So sánh khổ 2 bài "Đây thôn Vĩ Dạ" và khổ 4 bài " Tràng giang".




          Trong những năm đầu thập kỷ thứ ba của thế kỷ trước xuất hiện một dòng thơ ca thuộc khuynh hướng lãng mạn là lý tưởng thẩm mỹ cái "tôi" của tác giả, thẩm mỹ hóa cái cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và là tâm trạng buồn sầu, ưu uất, lạc lõng giữa vòng đời. Đó là thơ mới hay còn gọi là thơ lãng mạn. Sự xuất hiện của dòng thơ này đã kéo theo sự ra đời của "Phong trào thơ mới" trong những năm 1932-1945. Và hai trong số các tác giả tiêu biểu xuất hiện trong thời kì ấy không thể không kể đến Hàn Mạc Tử và Huy Cận với hai kiệt tác " Đây thôn Vĩ Dạ " và "Tràng giang". Cả hai tác phẩm này đều " vẽ lên" một bức tranh thiên nhiên đẹp nhưng thấm đượm nỗi buồn, đồng thời bộc lộ nỗi sầu, sự cô đơn lạc lõng và niềm khát khao được sống, được yêu đời, yêu người của tác giả. Có thể nói, đặc sắc nhất ở hai tác phẩm này là ở khổ 2 đoạn từ "Gió theo lối gió" đến "kịp tối nay ?" của " Đây thôn Vĩ Dạ" và khổ 4 đoạn từ "Lớp lớp mây cao" đến "cũng nhớ nhà" của" "Tràng giang".

          Mặc dù cùng là một trong số những tác giả xuất sắc của phong trào thơ mới tuy nhiên các tác phẩm của Huy Cận và Hàn Mặc Tử vẫn có những nét riêng, nét đặc sắc cá nhân. Với Hàn Mạc Tử, ông được biết đến là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh nhất trong phong trào thơ mới. Thế nhưng thơ của ông lại phản phất một chút gì đó mơ hồ và đầy bí ẩn đến mức Hoài Thanh hết lời ngợi khen thơ ông như "một nguồn thơ dào dạt và lạ lùng". Không những thế, Hoài Thanh đã phải bỏ ra 1 tháng trời để nghiên cứu toàn bộ thơ Hàn Mạc Tử và công nhận "Vườn thơ Hàn rộng rinh không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh."Phải chăng vì cuộc đời ông mang nhiều bi thương và số phận vô cùng bất hạnh mà thơ của ông luôn thể hiện một tình yêu đau đớn hướng về cuộc đời trần thế đến vậy ? Và trong số các tác phẩm ấy, nổi bật nhất và đậm chất " Hàn Mạc Tử " nhất có lẽ là " Đây thôn Vĩ Dạ"

          Mở đầu khổ 2 của bài "Đây thôn Vĩ Dạ", Hàn Mạc Tử đã đề cập ngay đến hình ảnh thiên nhiên sinh động.:

"Gió theo lối gió, mây đường mây"

          Hình ảnh gió và mây từ bao đời nay đã gắn liền với nhau như đôi bạn tri kỉ, không thể tách rời – gió thổi mây bay. Thế nhưng, qua biện pháp sử dụng nghệ thuật nhân hóa đầy sáng tạo của mình, Hàn Mạc Tử đã tạo nên một nghịch lí chưa từng có từ trước đến nay. Ông vẽ lên một bức tranh thiên nhiên bao la rộng lớn: có gió - nhưng "gió theo lối gió"; cũng có mây, nhưng lại "mây đường mây". Mây gió đôi đường, đôi ngả. Đồng thời, Hàn Mạc Tử còn sử dụng nhịp thơ một cách vô cùng tinh tế - nhịp 4/3 . Cách ngắt nhịp này đã giúp cho câu văn của ông tách thành 2 vế đối nghịch nhau, một bên là gió, bên còn lại là mây khiến sự chia lìa, cách xa này lại càng thêm xa cách. Từ đó, hai người bạn tri kỉ ấy, tưởng chừng như không thể nào xa rời, lại " ngoảnh mặt quay lưng", " đôi ngả chia ly". Quả thật, có lẽ Chế Lan Viên đã đúng khi nói "Tôi xin hứa hẹn với các người rằng,mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ tan biến đi, và còn lại của cái thời này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử". Chỉ có ông mới có thể biến cái tưởng chừng như phi lý trong hiện thực lại trở nên vô cùng hợp lí trong thơ văn.
          Nhưng... nào phải rằng mọi vật ông nhân hóa chỉ đơn thuần để diễn tả cảnh gió, cảnh mây ! Nguyễn Du đã từng viết trong tác phẩm nổi tiếng của ông - Truyện Kiều - rằng : "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Hàn Mạc Tử cũng vậy ! Ông buồn vì biết mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, quái ác; buồn vì vẫn còn luyến lưu những cảnh vật thơ mộng và buồn vì mối tình đơn phương với người con gái xứ Huế chỉ còn lại trong giấc chiêm bao ! Nhưng trên tất cả, có lẽ ông sợ nhiều hơn là buồn. ông sợ một ngày nào đó mình chẳng còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Ông ... sợ chia xa!

          Có phải chăng vì buồn, vì sợ mà cảnh Huế vốn dĩ rất thơ mộng, trữ tình đã dần nhuốm một màu bi ai đến não lòng:

"Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"

           Từ trước đến nay, sông Hương được biết đến như một vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng và được xem là một trong những biểu tượng lớn của xứ Huế. Vì thế sẽ chẳng lấy làm lạ nếu Sông Hương luôn trở thành đề tài chính trong các tác phẩm thơ ca nước ta. Sông Hương không chỉ được nhắc đến với một tính yêu nồng nhiệt, chân thành mà cháy bỏng trong thơ của Nguyễn Trọng Tạo

"Sông Hương hóa rượu ta đến uống

Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say..."

          Mà nó còn được nhắc đến trong lời bài hát Ai ra xứ Huế sáng tác bởi nhạc sỹ Duy Khánh :

" Ai ra xứ Huế thì ra

Ai về là về núi Ngự

Ai về là về sông Hương

Nước sông Hương còn vương chưa cạn

Chim núi Ngự tìm bạn bay về"

          Thế nhưng, dưới ngòi bút tài tình của Hàn Mặc Tử, sông Hương lại hiện ra với một vẻ u sầu, ảo nảo."Buồn thiu" là cái buồn nhè nhẹ nhưng dai dẳng, nó len lỏi và thấm dần vào tâm hồn của thi nhân và lan sang cả những thứ vô tri vô giác: dòng nước, hoa bắp. Để rồi, "dòng nước" ấy lại trôi đi một cách lững lờ; "hoa bắp" kia lại lay động, đong đưa thật chậm, thật nhịp nhàng theo từng nhịp đưa của gió. Dường như nỗi buồn của thi nhân được hòa quyện dần vào nỗi buồn của thiên nhiên, của vạn vật làm cho buồn lại càng thêm buồn, cô đơn lại càng thêm hiu quạnh !

          Buồn bã là thế, cô đơn là thế! Nhưng khi trời xuống trăng lên, không chỉ cảnh vật, mà cả tâm tư, tình cảm con người cũng chuyển mình thay đổi:

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó"

          Câu thơ hiện lên mang theo một khung cảnh tràn ngập ánh trăng – người bạn tâm tình của tác giả. Thật dễ dàng đề thấy trăng có mặt ở khắp mọi nơi: trăng chất đầy trên con đò đơn độc đậu lặng lẽ bên bờ; trăng trải dài, dát vàng cả một bến đò rộng lớn; trăng tan chảy hòa quyện vào con sông Hương lặng lẽ trôi hững hờ. Phải là người có một tâm hồn yêu trăng, say trăng đến điên dại mới có thể tưởng tượng ra được hình ảnh " bến sông trăng" vô cùng đặc sắc này! Trước đây, trong thơ Trương Kế thời Đường chỉ mới xuất hiện " Thuyền ai đậu bến Cô Tô"; trong "Xuân giang hoa nguyệt dạ" của Trương Nhược Hư, 1300 năm về trước chỉ có "Sông xuân đâu chẳng sáng ngời trăng". Thì nay có thế nói rằng hình ảnh "sông trăng" của Hàn Mặc Tử là vô cùng đặc sắc và tinh tế!

          Với sự tinh tế và sáng tạo đó, con thuyền ở hiện thực đã dần đi vào thế giới mộng tưởng nhờ vào sự bao phủ của ánh trăng huyền ảo. Liệu rằng có phải Hàn Mặc Tử đã mượn sự huyển ảo, mộng mị của vầng trăng để che lấp đi niềm đau và nỗi buồn của hiện tại ? Bởi ông luôn nghĩ về thơ với một quan niệm có phần kì lạ, khác người: "Thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của 1 linh hồn thương nhớ ước ao trở lại trời xưa". Không chỉ có thế, từ trước đến nay, trăng luôn xuất hiện trong những vầng thơ của ông một cách kì lạ hơn gấp mấy lần:

"...Nước hoá thành trăng trăng ra nước 

Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm

....

Say! Say lảo đảo cả trời thơ 

Gió rít tầng cao trăng ngả ngửa

Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô 

Ta nằm trong vũng trăng."

                                                                                      (Say trăng- Hàn Mặc Tử)    


          Thế mà giờ đây, hình ảnh vầng trăng trong "Đây thôn Vĩ Dạ" lại đậm chất trữ tình hơn, đầm thắm hơn:

"Có chở trăng về kịp tối nay ?"

          Câu hỏi tu từ được thốt lên chứa đầy nỗi niềm âu lo, day dứt của người thi sĩ. Nhưng vì điều gì mà nhà thơ phải đợi trăng về chính xác trong "tối nay", chứ chẳng phải là tối mai hay bất kì tối hôm nào khác? Hơn ai hết, có lẽ ông là người hiểu rõ căn bệnh mình mắc phải và khoảng thời gian ngắn ngủi mà mình còn có thể tồn tại trên cõi đời này. Chính vì vậy, trong lòng nhà thơ trỗi dậy trong lòng một nỗi niềm, một khát khao nhỏ bé – được gặp trăng, được tận mắt nhìn thấy người bạn tri kỉ của mình trong đêm nay để cùng được san sẻ nỗi buồn, san sẻ nỗi cô đơn, tuyệt vọng cùng với vầng trăng ấy! Vầng trăng với ông lúc này như một tia hi vọng nhỏ nhoi, mong manh chỉ còn le lói chút ít ánh sáng cuối cùng trong màn đêm u tối. Nó cũng chính là lí do khiến Hàn Mặc Tử không ngừng bồn chồn, lo lắng rằng: liệu chiếc thuyền ấy, con đò ấy có "kịp" đưa trăng về cùng ông trong " tối nay" ?

          Qua bốn câu thơ tuy ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn giàu tính tượng trưng, giàu sức gợi hình, gợi cảm, cùng với các biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, sử dụng câu hỏi tu từ, tả cảnh ngụ tình... được sử dụng một cách vô cùng điêu luyện và tuyệt diệu. Đoạn thơ không chỉ giúp bạn đọc hiểu thêm về tâm tư, tình cảm từ sâu bên trong đáy lòng của một nhà thơ khi sắp phải xa rời chốn trần thế, mà nó còn phần nào khẳng định tài năng và tâm hồn yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước sâu nặng.

"Nếu nhân lọai không còn cái khát khao nữa

Và nhà thơ - nghề chẳng kẻ nào yêu

Người thi sĩ cuối cùng vẫn là Hàn Mặc Tử

Vẫn hiện lên ở đáy vực đợi chờ "

                                                                                                      ( Trần Ninh Hồ )

          Khác với Hàn Mạc Tử, thơ của Huy Cận lại vô cùng hàm súc, giàu chất suy tưởng triết lý. Trước cách mạng, thơ của ông nhuốm đầy nỗi buồn mênh mang, da diết. Nỗi buồn đó dường như vô cớ nhưng xét cho cùng, đấy lại là nỗi buồn thương về cuộc đời, kiếp người, về quê hương đất nước. Sau cách mạng, các tác phẩm của ông đã có sự hòa điệu giữa con người và thiên nhiên. Khi viết về ông, các tác giả trong cuốn Thi nhân Việt Nam có viết :" Có người muốn làm thơ phải tìm những cảnh nên thơ. Huy Cận không thế. Nguồn thơ đã sẵn trong lòng thời thi nhân không cần có nhiều chuyện ". Thật vậy, các tác phẩm của Huy cận dường như đã được ông giấu hết tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của mình vào thiên nhiên, hòa quyện nỗi lòng của mình với trời mây sông nước, tiêu biểu là thi phẩm " Tràng giang"- đặc biệt là ở khổ 4.

          Nếu như trong ba khổ đầu, Huy Cận đã sử dụng biện pháp tả cảnh ngụ tình để đưa những kiếp người bất hạnh, thấp cổ bé họng vào bài thơ qua cảnh vật nơi bến bờ con sông. Thì giờ đây, ở khổ cuối, ông đã "đặt" một phần của sự cô độc cùng với nỗi nhớ quê nhà da diết của mình lên một tầng thiên nhiên cao hơn, rộng lớn hơn - trời mây:

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc"

          Một câu thơ chỉ với bảy chữ thôi mà đã mở ra trước mắt người đọc một cảnh tượng vô cùng hùng vĩ, tráng lệ nhưng cũng có phần khiến ta bất giác phải choáng ngợp bởi hình ảnh núi mây. Thật ra, núi mây ở đây không có nghĩa là núi và mây mà nó chính là một ngọn núi to lớn, sừng sững do thiên nhiên tạo ra bằng cách gom những đám mây lại với nhau. Từ láy "lớp lớp" đã góp phần tạo cảm giác mây như dày đặc hơn, nhiều tầng lớp hơn khiến cho núi mây có màu bàng bạc , huyền oặc như mộng. Không những thế, trong câu thơ còn xuất hiện động từ "đùn" có tính gợi tả vô cùng cao, được Huy Cận lấy cảm hứng từ ý thơ của Đỗ Phủ:

"Lưng trời sóng lượn lòng sông thẳm

Mặt đất mây đùn cửa ải xa."

          Sự kết hợp khéo léo giữa hai cụm từ "đùn" và "lớp lớp" không chỉ làm không gian như được mở rộng hơn, cao hơn, rộng hơn và thậm chí là sâu hơn. Mà nó còn khiến nhân vật trữ tình đã nhỏ bé, cô độc lại càng bé nhỏ hơn biết nhường nào! Ngoài ra, hình ảnh núi mây của Huy Cận còn gợi ra cho đọc giả một sự tò mò, thắc mắc rằng: liệu có phải tác giả đã mượn hình ảnh những đám mây dày đặc, xếp chồng xếp lớp lên nhau để rồi nói lên, bộc tâm trạng sầu thảm cùng nỗi buồn vạn kỉ của mình.

          Giữa không gian bao la, rộng lớn và tưởng chừng như yên ắng ấy lại đột nhiên xuất hiện một cánh chim nhỏ bé. Thoạt đầu, cánh chim nhỏ này xuất hiện như chỉ để tô điểm thêm cho sự hùng vĩ, kì ảo của cảnh sắc thiên nhiên. Nhưng không ! Đẹp ? Ừ thì có đẹp đấy! Kì vĩ ? Ừ thì cũng tạo nên sự kì vĩ! Nhưng tại vì sao cánh chim ấy lại nhỏ nhoi và cô độc đến độ:

"Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa."

          Hình ảnh cách chim xuất hiện trong thơ văn Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung là không hề xa lạ. Ví như, hình ảnh cánh chim trong thơ cổ thời Đường bay về chốn vô tận, vô định gợi cảm giác xa xăm, phiêu dạt, chia lìa:

"Chúng điểu cao phi tận" – Lí Bạch

"Thiên sơn điểu phi tuyệt" – Liễu Tông Nguyên

          Hay cánh chim bay mỏi mệt vì nhớ quê hương trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

"Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa, khách buớc dồn"

          Và kể cả cánh chim xuất hiện trong thơ của Chế Lan viên- một nhà thơ cùng thời với Huy Cận cũng có viết:

"Chao ôi ! mong nhớ ! Ôi mong nhớ ! 

Một cánh chim thu lạc cuối ngàn."

          Mặc dù vậy, ta có thể dễ dàng nhận thấy được sự khác biệt của "cánh chim" trong thơ Huy Cận so với cánh chim trong thơ của các nhà thơ khác. "Cánh chim" trong thơ của huy cận không hoàn toàn tĩnh lặng, dường như ta cảm thấy dược cánh chim ấy đang đập cánh chao nghiêng giữa một không gian bao la rộng lớn. Nhưng sự chao nghiêng này lại không toát lên được nét phóng túng của một cánh chim tự do. Chú chim nhỏ nghiêng đôi cánh kéo bóng chiều cùng chú sa xuống bao phủ, chiếm đóng cả một bầu trời rộng lớn hay lại là chiếc bóng chiều đang đè nặng, dồn ép lên đôi cánh nhỏ bé, yếu ớt kia? Thế thì chú chim nhỏ ấy biết phải "làm gì?" "đi đâu?" và "về đâu?"

          Tâm trạng của Huy Cận lúc bấy giờ cũng vậy. Có lẽ ông sẽ cảm thấy hoang mang lắm, bơ vơ lắm, lẻ loi và đơn độc lắm! Và thật may mắn làm sao, vào những giây phút quyết định đó, Huy Cận đã tìm được câu trả lời cho riêng mình:

"Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà".

          Hoài Thanh, Hoài Chân có viết trong cuốn Thi nhân Việtnam: " Huy Cận đi lượm lặt những chútbuồn rơi rác rồi để sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiênvì không ngờ với 1 ít cát bụi bình thường thi nhân lại có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc". Thật vậy, chỉ với hình tượng đối lập giữa sự nhỏ bé, đơn độc của một cánh chim và sự bao la, rộng lớn của không gian, cũng đủ để tâm hồn Huy Cận đồng cảm với cánh chim ấy và trào dâng một nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương vô cùng mãnh liệt. Cảm xúc ấy cứ cồn cào và day dứt trong lòng thi sĩ từng đợt từng đợt như gợn sóng trong lòng ông. " Dợn dợn" – cách sử dụng từ ngữ vô cùng khéo léo và linh hoạt đến lạ thường! Thay vì dùng " dờn dợn", ông lại sáng tạo ra một từ láy mới cho riêng mình: dợn dợn. Liệu có phải với hai thanh nặng đã kéo nổi buồn của ông rơi vào hố sâu tuyệt vọng – nỗi tuyệt vọng trước cảnh nước mất nhà tan. Từ "dợn dợn" ấy vừa tả những con sóng dợn trên mặt nước lại còn vừa ám chỉ những con sóng dợn trong lòng nhà thơ. Bởi lẽ đó có người nói về Tràng giang quả thật không sai.

"Là Tràng giang, khổ nào cũng dập dềnh sóng nước

Là tâm trạng, khổ nào cũng lặng lẽ u buồn."

          Câu thơ cuối cùng trong khổ bốn của Tràng giang được Huy Cận dựa trên nền thơ của Thôi Hiệu trong Hoàng hạc lâu:

"Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai".

           Mặc dù lấy ý từ thơ của Thôi Hiệu nhưng Huy Cận lại có sự phát triển hơn trước: người xưa chỉ đến khi nhìn thấy khói trắng mới nhớ đến nhà; còn Huy Cận với tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng, tình cảm ấy trong ông cứ dạt dào, trào dâng ngày một nhiều thêm mà chẳng cần đến bất kì chất xúc tác nào!

          Khổ thơ cuối của bài "Tràng giang" không chỉ là nỗi buồn, nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ mà nó còn chất chứa một sự khát khao, hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội hạnh phúc hơn. Xuân Diệu đã từng nhận xét về thơ Huy Cận: "Thơ Huy Cận dường như ngầm chất chứa cái lớp sầu dưới đáy hồn nhân thế".

          Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, cách sử dụng ngôn ngữ vô cùng tinh tế, giàu tính liên tưởng trên nền thơ thất ngôn, cả Hàn mạc Tử và Huy Cận đều đã đem đến một làn gió lạ cho nền văn học Việt Nam. Các biện pháp nghệ thuật ấykhông chỉ dựa vào hình ảnh thiên nhiên giúp làm bật lên tình yêu quê hương, đấtnước, con người mà chúng còn tạo cho người đọc một nỗi buồn man mác, cái buồnbắt nguồn từ sự bế tắc, tuyệt vọng.

          Nhưng không vì thế mà nỗi buồn của hai tác phẩm lại trùng lặp, giống nhau. Nỗi "buồn thiu" như Hàn Mạc tử trong " Đây thôn Vĩ Dạ" là nỗi buồn của một tâm hồn khát yêu, khát sống, bị bệnh tật đọa đày cách biệt với cuộc đời. Còn nỗi "buồn điệp điệp " như Huy Cận trong " Tràng giang" lại bắt nguồn từ sự ý thức về nỗi cô đơn, nhỏ nhoi, bất định của kiếp người trong cái vô cùng vô tận của đất trời. Hay nói nôm na là nỗi buồn của Hàn Mạc Tử là nỗi buồn cá nhân còn nỗi buồn của Huy Cận là nỗi buồn của cả một thế hệ.

          Ngày nay, những nỗi buồn của Hàn Mặc Tử, của Huy Cận đã qua đi nhưngchúng vẫn đọng lại, vang vọng mãi trong tâm hồn của những con người Việt Nam, nhữngcon người mang tâm hồn yêu nước sâu nặng. Qua hai khổ thơ trên, tự bản thân emthấy rằng mình phải biết yêu thêm quê hương, tự hào thêm về đất nước, quí trọng thêm những gì mình có và góp phần đưa đất nước phát triển thêm nhờ vào một phần công học tập nhỏ nhoi của mình.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thơ-ca