Đề 2

Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết:


Đây là lần thứ hai, người đàn bà được Đẩu mời đến về công việc gia đình.


Cũng không phải là lần đầu đến một nơi công sở nhưng người đàn bà vẫn có vẻ sợ sệt, lúng túng - cái vẻ lúng túng, sợ sệt mà ngay lúc mụ đứng giữa bãi xe tăng cũng không hề thấy có.


Người đàn bà chỉ quen sống giữa mặt nước vừa đặt chân vào trong phòng đầy bàn ghế và giấy má liền tìm đến một góc tường để ngồi.


[...]


Đẩu hỏi:


- Thế nào, chị đã nghĩ kỹ chưa? Người đàn bà ngước lên nhìn Đẩu, rồi lại cúi mặt xuống.


- Thưa đã...


Đẩu gật đầu. Anh đứng dậy. Tự nhiên anh rời chiếc bàn đến đứng vịn vào lưng ghế người đàn bà ngồi giọng trở nên đầy giận dữ, khác hẳn với giọng một vị chánh án:


- Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn. Tôi chưa hỏi tội của hắn mà tôi chỉ muốn bảo ngay với chị: chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu. Chị nghĩ thế nào?


Người đàn bà hướng về phía Đẩu, tự nhiên chắp tay vái lia lịa:


- Con lạy quí tòa...


- Sao, sao?


- Quí tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó...


[...] Tôi vén lá màn bước ra. Người đàn bà nhận ra được tôi ngay. Mụ nhấp nhổm xoay quanh chiếc ghế như bị kiến đốt, và về sau tôi mới sực nghĩ ra, mụ nghĩ rằng tòa án đã bố trí sẵn tôi ngồi phía sau để chuẩn bị làm nhân chứng.


[...] - Tùy bà! - Đẩu thay đổi cách xưng hô, khoác lên mình cái cung cách bề ngoài của một vị chánh án - chủ trương nguyên tắc của chúng tôi là kêu gọi hòa thuận... Đang ngồi cúi xuống, người đàn bà bỗng ngẩng lên nhìn thẳng vào chúng tôi, lần lượt từng người một, với một vẻ ban đầu ngơ ngác.


- Chị cám ơn các chú! - Người đàn bà đột nhiên thốt lên bằng một giọng khẩn thiết - Đây là chị nói thành thực, chị cám ơn các chú. Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...


Chỉ mấy lời mào đầu ấy, người đàn bà đã mất hết cái vẻ ngoài khúm núm, sợ sệt. Điệu bộ khác, ngôn ngữ khác.


Trong phút chốc, ngồi trước mặt chúng tôi lại vẫn là một người đàn bà lúng túng, đầy sợ sệt, nhưng có vẻ thông cảm với chúng tôi hơn. Mụ bắt đầu kể:


- Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa. Hồi bấy giờ nhà tôi còn khá giả, nhà tôi trước ở trong cái phố này. Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới. Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi.


Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:


- Giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối... cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính - bỗng mụ đỏ mặt - nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.


- Vậy sao không lên bờ mà ở - Đẩu hỏi.


- Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được! - ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? - Tôi hỏi.


- Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu... Giá mà lão uống rượu... thì tôi còn đỡ khổ... Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão... đưa tôi lên bờ mà đánh...


- Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! - Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.


- Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông...


- Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, - bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, - trên thuyền phải có một người đàn ông... dù hắn man rợ, tàn bạo?


- Phải - Người đàn bà đáp - Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?


Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:


- Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! - Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười - vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.


- Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? Đột nhiên tôi hỏi.


- Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no...


(Theo Ngữ văn 12, Tập Hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)


Trình bày cảm nhận của anh/ chị cảm nhận về thái độ, ngôn ngữ của người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên.



Dàn bài



1. Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa; nêu vấn đề cần nghị luận.


2. Phân tích


a. Khái quát chung: Xã hội Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (1975) đã phơi bày những hiện thực đáng buồn, đặc biệt là tình trạng đói nghèo, bế tắc trong hoàn cảnh của mỗi gia đình. Nắm bắt được thực tế ấy, Nguyễn Minh Châu đã đi sâu khai thác vào từng số phận cụ thể, gắn với những suy tư, trăn trở của nhà văn về giá trị của hạnh phúc, sự yên bình giữa cái tối tăm của đói nghèo, túng quẫn. Hình ảnh người đàn bà hàng chài xuất hiện ở tòa án huyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là một minh chứng về thân phận con người giữa một thời đại không còn súng đạn nhưng những vết thương thời hậu chiến thì vẫn đang rỉ máu từng ngày.


b. Cảm nhận về thái độ, ngôn ngữ của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện


* Thái độ của người đàn bà khi mới bước vào tòa


- Trước sự hăng hái của chánh án Đẩu


+ không phải là lần đầu đến một nơi công quyền nhưng người đàn bà hàng chài vẫn cho thấy sự lúng túng, sợ sệt;


+ chị ngồi xuống một góc chờ đợi những lời chất vấn của chánh án Đẩu trong lo âu, thấp thỏm.


+ khi được Đẩu hỏi đã suy nghĩ kỹ về việc gia đình chưa, chị đã trả lời một cách ngập ngừng, do dự như không muốn nói hết ý: "Thưa đã...".


- Người đàn bà im lặng, lắng nghe những lời luận tội về gã chồng vũ phu. Thoạt nhìn, người ta có cảm tưởng cái im lặng trong lo lắng của người đàn bà hàng chài xuất phát từ thái độ nhẫn nhịn đến mức trơ lì, hay chí ít là sự thiếu hiểu biết, dốt nát mà bỏ qua sự giúp đỡ của pháp luật dành cho mình


- Khi Đẩu kể tội gã chồng đánh vợ "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" và đi đến kết luận: "chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu"


+ người đàn bà hoảng hốt, giật mình van xin: "con lạy quý tòa, quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó"


+ đến đây người đọc càng thêm khó hiểu tới mức bức xúc với hàng loạt câu hỏi "sao, sao?" như chính phản ứng của Đẩu khi mới nghe người đàn bà ấy cầu khẩn


=> Kịch tính của câu chuyện được đẩy lên tận cùng, từ nỗi cảm thương, xót xa cho hoàn cảnh một người vợ bị chồng bạo hành; người đọc như thấy không thể chia sẻ được với sự nhẫn nhịn, cam chịu của chị ta nữa.


* Phản ứng của người đàn bà khi Đẩu thay đổi thái độ và cùng lúc đó là sự xuất hiện của Phùng


- Người đàn bà đã không thể che đi góc khuất của cuộc đời mình nữa


+ từ chỗ lạy lục, van xin, chị đã thay đổi "chiến lược giao tiếp": người đàn bà ngẩng lên với một giọng điệu khác, "điệu bộ khác, ngôn ngữ khác"


+ từ cách xưng hô "con - quý tòa", người đàn bà đổi thành "chị - các chú"


+ sự thay đổi này không phải để tỏ thái độ ngang ngược, bất chấp mà hoàn toàn là những lời lẽ chân tình của chị


- Trước việc câu chuyện đang bị đẩy đến mức nghiêm trọng, người đàn bà như muốn đưa cuộc giao tiếp về sự thân tình, với những lời từ đáy lòng


+ chị gọi Đẩu và Phùng là các chú vì sự biết ơn hai con người trẻ đã hết lòng quan tâm, nhiệt tình giúp chị thoát khỏi cảnh sống thảm hại;


+ cách gọi các chú cũng nhằm mục đích xác định phương thế của cuộc đối thoại: trước người đàn bà, Đẩu và Phùng chỉ là những "cậu em" còn thiếu trải nghiệm đường đời: "nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc"...


=> Người đàn bà hiểu hết câu chuyện, hiểu cả lòng tốt của chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng nhưng những sóng gió cuộc đời đã khiến chị phải cam chịu trong một vỏ bọc u tối, chai lì. Việc thay đổi thái độ giao tiếp chứng minh sự sắc sảo, trải đời ẩn sâu trong cá tính của người đàn bà có vẻ ngoài lam lũ, quê mùa.


* Lời tự bạch, giải mã về một cuộc đời đau khổ


- Chị tự nhận từ nhỏ mình đã là đứa con gái xấu, lại rỗ mặt nên "trong phố không ai lấy", rồi chị có mang với anh con trai một nhà hàng chài là gã chồng bây giờ;


+ chị hiểu được thời trẻ mình rất ít cơ hội để có được một tình yêu đẹp, một hạnh phúc gia đình với vẻ ngoài xấu xí như vậy


+ chị mang ơn người đàn ông đã mang đến cho chị cảm giác được làm vợ, làm mẹ như bao người;


- Khi nói về tính cách của lão chồng, chị khẳng định đó là người đàn ông "cục tính nhưng hiền lành lắm" và đặc biệt không bao giờ đánh đập chị


+ người bà muốn khẳng định bản chất của lão chồng không phải kẻ vũ phu tàn bạo;


+ chị cũng gợi mở nguyên nhân gã chồng trở nên như vậy là vì khổ quá: "bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu"


- chị tự nhận lỗi về mình: "giá tôi đẻ ít đi [...] lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền để nhiều quá mà thuyền lại chật"


+ người đàn bà tự cho mình là một phần nguyên nhân gây ra cảnh túng quẫn: thuyền chật, con đông


+ ẩn sâu trong lời "tự thú" chị đã giãi bày lý do vì sao mình lại chịu đựng những trận đòn của lão chồng: vì sự cảm thông, muốn chia sẻ những ức chế, day dứt của người đàn ông khi thấy vợ con mình phải chịu khổ.


- Chị lý giải vì sao mình cần một người đàn ông trên thuyền bất chấp hắn "man rợ, tàn bạo":


+ chị biết sức đàn bà không thể một mình chèo chống khi phong ba


+ gã đàn ông dù vũ phu nhưng cũng là một chỗ dựa về thể chất, tinh thần cho chị và các con


+ quan trọng hơn hết, chị muốn cùng người bạn đời hợp sức để nuôi con


+ chị không rời bỏ thuyền, cố chịu đựng sự dày vò của chồng là vì sợ các con bơ vơ, không ai nuôi nấng


- Khi được hỏi, chị nói như khoe về niềm vui bé nhỏ đến tội nghiệp trong cảnh đói nghèo của mình: "Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no"


+ với chị hạnh phúc lớn nhất cuộc đời là thế: con được no đủ; trên thuyền vợ chồng con cái sống hòa thuận, vui vẻ


+ sự cam chịu trong cay đắng của người đàn bà hàng chài là cách để chị đổi lại miếng cơm manh áo cho đàn con thơ


=> Đến đây người đọc đã hoàn toàn thấu hiểu, cảm thông, khâm phục trước người đàn bà và sự chịu đựng của chị. Không phải vì u mê dốt nát, mà ngược lại, người đàn bà ấy rất sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, giàu lòng vị tha, hi sinh, hết lòng yêu thương chồng con; tự tìm niềm vui trong bất hạnh chỉ để giảm bớt khổ đau, bế tắc cho cả gia đình.


* Nghệ thuật: Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã xây dựng một tình huống truyện mang tính nhận thức, khám phá sâu sắc. Lời nói, phản ứng, thái độ của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện là đáp án, là cách để tác giả gỡ bỏ mọi khúc mắc đến nghẹt thở trong suốt câu chuyện. Lời văn, cách miêu tả sinh động, giàu chất sống đã phác họa rõ nét tính cách, tâm hồn của các nhân vật. Ngôn ngữ đối thoại bình dân, mộc mạc nhưng ẩn chứa những bài học, thông điệp sâu sắc mà tác giả muốn chuyển đến người đọc.


* Đánh giá chung: Qua hình ảnh của người đàn bà ở tòa án huyện, tác giả đã đưa người đọc hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ những bức xúc dồn nén khi chưa hiểu được sự cam chịu của người đàn bà, đến cảm giác xúc động nghẹn ngào khi thấu cảm hoàn cảnh của một người vợ, người mẹ phải chứng kiến cảnh sống cùng quẫn, bế tắc của gia đình. Người đàn bà hàng chài là hình ảnh tiêu biểu, minh chứng cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Đó là tình yêu thương gia đình hết lòng, sống nhẫn nhịn, cam chịu, hi sinh vì niềm hạnh phúc của người thân. Nhưng hơn hết là sự cảm thông của người vợ với chồng và những hi sinh cao cả của người mẹ dành cho đàn con thơ.


3. Kết luận:


- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm và vẻ đẹp của nhân vật người đàn bà hàng chài.


- Mở rộng liên hệ thực tế (nhìn đời, nhìn người một cách cẩn thận, thấu đáo; biết đồng cảm, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh; lên án nạn bạo hành gia đình...).


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #baolucgd