5. Sanri/ Năm này chắc gặp lại tình quân

Viết linh tinh, các bạn không cần để ý cách dùng từ lộn xộn hay lời văn lộn nhào ngớ ngẩn dở hơi của mình.

.

.

.

----

Nhà phía Tây, tháng tám.

Mèo nhà ai kêu ngao ngao một tiếng gọi tình. Cái mùa động đậy lạ lùng thèm khát, mới sáng ra, mèo đực mèo cái đã quần nhau trên mái hiên phía Đông nắng đẹp.

Thời tiết mùa thu, gió hơi lạnh, người đi ra ngoài phải khoác thêm cả áo choàng cho đỡ run tay.

Mùa thu gì lạ.

Cây hoa nguyệt quế trong vườn được chăm như cây quý, vẫn héo rũ chẳng đơm bông. Cậu ba đi từ trong phòng ra tới ngoài sân ngó quanh một lượt, bỗng nhiên, lại cảm thấy trời chẳng bao giờ chiều lòng người.

Hoa héo, tình xa.

Ngớ nga ngớ ngẩn.

Quản gia nói hoa từ vùng chiến gửi về, ngấm cái mùi đạn lạc xa xôi, hửi được cả hơi mưa gió màu tanh nơi tiền tuyến, đi qua trăm nghìn chặng đường vất vả vẫn tươi xanh, về được tới vùng nội đô, lại không quen với không khí yên ả sớm chiều liền chết nghẻo.

Mà cây chết, điềm xui.

Điềm xui thì đào nó lên lấp xuống.

Cậu ba nhà nọ ngồi xổm cạnh mô đất nhìn ngọn cây bị vùi vào trong hố sâu, ngẫm ngẫm nghĩ nghĩ không biết nên trồng lên trên đất cỏ xanh hay hoa hồng màu đỏ.

Cỏ xanh thì hơi giống trong nghĩa trang nọ.

Trồng hoa hồng mới không giống mộ phần, bởi ai mà nỡ đem chôn mối tình còn bỏ ngỏ.

Áo khoác dài quét đất, đầy bùn do mưa lỡ dở, cậu ba chống cằm, rồi lại dùng tay không đập đập vào đất nâu.

Tay bẩn nhem nhuốc mùn ướt, mô đất vẫn không thèm xẹp xuống.

Quản gia đứng bên cạnh thủ thì rằng cậu ba bình tĩnh, tổ tiên mình là con nhà quan văn cơ mà.

Ừ thì quan.

Thế nên, cậu ba không dùng tay mà đứng lên dùng chân dậm đất. Dậm hai cái là mô đất bẹp, ngọn cây xanh xanh lại lộ thiên dưới nắng vàng.

Tháng tám trời trong, mặt trời xuyên qua bóng cây ngân hạnh đổ xuống len vào cả vạt áo và những ngón tay. Mà tay cậu ba vẫn lạnh từ mùa này qua mùa nọ chẳng ai cầm ai nắm.

"Cây thứ bao nhiêu chết rồi ạ?"

Cậu ba xịu mặt hỏi quản gia như vậy. Quản gia ngước mắt nhìn trời vài giây rồi lại chậm rãi đáp lời.

Rằng thì là cây nào cậu hai có tổ tiên nhà quan võ gửi về từ trận mạc đều chết hết.

Xuân hạ thu đông, tính dư là năm cái cây, tính tròn là bốn cây rưỡi. Gốc cây nguyệt quế nào đó chưa chết hẳn, đang cố cứu vớt mà coi như cũng hổng xong.

Khó sống lắm.

"Hình như, nơi bình yên quá, khó nuôi cây."

Kỳ lạ.

Có những giống cây khốc liệt thì sống, an yên thì chết. Như cậu hai nào đó, tí tuổi đầu đã xung phong ra trận, lại còn giữ đến cả chức tướng tá trong doanh.

Càng to càng phải xông lên phía trước, làm gương làm mẫu.

Nghẻo thì chưa nhưng chẳng biết có bị thương, đi một mạch chưa thèm về đã qua năm mùa hoa lận.

"Bác đừng nhận cây người ta gửi nữa."

Cậu ba cằn nhằn nói, lại nắm khư khư lá thư vỏn vẹn mấy dòng.

Giữa khói lửa, người ta nhìn nhau là mấy, viết thư cũng chẳng biết viết gì nhiều, nào bằng hồi xưa chữ nghĩa lai láng, còn cứ nhỡ, sẽ thành nhà văn cơ. 

Ai ngờ, lớn lên vài tuổi, nhà văn cũng biết cầm cây súng.

"Cậu hai bảo cậu ba không nhận hoa thì ném ra ngoài đường, sống chết mặc bay."

Thế đấy.

Ai lại sống chết mặc bay.

Cậu ba nhà nọ hay mềm lòng, chỉ giỏi nói cứng, chứ nào nỡ không nhận tâm tình của người xa cả mấy trăm ngày chim bay.

"Vậy để lại trồng."

Trồng cho tới chết.

Chết lại chôn.

Chôn mãi không hết được vấn vương nhung nhớ, tháng qua tháng, năm qua năm, tình trên đầu ngón tay đặt trong vài câu chữ.

Cậu hai nào đó không làm thơ tình, thư chiến trường gửi về lúc nào cũng giống nhau.

Bảo rằng, em vẫn sống. Anh ráng ăn cơm. Đừng ốm.

Ốm em thương nhiều.

Bức thư qua mấy mùa thu.

Lại mùa thu nữa.

Mèo nhà ai có cặp, người nhà ai vẫn chỉ cô đơn.

.

.

.

Nhà cậu hai ở bên kia khu phía Tây, là khu nhà phía Đông, cách nhà cậu ba một dãy hoa râm bụt nở đầy màu.

Cái ngày còn thơ dại hái hoa bắt bướm, cậu hai nhỏ xíu thấp tẻn chạy theo chân cậu ba tròn tròn mụp mụp, núp vào trong hàng hoa râm bụt có đỏ mà chẳng có thơm.

Chỉ ngọt.

Mút cuống hoa ngọt thật, hơi giống mật ong pha một đống nước vào, cái trò này là cậu ba phát hiện ra.

Cậu ba thưở đó nghịch ngầm nhiều, hai ngày bị thương ba bận, chân tay xước xát hết cả, miệng vẫn cười hi hi ha ha. Cậu hai bé tẹo thì nghịch thật, con nít quỷ nhưng lại biết tự chăm sóc mình, còn chăm luôn cho cả cậu ba.

Rồi chẳng biết chăm sao, giữa mùa hè thơ bé, cậu hai ôm cậu ba lăn một vòng, đập cả người vào đá tảng.

Chảy máu, ngất xỉu.

Nửa đêm nhiễm trùng, rên hừ hừ như cún hen.

Mẹ cậu hai sốt ruột, ba cậu hai mời bác sĩ giỏi nhất phố tới khám bệnh cho thuốc, cậu ba nửa đêm trèo tường, chuồn vào phòng cậu hai rồi bò lên giường người ta khóc lóc.

Cậu ba không hay nói văn, chỉ nói thật, tỉ tê cả một đêm rằng em tỉnh lại, anh sẽ chăm sóc em cả đời nọ kia.

Thế rồi, không biết bác sĩ giỏi hay do cậu ba thề non hẹn biển, sáng hôm sau, cậu hai tỉnh thật.

Lúc cậu hai vừa ti hí mở mắt, cậu ba đã ôm chầm lấy người ta, gào lên như sói tru, ấm ức kể lể là em doạ anh gần chết.

Bậy bạ.

Không được chết.

Cậu hai thơ văn lần đầu tiên chửi tục một câu, vẫn mệt lắm mà phải dỗ người.

Cả em cả anh, đều không ai được chết.

Mình còn cùng hẹn nhau chu du khắp đất trời.

Cậu ba nghệt mặt, tèm lem nước lại gật gật đầu.

Ờ thì chu du.

Móc tay một cái, rồi đóng dấu, cả đời cũng không được quên.

Ai quên là chó.

.

.

.

Năm tháng trôi.

Hồi bé thì cha mẹ bảo cậu ba cậu hai chưa tự đi hai mình được, ai mà dám thả hai cậu ra giữa cuộc đời sóng to bão bùng, đầy những mưa bay.

Lớn lên một tí, đạn lạc đã vào tới biên giới cùng tiếng bom rơi bập bùng.

Chiến tranh chẳng có gì tốt đẹp.

Người đứng trên xương máu của nhau, đều là dùng thương đau đổi lấy hoà bình. Cậu ba có tổ tiên nhà quan văn không thích chiến tranh, cậu hai có tổ tiên tướng tá cũng thế. Nhưng dòng máu chảy trong người sục sôi không thể chối bỏ, chết vì đất nước thì gọi là hi sinh.

Cậu hai xin nhập ngũ, cậu ba giận cậu hai. Nhưng giận thì giận mà thương thì thương nhiều lắm. Thế nên, cậu ba đứng dưới góc cây ngân hạnh trong khu nhà phía Tây vừa đánh người ta vừa mắng nói rằng em chẳng thèm nghĩ cho anh.

"Sao lại không nghĩ cho anh được?"

Cậu hai nhỏ giọng nói thế, bàn tay ram ráp xoa lưng cho người ta hoài. Mùa xuân, cậu ba chỉ mặc một cái áo sơ mi mỏng dính, tóc tai rối bời, bám rịt lấy cậu hai không chịu buông ra. Hơi lạnh của tháng hai ngấm vào người nóng bỏng, cậu ba bị ốm mà bướng, nhất quyết không thèm uống thuốc, trán cứ rần rần sôi bỏng cả tay.

"Khốn."

Cậu ba không cục súc nhưng chửi tục thì rành lắm, chẳng chửi người ngoài chỉ chửi cậu hai.

"Anh ở nhà lấy vợ!"

Cậu ba hay mạnh miệng, lời trái với lòng mình, đau tim mình tim người cũng hay chẳng biết tốt xấu mà nói ra.

"Anh dám!"

Cậu hai nạt một tiếng, lại không nỡ làm gì, đỡ lấy cậu ba ôm vào lòng, chẳng muốn thả đi.

Nạt thôi đã xót, người ta còn đang ốm lắm đây này.

Người cậu ba nóng lắm, chẳng có mấy sức, cứ dựa hết cả vào cậu hai. Nước mắt đầy mặt, tình đầy tim. Cậu hai biết cậu ba không thích yếu đuối, cũng không thích bế bồng, cởi áo khoác bọc kín người ta lại rồi đưa lưng về phía cậu ba khụy gối xuống, xốc lên vai mình không cho dãy ra.

"Em đưa anh về phòng đã nhé. Về phòng uống thuốc rồi mình nói tiếp nha."

Cậu ba úp mặt vào gáy cậu hai không thèm trả lời, im ỉm như người câm điếc, chỉ có mấy ngón tay không còn lạnh mà bỏng như nước sôi bám lấy lưng áo cậu hai không rời.

Đêm mùa xuân tĩnh lặng, tiếng côn trùng kêu lích rích.

Hơi trên áo là hơi của trà hoa anh đào. Người trên lưng là người không thể buông tay.

"Em đi rồi em về mà, Riki."

Cậu hai thủ thì dỗ dành, hứa lên hứa xuống, hứa với cả trăng sao cao ngất, cả mây trời lồng lộng, hứa trong những tháng năm cháy rực thiếu thời.

"Ừ."

Cậu ba yên lặng rất lâu cứ như đã ngủ nhưng hơi thở nặng nề cùng vài tiếng khịt mũi của người tỉnh táo chẳng giấu được. Cậu hai đợi cậu ba trả lời, tới khi trăng lên đỉnh, rốt cuộc, cũng cũng đợi người ta.

"Anh không lấy vợ."

Cậu ba thì thào rồi lại thì thầm, môi đặt trên tóc cậu hai hôn một cái, lại hửi một miếng.

Thương lắm.

Có ánh trăng mới biết được tình anh.

"Anh chờ cậu hai về."

Ngày ấy, cậu hai cõng cậu ba mấy vòng vẫn chưa về tới phòng ở khu Tây. Đến khi, cậu ba ngủ mất rồi, cậu hai mới đỡ người nằm xuống giường, đắp khăn mát, xoa tay đã ngấm sương lạnh, rồi lại hôn vài cái lên trán, lên mũi. Muốn ôm nhiều hơn nhưng sợ rằng không đi nổi, cậu hai quyến luyến người này lắm, lại không muốn người này bị tổn thương.

Chiến tranh, em đi tìm về an yên mà anh muốn, để dành cho anh những ngày tháng vui vẻ cả đời.

Cậu hai hôn mãi trên môi. Môi người ốm thường hơi khô nứt nẻ nhưng môi cậu ba lại mềm, lại ẩm, lại dịu dàng.

Tay cậu ba bám lấy áo cậu hai cả trong mơ, chẳng hiểu thấy gì mà nức nở. Cậu hai dỗ đầy lời, thơm thơm nhiều lắm mới nín được. Xong cứ tự nhủ là không phải tại em, cũng chẳng phải tại anh, tại vì giấc mộng nào đó làm cậu ba buồn, cậu hai đánh nó.

Đánh bằng mấy cái hôn.

Nhưng mà cậu hai văn thơ vẫn biết, xuân khuya, hôn lén người ta không tốt lắm.

Nhưng sớm, đồ đạc cũng đã xếp xong rồi, xe cũng tới, ngày nhập quân.

.

.

.

Cậu hai đi đã ba năm. Nửa năm mới gửi thư nhà về một lần kèm một chậu hoa. Nửa đầu năm là hoa nguyệt quế non, nửa cuối năm là hoa nguyệt quế già.

Thấy hoa như thấy người, cậu hai nói thế.

Nhưng cậu ba không nghe.

Vì chậu hoa nào cũng nghéo, người mà nghẻo, cậu ba buồn.

Nói nhẹ là buồn thương, nói nặng là buồn khổ, vậy nên, có một lần, cậu ba nhìn cây nguyệt quế năm thứ hai rụng lá, tức cái mình mà đạp đổ cả gốc cây, gửi cho cậu hai một lá thư ghi mỗi một từ.

"Khốn!"

Cậu ba không chửi nhiều, quanh năm suốt tháng chỉ chửi cậu hai là khốn, khốn nạn.

Khốn cùng của chiến tranh chính là chia ly, nhớ không thể gặp, yêu chỉ có thể tương tư.

Cậu ba đạp chậu cây buổi sáng, buổi tối, trời hè mưa như trút nước, quản gia lại nhìn thấy cậu ba đội cả trời mưa, ngồi che nước cho cây nguyệt quế chỉ còn vài ba chiếc lá.

Ông bung chiếc ô che trên đầu cậu ba, lại không dám nói gì. Vai cậu ba run run, chẳng phát ra tiếng động nhưng ai mà chẳng có lúc trở nên yếu mềm day dứt.

Cậu ba nhà này thông minh sáng dạ từ bé, biết tiến biết lùi, biết buông biết bỏ, biết tránh xa thứ làm mình đau, biết trời cao mây rộng, biết đất chật người đông, biết để mình vui, biết giữ mình thanh thản, cũng biết ai tốt với mình, ai thương mình nhiều lắm.

Người duy nhất cậu ba không buông bỏ được trên đời chỉ có cậu hai tướng tá, cậu hai lý tưởng, cậu hai xung phong, cậu hai mang giấc mộng lớn lao vì đất nước.

Làm người không tầm thường thì có nhiều cách lắm, cậu hai chọn con đường khó đi nhất để hoàn thành.

"Quân ta mới thắng ba ngày trước. Cậu hai lên cả trang nhất nhật báo rồi."

Quản gia an ủi kể chuyện, giọng hoà lẫn cả tiếng mưa.

"Cháu biết rồi."

Cậu ba sịt mũi khẽ đáp lại, vẫn chẳng vui. Cậu hai lập chiến công nhưng cũng bị thương một loạt, đạn không mắt, địch nào có thương cậu hai như cậu ba thương.

Mà thư người ta gửi về không khoe chiến công, chỉ dặn cậu ba ăn ngày ba bữa.

Đánh nhau cho lắm vào, ngu cả người rồi.

Chỉ biết ăn với uống mà thôi.

"Nguyệt quế không nở hoa được rồi "

Cậu ba bỗng rủ rỉ, ấm ức ôm chậu cây trong lòng, lem nhem nước và bùn ướt át. Lá cây quệt qua má cậu, đất nhem trên mũi cậu ba, nước mưa tan cùng những câu chẳng nói.

Chậu cây người ta ươm từ hạt mầm, chẳng hiểu sao lên thành ngọn rồi lại héo.

Cậu ba đâu biết chăm cây, chỉ biết thương người mải miết.

Thế nên, nguyệt quế có không nở hoa, người vẫn phải về với anh mới được.

.

.

.

Cậu hai là tướng tá ở quân doanh.

Một là vì ba cậu hai cũng là tướng tá, hai là vì cậu hai có tài, lại không sợ hi sinh. Người chỉ huy là người sẵn sàng chết vì đất nước, vì đồng bào. Cậu hai là người như thế.

Dù trong lòng cậu hai có thêm một tí tư tình không hợp với người làm nghiệp lớn nhưng tướng tá thì đều là lính, lính vẫn có tình trai.

Tình trai của cậu hai tướng tá ở quê nhà xa lơ xa lắc, gửi thư nhà chửi cậu hai là đồ khốn.

Cuối thư lại nói nhớ em nhiều.

Kỳ cục vậy đó mà thương phải biết, thương nhất đời.

Cậu hai bao năm đã quen với thư nhà như thế, vài đợt dài dài, vài đợt ngắn ngủi vài ba câu. Cậu ba quê nhà gửi nhiều thư nhưng quân doanh bận rộn, đường liên lạc tiền tuyến không ổn định, cậu hai tướng tá không thể hồi đáp nhiều, chỉ cầm sấp thư của cậu ba đọc đi đọc lại, đọc thuộc lòng tới cả trong mơ.

Giấy cậu ba dùng thơm mùi trà, qua nghìn ki lô mét còn thấm cả hương xa nhớ, góc bức thư cứ quăn queo, giấy rộp lên, chữ nhoè chữ rõ. Cậu hai đau lòng phải biết, cứ vậy tưởng tượng cả cảnh người ta vừa dụi mắt vừa viết thư tay.

Dụi mắt nhiều đỏ mắt, dụi mắt nhiều lại đau.

Thư sau, ngoài ăn cơm đầy đủ, cậu hai lại viết thêm dòng dặn dò anh đừng dùng tay lau mắt.

Dùng giấy, dùng khăn, dùng gì cũng được nhưng đừng tìm người khác lau mắt cho anh.

Chờ em về nhé.

Xa nhiều, sống chết nhiều phen nhưng tình cũng đầy ắp, không thể buông không thể bỏ.

Cậu hai ở quân doanh ăn chung ngủ chung với lính, người ta hay nói nhau về vật làm tin. Cậu hai cũng có một cái túi nhỏ, đựng trong đó một tấm ảnh đen trắng chụp vội trước lúc lên đường cùng một tập thư không gửi.

Cậu hai bây giờ là tướng nhưng ngày xưa đã là cậu hai thơ văn, biết nhiều từ hoa mỹ, viết nhiều tình yêu mặn nồng. Chỉ là không nỡ gửi về, cậu hai sợ cậu ba khóc nhiều lại ốm.

Cậu ba mạnh mẽ giỏi giang nhưng chiến tranh xa cách, ai mà chẳng buồn, chẳng khổ. Cái tính cậu ba lại hay giữ trong lòng, chỉ giấu một mình, sợ làm phiền người ta, chỉ không thầy phiền mỗi mình cậu hai tiền tuyến.

Ừ thì thiên vị.

Cậu hai thích thế.

Cậu hai chiều được, chẳng sao.

Nhưng vì thế, cậu hai cẩn thận dặn cấp dưới rằng một ngày, nếu mình không trở lại thì đem thư đốt đi, đem ảnh về cho cậu ba quê nhà. Tình về với người thương, thân xác cậu an tâm mà lang bạt xứ xa vì đất nước. Tình về nhưng không về hết, chứ ào ạt tới, cậu ba không chịu nổi.

Cậu ba lại thương tâm.

Cậu hai không dỗ được nữa, cậu ba sẽ buồn nhiều, thương lắm.

Sống trong bom đạn, người ta biết tính trước cả cái chết, học được cách đón nhận chữ không ngờ.

Sáng ấy, thư nhà vừa gửi tới, cậu ba dạo này hay viết dài, dặn dò đủ thứ chuyện trên đời rồi lại hỏi trăm câu rằng bao giờ em mới về với anh. Cậu ba từ xưa tới nay đều có linh cảm mạnh, lo tới hoa nở, nghĩ tới trăng tròn, chuyện quân doanh bí mật thế mà như biết rõ. Cậu hai gấp thư lại, không hồi âm.

Lệnh quân mật báo xuống, chiều hôm tổng tiến công cho trận đánh lớn cuối cùng, cậu hai là tướng tiên phong của đội quân cảm tử, người được chọn đều là người sẵn sàng bỏ lại cả thanh xuân.

"Cậu hai..."

Lính thân cận dưới trướng cậu hai tướng tá là người theo cậu hai từ nhỏ, lớn lên cùng nhau trong khu nhà phía Đông cách một tường râm bụt, lâu lâu lại quen mồm gọi một tiếng cậu hai thân thương.

Cậu hai ngồi trên ghế đọc mật lệnh, nửa mặt nghiêng đổ trong ráng chiều đỏ rực. Chiến trường khô hạn, đất đá bụi mù, mặt trời vẫn hừng hực như cầu lửa không buông tha bất kỳ ai.

"Đem đốt thư đi."

Cậu hai nói khẽ, lại chẳng chỉ rõ là thư nào nhưng người nghe cũng hiểu. Thanh niên cứng rắn chưa từng khóc nơi tiền tuyến, giờ phút ấy, mắt lại đỏ hoe.

Một mồi lửa bốc lên, cháy khét. 

Cậu hai nắm bức ảnh chụp đen trắng trong tay, xiết lại. Ba cậu hai dặn rằng ủy mị không hợp làm tướng.

Nhưng khi yêu thì ai chẳng liêu xiêu.

Điêu đứng vì người, kiên cường vì tổ quốc.

Cậu hai vuốt tấm ảnh phẳng phiu, bỏ vào trong túi, chớp mắt bỗng nghĩ nhẽ ra đêm năm xưa cũ kĩ, mình nên hôn thêm mấy cái cho vừa.

Cưỡng gian luôn khéo cũng được.

Nhớ quá.

Em xin lỗi.

Anh.

.

.

.

Năm nọ, giấy báo tử gửi về nhà, cậu ba không khóc lóc cũng không làm loạn, chỉ chửi đúng một câu đồ đểu dối trá rồi thôi. Tờ giấy gấp làm tư vò trong tay rồi ném ra ngoài cửa sổ, trúng ngay vào chậu cây nguyệt quế đang mọc chồi non.

"Bác đem nó chôn đi."

Cậu ba nhìn cây trồng chậu xanh mướt, sẵng giọng nói với quản gia như vậy. Quản gia không ngăn không cản, đã ra tới cửa rồi lại bị gọi giật lại, cậu ba đổi chiều gió như chong chóng, lại mềm giọng nói nhỏ:

"Thôi, bác đừng đem chôn. Chăm cho nó ra hoa giúp cháu."

Cậu ba cắn môi, quay người leo lên giường trùm chăn kín mặt.

Quản gia hơi ngẩn người, chẳng hiểu sao lại nghe như lời trăng trối thế này.

Cậu ba nhà mình tính vốn kiên cường, lại không biết vì người ta mà đã bỏ đi bao gai nhọn. 

Nhưng người nhổ gai nhím không biết giờ đang ở nơi đâu.

Thế rồi, đêm hôm, cậu ba lên cơn sốt. Sốt dai dẳng mấy ngày, tới thập tử nhất sinh, người nóng hổi còn hơn mùa xuân nọ, không chịu uống thuốc cũng không ai cho uống thuốc được, bác sĩ bảo cậu ba bị tâm bệnh, không chữa được, không chữa nổi.

Thuốc của cậu ba không còn nữa rồi.

Khu nhà phía Tây im lìm là chính, thi thoảng lích rích tiếng ai khóc thở than, ai cũng biết, cậu ba nhà này buồn khổ nhiều năm, thương nhớ nhiều năm, cuối cùng, người cũng đợi không nổi nữa.

Chiến tranh ôi chiến tranh.

Dẫm đạp lên xương máu và tình yêu chẳng vì cái gì, chỉ để lại đau thương quằn quại.

Chỉ để lại, cuộc đời cô đơn.

Rồi cứ thế, chẳng làm gì được, ai vẫn mong ai vẫn chờ một ngày đoàn tụ chung đôi.

Nhưng tháng chín tuần sau, gió từ đằng Đông bỗng nổi.

Quản gia rời khỏi phòng cậu ba trong sáng sớm, lại sững sờ nhìn người đang mặc quân trang đứng ở giữa hiên nhà. Nắng chiếu xiên qua những tán ngân hạnh vàng nhiều, nở hoa trên gạch.

Thiếu niên năm đó rời đi, mặt không vết xước. Nhiều năm trở về, trên vành tai là sẹo, bên khoé mắt là vết thương, người chẳng còn chỗ nào lành lặn nhưng cuối cùng, vẫn trở về.

Tốt quá.

"Cậu hai..."

Quản gia gọi một tiếng, giọng hơi run run.

Cậu hai gật đầu, đẩy cửa phòng bước vào. Cánh tay còn băng đầy gạc trắng và máu đỏ, mùi thuốc nồng, mùi máu tanh nhưng nụ cười vẫn là nụ cười của người cũ từng quen không thay không đổi.

Quản gia thở phào lại như đã già đi mười năm.

Đất nước này cũng đã khác.

Một thời đại vật đổi sao rời nhưng người ở khu nhà phía Tây và khu nhà phía Đông thì vẫn thế.

Nguyệt quế có nụ, nguyệt quế nở hoa.

Trở về được đã là phước đức cả đời.

.

.

.

Cậu ba bị hôn tỉnh, được ôm tỉnh, nghe gọi mà mơ màng tỉnh dậy. Trán người ta lạnh băng băng, tay người ta mát như băng tuyết, chạm lên má, lên môi, lên da thịt anh.

Cậu ba mệt nhoài cứ tưởng là mình đã gặp người thương nơi cõi mơ nào đó sau cuộc đời.

Giấy báo tử mực còn chưa ráo, ai có thể hi vọng người chết sống lại, người xa trở về.

"Riki."

Nhưng giọng cậu hai khàn gần gũi ở vành tai, nơi cổ có vết thương còn chưa liền, lớp lớp rỉ máu. Mặt cậu hai cũng có vết thương, trên ngực trái cậu hai còn một vết đạn. Đội quân tiên phong đi mười lăm về một nửa mạng, cậu hai lúc tỉnh dậy trong bệnh xá, nghe tin thắng trận, nghe tin mình còn sống, lòng chỉ thấy đau thương.

Khi ấy, bom rơi trút xuống, đồng đội che chắn cho nhau, may mắn cả đời dành cho một khoảnh khắc trong màn mưa đạn khói. Bao nhiêu cái chết đổi lấy một lần được hồi sinh, chiến tranh chỉ mang lại nỗi buồn và di chứng.

Nhưng cậu hai biết mình phải trở về.

Cậu ba ở nhà mong lắm.

"Riki."

Cậu hai gọi thêm lần nữa, hôn thêm lần nữa, ôm càng chặt thêm.

Người cậu ba không còn sức nhưng ngón tay cậu ba run rẩy vẫn ráng sờ lên mắt, lên sống mũi, sờ tới bên vết thương ở cổ, ở cánh tay và xương sườn cậu hai, vuốt qua xoa nhẹ.

Đều là vết thương chưa lành, đều là vết thương của tội ác, thiếu niên năm đó trong sạch như ngọc, bị tham lam của lòng người làm cho tan hoang điêu tàn đến thế này, anh phải làm sao.

"Riki, sao anh lại ốm rồi? Còn không chịu uống thuốc, anh không nghe lời em nữa à?"

Cậu hai trách móc nhưng thương nhiều hơn, sờ sờ trán, áp tay lên má, xoa lưng cho cậu ba bằng bàn tay đầy sẹo, rồi hôn hôn. Viên thuốc trên đầu môi truyền qua miệng, đắng lẫn trong ngọt, nuốt xuống ở cổ họng, cậu ba tham lam còn muốn nữa, cố gắng rướn người lên.

Hơn ba năm thương nhớ, ngàn ngày chăm nguyệt quế chẳng nở hoa, một tờ giấy làm cạn kiệt cả hơi thở, hút lấy cả hồn cõi của con người.

Không có em, anh cũng không còn là chính mình, cũng không biết sống làm sao nữa.

Cậu ba không nói nhưng cậu hai vẫn luôn hiểu. Giữa bọn họ nhiều hơn cả tình yêu là kết nối giữa những tâm hồn.

Cậu hai vươn bàn tay còn băng gạc cuốn quanh kéo người cậu ba vào trong lồng ngực mình ủ ấm, đầu môi đầy hơi lạnh, khoang miệng lại nóng bỏng ngạt ngào, nhung nhớ kéo tới triền miên, cả nghìn bức thư không nói hết, cả vạn dặm trông chờ không tả nổi chữ thương.

Cậu ba lại vừa hôn người thương vừa ấm ức.

Không chết mà không chịu về nhanh.

Bị thương tùm lum mà không chịu nói.

Còn doạ anh sợ thế.

Sợ tới hết hồn.

Nước mắt cậu ba giữa thu như mưa rơi trút xuống, tràn cằm, tràn cổ áo, tràn vào ngực trái bên cạnh vết đạn gần tim.

"Anh đừng khóc. Em về rồi mà."

Cậu hai văn thơ hôm nay không biết thơ văn, chỉ lặp đi lặp lại một câu dỗ dành như vậy. Cậu hai tướng tá thì được dạy dỗ mạnh bạo hơn là mỹ nhân trong lòng mà khóc thì đè người ra, lại khóc vì nhớ thương mình thì càng đè ra hơn nữa.

Nhưng cậu hai văn thơ và cậu hai tướng tá chập một, thấy cậu ba người thương yếu xìu, vẫn là không nỡ làm gì manh động, chỉ dám dỗ khơi khơi.

Ngày sau.

Chúng mình vẫn có những ngày sau.

"Ngoan, đừng khóc. Khóc mệt, em thương."

Cậu hai lau lau nước mắt cho cậu ba, ngọt giọng mà nựng má anh, nựng cả yêu thương đầy tràn nơi đáy mắt. Cậu ba co người vào trong lòng cậu hai đã về, vẫn thói quen cũ không chịu buông ra.

Bàn tay cậu hai vỗ trên lưng anh nhẹ nhàng, âm thanh dịu dàng như gió mùa thu thổi qua cây ngân hạnh, quen thuộc như bao năm vẫn vậy, mấy mươi năm chẳng thay đổi gì.

"Santa."

Cậu ba gọi thử một tiếng.

"Em đây."

Cậu hai đáp lại tức thì, hơi thở trên đỉnh đầu anh rõ ràng không mơ mộng.

Cậu ba nhắm mắt lại, nghe tiếng gió thổi ngoài hiên, tiếng lá cây ngân hạnh rì rào và tiếng tim đập của cậu hai.

Giọng nói của em, ấm áp của em, vòng tay của em, dịu ngọt của em và sự sống của chúng mình.

Người thương của cậu ba đang ôm anh rồi.

.

.

.

Hoa tàn hoa nở, hoa rụng hoa khai, mùa hoa này bay đi lại tới mùa hoa khác.

Cây nguyệt quế trong chậu có một bông hoa màu trắng, mùi thơm nức cả hẻm nhà phía Tây. Quản gia nói hoa nguyệt quế là hoa quý, cây nguyệt quế là cây quý. Cây quý đo bằng người trong lòng.

Cậu ba tháng nay đã hơn ba mươi, trưởng thành chững chạc, không còn khờ dại đội cả trời mưa che cho một cây nguyệt quế sắp tàn, giờ cậu ba có người chăm cây hộ, chăm bén lắm. Cây nào cũng tốt, chăm cậu càng tốt hơn.

Mà cây nguyệt quế tưởng chừng không sống nổi ngày nào lại là cây duy nhất còn lại sống nhăn.

Thế mới lạ.

Cậu hai dẻo mồm nói đó là nhờ sức mạnh tình yêu nồng cháy.

Cậu ba bĩu môi, không thèm cãi. Đã là tướng hàm cao mà vẫn cái thói đò đưa, mồm miệng lanh dễ sợ lanh, ai chịu cho nổi.

À, có cậu ba chịu được.

Cậu ba thương.

Rồi thì vẫn là mùa thu, mùa mèo cứ đưa đò nhau trên mái nhà khu phía Tây, cậu hai mặc quân trang vừa đi công tác ba ngày xa về, từ trên xe chạy xuống, đã nhào tới ôm cậu ba đang ngồi chống cằm ở hiên dụi như cún, đòi hỏi này nọ là anh yêu em đi.

Ờ thì yêu.

Yêu xong rồi thì ngắm cây nguyệt quế già nở hoa thơm ngát, lại nói chuyện trên bể dưới trời.

Thư chưa gửi đã đốt cũng không sao cả, văn thơ ở trong bụng cậu hai một rổ, cậu ba lại sẵn sàng dùng một đời để nghe.

Người mình thương mình nhớ đã về, ai còn thèm so đo tính toán về ngày xưa cũ.

Nhân tình nhân ngãi còn bận yêu bù cho những đêm xa và bên nhau cả trăm ngàn ngày nước chảy mây trôi vĩnh viễn.

Năm này cuối cùng cũng gặp lại tình quân.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #sanri