CHƯƠNG I

Sai lầm của MGM và bí mật của người Apache

Don Verrilli đã có thể mở sâm-panh ăn mừng ngay trên bậc thềm đá cẩm thạch của Tòa án Tối cao. Ðó là vào cuối tháng Ba năm 2005, vụ án ông sắp sửa tranh tụng là một vụ hết sức rùm beng. Chắc hẳn Verrilli cảm thấy như mình đang ở trên đỉnh cao của thế giới.

Ai cũng muốn có được một luật sư như Verrilli đứng về phía mình. Ông là trưởng ban biên tập của tạp chí Columbia Law Review đầy thanh thế, thư ký của chánh án William Brennan, và thường xuyên thắng trong các vụ án lớn tại Tòa án Tối cao. Người đàn ông này đạt được mọi thứ. Nếu so sánh Verrilli với cầu thủ bóng chày Babe Ruth thì bên cạnh ông cũng có một đội hình toàn sao không khác gì New York Yankees huyền thoại năm 1972: "cây gậy" hạng nặng Ken Starr - cố vấn Pháp luật Chính phủ Hoa Kỳ (người đã buộc tội cựu tổng thống Bill Clinton trong vụ bê bối của Clinton với Monica Lewinsky) và David Kendall (luật sư bào chữa cho Clinton cũng trong vụ bê bối ấy). Thật sự chẳng ai muốn đối đầu với một đội hình như vậy.

Verrilli và đội của ông chính là những tay súng của MGM, một công ty giải trí khổng lồ. Bản thân MGM cũng tập hợp trong đội hình của mình toàn các ông lớn trong ngành giải trí như Columbia, Disney, Warner Brothers, các hãng thu âm Atlantic Records, Capitol Records, RCA, BMG, Sony và cả Virgin Records.

Giờ thì bạn đã nhận thấy vấn đề rồi chứ: Một đội hình toàn "cầu thủ" ngôi sao, các luật sư hàng đầu thế giới sẽ ra tranh tụng trước tòa án cao nhất của nước Mỹ. Và đối thủ của những người khổng lồ này là ai? Chàng tí hon Grokster, một công ty nhỏ xíu mà có lẽ hầu hết chúng ta chưa bao giờ nghe nói đến.

Grokster được nhắc đến cùng với dịch vụ P2P [1] , cho phép người dùng có thể ăn cắp - à - chia sẻ âm nhạc và phim ảnh trên Internet. Ðược cung cấp một công cụ hết sức tiện dụng, lại hoàn toàn miễn phí, người dùng trên khắp thế giới bắt đầu chia sẻ với nhau mọi thứ, từ album mới nhất của Britney Spears cho đến những phiên bản phim không chính thức nóng hổi nhất. Thực tế là phần 3 của loạt phim Star Wars: Sự trả thù của người Sith đã xuất hiện miễn phí trên mạng P2P cùng ngày nó được công chiếu tại rạp.

Ðiểm đáng chú ý nhất là dữ liệu nhạc và phim này không hề có bản quyền. Về căn bản, có thể nói những người dùng của Grokster đã ăn trộm nhạc. Ở đây chúng ta không chỉ nói đến vài tin tặc ngồi trong mấy tầng hầm tối tăm của bộ môn Khoa học Máy tính một trường đại học. Chúng ta đang nói đến một cậu Joe nào đó ở cuối phố. Thực tế, nếu hỏi bất kỳ một người nào trong độ tuổi từ 18 đến 24 có sử dụng máy tính thì hầu hết câu trả lời là họ đã từng dùng chương trình kiểu như Grokster. Người ta ước đoán chỉ tính riêng nước Mỹ đã có khoảng 8,63 triệu người sử dụng dịch vụ P2P trong tháng Tư năm 2005.

Giới trẻ Mỹ chưa bao giờ chia sẻ với nhau nhiều như vậy kể từ Mùa hè Tình yêu [2] năm 1968. Nhưng chương trình trao đổi dữ liệu này đã gây không ít rắc rối cho ngành công nghiệp sản xuất phim ảnh và thu âm. MGM và các thương hiệu thành viên không làm kinh doanh chỉ với mục đích cho âm nhạc và phim ảnh của mình đi vòng vèo quanh thế giới. Cái cốt lõi vẫn phải là lợi nhuận. Chương trình chia sẻ âm nhạc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn lợi nhuận này. Con số lên tới bao nhiêu? Ngài Verrilli sẽ cho chúng ta biết ngay thôi.

Ngài cố vấn bắt đầu tranh tụng nhưng bị ngắt lời bởi Chánh án Breyer, người đã nhìn thấy trước rằng con voi sẽ bị xé thành từng mảnh nhỏ bởi một chú chuột nhỏ bé. "Vấn đề cốt lõi ở đây là gì?" ông nói với Verrilli. "Ðã có một cuộc cách tân. Ngành công nghiệp âm nhạc đã gặp phải nhiều vấn đề, nhưng vẫn phát triển, và mọi việc cứ thế tiếp diễn."

Verrilli để dành câu trả lời cho phần cuối của cuộc tranh tụng. Ông ta biết rằng con voi mà ông đại diện không tự nhiên phát cuồng lên, mà quả thật nó có lý do để sợ hãi. "Thưa ngài chánh án," Verrilli biện hộ, "thực tế là chúng tôi đã mất - tức ngành công nghiệp thu âm đã mất - 25 phần trăm doanh thu từ sự tấn công của các dịch vụ này."

Hai mươi lăm phần trăm. Quả là một con số đáng để bận tâm.

Toàn bộ đám lộn xộn này bắt đầu chỉ khoảng 5 năm trước phiên xử tại Tòa án Tối cao, khi một sinh viên năm nhất không tên tuổi quá lười biếng không muốn đến phòng thu Tower Records. Do lười hoặc do kiêu ngạo mà cậu muốn phát hành miễn phí âm nhạc của mình. Cậu sinh viên 18 tuổi Shawn Fanning, được bạn bè đặt cho biệt danh "Napster", đã lập ra một công ty tại chính phòng mình trong ký túc xá. Người dùng sử dụng Napster bằng cách truy cập vào máy chủ trung tâm và chia sẻ dữ liệu với những người dùng khác trên khắp thế giới. Ai cũng thích phát minh mới này, và người ta bắt đầu chia sẻ với nhau như không cần biết đến ngày mai.

Chắc chắn rồi, "ngày mai" ấy không tồn tại được bao lâu với Napster. Các hãng thu âm bắt đầu khởi kiện công ty này. Không ngạc nhiên khi các tổ chức như Hiệp hội Bảo vệ Dân quyền Mỹ phản kháng rằng vụ khởi kiện này là một sự xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên tòa án không công nhận lý lẽ ấy. Cũng chẳng mấy ai quan tâm đến sự đe dọa của vô số tin tặc đang giận dữ - giống như lũ trẻ bị mất đi sân chơi của mình: "Chúng tôi sẽ sờ tới các ông, và mọi chuyện sẽ chỉ tồi tệ hơn mà thôi."

Thực tế là ngày 12 tháng Hai năm 2000, tòa đã ra phán quyết chống lại Napster. Tháng Sáu năm 2003, Napster tuyên bố phá sản. Tháng Mười hai năm 2003, Napster bán nhãn hiệu và các tài sản trí tuệ cho Roxio, Inc. chỉ với giá một bài hát.

Toàn bộ cuộc tranh luận hợp pháp này chỉ là phần nhỏ của một chiến lược lớn hơn. Có thể nói nó giống như một tay thợ khóa cuối phố điều hành cả một hệ thống để khoắng sạch nhà bạn. Sáng ra, ngay sau khi bạn rời khỏi nhà để đi làm, hắn ta rón rén lên cầu thang và phá khóa cửa nhà bạn. Sau đó những kẻ khác mò vào khoắng sạch hộp nữ trang, bát đĩa, bộ đồ ăn bằng bạc và cả bộ dàn mới mua. Vài tên thậm chí còn khuân luôn cả máy giặt.

Bạn trở về nhà, và sau khi cú sốc đã qua, bạn muốn truy tìm ngay những tên trộm cùng kẻ đã giúp chúng bẻ khóa vào nhà. Ở đây các hãng thu âm cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Các công ty cung cấp dịch vụ P2P là người mở khóa cho lũ trộm - những người dùng vi phạm bản quyền ở khắp nơi.

Ngành công nghiệp âm nhạc mở chiến dịch tấn công từ hai hướng. Ðầu tiên họ đuổi theo lũ trộm đã xác định được - trong trường hợp này chính là những người dùng tham gia trao đổi nhạc. Họ lần theo dấu những người tải các bài hát và kiện vì tội vi phạm bản quyền, yêu cầu những người này trả 4.000 USD tiền phạt nếu không muốn bị đưa ra tòa. Chiến thuật này không chỉ nhằm ngăn những "tên trộm" tiếp tục tải nhạc mà còn gửi một thông điệp cứng rắn tới toàn thế giới: "Chúng tôi rất nghiêm túc trong việc xử lý các vấn đề về vi phạm bản quyền tài sản trí tuệ. Nếu bạn phá luật và ăn cắp những tài sản ấy, chúng tôi sẽ truy theo bạn đến cùng."

Thứ đến, các hãng thu âm tấn công vào gốc rễ của vấn đề - tay thợ đã bẻ khóa và để ngỏ cánh cửa cho kẻ trộm mặc sức ra vào - các công ty P2P. Họ tiếp tục thuê những luật sư giỏi nhất nhằm xóa sổ các công ty này. Và Verrilli, người được ủy quyền, đã có một màn trình diễn hoàn hảo. Không có gì phải ngạc nhiên khi chỉ hai tháng sau cuộc tranh tụng của ông, tòa đã nhất trí hạ phán quyết có lợi cho MGM.

Nhưng càng giành thắng lợi liên tiếp trong vụ kiện với P2P, thì vấn đề của các hãng thu lại càng trở nên tồi tệ. Không phải do các hãng thu không đề cao cảnh giác, mà vấn đề thật sự là họ đang đổ thêm dầu vào lửa sau mỗi vụ kiện. Họ càng mạnh tay bao nhiêu thì sự kháng cự cũng mạnh lên bấy nhiêu. Có điều gì đó bất thường đang diễn ra.

Lời giải thích thỏa đáng nhất cho sự việc lại đến từ một nguồn không ngờ tới. Hãy gặp Tom Nevins, một nhà Văn hóa và Nhân chủng học chuyên nghiên cứu về các bộ lạc người bản xứ Mỹ ở vùng Tây Nam. Tom chưa bao giờ bước chân vào một phòng thu, nhưng những nghiên cứu của anh về các bộ lạc xa xưa lại hé ánh sáng cho câu trả lời về những gì đang diễn ra trong ngành công nghiệp âm nhạc. Anh là người hiểu hơn ai hết chuyện gì đang xảy ra.

Chúng tôi biết về Tom Nevins trước hết qua phần giới thiệu anh viết trong một cuốn sách về người Apache. Chúng tôi đột nhiên khựng lại. Khoan đã, anh này đang nói về thổ dân châu Mỹ kia mà. Nhưng thực sự những gì anh trình bày có thể áp dụng trong vụ Grokster.

Chúng tôi tìm gặp Nevins ở Iowa, nơi nhà nhân chủng học trẻ đang sống cùng vợ con. Ðầu tiên, anh rất ngạc nhiên, "Tôi không nghĩ là có ai đó lại đọc sách của tôi." Nhưng khi Tom nói chuyện với chúng tôi, anh bắt đầu cho thấy các mối liên hệ, đặt sự việc đang diễn ra trong một hoàn cảnh rộng hơn.

Tất cả bắt đầu từ một bí ẩn, một bí ẩn cổ xưa. Và lời giải cho bí ẩn đó cũng chính là chìa khóa để hiểu ra vấn đề của MGM, xem họ đã mắc sai lầm ở đâu. Nevins đưa chúng tôi quay ngược thời gian về năm thế kỷ trước, tới vùng đất bây giờ là Mexico City, nơi mà năm 1519, nhà thám hiểm huyền thoại Hernando Cortes đã đặt chân đến thủ đô của người Aztec lần đầu tiên.

Nhà thám hiểm vĩ đại đã bị choáng ngợp bởi những con đường lớn dẫn thẳng đến kinh đô - sau này được gọi với cái tên Tenochtitlán - cũng như hệ thống cống dẫn nước phức tạp, sự đồ sộ và vẻ đẹp của những đền thờ cùng kim tự tháp. Cortes đã nghĩ sẽ thấy cảnh hoang sơ, nhưng thay vào đó ông lại gặp một xã hội văn minh với dân số hơn 15 triệu người, có ngôn ngữ riêng, có lịch pháp tiên tiến và một chính quyền trung tâm. "Thành phố ấy lớn như Seville hay Cordoba," và ở khu chợ thì "có hơn 60 nghìn con người tập trung mua bán. Người ta có thể tìm thấy ở đây mọi thứ hàng hóa trên thế giới."

Nhưng Cortes không đến Tenochtitlán chỉ để ngắm cảnh. Cũng giống như CEO của các hãng thu âm, ông đến là để làm giàu. Và cách làm giàu thời bấy giờ là tìm vàng. Ðó cũng là điều đầu tiên Cortes muốn nói với thủ lĩnh của người Aztec, Montezuma II. Cortes bước vào cung điện của Montezuma, lớn đến mức đủ chứa toàn bộ quân đội Tây Ban Nha; và cuộc nói chuyện đó có thể được tóm gọn như sau: "Hoặc ngài giao toàn bộ vàng cho tôi, hoặc tôi sẽ giết ngài."

Montezuma không biết phải làm gì. Trước đây ông ta chưa hề gặp một người nào như Cortes; cho rằng Cortes là một vị thánh, Montezuma nhượng bộ và giao nộp toàn bộ số vàng của mình.

Chưa ai gọi Cortes là một vị thánh, và cũng chưa ai bảo ông ta là một người biết giữ lời. Vậy nên sau khi lấy được vàng, Cortes giết Montezuma. Sự hỗn loạn bắt đầu. Cortes cho quân đội bao vây Tenochtitlán, phong tỏa các con đường, chặn mọi nguồn lương thực ra vào thành phố, chặn cả hệ thống cống dẫn nước. Chỉ trong vòng 80 ngày, 240 nghìn cư dân thành phố đã chết đói.

Năm 1521, chỉ hai năm sau khi Cortes để mắt tới Tenochtitlán, toàn bộ đế chế Aztec - nền văn minh đặt dấu ấn của mình hàng thế kỷ trước Công Nguyên - đã sụp đổ. Và không chỉ có Aztec, cả những người Inca cũng chịu số phận tương tự. Năm 1532, quân đội Tây Ban Nha dưới sự dẫn dắt của Francisco Pizarro đã bắt giữ người đứng đầu Inca - Atahuallpa. Một năm sau, khi đã có được toàn bộ số vàng, Chính phủ Tây Ban Nha hành quyết Atahuallpa và lập ra một chính quyền bù nhìn. Một lần nữa, sự huỷ diệt cả một xã hội diễn ra chỉ vỏn vẹn trong hai năm.

Những sự kiện đặc biệt này dần dần mang lại cho người Tây Ban Nha quyền kiểm soát toàn lục địa. Trong những năm 1680, quân đội Tây Ban Nha dường như bất khả chiến bại. Trên đà chiến thắng, đội quân này tiến lên phía bắc và chạm trán với người Apache. Cuộc chiến diễn ra ở sa mạc New Mexico ấy có mối liên hệ cốt lõi với cuộc chiến giữa ngành công nghiệp thu âm và các trang P2P. Lý do ư? Vì quân đội Tây Ban Nha đã thua hoàn toàn.

Quân đội Tây Ban Nha đã bị đánh bại bởi những con người tưởng như nguyên thuỷ. Không giống với các bộ lạc Aztec hay Inca, người Apache không xây dựng kim tự tháp, không làm đường, cũng không lập thị trấn. Và điều quan trọng hơn nữa là người Apache không có vàng. Thế nên thay vì cướp bóc, chính quyền Tây Ban Nha ra sức biến người Apache thành những nông dân Công giáo, bắt họ phải trồng trọt và trở thành những con chiên ngoan đạo. Một vài người Apache chịu cầm cuốc, cầm cào. Nhưng phần đông không chấp nhận, và không chỉ có thế, họ chiến đấu chống lại quân đội Tây Ban Nha.

Có lẽ bạn nghĩ rằng người Apache chẳng có bất cứ một cơ hội nào chống lại một quân đội như quân đội Tây Ban Nha. Nhưng sự thật lại không phải vậy. Nevins nói với chúng tôi, "Cuối thế kỷ 17, Tây Ban Nha đã mất quyền kiểm soát vùng Bắc Sonora và Chihuahua vào tay người Apache. Người Apache giành được quyền kiểm soát cả vùng Bắc Mexico, dù đó không phải là mục đích của họ. Và đây không phải chỉ là một chiến thắng may mắn bởi người Apache đã tiếp tục kìm chân quân đội Tây Ban Nha suốt hai thế kỷ sau đó."

Không phải người Apache sở hữu một loại vũ khí bí mật nào mà người Aztec và người Inca không biết tới. Cũng không phải vì quân đội Tây Ban Nha đánh mất sức mạnh của mình. Người Apache đánh bại quân đội Tây Ban Nha chính là nhờ họ được tổ chức như một xã hội. Lý do thất bại của quân đội Tây Ban Nha cũng chính là lý do tại sao các hãng thu không thể chèn ép được sự phát triển của P2P.

Nevins kể cho chúng tôi việc anh đã tìm ra lời giải của bí ẩn này như thế nào. Anh từng dành ba năm trời sống cùng người Apache trên dãy Núi Trắng ở Arizona để nghiên cứu văn hóa, quan sát các nghi lễ và tìm hiểu xem xã hội người Apache hoạt động như thế nào. Nevins ngay lập tức nhận thấy sự khác biệt giữa người Apache và các bộ tộc khác. "Hãy thử xem xét người Sioux - như trong phim Khiêu vũ với bầy sói ấy, phải không nhỉ? - cộng đồng của họ có một mức độ tập quyền chính trị nhất định. Cuộc kháng chiến của họ chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, không quá mười năm. Còn người Apache thì đã chiến đấu hàng trăm năm. Họ đã làm cách nào? Họ chia nhỏ quyền lực chính trị và mức độ tập trung rất thấp." Người Apache chiến đấu bền bỉ được như vậy chính là nhờ biết phân tán.

Ðể hiểu rõ hơn những điều Nevins nói, chúng ta hãy xem xét hai hệ thống đối lập: hệ tập quyền và hệ tản quyền. Không khó để tìm hiểu một tổ chức mang tính tập quyền. Hãy nghĩ đến một công ty hay một tổ chức Chính phủ, ở đó người ta xác định rất rõ rằng người đứng đầu là người phải chịu trách nhiệm, và luôn có một địa điểm cụ thể để tổ chức hội họp hay đưa ra các quyết định (như phòng họp, trụ sở chính, hội trường thành phố...) Nevins gọi các tổ chức kiểu này là các tổ chức ép buộc, vì người đứng đầu là người đưa ra phán quyết cuối cùng: chẳng hạn khi Giám đốc điều hành công ty quyết định sa thải bạn, bạn sẽ bị đá đít ra ngoài. Khi Cortes ra lệnh, quân đội của ông ta buộc phải ngay lập tức hành quân. Người Tây Ban Nha, người Aztec, người Inca, tất cả những tổ chức này đều là hệ thống tập quyền hoặc ép buộc. Mặc dù nghe có vẻ giống như trại tù nhưng một hệ thống ép buộc không hẳn là xấu. Nếu bạn là một vị tướng trong quân đội Tây Ban Nha, một lãnh đạo Aztec, hay Tổng Giám đốc điều hành một công ty Fotune 500, bạn phải điều khiển bằng các mệnh lệnh để giữ trật tự tổ chức của mình, làm cho nó hoạt động hiệu quả, vận hành theo đúng quỹ đạo ngày này qua ngày khác. Các quy tắc, luật lệ phải được đặt ra và tuân theo, nếu không thì cả hệ thống sẽ sụp đổ. Ví dụ khi bạn đi máy bay, bạn nên hy vọng đó là một hệ thống ép buộc. Chắc chắn rằng bạn không muốn một ông chú nào đó ở ghế 28J có thể quyết định lúc nào là thời điểm thích hợp để hạ cánh. Không, chú cần phải ngồi yên đó để cơ trưởng - và chỉ duy nhất cơ trưởng mà thôi - có quyền ra quyết định, đảm bảo cho chuyến bay an toàn.

Những hệ tản quyền thì có phần khó hiểu hơn. Trong một tổ chức tản quyền không có người đứng đầu rõ ràng, không phân chia cấp bậc và không trụ sở chính. Nếu như một lúc nào đó cần thiết phải có người đứng đầu, thì người đó cũng chỉ có nhiều quyền lực hơn những người khác một chút. Và cách tốt nhất để một người gây ảnh hưởng là làm gương. Nevins gọi đây là một hệ thống mở, vì mỗi người đều được quyền tự quyết định. Ðiều này không có nghĩa một hệ mở là một tổ chức hỗn loạn vô Chính phủ. Một hệ mở cũng có những nguyên tắc và tiêu chuẩn nhất định, nhưng không nhất thiết phải tuân theo một cá nhân nào. Quyền lực được chia sẻ giữa mọi thành viên ở mọi vùng địa lý. Nói chung là không có Tenochtitlán, cũng không có Montezuma.

Nhưng nếu không có một người như Montezuma thì ai sẽ lãnh đạo? Người Apache có Nant'an - tù trưởng - một người lãnh đạo về mặt tinh thần và văn hóa. Tù trưởng lãnh đạo bằng cách làm gương cho những người khác chứ không có quyền ép buộc. Các thành viên của bộ lạc đi theo Nant'an bởi họ muốn thế chứ không phải vì bị ép buộc. Một trong những Nant'an nổi tiếng nhất trong lịch sử là Geromino, người đã lãnh đạo Apache chống lại quân đội Mỹ trong nhiều thập kỷ. Geromino không thành lập một quân đội mà chính ông đứng lên chiến đấu để những người xung quanh tham gia cùng. Họ nghĩ rằng, "Nếu Geromino chiến đấu, có lẽ đó là một ý hay. Geromino đã có nhiều quyết định đúng, vậy nên chiến đấu bên cạnh Geromino cũng là điều hợp lý." Bạn muốn theo Geromino, bạn theo Geromino. Bạn không muốn theo Geromino, bạn có thể rời bỏ. Mỗi cá nhân đều có quyền nhất định, đều được tự do làm điều mình muốn. Thậm chí câu nói "anh nên..." cũng không hề tồn tại trong ngôn ngữ của người Apache, còn "ép buộc" là một khái niệm hết sức xa vời.

Các Nant'an có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của hệ thống mở này, nhưng sự phân quyền còn có ảnh hưởng lớn hơn. Vì không có kinh đô, không sở chỉ huy trung tâm nên các quyết định của người Apache được đưa ra ở khắp mọi nơi. Một cuộc tấn công doanh trại Tây Ban Nha, ví dụ vậy, có thể được lên kế hoạch ở một nơi, tổ chức ở một nơi và cuối cùng diễn ra ở một nơi khác nữa. Bạn không bao giờ biết được những người Apache sẽ đến từ đâu. Không tồn tại một địa điểm nhất định nào để đưa ra những quyết định quan trọng. Nói cách khác, các quyết định được đưa ra bởi tất cả mọi người, và ở tất cả mọi nơi.

Ban đầu, chúng ta sẽ có cảm giác người Apache thiếu tổ chức và không có trật tự. Thực tế họ là một xã hội tiến bộ và tinh vi, chỉ có điều tổ chức tản quyền là một kiểu tổ chức quá lạ lùng. Nevins giải thích rằng chính những đặc điểm tiêu biểu của một xã hội tản quyền (bao gồm: sự linh hoạt, chia sẻ quyền lực và không có sự phân công rõ ràng) đã giúp người Apache tránh được những cuộc tấn công có thể huỷ diệt xã hội tập trung.

Chúng ta hãy xem điều gì đã xảy ra khi một hệ ép buộc đối chọi với một hệ mở. Người Tây Ban Nha (một cơ thể tập trung) vốn đã quen nhìn mọi vật qua lăng kính tập trung, thậm chí ép buộc. Khi đối đầu với người Apache, họ áp dụng chiến lược vốn rất thành công trước đó (lấy vàng rồi tiêu diệt người đứng đầu), thủ tiêu tù trưởng Apache. Nhưng khi người Tây Ban Nha sát hại một tù trưởng Apache, ngay sau đó một tù trưởng mới xuất hiện. Chiến lược của người Tây Ban Nha đã thất bại bởi trong xã hội Apache, không một cá nhân nào có vai trò quan trọng hơn hẳn những người khác trong cộng đồng.

Không những người Apache sống sót sau những đợt tấn công của quân đội Tây Ban Nha mà thậm chí nhờ đó họ trở nên mạnh hơn. Càng bị tấn công, người Apache càng phân tán, và càng khó bị chế ngự. Khi làng mạc bị phá huỷ, những người Apache có lẽ đã đầu hàng nếu ngôi làng đó giữ một vai trò quan trọng trong xã hội của họ, nhưng sự thật không phải thế. Cho nên người Apache rời bỏ ngôi nhà cũ và trở thành du cư. (Giờ giỏi thì bắt chúng tôi xem.)

Ðó chính là nguyên tắc đầu tiên của phân tán: khi bị tấn công, một tổ chức tản quyền có xu hướng mở hơn và phân tán hơn.

Trở lại vụ xung đột của thế kỷ 21, các hãng thu âm giữ vai trò như quân đội Tây Ban Nha, còn đóng vai người Aztec chính là các công ty P2P như Grokster và Napster. Các hãng thu phủ đầu bằng cách khởi kiện. Như chúng ta đã biết, chiến lược này thực sự có hiệu quả: Napster bị xóa sổ. Lý do các hãng thu đánh bại được Napster là bởi Napster vẫn mang tính tập trung nhiều hơn là phân tán. Ðiều này thể hiện ở việc Napster có một Tenochtitlán (một cơ sở dữ liệu trung tâm mà mọi người dùng đều phải đăng nhập vào) và một ngài Montezuma (một cấu trúc phân cấp rõ ràng với người đứng đầu là CEO). Nói cách khác, mặc dù Napster có sự phân tán và có tính mở hơn so với các hãng thu (cho phép người dùng đăng nhập vào hệ thống và trao đổi nhạc miễn phí) nhưng nó vẫn chưa đủ phân tán và linh hoạt để có thể chống chọi lại cuộc tấn công của những người khổng lồ kia. Chỉ cần phá tan Tenochtitlán (máy chủ trung tâm của Napster) và truy đuổi Montezuma (người điều hành Napster), các hãng thu âm đã giành thắng lợi vẻ vang.

Tuy nhiên, sự ra đi của Napster không dập tắt được ham muốn được sử dụng nhạc miễn phí của mọi người. Hãy tưởng tượng bạn là một đứa trẻ vẫn thường uống nước từ vòi phun nhạc miễn phí. Rồi bỗng nhiên một ngày, có những người mặc vest đến khóa vòi lại và tuyên bố bạn là tội phạm. Tất nhiên bạn có thể quay trở lại cửa hàng băng đĩa - nơi bạn đã chẳng thèm bén mảng đến trong hàng tháng trời qua - để mua một đĩa CD có giá tương đương với ba giờ lao động của mình. Nhưng vẫn còn một lựa chọn hấp dẫn hơn, là đi tìm một chương trình khác kiểu như Napster.

Và cuộc chơi xuất hiện Niklas Zennstrom, một kỹ sư Thụy Ðiển muốn kinh doanh lớn bằng cách cho con thú đói mồi khổng lồ - những người dùng muốn có nhạc miễn phí - ăn. Zennstrom không phải là một tù trưởng Apache, nhưng ông hiểu rằng để có thể tồn tại được thì tốt nhất nên tránh vết xe đổ của Napster. Ông đưa ra giải pháp là một chương trình có tên Kazaa, không có máy chủ trung tâm, không Tenochtitlán. Một anh John nào đó ở California có thể truy nhập trực tiếp máy tính của một chị Denise ở Nebraske để lấy bài hát mới nhất của ban nhạc U2, hoặc vào máy tính của Jerry ở San Francisco để tải các giai điệu yêu thích của Beatles. Chỉ trong vòng 12 tháng, hơn 250 triệu bản chương trình Kazaa đã được tải về, và khối lượng âm nhạc được trao đổi lên đến mức khổng lồ. Chương trình Kazaa cho người dùng sức mạnh mà không cần đến máy chủ trung tâm.

Hãy so sánh, các hãng thu có trụ sở, có kênh phân phối, bộ phận marketing cùng các nhà quản trị được trả lương hậu hĩnh. Vì họ có những tài sản nội dung riêng nên có thể "đòi" thêm tiền của người dùng. Và tất nhiên bạn không thể sao một đĩa CD đem tặng cho bạn bè được. Ngược lại, chương trình Kazaa giống như một ngôi làng Apache, không trụ sở, không trả lương cao, và nếu bạn muốn có hàng ngàn bản nhạc yêu thích để tặng bạn bè, xin cứ việc thoải mái.

Nhưng muốn làm kinh doanh thì cần phải có một Montezuma chứ. Zennstrom luôn muốn tránh xa tầm ra-đa của các hãng thu nên bất cứ lúc nào có thể, ông đều cố hết sức để tránh làm một Montezuma: chỉ xây kim tự tháp khi các hãng thu không để ý, chỉ làm đường nhỏ ở những nơi mà các hãng thu ít truy cập tới. Nguồn thu của ông là từ việc bán quảng cáo trên Kazaa, một đặc điểm tập trung về sau đã được chứng minh là điểm yếu. Zennstrom rất thận trọng với các công ty như MGM. Trong thực tế, ông và các đồng sự luôn tránh né đại diện luật pháp của các hãng thu, những người lúc nào cũng lăm lăm trát đòi hầu tòa trên tay.

Khi các hãng thu, giống như quân đội Tây Ban Nha, thành công trong việc khởi kiện Kazaa và người dùng, Zennstrom bán công ty mẹ ở Ðức cho một cơ sở tại đảo Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương, vượt xa khỏi tầm với của hệ thống luật pháp Mỹ và châu Âu. Cũng giống như người Apache không còn lựa chọn nào khác ngoài trở thành dân du cư, Zennstrom buộc phải trở nên phân tán để có thể tồn tại. Ông chưa có cơ hội làm giàu. Các tù trưởng chưa bao giờ có thói quen làm giàu cả. Nhưng chúng ta cũng không cần phải tiếc cho Zennstrom vội. Ngay sau đây thôi bạn sẽ thấy, bị buộc phải ra khỏi lĩnh vực kinh doanh âm nhạc là điều tuyệt vời nhất trong những điều từng xảy đến với ông.

Sự việc diễn ra giữa các hãng thu và các công ty như Grokster hay eDonkey (một công ty na ná như Kazaa) cũng tương tự như trò mèo vờn chuột. Bạn còn nhớ Verrilli chứ? Tại thời điểm ông tham gia tranh tụng vụ MGM kiện Grokster năm 2005, chiến lược của các hãng thu đã gặp phải hai vấn đề lớn. Chiến lược ấy không chỉ không hiệu quả, lại còn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Giám đốc điều hành của Napster II (mua lại thương hiệu cũ của Napster), Chris Gorog, giải thích: "Các hành động vi phạm bản quyền diễn ra mọi lúc mọi nơi, và chắc chắn luôn bị coi là sai trái. Các bậc cha mẹ phải luôn đề phòng." Như thế có nghĩa các vụ kiện đã tạo nên sự thay đổi? Cũng không hẳn thế, Chris thừa nhận, "vài thống kê cho thấy các hoạt động vi phạm bản quyền có giảm đôi chút. Nhưng tôi không nghĩ là chúng thật sự giảm." Các hãng thu có thể tự thuyết phục mình rằng chiến lược của họ mang lại hiệu quả, nhưng trong thực tế thì phải còn xa lắm mới giải quyết được vấn đề.

Và không chỉ ngành công nghiệp âm nhạc bất lực trong việc ngăn cản các hoạt động vi phạm bản quyền. Ðúng theo nguyên tắc thứ nhất của phân tán, mỗi khi các hãng thu kiện một công ty như Napster hay Kazaa thì một nhân vật mới lại xuất hiện, thậm chí còn phân tán hơn và khó bị đánh bại hơn. Lấy ví dụ như khi Kazaa bị truy đuổi tới tận Nam Thái Bình Dương, một tin tặc vô danh đã xây dựng một phần mềm khác có tính mở và phân tán hơn. Người này lấy phần mềm Kazaa về, xóa bỏ phần quảng cáo thu lợi rồi đưa phần mềm mới này lên mạng. Chương trình này được biết đến với cái tên Kazaa Lite hay K+. Hàng triệu người bắt đầu tải Kazaa Lite về. Ðiều tương tự cũng diễn ra với eDonkey, một công ty cung cấp dịch vụ tương tự như Kazaa. Hãy gặp gỡ đứa con không chính thức của eDonkey - eMule, một sản phẩm đang gặm nhấm thị phần của các đấu thủ khác và dần tiến sâu vào đầu não của mỗi công ty. Tại sao ư? Vì eMule phân tán hơn bất kỳ một tổ chức phân tán nào mà người ta từng gặp trong ngành kinh doanh âm nhạc. Ðó là một giải pháp mã nguồn mở hoàn toàn. Không chủ sở hữu, không Montezuma. Vậy ai đã khai sinh ra eMule? Không ai biết, bởi đơn giản là không thể tìm ra được. Sam Yagan, người lãnh đạo eDonkey, giải thích, "eMule là một mạng lưới tinh nghịch với mã nguồn mở hoàn toàn, và không có cách nào truy đuổi được toàn bộ eMule. Nếu ai đó có động cơ để truy tìm và hạ gục eMule thì chính là chúng tôi đây. Anh biết đấy, chúng tôi đã nỗ lực suốt ba năm qua, mà đều là những người trong nghề, nhưng cũng không tìm thấy gì cả."

Sơ đồ dưới đây cho biết làm thế nào mà các tay chơi P2P ngày càng trở nên phân tán, có tính mở hơn và tất nhiên, ngày càng khó kiểm soát và khó bị đánh bại.

sao bien va nhen DI IN.jpgchuong 1
Những tập hợp như eMule phân tán đến mức vượt xa tầm với của bất cứ luật sư nào của các hãng thu âm. Vậy thì bạn sẽ kiện ai bây giờ? Thậm chí không tồn tại một dấu vết hay một nhân vật đứng đầu nào. Chẳng nhẽ lại đi kiện phần mềm? Bạn thấy đấy, eMule thậm chí chẳng hề tồn tại, trừ một điểm là chương trình này đang lấy đi lợi nhuận của mỗi đối thủ.

Vậy thì ngài Giám đốc điều hành của MGM nên làm gì đây? Sam Yagan cùng những nhân vật của eDonkey đề nghị hợp tác thu phí người dùng và chia sẻ lợi nhuận với các hãng thu âm. Về căn bản đây là thu lợi hợp pháp với mô hình cổ phần. Nhưng các hãng thu âm lại không muốn nghe theo. Họ còn đang bận tìm đường để có thể tồn tại. Như Giám đốc điều hành Napster II đã nói, "Các hãng thu âm đã có mặt hơn một trăm năm qua, và trong suốt thời gian đó, họ chỉ trả cho các nghệ sĩ một xu từ mỗi đô-la thu về. Bây giờ họ bắt đầu phải xét đến việc sẽ kiếm sống như các công ty marketing. Nhưng bạn thấy các đoạn quảng cáo trên TV, trên báo in hay biển quảng cáo tấm lớn cho các nghệ sĩ âm nhạc được bao nhiêu lần rồi? Hiếm lắm. Vai trò trung gian của họ sẽ sớm chấm dứt thôi."

Có vẻ như bất cứ ai liên quan đến các hãng thu âm đều sẽ mất tiền. Thực ra cũng không hẳn thế. Sam nói với chúng tôi, "Bạn nên nhớ lại xem ai là người thực sự kiếm được tiền trong suốt mấy năm gần đây, chính là cánh luật sư." Chẳng ai thấy ngài Verrilli phàn nàn điều gì cả. Với các luật sư, mọi chuyện chỉ là sẽ có thêm nhiều vụ kiện tụng mà thôi.

Với ngành công nghiệp thu âm, mọi chuyện đã không còn như cũ nữa. Ðồng ý là họ có thể thuê Verrilli, luật sư giỏi nhất trong các luật sư giỏi. Ngành công nghiệp này có hàng núi những nguồn hỗ trợ giúp giải quyết vấn đề. Nhưng tất cả đều không có tác dụng. Các công ty như Grokster đang mở khóa cho hành vi ăn cắp trí tuệ, nhưng như thế không có nghĩa Tòa án Tối cao sẽ luôn đưa ra phán quyết có lợi cho MGM.

Với một đối thủ phân tán, bạn càng đánh nó đau bao nhiêu thì nó càng trở nên mạnh mẽ bấy nhiêu. Các hãng thu có đủ sức mạnh để thủ tiêu Napster, hủy diệt Kazaa. Nhưng giành chiến thắng trong cuộc chiến đó có thể là nước cờ tồi tệ nhất của họ. Nó khởi đầu cho một chuỗi những phản ứng đe dọa toàn bộ nền công nghiệp này. Ngay khi các hãng thu truy đuổi Napster và Kazaa thì một chương trình nhỏ như eMule đã manh nha hình thành.

Cuối cùng, MGM và các hãng thu âm khác thất bại không phải vì họ là những kẻ ngốc, cũng không phải vì họ chỉ đơn độc một mình, mà đơn giản là vì họ đã không dừng lại để hiểu thấu đáo hơn về sức mạnh của lực lượng mới kia. Và những gì mà chúng ta biết về các công ty P2P mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi.

[1] P2P tức Peer-to-peer: dịch vụ chia sẻ dữ liệu đầu cuối, trong đó hai máy tính có thể chia sẻ dữ liệu với nhau mà không cần qua trung gian. - ND.

[2] Mùa hè năm 1968, tại thành phố San Francisco, đặc biệt là quận Haight Ashbury, hàng chục ngàn thanh niên đã tụ họp với nhau để tìm kiếm những trải nghiệm mới trong cuộc sống. Ðó là đỉnh cao của một phong trào phản kháng hình thành trong giới thanh niên Mỹ từ đầu thập niên 1960, được cả thế giới biết đến với cái tên "Hippy".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #18#truyen