CHƯƠNG 37.
---- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ ----
🌻🌻🌻🌻🌻
CHƯƠNG 37.
Người Dịch: Lan Thảo Hương.
Trong suốt mùa đông từ năm 1976 đến năm 1977, cuộc sống của Ninh Hương là một đường thẳng hai điểm, từ trạm thêu của xã đến nhà thuyền ở đội Thủy Điềm, rồi lại từ nhà thuyền ở đội Thủy Điềm đến trạm thêu của xã.
Khi có tài liệu phân phối của trạm thêu, buổi sáng cô ở nhà làm công việc thêu kiếm tiền, buổi chiều tới trạm thêu để học tập, buổi tối ngồi đọc sách dưới ánh đèn. Còn khi không có tài liệu để làm, thời gian buổi sáng cũng được cô dùng để đọc sách.
Ngoài kiến thức sách giáo khoa, hiện cô còn đọc thêm rất nhiều sách ngoại khóa liên quan đến nghệ thuật. Kể từ khi cô nghe những lời kia của Phùng Tiểu Quyên, và những lời tương tự của Chu Văn Khiết thì cô bắt đầu đọc sách nghệ thuật một cách có ý thức hơn.
Cô không có thẻ thư viện của thư viện huyện, và tất nhiên cũng không có nhiều tiền để tới hiệu sách mua nhiều sách như vậy về đọc, vì vậy Lâm Kiến Đông đã mượn sách từ thư viện huyện về cho cô mượn.
Trước mắt còn chưa có tư tưởng giải phóng, môi trường xã hội không có nhiều thay đổi nên có rất nhiều sách vẫn bị liệt vào sách cấm, người bình thường có thể đọc cũng không nhiều, hầu hết sách có thể xem đều liên quan đến cách mạng, ví dụ như "Thép đã tôi thế đấy", "Bài ca tuổi trẻ". Mười năm trở lại đây, giới trẻ có tri thức đã sớm đọc nát những cuốn sách này rồi, nhiều người trong số họ rất háo hức với văn học phương tây, họ sẽ lén đọc Balzac[1], hoặc sẽ giấu cuốn "Đỏ và đen"[2] ở nơi người khác không biết.
+ + + + +
[1] Honoré de Balzac tên tiếng việt là Ban- dắc. Ông sinh ngày 20 tháng 5 năm 1799 tại Tours, Pháp và ông mất ngày 18 tháng 8 năm 1850. Ông là nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19, bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực. Ông là tác giả của nhiều câu truyện như người viết truyện thật thà... Đặc biệt bộ tiểu thuyết đồ sộ Tấn trò đời (La Comédie humaine).
[2] Đỏ và đen (tiếng Pháp: Le Rouge et le Noir) là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Stendhal, được xuất bản vào năm 1830. Tiểu thuyết được viết vào năm 1830, mô tả về những nỗ lực của một người thanh niên trẻ vượt lên khỏi tầng lớp xã hội dưới của bản thân nhờ tài năng, làm việc chăm chỉ, mánh khóe và đạo đức giả, chỉ tìm thấy chính mình khi bị phản bội bởi chính người yêu của anh ta.
+ + + + +
Tất nhiên, nếu không may bị phát hiện thì điều rất bất hạnh kế tiếp sẽ xảy ra.
Trước đêm giao thừa, Ninh Hương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập của mình dưới sự chỉ đạo của Chu Văn Khiết. Bởi vì Ninh Hương tiếp thu mọi thứ rất nhanh, Chu Văn Khiết đã lợi dụng khoảng thời gian này dạy cô rất nhiều kỹ nghệ khác nhau, đem toàn bộ những kỹ năng từ dễ đến khó đều dạy cho cô.
Khả năng lĩnh hội của Ninh Hương cao, tiếp thu nhanh, thực hành rất nhuần nhuyễn, đồng thời cô cũng có những ý tưởng và suy nghĩ riêng về nghề thêu. Tóm lại, tất cả đều đi từng bước một, dành nhiều thời gian để rèn luyện kỹ năng và hoàn thiện bản thân. Ngay chính cô cũng có thể tự mình cảm nhận được, sau mấy tháng chỉ đạo của Chu Văn Khiết, trình độ thêu của cô đã có một bước tiến nhảy vọt.
Ở lúc chia tay vào cuối năm, Ninh Hương khá bịn rịn Chu Văn Khiết và Phùng Tiểu Quyên, trái một câu cảm ơn phải một câu cảm ơn.
Ngược lại, Chu Văn Khiết và Phùng Tiểu Quyên rất bình tĩnh. Chu Văn Khiết cười nói: "Là do cô tạm thời không có gì dạy em, cũng không phải cô sẽ không tới nữa. Nếu sau này gặp phải vấn đề liên quan tới thêu thùa mà không giải quyết được, khi đó cô lại tới trạm thêu thì em có thể tới tìm cô".
Ninh Hương gật đầu với bà: "Vâng thưa cô".
Chu Văn Khiết vỗ vỗ vai cô: "Em rất có năng khiếu với thêu thùa, cô rất xem trọng em, em nhất định phải tin tưởng vào chính mình, đừng quá bốc đồng và thực dụng, hãy lắng đọng bản thân thật tốt. Dựa vào tài thêu thùa và ngộ tính của em, em chắc chắn sẽ có chỗ đứng trong giới thêu".
Ninh Hương tin vào lời nói của bà, cũng tin tưởng chính mình, cô gật đầu với bà một lần nữa.
Mấy tháng qua, Chu Văn Khiết và Phùng Tiểu Quyên tới trấn Mộc Hồ vốn là để làm việc, đến cuối năm khi mọi việc xong xuôi thì phải quay về thành phố Tô. Tất nhiên, nếu sang năm vẫn có nhiệm vụ thì họ còn phải xuống nông thôn lần nữa.
Mùa xuân này Ninh Hương tất nhiên vẫn trải qua cùng Vương Lệ Trân, tuy rất bình thường và đơn giản nhưng mọi biểu tình đều tràn đầy niềm vui.
Việc Ninh Hương mấy tháng qua đi theo thầy thêu ở thành phố Tô học nghề đã sớm truyền đi khắp đội Thủy Điềm. Sau khi Hồng Đào nói cho các thợ thêu nghe, mỗi người lại đi nói thêm một câu nữa, thế là việc này ai ai cũng biết.
Nhóm thợ thêu biết tay nghề của Ninh Hương tốt, đương nhiên không có chuyện ghen tị. Hơn nữa, họ vốn dĩ chỉ làm những công việc bình thường để kiếm tiền phụ giúp gia đình, không hề có tư duy và nhận thức muốn nghiên cứu sâu hơn về nghề thêu. Bởi vì nghiên cứu cần rất nhiều thời gian và tâm sức, với họ chỉ riêng dành ra thời gian để tập trung thêu thùa mỗi ngày đã thật sự không dễ dàng chút nào rồi. Điều quan trọng nhất là hầu hết mọi người không có năng khiếu cao đến vậy.
Dù là nghề gì đi chăng nữa thì cũng có những ngưỡng cửa, và những phân chia cao thấp về năng khiếu và kỹ năng.
* * *
Bữa tối vào đêm giao thừa, cả đại gia đình họ Ninh quây quần ăn tối như những năm trước.
Khi cả nhà đang cùng nhau ăn cơm, ông nội của Ninh Lan bỗng ở trên bàn cơm nhắc tới chuyện của Ninh Hương, ông nhìn Ninh Kim Sinh và Hồ Tú Liên hỏi: "Chuyện A Hương mấy tháng qua đi học nghề từ thầy thêu ở thành phố Tô, hai đứa mày biết không?".
Từ sau khi chuyện ly hôn của Ninh Hương không còn là cái gì ghê gớm ở trong thôn, không còn bị người khác nhắc tới mỗi khi gặp mặt, cũng không còn bị ai chỉ trỏ nữa thì Hồ Tú Liên đã giống như bình thường, hay cùng mấy bà bạn hàng xóm tụ tập buôn chuyện. Họ thường xúm lại nói về nhà này tán phét nhà kia, trong ngoài thôn không có chuyện gì là không biết. Bởi vậy, chuyện Ninh Hương học nghề với thầy thêu ở thành phố Tô, bà cũng biết tới sau khi cô đi học được vài ngày.
Bà gật đầu với ông nội của Ninh Lan: "Có biết ạ".
Ông nội Ninh Lan nói: "Đã hơn một năm rồi, chuyện ly hôn cũng qua lâu rồi, không phải có người còn mời bà mối tới nói chuyện với Ninh Hương sao? Đến giờ nó vẫn chưa chịu về nhà, anh chị cũng không biết đi tìm nó à, còn muốn cứng mãi sao?".
Ninh Kim Sinh bực bội nói: "Nó suốt ngày dính lấy Vương Lệ Trân, tìm nó làm cái gì? Nó dám ly hôn, dám tiếp xúc với Vương Lệ Trân, ai đảm bảo về sau nó không làm ra cái chuyện gì khác người nữa. Ba không nhìn thấy à, bà mối tìm nó làm mối cầu hôn còn bị nó đuổi đi, khiến cho người ta xấu hổ nói ra ngoài rằng đời này nó không gả đi được. Bọn con tìm nó về làm cái gì, nuôi không một đứa con gái đã ly hôn không gả đi được, mặt mũi của con với mẹ nó biết để đâu?".
Cô của Ninh Lan ở bên cạnh hắng giọng, khôn khéo nói: "A Hương đi theo thầy thêu ở thành phố Tô học nghề đã mấy tháng không lẽ học vô ích à? Công việc thêu sau này chắc chắn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trước kia, còn cần hai người nuôi chắc? Nếu thật sự cần hai người nuôi, lúc trước nó đã không dám trở mặt với gia đình để đòi ly hôn như thế".
Sắc mặt của Ninh Kim Sinh và Hồ Tú Liên như bị nghẹn, nuốt miếng cơm trong miệng không nói được lời nào.
Cũng đúng, nếu như Ninh Hương cần bọn họ nuôi thì lúc trước đã không dám ly hôn. Lúc trước, nó chính là ỷ vào có nghề thêu có thể nuôi sống bản thân nên mới dám cứng đầu cứng cổ đòi ly hôn như thế, dù không có nhà chồng hay nhà mẹ đẻ để dựa thì nó cũng không bị chết đói được.
Cô của Ninh Lan lại nói tiếp: "Mặt mũi có ăn được không, Ninh Ba, Ninh Dương không cần tiền tiêu nữa à?".
Câu nói này rất rõ ràng, dù sao chuyện ly hôn bây giờ cũng không còn ai nhắc đến nữa, Ninh Hương dù ly hôn vẫn có thể gả đi, vì có không ít đàn ông đã tìm bà mối tới cửa để làm mối còn gì, chỉ là chính cô không muốn gả đi mà thôi.
Tìm cô trở về nhà, chỗ tốt nhiều hơn là chỗ xấu.
Nhưng Ninh Kim Sinh sau một hồi im lặng vẫn nói: "Nếu nó không cách xa Vương Lệ Trân ra thì không được gọi nó về".
Được câu trả lời chắc chắn như vậy của ông, cô của Ninh Lan không nói thêm gì nữa.
Những người khác cũng không tiếp tục nhiều chuyện, họ kéo chủ đề sang câu chuyện khác, nói mấy câu vui vẻ, cả gia đình cùng trải qua một đêm giao thừa náo nhiệt.
Sau khi canh khuya về nhà, rửa mặt sạch sẽ rồi lên giường nằm, Hồ Tú Liên vẫn đang nghĩ về chuyện của Ninh Hương, bà kéo chăn quay sang nói với Ninh Kim Sinh: "Không đi tìm nó về thật à? Tứ nhân bang đã rơi đài rồi, còn sợ Vương Lệ Trân cái gì?".
Ninh Kim Sinh nói: "Tứ nhân bang rơi đài, nhưng đấu tranh giai cấp vẫn chưa dừng lại".
Hồ Tú Liên hít một hơi rồi nói: "Nó đi theo thầy thêu ở thành phố Tô học nghề đã mấy tháng, sau này nhất định sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trước kia. Giờ trong thôn cũng đâu còn ai nhắc đến chuyện ly hôn nữa, có nhiều người còn tìm đối tượng cho nó....".
Lời nói này giống như không đầu không đuôi nhưng Ninh Kim Sinh vẫn nghe hiểu, Hồ Tú Liên là ngứa lòng muốn chủ động đi tìm Ninh Hương về, sau đó cả gia đình tiêu tan hiềm khích lúc trước rồi hòa hảo (thân thiện tốt đẹp) như cũ. Nhưng Ninh Kim Sinh lại nhớ rõ những gì Ninh Hương đã nói lúc trước, cô nói không muốn bị bọn họ hút máu lần nữa, cô nói cô hận bọn họ. Cái dáng vẻ cô khàn cả giọng với ánh mắt tràn đầy hận ý kia, đến bây giờ ông vẫn còn nhớ kỹ.
Đây chính là một con sói mắt trắng vô lương tâm, tìm nó về làm gì?
Ninh Kim Sinh giật mạnh chăn, nhìn Hồ Tú Liên nói: "Muốn tìm thì bà tự đi mà tìm, ban đầu là tự nó muốn đi, ồn ào đến khó coi như vậy, nói cái gì mà không muốn bị chúng ta hút máu nữa. Lần đầu tiên tôi nghe thấy cái kiểu khốn nạn như vậy, chúng ta sinh ra nó nuôi nó, nó lại chẳng quan tâm đến sống chết của người nhà, nó ly hôn để chúng ta bị bao nhiêu người khinh bỉ? Một năm qua, cuộc sống của nhà chúng ta là như thế nào? Nó nói chúng ta hút máu nó, đúng là buồn cười, cả người nó có máu của nó à? Máu của nó, thịt của nó là chúng ta cho nó đấy! Gánh nặng của gia đình nặng như vậy, nó làm chị cả nó không nên giúp chúng ta chia sẻ gánh nặng sao?".
Những gì Ninh Kim Sinh nói, Hồ Tú Liên tất nhiên tán đồng toàn bộ, nhưng oán và giận trong lòng bà không có nặng như Ninh Kim Sinh. Với lại, mấy lời nói đó cũng không phải Ninh Hương nói với bà, giữa bà và Ninh Hương cũng không có mâu thuẫn gì lớn. Bà chỉ nhìn nhận theo quan điểm của mình, cảm thấy dù sao chuyện ly hôn cũng qua lâu rồi, Ninh Hương lại biết kiếm tiền hơn Ninh Lan, và Ninh Ba, Ninh Dương thì vẫn còn nhỏ, sau này chỗ dùng tiền sẽ rất nhiều, không bằng gọi Ninh Hương về nhà.
Gọi về rồi tìm cho nó một nhà chồng mới, để cho nó chọn. Dù rằng cuộc hôn nhân thứ hai không có giá trị nhưng chỉ cần thành, bà vẫn có thể kiếm được một ít tiền lễ hỏi.
Bà nói với Ninh Kim Sinh: "Lúc đó vì chuyện ly hôn nên cơn giận nó chạy lên đầu, lời nói ra đương nhiên phải chọn những lời tàn nhẫn nhất rồi, chứ trong lòng chưa chắc đã nghĩ thế. Giờ chuyện cũng đã qua rồi, chúng ta đều không truy cứu chuyện lúc trước nó khăng khăng muốn ly hôn nữa, nó còn giận chúng ta cái gì?
Thấy Ninh Kim Sinh không nói chuyện, bà nói tiếp: "Hơn nữa, không phải có cái câu gì ấy, máu mủ tình thâm, người một nhà mãi mãi là người một nhà, đánh gãy xương còn có gân sao. Lúc cãi nhau ai mà chả có chút va chạm, nhưng chuyện qua rồi, thì vẫn là người một nhà".
Ninh Kim Sinh nghe xong lời này, liền kéo chăn xoay người sang hướng khác, vẫn là câu nói kia: "Muốn tìm thì bà tự đi mà tìm, tôi mặc kệ".
Hồ Tú Liền nhìn cái ót của Ninh Kim Sinh: "Vậy tôi sẽ đi tìm!".
* * *
Tết, có rất nhiều người đi thăm thân bằng bạn hữu, đương nhiên Hồ Tú Liên cũng không rảnh để để ý tới Ninh Hương. Chờ đến lúc hết tháng giêng, thời tiết dễ chịu hơn vào mùa xuân tháng ba, bà mới đi tới nhà thuyền của Ninh Hương vào lúc chạng vạng khi mặt trời lặn nhuộm đỏ cả một nửa bầu trời.
Lúc đến nơi phát hiện Ninh Hương không ở trên thuyền, cửa nhà thuyền được khóa bằng một chiếc khóa đồng. Không biết Ninh Hương đã đi đâu, bà liền đi đến cách đó không xa, đứng cạnh bến thuyền của một gia đình khác cùng người kéo chuyện.
Người phụ nữ trên thuyền hỏi bà: "Em tìm A Hương hả?".
Hồ Tú Liên cười nói: "Đúng thế, nói thế nào cũng là con gái mình sinh, xem như phạm phải sai lầm lớn thì làm cha làm mẹ cũng phải gánh, cũng đâu thể thật sự vứt con bé ở bên ngoài mặc kệ đúng không chị".
Người phụ nữ gật đầu đồng ý và nói: "Gia đình hòa thuận vạn sự hưng mà".
Hồ Tú Liên mỉm cười: "Đúng đúng đúng, gia đình hòa thuận mới có thể vạn sự hưng được".
* * *
Trong khi Hồ Tú Liên đang đứng nói chuyện linh tình với người ta, Ninh Hương lại đang ở phòng chăn nuôi của đội sản xuất. Cô trả lại sách mà cô đã đọc gần đây cho Lâm Kiến Đông, sau đó nói với anh: "Em tích đủ tiền rồi, khi nào anh có thời gian cùng lên thành phố Tô với em đi".
Mỗi lần Ninh Hương nói tới việc lên thành phố Tô với Lâm Kiến Đông, Lâm Kiến Đông thật ra không để trong lòng lắm. Mặc dù miệng nói rất muốn đi, nhưng dù sao đường xa cũng không dễ dàng, hơn nữa đi ra ngoài còn phải tốn tiền.
Từ lần đầu tiên Ninh Hương nói điều này đã qua hơn một năm. Hiện tại thấy Ninh Hương lại nhắc đến, anh vẫn cảm thấy kinh ngạc và không chân thật, nên anh hỏi cô: "Rốt cuộc là thật hay giả thế?".
Ninh Hương chân thành nói: "Tất nhiên là thật, em nói chuyện trước nay luôn giữ lời. Anh không cần cân nhắc chuyện tiền bạch đâu, em đã chuẩn bị xong phiếu lương rồi, chúng ta chỉ cần tìm thư ký Hứa xin cái giấy giới thiệu là được".
Thời đại này đi đâu cũng cực kỳ bất tiện, ăn cơm cần phiếu lương, không có giấy giới thiệu là không thể tìm được chỗ ở. Nếu như xui xẻo bị tổ quản lý trật tự kiểm tra, rất có thể sẽ bị xem là hộ đen, thế nên ở thời đại này không hề có khái niệm đi du lịch. Ninh Hương cũng không định dừng chân ở bên ngoài, nhưng cô nghĩ vẫn nên giữ một tờ giấy giới thiệu ở trên người sẽ tương đối an tâm hơn. Thời đại này không có thẻ căn cước, đi ra ngoài thì giấy giới thiệu chính là thẻ căn cước, không biết chừng có lúc lại cần dùng đến.
Lâm Kiến Đông thấy Ninh Hương nói vậy cũng không nghĩ ngợi nhiều nữa, anh cười sảng khoái: "Được, để hai ngày tới anh thu xếp một chút sau đó sẽ đi tìm em, chúng ta đi tìm thư ký Hứa xin cái giấy giới thiệu".
Ninh Hương nói tiếp: "Cứ nói chúng ta lên thành phố mua sách, đi một ngày là về".
Lâm Kiến Đông không có ý kiến, gật đầu nói: "Được".
Nói xong chuyện đi tới thành phố Tô với Lâm Kiến Đông, Ninh Hương liền xoay người trở lại nhà thuyền.
Cô cũng không nói dối, cô đúng là muốn tới thành phố Tô để mua sách. Trước đó cô từng rút ra chút thời gian đi lên huyện, nhưng cửa hàng sách ở huyện khá nhỏ và không có bộ sách "Tự học Toán, Lý, Hóa", vì vậy cô đành phải tới thành phố Tô để mua.
Tuy nhiên, khi cô quay trở lại nhà thuyền và chuẩn bị mở cửa vào nhà, cô đột nhiên nghe thấy một người phụ nữ gọi cô: "A Hương về rồi đấy à".
Ninh Hương quay lại nhìn, cách đó không xa có một người phụ nữ đang đứng trên đầu thuyền đang gọi cô. Và trên đầu thuyền đó, còn có một người phụ nữ khác nữa, chỉ cần nhìn thoáng qua là cô đã nhận ra, đó là mẹ ruột của cô, Hồ Tú Liên.
Nhìn thấy Hồ Tú Liên đang mỉm cười với cô từ xa, lông mày của Ninh Hương bất giác nhíu lại.
Mi tâm hơi nhíu lại, Ninh Hương lập tức quay đầu đi thẳng vào khoang thuyền, xem như không nhìn thấy Hồ Tú Liên.
Hồ Tú Liên lúng túng đứng đó, nụ cười đã đông cứng trên mặt.
Người phụ nữ trên thuyền cũng sững sờ, sau đó lại mỉm cười tìm lại mặt mũi cho Hồ Tú Liên: "Tám phần là không nhận ra em đấy mà".
Hồ Tú Liên cười lạnh ở trong lòng---- Có con gái nhà ai lại không nhận ra mẹ ruột mình không? Cũng đâu phải mấy chục năm không gặp nhau đâu, là ở chung một thôn, ngẫu nhiên còn chạm mặt nhau đấy. Với lại, bọn họ cũng chỉ hơn một năm không nói chuyện chứ mấy.
Cái con nhỏ chết tiệt, rõ ràng là không nể mặt bà mà.
Nhưng bà không nói gì, chỉ hít một hơi thật sâu rồi mỉm cười nhìn người phụ nữ trên thuyền: "Thôi em đi đây chị ạ, em đi qua tìm con bé tí".
---- HẾT CHƯƠNG 37 ----
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top