Người lái đò sông Đà
“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất nước mình thì bắt lên câu hát
Người ta đến hát khi trèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.”
(Trích Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)
Những dòng sông phân nhánh và chảy trôi qua từng mảnh đất của tổ quốc, như những dòng lưu huyết tạo nên sức sống mãnh liệt của tổ quốc, dân tộc. Những dòng chảy ngạo nghễ này từ miền ngược đổ về miền xuôi, qua thác ghềnh rồi lại về biển Đông. Gần bốn trăm con sông được định tên trên đất Việt, trở thành nguồn cảm hứng dạt dào cho các văn nghệ sĩ. Ta đã được chiêm ngưỡng một dòng sông mênh mông, hoang vắng, buồn đến man mác lòng, thấm đẫm nỗi nhớ nhà trong “Tràng giang” của Huy Cận; hay một khung cảnh đìu hiu, cách biệt của thiên nhiên sông nước Kinh Bắc trong “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm. Nếu những bài thơ trên chỉ là điều kiện, là khách thể để các nhà thơ bày tỏ lòng mình thì đến với Người lái đò sông Đà, người đọc mới cảm nhận được rõ nét về một tác phẩm viết về một dòng sông thực sự. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, hình ảnh dòng sông “độc bắc lưu” hiện lên với những vẻ đẹp vừa hung bạo vừa trữ tình, cuốn theo mỗi dòng chảy một niềm say mê đắm đuối nhằm tìm cho ra những chữ nghĩa xác đáng nhất, có khả năng làm lay đọng lòng người đọc nhất.
Sông Đà được Nguyễn Tuân chắp bút từ những con thác từ Vạn Yên về xuôi, trong đó có những con thác vô cùng "độc dữ, nham hiểm". Bằng sự khảo cứu công phu từ nguồn tư liệu khan hiếm bấy giờ, nhà văn Nguyễn Tuân còn sớm cho biết sông Đà phát nguyên từ vùng núi non huyện Cảnh Đông, tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc. Từ những chuyến điền dã cộng với tư liệu, nhà văn Nguyễn Tuân còn ghi lại tên 50/73 con thác lớn nhỏ trên sông Đà từ núi rừng Lai Châu đến Chợ Bờ của Hòa Bình. Nhưng hùng vĩ của sông Đà không chỉ có thác mà còn ở cảnh đá bờ sông. Cái sừng sững của vách đá, cái lạnh lẽo tối om và thắt hẹp lại của quãng sông hiện lên rõ mồn một trước mắt người đọc bởi hàng loạt hình ảnh, sự kiện, phép so sánh mới lạ của Nguyễn Tuân. Xung quanh bờ sông, những tấc đá hết lớp này đến lớp khác chồng khớp lên nhau qua năm dài tháng rộng của thời gian, dựng đứng như ngọn chông cao ngút trời, che khuất dòng sông đến nỗi ngay cả mặt trời cũng chỉ có thể nhìn thấy khi đúng ngọ nhìn xuống mặt sông. Có chỗ quãng sông hẹp đến mức con hổ, con nai chỉ cần nhún mình nhảy qua cũng có thể dễ dàng vượt được, hay đứng từ bờ bên này "nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách". Ngồi trong khoang đò qua quãng có "vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu" giữa mùa hè mà cũng cảm thấy lạnh người và tối om, "như đứng ở hè một cái ngõ ngóng vọng lên một khung cửa sổ trên cái tầng thứ mấy của tòa nhà vừa tắt phụt đèn điện". Càng tiến sâu vào trong, cái lạnh lẽo của dòng sông từ những vách đá ẩm ướt phả ra khiến lòng người rợn ngợp. Một nơi lòng sông nhỏ hẹp, lưu tốc dòng chảy lớn với những vách đá cao vút, vững chãi giờ đây đang trở nên nguy hiểm vô cùng. Cứ thử tưởng tượng con thuyền nào mà kẹt vào cái khe ấy thì tiến không được, lùi cũng không xong, chỉ chờ sóng nước và đá đập cho tan xác mà thôi.
Đâu chỉ hung bạo hùng vĩ, sông Đà còn vô cùng hung bạo, dữ dằn. Ở quãng mặt ghềnh Hát Loóng dài hàng ngàn cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng muốn lấy mạng những người lái đò qua đây. Với những điệp từ, câu văn như dậy sóng, dậy gió. Thủ pháp nghệ thuật tăng tiến “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió” như mô phỏng hình ảnh những con sóng dữ cuồn cuộn chồm lên nhau theo chiều ngang, vút lên cao theo chiều dọc rồi đổ ập xuống, cuồn cuộn ghê rợn trên mặt ghềnh.
Những cái hút nước sông Đà còn đáng sợ hơn và thực sự trở nên hiểm ác trong trang văn của Nguyễn Tuân. Với tham vọng đem đến cho người đọc cảm giác chân thực, sống động nhất về sự hung dữ của cả thác nước, Nguyễn Tuân đã vận dụng hết những kiến thức phong phú của mình: từ văn chương đến điện ảnh, sử dụng những góc quay đặc sắc đa chiều... Chỉ riêng trong đoạn văn đã có nhiều so sánh, liên tưởng độc đáo. Người đọc dễ hình dung về cái hút nước khủng khiếp trên sông Đà. Từ trên nhìn xuống mặt sông: những cái hút nước “như những cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”, “những cái hút xoáy tít đáy” Từ dưới lòng sông nhìn ngược lên: “thành giếng xây bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào”.
Những âm thanh ghê rợn “Nước thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, “những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào” khủng bố tinh thần con người: “thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, “nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”, sẵn sàng nhấn chìm bất kì con thuyền nào không kịp chèo nhanh hay tay lái không vững, hoặc bất kì bè gỗ nào vô ý khi đi qua chúng. “Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào cũng chèo nhanh để lướt quãng sông”, “chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu”, “nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống”, “có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”. Ám ảnh, đe doạ con người, những âm thanh của sông Đà như tiếng gầm bất mãn của một loài động vật hung dữ đang tìm lối thoát thân ra khỏi lòng sông chật hẹp, những vách đá cheo leo.
Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Tuân còn muốn người đọc nảy ra ý tưởng điện ảnh táo bạo. Nhà văn nghĩ đến chuyện một anh quay phim ngồi vào thuyền rồi cho cả mình, cả máy quay để thu ảnh, truyền đến cho người đọc cả khối nước sắp ụp vào mình. Thiết nghĩ không cần đến sự phiêu lưu mạo hiểm của người quay phim ấy nữa bởi chỉ cần đọc văn Nguyễn Tuân, ta đã cảm thấy như được xem một bộ phim 3D sống động.
Tác giả đã dùng vốn kiến thức sâu rộng và tài quan sát tỉ mỉ của mình, kết hợp thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, thậm xưng, những từ ngữ tinh chuẩn, liên tưởng độc đáo để làm nổi bật lên cái nham hiểm, xảo quyệt của sông Đà. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, con sông Đà hung bạo, tàn ác không khác gì “kẻ thù số một” của con người.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top