CHƯƠNG 20.

--- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ ---










🌻🌻🌻🌻🌻








CHƯƠNG 20.









Người Dịch: Lan Thảo Hương.











Ban đêm, Ninh Hương không buồn ngủ, cô cầm chiếu rơm trải ra boong thuyền và nằm đó hóng gió sông. Xem như là giữa hè, buổi đêm nằm trên boong thuyền ngủ còn được hưởng gió sông thổi mát nữa là thời tiết lúc này đã mát hơn.

Ninh Hương quấn chăn, nằm nhìn các vì sao trên bầu trời đêm. Hiện nay, môi trường ô nhiễm còn chưa đến mức nghiêm trọng nên bầu trời nhìn khá trong, trời vừa tối là có thể nhìn thấy cả bầu trời đầy sao sáng. Ngoại trừ sao, còn có ánh sáng hắt ra từ mấy con thuyền khác cách đó không xa. Thỉnh thoảng còn nghe thấy tiếng người cãi nhau, tiếng trẻ con nhà ai đùa nghịch, tiếng chó sủa, những âm thanh ồn ào nhưng tràn đầy sức sống.

Ninh Hương giống như đang nhìn sao trên trời, nhưng trên thực tế, trong đầu cô đong đầy những hình ảnh thân thiết với bà nội khi bà còn sống---- Hình ảnh lúc bà dạy cô thêu giày, thêu túi tiền, thêu mũ đầu hổ.....

Kỳ thật, đó là những ký ức đã rất xa xôi rồi, nhưng giờ nhớ lại, cô vẫn nhớ rõ từng chi tiết ngón tay bà. Chỉ là, khuôn mặt bà trong ký ức cô đã trở nên mơ hồ, ngay cả những nếp nhăn cụ thể cũng nhớ không rõ nữa.

Cả người được gió sông thổi mát, đến khi thấy đêm đã quá khuya, Ninh Hương cầm chăn và chiếu rơm mang vào nhà tránh cho bị cảm lạnh, sau đó khóa cửa đi ngủ.

Ngày nghĩ sao đêm mơ vậy, khuôn mặt của bà nội lại hiện rõ trong giấc mơ của cô đêm nay. Sáng hôm sau thức dậy, gương mặt tươi cười từ ái vốn đã mơ hồ của bà lại hiện rõ nét và vương vấn trong tâm trí Ninh Hương. Cho đến lúc cô đi rửa mặt, cảnh thơ ấu trong giấc mơ mới mờ dần đi.

Hạt giống rau đã được gieo xuống đất nên hôm nay Ninh Hương không cần ra ngoài nhặt phân nữa, sau khi ăn sáng, cô lấy đồ thêu ra làm. Mấy bức tranh thêu loại nhỏ cô lấy từ trạm thêu về đã hoàn thành gần xong, nên dự tính qua hai ngày nữa sẽ tới xưởng thêu.

Xưởng thêu là tài sản tập thể của thôn, không phải nhà riêng của ai, miễn là thợ thêu trong thôn thì đều có thể sử dụng đồ đạc bên trong. Ninh Hương là người của đội Thủy Điềm, nên cô tất nhiên cũng có quyền đến đó để làm việc. Còn những lưu ngôn phỉ ngữ ở bên ngoài, cô hoàn toàn không quan tâm đến chúng. Chỉ cần cô không quan tâm thì những lời xì xào đó sẽ không thể làm tổn thương đến nửa sợi tóc của cô. Hơn nữa, phàm là người bình thường, làm gì có ai lại đi nói xấu ngay trước mặt người khác cơ chứ, họ chỉ chỉ trỏ sau lưng mà thôi.

Những người có da mặt mỏng, bị người ta nhìn ngó mấy cái đã cảm giác như bị cạo xương, chỉ biết cúi đầu, cảm thấy rất mất mặt, không dám đi ra ngoài chính là nói mấy người Hồ Tú Liên và Ninh Lan. Chứ Ninh Hương không hề cảm thấy mình có cái gì phải xấu hổ cả, cô không ăn trộm cướp giật của ai, cô đi ngay ngồi thẳng, làm chuyện gì cũng quang minh chính đại thì việc gì cô phải trốn tránh ở trong nhà, rồi lại không dám thò đầu ra gặp người ta

Nếu cô không dám đi ra ngoài, không dám đến chỗ đám đông, hoặc là dứt khoát trốn đến chỗ nào đó thật xa mới giống như cô đang rất chột dạ. Đồng thời thừa nhận cô thật sự cảm thấy chính mình đã làm ra điều gì đáng xấu hổ.

Cô không làm sai bất kỳ điều gì, cô muốn dùng hành động thực tế để nói cho mọi người biết---- Phụ nữ có thể sống tốt mà không cần dựa vào đàn ông, phụ nữ có thể mở ra mảnh trời riêng của mình chứ không phải bị vây khốn mãi trong gia đình. Đàn ông có thể có mới nới cũ rồi vứt bỏ phụ nữ, thì phụ nữ cũng có thể vứt bỏ đàn ông nếu như họ sống không hạnh phúc và họ có thể theo đuổi bất kỳ cuộc sống nào mà họ muốn.

Đạo đức và phẩm hạnh phụ nữ là những gông cùm vô liêm sỉ nhất để dùng áp đặt lên phụ nữ.

***

Ninh Hương ngồi thêu đến khi mặt trời lên đến giữa đỉnh thì đặt khung thêu trong tay xuống, cô vừa xoa cổ vừa đứng dậy đi vo gạo thổi cơm. Dù hiện tại cô chỉ sống có một mình nhưng vẫn nghiêm túc nấu từng bữa cơm, đó xem như được dịp để bản thân thả lỏng.

Ninh Hương đã quen với việc hoàn thành tốt nhất mỗi một chuyện bằng năng lực mình có, và luôn rất tỉ mỉ trong mỗi một việc ở trong cuộc sống hàng ngày. Cô yêu thích sạch sẽ, ngăn nắp, cô thích làm mọi việc nhỏ bằng một thái độ nghiêm túc.

Bởi vì trên thuyền chỉ có một cái bếp lò đất và một chiếc nồi sắt nhỏ, nên mỗi lần nấu cơm Ninh Hương luôn xào rau trước rồi mới thổi cơm. Đồ ăn đã xào được cô đặt sang một bên, chờ sau khi cơm chín thì sẽ bỏ vào nồi hâm nóng. Trong thời gian chờ cơm chín đó, Ninh Hương hạ nhỏ lửa rồi quay về giường ngồi, cầm sách lên lật xem. Mới lật được hai trang, mùi thơm của cơm phiêu đến khiến bàn tay lật sách của Ninh Hương dừng lại, hai đầu mày nhíu lại như nghĩ đến điều gì đó.

Hồi lâu sau, Ninh Hương ngẩng đầu hít sâu một hơi, tầm mắt nhìn ra mặt sông bên ngoài cửa sổ. Đúng lúc có vài con vịt đạp chân bơi qua, nhưng cô lại không có tâm tình muốn ngắm cảnh mà cứ thất thần ngồi đó.

Đột nhiên Ninh Hương nghĩ đến Vương Lệ Trân và vô thức nhớ lại một số chuyện. Ở kiếp trước, bà lão bị cả thôn tránh xa như ôn thần ấy đã qua đời vào lúc nào nhỉ.

Hình như..... là vào khoảng giữa hai năm lúc cô chưa lên thành phố phải không nhỉ?

Thời gian chính xác thì cô thật sự không nhớ ra được, vì cô dành phần lớn thời gian ở lại đội Cam Hà ở kiếp trước. Mà sau khi Lý Quế Mai qua đời, đa số thời gian của cô đều sống ở thành phố Tô, hơn nữa cô với Vương Lệ Trân trước nay cũng không có nhiều tiếp xúc.

Nghĩ tới đây, trong lòng Ninh Hương bất giác cảm thấy không nỡ, trái tim đập thình thịch một cách mất khống chế.

Cô không biết liệu đêm qua Vương Lệ Trân có bị ngã nặng quá không, liệu có bị thương thêm chỗ nào khác không, có thể tự mình dậy nấu cơm hay không và việc bà qua đời ở kiếp trước liệu có liên quan đến cũ ngã này không. Từng câu hỏi cứ bồi hồi trong tâm trí Ninh Hương, sau một hồi do dự, cô thực sự không yên tâm nổi vậy là quả quyết gập sách lại, đứng dậy đi ra ngoài và khóa cửa, đi tới nhà Vương Lệ Trân.

Đi tầm mấy phút, Ninh Hương đã tới bên ngoài nhà tranh của Vương Lệ Trân. Cửa nhà khép hờ, cô đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa và gọi với vào trong: "Bà ơi, bà có nhà không ạ?".

Câu hỏi của cô vừa rơi xuống, trong nhà liền vang lên hai tiếng hừ hừ.

Một lát sau mới nghe thấy giọng nói hơi thô và khàn khàn của Vương Lệ Trân: "Ai đấy?".

Ninh Hương chậm rãi đẩy cửa ra, dò nửa người vào trong nhà: "Là cháu ạ, con gái lớn nhà họ Ninh. Cháu không yên lòng nên tới đây thăm bà, bà thế nào rồi ạ? Có thấy khá hơn chút nào không ạ?".

Vương Lệ Trân thoạt nhìn không được tốt lắm, bà cứ nằm mãi trên giường không dậy. Cho đến khi nhìn thấy Ninh Hương xuất hiện ở cửa, bà mới cố chống người ngồi dậy, và dựa nửa người vào đầu giường.

Ninh Hương thấy thế vội đi thẳng vào nhà, đến bên giường và hỏi: "Bà ngã nặng lắm hả bà?".

Vương Lệ Trân khá ngạc nhiên, căn bản không nghĩ tới Ninh Hương sẽ lại đến. Nhà bà chính là nơi xúi quẩy, nhiều năm qua cũng không có mấy ai lui tới nơi này. Ngươi trong thông cũng không ai thích bà, cũng không thích đến nhà bà vì họ sợ bị dính xui xẻo.

Trong lòng có chút luống cuống, bà nhìn Ninh Hương hỏi: "Cháu gái, sao cháu lại tới đây?".

Ninh Hương đáp: "Cháu thấy không yên lòng nên qua thăm bà ạ".

Nghe được câu trả lời của cô, hai mắt Vương Lệ Trân lập tức rưng rưng nước mắt. Bà quên mất mình không thể ngồi dậy, nên vừa mới động đã nhe răng hít mạnh một hơi. Thấy không ngồi thẳng được, bà đành từ bỏ, rồi nhìn Ninh Hương cười nói: "Mệnh bà cứng lắm, không sao đâu".

Ninh Hương thấy bà cười mà nước mắt lưng tròng, trong lòng đột nhiên thấy khó chịu lạ thường. Cô lúc này cũng đã nhìn ra, Vương Lệ Trân bị ngã đụng đến eo. Eo lưng của người lớn tuổi là bộ phận rất giòn, ngã một cái là càng khó chịu hơn nhiều.

Ninh Hương hít một hơi, nhìn bà nói: "Bà cậy mạnh làm gì ạ?".

Vương Lệ Trân không khỏi cười khổ, số bà mệnh tiện, không ai quan tâm không ai hỏi thăm, nếu bà không cậy mạnh thì có thể làm được gì. Chẳng lẽ còn hi vọng trên đời này sẽ có người có thể quan tâm bà, hầu hạ bà hay sao?

Cha mẹ bà đã mất từ lâu, chồng thì không rõ tung tích, con trai thì đã chết không để lại một trai hay nửa nữ. Gia đình chồng không ai đoái hoài đến bà, người nhà mẹ đẻ cũng đã phân rõ giới hạn, trên đời này làm gì còn ai quan tâm đến sống chết của bà nữa.

Ninh Hương nhìn sắc mặt bà, lại hỏi: "Tối qua với sáng nay bà chưa ăn cơm đúng không ạ?".

Vương Lệ Trân đưa tay lau nước mắt, khụt khịt nói: "Bà không đói".

Ninh Hương còn có thể nói gì đây, cô im lặng cúi người cầm lấy giỏ tre trong nhà Vương Lệ Trân rồi xoay người rời đi. Trước lúc đi, Ninh Hương mở rộng cửa để thêm ánh nắng vào nhà.

Vương Lệ Trân không biết cô muốn làm gì, bà cũng không hỏi. Qua chừng mười phút, Ninh Hương ôm giỏ tre quay về cùng với mùi thơm của thức ăn phiêu ra từ trong giỏ. Đi vào nhà, Ninh Hương đặt giỏ tre xuống bàn rồi bày đồ ăn ra. Tiếp đó, cô cầm đũa gắp đồ ăn thả vào bát cơm và bưng bát cùng đũa đưa đến trong tay Vương Lệ Trân.

Vương Lệ Trân vô cùng sửng sốt, nào dám đưa tay nhận, chỉ nhìn Ninh Hương và nói: "Cháu gái, cháu làm cái gì thế? Bà không ăn cơm của cháu đâu, cháu nhanh lấy về đi. Hơn nữa cháu cũng ít tới nhà bà thôi, nơi này không tốt cho cháu đâu".

Ninh Hương trực tiếp nhét bát đũa vào tay bà, cô nói: "Cũng đã lấy cho bà rồi, bà cứ ăn đi ạ. Với lại cháu đến đây có vấn đề gì sao? Trong ngoài nhà đều được bà dọn dẹp gọn gàng, rất tốt mà?".

Bát đũa không nhận cũng phải nhận, Vương Lệ Trân nhìn bát cơm trong tay rồi nhìn Ninh Hương: "Cháu gái, cháu biết ý bà mà. Thành phần của bà không tốt, nếu cháu đi lại gần với bà sẽ bị người ta nói xấu đấy".

Ninh Hương nở nụ cười: "Cháu không sợ nhất chính là lời người khác đàm tiếu đấy ạ, có mất miếng thịt nào đâu? Mấy năm qua bà chưa từng phạm một sai lầm nào, vẫn luôn thành thật sống cuộc sống của mình, đến cả câu nói bậy cũng chưa từng nói bao giờ. Cháu đây là học Lôi Phong làm việc tốt, không làm việc phản động hay nói câu phản động thì có gì phải sợ ạ?".

Lý lẽ thì đúng là vậy, nhưng Vương Lệ Trân đã bị người trong thôn chèn ép nhiều năm, người xung quanh đều vì thành phần của bà mà coi thường bà, trợn mắt phỉ nhổ bà nên cái tính tự ti nó ăn sâu vào tận bên trong rồi, làm bà không chế không nổi nỗi sợ hãi kia.

Thấy bà ngẩn người không nói lời nào, Ninh Hương lại nói: "Bà đã chưa ăn ba bữa rồi, mau ăn đi ạ. Mấu chốt là ăn xong còn nằm xuống nghỉ ngơi".

Vương Lệ Trân thấy Ninh Hương nhiệt tình như vậy thì không từ chối nữa, bà cầm bát đũa lên bắt đầu ăn cơm. Đồ ăn Ninh Hương làm phải nói là rất thơm và ngon, chỉ mới ăn một miếng mà đã không thể dừng được, một miếng tiếp một miếng cho vào miệng. Ninh Hương cũng ăn cơm, cô ngồi xuống trước bàn nhỏ, cầm đũa lên bắt đầu ăn.

Trong đầu suy nghĩ tại sao mình lại muốn giúp Vương Lệ Trân. Có lẽ vì cô nhìn thấy bóng dáng bà nội ở trên người bà hoặc cũng do nhìn thấy bóng dáng cô đơn của bà lúc tuổi già nên không đành lòng mà muốn tới đây đi.

Vương Lệ Trân hiển nhiên rất đói bụng, bà ăn vội bát cơm trên tay và không để thừa một hạt gạo nào trong bát. Cơm nước xong xuôi, bà rướn người muốn đặt bát xuống nền đất nhưng lại bị Ninh Hương vội vàng cầm lấy, cô dặn bà cứ việc nằm là được. Ninh Hương không ăn nhanh bằng bà, cô cũng không vội. Sau khi nhận lấy bát đũa của bà, cô ngồi trở lại bàn và tiếp tục dùng bữa.

Vương Lệ Trân dựa vào đầu giường nhìn Ninh Hương, nói: "Cháu gái, cháu rất tốt bụng. Sau này chắc chắn sẽ gặp điều tốt lành".

Ninh Hương mỉm cười, nuốt xuống miếng cơm trong miệng rồi quay đầu nhìn bà nói: "Cháu học tấm gương tốt của Lôi Phong thôi ạ".

Vương Lệ Trân thở dài, từ tốn nói: "Lôi Phong đúng là người tốt...".

Sau đó bà kể cho Ninh Hương nghe về sự tích làm người tốt của Lôi Phong. Nào là giúp đỡ người già, làm việc tốt không lưu danh, là nhân viên cần vụ của nhân dân.

Ninh Hương vừa nghe vừa ăn mà không cắt ngang lời bà. Nghe giọng kể chuyện của bà, cô bỗng nhiên nhớ lại lúc mình còn nhỏ cũng hay nằm trong vòng tay bà nội, vừa ngắm sao vừa nghe bà nội kể những câu chuyện dân gian khác nhau.

Trong lúc nghe chuyện về Lôi Phong khi đang ăn cơm, ánh mắt cô bất giác nhìn lướt qua bức tranh mèo vờn bướm đầy màu sắc treo trên đầu giường, sau đó liền định thần nhìn nhiều một lúc. Ngày hôm qua khi đỡ Vương Lệ Trân trở về, cô chỉ vội vàng nhìn lướt qua bức tranh nên không quá để ý nhiều. Nhưng hiện tại nhìn kỹ mới thấy mèo con trên bức tranh thật quá dễ thương. Lông toàn thân xù xù, bàn chân nhỏ vươn lên trông rất thần thái, trông vừa khờ vừa đáng yêu đến mức làm người nhìn không thể không mỉm cười, trái tim cũng mềm đi và muốn vươn tay chạm vào nó.

Vương Lệ Trân nhận thấy Ninh Hương đang nhìn chằm chằm vào đỉnh đầu mình, liền dừng nói chuyện và theo ánh mắt của cô quay đầu nhìn về bức tường phía sau. Khi thấy bức tranh trên đầu, bà quay sang nói với Ninh Hương: "Cháu thích không?".

Ninh Hương định thần lại, ý thức được bà hỏi cái gì thì nói: "Mèo con rất đáng yêu ạ".

Vương Lệ Trân nói: "Rảnh rỗi ngồi thêu chơi ấy mà, treo trong nhà nhìn cho nó đỡ buồn".

Ninh Hương nghe vậy thì sững sờ, nhìn Vương Lệ Trân hỏi: "Thêu ạ?".

"Đúng thế". Vương Lệ Trân hơi nhướn người lên để chỗ eo không phải chịu lực đau, bà nhìn Ninh Hương chậm rãi nói: "Nếu cháu thích, bà tặng cháu đấy. Hôm nào rảnh bà lại thêu bức khác, dù sao trước đây cũng tích lũy được không ít sợi tơ".

Ninh Hương cho tới bây giờ chưa từng nhìn thấy Vương Lệ Trân ở xưởng thêu của đội, nên thực sự không biết tay nghề thêu của bà ra sao. Cô sững sờ nhìn Vương Lệ Trân một lúc, sau đó vội vàng cúi đầu ăn hết cơm còn sót lại trong bát. Ăn xong, cô đi đến bên giường của Vương Lệ Trân và đứng sát lại gần để nhìn "bức tranh" treo trên đầu giường.

Hôm qua cô chỉ liếc nhìn qua loa, cộng thêm nhìn ở khoảng cách xa nên cứ nghĩ đó là một bức tranh, vì tấm thêu này đúng thật là quá tinh xảo. Tuy nhiên, hiện tại khi đứng sát gần thì cô mới nhìn rõ hóa ra nó là từ mũi thêu thêu ra.

Vương Lệ Trân thấy Ninh Hương rất thích liền vươn tay với lấy bức tranh mèo vồ bướm, và đưa tới trước mặt Ninh Hương, nói đầy hào phóng: "Thích thì tặng cho cháu, cầm đi".

Ninh Hương không nói có muốn hay không muốn, cô duỗi tay nhận lấy và chậm rãi ngồi xuống mép giường, trong tay cầm tranh thêu cẩn thận nhìn kỹ từng mũi thêu trên đó. Nhìn một hồi mới phát hiện, có một số cách thêu cô chưa từng nhìn thấy bao giờ.

Xem xong, Ninh Hương ngước ánh nhìn từ con mèo lên nhìn Vương Lệ Trân, vẻ mặt nghiêm túc hỏi: "Bà ơi, đây là do bà thêu ạ?".

Vương Lệ Trân cười nói: "Đúng thế, bà không làm được đồ thêu trên xã, nhưng thỉnh thoảng ngứa tay cũng lấy ra thêu một chút".

Ninh Hương nhìn bức tranh con mèo trong tay rồi lại nhìn bà: "Bà là...... đặc biệt tìm thầy học sao ạ?".

Thợ thêu ở nông thôn như họ hầu như học nghề từ những người thân trong gia đình, sau đó tự nhận đồ thêu về làm. Chỉ đôi khi có những sản phẩm thêu mới, thì họ mới đi học thêm từ các thầy dạy thêu ở thành phố Tô xuống đây dạy, nhưng mũi thêu cũng không hiếm lạ lắm.

Như trước mắt thôi, Ninh Hương là một trong những thợ thêu của đội Thủy Điềm và là người có tay nghề thêu giỏi nhất đội, nhưng cô cũng chưa từng nhìn thấy mũi thêu nào giống như trên tấm thêu này của Vương Lệ Trân. Phải nói rằng bức tranh này của Vương Lệ Trân thực sự rất tốt, tốt đến mức không thể nói tóm gọn bằng hai từ kỹ năng. Đặc biệt là thần thái và đôi mắt của con mèo sống động như được chụp ảnh ra.

Thêu thùa thủ công chưa bao giờ là một hàng mỹ nghệ sản xuất dây chuyền, nó là một tác phẩm nghệ thuật. Ngay cả khi có cùng một bản thảo, nhưng nằm trong tay thợ thêu khác nhau thì mỗi thợ thêu cũng sẽ làm ra những bức tranh có chỗ khác biệt. Nếu là người làm nghề thêu lâu năm, họ còn sẽ hình thành cho mình một phong cách thêu riêng, mỗi đường kim mũi chỉ mang đậm cá tính riêng và không ai có thể thay thế được.

Kỹ năng có thể học và luyện tập, nếu như cố gắng thì tay nghề ắt sẽ nâng cao. Nhưng đối với sắc thái và hình thái, đặc biệt là thần thái của người hay động vật thì cần phải nắm chắc nó, không phải cứ cố gắng là sẽ thành công, bởi vì nó rất cần gu thẩm mỹ và tài năng của người thêu. Ví dụ như bức tranh thêu mèo vồ bướm này, ánh mắt và tư thế của con mèo là điểm vô cùng khó nắm bắt. Sẽ có người thêu ra mèo giống như một khúc gỗ vô hồn, nhưng lại có người thêu ra mèo khiến người khác không thể không muốn chạm vào nó, ôm nó vào lòng, vuốt ve nó như thể ta có thể nghe thấy tiếng kêu mềm mại của con mèo vậy.

Mà con mèo do Vương Lệ Trân thêu đương nhiên là cái sau.

Bà không chỉ rất giỏi về kỹ năng mà còn gây kinh hỉ cho người khác khi có thể nắm bắt được nhiều khía cạnh khác nhau về hình thái và sắc thái.

Vương Lệ Trân nhìn Ninh Hương, không khỏi bật cười: "Làm gì có thầy mà tìm học, đây là lúc nhỏ bà đi theo mẹ mình học. Bà nghe mẹ bà kể, hình như tổ tiên bà từng có người may quần áo ở trong cung, nên sau này đã truyền dạy lại cho con cháu rất nhiều phương pháp thêu".

Khó trách sao lại có một số thứ mà thợ thêu nông thôn thuần túy như các cô tiếp xúc không đến. Ninh Hương ban đầu cũng học thêu cơ bản từ bà nội, sau này lại học thêm một chút từ những người khác, nhưng đến nay cô cũng chỉ biết sử dụng tầm mười mũi thêu rất phổ biến.

Vương Lệ Trân thấy cô không nói chuyện nên hỏi lại cô: "Cháu cũng đang thêu thùa à?".

Ninh Hương hoàn hồn, mỉm cười nhìn Vương Lệ Trân: "Vâng, tay chân lèo khèo này của cháu làm đồ thêu so với xuống đất kiếm điểm công thì kiếm được nhiều hơn một chút. Trước kia tiền kiếm được đều giao hết ra để trợ cấp gia đình, còn bây giờ tự mình dùng ạ".

Vương Lệ Trân thở dài: "Bà cũng từng nhận đồ thêu về để kiếm thêm ít tiền. Nhưng giờ già rồi, mắt không thể bắt kịp tốc độ tay nên cũng không làm nữa. Ngày thường chỉ trồng chút rau dưa rồi cầm lên chợ đổi ba dưa hai táo về ăn. Hôm qua thấy có con gà mổ đồ ăn trong đất nhà cháu, bà giận quá đuổi nó đi, ai mà ngờ lại bị ngã".

Đề tài bị Vương Lệ Trân kéo đi, Ninh Hương cũng ngừng nói chuyện thêu thùa, cô nhìn bà nói: "Bà cứ nghỉ ngơi hai ngày đi ạ, đợi hết đau rồi lại tính. Sau này bà nên cẩn thận một chút, tuổi bà lớn rồi, dễ bị ngã lắm ạ".

Nói xong, cô đặt bức tranh thêu trên tay xuống, đứng dậy dọn dẹp bát đũa trên bàn. Sau khi xếp chồng chúng lên nhau, cô nói với Vương Lệ Trân: "Bà nghỉ ngơi đi ạ, để cháu rửa bát cho".

Vương Lệ Trân thấy cô muốn đi, bèn gọi cô lại: "Cháu gái, đừng đi vội. Trên bếp có cái bao gạo đấy, thấy không? Bên trong còn một ít gạo, cháu cầm về đi. Bên chỗ chân tường đằng kia có ít rau đấy, cũng cầm về ăn đi".

Ninh Hương dừng bước, nghiêng đầu nhìn bao gạo và rau xanh dưới góc tường mà Vương Lệ Trân nói, nhưng không có đi lấy. Cô mang cơm tới cho bà đơn giản vì quan tâm chứ không hề mong đợi sẽ lấy được cái gì của bà cả.

Nhưng Vương Lệ Trân nhất quyết muốn đưa nó cho cô, bà nói: "Cháu gái, cầm đi, bà không thể ăn không có cháu".

Trong lòng bà nghĩ chính là, thời nay, lương thực nhà ai cũng không nhiều và đó là khẩu phần do đội sản xuất chia theo đầu người. Vì vậy, cho người khác ăn thêm một miếng, đồng nghĩa với nhà mình sẽ phải bớt ăn một miếng. Bà đã ăn khẩu phần của Ninh Hương nên tất nhiên muốn trả lại. Hơn nữa, thời nay không có gì đáng tiền bằng đồ ăn, bức tranh thêu kia Ninh Hương có muốn hay không không quan trọng, vì bà cũng không trông cậy vào việc cầm bức tranh để chống đỡ, nhưng gạo và rau xanh thì cô nhất định phải lấy về.

Ninh Hương nhìn sắc mặt Vương Lệ Trân, suy tư một lát rồi gật đầu đáp: "Dạ được, vậy cháu cầm bát đũa về nhà rửa trước, lát cháu quay lại lấy gạo và rau sau ạ".

Vương Lệ Trân thấy cô đã đồng ý liền không đuổi theo nữa, để cô cầm bát đũa trở về.

Trên đường cầm bát đũa về nhà, trong đầu Ninh Hương nghĩ căn bản không phải gạo và rau của Vương Lệ Trân. Cô trở lại thuyền, mở cửa bước vào nhà và cầm bát đũa đi rửa rồi cất đi, sau đó ngồi trên thuyền suy tư một lúc.

Tầm bốn năm phút sau, Ninh Hương ôm giỏ trúc đứng dậy, cô đặt khung thêu và tranh thêu chưa thêu xong của mình vào giỏ, rồi khóa cửa đi tới nhà Vương Lệ Trân.

Người cùng thôn đều biết chuyện gia đình của nhau, sau hai ngày tiếp xúc và ăn chung một bữa cơm và cùng nói chuyện thêu thùa, hiện tại Ninh Hương trực tiếp coi Vương Lệ Trân là người quen.

Lúc Ninh Hương ôm giỏ trúc quay lại nhà bà, cô không trực tiếp đi lấy gạo và rau, thay vào đó, cô ngồi xuống bên giường, lấy ra khung thêu và kim thêu: "Dù sao cháu cũng đang rảnh nên muốn ở lại đây với bà. Eo bà đau chắc phải mất mấy ngày mới khỏi được. Nếu như bà muốn đến trạm y tế thì cứ việc nói với cháu, cháu dìu bà đi".

Vương Lệ Trân không nghĩ đến Ninh Hương thật sự không chê nơi này của bà. Sau khi nói xong, cô cầm kim thêu bắt đầu thêu thùa, hoàn toàn không xem mình là người ngoài.

Chẳng qua ngẫm lại, hiện giờ Ninh Hương ở trong thôn cũng bị người ta xem thường, đi đâu cũng bị người ta chỉ trỏ nên cuộc sống chắc chắn cũng không dễ chịu là bao. Thế là bà không nói mấy câu tự ti đuổi khách nữa, chỉ thở dài một hơi và nói: "Vậy hai ta làm bạn với nhau đi".

Ninh Hương rũ mắt nhìn vải thêu trên tay, khóe miệng nhếch lên ý cười: "Đây gọi là người cùng lưu lạc thiên nhai đấy ạ".

Vương Lệ Trân không đọc nhiều sách nên nghe không hiểu lời Ninh Hương nói, bà hỏi lại: "Câu này có nghĩa là gì?".

Ninh Hương không còn cách nào khác là giải thích cho bà hiểu, từ câu chuyện này lại kéo sang câu chuyện khác, thế là hai người hàn huyên với nhau rất nhiều chuyện. Ninh Hương không phải thật sự mười chín tuổi, nên vẫn có thể trò chuyện với Vương Lệ Trân rất tốt, cuộc trò chuyện của họ kéo dài đến tận chạng vạng.

Nhìn thấy mặt trời giữa không trung lặn về phía tây, điều Ninh Hương đặt ở trong đầu từ trưa đến giờ vẫn luôn bồi hồi trong lòng cô. Cô nhìn Vương Lệ Trân do dự một hồi, cuối cùng ngập ngừng hỏi: "Bà ơi....cháu muốn theo bà học thêu, bà có thể dạy cháu không ạ?".

Vương Lệ Trân nghe cô nói thì có hơi sửng sốt, sau đó bà cười nói: "Bà thấy tay nghề thêu của cháu rất tốt mà. Ở đội chúng ta không có mấy thợ thêu thêu ra được hàng chất lượng như cháu đâu. Bà thấy không cần phải học, vì nó đủ rồi".

Nếu là những sản phẩm thêu đơn giản hàng ngày thì cơ bản không cần đến kỹ năng thêu siêu phàm. Nếu như chỉ dựa vào cái này để kiếm sống cả đời thì thật sự không cần thiết học thêm làm gì, nhưng Ninh Hương rõ ràng sẽ không sống như vậy hết đời.

Người khác không biết chuyện thời đại sẽ thay đổi, nhưng cô lại biết.

Cô đặt khung thêu trên đùi, nhìn Vương Lệ Trân nghiêm túc nói: "Nếu như làm đồ thêu đơn giản thì đúng là đủ rồi ạ, nhưng cháu muốn nhận một ít đồ cao cấp hơn và đẹp mắt hơn về làm. Chỉ là, nếu nhà bà có quy củ không truyền nghề ra ngoài thì thôi ạ".

Vương Lệ Trân bật cười: "Làm gì có chuyện không thể truyền nghề ra ngoài, chỉ sợ cháu ngại mệt ngại phiền không muốn học thôi. Bởi vì mỗi một phương pháp thêu đều tốn rất nhiều thời gian và công sức, nhưng chỗ cần dùng lại không nhiều. Nếu như cháu thật sự muốn học, vậy bà sẽ dạy cho cháu".

Hai mắt Ninh Hương sáng lên khi nghe thấy lời này: "Bất kể mệt hay phiền cháu đều không sợ ạ. Nếu bà đồng ý dạy cháu, cháu nhất định sẽ coi bà là thầy mà hầu hạ. Nếu bà muốn thu học phí, cháu có thể trả".

Vương Lệ Trân xua tay: " Không cần nhận làm thầy, bà cũng không thu học phí, bà dạy cháu cũng chỉ là tiện tay thôi. Cả đội này đều xem thường bà, thật hiếm khi có một người như cháu sẵn lòng để ý tới bà già này, bà cũng vui khi có người cùng giải buồn".

Ninh Hương cười nói: "Vậy cháu mỗi ngày sẽ nấu cơm cho bà ăn, được chứ ạ?".

Vương Lệ Trân không quan trọng mấy chuyện này, bà đã cô độc quá lâu rồi. Nhất là sau khi lớn tuổi, cuộc sống mỗi ngày cảm thấy vô cùng gian nan, có đôi khi bà nghĩ hay là chết trôi sông cho nó xong. Thật hiếm khi cô gái nhỏ này không chê bà, sẵn sàng phản ứng bà.

Bà cố ý không muốn nói ra chuyện này, mà quay sang nói chuyện thêu thùa với Ninh Hương, bà hỏi: "Hiện tại cháu biết bao nhiêu mũi thêu?".

Ninh Hương đếm từng cái một cho bà nghe: "Mũi lướt vặn, mũi sa hạt, mũi đột thưa,..... Tổng cộng mười mũi ạ. Đều là những mũi thêu cơ bản, đây là cháu học từ bà nội và các thợ thêu khác".

Vương Lệ Trân mỉm cười: "Vậy giờ cháu có thể tách một sợi chỉ thành bao nhiêu tơ?".

Đây là kỹ thuật thông thường, việc đầu tiên trước khi học thêu là phải biết tách sợi chỉ. Đối với thêu tay, một sợi chỉ phải được tách thành tám hoặc mười sáu sợi. Nhưng với các mẫu thêu rất nhỏ thì một sợi chỉ có thể bị tách thành mấy chục sợi. Ví dụ như khi thêu đuôi cá vàng, đôi khi phải tách ra ba mươi sợi.

Ninh Hương không suy nghĩ nhiều, trực tiếp trả lời Vương Lệ Trân: "Cháu có thể tách nhiều nhất là ba mươi hai sợi ạ".

Vương Lệ Trân mỉm cười, bà vươn tay xin Ninh Hương một sợi chỉ. Ninh Hương đưa sợi chỉ tới tay bà, chỉ thấy hai tay bà cầm sợi chỉ và bắt đầu tách sợi, không đến một lát đã tách sợi chỉ thành rất nhiều sợi tơ nhỏ.

Bà đặt sợi chỉ đã được tách vào tay Ninh Hương, nói: "Cháu đếm thử xem".

Ninh Hương chưa từng thấy ai tách chỉ nhanh đến vậy, hơn nữa còn tách thành rất nhiều sợi. Cô khẽ nín thở, cẩn thận đếm từng sợi tơ một, đếm xong liền không tự giác mở to hai mắt: "Sáu mươi mốt..... sợi?".

Chỉ mới hai ba phút đã tách được sáu mươi mốt sợi??

Vương Lệ Trân cười nói: "Mắt không được tốt, nếu không sẽ tách được nhiều thêm mấy sợi".

Ninh Hương: !!!

Ánh mắt không tốt đã tách được sáu mươi mốt sợi, vậy lúc ánh mắt tốt thì tách được bảy tám chục sợi sao??

Người thầy này, dù thế nào cô cũng nhận rồi!!











--- HẾT CHƯƠNG 20 ---












Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top