Hồi Thứ ba
Thách đấu kiếm, Huỳnh Lệ Hoa mang nhục
Trộm sách gươm, Thanh Yến Ngọc báo ơn
Nơi diễn võ trường, tệ muội của Sơn Thạch tên là Huỳnh Lệ Hoa đang sắp sửa dợt võ cùng hai nàng a hoàn là Xuân Lan và Thu Cúc, bỗng thấy Huỳnh Sơn Thạch đi với một chàng thiếu niên bộ tịch nho nhã, dáng điệu phong lưu, mày thanh mắt sáng, diện mạo đàng hoàng, xăm xăm vào nhà diễn võ. Lệ Hoa và Xuân Lan, Thu Cúc đồng bước ra nghinh tiếp mời vào khán đài, Sơn Thạch chỉ Giáp Lang mà nói với Lệ Hoa rằng:
- Người này là Bạch Giáp Lang, hiệu Tiểu La Thành đã cùng anh kết nghĩa đệ huynh, hãy ra mắt cho biết người một nhà với nhau.
Lệ Hoa vâng lời, chẳng chút e lệ, bước đến trước mặt Bạch Giáp lang cúi đầu ra mắt, Giáp Lang cũng đáp lễ lại, rồi ngồi nơi ghế, Sơn Thạch bảo Lệ Hoa và hai nàng a hoàn dợt kiếm thử xem. Lệ Hoa khoác áo ngoài, bộ tịch gọn gàng, dung mạo chẳng kém Lê Huê Phàn Thị nhà Đường, chẳng nhường Đoàn Hồng Ngọc Tống Trào, hai nàng a hoàn cũng khoác áo, đoạn mỗi người cầm một thanh kiếm bước ra sân diễn võ, thế kiếm mau lẹ như vượn chuyền cây, quanh lộn như rồng giỡn sóng. Bạch Giáp Lanh xem thấy đường kiếm rất hay bèn khen rằng:
- Tiểu thơ thật là dày công tập luyện nên kiếm pháp rất thuần thục.
Huỳnh Sơn Thạch cũng đắc ý, bèn truyền lâu la chạy về đại trại lấy rượu và đem cung tên đến cho mau. Lâu la vâng lệnh, trong giây phút đã thấy bày tiệc rượu tên khán đài, Sơn Thạch mời Giáp lang đánh chén mà xem dợt võ. Giây phút dợt xong đường kiếm, Sơn Thạch lại bảo dợt một đường quyền, Lệ Hoa y lời dẹp kiếm, dợt quyền, xem bộ tịch rất dịu dàng như loan sè, phụng múa, dợt xong bèn bước lại ghế trước ngồi nghỉ mệt. Lệ Hoa ngồi liếc dung mạo của Bạch Giáp Lang một hồi rồi nói nhỏ với hai nàng a hoàn rằng:
- Ta xem chàng bộ tướng thư sinh như vậy lẽ nào có sức đánh cùng đại ca ta đến trăm hiệp, hay là bọn lâu la nói không thiệt chăng ?
Thu Cúc thưa rằng:
- Xem chừng đại vương có lòng chân trọng chàng ấy lắm, chắc chàng cũng là võ nghệ cao cường nên đại vương mới kết nguyền sanh tử.
Xuân Lan thưa:
- Sao tiểu thư không nhân dịp này xin thử tài cho biết phân cao thấp.
Lệ Hoa gật đầu khen phải, vựa muốn bước vào khán đài mà xin thử tài cùng Bạch Giáp lang thì thấy Sơn Thạch cầm cung tên đứng dậy nói với Giáp Lang rằng:
- Nơi Đoạn Thượng Hà, hiền đệ giữ phần trung lập nên ngu huynh chẳng dám ép nài, nay đã thành tình nghĩa anh em, vậy hiền đệ hãy dợt thử ít mũi tên giúp vui trong tiệc rượu này, xin chớ chối từ.
Nói rồi bèn trao cung tên cho Giáp Lang. Giáp Lang tiếp lấy và nói rằng:
- Em đã thấy tài kỵ xạ của đại ca thật không sút Vương Bá Đương nhà Tùy, Hoàng Hán Thăng Thục Hán, nay em sở dĩ chẳng dám phật ý đại ca mà miễn cưỡng cho qua buổi đó thôi, chờ em đâu dám sánh.
Sơn Thạch cười rằng:
- Hiền đệ chớ quá khiêm nhượng.
Nói rồi đứng dậy dắt tay Bạch Giáp Lang bước xuống khán đài đi thẳng đến trường bắn cung, Lệ Hoa có ý mừng thầm , bèn hiệp với Xuân Lan, Thu Cúc đồng đi theo sau đặng có xem tài xạ tiễn. Đến nơi Bạch Giạp Lang thấy bia dựng cách chừng một chừng một trăm bước, chàng cầm cung nghĩ rằng: " Nếu ta đứng ngay trước bia mà bắn cướp hồng tâm thì không lấy chi làm lạ." Bèn cầm cung kéo dây bắn thử hơn mười bận, bọn Lệ Hoa xem thấy bèn xầm xì với nhau: "Chàng ấy kếu nỗi Thiết Cung của đại ca, thiệt là lực sĩ". Bỗng thấy Bạch Giáp Lang lắp tên vào cung, rồi xây lưng lại, vừa buông tay thì tên phát ra trúng ngay giữa hồng tâm, hai bên lâu la khen rộ. Sơn Thạch vỗ tay khen lớn rằng:
- Hảo, Hảo hiền đệ thật đáng mặt Tiểu La Thành !
Còn Lệ Hoa thầm nghĩ rằng: " Nghề của Bạch Quân lại muốn lấn hơn đại ca nữa, duy cò việc võ nghệ ta chưa biết cao thấp thế nào ?" Bèn bước lại thưa nhỏ với Sơn Thạch tỏ ý muốn cùng Giáp Lang đấu kiếm cho biết tài cao thấp. Sơn Thạch gạt ngang mà rằng: " Không được đâu, em tài nghề đến bực nào mà dám cùng chàng đấu kiếm, vả lại thân em là gái, nếu đường đột quá lẽ như vậy e mất cách lịch sự đi chăng, như hơn thì chẳng nói làm chi, bằng sơ sẩy thì còn chi là thể diện, Nguyên Sơn Thạch nói vậy có ý riêng nhưng Lệ Hoa lại không hiểu được, Lệ Hoa nói:
- Sao những tay hảo hán bấy lâu nay tại sơn trại thì em đều được thử tài, còn chàng này đại ca lại chẳng cho ?
Sơn Thạch đáp rằng:
- Ấy là anh biết mấy người đó võ nghệ tầm thường, sức em hơn được, chớ còn như Bạch hiền đệ đây là anh hùng vô địch, anh em mình chẳng phải đối thủ đâu.
Lệ Hoa thấy anh cản trở chẳng cho, tuy nàng ngoài miệng làm thinh, song trong lòng lấy làm uất ức, Thu Cúc xem thấy hiểu ý bèn đưa mắt tới Lệ Hoa, Lệ Hoa hiểu ý bèn bước lại gần, Thu Cúc kề miệng nói nhỏ rằng: "Nếu tiểu thư quyết ý như vậy sao không bắt chước gương Bảo Kim Hoa cùng Lạc Hoàng Quân thuở trước", (hai nhân vật này nằm trong bộ Lục Mẫu Đơn). Lệ Hoa chợt nhớ lại bèn gật đầu khen phải, rồi bãi việc xin đấu gươm, cuộc dợt cung tên xong rồi, nội bọn bèn kéo nhau về nhà diễn võ thì trời đã sập tối. Lệ Hoa và hai nàng a hoàn đồng cáo, còn Sơn Thạch cùng Giáp Lang uống thêm mấy chén rượu nữa rồi cũng chia tay về tư phòng nghỉ ngơi. Lâu la dẫn đường đưa Bạch Giáp Lang sang hậu trại, chàng thấy Bạch Phước ngồi trước sân uống rượu với hai tên lâu la, bọn ấy thấy Bạch Giáp Lang bước đến bèn đứng dậy chào hỏi đoạn mời chàng về thư phòng, mùng mền chiếu gối đều được chuẩn bị sẵn sàng, chàng cho phép hai tên lâu la về trại, như có việc cần dùng sẽ kêu, rồi gọi Bạch Phước vào mà nói rằng:
- Mai này tôi sẽ đến Đăng Châu rước chị, vậy bác hãy ở lại đây chớ có đi theo làm chi, xong việc tôi sẽ trở lại đây đặng có hiệp nhau sang Hương Cảng.
Bạch Phước nghe xong bèn cáo từ về phòng an nghỉ, Bạch Giáp Lang khép cửa phòng, bước lại ghế vặn đèn tỏ rõ, đoạn lấy quyển Song Quang Thần Thư ngồi xem, một chặp nghe trống đã sang hai, chàng cất sách rồi bước lại giường nằm, trong trí tính vỗ an giấc điệp để sáng lên đường.
Đêm vắng canh khuya, ngọn đèn leo lắt, tấm lòng du tử, trăm mối ngổn ngang, Bạch Giáp Lang nằm lăn lộn thở ra, nổi thương thân chị chẳng biết cơn biến cuộc thế nào mà tấm thân ngàn vàng phải làm tôi mọi, nỗi lo thân chú tuổi già sức yếu mà phải vùi dập chốn phong trần, phần thì một gánh giang san hoằng hại, thân anh hùng chưa trả nợ tang bồng, nghĩ đến đó chàng rối tợ tơ vò, nên đôi mắt tuy nhắm mà lòng vẫn thao thức luôn luôn. Mỗi chốc lại nghe tiếng gõ chuyền của bọn lâu la tuần trại pha lẫn với giọng ai oàn não nùng của đoàn vượn ru con, cùng những tiếng cọp rền beo rống tựa hồ bao nhiêu cảnh vật ấy xúm nhau tổ điểm cái màn buồn thảm trong trí não của Bạch Giáp Lang. Chàng đang nằm gác tay lên trán lẩm nhẩm than thở, thình lình nghe có tiếng gõ cửa nhẹ nhẹ, chàng tưởng Bạch Phước, vừa muốn cất tiếng hỏi, lại thấy cửa phòng từ từ mở ra, có một người con gái rón rén bước vào. Bạch Giáp Lang ngồi dậy gọn gàng nhìn kỹ lại là nàng a hoàn của Huỳnh Lệ Hoa tên Thu Cúc, chàng bèn lên giọng nghiêm trang hỏi:
- Nàng đến đây có việc chi trong lúc thâm canh vắng vẻ như vầy, há chẳng sợ việc hiểm nghi sao ? Nếu quân tuần thấy được thì còn chi là danh của tô, vậy nàng hãy bước ra chóng, dầu có việc chi đại sự cũng phải để sáng sẽ thương nghị cho được minh bạch.
Thu Cúc miệng chúm chím cười thưa nhỏ nhỏ rằng:
- Vốn tiện tì chẳng phải tự mà đến đây, thật là bản ý cùa tiểu thư đó.
Bạch Giáp Lang càng thêm nghi ngại bèn nói rằng:
- Dầu cho tiểu thư cũng vậy, há chẳng biết câu nam nữ thọ thọ bất tương thân sao ?
Nói vừa dứt lời bỗng thấy Lệ Hoa xô cửa bước vào. Bạch Giáp lang lật đật thi lễ đoạn nghiêm nghị nói rằng:
- Tiểu thơ đếm khuya canh vắng, thân gái đến đây, tệ sĩ e không phải lễ.
Nghe lời chính đáng, Lệ Hoa mặt có sắc thẹn đôi má ửng hồng, song cũng đánh bạo tằng hắng một tiếng rồi thưa rằng:
- Vẫn em cũng biết em làm như vầy là quá ư đường đột, song em đến đây chẳng phải học thói Thôi Oanh Oanh cùng Trương Quân Thoại, em tuy mang tiếng lục lâm chớ cũng biết trọng danh tiết, lẽ nào học thói trăng hoa.
Bạch Giáp Lang hỏi:
- Vậy thì tiểu thư đến đây ý ra thế nào ?
Lệ Hoa đáp rằng:
- Em đến đây là vì có một việc chưa thỏa lòng, mong rằng công tử chớ nên chấp lễ mà vui lòng nghe em phân tỏ một lời, vốn ban chiều em thấy tài xạ tiễn của công tử, trong lòng lấy làm khâm phục, song chưa thấy được võ nghệ mà học thêm, em lại nghe nói rằng công tử sẽ giã từ sơn trại mà đi Hương Cảng nên em chẳng tỵ hiềm nghi đến đây, xin công tử chỉ giáp cho em thêm chút ít tài nghề, em lấy làm cảm tạ.
Bạch Giáp Lang nghe trong lòng chẳng đẹp, song cũng gượng gạo đáp:
- Tiểu thơ lấy sự thật tình mà phân tỏ lẽ thì tệ sĩ phải vâng lời, song tệ sĩ nghĩ vì tiểu thơ là phận gái, mà cuộc thử tài này rất âm thầm, tuy tệ sĩ và tiểu thư tấm lòng băng tuyết chẳng chút bụi nhơ thì mình biết lấy mình, chớ tránh sao khỏi tiếng mỉa mai bình luận. Vậy tệ sĩ xin tiểu thư nên đợi vài ngày, sau như đi Đăng Châu về, chừng ấy có trước mặt đại ca, tệ sĩ cùng tiểu thư dợt kiếm thử quyền, mới là chính đáng cho.
Lệ Hoa nói:
- Công tử phân rất phải, song đại ca của em chẳng khi nào để cho em dợt quyền cùng công tử trước mặt người đâu, vì lúc ban ngày em đã có tỏ ý ấy thì người lại quở trách ngăn cản, nên đêm nay sẵn trăng thanh gió mát xin công tử chớ phụ lời cầu khẩn của em.
Bạch Giáp Lang thấy Huỳnh Lệ Hoa nằng nặc quyết một, nếu lấy lẻ từ chối hoài sợ người chê rằng nhát, bèn nghĩ thầm rằng: "Âu là ta cũng chiều ý đánh cầm chừng cho nàng mệt sức thì phải tính việc huề mới hết kêu nài nữa." Nghĩ rồi bèn nói rằng:
- Tiểu thư đã quá lời, tệ sĩ dám đâu từ chối, song tệ sĩ công phu còn thấp, võ nghệ còn sơ, e chẳng khỏi làm trò cười cho tiểu thư chăng ?
Lệ Hoa thấy Giáp Lang đã ưng chịu thì cả mừng đáp rằng:
- Xin công tử chớ nên khiêm nhượng, hãy cứ thật tình mà chỉ giáo cho em.
Nói rồi cùng Thu Cúc đồng bước ra sân, Bạch Giáp Lang cũng cầm gươm theo sau. Đến sân thì thấy Xuân Lan đã cầm một cặp gươm đợi sẵn đó rồi, Lệ Hoa lựa một cây cầm, vừa muốn cùng Bạch Giáp Lang bạt kiếm, bỗng thấy một đoàn quân tuần khắc sanh kéo tới. Giáp lang trong lòng áy náy muốn bước vào phòng lánh mặt, thì nghe tiểu thư kêu tên đầu mục mà dặn rằng:
- Ta cùng nhị đại vương dợt võ nghệ chơi cho tiêu khiển chớ chẳng có s khác, nếu bọn bây đứa nào tọc mạch thấu tai đại ca thì ta không tha thứ đó đa.
Bọn ấy dạ vâng rồi kéo nhau đi thẳng, lúc bấy giờ trăng tỏ làu làu, gió đông mát mặt, một đôi trai tài gái sắc cùng nhau bạt kiếm ra tài, qua lại tới lui tận hai mươi hiệp, vốn Sơn Thạch bình nhật hay giao du nhiều tay hào kiệt giang hồ, thường hay tập quờn múa kiếm, Lệ Hoa có tánh thông minh nên học được nhiều miếng bí yếu nhiệm màu, nên đổi thế này sang thế khác làm cho Bạch Giáp Lang ban đầu hơi khinh sức có ý đánh cầm chừng mà bây giờ cũng phải đề phòng. Lệ Hoa thấy Bạch có sức đỡ ngăn tránh chứ không thấy dụng thế gì, nên nàng càng hứng chí ra hết tài nghề, quơ động ngọn gươm luân chuyển như mưa tuôn, hơi nghe vùn vụt. Giáp Lang vừa đánh vừa khen thầm rằng: "Huỳnh Tiểu Thư quả nhiên võ nghệ cao kỳ, công phu dày đặc nếu ta khinh sức đàn bà chắc phải bị hư danh." Đánh đến ba chục hiệp nữa mà chưa phân cao thấp, Giáp lang thấy tiểu thư giữ gìn, đánh đỡ gọn gàng chẳng sơ sót bèn nghĩ thầm nữa rằng: "Rất đỗi một nàng con gái mà còn đối thủ với ta hơn năm chục hiệp như vầy, đến khi lâm trận xung phong lại đến thế nào nữa, âu là ta phải dùng thế hay mà thắng nàng cho sớm, nếu vị tình riêng thì còn chi là danh tiếng." Nghĩ như vậy nên chàng ra sức bình sinh múa kiếm tấn tới dùng các thế hay đánh nhau, làm cho tiểu thư bây giờ trở nên khiếp sợ, trán đổ mồ hôi, ráng đỡ ngăn được năm hiệp nữa, bỗng nghe một tiếng rẽng tức thì thấy cây gươm của tiểu thư rơi xuống đất, còn Bạch Giáp Lang phi bộ ra ngoài chắp tay bái tiểu thư mà rằng:
- Cam thất lễ, cam thất lễ.
Tiểu thư rất nên hổ thẹn, cúi xuống lụm thanh gươm không ngờ nàng vừa đưa tay lên thấy nơi cổ tay chảy máu ròng ròng, ấy là chạm nhằm lưỡi kiếm của Bạch Giáp lang, may mà thương thích không lấy gì làm nạng nên chẳng đến nổi gì. Xuân Lan, thu Cúc thấy máu thì cả kinh áp nhau lại lấy khăn băng bó và ngó Bạch Giáp Lang mà nói rằng:
- Cha chả, không xong nhị đại vương đã phạm kiếm tiểu thơ rồi đây.
Giáp Lang cả kinh, lật đật bước lại xem, thấy máu thấm ra mấy lớp khăn đỏ tươi thì trong lòng lấy làm hối hận trách mình sao quá nóng nảy mới lỡ tay, bèn kiếm điều an ủi rằng:
- Tệ sĩ bởi bất ý, nên mới rủi ro phạm đến quý thể như vầy thật là đáng tội, xin tiểu thư miễn chấp.
Tiểu thư mặt có vẻ sượng sùng, song cũng gượng đáp rằng:
- Bởi em cậy tài ỷ sức, dám cùng anh hùng bày việc đấu gươm nên mới đến nổi này, vả lại đao thương là vật vô tình, công tử nào có lỗi chi.
Nói rồi cáo từ cùng Xuân Lan, Thu Cúc trở về tư trại. Bạch Giáp Lang suy tính một hồi chau mày nghĩ rằng: "Không xong, việc này thật là rối cho ta lắm, vả chăng tiểu thư là gái, còn ta đây đường đường một đấng nam nhi, lẽ nào lại chẳng nương tay mà phạm kiếm, dầu tiểu thư có háo thắng mà khiêu khích đấu gươm, thì ta cũng phải dằn lòng nhẫn chí từ chối đi mới phải, tiểu thư có chê cười hèn nhát cũng chẳng hại gì, huống chi cuộc đấu gươm này lại tăm tối âm thầm rất trái hẳn với trí thượng phu quân tử, cũng bởi tại ta bất cập mà phải có việc hối hận này, nếu sáng ngày đại ca hay được mà hạch hỏi thì biết trả lời làm sao, bằng người có rộng lượng bỏ qua rồi ta đây lại mặt mũi nào mà dám ngó người." Bạch Giáp Lang đứng ngẩn ngơ một hồi rồi xách gươm bước vào phòng ngồi gục đầu nơi ghế nghỉ ngơi, giây lâu vụt đứng dậy bước lại ghế lấy giấy, mực ra viết mấy hàng, xếp lại tử tế để trên ghế, giắt gươm vào lưng, bước ra khỏi phòng nhắm đường đi thẳng xuống mé sông, bọn lâu la canh gác biết mặt nhị đại vương nên không ngăn trở gì. Đến thủy trại, Giáp lang đánh thức bọn thủy thủ, lựa hai tên sức lực bảo bơi thuyền đưa chàng ra khỏi Hà Điệp Lãnh, khi đến đại lộ, chàng hỏi thăm đường xuống thành, rồi bảo hai tên thủy thủ trở lại. Hai tên thủy thủ thưa rằng:
- Đại vương đến Đăng Châu có việc chi gấp rút mà lại đi có một mình trong đêm hôm như vầy ?
Bạch Giáp Lang đáp rằng:
- Ta đi có việc riêng, hai ngươi chẳng cần hỏi han, song ta cậy bọn ngươi khá thay lời ta thưa lại với đại vương rằng ta cam thất lễ không kịp tạ từ đại vương, xin người miễn chấp.
Nói rồi nhảy lên bờ đi thẳng, bọn thủy thủ thấy cử chỉ của nhị đại vương như vậy thì lấy làm lạ, đồng bàn luận với nhau một hồi rồi bơi thuyền về thủy trại đặng rạng ngày báo tin này cho Huỳnh Sơn Thạch biết. Nơi sơn trại, đêm ấy Sơn Thạch thức dậy rất sớm truyền lâu la nơi Tụ Nghĩa Đường có ý tiễn hành Bạch Giáp Lang, lại chọn mười tên lâu la đồng tráng niên giả dạng khách thương để có tùy tùng cùng nhị đại vương đến Đăng Châu. Các việc an bài, Huỳnh Sơn Thạch ngồi chờ đến rạng đông mà chưa thấy Bạch Giáp Lang đến, Sơn Thạch nghi Bạch Giáp lang ngủ quên, bèn sai một tên lâu la xuống hậu trại xem thủ coi dậy chưa ? Tên lâu la vâng lệnh chạy thẳng xuống hậu trại, vừa được nửa đường, bỗng thấy Bạch Phước cầm một mảnh giấy hơ hãi chạy lên, tên lâu la kêu hỏi rằng: "Nhị đại vương đã thức dậy chưa ?" Bạch Phước thở hổn hển đáp rằng:
- Rối lắm, rối lắm, chẳng hay Huỳnh đại vương bây giờ có tại Tụ Nghĩa Đường chăng ?
Tên lâu la đáp:
- Có, có, mà sao bộ tịch ông hớt hãi như vậy ?
Bạch Phước lắc đầu đáp rằng:
- Việc rất nên nguy cấp, để đến Tụ Nghĩa Đường sẽ hay.
Nói rồi chạy thẳng đến Tụ Nghĩa Đường, thấy Sơn Thạch đang ngồi ngó ra, Bạch Phước trao bước thư cho Sơn Thạch và khóc rằng: "Không biết vì cớ nào Bạch công tử đã bỏ đi trong đêm hôm qua mất rồi." Sơn Thạch sững sốt hỏi rằng:
- Bạch đệ đi sao không báo cho ta hay ?
Bạch Phước nói:
- Chính lão đây cũng không biết công tử đi hồi nào , đến chừng thấy vắng mặt, lão chạy qua phòng gặp được bức thư này thì mới hay công tử đã đi rồi.
Sơn Thạch mở tờ giấy ra xem thấy mấy hàng chữ vắn tắt như vầy:
Huỳnh đại ca nhả giám,
Tiểu đệ trót đã mang ơn chiếu cố, chưa chút đáp đền lấy làm ái ngại, nay vì tình cảnh bắt buộc, tiểu đệ phải cam chịu lỗi về việc khứ lưu vô minh bạch, xin đại ca rộng lòng tha thứ, tình huynh nghĩa đệ xin để lại ngày sau.
Bạch Giáp Lang tái bút
Sơn Thạch xem thư rồi lấy làm lại nghĩ rằng: " Lạ này, không biết Bạch đệ nói tình cảnh gì mà bắt buộc phải đi, vả lại việc xuống Đăng Châu ta cũng không ngăn cản, lẽ nào lại đi lén nửa đêm không có một lời từ giã." Còn đang suy nghĩ, bỗng thấy hai tên thủy thủ bước vào thưa rằng:
- Không biết có việc chi gấp gáp mà Bạch đại vương hồi canh tư đi một mình đến thủy trại bảo bọn tôi đưa người đến đại lộ, lại hỏi thăm đường đi Đăng Châu rồi bảo bọn tôi trở lại thưa với đại vương rằng người gửi lời từ giã, xin đại vương miễn chấp.
Sơn Thạch hỏi:
- Bọn ngươi có hỏi tại sao mà người đi vội như vậy chăng ?
Bọn thủy thủ thưa:
- Chúng tôi có hỏi, song người chẳng tỏ bày.
Sơn Thạch ngồi chống tay lên suy nghĩ một hồi rồi truyền đành trống tụ binh. Lâu la tựu đến đủ mặt, Sơn Thạch hỏi rằng:
- Đêm nay nhằm phiên tuần của trại nào ?
Bọn lâu la thưa rằng:
- Thưa đại vương là Trại tư.
Sơn Thạch gọi tên đầu mục và quân tuần trại tư đến trước mặt cho chàng dạy việc. Tên đầu mục và quân tuần bước đến, Sơn Thạch thấy bộ tịch chúng nó có hơi sợ sệt, bèn giã ý trợn mắt nạt nộ hỏi rằng:
- Hồi hôm bọn ngươi đi tuần ban đêm có thấy nhị đại vương làm những gì, hãy nói cho mau, bàng giấu thì giết hết.
Tên đầu mục thấy chủ trại giận dỗi, nên chẳng dám giấu diếm bèn thưa ràng:
- Bẩm đại vương, hồi canh ba này chúng tôi đi tuần trước trại nhị đại vương, thấy nhị đại vương đang cùng tiểu thư đấu kiếm, tiểu thư lại hâm he bảo chúng tôi phải giấu đại vương việc ấy.
Sơn Thạch nghe rồi bèn giậm chân mà rằng:
- Thôi thôi, đầu đuôi cũng tại Lệ Hoa mà ra.
Nói rồi truyền cho bọn lâu la giải tán, đoạn bước thẳng xuống tư trại của Lệ Hoa mà gạn hỏi cho ra nguyên cớ. Huỳnh Lệ Hoa đang than thở với Xuân Lan, Thu Cúc về chuyện đấu gươm ban hôm, bỗng thấy Sơn Thạch bước vào, sắc mặt đằm dằm, thì biết việc đã bại lộ rồi, song cũng gắng gượng bước ra chào hỏi. Sơn Thạch thấy Lệ Hoa tóc tai rũ rượi, lại thấy nơi tay có băng bó, biết là bị thương bèn cười rằng:
- Hay cho em dữ a, anh đã nói trước rằng em không phải tay đối thủ với Bạch công tử, sao em lại cãi lời, cứ ỷ mình võ nghệ cao cường, dưới mắt xem chẳng có người, nên mới bị thương, có phải nhẹ nhàng thân gái chăng ?
Lệ Hoa biết lỗi cúi mặt làm thinh. Sơn Thạch nói rằng:
- Việc này chắc cũng tại em đến trại khiêu khích, Bạch công tử chẳng lẽ chối từ e mang danh khiếp nhược, nên phải tỷ thí cùng em, lại rủi ro phạm kiếm, nay người đã hối hận, một là sợ hỗ thẹn cùng anh, hai là sợ tiếng người dị nghị, nên đã lánh thân rồi. Uổng thay một người nên trang anh tuấn, đáng mặt trượng phu, anh không được cầm cự vài ngày mà đàm đạo cho thỏa chí.
Nói rồi ra dáng tức giận ngồi gãi má, Huỳnh Lệ Hoa nghe Bạch Giáp Lang đã đi rồi thì cũng ra tuồng sững sốt, đứng lặng thinh không nói tiếng cho, song song thấy hai khóe rớm rớm giọt hồng. Sơn Thạch tuy giận em, song thấy em biết hối lỗi, nên không nở nặng lời, chàng ngồi suy nghĩ một hồi rồi bước ra về Tụ Nghĩa Đường. Truyền cho mười tên lâu la sức lực và lanh lợi giả dạng khách thương đến Đăng Châu dọ nghe tin tức.
Còn Lệ Hoa thấy anh về rồi nàng mới ngồi phịch xuống ghế, rút khăn lau nước mắt than rằng:
- Bạch công tử ôi, vì em vụng tính, muốn cho chàng thấy rõ tài nghề, nên mới khiêu khích đấu gươm, không dè chàng lỡ tay hối hận, để bước ra đi như vầy, lỗi này cũng tại nơi em. Bạch Lang ôi, từ khi biết chàng đấng anh hùng, em hằng ao ước mong đem thân bèo bọt mà gửi cho chàng, hầu an phận nương tùng, không chàng vì xử nghĩa mà phải lánh thân, làm cho cái mối tơ duyên này phải hóa ra vô vọng.
Than rồi ngó lại cằm tay, trong lòng càng thêm hổ thẹn nghĩa rằng: " Bạch Lang là người quân tử, tuy chàng chẳng có lòng khinh rẻ, song ta cũng không khỏi thẹn thầm, từ đây ta thề không háo thắng như vậy nữa." Nói qua Bạch Giáp Lang thoát khỏi sơn trại Hà Điệp Lãnh rồi, cứ theo đường của bọn thủy thủ đã chỉ lầm lũi đi riết chẳng dám dừng chân vì sợ Huỳnh Sơn Thạch kịp hay mà có việc cản trở lôi thôi. Đến thành Đăng Châu thì mặt trời vừa ló mọc, chàng đến cửa thành cậy quân giữ cửa vào thông báo. Một chặp sau có một tên quân khác ra mời Bạch Giáp Lang vào dinh, Giáp Lang theo tên quân ấy vào đến trung đường, thấy Thanh Vạn Trí đi ra, hai bên có giáp sĩ hầu hạ xem rất oai nghi. Giáp Lang thủ lễ, bước đến xá Thanh Vạn Trí một xá và thưa rằng:
- Hạ sĩ là Bạch Giáp lang xin ra mắt.
Vạn Trí tỏ ý mừng rỏ bước xuống nắm tay Giáp Lang dắt lại ghế mời ngồi rồi nói rằng:
- Công tử chớ nên thủ lễ, hãy ngồi lại dùng trà giải lao, từ khi lão được biết công tử là một bậc anh hùng, chẳng những có ơn cứu nạn cho tệ nữ mà lại có lòng trừ hung diệt bạo, lão có lòng kính mến chẳng cùng, hằng đợi trông công tử đến đây, để tiện nữ lạy tạ gọi là đáp ơn cứu mạng.
Giáp Lang khiêm nhượng thưa rằng:
- Gặp nghĩa phải làm ấy là bổn phận của kẻ anh hùng, nào có ơn chi mà đại nhân phải ngọc lòng nghĩ đến.
Vạn Trí lại hỏi thăm:
- Công tử đến Hà Điệp Lãnh thế nào ?
Giáp Lang đáp tránh rằng:
- Thần Võ đại vương quả nhiên võ nghệ cao cường tôi giao chiến trót ngày mà không ai hơn kém, người lại chẳng ỷ đông hiếp ít, để cho tôi ra một cách tự do, bởi cớ ấy cho nên tôi đến đây trước là ra mắt đại nhân, sau xin rộng lòng cho tôi được gặp mặt chị tôi là Bạch Thiên Kim đặng hỏi thăm việc hàn huyên trong gia đạo
Vạn Trí đáp rằng:
- Được, Được Bạch thị đang ở sau dinh, để rồi lão cho người dắt đến đó cho giáp mặt nhau, còn hiện giờ lão có thiết tiệc mọn tại khách lầu, vậy xin mời công tử hãy chung vui cùng lão một tiệc rồi sẽ thăm chị cũng muộn gì.
Bạch Giáp lang tuy nóng nãy trong mau gặp chị song thấy Vạn Trí ân cần mời thỉnh, nếu chối từ e phụ lòng tốt của người, bèn đứng dậy thưa rằng:
- Mong ơn đại nhân rất hậu tình, tôi dám đâu từ chối, song e làm rộn cho đại nhân chăng ?
Vạn Trí vuốt râu cười nói Bạch Giáp Lang chớ ái ngại, nói rồi đứng dậy dẫn đường đi trước, Giáp Lang theo sau, đồng bước thẳng lên lầu, thì thấy tiệc rượu sẵn sàng la liệt trên bàn, nào là ly ngọc, bầu ngà, nào là chén vàng, đũa bạc. Các thức ăn dùng toàn đồ mỹ vị cao lương , thiệt xứng đáng bậc nhà khanh tướng, hai người ngồi lại trò chuyện, một hồi kế người hầu rót ra hai chén rượu đầy dâng cho mỗi người một chén. Thanh Vạn Trí nang ly rượu, miệng mời Bạch Giáp Lang rằng:
- Công tử hãy cứ thiệt tình ăn uống trò chuyện chơi với lão, đừng có nghi ngại chi cả.
Giáp Lang cũng nâng ly rượu của chàng cụng ly với Thanh Vạn Trí rồi uống cạn. Chàng uống ly rượu của chàng rồi, lại liếc thấy ly rượu của Thanh Vạn Trí còn nguyên, lòng sinh nghi chén rượu ấy chẳng hiền, muốn gạn hỏi, phút chốc trong lòng nóng như lửa đốt, mặt mày xay xẫm, rủ liệt tay chân, biết mình đã mắc mưu gian chẳng còn nghi ngờ gì nữa, bèn chuyển lực đứng phắt dậy rút gươm nhảy đến chém Thanh Vạn Trí một gươm, không dè Thanh Vạn Trí cũng biết võ nghệ, nên vừa thấy Giáp Lang rút gươm thì lão ta sụt xuống ghế tránh khỏi, rồi cũng quơ ghế cản ngăn. Bạch Giáp Lang chém hụt một gươm lấy làm tức tối bèn tấn tới chém nữa. Vạn Trí đỡ khỏi, kế hai bên bọn người hầu xông vào phụ lực, Giáp Lang nhảy lên ghế chống gươm trợn mắt nạt rằng:
- Lão tặc, ta cùng ngươi kiếp trước không thù, kiếp này không oán, sao ngươi mưu độc muốn hại ta? Nói thiệt trước khi ta chết ta cũng nguyện lấy cho được đầu ngươi rồi nhắm mắt.
Giáp Lang tính phi kiếm mà giết Thanh Vạn Trí, song chưa kịp dùng mà rượu độc đã nhập vào ngũ tạng, trong lòng rối loạn, đôi mắt chói lòa, chân đứng hết vững, bèn té xỉu trên ghế thiêm thiếp hồn hoa.
Vạn Trí cả mừng truyền người hầu lấy dây trói lại ba bốn lớp, rồi bước lại lượm thanh kiếm cầm xem một hồi biết là vật báu, thì trong lòng rất mừng, bèn truyền quân lục soát cùng mình chàng kiếm coi có vật chi khác nữa chăng, quân sĩ y lệnh lục soát một hồi gặp quyển sách trong túi, bèn dâng lên, Vạn Trí mở xem vài tờ thì tỏ sắc hân hoan mà vỗ tay rằng:
- Ta được hai vật này về tay thì có lo chi không an thiên hạ.
Rồi truyền quân khiêng Bạch Giáp Lang bỏ vào ngục tối chờ tỉnh rượu sẽ trảm quyết cho tuyệt hậu hoạn, quân sĩ vâng lệnh cùng nhau khiêng Bạch Giáp Lang đi, còn Thanh Vạn Trí cầm kiếm và sách bước vào phòng...
Bạch Giáp Lang bị rượu có bỏ thuốc mê nên nằm mê man như kẻ chết, vía chàng thấy đang dạo chơi trong một cái hoa viên kia rất nên u tịch, cỏ hoa trăm thức rực rỡ khoe màu, liễu múa oanh chiều, ong bay bướm lượn, chàng đang thơ thẩn ngắm cảnh xem hoa, bỗng nghe sau lưng có tiếng người kêu rằng:
- Bạch Giáp Lang hỡi em !!!
Bạch Giáp Lang giật mình xoay lưng ngó lại, thấy một người đàn bà đi đến, nhìn rõ lại chính thực là Bạch Thiên Kim hiền tỷ, song mình mẩy thì ướt đẫm máu đỏ tươi, mặt hoa ủ dột, nét liễu tan hoang, chàng cả kinh hỏi rằng:
- Ủa này chị, mấy nay em lấy làm nóng nảy, nay mới được gặp chị đây, nhân cớ sao thân thể chị đến đổi này ?
Bạch Thiên Kim nhìn Bạch Giáp Lang nức nở khóc rằng:
- Em ơi, chị ngày nay đã thành người thiên cổ, còn đâu mà gặp gỡ cùng em.
Bạch Giáp Lang càng kinh hãi hỏi lớn rằng:
- Trời ơi !!! chị đã chết rồi sao, chị làm sao mà chết ?
Thiên Kim nghiến răng đáp rằng:
- Đó cũng là vì lão thất phu Thanh Vạn Trí sinh lòng dâm loạn, hồi nửa đêm này đến phòng chị toan ép mây mưa trăng gió, ép liễu nài hoa, chị mắng nhiếc đến điều lão cũng mặt chai mày đá, đã chẳng biết hổ thẹn lại ra tay cưỡng bức, chị là phận liễu yếu đào tơ không đủ sức vẫy vùng, phải cắn lưỡi quyên sinh tự vận để khỏi điều ô nhục.
Bạch Giáp Lang nghe nói đến đó liền nộ khí xung thiên, mi sơn thượng nộ, chàng xăn tay vỗ ngực hét lớn rằng:
- Đồ vô lại cẩu quan, dám hãm hiếp chị ta, oán này ta nguyền khắc cốt ghi tâm, đố mi trốn đường nào cho thoát khỏi Bạch Giáp Lang này.
Bạch Thiên Kim nói rằng:
- Em chớ có nóng việc báo oán làm chi, chỉ lo cho thân em không thoát khỏi nơi hiểm ác này, hiện nay tính mạng đang trong cừu nhân, nên chị phải nương gió theo mây đến đây để chỉ điểm cho em.
Giáp Lang nói rằng:
- Chị nói thế nào mà em trả oán không đặng, còn em làm sao lại trong tay cừu nhân? Cha chả, dầu chốn thiên quân vạn mã em còn chẳng nao núng, huống chi chỉ là một lão thất phu Thanh Vạn Trí, nếu em chẳng trả cừu này thì chẳng phải là tay hào kiệt.
Thiên Kim nói:
- Em ơi, chị cũng biết cái tình cốt nhục em đâu nào có lẽ bỏ qua, song chị đã biết rõ tính mạng lão thất phu ấy còn chẳng bao lâu nữa cùng phải chết vì đao kiếm, hiện nay tuy em lầm mưu độc bị giam cầm, song giây lát đây Thanh tiểu thư sẽ đến giải cứu, nàng ấy cùng em sau này vẫn có duyên chồng vợ, khuyên em chớ chấp oán thù mà phụ rẫy và cũng chẳng giết Vạn trí làm gì mà mang tiếng lấy ơn báo oán, hãy chờ xem thiên địa chí công, dụng liêm chánh phân bua giúp chị, ấy mấy lời trân trọng em khá để trong lòng, hầu giữ gìn danh tính hùng anh, cũng giữ được tiếng vang hào kiệt.
Nói rồi gạt lệ ra đi, Bạch Giáp Lang lật đật chạy theo mà kêu lớn rằng:
- Chị ôi, hãy ở lại đây cùng em đi đâu mà vội như vậy ?
Bạch Thiên Kim quay lại khoát tay mà rằng:
- Dương gian âm phủ, cách biệt dôi đàng, chị không tiện cùng em lâu được, em chớ nên theo chị.
Bỗng thấy một luồng gió lạnh thổi qua thì Thiên Kim đã nương theo mây bạc đi rồi, Bạch Giáp Lang đứng ngẩn ngơ dáo dác bỗng thấy nơi lùm tre có một con cọp trắng nhảy ra xốc đến, chàng vừa muốn dùng lực cự địch không dè tay chân cứng đơ cử động không nổi, con bạch hổ lại nhảy vào mình, chàng hoảng hốt hét lớn lên một tiếng giật mình thức dậy, mồ hôi tuôn ra như suối mới hay là giấc chiêm bao.
Chàng định thần xem thấy bốn phía tối đen, mình đang nằm dưới đất, tay chân đều bị trói cứng không thể vùng vẫy, chàng biết mình đã lầm mưu ma kế quỷ, chợt nhớ tới điềm chiêm bao chàng lại nghĩ rằng: " Quả rồi, nếu vậy chị đã bị lão nghịch tặc làm hại rồi, nay lại lập kế quyết giết ta, cho tuyệt hậu hoạn đây chớ gì, tức tối thay, bởi ta sơ ý một chút mà phải mắc mưu, thân này dầu thác cũng chẳng tiếc chi, chỉ tiếc cho Bửu Kiếm và thần thư lại vào tay nghịch tặc, ôi thôi ta phụ lòng trông cậy của thầy.
Nghĩ đến đó càng thêm đau lòng xót dạ, đổ lụy hùng anh, rồi lại nhớ lời chị mách bảo sẽ có người cứu mạng, song chẳng biết có kết quả như vậy chăng? Đang còn than thở bỗng nghe bên cửa ngục có tiếng chìa khóa khua động, kế thấy cánh cửa sắt từ từ mở ra, ánh sáng lọt vào, một bà già cầm đèn đi trước, một nàng con gái rón rén theo sau, tay có ôm một gói đồ.
Bạch Giáp Lang quyết định là Thanh Yến Ngọc nên nằm giả mê mà xem cách hành động ra thế nào? Thấy bà già ấy rọi đèn vào mặt chàng rồi nói với Yến Ngọc rằng:
- Vị khách quan hồi chiều đây này.
Yến Ngọc bước lại nhìn mặt Bạch Giáp Lang rồi gật đầu bảo rằng:
- Chính là người ấy, bà hãy mở xiềng cho công tử đi.
Bà ấy ngồi xuống mở xiềng, còn yến Ngọc thì bước tránh đứng trong bóng tối, nếu xem kỹ thì thấy nàng lấy khăn lau nước mắt. Bạch Giáp Lang thấy rõ tình hình , trong lòng cũng cảm động nghĩ rằng: "Nếu vậy tiểu thư đây cũng là hạng đa tình đây." Một chặp thì xiềng đã được mở, chàng bèn vụt ngồi dậy giả ý ngạc nhiên cất tiếng lên hỏi rằng:
- Sao ta lại ở đây ?
Bà già ấy lấy tay che miệng Bạch Giáp Lang rồi nói nhỏ rằng:
- Xin khách quan hãy nhỏ tiếng một chút, có tiểu thư đến giải nạn đây.
Bạch Giáp Lang hỏi:
- Ta có việc gì mà gọi rằng tiểu thư đến cứa nạn ?
Bà già ấy chỉ đóng xiềng xích mà rằng:
- Khách quan không thấy sợi dây ác nghiệt này sao ?
Bạch Giáp Lang làm bộ dụi mắt ngó quanh quất một hồi, rồi tỏ sắc giận mà rằng:
- Nếu vậy Thanh Vạn Trí bày mưu phục rượu cho ta say mà giam cầm tại đây sao? Ta cùng lão có thù oán gì mà lão lại muốn hại ta như vậy ?
Yến Ngọc rón rén bước đến ngập ngừng thưa rằng:
- Thưa ân nhân, từ mang ơn giải nạn ở nơi Đoạn Thượng Hà, thiếp ghi lòng tạc dạ, mong thuở đáp đền, nay rủi ro cha thiếp lỡ làm xúc phạm anh hùng, thiếp phận làm con dám đâu nghịch ý, nay thiếp sở dĩ đến đây ngoài giải nạn thì còn đáp đền chút ơn ngày trước, lại cũng có một lời cầu khẩn xin anh hùng mở lượng bao dung các điều lầm lỗi của cha già.
Bạch Giáp Lang nói:
- Ngày trước tôi cứu tiểu thư chẳng qua bổn phận anh hùng, kiến nghĩa bất vi, ngày nay tiểu thư đến đây cứu tôi gọi là thọ ơn nghĩa cũ, thế thì ơn ấy đáp nghĩa này cũng là thỏa, tôi đâu dám để lòng oán hận quan tổng binh mà mang tiếng lấy ơn báo oán, song tôi xin quyết với tiểu thư hãy cho lão bà gọi chị tôi đến đây cho tôi được giáp mặt, thì tôi lấy làm cảm tạ.
Thanh Yến Ngọc nghe Giáp Lang hỏi đến Bạch Thiên Kim thì lấy làm sợ sệt đứng ngó lão bà, lão bà biết ý, bèn nói rằng:
- Khách quan ôi, cũng vì việc Bạch Tiểu Thư mới oan gia tạo dựng.
Bèn thuật việc Bạch Thiên Kim hủy mình sau trước y lời nàng đã báo mộng, Bạch Giáp Lang tuy đã biết trước song cũng không đè nét được vết thương tâm, giọt lụy nữa phần. Than ôi! Mười năm xa cách, nay gặp nhau phơ phất mộng hồn, ngàn thuở biệt ly, tình cốt nhục vật vờ như khói tỏa.
Yến Ngọc thấy tình cảnh của Bạch Giáp Lang như thế càng thêm xúc động tâm tình, cũng ướt lụy tròng thu, nàng thưa rằng:
- Xin công tử chớ quá nên u sầu thảm, tuy cha thiếp gây nên điều tác tệ, song suy ra số hệ cũng tại trời, nay thiếp đánh liều thân gái không quản hiềm nghi, đến đây trước giải nạn cho chàng, sau xin tội cho thân phụ, xin công tử dưới tay xuống phước cho đầu bạc được yên, cho tiện thiếp khỏi mang câu bất hiếu, thì tiện thiếp ngàn năm ghi tạc, nguyện ngậm vành kết cỏ mà đáp đền kiếp lai sinh.
Nói rồi ngồi xuống toan cúi lạy. Giáp Lang khoát tay mà rằng:
- Xin tiểu thư chớ có làm như vậy mà không nên vả chăng thân tôi ngày nay đã mắc võng thiên la, mạng như chỉ mảnh, nhờ ơn tiểu thư ra tay tháo củi sổ lồng, lẽ nào tôi lại phụ rãy lời yêu cầu của tiểu thư sao, vậy thì cái mối sầu này tôi cũng dẹp lại một bên, để gọi đáp đền ơn cứu mạng.
Yến Ngọc thấy Bạch Giáp Lang hứa lời như vậy, bèn gạt lệ tạ ơn. Bạch Giáp Lang hỏi rằng:
- Dám hỏi tiểu thư, chẳng hay vì cớ nào mà chị tôi lại gặp được tiểu thư ?
Yến Ngọc đáp:
- Nguyên lúc thiếp ngồi thuyền về Đăng Châu đây, đi đặng nửa ngày bỗng gặp một cái thây người trôi đến, bọn thủy thủ vớt đem lên ghe, xem rõ là một người đàn bà mình mẩy đã lạnh mà ngực còn hơi nóng, thiếp bảo người hơ một hồi thì thấy lần lần tỉnh lại, thiếp hỏi họ tên và duyên cớ làm sao đến nỗi thân trôi sông lạc chợ, thì nàng xưng tên danh là Bạch Thiên Kim, nhân đáp thuyền theo chú về Hương Cảng bị bọn Trương công tử nào đó lập kế giả ăn cướp đón thuyền bắt ngang nàng rồi bèn thả ghe chú nàng đi thong thả không cướp giật tài vật chi cả, chỉ hối hả quay thuyền trở lại, nàng bèn thừa cơ nhảy xuống sông tự tử, song mạng số chưa chết nên trôi vào thuyền thiếp đó, vì vậy cho nên thiếp đem nàng về đây sẽ giúp tiền phí lộ cho nàng sang Hương Cảng, tìm chú chớ chẳng nỡ để nàng chung lộn với lũ a hoàn vì xét ra nàng cũng là trâm anh phiệt duyệt lại biết trọng tiết trinh, thiếp lấy làm khâm phục, không dè điều dự định của thiếp chưa kịp thiệt hành mà đã gây nên tấn tuồng thảm kịch.
Bạch Giáp Lang nghe rõ, biết chú mình còn sống cũng được chút an tâm, xảy nghe tiếng trống điểm ba hồi, lão bà thúc rằng:
- Tiểu thư muốn phân tỏ điều chi thì nói phứt cho rồi để khách quan có thoát thân cho sớm, kẻo quân canh hay được chẳng dễ gì đâu.
Yến Ngọc ngập ngừng muốn nói rồi lại làm thinh, lão bà thấy vậy bèn rước nói rằng:
- Khách quan ôi, nay tiểu thư đêm khuya thân gái đến đây, tuy có một tấm lòng trong sạch, song cũng không lánh khỏi hiềm nghi, vả lại nam nữ thọ thọ bất tương thân mà khách quan cùng tiểu thư dưới đèn trót canh tò chuyện, tuy dùng lời lễ nghi chính đáng, song là việc núp lén âm thầm, lấy đó mà suy nếu không nợ tiền khiên kiếp trước, sao có điều oan trái ngày nay, vậy thì xin khách quan nếu chẳng phụ phàng xin hứa một lời vàng đá hầu cho tiểu thư sau này khỏi ngỡ ngàng đến cuộc chung thân.
Lão bà nói đến đó, Yến Ngọc mặt có sắc thẹn, đôi má ửng hồng, làm cho vẻ đẹp của Yến Ngọc càng thêm xinh đẹp. Bạch Giáp Lang cúi đầu suy tính một hồi rồi đáp răng:
- Tiểu Thư đã có lòng thương đến mà hứa việc chung thân tôi lẽ nào phụ rảy, chỉ e cái thân này còn lắm lúc trôi nổi giang hồ mà làm cho tiểu thư ngày xuân mòn mỏi, má hồng phôi phai nhan sắc.
Yến ngọc cúi mặt thưa rằng:
- Tuy thiếp không dám sánh kịp Hạ Hầu lệnh nữ, chớ cũng biết câu tùng nhất nhi chung, đến nay đá vàng đã hứa một lời, dầu thay mái tóc dám rời lòng tơ, ngày nay bốn phương trời rộng lớn, mượn cánh hồng chàng xông lướt gió mây, trướng nội hắt hiu, mượn tin nguyệt thiếp mơ màng bóng nguyệt.
Yến Ngọc nói đến đó thì lại nức nở sụt sùi nói không ra tiếng, lão bà giục thúc rằng:
- Thôi, thôi, dàu ngàn câu trân trọng cũng quý tại một lời, vậy thì khách quan hãy tính việc thoát thân cho sớm.
Bạch Giáp Lang nhớ đến gươm và sách, trong lòng lấy làm bứt rứt vừa tính cách lấy lại, thì thấy Yến Ngọc bước lại gói đồ rút ra cay Bạch Quang Bửu Kiếm và quyển thần thư trao cho Giáp Lang mà rằng:
- Gươm và sách của chàng thiếp đã trộm lấy đủ cả xin dâng lại cho chàng.
Bạch Giáp Lang nhìn quả bửu kiếm và thần thư thì lòng mừng hớn hở lật đật tiếp lấy. Yến Ngọc lại trao một gói bạc mà thưa rằng:
- Chút của hèn này xin công tử hãy nhận cho để dùng làm lộ phí.
Bạch Giáp lang cũng tiếp lấy đoạn cầm tay Yến Ngọc mà nói rằng:
- Tiểu thư hãy bảo trọng lấy thân, ngày nào mà nghĩa đã xong thì đôi ta lại phụng loan sum hiệp.
Dôi đàng gạt lệ phân tay, lão bà cầm đèn dẫn đường đi trước, Giáp Lang và Yến Ngọc cất bước theo sau, ra khỏi cửa ngục một đổi kế gặp tường cao chớn chở, phía ngoài nghe tiếng mõ canh.
Bạch Giáp lang đứng nhắm bờ tường rồi hỏi lão bà rằng:
- Phía tường chỗ này có quân canh chăng? Và có đương thông ra đại lộ không?
Lão bà đáp:
- Phía này không có quân canh, chỉ có một cái hào thì giáp đại lộ.
Giáp Lang nói:
- Như vậy thì dễ cho tôi ra chỗ này cũng được.
Lão bà nói:
- Không có cửa làm sao mà ra? Hãy theo chúng tôi lén ra phía vườn hoa mà đi, tuy có xa một chút mà đường cũng dễ đi.
Giáp Lang nói:
- Thôi để tôi nhảy ra đây cũng được, nếu đi vòng vo quân canh hay được thì gây khó.
Lão bà nói:
- Công tử đang đùa mụ đây sao ?
Giáp Lang nói:
- Tôi nào dám lừa bà bà, tôi ra chẳng khó gì.
Nói rồi từ giả lão bà và Yến Ngọc, vừa định nhảy lên tường thì lại sực nhớ một việc bèn quay lại hỏi Yến Ngọc rằng:
- Tiểu thư làm việc này, trái ý quan tổng binh, nếu việc đổ bể ra thì tiểu thư làm sao mà trả lời?
Yến Ngọc đáp:
- Công tử hãy cứ việc thoát thân, việc này thiếp đã có cách rồi.
Giáp Lang lui lại ba bước đoạn ngó Yến Ngọc mà rói rằng:
- Xin kiếu biệt.
Vừa nghe một tiếng võ tay tức thì thấy một cái bóng trắng xẹt lên đầu tường lẹ như chớp nhoáng. Lão bà và Yến Ngọc đứng ngó theo mà tấm tắc khen thầm. Bạch Giáp Lang đi rồi, lão bà bèn hỏi Yến Ngọc rằng:
- Bạch quân đã yên thân, bây giờ đến lượt chúng ta cũng phải mau thi hành kế hoạch kẻo để lâu sẽ hỏng, vậy chớ tiểu thư có trộm y phục được chưa?
Yến Ngọc đáp:
- Xong cả.
Lão bà nói:
- Vậy thì chúng ta hãy trở về thư phòng mà sửa soạn lên đường cho sớm.
Thế là:
Anh hùng được cứu thân tẩu thoát
Nhi nữ cũng phen kíp ra đi
Muốn biết việc Bạch Giáp Lang và Thanh Yến Ngọc sẽ như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top