01. Anh dịu dàng vừa thôi
Thằng Nỗ với thằng Dân và tôi chơi với nhau từ hồi ba đứa còn xỏ dép trái mặc quần ngược tắm nước giếng khoan bơm ra từ cái máy bơm bám cặn nước chuyển màu vàng khè rỉ sét ở sân bể nhà tôi. Chúng tôi ở chung trong một xóm, người làng đặt tên là xóm Tiền, Tiền trong Tiền Phong. Chúng tôi không chú ý lắm đến việc tên xóm có nghĩa là gì, chỉ biết ngay đầu ngõ có một cái hồ bơi của nhà chú Trịnh to đùng mà bơi được, dù chú không thích chúng tôi tới bơi cho lắm, giữa ngõ là vườn cây ăn quả rộng rinh sai trĩu cành nhà thầy Thái dạy Đạo đức lớp năm, cái vườn mà chúng tôi hết ăn quả lại chơi trốn tìm sau những gốc cây to.
Cấp một, cấp hai rồi cấp ba, ba đứa chúng tôi đều học trường làng, đi bộ chưa đến năm phút đồng hồ thì đặt được chân đến cổng trường. Có lẽ là do duyên, hay là do ba đứa muốn thế nên cố thi cho vào được lớp Chọn, nên mười hai năm học lúc nào chúng tôi cũng xếp chung trong một lớp. Ai cũng nói rằng chơi ba đứa khó bền, kiểu gì rồi cũng sẽ có một đứa bị đẩy ra rìa, tôi còn chẳng hiểu cớ vì sao người ta lại nói như thế. Chúng tôi chơi với nhau từ ngày bé tí, chẳng đứa nào chịu cảnh ngoài rìa, cũng chẳng đứa nào có ý đẩy đứa nào ra ngoài rìa. Đời tôi phải may mắn lắm mới vớ được hai đứa bạn như thế, mà hai đứa kia hẳn đã tu tám kiếp mới có được tôi.
Tính tình Dân phóng khoáng tươi vui, lúc nào cũng cười đùa hơn hớn, nhưng mà nó chỉ thế với hai đứa bọn tôi. Dân nó là kiểu người hướng nội ngại giao tiếp điển hình, phải thật quen thân với nó thì nó mới chịu mở lòng ra mà nở nụ cười hay nói những câu chuyện hâm hâm dở dở. Nó không khéo ăn khéo nói chút nào mà lại lên làm bí thư lớp, thi thoảng người bên đoàn thanh niên trường nhắn tin trao đổi hoạt động tập thể này khác, mắt nó long lanh đến nhờ tôi giúp chỉ vì "mày ơi thấy người lạ nhắn tin là tim tao đập chân tao run." Lúc nào nó cũng sợ làm mếch lòng người ta, vì sợ nên nó cẩn trọng từ ngữ, đôi khi cân nhắc lâu quá rồi quên khuấy mất cần phải trả lời tin ai đó nhắn đến, nên chẳng mấy chốc, cả trường đồn ầm ầm là Tại Dân nó chảnh lắm, gọi gì cấm có bao giờ phản hồi.
Dân nó không quan tâm, phẩy tay phiên phiến hết mấy lời đồn đãi đó.
Đế Nỗ là thằng mặt lạnh nhất trong ba đứa chúng tôi. Cũng như Tại Dân, ông trời cho nó cái mặt rõ đẹp, nhưng mặt nó lúc nào cũng lạnh như tờ pô-li-me năm trăm nghìn, nên người ta nhìn rồi nhún nhường nể sợ nó chứ chẳng ai yêu, mặc dù thằng này hiền khô, hiền nhất quả đất, nhưng mặt nó cứ thế, ai mà dám lại gần? Được cái bạn tôi học rất giỏi, cô chủ nhiệm cất nó lên cái chức lớp trưởng. Nỗ nó làm lớp trưởng không tốn một chút nước bọt nào để quát mắng, mở mắt liếc quanh thôi là lớp tôi ngoan như cún. Mỗi cái, tính tình Nỗ khó chiều như ma, tôi chơi với nó một điều nhịn chín điều lành, cái gì nhỏ nhặt thì tôi không chấp, cái gì lớn quá thì tôi để Dân nó chấp. Chỉ có Tại Dân mới trị được Đế Nỗ.
Nếu tôi không chơi với hai đứa nó từ những ngày đầu tiên, hẳn là giờ tôi cũng đang nhập hội với những cái đầu thậm thụt nói xấu trai đẹp của khối mười hai.
Tôi thì không có gì đáng nói hết, Đông Hách bạn của Tại Dân và Đế Nỗ, vui vẻ hoà đồng, không đẹp xuất sắc như hai ông bạn mình thì cũng chưa bao giờ nghe ai chê xấu, tự tin chưa bao giờ rơi rớt khỏi top học sinh giỏi. Nhưng câu chuyện này đâu phải chuyện của tôi? Cái tôi muốn kể là kể về Dân và Nỗ.
Đế Nỗ trông thế chứ là đứa có cái mặt bảo hành và đầy uy tín nhất trong ba đứa. Nỗ nó bảo nó chia thế giới ra ba kiểu người, người lạ, người già và trẻ em. Trước người già và trẻ em, thằng bạn tôi hiền lành và lúc nào cũng cười đến mức tôi tưởng như nó nhân bản trăng khuyết ra rồi dán lên làm đôi con mắt. Đến chính tôi còn rung rinh đổ gục trước mắt cười của Nỗ thì nói gì đến người khác? Còn với người lạ, Nỗ nó không khác gì mấy bức tượng thạch cao cất trong phòng Mỹ thuật cho tụi học sinh vẽ theo mẫu là bao. Nỗ xếp Tại Dân vào mục trẻ con, nó đối với Tại Dân làm tôi nhiều lúc nhũn hết cả tim gan ra. Nhưng Đông Hách tôi đây thì không được chạm chân vào mục trẻ con đón nụ cười ấy mà được Đế Nỗ ưu ái tặng cho hẳn một hạng mục mới tinh mà chỉ có một mình tôi một ngựa, người cợt nhả. Tôi biết tôi rất gợi đòn, nên tôi vui vẻ chấp nhận.
Đế Nỗ là đứa trẻ rất ngoan và được người lớn trẻ nhỏ ở làng trên xóm dưới quý mến yêu thương, nên ngày nhỏ tôi và Tại Dân quậy tưng vì biết kiểu gì cậu bạn đồng niên cũng sẽ chống lưng cho. Thực ra là chỉ có mình tôi quậy, nhưng tôi phải kéo cho được thằng Dân theo vì có Dân thì mới có Nỗ. Nếu tôi không kéo Dân đi, chúng tôi vẫn chơi với nhau nhưng sẽ không có mấy trò nghịch ngầm làm sặc sỡ tuổi thơ và làm mồi câu chuyện trên bàn nhậu sau này lớn.
Nếu hỏi đám trẻ con rằng đi chơi lúc nào là vui nhất, trăm phần trăm bọn chúng sẽ trả lời rằng trốn mẹ đi chơi trưa là vui số một.
Trưa hè nào các bà mẹ cũng bắt con đi ngủ sau khi ăn một bụng no cơm, không đứa trẻ nào trong xóm chúng tôi chịu nghe lời. Chờ đến lúc ông bà bố mẹ ngủ nghỉ hết, đứa nào đứa nấy xách dép chạy ra gốc bàng tít đầu ngõ chờ đồng bọn. Hội tôi ngày ấy còn có bạn Tuấn rất đáng yêu giờ đã về lại quê nhà Trung Quốc, anh Minh Hưởng cực đẹp trai nhưng lại đi Ca-na-đa du học mất rồi. Năm đứa con nít hò nhau chạy dưới nắng mà không đứa nào chịu đội mũ. Ngay từ ngày ấy, Đế Nỗ lúc nào cũng đem theo một cái mũ lưỡi trai không phải để nó đội mà để dành cho Tại Dân, Dân không thích đội, Nỗ cầm mũ trên tay rồi nhằm lúc bạn chạy mệt mà ấn mũ lên đầu hoặc phe phẩy quạt cho bạn.
Nỗ nó bao che cho Dân tới mức nhiều lúc chúng tôi bo xì với nó, mắc cái gì mà năm đứa đi vặt trộm ổi thì có mình Dân không bị mắng? Tất nhiên là vì Nỗ nó chỉ nói đỡ cho mình Dân. Tôi hỏi, Đế Nỗ bảo là nó chỉ có sức cứu được một đứa thôi, Tại Dân đẹp đẽ đáng yêu như thế, tất nhiên là đáng tin hơn tôi hay anh Hưởng hay Tuấn. Có mình nó thấy Tại Dân đáng yêu mà thôi! Thằng Dân vặt xoài hái ổi còn tợn hơn chúng tôi. Có bận chúng tôi nhảy vào vườn nhà thầy Thái, cây chanh nhà thầy sai trĩu, tôi mó tay vặt một trái dù đâu để làm gì, hương chanh thơm lừng toả ra tức khắc, chỉ có mình thằng Dân cốc đầu tôi rồi nhanh nhảu chấm nước bọt vào cuống quả chanh, nó bảo làm thế thì tịt mùi ngay. Mà đúng là tịt mùi thật, nhưng thầy Thái vẫn phát hiện ra, thầy không mách bố mẹ chúng tôi mà thầy lôi chúng tôi vào nhà kêu bóc giúp thầy một rổ hành tỏi mới tha tội. Hôm đó Đế Nỗ lại bóc giúp phần của Tại Dân.
Ngay từ những ngày còn chưa biết tình yêu có mày ngang mũi dọc ra sao, hình như chúng tôi đã mơ màng nhìn thấy được có một cái gì rất khác giữa hai đứa trẻ đó. Tất cả chúng tôi ai cũng nhận ra, cho dù là chính La Tại Dân hay Lý Đế Nỗ, nhưng mãi cho đến sau này, cho tới khi yêu đã đủ nhiều, đi đã đủ mệt chỉ muốn quay về chốn xưa cho yên thân mình, khi ấy Dân và Nỗ mới có đủ dũng cảm để mà nắm lấy tay nhau.
-
những gì mọi người đọc trong chiếc shortfic này chắc cốp là khớp 60% cuộc sống hiện tại của cô bé tác giả...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top