Vọng Hương Đài
[Xin nhắc lại, chuyến tàu số 6...]
Ly nghe vậy thì khều người bạn khốn khổ vừa thoát khỏi tay Bạch Vô Thường, cả người Ngọc èo uột, nghiêng ngả trên vai Ly, giọng run run đáng thương: "Huhu tao chừa rồi, tên đó sến muốn chết. Chả hiểu sao bình thường lúc còn sống nói không ra lời mà giờ nghẻo rồi lời thốt ra mướt rượt. Kỹ năng này lạ quá tôi chưa muốn mở khoá trời ơi. Nói ra mà nổi da gà, trán t nó giựt giựt như sắp lên sàn nhảy disco ấy huhu."
"Người ta vừa thông báo được đi gặp người thân kìa. Mày đi không?" – Ly nhìn đoàn vong hồn lục đục đi xuống mà hỏi Ngọc.
Ngọc ngơ ngác nhìn lên: "Hả? Gặp người thân? Đến Vọng Hương Đài rồi hả? Lẹ thế, nhưng mà tao chưa chuẩn bị tâm lý. Chết trẻ quá, di chúc cũng chưa viết, lịch sử duyệt web còn chưa xoá. Tao bảo ba má là con đi chơi xong về mua quà cho mà còn chưa đi tao đã nghẻo rồi. Tiền cúng tao nhận đủ chả thiếu cái gì, thà là chưa nhận gì, người nhà còn chưa biết tao chết, tao còn dám về thăm, giờ về tao làm được gì? Báo mộng trúng đề còn chả được vì nhà tao ai chơi ba cái này..."
"Mày như tao dám ấy. Tao cũng không. Không biết đối mặt như nào. Cơ mà cơ hội thăm nhà lần cuối không đi thì tiếc. Đi rồi thì thấy bản thân bất lực quá..."
Ngọc hít thở sâu, lấy lại bình tĩnh rồi đứng dậy: "Đi thôi. Không làm được gì cũng kệ. Lúc còn sống cũng có làm gì được đâu. Bất hiếu thì cũng thế thôi, đằng nào cũng chịu phạt. Về thôi mày."
...
"Mă, tao không nên đa sầu đa cảm trước khi đến đây!" – Ngọc oán than hét lớn.
Nhìn từ bên ngoài, Vọng Hương Đài mang dáng hình nguy nga lộng lẫy. Hai bên là dãy cây "đen" hình thù kỳ lạ được cắt tỉa theo một quy luật nào đó. Phía trước là một bức tượng được tạc ngay trung tâm toà nhà. Không rõ là vị lãnh tụ nào nhưng nhìn vào bát hương không ngớt nhang khói ta có thể cảm nhận được uy nghi của vị này trong lòng vong chúng.
Tiến vào trong là một công trình kiến trúc phong cách Châu Âu mang nét trang trí của Châu Á. Ấn tượng nhất là những mái vòm cong lớn bên trong toà nhà cùng những phù điêu được trạm trổ tinh xảo trên mái nhà, trụ cột và cả quầy phục vụ vong hồn.
"Nhìn khác quái gì Bưu điện trung tâm không trời." – Ngọc lên tiếng cảm thán.
"Đông Tây kết hợp như này thì lát nữa Diêm Vương mặc ngự phục hay mặc vest?" – Ly thắc mắc hỏi.
"Chịu chết. Tao tưởng là nó phải cổ kính trang nghiêm, có gương soi nước chiếu để mình nhập mộng mà về nhà. Ai ngờ nó như này?"
"Thì cũng cổ kính trang nghiêm mà?"
"Ờm thì, tao quên mất này là âm phủ bản hiện đại. Không dùng mấy cái âm phủ của văn hoá đại chúng được. Não chưa load kịp. Kệ nó. Giờ làm sao để liên lạc lên trển. Viết thư nhờ chim gửi hả?"
"Có 2 tiếng thôi cha, làm sao thì làm."
"Mày làm như tao tới lần 2 ấy. Từ từ để đi hỏi đã."
Ngọc và Ly lại tới bắt chuyện với một anh nhìn khá giống bảo vệ nơi này. Cả hai bắt chuyện một lúc thì mọi chuyện cũng đã rõ.
Nơi này đúng thật là không khác cái Bưu điện trung tâm là mấy. Quẹt thẻ trả công đức thì được gọi về cho người thân. Nghèo thì gửi lá thư, nhận được hay không thì phải coi giác ngộ người nhà như nào. Khá khẩm hơn tý thì gọi về được. Giàu thì mình live luôn, còn được chọn background phong cảnh về nhập mộng con cháu cơ. Nói chung là hiện đại gớm. Còn có dịch vụ đi mây về gió lên trần gian ngắm phong cảnh nhìn lại bên trên. Cái này thì hiện tại Ngọc với Ly không đu được. Bởi nó đi theo tour, lên là phải đăng ký trước, chưa kể tới vé đắt mà hiện tại tụi nó chỉ có 2 tiếng ở đây. Trễ chuyến là coi như đi tong, xác định làm cô hồn dã quỷ tại nơi này. Coi vậy chứ địa ngục cũng lắm quy củ. Sơ hở là làm cô hồn dã quỷ, bảo sao ra đường cứ thấy mấy anh chị vong cứ vật và vật vờ, hoá ra là do sắp hoá kiếp nên thế.
Xác định được mục tiêu, Ngọc và Ly chia nhau ra làm. Ngọc đi viết thư cho người nhà, nó bảo sống lỡ bất hiếu rồi nên cũng không biết nói gì, thôi đi viết thư, nhận được hay không thì xem phụ huynh muốn nhận theo ý nào vậy. Ly thì gọi điện về cho người nhà, nó nói còn nhiều cái nó chưa làm xong, giao cho hết mấy cái như pass ngân hàng rồi pass điện thoại nhờ báo giúp để công ty biết đường xử lý mấy bé thực tập vừa vào.
Làm xong thì còn một ít thời gian, cả hai đi dạo quanh khu này cũng coi như mở mang tầm mắt. Sống hướng nội, đến việc ra quán café còn ngại. Hiếm lắm mới có dịp đi chơi thì lỡ đi chơi hơi xa. Giờ chết rồi nên bản tính nó bộc lộ hẳn. Ngẫm lại lát nữa bị xử tội, hai đứa cũng không mong mỏi gì về việc chuyển kiếp đầu thai. Mà có thật thì Ngọc là đứa sủi đầu tiên, sẵn sàng bị đày thêm vài ngàn năm nữa chứ sống mệt mỏi quá, giờ mà cho đầu thai làm hòn đá ven đường thì nó làm, chứ làm động vật mà lỡ làm cá thì chắc nó giãy đành đạch nó chết lần nữa. Ly thì bình tĩnh hơn, việc tới đâu hay tới đó, dù sao thì "mắng thì nghe, đánh thì chịu, đuổi thì về", châm ngôn đạo lý gắn bó từ thuở ra trường mà gia nhập thị trường lao động mãi yêu.
"Ei, tao nghe bảo là xử tội xong thì sẽ chịu phạt. Mà tao sợ đau thì sao giờ?"
"Tới giờ mới sợ có muộn quá không?"
"Ờ, vậy kệ đi, bị ném vạc dầu thì xin tha sau."
Cả hai vừa lên tàu vừa nói, bày biện đống đồ vừa mới mua được ở dưới. Buôn bán ở đây phát triển, cái gì cũng có. Ngọc mua đồ ăn là chủ yếu, Ly thì mua mấy món nhìn có vẻ vui vui, nhận xét thẳng ra là vô tri vô giá trị, được cái nó xấu lạ, nhìn hề ác, ngắm cũng buồn cười.
Tuy mục đích khác nhau nhưng đều chung một châm ngôn, đó là "Tiền cúng thì mua, công đức thì mơ nhé."
Đùa, công đức với tiền cúng có thể ở cùng một đẳng cấp hay sao? Tiền cúng còn có thể lên huhu "ba mẹ ơi con sống nghèo khổ quá đốt cho con một ít" thì công đức phải tích từng việc tốt mình đã làm. Cái bảng tính công đức nhìn rất chi là loằng ngoằng, coi nhân quả coi lòng người. Thán phục vị hảo hán nào đứng ra đảm nhận việc này, kế toán âm phủ muôn năm!
Ngọc than thở: "Cứ tưởng công đức bằng không do sống nghiệp tụ vành môi. Hoá ra không ít như tao nghĩ. Chào cụ già cũng coi như tích đức? Thế thì tao vô viện dưỡng lão làm giàu luôn nhể?"
Ly bảo: "Ngây thơ. Mày cũng biết là làm gì có chuyện dễ ăn đến thế. Tao đoán nó tính dựa trên việc mày làm có giúp ích cho xã hội không. Biết đâu người ta già người ta sống tủi thân một mình mà mày chào mày tạo niềm vui nhỏ nhoi cho người ta thì sao? Mày đi hoạt động công ích nhiều. Đi cho có nhưng mà người ta vui là được. Tao hướng nội không tranh với đời, lâu lâu nghiệp tụ vành môi phốt mấy chị đồng nghiệp với mày nhưng thấy cũng chả trừ bao nhiêu. Âm phủ làm ăn có tình người hơn tao nghĩ."
"Uầy, trên kia toàn phật onl. Vẽ tranh cũng bảo tổn nghiệp. Bật quạt cũng tổn nghiệp? Nghiệp quái đâu mà chia cho hết vậy trời."
"Thật hả con?" – Một vong hồn già cõi ở phía trước quay xuống hỏi.
Ngọc nhanh nhảu đáp lời: "Vâng, trên đó loạn lắm. Cụ ở thời nào?"
Cụ già bảo: "Cái lúc còn toàn quyền Ca – tơ – ru ấy cháu? Cụ sống ở thời đấy. Được đâu giữa năm 45 thì cụ đi."
Ngọc mang mấy cái bánh lên đưa cho cụ, vừa đưa vừa hỏi: "Hông biết giờ sáng hay trưa nhưng mà cụ ăn không? Tụi con ở dưới Đài mua, cũng ngon, mấy cái này con ăn được, mấy cái kia ăn nó báng bổ vị giác lắm. Cụ muốn hỏi gì? Chuyện nghiệp quả nãy con kể hả? Nói chung thời bọn con phát triển nhiều lắm. Kẻo không chừng so với tụi Pháp tụi Nhật hồi ấy còn so không bằng ấy chứ? Mà phát triển lắm thì nhiều cái tốt mà cũng đông cái tệ. Lo ăn no mặc ấm xong thì lo đến ăn ngon mặc đẹp, mà giờ nó lại không cho ăn không cho mặc vì bảo làm trái tự nhiên làm trái đất trời. Con cũng không hiểu, chắc do tuổi đời trẻ nên chưa ngẫm được ấy?"
"Cụ không ăn, các cháu ăn đi. Ở trên đó giờ người ta phát triển vậy hả? Vậy thì may quá, giờ chắc con cháu của cụ cũng được hưởng phước." – Cụ già xua tay không nhận, Ly trực tiếp dúi vào áo của cụ, dặn bảo mấy này mua không dùng công đức, tụi con ăn quen ăn cũng ngán, không ăn thì phí nên nhường cho cụ xơi.
Ngọc cười đáp: "Vâng, sống hiện đại lắm. Xe chạy ngoài đường như bay, sống yên ả lắm cụ ạ. Dưới quê mình cũng y như thành phố. Công việc nhiều, đời sống tuy không sung túc nhưng cũng coi như ổn định, cái ăn cái mặc đảm bảo. Phúc lợi nhà nước cũng nhiều. Đẻ ra được một đứa sống vô tư vô lo như con thì thời này cũng phải hoà bình hạnh phúc đúng không?"
"Việc ở trần gian thì tụi con không nhận xét được gì nhiều. Hiện đại nên thông tin được truyền đi nhanh chóng. Trái lại thông tin nhiều nên dễ bị loạn. Tụi con không để tâm lắm, một phần vì lo cho cuộc sống, một phần là vì không hiểu gì. Bảo tụi con sống vô ơn cũng được, yêu nước thì có, sống biết điều cũng có, nhưng để bảo đứng lên làm này làm kia thì cũng chưa gan đến thế." – Ly chỉ biết cười gượng mà tiếp lời.
Ngọc nhanh nhảu xen vào: "Ôi dào, tụi con ít học, giờ nhìn gà bảo gà nhìn chó bảo chó thôi chứ mấy cái khác tụi con không rõ. Cụ mấy nay ở đâu? Cụ có hay gặp được người như tụi con không? Cụ sao giờ còn chưa đi đầu thai thế? Chịu phạt ở đây có khổ không cụ? Con sợ đau, thay vì ném vạc dầu thì mình đổi cái khác được không ạ?"
"Ha ha" – Cụ cười lớn lắc đầu, có lẽ là lâu rồi mới được trò chuyện thoải mái với con cháu như này. Cụ từ tốn mà trả lời từng câu hỏi của hai đứa.
Cụ bảo địa phủ là một nơi sinh sống tốt, chỉ cần có lòng thành tâm sám hối thì chỉ cần chăm chỉ làm công cho địa chủ là được chuộc lỗi. Làm đủ rồi sẽ được cho tiền đi đầu thai.
Cụ nói bởi vì mình ngày xưa gây sát nghiệp nên đến giờ mới được đầu thai, nhìn đám bạn già cùng lứa lục tục đi hết cụ thấy cũng buồn, nên cụ cố gắng hoàn thành tốt để tích góp vốn liếng mà đi sớm, cũng mong cầu một kiếp sau bình an hạnh phúc là đủ.
Uầy, vậy tổng kết lại, lúc còn sống mình làm công cho tư bản, lúc chết mình làm công cho địa phủ?
Hình như thế?
Vũ Ngọc: ...Lao động là vinh quang.
Đỗ Hoa Ly: ...Lao động là vinh quang.
...
[Chuyến tàu số 6 đang trên đường cập bến Hoàng Tuyền, hành khách nào có điểm đến là Cung Huyền Minh vui lòng dừng bến tại đây.]
[Xin nhắc lại, chuyến tàu số 6...]
Nghe đến thế, Ngọc cùng Ly hai người nhanh chóng thu dọn bãi chiến trường của mình, chào tạm biệt vong hồn cụ già kia mà xuống ga.
Bước xuống ga là một khung cảnh tiêu điều đến lạ. Vốn là một đứa con của văn hoá đại chúng, về việc địa ngục là phải thế này thế kia, nhưng bởi đã đi qua ngạc nhiên không ít lần làm cả hai cảm thấy kỳ lạ. Một địa ngục hiện đại nhộn nhịp đi đâu mất rồi?
Không có hàng rong bên đường, chỉ có đoàn vong linh đang xếp hàng chờ đến lượt. Nhân viên làm công việc điểm danh, điều phối đám đông, ai nấy đều lộ ra vẻ mệt mỏi, cẩn thận mà hướng dẫn thủ tục cho vong hồn.
"Hai cô mới đến đúng không? Qua đây làm thủ tục, trình xuất giấy tờ, nhận đồng phục rồi mới được vào xét xử." – Một tên nhân viên thấy được chúng tôi, tiến lại gần mà ghi ghi chép chép.
"Cho hỏi... Sao mọi người trông có vẻ...lờ đờ thế ạ?"
"Vậy sao? Chắc do dạo này tỉ lệ người chết nhiều nên quá tải một ít ấy mà, không sao, tụi tôi quen rồi. Qua chỗ dưới cái cây lớn kia là nơi nhận đồng phục, ừ, cái chỗ toàn đồ trắng đấy. Còn giờ thì mời hai cô xuất trình thẻ công dân." – Tên nhân viên nhìn mọi người xung quanh, rồi lại ghi ghi chép chép, miễn cưỡng lộ ra nụ cười công nghiệp trên gương mặt quầng thâm còn dày hơn cả gấu trúc kia.
Thẻ công dân đúng là một ý kiến thiên tài, vừa là căn cước công dân vừa là thẻ định danh kiêm luôn ngân hàng điện tử và thiết bị liên lạc. Nhưng mà không có điện thoại đối với gen Z như Ngọc với Ly thì cứ thấy thiếu thiếu cái gì. Chắc là linh hồn của giới trẻ chăng?
Xác minh danh tính và thủ tục đã xong thì cả hai được cấp một cái thẻ cư trú tạm thời. Nghe giải thích thì mỗi điện Diêm Vương đều có một hệ thống tiền riêng và giấy phép cư trú riêng, không có giấy phép thì không được vào thành. Giấy phép vĩnh viễn thì không dễ xin, giấy phép tạm thời thì tuỳ theo tội trạng phạm phải mà được cập nhật lên, chịu phạt xong thì giấy phép cũng hết hạn, phải đi liền nếu không muốn bị đuổi ra làm quỷ lang thang.
Cái hệ thống tiền riêng này nói cũng phức tạp, nhưng công đức là tiền chung, ở đâu cũng xài được. Tiền ở nơi đây gọi là "quẻ", nghe cái hệ thống tiền bạc cũng lạ tai. Không chỉ quẻ, có chỗ còn gọi là "ngọc bội", có chỗ bình thường hơn thì là "huyết tệ", chỗ khác lười hơn, gọi là "tiền âm phủ". Ý là mình vốn là tiền âm phủ rồi ấy ngài ơi? Còn sáng tạo được gì không ạ?
Ngoại tệ ở đây giá cả lên xuống còn hơn giá vàng, ngẫm xem phần trăm làm giàu là bao nhiêu nếu chúng mình buôn bán ăn chênh lệch nhỉ?
Sau khi được phổ cập kiến thức về chuyện tiền bạc, Ly đã tự nhẩm xem hông ấy mình có bug không, để kiếm cách làm giàu. Không bất ngờ trước suy nghĩ ấy, Ngọc chỉ bảo, "Nghĩ chi cho mệt, mày rủ quan to làm vài ván là mày hốt bạc, nhân phẩm rút bài đỉnh thế nghĩ chi ba cái này cho mệt."
"Ờ ha?"
Ờ đấy.
...
"Hai em mua áo size gì?" – Chị chủ quầy áo quay sang hỏi chúng tôi.
"Tụi em size L là được, cao 1m6, nặng khoảng 55kg, con này 52kg. Áo bán sao vậy chị?"
"Một cái một đồng công đức, hoặc 100 đồng quẻ em nhé."
"Đắt thế? Áo trắng nhách vải mỏng tang như này mà giá đó? Lạm phát vậy chị ơi. Rẻ tý đi chị, tụi em sống không ác nhưng cũng không làm việc thiện, không có nhiều tiền đến thế. Tụi em dùng tiền cúng được không ạ?"
"Không em ơi, đồng phục cả đấy, giá niêm yết rồi, chị chỉ phụ bán thôi chứ không phải quản lý." – Chị bán áo kêu ca càm ràm, nom có vẻ bị phàn nàn cũng nhiều.
"Áo có 1 màu trắng vậy thôi hả chị? Có màu khác không? Sao không có hoạ tiết? Em muốn có áo in hình chuột lang!" – Ngọc hớn hở ngó nghiêng.
Chị bán áo liếc nhìn Ngọc một cái rồi quay sang Ly: "Diêm Vương ra lệnh, phàm là vong hồn đang chờ xét xử đều phải mặc đồ trắng, thể hiện sự công bằng nghiêm chính trên công đường, để không xảy ra tình trạng trang phục không hợp thuần phong mỹ tục hay có sự so sánh giữa các vong hồn với nhau. Quy định là thế, kêu ca thì đi ra cho vong khác mua."
Nói thế thì chịu, đành móc thẻ ra mà quẹt. Cái bộ đồ nó xấu, khác quái gì mấy con ma nữ trong phim hành động Âu Mỹ đâu. Chính xác là nó, phim kinh dị Châu Á còn chăm thay đồ, chết đồ gì thì hoá quỷ cũng đồ đó, còn được trang trí thêm máu me với hào quang xanh xanh. Chứ ai đời vác cái rèm cửa tròng lên người rồi bay qua bay lại như kia?
Mất 1 đồng công đức ta nói nó tiếc hùi hụi, công đức nhiều thì nhiều thật nhưng mà tiền này kiếm lại không được, làm việc thiện tích đức mới có thể có, hoặc không cùng lắm là đóng góp cho xã hội. Nó không chỉ là đơn vị tiền bạc, còn là thước đo xem xét kiếp sau được đầu thai tốt hay xấu, số phận sang hay hèn. Tuy nói tụi này không có ý định đầu thai, nhưng làm thiện quỷ với một đống công đức trên người nó lại chả được xã hội trọng vọng, làm vua của mọi quỷ? Còn hơn làm cô hồn dã quỷ không có công đức trên người bị chúng quỷ coi khinh, đi tàu cũng đi chui nhủi trên tàu chở hàng, nơm nớp lo sợ gió thổi "viu" một cái là mình đi khám phá "Trong lòng Vong Xuyên" luôn!
Ngọc yếu ớt mà hỏi chị bán áo: "Không xem xét bớt tý hả chị? Nửa đồng công đức kèm 1000 đồng tiền cúng?"
"Không em ơi!"
"...Thế em được phép may vá thêu thùa kiểu cách gì với cái rèm... à, cái đồng phục này không chị? Em được make up thoa son gì không chị? Không thoa son em như con cá chết trôi ấy, mình có luật cấm không chị? Chị cho em xin cái quy định với."
Chị bán áo bất lực, chị bán áo mệt mỏi, chị bán áo chỉ về bảng nội quy kế bên cổng thành Nhất Điện rồi chị bán áo xua chúng mình như xua vịt.
Ngọc hớn hở dắt Ly đi thử đồ, đi mua đồ make up, tất nhiên là nếu nó bán bằng tiền cúng rồi! Không thì mặt mộc em chấp mọi cam thường nhá!
Cả hai vô tư hồn nhiên đi dạo chơi, để sau một địa ngục tăm tối phủ đầy bụi mù. Một bóng đen lắc đầu cảm thán, thế gian muôn hình vạn trạng, đạo tâm vững vàng dễ thấy, tâm linh tích cực một cách đen tối như thế khó tìm, một tổ hợp mâu thuẫn không thể nào địa phủ hơn, có lẽ là ta đã già rồi ư?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top