CHƯƠNG 1 ( P6 )
6. Greson tìm thấy gì.
Các báo hôm sau đăng đầy những bài viết về “Vụ án bí ẩn ở Brixton”. Dưới đây là nội dung tóm tắt một số bài.
Tờ “Tin điện hằng ngày” nhận xét:
“Trong lịch sử khoa hình sự, chưa mấy khi xảy ra một tấn bi kịch với những tình tiết kỳ quặc hơn thế. Nạn nhân mang tên Đức, những chữ bằng máu trên tường, động cơ ám sát không có. Tất cả những chi tiết ấy cho thấy án mạng này là do những kẻ tị nạn chính trị và những kẻ hoạt động xã hội gây ra. Các đảng phái cấp trên có nhiều chi nhánh hoạt động tại Mỹ, và nạn nhân có lẽ đã vi phạm các luật lệ không thành văn của các đảng phái ấy nên đã bị trừng trị”.
Bài báo kết thúc bằng lời khiển trách chính phủ và yêu cầu chính phủ giám sát chặt chẽ hơn các ngoại kiều trú ngụ trên đất Anh.
Tờ “Lá cờ” bình luận:
“Những vụ trọng án như vụ này đã diễn ra dưới một chính thể tự do. Chúng sinh ra từ sự hỗn tạp trong dân chúng và sự suy yếu của chính quyền. Nạn nhân là một người Mỹ đã sinh sống ít lâu tại Luân Đôn. Ông ta đã ở trọ một thời gian tại nhà bà Sác-pen khu Camberwell. Thư ký riêng của ông ta là Stanggerson đã cùng đi với ông ta trong các chuyến đi. Hai người đã từ biệt bà chủ trọ hôm thứ ba, ngày mồng 4 tháng này và đã đi ra ga Euston để đáp chuyến tàu tốc hành đi Liverpool. Sau đó ít lâu, người ta thấy hai người đứng với nhau trên sân ga. Sau nữa thì không biết gì về họ cho đến khi người ta tìm thấy xác ông Drebber trong một ngôi nhà bỏ trống trên đường Brixton cách nhà ga Euston hàng mấy dặm đường. Nạn nhân đã đến đây bằng cách nào và đã chết như thế nào? Những câu hỏi này hãy còn nằm trong màn bí mật. Chúng tôi vui mừng được biết các thanh tra greson và lestrade đã cùng bắt tay vào vụ án và tin rằng hai quan chức mẫn cán và tài năng ấy sẽ sớm rọi ánh sáng vào vụ khó hiểu này”.
Tờ “Tin hàng ngày” kết luận:
“Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một án chính trị. Sự chuyên chế của chính quyền các nước ở lục địa Châu Âu đã xua đuổi về bờ biển nước ta nhiều người có thể trở thành những công dân tốt nếu họ không bị ám ảnh và kích động bởi ký ức về những nỗi đau khổ và gian truân của họ. Trong đám người ấy có một luật hết sức nghiêm ngặt, nó kết án “tử” cho bất cứ ai vi phạm nó. Cần phải tìm cho ra viên thư ký Stanggerson để hỏi một số chi tiết liên quan đến nạn nhân. Cuộc điều tra đã tiến được một bước khi tìm ra được địa chỉ nhà trọ của nạn nhân. Sự khám phá ấy hoàn toàn nhờ tài năng của ông greson”.
Holmes và tôi rất buồn cười khi đọc những dòng này:
- Tôi đã bảo với anh mà, dù có thế nào, lestrade và greson vẫn được tán dương. Một anh ngốc bao giờ cũng tìm được một anh ngốc hơn để khâm phục mình.
- Nhưng gì thế này? – Tôi kêu lên thì vừa vặn lúc ấy có nhiều tiếng bước chân ở dưới nhà cùng với những lời gắt gỏng của bà chủ nhà.
- Đó là đội cảnh sát nghiệp dư ở phố Baker – holmes nghiêm trang trả lời. Cùng lúc đó khoảng hơn một chục đứa trẻ lem luốc ùa vào phòng chúng tôi.
- Nghiêm – holmes hô lên và bọn trẻ con xếp thành hàng như một dãy những bức tượng nhỏ - Lần sau các cháu đợi ở ngoài phố nhé, chỉ để cho một mình Uy-ghin lên báo cáo thôi. Uy-ghin có tìm thấy không?
- Không ạ, chúng cháu chưa tìm ra! – Một đứa trong bọn trẻ thưa.
- Kém thế! Tiếp tục đi cho đến khi tìm ra. Tiền thù lao đây – holmes chia cho mỗi đứa một đồng si-linh – Bây giờ, các cháu hãy toả nhanh đi khắp nơi rồi trở về đây với một báo cáo có kết quả hơn.
Bọn trẻ chạy ào xuống cầu thang, một lát sau đã nghe thấy tiếng chúng léo nhéo ngoài phố.
- Mấy đứa trẻ này còn hữu ích hơn một tá cảnh sát. Nhìn thấy ai có vẻ là người nhà nước, người ta đã lo giữ miệng rồi. Trái lại, bọn trẻ này len lỏi được vào khắp nơi và nghe được đủ mọi thứ chuyện. Chúng không bị ai để ý và luồn lách nhanh như chạch.
- Anh sử dụng chúng cho vụ Brixton đấy à?
- Đúng. Có một điểm tôi muốn tìm hiểu. Đây chỉ là vấn đề thời gian, rồi thể nào cũng ra. Thế nào? Ai kia như greson ngoài phố. Anh ta mang hai chữ “hớn hở” ghi từng nét trên mặt. Anh ta đến chỗ ta đây.
Có tiếng chuông giật mạnh và vài ba giây sau, nhà thám tử có mái tóc vàng lên cầu thang, bước ba bậc một và lao vào phòng chúng tôi như một tia chớp. greson vồ lấy tay holmes, siết chặt và reo lên:
- Ông sherlock holmes thân mến, ông hãy khen ngợi tôi đi. Tôi đã làm sáng tỏ hết, rõ như ban ngày.
Hình như có một thoáng lo lắng lướt qua gương mặt diễn cảm của bạn tôi. Holmes hỏi:
- Ông muốn nói là ông đã tìm được hướng đúng rồi à?
- Hướng đúng! Ồ, chúng tôi đã tóm được hung thủ rồi.
- Tên hắn là gì?
- Ác-tơ, thiếu uý hải quân – greson dài giọng, ưỡn ngực, xoa hai tay vào nhau.
Holmes thở phào, hé nở một nụ cười và nói:
- Mời ông ngồi và thử một điếu xì gà đi. Chúng tôi rất muốn biết ông đã tiến hành công việc như thế nào. Ông dùng một cốc uýt-ki pha nước nhé.
- Xin vâng. Những nỗ lực ghê gớm mà tôi đã phải bỏ ra trong hai ngày qua làm tôi bải hoải cả người.
- Chúng tôi rất hân hạnh được ông quá bộ đến chơi – holmes nói, giọng nghiêm trang – Xin ông cho biết ông đã làm thế nào để đi đến kết quả hết sức đáng khen ấy.
Greson ngồi sâu trong chiếc ghế bành, khoan khoái rít xì gà rồi bỗng nhiên vỗ đùi đánh tét một cái:
- Trong vụ này, anh chàng lestrade ngốc nghếch cứ tưởng mình khôn ngoan đã hoàn toàn đi nhầm đường. Anh ta đi tìm viên thư ký Stanggerson mà Stanggerson thì dính líu đến vụ này không hơn gì một đứa trẻ chưa ra đời. Hẳn bây giờ lestrade đã tóm cổ hắn rồi.
Ý nghĩ ấy khiến cho greson cười sằng sặc mãi:
- Ông đã tìm ra hướng của ông như thế nào? – holmes hỏi.
- Khó khăn đầu tiên đặt ra với tôi là tìm cho ra tung tích nạn nhân. Có người thường cứ ngồi ở nhà chờ người ta đọc các lời nhắn tin của mình trên báo mà đến cung cấp tin tức cho mình, greson thì không làm việc như thế ông bác sĩ, ông còn nhớ chiếc mũ bên cạnh nạn nhân không?
- Có, chiếc mũ của cửa hàng Underwood và con số 129, đường Camberwell – holmes trả lời.
- Tôi tin tưởng ông không để ý. Ông đã đến cửa hàng chưa? – greson chột dạ hỏi.
- Tôi không đến – holmes đáp.
greson thở phào yên tâm:
- Chớ bao giờ coi thường một cơ hội, dù là nhỏ.
- Đối với một bộ óc lớn, không có gì là nhỏ - Giọng holmes triết lý.
- Đúng thế. Tôi đến cửa hàng Underwood hỏi chủ hiệu, xem ông ta đã bán cho ai một chiếc mũ kiểu như vậy. Chủ hiệu xem sổ sách thấy người mua tên là Drebber, trọ tại nhà bà Sác-pen.
- Giỏi lắm, rất giỏi! – holmes khẽ nói.
- Tôi đến gặp bà Sác-pen. Tôi thấy bà ta mặt tái mét và buồn rầu. Cô con gái hai mắt đỏ hoe và miệng run rẩy khi nghe tôi hỏi chuyện. Chi tiết ấy không thoát khỏi con mắt quan sát của tôi. Ông sherlock holmes, ông biết đấy, khi ta dò đến gần hướng đúng, các dây thần kinh của ta như run lên. Tôi mới hỏi hai mẹ con: “Bà và cô biết gì về cái chết của ông Drebber không?”. Người mẹ gật đầu. Cô con gái oà khóc. Tôi hỏi:
- Ông Drebber rời nhà bà ra tàu vào lúc mấy giờ?
Bà ta cho biết là vào lúc tám giờ. Người thư ký của ông ấy là Stanggerson nói có hai chuyến tàu, một chuyến chạy vào lúc 9 giờ 15 và chuyến kia vào lúc 11 giờ. Họ phải kịp chuyến thứ nhất.
- Đó là lúc bà gặp ông ta lần cuối cùng phải không? – Tôi lại hỏi.
Người mẹ có vẻ hốt hoảng. Mấy giây sau bà ta mới nói được một tiếng “vâng”.
Mấy phút im lặng trôi qua, cô con gái nói:
- Mẹ ạ, ta nên nói thẳng với quý ông đây. Chúng tôi đã lại gặp ông Drebber.
Bà Sác-pen giơ hai tay lên trời, gieo mình xuống ghế, kêu lên:
- Cầu Chúa tha tội cho con! Con giết anh con đó!
- Anh Ác-tơ muốn ta nói thẳng ra sự thật – Cô con gái đáp với giọng rắn rỏi.
Tôi bảo họ:
- Bà và cô nên kể hết với tôi. Những lời khai nửa vời còn tệ hại hơn là không khai gì cả.
Bà mẹ mắng con:
- Mong sao tai họa rơi xuống đầu mày – Rồi quay sang tôi – Tôi xin kể hết. Ông đừng nghĩ rằng tôi đang lo cho thằng con trai tôi. Nó hoàn toàn vô tội. Tôi lo là lo rằng dưới con mắt ông và con mắt người khác, nó có thể bị coi là có liên can. Dù sao, chắc chắn là không thể nào có chuyện đó. Tính tình nó, nghề nghiệp nó, những hành vi đã qua của nó sẽ chứng minh cho nó.
- Tốt nhất là bà đừng có giấu giếm gì hết. Hãy tin rằng nếu con bà vô tội thì không vì thế mà nó có tội thêm đâu.
Bà mẹ bảo con gái:
- Có lẽ con để mặc mẹ với ông khách thì hơn – Cô con gái đi ra và bà nói tiếp – Thưa ông, tôi không có ý định kể với ông, nhưng vì con gái tôi đã nói hớ, tôi không còn cách nào khác.
- Đó là điều tốt nhất – Tôi nói.
- Ông Drebber đã ở trọ nhà tôi trong ba tuần cùng với người thư ký là ông Stanggerson. Ông này là một người điềm tĩnh, kín đáo, nhưng ông chủ của ông ta thì thô lỗ, hung tợn. Ngay tối hôm đầu đến trọ, ông ấy đã tỏ ra rất xấu tính. Ông ấy có những cử chỉ và lời ăn tiếng nói sàm sỡ với các chị hầu. Và với cả con gái tôi, có lần bất thần ông ấy ôm chặt lấy nó và ôm nó.
- Việc gì bà phải chịu đựng những chuyện ấy. Tôi nghĩ bà có thể tống khứ họ chứ?
- Lạy Chúa! Giá mà tôi không nhận cho ông ấy trọ ngay sau tối đầu tiên! Nhưng ông ấy trả tiền trọ cao, mà hiện nay đang là mùa vắng khách! Tôi ở goá, thằng con trai tôi trong hải quân tốn kém cho tôi lắm. Vì vậy tôi cố chịu đựng. Nhưng sự lăng mạ cuối cùng này thì quá lắm. Vì thế, tôi đã bảo ông ấy đi tìm chỗ trọ khác. Và hai thầy trò ông ấy đã bỏ đi.
- Rồi sao nữa?
- Nhìn họ ra đi, tôi thấy nhẹ người. Thằng con trai tôi lúc này đang nghỉ phép. Tôi không hé răng với nó về chuyện này vì tính nó nóng nảy và rất quý em gái. Nhưng! Không đến một giờ sau, có người giật chuông ngoài cửa và tôi thấy ông Drebber quay lại. Ông ấy cứ xông vào buồng nơi tôi đang ngồi với con gái tôi, làu bàu những câu không đầu không đuôi, đâu như nói về chuyến tàu mà ông ấy nhỡ thì phải. Sau đó, ông ấy quay sang con gái tôi, rủ nó trốn đi. Con gái tôi hoảng sợ, toan bỏ đi nhưng ông ấy nắm lấy cổ tay nó, cố kéo nó về phía cửa. Tôi kêu lên và đúng lúc ấy thằng Ác-tơ chạy đến. Chuyện gì đã diễn ra lúc bấy giờ, tôi không biết nữa. Tôi nghe thấy những lời chửi rủa và tiếng xô xát. Tôi quá sợ, không dám ngẩng đầu lên. Đến khi dám nhìn thì tôi thấy con trai tôi đứng ở giữa cửa, tay cầm một cái gậy, cười to. Nó nói: “Thằng này chừa rồi, không dám quấy rầy nhà mình nữa đâu. Để cho con đi theo xem nó xem sao”. Sau đó, nó cầm lấy mũ và ra đi. Sáng hôm sau, chúng tôi nghe tin ông Drebber đã chết một cách bí ẩn. Lời khai ấy do chính mồm bà Sác-pen nói ra kèm theo những tiếng thở dài và những chỗ ngắt quãng. Tôi đã ghi bằng tốc ký lời khai của bà ấy để khỏi có sự nhầm lẫn sai sót.
- Rất lý thú – holmes nói và cố ghìm một cái ngáp – Rồi sau ra sau?
- Khi bà Sác-pen khai xong, tôi thấy vụ này quy lại còn có mỗi một điểm. Tôi chiếu luồng mắt của mình vào bà ta theo cái cách mà tôi luôn luôn thấy có hiệu quả đối với phụ nữ, tôi hỏi con trai bà ta về nhà lúc nào.
- Thưa, tôi không biết.
- Bà không biết à?
- Vâng, nó có chìa khoá cửa riêng.
- Nó về sau khi bà đã đi ngủ?
- Vâng.
- Bà đi ngủ vào lúc mấy giờ?
- Khoảng mười một giờ.
- Như vậy con trai bà đã vắng nhà ít nhất hai giờ?
- Vâng.
- Cũng có thể là vắng bốn hoặc năm giờ?
- Vâng.
- Nó đã làm gì trong thời gian ấy?
- Tôi không biết – Bà ta trả lời, mặt lại tái đi.
Cố nhiên, sau đó tôi đã tìm ra trung uý Ác-tơ. Tôi đem theo hai viên cảnh sát và đã bắt giữ hắn. Khi tôi đụng vào vai hắn, hắn hỏi tôi, hãy còn hăng như một con gà chọi:
- Chắc ông bắt tôi vì tội đồng loã trong cái chết của tên vô lại Drebber chứ gì?
Chúng tôi đã nói gì với hắn đâu mà hắn đã đoán ra. Câu hỏi ấy, rõ là rất đáng ngờ.
- Rất đáng ngờ - holmes đồng tình.
- Hắn còn giữ cái gậy to mà theo lời khai của mẹ hắn, hắn đã cầm khi đuổi theo Drebber. Một cái gậy to bằng gỗ sồi.
- Vậy giả thiết của ông là thế nào?
- Hắn đã theo Drebber đến tận đường Brixton. Đến đấy, giữa hai người lại cãi nhau nữa, và trong lúc xô xát, Drebber bị một gậy vào bụng và chết ngay tức khắc, không để lại dấu vết gì. Đêm hôm ấy trời mưa, đường vắng nên Ác-tơ đã lôi xác nạn nhân đến tận ngôi nhà trống. Còn về ngọn nến, những vết máu và chữ viết trên tường, chẳng qua chỉ là những cái mẹo nhằm đánh lạc hướng nhà chức trách thôi.
- Rất hay! – holmes khích lệ - Ông greson, quả thực ông tiến bộ đấy. Ông sẽ còn đi xa hơn nhiều.
Nhà thám tử kia trả lời với vẻ kiêu hãnh:
- Tôi tự hào là đã giải quyết vụ án này khá suôn sẻ. Gã thanh niên khai rằng hắn đi theo Drebber được một lúc thì Drebber phát hiện ra hắn và nhảy lên một chiếc xe để bỏ xa hắn. Điều làm tôi thích thú là lestrade đang lao theo một hướng tắc tị. Ông ta sẽ chẳng thu lượm được điều gì. Nhưng, ơ kìa, thiêng chưa, vừa nói đến thì ông ấy đã xuất hiện.
Quả vậy, lestrade đi lên cầu thang trong khi chúng tôi mải chuyện trò, và bây giờ ông đã ở trong phòng. Vẻ tự tin và ung dung thường có của ông, nay đã biến đi đâu mất. Nét mặt lo lắng, quần áo xộc xệch, rõ ràng lestrade đến với ý định nhờ holmes giúp đỡ, và khi nhận ra đồng nghiệp của mình cũng có mặt ở đây, lestrade tỏ ra ngại ngùng, lúng túng. Lestrade đứng như trời trồng giữa phòng, tay mân mê chiếc mũ không biết để đâu, cuối cùng nói:
- Đây quả là vụ án cực kỳ khác thường, không tài nào hiểu được.
- A! Ông tưởng thế à, ông lestrade? – Giọng greson đắc thắng – Tôi cũng đã đoán rằng ông sẽ đi đến kết luận ấy. Ông có tìm được viên thư ký Stanggerson không?
- Viên thư ký Stanggerson – Giọng lestrade nghiêm trọng – Đã bị ám sát vào lúc 6 giờ sáng nay tại khách sạn Holiday.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top