thiên đàng lá thu

EXO Sehun: Ngô Thế Huân
EXO Kai: Kim Chung Nhân
EXO Suho: Kim Tuấn Miên
NCT Johnny: Từ Anh Hạo
Red Velvet Irene: Bùi Châu Hiền

playlist dưới comment.

cái này cho em lang, chị mei, cua, chị giun, em chi, những người đã đi cùng mình qua một đoạn nào đó với sejun, kể cả khi giờ mình còn chẳng nói chuyện với nhau mấy, hay mình vẫn nói với nhau suốt ngày. rồi tiếp theo là cho nhà hàng, cũng là công trình bốn năm của mình, và các bạn đã follow nhà hàng. cuối cùng là cho mình của những năm trước, vẫn còn vô tư lắm.

điểm nhìn là Chung Nhân.

Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia.
Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn
Trang nhật ký xé trăm lần lại viết
Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau.
- Có một thời như thế, Xuân Quỳnh

1.

Để mà nhớ thì, Thế Huân dạo đó lúc nào cũng im im.

Tính nó trước kia cũng dễ ngại, nhưng mà chưa đến cái mức khép mình, chẳng nói chuyện với ai. Tôi không biết nó bị cái gì, liệu có đơn thuần là ảnh hưởng từ "chuyện đó", hay là chuyện mẹ nó bỏ đi mãi mãi, hay là một chuyện gì sâu xa hơn mà đến cả thằng bạn chí cốt là tôi nó cũng không nói cho nghe. Nhưng dạo này nó trông buồn thảm quá, đến mức giữa một ngày nắng hè đẹp như thế này, nhìn mặt nó, người ta cứ ngỡ nó phải dầm mưa mười năm đằng đẵng.

Bàn về "chuyện đó", thì thực ra có đến hai "chuyện đó" - một chuyện đó to, cả cái chợ hoa quả này đều biết, thậm chí lan đến quận khác cũng biết, ai cũng bàn tán ồn ào, xôn xao: con gái ông Ba bán đồ vàng mã cùng người yêu dùng mìn tự sát. Cái "chuyện đó" này diễn ra đã từ nửa tháng trước, nhưng vì lần đầu tiên cái chết xảy đến thật đột ngột, dã man và - theo lời mẹ tôi - trơ trẽn đến thế này, nên người ta cứ bàn mãi. Phụ nữ trong chợ chẳng ai ưa chị con gái, nên chị chết đi rồi, người ta càng bàn tán tợn. "Cái loại phụ nữ lăng loàn như nó...", người ta gọi chị như thế, không một ai biết lời đó đúng hay sai, nhưng người ta cứ gọi. Tôi đã nghĩ nếu tôi là chị, tôi sẽ chết đi trong tủi hổ vì bị cả thiên hạ hắt hủi. Vậy mà chị chết thật - mà không phải  vì xấu hổ, tủi thân, chị chết vì tình, một điều thật đẹp đẽ và thiêng liêng. Đến tận phút cuối, trong lá thư chị để lại cho nhà, chị vẫn không nói một lời nào về việc cả đời bị coi là loại điếm đàng, không uất hận ai, không hờn trách ai. Cả lá thư tuyệt mệnh của chị chỉ có lời xin lỗi: xin lỗi bố mẹ, ông bà vì bất hiếu, xin lỗi anh chị, bạn bè vì sớm ra đi, nhưng chị nhất quyết không xin lỗi vì đã tồn tại trên đời.

Lý do tại sao chuyện này liên quan mật thiết đến sự thay đổi của chúng tôi, thì phải nói thêm một chút nữa: Thế Huân có hai đứa bạn, một là tôi, một là Từ Anh Hạo. Chúng tôi bằng tuổi nhau, đã biết nhau từ khi còn quấn tã, chơi với nhau đến tận bây giờ. Người con gái đã chết kia là chị gái của Anh Hạo, là người thay bố mẹ Thế Huân chăm nó suốt ba năm trời.

Bố mẹ Thế Huân đi xa xứ kiếm tiền, biền biệt mấy tháng trời mới về, mà về được năm, bảy ngày lại đi ngay. Nó nói với tôi rằng bây giờ nó không còn buồn khi phải chia xa bố mẹ nữa, rồi đôi lúc, khi ở một mình, nó thử tưởng tượng ra gương mặt bố mẹ nó mà không tài nào nhớ cụ thể được. Hai người, nó bảo tôi, giờ chỉ giống như hai bóng ma lúc ẩn lúc hiện, khi ngủ với bố mẹ, ý nghĩ ấy ập đến, làm nó run rẩy, sợ hãi, thao thức cả đêm. Ngủ với ma.

Trước khi chị gái Anh Hạo qua gọi nó sang ăn cơm cùng nhà chị, Thế Huân đã lang thang mọi nơi, xin cơm mọi nhà, thậm chí có lần, giữa ban trưa nắng chang chang, nó đạp xe nửa vòng thành phố chỉ để ăn một bữa cơm với ông bà ngoại. Nhưng chỉ độ gần một tiếng sau, người ta đã thấy nó đạp xe chạy về, mặt đầm đìa nước mắt. Chưa bao giờ nó kể với chúng tôi tại sao nó khóc. Từ đó chị của Hạo cưu mang Huân, xin bố mẹ chị cho nó vào ăn như người nhà.

Ba năm. Ba năm đó, đủ để Thế Huân đứng thẫn thờ như đã chết trong ngày chị ra đi. Ngày đó, cả gia đình Hạo khóc, nhưng riêng Huân đứng thẳng, trang nghiêm, khoé mắt đỏ quạnh, vậy mà không rơi nổi một giọt nước mắt. Sự thật là, sự ra đi của chị không chỉ thay đổi riêng Huân, mà thay đổi cả Hạo, cả tôi, cả mối quan hệ tồn tại giữa ba chúng tôi. Phải làm thế nào khi chị đã có ảnh hưởng sâu nặng đến hai trong ba đứa, còn tôi, đứng ngoài vòng quan hệ đó, lững lờ như một bóng ma, chỉ biết nhìn hai bạn mình dần lún sâu vào nỗi đau mà không làm gì được. Đối với Anh Hạo, chị là bầu trời, là biển cả, là người đỡ nó khỏi những trận đòn của người cha nát rượu; đối với Thế Huân, chị là sự sống, là bữa cơm có đủ canh đủ mặn, là chiếc xe đạp chị cho để đạp đi học thay cho con xe cũ rỉ sắt. Còn đối với tôi, chị chỉ là một người con gái đẹp lại dịu dàng, và sau khi chị chết, chị không hơn gì một bóng ma.

"Chuyện đó" thứ hai là chuyện được liệt vào hàng bí mật hàng đầu của xóm chợ, chỉ có ba đứa chúng tôi biết: Thế Huân thích anh Tuấn Miên.

Không biết nó thích từ bao giờ, và có lẽ nếu chúng tôi không ghìm nó xuống đất mà gặng hỏi cho bằng được, chúng tôi cũng không biết rằng nó thích Tuấn Miên. Chuyện xảy ra vào thứ Ba tuần trước, trên đường về nhà, thằng Hạo nói bâng quơ về việc tình yêu học trò của người ta sao mà đẹp quá, rồi Thế Huân mới buột miệng để lộ cho chúng tôi về mối tình hai năm của nó. Nếu như tôi không kéo nó lại, nếu như Anh Hạo không ôm chặt lấy nó, Thế Huân ắt đã chạy trối chết, và chỉ sau ngày hôm đó thôi chúng tôi sẽ sống với một phát hiện nửa vời, làm lòng tôi bứt rứt. Lúc kể, mặt Thế Huân cúi gằm, hai vành tai đỏ lên, giọng run run. Tôi đã nghĩ lúc đó nó chỉ đơn giản là ngượng ngùng, nhưng ngẫm lại, có lẽ nó cảm thấy một điều gì đó còn tệ hơn - tủi hèn, nhục nhã. Anh Hạo đã im lặng suốt một ngày sau đó, đến hôm sau nữa, nó mới bảo với tôi: "Này, mày nghĩ thằng Huân có nghiêm túc không?"

"Sao lại không?"

"Thì không... nhưng mà, tao hơi sợ."

"Sợ gì."

"Thì... sợ nó chết."

Chuyện là, Thế Huân bị ám ảnh bởi cái chết, bởi những bóng ma, bởi sự chia cắt, điều đó cả tôi với Hạo đều biết. Nên chúng tôi sợ rằng những bóng ma nó sợ kia sẽ còn theo đuôi nó lâu rất lâu, rồi chậm rãi, nhẹ nhàng mang tình yêu xa khỏi tầm với của Thế Huân, đập nó thành từng mảnh vụn mà hai chúng tôi không hề hay biết để cùng nó bảo vệ tình yêu ấy. Kể cả không phải vì sự ám ảnh của Thế Huân, thì tình yêu của nó cũng sẽ nát vụn mà thôi, tôi đã nhìn thấy tình yêu này trong một người đàn ông khác trong vùng, nhìn thấy kết cục của anh - anh bỏ đi biệt xứ, người anh yêu thì bị ép lên xe hoa với một thiếu nữ khác. Tôi e rằng số phận của Thế Huân và Tuấn Miên cũng sẽ như thế. Ấy cũng là điều Anh Hạo e sợ, và bản thân tôi cũng thấy hơi rợn người khi nghĩ đến.

Thế Huân hơi ngỡ ngàng khi chúng tôi nói rằng dù nó thích ai đi nữa, nó vẫn là bạn chúng tôi. Khi đó, chúng tôi đang ngồi với nhau ở hiên nhà Anh Hạo. Mùa xuân vừa kịp tàn đi, nhường đường cho mùa hạ, và chúng tôi đang vừa thi giữa kỳ hai xong. Anh Hạo đã bắt đầu đề xuất những chỗ chơi trong kỳ nghỉ hè - bố nó có một con xe rất xịn, và đồng ý chở chúng tôi đi khuây khoả vài ngày đầu tháng sáu. Có lẽ chính bản thân bác đang muốn thoát ra khỏi nỗi ám ảnh với cái chết của cô con gái ruột. Lúc ấy là ban trưa, nhưng nắng không quá gay gắt. Nắng nhẹ rải những khoảng vàng khắp hiên khiến tôi cảm thấy ba thằng như những con mèo sưởi nắng.

Tôi nhớ rằng lúc đó tôi đã ao ước rằng chúng tôi sẽ mãi như thế này - Anh Hạo ngồi bên trái tôi, Thế Huân ngồi bên phải, tựa đầu lên vai tôi, gà gật ngủ. Hai vai tôi tê rần, chân cũng tê rần vì ngồi quá lâu, nhưng cảm giác trở thành điểm tựa cho hai thằng bạn thân nhất làm tôi cảm thấy mình bỗng trở nên thật lớn lao. Tôi đã ước như thế. Như thế đấy.

2.

Anh Tuấn Miên có một cô em họ tên là Châu Hiền.

Châu Hiền được coi là người con gái xinh nhất vùng, và thỉnh thoảng, hồi chị thằng Hạo còn sống, người ta thích đem chị ấy và chị Hiền ra so với nhau xem ai mới là người đẹp hơn. Nhưng giờ chị Hạo không còn ở đây nữa và người ta tránh nhắc đến chị như tránh tà ma, còn Châu Hiền thì vẫn lặng lẽ một mình, không yêu ai, kể cả có là con trai ông lái buôn giàu sụ lặn lội nửa vòng thành phố sang xin kết duyên với chị. Tôi đoán ai mà đọc sẽ cho rằng tôi đúng là thằng dở hơi khi nhắc đến một người con gái gần như chẳng có quan hệ gì với chúng tôi thế này, nhưng mùa hè năm ấy, Châu Hiền đã có một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi.

Từ "chuyện đó", nhiều "chuyện khác" xuất hiện. Tình trạng của bố Anh Hạo không khá khẩm lên mấy. Bác hút thuốc nhiều hơn, uống rượu nhiều hơn, cũng vì thế mà trút giận lên Anh Hạo nhiều hơn. Đôi lúc tôi thấy Hạo đến lớp với những vết thương trên cẳng tay, và nó cũng ngừng đi đá bóng với chúng tôi, với mấy thằng cùng lớp, ngày ngày lủi thủi với cây đàn.

Cũng trong thời gian đó, Thế Huân tỏ tình với Tuấn Miên rồi. Châu Hiền, giữa những cơn mộng mị và sự sợ sệt của chúng tôi trước cái xã hội sẽ đày đoạ Thế Huân cùng tình yêu của nó, xuất hiện thanh thoát như một nàng tiên giáng trần vào một chiều có mưa. Chị tách Huân khỏi chúng tôi, và chị hỏi: "Thằng bé này thích Tuấn Miên đúng không?"Gương mặt xinh đẹp của chị nhăn nhó, nhưng trông chả khó coi hay ngạo nghễ chút nào, mà vẫn làm chúng tôi ngơ ngơ ngác ngác vì quá xinh đẹp. Và Thế Huân không đáp. Mặt nó cúi gằm, ánh mắt nhìn từ góc nhìn của chị Hiền ắt là trông dữ dằn lắm, sáng quắc, như ánh mắt một con thú hoang chỉ chờ chực tấn công. Nhưng Châu Hiền chẳng sợ gì vẫn nắm cổ tay nó rất chặt, chị nói, nghiêm túc đến mức khó tin - bởi lời chị nói hỡi ôi sao nghe nó thiếu nghiêm túc quá!: "Chỉ cần em nói có, chị sẽ giúp em tỏ tình với Tuấn Miên."

Lúc nghe chị nói thế, tôi và Hạo chỉ biết há hốc mồm ra. Châu Hiền, với vẻ mặt nhăn nhó đẹp tuyệt trần của chị, quay đầu bỏ đi ngay khi vừa dứt lời. Không ai trong chúng tôi đứng dậy hay chạy theo chị, chúng tôi nhìn chị, rồi nhìn nhau, rồi chúng tôi hét lên, tay chân quýnh quáng quàng vào nhau, chúng tôi nhảy chồm chồm lên và hét vào mặt nhau những câu không rõ chữ. Vậy là Châu Hiền đã biết! Thế Tuấn Miên, Tuấn Miên có biết không? Chao ôi! Châu Hiền biết thì sao Tuấn Miên lại không biết! Nhưng Tuấn Miên nghĩ gì? Tuấn Miên có thích Thế Huân không? Tuấn Miên có định tỏ tình không? Những câu hỏi không thể nào nói ra giữa sự hoảng loạn, phấn khích cùng sợ hãi, chúng tôi cứ thế mà chia tay nhau dưới bóng chiều tà, mỗi đứa có một tâm trạng riêng.

Mấy ngày sau, Thế Huân cứ ngẩn ngơ mãi. Trong lớp học, nó cứ chống cằm nhìn trái nhìn phải, hoặc nhìn bảng một cách đờ đẫn, để lộ rõ cái vẻ đầu óc trên mây. Anh Hạo ngồi cạnh nó thì cứ tủm tỉm cười, xem chừng khoái chí lắm, thỉnh thoảng còn khều tôi xuống xem cái vẻ của cậu trai được theo đuổi nhiều nhất khối khi yêu. Nắng hè làm cái tình yêu của Thế Huân trong mắt tôi như được lắp thêm một lăng kính đáng yêu, trong trẻo làm sao; cái cảm giác ngưỡng mộ thứ tình cảm trong ngần ấy âm ỉ trong lòng tôi qua bao tháng ngày, đến tận sau này tôi vẫn không quên.

Dạo này hai thằng nhỏ không sang nhà tôi chơi nữa. Anh Hạo đang bận rộn với một điều gì đó trong nhà, còn Huân thì đang dành chút thời gian ngắn ngủi với bố mẹ - hai người về trong lúc nó đang đi học, và khi đi về nhà cùng Huân, tôi đã thấy nó toan muốn quay đầu bỏ đi chỗ khác khi thấy trong nhà có người. Nó vẫn luôn sợ sệt như thế. Trước kia, tôi phải thú nhận, tôi không tài nào hiểu được tại sao Thế Huân luôn tỏ thái độ chống đối với bố mẹ nó, nhất là khi hai bác còn gặp nó chẳng nhiều bằng nó gặp ông thầy dạy thay môn Toán trên lớp trong thời gian thầy chủ nhiệm chúng tôi phải xin nghỉ để chăm sóc người ốm ở bệnh viện tỉnh. Khi đã vỡ lẽ về tình cảm của nó, tôi nhận ra nó chỉ đang cố bảo vệ chính mình, con tim mình, cơ thể mình, số phận mình, trước một thế giới không biết dung thứ và không bao giờ chịu học cách dung thứ. Trong giây phút giác ngộ ấy, tôi trộm nghĩ rằng sự tồn tại của tôi với nó thật lớn lao. Điều ấy làm cho lòng tôi thanh thản và kiêu hãnh đến lạ lùng.

Ngày bố mẹ Thế Huân vừa đi, nó chạy ngay lập tức qua nhà tôi, gương mặt sáng bừng niềm hạnh phúc.

"Tuấn Miên vừa tỏ tình với tao."

Nó nắm chặt lấy tay tôi, thì thầm, và giây phút ấy, tôi cũng hạnh phúc y như nó vậy.

Tối đó, Thế Huân ở lại nhà tôi ăn cơm. Mẹ tôi, người đã coi Thế Huân và Anh Hạo là hai thằng con không chính thức trong nhà, niềm nở mua nấu dư cơm đủ cho ba người nữa ăn, vừa xới thêm cơm vừa cằn nhằn về bố mẹ Huân. "Bố mẹ mày ấy, chán lắm, Huân ạ." Bà nói, một tay đưa bát cơm đầy ụ cho Huân, một tay rót thêm vào cốc của nó trà đá mát lạnh. "Mày sang đây mà ở với bác, bác chăm mày còn tốt hơn nhiều. Thằng Nhân cũng chả ngại, đúng không hở, cu con?" Mẹ hất mặt nhìn tôi và tôi lặng lẽ gật đầu. Rồi tôi đánh mắt về phía nó, nháy nháy. Nó cười với tôi.

Đêm, tôi đá nó vào phía trong giường để tôi nằm phía gần cửa sổ, tôi ép nó kể hết về những ngày qua: chuyện bố mẹ nó, chuyện đi gặp Châu Hiền, chuyện Tuấn Miên. Chúng tôi nói chuyện với nhau đến quên trời quên đất, và khi ngừng lại, trời đã về khuya, nhưng tim chúng tôi vẫn đập thình thịch trong sự vui thú tột cùng, như thể mới nãy thôi chúng tôi vừa cùng nhau đá bóng cả chiều, chứ không phải chỉ nằm kể nhau nghe chuyện tình báo yêu đương.

Thế Huân nằm cạnh tôi, ngửa mặt nhìn trần nhà. Tiếng quạt quay đều, vang vọng trong đêm. "Chung Nhân." Trước khi ngủ, Thế Huân gọi tên tôi, hai mắt nó vẫn nhìn chằm chằm vào điểm xa xôi vô định, nhưng tay nó tìm đến cổ tay tôi, nắm chặt đến phát đau. "Tao đang rất hạnh phúc."

"Rồi sao lại nắm tay tao chặt thế? Biết rồi, ông tướng ơi." Tôi than vãn, nhưng nó chỉ nới lỏng một chút rồi lại nắm chặt gấp đôi. Nó gọi tên tôi trong đêm, cái tên tôi đã nghe quen tai, thì thầm như nói một bí mật. Cảm giác khi ấy nghe tên mình thật lạ lẫm làm sao.

"Phải sống." Nó nói thêm hai từ đó. Hai từ vỏn vẹn thốt ra nhẹ nhàng, nhanh chóng tan vào màn đêm.

3.

Dường như cha của Hạo đã bị ám rồi.

Thế Huân, cõng Anh Hạo trên vai, chạy qua nhà tôi, thì thầm như thế. Hôm đó là một ngày cuối tháng năm, trời nắng chang chang, nhưng rất xanh, trong vắt. Anh Hạo nằm ngủ ngon lành trên vai Huân, hai mắt nó thâm quầng, chắc đã mất ngủ rất lâu. Tuổi này của bọn con trai chúng tôi thức đêm thức hôm là chuyện bình thường, nhưng có lẽ quầng thâm của Hạo còn đến từ nhiều điều khác, như chuyện nó phải nghe tiếng mẹ khóc nấc hàng đêm, hay tiếng mắng chửi rợn người của bố nó, to đến mức người ta bảo đầu phố còn nghe được. Huân kể với tôi, nó chỉ định qua rủ Hạo đi chơi, ai dè gặp đúng cảnh bố nó dọa đánh, liền xông vào kéo nó đi. Dọc đường, Hạo than buồn ngủ, thế là nó cõng thằng bé sang tận nhà tôi.

Tôi cùng Huân bê Hạo lên phòng. Đích xác là bê lên, với tôi xốc nách nó, còn Huân thì cầm chân, nâng nó giữa không trung, từng bước hồng hộc mang đi. Hành trình gian nan đến thế mà Anh Hạo vẫn ngủ ngon như chết, làm tôi bị bực mình vô cớ, chỉ muốn nhéo mũi nó đến khi nó kêu oai oái mới thôi. Mẹ tôi nhìn ba thằng choai choai mà cười như nắc nẻ, mãi rồi bà quay vào bếp, cắt mấy quả cam mới mua, ép thành ba cốc nước mát lạnh. Khi mẹ mang nước cam lên, Anh Hạo và Thế Huân đã thành công chiếm trọn cái giường cạnh cửa sổ quý giá của tôi, còn thằng con quý hoá của mẹ thì đang phải ngồi đất mà ngước nhìn chúng nó đầy ai oán. Bên cạnh mấy cốc nước cam, mẹ cũng mang theo gần chục quả quýt rửa sạch, còn đựng trong chậu, trên mặt vỏ vẫn lấm tấm nước lóng lánh trong nắng. "Ăn đi, mấy cái thằng loi choi này." Bà bảo. "Ăn nhiều chóng lớn."

Huân với tay lấy một quả quýt, cẩn thận bóc ra sao cho lớp vỏ quýt không đứt, xong lại tùy tiện vứt lên bậu cửa sổ phòng tôi. Nó vỗ vỗ mặt Anh Hạo để gọi thằng nhỏ dậy, mà vỗ đến cái thứ sáu, thứ bảy, Hạo vẫn chẳng chịu mở mắt. Thế Huân nhăn mặt, cũng không cố gắng nữa. Nó hất mặt về phía tôi. Thế là tôi lấy chân đẩy nhẹ người Hạo, mới đầu, nó vẫn cố chấp nhắm tịt hai mắt, rồi cũng chịu thua, lồm cồm bò dậy.

"Này, ăn đi." Hạo nhận lấy quả quýt bóc sẵn từ Thế Huân, bẻ ra, chia cho tôi một nửa. "Tao sẽ ổn thôi. Rồi lại đâu ra đó hết ấy mà." Đoạn, Hạo đẩy tôi lui về phía đầu giường để ngả lưng ra, đút cả nửa quả quýt vào miệng mà nhai nhồm nhoàm. Mắt thằng bé nhắm tịt lại, họng rừ rừ như một con mèo hạnh phúc. "Mày ngủ nhiều quá." Tôi cằn nhằn với nó, nhưng cũng không làm gì thêm. Nó rướn người lên, cố tình gối đầu lên đùi tôi, cười khúc khích. Quá trưa, ai cũng ngủ rồi, chỉ còn mình tôi thao thức mãi. Rồi mình sẽ ổn thôi, tôi tự nhủ, tự thấy bản thân thật yếu đuối.

4.

Cái nơi này tiêu điều như một bãi tha ma khổng lồ, mẹ tôi bảo thế. Nhưng tôi thấy bãi tha ma này cũng có chỗ đáng yêu.

Nó đáng yêu vì nó có tôi, có bố mẹ, có Huân, có Hạo, có anh Miên, chị Hiền, có thầy cô, có bạn bè tôi. Nó đáng yêu vì nắng hè rất trong khi rơi trên hiên nhà tôi, còn mưa rào xối xả trên mái tôn thì lúc nào nghe cũng thật vui tai. Nó đáng yêu ở mùi cá kho mẹ, hoặc vị ngọt của cốc nước cam ba thằng chúng tôi đã uống, hoặc tiếng đàn mà Hạo chơi, tiếng Huân lẩm nhẩm hát theo, hay tiếng cười của những người tôi đã yêu thương. Có lẽ tôi yêu cái mảnh đất này như cách con người ta yêu một giấc mơ rất đẹp. Tôi chỉ cảm thấy an toàn, và khi mà mình cảm thấy an toàn rồi, yên ổn rồi, chắc cũng chẳng mấy người nghĩ đến chuyện rời đi?

Dù sao thì nhà tôi cũng là một trong những gia đình ít ỏi vẫn còn đủ ăn đủ mặc mà cảm thấy mình còn gắn bó được với mảnh đất này. Mọi người đã lục tục rời đi. Hôm trước là tin đồn nhà anh Miên sẽ gửi anh và chị sang nước ngoài du học, hôm nay thì hẳn hai bạn nữ trong khối tôi rời đi. Thừa Hoan lớp tôi và Tú Tinh lớp bên cạnh. Trong tiết văn, chúng tôi thì thầm với nhau về việc rời đi hay ở lại. Anh Hạo hôm nay không đến lớp, chỉ có tôi và Thế Huân chụm đầu ở bàn cuối bàn chuyện "kinh bang tế thế". Thế Huân chắc mẩm hai, ba hôm nữa sẽ đến những người khác, như là Thái Dung, hay Tại Hiền, hay Tư Thành lớp dưới. Nó liệt kê hết các gia đình còn chút của ăn của để ra xem ai có khả năng phải nói lời tạm biệt nhất. Bao gồm cả anh Tuấn Miên, chị Châu Hiền, cả Anh Hạo. Tôi và Thế Huân hiển nhiên không nằm trong danh sách đó. Chúng tôi viết ra được danh sách hơn một tá cái tên, rồi đột nhiên bần thần, không biết nói gì tiếp.

"Này, chắc thằng Hạo không đi đâu, nhỉ?" Thế Huân nhìn tôi, mặt nó nhăn nhó đúng cái vẻ nhăn nhó mỗi khi nó lo sốt vó cho một cái gì đó.

"...Ừm, nếu nó đi nó sẽ nói mà, đúng không?"

Thế Huân thở dài. Tôi nhanh chóng chuyển sang chủ đề khác. "Này, thế còn anh Miên chị Hiền? Bao giờ hai anh chị đi đấy?"

Huân liếc tôi, hai mắt mở to. "Mày vẫn chưa biết à, Châu Hiền không đi đâu nữa." Đoạn, nó quay trái quay phải, thấy cô giáo vẫn đang chăm chú với bài văn trên bảng, nó mới lí nhí tiếp tục. "Chỉ Miên được đi thôi. Mọi người không cho chị Hiền đi, chả biết tại sao. Nghe bảo chị cãi nhau với bố mẹ để được đi học, nên bác cáu, bác đập vỡ cả bát cơm giữa mâm. Ghê lắm."

Tôi gật gù, lòng tự dưng dâng lên một nỗi niềm thương cảm cho chị. Tôi tự hỏi lời nguyền gì đã giăng lên nơi đây, về cái đọa đày trong yêu thương của bố mẹ với con cái mà chỉ đem đến sự bức bối. Buổi ra chơi hôm đó im lặng theo một cách thật u sầu.

Cũng trong ngày hôm ấy, tôi vô tình gặp anh Miên và chị Hiền trong hoàn cảnh mà tôi rất không muốn phải trông thấy. Thế Huân về trước vì cần đi gia sư, nên tôi đi bộ vài vòng quanh trường, mua cho hai anh em vài que kem, rồi mới thủng thẳng dắt xe đi về. Lúc đấy tôi cứ nghĩ trường chẳng còn ai. Đời ai biết được chữ ngờ.

Hai anh chị đứng ở vị trí khá khuất, nhưng vì trường không có ai khác nên từ tiếng cãi nhau tôi nhìn ra được chỗ đứng của anh chị không quá khó khăn. Cả Tuấn Miên lẫn Châu Hiền đều mang nét đau đớn trên mặt. Họ cãi nhau qua lại, còn tôi thì trốn lủi vào sau gốc cây bàng, tai loáng thoáng nghe được âm thanh của sự giận dữ vang khắp sân trường im lặng. Tôi đứng đó, lạc lối trong phỏng đoán của mình, cho đến tận khi âm thanh cãi cọ đã ngừng lại. Tôi chậm chạp dắt xe ra khỏi chỗ trốn, chỉ để thấy chị Châu Hiền cũng đang dắt xe đi về từ hướng ngược lại.

Chị nhét tôi xuống ghế đá gần đó, nói một câu xin lỗi vì đã làm phí phạm thời gian của tôi, rồi kể cho tôi nghe mọi thứ. Về cơn giận dữ, về nỗi đau. Trong giây phút ấy, tôi từ "thằng em hay lẽo đẽo đi theo Thế Huân" thành "người có thể nói chuyện cùng", và điều đó làm tôi cũng hơi tự hào.

Châu Hiền nói vu vơ: "Em đã bao giờ thấy đứa con gái nào giận dữ chỉ vì nó sinh ra làm con gái chưa?" Tôi ngồi im, tôi không dám đáp rằng tôi nhìn thấy rồi, cái cơn giận âm ỉ đau thấu xương ấy, tôi đã trông thấy hết qua hình ảnh của chị.

"Miên sẽ sang Châu  u sớm thôi." Chị nói tiếp. "Cả nhà đã dự định cho Miên đi. Miên giỏi mà, nên anh đi cũng không mấy ngạc nhiên... Nhưng mà, còn chị thì sao? Mười hai năm đèn sách, chị cũng thi đỗ, tại sao lại ngăn chị lại?"

Chị Châu Hiền nhìn tôi và nhăn mày, cái nhăn mày không phải tỏ ý thương hại hay ghét bỏ, nó nói với tôi rằng chị đang đau đớn. "Ai rồi cũng đi thôi." Tôi lặp lại với chị lần nữa. "Nhưng em sẽ không. Em không đi được, bố em bảo cả nhà em sẽ chết tại quê hương, không đi đâu hết." Chị thở dài, ngồi xuống bên cạnh tôi, lấy tay lau đi một giọt nước mắt trào ra từ khoé mi.

"Thế thì chị em mình sau này giúp đỡ nhau, Chung Nhân nhé." Chị nói, đôi mắt hướng về phía xa xăm. Tầm hai, ba tháng nữa, Tuấn Miên sẽ đi du học. Tôi nghe bảo anh sẽ sang Châu  u. Tôi nhớ đến câu nói cuối cùng trước khi nó bỏ đi ban nãy. Tao sợ là mày sẽ rất cô đơn.  Thì sao chứ?

"Về nói với Thế Huân." Châu Hiền nắm chặt lấy tay tôi. "Bảo nó phải đi. Ở lại nơi này, thằng bé chỉ có khổ đau mà thôi."

Trong bóng hoàng hôn đỏ rực như máu, chị Châu Hiền quay gót và lẳng lặng bước đi. Bóng lưng chị vốn đã nhỏ nhắn, rồi lại càng nhỏ hơn, tan dần vào ráng chiều rực đỏ. Tôi đứng thẫn thờ đến tận khi chị đã đi khuất một quãng xa. Cây kem tôi mua đã tan hết thành vũng nước màu tím nhạt, lõng bõng trong túi đựng. Tôi thất thểu vứt túi kem chảy vào thùng rác, rồi hai chân như bị phù phép mà cứ nhanh dần lên, rồi chạy, chạy, chạy. Cảm giác như con đường quen hôm nay dài và rộng một cách bất thường, và trong lòng tôi dâng lên một cảm giác gì đó gần giống cơn đau quặn thắt.

Tôi mang nốt túi bánh sang cho Huân, hôm nay, nó lại đi gia sư cho cu em cấp hai nhà cuối phố. Lúc gặp tôi, nó cười toe toét, bàn tay chìa ra, làm điệu bộ lễ phép như đang nhận lấy sự ban ơn. Cái điệu bộ kịch cỡm ấy làm tôi cũng bật cười theo, và trong cơn vui ngơ ngẩn ấy, tôi gần như đã quên mất câu chuyện của hai anh em Tuấn Miên. Thế Huân bắt đầu kể chuyện đi chơi của nó với người yêu - "hôm nay bọn tao đã nắm tay nhau đi hết vòng hồ mà chẳng một ai thấy!", hai tay nó quờ quạng trong sự phấn khích, dẫu giọng nói thì nhỏ xíu để không ai nghe được bí mật của chúng tôi. Tôi tưởng tượng thử cảnh tượng ngốc xít ấy, những bàn tay không thể yêu đan vào những bàn tay không biết yêu. Huân cứ thao thao bất tuyệt mãi.

Đôi lúc tôi nhìn Thế Huân và nghĩ tới hình ảnh nó đang nâng niu một con mèo sắp chết. Con mèo ấy là tình yêu của nó, lúc nào cũng ngấp nghé miệng tử thần, hung bạo cào lên tay nó những vết xước dài. Đôi lúc tôi ước gì cả Thế Huân, hay Anh Hạo, hay anh Miên, chị Hiền, tất cả đều là những con mèo, để tôi có thể nâng niu, để tôi bảo vệ cho thật kĩ. Rồi khi ấy sẽ chẳng còn ai khổ đau, hay còn ai rời đi trong cô độc, thế thì tốt biết mấy. Tôi nghĩ đến những con mèo - những con mèo trong bức tranh mà người ông quá cố của tôi từng vẽ, chúng nằm ườn dưới nắng, chúng chơi đùa bên bờ rào, chúng nằm yên tận hưởng từng cái âu yếm của con người, chúng vô lo làm sao. Những cuộc đời đáng mơ ước làm sao, tôi nhớ đến những con mèo đó với nỗi ngậm ngùi, tủi thân cho một kiếp làm người.

Chúng tôi cười đùa với nhau đến sập tối. Huân rủ tôi sang nhà Anh Hạo, nó để quên áo khoác hôm qua, nay quay lại lấy. Dọc trên đường về, chúng tôi mua thêm một túi kem nữa, đặc biệt có rất nhiều cây kem đậu xanh Hạo thích. Chúng tôi đã nghĩ, khi đến nơi, chúng tôi sẽ  chạy một mạch lên phòng nó, rồi chiếm bàn học nó ngồi ăn kem. Nhưng khi chúng tôi đến, bố mẹ Hạo không có ở nhà, chỉ có mình nó ngồi thơ thẩn ở cửa. Đến tận lúc tôi đứng trước mặt nó Hạo mới nhận ra chúng tôi đã đến. Trông nó phờ phạc hơn cả cái hôm chúng tôi đá bóng từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều, như thể phù thủy đã đến và cướp đi ba mười năm cuộc đời nó.

"Bố đập vỡ cây đàn của tao rồi." Anh Hạo nói, giọng nó lạnh tanh. Mắt nó đỏ ngầu, nhưng hốc mắt ráo hoảnh. Nó đã từng không đủ dũng cảm để nhắc đến bố - người như đã chết đi rồi hoá ma hoá quỷ sau cú sốc mà cô con gái cả để lại, người đã vô tình bóp nghẹt sự sống heo hắt còn sót lại trong căn nhà vốn dĩ đã ngột ngạt vô cùng ấy. Giờ đây, nó nhắc đến ông nhẹ nhàng như một người dưng, như một bóng ma vô tình lướt qua đời nó.

Tôi cảm thấy một nỗi bất an, rằng điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra. Điều ấy làm tôi buồn nôn.

5.

Mấy hôm sau, Hạo đến lớp hôm được hôm không.

Nó quay trở lại với cái vui vẻ ngày thường, vẫn trong giờ học quay xuống trêu tôi, hay lân la ăn hết nửa hộp xôi của Thế Huân, hay đi đá bóng buổi chiều. Chỉ là thỉnh thoảng nó lại biến mất, rồi hôm sau xuất hiện không có lời giải thích. Điều ấy làm tôi bất an nhiều hơn là bực bội.

Tuần này, ngoại trừ thứ Hai, nó đã nghỉ tròn ba ngày. Tôi qua nhà nó vào thứ sáu, trường cho nghỉ học. Lúc tôi đến, Hạo ra ngoài cùng bố nó có việc, chỉ còn mẹ nó ở nhà, lau dọn căn phòng khách trống hoác. Tôi cảm giác được cơn buồn nôn chuẩn bị dâng lên trong cổ.

"Các cháu tìm Hạo đi chơi à?"

"Dạ, nay trường cho nghỉ học. Mà dạo này Hạo nghỉ nhiều vậy hả bác? Hạo bị ốm ạ?" Huân hỏi mẹ Hạo, tay nó còn vắt qua cổ tôi, các ngón tay xách quai túi ni lông đựng một ít bánh kẹo tôi mang từ nhà đi cho Hạo. Bác nhìn tôi, rồi định quay đi mà không nỡ.

"Hạo nghỉ học luôn, cháu ạ. Bố nó đang sắp xếp giấy tờ cho nó rời khỏi đây."

"Anh Hạo đi đâu ạ?" Chúng tôi quay đầu nhìn nhau, rồi quay đầu nhìn mẹ Hạo, không biết nói gì hơn.

"Nó đi Mỹ. Ở cái nhà này không ai sống được đâu, cháu à." Mẹ nó đáp lại, tiếng thở dài kết câu nặng trĩu. Cơn nắng trưa đổ qua gương mặt bác làm lộ rõ dấu vết của năm tháng. "Bác cũng được gần hết đời người rồi, nhưng thằng Hạo phải đi. Rời khỏi đây mới sống được. Rời khỏi đây... chị gái nó mới không làm đau nó được nữa..."

"Thế Huân, cháu cũng xem xét, phải đi đi thôi." Tôi giật mình, lại quay sang nhìn Thế Huân. Hai mắt nó mở to, mặt trắng bệch, lầm bầm cái gì không ai nghe rõ rồi vội vàng bỏ chạy. Chỉ còn tôi đứng đối diện với bác, cơn đau lan rộng trong lồng ngực, tưởng như không thở được. Tôi khó khăn lắm mới mở miệng nói được câu xin bác, cho cháu những đồ Hạo để lại với, mặt tôi cứ cắm xuống đất, không đủ dũng cảm ngước lên để đối diện với nỗi đau hằn rõ trên mặt mẹ Hạo. Bác không nói gì, ra dấu gọi tôi vào trong nhà. Hạo mang gần như mọi thứ đi rồi - cái phòng nó trống hoác, chỉ còn dăm ba đĩa CD mà chúng tôi từng hùn tiền cùng nhau mua, vài cuốn sách cũ, cây ghita đã vỡ. Sao mày đi nhanh quá Hạo ơi? Tôi muốn hét vào mặt nó như thế. Còn chúng tao? Còn chúng tao thì sao?

Mà nó cũng không nghe được nữa.

Nó muốn cũng không nghe được nữa rồi.

****

Tôi và Huân cũng không đi qua đợi Hạo đi học nữa.

Hôm nay đến lượt tôi qua nhà Huân chở nó đến trường. Lúc tôi đến, nó ngồi ngay trước cửa nhà, trên tay cầm hộp xôi thịt mà nó ăn hết bốn ngày một tuần. Miệng nó vẫn còn dính hạt xôi lúc nó ngẩng đầu lên nhìn tôi, trông vừa ngốc nghếch vừa buồn cười.

"Đã nghe rét mướt luồn trong gió..." Nó xướng.

"Đã vắng người qua những chuyến đò..." Tôi đáp lời.

"Hửm." Thế Huân cười khẩy, bước ra khỏi nhà, ra xun xoe với tôi hai cuốn sách mới chẳng biết lôi từ đâu ra, thêm một túi sữa chua vị xoài. Lại đồ Miên tặng đấy, tôi nhìn mặt nó là biết ngay, chứ có thằng nào sáng ra đi ăn sữa chua túi lạnh đến buốt cả não bao giờ. Lại còn là đồ lạnh, nó biết tôi đau họng, không ăn được, nên càng cố tình khoe để chọc tôi đây mà.

"Sao không là hương ổi?"

"Vì Xuân Diệu tình hơn. Tao đang yêu mà."

"Không phải vì Miên cũng thích Xuân Diệu à?"

"Miên nào thích Xuân Diệu, anh thích Hàn Mặc Tử." Nó gằn, đánh tôi một cái. "Tao mới thích Xuân Diệu, mày đúng là thằng bạn tồi, đến thần tượng của tao còn không nhớ. Mày thì kinh rồi, còn nhớ thằng Hạo..." Nó nói đến đây, tự dưng ớ người ra, im lặng. Cái tên Anh Hạo ngày qua ngày lại càng trở thành một điều cấm kị giữa hai chúng tôi. Nó gợi về những vết thương chưa kịp lành được băng bó một cách tạm bợ, chỉ chực chờ chúng tôi sảy tay sảy chân là nứt toác ra, chảy be bét máu.

Cái chết lùi đi khi mùa hè kết thúc. Người ta trở lại với nhịp sống thường ngày, cả tiệm vàng mã nhà thằng Hạo cũng thế. Nhưng thằng Hạo đã đi cùng mùa hè, và kể cả những năm sau, mùa hè có quay lại, nó cũng không quay về với chúng tôi nữa. Thế Huân mở bóc túi sữa chua, nó cắn một miếng rồi chỉ về phía tôi mời chào. Tôi chần chừ một lát, cuối cùng quyết định từ chối. Họng tôi vẫn còn đau.

Thỉnh thoảng tôi ước gì Anh Hạo chưa đi mất. Anh Hạo lúc nào cũng tinh tế hơn tôi, nó biết Thế Huân muốn gì, cần gì, nên làm gì. Nó biết cả những điều đó ở tôi nữa. Nhưng nó đã đi rồi và chắc chắn nó sẽ không quay trở lại. Anh Hạo không thuộc về nơi đây, cái chợ hoa quả này, cái vùng đất nghèo này. Anh Hạo thuộc về một vùng đất mà nó có thể tự do vẫy vùng, nơi mà nó sẽ không bị người ta cười cợt, vì chị gái nó chết rồi, vì nó muốn chơi đàn ghita, vì nó là con của bố nó. Anh Hạo thuộc về nơi không ai gọi nó là tội đồ chỉ vì nó đã sống.

Tôi đã nghĩ thật nhiều về tương lai chúng tôi sau này. Giờ tôi chỉ có Thế Huân, Thế Huân chỉ có tôi, nhưng chúng tôi không chắc rằng cái sự có này sẽ tồn tại lâu dài. Càng ngày, càng nhiều người muốn rời khỏi nơi đây, một đi không trở lại. Tôi đã xác định mình sẽ chỉ quẩn quanh vùng đất này, vậy còn Thế Huân? Mỗi lần tôi hỏi nó tương lai định làm gì, mặt nó lại nghệt ra, nhìn như chuẩn bị khóc. "Tao còn chả biết có sống thêm được bao lâu nữa là." Nó trả lời, giọng trầm hẳn xuống, chua chát.

"Tao ích kỷ quá nhỉ?" Có lần nó hỏi tôi trong đêm. Hôm ấy nó sang ngủ cùng tôi, và lúc đó tôi vẫn chưa hiểu được sự quan trọng của đêm ấy - rằng nó sẽ trở thành đêm cuối cùng chúng tôi còn được ngủ cùng nhau. "Nhưng chẳng phải con người ta sống trên đời ai cũng ích kỷ sao? Tao muốn đi theo Tuấn Miên, mà có lẽ tao sẽ đi thật. Tao không biết nữa. Mày ở lại có cô đơn không?"

Tôi lắc đầu. Tôi sẽ buồn lắm, sẽ cô đơn lắm, chắc chắn là vậy, nhưng tôi không muốn kìm chân nó lại. Thế Huân ơi, Thế Huân à. Tôi như nghe được tiếng Tuấn Miên gọi, và tôi tưởng tượng ra hình ảnh anh đưa tay về phía Thế Huân, mặt cười rất hiền, kéo nó khỏi vũng lầy tăm tối, dắt nó về nơi ánh sáng soi rọi. Còn tôi, tôi kéo nó lên, chỉ để dìm nó xuống một vũng lầy khác. Lòng tôi đau quặn lên trước suy nghĩ ấy. "Tao sẽ để mày đi. Mày phải đi chứ. Đi để đổi đời. Ba đứa chúng mình..." Tôi đã nghĩ đến việc sẽ giữ lại cái gì của Thế Huân trong căn phòng của mình. Ở trong phòng tôi bây giờ, tôi giữ lại đống CD của Hạo, cuốn sách Vật Lý tôi mượn nó trước khi nó đi xa, cây ghita đã vỡ, mỗi sáng mở mắt ra, tôi thấy nắng chảy qua cửa sổ, rót lên những gì còn sót lại của thằng bạn thân chí cốt, vàng óng ả. Tôi lại cảm giác như có một mũi dao vừa đâm xuyên qua lồng ngực, đau không gì diễn tả nổi. 

Nhưng ba đứa chúng tôi ấy à, chỉ cần một đứa chết mục ở nơi này thôi.

6.

Câu chuyện cuối cùng xảy ra là Huân với Miên chia tay.

Tôi cũng phát hiện ra cuộc gặp mặt của hai người trong tình huống gần giống lúc anh Miên và chị Hiền cãi nhau. Tôi trốn sau bụi cây, gần vừa đủ để nhìn thấy, nghe được hai người kia làm gì, xa vừa đủ để những thân cây to lớn, xù xì đằng trước che chắn cho tôi không bị phát hiện. Tôi ngồi đó, đặt tay lên phần ngực trái lúc này cảm nhận rõ được nhịp tim đập mạnh, tay còn lại bịt miệng mình, cố gắng không phát ra âm thanh nào.

"Làm gì đấy?" Không biết tự bao giờ, Châu Hiền xuất hiện bên cạnh tôi. Chị vẫn cột tóc cao, mặc áo sơ mi trắng, trông xinh vô ngần. Trên vai chị vẫn khoác chiếc túi vải đựng đầy sách giáo khoa mà chị cầm đi gia sư. Chị quay sang nhìn tôi, cười cười. "Lén la lén lút."

Tôi toan mở lời, nhưng chị nhanh chóng lấy tay chặn miệng tôi lại, nháy mắt một cái. Thế là chúng tôi sóng vai ngồi xổm sau bụi cây, bụm miệng để tránh phát ra bất cứ âm thanh vô duyên nào, nhỏm người nhìn cuộc gặp mặt bí mật đang diễn ra trước mắt.

"Huân, anh xin lỗi." Tuấn Miên nói, giọng anh như sắp vỡ ra thành những tiếng thút thít. Tôi ngồi ngẩn người trong bụi cây, và khi tôi liếc sang phía Châu Hiền, tôi thấy chị nhắm mắt, hơi nhăn mày, như thể không nỡ xem tiếp cảnh tượng sắp diễn ra.

Tuấn Miên nắm lấy tay Huân - những bàn tay không thể yêu đan lấy những bàn tay không biết yêu, và anh nhoẻn miệng cười chua chát: "Anh không thể đi cùng em thêm được nữa rồi." Tôi có thể nhìn thấy sự ngỡ ngàng trên gương mặt Thế Huân, nhưng diễn ra rất nhanh, và mau chóng được thay thế bằng vẻ mặt cam chịu. Nó nhún vai, "à, em cũng đoán được mà", rồi giật tay ra. Nhưng rồi nó không biết làm gì với đôi tay mình, những ngón tay quờ quạng trong không khí, rồi lại đan vào nhau. Thế Huân cúi gằm mặt xuống, lặng thinh một hồi. Cuối cùng, trước khi hai mũi chân nó chuyển hướng rời đi, nó mới ngẩng mặt lên nói với Tuấn Miên:

"Anh, phải sống."

Trước khi Tuấn Miên kịp nói điều gì, Huân đã xoay người bỏ đi. Anh toan gọi nó lại, nhưng lại thôi, đứng mãi ở đấy, dõi theo bóng nó lết dài trên đất. Châu Hiền bật ra từ bụi cây, chị gọi tên nó, một rồi hai rồi ba lần, nó vẫn bỏ ngoài tai. Rồi chị nhìn Tuấn Miên và lặng lẽ bước về phía anh, vòng tay qua ôm anh. Anh tựa đầu lên vai chị, rồi bật khóc. Đây là lần đầu tiên tôi thấy anh khóc, khóc nức nở như một đứa trẻ, cơ thể run bần bật theo từng tiếng nấc nghẹn ngào.

Tôi chạy theo Thế Huân ra bãi đỗ xe. Đến lúc chuẩn bị bắt kịp lấy nó, chợt Huân dừng lại, quay người, mặt đối mặt với tôi. Đôi mắt nó đỏ hoe, làm tôi ngỡ ngàng, hết ngỡ ngàng thì chua xót.

"Tao..." Tôi định thanh minh, định nói rằng tôi không cố ý bám theo nó, rằng tôi chỉ muốn rủ nó đi chơi, tôi không biết anh Miên sẽ đến. Nhưng cùng lúc ấy, tôi nhận ra giờ tôi nói gì cũng chẳng còn nghĩa lý nữa.

Thiên đàng của tôi vỡ mất rồi.

Thế Huân lặng lẽ nắm lấy tay tôi, xoay người lại và cũng không nói thêm một câu gì. Nó kéo tay tôi đi. Chúng tôi dắt nhau ra bãi để xe trong im lặng, rồi tôi đi lấy xe đạp trong khi nó đứng trú dưới tán cây, lấy mép áo lau đi gương mặt giàn giụa nước mắt.

"Chở tao đi đi."

"Đi đâu?"

"Xa."

Nó ngồi lên xe, thì thầm với tôi như thế. Tôi đạp xe thật nhanh, tiếng gió rít bên tai càng lúc càng lớn. Lần đầu tiên, Thế Huân vòng tay ôm eo tôi. Chúng tôi đạp càng lúc càng xa khỏi chợ. Nắng vàng đổ đầy khắp chốn, mùa thu đưa những thứ hương quê trìu mến len khắp ngõ ngách, len cả vào trong da thịt chúng tôi. Thế Huân vẫn không ngừng khóc, nước mắt làm ướt cả lưng áo tôi, và có lẽ lúc này nó đang cắn môi đến chảy máu để ngăn bản thân phát ra tiếng nấc nghẹn. Tôi phanh xe kít một cái ngay trước đèn đỏ, phố xá đầu giờ chiều chẳng có ai ngoài hai thằng chúng tôi trơ trọi giữa những hàng nhà kín cửa. Ngẩng mặt nhìn trời, bầu trời xanh trong và cao lạ lùng, tôi nhận ra gò má tôi nong nóng, nhận ra là tôi cũng đang khóc, bất lực nhìn thiên đàng của chúng tôi vỡ vụn ra từng chút, từng chút, giữa một ngày thu đẹp đẽ và thơ mộng đến thế.

Thu sang rồi. Thu sang. Hạo ơi, chúng tao sẽ chết vào mùa thu này mất.

******

Nhưng rồi, chẳng ai chết cả.

Tuấn Miên đi Nga, rồi vài tháng sau, bố mẹ Thế Huân quay về, đưa nó sang Séc cùng hai người. Ngày chia tay Tuấn Miên, Huân không có mặt, chỉ có tôi và Châu Hiền. Chị đứng đến tận khi anh ra máy bay rồi mới lặng lẽ khóc, hai hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt kiều diễm, mang theo nỗi uất hận đời chị đi theo anh.

Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn. Câu thơ ấy ghim trong tâm trí tôi, ghim cả vào tim tôi, để lại một vết thương rỉ máu, mãi mãi không bao giờ lành.

Trong mắt tôi, thế giới lúc đó mới đẹp đẽ làm sao. Tựa như một bộ phim được thêu dệt tỉ mỉ, tôi làm đạo diễn, chỉ đạo từng góc cảnh, lời thoại, cốt để tôi thỏa mãn cái mong muốn một đời an ổn của chính mình. Tôi tự gọi nơi tôi sống là thiên đường, nghĩ mọi người chí ít cũng cảm thấy hạnh phúc như tôi, làm lơ đi bao đau đớn của riêng ai. Chẳng có ai trong cái vùng này là hạnh phúc - cái vùng đất nghèo buồn hiu buồn hắt này như vớ phải một lời nguyền, mà người tỉnh thì lúc nào cũng quằn quại mà sống, còn người mê thì ngơ ngẩn nhìn khắp nơi đều thấy hoa, cười hềnh hệch với chính mình. Tôi đã tỉnh rồi, ôi tôi ơi. Muộn chưa? Muộn chưa, tôi ơi?

Có lẽ, bố mẹ tôi, trong cả đời của họ và cả đời của tôi, đã hóa thành những cái cây, chôn sâu rễ xuống mười, hai mươi tấc đất của vùng quê này, và bắt chúng tôi cũng phải sống như thế. Chân tôi bám chắc lên từng lớp đất, làm gió lay không nổi, bão đổ không ngang, nhưng tôi cũng kẹt lại nơi đây.

Huân ơi, Huân ơi... Tôi thử nhại lại cách anh Miên gọi tên Huân. Kì lạ thay, lúc nào Miên gọi, Huân cũng đáp rất nhanh, hai mắt sáng rỡ như mặt trời. Anh ơi, anh ơi... Trong cơn khóc đến giàn dụa nước mắt, thấm ướt cả gối, lần đầu tiên tôi nhận ra, nỗi đau, trong lúc cô đơn, lại lớn lao đến vậy.

Suốt mười năm, tôi đã gặp lại cả Anh Hạo, Thế Huân lẫn Tuấn Miên vài lần, mà chẳng khi nào mấy người ấy về cùng một lúc, để ba thằng bạn nối khố năm nào được dịp hội ngộ, hay để mối tình dang dở ít nhất cũng được nhìn mặt nhau sau cái kết đau đớn. Tôi đoán rằng có lẽ chỉ mình tôi là người mong chờ các cuộc hội ngộ ấy - ai cũng có cho riêng mình những lí do để rời đi và không bao giờ trở lại. Phải chăng tôi đã quá cô đơn? Hai chân tôi như cắm sâu, mọc rễ len lỏi đến tầng đất thấp nhất của xứ này, ghìm tôi lại, không cho tôi đi xa. Ôi, tôi đã cô đơn quá.

Tôi gặp Anh Hạo một ngày đầu đông, và Thế Huân chỉ hai tuần sau đó. Chúng nó đều đã lớn hơn, trưởng thành, cao ngồng, gầy đi, đôi mắt trũng sâu bao nỗi niềm mà tôi sẽ không bao giờ đoán được. Thế Huân ngủ lại bên nhà tôi vài đêm, khi nó nằm cạnh tôi trên chiếc giường đã nâng niu giấc mơ của nó những ngày cuối cùng trên đất Việt, gương mặt nó luôn có vẻ nghĩ ngợi điều gì. Trên chiếc giường này, nó từng nhắc tôi, phải sống. Chúng tôi đã sống đây, nhưng liệu chúng tôi có đang hạnh phúc? Tôi muốn hỏi cả hai thằng, vậy mà cuối cùng không có đủ dũng khí, nên đành thôi. Nụ cười của hai người bạn tôi bây giờ trông xa lạ quá.

Tuấn Miên, tôi chỉ gặp thoáng qua, sau một đêm anh lại đi mất. Anh chỉ hỏi tôi về cuộc sống của tôi, cuộc sống của Châu Hiền, và rất nhiều câu hỏi về cuộc đời của Thế Huân, tuyệt nhiên không nói điều gì về chính mình. Tôi đã ngỡ là nếu anh không về, tôi sẽ quên mất gương mặt anh - gương mặt lúc nào cũng mang cái biểu cảm đau đáu, như là hối hận về điều gì từng đánh mất. Châu Hiền bảo tôi rằng Tuấn Miên nghĩ anh là người đã huỷ hoại cuộc đời chị, cuộc đời Thế Huân, và chị tiếp: "Có lẽ, từ giờ đến cuối đời, Miên sẽ không gặp chị lần nào mà không trăn trở về chuyện ngày xưa. Nhưng Miên đâu có lỗi. Người không có lỗi phải sống trong đoạ đày thay cho kẻ có tội, em thấy số phận có nực cười không?"

Châu Hiền lớn lên cùng tôi suốt phần đời học sinh còn lại, và đến cả khi tôi đã là sinh viên, chị vẫn ở đây, nén lại tiếng thở dài u uất mà tiếp tục sống. Vào ngày thu mười năm sau khi thiên đàng của chúng tôi vụn vỡ, Châu Hiền lần đầu tiên dựa vào vai tôi mà thiếp đi. Sức nặng trên vai ấy làm tôi nhớ đến ngày xưa, nhớ đến hiên nhà nơi tôi đã từng trở thành điểm tựa cho hai người tôi trân trọng nhất, và nỗi hoài niệm ấy khiến tôi không ngăn được hai dòng nước mắt.

END

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top