SHTT - datinh

Thời gian gần đây, giới văn học nghệ thuật rộ lên chuyện bản quyền. Nào là: việc các bài hát in thiếu tên người sáng tác hoặc sai tên tác giả. Nào là: việc những tác phẩm văn học liên tiếp bị các nhà xuất bản in ấn tuỳ tiện trong nhiều tuyển tập. Nào là: việc đăng tùm lum các bức ảnh nghệ thuật trên báo chí không có tên tác giả... Và dĩ nhiên kèm theo đó là những thiệt hại về mặt vật chất mà lẽ ra chủ thể sáng tạo ra các sản phẩm văn học nghệ thuật đó phải được hưởng. Sự việc được nêu lên khiến ai ai cũng bất bình.

Chuyện đúng - sai mọi người cùng biết rõ mười mươi. Rõ như ra đường gặp biển "Cấm đi ngược chiều", "Cấm vứt rác ở đây", "Cấm..." ... Nhưng biết là một chuyện, thực hiện hay không lại là chuyện khác. Giống như việc biển cấm thì cứ treo còn người ta cứ nghênh ngang đi ngược chiều, cứ vứt rác không đúng chỗ, miễn sao thấy vắng bóng công an và đội quy tắc đi tuần. Và họ lại thầm hí hửng: Xem ai làm gì được nào. Rủi có bị phạt thì bỏ chạy, không chạy được thì xin, không xin được thì cãi cùn...

Còn nhớ cách đây chừng vài năm, tác giả X trong một lần đi chơi ở hiệu sách chợt phát hiện thấy nhiều truyện của mình bị nhà xuất bản Y đăng trong các tuyển tập một cách vô tội vạ. Điều đáng nói là những tác phẩm "phôto, tái bản" này, lỗi chính tả nhiều như vãi trấu, tên tác giả lúc đúng lúc sai. Thậm chí một số truyện bị thiếu hẳn đoạn kết hoặc bị lộn trang. Điều này làm vị tác gỉa X nọ hết sức bực mình. Những lá thư ký tên tác giả X liên tục gửi tới nhà xuất bản Y với yêu cầu gay gắt: phải xin phép tác gỉa trước khi đăng tải tác phẩm; đề nghị gửi sách và nhuận bút đối với những tác phẩm mà nhà xuất bản đã sử dụng, đính chính những sai sót trong khâu in ấn. Thư đi thì có , thư về thì không. Cũng coi như một cách trả lời của nhà xuất bản Y: rằng tôi chưa nghe thấy gì cả, chưa biết gì cả hoặc cũng có thể là chẳng nghe thấy, chẳng cần biết điều gì cả. Chuyện được tác gỉa X kể cho một số bạn bè văn chương, mong tìm được sự chia sẻ. Hoá ra cũng nhiều người là nạn nhân của trò ăn cắp bản quyền vô lối ấy. Những chẳng ai muốn lên tiếng vì biết trước kết cục của nó. Thôi thì cũng đành coi như không biết gì cả. Dần dần người ta hình thành phản xạ trước những chuyện tương tự của bản thân và đồng nghiệp. Thôi thì cứ lo mà sáng tác chứ theo mấy cái chuyện này chỉ tổ chuốc lấy những sự bực mình mà lại mất hết niềm say mê, hào hứng cũng như thời gian và công sức cho sáng tác nghệ thuật. Hậu quả nhỡn tiền đấy: nhạc sĩ Lê Vinh - anh chàng Đônkihôtê muộn mằn của thế kỷ 20 -21 đã quá ư mệt mỏi theo kiện để bảo vệ đứa con tinh thần của mình - bài hát Hà Nội và tôi - cốt sao không để cho người ta làm nó bị méo mó đi. Ròng ra hơn năm trời, rốt cuộc tiền bồi thường mà vị nhạc sĩ này nhận được chẳng đáng là bao, dẫu anh vẫn tự nhận : "Tôi chỉ muốn nổ phát súng đầu tiên để từ nay việc sử dụng sản phẩm trí tuệ của người nghệ sĩ sẽ có quy củ hơn, và người sử dụng biết trân trọng lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ hơn". ấy vậy mà vị nhạc sĩ này vẫn bị mang tiếng (từ chính giới của anh) rằng: mới viết được đôi ba bài đã lên mặt, rằng muốn nổi tiếng hay sao đây...Thôi thì thiệt thòi đủ đường. Và từ đấy đến nay, công chúng chưa được đón nhận tác phẩm mới nào của anh. Phải chăng anh không viết nữa vì mệt mỏi? Vã đã cạn cảm hứng? Hay bởi đã suy giảm lòng tin - điều này mới thật đáng sợ.

Trở lại những vấn đề thời sự nóng hổi xung quanh chuyện bản quyền và điểm lại hoạt động của trung tâm bảo vệ bản quyền mà nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng nhiều nhạc sĩ khác dồn khá nhiều tâm huyết và lòng quyết tâm vào thực hiện trong thời gian qua. Giới hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đã có thể khấp khởi mừng. Nhưng điều mà ít người nghĩ tới đó là thói quen im lặng, bàng quan khi thấy những chuyện bất bình - không chỉ trong lĩnh vực bản quyền - đã ăn khá sâu vào lối sống của nhiều người. Giống như người ta gặp kẻ đi ngược chiều, bụng hơi khó chịu nhưng chỉ lẩm bẩm: "vô phúc cho mày gặp công an". Không mấy ai coi đó là chuyện của mình, liên quan đến mình, mình phải có trách nhiệm. Trong khi đó chỉ cần mỗi người có niềm tin rằng nếu họ có thái độ phản ứng quyết liệt trước những điều sai trái, cũng như có thái độ chấp hành nghiêm túc luật pháp - như một cách để tôn trọng người và và tôn trọng bản thân mình - thì mọi chuyện đâu đến nỗi...

Chuyện bản quyền hoá ra không quá phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ cần tự mỗi người thoát được ra vòng luẩn quẩn của chính mình

Bản quyền phần mềm - Vì sao phải đăng ký ?

Nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ hình thành nên một nền kinh tế mới dựa vào công nghệ cao, hàm lượng chất xám cao, đó là nền kinh tế tri thức trong đó Công nghệ thông tin (CNTT) được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực.

Thông tin trở thành tài nguyên quan trọng. Tại Mỹ, tỷ trọng CNTT chiếm khoảng 45-50% GDP. Tại Ấ'n Độ, lĩnh vực công nghiệp phần mềm máy tính tăng đều đặn với mức 50%/năm và đến năm 2000, kim ngạch phần mềm máy tính lên tới 5 tỷ USD. Một nước nhỏ như Singapore mà xuất khẩu của ngành CNTT cũng đã chiếm gần 40% tổng doanh số về xuất khẩu công nghiệp.

Ý thức được tầm quan trọng của CNTT, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, chiến lược nhằm bảo đảm cho sự phát triển thích nghi được với nền kinh tế tri thức của thế kỷ 21. Trong năm 2000, mức tăng trưởng CNTT ở Việt Nam là 24% với doanh thu khoảng 325 triệu USD. Chúng ta đã có Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 1 7-10-2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH. nghị quyết số 07/2000 NQ-CP ngày 5-6/2000 của Chính phủ về xây dựng và phát triển. công nghệ phần mềm giai đoạn 2001-2005.

Rõ ràng với thế kỷ thứ 21 là thế kỷ của CNTT thì cùng với nó, bản quyền phần mềm cũng là vấn đề bức xúc, đặc biệt là ở một nước đang phát triển như Việt Nam, bởi lẽ việc đăng ký, giữ bản quyền là để bảo vệ quyền lợi của tác giả, giới thiệu, quảng bá nhằm thúc đẩy quá trình thương mại hóa phần mềm, tăng cường sự hiểu biết, phối hợp và cộng tác giữa các tác giả phần mềm cũng như tiếp cận được những phần mềm tiên tiến nhất đã có. Việc đăng ký bản quyền phần mềm, khi được thực hiện đúng, sẽ tạo nên lòng tin của khách hàng vào sản phẩm được sử dụng. Vấn đề bảo vệ bản quyền trong nước hiện nay ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Ca múa nhạc là ngành đầu tiên có sự lên tiếng về vi phạm bản quyền tác giả, nổi tiếng với hai vụ kiện của các Nhạc sĩ Lê Vinh và Trần Tiến, nhưng cho tới nay cũng chỉ mới tổ chức được cuộc họp bàn về Thành lập Hội bản quyền tác giả thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong lĩnh vực phần mềm máy tính, có thể nói ai là tác giả phần mềm, chỉ có người ấy cùng với khách hàng sử dụng phần mềm của họ biết. Việc mua bán, xuất nhập khẩu phần mềm cũng được thực hiện mà chưa có sự kiểm soát từ phía Nhà nước.

Tới nay, Nhà nước đã sớm giao cho Cục bản quyền, Bộ Văn hóa - Thông tin trách nhiệm nhận đăng ký bản quyền tác giả phần mềm máy tính. Và xung quanh vấn đề này, còn có nhiều điều đáng bàn.

Đăng ký như hiện nay, bản quyền phần mềm có được bảo vệ ?

Theo quy định của Bộ Văn hóa Thông tin, các tác giả bản quyền phần mềm có thể đến đăng ký tại Cục Bản quyền của Bộ này với lệ phí 405.000 đồng cho mỗi tác phẩm phần mềm. Tuy nhiên, việc đăng ký hiện nay chỉ đơn thuần là một thủ tục hành chính, Cục Bản quyền không có trách nhiệm thẩm định về tính hợp pháp của bất kỳ một vấn đề gì của phần mềm mang đến đăng ký. Như vậy là phía cấp giấy chứng nhận bản quyền, chỉ thu lệ phí, cấp giấy chứng nhận một cách... rất thiếu cơ sở khoa học, không cần quan tâm đến tính hợp pháp của bản quyền (mà đối với phần mềm máy tính, đây là một vấn đề quan trọng). Cục cũng không cần quan tâm đến những đặc trưng cơ bản của một phần mềm máy tính như tính mới, tính độc lập với các phần mềm khác có cùng mục đích sử dụng, tính phụ thuộc vào các phần mềm khác, tính đúng đắn, tính khả thi (khả năng ứng dụng của phần mềm), ý nghĩa thực tiễn của phần mềm. Vì vậy, các tác giả (hay tập thể tác giả) phần mềm phải chịu trách nhiệm về mọi khía cạnh về tính hợp pháp của phần mềm được viết ra: ví dụ như về quyền sử đụng các ngôn ngữ (Fortran, C, Visual Basic, Pascal...), các hệ điều hành, môi trường sử dụng phần mềm, và phải tự chịu trách nhiệm trước tòa nếu có sự tranh chấp. Đây là một vấn đề hết sức "nhạy cảm" bởi lẽ tại Việt Nam và nhiều nước đang phát triển khác, việc sử dụng bất hợp pháp (không xin phép) nhiều loại phần mềm và cả các ngôn ngữ lập trình là điều... rất phổ biến.

Các phần mềm, dù được trang bị khóa cứng hay khóa mềm đều lần lượt bị các "chuyên gia" lập trình nghiên cứu giải mã, "bẻ khóa" để sử dụng một cách bất hợp pháp. Các hãng phần mềm nổi tiếng, chẳng hạn như Microsoft không phải không biết chuyện này. Song, cho tới thời điểm hiện nay, có thể họ cho không tiếc sử dụng phần mềm là muốn dùng nó làm "con mồi" để săn (bán) phần cứng. Tuy nhiên, khi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực (sau khi Quốc hội hai nước thông qua) thì họ hoàn toàn có quyền kiện về sự vi phạm bản quyền. Và lẽ đương nhiên, việc tranh chấp, kiện cáo nhau của các tác giả phần mềm rõ ràng sẽ lành ít, dữ nhiều, bởi người được hưởng lợi có khi lại là chủ các phần mềm gốc chứ không phải các tác giả này.

Như vậy có thể nói, việc đăng ký bản quyền phần mềm như hiện nay chỉ để mà... đăng ký. Các phần mềm đã đăng ký mà không được thẩm định có thể sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại do những sai sót trong thiết kế phần mềm không được vạch ra, mà người gánh chịu hậu quả là người sử dụng, khi họ hoàn toàn tin tưởng vào giấy chứng nhận bản quyền.

Để hoàn chỉnh "bài ca" bản quyền phần mềm.

Rõ ràng việc đăng ký bản quyền phần mềm như một thủ tục hành chính hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế. Điều này sẽ hạn chế tốc độ phát triển nền CNTT vì sự quảng bá, thương mại hóa phần mềm ít có cơ hội được thực hiện. Các tác giả phần mềm cũng không có dịp học hỏi lẫn nhau và tăng cường sự giao lưu, hợp tác phát triển.

Thiết nghĩ, Cục Bản quyền cần có một Hội đồng thẩm định phần mềm đồng thời thực hiện đúng và đầy đủ những yêu cầu cần thiết để bảo vệ quyền tác giả và đẩy mạnh sự phát triển ngành CNTT. Có như thế, mới tránh được tình trạng đóng nhãn mác vào bên ngoài một sản phẩm mà không biết được là sản phẩm ấy có chất lượng như thế nào, tạo được niềm tin cho khách hàng và thúc đẩy quá trình sử dụng, phát triển phần mềm máy tính.

Theo Báo Văn nghệ trẻ

Tại Sao cần phải đăng ký nhãn hiệu?

Một nhóm bạn tập hợp lại để kinh doanh. Nhiều ý tưởng được trình bày, ý tưởng nào thấy cũng có lý. Sau khi bàn bạc cá nhóm quyết định chọn phương án - chế biến một loại sản phẩm ăn nhanh, tiện lợi và cần ít vốn nhất. Sản phẩm làm ra được mọi người chia nhau đem đến từng cơ quan, đơn vị bán. Lúc đầu, là bạn bè quen biết gọi điện thoại đặt mua. Sau đó là những người được bạn bè giới thiệu. Dần dà, hàng bán ngày một nhiều hơn, khách hàng rộng rãi hơn. Khi đó, nhóm bạn này mới thấy cần thiết phải đặt cho nó một cái tên để có thể tạo ra nhiều tài liệu maketing cần thiết để truyền đạt đến khách hàng của mình. Một nhãn hiệu được ra đời.

Bất ngờ, một ngày kia, họ tới tấp nhận được điện thoại than rằng, sản phẩm của họ không còn ngon, đậm đà như lúc ban đầu. Doanh thu sụt hẳn, chia nhau đi tìm hiểu, điều tra họ đã phát hiện ngoài thị trường bày bán tràn lan sản phẩm giả gắn nhãn hiệu của họ. Cả nhóm quyết chí phải tìm cho ra kẻ chủ mưu. Khi phát hiện, họ tìm đến cơ quan có thẩm quyền để khiếu nại, nhưng không được giải quyết vì "không có bằng chứng nào chứng tỏ nhãn hiệu nêu trên thuộc quyền của họ". Khi đó họ mới nhận ra rằng, để được bảo hộ nhãn hiệu, trước hết phải đi đăng ký và được cấp bằng thì quyền sở hữu đối với nhãn hiệu mới phát sinh.

Yêu cầu thiết kế nhãn hiệu

Nhãn hiệu không được trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy các nước, không được trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của tổ chức, cơ quan Nhà nước Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép, không được trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, nước ngoài, không được trùng hoặc tương tự gây nhầm lần với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng (ngoại lệ: chính tổ chức này đăng ký các dấu hiệu đó làm nhãn hiệu chứng nhận), không được làm iểu sai lệ cả, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, công dụng, chất lượng ... hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

Khả năng phân biệt của nhãn hiệu: Dấu hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt để làm nhãn hiệu khi nó là: Hình và hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, (ngoại lệ: trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu), dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến, dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ (ngoại lệ : trừ trường hợp đấu hiệu đó đã đạt được khá năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu), dấu hiệu mô tả hình thúc pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh, dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn, dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác, dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu...

Muốn đăng ký nhãn hiệu cần phải có điều kiện gì?

Muốn đăng ký nhãn hiệu(ĐKNH) trước hết bạn phải là một chủ thể kinh doanh hợp pháp. Tiếp đến, bạn phải thiết kế cho minh một nhãn hiệu đáp ứng hai điều kiện:

Thứ nhất: là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Thứ hai: có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Ai có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu?

Tổ chức, cá nhân có quyền ĐKNH dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền ĐKNH cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất nếu người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền ĐKNH tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sán xuất, kinh doanh tại địa phương đó.

Tổ chúc có chúc năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền ĐKNH chúng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.

Đăng ký nhãn hiệu bằng cách nào?

Quyền đăng ký nhãn hiệu: Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn ĐKNH thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu: Để xác lập quyền đối với nhãn hiệu, người yêu cầu cần nộp đơn đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền (Cục Sở hữu Trí tuệ). Đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm các tài liệu sau đây: Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định, tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ (bao gồm: mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận), Giấy ủy quyền (nếu đơn nộp thông qua đại diện), Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Căn cứ phát sinh quyền

Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu Trí tuệ. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký (Điều 6 Luật SHTT). Giới hạn quyền: Chủ nhãn hiệu chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật SHTT. Việc thực hiện quyền của chủ nhãn hiệu không được xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 7 Luật SHTT).

Như vậy, muốn được bảo hộ nhãn hiệu doanh nghiệp phái tiến hành đăng ký để xác lập quyền sở hữu. Khi quyền được xác lập, chủ sở hữu có quyền khai thác tài sản của mình, có quyền cho phép hoặc ngăn cản người khác sử dụng (khai thác) tài sản đó và khi quyền bị xâm phạm thì pháp luật sẽ bảo vệ như bảo vệ quyền sở hữu tài sản.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Chỉ nói riêng về kinh tế, cuộc cách mạng đang diễn ra không phải là cuộc cách mạng về tốc độ, cũng không phải là cuộc cách mạng về năng suất mà là cuộc cách mạng về khái niệm. Thế giới đang được xây dựng theo một hệ thống khái niệm hoàn toàn mới.

Nếu hàng năm có hàng trăm triệu máy tính được bán ra, và mỗi khách hàng mua máy tính đều trả tiền bản quyền phần mềm Windows cho Microsoft thì thu nhập do bản quyền này mang lại có thể lớn hơn GDP của nhiều nước trên thế giới. Như vậy, làm kinh tế trong thời đại mới như thế nào là điều rất phải suy ngẫm. Rõ ràng, tài sản trí tuệ mới có thể làm nên sự khác biệt. Nếu vậy, sáng tạo và quản trị tri thức là cốt lõi của chuyện làm kinh tế trong thời đại mới.

Tài sản trí tuệ là một phần của tài sản vô hình. Tuy nhiên, định nghĩa thế nào là tài sản vô hình là điều không dễ. Nôm na là tất cả những gì không sờ mó được nhưng lại có thể mang lại giá trị thặng dự được tính thành tiền thì đều gọi là tài sản vô hình.

Ai cũng biết "Trăm nghe không bằng một thấy". Và... "Trăm thấy không bằng một sờ". Từ trước đến nay, cách thức chiêm nghiệm thế giới khách quan nói trên quả thật là một sự anh minh đáng kính. Tuy nhiên, cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng đến mức ngay cả sự anh minh, cho dù đáng kính này, cũng đã hơn 50% là một thứ đồ cổ. Trong nền kinh tế mới (còn được gọi là kinh tế tri thức), có vẻ như những thứ không thấy, không sờ được đang là phần quan trọng hơn của thế giới khách quan. Chúng mới thực sự là nền tảng cho sự tăng trưởng của một doanh nghiệp, cũng như của một quốc gia. Chính những cái "có có không không" này được gọi là các tài sản vô hình (intangible assets). Có người còn gọi chúng là tài sản phi vật thể. Gọi cách nào cũng được, miễn là chúng ta hiểu đúng khái niệm và hiểu đúng thách thức của thời cuộc đối với đất nước ta.

Bạn đã bao giờ thử định nghĩa hình lò xo là gì chưa? Việc định nghĩa tài sản vô hình không khéo cũng vô vọng như vậy. Để tránh việc phải tìm cách định nghĩa cái dễ cảm nhận, nhưng khó mô tả, xin phép được đi đường vòng một ít (Trong cuộc sống, nhiều khi đường vòng lại là con đường ngắn hơn).

Năm 1986, giá trị của Công ty Microsoft là 86 tỷ USD. Thế nhưng toàn bộ những tài sản có thể thấy được và sờ được (còn gọi là tài sản hữu hình, bao gồm bất động sản, máy móc, thiết bị ...) chỉ chiếm 1 tỷ USD. Phần khổng lồ 85 tỷ USD còn lại là giá trị của những tài sản không thấy và không sờ được. Bản quyền của phần mềm hệ điều hành Windows là một tài sản như vậy.

Công ty Microsoft có thể là trường hợp quá đặc biệt đối với thực tiễn còn rất "quá độ" của Việt nam ta. Vậy thì, xin lấy một vài ví dụ khác về tài sản vô hình có tỷ lệ "nội địa hoá" 100% để phân tích.

Ví dụ, sự nổi tiếng là một tài sản. Cát xê cho ca sĩ trẻ Đan Trường, Mỹ Linh... thường cao đến mức làm cho không ít người cảm thấy tấm tức. Rõ ràng, so với mức thù lao dành cho các nghệ sĩ ưu tú, thậm chí cả cho các nghệ sĩ nhân dân, sự ưu ái này có vẻ không được phải đạo cho lắm. Nhưng chúng ta biết làm gì được nếu như sự đánh giá của các hội đồng quốc gia và của công chúng (đặc biệt là công chúng trẻ) không phải bao giờ cũng thống nhất với nhau. Và trong nền kinh tế thị trường, sự đánh giá của công chúng mới là thứ tài sản đích thực có giá trị. Các ông bầu trả tiền cát xê tương ứng với số lượng khán giả mà tên tuổi của các ca sĩ mang lại cho các sô diễn hơn là tương ứng với âm lượng, cũng như danh hiệu của họ. Càng nổi tiếng bạn càng được trả cát xê cao và càng dễ có các hợp đồng quảng cáo béo bở. Quyền tài sản đối với sự nổi tiếng làm cho bạn trở nên giàu có nhanh đến mức ngay cả sự sang trọng-biểu hiện bên ngoài của sự giàu có, không phải bao giờ cũng theo kịp.

Những ví dụ nêu trên cho thấy có rất nhiều thứ vô hình có thể được khai thác để làm ra tiền bạc. Những thứ như vậy chính là tài sản vô hình. Luật Thuế thu nhập của Mỹ tại khoản 1.482-4(b) định nghĩa tài sản vô hình là một tài sản có giá trị thực "độc lập với dịch vụ của bất kỳ một cá nhân nào". Sáu loại tài sản vô hình dưới đây được kể ra trong đạo luật thuế thu nhập đó:

• Các sáng chế, phát minh, công thức, quy trình,

mô hình, kỹ năng (know-how);

• Bản quyền và các tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật;

• Thương hiệu, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá;

• Quyền kinh doanh (franchise), giấy phép (license), hợp đồng;

• Phương pháp, chương trình, hệ thống, thủ tục, khảo sát, nghiên cứu, dự báo, dự toán, danh sách khách hàng, các số liệu kỹ thuật;

• Các thứ "tương tự" khác. Một thứ được gọi là "tương tự" nếu nó tạo ra giá trị không phải nhờ vào các "thuộc tính vật chất", mà nhờ vào "nội dung trí tuệ hoặc các quyền tài sản vô hình khác của nó".

Theo số liệu của Liên đoàn quốc tế các nhà kế toán (IFAC), năm 1998, từ 50-90% giá trị do một công ty tạo ra là nhờ vào việc quản trị các tài sản vô hình. Như vậy, việc quản trị các tài sản hữu hình chỉ tạo ra từ 10-50% giá trị. Sự chênh lệch này sẽ tiếp tục tăng lên khi nền kinh tế tri thức ngày càng trở thành một thực tế khách quan. Nếu trong những năm 70 tương quan giữa giá trị sổ sách (căn cứ vào bảng cân đối tài sản) và giá trị thị trường ( căn cứ vào giá cổ phiếu) của một công ty là 1/1, thì hiện nay tương quan đó là 1/6. Xã hội loài người đang thật sự chuyển dần từ nền văn minh vật chất sang nền văn minh tinh thần. Thách thức đang đặt ra cho các doanh nghiệp là rất to lớn. Các công ty không biết xây dựng một chiến lược để phát triển và quản trị tài sản vô hình sẽ giống như loài khủng long phải đối mặt với rủi ro bị biến mất hoàn toàn khỏi trái đất.

Khi tài sản vô hình lên ngôi, các dân tộc khôn ngoan đã nhanh chóng tập trung mọi nỗ lực đầu tư cho những chú "gà đẻ trứng vàng" mới này. Theo số liệu của Chính phủ Hà Lan, năm 1992, các tài sản vô hình chiếm đến 35% tổng vốn đầu tư của nhà nước cũng như của tư nhân tại Hà Lan. Cũng trong năm này tại Mỹ, vốn đầu tư cho các tài sản vô hình đã vượt vốn đầu tư cho tài sản hữu hình. ở Thuỵ Điển, nguồn đầu tư cho các tài sản vô hình chiếm đến 20% GDP.

Trong một thế giới đã thay đổi, người Việt chúng ta không khéo (xin mượn lời của Ts. Phạm Duy Nghĩa, Trường đại học quốc gia Hà nội) "đang đứng ngẩn ngơ bên ruộng lúa của mình để nghe người Tàu, người Thái chit-chat" (Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số tháng 1 năm 2003). Thách thức có thể là rất to lớn. Tuy nhiên, với tiềm năng trí tuệ và khiếu thẩm mỹ hơn người, dân tộc ta cũng đang có những cơ hội chưa từng thấy để thành đạt trong nền kinh tế mới. Điều quan trọng là cần tránh lặp lại vết xe đổ của vua quan nhà Nguyễn khi nghi ngờ và phủ định sự tồn tại của "những chiếc đèn treo ngược".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #datinh