CHƯƠNG 61

—MẸ KẾ SAU KHI TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ —



🌻🌻🌻🌻🌻


CHƯƠNG 56


Người Dịch: Lan Thảo Hương




Ninh Hương ngẩng đầu nhìn anh, mỉm cười đáp: "Không phải, tớ đi thăm họ hàng".

Nhớ lại lần đầu gặp Sở Chính Vũ trên xe tuần trước, khi anh quỳ xuống trước mặt mình, Ninh Hương liền ra hiệu, như muốn đứng dậy và hỏi: "Cậu có cần tớ nhường chỗ không?".

Sở Chính Vũ nhanh chóng lắc đầu nói không cần. Như hiểu được ý của Ninh Hương, anh nhanh chóng giải thích: “Thân thể tớ không có gì vấn đề đâu, tớ từng làm lính năm năm đấy. Hôm đó là do tối không ngủ, quá mệt nên mới không đứng vững”.

Nhắc đến chuyện tuần trước, Ninh Hương cũng cảm thấy buồn cười, nhưng không đến mức bật cười thành tiếng nữa. Cô khẽ mím môi, ngẩng đầu nhìn Sở Chính Vũ, gật đầu: "Được, vậy tớ cứ ngồi nhé".

Sở Chính Vũ đứng bên cạnh, tay chống vào lưng ghế để giữ vững. Giữa không gian ồn ào của xe buýt, anh thoải mái bắt chuyện: "Nhà cậu không phải ở thành phố Tô Thành à?"

Ninh Hương lắc đầu: "Tớ ở trấn Mộc Hồ, huyện Vu".

Sở Chính Vũ trầm ngâm một chút, rồi nhẹ nhàng đáp: “Huyện Vu… cũng không xa lắm”.

Quả thật không xa, nhưng đi đường thủy trên chiếc thuyền nhỏ lắc lư cũng phải mất nửa ngày. Tuy nhiên, giờ đây khắp nơi đều đang xây dựng đường, có lẽ không lâu nữa sẽ có thể đi xe qua lại, sẽ giúp tiết kiệm thời gian hơn.

Hai người cứ thế nói chuyện về những chủ đề không quan trọng, chẳng hạn như Ninh Hương sẽ kể về cuộc sống ở nông thôn. Ở nông thôn, ngoài việc trồng lúa và lúa mì để đảm bảo no ấm, người dân còn trồng bông và dâu tằm.

Ngành dệt lụa ở đây từ lâu đã rất phát triển, vì vậy có rất nhiều đại đội trồng dâu nuôi tằm.

Sở Chính Vũ không hề giữ khoảng cách hay tỏ ra khách sáo. Anh nói nhiều hơn về gia đình mình và những trải nghiệm trong quân đội. Mọi câu chuyện đều được kể một cách tự nhiên, như thể Ninh Hương không phải người ngoài, như thể anh muốn tâm sự hết mọi điều về mình với cô.

Thực ra, anh cũng không có gì cần phải giấu giếm. Giống như những gì Trương Phương đã đoán, gia đình anh thuộc tầng lớp cán bộ, và anh là con một. Anh tốt nghiệp trung học vào tháng 1 năm 1972, cuộc đời anh cứ bình lặng trôi qua không có gì bất ngờ, và một cách tự nhiên, anh đã đăng ký đi lính..

Với nhiều người, đó là cơ hội mà họ khao khát nhưng không thể có được, nhưng đối với những người như Sở Chính Vũ, điều đó lại hết sức bình thường. Anh cứ thế đi theo con đường đã được định sẵn, không chút lo lắng hay phiền muộn, tương lai dường như đã vạch sẵn từ trước.

Nếu không có sự khôi phục bất ngờ của kỳ thi đại học, thì những người như anh có lẽ chỉ có thể dành cả phần đời còn lại trong quân đội. Họ có thể chọn trải qua vài năm rồi về quê làm công chức, hoặc ở lại quân đội và có được một chức vụ nào đó, tổng thể thì cũng không đến nỗi tệ.

Thực ra, những đứa trẻ từ các gia đình nông thôn cũng không khác gì. Tương lai của họ hầu như không có sự thay đổi lớn, dù học hay không học, hầu hết đều chỉ có một lối đi duy nhất—giống như ông bà, cha mẹ họ, ở lại quê hương để tiếp tục làm ruộng.

"Tri thức có thể thay đổi số phận", và tất cả bắt đầu từ việc khôi phục kỳ thi đại học.

Chính nhờ sự khôi phục kỳ thi đại học mà những người như Sở Chính Vũ và Ninh Hương, với xuất thân từ những gia đình khác nhau, mới có thể gặp nhau tại cùng một trường đại học, học những cuốn sách giống nhau, nhận được nền giáo dục giống nhau, và cùng hướng tới một tương lai tươi đẹp.

Hai người cứ thế trò chuyện cho đến khi xe buýt dừng tại trạm của trường, rồi cùng nhau đi vào khuôn viên trường.

Lần này, Ninh Hương không còn thấy ba anh em Giang Ngạn đứng ở cổng trường nữa. Mà dù chúng có đến, cô cũng không quan tâm. Chúng đã trở thành những người không còn liên quan đến cô; dù chúng nghĩ gì hay đang sống ra sao, Ninh Hương cũng không muốn lãng phí thêm chút thời gian nào cho chúng nữa.

Kiếp này, thời gian của cô rất quý giá, và còn rất nhiều việc quan trọng đang chờ cô thực hiện.

* * *

Chủ nhật tuần trước, Giang Ngạn, Giang Nguyên và Giang Hân đã đến đợi ở cổng trường đại học, lý do là vì họ đã tình cờ gặp Ninh Hương ở nhà hàng Tây. Điều này khiến lòng chúng dấy lên những cảm xúc không thể dập tắt, khơi gợi những suy nghĩ mà lẽ ra chúng không nên có.

Cả ba suy đi nghĩ lại, cuối cùng vẫn muốn gặp trực tiếp để xin lỗi Ninh Hương, hy vọng cô có thể tha thứ cho sự non nớt của tụi nó ngày trước.

Nhưng khi nhìn thấy Sở Chính Vũ đi bên cạnh Ninh Hương, cả ba hoàn toàn nhận ra một điều—Ninh Hương và tụi nó đã đi trên hai con đường khác nhau, không còn khả năng có bất kỳ mối liên hệ nào nữa.

Việc chúng xin lỗi hay không, đối với Ninh Hương đã chẳng còn ý nghĩa gì, và cô cũng không cần lời xin lỗi từ tụi nó.

Ninh Hương đã không còn liên quan gì đến ba của chúng từ lâu. Giờ đây, cô có thể yêu người khác, có thể tái hôn. Sau khi ký giấy ly hôn, cô và nhà họ Giang đã cắt đứt hoàn toàn mọi mối quan hệ.

Dù tụi nó có hối hận hay đau khổ, cô cũng sẽ không quay lại.

Thậm chí khi gặp lại, cô cũng không muốn nhìn chúng thêm một lần.

Hiểu rõ thái độ của Ninh Hương, Giang Ngạn - người luôn có lòng tự trọng cao - đã đưa Giang Nguyên và Giang Hân rời đi. Suốt tuần sau đó, ba anh em không còn xuất hiện ở gần Đại học Đông Vu nữa.

Và từ ngày đó, Giang Ngạn, Giang Nguyên, và Giang Hân càng trở nên buông thả và sa đọa, như thể cuộc sống đã hoàn toàn mất phương hướng và ý nghĩa. Mỗi ngày, ba đứa trẻ muốn làm gì thì làm, chỉ còn lại sự vui chơi và thỏa mãn bản thân, không quan tâm đến bất kỳ điều gì khác.

Trong mắt ba đứa trẻ, bà mẹ kế Lưu Oánh là kẻ thù, còn ba chúng - Giang Kiến Hải - chỉ là một kẻ vô dụng không thể quản được vợ, ngày nào cũng chỉ biết bận rộn không thấy mặt mũi. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, ông ta lại giảng giải đạo lý, nhưng tất cả chỉ là những lời vô ích.

Bà nội mất rồi, tụi nó cảm thấy như mình trở thành những đứa trẻ mồ côi, dù không thiếu ăn thiếu mặc hay tiền bạc, nhưng lại thiếu thốn mọi thứ khác.

Không tìm thấy sự tồn tại ở nhà, ba đứa nó tất nhiên ra ngoài tìm kiếm cảm giác đó. Để được nổi bật và tìm kiếm sự chú ý, tụi nó mua quần loe - loại quần đang thịnh hành trong giới thanh niên du côn, mua máy thu âm, băng cassette, kính râm, áo sơ mi hoa, và giày da cao gót.

Mặc lên người những bộ trang phục đó, cả ba trở thành biểu tượng của thời đại, đi trên phố khiến người qua lại đều phải ngoái đầu nhìn.

* * *

Mặc dù xu hướng xã hội rõ ràng đang thay đổi, đặc biệt là gần đây trên phố bắt đầu thịnh hành những thứ như quần loe, áo sơ mi hoa, giày da và kính râm, nhưng những món đồ này vẫn bị coi là trang phục của "đầu gấu" và "du côn". Vì vậy, trong trường đại học, không ai mặc những trang phục lạ lùng như vậy để gây sự chú ý.

Sinh viên đại học vẫn ưa chuộng phong cách ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, phù hợp; thời trang nhưng không quá phô trương.

Dù thời đại đang âm thầm thay đổi, cuộc sống của Ninh Hương vẫn tiếp tục bình lặng như trước, không có biến cố gì lớn xảy ra. Những việc nhỏ nhặt, lặp đi lặp lại hàng ngày đều chẳng đáng để cô bận tâm.

Phần lớn thời gian của cô vẫn dành cho việc học và thêu thùa. Từ thứ hai đến thứ bảy, cô ở trường và ít khi ra ngoài, còn vào cuối tuần, cô thường đến tìm Chu Văn Khiết và Lý Tố Phân để tranh thủ học thêm các kỹ thuật thêu.

Nếu có gì khác biệt, thì đó là sự xuất hiện thường xuyên của Sở Chính Vũ trong cuộc sống của Ninh Hương. Đôi khi vào cuối tuần, vào khoảng thời gian quen thuộc, họ tình cờ gặp nhau trên xe buýt; đôi khi là ở trường, khi anh có việc cần tìm cô.

Cứ như thế, họ dần trở thành những người quen.

Hôm nay là cuối tuần, nhà Lý Tố Phân có việc nên Ninh Hương đã rời khỏi nhà cô ấy sớm để quay lại trường. Vì vậy, cô không gặp Sở Chính Vũ trên xe buýt. Trở về trường, cô cũng không đi ra ngoài nữa mà ở lại ký túc xá để tiếp tục thêu thùa.

Suốt một tuần học hành mệt mỏi, các bạn cùng phòng của Ninh Hương đều cảm thấy thời tiết nóng nực nên không ra ngoài chơi và cũng không tới lớp tự học. Thay vào đó, họ mượn tiểu thuyết từ thư viện, ở lại ký túc xá ăn uống, nghỉ ngơi, trò chuyện và đọc sách để thư giãn.

Họ đang đọc Bá tước Monte Cristo*, vừa xem vừa thảo luận về các nhân vật và cốt truyện trong tiểu thuyết.

(*) Bá tước Monte Cristo 《基督山伯爵》 (Jīdūshān Bójué): Bá tước Monte Cristo (Le Comte de Monte-Cristo) là một tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả Alexandre Dumas, xuất bản lần đầu vào năm 1844. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Edmond Dantès, một người thủy thủ trẻ tuổi bị phản bội và bị giam cầm trong một nhà tù hòn đảo. Sau nhiều năm, Dantès trốn thoát, tìm thấy kho báu và trở thành một bá tước giàu có. Với sức mạnh và tài sản của mình, anh lên kế hoạch trả thù những người đã làm hại mình, nhưng câu chuyện cũng đi sâu vào các chủ đề về công lý, báo thù, sự tha thứ và nhân tính. Tiểu thuyết này được coi là một trong những tác phẩm vĩ đại trong văn học thế giới và đã được chuyển thể thành nhiều bộ phim, vở kịch và tác phẩm nghệ thuật khác.

Thời này, phương thức giải trí thực sự quá ít, nếu không ra ngoài thì chỉ còn cách đọc sách. Ninh Hương ngồi trước giường, tập trung thêu thùa, vừa làm vừa lắng nghe cuộc trò chuyện của họ về cuốn tiểu thuyết, như thể mình cũng đang tham gia.

Sau một vài câu bàn luận về cốt truyện, Cố Tư Tư ở bên bàn vươn vai một cái, với giọng điệu chán nản nói: "Biết vậy, mình đã mang cái đài radio cũ ở nhà theo rồi, ít nhất cũng có thể nghe chút chương trình, chứ cuốn sách này mình đã đọc đến trăm lần rồi."

Triệu Cúc tiếp lời: "Kẻ xấu sẽ không dễ dàng chết như vậy đâu, Chúa vẫn muốn giữ họ lại, để họ bị trừng phạt bằng cách ‘mắt đền mắt, răng đền răng’!". Vừa dứt lời, cô ấy bỗng nghe có người gõ nhẹ vào cửa phòng ký túc xá và nói: "Ninh Hương, ở dưới có người tìm cậu."

(**) “以眼还眼,以牙还牙” (yǐ yǎn huán yǎn, yǐ yá huán yá): Câu nói 'mắt đền mắt, răng đền răng' là một nguyên tắc trong luật lệ cổ xưa, thường được hiểu là "có đi có lại" trong việc trả thù hay trừng phạt. Ý nghĩa của câu này là nếu ai đó gây tổn hại cho người khác, thì người bị hại có quyền trả thù bằng cách gây tổn hại tương tự cho kẻ gây ra tổn thương. Nguyên tắc này xuất phát từ Luật Hamsurabi, một bộ luật cổ đại của người Babylon, và được coi là một cách để duy trì công bằng và cân bằng trong xã hội. Tuy nhiên, trong nhiều nền văn hóa hiện đại, nguyên tắc này thường bị chỉ trích vì nó có thể dẫn đến vòng xoáy bạo lực và không giải quyết được vấn đề gốc rễ.

Nói xong, người đó lập tức rời đi mà không để lại thêm lời nào khác. Ninh Hương đành phải bỏ kim chỉ trong tay, đặt khung thêu sang một bên rồi đứng dậy đi ra ngoài. Đến tầng dưới ký túc xá, cô thấy Sở Chính Vũ đang chờ mình.

Nhìn vào độ cao của mặt trời ở phía tây, có lẽ đây là thời gian anh từ nhà quay về trường học. Chưa kịp để Ninh Hương hỏi có chuyện gì, thì anh đã lên tiếng: "Tớ còn tưởng hôm nay sẽ gặp cậu trên xe buýt."

Ninh Hương mỉm cười đáp lại: “Thân thích trong nhà có việc, nên tớ về sớm”.

Sở Chính Vũ nghe xong liền đưa cho Ninh Hương món đồ anh đang cầm trên tay. Cô không thể không nhận lấy, và anh nói: "Tớ mang từ nhà đến đấy, cho cậu mượn chơi vài ngày. Vốn định gặp cậu trên xe buýt thì sẽ đưa."

Ninh Hương chưa kịp nhìn xem anh đã đưa gì, bởi vì món đồ được bọc kín trong chiếc áo khoác quân đội. Trước khi cô kịp hỏi thêm, Sở Chính Vũ đã quay người, bước đi một cách tiêu sái. Cô đành nuốt lại những lời định nói, nhìn theo bóng dáng anh đang dần xa. Sau đó, cô cúi xuống nhìn món đồ trên tay, rồi quay trở lại ký túc xá.

Về đến nơi, Ninh Hương đặt món đồ lên bàn học. Cố Tư Tư ngay lập tức tò mò, thò đầu ra nhìn, rồi hỏi: "Cái gì vậy? Sao lại bọc kỹ thế này?".

Nghe thấy Cố Tư Tư hỏi, các bạn khác cũng bắt đầu chú ý. Ninh Hương không vội mở gói đồ ra mà đáp: "Mình cũng không biết, Sở Chính Vũ bảo là cho bọn mình mượn chơi hai ngày."

Cố Tư Tư tỏ ra rất hứng thú, liền đứng dậy đi tới bên cạnh bàn học của Ninh Hương. Không do dự thêm, Ninh Hương kéo chiếc áo khoác ra, và ngay lập tức thấy bên trong là một chiếc máy ghi âm màu bạc, kèm theo một cuộn băng từ.

Trương Phương nhìn thấy liền nhảy xuống giường, tiến lại gần và hỏi: "Đây là radio à?"

Cố Tư Tư cầm cuộn băng từ lên, sau khi xem xét kỹ một chút, cô bật cười: "Không phải radio đâu, đây là máy ghi âm. Nó không để nghe đài, mà để phát băng và ghi âm nữa."

Nghe thấy vậy, mọi người xung quanh cũng xúm lại xem.

Trương Phương cầm cuộn băng từ tay Cố Tư Tư, nhìn vào tên ghi trên đó rồi đọc: "Đặng... Lệ... Quân...".

Cố Tư Tư là người phản ứng nhanh nhất. Cô lập tức chạy lại đóng cửa phòng ký túc xá và khóa trái. Sau khi chắc chắn cửa đã khóa, cô quay trở lại, lấy cuộn băng từ tay Trương Phương và nói với Ninh Hương: "Nghe nói đây là ca sĩ đang rất nổi gần đây, chúng ta thử nghe xem".

Ninh Hương gật đầu, đưa tay ấn nút mở khe cắm băng. Khi Cố Tư Tư cho băng vào, Ninh Hương nhẹ nhàng ấn nút khởi động. Một chút hồi hộp chờ đợi trôi qua, và đúng như mong đợi, tiếng nhạc vang lên.

Không khí trong phòng ký túc xá dần trở nên náo nức. Dù ai cũng cảm thấy phấn khích, nhưng chẳng ai lên tiếng. Cố Tư Tư từ từ điều chỉnh âm lượng nhỏ lại. Mọi người cùng quây quần bên bàn học của Ninh Hương, lắng nghe những giai điệu ngọt ngào từ chiếc máy ghi âm.

Trương Phương khẽ thì thầm: "Những bài hát này nghe hay quá, giọng ca thật ngọt ngào".

Trong lúc trò chuyện, cả nhóm còn khẽ ngân nga hát theo.

Ninh Hương, bị vây giữa nhóm bạn, cũng cảm thấy thích thú với giọng hát của Đặng Lệ Quân. Những bản nhạc này đã trở thành kỷ niệm của cô. Thời đại luôn thay đổi, và mỗi giai đoạn đều có dòng nhạc riêng được yêu thích. Tất cả đều là dấu ấn của một thời đại, và là kỷ niệm của cả một thế hệ.

Ban đầu, nhóm Cố Tư Tư còn thấy chán, nhưng giờ đây, nhờ chiếc máy ghi âm, cảm giác đó đã hoàn toàn biến mất. Họ chẳng còn bận tâm đến tiểu thuyết nữa, mà tụ tập quanh chiếc máy, say sưa nghe tiếng hát của Đặng Lệ Quân suốt cả buổi tối.

Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, trong đầu họ vẫn còn văng vẳng câu hát: "Đừng hái hoa dại bên đường".

* * *

Vì máy ghi âm là do Sở Chính Vũ cho mượn, nên Ninh Hương cảm thấy hơi ngại khi cầm đồ của người ta mà không trả. Do đó, Trương Phương và Cố Tư Tư cùng nhau bàn bạc, quyết định mỗi người góp một ít tiền để mua quà tặng Sở Chính Vũ.

Sau khi mua xong quà, Ninh Hương và các bạn không giữ lại máy ghi âm nữa. Họ đã nghe đủ suốt hai ngày và cảm thấy hài lòng với trải nghiệm này. Ninh Hương gói chiếc máy ghi âm cùng với món quà và mang trả lại cho Sở Chính Vũ.

Khi thấy Ninh Hương đến trả máy, Sở Chính Vũ cười nói: "Bảo mượn chơi hai ngày mà cậu thật sự chỉ mượn đúng hai ngày thôi à?".

Ninh Hương không muốn giải thích nhiều. Cô đặt gói đồ bọc trong áo khoác quân sự vào tay anh, rồi cũng như anh, quay người đi luôn, để lại một câu: "Nghe nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến việc học".

Lời nói ấy chỉ là cô tiện miệng nói ra, thực ra là vì cô không thích mượn đồ của người khác mà không trả lại. Nhưng vừa mới trả xong đồ, quay trở lại lớp học, câu nói ấy dường như đã trở thành sự thật.

Lớp trưởng Chu Tùng Dân bước vào, nhìn Ninh Hương và những người bạn cùng phòng của cô rồi nói: "Ninh Hương, Cố Tư Tư, Hứa Lệ San, Trương Phương, Triệu Cúc, Hồ Nguyệt, Tống Tử Trúc, thầy Vương gọi các cậu lên văn phòng một chuyến".

Nghe vậy, Ninh Hương cùng mọi người đều ngỡ ngàng, trong lòng dấy lên một dự cảm không hay. Trương Phương đứng dậy, không bước ra ngoài ngay mà quay sang hỏi Chu Tùng Dân: "Thầy Vương gọi bọn tớ có việc gì không?".

Chu Tùng Dân không nói thêm gì, chỉ ngồi lại chỗ và buông một câu ngắn gọn: "Các cậu cứ đi thì sẽ biết".

Bảy người Ninh Hương đưa mắt nhìn nhau, rồi lần lượt đứng dậy ra ngoài. Khi bước tới cửa lớp, Hứa Lệ San vô tình liếc vào trong và thắc mắc: "Sao lại không gọi Kim Văn Đan nhỉ?".

Câu hỏi này khiến những người khác cũng quay đầu nhìn về phía Kim Văn Đan đang ngồi trong lớp. Ninh Hương hạ mắt, vẻ mặt như đang suy nghĩ điều gì đó. Có lẽ cô đã mơ hồ đoán ra chuyện gì đang xảy ra. Không nói lời nào, cô dẫn các bạn trong ký túc xá đi đến văn phòng thầy giáo.

Khi bảy người bước vào văn phòng, họ lần lượt chào thầy giáo. Thầy Vương đưa mắt quét qua nhóm học sinh, rồi thẳng thừng hỏi vào vấn đề mà Ninh Hương đã đoán trước: "Nghe nói các em đã nghe nhạc không lành mạnh trong ký túc xá, có phải không?".




--- HẾT CHƯƠNG 61 ---

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top