Chapter 1: Xuân phân
Tinh mơ hôm sau, cha Thuận đã có mặt ở nhà thờ. Khánh biết chứ. Hôm qua đi ăn kem với Nam trong thị trấn anh kể nó nghe rồi. Hai đứa hí hửng lắm, mấy tuần rồi chúng đều đến nhà thờ đầu tiên, trong khi anh Thạch ngủ trương thây mặt trời chiếu đỉnh đầu mới có mặt. Thế mà Nam nhất định không cho nó đi gặp cha từ hôm qua kia. Khánh dắt xe đạp, khoá lại bên hiên nhà thờ. Nó dẩu môi với cánh cửa trước: cha đến sớm thế này, kiểu gì cũng khỏe như vâm. Tới ba hoa tí đâu có hại ai, lo bò trắng răng.
"Cha Thuận, Khánh tới rồi đây," nó đẩy nhẹ cái cửa mục dẫn vào gian sau. May phước thế nào cửa vẫn chưa bung khỏi bản lề, dù nó ngờ rằng mối đã xơi tái ruột thứ gỗ hạng ba đó lâu rồi. Bên trong cửa sổ đóng kín bưng, có mỗi chiếc đèn bên tủ rượu bánh thánh phủ lên căn phòng màn sáng tù mù. Bóng cha Thuận trải dài trên nền ván gỗ. Một khắc im lặng trôi qua, nó lại lên tiếng hỏi cho có lệ. "Cha về lâu chưa?"
Vị linh mục xứ được nhắc tới hãy còn lom khom bên cái tủ rượu bánh thánh. Nghe tiếng nó, y quay phắt lại nhìn Khánh, mắt tròn mắt dẹt. Cũng phải, giờ này người đến đáng lẽ là anh Nhất mới đúng. Cha Thuận húng hắng ho, xếp lại những ly những chai lên giá cho thật ngay ngắn rồi mới đáp lời nó.
"Chào con," Y lấy lại bình tĩnh, nghiêng đầu hỏi. Tay y vươn lên gãi cái cằm chưa sạch còn hơi lún phún râu, chắc sáng dậy háo hức quá nên cạo sót. "Hôm nay anh Duy Nhất đáng ra phải đến rồi chứ nhỉ. Bình thường anh ấy đúng giờ lắm cơ mà?"
"Hôm qua anh Thạch chưa biểu cha ạ? Ba anh Nhất bệnh trở nặng," Khánh thở dài. Nó đã tập dượt báo đủ thứ tin dữ cho cha từ tối qua, bởi ai dối được Thuận chứ nó không đặng. Bác Hưng là một giáo dân thành kính, cũng được vị linh mục xứ này coi như một người bạn. Bên Thuận bao nhiêu năm, những gì cha trải qua nó đều tường tận, tính cha ra sao nó cũng hiểu thừa. Nó mím môi, mặt cúi gằm nhìn xuống khe nứt trên ván sàn. Ít nhất như thế này, nó sẽ né được ánh mắt Thuận. "Bác Hưng yếu rồi. Bệnh đó đó cha."
Nó không nói nữa, nhưng ẩn ý lơ lửng đó có lẽ ai trong căn phòng này cũng tự hiểu được. Thứ dịch nhen nhóm trên hòn đảo bao năm nay; bàn tay chết chóc đã xua đuổi quá bán dân bản địa về đất liền, cấu xé dần mòn tất thảy sức sống của đảo Chông Gai.
Khánh nhìn cha Thuận, mò mẫm thăm dò biểu cảm y. Nó không tự nhận mình nhìn thấu được người đàn ông trước mặt, nhưng đó không phải là biểu cảm y mang hồi thằng bé đổ bệnh. Sắc mặt y tối lại, đôi mày rậm nhíu chặt, nhưng trong đôi mắt đó không phải là sự tuyệt vọng đến cùng cực. Một tia hy vọng lạc loài vẫn lóe lên làm nó không thể hiểu nổi.
Trong thoáng chốc, nó chợt nghĩ rằng y đã tiến rất gần đến liều thuốc giải, cuộc phục sinh hòn đảo này đang cần bấy lâu nay.
"Vậy tức là," Cha Thuận mở lời, chậm rãi. Y vẫn hướng về phía nó, nhưng ánh mắt lướt tới cái tủ bị bỏ quên. "Mai tiệc Thánh anh Khánh Hưng sẽ không đến được. Anh không bao giờ lỡ tiệc cả."
"Vậy cha tính sao ạ?"
"Ta đang nghĩ, hay là tổ chức tại nhà cho ảnh luôn. Sớm một ngày," Thuận nghiêng đầu, mắt đã chuyển sang nhìn Khánh. "Chiều nay qua bên đó với ta nhé, thấy thế nào?"
Cũng được, chiều nay nó chẳng bận gì. Khánh gật đầu lia lịa; nó đang thèm mứt gừng của bác Kiều, nghĩ đến chảy cả nước miếng. Thấy nó có vẻ nhiệt liệt tán thành ý tưởng của mình, cha Thuận tươi tỉnh hơn hẳn. Y lập tức xắn tay áo vào việc, còn không quên xua Khánh ra ngoài, kêu nó phiền quá, con nít con nôi ra chỗ khác chơi.
Cho tới thời điểm này, có lẽ cha, một người cứng đầu đến vậy cũng đã dần chấp nhận rằng thứ bệnh tật quái quỷ ăn mòn tâm trí con người ấy là một phần của đảo Chông Gai, một loài quái vật nhe nanh giơ vuốt họ buộc phải chung sống. Những người còn ở lại hầu như đều thế cả; đối với họ, thỏa hiệp là lựa chọn ít đớn đau hơn là không còn nơi để về.
"Con đi, con đi liền đây," Khánh cúp đuôi, lui ra cửa. Nó sợ, nếu mình ở lại lâu hơn, sẽ có những tâm tư không thể giấu được người anh lớn này. Rằng nó cảm nhận được cái chết dần mòn của đảo Chông Gai một ngày nào đó sẽ cuốn tất cả cùng xuống vực sâu; rằng nó mong cha Thuận, anh Thạch, thằng Nam, mọi người, sẽ đồng ý cùng nó tìm nhà ở một nơi nào khác. Nó chẳng muốn ra đi một mình.
Tháo cái khoá dây xe đạp, Khánh vơ vẩn nghĩ về những cánh chim. Bay về phương Nam tránh cái rét mùa đông nhưng chẳng thể nào rời bỏ hoàn toàn quê hương hướng Bắc.
* * *
Khánh lục đục chạy theo cha Thuận đang bước nhanh phía trước, hai tay khệ nệ bưng ly, bánh và rượu chuẩn bị cho tiệc Thánh. Anh Nhất có vẻ như đã ngoài hiên chờ từ lâu, hai tay buông thấy thừa thãi quá, hết chắp lại chuyển sang đan vào nhau. Thấy hai người một lớn một nhỏ kéo đến, anh khom người cúi chào.
"Cảm ơn cha, cảm ơn cậu Khánh." Anh cười, nét mặt dịu dàng. Không nói chắc chẳng ai ngờ anh là dân võ số má trên đất liền: chuyện cây bàng sau vườn nhà anh ăn đấm một lần tự nhiên thành xiêu vẹo, dân đảo ai cũng kể vanh vách được. "Ba tôi mừng lắm. Ổng cứ lo không tới được, lỡ mất buổi lễ quan trọng với mọi người."
Nhất tỏ ý mời họ vào trước, rồi mới theo sau khép cửa lại. Anh dẫn cha Thuận, theo sau là thằng Khánh dọc cái hành lang tù mù bao quanh bởi những vệt tường đã tróc giấy dán, xuống tới căn phòng bác Khánh Hưng đang nằm. Vừa đi, anh võ sư vừa phân trần.
"Chuyện ba tui bệnh, trước giờ cả làng cũng biết rồi. Nhưng ổng vẫn khỏe, có chăng hơi đãng trí," Đúng thật, hồi đó tới nhà thờ bác vẫn đốp chát với mọi người lắm, trẻ không tha già không thương. Khánh nhìn anh Nhất, đến đây nụ cười của anh đã vương nuối tiếc. "Nhưng gần đây ổng bệnh nặng lắm. Sốt hầm hập, nằm liệt giường mấy hôm rồi. Đã thế còn đêm đêm la làng thấy cái gì không."
Ánh mắt hai người lớn trong căn phòng chạm nhau, và Khánh nghĩ, sợ ổng không trụ được nữa.
Nhưng anh Nhất đã đẩy cửa vào phòng người bệnh, không cho Khánh thời gian quan sát cuộc nói chuyện không lời ấy thêm một khắc nào. Họ cùng nhau bước vào cái buồng nhỏ kín như bưng, khung cửa sổ đã bị nẹp chặt không mở ra được chẳng lưu thông chút khí trời nào. Bác Hưng nhợt nhạt nằm trên cái giường đơn nhỏ, bên cạnh là bác Kiều đang đăm đăm lo lắng. Hình như họ còn đang nói chuyện gì.
"M-môi ông sao vậy. Thấy thâm quá trời."
"Tôi có sao đâu, lo cái thân ông trước đi," bác Kiều nhăn mặt, hai tay khoanh trước ngực.
"Cha Thuận, Khánh, vào đi," Thấy ba người bước vào, bác liền dậy khỏi ghế. Môi bác không hề thâm. "Ổng chờ mọi người nãy giờ."
"Chào hai anh, ngày tốt lành," cha Thuận giờ mới lên tiếng. Khuôn mặt y mang dường như không mang biểu tình gì, trừ đôi mày hơi chau lại. Thấy cha, bác Hưng hơi nhổm dậy, giữa chừng húng hắng ho một tràng khiến anh Nhất phải lao tới vỗ lưng.
"Ch-cha Thuận," bác khổ sở lấy hơi giữa từng từ từng chữ. "Cha mới v-về rồi. Thế mà tôi không ra tiếp được cho tử tế, còn phiền cha tới tận đây nữa. Có lỗi quá."
"Không sao, bác cứ tịnh dưỡng đi. Ốm thế này đừng ôm việc."
"Phải rồi, phải rồi," Bác Hưng lập tức đổi hướng câu chuyện, khuôn mặt chuyển sang trạng thái mơ màng. "Mà cha biết không? Đêm qua ấy, tôi thấy th-thằng Hiếu đến bên cửa sổ. Nó về rồi cha ạ. Chính cái cửa này này."
Khánh không biết gì về người tên Hiếu này cả, nhưng cả mấy người lớn trong phòng đều tái mặt đi. Bên cạnh bác, anh Nhất run run mấp máy môi mấy từ. Ba tôi sảng rồi, thứ lỗi.
"Tôi nghĩ giờ ta bắt đầu hành lễ là vừa đấy," Cha Thuận dợm giọng vờ nhìn đồng hồ, tay y vân vê cái mép ống áo. Hiểu ý cha, Khánh liền xếp đồ ra cái bàn nhỏ kế giường bệnh, nào ly, nào bánh, nào rượu. Bác Hưng cũng không nói thêm lời nào nữa, mọi người cùng im lặng để Thuận bắt đầu nghi lễ.
* * *
Tối hôm đó, cha xứ Thuận quay lại nhà thờ một mình. Y đã đưa Khánh về nhà nó trước, dặn thằng bé đi ngủ sớm hôm sau còn chuẩn bị tổ chức lễ chính, nhưng bản thân thì không làm như thế. Vậy là đêm đó, vị linh mục trẻ một thân một mình bước trên con đường sỏi đá tịch mịch, cây đèn trên tay leo lắt hắt lên khuôn mặt y vẻ toan tính bí ẩn.
Vượt qua hành lang trống trải, Thuận tiến vào một căn phòng kín, vách dày, cửa nẻo kiên cố hơn gian sau một chút. Trên cửa có một cái bảng hoen gỉ, chữ khắc ghi phòng thú tội. Y ngó ngược ngó xuôi bên ngoài một chút mới yên tâm đóng cửa cài then, rồi trước bức ngăn y ngồi xuống, đan tay đỡ lấy trán.
"Cầu Chúa tha thứ cho con, vì những điều con đã, đang, và sẽ làm."
Y gục đầu, thầm thì và tha thiết, như thể y sợ rằng giữa bốn bức tường này còn ai có thể nghe thấy lời bộc bạch của mình. Không. Không đúng. Thuận nói ra với Ngài, nhưng y vẫn sợ Ngài nghe thấy, vì y biết Ngài vẫn không ngừng lắng nghe.
"Linh mục xứ Phạm Duy Thuận không thể quay về đảo Chông Gai toàn vẹn," Thuận ngước nhìn bức ảnh sau vách, nửa muốn né tránh, nửa cần đối mặt, cuối cùng lại gục xuống giấu đi đôi mắt. Hai tay y tách khỏi nhau, ôm lấy đầu. Lời nói trượt dài qua những kẽ răng cắn chặt. "Y chết rồi. Chết lâu rồi."
"Cái kết của y là một câu chuyện dài, con sẽ kể Người nghe ngay đây."
* * *
3 tuần trước
Từ khi đặt chân lên đất liền, Duy Thuận đã biết đây không phải là một ý hay.
Hoa mắt, chóng mặt, sốt nhẹ không giảm, tư duy phản biện đuối dần. Y đang trong giai đoạn đầu của căn bệnh. Thời gian của cha xứ Thuận sắp hết rồi.
Trên đảo không ai biết về tình trạng của vị cha xứ trẻ, hoặc ít nhất họ đều tỏ ra thế. Với họ, đây là một chuyến đi bình thường, đơn thuần phục vụ mục đích tu tập không hơn.
Dầu vậy, y không tới đây để tìm kiếm liều thuốc nào cả. Thuận vẫn nhớ như hồi người đầu tiên trên đảo rời đi để tìm kiếm thuốc giải, anh Tuấn Hưng, trở về với hai chữ nan y cay đắng. Y luôn tâm niệm, mọi sự xảy ra đều là ý Chúa sắp đặt. Bây giờ thứ vị cha xứ trẻ này cần là một lý do, một lời giải đáp, sự khổ đau trên đảo Chông Gai mang ý nghĩa gì, và quyết sẽ kiếm cho ra trước khi lìa đời.
Trên đất liền, giữa những cơn sốt triền miên và những câu trả lời lấp lửng đầy né tránh của các vị linh mục, giám mục, thậm chí của cả những sách vở trong thư viện của giáo phận, y thấy như mình không còn lối thoát nữa. Không ai có một câu trả lời thỏa đáng cho Thuận, và con rắn trong đầu y đang thì thầm, phải, vô nghĩa, sự chịu đựng là vô nghĩa.
Thuận không muốn tin. Hàng ngày, y vẫn tới nhà thờ giáo phận để cầu nguyện, mong nghe được sự chỉ dẫn của Ngài. Nhưng đáp lại những lời tha thiết ấy chỉ có lặng thinh. Hy vọng cứ thế mà mong manh dần, phai đi như sương khói, và Thuận quyết định y muốn trở về nhà.
Buổi sáng hôm đó trời quang lắm, cái nắng hanh phủ lấy bến cảng tựa như một tấm voan vàng nhạt êm ái. Gió biển thổi vào từng đợt mát mẻ, vờn theo những cánh chim trời trở về phương Bắc sau mùa đông dài giá lạnh. Y quấn chặt lấy tấm áo khoác, nở nụ cười mỏi mệt ngước nhìn theo chúng, hình như hôm nay họ đều tìm về nơi gọi là nhà.
Thuận đứng bên lan can cầu treo nhìn xuống mặt nước lấp loáng ánh mặt trời. Thời gian xa nhà bào mòn sức lực y hơn bất kỳ công việc cực nhọc nào. Đầu y đau nhức, trĩu nặng những câu hỏi không được trả lời. Nhưng cuộc tìm kiếm đã kết thúc, và cái chết bệnh tật đang đến rất gần. Bây giờ, Thuận chỉ muốn được ngả lưng thôi.
Một đợt sóng gợn phá tan mặt biển dát vàng, kéo y khỏi dòng suy nghĩ u uất. Đâu đó có bóng hình mờ ảo đang thoắt ẩn thoắt hiện dưới làn nước. Thuận căng đôi mắt đang hoa lên, cảnh giác dõi theo chuyển động bất ngờ. Linh tính mách bảo y có điều gì kỳ quái đang diễn ra, mặc cho lý trí cố gắng thuyết phục y mọi thứ chỉ là ảo giác.
Quả nhiên, rẽ nước trồi lên là một khuôn mặt. Khuôn mặt của thằng bé. Nhợt nhạt như một mảnh tượng sáp. Thuận hốt hoảng, lùi bật ra như phải bỏng, hoảng loạn nhìn quanh. Không có ai ở đây để xác nhận rằng điều y thấy là có thật. Chưa kịp hoàn hồn, mồ hôi lạnh túa ra đầy trán, y luýnh quýnh bám lấy lan can gượng tới xem liệu cái thứ kia còn ở đó không. Nó vẫn lềnh bềnh giữa làn nước, đôi mắt nhắm nghiền dường như sẵn sàng mở ra, nhìn thẳng vào đôi mắt vị cha xứ, bất cứ lúc nào.
"Kh-không phải em chứ," Y nghẹn ngào. Khuôn mặt của đứa trẻ y yêu thương, đứa trẻ y không thể cứu được khỏi bàn tay thần chết. Thuỳ trán kêu gào rằng y đang thấy những thứ không thể nào tồn tại, lại bị át đi bởi nỗi day dứt năm nào cào cấu vết thương chưa lành trong lòng y đau nhói. "H-Huy, xin em..."
Thần trí yếu ớt không còn chút bản năng tự vệ nào kêu gọi y vươn tới, chạm lấy ảo giác trước mặt. Không. Chạm lấy đứa em y vuột mất. Gương mặt nó non nớt. Nó đi khi còn nhỏ quá. Trong một khắc mê man, Thuận muốn ôm chặt lấy nó, như thể hành động ấy đem được nó về từ cõi chết, xoa dịu được nỗi đau mệnh yểu, và y vươn mình ra khỏi lan can. Gần hơn, gần hơn nữa.
Trời đất tối sầm lại, trong vòng tay trống không của Duy Thuận chỉ có nước biển mặn đắng. Bên dưới y, xanh sâu văng vẳng một bài thánh ca.
* * *
Thuận tỉnh lại như y vẫn thường làm sau những giấc ngủ trưa. Trí óc y minh mẫn đến lạ kỳ, và cơn sốt thiêu đốt da thịt bị thay thế bởi cảm giác lành lạnh của quần áo gặp nước biển. Máu pha nước biển. Thuận sờ soạng khắp người: máu khô từ trên cổ y, vết thương khép hờ buốt rát. Một cơn buồn nôn chợt xộc đến: y nôn ồng ộc, toàn những nước là nước lênh láng trên mỏm đá y đang nằm.
Y lồm cồm bò dậy, nhưng dường như thể chất chưa bắt kịp thần trí. Ngay lập tức, một bóng người trôi vào tầm mắt còn đang làm quen với ánh sáng của y. Vị linh mục xứ nín thở, nheo mắt nhìn người đối diện. Giống người, nhưng không phải thằng Huy. Lớn hơn nhiều.
Vậy ra đây không phải thiên đường.
"Ngươi tỉnh rồi," người kia nghiêng đầu nói, ngọt và ấm nóng như mật ong. Sau lưng người nọ, đôi cánh lớn sải rộng, che bớt mặt trời chói chang, và hai bàn tay phủ bột trắng lấp lánh dưới ánh sáng nắng trìu mến ôm lấy gương mặt Thuận. "Tắt thở lâu thế, cứ tưởng không cứu được nữa chứ."
Nhưng hình như thiên thần có thật.
* * *
Hiện tại
"Con bây giờ không còn là Duy Thuận khi trước nữa," Câu chuyện tới hồi cuối, y ngước mặt lên trần phòng Từng câu nói thoát khỏi đôi môi tựa hồ đá nặng trút khỏi đáy lòng. "Hơi thở của con, vay mượn của một thiên thần."
"Và con muốn san sẻ phước lành này với toàn bộ dân đảo, dù cho họ chưa sẵn sàng để biết. Dù cho họ không biết là họ cần tới nó. " Y hít một hơi sâu, hai bàn tay nắm chặt. "Cần tới máu của Người ấy, trong rượu thánh."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top