04. Bên bàn rượu
Bóng đèn sợi đốt trong quán rượu nhỏ khẽ rung rinh trước khi bật sáng hoàn toàn. Một cơn mưa rào trong đêm hạ bất chợt đổ xuống thành phố xối xả. Tôi ngồi trong quán rượu lướt điện thoại, đâu đâu người ta cũng kêu rằng mưa to lắm. Nhìn ra ngoài cửa sổ của quán, cây cối đã mờ nhoè trong đêm đen đặc, gió quật từng tán cây nghiêng ngả.
Tôi và Dân luôn thích những quán ăn đem lại cảm giác ấm cúng. Trước đây chúng tôi đóng đô tại Ấm ăn ngô ăn cháo cho những tối không cơm nhà, giờ thì thành người lớn, cái bàn gỗ thấp lè tè chúng tôi từng ngồi đã có những đứa nhóc khác ngồi thay. Có ngày tôi đi ngang qua Ấm, bỗng nhớ nhung mùi vị của những năm đầu đời, tôi đỗ lại mua chút cháo rồi nhìn vào trong. Hai đứa học sinh trạc tuổi mười bảy ngồi trên chính chiếc bàn ấy, chúng cười nói rộn ràng và trao nhau ánh mắt lấp lánh mà hình như tôi đã bỏ quên đâu đó từ lâu lắm rồi. Thốt nhiên tôi mong rằng hai đứa trẻ ấy có thể thoải mái nắm tay nhau, có đủ can đảm để đến bên nhau, sẽ thật buồn nếu câu chuyện sau này của chúng giống như hai đứa bạn tôi hiện giờ. Tôi phóng xe đi, trong đầu nhập nhằng những năm tháng đã vùn vụt trôi qua.
Đế Nỗ búng ngón tay "tách" một tiếng trước mặt tôi, bấy giờ tôi mới biết nó đã đến tự lúc nào. Nỗ cười cười ngồi lau mấy đôi đũa, hỏi tôi:
"Nghĩ ngợi gì mà mê mải thế?"
Tôi vặn nắp một chai rượu, cũng lơ đễnh cười theo:
"Nghĩ xem là có nên về Ấm không?"
"Già rồi, về đó ai tiếp?"
"Già đâu ra? Mới bước qua tuổi hai mươi có tí xíu, còn trẻ chán."
Tôi nhìn Đế Nỗ ngồi trước mặt mình. Hồi trước không mấy khi chúng tôi kéo được Nỗ tới Ấm ngồi, thằng này luôn nói rằng nó không thích lăn lê hàng quán, Tại Dân giở đủ mọi trò mới rủ được nó ra ngồi vào một tối giáp Tết, ngày hôm đó Dân cười rất tươi, mồm miệng hoạt động cũng nhiều hơn hẳn mọi ngày. Rồi tôi không rõ là vì Lý Đế Nỗ đã trót nghiện cái cảm giác ngồi ăn giữa rộn ràng tiếng cười nói xung quanh hay chỉ đơn giản là bạn tôi nghiện nụ cười của Dân, mà từ đó, Nỗ chăm đi ăn đi chơi cùng chúng tôi hẳn.
Hai mươi hai tuổi, thêm năm năm cuộc đời nữa, chúng tôi vẫn dính chùm với nhau. La Tại Dân là đứa yêu đương nhiều nhất trong trong ba đứa, chỉ có tôi hiểu lí do vì sao Dân yêu vớ vẩn như thế, mà đúng ra là Tại Dân nó đâu có yêu ai? Đời nó trước sau chỉ có một người mà thôi. Tôi chạy theo cái tình cảm lòng vòng rắc rối của hai đứa đủ lâu để tôi thấy chán. Giờ thì tôi mặc kệ, gió đẩy sóng xô, bọn chúng muốn ra sao thì ra. Mỗi lần nghe Dân báo đã chia tay với một cái miệng cười tươi rói và ánh mắt lấp lánh in ánh đèn trong quán rượu, Đế Nỗ vỗ vai nó nói chia tay thì về với anh em, chỉ có tôi là cay cú hỏi rằng liệu có phải nó đang cố thể hiện rằng tình trường anh đây dài như Vạn lí Trường thành với hai đứa nhõi hai mươi hai năm cuộc đời không yêu đương gì hay không? Những lúc như thế, Nỗ cười ầm lên, và chỉ mình Tại Dân hiểu lí do thực sự làm tôi bực tức.
"Sao tự nhiên nay gọi ra đây?"
Quán rượu chúng tôi ngồi thắp đèn vàng mơ quanh năm, xung quanh giăng mấy dây đèn vàng nhấp nháy trông giống như một quán cà phê hơn, trong quán mở mấy bài nhạc nhẹ nhàng như ru người ghé đến. Bàn ghế gỗ vừa tầm người ngồi, chúng tôi kiếm được quán này trong một lần chạy đi làm thêm những năm Đại học. Dân nó kéo tôi vào đây vào ngồi một lần, vậy là chỗ này trở thành cứ địa của chúng tôi.
Tôi trộn đều bát gà xé phay trước mặt, hếch môi trả lời Nỗ:
"Đoán đi, chưa biết chừng lát nữa Tại Dân nó lại báo "Ê mày ơi tao lại chia tay". Kìa, vừa mới nhắc."
La Tại Dân nhuộm tóc nâu sáng, mưa vào làm tóc tai mặt mũi nó hơi ướt. Chân tay hãy còn dính nước mát lạnh, ấy thế mà điều đầu tiên nó làm sau khi bước vào trong quán là sà xuống cạnh Đế Nỗ, hết ôm rồi lại cọ má "anh bạn thân" hai mươi hai năm, sau cùng là đặt lên má Đễ Nỗ một nụ hôn. Lý Đế Nỗ không hề tránh đi, thằng bạn tôi nhoẻn miệng cười như thể sự việc đúng là phải diễn ra như thế, nó lau cho Dân một cái bát rồi một đôi đũa, điệu bộ chiều chuộng thấy mà ghét. Năm đó chỉ vì một cái thơm má vẩn vơ mà khiến cho Lý Đế Nỗ yếu lòng, giờ chúng tôi đều đã lớn, những nụ hôn có chủ đích nhiều dần lên, không ai còn rung rinh bối rối chỉ vì một nụ hôn nữa. Đế Nỗ và Tại Dân thì đã coi đó như là một điều tất yếu của tình-bạn.
Ôi chao sao mà tôi thấy mệt với hai đứa này...
"Tổ thư ký xin trân trọng kính mời đồng chí La Tại Dân đứng dậy nêu lí do hôm nay triệu tập cuộc họp khẩn!"
Tôi đưa đôi đũa lên giả làm micro, bắt đầu nói sảng sau khi đã uống già nửa chai soju. Trước nay chúng tôi đều thích uống soju, lí do ba đứa đóng đô tại quán rượu này cũng vì đi mòn gót đường Hà Nội mới kiếm được một quán hợp gu thẩm mỹ, không quá xa nhà và bán loại rượu chúng tôi thích. Có lần Tại Dân kêu ra một bàn gần chục chai rượu có đủ mùi vị khác nhau, nó uống mỗi chai một chén để thử mùi, rồi tôi và Nỗ buổi đó uống đến mức hôm sau bùng học sáng.
"Thì là tiệc mừng mình chia tay." Tại Dân nói một cách thản nhiên như thể đó là việc thường ngày ở huyện.
Tôi giả vờ đưa mười đầu ngón tay ra cho Tại Dân đếm lần chia tay, nó đánh vào tay tôi một cái đau điếng rồi nhoẻn miệng cười. Lý do của Tại Dân đưa ra sau những lần chia tay rồi lại yêu đương chóng váng luôn là, "họ bám tao ghê quá, tao không có cách nào từ chối cho được mày ơi." Có đôi khi người theo đuổi Tại Dân quá đáng tới mức ép nó hẹn hò, như là "nếu em thắng trò chơi này thì Dân hẹn hò với em nhé?" Hay là "em thích anh rất nhiều, La Tại Dân cho em một cơ hội có được hay không? Em chỉ cần đúng bảy ngày mà thôi." Toàn mấy cách tỏ tình cũ rích ấu trĩ, nhưng bạn tôi không biết cách từ chối. Những mối quan hệ xoay quanh Dân luôn luôn kéo theo cả công việc học hành , nó vừa phải làm sao để không vả mặt người ta, vừa làm sao để dung hoà tất cả, chúng tôi không giúp được gì thì hiển nhiên là không nên chõ mũi phá rối.
Lý Đế Nỗ đưa tay gạt một sợi tóc ướt rủ trước trán Dân, mấy sợi tóc mềm mại dưới bàn tay gân guốc của bạn làm cho tôi chỉ muốn ôm tim gào lên. Ánh mắt Nỗ nhìn Dân vẫn êm dịu như thế, rồi nó nói một câu mà tôi đã thuộc lòng:
"Thôi, chia tay thì về với anh."
Không có "em" trong câu đó. Tôi hụt khẩu hình miệng, nổi gai ốc ném cho nó một lá rau sống.
Tại Dân nâng ly rượu lên cụng ly với Đế Nỗ, nói tỉnh bơ:
"Không về với anh được, về với anh thì sao mà đi được nữa?"
Tôi muốn lật bàn:
"Hai đứa mày rước được nhau về nhà thì tao càng mừng!"
Nỗ Dân cười rộ lên hào hứng, ba cái ly rượu con con cụng vào nhau inh tai.
Chúng tôi vẫn ở những năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời mình, ánh mắt Nỗ cười với Dân vẫn trong veo chưa hề nhuốm bụi, tôi lén thở dài. Giá mà mọi thứ giống như lời Dân nói năm xưa, rằng tình yêu loài người là thứ nông cạn nhất đời này.
Nhìn theo bàn tay rắn rỏi của Lý Đế Nỗ vẫn theo thói quen gỡ đồ ăn cho Dân một cách tỉ mỉ, tôi biết rằng tình cảm của hai đứa nó đâu phải chuyện một sớm một chiều.
-
Những ngày còn nhỏ, đứa nào trong chúng tôi cũng ôm cho riêng mình một giấc mộng tương lai. Những giấc mơ khi ấy đôi khi trẻ con tới mức ngớ ngẩn, ví dụ như sau mấy lần bị thầy Thái đuổi chạy không kịp vì cây xoài nhà thầy vừa kịp cho quả bói thì có đứa đã vặt ngoéo, tôi từng ước rằng sau này mình phải thật giàu để mà trồng lên một vườn cây rộng hơn của nhà thầy thì mới bõ. Hay mỗi khi xem xong một tập phim siêu nhân, đám chúng tôi đều tẩn nhau sứt đầu để xem đứa nào xứng được làm siêu nhân đỏ đi giải cứu thế giới.
Lớn thêm chút nữa, những giấc mơ bắt đầu rõ ràng hơn. Có đứa mê đi làm nhiếp ảnh như thằng Dân, có đứa mê đi gõ đầu trẻ như Đế Nỗ, cũng có đứa mê ngồi bàn giấy ăn trắng mặc trơn, cuối tháng lĩnh lương còm nuôi thân là tôi. Thế mà cuối cùng, không đứa nào trong chúng tôi đi theo những giấc mơ giống ngày bé.
La Tại Dân đi học ngành quản trị khách sạn theo bố mẹ, Nỗ học luật còn tôi thì đi học tâm lý. Ba đứa rẽ đi ba ngả, ấy thế mà những lúc cần nhau thì chỉ cần ới một tiếng là sẽ có mặt đầy đủ.
Đôi khi tôi muốn tạ đất tạ trời vì đã cho tôi Tại Dân và Đế Nỗ.
Học Đại học, tôi và Dân cũng bươn bả đi làm thêm để kiếm tiền phục vụ bản thân mình. Cũng chẳng rõ vì sao mà đợt đó chúng tôi lại chạy đi hậu cần cho một đoàn làm phim chiếu mạng, hình như là vì Tại Dân hay đi chụp hình nên quen được người bên tổ hình ảnh của đoàn làm phim ấy. Lúc đó người ta gọi gì là chúng tôi làm nấy. Rồi loạng quạng thế nào, Dân và tôi từ chỗ là anh hậu cần trở thành hai anh diễn viên phụ nhỏ xíu trong bộ web-drama. Chúng tôi đóng cái vai si mê nữ chính của phim, tôi đếm không nhầm thì hai đứa xuất hiện trên màn hình chưa quá ba phút đồng hồ. Ấy thế mà cái ba phút ấy đã kéo về cho Tại Dân không biết bao nhiêu là lời mời chào bước chân vào giới giải trí. Phần tôi thì tôi từ chối thẳng thừng, cái mặt tôi chỉ cần đanh lại thì không mấy ai muốn năn nỉ ỉ ôi nữa nhưng Dân thì khác, ba phút nó xuất hiện trên màn hình là ba mươi ngày người ta bàn tán về nó. Miếng thơm béo bở như thế thì những ông bầu không sao bỏ qua cho được.
Thi thoảng sau này nhắc về ngày cũ, Tại Dân vẫn rùng mình lắc đầu vì hoảng sợ.
Chúng tôi kết thúc chuỗi ngày làm chân chạy vặt cho đoàn làm phim bằng một bữa tiệc linh đình. Hai đứa tôi cùng với dàn nhân vật chính trở thành trung tâm của bữa ăn, cũng phải, bởi vì tập phim có sự xuất hiện của Dân và tôi, lượng người xem đã vượt quá mười triệu, cao kỉ lục cho cả bộ web-drama đó. Ngồi trên bàn tiệc, ngay cả đôi nhân vật chính cũng dường như mờ đi để mọi người dồn sự chú ý vào Tại Dân. Tôi biết Dân khó chịu lắm, bởi vì hai bàn tay nó đặt dưới đùi đã gồng cứng để bấu véo vào quần.
Chuyện phim ảnh nói mãi cũng thành nhàm, những câu hỏi trên bàn nhậu bắt đầu mang tính riêng tư xoáy sâu vào đời con người ta nhiều hơn. Lẽ dĩ nhiên, La Tại Dân là người bị bới móc nhiều nhất. Nó mới chia tay, đang độc thân, ruồi muỗi vo ve quanh tai nhiều không kể xiết. Tại Dân không chịu nổi nữa, móc trong túi áo ra bao thuốc lá làm đạo cụ phim trường mà hôm trước nó tiện tay đút nhầm, cười cười xin ra ngoài hút thuốc. Dân đi khuất sau cửa, nụ cười của tay nam chính đã nhếch lên thành một điệu gì đó mang đặc mùi nguy hiểm. Sau tối nay thì đường ai nấy bước thôi, tôi không cả nể ai, đứng dậy đi thẳng ra ngoài với Dân.
Tại Dân đứng ngoài cửa nhà hàng dựa lưng vào tường tung tẩy bao thuốc trong tay. Nó hít vào thở ra từng hơi một như để lấy lại sự bình tĩnh. Tôi đến cạnh nó, học theo Dân dựa người vào tường rồi ném mắt lên trời đêm. Khuya nay bầu trời đặc sệt không trăng sao, gió lành lạnh, dễ rằng đêm nay có mưa.
"Dân, đã mệt hay chưa?"
Nó không nhìn tôi, vẫn tung tẩy bao thuốc trên tay, cười cười:
"Ừ, ngẫm ra thì thấy mệt thật rồi. Giờ chỉ muốn đi về nhà, uống cốc nước ấm rồi lên giường đánh một giấc đã đời."
Tôi thở phì ra:
"Không phải ý đó, mày thừa biết là tao đang nói đến điều gì kia mà. Mày định trốn tránh mãi thế à? Tình yêu viết ngay trên mặt rồi."
Tại Dân nhìn trời đêm mịt mù, hơi men làm cho nó mơ màng hơn một chút, Dân thở dài nhưng giọng nói nhẹ bẫng:
"Ừ mệt, mệt lắm."
Rồi nó ném bao thuốc rỗng không về phía tôi, vỗ vai tôi vài cái rồi nói như nhể vào ruột gan:
"Đừng có mà cười tao. Chuyện tình của người ta thì mày tỏ tường lắm, thế mà đến chuyện của mày thì mày bối rối như gà mắc tóc."
Nói rồi Dân lại trở vào trong nhà hàng. Tôi vẫn nhìn mãi lên bầu trời sao, bàn tay đã vô thức vò nát bấy vỏ bao thuốc.
-
em tác giả đã oánh thắng con quỷ lười trong em rùii!!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top