Phương Trình Của Hạnh Phúc

Hãy nhớ: Dù chúng ta có chán ghét chúng ra sao, thì những nỗi đau và sự khó chịu trong đời sống vẫn vô cùng hữu ích!

Tôi có linh cảm là danh sách của bạn sẽ bao gồm hầu hết những khoảnh khắc rất đỗi bình thường trong trong cuộc sống – một nụ cười trên gương mặt trẻ thơ, mùi thơm của ly cà phê nóng hổi vào buổi sáng, những điều nho nhỏ vẫn thường diễn ra mỗi ngày.

Vậy thì vấn đề ở đây là gì? Nếu như điều dẫn đến những khoảnh khắc hạnh phúc lại vô cùng bình thường và dễ dàng như thế, thì tại sao việc “tìm kiếm” hạnh phúc lại là một thách thức lớn đối với nhiều người? Và tại sao, khi mà chúng ta “tìm ra” nó, thì nó lại dễ dàng trượt khỏi tầm tay?

Khi mà các kỹ sư tiếp cận với một loạt những số liệu mới chưa qua xử lý, điều đầu tiên mà chúng tôi thực hiện là khái quát chúng lại và cố gắng tìm ra một quy luật chung cho chúng. Vì vậy hãy thử áp dụng phương pháp này lên Danh sách Hạnh phúc của bạn và tìm ra điểm chung giữa những khoảnh khắc hạnh phúc khác nhau trong đó xem sao. Bạn có nhìn thấy quy luật chung không?

Những giây phút mà bạn cảm thấy hạnh phúc có thể sẽ khác xa so với của tôi, nhưng hầu hết các danh sách đều xoay quanh đặc điểm chung này: Hạnh phúc diễn ra khi cuộc đời dường như đi theo cách thức của bạn. Bạn cảm thấy hạnh phúc khi mà cuộc đời diễn ra như bạn mong muốn.

Và cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, khi mà điều ngược lại cũng đúng nữa: Sự bất hạnh/không hạnh phúc diễn ra khi mà thực tại của bạn không đồng nhất với hy vọng và kỳ vọng của bạn. Khi mà bạn hy vọng rằng trời sẽ có nắng trong ngày cưới của mình, thì một cơn mưa bất chợt sẽ có ý nghĩa như là một sự phản bội của toàn thể vũ trụ. Và cảm giác không vui của bạn về sự phản bội này có thể kéo dài mãi, chăm chăm bùng lên bất kỳ khi nào bạn thấy buồn rầu hay tức giận với người bạn đời của mình. “Đáng lẽ ra tôi phải nhận ra chứ! Trời mưa vào ngày cưới cơ mà!”

Cách đơn giản nhất để một kỹ sư trình bày cái định nghĩa này về hạnh phúc là sử dụng phương trình – được gọi là Phương trình Hạnh phúc.


Điều đó có nghĩa là nếu như bạn đánh giá các sự kiện là bằng hoặc hơn so với kỳ vọng của bạn, thì bạn thấy hạnh phúc – hay ít nhất là không cảm thấy không hạnh phúc.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: Không phải các sự kiện là nguyên nhân khiến chúng ta thấy không hạnh phúc; mà là cách chúng ta nghĩ về chúng.

 

 Hạnh Phúc Trong Một Ý Niệm

Tôi sử dụng một bài kiểm tra đơn giản để khẳng định lại khái niệm này. Nó được gọi là Bài Kiểm Tra Đầu Óc Trống Rỗng. Đây là một bài kiểm tra đơn giản. Bạn hãy nhớ lại một kỷ niệm không hạnh phúc, ví dụ như, tôi thấy không hạnh phúc khi một người bạn đối xử bất lịch sự với tôi. Hãy dành thời gian và dừng lại ở ý nghĩ ấy, tua đi tua lại cái ý nghĩ ấy và khiến nó gây cho bạn cảm giác khó chịu càng nhiều càng tốt. Hãy để nó kéo dài như chúng ta vẫn thường làm khi mà ta để cho những suy nghĩ như vậy phá hỏng một ngày của mình.

Hãy dành khoảng một phút để tìm ra một suy nghĩ như vậy – và xin hãy chấp nhận lời xin lỗi của tôi khi mà tôi lại yêu cầu bạn phải nghĩ về một chuyện không vui. Bây giờ bạn hãy thử áp dụng Bài kiểm tra Đầu óc Trống rỗng nhé: Không làm bất cứ điều gì tác động đến thế giới thực tại cả, bạn hãy loại bỏ cái ý nghĩ ấy đi – dù chỉ trong một giây thôi cũng được. Bạn có thể làm điều này như thế nào? Hãy để bộ não của bạn hướng tới một ý nghĩ khác (như là đọc một vài dòng chữ giống như bạn đang làm lúc này) hoặc là bật nhạc lên và hát theo. Hoặc là bạn hãy thử áp dụng thuyết về sự trớ trêu[1], tại đó cuối cùng bạn lại cứ nghĩ về cái điều mà bạn bắt mình không được suy nghĩ đến lúc ban đầu.” Hãy liên tục tự nhủ với bản thân rằng, Đừng nghĩ về món kem nữa. Đừng nghĩ về món kem nữa… cho tới khi bạn thấy mình không còn nghĩ về điều gì khác ngoài món kem.

Bây giờ thì bạn thấy sao? Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi bạn thôi không nghĩ về cái lối cư xử thô lỗ của người bạn mình, bạn có còn bực mình không? Tôi cho là không. Mặc dù chẳng có gì thay đổi hết cả ngoại trừ suy nghĩ của bạn, sự thay đổi nằm ở việc bạn cảm nhận ra sao. Người bạn kia vẫn cứ bất lịch sự như thế, nhưng bạn không còn thấy quá tệ nữa. Bạn có nhận ra điều này có nghĩa là gì không? Một khi ý nghĩ ấy biến mất, thì sự khó chịu cũng biến mất!

Khi một kẻ bất lịch sự xúc phạm bạn, anh ta không thể thực sự khiến bạn không hạnh phúc, trừ khi bạn biến sự kiện ấy thành một ý nghĩ, và cho phép nó tồn tại dai dẳng trong trí óc bạn, và rồi cho phép nó dày vò bạn.

Hãy nhớ: Không phải là sự kiện diễn ra, mà là suy nghĩ, mới khiến bạn thấy không hạnh phúc.

Nhưng suy nghĩ không phải lúc nào cũng diễn đạt chính xác sự kiện xảy ra. Vì vậy một chút thay đổi trong cách suy nghĩ của ta có thể tạo nên một tác động to lớn tới hạnh phúc của ta. Tôi biết rõ điều này bởi vì một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời tôi là khi chiếc Saab xinh đẹp, cổ điển của tôi bị nát bươm.

Tôi rất yêu chiếc xe. Đó là chiếc xe 900 Turbo có màu xanh với phần nóc màu be, và vào một ngày nọ Nibal lái nó và rơi vào một vụ đâm xe trực diện với xe tải. Thế là món đồ chơi xinh đẹp của tôi đã ra đi, nhưng tôi lại cực kỳ hạnh phúc bởi vì túi hơi, đai an toàn, và tất cả các thiết bị an toàn khác đã hoạt động hiệu quả, và Nibal bước ra khỏi chiếc xe nát ấy mà không hề bị xây xước gì cả. Tôi mất đi chiếc xe, nhưng như thế thì sao? Người vợ thân yêu của tôi vẫn còn lành lặn!

Giờ thì hãy thử cân nhắc điều này: nếu như mà Nibal đỗ chiếc xe ở đâu đó và nó bị đè cho bẹp dúm, thì chắc hẳn tôi đã phát điên lên rồi. Kết quả thì vẫn thế – một chiếc xe nát bấy và Nibal bình an vô sự – nhưng cảm nhận của tôi về nó sẽ khác đi. Bản thân sư kiện ấy không liên quan gì. Cái chính là tôi nhìn nhận nó như thế nào thôi.

Và đây là câu hỏi trị giá 50 triệu đô: Nếu như các sự việc vẫn không hề thay đổi, nhưng việc chúng ta thay đổi cách suy nghĩ của mình sẽ làm thay đổi cảm nhận của ta về chúng, vậy thì liệu chúng ta có thể hạnh phúc chỉ bằng việc đơn giản là thay đổi suy nghĩ của mình hay không?

Dĩ nhiên là có! Đó là điều vẫn thường xảy ra.

Khi một người có hành vi khiếm nhã mở miệng xin lỗi, lời xin lỗi ấy không thể xoá sạch những gì đã xảy ra, nhưng điều đó cũng sẽ vẫn khiến cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn, đơn giản chỉ bởi vì hành động ấy làm thay đổi cách suy nghĩ của bạn về điều đó. Nó khiến cho thế giới cảm xúc bên trong bạn và thế giới sự việc bên ngoài nội tâm của bạn trở nên có trật tự hơn và cân bằng Phương trình Hạnh phúc của bạn. Bạn bắt đầu đồng tình với thế giới này. Và cách thức mà cuộc đời diễn ra dần vận hành theo cách thức mà bạn hằng mong muốn, và vì thế mà bạn lại tiếp tục cảm thấy hạnh phúc – hay ít nhất là cũng không còn cảm thấy bất hạnh nữa.

Sự thay đổi hoàn toàn tương tự cũng xuất hiện khi mà bạn nhận ra rằng cái người bất lịch sự kia không hề cố ý nói những lời đó hoặc bạn đã hoàn toàn hiểu sai ý của anh ta. Dù không một lời nói nào được thay đổi, nhưng cái lối suy nghĩ của bạn đã không còn giống như trước nữa, làm cân bằng phương trình và loại bỏ mọi lý do dẫn đến cảm giác không hạnh phúc trong bạn.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng chúng ta quả thực có thể kiểm soát được suy nghĩ của chính mình. Chúng ta làm điều đó bất cứ khi nào được yêu cầu cần phải thực hiện một nhiệm vụ cụ thể (như là việc bạn đang làm vào lúc này để dẫn dắt bộ não của bạn đọc các dòng chữ). Chúng ta ra lệnh cho trí não của mình cần phải làm chính xác những gì và nó tuân thủ theo. Hoàn toàn!

---------
[1] Thuyết về sự trớ trêu (ironic process theory) hay còn gọi là vấn đề gấu trắng (white bear problem) đề cập đến quá trình tâm lý theo đó các nỗ lực có chủ ý nhằm bác bỏ những suy nghĩ cụ thể sẽ càng khiến chúng xuất hiện nhiều hơn. Ví dụ như nếu bạn muốn chơi khăm một đứa trẻ, hãy yêu cầu nó giơ tay lên cao và chỉ được hạ xuống khi ngừng suy nghĩ về một con gấu trắng. Thực tế là, một khi bạn đã bắt đầu suy nghĩ về điều gì đó rồi, thì việc cố gắng quên đi sẽ chỉ khiến cho bạn nghĩ về điều đó nhiều hơn mà thôi.

 

Đau Đớn So với Đau Khổ

Bởi vì Danh sách Hạnh phúc của chúng ta gần như toàn là những điều vô cùng thông thường, có vô số khoảnh khắc thật quá đỗi bình thường, cuộc sống thường nhật không phải là điều mà chúng ta thật sự ưa thích. Ngay cả với những đứa trẻ, mô hình hạnh phúc mặc định của chúng ta, cũng có nhiều điều khiến cho chúng khó chịu: tã ướt, bị bỏ lại một mình quá lâu, bị đói, không ngủ đủ. Những thời điểm không dễ chịu này có thể chỉ diễn ra trong chốc lát, nhưng chúng tồn tại vì một mục đích quan trọng và thực tế. Sự khó chịu do cái tã ướt gây ra làm đứa trẻ bật khóc, và khiến cho bố hoặc mẹ nó hay người bảo mẫu phải thay tã, điều này có nghĩa là vấn đề sẽ được giải quyết trước khi nó gây mẩn ngứa. Ngay sau khi sự khó chịu tức thì biến mất, đứa trẻ lại quay về với trạng thái hạnh phúc.

Cũng tương tự như thế, hầu hết những sự khó chịu trong cuộc sống thường ngày của người lớn không những chỉ mang tính tạm thời thôi đâu mà còn rất hữu ích nữa. Cơn đói xuất hiện nhắc nhở bạn cần phải ăn. Sự khó chịu của việc ngủ không đủ giấc nhắc bạn cần phải lên giường nghỉ ngơi. Việc bị gai đâm vào tay khiến bạn rút tay lại, và cơn đau của mắt cá chân bị bong gân khiến bạn không thể tiếp tục hoạt động cho tới khi cái chân lành lại. Ngay cả những cơn đau nghiêm trọng trên cơ thể cũng tồn tại như một thứ thông điệp quan trọng giữa hệ thống thần kinh của bạn với môi trường xung quanh của chúng ta. Thiếu đi những cơn đau giúp cho ta nhận biết được sự nguy hiểm, chúng ta sẽ tình cờ làm tất cả những việc gây thương tổn cho chính mình, và ta cũng sẽ chẳng thể nào mà tồn tại được.

Hãy nhớ: Dù chúng ta có chán ghét chúng ra sao, thì những nỗi đau và sự khó chịu trong đời sống vẫn vô cùng hữu ích!

Nhưng đúng thật là, ta bị thương tổn – rồi ta sẽ bình phục. Bạn làm bỏng tay mình, bạn chườm nó với vài viên đá lạnh, và thế là bạn không còn mấy đau đớn nữa. Một khi các mô tự nó tái tạo và sự nóng cháy và bỏng rát cũng biến mất, cơn đau đã thực hiện được mục đích của chính nó. Bộ não không còn cảm thấy cần phải bảo vệ phần cơ thể bị thương nữa, vì thế nó loại bỏ các tín hiệu, và ‘tạm biệt’ cơn đau. Đó là lý do vì sao mà, tuy chịu đựng một chấn thương nghiêm trọng hay một tình trạng bệnh tật mãn tính, nhưng nỗi đau đớn về mặt thể xác thường không phải là một trở ngại trước hạnh phúc

Có thể điều này sẽ ít hiển nhiên hơn, nhưng nỗi đau tinh thần trong cuộc sống thường nhật cũng có nét tương đồng như vậy và nó cũng ảnh hưởng tới chức năng sinh tồn của chúng ta. Việc bị bỏ rơi quá lâu có thể sẽ nguy hiểm cho một đứa trẻ, do vậy thời gian ở một mình kéo dài sẽ trở nên đáng sợ đối với đứa bé và bé sẽ khóc để gọi người chăm sóc đến. Với những người lớn, cảm giác đau đớn của việc ở một mình, mà cũng còn được biết đến như là sự cô đơn, là những dấu hiệu cho thấy rằng có lẽ chúng ta cần thay đổi cách sống của mình, để trở nên cởi mở và cố gắng hoà nhập hơn. Cảm giác đau đớn của nỗi lo lắng có thể sẽ khiến ta nghiêm túc chuẩn bị cho những kỳ sát hạch và bài thuyết trình sắp tới. Cảm giác tội lỗi hay xấu hổ sẽ khiến ta nói lời xin lỗi và thay đổi, do đó có thể hàn gắn những mối quan hệ xã hội quan trọng.

Khi mà bạn đối mặt với sự khó chịu về tâm lý, bạn sẽ cảm thấy bị thương tổn trong vài phút, vài giờ, hoặc vài ngày, phụ thuộc vào mức độ của trải nghiệm. Nhưng một khi bạn thôi không nghĩ về nó nữa, thì cảm giác bị tổn thương ấy sẽ biến mất. Một khi cảm giác ấy đã qua và kí ức tan biến, bạn có thể thừa nhận và chấp nhận những gì mà bạn đã trải qua, rút ra bài học cho chính mình từ đó, và tiếp tục tiến về phía trước. Một khi nỗi đau không còn cần thiết nữa, thì tự nó sẽ biến mất.

Nhưng điều này không hề đúng với sự chịu đựng.

Khi ta để mặc nó đó, thì nỗi đau tinh thần, ngay cả là điều tầm thường nhất, cũng có khả năng tồn tại dai dẳng hay xuất hiện trở lại hết lần này đến lần khác, trong khi trí tưởng tượng của ta không ngừng vẽ ra nguyên do của nỗi đau. Khi mà chúng ta lựa chọn để cho điều đó xảy ra, đó là khi chúng ta viết lại sự thiết lập mặc định về hạnh phúc của mình và cài đặt chế độ ưu tiên cho sự chịu đựng không cần thiết.

Sự mạnh mẽ của trí tưởng tượng cũng cho phép chúng ta phóng đại sự chịu đựng, nếu như mà chúng ta lựa chọn như vậy, để lảng tránh nỗi đau giả tạo của mình: “Mình đúng là một tên ngốc khi làm tổn thương bạn mình. Mình chẳng làm được cái gì cho nên hồn cả. Mình xứng đáng để bị trừng phạt và đau khổ.” Cái bẫy tự thoại ngày một lớn lên sẽ chỉ dẫn đến sự dày vò ngày càng sâu và dai dẳng hơn bằng việc kéo dài câu chuyện cho tới khi nó làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng thực ra, sự khổ sở mà ta cảm thấy sau đó không phải là sản phẩm của thế giới xung quanh chúng ta – mà là điều đã tồn tại từ trước trong khi chúng ta tiếp tục tự dằn vặt mình. Đó là sản phẩm của bộ não chúng ta. Vì thế:

Hãy nhớ: Chúng ta để cho sự dằn vặt của mình tồn tại dai dẳng như một cách tự tạo ra nỗi đau.

Mọi suy nghĩ trên thế gian này, cho tới khi biến thành hành động, không thể ảnh hưởng tới thực tại của cuộc sống chúng ta. Nó không thể thay đổi các sự kiện được. Nó chỉ có thể tác động tới tâm trí chúng ta, dưới dạng thức của những sự dằn vặt và u uất không cần thiết. Việc dự đoán những điều khủng khiếp sẽ diễn ra trong tương lai hay tư lự về những khoảng khắc tồi tệ trong quá khứ đều là không cần thiết, không hiệu quả và không phải là không thể tránh được trong việc trải nghiệm những nỗi đau của cuộc sống hàng ngày. Sự mở rộng kéo dài nỗi đau đớn này quả thực là một lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống vận hành của chúng ta bởi vì: 

Hãy nhớ: Sự dằn vặt không hề mang tới một lợi ích nào cả. Không hề!

Điều thú vị ở đây là, cũng như việc chúng ta có khả năng tham dự vào nỗi đau khổ của chúng ta một cách có chủ đích, chúng ta cũng có cả khả năng tìm ra và khắc phục lỗ hổng trong hệ thống tổn thương của chính mình nếu như ta dành tâm trí vào đó. Nhưng ta lại không thường lựa chọn làm điều này.

Hãy thử tưởng tượng rằng bạn cần chồng răng và vị nha sĩ đưa ra cho bạn các lựa chọn (a) quy trình tiêu chuẩn cần đến một vài ngày để hồi phục hoặc là (b) một cách chồng răng khác với vài ngày chịu đau nữa. Vậy thì tại sao bạn lại chọn phương án (b) cơ chứ?

Thật buồn khi phải nói ra điều này, hàng ngày, hàng triệu người chỉ đang làm điều này mà thôi: họ hăng hái lựa chọn việc chồng răng với cơn đau được gia hạn. Điều này bắt đầu diễn ra khi mà bạn chấp nhận cái suy nghĩ lướt qua trong đầu mình như là một sự thật tuyệt đối. Bạn càng nấn ná với cái suy nghĩ ấy, thì bạn càng duy trì nỗi đau thêm dài lâu.

Vào cái ngày mà con trai yêu quý của tôi ra đi, mọi thứ đều chìm trong tăm tối. Tôi cảm thấy như thể tôi được quyền để đau khổ suốt phần còn lại của đời mình, rằng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa phòng mình lại và chết dần chết mòn. Thực ra, tôi đã được trao cho hai lựa chọn: (a) tôi có thể chọn đau khổ suốt cả phần còn lại của đời mình và điều ấy cũng sẽ không mang Ali trở lại, hoặc (b) tôi có thể lựa chọn cảm thấy đau khổ nhưng ngăn chặn những suy nghĩ đau đớn kia, làm tất cả những gì mà tôi có thể nhằm vinh danh những hồi ức về thằng bé, và điều đó cũng vẫn không thể mang Ali trở lại – dù vậy nó cũng khiến cho thế giới này trở nên dễ chịu hơn một chút. Hai lựa chọn. Bạn sẽ chọn gì đây?
Tôi thì chọn (b).

Xin đừng hiểu sai ý tôi. Tôi nhớ thương Ali đến từng phút giây mỗi ngày. Tôi nhớ đến nụ cười của thằng bé và cả cái ôm ấm áp của con nữa vào mỗi khi mà tôi cảm thấy mình cần đến chúng nhất. Nỗi đau này là rất thật, và tôi cũng mong rằng nó sẽ tồn tại mãi. Nhưng tôi không chịu được nó. Tôi không có được cái suy nghĩ dằn vặt triền miên trong đầu mình nhằm cường điệu nó lên. Tôi không hề nguyền rủa cuộc đời và hành động như thể mình là một nạn nhân. Tôi không cảm thấy rằng mình bị cuộc đời bội bạc. Tôi không hề cảm thấy căm ghét hay oán giận bệnh viện hay các bác sĩ, và tôi không hề buộc tội bản thân vì đã lái xe đưa thằng bé đến đó. Những suy nghĩ như vậy chẳng mang lại được điều gì hết cả. Tôi lựa chọn việc không dằn vặt. Và điều đó giúp tôi nhìn nhận cuộc đời khách quan hơn và tiến về phía trước một cách tích cực, và gửi tới Ali những lời chúc yêu thương của mình và giữ mãi những hồi ức tràn đầy hạnh phúc về thằng bé khi nó còn tại thế. 

Liệu bạn đã bao giờ phải đưa ra lựa chọn như thế trong những thời điểm khó khăn chưa? Cứ cho là bạn đã từng và điều này rất dễ xảy ra đi, liệu bạn có đưa ra lựa chọn nhằm ngăn chặn sự đau khổ của bản thân hay không? Tôi nhận ra rằng bạn có thể cũng phải chịu đựng những khó khăn không tài nào chịu nổi trong đời mình, nỗi đau của việc mất đi người thân, bệnh tật, hay túng thiếu. Nhưng làm ơn đừng để cho những ý nghĩ ấy thuyết phục bạn rằng bạn sinh ra là để chịu đau khổ, rằng bạn không xứng đáng để được hạnh phúc. 

Hãy nhớ: Hạnh phúc bắt đầu từ một sự lựa chọn có chủ đích.

Cuộc đời không hề chơi trò mèo vờn chuột đối với chúng ta; chẳng qua là đời sống có gian nan đôi chút. Nhưng ngay cả là vậy đi chăng nữa, chúng ta vẫn luôn được trao cho hai lựa chọn: hoặc là làm những gì tốt nhất trong khả năng của mình, chấp nhận nỗi đau, và từ bỏ sự dằn vặt; hoặc là chịu dằn vặt. Dù lựa chọn của bạn có là gì đi chăng nữa, thì cuộc đời vẫn cứ đầy khó khăn như vậy thôi. 

Bạn hãy ghi nhớ lấy điều này. Bạn biết rõ mình cần phải làm gì. Và bây giờ tôi sẽ chỉ cho bạn thấy cách làm điều đó ra sao.

Dịch: December Child 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top