Hồi Thứ Hai
Đoạn thượng hà, Bạch Giáp Lang nhìn chị,
Hà Điệp Lãnh, hào kiệt kết kim bằng
Bác cháu gặp nhau rất nên mừng rỡ nên han hỏi lăng xăng, song dùng những dấu riêng rất kín đáo, tên chủ đò thấy hai đàng to nhỏ xầm xì không rõ chuyện chi, song thấy anh ta cũng không hỏi, cứ việc lấy neo nhổ sào lìa bến. Trời thanh nguyệt rạng, gió lạng sóng trang, gương nga soi màu nước cẩn vàng, sao tỏ chiếu da trời nhận ngọc, sông rộng mặc tình thuyền ngang dọc, canh dài thích chí khách ngâm nga. Bạch Giáp Lang và Bạch Phước ngồi trong thuyền đánh chén ngắm nước ngắm trăn, đàm luận chuyện xưa tích cũ, ngoài bệ, bọn trạo phu bỏ mái chéo khoan nhặt, kẻ hát người hò cho bớt ngắn đường xa dặm thẳng, gió thuận nước xuôi thuyền đang lướt xông nhẹ tếch bỗng nghe tên chủ đò bảo bọn trạo phu neo thuyền lại.
Bạch Giáp Lang kêu chủ đò lại hỏi rằng:
- Sao gặp lúc sóng êm gió lặng thuận nước xuôi chèo như vầy mà chú lại không đi luôn cho mau đến, lại neo thuyền cho trễ nãi ngày giờ?
Tên chủ đò đáp rằng:
- Khách quan chưa rõ, nguyên cách phía trước đây chừng hai dặm thì đến một khúc sông rất nên sầm tịch nguy hiểm, kêu là Đoạn Thượng Hà liên tiếp Hà Điệp Lãnh, chỗ ấy thường hay có một bọn thủy khấu đón ghe thương hòng cướp giật, nên mỗi lần muốn qua chỗ ấy ghe thương phải neo lại chờ nhau cho được đôi ba mươi chiếc rồi đợi trời sáng mới dám đi.
Bạch Giáp Lang hỏi rằng:
- Bọn ấy lợi hại thế nào?
Chủ đò đáp :
- Chúng nó rất nên đông đảo, thuyền chiến cũng nhiều, lại có một người anh hùng làm đầu xưng hiệu là Thần Võ Cang Tinh võ nghệ cao cường, quan tổng binh xứ này đã cùng chúng nó đòi ba phen giao chiến, song thường bị thất cơ hao binh tổn tướng chớ chẳng bắt dược một tên thủy tặc nào, cho nên quan tổng binh phải đưa tin về kinh đô xin binh cứu viện, bởi cớ ấy cho nên bọn thủy khấu danh tiếng lừng lẫy chừng nào, thì bọn ghe thương lại thưa thớt chừng nấy.
Bạch Giáp Lang nghe nói tức thì máu anh hùng sôi dậy chàng nói lớn rằng:
- Cha chả! Giữa chốn công bằng pháp luật, ta lẽ nào dễ cho quân đạo tặc nó hoành hành, vậy chủ đò hãy cứ việc đi Đoạn Thượng Hà cho tôi, nhưng bọn thủy tặc ấy có đón đường thì mặc tôi đương cự cho.
Tên chủ đò khoát tay mà rằng:
- Khách quan đã quá chén nên nói giả ngộ sao chớ ! Rất đỗi binh lực cả thành Đăng Châu kia còn không đả động chúng nó cho nỗi thay, huống chi khách quan tài lực đến thế nào mà tính việc lấy ngao lường biển?
Bạch Phước đã biết thực lực Bạch Giáp Lang từ vụ bọn Xích Đầu Đảng và Trương tri huyện nên ông chẳng chút sợ sệt, đã không ngăn cản, lại còn nói đốc thêm vô một cách mạnh mẽ rằng:
- Chúng ta chẳng phải nói giả bộ với chủ đò đâu, thiệt là đã liệu sức mình mới dám vào hang cọp, sá gì mấy tên thủy khấu xơ rơ kia không đủ cho một mình lão đây bóp mũi chúng nó, cần chi phải nhọc sức đến cháu của lão.
Chủ đò thấy Bạch Phước nói cứng cỏi như vậy thì ngồi làm thinh, ra tuồng nghỉ ngợi, còn bọn trạo phu thì xúm nhau xầm xì dường như chúng nó chẳng tin chút nào, Bạch Giáp Lang nghe Bạch Phước khua môi múa mỏ như vậy, chàng cũng bắt tức cười, bèn nói tiếp rằng:
- Chủ đò chớ nghi nan, cứ việc lấy sào chỉ dặm, bằng chú có sợ việc hư hao thì ta giao cho chú năm trăm lượng bạc đây mà bảo lãnh sự bồi thường.
Nói rồi mở gói lấy bạc trao ra, tên chủ đò thấy bộ tịch Giáp Lang rất nên quả quyết như vậy anh ta cũng liều nhận số bạc kiếm chỗ kín đáo mà cất, đoạn bảo bọn trạo phu lấy neo, nhổ sào chèo tới. Bọn trạo phu cũng sợ nguy hiểm đến tánh mạng, muốn tỏ ý kháng cự, song một là thấy chủ đò đã thuận tình, hai là nghe Bạch Phước nói mạnh mẽ, ba là thấy cây kiếm của Giáp Lang chiếu sáng nên cũng vững lòng nhổ sào tách dặm. Tuy chúng nó đã quyết đánh liều xem cơ thắng bại, song cũng không tránh khỏi trống ngực đánh từng hồi. Còn Bạch Giáp Lang cứ việc uống rượu với Bạch Phước, lại mời tên chủ đò đồng dùng tiệc cho vui.
Một chặp, đến Đoạn Thượng Hà, Bạch Giáp Lang cầm Bạch Quang Bửu Kiếm ra đứng trước mũi ghe, thấy hai ba bên cây cối che sầm uất, quả thật là một chỗ hiểm nguy. Ghe đi được hai ba khúc sông mà không thấy động tĩnh chi cả, tên chủ đò và bọn trạo phu đều có lòng mừng, chắc có lẽ được vô sự, không dè Bạch Giáp Lang lại bảo bọn trạo phu cất tiếng hát hò cho vui, đừng có sợ chi cả.
Tên chủ đò lúc này đã hơi có chén, thần men đã nhập tâm nên con ma nhát đã tan mất, anh ta đã chẳng cản ngăn lại còn xúi bọn trạo phu hát chơi, câu nào có thú vị thì được thưởng một ly rượu. Bởi cớ nơi Đoạn Thượng Hà từ lâu không có một chiếc ghe nào lai vãng ban đêm, mà nay lại có tiếng ngâm nga, thấp cao khoan nhặt câu thơ Lý Bạch, lúc hát khúc khải hoàn. Ai hay cảnh êm đềm thanh tịnh kia chưa có được lâu dài mà đã đổi thành nơi chiến đại rất nên ghê gớm, anh chủ đò đang ngồi gật gù đánh chén, thình lình bọn trạo phu ngưng mái chèo và nghe tiếng Giáp Lang kêu, anh ta với Bạch Phước đi ra mũi ghe thấy Giáp Lang đang cùng bọn trạo phu, lấy tay chỉ một khoảng ánh sáng phía trước xa xa mà nói:
- Phía trước có phải là nơi thị tứ hoặc xóm giềng chi mà đốt sáng trưng như vậy?
Tên chủ đò dụi mắt ngó xem một hồi rồi tỏ dấu sợ sệt mà rằng:
- Không xong, phía trước kia quả là bọn thủy khấu đang ăn hàng đó, chớ nào phải chợ búa làng xóm chi đâu.
Bạch Giáp Lang nói:
- Vậy thì giục thuyền tới cho mau.
Tên chủ đò bất đắc dĩ phải y lời, đốc bọn trạo phu chèo tới, rồi anh ta lại lật đật chui vô khoang đong cửa lại, Bạch Phước cũng chui theo, tên chủ đò hỏi rằng:
- Sao lão khách quan không ở ngoài tiếp chiêu với tiểu khách quan, lại vào đây làm chi?
Bạch Phước cười hỉnh hẳng mà rằng:
- Khi nãy lão nói dối cho an lòng chú em, kỳ thiệt là lão có biết võ nghệ chi đâu mà phòng tiếp sức, song chú em chớ sợ, chúng ta hãy kiếm lỗ hở mà dòm xem Bạch Tướng Quân ra oai thần võ.
Ghe đi đến gần chừng nào, thì nghe tiếng la hét càng lớn chứng nấy, lại nghe tiếng khua động đao thương rổn rẻn làm cho bọn trạo phu tay chân bủn rủn, giở mái chèo chẳng muốn lên, Bạch Giáp Lang ạt nộ thúc hối om sòm mà chúng nó cũng ngẩn ngơ hồn phách, may nhờ lúc ấy gặp nước xuôi nên ghe chẳng chèo mà cũng từ từ lướt đến.
Bạch Giáp Lang cầm Bạch Quang Bửu Kiếm đứng trước mũi ghe thủ thế, nhờ đèn đuốc sáng ngời chàng ngó thấy rõ ràng hơn mười chiếc thuyền của bọn thủy khấu đang vây một chiếc ghe hầu rất lớn, đầu rồng đuôi phụng, trướng rủ màn che, nếu chẳng phải bậc vương hầu khanh tướng thì cũng trang quyền quý phong lưu, trên thuyền lại thấy chừng mười người mặt sắc phục quan quân, tay cầm binh khí ra sức chống cự song bọn thủy khấu rất đông ép vây chung quanh, thế rất nguy cấp lại nghe tiếng hét vang rằng:
- Đại vương truyền lịnh cho nhà bây phải bỏ binh khí đâu ngồi lại đó cho yên, đại vương đoạt tài chứ không hại mạng nếu tỏ ý kháng cự, thì chiếc thuyền đại có vương có sẵn đao lớn giáo dài e không toàn mạng.
Bọn quan quân xem thế khó đương phải chịu quăng binh khí, ngồi dồn ra sau lái tỏ ý chẳng dám kháng cự. Bọn thủy khấu đùng đùng nhảy qua ghe hầu phá cửa chui vào mui, liền nghe có tiếng đàn bà nạt:
- Ta là Thanh Yến Ngọc con của Thanh tổng binh đây, chúng bây chớ nên vô lễ.
Lại nghe giọng cười hắc hắc đáp rằng:
- A há, té ra ngươi là con của Thanh lão tặc đó sao, vậy thì lại còn hay cho bọn ta thập bội, vì hiện nay trên sơn trại của ta còn thiếu một số tiền quân phí to lắm, họa là chúng ta sẽ nhờ ngươi mà có số bạc ấy không chừng, nào các em hãy tóm thâu tài vật cả thuyền, còn con này thì đem về sơn trại để ta viết thư cho Thanh lão tặc hay, đặng cho nó có đem bạc đến chuộc mạng con nó hay không.
Bọn thủy khấu được lệnh liền hùa nhau vơ vét sạch của cải, rồi kéo cả thầy tớ Thanh tiểu thơ ra trước thuyền vừa muốn xô qua ghe mình, hai nàng ấy còn đang vùng vẫy bỗng thấy một vị thiếu niên anh hùng mày thanh mắt sáng, mình mặc võ phục màu trắng, tay cầm gương nhảy đến trước thuyền đón lại nạt rằng:
- Bọn bây chớ nên ỷ chúng hiếp cô, có thấy ta Tiểu La Thành đây chăng?
Tên chủ trại giựt mình thối lui một bộ, bọn thủy khấu cũng sững sờ chưa kịp nói chi, liền nghe này tỷ tất của Thanh tiểu thơ cất tiếng hỏi lớn rằng:
- Tiểu La Thành nào, có phải Bạch Giáp Lang đó chăng?
Bạch Giáp Lang nghe kêu lấy làm lạ, nhìn lại người ấy quả là chị mình, bèn kêu rằng:
- Ủa này là Bạch Thiên Kim hở chị, làm sao mà chị ra thân thế này?
Bạch Thiên Kim chưa kịp trả lời, tên chủ trại trợn mắt ngó Giáp Lang nạt rằng:
- Ngươi là đồ vô danh ở đâu dám đến đây ngăn trở việc ta, biết khôn thì hãy lánh mình, ngươi há chẳng nghe danh Thần Võ Cang Tinh Huỳnh Sơn Thạch đại vương đây sao, dầu Nguyên Bá tái sanh ta cũng chẳng sợ nữa là La Thành.
Bạch Giáp Lang nghe nói thì tức cả giận, nhảy đến chém Huỳnh Sơn Thạch, Sơn Thạch né khỏi và khen rằng: "Hay lắm! Hay lắm!" Bọn thủy khấu muốn áp vào trợ lực thì Sơn Thạch lấy tay khoát ra mà rằng:
- Các ngươi chớ nên tiếp chiến, hãy để một mình ta đối thủ của nó cho biết cao thấp, kẻo mag tiếng ỷ đông hiếp ít.
Bạch Giáp Lang thấy Sơn Thạch khí khái như vậy trong lòng cũng khen thầm rằng: "Chủ trại này cũng là một người anh hùng đây, vậy ta phải kiếm thế phục hắn dùng làm vây cánh mới được". Nghĩ rồi bèn ráng sức quơ kiếm nghe vụt vụt, xem dường chớp nhoáng bao giăng, Sơn Thạch xem thấy đường kiếm rất nên lợi hại biết là tay kiếm hiệp anh hùng, bèn ra sức giữ gìn trên dưới đỡ ngọn gió thổi không qua (nguyên Bạch Giáp Lang có ý thương tài Huỳnh Sơn Thạch muốn thâu phục làm vây cánh, nên không dùng chiêu Thủ Thiên Địa Cấp khi trước vậy, chỉ dùng sức mà thôi). Hai đàng còn mê trận, bỗng thấy một đối chiến thuyền hơn năm mươi chiếc đèn đuốc rặng ngời, từ phía vàm sông lướt đến, Sơn Thạch biết là thủy quân của Thanh Vạn Trí thừa đánh bại ban đêm, bèn dừng kiếm nói với Bạch Giáp Lang rằng:
- Hảo Hán, ta chẳng phải chi ngươi, song ngặt một điều là Thanh Vạn Trí đến đánh thình lình, chiến thuyền của ta đem theo có ít, e phải thất cơ nên phải nhường bước thâu quân về trại, nếu ngươi quyết ăn thua với ta thì ta sẵn lòng mời ngươi đến sơn trại sẽ đua tài cao thấp, ngươi có dám chăng ?
Bạch Giáp Lang đáp rằng:
- Được lắm, được lắm, ta cũng đến đó xem thủ đoạn của ngươi thế nào, song đấng anh hùng chớ nên hại lén.
Sơn Thạch cười rằng:
- Xin hảo hán chớ nghi kỵ, tuy bọn ta mang danh đạo tặc, chớ cũng nên biết gìn tâm chí anh hùng. Việc ám toán là thủ đoạn của tiểu nhân, ta quyết không thèm dùng đến.
Bạch Giáp Lang nói:
- Vậy thì hãy thâu quân dẫn đường đi trước, rồi ta sẽ theo sau.
Bèn quay lại kiếm thuyền mình thì Bạch Phước và tên chủ đò đang núp trong khoang, còn bọn trạo phu ngồi êm sau lái, liền đưa tay ngoắt mà rằng: "Hãy đem thuyền lại đây cho mau."
Bạch Thiên Kim thấy Giáp Lang quyết ý theo bọn thủy khấu đến sơn trại thì trong lòng lo sợ chẳng cùng, bèn can rằng:
- Không được đâu em, em chớ nên khinh thường đem mình vào lưới rập, chị em ta mới gặp nhau chưa kịp bày tỏ một lời mà em lại tách thân vào hổ huyệt như vầy lòng chị sao an ?
Bạch Giáp Lang chưa kịp trả lời thì Thanh tiểu thơ lại nói tiếp rằng:
- Xin ân nhân hãy trân trọng lấy thân, thiếp e bọn thủy khấu làm kế dụ địch đó, vậy xin ân nhân hãy đợi thuyền của cha thiếp đến sẽ cùng nhau bàn tính việc tấn binh thì đôi đàng nên lưỡng tiện.
Bạch Giáp Lang nghe giọng nói thanh thao, bèn liếc xem dung mạo tiểu thơ, thấy rõ ràng một bực thiên kim, thật nên trang quốc sắc, đáng bực khuynh thành, khiến cho mặt sắt cũng phải nghiêng tròng, chàng bèn chúm chím cười đáp rằng:
- Mong ơn tiểu thơ có lòng chỉ điểm, song tệ sĩ đã liệu sức mình, nhắm chẳng đến nổi ch, nay chiến thuyền của quan tổng binh cũng đến gần đến, tiểu thơ chẳng còn lo sợ chi cả, vậy tiểu thơ cùng chị hãy về quí phủ nghỉ ngơi và xin thay lời tệ sĩ mà khuyên thượng quan hãy thâu binh an nghỉ, để mặc tôi đến sơn trại tùy cơ ứng biến mà trừ khử hung đồ, xong rồi tôi sẽ đến quý phủ báo tin và thăm chị.
Chàng nói dứt lời thì ghe Bạch Phước cũng vừa cặp bên, chàng nhảy qua ghe, thì Huỳnh Sơn Thạch cũng ra lệnh cho mười chiếc thuyền của mình trở lại trại. Bạch Giáp Lang hối bọn trạo phu chèo theo cho kịp đoàn ghe ấy, Bạch Phước và tên chủ đò lấy làm lạ hỏi rằng:
- Bây giờ chèo ghe theo bọn thủy tặc làm gì, chúng nó đã chạy thì thôi, sách có chữ: cùng khấu mạc truy, chớ có khinh thường mà rơi vào nơi trọng địa.
Bạch Giáp Lang cười rằng:
- Cứ việc chèo đi, chớ có ngần ngại chi cả, đi đây chẳng phải giao phong gì mà sợ, tình thật là tên chủ trại mời chúng ta lên trại thiết rượu đãi cơm đó.
Tên chủ đò nghe nói trong lòng bán tín bán nghi, song đã được thấy tài nghề của Giáp Lang rồi nên cũng an lòng hối chèo theo theo tức tốc, chừng theo kịp, Huỳnh Sơn Thạch lại thỉnh Bạch Giáp Lang qua ghe mình mà rằng:
- Tiểu đệ lấy làm khâm phục chí khí của anh hùng, vậy nếu anh hùng trót lòng hạ cố đến, xin mời qua ghe tôi đàm đạo chơi và coi Thanh Vạn Trí hành động thế nào.
Bạch Giáp Lang chẳng chút chối từ, chàng nhảy phốc qua ghe Sơn Thạch lại truyền lâu la bày yến rượu trong mui ghe, mời Bạch Giáp Lang thưởng thức, rồi ra lệnh các chiến thuyền thả xuôi theo dòng sông, bọn lâu la đồng thời dạ dạ vâng lời, đoạn liên kết mười chiếc thuyền lại như một hàng chữ nhất, trên chiếc thuyền đèn đuốc hẳn hoi, cứ việc thủng thỉnh nương theo nước xuôi thả ngay về trại.
Nói về Thanh Vạn Trí làm chức tổng binh Đăng Châu, vốn là võ tấn sĩ xuất thân, võ nghệ cao cường, làu thông chiến trận, người này cũng là một phường quan ỷ quyền sâu dân mọt nước, chẳng hề lấy đức trị dân, chỉ dụng hình oai hiếp chúng nhân dân điều chán ghét, song phận thấp hèn khó nổi kêu trời, không phương vạch đất, chỉ đành bó tay lăn lóc trong phạm vi áp chế của chức quan phụ mẫu, mở tay sống, sống nắm tay chết, lịnh thế nào hay thế ấy. Than ôi, dân nghèo như khúc gỗ lăn tròn.
Cách hơn một năm nay có một vị anh hùng tên là Huỳnh Sơn Thạch xưng hiệu là Thần Võ Cang Tinh đại vương tụ chúng lâu la đến chiếm cứ Hà Điệp Lãnh, xây dinh lập trại không tuân vương hóa, chẳng kể triều đình, thưởng khuấy rối cuộc trị an trong bổn xứ. Nhờ sự khuấy rối này nhân dân trong xứ được chút yên ổn, tránh bớt sự tàn khốc của hàng quan lại. Vì sao trong xứ nổi sanh đạo tặc mà nhân dân được yên ổn hơn lúc thái bình? Là vì bọn Hà Điệp Lãnh thường thường hay cướp giật những nhà vi phú bất nhân, cùng hạng tham quan ô lại, chớ chẳng hề khuấy rối đến dân lành, có khi lại tương trợ cho nữa, nên nhân dân bản xứ ca tụng công đức ấy làm cho oai danh Thần Võ Cang Tinh càng ngày càng lớn, mà Thanh Vạn Trí ngày đêm ngồi đứng chẳng an, thường đem binh đến dẹp, song đã chẳng thành công mà lại còn hao binh tổn tướng. Thanh Vạn Trí chẳng phải tay đối thủ với Huỳnh Sơn Thạch, nên lão ta phải cụ sớ về kinh xin một đội tinh binh trợ chiến.
Triều đình được sớ cáo cấp, bèn phái sang tám viên tám tướng và hai ngàn quân thủy bộ đến Đăng Châu. Khi đã có giáp binh tinh nhuệ rồi, Thanh Vạn Trí liền chọn năm chục chiến thuyền nhẹ và một ngàn quân thủy kéo thẳng ra Đoạn Thượng Hà mà thị oai với bọn Hà Điệp Lãnh.
Đến nơi thấy bọn Hà Điệp Lãnh đang ăn hàng phía trước, bèn giục chiến thuyền lướt đến, quyết thừa cơn chúng nó không đề phòng mà ra tay rửa hận, không dè vừa đến chỗ ấy thì bọn Hà Điệp Lãnh đã đi xa rồi, chỉ còn một chiếc thuyền của Thanh tiểu thơ đậu lại đó mà thôi. Thanh Vạn Trí nhìn quả là thuyền nhà sai đi rước con bèn hối hả đến, thấy Thanh Yến Ngọc và một nàng tỷ tất đứng trước mũi ghe. Vạn Trí kêu rằng:
- Này con, sao lại trễ nải đến bây giờ mới về đây mà gặp việc bất kỳ như vầy? May chay đến kịp trong lúc thình lình mà giải cứu nạn nguy, bằng chẳng vậy chắc là con phải lầm tay bọn thủy khấu rồi còn gì.
Yến Ngọc thưa rằng:
- Con cam lỗi làm cha trông đợi vì con rủi ro mang bệnh suốt cả năm trường nên mới trễ nải.
Thanh Vạn Trí hỏi:
- Vậy chớ lũ giặc ấy đã cướp được tài vật chi trong thuyền rồi?
Thanh Yến Ngọc bèn thuật việc từ lúc gặp bọn lâu la đón đường cho đến khi nhờ Bạch Giáp Lang giải cứu rồi thưa rằng:
- Nhờ có vị anh hùng ấy ngăn trở và giao chiến với tên chủ trại, bằng chẳng vậy thì thân con thôi còn kể chi.
Thanh Vạn Trí nghe qua thấy làm lại hỏi rằng:
- Chẳng hay vị anh hùng ấy bây giờ ở đâu, hay là bị Thần Võ Cang Tinh giết rồi?
Yến Ngọc thưa:
- Vị anh hùng ấy xưng hiệu là Tiểu La Thành cùng với chủ trại giao chiến trót giờ chưa phân thắng phụ, kế thấy chiếc thuyền của cha kéo đén, chủ trại bèn ra lệnh lui quân khiêu khích vị anh hùng ấy đến sơn trại mà quyết việc hơn thua với nó, chàng ấy bằng lòng chèo thuyền theo đến trại, con đã lấy điều lợi hại gián can mà chàng lại chẳng nghe.
Thanh Vạn Trí nghe nói cả kinh mà rằng:
- Không xong! Vị anh hùng ấy cậy tài ỷ sức dấn thân đến Hà Điệp Lãnh khác nào vào chốn tử địa, thiệt là khá thương khá tiếc.
Nói rồi kêu bọn thủy thủ bên thuyền Thanh Yến Ngọc mà hỏi rằng:
- Bọn bây thấy chúng nó nhiều ít thế nào ?
Bọn thủy thủ thưa rằng:
- Chúng nó có mười chiếc tiểu thuyền, mỗi chiếc chừng năm, sáu tên lâu la mà thôi.
Vạn Trí nói với Yến Ngọc rằng:
- Vậy thì con hãy về phủ trước đi, để cha giục binh theo, trước là cứu vị anh hùng kia, sau thừa cơ, mà trừ bớt bọn nghịch tặc ấy cho hả lòng căm tức của cha.
Thanh Yến Ngọc thưa rằng:
- Cháng ấy có cậy con trao lời thưa lại với cha chớ đuổi theo cho nhọc, hãy để một mình chàng đến sơn trại mà ra tay tảo việc hung đồ, chừng an việc sẽ tìm đến phủ báo tin và thăm chị của chàng là Bạch Thiên Kim đây.
Vạn Trí ngó Thiên Kim và hỏi rằng:
- Té ra vị anh hùng ấy là em của nàng sao? Chẳng hay nàng có thấy võ nghệ của em nàng ra thế nào không ?
Thiên Kim thưa:
- Người ấy quả là em của thiếp, song từ mười năm nay đã lìa bỏ quê nhà tầm sư học đạo, nay chị em tình cờ gặp gỡ nhau đây chớ tài lực nó ra thế nào thiếp cũng không sao biết được.
Thanh Vạn Trí đứng làm thinh ngó theo lằn sáng của đoàn ghe bọn Hà Điệp Lãnh đang thủng thỉnh phía trước như hình con rết quanh lộn theo sóng, rồi day lại thấy chiến thuyền của mình neo chật cả sông, hàng ngang hàng dọc đèn đuốc sáng ngời, trong lòng rất nên khoái chí, bèn tỏ ý kiêu căng chẳng khác Tào Mạnh Đức lúc ra binh nơi Xích Bích.
Lão ta không nghe lời Yến Ngọc cứ việc hối bọn thủy thủ đưa nàng về phủ, lại ra lệnh cho đội chiến thuyền cứ nhằm lằn sáng phía trước mà đuổi theo bọn cướp. Thủy quân vâng lệnh lấy neo ráng sức bơi chèo, gặp lúc nước xuôi thuyền đi mau như tên bắn, trên thuyền quân sĩ xăn tay múa chân, quyết một trận tử sanh mà rửa hờn cho chúa tướng, chẳng bao lâu thuyền theo gần kịp, còn cách chừng hai trăm thước. Bọn lâu la thấy quan binh đuổi theo rất gấp, phải vào trong thưa lại với chủ trại liệu định thế nào.
Huỳnh Sơn Thạch chẳng chút sệt, cứ việc thong thả rót hai chén rượu lớn trao cho Giáp Lang một chén mà rằng:
- Hảo hán hãy cạn chén này rồi sẽ len mui xem thế giặc chơi.
Bạch Giáp Lang y lời cạn chén, đoạn cả hai đồng lên mui xem thấy phía sau đèn đuốc chật sông, trống chiêng inh ỏi, một đoàn chiến thuyền rất nên đông đảo kéo tới như bay, Bạch Giáp Lang hỏi Sơn Thạch rằng:
- Chẳng hay đại vương dùng thế nào mà lui binh triều?
Sơn Thạch đáp:
- Hảo hán cứ việc ngồi xem, chúng tôi tuy không thể lấy sức đương cự, chứ dùng trí lui chúng nó cũng chẳng khó chi.
Bạch Giáp Lang khen rằng:
- Quả nhiên người này quả nhiên bụng chúa đầy gan mật anh hùng, chớ chi ta được cùng người này kết nguyền sanh tử thì hi vọng của ta sau này lắm chỗ cậy trông, có người chung lưng đâu cật mà chia bớt sự nặng nề.
Một chặp chiếc thuyền Thanh Vạn Trí theo gần kịp, còn cách chừng một trăm thước, Sơn Thạch ra lệnh cho bọn lâu la phải dùng bia đỡ tên mà phòng cơn loạn tiễn và cũng cứ điềm nhiên thả thuyền theo dòng nước, rồi day lại bảo kẻ tả hữu rằng: "Hãy đem cung tên cho ta." Tả hữu vâng lệnh đe ra một cây cung bằng sắt rất lớn và một bó tên. Sơn Thạch tiếp lấy cầm tay, đoạn kéo dây cung bắn không thử hơn mười lần nghe tiếng kêu bon bon, rồi day lại hỏi Bạch Giáp Lang rằng:
- Hảo hán cũng thích trò chơi này lắm chớ ?
Giáp Lang đáp rằng:
- Tiểu đệ cũng biết dùng chút đỉnh, song công phu còn thấp thỏi, dám đâu múa búa trước trước cửa Lỗ Ban, huống chi cuộc trò chơi này tiểu đệ giữ phần trung lập, xin nhượng cho đại vương hãy châm chước liệu dùng lấy.
Sơn Thạch khen rằng:
- Phải lắm, phải lắm, vậy hảo hán giữ phần trung lập nhé !
Kế đó chiến thuyền của Thanh Vạn Trí theo kịp, còn cách chừng năm chục thước mà thôi, liền nghe binh triều la lớn lên rằng:
- Quan tổng binh truyền cho thuyền nhà bây phải dừng lại xếp giáp đầu hàng, thì còn trông có chỗ chế dung, chúng ta đây đã sẵn ná mạnh gươm dài, nếu kháng cự thì chết chùm cả lũ.
Bên thuyền Thạch Sơn đều lẳng lặng làm thinh không thèm trả lời chi cả, kế nghe một tiếng thì tên bay đến như cào cào, bọn lâu la cứ việc dùng bia che đỡ. Bạch Giáp Lang rút kiếm cản tên, bao nhiêu tên đều rớt cả xuống sông, còn Sơn Thạch dùng cung sắt gạt tên, không một mũi nào gần mình được. Bắn trọn nữa giờ mà bọn lâu la chẳng có một đứa nào bị thương tích cả, nguyên lúc này thuyền Bạch Phước đã vượt đến trước một đổi xa xa mới đậu lại mà chờ tin thắng bại.
Một chặp sau, tên bắn thưa dần, binh triều lại ỷ đông, giục thuyền lướt đến quyết lòng hãm trận, Sơn Thạch chẳng để cho chúng nó đến gần, bèn giương cung lắp tên hét lớn rằng: "Bớ lũ chuột kia, những cung tên của bây nó là cháu chít của cung tên ta đó, hãy mỡ con mắt cho lớn mà tránh đây!". Dứt lời liền buông tên ra thì thấy nhào một mạng, bắn luôn một hồi ba chục phát, binh triều nhào gần ba chục người, chừng ấy chúng nó có lòng kinh sợ không dám làm hỗn, phải dùng bia mà úp thì Sơn Thạch lại ngừng tay không bắn nữa, binh triều thấy thôi bắn tưởng Sơn Thạch hết tên, bèn la lên lướt đến thì lại nhào hơn hai chục mạng nữa, Thanh Vạn Trí thấy qquan sĩ đều có ý sợ tên chẳng dám lướt đến. Trong lòng lấy làm tức giận, song lão ta cũng không dám ló ra, bèn ra lệnh quân sĩ một tay cầm bia, một tay cầm kiếm ráng sức xông đến. Chúng quân y lệnh, sửa soạn bia kiếm chưa xong thì nghe Huỳnh Sơn Thạch kêu lớn rằng:
- Bớ lão thất phu Vạn Trí, nay ra mắc lo tiếp đãi một người bằng hữu, không hầu ngươi trọn cuộc, thôi ta xin hoãn lại khi sau, ngươi chớ có đuổi theo mà uổng công vô ích.
Nói rồi bèn ra lệnh cho bọn lâu la quay chèo, Thanh Vạn Trí cả giận hối đuổi theo song quân sĩ phần thì lộn xộn, phần thì sợ tên, lụi hụi hồi lâu mới chèo được thì bọn Hà Điệp Lãnh đi đã xa rồi. Vạn Trí lấy làm tức tối vô hồi, song liệu thế theo không kịp, phải dằn lòng thâu quân về thành.
Huỳnh Sơn Thạch đứng trên mui ghe xem thấy chiến thuyền Thanh Vạn Trí chẳng dám vượt theo, bèn vỗ tay cười rằng:
- Lũ chuột lãnh của ta có năm chục mũi tên mà đã bay hồn mất vía, vậy cũng gọi binh triều thật đáng nực cười thay.
Bạch Giáp Lang tuy ngồi làm thinh song trong làm cũng tấm tắc khen thầm. Ghe về đến thủy trại, neo thuyền xong thì trời đã rạng đông, Sơn Thạch bèn mời Bạch Phước lên nhà, dọc đường Giáp Lang xem thấy địa thế rất nguy hiểm, hào sâu, lũy chắc, đường chẹt dốc cao, mỗi chặng đường đều có cất trại cho lâu la canh gác, xem có vẻ nghiêm trang, tưởng cho đại đội binh triều cũng chẳng dám khinh động.
Tụ Nghĩa Đường cất trên một gò đất cao, có thể đứng một chỗ trong cùng bốn phía, xung quanh thì trại của lâu la cất liên tiếp bao phủ Tụ Nghĩa Đường hơn ba lớp. Huỳnh Sơn Thạch vào trước, Bạch Giáp Lang và Bạch Phước theo sau, chủ khách phân ngôi đã xong thì lâu la dâng trà nước và đồ điểm tâm, Sơn Thạch mời hai người ăn uống nghỉ ngơi giải khát. Bạch Phước tuy dùng nước mà trong lòng không an, vì không rõ bản ý của chủ trại thế nào, song cũng phải gắng gượng ra bộ ăn uống như thường.
Còn Bạch Giáp Lang liếc mắt xem khắp mọi nơi, thấy trên án đường có treo một bức chân dung của Tôn Trung Sơn thì chàng có ý mừng thầm, chắc chủ trại cũng là người đồng chí, phía tả có treo một bức chân dung của một vị hòa thượng nước da đen trại, mắt lớn mày rô, râu mọc bó hàm, hình thù vạm vũ, tay cầm một gươm cán đen, chàng xem thấy chân dung ấy trong lòng rất nên nghi ngại, muốn hỏi Sơn Thạch cho rành, song song suy nghĩ rồi lại làm thinh.
Đoạn xem đến phía hữu cũng thấy một khuôn hình trong họa chân dung nàng mỹ nhân dung nhan tuyệt thế, ăn mặc đồ võ phục, tay cầm song kiếm, Giáp Lang nghĩ hai bức chân dung sau chắc cũng có quan hệ đến Sơn Thạch, song nghĩ lúc này chẳng phải lúc hỏi chuyện vòng vo, nên uống một chén nước rồi đứng dậy nói với Sơn Thạch rằng:
- Mong ơn đại vương tiếp đại thế này đã quá hậu rồi, vậy chúng ta hãy cùng nhau bạt kiếm cho xong cuộc, vì tiểu đệ còn bận nhiều việc trong mình không thế ở lâu đây được.
Sơn Thạch nghe nhắc đến cuộc đấu tài bèn mỉm cười mà rằng:
- Vốn hiền đệ lấy làm khâm phục tài nghề của Bạch huynh, nên quyết lòng dùng lời khích tướng mà mời đến sơn trại đặng có tỏ phân một lời tâm sự, chớ đệ xét mình đâu phải là tay đối thủ với Bạch huynh.
Bạch Giáp Lang đáp rằng:
- Xin đại vương chớ có quá lời khiêm nhượng, vốn đệ đây đã thấy thủ đoạn của đại vương nơi Đoạn Thượng Hà, thì có lòng kính phục chẳng cùng việc đấu gươm này chẳng qua là đại vương có hứa lời, nên đệ phải nhắc lại, chớ đệ đâu dám tiên thỉnh, chẳng hay đại vương muốn phân tỏ điều chi, đệ cũng vui lòng nghe dạy.
Sơn Thạch nói:
- Trước khi muốn tỏ tâm sự, đệ xin hỏi Bạch huynh hiện tình trong nước Trung Hoa ta, Bạch huynh nhận định ra sao ?
Bạch Giáp Lang nghe Sơn Thạch hỏi như vậy, chàng mừng thầm gặp cơ hội mà thử lòng Sơn Thạch, nên tỏ sắc buồn bã mà rằng:
- Đệ thiết nghĩ từ ngày nước Mãn thanh cai trị nước Trung Hoa ta đến nay thì dân tộc một ngày yếu, quyền lợi càng bữa càng suy, đệ vẫn e cho nước ta phải sắp đến cái thời kỳ tiêu diệt, một giải giang san cẩm tú lớn nhất Á Châu này sẽ lệ thuộc một nước khác mà chớ, xem cái bằng cớ hiển nhiên ấy thì đệ vẫn công nhận cả Tôn Văn là chính đáng. Than ôi, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, nên Tôn Văn phải mấy phen thất bại tiêu điều, làm cho các sự trông mong của đệ hóa ra vô hi vọng, cơ trời thế ấy, khiến cho đệ thêm nản chí ngã lòng, đành là nhắm mắt bưng tai, để mặc ý thợ trời sắp đặt.
Giáp Lang nói dứt lời thì thấy Sơn Thạch sắc mặt lộ vẻ bất bình, đáp một cách xẳng xớm rằng:
- Bạch huynh nói sao vậy? Đã biết mưu tại người nên tại trời, song cũng lắm khi nhân định thắng thiên, thiên tùng nhân nguyện, người anh hùng chẳng lấy sự hơn thua mà nao núng, gan anh hùng chẳng xem thành bại mà sờn, huống chi câu vạn sự khởi đầu nan là lẻ thường xưa nay. Bọn ta nay hiện thời lẽ phải phấn khởi lên thêm mới phải, cớ sao lại luận thêm tâm chí đàn bà, thấy việc khó mà sụt sè thối chí thiệt rất uổng cho một người đáng bực anh hùng, tiểu đệ thật đã nhìn lầm người rồi.
Được lời như mở tấc lòng, khi ấy Bạch Giáp Lang mới tỏ thiệt với Sơn Thạch rằng:
- Ấy chẳng qua đệ có lòng ướm thử đại vương cho biết gan hào kiệt, chớ đệ đây lại lòng nào, nói thiệt thây này dầu chết cũng theo phe Tôn Văn, đệ ngày nay trôi nổi phiêu lưu, tấm thân hồ hải đây là có ý kiếm người đồng một chí hướng để cùng nhau hiệp sức, nay đệ rất may mắn gặp đại vương đây thiệt rất nên hữu hạnh, vì sẽ được thêm một tay chia bớt gạnh nặng nề.
Sơn Thạch nghe Giáp Lang phân rõ đầu đuôi bèn đổi giận làm vui mà rằng:
- Đệ không dè Bạch huynh thử ý nên có đối đáp nhiều lời xúc phạm, xin rộng lượng thứ cho.
Giáp Lang cười rằng:
- Mấy lời của đại vương thiệt là chính đáng nào có lỗi chi.
Sơn Thạch nói rằng:
- Nay tình cờ đôi ta được gặp gỡ nhau đây, ý tiểu đệ muốn cùng Bạch huynh kết nguyền sanh tử, chẳng biết Bạch huynh có vui lòng chăng ?
Bạch Giáp Lang vẫn có ý muốn việc ấy, nên tỏ ý mừng rỡ mà rằng:
- Nếu đại vương có lòng thương đến, đệ đâu dám chối từ.
Sơn Thạch cả mừng bèn truyền đặt bàn hương án cùng nhau thích máu thề nguyền: hoạn nạn có nhau, giàu nghèo chung chịu, sống thác đồng ngày. Đoạn tỏ bày ý tuổi tác, Bạch Giáp Lang nhỏ hơn Sơn Thạch hai tuổi nên gọi Sơn Thạch là anh, Sơn Thạch truyền giết heo vặt gà, cả bày yến tiệc, lại đánh trống tụ binh, lâu la các trại thủy bộ đồng kéo đến Tụ Nghĩa Đường đủ mặt.
Sơn Thạch bước lên ghế chủ trại mời Giáp Lang ngồi kế một bên, rồi công bố cho lâu la hay rằng: Hai người đã cùng nhau kết nghĩa đệ huynh, từ đây chúng nó phải kêu bằng nhị đại vương, lại cũng chỉ Bạch Phước mà bảo cho chúng nó coi như người nhà vô ra thong thả. Bọn lâu la cuối đầu vâng lệnh và tỏ ý bằng lòng lắm, đoạn cùng nhau vào tiệc yến ẩm vui cười cho đến xế chiều mới giải tán, Bạch Giáp Lang lại sai Bạch Phước xuống thuyền lấy hành lý, rồi cho ghe ấy trở lại.
Còn Sơn Thạch truyền lâu la dọn dẹp một căn phòng nơi hậu trại cho Bạch Giáp Lang và cũng dọn cho Bạch Phước một căn kế bên đó nữa. Lúc bấy giờ Bạch Giáp Lang mới thư thả hỏi về hai bức chân dung kia, Sơn Thạch dắt tay Giáp Lang bước lại bức chân dung nàng mỹ nhân mà nói rằng:
- Này là hình của tiện muội (em gái) bình sanh nó ham mến võ nghệ nên mặc như vậy đó, để rồi anh sẽ báo nó ra mắt cho biết anh em.
Bạch Giáp Lang khen thầm rằng: "Thiệt đáng gọi nữ trung hào kiệt", kế Sơn Thạch chỉ hình bên tả và nói đây chính là hình gia của gia sư, Giáp Lang hỏi:
- Chẳng hay lệnh sư pháp hiệu là chi ?
Sơn Thạch đáp rằng:
- Gia sư tên tục là Hắc Liên Hùng, pháp hiệu là Nhân Đức Thiền Sư.
Bạch Giáp Lang nghe nói giật mình nghĩ thầm rằng: "Nếu vậy quả là người ăn cắp cây Hắc Quang Bửu Kiếm của thầy mình đây, cứ theo lời thầy mình và xem việc võ nghệ của Huỳnh đại ca đây thì đủ biết hắn là tay lợi hại rồi, ấy vậy ta hãy hỏi dò coi hắn bây giờ ở đâu và cách hành động ra thể nào." Nghĩ rồi bèn hỏi Sơn Thạch rằng:
- Chẳng hay lệnh sử bây giờ ở đâu, em có thể ra mắt được chăng ?
Sơn Thạch nét mặt dàu dàu đáp rằng:
- Thầy của anh trước khi ở lại Khánh Vân Thiên Tự dạy học, bây giờ đã bỏ chùa ấy đi vãn du các tỉnh, hiện thời anh cũng không chắc ở đâu.
Giáp lang hỏi:
- Sao đại ca không thỉnh lịnh sư về trại mà phục sự đặng có học võ nghệ thêm.
Sơn Thạch đáp giọng buồn bực rằng:
- Hiền đệ ôi ! Nếu nói ra càng thêm hổ thẹn, chớ thật là cũng vì thầy anh mà anh và tệ muội mới đến chiếm Hà Điệp Lãnh này. Nguyên thầy của anh vẫn cùng anh bất đồng ý kiến, lại kết giao với Thanh Vạn Trí là một đứa ô lại tham quan, nương dựa oai quyền mà hãm hiếp dân lương thiện, thầy anh đã tu mà không chừa lòng tục, thường hay kiếm bắt con gái đàn bà đem về chùa mà ép mây mưa hoa nguyệt, nhiều người trong tiết trinh chẳng chịu nhuốc nhơ thì thầy anh lại giết thác rồi quăng thây, thiệt là nhẫn tâm thái thậm. Anh và chúng bạ thường hay can gián mà thầy đã chẳng nghe, lại lắm lời quở mắng, càng ngày càng lộng, dân sự xứ này mà nghe tiếng thầy anh thì đã kiếm đường trốn tránh, lại đặt riêng là Hắc Quỷ, mà thật vậy đó, cho đến nỗi anh thấy thầy thường ngày làm ác cũng bắt gớm ghê, nên lúc bấy giờ anh xem thầy chẳng khác yêu tinh quỷ mị, chúng bạn thấy vậy hết muốn thọ giáo nữa, tính sẻ chia nhau về xứ. Ai dè một ngày kia thầy anh lại muốn lẳng lơ trêu ghẹo đến tệ muội nữa, tệ muội có tính nóng nảy, bèn mắng nhiếc, còn anh và chúng bạn thấy thầy loạn luân cang kỷ như vậy chẳng còn kể đến nghĩa sư sanh chi cả, nên tức giận đồng rả nhau về xứ, anh và tệ muội cũng tom góp hành lý đến đây chiếm Hà Điệp Lãnh này chiêu binh mãi mã, quyết chờ cơ hội ra sức với quốc dân, Thanh Vạn Trí thường đem binh đến đánh phá, bị anh đánh thua mấy trận, nơi Đoạn Thượng Hà là trận sau cùng. Còn thầy của vì sự hỗ nhục mà đi vân du, anh lại nghe Thanh Vạn Trí sai người tìm kiếm khắp nơi, thỉnh về Đăng Châu đặng có đối thủ với anh, vì lão không biết anh là học trò.
Giáp Lang nghe qua cũng lấy làm căm tức bèn hỏi rằng:
- Nếu thiền sư ham mùi phú quý, chịu đến giúp sức cùng Vạn Trí thì anh liệu thế nào ?
Sơn Thạch cười gằn đáp:
- Nếu thầy anh ham mến bã vinh hoa, đến đây quyết hại anh, thì nói thiệt, anh cũng quyết dẹp tình sư đệ mà lo nghĩa vụ, đã biết thầy anh có cây Hắc Quang Bửu Kiếm lợi hại, song anh cũng chẳng sợ gì.
Bạch Giáp Lang giả ý không biết hỏi rằng:
- Chẳng hay cây kiếm ấy lợi hại thế nào ?
Sơn Thạch đáp rằng:
- Kiếm ấy là vật báu của tiên gia, nghe thầy anh nói có thể lấy đầu người cách xa trăm thước, song chưa thấy dùng lần nào.
Giáp Lang lại hỏi:
- Kiếm ấy lợi như vậy, sao đại ca lại nói chẳng sợ ?
Sơn Thạch lại đáp:
- Là vì nhờ có gia huynh học đạo tại Tuyết Hoa Sơn, cách mấy tháng nay có tìm đến sơn trại thăm anh, và có cho anh và tệ muội hai đạo linh phù hộ thân, phi đao phi kiếm chẳng làm hại được ?
Bạch Giáp Lang nghe nói, ngồi suy nghĩ một hồi rồi hỏi Sơn Thạch rằng:
- Dám hỏi đại ca, lệnh huynh có phải là Huỳnh Sơn Tòng chăng ?
Sơn Thạch sững sờ đáp rằng:
- Phải, phải, sao hiền đệ lại biết được.
Bạch Giáp Lang nói:
- Anh Sơn Tòng là bạn đồng song của em, cùng nhau học tại Song Quang động gần mười năm, lễ nào em không biết.
Sơn Thạch vỗ tay reo mừng mà rằng:
- Nếu vậy té ra cũng là người một nhà với nhau đây mà.
Bạch Giáp lang lại hỏi:
- Chẳng hay anh Sơn Tòng bây giờ ở đâu ?
Sơn Thạch nói:
- Anh ấy ghé lại đây được hai hôm thì từ giả, lúc ra đi nói rằng có ước hẹn với hai người anh em sẽ hội hiệp nhau tại Hương Cảng, nên phải qua đó kẻo thất hứa, chừng gặp ảnh sẽ thỉnh hết lại đây cũng nhau chia lo việc lớn.
Bạch Giáp Lang cười rằng:
- Hai người anh em ước hẹn với anh Sơn Tòng , thì một người là em đây còn một người nữa tên là Hồng Đại Lực.
Sơn Thạch nói:
- Vậy thì càng hay lắm, thôi hiền đệ hãy ở đây chờ đến sang năm sẽ có ảnh và Hồng Đại Lực đến, khỏi thất công sang Hương Cảng.
Giáp Lang nói:
- Anh tính như vậy cũng phải, song em không thể nào ở đây lâu được, vì chị của em hiện thời, đang ở tại dinh Thanh Vạn Trí, còn chú em ở tại Hương Cảng, lúc em gặp chị nơi Đoạn Thượng Hà chưa kịp hỏi han lời chi, lòng em lấy làm nóng nảy, em tính nội ngày mai này sẽ đến dinh Thanh Vạn Trí mà thăm chị rồi em sẽ sang luôn Hương Cảng tìm chú và hội diện với anh em cho khỏi lỗi hẹn.
Sơn Thạch tỏ sắc buồn mà rằng:
- Hiền đệ cùng ngu huynh mới hội ngộ cùng nhau, tâm đầu ý hiệp, tình đệ huynh chưa thỏa nở vội rẻ phân ?
Giáp Lang nói:
- Em đây há không lòng kính mến đại ca sao, ngặt vì em rất thương xót tình cốt nhục đã mười năm xa cách, nhà cửa tiêu điều chị em ra thân nô lệ, chú em sống thác chưa tường, em ngồi đứng chẳng an, nên ý đã quyết rồi, phải tạm biệt đại ca một lúc, tình anh em sau này cũng còn lắm cơn hội ngộ tương phùng.
Sơn Thạch nói:
- Hiền đệ đã phân hết lời, anh dám đâu cản trở, song anh tính như vầy, mai này hiền đệ đến Đăng Châu, rước chị về đây nương náu cùng tệ muội, còn hiền đệ nên ở nán lại chơi ít ngày rồi anh sẽ bảo lâu la dọn thuyền cho đệ sang Hương Cảng, nhắm chẳng muộn gì, vậy hiền đệ nghĩ thế nào ?
Giáp Lang nghe Sơn Thạch bàn tính như vậy, chàng lấy làm cảm động vô cùng, ngồi suy nghĩ một chặp rồi nói rằng:
- Anh đã có lòng thương mà tính chu toàn như vậy em lẽ nào không vâng.
Sơn Thạch thấy Giáp Lang chịu rồi thì có lòng mừng lắm, kế đến buổi chiều cơm nước xong xuôi, Sơn Thạch thấy trời còn sớm, bèn rũ Giáp lang đi vòng xung quanh trại, trước nhắm xem địa thế, sau hóng mát giải khuây. Bạch Giáp y lời, đoạn hai người dắt tay đi vòng theo trại, thấy trại cất rất có quy củ, tiền-hậu-tả-hậu đâu đó điều đúng cách thức trong binh thư, đi khỏi mấy hàng trại thì gặp một cảnh hoa viên rất nên rộng lớn, trong hoa viên lại có một tòa nhà tuy cột cây vách đất, song kiểu dáng rất đẹp, phía trước có dã sơn, phía sau có hà đình, bên tả có nhà diễn võ, bên hữu có trường bắn cung.
Bạch Giáp Lang đang đứng ngắm nghía trầm trồ, bỗng thấy trong nhà ấy kéo ra ba người con gái, một người mặt võ phục trắng, còn hai người kia mặc võ phục đen, đồng xăm xăm bước đến nhà diễn võ. Sơn Thạch chỉ mấy người ấy nói:
- Đây là trại riêng của tệ muội, bình sanh nó không ham học nữ công nữ hạnh, chỉ thích nghề cưỡi ngựa bắn cúng, kìa bọn nó đang ở nơi trường diễn võ, âu là chúng ta hãy vào đó xem chơi, để tệ muội ra mắt luôn thể.
Bạch Giáp Lang cản rằng:
- Xin đại ca hãy để bữa khác, chớ có vào đó mà ngăn trở việc dạy võ của tiểu thơ.
Sơn Thạch nói:
- Không phải vậy đâu, tệ muội bản tính cang cường, tuy là phận gái, song khí huyết giống trai, nó chẳng biết e lệ là gì, xin hiền đệ chớ ngại.
Nói rồi lấy tay mở cửa vườn vào trước, Bạch Giáp Lang bất đắc dĩ cũng nối gót theo sao.
Đúng thực:
Bạch và Huỳnh cùng nhau kết nghĩa
Nữ anh thư chẳng kém hùng anh
Muốn biết Bạch Giáp Lang gặp tệ muội của Huỳnh Sơn Thạch ra sao, xin đọc hồi sau tỏ rõ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top