Ông Ngoại Tôi
Ngày còn bé, tôi rất thích về quê thăm ông ngoại. Mỗi lần về, ông là người chăm sóc và đưa tôi đi thăm thú khắp nơi. Mẹ tôi bảo, ngày còn nhỏ, mẹ cũng được ông nuôi nấng như thế. Giờ thì ông lại lo cho con gái của mẹ, giống như lo cho mẹ lúc xưa. Đối với mẹ, ông ngoại là người đặc biệt nhất. Bởi vậy mà ngay từ nhỏ, tôi đã được mẹ truyền cho thói quen trân trọng những kí ức về ông thông qua những câu chuyện kể. Mẹ bảo: kí ức đẹp đẽ là hành trang nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, vậy nên khi con học được cách nâng niu những điều ấy, mẹ tin là con đã nên người.
Ông ngoại trong kí ức của tôi vừa gần gũi mà lại vừa thật lớn lao. Ba tuổi tôi ngồi bên mẹ, cùng mẹ xem lại cuốn ảnh cũ trong tủ ông. Toàn là những bức ảnh đã từ lâu lắm. Ảnh bà ngoại hồi trẻ, ảnh các bác và mẹ lúc bé, ảnh đám cưới của từng người con, ảnh của những cháu ông khi còn dỏ dãi, còn có ảnh của tôi nữa... Tôi thích lắm, nhưng rồi tôi nhận ra: ông không có một bức ảnh nào.
Mẹ bảo ông không thích chụp ảnh, tôi lại càng tò mò hơn. Mẹ bảo ông trong ảnh cũng giống như ông mà thôi, nhưng tôi không chịu tin lời. Rồi mẹ dắt tôi lên nhà trên, mở tủ và lấy cho tôi xem bức ảnh ômg mặc Quân phục Quân đội Việt Nam. Ông đội mũ xanh, chính giữa có ngôi sao vàng. Cả ở trên vai và trước ngực ông đều có những sao, những huân chương. Trong ảnh, trông ông nghiêm trang khác hẳn ngày thường. Tôi vỗ tay reo lên: "A, nhiều sao quá, thích quá. Ông là cảnh sát hả mẹ?"
Khi ấy, trẻ con chúng tôi mặc định những người mặc quân phục xanh thì chính là một cảnh sát. Mẹ tôi chỉ cười và gật đầu: "Ông là cảnh sát chuyên bắt những đứa bé hư, không nghe lời ba mẹ. Con phải ngoan thì ông mới thương, biết chưa?"
Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Trong tưởng tượng của tôi, một người cảnh sát phải thật oai phong, là một người khiến đám trẻ con phải nể sợ. Tôi tự hào về ông lắm. Mỗi lần chí chóe với đám bạn, tôi đều khoe rằng ông tôi là cảnh sát để chúng nó nể tôi, mà nhường tôi phần thắng. Lúc ấy tôi đâu biết, người ông mà tôi luôn kính trọng, không phải là một cảnh sát mà là người bộ đội cụ Hồ. Danh hiệu thực sự của ông còn đáng quý trọng và ngưỡng mộ hơn rất nhiều so với sự oai phong của người cảnh sát.
Lớn hơn chút nữa, tôi đi học. Khi ấy, tôi không được ba mẹ đưa đón mà phải đi xe đạp tới trường. Đám bạn tôi ai cũng vậy, và mỗi giờ về giữa trời nắng chang chang, chúng tôi đều kêu mệt với nhau không ngừng nghỉ. Tôi than thở với mẹ về những trưa đạp xe dưới nắng, mẹ lại kể cho tôi nghe một câu chuyện về ông ngoại hồi còn trẻ để giáo dục và khích lệ tôi.
Hồi còn trẻ, ông tôi vì nuôi đàn con, mà lặn lội đạp xe mấy chục cây số, từ Quảng Yên sang Hải Phòng để đong đỗ về cho bà làm đậu. Chỉ vì mua ở gần thì đắt hơn mấy đồng, ông xót ruột nên lặn lội đi xa. Tiền ăn trưa bà tôi đưa ông cũng chỉ dám ăn một nửa, phần còn lại ông để mua quà cho con ở nhà. Mẹ tôi bảo ông tôi đạp xe đi xa lắm, gấp mấy chục lần đường từ trường về nhà tôi. Có một đoạn đường ngắn như thế mà tôi còn kêu mệt thì sao mà so được với ông ngoại.
Thế là từ đấy mà đi, tôi không bao giờ than mệt với mẹ nữa. Tôi học cách chấp nhận hoàn cảnh và vui vẻ đi học cùng chiếc xe đạp trên nẻo đường thân quen. Mỗi khi đám bạn tôi thấy mệt, tôi lại kể cho chúng nghe về câu chuyện của ông ngoại: "Ngày xưa, ông tớ phải đạp xe đi xa lắm, xa hơn chúng mình đi nhiều lắm, mà ông chẳng kêu mệt tý nào..."
Lúc ấy, trong kí ức tôi, ông bà ngoại tôi làm nghề làm đậu phụ.
Một lần, mẹ tôi dạy tôi cách rán cá. Đứng bên bếp một lúc lâu bị mỡ bắn vào tay, lại nóng nực mà cá vẫn chưa chín, tôi toan bỏ bếp đấy đi vào nhà. Mẹ tôi gọi tôi lại, cẩn thận chỉ tôi cách điều chỉnh lửa, đạy vung ủ nhiệt để đồ mau chín hơn. Mẹ tôi cười:
"Ngày xưa mẹ còn phải nướng mấy chục cái đậu trên cái bếp to đùng, mà còn nóng hơn thế này nhiều nữa. Lúc ấy, ông ngoại cũng dạy mẹ cách nướng nhanh, như mẹ dạy con bây giờ."
Trước giờ tôi chỉ thấy mẹ ra ngoài chợ mua đậu về, chứ chưa từng được thấy cảnh làm đậu phụ ở quê. Vậy nên tôi cho rằng ông ngoại thật giỏi mới làm ra được miếng đậu trắng ngần núng nính như thế. Trong một lần tập làm văn, cô giáo yêu cầu viết một bài văn về nghề nghiệp em yêu quý nhất, tôi đã viết một bài văn về nghề nghiệp của ông ngoại: nghề làm đậu truyền thống.
Ít lâu sau, tôi lại phát hiện ra ông tôi không chỉ làm đậu, ông tôi còn làm ruộng và đi tát nước. Một hôm chủ nhật, ba tôi được nghỉ nên giúp mẹ nhổ cỏ và cuốc một mảnh đất nhỏ ngoài vườn để trồng rau. Tối đấy ba tôi đau lưng lắm, cứ nằm mãi trên giường mà than. Mẹ với tôi ngồi đấm lưng cho ba mau khỏe. Mẹ tôi kể: "Thế mà ngày xưa, một mình ông còn làm hẳn bốn mẫu ruộng để nuôi con. Khi ấy, các bác các bá còn nhỏ, chẳng có ai đỡ đần ông cả. Ba mà như ông ngày xưa, làm tí đã mệt thì cả nhà chỉ có... nhịn đói mất thôi."
Trong một lần cả trường đi lao động, lớp tôi được phân công nhổ cỏ. Tôi với mấy đứa bạn túm tụm lại một góc, vừa làm vừa kể chuyện ông ngoại tôi: "Ngày xưa ông tớ còn phải làm cỏ những bốn mẫu ruộng, ông tớ siêu lắm, bọn mình làm một tý này chưa là gì đâu... Mẹ tớ kể bốn mẫu ruộng còn to hơn cả khuôn viên trường mình nữa cơ..."
Tôi vô cùng hãnh diện khi nghe những tiếng reo trầm trồ của lũ bạn về câu chuyện làm ruộng của ông ngoại tôi. Khi ấy, tôi biết ông tôi làm những hai nghề: làm ruộng và làm đậu ở quê. Rồi lớn hơn, tôi lại biết được ông còn làm thợ chữa máy... Hôm ấy có một người khách đến chơi nhà, là người quen của ông ngoại tôi. Mẹ tôi với người ấy nói chuyện một hồi thì tôi đi học về. Tôi cũng lại ghế ngồi chơi và ăn bánh trái. Người ấy bảo: "Cái động cơ máy ông chữa ngày xưa giờ vẫn dùng tốt lắm."
Mẹ tôi gật đầu công nhận: "Tay nghề chữa máy của ông, cả cái đất Hà An chưa có ai chưa nghe danh ông cháu."
Tối ấy tôi học xong bài sớm, sang phòng chơi với mẹ. Mẹ tôi đang xem phim thì tôi lại gần, bày tỏ sự thắc mắc đã theo tôi từ chiều đến giờ chưa có lời giải đáp: "Mẹ ơi, sao ông ngoại làm nhiều nghề thế?"
"Ngày xưa, nhà ông ngoại có những bốn người con. Ông ngoại là trụ cột gia đình, ông phải làm nhiều nghề thì mới nuôi được mẹ và các bác khôn lớn chứ."
Tôi gật gù hiểu ra, ông ngoại thật là vất vả quá. Rồi tôi lại thắc mắc: "Sao ba chỉ làm một nghề mà vẫn đủ nuôi con thế mẹ? Sao ba không làm nhiều nghề như ông?"
Mẹ xoa đầu tôi, kéo tôi vào lòng: "Ngày xưa khó khăn hơn giờ nhiều lắm con ạ... Thế mới thấy ông ngoại thật phi thường, là một người ba tuyệt vời mà không phải ai cũng làm được như thế."
Tôi chớp chớp mắt nhìn mẹ. Trên đời này, mọi người ba đều phi thường, nhưng theo lời mẹ, hóa ra ba của mẹ còn phi thường hơn thế nữa. Lúc ấy, ông ngoại trong tôi không còn là sự gần gũi yêu thương, ông ngoại tôi còn lớn lao hơn thế, là kỉ niệm và là kí ức theo tôi một thời tấm bé. Rồi khi đám bạn hỏi tôi: Sao ông cậu làm nhiều nghề thế? Tôi đã không ngần ngại mà trả lời rằng: "Vì ông tớ là siêu nhân, ông nuôi nấng mẹ tớ, chở che cho tớ. Ông làm được nhiều điều phi thường mà không phải ai cũng làm được."
Theo suốt dọc đường trưởng thành, tôi không chỉ có sự bảo ban của mẹ mà còn có một tấm gương sáng là ông ngoại thân yêu. Đến khi lớn rồi, tôi mới thật sự hiểu ra ông tôi cũng như bao người ông khác, cũng luôn vì con vì cháu mà hi sinh nhiều điều. Nhưng chỉ khi chúng ta là người trong cuộc mới thực sự thấm thía giá trị của lòng yêu thương, mới thấy được sự lớn lao của tình thân ruột thịt. Bây giờ ông mất cũng đã gần mười năm, nhưng tôi vẫn luôn hối tiếc vì chưa một lần nói lời cảm ơn đến ông ngoại. Ông là một phần của tuổi thơ, là mảnh ghép quan trọng trong kí ức non nớt của đứa trẻ năm nào. Tôi lớn lên nhờ những câu chuyện về ông. Ông dạy mẹ tôi nên người, mẹ lại dạy tôi cách sống sao cho xứng đáng.
Kí ức tuổi thơ luôn là cái nôi nuôi dưỡng mọi tình cảm tốt đẹp của con người. Tôi may mắn vì suốt thời tấm bé, hình bóng ông luôn dìu dắt tôi trên mọi bước đường tiến đến tương lai. Những gì ông đã làm, chính là lời nhắn gửi của thế hệ trước đối với thế hệ mai sau. Việc của tôi là học tập, nâng niu, trân trọng và lưu giữ những gì ông để lại.
Hôm lâu rồi tôi có về ăn giỗ ông. Giữa trưa cả nhà tụ tập chờ hóa vàng, bà ngoại tôi bật chiếc đài cũ của ông để nghe tin tức. Anh chị em tôi, toàn những cháu ông, thấy chiếc đài nhìn nhau ngậm ngùi. Thế hệ con cháu chúng tôi lớn qua tay ông, đều được ông bật cho nghe ca nhạc thiếu nhi phát trên chiếc đài nhỏ nhắn. Lúc ấy là giữa trưa, chiếc đài phát lên âm thanh tuổi thơ một thời:
"Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ thủ đô Hà Nội..."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top