06. Mùa thu mưa giăng lá đổ

lưu ý nội dung: phần truyện tập trung chủ yếu vào cuộc đời nhân vật Đông Hách, một chút dành cho MaHae.

-

Tôi thường thích ngồi ở ban công ngắm nhìn phố xá bên dưới chân mình. Tôi đã sống một mình trong vài năm nay, nhà tôi ở cũng nghiễm nhiên là chốn cho Đế Nỗ và Tại Dân tới lăn lê tá túc.

Mùa thu đã chớm về rồi, chúng tôi không nhận ra điều ấy chỉ cho đến khi Tại Dân đưa tay xé những tờ lịch còn đang ở tháng Chín rồi rú lên khi gió tháng Mười gõ cửa nhà.

Đế Nỗ ngước nhìn Tại Dân nhảy quanh nhà kêu trời vì cớ sao thời gian trôi nhanh quá vậy, bạn tôi run run đưa lên vài chục tờ giấy in đủ mọi màu và mọi con số như một nghi thức tiễn biệt thời gian rất thành kính. Nỗ chỉ cười rồi lại cắm cúi với đống luận văn tốt nghiệp và giấy tờ ở văn phòng.

Sắp tới ngày chúng tôi thi cử rồi bảo vệ luận văn rồi chính thức bị đá ra khỏi cánh cổng đại học, bước vào thế giới trập trùng của những người trưởng thành dù cho có muốn hay không. Đứa nào cũng đã bận tối mặt, không còn ai có đủ quan tâm mà để ý xem bầu trời hôm nay màu xanh hay màu xám, hàng cây trước cửa nhà lá đã ngả vàng hay chưa...

Đế Nỗ và Tại Dân yêu nhau rồi.

Tôi không lấy làm lạ lẫm gì khi nghe hai đứa khai ra chuyện ấy. Chúng tôi làm sai nhiều trong quá khứ, ở độ trẻ xốc nổi và bồng bột đã lỡ làm tổn thương nhau không biết bao nhiêu lần, nhưng đến cùng, may mà chúng tôi vẫn còn có nhau.

Buổi sáng sau đêm mưa ngày hôm ấy, tôi tự hỏi rằng không biết liệu Nỗ và Dân có nói chuyện với nhau hay là chưa. La Tại Dân lúc nào cũng chọn cách chạy trốn những vấn đề, nó tự ôm tất cả rồi tự mình giải quyết. Bởi vì thời gian cứ thế chảy trôi không biết đã qua bao nhiêu lâu, không ai trong chúng tôi dám chắc rằng làm khác đi sẽ là điều đúng đắn.

Tôi bước ra ngoài, cổ họng khô khốc vì khát nước thì gặp nhau Đế Nỗ và Tại Dân đang ngồi đối diện nhau ăn mỳ tôm buổi sáng trong căn bếp nhỏ. Nắng đã lên chói chang chiếu vào trong nhà, hai đứa cũng đã ăn mặc chỉnh tề chuẩn bị đi làm đi học hết cả, thế mà không đứa nào nỡ gọi tôi dậy. TV đang để mở một bản tin thời sự. Hai đứa vẫn thế, vẫn hỏi han nhau những câu nhạt nhẽo hàng ngày rồi nói cười gì đó, nhưng kì lạ là tôi lại thấy như không khí chung quanh đang gào thét lên rằng: "Này, bọn chúng thật lòng với nhau rồi, thật là đã đời quá đi."

Tôi khẽ hỉnh mũi cười. Đi đã đời rồi mới quay về bên nhau. Số lượng người yêu cũ của La Tại Dân hẳn là chia ba cho chúng tôi thì cũng đủ cho cả một đời người có khi. Phải mà vào năm chúng tôi mười bảy, Nỗ Dân mạnh dạn hẹn hò nhau thì có khi bây giờ tôi đã chuẩn bị được ăn cưới cũng nên.

Tôi tự úp cho mình một bát mỳ rồi ngồi xuống phía đầu bàn, đều đều cất tiếng như một vị bác sĩ tâm lý thực thụ ngồi trước người bệnh cứng đầu:

"Vậy là đã yêu chưa?"

Tại Dân gác đũa, Đễ Nỗ đem hai cái bát đặt vào chậu rồi khoác vai Dân mở cửa nhà:

"Yêu chứ, yêu từ xưa đến giờ rồi."

Một cơn gió ngày hạ hiếm hoi thổi vào nhà từ phía ban công đem theo cả hơi nóng lạnh lẫn lộn, tôi rùng mình một cái rồi bật cười không lý do khi nhìn cánh cửa nhà đóng lại.

-

Hai bạn yêu nhau thì vẫn không ảnh hưởng gì tới mối quan hệ của chúng tôi. Có lẽ rằng trước giờ mọi thứ vốn vẫn là như vậy, chỉ khác là bây giờ chúng tôi đã biết cách dẹp những thứ rườm rà đi và thành thật với nhau nhiều hơn.

Mấy khi quây quần ngồi với nhau tán gẫu, chúng tôi vẫn thường nhắc về những ngày đã trôi qua từ lâu lắm như một lời thú tội. Người đầu tiên hẹn hò với La Tại Dân không phải là Lý Đế Nỗ, nhưng người đầu tiên và duy nhất mà La Tại Dân yêu sâu sắc chính là Lý Đế Nỗ chứ không ai.

"Lý Đễ Nỗ là mối tình đầu của tao. Người tao yêu đầu tiên, người tao yêu nhất, người không bao giờ tao ngừng yêu."

Tôi bật cười:

"Giờ ăn nói thoải mái quá nhỉ? Nói cho Nỗ nghe ấy, nói với tao làm gì? Ta phổi bò không có hiểu được tình yêu loài người của các ngươi đâu."

Dân nhổm dậy khỏi ghế rồi quàng tay ôm cổ Đễ Nỗ đang ngồi lọt giữa ghế và bàn đọc tài liệu, Lý Đế Nỗ quay mặt thơm vào má Dân một cái rất kêu để trả lời rằng "anh biết rồi". Tình yêu của hai đứa bạn tôi chính là như thế đó. Dính nhau tới vậy mà không hiểu sao ngày trước có thể tách xa nhau đến thế.

Ngược xuôi ngang dọc gì Dân cũng khẳng định Lý Đế Nỗ hoàn toàn là "những lần đầu tiên" của nó. Lần đầu tiên Tại Dân biết yêu đương, lần đầu tiên cố ý quàng tay ôm trọn lấy ai đó vì nhịp tim trong lồng ngực thôi thúc hãy làm như thế đi, lần đầu tiên Dân đặt môi hôn một ai đó, nụ hôn lầm lỡ ngày hai đứa sáu tuổi hay mười năm sau có thêm một nụ hôn thắng giải bóng đá của Thành phố thì cũng là lần đầu tiên. Bất kể điều gì Dân từng làm với Nỗ đều kể ra là lần đầu tiên được. Rồi những lần sau hò hẹn với ai đó khác không phải Đế Nỗ, Dân nói chắc như đinh đóng cột rằng chỉ đến mức nắm tay cho người ta biết mình không ghét bỏ, ôm một cái rồi hôn phớt lên môi cho đủ thủ tục hẹn hò là hết nấc. Bạn tôi rùng mình khi nghĩ đến những ngày đã qua rồi quay qua hôn Đế Nỗ như thể để bù lại cho thiếu thốn những năm trước đây. Mấy cô cậu người yêu cũ hình như đã lọt khỏi kí ức của Dân từ lâu lắm rồi.

Dẫu sao yêu đương cũng là chuyện của hai người, tôi mừng cho hai đứa.

-

"Thì yêu đương là chuyện của hai người, nhưng em sống thì là chuyện của em vì rất nhiều những người khác."

Đó là lời Minh Hưởng nói với tôi vào một đêm mùa đông trời rất lạnh, khi chúng tôi đang bàn về mối tình trái ngang của Đế Nỗ và Tại Dân, vì như một lẽ thường, chúng tôi sống trên đời này luôn phải biết cách nhìn người ta mà lựa, không ai là người chỉ sống vì một mình mình mà vui khoẻ đoàn kết với công đồng xung quanh bao giờ.

Kí ức của tôi về Hưởng dừng lại ở năm tôi học lớp 9 còn Hưởng ra nước ngoài định cư cùng gia đình. Từ đó tới khi trưởng thành, chúng tôi chỉ liên lạc qua điện thoại vài ba lần vì khoảng cách địa lý và vì Hưởng nói anh không còn lý do nào để về lại quê cũ. Tôi hỏi "Thật là anh không còn lý do nào?", Hưởng không trả lời, nhưng rồi anh vẫn về, chỉ là tôi không hỏi vì sao anh về nữa.

Trong mắt tôi, Hưởng luôn là một người anh giỏi giang và rất đáng yêu. Anh học hành xuất sắc, trước đây tối nào tôi cũng cắp sách vở sang nhà anh hỏi bài này bài kia, có những bài dễ đến mức không thể dễ hơn tôi cũng đem sang hỏi. Hưởng học cấp Một cùng chúng tôi nhưng lên cấp Hai thì anh đi học trường chuyên. Tôi luôn có cảm giác rằng anh rất tài. Có vài lần Hưởng đưa những tờ đề anh học năm trước cho tôi giải thử, rõ là tôi cũng học lớp mũi nhọn đấy, ấy thế mà tôi bó tay chịu chết. Hưởng học văn hóa ở trường, giải quyết đống bài tập về nhà chất cao như núi, thế rồi vẫn có đủ thời gian đàn hát. Lúc nào tôi sang hỏi bài cũng thấy anh đang cặm cụi chỉnh đàn hay tán gẫu với bạn bè trong câu lạc bộ đàn ca gì đó. Giọng Minh Hưởng hát ngọt lịm và khoẻ khoắn, tôi thường bắt anh hát cho mình mỗi khi có cơ hội.

Sau này tôi mới biết, Hưởng vì biết tôi thích sang nhà nên cứ làm màu làm mè vậy, chứ thực ra anh cũng bận bịu vất vả đâu thua gì ai. Còn lý do vì sao anh phải làm thế, Minh Hưởng không có nói tôi nghe, nhưng tôi thừa hiểu.

Những ngày tháng đó tôi cứ bám anh mãi, coi anh như cứu cánh của mình. Sau này khi anh đi, tôi tự biết rằng mình đang rất buồn, ruột gan giống như bị ai cướp mất đi một ít, nhưng tôi lại không biết chắc rằng vì sao mình lại buồn như thể. Có lẽ Hưởng đã trở thành một thói quen khó bỏ nhất của tôi, cái thói quen mà tôi chỉ có thể xếp gọn nó vào một góc nơi con tim chứ không tài nào dẹp nó đi cho được.

Tôi cũng không hiểu tôi mê Hưởng ở điểm nào. Anh không đẹp trai bằng tôi, lúc nào cũng cau có với tôi, tôi sang hỏi bài thì gõ đầu chê tôi vừa lười vừa dốt trước cả khi đọc xem đề bài khó hay dễ, trước khi nâng đàn lên để hát cho tôi nghe thì kiểu gì cũng cằn nhằn đôi ba câu gì đó như là "sao mà em làm phiền anh thế nhỉ?", "mai đừng sang nữa cũng được." Hay là tôi trêu nhây một tí là doạ anh đi Canada không về nữa. Tôi biết sợ chứ, không trêu anh nữa mà anh vẫn đi Canada, mà còn là đi để định cư.

Chẳng biết tôi thích anh từ bao giờ, có thể là từ một ngày xưa lơ xưa lắc anh bênh vực để mẹ không phạt tôi, cũng có thể là vào ngày tôi ngơ ngẩn ngồi nghe anh hát "Mùa thu cho em" bằng chất giọng thiếu niên trẻ con đến buồn cười nhưng vẫn đủ làm trái tim trong lồng ngực tôi rung rinh, hoặc là vào một khoảnh khắc nào đó khi mắt tôi chạm mắt anh... Tôi không biết, tôi chỉ nhận ra hình như tôi lỡ thích anh mất rồi là vào một ngày tôi ôm một khát khao lạ lẫm đáng hoảng sợ khi ngồi trong phòng ngủ của anh, đó là chạm vào anh, lăn lộn trên chiếc giường anh nằm rồi hít ngửi cái hương thơm rất thường của anh mà trước đây tôi không hề để ý đến.

Rồi tôi nhận ra là tôi bắt đầu so sánh khi tôi lớn lên, so sánh bất cứ người nào tôi gặp được trên đời này với Hưởng. Kiểu như Dân hay nói, mỗi khi nó nhìn thấy ai đó, đầu óc nó lại tự động đặt người ta lên khuôn mẫu của Đế Nỗ, rồi cuối cùng khẳng định rằng không ai có thể bằng được Nỗ.

Tôi thì khác. Mỗi khi so sánh tôi lại nhận ra chỗ này một tí chỗ kia một tẹo những tính xấu của Minh Hưởng. Như việc bất kể là người nào có ý với tôi đều nồng nhiệt quan tâm chứ không khô cứng lạnh lùng giống anh. Như là việc người ta thích gì ghét gì thì đều nói hết với tôi, không hề chơi trò anh im lặng để em tự đoán. Như là việc người ta thích tôi nên mới bám lấy tôi chứ không giống như Minh Hưởng luôn miệng nói ghét tôi nhưng không hề bài trừ gì việc tôi lẽo đẽo theo đuôi. Có rất nhiều điều mà những người tôi từng gặp hơn anh, nhưng quay đi quay lại thế nào, tôi vẫn cứ đau đáu rằng ước gì người đó là anh chứ không phải ai khác.

Tình yêu cũng có lúc là chuyện của một người như thế.

-

Hôm Hưởng về tôi đang ở một mình, anh gọi điện hỏi tôi có nhà không, tôi nói rằng tôi có. Rồi anh gọi tôi xuống sảnh chung cư đón anh lên cho anh tá túc nhờ. Tôi vừa bất ngờ vừa hốt hoảng tới mức làm đổ cốc nước vung ra bàn, lẩm bẩm rằng đời nào anh lại về, hay là anh lại trêu em nhưng vẫn lò dò bước xuống sảnh chung cư. Rồi đúng là Hưởng về thật. Hưởng bằng xương bằng thịt đang đứng trước mắt tôi. Lý Minh Hưởng, cái người mà không bằng ai hết nhưng tôi lại yêu không ai bằng ấy về rồi đứng trước mắt tôi, nói với tôi rằng lần này anh về là anh về hẳn chứ không đi nữa. Anh tốt nghiệp Đại học bên đó rồi, xin đi làm đàng hoàng rồi, nhưng cuối cùng không hiểu vì sao anh lại chạy về đây.

Tôi không dám nghi ngờ sự giỏi giang của Hưởng, người xuất sắc như anh thì vứt đâu cũng sống, anh về nước rồi vào làm tại Đài truyền hình, tấm bằng Đại học của Hưởng không phải tờ giấy lộn chỉ có chữ chơi chơi.

Nhìn anh cắm cúi lấy đồ trong vali ra, tôi dựa người vào cửa phòng rồi hỏi một câu khi thấy anh dỡ hết tất cả đồ chứ không chừa lại gì:

"Anh định ở đến bao giờ? Có tìm được nhà chưa?"

Hưởng treo lần lượt từng cái áo sơ mi phẳng phiu vào tủ quần áo, anh nhìn tôi rồi lắc đầu:

"Có nhà em mà."

"Ai nói với anh là em cho anh ở đây?"

Hưởng lôi ra một con gấu nâu tôi nhìn vô cùng quen mắt, anh đặt lên kệ sách, hai má tôi bỗng nóng bừng lên. Minh Hưởng xoa đầu con gấu nâu một cái, cười cười nhìn tôi:

"Thật là không cho anh ở đây?"

Vẫn cứng miệng, tôi hất mặt lên:

"Anh là cái gì mà em phải cho anh ở đây?"

Minh Hưởng không đùa với tôi thêm câu nào nữa, anh mím môi nói:

"Ừ được rồi, cho anh chút thời gian để anh làm quen với phố xá đã, chừng nào quen rồi thì anh chuyển đi."

Thực ra là tôi không hề có ý muốn đuổi Hưởng đi, thậm chí ngay từ giây phút nhìn thấy anh đứng trước mặt, tôi đã muốn dính chặt vào mình để anh không chạy đi đâu được nữa.

Tôi bước vào trong phòng, cầm lấy con gấu rồi bước ra:

"Anh ở thì được, em đổi lấy con gấu này."

"Ai cho em lấy?"

Con gấu nâu này tôi tặng cho Minh Hưởng vào cái ngày anh bay ra nước ngoài. Bảy năm rồi mà anh vẫn giữ.

"Em tưởng anh không thích nó?"

Hưởng lấy lại con gấu từ tay tôi, dứ dứ lên trước mặt tôi:

"Không thích chủ của nó vì chủ của nó làm phiền tim anh quá, chứ với nó thì anh thấy bình thường."

"Miệng lưỡi Canada khác xưa nhiều quá rồi!!! Có phải là anh không hay là ai đó giả danh anh rồi cố tình tiếp cận tôi vậy?"

Tôi hô lên mấy câu rồi lủi thẳng. Thốt nhiên khi Minh Hưởng ăn nói lạ lùng như thế, tôi không quen.

Trước đây, điều sến súa nhất mà Hưởng làm cho tôi là hát bài "Mùa thu cho em", nhưng lần nào anh cũng chỉ hát một đoạn rồi đuổi tôi về. Những năm tháng đi du học, một vài lần chúng tôi gọi điện kể chuyện cho nhau nghe, Minh Hưởng đã bắt đầu bông đùa tán tỉnh những câu vô cùng trơn tru. Tôi ngờ rằng Canada đã biến Lý Minh Hưởng của chúng tôi thành một anh trai tên Mark nào đó phóng khoáng mạnh mẽ hơn, và có lẽ do khoảng cách địa lý quá xa nên tôi không có nghe thấy anh nói ghét tôi lần nào nữa.

Sau này tôi có nói với anh rằng giữ gấu của tôi từ năm mười lăm tuổi đến giờ thì chẳng bằng là cưới tôi rồi giữ tôi bên mình luôn đi chứ giữ gấu làm gì, Minh Hưởng tỉnh bơ nói rằng thì hiện giờ tôi đang ở bên anh đó thôi làm tôi hoảng tới mức sặc lên sặc xuống thìa nước phở nóng hổi thơm lừng.

Canada làm cho anh tôi thay đổi thật rồi. Không biết đây có phải là Lý Minh Hưởng mà tôi quen nữa hay không. Hôm nào đó tôi phải đem gương đến trước mặt anh rồi soi thử xem có con quỷ nào đang điều khiển anh không mới được.

Mọi thứ đến nhanh tới nỗi tôi làm cho tôi thực sự là hoài nghi nhân sinh.

-

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top