so sanh giua DNTN va cong ty TNHH 1 thanh vien

Doanh nghiệp tư nhân, công ty Trách nhiệm hữu hạn: Chọn hình thức nào?

Tháng Mười 30, 2009 in Pháp Luật Thương Mại

Bài liên quan: Khái quát về các loại hình doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 2005

Theo: Ánh Hồng Ngân & LS. Nguyễn Hữu Phước

Saigontimes Online

Với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 2005, giờ đây nhà đầu tư cá nhân trong nước muốn khởi nghiệp kinh doanh đã có hai sự lựa chọn, một là doanh nghiệp tư nhân (“DNTN”) và hai là công ty trách nhiệm hữu hạn (“TNHH”) một thành viên. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư cá nhân băn khoăn không biết là nên thành lập DNTN hay công ty TNHH một thành viên, những điểm được và chưa được của mỗi sự lựa chọn đó là như thế nào?

Minh họa

Về tư cách pháp lý và quản lý doanh nghiệp

Từ trước đến nay, DNTN là một hình thức doanh nghiệp được khá nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước lựa chọn bởi sự gần gũi của nó đối với tập quán kinh doanh của người Việt cũng như tính đơn giản, tự chủ cao trong tổ chức và điều hành doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 thì DNTN có thể được xem là doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân (1). Với bản chất chịu trách nhiệm vô hạn cho chủ sở hữu như vậy, DNTN chứa đựng nhiều rủi ro cho chính sở hữu chủ doanh nghiệp khi mà họ phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tại cùng một thời điểm thì mỗi nhà đầu tư cá nhân chỉ được thành lập và duy trì một DNTN mà thôi (cũng như không phải là thành viên hợp danh của bất kỳ một công ty hợp danh nào khác).

Trong khi đó, công ty TNHH một thành viên lại có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn cá nhân chủ sở hữu đăng ký vào công ty và không bị hạn chế về số lượng công ty TNHH mà một nhà đầu tư cá nhân là thành viên góp vốn được phép thành lập.

Với những quy định như vậy, rõ ràng so với công ty cổ phần hay công ty TNHH, DNTN chứa đựng nhiều rủi ro và hạn chế hơn. Chính vì vậy nên khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp 2005, có khá nhiều ý kiến lo ngại rằng việc cho phép nhà đầu tư cá nhân được quyền thành lập công ty TNHH một thành viên sẽ dẫn đến việc dần dần triệt tiêu DNTN vì nhà đầu tư cá nhân nào cũng mong muốn giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.

Nếu ở thời điểm áp dụng Luật Doanh nghiệp 1999, DNTN là sự lựa chọn duy nhất nếu nhà đầu tư cá nhân không muốn hùn hạp kinh doanh với bất kỳ nhà đầu tư cá nhân nào khác, thì nay, Luật Doanh nghiệp 2005 đã cho phép họ lựa chọn giữa việc thành lập một công ty TNHH một thành viên hay một DNTN, một bên với chế độ trách nhiệm hữu hạn và một bên còn lại với chế độ trách nhiệm vô hạn.

Như vậy, những thay đổi đó của Luật Doanh nghiệp 2005 có thực sự “khai tử” DNTN hay không? Câu trả lời có lẽ phải chờ đợi thêm một khoảng thời gian nữa để kiểm chứng sự hiệu quả và mức độ hòa nhập của Luật Doanh nghiệp 2005 đối với thực tiễn kinh doanh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý và trên phương diện kinh doanh, DNTN vẫn đáp ứng được một số nhu cầu nhất định cho nhà đầu tư cá nhân.

Đơn cử như việc chủ DNTN phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, trong một số trường hợp, giúp cho đối tác làm ăn với doanh nghiệp có thêm niềm tin đối với chủ DNTN (nhất là khi họ nắm rõ khả năng tài chính và tài sản của chủ DNTN); chủ DNTN có thể dễ dàng tăng hoặc giảm vốn đầu tư (trong khi hình thức công ty TNHH một thành viên thì lại bị hạn chế đối với việc rút và giảm vốn đã góp (2)); hoặc đơn giản là ở thời điểm hiện tại, khá nhiều người vẫn còn quen làm chủ một DNTN hơn là làm chủ một công ty TNHH một thành viên.

Về khả năng chuyển đổi

Hiện nay, công ty TNHH một thành viên được luật pháp cho phép chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên (do chủ sở hữu chuyển nhượng, cho, tặng một phần sở hữu của mình tại công ty cho một hoặc một số người khác; hoặc công ty huy động thêm vốn góp từ một hoặc một số người khác) hoặc trở thành công ty cổ phần (huy động thêm thành viên mới). Sau khi hoàn tất việc chuyển đổi, công ty chuyển đổi sẽ kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

Cùng với sự thừa nhận công ty TNHH một thành viên do nhà đầu tư cá nhân làm chủ sở hữu, Luật Doanh nghiệp 2005 cũng cho phép DNTN được chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên. Tuy nhiên, so với các trường hợp chuyển đổi giữa công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên, hoặc giữa công ty TNHH và công ty cổ phần, việc chuyển đổi DNTN thành công ty TNHH đòi hỏi phải thỏa mãn khá nhiều điều kiện pháp lý phức tạp hơn.

Ví dụ như điều kiện “chủ DNTN có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty TNHH được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó” hay “chủ DNTN cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của DNTN và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn”. Những điều kiện này được đặt ra nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên có liên quan và xuất phát từ chế độ trách nhiệm vô hạn của DNTN.

Với hành lang pháp lý hiện hành, DNTN muốn chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác ngoài công ty TNHH một thành viên chẳng hạn như công ty cổ phần, thì chủ DNTN chỉ có thể giải thể DNTN và thành lập doanh nghiệp mới. Điều này vừa mất nhiều thời gian, mất đi một số giá trị doanh nghiệp hiện có (thương hiệu, uy tín kinh doanh, nguồn khách hàng quen thuộc…) gây gián đoạn cho các giao dịch đang tồn tại, và thậm chí trong một số trường hợp làm ảnh hưởng bất lợi cho các bên có liên quan hơn là nếu được phép chuyển đổi.

Việc không cho phép các doanh nghiệp tự do chuyển đổi nói chung và chuyển đổi DNTN sang công ty cổ phần nói riêng dường như không có cơ sở lý luận hay thực tế nào. So với công ty TNHH, rõ ràng khả năng chuyển đổi của DNTN không linh hoạt bằng và thủ tục pháp lý có liên quan cũng phức tạp hơn.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2005 cũng “dành riêng” cho DNTN những quy định về cho thuê và bán doanh nghiệp. Tuy nhiên, những quyền này vẫn có những giới hạn nhất định mà chủ DNTN cần phải cân nhắc trước khi thực hiện. Theo đó, tuy chủ DNTN có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình nhưng trong thời hạn cho thuê, chủ DNTN vẫn phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của DNTN và trước các bên đối với các tranh chấp của DNTN.

Như vậy, nếu người được thuê quản lý có hành vi sai trái gây thiệt hại cho DNTN trước bên thứ ba thì chủ DNTN vẫn phải chịu trách nhiệm giải quyết và xử lý trách nhiệm của người được thuê này theo cách thức khởi kiện dân sự. Luật không chỉ quy định trách nhiệm vô hạn cho chủ DNTN đối với nghĩa vụ của DNTN mà còn quy định cả trách nhiệm quản lý không hạn chế của họ trong trường hợp thuê người quản lý.

Chọn hình thức nào là tùy nhu cầu

Nhìn chung, DNTN và công ty TNHH đều có một số mặt mạnh và một số hạn chế nhất định mà mỗi nhà đầu tư cá nhân cần phải thận trọng xem xét khả năng và nhu cầu thực tế của mình để chọn một hình thức đầu tư phù hợp.

Nếu như DNTN có hạn chế là chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ sở hữu đối với các nghĩa vụ của doanh nghiệp, thì bù lại, chủ DNTN có thể quản lý DNTN theo những cách thức đơn giản và chủ DNTN có thể dùng khả năng tài chính của chính mình để bảo đảm cho hoạt động kinh doanh của DNTN.

Ngược lại, công ty TNHH một thành viên giúp hạn chế rủi ro cho thành viên góp vốn khi mà trong mọi trường hợp thành viên góp vốn vẫn phải chịu trách nhiệm chỉ trong phạm vi số vốn cam kết góp của thành viên góp vốn đó vào công ty, và khi muốn chuyển sang hình thức hợp tác làm ăn chung với các đối tác khác thì có thể chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần một cách dễ dàng.

__________________________________

(1) Về mặt kỹ thuật lập pháp, tuy Luật Doanh nghiệp 2005 không khẳng định DNTN không có tư cách pháp nhân nhưng thông qua quy định chủ DNTN phải “tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp” phải hiểu rằng DNTN không có tư cách pháp nhân do không đáp ứng được tiêu chí “Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó” mà một pháp nhân phải có (điều 84 Bộ luật Dân sự 2005).

(2) Cụ thể: Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: