02. Nhóm giùm em đống lửa
Cuối cấp, học sinh lớp mười hai chúng tôi đứa nào cũng vùi đầu trong sách vở, học trên lớp, học ở nhà, rồi lại vác thân đi học thêm cô nọ thầy kia để mong sao có thể chất đầy được thêm một chút kiến thức.
Đã từ lâu rồi chúng tôi không còn bày trò nghịch phá nữa, nhưng những thứ quan tâm nhỏ nhặt tôi chứng kiến Đế Nỗ dành cho Tại Dân thì vẫn vẹn nguyên không hề nhuốm bụi thời gian. Như là việc Lý Đế Nỗ sẵn sàng cúi người xuống để thắt đôi dây giày lúc nào cũng lỏng lẻo chực tuột của Tại Dân và chỉ mình Tại Dân. Như là việc Dân hảo ngọt, Đế Nỗ cấm không cho nó ăn đường viên rồi lúc nào trong túi quần túi áo cũng có vài viên alpenliebe cho Dân lúc nó muốn ăn. Tại Dân thích uống americano 8 shots sau một lần bị dụ uống, Đế Nỗ hẳn nhiên là không cho nhưng vẫn chịu khó học pha chế cà phê. Hay là việc Tại Dân thích chụp ảnh rồi chỉnh ảnh, Đế Nỗ mua cho nó một cây đèn bàn trắng sáng nhằm những lúc Dân muốn ngồi sửa mấy tấm hình chụp lêu hêu khắp đường xá, đèn vàng sẽ làm giảm độ chính xác khi áp màu lên ảnh, Nỗ bảo thế. Rồi thằng bạn ấy của tôi sắp cho Dân một chỗ trong câu lạc bộ nhiếp ảnh của trường...
Những thứ quan tâm ấy và biết bao những điều nhỏ nhặt khác hai đứa không nhận ra hoặc cố tình lơ đi, nhưng đã từ lâu lắm, tôi tự giác mặc định rằng Nỗ Dân chính là một chỉnh thể không thể tách rời. Nghe thì buồn cười, tôi có thể tưởng tượng ra một ngày tôi không còn hai đứa nó đàn đúm cùng nhưng lại không thể tưởng tượng đến ngày hai đứa nó xa nhau, mất nhau.
Có những điều đã là cố hữu trong mười bảy năm cuộc sống của chúng tôi như thế.
-
Chiều muộn, chúng tôi tan tiết cuối cùng trên lớp học khi mưa vẫn rí rách không tạnh và bầu trời bắt đầu xanh thẫm dần đi.
Trời mưa lạnh quá, dắt được hai cái xe ra khỏi cổng trường, hai đứa tôi phóng đi mà tay cóng lại ướt nước lạnh toát. Năm nay mùa thu đến chóng vánh không rõ ràng, chúng tôi chưa kịp cảm nhận cái tiết trời se se hanh khô thì gió mùa đã đến rồi đông gõ cửa. Cuối tháng Mười, bầu trời bắt đầu xám xịt nhiều hơn và mưa lạnh lai rai không dứt.
"Về nhà ăn thì không kịp ca học tối, đợi hết giờ rồi về ăn thì chắc xỉu vì đói mất. Thôi, tạt vào mà làm bắp ngô nướng hay bát cháo nóng cho ấm bụng rồi anh em mình chiến đấu tiếp."
Tại Dân nói thế khi chúng tôi đi qua khu chợ cóc mở hai bên đường bán đồ ăn sẵn cho người dân về muộn mua kịp bữa tối. Tôi nghe bạn, hai đứa tấp xe vào quán cháo vàng hoe ánh đèn có cái tên nghe hay hay: Ấm. Chắc là giữa trời lạnh, hai đứa bước vào quán cháo, nghe mùi gạo nấu chín thơm lừng mà bỗng chốc cảm thấy như không còn cần gì hơn trên thế giới này nữa.
Dân đưa chân móc một cái ghế gỗ thấp tẹt rồi ngồi xuống. Cả tôi và nó đều cao, ngồi bên bộ bàn ghế đóng từ tre nứa mà phải khom khom cho vừa tầm.
Dân lôi điện thoại ra, gõ như bay trên màn hình bé tí tẹo của chiếc iphone đời mới nhất thời này, tôi ghé mắt nhìn, nó cũng chẳng giấu giếm gì, bàn tay thoăn thoắt soạn tin nhắn rồi gửi đi, khoé môi chốc chốc lại nhếch lên tươi rói.
"Thằng Nỗ gọi hử?"
Tôi hỏi một tiếng rồi chú tâm nhặt mấy sợi râu ngô ra khỏi bắp ngô nướng nâu cháy, nước ngô ngòn ngọt thanh cổ họng. Dân gật đầu, úp điện thoại xuống rồi đảo thìa loạn lên trong bát cháo.
"Bảo là lát mua giùm bắp ngô nướng hay cốc cháo thịt. Chắc là mua cho nó bắp ngô, cháo nóng rẫy thì ăn tới chừng nào."
"Gọi nó ra đây?" Tôi nhướn mày nhìn Dân.
Dân chép miệng lắc đầu:
"Vẫn đang ở trường lo toan gì đó với bên Đoàn thanh niên."
"Gọi ra đi, đường có xa mấy đâu mà."
Dân lại lắc đầu:
"Không thích ra ăn hàng quán mới tài."
Chịu, tôi không hiểu nổi Đế Nỗ, không thích ngồi ăn hàng nhưng thích ngồi lom khom đâu đó trong mảnh sân vuông vức gió thổi lộng của chỗ học thêm buổi tối để gặm tạm bợ bắp ngô nướng. Thằng này kì lạ đó giờ, Đế Nỗ cứ như là người từ thế kỉ trước đến chơi với chúng tôi, thích nghe những loại nhạc xưa chán phèo, từng mê mệt làm giáo viên tiểu học dù bạn đồng trang lứa chẳng bao giờ màng đến cái nghề "chuột chạy một sàng" ấy. Thế nên tôi cũng chỉ bày ra bộ khinh khi một chút rồi thôi, ăn nhanh cho xong còn mua đồ đến cho nó.
Ấm là một quán cháo đông khách, mùa đông, chủ quán nướng thêm cả ngô khoai hầm bà lằng gì đó, khách lại càng đến đông hơn, người ta ngồi tràn ra cả vỉa hè chỉ để ăn mấy hạt ngô dẻo dưới cái tiết trời lạnh hơn mười độ kèm mưa lất phất của Hà Nội.
Kiểu gì thì cũng có người hẹn hò yêu đương ở cái chốn này.
Tôi huých Dân làm nó suýt chệch thìa cháo lên má, nó lườm tôi cháy mắt, tôi hất mặt lên một đôi ngồi cạnh chúng tôi đang em há ra anh đút cho nào. Dân cười hẩy một cái cho mình tôi thấy, nó dài giọng than:
"Chao ôi là những chiếc áo xúng xính mang tên tình yêu."
Phải thật. Mùa này lạnh rồi, bước ra đường chỉ thấy người ta nắm tay nhau, ủ nhau trong những cánh áo lót bông ấm đượm tình yêu. Ai cũng khoác cho mình cái áo xinh đẹp tên là "yêu đương".
Tôi cắm cúi nhặt mấy hạt bắp, buồn buồn, tôi lại gợi chuyện:
"Ê, thấy Nỗ sao?"
Dân ngước lên, mắt nó tự dưng lại long lanh đáng yêu:
"Sao là sao?"
"Thì là cái kiểu... yêu đương á, mày thấy nó sao?"
Dân chớp chớp mắt mình, nhìn tôi như thể tôi đang nói tiếng Pháp tiếng Đức gì đó chứ không phải tiếng mẹ đẻ.
"Ấm đầu à?"
"Thì mày cứ trả lời tao xem." Không dưng tôi lại gắt lên nhè nhẹ.
Dân xem ra cũng nghiêm túc suy nghĩ lời tôi, nó lúng búng ngậm mãi một miếng cháo, mãi sau mới nuốt rồi nói:
"Đẹp trai, tinh tế biết quan tâm, Đế Nỗ sau này chắc chắn sẽ chăm bạn gái rất tốt giống như mấy lúc quan tâm t...tao á..." Bỗng dưng giọng Dân ngập ngừng rồi nhỏ dần về cuối câu nói. Tim tôi cũng chùng xuống theo giọng bạn.
Rồi Tại Dân yên lặng ngẫm nghĩ gì đó, tôi không biết, nó cúi đầu im ỉm chẳng nói thêm gì. Một cơn gió từ ngoài thốc vào lạnh toát đem theo cả hương ngô nướng béo ngậy mỡ hành. Tôi khẽ rùng mình, tôi không thích ăn ngô rưới mỡ hành chút nào.
Chúng tôi ăn cho xong phần mình, xách thêm hai bắp ngô nướng. Đế Nỗ một bắp, bắp còn lại định để ba đứa chia nhau trong giờ học rí rách ăn. Thầy giáo dạy Toán nghiêm thì nghiêm thật, nhưng đến giờ học thêm buổi tối thì thầy cũng hiền lành đi ít nhiều.
-
Tại Dân đứng dựa lưng vào tường, hai tay xỏ túi áo cho đỡ lạnh, Đế Nỗ ngồi xổm xuống ngay cạnh nó, bẻ đôi bắp ngô rồi bắt đầu gặm rất từ tốn. Đèn vàng trên đầu hai đứa toả ánh dìu dịu, thiêu thân bay thành vòng quanh cái bóng. Tôi ngồi bàn ngay sát cửa lớp, hai đứa nó ở ngoài một đứng một ngồi ngay cạnh tôi. Dân đưa mũi giày hơi ướt gảy vào ống quần Nỗ một cái nhẹ hều, nói:
"Ăn nhanh đi, sắp đến giờ học rồi."
Đế Nỗ mỉm cười, yên lặng ăn. Tại Dân đứng đó, bắt đầu lảm nhảm. Những câu chuyện của Tại Dân luôn không có đầu có đuôi gì sất, nó nhớ ra gì là kể đó, thấy gì là nói đó, có nhiều khi chính Dân cũng không biết là mình vừa mới nói cái gì để mà nói tiếp. Ấy thế mà Đế Nỗ luôn im lặng kiên nhẫn lắng nghe nó, trên môi thường trực một nụ cười dịu dàng xuôi theo từng lời kể hơi phấn khích của Dân.
Tôi thì chẳng có cái kiên nhẫn dịu dàng ấy.
Nhìn ngược nhìn xuôi, nhìn ngang nhìn dọc gì cũng thấy, Lý Đế Nỗ đối với Tại Dân không phải kiểu anh em bạn bè chúng tôi thường đối với nhau. Chỉ cần là con người tinh ý một chút, ai cũng hiểu rằng Dân và Nỗ đâu có đơn thuần là bạn nữa đâu?
Thế giới của Đế Nỗ ấy à, chỉ có hai loại người là La Tại Dân và những người xung quanh mà thôi.
Tôi không biết hai đứa nó liệu có nhận ra hay không, nhưng ai cũng đều đồng ý rằng bọn chúng nên yêu nhau luôn đi cho một đứa hóng ngoài như tôi đỡ mòn tim trông ngóng.
-
Lâu rồi tôi mới đi đá bóng, sau một buổi chiều chạy mệt, chân tôi run lên đôi chút trên con đường cuốc bộ trở về nhà.
Ngang qua nhà Tại Dân, tôi theo thói nghển cổ muốn hú nó một tiếng thì giật mình khi nhìn thấy nó đang ngồi lom lom ôm một đĩa gì đó xúc ăn. Tôi hú nó, nó vẫy tôi vào trong, giơ đĩa ra trước mặt tôi mời chào rồi đưa cho tôi cái thìa nó vừa ăn, rất tự nhiên, tôi cầm luôn cái thìa đó xúc một thìa đầy đồ trộn trong đĩa cho vào miệng. Vị cũng ngon, tôi quệt khoé môi, nếm ra được vị tôm, vị thịt, miến, trứng, hành tây và cả bánh đa nem. Nhăn mày, tôi hỏi đứa bạn đang chán phèo nhai đồ ăn mà như nhai rơm trong miệng.
"Nem hả?"
Dân gật, tôi không tin được xúc thêm một thìa nữa ăn. Tại Dân tài thật, làm nem kiểu gì mà đúng vị nem nhưng không phải là nem, tôi khá chắc là thằng bạn tôi rán nem nát bét.
"Ở nhà một mình à?"
Dân gật đầu. Chúng tôi đứa nào cũng quen, bố mẹ Dân, bố mẹ tôi hay bố mẹ Nỗ đều bận tối mặt tối mũi vì giấy tờ công việc ở cơ quan văn phòng. Bận như thế mà chúng tôi vẫn lớn lên ngoan ngoãn giỏi giang, tài ghê.
"Sao không ngồi trong nhà?" Tôi hỏi rồi đưa tay vợt đầu Dân một cái khi nó rùng mình vì một cơn gió thổi qua.
"Vừa xịt thuốc kiến trong kia." Dân quệt ngang mũi, tiếp tục ăn đĩa thức ăn mà nó đặt cho cái tên kì cục: "tôm nõn ôm mây trời". Ừ, nhìn giống như mấy con tôm còng queo ôm mấy cụm mây ngả màu hơi vàng thật.
"Điên, giờ này rồi còn xịt thuốc kiến xong ra đây ngồi?"
Tôi ngồi xuống cạnh nó, vắt lại cái áo gió trên vai. Người tôi vẫn còn nóng ấm vì dư âm trận bóng chưa tan.
"Nỗ đâu rồi?" Tôi thấy hình như mình phải gợi chuyện với Dân nhiều hơn mọi ngày.
"Sắp 20 tháng 11, dạo này dính với mấy ông bà bên Đoàn thanh niên suốt, chắc muộn mới về."
Phẩy chút bụi trên giày mình, tôi buột miệng:
"Nghe đâu bên Đoàn có đứa nào mê Nỗ nhà mình như điếu đổ."
Tại Dân ngừng tay đôi giây, bỗng nhiên bật cười, mũi hơi đỏ sụt sịt chắc chắn vì lạnh:
"Có mình tao chịu nổi nó thôi, người ngoài ai mà ngu vậy?"
Tôi hơi chán cái cảnh nhìn hai đứa nó mập mờ cạnh nhau, cứ như thể trời lặng gió mà có một đuốc lửa ngứa ngáy ở cạnh đống rơm phơi khô. Tôi phì mỏ muốn thổi lửa vào rơm. Thở dài đứng dậy, mặc áo khoác rồi kéo khoá lên roẹt một tiếng dứt khoát, tôi tự thấy giọng mình gay gắt hơn:
"Đấy là mày nghĩ thôi. Mày lúc nào cũng nghĩ nó thế. Đễ Nỗ trước đây chia thế giới ra hai loại người là mày và người khác, bây giờ thì hết rồi."
Tôi nói rồi quay người đi thẳng, cũng không ngó ngàng nhìn lại bạn mình.
Bởi thế nên tôi không biết, cái chu môi thổi bừa đó của tôi lại nhóm lên một đống lửa to tới mức mệt mỏi mãi về sau này.
-
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top