CHƯƠNG 1.

--- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ ---







🌻🌻🌻🌻🌻






CHƯƠNG 1.






Người Dịch: Lan Thảo Hương. 








Thịch, thịch, thịch——

Ninh Hương ngồi ở mép giường, trên tay cầm chặt chiếc gương tròn khung sắt in hình uyên ương song hỷ ở mặt sau. Cô ngắm nhìn hình ảnh tuổi trẻ của mình trong gương đến xuất thần, quên đi nhịp tim đang đập ngày càng nhanh và mạnh. 

Mới mười phút trước, cô vẫn còn là một u hồn lang thang trên cõi đời, lơ lửng giữa những trang giấy hay góc bàn thêu, yên lặng nhìn những ấm lạnh bi hoan thuộc về người khác. Cô từng tưởng rằng kết cục cuối cùng của mình sẽ là thần hồn tan biến, hoàn toàn biến mất khỏi thế gian này mà không để lại dấu vết nào. Thế nhưng, sau nhiều năm lang thang như vậy, ở sau khi rơi vào bóng tối vô tận và mở mắt ra, cô lại trở về với tuổi thanh xuân của mình.

Trong gương tròn, hình ảnh năm mười chín tuổi của cô hiện lên, với làn da trắng nõn như trứng gà bóc và vẻ non nớt chưa thoát đi. Khuôn mặt cô trông rất thanh thoát, với đường chân mày, viền mắt và môi rõ ràng như được vẽ, đủ để treo lên bốn chữ "dịu dàng tinh xảo". 

Ở trấn Mộc Hồ, nếu không phải vì cô có dung mạo xinh đẹp, tính tình dịu dàng và nụ cười ngọt ngào, mười dặm tám hương quanh đây nổi danh là cô gái đảm đang và tài giỏi thì liệu Giang Kiến Hải - người đã trở thành lãnh đạo của một nhà máy lớn - có đồng ý cưới một cô gái ở thôn nhỏ lại còn mù chữ như cô hay không?

Nhớ lại kiếp trước, khi Giang Kiến Hải cưới cô làm vợ kế, anh ta đã là phó xưởng trưởng một nhà máy tơ lụa ở thành phố Tô. Từ nhỏ, anh đã được đi học, cộng thêm không ngừng được bồi dưỡng khi làm việc ở xưởng, khiến anh ta luôn nổi bật hơn các nông dân khác.

Đàn ông thường thực tế hơn phụ nữ, nhưng họ ít khi bộc lộ cảm xúc thật của mình. Sau khi người vợ đầu tiên qua đời vì bạo bệnh, Giang Kiến Hải đặt ra yêu cầu cao cho người vợ thứ hai. Anh ta muốn tìm một người có kiến thức, biết chữ, và tốt nhất là một cô gái từ thành phố.

Và một trong những yêu cầu đầu tiên của anh ta đó là không xem xét đến những người đã từng kết hôn.

Thế nhưng, bản thân Giang Kiến Hải lại là người kết hôn lần hai. Vợ trước của anh ta không chỉ qua đời mà còn để lại ba đứa con. Mặc dù có nhiều cô gái có điều kiện tốt và sẵn lòng với vị trí của Giang Kiến Hải, nhưng khi nghe đến việc phải làm mẹ kế cho ba đứa trẻ, họ lập tức lắc đầu từ chối.

Ninh Hương cũng không muốn làm mẹ kế, chính gia đình cô mới là những người rất hài lòng với Giang Kiến Hải. 

Khi bà mối tìm tới nhà, mẹ cô, Hồ Tú Liên, ngày nào cũng lải nhải bên tai cô rằng phụ nữ sau khi kết hôn thì ai mà không phải nuôi con. Nuôi mình sinh ra cũng là nuôi, mà nuôi con người khác cũng vậy. Hơn nữa, đàn ông có bản lĩnh, khi kết hôn có chỗ dựa mới là điều vững chắc nhất. Lúc đó, Ninh Hương nghe cái hiểu cái không, chỉ biết bố mẹ cô muốn tìm một chỗ dựa cho gia đình.

Vào những năm 1970, công nhân là giai cấp đứng đầu đất nước, và phó trưởng xưởng chính là một vị lãnh đạo đường đường chính chính. Gả cho người như vậy, gia đình sẽ được nhờ rất nhiều. Đi đến đâu cũng có thể được người khác kính trọng, và không cần lo lắng về cuộc sống sau này. Huống hồ, Giang Kiến Hải trước khi kết hôn đã được sắp xếp cử đi khảo sát học tập. Tổ chức đã nói, sau một năm học tập, anh sẽ được thăng lên làm xưởng trưởng—đó chính là lãnh đạo cao nhất.

Cả đời Ninh Hương chưa bao giờ sống cho chính bản thân mình. Cô bị buộc phải nghỉ học để chăm sóc em trai, em gái khi mới học lớp hai. Sau đó, cô làm thêu thùa ngày ngày đêm đêm để kiếm tiền nuôi gia đình. Và giờ đây, ngay cả hôn nhân của cô cũng đơn thuần là để tìm một đối tượng có thể làm chỗ dựa cho gia đình, mong có cuộc sống tốt hơn.

Cô và Giang Kiến Hải quen nhau trong một buổi xem mắt. Giang Kiến Hải không mấy tích cực với cuộc hẹn này, bởi vì từ đáy lòng anh không muốn tái giá với một cô gái nông thôn mù chữ. Trước đó, anh đã đi xem mắt với vài cô gái nông thôn, họ đều sẵn lòng kết hôn với anh, nhưng anh không ưng. Sở dĩ anh đồng ý kết hôn với Ninh Hương là vì anh nhận ra việc tìm mẹ cho ba đứa con của mình không dễ dàng chút nào. Điều kiện tốt thì anh tìm không thấy, mà điều kiện không tốt thì anh lại chướng mắt. Trong số tất cả những điều kiện không tốt, Ninh Hương xem như là người nổi bật nhất.

Ninh Hương xinh đẹp, là một cô gái dịu dàng điển hình của vùng sông nước Giang Nam. Ngũ quan của cô tinh xảo, và nụ cười của cô toát lên sự ngọt ngào. Mặc dù chỉ biết nói vài câu thông tục, nhưng cô được công nhận là người đảm đang, tài giỏi và hiền thục trong mười dặm tám hương quanh đây.

Hơn nữa, với tính tình của Ninh Hương, việc làm mẹ kế cho ba đứa con của anh sẽ rất an tâm, vì cô sẽ không đối xử tệ với bọn trẻ. Sau khi suy nghĩ kỹ, Giang Kiến Hải nhận ra rằng mình không chỉ đang tìm một người vợ, mà còn cần một người mẹ cho ba đứa trẻ. Cuối cùng, sau khi cân nhắc đủ điều, anh đã đồng ý với hôn sự này.

Từ xưa đến nay, hình ảnh mẹ kế thường gắn liền với hai từ "xấu xa" và "ác độc", và Ninh Hương chưa bao giờ khờ dại nghĩ rằng việc làm mẹ kế là dễ dàng. Cuộc sống sau khi cưới đã chứng minh điều đó, khi ba đứa trẻ nhà họ Giang rất bài xích cô và xem cô như kẻ thù.

Trong nửa đời sau sau khi cưới, cuộc sống của Ninh Hương trở thành một chuỗi ngày giúp đỡ nhà mẹ đẻ, dùng sự nhẫn nại và chân thành để cảm hóa ba đứa con riêng, phấn đấu trở thành một người mẹ kế tốt, đồng thời kính trọng mẹ chồng cay nghiệt. Sau khi mẹ chồng mất, cô dẫn các con riêng vào thành phố để hầu hạ Giang Kiến Hải.

Cô đã kính dâng cả đời mình, nhưng nhận lại được gì?

Đó là sự khinh thường từ những người em đã thành tài, là "tình yêu" của Giang Kiến Hải, người coi cô như một bảo mẫu. Đó là ba đứa con riêng chưa bao giờ gọi cô một tiếng mẹ, mặc dù cô đã nuôi dạy chúng thành tài.

Đó là sau khi Giang Kiến Hải qua đời, các con riêng đã chôn cất anh ta bên cạnh mẹ ruột của chúng. Đó là cuối đời, cô nằm trong căn phòng trống, nghe tiếng tuyết rơi xào xạc, cô đơn và lạnh lẽo, trút xuống hơi thở cuối cùng.

Cô chết sau khi bị vắt kiệt “giá trị phụ nữ” cuối cùng, thứ “giá trị” duy nhất mà cô không bị ép buộc, có lẽ chính là việc không sinh con. Cô không phải không nghĩ đến việc sinh, mà là cô buộc phải từ bỏ vì mong muốn gia đình hòa thuận và hạnh phúc.

Nhưng cô đâu chỉ từ bỏ quyền sinh sản của mình; cô đã từ bỏ cả một đời mình.

"Bụp!" Ninh Hương giật bắn người. Cô định thần lại, quay đầu nhìn qua và thấy ba đứa con riêng đang ghé vào cửa phòng, lén lút nhìn cô. Chúng vô tình làm ngã cái kệ chậu rửa mặt ở góc tường. Cái kệ được dán chữ song hỷ màu đỏ, chiếc chậu tráng men đổ ngã ngay cạnh cửa, bên cạnh là một chiếc khăn mặt còn mới. Tất cả đều là đồ mới mua cho đám cưới. Lúc trước, khi nhìn thấy những món đồ này, cô cảm thấy bao nhiêu vui mừng; thì giờ đây, chúng lại khiến cô cảm thấy rất chướng mắt.

Ba đứa trẻ thấy Ninh Hương bị kinh động liền xoay người lao ra ngoài mà không nhặt kệ, chậu và khăn mặt lên. Chúng nhanh như chớp chạy đến trước mặt bà nội Lý Quế Mai, vừa chống nạnh vừa thở hồng hộc nói: "Bà nội, cô ta đã tỉnh lại…."

Ninh Hương đã tỉnh lại, hoàn toàn tỉnh lại. 

Thay vì đứng dậy nhặt khăn mặt, chậu và đỡ cái kệ lên, cô thu hồi ánh mắt, giơ tay chạm nhẹ vào vết thương đã được băng gạc trên trán. Sau đó, cô đặt chiếc gương xuống, đứng dậy đi đến trước cuốn lịch treo tường, vừa nghe mùi hoa quế từ cửa sổ bay vào, vừa cẩn thận phân biệt thời gian hiện tại.

Bây giờ là năm 1975. Vào đầu năm nay, cô và Giang Kiến Hải đã đi lĩnh chứng và tổ chức hôn lễ. Tuy nhiên, Giang Kiến Hải đặc biệt không hài lòng với cô, trong lòng anh ta luôn có chút tiếc nuối. Ngày thứ hai sau hôn lễ, anh ta đã thu dọn hành lý đi khảo sát nơi xa.

Do cuộc khảo sát học tập rất bận rộn, cộng thêm đường xa và giao thông của thời đại này không phát triển, nên anh gần như không có thời gian rảnh để về nhà. Kết quả là, Ninh Hương đã ở lại nhà họ Giang ngây người hơn nửa năm, một mình đối mặt với mẹ chồng xảo trá và ba đứa trẻ không bớt lo. Cô chịu mệt mỏi và nhọc nhằn hầu hạ họ, giống như một người giúp việc được nhà họ Giang mua về với giá một trăm tệ lễ hỏi.

Bốn người già trẻ trong nhà họ Giang đều cảm thấy Ninh Hương trèo cao, đến nhà họ Giang chỉ để hưởng phúc, nên đã đối xử với cô cực kỳ không khách khí. Mẹ chồng Lý Quế Mai rất biết cách gây khó dễ cho con dâu, và ba đứa trẻ kia nếu không có việc gì làm, cũng sẽ tham gia vào việc giày vò Ninh Hương.

Lần này Ninh Hương ngất xỉu là do con trai lớn Giang Ngạn đẩy mạnh một cái. Cô không phòng bị, nên không đứng vững và loạng choạng ngã xuống, cái trán va vào góc bàn rồi lập tức ngất xỉu.

Nghĩ lại kiếp trước, trong những năm đầu tân hôn, chuyện như vậy là điều thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của cô. Người nhà họ Giang hoàn toàn không coi cô là người trong gia đình; từ đầu đến cuối, cô vẫn chỉ là người ngoài. Việc con riêng đẩy cô hay lâu lâu nhổ nước miếng về phía cô, quát mắng cô và xem cô như người hầu đều là chuyện rất bình thường. Mỗi lần như vậy, mẹ chồng Lý Quế Mai chỉ nói một câu—— Trẻ con không hiểu chuyện.

So sánh thời gian, Ninh Hương hít sâu một hơi.

Cuối tháng 9 là mùa hoa quế nở, hương thơm ngào ngạt của hoa quế ngoài sân thấm vào tận tim phổi cô qua khung cửa sổ. Ninh Hương hít thở sâu, cảm nhận mùi hương từ lồng ngực, rồi xoay người đặt túi xách màu vàng trên nóc tủ xuống giường. Cô kéo khóa kéo, mở cửa tủ và nhét một ít quần áo theo mùa vào trong túi, đồng thời lấy thêm một ít đồ rửa mặt.

Vừa khóa túi chuẩn bị ra ngoài, Ninh Hương đã thấy Lý Quế Mai dẫn theo ba đứa nhỏ nhà họ Giang từ bên ngoài trở về. Ngay khi vừa vào cửa, bà nhìn thấy kệ chậu rửa mặt nằm ngã trên mặt đất liền mở miệng càu nhàu, trách Ninh Hương không biết đỡ lên. 

Hiện tại, khi nghe thấy tiếng càu nhàu dài dòng của Lý Quế Mai, Ninh Hương chỉ cảm thấy như tiếng ruồi vo ve bên tai, làm cô đau cả đầu. Cô không quan tâm đến Lý Quế Mai, thậm chí còn không liếc nhìn bà ta một cái, mà tiếp tục đi thẳng ra ngoài với túi xách màu vàng trên tay.

Lý Quế Mai nhận thấy sự khác thường, liền nhìn chằm chằm vào Ninh Hương và hỏi: "Cô xách túi đi đâu thế?". 

Ninh Hương dừng một chút, quay đầu nhìn bà: "Về nhà". 

Lý Quế Mai trợn mắt: "Cái mẹ gì, đây không phải là nhà của cô sao? Cô muốn về nhà nào? Tại sao tính tình cô nhỏ mọn thế hả? Đứa nhỏ không hiểu chuyện, đâu phải cố ý đẩy cô khiến cô đập đầu? Cô là người lớn, chẳng lẽ còn muốn chấp nhặt với trẻ con?". 

Ninh Hương liếc nhìn Giang Ngạn, con trai lớn của Giang Kiến Hải, giờ đã mười tuổi. Mười tuổi thì còn nhỏ gì? Lúc cô mười tuổi, cô đã là người lớn rồi; em trai, em gái đều do một tay cô nuôi nấng, và cô còn thường xuyên thêu thùa để kiếm tiền phụ giúp gia đình nữa. 

Ở kiếp trước, Ninh Hương cũng từng tự nhủ rằng trẻ con còn nhỏ nên có mâu thuẫn với mẹ kế là chuyện bình thường. Vì vậy, cô đã bao dung vô hạn với cả ba đứa nhỏ, dẫn dắt chúng lớn lên thành tài. Sau này, ba đứa trẻ cũng xem như đã tiếp nhận cô, nhưng chúng luôn gọi cô là "dì Hương." Cô vốn dĩ không để ý đến cách xưng hô, chỉ nghĩ rằng chỉ cần bọn nhỏ coi mình là mẹ là đủ. Nhưng dần dần, cô nhận ra rằng từ tận đáy lòng, chúng vẫn không coi cô là người nhà. Cả một đời vất vả như vậy, nhưng cuối cùng, cô vẫn chỉ là người ngoài. 

Và còn rất nhiều chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống khiến lòng người cảm thấy lạnh đi. Nhưng điều thực sự khiến trái tim cô lạnh giá chính là việc sau khi Giang Kiến Hải qua đời, con trai cả Giang Ngạn đã trực tiếp đứng ra tổ chức tang lễ và hợp táng cho Giang Kiến Hải bên cạnh mẹ ruột của chúng. Còn người mẹ kế như cô, đã nỗ lực suốt hơn nửa cuộc đời cho chúng, đến cuối cùng vẫn chỉ được xem như kẻ thứ ba.

Trong suốt thời gian Giang Kiến Hải còn sống, Ninh Hương hoàn toàn không có địa vị trong gia đình họ Giang. Cô không có tiếng nói và thậm chí chưa bao giờ dám nói một câu kiên cường. Sau khi Giang Kiến Hải qua đời, cô càng không có quyền lên tiếng. Ba đứa con riêng của anh ta căn bản không hỏi ý kiến cô và cũng chẳng bao giờ cân nhắc đến cảm xúc của cô. 

Theo quan điểm của ba đứa trẻ, cha chúng đã nuôi dưỡng Ninh Hương suốt cuộc đời. Sau khi Giang Kiến Hải qua đời, việc mỗi tháng chúng chu cấp tiền nuôi cô đến lúc về già đã được coi là thể hiện lòng tốt. Tuy nhiên, nếu cô có ý định so sánh mình với mẹ ruột của chúng hoặc muốn thay thế vị trí của bà trong gia đình họ Giang, thì đó là điều không thể nào xảy ra.

Nghĩ về những điều cuối đời, Ninh Hương không nói gì. Cô rời ánh mắt khỏi gương mặt Giang Ngạn, không quan tâm đến Lý Quế Mai, xách túi đi thẳng ra cửa.

Thấy Ninh Hương vẫn quyết rời đi, Lý Quế Mai liền đuổi theo, quát lớn: "Có dâu nhà ai bị con trai đẩy một cái mà đã đòi về nhà ngoại không? Còn ra thể thống gì nữa không hả? Không sợ người khác cười cô không có dáng vẻ của người làm mẹ sao?".

Ninh Hương lười lãng phí lời nói để tranh cãi với Lý Quế Mai. Cô không thèm quay đầu, cứ thế xách túi đi dọc theo ngõ nhỏ.

Giang Ngạn vẫn đứng sững sờ, cảm giác như bị ánh nhìn của Ninh Hương làm cho choáng váng. Cậu không thể diễn tả rõ ràng cảm xúc của mình; chỉ biết rằng khi Ninh Hương nhìn cậu, trong mắt cô có điều gì đó quái dị khiến cậu cảm thấy nổi da gà.

Phải biết rằng, người mẹ kế này của cậu có tính tình hiền lành và nhẫn nhịn, nói trắng ra là rất dễ bắt nạt. Cô luôn cần cù chăm chỉ, vùi đầu vào công việc. Thế nhưng, hôm nay, đây là lần đầu tiên cậu thấy cô có ánh mắt lạnh lùng và xa cách như vậy. 

Khi Ninh Hương vừa ra khỏi cửa không lâu, bà lão hàng xóm chống quải trượng đến tham gia náo nhiệt. Bà tiến đến trước mặt Lý Quế Mai và hỏi: "Đây không phải vừa mới tỉnh lại sao? Tại sao lại xách túi đi rồi? Nhìn mặt con bé có vẻ không vui".

Lý Quế Mai nghiến răng, lòng đầy khó chịu. Trong suốt nửa năm Ninh Hương sống tại nhà họ Giang, cô chưa bao giờ phàn nàn hay tỏ ra bất mãn, nhưng hôm nay lại mặt lạnh xách túi về nhà ngoại. Hơn nữa, lý do khiến cô tức giận lại là Giang Ngạn, điều này thực sự rất kỳ lạ!

Bà nói với bà lão hàng xóm: "Ai mà biết được? Tỉnh lại không nói một câu, đã xách túi đi luôn rồi. Cái thứ không biết điều! Nếu cô ta muốn đi thì cứ để cô ta đi, tôi cũng không cản. Đừng có mơ tôi sẽ đi mời cô ta trở về. Nếu có bản lĩnh thì ở luôn nhà mẹ đẻ đi, đừng về đây nữa!"

Bà lão kia cười: "Con gái gả đi như bát nước hắt ra ngoài, nhà mẹ đẻ có thể giữ con bé được bao lâu? Hai ngày nữa là tự nó sẽ trở về thôi". 

Lý Quế Mai trừng mắt nhìn ra ngoài cửa: "Trở về thì sẽ cho cô ta biết tay!". 







--- HẾT CHƯƠNG 1 ---





Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top