CHƯƠNG IV
Ðứng trên năm chân.
Không một người bạn London nào có thể nghĩ rằng Granville Sharp - một luật sư, một nhạc sĩ đầy tài năng - sắp sửa làm thay đổi cả thế giới. Cũng không ai nghĩ rằng một nhóm những kẻ ngoại đạo lại có thể nắm giữ những quyền lực chưa từng thấy, hay một nhóm nhỏ kiểu như AA lại có thể thay đổi những luật lệ của một đế chế vĩ đại nhất mọi thời đại.
Như Adam Hochschild đã mô tả trong cuốn sách của ông, Bury the Chains, mọi sự bắt đầu vào năm 1756. Cuộc đời của Granville Sharp không hề tầm thường. Ông chơi kèn clarinet, sáo, kèn ô-boa, trống két và đàn hạc trong dàn nhạc giao hưởng gia đình gồm 12 thành viên thường xuyên biểu diễn trên một chiếc xà lan lênh đênh sóng nước. Sharp không đi tìm vụ án, mà vụ án tự tìm đến với ông trong hình hài Jonathan Strong, một cậu bé nô lệ 16 tuổi bị ông chủ đánh đập gần chết. Nhưng Strong đã sống sót và được anh trai của Sharp - vốn là một bác sĩ - chạy chữa thuốc men.
Và rồi Strong dần hồi phục. Với sự giúp đỡ của hai anh em Sharp, cậu bắt đầu có được một cuộc sống tốt hơn. Nhưng cậu vẫn bị coi là tài sản sở hữu của ông chủ cũ. Hai năm sau, người chủ gặp lại Strong, lúc này đã khoẻ mạnh và có thể làm việc, hắn liền cố gắng giành lại chàng trai trẻ. Sharp cảm thấy rất phẫn nộ trước sự thể quá bất công này. Làm sao một chàng trai như Jonathan Strong, có quyết tâm sống đến thế, có một ý chí mạnh mẽ vượt qua cái chết đến thế, lại bị coi như một thứ đồ vật sở hữu. Ông phải làm gì đó để giúp Strong, và rồi ông đồng ý đại diện cho cậu trước tòa. Cuối cùng thì vụ án cũng kết thúc: Strong suýt nữa bị bán sang Mỹ nhưng Sharp đã giành được tự do cho cậu. Vụ án này đã vĩnh viễn làm thay đổi cuộc đời Sharp. Rất nhanh sau đó, nhiều nô lệ tìm đến ông xin lời khuyên. Và ông quyết định sẽ phải tìm cách bãi bỏ chế độ nô lệ.
Quan điểm của Sharp khiến ông bị cô lập. Hầu hết mọi người đều thấy chẳng có vấn đề gì với chế độ nô lệ cả. Ðó là một thực tế đã tồn tại còn lâu đời hơn cả đế chế La Mã. Chế độ nô lệ không chỉ được mọi người ủng hộ mà còn có cả một nền công nghiệp hậu thuẫn. Bởi vào thời điểm đó, ngành công nghiệp sản xuất mía đường là một trong những ngành công nghiệp hàng đầu thế giới. Lợi nhuận khổng lồ thu được từ ngành này khiến các ngành công nghiệp khác trở nên nhỏ bé. Mà sự tồn tại của ngành mía đường thì phụ thuộc rất nhiều vào chế độ nô lệ. Cho nên khi Sharp viết những tờ rơi nói về sự bất công và đối xử tàn tệ mà những nô lệ phải chịu trên những chuyến tàu chở hàng, ngành công nghiệp mía đường bèn tuyên bố rằng thật ra những chuyến đi đó là thời gian tuyệt vời nhất trong đời một người châu Phi. Và khi những người chống lại chế độ nô lệ tổ chức các cuộc tẩy chay ngành mía đường, thì ngành này cảnh báo mọi người rằng việc không ăn đường sẽ không tốt cho răng. Cho nên nói rằng Sharp sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến rất khó khăn là vẫn còn nhẹ lắm.
Khi Sharp mới bắt đầu chiến dịch, ông không có chút quyền lực nào. Quan điểm của ông đi ngược lại với cảm tính của công chúng, và ông lại đang đối đầu với những công việc kinh doanh rất được mọi người chú ý. Tuy thế ông vẫn bắt đầu cuộc vận động của mình. Ông tiếp tục đấu tranh cho quyền tự do của những nô lệ trước tòa, viết và phân phát các bài viết về bãi bỏ chế độ nô lệ. Và ông nói về vấn đề này với tất cả những người mà ông gặp. Sau 18 năm, Sharp đã đạt được những tiến bộ nhất định trong chiến dịch của mình. Nhưng mọi việc chỉ thực sự cất cánh khi ông gặp những tín đồ Quaker . Vào thế kỷ 18, những tín đồ Quaker cũng giống như những tín đồ Hare Krishna ngày nay. Họ là một nhóm tôn giáo tách biệt và thường bị chế giễu vì những thói quen lập dị (chẳng hạn như không bao giờ bỏ mũ ra khi chào, gọi nhau bằng "đạo hữu" thay vì "anh bạn"). Nhưng không giống như Hare Krishna, nhóm Quaker không phân chia cấp bậc, không có các linh mục nghiêm nghị hay các địa vị cao cấp hơn. Những cuộc họp Quaker thường bắt đầu trong im lặng, và sau đó những ai có việc cần trình bày có thể nói bao lâu tuỳ thích. Họ tin rằng mỗi người đều có "ánh sáng bên trong" và cần được đối xử một cách công bằng. Vì thế chắc chắn họ sẽ phản đối lại chế độ nô lệ. Mặc dù Sharp không phải là một tín đồ Quaker nhưng ông cũng tham gia một nhóm Quaker nhỏ. Nó được tổ chức như một tập hợp - nhân tố đầu tiên trong năm nền tảng quan trọng của một tổ chức phân tán.
Một tổ chức phân tán đứng trên năm chân. Giống như loài sao biển, nếu mất đi một hoặc hai chân nó vẫn có thể sống được. Nhưng nếu cả năm chân cùng phối hợp với nhau, thì một tổ chức phân tán sẽ thực sự cất cánh bay.
Chân thứ 1: Tổ hợp
Tổ hợp rất quan trọng đối với hầu hết các tổ chức phân tán. Ví dụ như người Apache, họ sống rải rác khắp vùng Tây Nam theo từng nhóm nhỏ, không phân chia cấp bậc. Dù cùng chung di sản và truyền thống văn hóa nhưng mỗi nhóm lại duy trì những thói quen và nguyên tắc sống khác nhau. Mỗi nhóm như vậy lập thành một tổ hợp: độc lập và tự quản.
Nhưng để được làm thành viên trong một tổ hợp Apache không phải dễ. Cách duy nhất để một người bên ngoài tham gia vào tổ hợp đó là phải được chấp nhận trong chiến đấu. Và một khi đã được chấp nhận, thành viên đó sẽ được coi như một người Apache thực thụ, dù là con đẻ, con nuôi hay tù binh. Ðó chính là đặc điểm của một tổ hợp: khi đã tham gia thì bạn bình đẳng với tất cả những người khác. Và sau đó tuỳ bạn sẽ cống hiến cho tổ hợp trong khả năng tốt nhất của mình.
Trong thời đại của những người Apache, liên lạc giữa các cộng đồng thực sự khó khăn, và việc trao đổi thông tin phải mất vài ngày, thậm chí hàng tuần. Nhưng sự ra đời của điện thoại cùng các phương tiện vận chuyển giá rẻ đã khiến cho việc này trở nên nhanh chóng. Trước khi có Internet, tổ hợp phải gắn với một địa điểm nào đó. Mọi người có thể tham gia một tổ hợp AA, nhưng muốn thế họ phải có mặt ở buổi họp các thành viên. Sự ra đời của Internet cho phép các tổ hợp có thể mang tính ảo nhiều hơn. Các thành viên có thể tham gia từ xa bằng máy tính của mình, không cần phải bước chân ra khỏi cửa.
Những rào cản của việc thành lập cũng như tham gia một tổ hợp ảo như vậy ngày càng được hạ thấp. Việc tham gia vào một tổ hợp quá dễ dàng và trơn tru, đến nỗi chính chúng ta cũng không nhận ra rằng hầu hết chúng ta đều là thành viên của một nhóm phân tán hay đại loại thế. Ví dụ như danh sách craigslist chẳng hạn, nếu bạn đọc quảng cáo, đăng lên một tin hay liên hệ với người bán hàng thì bạn đã trở thành một phần của tổ hợp craigslist ảo đó rồi. Ðó không phải là một nhóm người gắn chặt với nhau, nhưng tính cộng đồng và hỗ trợ lẫn nhau thì vẫn thế. Trang web này có rất nhiều những tổ hợp như vậy, mỗi tổ hợp hình thành trên một công đồng trung tâm, chẳng hạn như. craigslist San Francisco, craigslist New York ...
Không giống như những tổ hợp Apache, bất cứ ai cũng có thể tham gia hoặc đóng góp cho những tổ chức như Wikipedia. Khi mang tính ảo, các tổ hợp sẽ trở nên vô định hình và khó nhận biết hơn. Không còn những nhóm người dùng Wikipedia ngồi họp với nhau trong một căn phòng ở đâu đó nữa. Thay vào đó, các thành viên của mỗi tổ hợp sẽ cùng đóng góp xây dựng cho một bài viết nào đó. Một vài thành viên viết bài luận, những người khác chỉnh sửa đôi chút, số khác làm cho nó trở nên bắt mắt hơn. Quan hệ giữa các thành viên ở đây khá lỏng lẻo. Không giống như những tổ hợp người Apache với các thành viên sống cùng nhau 24/7, các tổ hợp ảo rất "phù du". Không chia sẻ với nhau từng giây từng phút nên sự ràng buộc giữa các thành viên của một tổ hợp ảo không chắc chắn lắm. Một người Apache sẽ làm tất cả để bảo vệ đồng đội của mình, thậm chí hy sinh cả tính mạng. Nhưng các thành viên của craigslist thì sẽ không sống chết vì nhau.
Các tổ hợp ảo cũng ngày càng đông thành viên hơn so với các tổ hợp kiểu cũ - như AA chẳng hạn, khi mà số lượng thành viên còn bị giới hạn bởi kích thước của một căn phòng. Ngày nay một tổ hợp có thể không giới hạn số lượng thành viên tham gia. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Một mặt, rất dễ để tham gia vào các tổ hợp ảo, và với số lượng lớn ta có được sự đa dạng. Nhưng mặt khác, khi số lượng thành viên vượt quá con số 14, sự gắn bó sẽ không còn. Các thành viên trở nên ẩn danh hơn. Ðiều đó bật đèn xanh cho những kẻ ăn theo hay thậm chí là những kẻ phá hoại. Bởi không còn ai phải nỗ lực hết sức mình. Các thành viên eMule có thể download các bản nhạc ngày này qua ngày khác mà không cần đóng góp một bài nào. Cũng như thế, cũng dễ phá hoại trang của Quadell trên Wikipedia hơn khi bạn không bao giờ phải gặp anh ta ở ngoài đời.
Tổ hợp đạt được sự tự do và linh hoạt khi trở thành tổ hợp ảo, nhưng vẫn có một lý do để hàng ngàn người đi cả chặng đường dài tới sa mạc Nevada chỉ để ở đó một tuần trong năm. Việc sống cùng với các thành viên khác sẽ làm tăng thêm sự gắn bó và cảm giác mình thuộc về một cái gì đó. Chính các thành viên đã tạo ra Lễ hội cháy nắng như ngày nay chứ không phải một công ty tổ chức sự kiện nào cả. Khi tham gia Lễ hội cháy nắng , bạn sẽ trở thành một phần của tổ chức. Bạn có được những trải nghiệm và phát huy tinh thần trách nhiệm cũng như sở hữu. Ðó là lý do vì sao nếuLễ hội cháy nắng trở thành một lễ hội ảo thì sẽ không thực sự lôi cuốn. Tương tự, một tổ hợp AA phụ thuộc vào những mối quan hệ thực ngoài đời sẽ giúp các thành viên có trách nhiệm với nhau hơn. Bởi sẽ khó từ chối một người hơn nếu bạn phải đối mặt với anh ta.
Trong một tổ hợp không tồn tại sự phân chia thứ bậc hay cấu trúc, thế nên sẽ rất khó duy trì được những quy tắc, bởi không ai có quyền ép buộc ai phải làm gì. Thế nhưng không phải là tổ hợp thì không có luật. Thay vì đề ra quy tắc, các tổ hợp dựa vào những tiêu chuẩn. AA dựa trên những tiêu chuẩn về sự tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Wikipedia có những tiêu chuẩn cho việc chỉnh sửa bài viết. Phần mềm Apache có tiêu chuẩn về phát triển mã nguồn. Lễ hội cháy nắng có tiêu chuẩn về duy trì một hình thức kinh tế quà tặng. Tiêu chuẩn trở thành trụ cột của mỗi tổ hợp vì mỗi thành viên nhận ra rằng nếu họ không bắt buộc tuân thủ các tiêu chuẩn này thì sẽ chẳng có ai làm theo. Các thành viên buộc nhau phải tuân thủ, rồi dần dần tự họ cũng tuân theo và làm cho nó ngày càng có hiệu lực hơn. Và kết quả là các tiêu chuẩn thậm chí còn mang lại hiệu quả hơn các luật lệ. Các luật lệ là những điều người khác bảo bạn phải làm. Nếu bạn làm gì đó trái luật, miễn đừng để bị bắt là sẽ không sao cả. Nhưng tiêu chuẩn lại là điều mà bạn đã gia nhập tổ chức vì nó, là điều do chính bạn tạo ra.
Khi các tiêu chuẩn của tổ hợp phát triển, và các thành viên dành nhiều thời gian cho nhau hơn, một điều tuyệt vời đã xảy ra: mọi người trở nên tin tưởng nhau. Các thành viên AA bắt đầu thổ lộ những cảm xúc, suy nghĩ thầm kín nhất, tin rằng các thành viên khác sẽ giữ kín và giúp đỡ họ một cách vô tư. Các tổ hợp ảo dù mang tính ẩn danh nhiều hơn nhưng vẫn dựa trên nền tảng lòng tin. Những người đóng góp cho Wikipedia tin tưởng các thành viên khác và để họ chỉnh sửa bài viết của mình. Những người dùng craigslist cảm thấy trang web này cũng là một cộng đồng, họ có niềm tin vào một người bạn trên craigslist hơn là một anh chàng nào đó ngoài đường. Các thành viên dành những gì tốt nhất cho nhau, và thông thường đó cũng chính là những gì họ sẽ nhận được từ nhau.
Họ cũng được thôi thúc cống hiến với khả năng tốt nhất của mình. Những người dùng eMule có thể dễ dàng trở thành những kẻ ăn theo, nhưng thay vào đó, hầu hết họ đều chia sẻ dữ liệu với cả thế giới. Các kỹ sư gửi nội dung cho Apache bởi vì họ muốn phần mềm này trở nên tốt hơn. Glenn chuyển tiếp trên craigslist những chiếc hộp chuyển đồ miễn phí vì anh muốn được đóng góp. Có thể nói, Wikipedia không bị quá tải bởi những kẻ phá hoại đã chứng tỏ một thực tế rằng hầu hết mọi người khi có cơ hội đều muốn được cống hiến. Có thể chúng tôi đã quá đa cảm, nhưng chúng tôi không thể không đồng ý với Scott Cook, người sáng lập Intuit, rằng "Wikipedia đã chứng minh bản chất con người là tốt."
Chân thứ 2: Nhân tố xúc tác
Những người như Granville Sharp, Bill W. và một tù trưởng Apache được đúc từ những khuôn khác xa hoàn toàn với những người phụ trách kiểu truyền thống. Nói cách khác, sự lãnh đạo của họ đóng vai trò như sắt vậy.
Có thể giải thích như thế này. Nếu cho Ni-tơ và Hi-đrô, hai nguyên tố phổ biến nhất trên trái đất, vào trong một chiếc lọ rồi đậy nắp lại. Có để một ngày sau quay lại, ta cũng chẳng thấy gì xảy ra. Nhưng nếu cho một chút sắt nguyên chất vào, bạn sẽ thu được A-mô-ni-ắc, một hợp chất quan trọng có trong phân bón, các chất Pô-ly-me và nước rửa kính. Vấn đề là, trong thành phần của A-mô-ni-ắc không hề chứa một chút sắt nào. Nó hoàn toàn được tạo ra từ Ni-tơ và Hi-đrô. Lượng sắt trong phản ứng này hoàn toàn không đổi. Nó chỉ giúp cho quá trình liên kết giữa Ni-tơ và Hi-đrô diễn ra dễ dàng hơn mà thôi.
Sắt đóng vai trò là chất xúc tác. Trong hóa học, chất xúc tác là bất kỳ nguyên tố hay hợp chất nào có tác dụng khơi mào khiến cho phản ứng hóa học xảy ra mà không tham gia vào phản ứng đó. Trong các tổ chức mở, chất xúc tác chính là người bắt đầu một tổ hợp và sau đó lui dần vào cánh gà. Trong các tổ hợp Apache, nhân tố xúc tác chính là người tù trưởng. Một tù trưởng sẽ đưa ra các ý tưởng và cho phép mọi người làm theo. Tù trưởng có thể làm mẫu trước, nhưng không bao giờ áp đặt quan điểm chủ quan của mình lên những người khác.
Cũng thế, Bill W. là nhân tố xúc tác của AA. Bill là người khởi đầu tổ chức này, nhưng rồi ông đã đứng sang một bên khi AA cất cánh bay. Ông đã buông dây cương cho AA tự do.
Chúng ta sẽ thấy điều tương tự diễn ra ở tất cả mọi tổ chức phân tán: nhân tố xúc tác dựng nên một tổ chức phân tán, làm cho nó hoạt động và sau đó nhường lại quyền kiểm soát cho các thành viên. Craig Newmark để những người dùng tự chọn thư mục hiển thị. Jimmy Wales cho phép các thành viên quản lý nội dung của Wikipedia. Brian Behlendorf đóng góp máy tính của mình và để các nhà lập trình kiểm soát chương trình máy chủ Apache. Người đã tạo ra eMule có thể nói là một nhân tố xúc tác điển hình: Không ai biết anh (hay chị) ta là ai, và người đó đã nhường lại quyền kiểm soát một cách triệt để: mã nguồn của chương trình luôn sẵn sàng cho bất cứ ai muốn dùng. Nếu như nhân tố xúc tác của eMule đã không làm thế mà thay vào đó lại loay hoay tìm cách sinh lợi từ chương trình, thì eMule đã không tồn tại được đến ngày nay.
Trên một phương diện nào đó, sự khác nhau giữa những người lãnh đạo truyền thống và nhân tố xúc tác của một hệ mở cũng giống như sự khác nhau giữa các nhân vật của Julie Andrews trong phim Giai điệu âm nhạcvà Mary Poppins. Trong Giai điệu âm nhạc , Maria tới làm quản gia trong một gia đình đang không êm thấm lắm, cô dạy lũ trẻ những bài học có giá trị, cô thuyết phục người cha quan tâm đến con mình hơn, và chỉ cho cả gia đình thấy phải sống như thế nào. Tương tự, Mary Poppins đến một gia đình cũng đang gặp rắc rối (dù khá thú vị), cô cũng hát những giai điệu dễ nhớ, cũng dạy những đứa trẻ cách cư xử, làm cho các bậc phụ huynh phải chú ý đến con cái và cũng trải qua những cố gắng tương tự như Maria để làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.
Kết thúc phim Giai điệu âm nhạc , Maria cuối cùng đã phải lòng lũ trẻ cùng người cha, cô quyết định ở lại cùng gia đình trong vai trò người mẹ mới. Rõ ràng là từ nay về sau cô sẽ là người phụ trách mọi cuộc trình diễn gia đình. Ngược lại, Mary Poppins thì lại sợ một sự gắn bó. Ngay từ đầu phim cô đã thể hiện rất rõ rằng mình đến đây là để làm một công việc: làm sao cho gia đình có thể sống hoà thuận với nhau. Và khi công việc đã hoàn thành, cô giương ô bay về phía mặt trời lặn.
Từ bỏ vai trò của một người lãnh đạo, nhân tố xúc tác đã chuyển quyền sở hữu và trách nhiệm sang cho cả tổ hợp. Không có Mary Poppins, gia đình nọ sẽ tự chịu trách nhiệm về chính mình. Một nhân tố xúc tác thường không xuất hiện để được nghe ca tụng và ôm hôn. Khi công việc hoàn thành, người đó biết đã đến lúc mình phải rời đi.
Nhưng ngay cả khi nhân tố xúc tác đã rời đi rồi, người ta vẫn cảm nhận được sự hiện diện của họ. Nhân tố xúc tác là một yếu tố tinh thần thúc đẩy những người khác hành động. Các tổ hợp không tự thành lập được. Ðưa một nhóm người vào trong phòng, họ sẽ chia thành các nhóm hai, ba người và nói chuyện về thời tiết. Nhưng nếu thêm một nhân tố xúc tác thì rất nhanh thôi, họ sẽ ngồi lại thành vòng tròn và bắt đầu thảo luận về những sở thích chung như trượt băng hay sưu tầm chụp đèn kiểu cổ. Một nhân tố xúc tác phát triển ý tưởng, chia sẻ nó với mọi người và làm gương cho họ.
Nhân tố xúc tác cũng giống như một kiến trúc sư: rất quan trọng đối với kiến trúc bền lâu của ngôi nhà, nhưng anh ta sẽ không dọn đến ở cùng bạn. Trong thực tế, nếu nhân tố xúc tác ở lại quá lâu và quá mê mẩn với sáng tạo của mình, toàn bộ cấu trúc sẽ dần trở nên tập trung. Craig Newmark của craigslist là một trường hợp như thế. Ông đã tạo ra craigslist, nhưng liệu trang web này còn cần đến ông nữa không? Tuy nhiên nếu bạn sở hữu một công ty trị giá nhiều triệu đô-la thì có lẽ bạn cũng sẽ ở lại như Maria, hơn là giương ô bay về phía mặt trời như Mary Poppins.
Mặc dù Sharp không từ bỏ phong trào chống lại chủ nghĩa nô lệ, nhưng ông cho các tổ hợp sự tự do lớn nhất. Bởi vì ông không có hứng thú tạo ra một đế chế dưới quyền kiểm soát của mình mà chỉ tập trung vào việc gây dựng phong trào để có thể chấm dứt chế độ nô lệ. Chính vì thế mà ông đã khiến cho số lượng các tổ hợp phản đối chế độ nô lệ tăng lên nhanh chóng.
Chân thứ 3: Ý thức hệ
Ðiều gì khiến cho một thành viên mong muốn tham gia vào tổ hợp? Tại sao phải tốn thời gian và công sức để tham gia vào đó, bởi như chúng ta đã biết, thường là không kiếm được tiền từ những tổ chức phân tán mà.
Những hệ mở thường mang lại cảm giác cộng đồng. Nhưng nhiều tổ chức khác cũng có được điều đó. Các nhân viên Microsoft cũng có tính cộng đồng, họ cùng chung mối ràng buộc và quan hệ bạn bè. Mà họ lại còn được trả lương cho sự hợp tác đó nữa. Các kỹ sư ở Apache thì không được trả một xu nào. Họ chỉ được thôi thúc bởi mong muốn tạo ra một sản phẩm tốt hơn. Họ tin vào hệ mở và tôn trọng những đóng góp của người khác - không phải vì bị bắt buộc phải làm mà vì họ muốn thế. Ðúng vậy, rất nhiều hệ mở khác, như Wikipedia, cung cấp các dịch vụ miễn phí, nhưng mọi người cũng có thể dễ dàng tra cứu thông tin trong thư viện hay trên các công cụ tìm kiếm khác. Tuy nhiên người ta không chỉ bị thu hút bởi Wikipedia mà còn thường xuyên đóng góp cho nó nữa.
Không phải chỉ là tính cộng đồng hay việc được nhận một thứ gì đó miễn phí, cũng không phải chỉ là sự tự do và tin tưởng, ý thức hệ là một thứ keo gắn kết các tổ chức phân tán lại với nhau. Những người Apache có chung một niềm tin rằng họ thuộc về vùng đất ấy và xứng đáng có quyền tự trị. Một vài người Apache không có được ý thức hệ này, họ chấp nhận lời mời của người Tây Ban Nha, trở thành những nông dân và hợp thành một hệ tập trung. Nhưng những người ở lại sẽ cùng bộ lạc của mình giữ vững quan điểm về tự do và độc lập. Bất cứ ai gây trở ngại với ý thức hệ ấy - dù là người Tây Ban Nha, Mexico hay người Mỹ - cũng đều bị coi là kẻ thù. Ý thức hệ của người Apache mạnh mẽ đến nỗi họ sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng của mình. Không có một ý thức hệ như thế thì người Apache sẽ không có được sức mạnh thôi thúc để duy trì sự phân tán.
Với AA, ý thức hệ ở đây là mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau thoát khỏi nghiện ngập. Chương trình Mười hai bước phản ánh hệ quả của ý thức hệ này. Những người không tin tưởng vào chương trình Mười hai bước sẽ không tham gia AA được lâu. Còn những ai tin đều sẽ tuân thủ nó một cách đặc biệt khắt khe. Họ tin rằng nếu để bị xúi giục lờ đi ý thức hệ ấy, thì họ sẽ nghiện rượu trở lại ngay lập tức. Cũng thế, đối với Sharp và những tín đồ Quaker, việc đấu tranh chống lại chế độ nô lệ có một sự thôi thúc mạnh mẽ đối với họ, và nhiều người đã cống hiến cả cuộc đời vì điều đó.
Các tổ chức sao biển sinh ra từ Internet thì ý thức hệ có thể ít ý nghĩa hơn. Như eMule, ý thức hệ chỉ là trao đổi âm nhạc miễn phí. Hàng triệu người có thể đi theo ý thức hệ đó nhưng sẽ không ai dành cả đời cho việc trao đổi âm nhạc cả. Cũng tương tự với craigslist và Wikipedia. Ý thức hệ riêng của họ (rằng đăng các bài viết lên cho cộng đồng là việc nên làm) không mạnh mẽ như của những thổ dân Apache hay các hội viên AA.
Ðó cũng chính là lý do vì sao chúng ta không mãi mãi cần đến eMule, craigslist hay Wikipedia: rất dễ dàng cho một ai đó xuất hiện và đưa ra một ý thức hệ tương tự. Nhưng chúng ta có thể trông đợi rằng, chừng nào vẫn còn những người nghiện trên trái đất này thì những chi hội AA sẽ vẫn còn tồn tại.
Chân thứ 4: Mạng lưới có sẵn
Các tín đồ Quaker có rất ít quyền lực chính trị hay tầm ảnh hưởng. Họ chỉ là một nhóm tách biệt. Nhưng chính sự tách biệt này đã cho họ một sức mạnh khác. Vì tách biệt nên họ buộc phải tự hình thành một nền văn hóa, các quan hệ kinh doanh và cộng đồng riêng của mình. Ðây là một mạng lưới thô sơ gồm những người sống cùng nhau, tiến hành công việc kinh doanh với nhau và cùng chung một hệ tín ngưỡng. Ðặt một cộng đồng gắn bó với nhau bằng những giá trị chung và cộng thêm niềm tin rằng mọi người đều bình đẳng, bạn sẽ nhận được gì? Một hệ phân tán. Những tín đồ Quaker không chỉ tự họ phân tán, mà chính họ còn là tiền đề cho việc xây dựng phong trào chống lại chế độ nô lệ. Hiệu ứng ký sinh này đã giúp cho phong trào chống chế độ nô lệ phát triển mạnh mẽ.
Có tới hơn 20 nghìn thành viên Quaker ở Anh. Họ rất thạo làm việc cùng nhau trong một tổ hợp và có một ý thức hệ chung. Trong suốt 18 năm, Sharp đã đi khắp nước Anh để cố thuyết phục công chúng và tòa án. Nhưng vì không có một đội quân cho nên những nỗ lực của ông chỉ là viển vông. Rất khó để có thể xây dựng một tổ chức phân tán hoàn toàn mới, đặc biệt là khi đại đa số công chúng lại ủng hộ chế độ nô lệ. Nhưng rồi Quaker đã cho phong trào của Sharp một nền tảng để phát triển.
Hầu hết những tổ chức phân tán phát triển mạnh đều được xây dựng trên một nền tảng có sẵn. Bill W., người sáng lập AA chịu ảnh hưởng của Oxford Group, một phong trào Thiên Chúa giáo độc lập được khởi xướng bởi một mục sư cải đạo Luther. Nhóm Oxford Group đã thiết lập các tổ hợp và thậm chí lập ra cả một chương trình sáu bước giúp phục hồi. Và Bill W. đã thay đổi sáu bước thành mười hai bước, mượn phương pháp của Oxford Group để lập ra tổ hợp AA đầu tiên của mình.
Nhưng để vào được một mạng lưới sẵn có không chỉ đơn giản là xuất hiện cùng với một ý tưởng hay ho nào đó. Mọi việc với Sharp đã có thể dễ dàng hơn nhiều nếu Quaker là một nhóm tập trung: ông chỉ cần gặp người đứng đầu, thuyết phục ông ta huy động các thành viên của mình và khuyến khích họ tham gia chiến dịch chống lại chế độ nô lệ. Nhưng một tổ chức tập trung không phải là nền tảng tốt. Lý do thứ nhất, nếu mệnh lệnh được đưa từ trên xuống, các thành viên có thể sẽ tuân theo, nhưng sẽ không có cảm hứng để tham gia nhiệt tình. Thứ hai, những người đứng đầu một tổ chức phân tầng thường muốn kiểm soát các hoạt động đang diễn ra, vì thế có thể hạn chế sức sáng tạo của các thành viên. Thứ ba, cũng chính là điều quan trọng nhất, các tổ chức tập trung không được thiết lập để tiến hành các hoạt động phân tán. Cho nên không có các tổ hợp thì sẽ không có nền tảng cho mọi người tham gia và làm chủ ý tưởng.
Mạng lưới phân tán, ngược lại, sẽ cung cấp các tổ hợp, trao quyền cho các thành viên và căn bản là cho phép những cải tiến ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên do không có người đứng đầu, Sharp phải dựa vào những quan hệ cá nhân với các thành viên. Và mặc dù không phải là một tín đồ Quaker nhưng Sharp không hề phán xét họ, cũng không áp đặt ý kiến của mình cho họ. Thay vào đó, ông đã từ từ giành lấy niềm tin và tình bạn của những tín đồ Quaker.
Về căn bản mà nói, cần phải có những kỹ năng đặc biệt của một nhân tố xúc tác như Sharp mới có thể tiếp cận được với một mạng lưới. Nhưng từ khi Internet xuất hiện, mọi thứ đã thay đổi. Trong thời đại của Sharp, những tổ chức phân tán còn khá hiếm, và tham gia được vào những tổ chức ấy là điều rất khó. Nhưng ngày nay Internet cho phép các tổ chức sao biển ngày càng sinh sôi đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Internet là mảnh đất nuôi dưỡng, là bệ phóng cho những tổ chức sao biển mới. Skype, eMule và craigslist đều nằm trong vô số những tổ chức phân tán được sinh ra trên Internet.
Internet ra đời kéo theo nó sự phân tán mạnh mẽ và sâu rộng. Cách đây hàng thế kỷ con người đã có thể thiết lập những tổ chức phân tán, nhưng vì những nền tảng như Quaker còn quá ít, nên kiểu tổ chức này vẫn còn hiếm. Internet đã không chỉ giúp con người trao đổi thông tin dễ dàng hơn mà còn cung cấp một mảnh đất màu mỡ cho hạt giống của những tổ chức phân tán mới nảy mầm. Nhờ Internet và những gì nó mang lại mà chúng ta đã có được một cuộc cách mạng phân tán.
Dù có được sự giúp đỡ từ nền tảng những tín đồ Quaker, nhưng Sharp không thể hoàn toàn xóa bỏ chế độ nô lệ nếu không có "cái chân thứ năm". Dù là một nhân tố xúc tác mãnh liệt, Sharp vẫn cần một người khác để thể hiện ý tưởng của mình thành hành động, một người như Thomas Clarkson.
Chân thứ 5: Nhà vô địch
Năm 1785, Thomas Clarkson tham gia một cuộc thi viết về đề tài chống chủ nghĩa nô lệ. Ðộng lực chính của ông là giành giải thưởng, nhưng trong quá trình nghiên cứu về đề tài này, ông ngày càng cảm thấy bức xúc hơn với những điều tìm hiểu được: sự ghê tởm của điều kiện sống trên những chuyến tàu chở hàng, những ông chủ mất hết nhân tính, đối xử tàn tệ với những nô lệ vẫn bị coi là tài sản của họ. Clarkson bắt đầu đồng cảm với ý thức hệ chống lại chủ nghĩa nô lệ. Sau khi giành được giải thưởng, lòng nhiệt huyết của ông tăng cao và ông đấu tranh chống lại chủ nghĩa nô lệ rất tích cực. Và rồi Clarkson gặp Sharp, hai người rất tâm đầu ý hợp. Nếu như Sharp là người đề ra kế hoạch thì Clarkson là người thực hiện nó. Clarkson được gọi là "nhà vô địch".
Nhà vô địch là người không hề nao núng khi phát triển một ý tưởng mới. Nhân tố xúc tác đóng vai trò thu hút, lôi cuốn, nhưng nhà vô địch đẩy nó lên một mức cao hơn. Sự lôi cuốn của nhân tố xúc tác, như một tù trưởng Apache chẳng hạn, hơi khó mô tả. Nhân tố xúc tác khuyến khích và liên kết mọi người một cách tự nhiên. Còn nhà vô địch thì không khó mô tả chút nào. Cứ hỏi bất cứ ai ở Bưu điện Berkeley, Carlifornia - họ vẫn đang tiếp tục nói về Leor Jacobi.
Nếu có ai khắc họa hình tượng một nhà vô địch điển hình nhất thì đó chính là Leor. Ông là một người không giả tạo và cũng là một người bán hàng giỏi. Từ khi còn nhỏ, những lúc đi ăn tối ở nhà hàng với bố mẹ, ông thường rời bàn của mình đến các bàn khác để cùng ăn và trò chuyện với mọi người. Bạn có thể nghĩ rằng đầu tiên người ta sẽ cảm thấy cậu bé này thật dễ thương nhưng sự dễ thương đó sẽ nhanh chóng biến thành xâm phạm riêng tư của người khác. Ðiều đó không đúng với Leor. Dù tuổi còn nhỏ nhưng Leor đã có sức thu hút lớn với mọi người. Họ thực sự bị cậu lôi cuốn.
Leor luôn luôn sôi nổi và hoạt bát một cách rất tự nhiên. Khi suy nghĩ về một ý tưởng nào đó, cũng giống như cú đớp của một con chó Rottweiler, ông không bao giờ nhả ra. Khi học chơi cờ vua, ông không hề dừng lại cho đến khi trở thành một trong những kỳ thủ xuất sắc nhất của bang. Khi tham gia vào lĩnh vực âm nhạc, ông lập nên một ban nhạc rất thành công. Nhưng phải đến khi trở thành người ăn chay (kiểu ăn chay không ăn trứng hay uống sữa), ông mới tìm thấy điều thực sự hấp dẫn mình.
Hầu hết mọi người khi ăn chay đều thay đổi thói quen ăn uống của mình, đầu tiên người ta mua đồ ở cửa hàng "Ðồ ăn nguyên chất" và dán một lô những mảnh giấy nhắc nhở trong xe. Nhưng khi Leor hứng thú với việc ăn chay thì tất cả mọi người đều biết. Ông không thể làm việc gì nửa vời. Ông bắt đầu tổ chức các sự kiện, tham gia các hội thảo, khuyến khích hầu hết những người ông gặp và nói chuyện. Thậm chí khi ông gọi tổng đài 411, câu chuyện cũng sẽ xoay sang chủ đề ăn chay. Có cái gì đó trong cách nói của Leor - sự hào hứng hay quyến rũ - làm cho mọi người cảm thấy rất dễ chịu và hứng thú. Ví dụ như cô nhân viên trực tổng đài sau khi nói chuyện với ông cả giờ đồng hồ đã quyết định sẽ thử ăn chay xem sao.
Cũng thế, khi Leor đi gửi thư, ông kết bạn với tất cả mọi nhân viên bưu điện, kể cả với những người ngồi ở phía trong. Bạn nên nhớ rằng đây không phải là những nhà hoạt động xã hội mà là nhân viên bưu điện, những người thường không cảm thấy hứng thú về mọi thứ và rất hiếm khi ta có thể thấy họ cười. Nhưng khi Leor đến, họ chào đón ông như một người bạn lâu ngày mới gặp. Và hầu như tất cả mọi người đều làm thế với Leor. Một năm sau khi quyết định ăn chay, ông thành lập một tổ chức tầm cỡ quốc gia, xây dựng một trang web về thực đơn những bữa ăn chay an toàn trong hội trường của các trường Ðại học trên toàn quốc. Ông giúp mở một chuỗi nhà hàng ăn chay, tên ông được đưa trên những tờ báo và mạng lưới truyền hình lớn. Rõ ràng với một phương pháp tốt, ông đã giành chiến thắng trong cuộc tranh chấp thương hiệu với tập đoàn McDonald's.
Clarkson cũng đến với phong trào chống chủ nghĩa nô lệ với một nguồn năng lượng như thế. Ông và Sharp thành lập một tổ hợp 12 người trong đó có khoảng hai hoặc ba người không phải là tín đồ Quaker. Tổ hợp này hoàn toàn bình đẳng, tất cả các quyết định đều phải được mọi người nhất trí. Các thành viên trong tổ hợp này đã nhanh chóng huy động các tín đồ Quaker khác tham gia hành động.
Nhà vô địch là những người vốn dĩ vô cùng năng động. Cũng giống như nhân tố xúc tác, họ hoạt động tốt trong môi trường không phân chia thứ bậc. Nhưng họ giống nhân viên bán hàng hơn là những nhà tổ chức hay những người liên kết. Bán hàng chính là việc mà Clarkson làm. Ông là thành viên duy nhất trong tổ hợp làm công việc truyền bá suốt cả ngày. Ông dành nhiều ngày - mỗi ngày 16 tiếng - để đi khắp các quần đảo Anh. Trong suốt 60 năm sau đó, Clarkson toàn tâm cống hiến cho phong trào. Ông thu thập các bằng chứng từ hơn 20 nghìn thuỷ thủ. Ông tham gia các cuộc tranh luận, xuất bản các bản tin và làm huy hiệu. Ông gặp gỡ các triết gia, họ kính trọng ông vì ông không phải là một tín đồ Quaker. Thậm chí Clarkson còn vận động cả Quốc hội.
Mỗi khi đến một thị trấn mới, Clarkson đều giúp thành lập một tổ hợp chống chế độ nô lệ. Mạng lưới này càng ngày càng phát triển mạnh. Mọi người hiểu biết thêm về vấn đề từ những bản tin của Clarkson. Chế độ nô lệ trở thành một đề tài nóng bỏng. Và dần dần Clarkson đã giành được sự đồng tình từ trái tim và suy nghĩ của công chúng.
Năm 1833, nhiều năm trước khi bị phản đối mạnh mẽ ở Mỹ, chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ ở Anh. Dù là nhân tố xúc tác - hay chính xác hơn vì ông là nhân tố xúc tác - tên tuổi Sharp không bao giờ xuất hiện trong các tài liệu lịch sử. Và Clarkson cũng nhanh chóng rơi vào lãng quên.
Sự vẻ vang của sự nghiệp chống lại chủ nghĩa nô lệ thuộc về William Wilberforce, một chính trị gia đồng minh của phong trào và là phát ngôn viên trong Quốc hội. Khi Wilberforce mất, con trai ông tôn vinh cha mình và hạ thấp Clarkson. Các nhà lãnh đạo phong trào phân tán không bao giờ để ý đến chuyện củng cố danh tiếng cá nhân. Và vì không hiểu hết sức mạnh của những tổ chức sao biển nên mọi người thường lầm tưởng chiến thắng của phong trào là nhờ công lao của một chính trị gia nào đó.
Năm chân trong hoạt động
Hoạt động chống chủ nghĩa nô lệ ở Anh sau khi thắng lợi cũng dần rơi vào quên lãng. Nhưng trước đó nó đã kịp khơi dậy những lực lượng mạnh mẽ khác. Elizabeth Cady Stanton, sinh năm 1815 và lớn lên ở New York, là con gái của một thẩm phán nổi tiếng. Sau cái chết của anh trai, Elizabeth đã nhận thấy sự thất vọng của người cha khi chỉ còn lại đứa con gái. Cho nên cô quyết định sẽ đạt được tất cả những gì anh trai mình từng có và thậm chí còn hơn thế nữa. Cô học tiếng Hy Lạp, tham gia các cuộc thi Văn học và chơi thể thao - tất cả các hoạt động này đều rất hiếm gặp ở một phụ nữ thời bấy giờ.
Năm 25 tuổi, cô lấy một người chồng chống lại chủ nghĩa nô lệ. Chồng cô giới thiệu cô với nhiều nhân vật chủ chốt trong phong trào chống chủ nghĩa nô lệ, trong đó có Thomas Clarkson, nhà vô địch của chúng ta. "Tôi đã đọc về những người này," Stanton nhớ lại, "thật khó mà tin được rằng những người tôi đã tới thăm ngày này qua ngày khác lại chính là những người tôi vẫn tôn sùng bấy lâu nay."
Thế nhưng những trải nghiệm của cô về phong trào chống chủ nghĩa nô lệ không phải đều mang tính tích cực. Khi Stanton tham dự hội nghị chống chế độ nô lệ, cô bị xếp ngồi trong một góc khuất dành riêng cho phụ nữ. Hơn nữa, phụ nữ không được phép phát biểu hay biểu quyết trong cuộc họp. Làm sao có thể đấu tranh cho quyền lợi của nô lệ trong khi phủ nhận quyền bình đẳng của phụ nữ cơ chứ? Trong cuộc trò chuyện với những người phụ nữ khác ở hội nghị này, Stanton đã lần đầu tiên trong đời đề cập đến khái niệm "bình đẳng giới".
Giống như Sharp, Stanton cũng là một nhân tố xúc tác. Khi xuất hiện với một ý thức hệ, cô đã khơi dậy cả một phong trào mới. Trong suốt mười năm, ý tưởng về quyền bình đẳng cho nữ giới tiếp tục thấm nhuần và lớn mạnh trong tâm trí Stanton. Gần một thập kỷ sau, những sự kiện trong đời đem lại cho cô cảm giác "tất cả các yếu tố cùng hợp lại thúc đẩy tôi tiếp tục bước tới." Cô phải làm gì đó cho quyền lợi của nữ giới. Lặp lại lịch sử ở cách đấy nửa vòng trái đất, liệu Stanton có thể gắn kết với ai khác ngoài mạng lưới của những tín đồ Quaker không?
Học hỏi kinh nghiệm từ những người chống chủ nghĩa nô lệ, Stanton cùng các tín đồ Quaker đã tổ chức một hội nghị về quyền của nữ giới, cô đề nghị phụ nữ cũng phải được quyền biểu quyết. "Nếu chỉ có một chút dự cảm về những gì sắp diễn ra sau hội nghị thì có lẽ tôi đã không đủ can đảm để mạo hiểm như thế," Stanton nhớ lại. Trong suốt những năm tháng sau đó, tất cả các tờ báo lớn đều tấn công Stanton. "Tất cả các nhà báo, từ Maine cho đến Texas, đều cố tranh nhau xem ai trong số họ là người làm cho phong trào của chúng tôi trở nên nực cười nhất."
Tất cả mọi tờ báo, trừ tờ báo của những người chống chủ nghĩa nô lệ. Rất nhanh sau đó những người chống chủ nghĩa nô lệ bắt đầu giúp đỡ cho ý thức hệ mới này. Cũng giống như phong trào chống chủ nghĩa nô lệ hình thành dựa trên mạng lưới Quaker ở nước Anh, phong trào đòi quyền tham gia bầu cử cho phụ nữ được hình thành dựa trên phong trào chống nô lệ ở nước Mỹ. Các tổ hợp đòi quyền bầu cử cho phụ nữ bắt đầu được thành lập trên khắp toàn quốc.
Nhưng chỉ xâm nhập vào một mạng lưới có sẵn không thôi là chưa đủ với Sharp, cũng như tham gia vào các hoạt động chống chủ nghĩa nô lệ chưa đủ để đưa phong trào của Stanton đi đến thành công. Cô cần có một Thomas Clarkson hay Leor Jacobi. Ba năm sau, khi cô gặp một người như thế, mọi thứ thay đổi. "Ðến giờ tôi vẫn nhớ như in ngày tôi gặp cô ấy." Stanton viết, "Cô ấy đứng đó với khuôn mặt thân thiện và một nụ cười thiên thần... một sự điềm tĩnh và gọn gàng hoàn hảo. Tôi hoàn toàn thích cô ấy và tới giờ tôi vẫn không hiểu tại sao lúc đó tôi không mời cô ấy đến nhà ăn tối ngay."
Nhân tố xúc tác Stanton đã gặp nhà vô địch của mình - Susan B. Anthony. Hai người tâm đầu ý hợp ngay và trở thành bạn thân suốt đời. Trong khi Stanton, một nhân tố xúc tác điển hình tiếp tục theo đuổi những con đường mới để mở rộng quyền lợi của phụ nữ, chẳng hạn như đấu tranh cho quyền được ly dị, thì Anthony - nhà vô địch điển hình - tiếp tục theo đuổi không ngừng nghỉ quyền bầu cử cho nữ giới. Cô chu du khắp đất nước, đến những vùng cô đã nhớ như in lịch trình tàu chạy. Cô diễn thuyết trước bất kỳ nhóm thính giả nào sẵn sàng lắng nghe, trong nhà thờ, trong trường học, các hội trường và nhà kho. Nói tóm lại, cô đã cống hiến cả đời cho lý tưởng của mình.
Stanton rất ấn tượng với cách làm của Anthony: "Tổ chức tranh luận công khai trong thị trấn với những biên tập nửa mùa và các giáo sĩ, sau đó vội vã ngược dòng Columbia River đến một cuộc hẹn nào đó, xóc nảy lên trên chặng đường vượt qua dãy núi lởm chởm của vùng Oregon và Washington. Rồi sau đó, trước Hội nghị lập pháp, trong một hội thảo về Hiến pháp và Uỷ ban Quốc hội, thảo luận với các nghị sĩ, nêu ý kiến về câu chữ và tinh thần của các điều luật trong Hiến pháp." Cũng giống như Clarkson, Anthony luôn sẵn sàng nói về những chủ đề mà cô thích thú. Về điểm này, cô khá tương phản với một Stanton có phần dè dặt hơn. Ví dụ như trong một lần đi thăm Viện nghiên cứu dành cho người khiếm thính ở Michigan, Stanton tỏ ra thanh thản, "Ðược đến thăm nơi này thật dễ chịu, chúng tôi sẽ không buộc phải nói gì," trong khi đó Anthony táo bạo và háo hức bước ngay lên bục, "Qua những tiếng cười, nước mắt và những tràng pháo tay, các học sinh ở đây đã cho thấy các em hoàn toàn có thể đánh giá được tình cảm, sự hài hước và tranh luận."
Anthony là một người táo bạo và mặt dày mày dạn. Mặc dù thời đó phụ nữ đi bầu cử là bất hợp pháp nhưng Anthony vẫn đến một điểm bỏ phiếu ở Rochester, New York và yêu cầu được bỏ lá phiếu của mình. Khi người thư ký giải thích với cô rằng điều đó là không thể được, Anthony đe dọa sẽ kiện anh ta và vẫn tiếp tục bỏ phiếu. Cô bị bắt vì tội bỏ phiếu nhưng vẫn sẵn sàng đương đầu với thách thức. Cô nói trước mỗi thị trấn trong hạt về việc cô sẽ bị xử sơ thẩm ở đâu, thu hút một đám đông lớn và thuyết phục họ ủng hộ mục đích của mình. Cô nói điều đó với quá nhiều người đến nỗi phiên sơ thẩm phải dời sang một hạt khác. Nhưng rồi điều tương tự lại xảy ra ở hạt đó, và ở những hạt khác nữa cũng vậy. Tuy nhiên cuối cùng Anthony cũng bị kết án và bị phạt 100 đô-la. "Thưa Quan tòa," cô nói với ông ta, "tôi dứt khoát sẽ không nộp xu nào cho một hình phạt phi lý như thế." Và cô đã làm đúng như vậy.
Anthony sẵn sàng đấu tranh đến cùng. Vì sự đấu tranh mạnh mẽ và quả quyết này, người ta đã quyết định in hình cô lên đồng xu một đô-la, còn Elizabeth Cady Stanton thì chỉ nhận một ghế sau trong những cuốn sách lịch sử.
Stanton chính là kiến trúc sư của một phong trào đã thay đổi cuộc sống những người phụ nữ Mỹ. Bằng việc tạo ra những tổ hợp, đưa vào một ý thức hệ khi thời cơ đến, thu hút một mạng lưới có sẵn, và đưa vào lực lượng một nhà vô địch, Stanton đã thay đổi lịch sử một cách Mary Poppins nhất. Cô đã hiện thực hóa những sự kiện, khuyến khích phong trào, và để nó tự vận hành.
Tạm dịch: Chôn chặt xiềng xích.
Quaker là một tổ chức tôn giáo ra đời ở Anh thế kỷ 17, cũng theo Thiên Chúa giáo nhưng có những điểm không đồng tình với Thiên Chúa giáo truyền thống. Họ quan niệm trong mỗi người đều tồn tại "ánh sáng của Chúa" - ND.
Hare Krishna là một tổ chức tôn giáo xuất xứ từ Ấn Ðộ và nay đã có mặt trên toàn thế giới. Họ quan niệm mỗi người đều có tình yêu đích thực của Chúa (Krishna). Tổ chức tôn giáo này có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lĩnh vực khác của xã hội. -ND.
Tổng đài giải đáp và truy tìm số điện thoại theo yêu cầu.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top