1
Ngày 9 tháng Tư năm 1995
Duyên hải Oregon
Trong cuộc đời khá dài của mình, nếu có một điều tôi học được,
thì đó là: trong tình yêu chúng ta nhận ra con người mà ta muốn trở
thành, còn trong chiến tranh, chúng ta nhận ra mình là ai. Thế hệ trẻ
ngày nay muốn biết tất cả mọi chuyện về người khác. Họ cho rằng
việc nói ra một vấn đề sẽ giúp giải quyết nó. Còn tôi thuộc một thế
hệ trầm lặng hơn. Chúng tôi hiểu giá trị của việc quên đi, cũng như
sức cám dỗ của việc sáng tạo lại.
Dẫu vậy, dạo gần đây, tôi hay nghĩ về cuộc chiến tranh và quá
khứ của mình, về những người tôi đã để mất.
Để mất.
Nói thế thì giống như tôi đã làm thất lạc những người thân yêu
của mình, như thể tôi đã bỏ họ lại một nơi không phải của họ, rồi
quay gót ra đi, bối rối đến nỗi không thể lần ngược trở lại.
Họ không bị thất lạc. Họ cũng không ở một nơi tốt hơn. Họ đã ra
đi. Khi đã gần đất xa trời, tôi mới hiểu rằng, cũng giống như niềm
tiếc nuối, sự đau buồn đã định vị sẵn trong ADN của mỗi người
chúng ta, và sẽ mãi mãi là một phần của chúng ta.
Tôi đã già hẳn đi chỉ vài tháng sau khi chồng tôi qua đời và bệnh
tình của tôi được chẩn đoán. Da tôi nhăn nheo như tờ giấy sáp mà
người ta cố vuốt phẳng sau khi dùng đi dùng lại. Mắt tôi thường
xuyên phản chủ - trong bóng tối, khi đèn pha xe hơi bật sáng, hay
lúc trời mưa. Sự yếu kém lạ lẫm của thị lực thật khó chịu. Có lẽ đó cũng là một nguyên nhân khiến tôi quay nhìn lại phía sau. Quá khứ
có một sự rõ ràng mà ở hiện tại, tôi không còn có được nữa.
Tôi muốn hình dung mình sẽ được bình yên sau khi ra đi, gập lại
tất cả những người mình từng yêu thương và để mất. Ít nhất tôi sẽ
được tha thứ.
Nhưng tôi đâu có ngốc nghếch, đúng không nhỉ?
+++++
Ngôi nhà của tôi, do ông trùm ngành gỗ xây dựng nên từ hơn
trăm năm trước và đặt tên là Ngọn Cây, đã được rao bán, còn tôi thì
chuẩn bị dọn đi, vì con trai tôi cho rằng mẹ nó nên làm thế.
Thằng bé đang cố chăm sóc tôi, cho tôi thấy nó yêu tôi nhiều đến
thế nào trong khoảng thời gian cực kỳ khó khăn này, thế nên tôi
đành nhượng bộ thái độ kiểm soát của nó. Việc tôi chết ở đâu thì có
gì mà phải bận tâm kia chứ? Nhưng thật ra đó mới là vấn để. Việc
tôi sống ở đâu đã không còn quan trọng nữa. Tôi đang gói ghém
cuộc sống tại miền duyên hải Oregon, nơi tôi đã định cư gần năm
mươi năm về trước. Những hành trang mà tôi muốn mang theo
cũng chẳng nhiều nhặn gì. Nhưng có một thứ.
Tôi với sợi dây kéo, mở cầu thang dẫn lên gác mái. Cầu thang từ
trên trần vươn xuống như một quý ông chìa tay ra.
Lần theo những bậc thang mỏng mảnh rung rinh dưới chân, tôi
trèo lên tầng áp mái sực mùi ẩm mốc. Một bóng đèn tròn độc nhất
treo lủng lẳng trên trần. Tôi kéo sợi dây công tắc.
Tầng áp mái giống như khoang của một con tàu hơi nước cũ kỹ
với các vách tường được ốp những tấm ván rộng, mạng nhện giăng
đầy các kẽ nứt và buông xuống từng mớ từ các khe ván. Mái nhà
dốc đến nỗi tôi chỉ có thể đứng thẳng ở trung tâm căn phòng.
Tôi trông thấy cái ghế bập bênh bằng gỗ từng được sử dụng hồi
mấy đứa cháu còn bé, một cái cũi cũ xì, một chiếc ghế ngựa gỗ nom
thật thảm hại gắn trên những cái lò xo gỉ nhoèn, và chiếc ghế mà
con gái tôi đang làm dở dang thì ngã bệnh. Những chiếc hộp được chất dọc theo tường, đề những cái tên như “Giáng sinh”, “Lễ Tạ ơn”,
“Lễ Phục sinh”, “Halloween”, “Bát đĩa”, “Thể thao”. Trong các hộp
này là những thứ tôi không dùng thường xuyên nữa nhưng lại không
đành lòng bỏ đi. Với tôi, việc chấp nhận không trang trí cây thông
Giáng sinh cũng đồng nghĩa với buông xuôi đầu hàng, mà tôi thì
chưa bao giờ làm việc đó. Nằm trong một góc chính là thứ mà tôi
đang tìm: một chiếc rương kiểu cổ, được dán kín các tem nhãn hành
lý sau những chuyến đi.
Tôi gắng sức lôi chiếc rương nặng nề ra giữa gác mái, ngay bên
dưới bóng đèn, rồi quỳ xuống bên cạnh nó, nhưng cơn đau như xé
ở đầu gối khiến tôi phải ngồi bệt hẳn xuống.
Lần đầu tiên sau ba mươi năm, tôi mở nắp chiếc rương. Ngăn
trên cùng đựng toàn những món đồ trẻ con. Những chiếc giày nhỏ
xíu, bàn tay bằng sứ, những bức vẽ bằng chì màu với các nhân vật
ốm tong teo như cái que, còn mặt trời thì cười toe toét, phiếu liên lạc
với nhà trường, những tấm ảnh chụp trong lớp học múa.
Tôi nhấc cái ngăn lên và đặt nó sang bên cạnh.
Những món đồ kỷ niệm nằm lộn xộn dưới đáy rương: vài quyển
nhật ký bìa bọc da đã bạc màu, một xấp bưu thiếp cũ buộc dây ruy
băng lụa màu xanh, một chiếc hộp bằng bìa cứng móp méo nằm
trong một góc, vài tập thơ mỏng đề tên tác giả Julien Rossignol, và
một hộp giày đựng hàng trăm tấm ảnh đen trắng.
Trên cùng là một mảnh giấy đã ố vàng.
Tay tôi run rẩy khi cầm nó lên. Một cái thẻ căn cước từ thời chiến
tranh. Tôi nhìn tấm ảnh thẻ của một phụ nữ trẻ tuổi. Juliette
Gervaise.
- Mẹ ơi?
Tôi nghe thấy tiếng con trai mình vang lên từ những bậc cầu
thang ọp ẹp. Những tiếng chân bước hòa nhịp với tiếng con tim tôi
đang đập. Thằng bé có gọi tôi trước đó không nhỉ?
- Mẹ? Mẹ không nên lên trên này. Khỉ thật. Mấy cái bậc thang
lung lay hết rồi. - Thằng bé đến đứng cạnh tôi. - Chỉ một cú ngã là...Tôi nắm lấy ống quần con trai, lắc đầu nhè nhẹ. Tôi không đủ sức
ngước lên. “Đừng” là tất cả những gì tôi có thể nói ra.
Thằng bé quỳ gối, rồi ngồi xuống. Tôi có thể ngửi thấy mùi nước
thơm sau cạo râu của nó, tinh tế và hơi nồng, hòa quyện với một
chút mùi khói thuốc lá. Nó đã đốt một điếu ở bên ngoài, thói quen
mà nó đã bỏ từ hàng chục năm trước nhưng rồi quay trở lại sau khi
bệnh tình của tôi được chẩn đoán. Tôi không việc gì phải nói ra sự
không hài lòng của mình: con trai tôi là bác sĩ. Nó thừa biết không
nên hút thuốc mà.
Nếu theo bản năng thì tôi đã nhét cái thẻ vào trong rương và
đóng ngay nắp lại, che giấu nó một lần nữa. Cả đời tôi đã làm như
thế.
Nhưng giờ thì tôi sắp chết đến nơi rồi. Không quá nhanh chóng,
có lẽ thế, nhưng cũng không quá chậm. Và tôi cảm thấy buộc phải
nhìn lại cuộc đời mình.
- Mẹ ơi, mẹ đang khóc kìa.
- Thế à?
Tôi muốn cho thằng bé biết sự thật, nhưng tôi không thể. Sự yếu
đuối khiến tôi lúng túng và xấu hổ. Ở vào cái tuổi này, lẽ ra tôi chẳng
còn sợ bất cứ chuyện gì... nhất là quá khứ của mình.
Tôi chỉ đáp gọn lỏn:
- Mẹ muốn đem theo cái rương này.
- Nó to quá. Con sẽ sắp xếp các thứ mẹ cần vào một cái thùng bé
hơn.
Tôi mỉm cười trước nỗ lực kiểm soát tình hình của thằng bé.
- Mẹ yêu con, và bệnh tình mẹ đã nặng trở lại. Vì những lý do đó,
mẹ đã luôn chiều ý con. Nhưng mẹ chưa chết. Mẹ muốn đem theo
cái rương này.
- Nhưng mẹ cần cái gì trong đó mới được? Toàn là những tranh
tượng của bọn con và các thứ linh tinh khác thôi mà!
Nếu tôi kể sự thật cho con trai mình nghe từ trước đây rất lâu,
hoặc nhảy nhót, đánh chén và hát hò nhiều hơn, có lẽ thằng bé đã
nhìn thấy con người đích thực của tôi, chứ không phải một người
mẹ có thể dựa dẫm được như những người mẹ khác. Nó yêu cái
phiên bản không hoàn chỉnh của tôi. Tôi đã luôn cho rằng đó là điều
mình muốn: được yêu thương và ngưỡng mộ. Giờ đây tôi nghĩ có lẽ
mình muốn được thấu hiểu nhiều hơn.
- Hãy coi như đây là ước nguyện cuối cùng của mẹ.
Tôi có thể thấy thằng bé chỉ chực bảo tôi đừng nói như thế,
nhưng nó sợ sẽ nghẹn ngào. Nó hắng giọng.
- Mẹ đã vượt qua bệnh tật hai lần rồi. Lần này mẹ sẽ lại vượt qua
thôi.
Chúng tôi đều biết đó không phải là sự thật. Sức khỏe của tôi
không ổn định và đang yếu dần. Tôi không thể ngủ hoặc ăn mà thiếu
thuốc men.
- Tất nhiên là mẹ sẽ vượt qua.
- Con chỉ muốn bảo vệ mẹ.
Tôi mỉm cười. Dân Mỹ nhiều khi ngây thơ như thế đấy.
Tôi đã từng lạc quan giống như con trai mình. Tôi từng nghĩ thế
giới thật yên bình. Nhưng đó là hồi lâu lắm rồi.
- Juliette Gervaise là ai vậy mẹ?
Câu hỏi của Julien vang lên. Tôi hơi choáng váng khi nghe thấy
nó phát âm cái tên đó.
Tôi nhắm mắt, và trong thứ bóng tối đượm mùi mốc meo của dĩ
vãng, tâm trí tôi lần ngược về quá khứ, vượt qua nhiều năm tháng
và băng qua bên kia đại dương. Tôi bắt đầu hồi tưởng lại, trái với
mong muốn của tôi - hay là đúng với nó nhỉ, ai mà biết được.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top