Tuyên ngôn độc lập 1
http://vietjack.com/soan-van-lop-12/tuyen-ngon-doc-lap.jsp
I. Tác giả Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc (1890 – 1969) sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người là nhà yêu nước và cách mạng vĩ đại của dân tộc đồng thời là một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào quốc tế cộng sản, Người còn là nhà văn, nhà thơ lớn. Sự nghiệp chính của Người là hi sinh phấn đấu cho độc lập tự do và cơm áo hòa bình của nhân dân ta. Người đã lấy văn thơ làm vũ khí chiến đấu sắc bén. Thông minh bẩm sinh, giàu tâm hồn nghệ sĩ, Người đã trở thành một cây bút chân chính kiểu mẫu, một nhà thơ lỗi lạc của đất nước.
Hồ Chí Minh là một cây bút đa phong cách, thể hiện một cốt cách cổ điển và những sáng tạo hiện đại. Văn thơ Hồ Chí Minh phong phú, đa dạng, đôc đáo, viết bằng ba thứ ngôn ngữ là tiếng Pháp, chữ Hán và tiếng Việt.
Những năm XX của thế kỉ trước, Nguyễn Ái Quốc viết Bản án chế độ thực dân Pháp và nhiều truyện, kí như Vi hành, Lời than văn của bà Trưng Trắc... Tính tư liệu phong phú, châm biếm hóm hỉnh ở nhiều truyện kí. Thơ tiếng Việt, phần lớn là lục bát, thất ngôn, hay nhất là những bài thơ Chúc tết, Cảnh khuya, Cảnh rừng Việt Bắc, Đi thuyền trên sông Đáy... Các bài thơ tuyên truyền, giản dị mộc mạc, gần gũi với ca dao, tiêu biểu là các loại Bài ca sợi chỉ, Hòn đá, Con cáo và tổ ong...
Thơ chữ Hán có Ngục trung nhật kí và trên 30 bài thơ khác viết từ năm 1942 đến ngày Người qua đời, Vọng nguyệt, Văn cánh, Báo tiệp... là những bài thơ tuyệt bút, đậm đà vị Đường thi.
Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến... tiêu biểu cho phong cách chính luận của Hồ Chí Minh: sắc bén, đanh thép, hùng hồn.
II. Hướng dẫn học bài
Câu 1: Những nét chính về quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Hồ Chí Minh coi văn học là một vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng, nhà văn cũng là chiến sĩ.
- Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học.
- Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ đối tượng tiếp nhận, mục đích để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Người luôn đặt câu hỏi: Viết cho ai?, Viết để làm gì?, Viết cái gì? và Viết như thế nào?
Văn thơ Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, là một bộ phận gắn bó hữu cơ với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. những tác phẩm văn học xuất sắc của Hồ Chí Minh thể hiện chân thật và sâu sắc tư tưởng , tình cảm và tâm hồn cao cả của Người.Tìm hiểu thơ văn Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy những bài học vô cùng cao quý.
Câu 2: Những nét khái quát về di sản văn học của Hồ Chí Minh:
* Văn chính luận
- Viết nhằm mục đích đấu tranh chính trị, tiến công trực diện kẻ thù, thức tỉnh và giác ngộ quần chúng, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi sự đoàn kết đấu tranh...
- Những ánh văn chính luận được viết không chỉ bằng lí trí sáng suốt, trí tuệ sắc sảo, lời văn chặt chẽ, súc tích mà còn bằng cả tấm lòng yêu nước nồng nàn của một trái tim vĩ đại.
- Tiêu biểu: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925); Tuyên ngôn độc lập (1945); Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946)
* Truyện và kí
- Viết nhằm tố cáo tội ác dã man, bản chất tàn bạo, xảo trá của thực dân phong kiến tay sai và đề cao tấm lòng yêu nước của nhân dân.
- Bút pháp hiện đại và nghệ thuật trần thuật linh hoạt, tác giả tạo nên những tình huống truyện độc đáo, bằng trí tưởng tượng phong phú, trí tuệ sắc sảo và vốn kiến thức văn hoá sâu rộng.
- Tiêu biểu: Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922); Vi hành (1923); Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925); Nhật ký chìm tàu (1931); Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963)
*Thơ ca
- Đây là lĩnh vực sáng tạo nổi bật nhất trong sự nghiệp văn học của Bác. Thơ của Người thể hiện tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, tài hoa, một tấm gương nghị lực phi thường và nhân cách cao đẹp của một chiến sĩ cách mạng.
- Người để lại hơn 250 bài thơ, được in trong 3 tập thơ: Nhật ký trong tù gồm 134 bài; Thơ Hồ Chí Minh gồm 86 bài; Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh gồm 36 bài.
Câu 3: Những đặc điểm cơ bản của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh
Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh độc đáo mà đa dạng. Văn chính luận của Người thường ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục và đa dạng về bút pháp. Truyện và kí của Người rất hiện đại, có tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén. Thơ ca tuyên truyền cách mạnh gần gũi với ca dao, giản dị, dễ nhớ. Nhưng thơ chữ Hán của Người lại hàm súc, hài hòa giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top