Phong thủy

Tỉnh X.

Vào tháng mười, dạo này trời mưa nhiều, gia đình nhà ông Tư cảm thấy hơi ngao ngán. Miền Trung vừa trải qua trận bão to, dẫu đã chuẩn bị biện pháp đề phòng trước cả tháng, vẫn cứ thiệt hại ít nhiều. Như nhà ông Tư đây, vừa chợp mắt một lát, cơn bão tập kích buổi đêm đã cuốn phăng cái hàng rào, đàn gà cứu không kịp cũng về chầu trời hết một nửa.

"Chán thật đấy, nhưng may mà không ngập nhiều." Ông Tư đóng kín cửa sổ, nhìn cơn mưa tầm tã dưới ráng chiều hoàng hôn, thở dài.

"Thở dài thở ngắn cái gì, mau vào đây ăn cơm!" Bà Tư quát chồng một tiếng.

Bữa cơm tối nay có cá cơm, rau muống xào, canh khổ qua và một nồi cơm trắng.

Gia đình ông Tư thường được hàng xóm khen có nếp có tẻ, một trai một gái. Mỗi khi đi ra đường, ông Tư bước đi rất hãnh diện, không phải vì vợ ông sinh được cả nam lẫn nữ, mà do vợ chồng ông là gia đình duy nhất trong xóm tuân thủ kế hoạch hoá gia đình, "gia đình hai con vợ chồng hạnh phúc" đúng như băng rôn của chính phủ.

Thằng con trai ông Tư luôn là đứa ngồi vào bàn nhanh nhất, cả nhà chưa ngồi nóng mông mà nó đã nhanh tay gắp lấy con cá đầu tiên bỏ vào miệng, vừa nhai răng rắc vừa hỏi: "Thầy ơi, sao năm nào miền Trung cũng mưa to thế hả thầy?"

Bà Tư nhìn cái tướng ăn của nó xấu đếch chịu nổi: "Đang nhai thì đừng có mà mở miệng, cái thằng kia!"

Ông Tư cười ha hả, cũng gắp con cá bỏ vào mồm, vừa nhai vừa đáp: "Đấy là do tỉnh mình có long mạch chứ sao?"

Bà Tư nom cái điệu bộ của ông Tư chẳng khác gì thằng Cả, ngứa mắt hết sức. Cơ mà mắng nữa thì bữa cơm mất ngon, bà cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Con Út là đứa ít nói nhất nhà, một phần do tính nó hướng nội, một phần do thằng anh cứ mở mồm ra là hết cả phần thiên hạ. Dẫu vậy, khi nghe ông Tư nhắc đến hai chữ "long mạch", con bé vẫn mở to hai mắt lom lom nhìn thầy mình, bản tính hóng thị phi có sẵn trong máu.

Ông Tư thấy cả nhà im lặng, thế là hứng chí nói tiếp: "Long mạch là chuyện nhỏ thôi, có khi nơi mình ở còn có rồng ấy chứ! Hồi bé thầy thường theo chân ông ra đầu xóm chơi, hồi đấy có ông thầy phong thủy dựng sạp ở đó, nhưng sau này ổng chuyển đi đâu mất tiêu. Gọi là thầy chứ năm đó ổng trẻ măng hà, có biết bao cô gái trong xóm mê ổng như điếu đổ..."

Đang nói hăng say, bỗng ông Tư nghe thấy vợ mình ho một tiếng. Ngay sau đó, thằng Cả láo xược hết mức mà liếc ông một cái: "Thầy lại nói lan man nữa rồi, mình đang kể chuyện long mạch cơ mà!"

Ông Tư nhìn thằng Cả lom lom, định bụng không biết nên bộp đầu nó một phát cho đỡ hỗn, hay buôn chuyện tiếp. Cũng may cho thắng Cả, mưa gió bão bùng bên ngoài khiến con người ta lưu luyến hơi ấm trong nhà, không muốn vì chuyện nhỏ mà xé ra to. Vì thế mà ông Tư xem như không nhìn thấy cái liếc mắt của nó, kể chuyện tiếp.

"Là thế này, theo như thầy được nghe kể lại, nơi có long mạch phải có phong thủy tốt, ấy là thế tựa núi nhìn sông. Khi người có tiền xây nhà cũng muốn học theo phong thủy này, vì thế mày có thể thấy nhà bác Hoàng giàu nhất tỉnh đặt hòn non bộ sau nhà, sân trước thì dẫn nước. Rồi mày nhìn cái dải đất miền Trung này mà xem, một bên là Trường Sơn, một bên là biển Đông, ấy là phong thủy long mạch còn gì nữa!"

Mấy chuyện dính màu sắc huyền bí này nghe thật thích quá đỗi! Thằng Cả lẫn con Út đều mở to mắt nhìn thầy mình, chẳng buồn ăn. Bà Tư thấy vậy nhịn không nổi nữa, quát lên: "Lo ăn đi nhìn cái gì mà nhìn, nghe kể chuyện có no được không?! Còn thầy nữa, đừng nói lung tung dụ dỗ bọn trẻ con!"

Ông Tư điêu luyện né cái véo tay của vợ, cười hà hà không nói nữa. Bọn trẻ con bị mẹ quát cũng không dám kì kèo nữa, tập trung ăn cơm. Bữa cơm tối đạm bạc diễn ra trong yên bình, mặc kệ mưa giông bên ngoài, chỉ cầu lòng người bình yên.

Ăn xong, bà Tư dọn mâm cơm xuống bếp, ông Tư ngồi khoanh chân xỉa răng. Nhân lúc mẹ không ở trên nhà, thằng Cả sáp lại gần ông Tư, tiếp tục cuộc trò chuyện còn dang dở lúc nãy:  "Thầy kể tiếp chuyện long mạch đi! Vì miền Trung có long mạch, có rồng nên mới hay mưa thế đúng không thầy?"

Ông Tư cười cười gật đầu. Nhưng trái với sự mong đợi của thằng cu, ông không hé lấy một lời.

Thằng Cả nhìn thầy mình bằng ánh mắt lên án: "Sao thầy không kể nữa? Tại u không thích nghe ạ?"

Đến cả đứa con Út im lặng cũng ngẩng đầu lên nhìn về phía thầy và anh trai, đôi mắt đen mở to tò mò.

Ông Tư không nói gì. Ông cũng không cười nữa. Ông lôi tăm xỉa răng từ trong miệng ra, ném vào thúng rác kê gần đấy, bách phát bách trúng. Ông ậm ừ, hơi né tránh ánh nhìn của mấy đứa con: "Nãy thầy kể chuyện vui thôi, mấy đứa đừng coi làm thật. Còn về u chúng mày... ngày xưa có ít chuyện cũ xảy ra, u chúng mày không thích nghe là phải. Mà không có u chúng mày ngồi nghe, miệng tao dễ ăn nói bậy bạ lắm, khà khà!"

Câu cuối cùng ông cười hai tiếng, nửa đùa nửa thật. Thằng Cả tuy nhây nhưng cũng rất hiểu tính thầy nó, dẫu hụt hẫng nhưng cũng không nói gì nữa. Thằng nhỏ lăn vào trong góc, xăm xoi em dế chọi mình mới bắt được hôm qua.

Câu chuyện này cứ tưởng đến đây là hết, ai dè giữa lúc ông Tư cầm điều khiển lên định bật thời sự coi, con Út bỗng mở miệng: "Sáng nay lúc thầy đi vắng, nhà mình có khách đấy. Cũng vì ông khách đấy mà u gắt gỏng từ sáng đến giờ."

Tay ông Tư đang cầm điều khiển chợt khựng lại. Đôi mắt mờ dần theo năm tháng của ông thoáng hiện vẻ bất an. Ông bình tĩnh hỏi lại: "Khách nào đấy?"

Con Út nhún vai, trả lời ông: "Một ông già, nhìn lạ lắm, ăn mặc cứ như tăng sư vậy. Ông đấy còn tự xưng mình là pháp sư, chuyên xem phong thủy nữa. Nhưng u vừa thấy ông đấy là đuổi đi ngay. Liệu ông ta có phải ông thầy phong thủy thầy kể lúc ăn cơm không?"

Vừa nói, con Út vừa giương mắt nhìn ông Tư. Đôi mắt đen láy sâu thẳm, giống hệt mắt ông hồi trẻ. Ông biết thừa chẳng điều gì có thể qua được đôi mắt ấy. Chẳng phải hồi trẻ ông cũng từng thế sao? Ông Tư siết chặt cái điều khiển trong tay, mồ hôi chảy ra từ lúc nào mà ướt dẫm. Dẫu trong lòng bất an, dẫu đã nhận ra ngày này cuối cùng cũng đến, ông vẫn nói rõ một tiếng:

"Phải."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top