CHƯƠNG III
Ðại dương sao biển
Có điểm gì chung giữa một Bách khoa toàn thư , một chương trình phần mềm, các quảng cáo rao vặt, một công ty điện thoại và một nhóm người khỏa thân trên sa mạc Nevada?
Câu trả lời chính là: sự phân tán.
Có cả một đại dương sao biển ở ngoài kia. Và giờ đây, để có thể đánh giá sức mạnh cũng như độ phức tạp của những con sao biển ấy, hãy cùng lặn xuống xem.
Con sao biển thứ nhất: Skype
Hãy nhớ lại lần trước khi chúng ta ghé thăm Niklas Zennstrom, ông ấy vẫn còn đang phải lẩn tránh những gã chạy mô-tô đen lăm lăm vô số trát đòi hầu tòa trong tay. Người sáng lập Kazaa đã gặp phải vài vấn đề nghiêm trọng với luật pháp, và cuối cùng ông thấy thế là quá đủ. Zennstrom chuyển bóng sang chân một số cư dân đảo phía Nam, những người đã gây dựng cửa hàng ở Vanuatu. Ðến lượt họ chơi tiếp. Thực tế là, trong khi chúng tôi cố tìm gặp Nikki Hemming - Giám đốc điều hành mới của Kazaa - ở Sydney, đối tượng gần gũi nhất với cô mà chúng tôi tiếp cận được là người hàng xóm. Bỏ qua những lời phân trần của người hàng xóm, Nikki không mấy vui vẻ khi gặp chúng tôi. Cô đang bị các luật sư trong ngành công nghiệp âm nhạc truy đuổi ráo riết.
Các hãng thu âm chỉ làm cho tình hình của mình thêm tồi tệ, và các chương trình chơi nhạc theo mô hình phân tán nhanh chóng xuất hiện. Còn Zennstrom, ông rời bỏ công việc và cần tìm cho mình một dự án mới.
Sự ra đời của eMule đã chứng tỏ một điều rằng: nếu có lợi nhuận khi xây dựng các chương trình chia sẻ dữ liệu P2P thì lợi nhuận ấy cũng sẽ chẳng là bao.
Thực tế này, như người ta vẫn nói, đúng là tiến thoái lưỡng nan. Muốn thu lợi nhuận từ các chương trình trao đổi dữ liệu, bạn phải tìm cách nào đó để tập trung tất cả dữ liệu vào một nơi (mà người ta thường gọi là máy chủ), như thế bạn mới có thể bán quảng cáo hoặc thu phí người dùng. Ðể thu tiền, thường thì bạn phải lập một tài khoản ở đâu đó, nghĩa là sẽ dẫn đến một sự tập trung khác (đối với các nguồn tiền). Nhưng ngay khi bạn có được một hệ tập trung và bắt đầu thu lợi thì những công ty như MGM sẽ lập tức bám theo. Thế là bạn ở vào thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc phần nào đó đi theo mô hình tập trung và chấp nhận đối mặt với những kiện cáo, tố tụng; hoặc hoàn toàn đi theo mô hình hệ phân tán, nhưng không thu được chút lợi nhuận nào.
Zennstrom bắt đầu tìm kiếm trong các ngành công nghiệp khác một nơi có thể ứng dụng công nghệ P2P. Và ông đã tìm ra đáp án: công nghiệp điện thoại. Ai cũng thích được tải nhạc miễn phí, và tất nhiên được nói chuyện điện thoại miễn phí thì lại càng thích. Trong nhiều năm, các tin tặc đã tìm ra hàng loạt mánh để có thể sử dụng điện thoại mà không phải trả tiền. Tất nhiên vậy là bất hợp pháp, vì tất cả đều sử dụng trộm đường dây của các công ty viễn thông. Và đúng ra thì các hacker đó phải trả tiền.
Các công ty điện thoại, cũng như các hãng thu âm, chẳng thay đổi là bao suốt hàng trăm năm trước khi Internet ra đời. Bạn muốn gọi một cuộc điện thoại đường dài, bạn sẽ được kết nối tới một nhân viên tổng đài, người này sẽ kết nối cuộc gọi tới một nhân viên tổng đài khác, rồi nhân viên tổng đài đó sẽ tiếp tục kết nối bạn với người họ hàng của bạn ở El Paso hay Texas. Sau này khi công nghệ tự động ra đời, các nhân viên tổng đài được thay thế bằng máy tính, vệ tinh, và hệ thống cáp quang thay thế cho dây điện thoại thông thường. Nhưng về bản chất thì đó vẫn là một hệ tập trung.
Các công ty viễn thông chi phối hệ thống đường dây, thế nên bạn phải trả cho họ bất kỳ mức giá nào họ muốn, hoặc bất kỳ mức giá nào mà chính quyền cho phép. Trước đây công ty AT&T là đội duy nhất đá trên toàn sân viễn thông Mỹ. Ðến năm 1984, tòa tuyên bố giải thể AT&T, tạo ra cuộc cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại đường dài. Lúc này người ta có nhiều lựa chọn hơn, tuy nhiên những lựa chọn đó cũng chẳng khác là mấy, vẫn phải sử dụng đường dây điện thoại, không sao tránh khỏi.
Cho đến khi Internet và Zennstrom ra sân. Ý tưởng của Zennstrom, rút kinh nghiệm từ bài học xương máu của Kazaa, là tránh toàn bộ các hệ máy chủ tập trung. Skype, công ty mới của Zennstrom cho phép người dùng kết nối trực tiếp với nhau, không qua trung gian, không dùng đường dây điện thoại. Hơn thế nữa, việc này hoàn toàn nằm trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Quá tuyệt.
Những người dùng Skype thì được lợi lớn. Họ có thể giao tiếp, trò chuyện thoải mái với bất kỳ người dùng Skype nào trên thế giới, mà không hề phụ thuộc vào đường dây điện thoại. Người dùng chỉ phải làm mỗi một việc là tải vài phần mềm miễn phí từ Skype, và cắm tai nghe vào máy tính. Tất cả đều được thực hiện thông qua Internet cho nên người dùng không tốn xu nào. Thật ra thì phải tốn một chút xíu (chính xác là 0,017 Euro) khi gọi đến một số máy trên đường dây kiểu cũ. Không ngạc nhiên là rất nhiều người chết mê dịch vụ này của Skype. Khi chúng tôi gặp Zennstrom vào tháng Mười hai năm 2004, Skype đã có tới 15 triệu người dùng. Cuối năm 2005, con số này lên đến 57 triệu.
Nhưng cuộc cách tân của Skype không chỉ dừng lại ở đó. Zennstrom đã tìm ra cách giảm chi phí kết nạp một người dùng mới của Skype xuống còn zero bằng cách phân tán cơ sở dữ liệu người dùng.
Trước đây, nếu muốn biết số điện thoại của một ai đó, bạn gọi hỏi tổng đài nhờ họ tra trong danh bạ. Chương trình Skype không duy trì một danh sách người dùng theo kiểu tập trung như vậy. Danh sách này được chia nhỏ thành nhiều phần và lưu trữ ngay trên máy tính của chính người dùng. Mỗi người dùng đều có thể là một host lưu trữ. Ví dụ như ta có thể lấy thông tin về một người thông qua một người dùng khác. Với một kết cấu mở như vậy, mỗi người đều góp phần vào hệ thống. Mỗi mảnh thông tin được sao chép nhiều lần qua các máy tính trên khắp thế giới. Tính năng tuyệt vời này của hệ thống mở giúp Skype tránh được chi phí lưu trữ danh sách người dùng trên máy chủ. Giao dịch duy nhất có thể ảnh hưởng đến máy chủ của Skype là những giao dịch chuyển tiền và thanh toán tín dụng.
Khi cố hạ mức chi phí các cuộc gọi xuống thành zero, Skype đã sơn phết lại toàn bộ ngành công nghiệp điện thoại vốn thu lợi từ các cuộc đàm thoại đường dài đã lỗi thời. Ngài Micheal Powell, nguyên Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã phát biểu trên tạp chí Forbes năm 2004: "Tôi nhận thấy sự kết thúc khi tôi tải chương trình Skype, những người phát minh ra Skype cung cấp miễn phí một phần mềm nhỏ mà bạn có thể dùng để nói chuyện với bất kỳ ai. Chất lượng rất tuyệt, lại không mất phí. Chấm dứt rồi. Từ đây thế giới sẽ đổi thay là điều chắc chắn."
David Dorman, nguyên giám đốc điều hành của AT&T giảng giải cho chúng tôi thấy những công ty điện thoại kiểu truyền thống chịu tác động như thế nào trước cuộc cách tân của Skype. Skype không phải trả bất kỳ một khoản phí nào cho những cuộc gọi giữa các thành viên, cả các cuộc gọi trên Internet cũng không bị đánh thuế. Ngài Michael Powell, nguyên Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã xác nhận điều đó. Skype được miễn phí hoàn toàn trong khi các công ty điện thoại đường dài truyền thống phải trả 3 cent cho mỗi phút kết nối. 3 cent mỗi phút được nhân lên rất nhanh, mỗi năm AT&T và các công ty khác phải trả đến 20 tỷ USD.
Skype đã ứng dụng lợi ích của công nghệ mới để cung cấp miễn phí cho người dùng những dịch vụ mà trước đây là độc quyền. Ðó là một tin chẳng tốt lành gì với các công ty điện thoại truyền thống. Chỉ cần một phần mềm mini là máy tính để bàn của bạn có thể hoạt động như một chương trình Skype. Việc trở thành một nhà cung cấp viễn thông đường dài trước đây từng có những trở ngại rất lớn, gần như là không tưởng, nhưng giờ thì những trở ngại đó không còn nữa. Chỉ cần đầu tư vài triệu đô, bất cứ ai cũng có thể xây dựng được một hệ thống tương tự như Skype. Và như thế, thời gian tới dù có tiếp tục phát triển hay không thì Skype cũng đã mở chiếc hộp của Pandora rồi.
Các công ty viễn thông đã phản ứng ra sao? Rút kinh nghiệm từ câu chuyện của các hãng thu âm, các ông lớn trong ngành viễn thông bắt đầu có những động thái nhằm củng cố vị trí cho mình. Chỉ vài tháng sau cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ngài David Dorman, SBC đã có được AT&T trong tay.
Về phần Zennstrom, ông không còn phải trốn chạy đám anh hùng xa lộ trên những chiếc mô-tô đen nữa. Ông còn bận đếm những tỷ đô mà eBay đã bỏ ra để mua lại Skype. Chúng ta sẽ tìm hiểu chiến lược săn lùng Skype của eBay, nhưng hãy để sau một chút. Trước hết ta hãy cùng xem qua một vụ đầu tư khác của eBay.
Con sao biển thứ hai: Craigslist
Khi bước chân trên bậc thềm ngôi nhà theo kiến trúc Victoria ở San Francisco, chúng tôi đã mong chờ được nhìn thấy một vị thánh. Tất cả những gì chúng tôi biết về Craig Newmark và trang craigslist của ông - nơi diễn ra các hoạt động thương mại, mua bán gần như tất cả những gì người ta có thể tưởng tượng ra - là vàng. Craigslist là ví dụ hoàn hảo cho một hệ thống mở. Người ta nói rằng điều Craig quan tâm nhất chính là những người dùng, ông cho họ sự tự do tối đa, và rằng không một cá nhân nào tham gia craigslist vì tiền - tuy thế website này vẫn cứ kéo theo nó một lợi nhuận khổng lồ.
Chúng tôi ngó vào một văn phòng có tám đến mười kỹ sư đang ngồi quanh hai dãy bàn. Một tấm biển lớn đề "Khu vực riêng. Không phận sự miễn vào." "Có ngài Craig ở đây không?" chúng tôi hỏi. Một kỹ sư hơi ngẩng đầu lên, lầm bầm, "Ông ấy ở trên lầu."
Chúng tôi lên cầu thang và tiến ra phía sau của ngôi nhà được dùng làm văn phòng. Phòng làm việc của Craig khá nhỏ. Ngồi chung phòng với ông là Jim Buckmaster, giám đốc điều hành của công ty. Craig đón chúng tôi bằng một nụ cười, Jim thì đang bận rộn bên chiếc máy tính. Vài phút sau ông ta gật đầu với chúng tôi một cái, rồi lại quay lại với chiếc máy tính của mình.
Cuộc phỏng vấn bắt đầu khá suôn sẻ. Craig nói với chúng tôi rằng ông đang phụ trách mảng chăm sóc khách hàng. Có vẻ như mối quan tâm lớn nhất của ông là làm sao có thể hỗ trợ cho người dùng một cách tốt nhất. Tiếng tăm và lợi nhuận không phải là những thứ ông nghĩ tới đầu tiên. Trên thực tế, công ty của ông là một thành công bất ngờ. Craig nói trang web của ông thành lập năm 1995, khi ông giữ một danh sách e-mail từ những sự kiện ở Vịnh San Francisco.
Ngày càng có nhiều người tham gia vào danh sách này. Ðiều đó dần dần chiếm hết thời gian của Craig. Ông có cảm giác mọi chuyện trở nên lẫn lộn khi ông cứ ôm đồm tất cả mọi vấn đề.
Trái với sự mâu thuẫn đó của Craig, trang web của ông phát triển lên đến một quy mô khổng lồ. Hiện nay craigslist có ở 35 quốc gia và hơn 175 thành phố trên khắp thế giới. Trang web này thu hút tới ba tỷ lượt xem mỗi tháng. Bạn có thể đăng quảng cáo hoặc tìm bất cứ thứ gì bạn cần trong đó, từ những thứ hầm bà lằng trong ga-ra, xe hơi cũ, mua nhà hay thậm chí là tìm bạn đời. Tất cả đều miễn phí. Thứ duy nhất mất phí là những thông tin tuyển dụng của các công ty hoạt động vì lợi nhuận. (Các hoạt động phi lợi nhuận thì được đăng miễn phí.) Ước tính mỗi năm craigslist thu về tới 10 triệu đô-la.
Chúng tôi hỏi Craig, "Với lượng người dùng đông như vậy, sao ông không bán quảng cáo trên website?"
Jim xoay ghế lại và ngay lập tức xen vào, "Các thành viên của chúng tôi không yêu cầu quảng cáo trên banner hay quảng cáo chữ."
"Nghĩa là sao, thưa ông?"
"Microsoft cũng đã đặt banner quảng cáo, còn nói đó là 'một đề nghị rất hời'. Thế nhưng craigslist gỡ bỏ hết." Jim giải thích. Nhưng lý do là vì sao?
"Cách thức craigslist hoạt động là chính những người dùng sẽ tự đăng thông tin lên," Craig trả lời. "Và nếu người dùng thấy có gì đó không thích hợp, họ sẽ cùng bình chọn để quyết định xem có nên chấp nhận hay không. Nói cách khác, chính những người dùng điều hành craigslist. Mặt khác, theo một phương diện nào đó, có thể nói những gì chúng tôi đang có một trăm phần trăm được tạo ra từ cộng đồng người dùng. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu xem các thành viên của mình cần cái gì và cách mà họ ủng hộ điều gì đó như thế nào. Ðiều đó đã thật sự mang lại hiệu quả, và chúng tôi cứ thế mà phát huy. Tôi nghĩ rằng ý tưởng trong khoảng hơn mười năm đầu thực sự là của tôi, sau đó tôi đơn thuần chỉ lắng nghe nhu cầu của mọi người, và cho họ cơ hội để làm điều đó. Một điều nữa là văn hóa tin tưởng cũng được hình thành và phát triển trong cộng đồng người dùng."
Craig nói đúng. Có thể thấy sự tin tưởng hiện diện khắp nơi trên craigslist. Trang web này cho phép người dùng tác động trực tiếp đến nhau, không ai có quyền ra lệnh cho người khác được hay không được làm việc gì. Không trung gian, không lãnh đạo. Nhưng điều thu hút lớn nhất đối với người dùng không phải là việc họ được đăng quảng cáo miễn phí, mà chính là tính cộng đồng. Hầu hết những người được hỏi đều nói về craigslist như một cộng đồng thuộc về một kỷ nguyên khác, một kỷ nguyên mà những người hàng xóm biết giúp đỡ lẫn nhau. Những thành viên craigslist đã thực sự coi nhau như láng giềng. Ðó là ngôi nhà chung cho tất cả, người tốt lẫn kẻ xấu. Tất cả mọi người có thể đăng quảng cáo tuỳ thích. Nhưng một khi quảng cáo vi phạm nội quy thì dù là bất cứ lý do gì, những người dùng cũng sẽ có quyền gỡ bỏ nó đi. Ðây thực sự là một hệ thống dân chủ hoàn toàn được điều khiển bởi người dùng. "Cộng đồng xóm giềng" này cũng là một nơi họp chợ rất hiệu quả. Bản thân chúng tôi cũng tham gia craigslist để kiếm vé xem hoà nhạc Santana, bán một cái webcam, tìm mua máy tính cũ, và thậm chí tìm thầy dạy violin.
Mẩu quảng cáo được nhớ đến nhiều nhất là quảng cáo của một người dùng tên là Ori khi anh chuyển nhà và có một loạt thùng U-Haul thừa.
Ori đăng thông tin trong mục "Ðồ miễn phí", rằng anh có khoảng 100 thùng U-Haul như vậy, và mọi người có thể liên hệ với anh để nhận. Ngay sau đó anh nhận được tám hay chín bài phản hồi, Ori trả lời người đầu tiên liên lạc với anh. Một giờ sau, một người đàn ông tên là Glenn xuất hiện trước cửa nhà Ori, bày tỏ rằng những chiếc thùng đó sẽ giúp ích như thế nào cho ông ta. "Anh biết đấy, mỗi lần chuyển nhà là một lần hoang, các thứ chi phí dồn vào đấy cũng khá tốn kém." Rồi ông lấy ví dụ vài thứ rất lặt vặt, nhưng tính ra tốn không ngờ. "Khi chuyển nhà xong, tôi cũng sẽ làm như anh. Anh sẽ sớm thấy thông tin về những chiếc U-Haul này trên craigslist."
Tôi muốn nói ở đây không phải là việc Glenn đã tỏ ra hào phóng, hay có một ý tưởng sáng tạo. Mà là cách Glenn đã nói về nó. Như thể việc sẽ đăng tin về những chiếc thùng U-Haul miễn phí cho người khác tiếp tục sử dụng là điều đương nhiên. Khi bạn có được những chiếc thùng miễn phí là bạn đã "mang nợ" từ cộng đồng craigslist, và tất nhiên bạn sẽ tiếp tục để cho người khác cũng có cơ hội được "mang nợ" như mình. Ðó chính là điều mà Craig muốn nói với chúng tôi - sự tin tưởng và tính cộng đồng trong craigslist.
Chúng tôi hiểu rằng Craig đánh giá rất cao tính cộng đồng. Nhưng chúng tôi vẫn muốn biết, dù chỉ để có đề tài mà tranh luận một chút thôi, xem chiến lược kinh doanh của ông là gì. Liệu có khi nào ông sẽ bán công ty này? Có khi nào ông thiếu tiền và sẽ bắt đầu kinh doanh từ những thông tin trên craigslist?
Khi chúng tôi hỏi những câu giả định vậy, Craig nhìn xuống chân, rồi nhìn chăm chăm vào bàn làm việc. Có vẻ như ông cảm thấy bị xúc phạm. Chúng tôi ngượng quá, tự hỏi, "Mình đã nói gì sai sao?"
"Jim, sao anh không trả lời câu hỏi đó cho mấy anh đây?" Craig nói. Và trong khi Jim trả lời cho chúng tôi (chủ yếu là "Chúng tôi sẽ không bán cho ai hết,") Craig chăm chú vào đống thư mới nhận. Nửa sau của buổi phỏng vấn liên tục bị xen kẽ bởi tiếng sột soạt khi Craig mở phong bì thư. Sau đó ông bật máy tính và bắt đầu trả lời e-mail.
Rời khỏi ngôi nhà ba mươi phút sau đó, chúng tôi vẫn còn thấy ngỡ ngàng xen lẫn ngạc nhiên. Chuyện gì đã xảy ra vậy nhỉ? Và chúng tôi nhận ra hệ mở là nhắm đến những người dùng, chứ không phải là sự lãnh đạo hay dẫn dắt của ai cả. Trong một hệ mở, điều quan trọng không phải ai là Giám đốc điều hành, mà chính là người đó có đủ niềm tin với các thành viên để họ tự hoạt động hay không. Vì một trong hai lý do - hoặc vì Craig tin tưởng các thành viên trong craigslist của mình, hoặc vì ông không muốn phát triển công ty cho lắm, hoặc vì cả hai - Craig rất tôn trọng người dùng. Ông để họ được thoải mái.
Chúng tôi đã có được một bài học quan trọng từ chỗ đứng của những người dùng. Họ không biết, hoặc không quan tâm tới việc mình đang hoạt động trong một hệ thống kiểu nhện hay kiểu sao biển, miễn là họ được tự do, được làm những gì mình muốn. Và họ cảm thấy hài lòng về điều đó.
Sau này chúng tôi càng thấm thía ý nghĩa trong những lời của Craig. Thứ nhất, Craig - như ông tự nhận - là một người khá khép kín. Ông không thích những cuộc phỏng vấn với người lạ. Nhưng hơn thế, Craig không bao giờ bán rẻ thành viên. Ông nhường sân chơi lại cho những người dùng, cho họ những gì mà họ yêu cầu. Chính điều đó đã tạo nên nền tảng của sự tin tưởng và tính cộng đồng mà mọi người nói đến. Sau cùng, Craig là một nhân viên chăm sóc khách hàng. Ông không trả lời câu hỏi của chúng tôi mà quay lại với công việc thực sự quan trọng đối với mình: trả lời e-mail của khách hàng, những người không phải trả cho ông một đồng nào cả.
Có một điều chắc chắn rằng craigslist đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu của báo chí. Các ông lớn trong ngành công nghiệp này phản ứng lại - một phản ứng đang dần trở nên quen thuộc - bằng cách củng cố lại, và càng trở nên tập trung hơn. Các cuộc hội đàm sát nhập giữa hai tập đoàn lớn: Village Voice Media (sở hữu vài tuần báo lớn ở Mỹ như Village Voice hay Tuần báo Los Angeles ) và New Times Corporation (công ty mẹ của các tờ như East Bay Express , Phoenix New Times và Denver Westword) chính là động thái nhằm chống lại sự hao hụt lợi nhuận từ quảng cáo. Trong một tuyên bố của mình, Village Voice Media chào hàng một website có tên là backpage.com nhằm cạnh canh với craigslist (với những quảng cáo rất bắt mắt trên hầu hết các tuần san). Với giao diện giống craigslist một cách đáng ngờ, backpage.com cung cấp các dịch vụ gần giống như craigslist, và những mức giá quảng cáo khác nhau cho khách hàng lựa chọn. Rất ít thành viên craigslist thích thú với website mới này. Và chúng ta chẳng mất công hồi hộp nín thở chờ xem liệu backpage.com có trở thành đối thủ cạnh tranh nặng ký với craigslist hay không.
Có một sự kiện đáng ngạc nhiên, chỉ vài tuần sau cuộc phỏng vấn với Craig Newmark, chúng tôi được tin craigslist đang phản đối việc "scraping". Scraping tức là một website lấy thông tin từ một website khác và đăng lên trang của mình. Rất nhiều website nhỏ ăn theo craigslist như những ký sinh trùng, lấy quảng cáo từ craigslist rồi đăng lên, thường có kèm theo đường dẫn tới quảng cáo gốc trên craigslist. Craigslist không chấp nhận và yêu cầu các trang kia phải chấm dứt hoạt động này. Ðó là craigslist muốn bảo vệ người dùng khỏi các băng quảng cáo, hay craigslist bắt đầu có ý thức bảo vệ lợi ích của chính mình?
Con sao biển thứ ba: Apache
Trong khoảng thời gian David Garrison chu du khắp nước Pháp, nói chuyện với các nhà đầu tư về việc ông ta có phải là ông chủ của Internet hay không, thì các kỹ sư trên khắp thế giới lại đang hân hoan với công nghệ Web mới và các hệ quả của nó.
Trình duyệt web đầu tiên xuất phát từ một dự án của Trung tâm ứng dụng siêu máy tính quốc gia Hoa Kỳ (NCSA) tại Ðại học bang Illinois. Nhiều kỹ sư đã làm việc hàng năm trời tại đây để phát triển những phiên bản tiền thân và bộ khung cơ bản cho Web. Nhưng khi bắt đầu nhận thấy tiềm năng thực sự của Web, hay nói đúng hơn là tiềm năng lợi nhuận do Web mang lại, họ rời khỏi NCSA và thành lập các công ty riêng, như Nescape - công ty vẫn được coi là khởi đầu của cuộc bùng nổ Internet.
Sự ra đi của các kỹ sư này khiến NCSA cần tới những tài năng khác để có thể xây dựng cấu trúc Web. Các kỹ sư trên khắp thế giới đều sẵn sàng tham gia vì sự phát triển của Web. Họ tạo ra các bản vá lỗi và gửi tới NCSA mà không hề đòi hỏi được trả công. Thay vào đó, họ chỉ chờ đợi những phản ứng khen chê. Nhưng chẳng có gì hết. Im lặng. Vì một lý do nào đó, có thể là do nhận được quá nhiều e-mail tương tự như vậy nên NCSA chẳng hề bận tâm đến việc trả lời.
Các kỹ sư không hề tức giận mà tấn công NCSA, cũng chẳng tham vọng lập nên một công ty Internet cỡ bự và bán chứng khoán giá cao. Không hề. Họ chỉ muốn các bản vá lỗi của mình có thể tích hợp được làm cho Web ngày càng hoạt động hiệu quả hơn mà thôi.
Không nhận được phản hồi nào từ NCSA, các kỹ sư bắt đầu thảo luận với nhau về Web thông qua một danh sách e-mail. Một trong số họ nói, "Sao chúng ta không tự làm lấy? Nếu NCSA không đăng các bản vá lỗi lên, thì chính chúng ta sẽ làm." Một kỹ sư khác, Brian Behlendorf, thậm chí còn đặt tên cho dự án ấy, cái tên mang nhiều ẩn ý sâu xa mà có khi chính Brian cũng không nhận biết hết.
Trong cuốn Mật mã Rebel , Glyn Moody có nhắc đến việc cái tên "Apache" đã đến với Brian như thế nào. Ðó là một cái gì thôi thúc từ bên trong, không phải mạng này nhện kia hay bất cứ một từ ẩn dụ nào khác, mà là Apache.
Behlendorf lấy máy tính của chính mình làm nơi để các kỹ sư khác đăng các bản vá lỗi lên. Apache không hề có một chiến lược phát triển nào. Nó mang tính chất của một hệ thống nhiều hơn. Các kỹ sư đóng góp vào đó, và những bản vá lỗi tốt sẽ được nhiều người dùng sử dụng. Không ai có một vai trò mặc định nào cả. Mọi người đều cố gắng giúp giải quyết vấn đề trong khả năng tốt nhất của mình.
Ngay lập tức trang Apache thu hút được rất nhiều lượt khách viếng thăm. Moody giải thích, "nhóm Apache được thành lập hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của các tình nguyện viên trên khắp thế giới, hầu hết trong số họ đã dành toàn thời gian quản lý website. Vậy nên chúng tôi quyết định sử dụng một mô hình đặc biệt cho hệ thống. Mô hình này ắt hẳn sẽ khiến Geronimo rất tự hào."
Có một đội ngũ nòng cốt gồm khoảng mười kỹ sư chuyên về phát triển các bản vá lỗi và duy trì danh sách của Apache. Ngoài ra còn có vô số cá nhân khác cũng đóng góp các bản vá lỗi cho Apache. Không ai thực sự là người phụ trách ở đây, và ý tưởng được đem ra sử dụng là ý tưởng tốt nhất. Cũng giống như trường hợp của các Nant'an: bạn theo ai đó - trong trường hợp này là sử dụng bản vá lỗi của người đó - vì bạn khâm phục tài năng của họ, vì bạn thích thú với kết quả mà bạn đạt được, chứ không phải vì sếp bảo bạn phải làm thế.
Apache thu thập được nhiều bản vá lỗi cho NCSA đến nỗi cuối cùng cũng tự đăng lên phiên bản của mình. Phần mềm này hoàn toàn là mã nguồn mở. Bất kỳ ai muốn cũng có thể tải miễn phí và chỉnh sửa lại. Nếu bản vá của bạn cải tiến hơn so với nguyên bản và được nhiều người ưa chuộng thì sẽ dần được tích hợp vào chương trình chính.
Các kỹ sư trên thế giới bắt đầu sử dụng Apache để chạy các máy chủ cho website. Không phải vì họ muốn tiết kiệm chi phí, cũng không phải họ chỉ muốn thử nghiệm. Thậm chí một số tổ chức lớn như MIT hay Yahoo! cũng chấp nhận mã nguồn của Apache. Apache, từ một tập hợp lắp ghép các bản vá đã nhanh chóng phát triển đạt tới chuẩn công nghiệp.
Tất nhiên cũng còn có những ông lớn khác trên thị trường này, chủ yếu vẫn là Microsoft và Netscape. Nhưng không công ty nào có thể tung ra một sản phẩm mới, vì vậy Apache dần dần chiếm lĩnh thị trường. Ngày nay, 67% website trên toàn thế giới chạy bằng chương trình của Apache.
Khi lướt web, hầu hết chúng ta không biết rằng mình đang được hưởng lợi từ những bản vá của Apache mà các kỹ sư đã cống hiến trong suốt cả thập kỷ qua. Vai trò quan trọng nhất của Apache chính là đã ngăn chặn cuộc chiến có khả năng xảy ra giữa hai con nhện khổng lồ: góc võ đài bên này là Microsoft với hệ điều hành gần như đơn cực; góc bên kia là Netscape giàu sụ với những dịch vụ công cộng rất thành công. Hai ông lớn này ngang sức ngang tài trong cuộc chiến tranh giành nền cho hệ điều hành, cũng giống như cuộc chiến giữa hai dòng máy tính MAC và PC.
Nếu không có Apache, các kỹ sư sẽ phải chọn lựa giữa hai ông lớn với hy vọng hệ thống nền của họ sẽ giành chiến thắng. Còn những người dùng, mỗi khi lướt web người ta sẽ được nhớ lại cái thuở đi thuê băng video. Giống như anh chủ hàng băng sẽ hỏi, "Thuê băng VHS hay băng Beta ?" bạn cũng sẽ phải lựa chọn chạy hệ thống nền của Microsoft hay của Netscape.
Apache cũng giống như mọi dự án mã nguồn mở khác, chẳng hạn như Linux, một hệ điều hành tương tự như Microsoft Windows nhưng hoàn toàn miễn phí. Khi đối mặt với các hệ mở như thế này, các tổ chức "con nhện" kiểu truyền thống hiểu rằng họ phải tự thích nghi và chấp nhận thay đổi theo xu hướng mang tính "sao biển" nhiều hơn. Nếu bạn là Microsoft, và bỗng nhiên một hôm nào đó đối thủ cạnh tranh đưa ra một sản phẩm tốt hơn sản phẩm của bạn, đặc biệt lại miễn phí, ngay lập tức bạn mất đi lợi thế cạnh tranh. Trong phần sau chúng ta sẽ xem các hãng lớn như IBM và SUN phải thích nghi với tình hình này như thế nào. Còn hiện tại thì chừng đó cũng đủ để chúng ta thấy được Apache đã làm thay đổi cả một nền công nghiệp phần mềm ra sao, cũng giống như những thổ dân Apache đã thay đổi cả cuộc chiến chống lại người Tây Ban Nha trước đây vậy.
Con sao biển thứ tư: Wikipedia
Chúng ta hẳn còn nhớ cái thời đi học phải bò ra làm bài luận. Hồi đó "nghiên cứu" có nghĩa là đến thư viện và cầu mong rằng Bách khoa toàn thư Britannica chưa bị người khác mượn mất.
Chẳng hạn nếu phải làm bài tập về chim cánh cụt, bạn sẽ chọn quyển vần "C" và ghi lại những thông tin về loài chim này có trong sách. Sau đó bạn gập cùng bản minh họa vẽ tay rồi đem nộp. Thế là xong. Bách khoa toàn thư quả là cứu cánh cho những học sinh lười ở mọi nơi.
Lần đầu tiên khi nghe đến một cuốn "Bách khoa toàn thư trực tuyến", hẳn chúng ta sẽ nghĩ chắc lại là một dạng kiểu như cuốn Britannica - với những bài viết ngắn và cơ bản của các chuyên gia về các vấn đề khác nhau. Nhưng không phải, tất cả các bài viết ở đây đều được đóng góp bởi chính những người dùng. Một mô hình mở đúng nghĩa.
Wikipedia có một khởi đầu thú vị, và phần nào đã nắm được cuộc cách mạng hệ mở. Con sao biển này bắt đầu với Jimmy Wales, từ một chuyên viên chứng khoán thành nhà kinh doanh Internet rồi thành nhà từ thiện. Năm 2000, ông khai trương một chương trình bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí dành cho những đứa trẻ mà cha mẹ chúng không có điều kiện bỏ tiền mua riêng một bộ. Chương trình này có tên là Nupedia, ai cũng có quyền đọc, nhưng để đăng được thông tin lên lại là cả một nhiệm vụ nghiêm túc.
Có bảy bước cần làm để đăng thông tin lên: xác định chủ đề, tìm một nhà nghiên cứu về vấn đề đó, tìm bài viết của ông ta, mở bài viết đó ra, copy bài viết, chỉnh sửa, cuối cùng là xác nhận bài viết đã chỉnh sửa và lưu nó lại. Ngay bản thân việc đọc những hướng dẫn đăng tin đã chẳng dễ chịu gì, cho nên người dùng sẽ mặc kệ, chẳng đoái hoài đến việc đưa thông tin lên nữa. Một công việc thật tẻ nhạt. Các tiến sĩ, các chuyên gia luôn được coi là tác giả. Và khi những bài viết dần bị bỏ quên thì Larry Sanger - tổng biên tập của Nupedia - biết về một thứ gọi là wiki. "Wiki" theo tiếng thổ dân Hawaii có nghĩa là "nhanh". Wiki là một công nghệ cho phép người dùng có thể dễ dàng tự mình thay đổi nội dung trên website một cách nhanh chóng.
Larry muốn áp dụng công nghệ wiki vào Nupedia. Sau khi tham khảo ý kiến của Bill W., Jimmy đồng ý và thế là Wikipedia ra đời. Cũng giống như AA, chương trình này đã thực sự cất cánh bay. Chỉ trong 5 năm, Wikipedia đã phát triển trên 200 ngôn ngữ khác nhau với số lượng bài viết khổng lồ. Chỉ tính riêng các bài viết bằng tiếng Anh đã có tới hơn một triệu bài trên một host. Và cũng như AA, Wikipedia mở rộng ra, bắt đầu có thêm Wiktionary, Wikibooks và Wikinews .
Về phần Nupedia, trước khi kết thúc nó chỉ có vẻn vẹn 24 bài viết đã hoàn thành, và 74 bài viết còn dang dở. Ý tưởng sử dụng công nghệ wiki của Larry cuối cùng "lấy mất" công việc của ông - nhiệm vụ này đã được người dùng đảm nhiệm.
Lần đầu tiên ghé thăm Wikipedia, chúng ta nghĩ đây thật là một ý tưởng lạ, nhưng thành thật mà nói thì ta không thực sự mong đợi sẽ tìm thấy các bài viết chất lượng, thậm chí chúng ta chờ đợi một sự tệ hại có khi hơn cả một toa tàu điện ngầm từ những năm 80. Nhưng cả hai ý nghĩ đó đều sai lầm. Chất lượng bài viết còn trên cả tuyệt vời. Các chủ đề lớn đều được viết rất rõ ràng, cô đọng súc tích và có chiều sâu. Ai cũng thận trọng, cố gắng viết sao cho chính xác, khách quan và dễ hiểu nhất. Ðây chính là quy tắc thứ bảy của một hệ phân tán: Ðưa người dùng đến với một hệ mở, rồi tự họ sẽ mong muốn được cống hiến cho nó.
Và không chỉ có thế, những cống hiến của người dùng còn chính xác một cách đáng nể. Khảo sát của tạp chí Nature cho thấy độ chính xác của Wikipedia và Bách khoa toàn thư Britannica gần như tương đương. Các chuyên gia kết luận: "Trung bình mỗi bài viết khoa học của Wikipedia có khoảng bốn lỗi, còn Britannica thì có ba." Quan tâm và nghĩ đến những người xung quanh, người dùng của Wikipedia luôn để ý đóng góp thường xuyên và cố gắng giữ cho thông tin trong các bài viết được chính xác.
Trong lần tìm kiếm đầu tiên với Wikipedia, chúng tôi muốn làm một cuộc thử nghiệm nho nhỏ. Liệu bộ bách khoa thư này có bao trùm tất cả mọi vấn đề không? Chúng tôi gõ vào một từ khóa tối nghĩa và khó hiểu nhất có thể nghĩ ra: There's Company - tên một chương trình sitcom hồi những năm 80 mà chúng tôi khá ưa thích.
Ðúng là có một bài viết thật, nhưng thông tin về vợ chồng chủ xị, ông bà Roper, thì còn thiếu. Chúng tôi đọc bài viết và sau đó quyết định nhấn vào nút "Chỉnh sửa" - thế là chúng tôi sắp sửa thực hiện đóng góp đầu tiên cho trang web này. Cảm giác ban đầu cũng hơi lạ, chà, chúng tôi có quyền thay đổi nội dung, và sau đó mọi người trên toàn thế giới sẽ đọc bài viết này (hay ít nhất là các fan hâm mộ There's company ). Và một lần nữa ta lại thấy rằng, mỗi bài viết trên Wikipedia đều được đóng góp bởi các thành viên hết sức bình thường như chúng tôi.
Trang thứ hai mà chúng tôi xem là bài viết về một tổ chức bảo vệ môi trường. Thông tin trong đó hơi mơ hồ và thiếu chính xác, Rod đã dành ra cả giờ đồng đồng hồ để viết một bài tóm tắt về tổ chức này và những điểm nổi bật của nó trên Microsoft Word rồi cập nhật nó lên. Việc anh làm khiến bài viết cũ được cải thiện rất nhiều, nhưng do sự khác biệt về kiểu và cỡ chữ nên kết quả trông hơi lộn xộn.
Bởi Wikipedia cho phép bất cứ ai cũng có quyền đóng góp, thế nên rất nhanh sau đó có người đã chỉnh sửa lại cho bài viết của Rod trông bắt mắt hơn. Ðó là Walt Lockey, anh tự nhận trên trang của mình là một "tư vấn kiến trúc kiêm nhà văn". Những đóng góp của anh cho Wikipedia "tập trung vào phần thiết kế: thiết kế sản phẩm, thiết kế nội thất, và kiến trúc". Lockey nhận thấy các trang của Wikipedia, theo ý của anh là "xấu quá", và anh quyết định chỉnh sửa cho chúng trông đẹp mắt hơn.
Ngay ngày hôm sau khi Rob đăng bài lên, Walt xuất hiện và chỉnh sửa lại bài viết của Rob thật đẹp đẽ. Chúng tôi chưa bao giờ gặp Walt, cũng chưa từng gửi e-mail cho anh. Thế nhưng tự anh đã góp mặt và cống hiến cho một cộng đồng lớn hơn, Wikipedia, mà không hề phê phán công việc của Rod hay đòi hỏi được trả thù lao. Walt chỉ muốn được giúp đỡ. Ðôi khi chỉ cần được cống hiến thôi, người ta cũng cảm thấy thỏa mãn rồi.
Ngày nay có rất nhiều chuyên gia đóng góp cho Wikipedia dưới nhiều hình thức khác nhau, từ việc cập nhật từng phút thông tin về một thiên tai nào đó cho đến những bài viết chuyên sâu về nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung. Ðiều này dẫn chúng tôi đến sự ngạc nhiên thứ hai: phần lớn khối lượng đóng góp khổng lồ ấy đều mang tính tích cực. Trên thực tế, phải sau vài tháng sử dụng Wikipedia chúng tôi mới gặp một kẻ phá hoại. Tên này đăng một đoạn tham khảo trên trang về người Inca, nói rằng "Ðế chế Inca đã chứng tỏ rằng những con chuột khổng lồ ăn thịt người có thể sống tới 100 tuổi." Chỉ trong vòng chín giờ đồng hồ, một người dùng khác tên là Jessica - một kiến trúc sư sống ở miền đông Manhattan - đã gỡ bỏ thông tin phá hoại đó xuống.
Khi nghiên cứu về craigslist, chúng tôi đã học được một điều rằng website của họ chính là một cộng đồng láng giềng ảo. Và điều đó cũng đúng với Wikipedia. Một cộng đồng thân thiện và sạch sẽ được duy trì nhờ những người như Jessica, lập tức gỡ bỏ những thông tin phá hoại ngay khi thấy chúng. Kẻ phá hoại giấu tên về người Inca vẫn tiếp tục phá hoại các mục khác, nhưng lần nào những phá hoại này cũng đều nhanh chóng được dọn dẹp sạch sẽ.
Mỗi thành viên Wikipedia đồng thời cũng chính là những cảnh sát có nhiệm vụ cảnh giới cho website. Nhiều người thậm chí còn xung phong trở thành một cảnh sát thực sự của trang web - như Quadell: anh tự nhận mình là "người trông coi Wikipedia". Anh nói về công việc của mình: "Tôi có chìa khóa phòng dọn dẹp, và tôi dọn dẹp mọi thứ cho gọn gàng." Trở thành một người trông coi không phải là một công việc dễ dàng. Quadell phải chiến đấu không ngừng nghỉ với những tên phá hoại, chúng tấn công những bài viết của anh bằng cách xóa sạch nội dung và thay vào đó những câu như "Ðêm ngồi buồn không có việc gì làm, nên ta tự nghĩ có lẽ vào phá phách trang web của Quadell chơi, hắn sẽ không ý kiến gì đâu," hay "Quadell là một tên cướp biển bẩn thỉu."
Wikipedia có quyền khóa một số trang lại, hoặc vì những tên phá hoại hung hăng hoặc vì chủ đề đó đang gây nhiều tranh cãi (như chủ đề Hồi giáo chẳng hạn). Những lúc này, vấn đề được đưa trở lại diễn đàn chung để các thành viên tranh luận cho đến khi đạt đến một thỏa thuận thống nhất nào đó, lúc đó chủ đề sẽ được mở khóa trở lại. Nhưng Wikipedia cũng cố gắng hạn chế việc khóa các chủ đề. Ngay cả trang của Quadell dù thường xuyên bị tấn công bởi những kẻ phá hoại, nhưng nó vẫn được mở.
Con sao biển thứ năm: Những kẻ cháy nắng
Lễ hội Những kẻ cháy nắng diễn ra hàng năm ở sa mạc Nevada, được biết đến với những bộ quần áo phóng khoáng, âm nhạc bốc lửa, và vô số những người trần truồng đang sôi sục hưng phấn vì thuốc. Ðó là một trải nghiệm tản quyền 24/7 duy nhất mà ngày nay bạn có thể tìm thấy.
Bởi tiếng tăm hoang dại của Lễ hội cháy nắng nên người ta cũng ngại khi phải nhắc tới việc họ đến chỗ đó. Nếu ngay trước ngày Quốc tế Lao động, đồng nghiệp của bạn có nói với bạn rằng họ chuẩn bị "làm một chuyến cuối tuần tới sa mạc" thì có cơ là họ không nói với bạn toàn bộ sự thật. Trên thực tế, có thể họ đang tiến 17 dặm về phía nam Nowhere, sa mạc Nevada, để tới một cái hồ cạn, nơi có khoảng hơn 30 ngàn người tụ tập mỗi năm một lần.
Ori và các bạn anh lái một chiếc Toyota tơi tả, những chiếc xe đạp leo núi buộc đằng sau. Họ nghe nói xe đạp là phương tiện duy nhất để đi loanh quanh trong Lễ hội Những kẻ cháy nắng vì nơi đó quá rộng không thể đi bộ, mà những chiếc ô tô thông thường thì lại không được phép vào. Họ băng qua Reno rồi rẽ trái, rời đường 80 liên tỉnh để đi vào một xa lộ hai làn chạy xuyên qua sa mạc. Sau đó họ cho xe chạy quanh một khu định cư của người da đỏ nhưng chẳng có gì ở đó. Dần dần thậm chí không có cả cây cối hay bụi cỏ - chỉ có đá và núi. Ở phía xa xa, họ nhìn thấy một cái hồ cạn khô và một biển những túp lều cùng những chiếc xe chuyên dụng đi dã ngoại. Ánh sáng rực rỡ của những ngọn đèn nhấp nháy làm cho nó trông gần giống với Vegas.
Họ tới lễ hội Những kẻ cháy nắng khi trời đã tối và bắt đầu tìm trại của ông bạn Craig (không, không phải là anh chàng Craig của craigslist đâu). Những chiếc RV và những túp lều làm thành một thị trấn tạm thời gọi là Thành phố Ðá Ðen. Thành phố này được dựng nên bao quanh một cái "chảo" - cái lòng hồ cạn khô nọ. Các đường phố được tạo nên bởi những vòng tròn đồng tâm. Năm nay chúng được đặt tên theo các hành tinh. Tỏa ra từ lòng chảo, giống như những chiếc nan hoa xe đạp, là các đường phố được đặt tên theo thời gian trong ngày. Như vậy bạn có thể sắp xếp để gặp một ai đó, ví dụ ở phố 10:30 và Sao Kim.
Họ tìm thấy trại của Craig ở phố 2:00 và Sao Thiên Vương. Craig tốt nghiệp trường Dartmouth và sống ở San Francisco với vợ. Anh là giám đốc sản xuất của một công ty phần mềm, nhưng cũng là một người cực kỳ sáng tạo - kẻ đã biến tầng hầm của mình thành một quán bar tiki có đầy đủ các chức năng. Ðể lôi kéo được vợ đến lễ hội Những kẻ cháy nắng cùng mình, Craig đã biến một chiếc Ford Escort cũ thành một chú hươu cao cổ có cái cổ cao sáu mét. Chị vợ hài lòng về việc Craig đã làm chú hươu đó cho mình đến nỗi đồng ý từ biệt những tấm ga sạch sẽ và vòi tắm hoa sen trong một tuần để đi cùng với anh.
Craig gác vài miếng gỗ dán lên mái của chiếc xe-hươu-cao-cổ để làm chỗ ngủ cho tối đa là 12 người. Anh cũng có thể ngồi trên chỗ mái này để cầm lái, bằng cách gắn thêm những đoạn ống nhựa PVC dài vào phanh, cần số và vô-lăng. Và anh lái bằng cách đẩy hoặc quay những đoạn ống thích hợp.
Lễ hội Những kẻ cháy nắng có hai đặc điểm phân tán chính. Thứ nhất là ở đó thực sự không có nhiều nguyên tắc. Nếu bạn thích mặc một bộ cánh hiện đại, xin mời. Nếu bạn thích chẳng mặc gì, xin mời. Nếu bạn thích dựng nên một con hươu cao cổ sáu mét và lái nó xuyên qua sa mạc, xin mời.
Cái mà Craig sáng tạo được gọi là "chiếc ô tô nghệ thuật", vì những lý do hết sức rõ ràng. Ở lễ hội Những kẻ cháy nắng có nhiều những chiếc xe nghệ thuật khác, chẳng hạn như một chiếc xe bus trường học được biến thành kiểu disco, một chiếc tàu cướp biển có bánh xe, một con cá mập đầy hăm dọa, thậm chí là một chiếc xe bus nội thị biến thành chiếc tàu ngầm tơi tả. Ở đó còn có cả một kho các tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như một cái vô-lăng Ferris quay tay tự chế. Bạn phải cần đến rất nhiều niềm tin để lái nó, và làm quen với sự thật rằng không có ai ở sa mạc này bắt bạn ký vào biên lai tiền phạt.
Một điều khác mà bạn cần phải làm quen là mọi thứ ở đây đều không mất tiền. Ðó chính là đặc điểm phân tán thứ hai của lễ hội Những kẻ cháy nắng- lễ hội này dựa trên một nền kinh tế quà tặng. Bạn đem đến vài thứ - từ mớ bột làm bánh cho đến áo phông vẽ tay - vì bạn muốn thế, vì nó như một cách để bạn tham gia vào cộng đồng, chứ không phải vì bạn chờ đợi nhận lại một cái gì đó. Những thứ mà bạn có thể trả tiền ở Lễ hội Những kẻ cháy nắng chỉ là đá và cà phê. Tất cả tiền thu về từ hai thứ này đều được đem ủng hộ cho trường học địa phương của quận.
Rất lạ lùng là bạn sẽ quen với nền kinh tế quà tặng này rất nhanh. Thật thoải mái khi cảm thấy không ai cố bán cho mình thứ gì. Nếu như bạn muốn có những sản phẩm của họ, bạn có thể có. Còn nếu bạn không muốn thì cũng không sao.
Nhưng Lễ hội Những kẻ cháy nắng không chỉ xoay quanh việc trao đổi quà tặng miễn phí. Một đêm nọ vào khoảng hai đến ba giờ sáng, Ori và bạn anh gặp một người đàn ông đang phá một cái biển tên Venus và 4:00. Ý nghĩ đầu tiên chạy qua đầu họ là Công an ở đâu nhỉ ? Nhưng ở đó chả có công an nào hết. Tất cả phụ thuộc vào họ.
Gã đàn ông đó trông có vẻ giận dữ, vì vậy họ tiến tới gần gã một cách thận trọng.
"Xin chào," họ nói. Gã nhìn họ trong khi vẫn đang cố sức đẩy cái biển.
"Xin chào," họ nói lại một lần nữa. Và nói thêm, cố gắng để nghe không quá khó chịu. "Anh đang làm gì vậy?"
Người đàn ông thôi không phá nữa, nhưng vẫn giữ chặt lấy cái biển. "Tôi không biết," anh ta nói với một vẻ thành khẩn khiến cho bạn phải tin. "Chỉ là tôi không tìm thấy trại của mình đâu cả. Tôi đã vòng đi vòng lại, và tôi nản quá đi mất." Anh ta bắt đầu khóc.
"Rồi sẽ ổn thôi mà," họ nói.
"Tôi không thể biết được trại của mình ở chỗ nào. Và tôi đã nản lắm rồi. Không phải như các anh nghĩ đâu - tôi không cố tình gây chuyện mà."
"Ðược rồi, nếu anh xé nát cái biển này," họ khuyên, "khi đó sẽ không ai có thể biết được là mình đang đi đâu."
Logic này có vẻ có tác dụng. Anh ta buông cái biển xuống và đồng ý để họ giúp mình đi tìm trại.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau hay gần như thế, họ đi khắp Hệ Mặt trời để tìm trại của người đàn ông này. Bắt đầu từ những hành tinh bên trong. Họ tìm khắp Sao Thủy, Sao Kim, rồi Trái đất và cuối cùng tìm thấy trại của anh ta ở đâu đó gần Sao Mộc và 7:00. Ðúng vậy, có thể lúc đó anh chàng này thật sự có ý định gì đó, hoặc có thể chỉ là anh ta khát nước và thiếu ngủ, hoặc có thể đã có chuyện gì đó xảy ra. Nhưng ít ra thì anh ta đã chứng minh được một điều quan trọng - một hệ thống mở không thể dựa vào lực lượng công an. Một mặt, ở đó bạn có thể tự do làm điều mình muốn, nhưng mặt khác, bạn có thêm trách nhiệm: bởi vì ở đó không có công an đi lại để giữ gìn trật tự và pháp luật, mọi người đều trở thành bảo vệ, hay đại loại thế. Bạn trở nên có trách nhiệm vì chính quyền lợi của bạn và của cả những người xung quanh. Trong một hệ thống mở, khái niệm "hàng xóm" có nhiều ý nghĩa chứ không chỉ là một người sống ở căn hộ bên cạnh.
Ðó chính là kinh nghiệm của Những kẻ cháy nắn g: Khi bạn đặt mọi người vào một hệ thống mở, một số có thể quá hưng phấn, nhảy thâu đêm, và tấn công những tấm biển trên đường phố. Nhưng hầu hết mọi người sẽ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật công phu, sẽ chia sẻ với nhau bột làm bánh, và cố gắng hết sức - theo cách riêng của mình - để đóng góp cho cộng đồng. Và Lễ hội Những kẻ cháy nắng , dù ở ngoài xu thế chung của xã hội, vẫn là một bài học then chốt cho việc kinh doanh. Khi bạn cho mọi người sự tự do, có thể bạn sẽ nhận lại một sự hỗn độn, nhưng bạn cũng có thể nhận được sức sáng tạo tuyệt vời. Bởi vì mọi người đều cố gắng đóng góp cho cộng đồng, với rất nhiều hình thức biểu hiện khác nhau - từ một chú hươu cao cổ sáu mét tới những buổi thảo luận về thực phẩm tươi sống, cắt tóc miễn phí, và một cái lều kiêm khách sạn năm sao.
100 cent = 1 dollar
Chiếc hộp mà thần Zeus trao cho nữ thần Pandora. Vì tò mò nên nữ thần đã mở chiếc hộp ra xem và để tất cả những thứ xấu xa thoát ra ngoài, chỉ còn duy nhất hy vọng là được giữ lại trong hộp - ND.
U-Haul: công ty vận tải nổi tiếng và lâu đời của Mỹ - ND.
Glyn Moody là một cây bút chuyên viết về các sản phẩm công nghệ. Ông nổi tiếng với cuốn Rebel Code, tạm dịch: Mật mã Rebel: Linux và cuộc cách mạng mã nguồn mở, trong đó có sự tham gia của rất nhiều các tin tặc nổi tiếng thế giới. -ND.
VHS và BETA là các loại băng video phổ biến thời trước. VHS - viết tắt của Video Home System - là công nghệ do JVC phát triển, còn BETA là sản phẩm của Beta Recordings, một hãng của Mỹ. - ND.
Từ điển Wiki, Sách Wiki và Tin tức Wiki, ba chương trình về sau cũng rất phát triển của Wikipedia.
Sitcom: viết tắt của "situation comedy", một loại chương trình hài kịch trên TV hoặc đài phát thanh với bối cảnh định sẵn, thường dài tập. - ND.
Nhà xe lưu động, bên trong có đủ phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top