rằng:

- Nay Hắc Liên Hùng thọ lãnh lễ vật của Thanh Vạn Trí đến Đăng Châu trợ chiến quyết hơn thua cùng Sơn Thạch, anh e cho bọn nó phải nguy to.

Bạch Giáp Lang nghe nói việc Yến Ngọc thì cả kinh mà rằng:

- Tiểu thư lại làm sao lạc bước đến đây, bây giờ nàng còn ở lại trại chăng ?

Lý Vân Hành nói:

- Tiểu thư thiệt là nên trang liệt nữ, đáng mặt thuyền quyên, lâm nghịch cảnh chẳng sờn lòng, thấy gươm đao không đổi chí, thật là xứng vợ của Tiểu La Thành, vậy Bạch huynh hãy ra trại sau thăm nàng một chút cho nàng bớt đợi trông và hỏi nàng cho tường duyên cớ.

Bạch Giáp lang gật đầu rồi hỏi Sơn Tòng rằng:

- Bây giờ anh tính thế nào giải nguy cho Hà Điệp Lãnh ?

Sơn Tòng nói:

- Vậy chúng ta hãy bỏ núi này tức tốc đến Đăng Châu đặng giúp hiền đệ, trước trừ Hắc Liên Hùng, sau chúng ta đoạt phứt Đăng Châu mà làm lễ tấn công.

Bạch Giáp Lang nói:

- Hay lắm, hay lắm bọn đồng chí của mình đã lấy được Quảng Đông mà bọn ta không đoạt được cái thành phố này chẳng là dở lắm.

Các vị anh hùng nghe đều tỏ ý hăng hái quyết lòng ra sức lập công, đoạn cả bày tiệc rượu ăn uống vui cười cho đến xế chiều mới mãn. Huỳnh Sơn Tòng một phía truyền tom góp các đồ tế nhuyễn trong trại bó lại từng bó, lại truyền dự bị lương thực cho túc dụng, các việc xong rồi, Sơn Tòng nói với chùng anh hùng rằng:

- Ngày mai chúng ta nhân dịp xuất kỳ bất ý đến Hắc Quang Bảo Tự tru diệt cho sạch lũ ác tăng và thiêu hủy chùa chiền cho tuyệt đường về của Hắc Liên Hùng.

Cả bọn đồng khen hay, đêm ấy tạo sơn trại bọn lâu la hì hục lăng xăng, tốp thì lo cụ bị lương thực đồng chuyên vận ra mé sông đem xuống thuyền cả thảy. Còn Bạch Giáp Lang ra hậu trại gặp Thanh Yến Ngọc, đôi đàng nhìn nhau, chan chứa dòng châu, cảm tình lai láng, Thanh Yến Ngọc thuật việc nàng sợ lệnh cha mà phải toan lánh mặt với Lão bà, hết nạn này đến nạn kia, nào bọn cướp núi, nào bọn quỷ chùa, gian nan nhiều nổi, thuật đến đoạn nào nước mắt tuôn theo đoạn ấy. Bạch Giáp Lang an ủi rằng:

- Tiểu thư vì tôi mà phải trăm cay ngàn đắng, ơn kia nghĩa nọ sau này tôi ráng lo báo đáp cho phu.

Thanh Yến Ngọc nghe nói mặt có sắc thẹn, cúi mặt giây lâu rồi hỏi rằng:

- Bây giờ chàng tính ở đây sao ?

Bạch Giáp Lang thuật việc sẽ cùng chư anh hùng đến Đăng Châu. Yến Ngọc nghe nói vậy sắc mặt buồn rầu, đôi tròng lụy ứa, Bạch Giáp Lang cầm tay Yến Ngọc mà hỏi rằng:

- Đôi ta đã chịu muôn nỗi nhọc nhằn, nay gặp nhau đây tiểu thư cũng nên gượng gạo làm vui mới phải, cớ sao tầm tả giọt hồng ?

Yến Ngọc than rằng:

- Lang quân và chư vị anh hùng làm điều nghĩa vụ, đáng lẽ thiếp phải kính phục, song ngại nỗi cha già đang trấn thủ Đăng Châu, cùng chư vị anh hùng đôi bên đã ra người cừu địch, đao thương là vật vô tình, nếu cha thiếp có bề gì thì tội bất hiếu đây thiếp tránh sao cho khỏi.

Yến Ngọc nói đó lại khóc òa, Bạch Giáp Lang kiếm lời khuyên giải rằng:

- Tiểu thư chớ lo về việc hiếu tình, tôi xin hứa một lời, dầu thành đổ vạc xiêu, tôi cũng liệu thế mà châu toàn đầu bạc cho.

Yến Ngọc nghe nói thì tỏ ý mừng rở bàn sụp lạy mà rằng:

- Nếu Lang quân làm được như vậy thì thiếp có kết cỏ ngậm vành cũng chưa đáp đền ơn trong muôn một.

Bạch Giáp Lang tuy hứa với Yến Ngọc như vậy, song nhớ tới đến cừu chị thì lại bứt rứt xốn xang, song cũng gượng gạo đỡ Yến Ngọc dậy, câu chuyện ân tình giữa đêm thì mãn, đôi đàng giư lễ, tuy giao mặt mà vẫn riêng phòng.

Thiệt là:

Những điều nguyệt nọ hoa kia

Ngoài ra ai lại liếc gì lấy ai

Qua ngày sau, các việc an bài, nội bọn đồng bảo hộ Thanh Yến Ngọc và Lão bà đề huề xuống núi, thẳng đến mé sông, thấy thiều đang sửa lèo buồm. An trí cho Yến Ngọc xong rồi, chúng anh hùng dẫn lâu la đến Hắc Quang Bảo Tự phá cửa chùa xông vào, bọn sải cự địch sao cho lại với một bày cọp đang hăng nên phải bó tay chịu chết. Trừ tuyệt bọn quỷ chùa rồi, chúng anh hùng truyền lâu la lục soát đạt thủ cả tài vật Hắc Liên Hùng tích trữ bấy lâu nay được hai rương lớn, rồi lại nổi lửa thiêu hủy cả chùa chiền, thế là cái ổ hang của Hắc Liên Hùng nay đã thành đống tro tàn mà cũng là khép bớt một cánh cửa đoạn trường của bọn hồng nhan bạc mạng. Đoạn nội bọn truyền lâu la, vận tải vật xuống thuyền kéo neo lìa bến.

Quả là:

Thuận nước êm dầm, thuyền lướt sóng

Gió xuôi buồm nhẹ, thẳng lèo mây

Muốn biết bọn anhhùng Bạch Giáp lang đại phá thành Đăng Châu ra sau, hồi sau phân giải

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top