sinh chu

Sính chữ

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa văn thảo những nét

Như phượng múa rồng bay...

(Ông đồ - Vũ Đình Liên)

Bắt đầu bằng một bức ảnh bìa báo thật đẹp chụp hai cô nữ sinh xem chữ và bài viết về những người treo chữ trên phố Bà Triệu, thêm một vài phóng sự trên TV, dần dà người ta bắt đầu quen với sự trở lại của những ông đồ bày mực tàu giấy đỏ trên phố đông người qua. Và từ lúc nào không rõ, những đứa con đẻ của nền giáo dục thời đại mới bỗng trở nên ưu ái sản phẩm đặc trưng của nền giáo dục phong kiến cổ hủ: Chữ Hán và Thư pháp. Hình ảnh trong bài thơ của Vũ Đình Liên tưởng như mãi mãi thưa vắng giờ đã trở lại, ít nhất là ở khu vực Văn Miếu trong những ngày xuân.

Hai mươi mấy ngàn một tờ giấy điệp trắng hoặc màu (ấy là nói về giá giấy "mậu dịch quốc doanh" trong khuôn viên Văn Miếu, nếu ra bên ngoài chắc số tiền tính bằng ngàn kia cũng du di đi nhiều) thật ra không hề rẻ, nhưng cũng không phải một số tiền mà người ta phải quá đắn đo khi bỏ ra, nhất là trong những ngày Tết này. Vì vậy mà chữ thánh hiền trải khắp sân, tường, vỉa hè ngôi trường Đại học nay đã không còn đào tạo. Cũng chẳng cần phải đi tất cả các ngóc ngách làm gì, người ta xin chữ giống nhau hết ấy mà. Người đi học hỏi chữ Đạt, chữ Đăng Khoa để trẻ thì đỗ đại học, lớn hơn thì được học bổng thạc, tiến sĩ ở nước ngoài. Kẻ đi làm đòi chữ Tài, chữ Lộc để trúng thầu, lãi cổ phiếu. Ai ở nhà rồi thì thích chữ Phúc, chữ Nhẫn, toàn những thứ thuộc về tinh thần, cho thanh thản lương tâm.

Như đã nói, toàn những con đẻ của nền giáo dục phi-nho-giáo, nghe nói đọc viết những từ gốc Hán trong tiếng Việt một cách trôi chảy, không gọi Thuỷ Tạ thành Thuỷ Toạ và thuộc dăm câu văn vần tam thiên tự "lục sáu tam ba gia nhà quốc nước" đã vênh váo với cái vốn từ Hán Việt lắm rồi, thì làm sao đủ trình độ xin chữ khó, chữ hay. Những ông đồ trẻ thời nay vì thế rất nhàn, dắt lưng sơ sơ hai ba kiểu Chân Thảo Hành là có thể "bút mặc lâm ly" mà đi cho chữ rồi. Ấy thế nhưng năm nay, các ông đồ thời đại mới cũng bị một phen bất ngờ do nhu cầu thị trường có chút thay đổi.

Cùng với số người đi thi Đại học năm sau luôn cao hơn năm trước do cộng dồn những sĩ tử đã từng trượt, những cải cách trong quy chế thi cử, mùa thi năm nay hứa hẹn nhiều bất trắc cho đám học trò. Chẳng thế mà những chữ Thành, Đạt, Minh, Trí, Đăng Khoa luôn thường trực trong ticket yêu cầu của Văn Miếu (vốn được coi là kinh doanh chữ chính hãng) lẫn trên những bờ tường gạch vồ của đám đồ nho không biên chế.

Năm nay trên sân phơi chữ có thêm nhiều chữ Đỗ. Thoạt đầu cứ nghĩ có người họ Đỗ muốn viết họ của mình, nhưng sau thấy rất nhiều thanh niên cầm chữ Đỗ, chẳng lẽ cả dòng họ Đỗ đi xin chữ đầu năm để về thờ hay sao? Bèn hỏi một cô, chữ gì vậy bạn, cô bảo, cô thi đại học nên muốn xin chữ Đỗ. Người hỏi gật gù nhưng tự lục lại vốn chữ Hán vốn cũng tàm tạm và nghi ngờ về tra lại từ điển thì thấy trong tiếng Hán chữ Đỗ không hề có nghĩa nào là thi đỗ hết.

Các thầy đồ nếu không quá "dỏm" (mà đã đủ trình độ đi viết ở Văn Miếu - dủ chỉ bên hông - thì không thể là đồ dỏm được) thì cũng biết chữ kia Đỗ mà không đỗ cả đấy. Nhưng cứ thử ngẫm xem, các thầy giữ bút trên tay, hít mùi mực từ sáng đến tối, cho hết Nhẫn, Tâm lại Phúc, Đức đến nỗi nét mác nét sổ đều nhau chằn chặn như viết theo quán tính, tiệt không còn chút nhấn nhá nào nữa, nghĩa là các thầy mụ cả người đi rồi, hoặc chưa mụ hẳn thì cũng chẳng còn hơi sức đâu mà hết lần này qua lần khác cắt nghĩa giải thích cho hàng tầng hàng lớp người thiếu chữ thừa ước vọng nữa. Họa hoằn, có một "cậu đồ" còn trẻ còn hăng hái định cố gắng đính chính, nhưng đồng nghiệp bên cạnh đang viết say sưa, chẳng nhẽ lại làm cái việc vừa ngược lẽ đời, bẽ mặt người và mệt thân mình à? Thôi thì cứ Đỗ bừa cho xong!

Đám đông du xuân nhộn nhạo như thế, giờ chỉ có giời mới tìm ra được ai là người khởi xướng cho việc xin chữ Đỗ-mà-không-đỗ này. Đám thầy đồ, của đáng tội, ít người mà cũng quy củ hơn. Các ""thầy" đã lập ra hội này nhóm nọ câu lạc bộ kia, tổ chức sinh hoạt định kỳ phê bình tác phẩm trau dồi chuyên môn rất rùm beng. Cái việc trang trọng và rất đáng phấn khởi là đi cho chữ đầu năm này vì thế cũng được tập hợp họp hành cắt cử phân công sắp xếp chia chác cẩn thận, nói chung hoạt động ra dáng nghiệp đoàn đồ nho hoành tráng lắm. Nhưng dù sao, những hội nhóm như vậy cũng không phải là cái gì ràng buộc chặt chẽ. Chẳng ai có quyền xua các thầy đồ bồ chữ lại một cái phòng họp kín để tìm tra gạn cho ra rồi phê bình kiểm điểm nghiêm khắc cái thầy đầu tiên đã "nhắm mắt đưa bút" chiều theo ý khách mà viết chữ Đỗ vô nghĩa nọ.

Vậy là, chữ Đỗ cứ thế đỗ tràn trên sân phơi chữ, người xin cứ thế vui với chút lòng tin vào sự may mắn mới "thửa" được ở nơi nguyên là cửa Khổng sân Trình hoặc về cái sự à la mode khi tham gia hoạt động văn hoá của mình. Cái chữ tưởng như tràn trề ý nghĩa vừa xin trên tờ giấy dó có giá tiền ngang một cuốn sách 300 trang kia rồi đây có thể được lồng khung treo trang trọng, hoặc ít nhất là dán ngay ngắn, trên tường. Còn các thầy đồ thời @, sau khi cho chữ, các thầy sẽ đi uống rượu hoặc lên mạng viết blog, nói với nhau hoặc trút vào blog toàn những câu chữ cao siêu trích dẫn "Tử viết Thư vân" tầng tầng lớp lớp, nhớ làm gì một chữ Đỗ nhỏ nhoi.

Âu cũng là góp phần phục hồi một thú chơi Tết, để người ta, cả người xin và người cho, thấy mình cũng thanh nhã như ai!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top