Sau buc man do_Hoang Dung

Sau Bức Màn Đỏ

Tác giả: Hoàng Dung

Mục Lục

 MỞ ĐẦU

- Đại Cương về Tổ Chức Chính Quyền CSVN 17

 7 ĐOẠN ĐƯỜNG

Chương I :

- Sau Đại Hội Đảng Lần Thứ Tư (1976-1982) 29

Chương II :

- Sau Đại Hội Đảng Lần Thứ Năm (1982-1986) 66

Chương III :

- Sau Đại Hội Đảng Lần Thứ Sáu (1986-1991) 85

Chương IV :

- Sau Đại Hội Đảng Lần Thứ Bảy (1991-1996) 132

Chương V :

- Sau Đại Hội Đảng Lần Thứ Tám (1996-2001) 164

Chương VI :

- Sau Đại Hội Đảng Lần Thứ Chín (2001-2006) 227

Chương VII :

- Sau Đại Hội Đảng Lần Thứ Mười (2006-.... ) 278

 PHỤ LỤC:

- Trận Chiến Biên Giới Campuchia 1979 323

- Mối Quan Hệ Đặc Biệt Việt Nam-Campuchia 337

- Trận Chiến Biên Giới Việt - Hoa 1979 351

- Trung Quốc và Chính Sách Đối Ngoại của VN 361

ĐẠI CƯƠNG VỀ TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN CSVN

Tổ chức hành chánh của những quốc gia cộng sản có một số khác biệt, theo đó, đảng cộng sản là đảng độc tôn và duy nhất, nắm thực quyền lãnh đạo tất cả các cơ quan, các ngành, kể cả quân đội của quốc gia. Tất cả nhân vật lãnh đạo chính quyền đều phải là đảng viên. Trong những cơ quan cấp thấp hơn, dù đôi khi vì khả năng mà không ở địa vị lãnh đạo, đảng viên vẫn là những người có quyền lực và dễ được thăng tiến nhất. Song song với những ban lãnh đạo đơn vị hành chánh hay quân đội từ cấp lớn đến cấp nhỏ, có những đơn vị đảng ủy cơ quan, chẳng hạn quận ủy, tỉnh ủy, chính ủy trung đoàn, sư đoàn...

Những diễn biến quan trọng nhất của các đảng cộng sản là những ngày "đại hội đảng".

Từ 1976, đảng CSVN cứ mỗi năm năm lại họp đại hội một lần. Đại hội này có khoảng hơn 1000 đại biểu đi dự đại hội, thường là những đảng viên cao cấp.

Tuy đại hội đảng được tuyên truyền và quảng cáo rầm rộ, những nghi thức được xếp đặt long trọng như lễ nghi tôn giáo, các đại biểu đi tham dự như đi hành hương, nhưng thật ra các đại biểu chỉ đến để nghe diễn văn, báo cáo, vỗ tay tán thưởng rồi dơ tay nhất trí chấp thuận những xếp đặt về nhân sự cũng như chính sách cai trị trong năm năm tới đã được hội nghị trung ương đảng và bộ Chính Trị thông qua mấy ngày trước đại hội. Thí dụ nếu có bầu 100 người, các đại biểu cũng chỉ bầu những người trong danh sách khoảng 105 người đã được lựa chọn sẵn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng không được sửa chữa danh sách của trung ương đảng. Chẳng hạn dịp đại hội đảng lần thứ VIII, Nguyễn Đình Tứ được Hội nghị trung ương đảng mấy ngày trước chọn vào bộ Chính Trị nhưng Ngay sau đó bị bệnh rồi chết trước ngày đại hội, ông ta vẫn được những đại biểu dơ tay nhất trí tán thành, được bầu và có tên trong danh sách công bố.

Bộ Chính Trị của đảng là cơ quan có quyền lực nhất nước. Chính bộ Chính Trị thành lập chính phủ, đề cử chủ tịch nhà nước cho quốc hội chấp nhận. Bộ Chính Trị cũng đề ra chính sách để chính phủ thi hành. Nhiều khi, ủy viên bộ Chính Trị còn phổ biến thông tư hay chỉ thị cho từng đơn vị, từng cơ quan để thi hành qua hệ thống đảng ủy mà không cần qua hệ thống hành chánh.

Sự quan trọng của mỗi ủy viên bộ Chính Trị sẽ tùy thứ tự cao thấp trong danh sách, cao nhất là tổng bí thư. Tuy nhiên, do tệ nạn bè phái, đôi khi có các ủy viên bộ Chính Trị dù ở thứ tự cao cũng không có thực quyền, chẳng hạn trong thời gian Lê Duẩn làm tổng bí thư, Lê Đức Thọ (thứ 6) là người có quyền hành nhiều hơn Trường Chinh (thứ 2) hay Phạm Văn Đồng (thứ 3)...

Ngoài bộ Chính Trị, đảng cộng sản còn có ban bí thư lo việc điều hành nội bộ đảng. Chỉ trong trường hợp đặc biệt khi Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư, do việc chia chác quyền lực của các phe phái và do sự chuyển đổi khuynh hướng sang học tập khuôn mẫu Trung Quốc, ban bí thư được thay thế bằng ban thường vụ bộ Chính Trị giống như Trung Quốc. Sau khi Lê Khả Phiêu mất chức hơn ba năm sau, ban bí thư lại được tái lập.

Nếu đại hội đảng cứ mỗi năm năm họp một lần để bầu các ủy viên trung ương đảng và đề ra chính sách chung thì "hội nghị trung ương đảng", gồm khoảng 150 ủy viên mỗi năm họp hai hay ba lần để thích ứng với những biến chuyển mới của tình hình. Ủy viên trung ương đảng là những đảng viên cao cấp nhiều quyền lực nhất, trong đó ngoài các ủy viên bộ Chính Trị còn có các bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc xí nghiệp quốc doanh, các tỉnh ủy, tư lệnh hay chính ủy quân khu...

Những quyết định quan trọng của chính phủ thật ra không phải xuất phát từ những cuộc họp của hội đồng nội các mà từ những hội nghị trung ương đảng.

Các bộ trưởng, thứ trưởng chỉ là những người thừa hành những nghị quyết hoặc của bộ Chính Trị, hoặc của trung ương đảng. Vì đại hội đảng cứ năm năm lại họp một lần, cho nên giữa hai đại hội đảng, có khoảng hơn mười đại hội trung ương đảng, trong đó đại hội trung ương lần chót thường quan trọng nhất, vì đó là lúc chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi nhân sự hay chính sách của đại hội đảng kế tiếp.

Thứ tự những hội nghị trung ương đảng được đánh dấu từ ngay sau mỗi đại hội đảng, thí dụ sau đại hội đảng lần thứ VI năm 1986 vài tháng, có hội nghị của các ủy viên trung ương đảng được gọi là hội nghị trung ương lần thứ nhất, khóa VI.

Hội nghị trung ương đảng tháng Tư 2006 được gọi là hội nghị trung ương đảng thứ 15, khóa IX. Chính hội nghị này đã quyết định nhân sự trong bộ Chính Trị cũng như danh sách ủy viên trung ương đảng mới để cho đại hội đảng lần thứ X biểu quyết chấp thuận. Hội nghị trung ương đảng bất cứ lúc nào cũng có thể bầu thêm hay loại bỏ một vài ủy viên bộ Chính Trị.

Thí dụ, năm 1994, trung ương đảng bầu thêm Lê Khả Phiêu cùng 3 người nữa vào bộ Chính Trị, và năm 2001, dù bộ Chính Trị có đề nghị để Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ, nhưng đề nghị này bị hội nghị trung ương đảng trước ngày đại hội đảng loại bỏ.

Đại biểu quốc hội cũng là những người có địa vị quan trọng trong các cơ quan mà đại đa số là đảng viên cốt cán, tuy danh sách ứng cử viên là do ban tổ chức đảng hay một cơ quan trực thuộc là Mặt Trận Tổ Quốc lựa chọn. Các ứng cử viên không cần vận động tranh cử và cũng không nhất thiết phải sinh sống ở những nơi mình đại diện.

Thường thì quốc hội chỉ họp để hợp thức hóa những đạo luật theo tinh thần những chỉ thị hay nghị quyết mà đảng đưa ra. Nguyên chánh văn phòng quốc hội Nguyễn Tấn Gi Trọng nhận xét "Bây giờ thậm chí bài phát biểu của đại biểu quốc hội còn phải trình cấp trên duyệt trước". Tệ hơn nữa, chẳng hạn khi chính phủ thông báo là ngày 9-6-2000, quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiệp ước Biên giới trên đất liền ký với Trung Quốc cuối năm 1999, thì thật ra hầu hết các đại biểu quốc hội không ai biết gì về chi tiết bản hiệp ước.

Mấy năm gần đây, quốc hội tương đối được giao thêm chút quyền hành, chẳng hạn có thể triệu tập bộ trưởng ra công khai đối chất, nhưng cũng chỉ là hình thức vì quốc hội không có quyền hạn gì để đưa ra các biện pháp chế tài. Hầu hết đại biểu quốc hội đều là đảng viên đã được đảng hay Mặt Trận Tổ Quốc thanh lọc nên tất cả đều bị sự chi phối của đảng.

Mỗi nhiệm kỳ, Mặt Trận Tổ Quốc thường cũng cử thêm vài người không phải đảng viên nhưng ngoan ngoãn nghe lời vào quốc hội để tỏ ra là có dân chủ. Những người này muốn lập công lại càng bảo thủ hơn đảng viên, thí dụ trường hợp bà Ngô Bá Thành.

Riêng ngành tư pháp của những nước cộng sản thì hoàn toàn chỉ là hình thức, thi hành quyết định của đảng, chẳng hạn khi Chu Minh Tuấn, một cán bộ cao cấp ở Hải Phòng gian lận bán đất của công, tỉnh ủy Nguyễn Văn Thuận can thiệp cho khỏi phải ra tòa hình sự để bị kết án tù, viên phó chánh án tỉnh đã thú nhận: "trên đã nói mà mình không làm thì cũng khó".

Trong việc xử án, chánh án luôn đứng về phe công tố, ngăn cản người bị buộc tội không cho có ý kiến, nhiều khi còn mạt sát nạn nhân.

Do bản chất cực đoan và cuồng tín của chủ nghĩa Mác xít và Lê nin nít, những tranh chấp nội bộ giữa các lãnh tụ cộng sản diễn ra tương đối khốc liệt.

Trong đảng CSVN, sự tranh giành quyền lực trong bóng tối tuy không dã man như thời Staline, tàn bạo như thời Mao Trạch Đông, nhưng những thủ đoạn được dùng cũng rất tinh vi. Những năm gần đây, sự tranh giành quyền hành được coi như xảy ra giữa hai phe nhóm trong đảng, tạm gọi là bảo thủ và tiến bộ (đúng hơn là thực dụng). Hai từ ngữ bảo thủ và tiến bộ này đúng ra chỉ áp dụng được về phương diện kinh tế.

Ông Đặng Văn Việt, anh hùng quân đội cộng sản trong Chiến Tranh Đông Dương I, năm 2006 đã phân biệt hai xu hướng chính trị ở Việt Nam đúng nghĩa hơn như sau "bảo thủ là những người có chức, có quyền, có thể bắt bớ và gán tội người khác, còn tiến bộ là những người không chức không quyền, chỉ có ngòi bút và cái mồm".

Những người được coi là tiến bộ như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Minh Triết...sẽ không bao giờ được giao cho nắm quyền hành, nếu về chính trị, họ không hết lòng tin vào chuyên chính vô sản. Bảo thủ hay giáo điều, tin tưởng vào chủ nghĩa Mác nhiều hơn, thường là những cán bộ nắm quyền điều hành các cấp của đảng, nhất là các ngành quân đội, công an, thông tin văn hóa...Trong khi đó, đầu óc "thoáng và mở" hơn phần lớn là các cán bộ và tỉnh ủy ở miền Nam, hay các viên chức chính phủ thuộc các ngành thương mại, ngoại giao...

Tuy căn bản của kinh tế thị trường đi ngược với lý thuyết Mác, nhưng đảng CSVN đã dựa vào kết quả hiển nhiên của chính sách kinh tế này để biện minh cho sự lãnh đạo độc tôn của đảng, nói là nhờ có đảng mà họ đã có được một đường lối kinh tế "đúng đắn".

Các cán bộ cao cấp của đảng dù bảo thủ đến đâu cũng biết đảng sẽ tan rã nếu kinh tế và đời sống nhân dân sa sút. Điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ kinh tế thị trường và sự hội nhập vào kinh tế thế giới. Do đó mà phe đổi mới trong mấy năm nay vẫn giữ được vị thế ngang ngửa trong đảng.

Nhờ dân trí tương đối cao, vị trí địa dư thuận lợi, đất đai nhiều tài nguyên và bắt đầu từ một căn bản kinh tế thấp kém khiến cho Việt Nam có một số điều kiện thuận lợi như giá nhân công rẻ mạt so với các nước lân cận, thị trường đông đảo 80 triệu dân, môi trường đầu tư chưa được khai thác..., Việt Nam đã đạt được một số thành qủa kinh tế. Tuy nhiên, mức sống người dân vẫn thua xa những nước trong vùng như Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân...

Vì địa vị và quyền hành độc tôn (của định hướng xã hội chủ nghĩa) trên lý thuyết không đi đôi với tiền bạc (kiếm được do kinh tế thị trường) trong khi, hệ thống quyền lực lại là một hệ thống bí mật của đảng ủy nên những nhũng lạm dễ dàng được bao che.

Khi Đào Đình Bình, bộ trưởng Giao Thông Công Chánh, bị quốc hội tra vấn về vụ tham nhũng của vụ PMU 18, ông ta thản nhiên trả lời là ông thuộc diện "trung ương quản lý, đã trả lời cho trung ương đảng", khiến quốc hội và ngay cả thủ tướng Phan Văn Khải cũng không thể làm gì ông ta được. Suốt 20 năm qua, những cán bộ lãnh đạo nào của đảng cũng nói đến đổi mới và nói đến bài trừ tham nhũng nhưng tệ nạn tham nhũng vẫn luôn luôn tràn lan.

Để duy trì sự hợp pháp của chế độ, chính quyền cộng sản hiện đang theo đuổi một chính sách kinh tế được gọi là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Thật ra đó chỉ là hai mặt của những biện pháp bảo vệ chế độ.

Kinh tế thị trường, dù đi ngược với chủ nghĩa Mác, đã giúp cho đời sống kinh tế của người dân thoải mái hơn, giống như một hình thức vuốt ve, mua chuộc, còn định hướng xã hội chủ nghĩa là nhân danh chuyên chính vô sản để răn đe dọa nạt người dân.

Trong tương lai gần, sẽ khó có những thay đổi nhanh chóng trong tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam. Vì tuy không còn ai tin vào những danh hiệu tự do, dân chủ, bình đẳng, thế giới đại đồng...của chủ nghĩa cộng sản, nhưng nó vẫn là một đảng độc tôn và có nhiều đảng viên trung thành vì chỉ đảng viên, dù bảo thủ hay tiến bộ, mới có thể có những đặc quyền đặc lợi như quyền cao chức trọng, nhà cao cửa rộng, xe cộ, cơ hội ra nước ngoài, con cháu lý lịch tốt được du học, trở về làm việc ở những cấp lãnh đạo và rồi họ cũng vẫn muốn giữ nguyên tình trạng đặc ân như vậy.

Một số cán bộ lãnh đạo như Võ Văn Kiệt, Đoàn Duy Thành, Trần Độ, Nguyễn Trung Thành, Lê Hồng Hà... chỉ bắt đầu chê trách những hành vi của đảng sau khi không còn nắm quyền hành.

Ngoài ra, dù cho mỗi năm năm đảng có thay đổi hơn một nửa số ủy viên trung ương cũng như số ủy viên bộ Chính Trị, những người mới này đều được những người cũ lựa chọn và dĩ nhiên, họ chỉ chọn những người có quan điểm chính trị tương tự để bảo vệ ưu quyền của họ.

Từ sau ngày thành lập cho tới nay, đảng CSVN đã tổ chức 10 kỳ đại hội như sau:

- Đại hội I từ 27 đến 31-3-1935 tại Ma Cao

- Đại hội II từ 11 đến 19-2-1951 tại Tuyên Quang

- Đại hội III từ 05 đến 10-09-1960 tại Hà Nội

- Đại hội IV từ 14 đến 20-12-1976 tại Hà Nội

- Đại hội V từ 27 đến 31-03-1982 tại Hà Nội

- Đại hội VI từ 15 đến 18-12-1986 tại Hà Nội

- Đại hội VII từ 24 đến 27-6-1991 tại Hà Nội

- Đại hội VIII từ 28-6 đến 1-7-1996 tại Hà Nội

- Đại hội IX từ 19 đến 22-4-2001 tại Hà Nội

- Đại hội X từ 18 đến 25-4-2006 tại Hà Nội

Vì mọi thay đổi nhân sự hay thay đổi chính sách quan trọng đều khởi từ những kỳ đại hội đảng - mà từ năm 1976 tới nay họp mỗi năm năm - , những diễn biến chính trị của Việt Nam sẽ được trình bày theo những giai đoạn năm năm đó bắt đầu từ đại hội IV tổ chức ngày 14 đến ngày 20 tháng 12 năm 1976 tại Hà Nội.

CHƯƠNG I

Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam Sau Ðại Hội Đảng IV (1976-1982)

(1976-1982)

Tháng tám năm 1976, tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia không liên kết ở Tích Lan, một người da ngăm đen, miệng luôn mỉm cười bước lên diễn đàn đọc diễn văn. Những lãnh tụ của khối trung lập vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt vì ông ta là thủ tướng của một nước Việt Nam vừa chiến thắng và thống nhất.

Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, những lời lẽ trong bài diễn văn của con người có bề ngoài hòa nhã này đã gây kinh ngạc và tức giận cho tất cả các nhà lãnh đạo quốc gia trong vùng. Ông tuyên bố Việt Nam vẫn coi hết thẩy quốc gia ASEAN lân bang như công cụ của đế quốc và sẽ không bao giờ quên là những quốc gia này đã giúp Hoa Kỳ trong những năm chiến tranh. Ông còn nói tiếp là Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ nhân dân những quốc gia này đạt được một nền "độc lập thật sự" (1)

Bài diễn văn hàm ý đe dọa và ngạo mạn của Phạm Văn Đồng tại đại hội thượng đỉnh kể trên biểu hiện cái khí thế đang lên của những nhà lãnh đạo CSVN nói riêng và phong trào cộng sản nói chung lúc đó.

Chiến thắng 1975 của Bắc Việt Nam đã được coi như một minh chứng cho tính ưu việt của chủ nghĩa Marx và sự suy yếu của phe tư bản. Vì thế, theo họ, đường lối xã hội chủ nghĩa là một đường lối sáng suốt, đúng đắn, tiên tiến và Việt Nam sẽ cương quyết đi theo con đường đó, về đối nội cũng như đối ngoại.

Cho tới năm cuối của thập niên 70, quyền cai trị Việt Nam vẫn nằm trong tay các ủy viên Bộ Chính Trị già nua được bầu từ đại hội Đảng lần thứ ba năm 1960. Ủy viên được bầu năm đó gồm Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ và Lê Thanh Nghị.

Trong số những người này, Hồ Chí Minh, Nguyễn Chí Thanh đã chết, Hoàng Văn Hoan bị cô lập vì chủ trương thân Trung Quốc quá lộ liễu. Võ Nguyên Giáp luôn bị Lê Duẩn chèn ép, nên sau cái chết của Hồ Chí Minh, dần dần bị mất uy thế. Trường Chinh mất chức sau Cải Cách Ruộng Đất, xuống vị trí thứ 2 phải nhẫn nhịn để yên phận. Thực quyền lãnh đạo đảng CSVN nằm trong tay Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.

Sự liên kết giữa Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã có từ nhiều năm.Lê Duẩn là cán bộ kỳ cựu hoạt động tại miền Nam cùng thời với Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai...và đã bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Năm 1945, khi phong trào kháng chiến nổi lên chiếm chính quyền tại Sài Gòn, những người trong Ủy ban Hành Chính Kháng Chiến Nam Bộ đã không cho người ra đón Lê Duẩn ngay mà phải chờ tới mấy tuần sau. Được đón về Sài Gòn, Lê Duẩn vẫn bị bỏ quên, không được trọng dụng cho đến khi Lê Đức Thọ vào Nam.

Sau hiệp định Genève, Lê Duẩn tập kết ra Hà Nội và khi Trường Chinh bị mất chức tổng bí thư, Lê Duẩn được cất nhắc lên làm bí thư thứ nhất.

Thời gian đó, nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ, uy tín Võ Nguyên Giáp rất cao, nhưng Hồ Chí Minh chọn Lê Duẩn có lẽ vì đảng cộng sản đang mưu toan xâm nhập và khởi sự gây loạn ở miền Nam. Lê Duẩn tuy sinh đẻ tại miền Trung nhưng đã hoạt động lâu năm tại miền Nam. Đề cử Lê Duẩn làm bí thư thứ nhất là một biện pháp lấy lòng nhân dân miền Nam, chứng tỏ họ vẫn coi nước Việt Nam là một. Một lý do khác là có thể Hồ Chí Minh cũng e ngại uy tín của Võ Nguyên Giáp sau trận Điện Biên Phủ. Đồng thời với sự thăng tiến của Lê Duẩn năm 1956, Lê Đức Thọ cũng được cử thay Lê Văn Lương giữ trọng trách trưởng ban tổ chức đảng.

Mới từ miền Nam ra, không có hậu thuẫn mạnh trong đảng cũng như uy tín đối với nhân dân miền Bắc, Lê Duẩn phải dựa vào Lê Đức Thọ, để mặc cho Lê Đức Thọ thao túng về nhân sự của đảng và nhà nước. Suốt hơn hai chục năm sau 1960, vì lý do chiến tranh, không có đại hội đảng nào được triệu tập nên Lê Đức Thọ với cương vị trưởng ban tổ chức được toàn quyền sắp xếp và thay đổi nhân sự trong đảng cũng như trong chính phủ. Dưới tay Lê Đức Thọ có Nguyễn Đức Tâm giữ ban chỉ đạo trung ương, Trần Quyết trưởng ban kiểm tra, Hoàng Thao trưởng ban nội chính, Nguyễn Đình Hưởng ban bảo vệ chính trị, Nguyễn Trung Thành ban bảo vệ đảng. Những người này cùng Trần Quốc Hoàn, bộ trưởng công an, tạo nên một bộ máy hữu hiệu kiểm soát tất cả sinh hoạt của nhân dân cũng như cán bộ.(2)

Người được coi như cái gai trước mắt Lê Duẩn là Võ Nguyên Giáp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, uy tín của Võ Nguyên Giáp đối với thế giới bên ngoài rất lớn, ngang với Hồ Chí Minh nên giữa Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp đã có sự ghen ghét.

Dù Lê Duẩn được cử làm bí thư thứ nhất, nhưng Hồ Chí Minh vẫn để Võ Nguyên Giáp làm bí thư quân ủy còn Lê Duẩn, dù là bí thư thứ nhất của đảng, chỉ được làm phó bí thư cho Võ Nguyên Giáp trong quân ủy. Vì thế, Lê Duẩn luôn tìm cách nâng đỡ Nguyễn Chí Thanh (3), lúc đó là chủ nhiệm tổng cục Chính trị quân đội, giúp cho Nguyễn Chí Thanh có một uy thế ngang ngửa với Võ Nguyên Giáp trong quân đội.

Trong thời gian Khrushchev cầm quyền ở Nga Xô, chủ trương xét lại và mâu thuẫn với Trung Quốc, lập trường của Lê Duẩn nghiêng về Trung Quốc. Trước thái độ của Lê Duẩn và biết được sự bất hòa giữa Duẩn - Giáp, Khrushchev đã gửi một thư riêng cho Võ Nguyên Giáp. Nhưng Võ Nguyên Giáp, biết mình đang bị Lê Duẩn, Lê Đức Thọ rình rập, đã trình ngay lá thư đó cho Hồ Chí Minh. Việc này khiến Lê Duẩn và Lê Đức Thọ không yên tâm, sợ Võ Nguyên Giáp có thể dựa vào uy thế Nga Xô để lật lại mình nên vào năm 1967, sau khi Kruschchev đã bị hạ bệ, cả hai tạo ra "vụ án xét lại", bắt giữ hàng trăm người gồm đủ mọi thành phần có quan hệ hoặc có khuynh hướng thân Nga Xô hay có dính líu với Võ Nguyên Giáp.

Tuy Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh che chở nên yên thân nhưng một số người thân tín dưới quyền đã bị bắt và Võ Nguyên Giáp cũng không dám lên tiếng bênh vực. Dù Võ Nguyên Giáp vẫn còn là bộ trưởng Quốc phòng và tổng tham mưu trưởng quân đội, Lê Duẩn vẫn thường công khai chê trách tài cầm quân của Võ Nguyên Giáp.(4) Sau khi Võ Nguyên Giáp bị mất vây cánh và bị cô lập, quyền lực của Hồ Chí Minh cũng dần dần yếu đi, bị Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lấn lướt, đành an phận đứng Ngoài những tranh chấp để còn được giữ nguyên hình tượng "bác". Sau khi Hồ Chí Minh chết, không còn chỗ dựa, Võ Nguyên Giáp bị Lê Duẩn và Lê Đức Thọ hạ tầng công tác và cuối cùng mất hết chức vụ.

Năm 1975, sau khi chiếm miền Nam, đảng CSVN tổ chức đại hội đảng lần thứ tư từ ngày 14 đến 20-12-1976 để thích ứng với tình hình mới.

Vì mới thống nhất, số ủy viên trung ương đảng được tăng từ 77 lên 133 người, số ủy viên bộ Chính Trị cũng tăng từ 11 lên 14 người cùng với 3 ủy viên dự khuyết, xếp theo thứ tự gồm có:

1. Lê Duẩn, cải danh bí thư thứ nhất lên tổng bí thư.

2. Trường Chinh, kiêm nhiệm chủ tịch Quốc Hội.

3. Phạm Văn Đồng, thủ tướng.

4. Phạm Hùng, phó thủ tướng.

5. Lê Đức Thọ, trưởng ban tổ chức T.Ư đảng.

6. Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Quốc Phòng.

7. Nguyễn Duy Trinh, bộ trưởng Ngoại Giao.

8. Lê Thanh Nghị, chủ nhiệm UB Kế Hoạch Nhà Nước.

9. Trần Quốc Hoàn, bộ trưởng Công An.

10. Văn Tiến Dũng, tổng tham mưu trưởng quân đội.

11. Lê Văn Lương, bí thư thành ủy Hà Nội.

12. Nguyễn Văn Linh, bí thư thành ủy TP.HCM.

13. Võ Chí Công, kiêm bộ trưởng bộ Hải Sản.

14. Chu Huy Mân, chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị thay Song Hào. Song Hào mất chức vì trong cuộc chiến 1972, quân cộng sản chết quá nhiều ở Quảng Trị và theo Nhật Ký Trần Quỳnh, Song Hào đã đổ lỗi lầm này cho Lê Duẩn. Tuy nhiên, lý do chính có lẽ là Song Hào từng chiến đấu và gần gũi với Võ Nguyên Giáp.

Người thay Song Hào là Chu Huy Mân, trước 1954 là một trung đoàn trưởng tham dự trận Đông Khê, sau vào Nam đóng ở mật khu An Lão, vùng Bình Định, từng tham dự trận Ia Drang. Sự lên chức mau lẹ của Chu Huy Mân vượt qua khỏi nhiều tướng lãnh có chức vụ cao và thâm niên hơn như Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo...cho thấy quyết tâm của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ muốn loại trừ những người từng phục vụ lâu năm dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp để dùng những người thân tín.

Ba ủy viên dự khuyết trong bộ Chính Trị lần này là Tố Hữu, Võ Văn Kiệt và Đỗ Mười.

Sau chiến thắng 1975, không còn cần che giấu, đại hội đảng lần này cũng quyết định bỏ tên đảng Lao Động và lấy lại tên là đảng Cộng Sản Việt Nam. Để chứng tỏ quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, tên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tạp chí Học Tập, tạp chí chính thức của đảng cũng trở nên tạp chí Cộng Sản.

Tôn Đức Thắng tiếp tục giữ chức chủ tịch nước.(5)

Hai phó chủ tịch là Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Hữu Thọ.

Trong thành phần bộ Chính Trị được bầu lần này, Hoàng Văn Hoan bị loại, sau đó trốn sang Trung Quốc. Võ Nguyên Giáp còn được giữ lại do uy tín trong quân đội nhưng bị đẩy xuống đứng sau Lê Đức Thọ.

Tuy bộ Chính Trị có thêm một số nhân vật từ miền Nam ra như Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công... nhưng thực quyền vẫn nằm trong tay những ủy viên cao cấp đã nắm quyền suốt hơn hai chục năm qua, nhất là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Vì thế, đường lối chính sách của đảng CSVN không có gì thay đổi.

Trong những ủy viên cao cấp bộ Chính Trị lúc đó, Phạm Văn Đồng luôn luôn thủ phận để được yên vị ở chức thủ tướng, Trường Chinh dù là cán bộ lão thành nhưng uy tín bị suy giảm sau vụ Cải Cách Ruộng Đất cũng được yên thân vì sau khi mất chức tổng bí thư năm 1956, đã không bao giờ tỏ ra bất mãn hay đối nghịch với Lê Duẩn. Thêm nữa, Trường Chinh là người miền Bắc duy nhất trong số lãnh tụ cao cấp của bộ Chính Trị. (trong đảng, ba người thứ tự cao cấp nhất của bộ Chính Trị thường từ ba miền Bắc, Trung, Nam - Lê Duẩn người miền Trung, Phạm Hùng, miền Nam). Vì thế phe cánh của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ trong bộ Chính Trị sau đại hội đảng lần thứ tư được thêm vào Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân lại càng được củng cố...

Những người thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ có Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình được cho giữ những chức vụ không có quyền hành, còn những người khác như Trịnh Đình Thảo, Lâm Văn Tết, Trương Như Tảng...bị gạt ra ngoài.(6)

Các nhân vật thân cộng như Ngô Công Đức, Lý Quí Chung, Lý Chánh Trung, Trần Thúc Linh, Nguyễn Hữu Hạnh, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Cứ (7) ... phải học một lớp học chính trị mà người dạy là Vũ Khiêu, xuất thân là một giáo viên ở Lạng Sơn. Bài "thu hoạch" của họ, nội dung chỉ là phản tỉnh và cong lưng qui thuận được đăng lại trên báo Đại Đoàn Kết để làm công cụ tuyên truyền.

Nghị quyết của đại hội đảng cộng sản lần thứ tư sau 1975 xác định phương hướng của chính quyền cộng sản là "Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hóa.." Dĩ nhiên, việc "nắm vững chuyên chính vô sản" để kiểm soát toàn bộ nhân dân kể cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng là quan trọng nhất. Bộ máy công an được thiết lập rất chặt chẽ, nhân dân bị kiểm soát từ khu vực, phường, quận, tỉnh... đến trung ương và được sự hỗ trợ của những tổ dân phố, các đoàn thể phụ nữ, thiếu nhi, công đoàn....

Ngoài ra những biện pháp như sổ hộ khẩu, giấy thông hành (đi sang một tỉnh lân cận là phải xin giấy thông hành) sổ tạm trú (ngủ ở nhà người khác dù một đêm cũng phải khai báo), sổ lương thực (chỉ tạm đủ ăn cho mỗi nhân khẩu, mỗi căn hộ) đã giúp cho sự kiểm soát của công an rất hữu hiệu. Nhưng biện pháp kiểm soát hữu hiệu nhất của chế độ là tạo nên bầu không khí trong đó những người thân thuộc dù là anh em hay bạn bè... bị đe dọa, hoặc vì tị hiềm, hoặc để lập công, hoặc bị khuyến dụ, dễ dàng tố cáo lẫn nhau.

Tố cáo lẫn nhau được coi như một biểu hiện tốt trong quá trình phấn đấu bản thân, là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng phẩm chất "đạo đức cách mạng". Những phần tử khả nghi dễ dàng bị thanh lọc, bắt bớ hay giam cầm không cần tòa xét xử.

Giống như ở các nước cộng sản khác, để bảo vệ chế độ, tất cả những người thuộc "thành phần khả nghi" đều bị bắt giữ, tù đày. Ngoài hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức miền Nam bị giam trong nhiều trại tù rải rác khắp nước, các văn nghệ sĩ, các tu sĩ như hoà thượng Huyền Quang (8), hoà thượng Quảng Độ (9), giám mục Nguyễn Văn Thuận (10)... Người từng chống đối chế độ cũ ở miền Nam như Trương Đình Dzu cũng bị bắt. Trương Đình Dzu bị chính quyền VNCH giam và sau 30-4-1975 được thả ra lại bị cộng sản bắt lại ngay vì bị nghi có thể thuộc nhóm người muốn xây dựng một đoàn thể đối lập. Vì ông ở tù, con trai là David Trương (Trương Đình Hùng) đang ở Hoa Kỳ, mưu toan cùng một viên chức ngoại giao Mỹ làm gián điệp cho Việt Nam để lập công. Vụ này vỡ lở, Trương Đình Hùng bị bắt, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc là Đinh Bá Thi bị trục xuất. Do vụ án gián điệp này, cuộc hội đàm để thiết lập bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ của Phan Hiền và Holbrook vào thời gian đó bị trở ngại (11)

Ngoài hai hoà thượng Huyền Quang và Quảng Độ, hai học giả Phật học uyên thâm là Trí Siêu và Tuệ Sĩ (12) bị lên án tử hình vì tội "âm mưu lật đổ chính phủ". Nhiều tu sĩ Phật giáo khác, trong đó có ni sư Trí Hải, người đã dịch cuốn Catcher in the Rye của Salinger (Bắt Trẻ Đồng Xanh) dưới bút hiệu Phùng Khánh cũng bị bắt và bỏ tù nhiều năm.

Năm 1978, chính quyền bắt giam bác sĩ Nguyễn Đan Quế cùng 47 người khác vì đã thành lập phong trào đòi nhân quyền. Những người này bị giam giữ, tra tấn, cấm cố, biệt giam nhiều năm, sau đó thả ra rồi bắt lại bằng những "biện pháp hành chánh", không cần xét xử.

Một số người khác như Trần Văn Bá, con của cụ Trần Văn Văn, đang dạy học bên Pháp lén trở về Việt Nam năm 1980 tổ chức một phong trào nổi dậy, nhưng bị bắt và bị xử tử vào tháng 1-1985 cùng hai đồng chí khác của ông là Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch. (13) Người phụ trách tìm bắt ông là Cao Đăng Chiếm, Nguyễn Khánh Toàn...Có nguồn tin Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó đang ở Kiên Giang, có thể cũng tham dự đợt bắt giữ này.

Ngoài Trần Văn Bá, ông Võ Đại Tôn (14) từ bên Úc trở về mưu vận động chống lại chế độ nhưng cũng bị bắt. Ông bị bỏ tù vài năm sau đó được thả về Úc.

Một người khác, cựu phó đề đốc Hoàng Cơ Minh (15) của quân đội VNCH, cũng thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam và lập mật khu tại biên giới Thái. Năm 1987, khi ông và các đồng chí trên đường về nước thì bị phục kích bên Lào và tử trận.

Về thông tin báo chí, dĩ nhiên tất cả đều do đảng cộng sản hoàn toàn kiểm soát (16) Những tổng biên tập nhật báo hay tạp chí nhà nước này đều phải là đảng viên. Hai tờ báo trước kia ngầm hỗ trợ Cộng Sản là Tin Sáng và Đứng Dậy, sau 1975 được phép tồn tại với điều kiện trong tòa soạn phải có đảng viên cộng sản làm "cố vấn chính trị" nhưng cũng lần lượt bị dẹp bỏ. Tờ Tin Sáng của Ngô Công Đức, dù đã hết sức nịnh bợ chính quyền mới (17) cuối cùng cũng phải tuyên bố "hoàn thành nhiệm vụ"(?) vào ngày 30-6-1980, còn tờ Đứng Dậy của linh mục Chân Tín thì "từ biệt độc giả" vào tháng 12-1978. Việc làm báo ở Việt Nam khuôn mẫu đến nỗi mỗi năm, ngày 26-12, đều có tin về đức tổng giám mục Nguyễn Văn Bình làm lễ tối Giáng Sinh. Đến năm 1992, đức tổng giám mục bị bệnh, giám mục Phạm Văn Nam thay thế, nhưng tất cả các báo nhà nước đều vẫn đăng tin tổng giám mục Nguyễn Văn Bình làm chủ lễ và sau đó cũng không có báo nào đính chính.

Về đối ngoại, chiến thắng quân sự của CSVN năm 1975 đã làm bộc lộ nhiều mâu thuẫn giữa các quốc gia cộng sản từng âm ỉ trong những năm chiến tranh. Lúc đó, cả Nga Xô và Trung Quốc đều viện trợ dồi dào cho Việt Nam để tỏ cho các nước cộng sản đàn em khác thấy thái độ tích cực chống đế quốc, đồng thời cũng để lôi kéo Việt Nam về phe mình. Cộng sản Bắc Việt cũng cố gắng giữ vị thế quân bình để chiều lòng cả hai nước.

Trong nỗ lực tiếp tục chính sách đu dây để hưởng lợi như những năm trước, cuối tháng 9-1975, Lê Duẩn và Lê Thanh Nghị sang Trung Quốc xin viện trợ. Nhưng cục diện đã đổi thay, Trung Quốc sau khi kết thân được với Hoa Kỳ đang coi Nga Xô là kẻ thù số một, và muốn Việt Nam phải nằm hẳn trong ảnh hưởng của mình để chống lại Nga Xô. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không muốn Việt Nam liên minh chặt chẽ với Ai Lao và Campuchia để tạo nên một thế lực có thể thách đố hay làm nguy hại tới an ninh và quyền lợi của họ. Vì thế, Đặng Tiểu Bình trong buổi tiếp tân phái đoàn đã đề cập đến chủ nghĩa bá quyền (ám chỉ Nga Xô) và khuyến cáo Việt Nam nên đứng hẳn về phía Trung Quốc để chống lại Nga Xô. Tuy nhiên, khi đáp từ, Lê Duẩn không nói gì đến bá quyền mà còn ngỏ lời cám ơn tất cả các nước xã hội chủ nghĩa (trong đó có cả Trung Quốc lẫn Nga Xô) trong công cuộc đấu tranh chống đế quốc. Kết quả là Trung Quốc từ chối viện trợ và Lê Duẩn từ chối thảo thông cáo chung, hủy bỏ tiệc liên hoan đáp lễ. Kể từ đó, quan hệ giữa hai nước bắt đầu rạn nứt.

Ba tháng sau, Lê Duẩn bay sang Nga Xô. Tại đây, khác với khi ở Trung Quốc, Việt Nam công khai cho thấy lập trường của họ đã thiên về Nga Xô khi Lê Duẩn cùng Brezhnev ký một thông cáo chung trong đó Việt Nam nhất trí với Nga Xô trong vấn đề đối ngoại. Sau khi Lê Duẩn về nước, những cán bộ cao cấp có khuynh hướng thân Trung Quốc đều lần lượt bị loại, trong đó có Hoàng Văn Hoan (18), ủy viên bộ Chính Trị), Chu Văn Tấn (19), bộ trưởng Quốc Phòng năm 1945), Lý Ban (thứ trưởng Ngoại Thương), Lê Quảng Ba (phó chủ tịch quốc hội)....

Tuy nhiên, do tình trạng bang giao với Campuchia ngày càng căng thẳng, chính quyền CSVN đã cố gắng có vài biện pháp tỏ ra còn độc lập với Nga Xô để khỏi phải trực tiếp đương đầu với Trung Quốc. Họ từ chối không gia nhập liên minh kinh tế COMECON của đế quốc Nga Xô, không cho Nga Xô đặt tòa lãnh sự ở thành phố HCM, sau đó họ còn gửi nhiều phái đoàn thiện chí khác sang Trung Quốc cầu hòa.

Trước hết, vào ngày 21-4-1977, Lê Duẩn trở lại Trung Quốc. Lần này, Lê Duẩn không còn có thái độ đương đầu với Trung Quốc như lần trước mà phải xuống giọng với Hoa Quốc Phong "chúng tôi như những đứa em nhỏ, luôn luôn sát cánh bên những người anh" (20). Dù vậy, chuyến đi không đem lại kết quả nào.

Chuyến đi thứ hai vào tháng 6-1977 do Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng quốc phòng lúc đó làm trưởng phái đoàn còn tệ hại hơn. Nhân vật tương đương của Trung Quốc là Diệp Kiếm Anh không ra phi trường tiếp đón, cũng không tham dự những cuộc hội đàm.

Mấy ngày sau, một phái đoàn khác của Phạm Văn Đồng từ Nga Xô trở về cũng ghé ngang Bắc Kinh. Lần này Phạm Văn Đồng được thủ tướng Trung Quốc là Lý Tiên Niệm tiếp. Nhưng trong buổi họp, Phạm Văn Đồng chưa kịp lên tiếng thì Lý Tiên Niệm đã lên tiếng phản kháng về chính sách đối với người Hoa và việc Việt Nam tiếp quản những đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa trong khi năm 1958, Phạm Văn Đồng đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo đó. Phạm Văn Đồng chỉ có thể trả lời gượng gạo rồi trở về tay không.

Trước viễn ảnh không thể hòa giải với Trung Quốc, Việt Nam bắt đầu những biện pháp phòng ngừa Trung Quốc trả đũa. Trước hết, họ bắt tất cả cư dân người Hoa nhập Việt tịch, nếu không sẽ mất quyền lợi mua lương thực. Sau đó, ngày 24-3-1978, chính phủ Việt Nam mở đợt đánh tư sản mại bản đầu tiên (ám số là kế họach X1), nhắm vào khối người Hoa để tịch thu gia sản của họ, đồng thời cũng ép buộc và khuyến dụ những người này rời Việt Nam để một mặt, tránh hiểm họa đạo quân thứ năm, mặt khác tịch thu thêm vàng bạc. Từ đó, phong trào thuyền nhân ra đời. Nhiều người đến được những trại tỵ nạn rải rác ở Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Phi Luật Tân, Hồng Kông, Nhật Bản..., nhưng cũng có hàng trăm ngàn người khác phải bỏ mình ngoài biển khơi hay làm nạn nhân cho hải tặc.(21)

Dĩ nhiên, chính quyền Trung Quốc phản kháng, gọi những Hoa Kiều ở Việt Nam là "nạn kiều" và ngưng mọi dự án Trung Quốc đang viện trợ cho Việt Nam, rút hết chuyên viên về nước. Sự tranh chấp giữa hai nước trở nên mãnh liệt đến nỗi nghị quyết số 9 của trung ương đảng năm 1978 đã ghi rõ Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất (trong khi Hoa Kỳ được coi như kẻ thù cơ bản và lâu dài). Điều này đến 1982 còn được ghi vào hiến pháp. Sau cuộc chiến với Campuchia và Trung Quốc, năm 1981, nghị quyết 39 của bộ Chính Trị ghi là CSVN sẽ "đấu tranh chống chủ nghĩa Mao trên mọi hình thái.". Điều này khác hẳn với lời mở đầu trong điều lệ đảng năm 1951 "đảng Lao Động Việt Nam lấy học thuyết Mác, Ăng ghen, Lê nin và tư tưởng Mao trạch Đông kết hợp với thực tế cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng".(22)

Đồng thời với những bất đồng nghiêm trọng với Trung Quốc, những mâu thuẫn giữa hai phong trào CSVN và Campuchia sau 1975 càng trầm trọng hơn. Thật ra sự mâu thuẫn này đã có từ lâu. Tuy đảng cộng sản Campuchia được thành lập và đỡ đầu bởi đảng CSVN, nhưng cũng chính vì điều này, cộng thêm bản chất tự tôn của những người cộng sản tự coi mình thuộc giai cấp tiên tiến, đang mang nghĩa vụ giải phóng toàn thể nhân loại, khiến cho những cán bộ Việt Nam mặc nhiên tự coi như giữ vai trò lãnh đạo, đàn anh đối với hai nước Lào và Campuchia. Do mối thù hận bị mất đất và bị cai trị khắc nghiệt trong lịch sử, cộng thêm mối nghi kỵ sẽ bị sát nhập với Việt Nam thành một "Liên bang Đông Dương", các lãnh tụ cộng sản Campuchia, vốn đã cuồng tín, càng trở nên đa nghi hơn và kết quả là hai bên đã phải giải quyết những mâu thuẫn bằng vũ lực trong một trận chiến cộng sản tương tàn. (23)

Ngay trong tháng tư 1975, sau khi cướp được chính quyền, quân Khmer Đỏ đã tấn công các đảo Thổ Châu, Hòn Trọc (Wai) và Phú Quốc của Việt Nam, mở đầu những đợt xung đột võ trang dọc theo biên giới hai nước. Những xung đột bùng nổ dữ dội vào hai năm sau. Đúng đêm 30-4-1977, quân Khmer Đỏ tấn công qui mô nhiều làng xã thuộc tỉnh An Giang, tàn sát nhiều người vô tội. Tháng 9-1977, đến lượt vùng biên giới Tây Ninh bị đánh.

Chịu trách nhiệm phòng thủ Tây Ninh là Trần Văn Trà, tư lệnh quân khu VII. Trần Văn Trà đang dự định hành quân qui mô để trả đũa thì bị mất chức và kéo về trung ương, để Lê Đức Anh đang làm tư lệnh quân khu IX lên thay.(24)

Trần Văn Trà mất chức giữa giai đoạn nghiêm trọng này với lý do sơ hở về phòng thủ, không bảo vệ được dân chúng, nhưng lý do chính là sau 1975, những cán bộ người miền Nam trong MTGPMN không còn được tin dùng và dần dần bị tước đoạt hết quyền lực. Điều này đã gây ra bất mãn và chính quyền trung ương không thể để cho một người cốt cán của Mặt Trận nắm binh quyền ở một quân khu quan trọng. Ngoài ra, Trần Văn Trà cũng làm mất lòng Văn Tiến Dũng và Lê Đức Thọ khi viết hồi ký nhận phần lớn công trạng là của mình trong chiến thắng 1975.

Do thay đổi chỉ huy, phải chờ mấy tháng sau, cuối 1977, quân Việt Nam mới tràn qua biên giới phản công. Bị quân Việt Nam tràn ngập, hai sư đoàn 3 và 4 của Khmer Đỏ coi như bị tiêu diệt. Campuchia lên tiếng tố cáo Việt Nam xâm lăng và chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Để tránh dư luận quốc tế, quân Việt Nam phải rút về nước.

Thất bại do không thể chận đứng được cuộc tấn công của quân Việt Nam, Pol Pot đổ lỗi cho quân khu Đông ở sát biên giới Việt Nam và mở một cuộc thanh trừng đẫm máu. Cuộc thanh trừng này một mặt làm suy yếu lực lượng quân đội Campuchia, mặt khác đẩy một số cán bộ lãnh đạo Khmer Đỏ như Heng Samrin, Hun Sen trốn sang Việt Nam, tạo cơ hội cho Việt Nam thành lập một Mặt Trận Giải Phóng bù nhìn để xâm lăng.

Không thể để cho Khmer Đỏ tiếp tục gây rối, chính quyền CSVN cần giải quyết dứt khoát, nhưng lại sợ phản ứng của Trung Quốc nên phải đi tìm một hậu thuẫn vững mạnh. Cuối cùng, Việt Nam chính thức đứng vào quĩ đạo Nga Xô.

Ngày 1-11-1978, Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng dẫn đầu một phái đoàn đảng và chính phủ sang Mạc Tư Khoa để cùng Brezhnev ký bản hiệp ước "hợp tác và hữu nghị", theo đó hai nước sẽ liên minh với nhau cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự. Điều 6 của hiệp ước này nói rõ nếu một trong hai nước bị tấn công, cả hai nước sẽ dùng những biện pháp thích hợp đối phó.

Từ đó, Nga Xô hết lòng viện trợ cho Việt Nam. Số tiền viện trợ và cho vay lên tới nhiều tỷ mỹ kim. Bù lại, Việt Nam để cho Nga Xô sử dụng hải cảng Cam Ranh và có thể Đà Nẵng làm đầu cầu quân sự để kềm chế Trung Quốc và đối đầu với hạm đội thứ 7 của Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương.(25)

Hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam - Nga Xô đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ tại các nước ASEAN và Hoa Kỳ, đem lại kết quả thuận lợi cho Trung Quốc.

Trước đó hai tháng, Việt Nam đã cử Phạm Văn Đồng sang Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba để ve vãn những nước này. Tại Thái Lan, Phạm Văn Đồng hứa chấm dứt yểm trợ đảng cộng sản Thái. Tại Mã Lai, Phạm Văn Đồng đến đặt vòng hoa tại đài chiến sĩ tưởng niệm những binh sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh chống Mã cộng. Riêng đối với Hoa Kỳ, Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội thiết lập bang giao nhưng khi cần đến thì quá trễ.

Sự chậm trễ thiết lập bang giao với Hoa Kỳ bắt nguồn từ thái độ kiêu căng của các lãnh tụ CSVN sau chiến thắng. Năm 1976, khi tổng thống Carter được bầu lên, ông muốn lật trang sử đã qua nên đã cử một phái đoàn thiện chí sang Hà Nội thăm dò về việc thiết lập bang giao. Thiện chí này càng làm giới lãnh đạo Việt Nam thêm phần cao ngạo. Họ nhất định đòi có được ba tỷ mỹ kim tiền bồi thường chiến tranh như một điều kiện tiên quyết.

Những cuộc hội đàm ở Hà Nội và Paris giữa thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền với Woodcock và Holbrook lần lượt tan vỡ.

Tháng 9-1978, khi Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là thứ trưởng, gặp Holbrook và bằng lòng bỏ đi điều kiện đòi số tiền ba tỷ thì lúc đó, Hoa Kỳ đã bắt đầu thương thuyết với Trung Quốc. Phải lựa chọn giữa hai nước đang đối nghịch nhau, Carter chọn bang giao với Trung Quốc trước và từ đó, do việc Việt Nam đứng vào khối Nga Xô rồi xâm lăng Campuchia, bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã chậm đi mất gần 20 năm.

Sau khi ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác, tin tưởng vào hậu thuẫn và sức mạnh của Nga Xô, bất chấp mọi phản ứng từ Trung Quốc và thế giới, ngay sau đêm Giáng Sinh năm 1978, dưới quyền chỉ huy tổng quát của Lê Trọng Tấn (26), quân đội Việt Nam ồ ạt mở một cuộc tổng tấn công toàn diện vào lãnh thổ Campuchia. Chỉ trong vòng hơn một tuần, quân Việt Nam đã lấy được Nam Vang và khoảng bốn tháng sau, coi như làm chủ toàn lãnh thổ Campuchia. Lê Đức Anh được cử làm tư lệnh đội quân chiếm đóng. Nhưng cũng từ đó, Việt Nam bắt đầu phải gánh chịu một cuộc chiến tranh tiêu hao nặng nề cả về sinh mạng lẫn kinh tế, ngoại giao.

Cuộc xâm lăng Campuchia kể trên là một xúc phạm nặng nề cho uy tín nước lớn và lòng tự tôn Đại Hán của Trung Quốc cho nên Đặng Tiểu Bình cần phải có biện pháp trả đũa. Một mặt, ông ta tiếp xúc với Thái Lan để tiếp tục giúp đỡ Khmer Đỏ chống lại Việt Nam. Mặt khác, ông ta không còn khó khăn với Hoa Kỳ về vấn đề Hoa Kỳ tiếp tục bán võ khí cho Đài Loan nữa mà bằng lòng thiết lập bang giao chính thức một cách gấp rút vào ngày 15-12-1978. Hai tháng sau, Đặng Tiểu Bình lên đường sang thăm Hoa Kỳ, chuẩn bị dư luận cho cuộc tấn công Việt Nam. Khi Đặng Tiểu Bình cho biết về cuộc tấn công, tổng thống Carter không tán thành cũng không phản đối.

Ngày 17-2-1979, quân đội Trung Quốc bắt đầu tấn công vào những tỉnh biên giới Việt Hoa, dọc theo chiều dài hơn 1000 cây số của biên giới Việt-Hoa từ Lai Châu đến Quảng Ninh.

Dù sao Trung Quốc cũng e sợ phản ứng của Nga Xô nên cuộc chiến tranh này đã được Trung Quốc gián tiếp thông báo trước giới hạn về qui mô thời gian và không gian. Tuy trận đánh chỉ kéo dài có hơn một tháng, sự tổn hại nhân mạng mỗi bên (cả hai bên đều dấu kín, khi loan báo chính thức đều giảm thiểu tổn thất của mình và thổi phồng tổn thất của địch) cũng phải lên tới nhiều chục ngàn và hầu hết những thị xã của Việt Nam dọc biên giới đều bị tàn phá.

Nhìn vào cuộc chiến, quân đội Việt Nam chứng tỏ khả năng phòng thủ bền bỉ và khả năng chiến đấu cao hơn, trong khi quân đội Trung Quốc bộc lộ nhiều nhược điểm và đã phải trả giá khá đắt cho "bài học" mà họ muốn dạy.

Tuy nhiên, theo thời gian, Việt Nam đã phải gánh chịu một hậu quả tai hại hơn. Về chính trị, kinh tế, quân sự gần như hoàn toàn lệ thuộc vào Nga Xô, về ngoại giao thì bị cô lập... Nhưng thời gian đó là thời gian mà đế quốc Nga Xô đang hồi cực thịnh. Trên bề mặt, đế quốc đó đang bành trướng không những ở Á Châu mà còn ở Phi Châu và Nam Mỹ. Việt Nam, theo như Lê Duẩn nói với Brezhnev khi ký thỏa ước hợp tác và hữu nghị, đã chấp nhận "nghĩa vụ quốc tế cao cả", làm người lính tiên phong cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản, đúng hơn là cho đế quốc Nga Xô ở Á Châu.

Việc xâm lăng Campuchia thực ra chỉ là một bài học mà cộng sản Việt Nam học từ Nga Xô để áp dụng chủ thuyết Brezhnev, theo đó, một nước cộng sản có quyền đem quân vào một nước cộng sản khác, như Nga Xô từng đem quân vào Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc hay Afghanistan. Ngoài ra, giống như ở Nga Xô, các lãnh tụ cộng đảng Việt Nam cũng muốn duy trì tình trạng "giữ nguyên trạng" (các cán bộ lãnh đạo cứ giữ nguyên địa vị cho đến lúc chết nếu không bị thanh trừng vì chống đối hay tranh giành quyền lực với những lãnh tụ đương thời).

Nếu những ủy viên bộ Chính Trị của Nga Xô như Brezhnev (tổng bí thư), Gromyko (ngoại giao), Ustinov (quốc phòng), Suslov (lý thuyết gia), và Andropov (công an)... đều đã ở lì chức vụ lãnh đạo trên dưới hai mươi năm thì ở Việt Nam, lãnh đạo đảng cộng sản từ hơn ba mươi năm trước vẫn là những khuôn mặt Duẩn, Chinh, Đồng, Thọ, Giáp....

Ở ngoài mặt, đế quốc Nga Xô đang phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới nhưng điều này đã che dấu sự mục nát từ hạ tầng cơ sở của chế độ xã hội chủ nghĩa và của cơ chế kinh tế chỉ huy khiến cho những lãnh tụ CSVN vẫn tin tưởng rằng đường lối kinh tế đó là một đường lối siêu việt và họ vẫn nhất tâm theo đuổi.

Vì đất nước bị chia đôi năm 1954 nên từ 1954 đến 1975, họ chỉ có thể thi hành chính sách kinh tế chỉ huy ở miền Bắc. Tất cả những hình thức kinh doanh tư nhân bị xóa bỏ. Những ngành sản xuất hay thương mại đều được điều hành bởi nhà nước.

Chính sách kinh tế tập trung này đều lấy theo khuôn mẫu Nga Xô, theo đó, cơ quan quan trọng nhất để điều hành kinh tế quốc gia là ủy ban Kế Hoạch Nhà Nước mà công việc bao trùm lên tất cả các bộ có liên quan đến kinh tế hay sản xuất. Ủy ban đặt một kế hoạch toàn bộ từ trên xuống dưới cho tất cả những ngành trực thuộc, tính toán tiền bạc, vật dụng được phân phối, sản lượng xuất cảng, nhập cảng...

Dựa theo kế hoạch chung đó, ủy ban Vật Giá định giá cả hàng hóa, bộ Tài Chánh phân phối ngân sách, các bộ Nội Thương, Ngoại Thương, Lương Thực thu nhập hay phân phối sản phẩm từ trung ương tới địa phương. Các bộ Kỹ Nghệ hay Nông Nghiệp có trách nhiệm sản xuất đúng chỉ tiêu trong kế hoạch.

Ngân sách chi thu của những bộ không liên quan đến kinh tế như Y Tế, Quốc Phòng hay Giáo Dục cũng phải dựa theo kế hoạch chung của ủy ban Kế Hoạch. Vì thế, chủ tịch ủy ban Kế Hoạch thường là một phó thủ tướng kiêm ủy viên bộ Chính Trị đứng đầu một ủy ban trên 10 người thuộc hàng bộ trưởng hay thứ trưởng.

Thường thì kế hoạch hàng năm được soạn thảo xong vào tháng 9 để đưa cho thủ tướng và bộ Chính Trị duyệt xét cho năm sau.

Vì những nước cộng sản giao thương mật thiết với nhau, kế hoạch của những nước này phải liên quan mật thiết với những nước trong khối cộng sản, chẳng hạn số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam phải ăn khớp với nhu cầu nhập khẩu của những nước khác.

Nước đứng đầu khối cộng là Nga Xô phải nghiên cứu khả năng của những nước đàn em, hoạch định một kế hoạch chính cho cả khối rồi Nga Xô và những nước Đông Âu theo đó mà đặt kế hoạch của mình.

So với các nước cộng sản khác, kế hoạch kinh tế của nhà nước CSVN trước năm 1975 tương đối giản dị, vì ngoài nông nghiệp và các mỏ than, mỏ sắt thì mức sản xuất rất giới hạn. Kinh tế và ngân sách của Việt Nam lúc đó phần lớn nhờ vào ngoại viện. Mỗi năm, họ làm một danh sách những vật dụng kể cả võ khí, bom đạn hay tiền bạc cần thiết và cử Lê Thanh Nghị, chủ tịch ủy ban Kế hoạch Nhà nước sang Nga Xô, Trung Quốc hay các nước Đông Âu để xin.

Lê Thanh Nghị giữ chức vụ này nhiều năm, trở nên một chuyên viên xin viện trợ vì ông ta có thể nhẫn nhịn chịu đựng được khi bị các nước viện trợ bày tỏ những thái độ hay lời lẽ khinh thường, nhất là những nước Đông Âu. Những nước này dù nhiều năm gặp khó khăn cũng vẫn phải viện trợ cho Việt Nam do áp lực của Nga Xô. Còn Trung Quốc thì tệ hơn, Mao Trạch Đông từng có lúc gọi Lê Thanh Nghị là "tên ăn mày, lúc nào cũng ngửa bát đòi xin thêm". (27)

Từ 1954, việc xây dựng hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Bắc Việt bắt đầu bằng một kế hoạch ngũ niên từ 1960 đến 1965, gọi là kế hoạch ngũ niên lần thứ nhất để quốc hữu hóa tất cả các hãng, xưởng, công ty tư nhân và bắt tất cả nông dân vào hợp tác.

Trước đó, những tư nhân tương đối có ít nhiều của cải hay ruộng vườn đã bị đấu tố tàn nhẫn. Dù vào cuối năm 1956, đảng đã hạ tầng công tác của Trường Chinh và Lê Văn Lương, cho Võ Nguyên Giáp công khai xin lỗi về những lỗi lầm, nhưng nhiều người hoặc đã chết, hoặc bị tù đày oan uổng.

Sau kế hoạch ngũ niên lần thứ nhất này, tất cả các ngành kinh tế tại miền Bắc đều được tập trung, chỉ huy và qui hoạch bởi chính phủ. Dù hệ thống kinh tế đó chẳng sản xuất được bao nhiêu, luôn phải nhờ vào ngoại viện và nhân dân luôn luôn nghèo đói, họ đổ thừa thất bại đó là do chiến tranh và do đế quốc phá hoại.

Sau năm 1975, những biện pháp tập thể hóa các ngành kinh tế kể trên lại được áp dụng tại miền Nam(28) gọi là kế hoạch ngũ niên thứ hai (từ 1976 đến 1980), là một giai đoạn chuyển tiếp để "cải tạo" công nghiệp nông nghiệp miền Nam vào chiều hướng xã hội chủ nghĩa ngõ hầu kết hợp được với kinh tế miền Bắc.

Do chính sách "Người Cày Có Ruộng" của chính phủ Cộng Hòa trước 1975, lúc đó tại miền Nam hầu như không còn giai cấp địa chủ, những cảnh đấu tố hai mươi năm trước đã không xảy ra, nhưng những thương gia thì qua các đợt đánh "tư sản mại bản" nếu không khéo chạy chọt, đút lót đều bị trắng tay.

Kế hoạch ngũ niên lần thứ hai này được đề ra và chấp thuận trong đại hội đảng lần thứ tư.

Vì mục tiêu của kinh tế xã hội chủ nghĩa đặt ưu tiên vào kỹ nghệ nặng. Lý luận của các kinh tế gia CSVN là kỹ nghệ nặng sẽ hỗ trợ để nông nghiệp tăng gia sản xuất. Một khi mức sản xuất nông nghiệp gia tăng sẽ hỗ trợ ngược lại để phát triển kỹ nghệ. Tuy nghị quyết ghi như thế, nhưng thật ra những lãnh tụ CSVN đã chủ định rằng trong thời gian đầu sẽ chỉ nhờ vào sức sản xuất của vựa lúa đồng bằng Cửu Long để hỗ trợ cho kỹ nghệ. Họ nghĩ rằng sau khi tập thể hóa, biến miền đồng bằng Cửu Long thành những nông trường hay những tập thể hợp tác, mức sản xuất của nông nghiệp sẽ tăng gia gấp bội.

Trong tính toán chủ quan, họ đã đặt ra những chỉ tiêu rất cao, chẳng hạn kỹ nghệ sẽ phát triển 16 đến 18% mỗi năm, nông nghiệp phát triển từ 8 đến 10%, lợi tức bình quân người dân tăng lên từ 13 đến 14%.

Người đầu tiên được giao trọng trách cải tạo kinh tế miền Nam để theo kịp khuôn mẫu kinh tế xã hội chủ nghĩa giống như ở miền Bắc là Nguyễn Văn Linh, sau đó chuyển qua Đỗ Mười, cùng với sự trợ giúp của quân đội (do Trần Văn Danh, tư lệnh phó quân khu VII) và công an (do Cao Đăng Chiếm chỉ huy).

Hiển nhiên là tiến trình tập thể hóa đó đã đưa đến thất bại. Những chỉ tiêu phát triển kinh tế nêu trên đều không thực hiện được.

Về nông nghiệp, trong khi những tập thể và hợp tác nông nghiệp tại miền Bắc vẫn chỉ sản xuất tạm vừa đủ ăn thì tại miền Nam, nông dân, phần lớn đều đã có ruộng đất nên không ai muốn vào tập thể. Mới đầu, chính quyền còn khuyến dụ để nông dân tự ý xung phong vào hợp tác, nhưng vì không có kết quả nên đã dùng các biện pháp cưỡng bách. Cán bộ được quyền truất hữu ruộng đất, tịch thu máy cày, máy bơm nước, trâu bò... Kết quả là nông dân giết trâu bò gia súc trước khi bị tịch thu, và khi phải vào hợp tác đã không chịu làm tích cực việc cho nên lương thực vào những năm 1978 và 1979 bị thiếu hụt.

Theo thống kê chính thức của chính phủ, tổng sản lượng lúa gạo sản xuất năm 1976 là 11.83 triệu tấn, năm 1977 còn 10.60 triệu tấn, năm 1978 là 9.79 triệu tấn. Đại đa số nhân dân phải ăn độn cơm với khoai hay bo bo (được nhà nước gọi là cao lương). Nhiều nơi gần như bị nạn đói. Mức sản xuất giảm sút trầm trọng đến nỗi hội nghị trung ương đảng vào tháng 8-1979 đã phải tạm thời nới lỏng việc tập thể hóa, theo đó, miền Bắc sẽ cho phép ngoài hệ thống kinh tế nhà nước, còn có một phần nhỏ kinh tế cá thể. Riêng miền Nam, còn cho phép kinh tế tư doanh cỡ nhỏ, tạo điều kiện gia tăng sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp. Một số tỉnh miền Nam như An Giang, Long An đã làm lơ trong việc bắt nông dân vào hợp tác.( 29)

Về công nghiệp, những năm đầu sau chiến tranh, mức sản xuất có tăng đôi chút, vì các hãng xưởng ở miền Bắc không còn bị sơ tán và ở miền Nam, việc kiểm soát của chính quyền chưa chặt chẽ lắm. Tuy nhiên, sau 1977, khi chính quyền đẩy mạnh "cải tạo công thương nghiệp", mức sản xuất sa sút hẳn. Tổng sản lượng sản xuất công nghiệp năm 1980 so với 1976 thấp hơn 3%.

Nhằm tiêu diệt giai cấp tư sản, chính quyền mở hai đợt đánh tư sản mại bản được gọi theo ám số là X1 và X2. Ba mươi năm sau, trùm công an Mai Chí Thọ hồi đó đã thú nhận: "Đợt X1 còn tạm được, nhưng đến đợt X2, xét lại gần 2000 đối tượng thì chỉ đúng có 3 đối tượng, còn ngoài ra, tiêu diệt hết nhà giàu đồng thời xóa đi hết những ưu thế, cơ sở vật chất sẵn có của Hòn Ngọc Viễn Đông. Những tài sản của các đối tượng X1, X2 đem về đổ dồn chất đống đầy các kho... sau một thời gian ngắn, những tài sản này từ từ biến mất... Từ một thành phố hưởng thụ, một trung tâm công nghiệp lớn nhất, vậy mà chỉ mấy năm sau khi chiến dịch X1, X2 đi qua, tòan bộ nền sản xuất công nghiệp của thành phố bị tê liệt đến cạn cùng".( 30)

Không những công nghiệp miền Nam bị chính quyền tiêu diệt, kỹ nghệ nặng miền Bắc cũng bị tổn hại sau khi quân Trung Quốc tấn công và tàn phá những tỉnh biên giới phía Bắc. Vì nạn thất nghiệp gia tăng, Việt Nam phải gửi hàng trăm ngàn nhân công đi lao động tại Nga Xô và các nước Đông Âu.

Khi đặt chỉ tiêu phát triển kinh tế thật cao, CSVN cũng lạc quan trông đợi vào sự giúp đỡ của những cường quốc. Tuy nhiên, số tiền ngoại viện đã không được như ý muốn. Tiền bồi thường chiến tranh 3 tỷ mỹ kim của Mỹ không có, các nước Tây phương chỉ viện trợ nhỏ giọt, viện trợ của Trung Quốc nửa chừng bị cắt.

Sau khi Việt Nam ký hiệp ước hữu nghị với Nga Xô và gia nhập khối kinh tế COMECON của khối cộng sản do Nga Xô chủ xướng, Việt Nam chỉ nhận được viện trợ của Nga Xô và các nước Đông Âu, nhưng số viện trợ này không đủ bù đắp vào những khuyết điểm của một hệ thống kinh tế cứng nhắc, thiếu sáng kiến.

Ngoài ra, sự viện trợ của những nước cộng sản anh em (khoảng trên dưới ba tỷ mỹ kim mỗi năm) không phải không có điều kiện. Việt Nam phải đứng hẳn vào phe Nga Xô để chống lại Trung Quốc và phải để cho Nga Xô sử dụng hải cảng Cam Ranh và Đà Nẵng. Ngay sau trận chiến biên giới Việt-Hoa, những chiến hạm trang bị dụng cụ điện tử để thu thập tin tức tình báo của Nga Xô bắt đầu cập bến Đà Nẵng.

Sau đó, ngày 27-3-1979, một chiến hạm, một hộ tống hạm, một tàu vớt mìn Nga Xô tiến vào trú đóng tại cảng Cam Ranh. Số chiến hạm này tăng dần tới năm 1986 thì có tất cả 25 chiến hạm, kể cả tàu ngầm. Cùng với khoảng 16 oanh tạc cơ Badger, một phi đội Mig 23 và những phi cơ chuyên chở và quan sát tầm xa, Nga Xô đã có một đầu cầu quân sự quan trọng đe dọa Trung Quốc cũng như toàn vùng nam Thái Bình Dương. (31)

Cũng sau cuộc chiến trên vùng biên giới, để đối phó với sự đe dọa liên tục của Trung Quốc và để có đủ quân số bình định Campuchia, ngày 5-3-1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên, tăng quân số từ nửa triệu lên hơn 1 triệu, biên chế thành 51 sư đoàn, trong đó có 38 sư đoàn bộ binh (19 sư đoàn đóng ở Campuchia, 16 sư đoàn ở Việt Nam, 3 sư đoàn ở Lào). Số quân đoàn chính qui (mỗi quân đoàn có 3 hay 4 sư đoàn dùng như những lực lượng tổng trừ bị) cũng tăng từ 4 lên 6 rồi 8 (32). Sự bành trướng quân đội này được thực hiện nhờ sự trợ giúp lớn lao của Nga Xô.

Trước 1975, Nga Xô chỉ cung cấp khoảng 75% trang bị và tiếp liệu của quân đội CSVN, số còn lại là của Trung Quốc và những nước Đông Âu giúp đỡ. Sau 1975, tỷ số này tăng lên 97%. Mỗi năm, Nga Xô gửi khoảng 15 ngàn cố vấn quân sự sang Việt Nam. Trị giá viện trợ quân sự Nga Xô cho Việt Nam được ước khoảng 1 tỷ rưỡi mỹ kim mỗi năm. Đó là cái giá cần thiết trong mục tiêu chiến lược của Nga Xô để một mặt, dùng Việt Nam cầm chân và bao vây Trung Quốc và mặt khác, có được một đầu cầu chiến lược đối đầu với Hoa Kỳ tại vùng biển Thái Bình Dương, đe dọa Nam Dương và Úc Châu.

Dù được Nga Xô và các nước Đông Âu viện trợ dồi dào như thế, do gánh nặng của cuộc chiến Campuchia và vì phải đề phòng "bài học thứ hai" từ Trung Quốc, ngân sách của Việt Nam bị thiếu hụt trầm trọng. Riêng chiến phí quân sự tại Campuchia đã chiếm hơn 40% ngân sách. Ngoài ra, trong thời gian đó, Trung Quốc vẫn cố gắng phát động một cuộc "chiến tranh phá hoại đa diện" khiến cho nền kinh tế Việt Nam càng thêm cùng quẫn.

So với Việt Nam, Trung Quốc không thua về kiên nhẫn và thủ đoạn. Họ giúp đỡ Khmer Đỏ tiếp tục cuộc chiến tranh phá hoại, thường xuyên gây rối ở biên giới, đe dọa về "bài học thứ hai", ve vãn những chính khách thất sủng như Hoàng Văn Hoan, Trương Như Tảng của Việt Nam, Khong Le của Ai Lao...thành lập những "Mặt Trận Giải Phóng " chống lại Việt Nam. Họ áp lực và mua chuộc để những công ty ở Hồng Kông, Thái Lan, Mã Lai hay Tân Gia Ba không mua hàng hóa của Việt Nam...

Những điều này đã khiến kinh tế Việt Nam càng thêm sa sút. Dù căn bản đưa tới sự sa sút kinh tế này là do việc tập thể hóa nông nghiệp và "cải tạo công thương nghiệp" miền Nam, nhưng nhóm cầm quyền vẫn một lòng trung thành với chủ nghĩa Mác, vẫn cho chính sách kinh tế tập trung là siêu việt, và b ện giải về những thất bại là do các lý do khách quan như bị những thế lực thù địch phá hoại, do "tàn dư Mỹ Ngụy" hay do cán bộ quản lý yếu kém. Vì thế, năm 1980, đảng cộng sản cầm quyền cải tổ chính phủ để thay đổi nhân sự điều hành:

- Thủ tướng vẫn là Phạm Văn Đồng.(33)

- Tố Hữu được cử làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế. Tố Hữu tên thật Nguyễn Kim Thành, bí danh Lành, sinh tại Huế năm 1920, xuất thân là một nhà thơ, nổi tiếng với bài thơ ca tụng Stalin trong đó có những câu "Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một, thương ông (Staline) thương mười".

Tố Hữu suốt mấy chục năm trước thường công tác trong đảng với các nhiệm vụ văn hóa hay tuyên huấn, đã được chỉ định đặc trách kinh tế vì tỏ ra rất trung kiên về ý thức hệ, rất tôn phục Nga Xô, và trong giai đoạn này, bộ Chính Trị quyết tâm xã hội chủ nghĩa hóa kinh tế theo khuôn mẫu Nga Xô một cách cứng rắn. Tố Hữu còn được Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nâng đỡ, nên hai năm sau, được đưa vào bộ Chính Trị, dự trù để thay Phạm Văn Đồng làm thủ tướng khi ông này về hưu. Dù ở chức vụ cao, nhiều quyền hành, thơ được chính quyền bắt học sinh học nhiều nhất, nhưng Tố Hữu và đảng Cộng sản sau này cũng biết tự chế để không bao giờ in lại hay phổ biến bài thơ thương mến Staline gấp mười cha mẹ của ông.

- Phạm Hùng thay Trần Quốc Hoàn làm bộ trưởng Công An. Phạm Hùng, bí danh Bảy Cường, người Bến Tre. Sau hiệp định Genève, đóng vai đại tá phục vụ trong phái đoàn Bắc Việt tại Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến, sau đó trốn vào bưng làm chủ tịch Trung Ương Cục miền Nam, là ủy viên bộ Chính Trị duy nhất phục vụ tại miền Nam.

- Nguyễn Cơ Thạch thay Nguyễn Duy Trinh ở chức vụ bộ trưởng Ngoại Giao. Nguyễn Cơ Thạch là nhà ngoại giao giỏi tiếng Anh, tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài nên đầu óc tương đối cởi mở, được cử lên thay Nguyễn Duy Trinh trong thời gian Việt Nam bị cô lập sau khi đem quân chiếm đóng Campuchia

- Văn Tiến Dũng thay Võ Nguyên Giáp làm bộ trưởng Quốc Phòng. Võ Nguyên Giáp bị Lê Duẩn đố kỵ đã bị chèn ép và mất dần uy thế. Năm 1973, nhân thất bại của trận chiến 1972, Lê Duẩn gạt Võ Nguyên Giáp ra khỏi chức tổng tham mưu trưởng quân đội. Năm 1980, Võ Nguyên Giáp mất luôn chức ủy viên bộ Chính Trị và bộ trưởng bộ Quốc Phòng nên từ đó, chỉ còn được giao cho những chức vụ không quan trọng như chủ nhiệm ủy ban Khoa Học hay chủ nhiệm ủy ban Phòng Ngừa Sinh Sản.

- Nguyễn Lâm thay Lê Thanh Nghị làm chủ nhiệm ủy ban Kế Hoạch Nhà Nước. Khả năng chính của Lê Thanh Nghị là trong thời gian chiến tranh, mỗi năm cầm danh sách những vật dụng hay quân dụng cần thiết sang Trung Quốc xin viện trợ. Sau 1975, Trung Quốc đã trở nên thù nghịch nên Lê Thanh Nghị không còn cần thiết

- Đinh Đức Thiện (em trai Lê Đức Thọ) (34) thay Phan Trọng Tuệ làm bộ trưởng bộ Giao Thông Vận Tải. Phan Trọng Tuệ từng là chính ủy quân khu IX ở miền Nam trước 1954. Con rể Phan Trọng Tuệ là Nguyễn Khánh Toàn, sau này là thứ trưởng công an. Vào những năm cuối thập niên 1940, phòng chính trị của quân khu IX dưới quyền Phan Trọng Tuệ đã ký thông tư đặc biệt cho phép các cán bộ xa nhà trên 300 km được lấy thêm vợ, hợp thức hóa tình trạng đa thê của Phan Trọng Tuệ, Lê Đức Thọ và Lê Duẩn.

- Trần Hữu Dực thay Vũ Tuân giữ chức bộ trưởng bộ Công Nghiệp Nhẹ.

Ngoài ra, các bộ khác cũng có thay đổi như:

- Xây Dựng: Đồng Sĩ Nguyên thay Đỗ Mười từ 1977 để Đỗ Mười vào Nam, chỉ đạo phụ trách việc cải tạo công thương nghiệp.

- Lương Thực: Hồ Viết Thắng (35) thay Ngô Minh Loan từ 1979.

- Nội Thương: Trần Phương (từng là trợ lý của Lê Duẩn) thay Hoàng Quốc Việt từ 1981.

- Thông Tin Văn Hóa: Nguyễn Văn Hiếu (Trần Độ là thứ trưởng (36) kiêm nhiệm bí thư đảng ủy)

- Thương Binh Xã Hội: Dương Quốc Chính, từng là bộ trưởng nông nghiệp trước 1965 và là 1 trong 11 người được phong tướng đầu tiên, dưới tên Lê Hiến Mai.(37)

- Huỳnh Tấn Phát của MTGPMN cũ được làm chủ nhiệm ủy ban Xây Dựng Cơ Bản Nhà Nước.

Nội các này gần như không thay đổi cho đến đại hội đảng lần thứ V.

Đại hội IV được cử hành trong khí thế đang lên sau chiến thắng 1975, cùng một lúc với sự bành trướng thế lực của Nga Xô trên toàn thế giới. Vì thế, những nhà lãnh đạo CSVN lúc đó hoàn toàn tin tưởng rằng chủ nghĩa Mác-xít - Lê-nin-nít bách chiến bách thắng, sức mạnh của "ba dòng thác cách mạng" dưới sự lãnh đạo của Nga Xô là một "sức mạnh long trời lở đất" đang trên đường nhuộm đỏ toàn cầu. Tin tưởng vào hậu thuẫn Nga Xô, họ đe dọa các nước lân bang, đặt điều kiện khi Hoa Kỳ ngỏ ý muốn bang giao, coi thường dư luận thế giới để chiếm đóng Campuchia và ngang nhiên thách đố, đương đầu với Trung Quốc.

Tất cả những chính sách đó đã đưa kinh tế Việt Nam vào một tình trạng thảm hại, đời sống nhân dân khốn khó, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn cuồng tín tin rằng khó khăn chỉ là tạm thời, thuận lợi là chủ yếu và với tinh thần cương quyết xây dựng xã hội chủ nghĩa, đảng CSVN chuẩn bị họp đại hội đảng lần thứ V.

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG I

________________________

(1)- Thái độ tự cao của Phạm Văn Đồng khi dự hội nghị Tích Lan: trích trong bài Passing Of An Area của Seah Chiang Nee từ www.littlespeck.com/The Past/Cpast-Viet-870102.htm

(2)- Bộ máy cai trị của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ: tài liệu của Trần Nhu, một nhà sử học ở Hà Nội hiện định cư tại Hoa Kỳ (trích website Vietnamexodus). Trưởng ban trong trung ương đảng ăn lương bậc 9, cấp bậc ngang bộ trưởng nhưng quyền thế nhiều khi lớn hơn bộ trưởng, chẳng hạn trưởng ban thông tin văn hóa đảng quyền thế hơn bộ trưởng thông tin văn hóa. Trong số những người phụ tá cho Lê Đức Thọ lúc đó, ông Nguyễn Trung Thành trong những năm 1960 đã cùng đại tá Kinh Chi thuộc cục bảo vệ quân đội, đại tá Dương Thông (sau là trung tướng) thuộc bộ công an theo lệnh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ bắt bớ, giam hãm nhiều người trong vụ án xét lại. Dương Thông là em vợ của Lê Duẩn. Về chi tiết vụ án xét lại, xin đọc Mặt Thật (Thành Tín), Đêm Giữa Ban Ngày (Vũ Thư Hiên), Tử Tù Tự Xử Lý (Trần Thư) .

(3)- Nguyễn Chí Thanh từng là xứ ủy Trung kỳ. Tới 1948 được cử làm chủ nhiệm tổng cục Chính trị quân đội, rất thân cận với Lê Duẩn và Tố Hữu. Vào Nam chỉ đạo chiến tranh từ 1964 đến 1967 thì chết sau khi về Bắc. Có lẽ trong hồ sơ lý lịch xét sau năm 1975, cho thấy Nguyễn Chí Thanh khi bị Pháp bắt thời trước 1945 đã cung khai ra đồng bọn nên sau này Nguyễn Chí Thanh không được vinh danh rầm rộ như những người khác. (Chỉ có 1 con đường ở Sài Gòn ngay sau 1975 lỡ đặt tên Nguyễn Chí Thanh được giữ lại).

(4)- Sự ganh ghét giữa Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp, theo tác phẩm Mặt Thật của Bùi Tín thì Lê Duẩn có lần chê Võ Nguyên Giáp "nhát như thỏ đế". Không những đè đầu và hạ nhục Võ Nguyên Giáp, Duẩn và Thọ còn coi thường cả Hồ Chí Minh. Nhật ký của Nguyễn Văn Trấn, ủy viên trung ương đảng, kể lại lời Bùi Công Trừng nói là trong một hội nghị, Hồ Chí Minh muốn có ý kiến đều bị Lê Đức Thọ gạt đi "bác hãy để cho anh em người ta nói đã mà". Ung Văn Khiêm, cựu bộ trưởng ngoại giao, vì ký thông cáo chung với Novotny của Tiệp Khắc thiên về lập trường Nga Xô nên bị phê bình đã phân trần là trước đó Hồ Chí Minh chẳng những đồng ý với ông ta mà còn viết thêm lời bàn trên bản thảo. Ung Văn Khiêm nói với Bùi Công Trừng "tao nghĩ bản thảo ấy đưa ra không phân bua được gì cho tao, mà chỉ làm thớt cho Sáu Thọ băm ông cụ".

Nhà văn Vũ Thư Hiên cũng kể lại là Lê Liêm, cựu chủ nhiệm tổng cục chính trị, có lần dự định đề ra một kế hoạch, hỏi ý Hồ Chí Minh và được đồng ý. Hồ Chí Minh còn nhắc cứ đưa ra hội nghị, ông ta sẽ hỗ trợ, nhưng khi Lê Liêm đưa ra, bị nhóm Duẩn-Thọ chỉ trích thì Hồ Chí Minh làm lơ, ngó qua chỗ khác. Với danh vị của Hồ Chí Minh, chắc ban tổ chức của Lê Đức Thọ đã nắm được điều gì trong lý lịch (có thể là vụ cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt, những lăng nhăng tình ái...) khiến Hồ Chí Minh phải ngồi yên để nhóm Duẩn, Thọ thao túng.

(5)- Tôn Đức Thắng nhờ tuổi tác và không tham vọng nên được làm chủ tịch Nhà Nước sau khi Hồ Chí Minh chết. Xuất thân công nhân, trong thế chiến I làm thủy thủ trên một tảu chiến Pháp, được đảng CSVN mô tả là người "giản dị, vĩ đại".

Sử gia Christoph Giebal khi viết về Tôn Đức Thắng công nhận ông là một người giản dị, không tham vọng, nhưng chưa chắc vĩ đại, vì mỗi ngày bộ máy tuyên truyền càng tạo thêm chi tiết về tiểu sử của ông. Mới đầu, đảng CSVN nói ông tham dự cuộc nổi loạn ở Hắc Hải (năm 1907, Tôn Đức Thắng ở trên một tàu chiến Pháp, tàu này đã từ chối không chịu nghe lệnh cấp trên để trợ giúp đàn áp phong trào công nhân nổi loạn ở Nga Xô). Những năm 1950, thì đảng nói thêm rằng ông là người đã cắm cờ cộng sản trên con tàu đó, bây giờ đảng lại đôn ông lên làm một người lãnh đạo nổi loạn trên tàu.

Suốt mấy chục năm, nhiều phóng viên Nga Xô đã nhiều lần hỏi ông về các chi tiết trong vụ này nhưng ông đều trả lời là ông không nhớ.

(6)- Mai Chí Thọ, sau 1975 là trùm công an ở miền Nam, chiếm hữu một biệt thự lớn ở Sài Gòn (tòa đại sứ Thụy Sĩ trước kia). Đến 2006, khi không còn quyền hành, mới viết thư góp ý trong dịp chuẩn bị đại hội đảng lần thứ X là những người trong Liên Minh Dân Chủ "khi cần chúng ta lấy ra dùng, khi không cần, chúng ta gạt ra". Thật ra những người này, khi chính quyền tịch thu nhà của những người di tản hay bị đuổi đi kinh tế mới đều được cấp cho mỗi người một căn nhà khang trang hơn, kể cả đám Vũ Hạnh, Lữ Phương, Thái Bạch....

(7)- Hơn 10 năm sau, Lý Qúi Chung có viết một bài báo, kể lại chuyện học tập chính trị. Khi làm bài, Lý Qúi Chung gò lưng so sánh Mác với người này người kia để cuối cùng kết luận Mác là số 1, nhưng kết quả điểm lúc nào cũng hạng chót. Lý Qúi Chung hỏi mấy cô sinh viên làm bài ra sao, mấy cô cười phá lên và nói là tài liệu đưa ra sao, mấy cô chép y trang lại là được điểm hoàn toàn. Giọng văn của Lý Qúi Chung trong bài này là để phân trần thiện chí học tập của mình chứ không phải chê trách lối giảng dạy. Cựu đại tá Dương Hiếu Nghĩa kể lại là mấy ngày sau 30-4-1975, ông đến nhà Ngô Công Đức, đúng lúc công an đến bắt Ngô Công Đức vì tội "phải làm lớn với Mỹ Ngụy nên trong nhà mới có đài (điện thoại)". Nhờ người nhà chạy chọt nên Đức được thả ra.

(8)- Thích Huyền Quang, tên thật Lê Đình Nhân sinh năm 1919. Bị bắt năm 1977 vì phản đối chính sách đàn áp tôn giáo và chống việc sát nhập Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất vào giáo hội nhà nước. Năm 1982 bị đày ra chùa Hội Phước, Quảng Ngãi. Năm 1992, được hòa thượng Thích Đôn Hậu viết chúc thư công nhận là Tăng Thống Viện Hóa Đạo nhưng công an vào chùa tịch thu và giấu chúc thư. Mấy năm trước, Phan Văn Khải, và mới đây, Lê Hồng Anh có ghé thăm hòa thượng Huyền Quang mà theo nhận định chung là nhằm mục đích tuyên truyền và tìm cách ly gián với hòa thượng Quảng Độ.

(9)- Thích Quảng Độ, tên thật Đặng Phúc Tuệ, sinh năm 1928 là tổng thư ký Viện Hóa Đạo, bị bắt lần đầu ngày 6-7-1977, Lúc đó, Mặt Trận Tổ Quốc Bình Trị Thiên họp và tổng giám mục Nguyễn Kim Điền lên tiếng than phiền về chính sách đàn áp tôn giáo, linh mục Nguyễn Văn Lý phổ biến lời chỉ trích đó đã bị bắt tù 1 năm. Năm 1982, hòa thượng bị đày ra Thái Bình, quản chế tại ngôi chùa Long Khánh. Ông tự ý trở lại Sài Gòn năm 1992, tiếp tục đòi tự do tôn giáo và lại bị kết án tù 5 năm. Trong đêm đầu tiên ở chùa Long Khánh, hòa thượng đã làm mấy câu thơ:

Dưới án quyển kinh sâu cuốn tổ

Trên tòa tượng Phật nhện giăng tơ

Câu đối mối xông mùn đắp kín

Hoành phi mọt đục bụi che mờ

Thày của ông là thượng tọa Thích Đức Hải bị cộng sản bắt và xử tử năm 1946 vì bị nghi là Quốc Dân Đảng.

(10)- Nguyễn Văn Thuận là cháu của tổng thống Ngô Đình Diệm, trước 1975 phụ tá tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, sau đó bị đưa ra Bắc và ở tù 12 năm. Khi giám mục qua La Mã công tác, chính quyền không cho ông trở về. Tòa thánh giữ ông lại, sau đó được thăng Hồng Y trước khi ông mất.

(11)- Vụ David Trương làm gián điệp chỉ ăn cắp được những tài liệu không quan trọng và vì không quan trọng nên có thể công khai đưa ra tòa làm bằng chứng. Sau khi bị kết tội, David Trương sang định cư ở Hòa Lan. Một người giúp vào việc phá vỡ ổ gián điệp này là bà Yung Krall (Đặng Mỹ Dung), tác giả tập hồi ký A Thousand tears falling. Đại sứ Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc là Đinh Bá Thi bị triệu hồi và sau đó chết một cách ám muội ở VN.

(12)- Thích Trí Siêu, tên thật Lê Mạnh Thát, đi tu năm 15 tuổi. Đỗ tiến sĩ triết học tại đại học Wisconsin, trở về dạy đại học Vạn Hạnh, cùng Thích Tuệ Sĩ soạn cuốn Tự Điển Phật Giáo Việt Nam. Bị bắt giam ở Chí Hòa từ 1984 đến 1988 mới ra tòa và bị lên án tử hình. Nhờ quốc tế can thiệp, án giảm còn 20 năm tù, bị giam ở Z30A, mấy năm sau được thả ra nhưng bị quản thúc, theo dõi. Thích Tuệ Sĩ, tên thật Phạm Văn Thương, đi tu từ nhỏ, tốt nghiệp đại học Vạn Hạnh năm 1965. Rất giỏi tiếng Pháp, Anh, Hán, Đức, Phạn. Tác giả những cuốn: Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng, Đại Cương Về Thiền Quán... Cùng với Trí Siêu, Tuệ Sĩ bị bắt năm 1984 và bị kết án tử hình năm 1988 với tội danh mưu toan lật đổ chính phủ. Do áp lực quốc tế, án được giảm xuống 20 năm tù và bị giam tại trại A, Phú Yên. Tuệ Sĩ là một tấm gương kiên cường. Tháng 8-1998, chính quyền bảo ông xin ân xá. Ông trả lời "Không ai có quyền xét xử tôi. Không ai có quyền ân xá tôi". Hãy đọc những lời thơ xanh mướt của ông:

Tang thương một giải tóc huyền

Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu

Gửi thân gió cuốn sa mủ

Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng

Đến khi ở trong tù thì thơ của ông đầy cảm khái:

Phụng thử ngục tù phạn

Cúng dường Tối Thắng Tôn

Thế gian trường huyết hận

Bình bát lệ vô ngôn

(13)- Theo báo Công An, nhóm của ông Trần văn Bá bị nội tuyến nên sự di chuyển của nhóm đều bị công an biết rõ và chận bắt hết. Người duy nhất được tha trở về Pháp là ông Mai Văn Hạnh, nhờ là bạn học của thủ tướng Pháp lúc đó.

(14)- Võ Đại Tôn, cựu đại tá VNCH, sau năm 1975 định cư bên Úc, khoảng 1980 cùng một số đồng chí vượt biên trở về Việt Nam và bị bắt. Ông giả bộ hợp tác và được chính quyền cộng sản đem ra trình diện báo chí. Nhưng trong cuộc họp báo, ông lớn tiếng tố cáo chế độ độc tài và đàn áp nhân dân. Thứ trưởng nội vụ Lê Thanh Công và trung tướng công an Dương Thông phải vội vàng kết thúc ngay cuộc họp báo.

(15)- Hoàng Cơ Minh, cựu phó đề đốc, trước 1975 là tư lệnh vùng II duyên hải. Sau khi di tản, năm 1981 thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, đặt mật khu ở biên giới Thái Lan. Tháng 7 năm 1987, khi cùng chiến hữu trên đường xâm nhập vào Việt Nam thì bị chận đánh ở biên giới Việt Lào. Trong trận đánh, bộ đội CSVN huy động cả pháo binh và phi cơ. Ông Hoàng Cơ Minh bị tử trận cùng một số chiến hữu.

(16)- Hiện tại, ở VN có khoảng 600 tờ báo, đều do chính quyền kiểm soát. Tổng biên tập phải là đảng viên. Hai tờ báo chính của chính quyền là Nhân Dân, chỉ đăng các nghị quyết, thông cáo hay tuyên bố của các lãnh tụ, và tờ Quân Đội Nhân Dân, đăng tin quốc tế quốc nội nhưng chỉ nhấn mạnh về quân sự. Tờ Học Tập, sau 1976 đổi tên là Tạp Chí Cộng Sản ra hàng tháng là tiếng nói của đảng. Một số báo ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa...như Vietnam Courrier về chính trị, văn hóa, Vietnam Foreign Trade về thương mại. Ngoài ra là báo của đoàn thể (Phụ Nữ, Công Đoàn), địa phương hoặc ngành nghề. Tờ báo tương đối mạnh dạn là tờ Tuổi Trẻ. Tờ báo có nhiều độc giả là tờ Công An nhờ khai thác và ly kỳ hóa những vụ án tống tiền, lường gạt, hiếp dâm... Tờ báo bán ế nhất là Nhân Dân dù các cơ quan đoàn thể đều bị buộc phải mua và trong thời kỳ khan hiếm giấy, người dân mua chỉ để gói hàng hay vệ sinh cá nhân (theo cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan trong Shadows and Wind của Robert Templer).

(17)- Khi tác giả còn ở VN thì tờ Tin Sáng ca tụng mọi việc chính quyền làm, từ cải tạo công thương nghiệp đến xây nhà vệ sinh. Cả đến đề tài khoa học về khoai lang, khoai mì, rau muống... cũng được giáo sư Phạm Hoàng Hộ ca tụng là bổ dưỡng vô song. Các tác giả thi nhau bợ đỡ chính quyền, chẳng hạn ông Trần Kim Thạch, trước 1975, khi các hãng dầu bắt đầu tìm kiếm dầu ở ngoài khơi biển Đông, có viết một bài nói là về phương diện địa chất không thể có dầu ở biển Đông. Dĩ nhiên các hãng dầu không biết về bài "khảo cứu" này và đã tìm ra 2 giếng dầu Thanh Long và Bạch Hổ. Sau này, trên báo Tin Sáng, ông phân trần là ông biết rõ ngoài biển Đông có dầu nhưng phải viết vậy để "đế quốc Mỹ không khai thác".

(18)- Hoàng Văn Hoan vào tháng 7 năm 1979, đã mất chức ủy viên bộ Chính Trị nhưng còn chức phó chủ tịch quốc hội, viện cớ sang Đông Đức chữa bệnh, khi máy bay tạm ngừng ở Karachi, Hồi Quốc, bỏ trốn sang Trung Quốc, được Trung Quốc giúp thành lập một "Mặt Trận Giải Phóng" chống lại Lê Duẩn. Viết cuốn hồi ký Giọt Nước Trong Biển Cả. Sau đó chết vì ung thư phổi.

(19) - Chu Văn Tấn, gốc Tầy, bộ trưởng quốc phòng một thời gian trước Võ Nguyên Giáp. Sau bị bắt và tự tử chết trong tù.

(20) - Thái độ khúm núm của Lê Duẩn (nhận làm em nhỏ đối với Trung Quốc, khom lưng cúi đầu chào Brezhnev hai lần): Brother Enemy, Nayan Chanda.

(21) - Chính sách trục xuất người Hoa và tổ chức vượt biên lấy vàng được gọi là "phương án 2". Trong số thuyền nhân có Trương Như Tảng, cựu bộ trưởng tư pháp của MTGPMN và Nguyễn Công Hoan, một dân biểu nằm vùng trước 1975, sau 1975 cũng được chính quyền cộng sản cho ra làm đại biểu quốc hội một nhiệm kỳ.

(22) - Tài liệu về hội nghị đảng CSVN năm 1951 được ghi nhận trong cuốn Việt Nam Máu Lửa của Nghiêm Kế Tổ in trong thập niên 1950. Nghiêm Kế Tổ là một đảng viên Quốc Dân Đảng rất có uy tín với Quốc Dân Đảng Trung Quốc. Tuy ông đã giúp đỡ nhiều cán bộ cộng sản (kể cả Hồ Chí Minh) để được tha khỏi tù, nhưng vẫn bị gán tội "phản động" và bị Hoàng Văn Hoan gọi là "đặc vụ của Tưởng Giới Thạch". Khác hẳn với người Cộng Sản, khi viết về các nhân vật đối nghịch, ông vẫn có một thái độ khách quan và vô tư.

(23) - Về chi tiết trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (Hoa Việt) và Tây Nam (với Cămpuchia), xin đọc Chiến Tranh Đông Dương III của cùng tác giả, nhà xuất bản Văn Nghệ, California.

(24) - Về phương diện quân sự, Việt Nam được chia làm tám quân khu: quân khu I vùng Cao Bằng, Thái Nguyên, quân khu II vùng Lai Châu, Lào Kay, quân khu III vùng châu thổ sông Hồng, quân khu IV vùng Nghệ Tĩnh, Huế, Quân khu V vùng cao nguyên và duyên hải Nha Trang, quân khu VII vùng Sài Gòn, quân khu IX vùng châu thổ Cửu Long. Ngoài ra còn có những đặc khu thủ đô, đặc khu thành phố HCM, đặc khu Quảng Ninh

(25)- Việc Việt Nam để Nga Xô sử dụng căn cứ Cam Ranh đã gián tiếp giúp Trung Quốc kỹ thuật để canh tân hải quân. Do cảm thấy bị đe dọa vì sự hiện diện của Nga Xô ở Cam Ranh, Úc đã bằng lòng bán cho Trung Quốc hàng không mẫu hạm HMAS Melbourne đã phế thải. Trung Quốc, vì không có đủ kỹ thuật chế tạo hàng không mẫu hạm, hiện nay đang tháo rời các cơ phận của mẫu hạm này để nghiên cứu và bắt chước, trong khi sàn mẫu hạm thì được dùng để huấn luyện sẵn phi công cho hải quân.

(26)- Theo Nayan Chanda, trong chiến tranh với Căm Pu Chia, Lê Trọng Tấn là tổng tham mưu phó quân đội, đóng bộ tư lệnh ở MACV cũ trong Tân Sơn Nhất, giám sát cuộc hành quân, nhưng theo ông Lê Tùng Minh (website Hưng Việt), tư lệnh là Lê Đức Thọ, Phạm Hùng chính ủy, Trần Xuân Bách phó chính ủy, Lê Đức Anh là tham mưu trưởng, Chu Huy Mân tư lệnh phó. Có lẽ Lê Đức Thọ giám sát cả về chính trị lẫn quân sự, còn Lê Trọng Tấn là tư lệnh về quân sự một thời gian ngắn. Khi Trung Quốc tấn công VN, cả Tấn lẫn Mân đều trở về Bắc, giao trách nhiệm cho Lê Đức Anh. Thời gian này, Đỗ Mười cũng phụ tá cho Lê Đức Thọ.

(27)- Việc Cộng Sản Bắc Việt cho Lê Thanh Nghị mỗi năm muối mặt đi xin viện trợ và bị coi thường: Nayan Chanda trong Brother Enemy.

(28)- Tuy Nguyễn Văn Linh được giao trách nhiệm cải tạo kinh tế miền Nam, nhưng Lê Đức Thọ còn gửi thêm em ruột là Đinh Đức Thiện vào giám sát. Theo giáo sư Nguyễn Như Cương, Đinh Đức Thiện đã lập một ban tư vấn kinh tế gồm những giáo sư đại học miền Nam như Vũ Quốc Thúc, Lê Văn Sĩ, Châu Tiến Khương, Dương Kích Nhưỡng... Nhưng cũng như hội Trí Thức Yêu Nước, ban này chỉ để tỏ ra nhà nước coi trọng trí thức, và những người tham dự, thật ra cũng chỉ để kiếm "ô dù" che thân. Nguyễn Văn Hảo không tham dự những nhóm này, vì kiếm được một ô dù khác. Sau đó vài tháng, Thiện được triệu hồi về Hà Nội làm bộ trưởng Giao Thông

.

(29)-Hơn hai chục năm sau, chính cựu chủ tịch tỉnh An Giang là Nguyễn Minh Nhị mới thú nhận là dù biết nhiều huyện, xã báo cáo láo trong việc hợp tác hóa nhưng vẫn nhắm mắt làm như không biết mà còn gửi giấy khen là đã đạt được chỉ tiêu (trong lọat bài Đêm Trước Đổi Mới của báo Tiền Phong.

(30)- Trích trong loạt bài Những Nhân Chứng Của Cuộc Xé Rào Lịch Sử, báo Tiền Phong từ 19-6-2006 đến 25-6-2006.

(31)- Căn cứ Nga Xô ở Cam Ranh, theo Nayan Chanda.

(32)- Vietnam People Army của Douglas Pike.

(33)- Phạm Văn Đồng là thủ tướng lâu nhất thế giới tuy tự biết không làm được việc gì và nhiều lúc đã nói là thấy "xấu hổ", nhưng vẫn ngồi lỳ ở chức vụ đến nỗi một cán bộ cộng sản lâu năm là Trần Văn Giàu đã mai mỉa "cái đít nó biết nhớ cái ghế".

(34)- Đinh Đức Thiện (tên thật Phan Đình Dinh) là em ruột Lê Đức Thọ, sau chết vì súng bị cướp cò khi đang đi săn nhưng cũng có tin là bị con trai bắn chết (người con trai này hồi nhỏ bị ông ta đánh đập tàn nhẫn nên bị hư mắt và tâm thần). Tin chính thức thì nói bộ trưởng giao thông này chết vì tai nạn "giao thông".

(35)- Hồ Viết Thắng là đại diện Tổng Bộ Việt Minh trong Nam trước 1954, bị hạ tầng công tác cùng với Trường Chinh trong Cải Cách Ruộng Đất. Dù thuộc phe Trường Chinh, sau này được phục hồi làm bộ trưởng lương thực vì có con gái là Hồ Thị Nghĩa, một bác sĩ, đã tằng tịu và có con với Lê Duẩn.

(36)- Trần Độ, tên thật Tạ Ngọc Phách, trước 1954 làm chính ủy trung đoàn Sông Lô, rồi sư đoàn 312, sau 1954 là chính ủy quân khu hữu ngạn sông Hồng trước khi vào Nam.

(37)- Bí danh Lê Hiến Mai của Dương Quốc Chính rất lý thú. Tác giả Vy Thanh, cựu đảng viên CS, trong cuốn Lớn Lên Với Đất Nước, kể là tại một buổi họp ở quân khu IX miền Nam, dưới sự chủ tọa của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, Dương Quốc Chính muốn có một bí danh họ Lê cho giống hai người nên đã nhờ một người ngồi bên cạnh đặt dùm. Người này nhìn thấy bộ răng của Dương Quốc Chính mới đặt cho cái bí danh Lê Hiến Mai. Nhiều năm sau, Dương Quốc Chính mới biết thâm ý của người kia nên đã từ bỏ bí danh này. Lê Hiến Mai là một trong 11 cán bộ quân sự được phong tướng đầu tiên.

CHƯƠNG II

Chính quyền Cộng Sản Việt Nam sau đại hội Đảng lần thứ V

(1982-1986)

Đại hội đảng lần thứ V của đảng CSVN được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 31-3-1982 để đưa ra những biện pháp đối phó với tình trạng khó khăn đang gặp phải trên tất cả mọi phương diện: chính trị, ngoại giao, kinh tế... Thật ra đại hội này được triệu tập chỉ nhằm củng cố thêm quyền hành của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.

Lúc đó là những năm cuối của chiến tranh lạnh. Cục diện thế giới trên thực tế chỉ có hai phe, Cộng Sản và Tư Bản. Trung Quốc lúc đó vẫn mò mẫm trong chính sách mở cửa. Các lãnh tụ CSVN lúc đó còn chói ngợp với thành tựu bề ngoài của Nga Xô nên vẫn kiên định đứng hẳn về phía Nga Xô và nhất tâm học tập theo mô thức Nga Xô để tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Về nhân sự lãnh đạo, đại hội đảng CSVN lần thứ V năm 1982 bầu ra một Bộ Chính Trị mới gồm 13 ủy viên, chính thức xếp theo thứ tự:

1. Lê Duẩn, tổng bí thư.

2. Trường Chinh, kiêm chủ tịch quốc hội.

3. Phạm Văn Đồng, thủ tướng.

4. Phạm Hùng, phó thủ tướng.

5. Lê Đức Thọ, ban tổ chức đảng.

6. Văn Tiến Dũng, bộ trưởng quốc phòng.

7. Võ Chí Công, phó thủ tướng đặc trách nông nghiệp

8. Chu Huy Mân, chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội.

9. Tố Hữu, phó thủ tướng đặc trách kinh tế (1)

10. Võ Văn Kiệt, chủ nhiệm Uỷ Ban KHNN.

11. Đỗ Mười, phó thủ tướng.

12. Lê Đức Anh, tư lệnh "quân tình nguyện" ở Campuchia.

13. Nguyễn Đức Tâm, phó ban tổ chức đảng.

Hai ủy viên dự khuyết là Nguyễn Cơ Thạch và Đồng Sĩ Nguyên.

Trong số 13 người của bộ Chính Trị, có 5 người mới, nhưng ba người là Tố Hữu, Lê Đức Anh và Nguyễn Đức Tâm từng là thân cận của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Ở kỳ đại hội này, có một nhân vật đặc biệt là Trần Xuân Bách, tuy không được vào bộ Chính Trị nhưng được cử vào ban bí thư, có lẽ nhờ Lê Đức Thọ biết khả năng khi cùng làm việc ở Campuchia. Võ Nguyên Giáp đã bị loại khỏi bộ máy chính quyền sau khi mất chức ủy viên bộ Chính Trị và phải nhường chức bộ trưởng Quốc Phòng cho Văn Tiến Dũng.

Trong những ủy viên mới, chỉ có Võ Văn Kiệt tương đối có đầu óc cấp tiến, còn tất cả đều rập khuôn theo quan niệm giáo điều của Lê Duẩn và xa xôi hơn là của Brezhnev bên Nga Xô. Năm ủy viên bộ Chính Trị bị loại gồm Võ Nguyên Giáp (2), Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương và Nguyễn Văn Linh.

Trong số năm người không còn ở trong bộ Chính Trị, chỉ có Nguyễn Văn Linh là tự ý xin ra. Vì đã họat động nhiều năm trong Nam cho nên khi được đề cử vào bộ Chính Trị năm 1976, Nguyễn Văn Linh được giao trách nhiệm cải tạo kinh tế miền Nam. Vì không thi hành những biện pháp cải tạo khắt khe như những ủy viên bảo thủ thuộc phe cánh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ mong muốn nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, Nguyễn Văn Linh bị Đỗ Mười thay thế, và bị chuyển qua làm những công tác không quan trọng như ban dân vận rồi công đoàn, sau cùng là ban kiểm tra trung ương. Đến cuối năm 1982, gần đến ngày đại hội đảng lần thứ V, chịu đựng không nổi sự chèn ép, Nguyễn Văn Linh xin được rút ra khỏi bộ Chính Trị, trở về thành phố HCM làm bí thư thành ủy, thay thế cho Võ Văn Kiệt về trung ương. Ba mươi năm sau, Võ Trần Chí, bí thư thành ủy năm 1986, có hỏi Nguyễn Văn Linh về việc này thì Nguyễn Văn Linh trả lời là " Mấy anh ấy không muốn thấy mình ở đó".

Khác với Nguyễn Văn Linh, một ủy viên khác là Võ Nguyên Giáp, dù không muốn từ chức nhưng lại bị ép phải rút lui. Trong một bài phát biểu tại hội nghị trung ương đảng gần mười năm sau (ngày 27-5-1991), ông ta đã tiết lộ là dù trong năm 1982, ông được đa số đại biểu đề cử để ở lại bộ Chính Trị, nhưng bị Lê Đức Thọ ép phải rút lui cùng bốn ủy viên già nua khác, lấy cớ là phải nhường chỗ cho lớp người trẻ. Võ Nguyên Giáp đã phải chờ đến khi Lê Đức Thọ chết mới dám công khai bày tỏ những oan ức nhục nhằn phải gánh chịu trong nhiều năm là vì Lê Đức Thọ, với cương vị trưởng ban tổ chức đảng nắm giữ hồ sơ của tất cả đảng viên, đã biết được nhiều yếu điểm trong lý lịch Võ Nguyên Giáp, chẳng hạn như hồi nhỏ, Võ Nguyên Giáp từng được Marty, chánh mật thám Pháp ở Hà Nội coi như con nuôi, việc Võ Nguyên Giáp viết một lá đơn xin Pháp cho đi du học với lời lẽ thành khẩn qụi lụy...

Ngoài việc quyết định thành phần nhân sự, đại hội đảng lần thứ V năm 1982 cũng thông qua một bản hiến pháp, được soạn thảo từ năm 1980, gần giống hệt như hiến pháp của Nga Xô.

Quyết tâm theo khuôn mẫu Nga Xô, năm 1985, cộng sản Việt Nam dựng tượng Lê Nin cao khoảng 5 thước tại Hà Nội, không biết rằng những tượng như vậy chỉ mấy năm sau đã bị lật đổ ở khắp nơi kể cả Đông Âu lẫn Nga Xô (3). Cách tổ chức chính quyền cũng theo Nga Xô lập ra Hội Đồng Nhà Nước, giống như Chủ Tịch Đoàn Tối Cao Xô Viết và chức Thủ Tướng được thay bằng chức Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng. Câu "học tập tư tưởng Mao Trạch Đông..." trong lời mở đầu của Hiến Pháp trước bị loại bỏ. Thay vào đó, lời mở đầu của Hiến Pháp và cuốn Điều Lệ Đảng được thêm vào câu "Trung Quốc là kẻ thù lâu đời và nguy hiểm nhất". Bản tu chính Hiến Pháp còn ghi rõ "Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hòa bình để xây dựng tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Campuchia".

Điều 67 của Hiến Pháp ghi là bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp...nhưng, những quyền này hoàn toàn bị chi phối bởi câu "không ai có thể lạm dụng những quyền này để vi phạm quyền lợi của nhân dân và nhà nước". Suy diễn về "vi phạm quyền lợi của nhân dân và nhà nước" rất tùy nghi và độc đoán nên một cá nhân bị một tội rất nhẹ cũng có thể bị qui thành những tội chính trị và ở tù rất lâu. Ngoài ra, về đối ngoại, CSVN gọi quan hệ với Nga Xô là "hòn đá tảng" và việc chiếm đóng Campuchia là một điều "không thể đảo ngược".

Vì tàn binh của Khmer Đỏ được Trung Quốc viện trợ vẫn có thể tiếp tục một cuộc chiến tranh du kích và phá hoại, Việt Nam đã phải đồn trú tại Campuchia một quân số khoảng gần 200 ngàn quân, lấy từ những quân khu miền Nam (4) nhằm ngăn chận sự xâm nhập, Lê Đức Anh cho lập một phòng tuyến gồm những bãi mìn, hầm chông dọc theo biên giới Thái gọi là khóa "K5" (5).

Trong khi đó, tại biên giới phía Bắc, Trung Quốc tiếp tục gây ra cuộc chiến phá hoại đa diện (6) thường xuyên cho binh lính xâm nhập quấy rối biên giới, phá hoại đường xá, cầu cống, pháo kích các thị xã làng mạc, khiến Việt Nam phải duy trì khoảng 500 ngàn quân, thành lập một "thành lũy thép" dọc theo biên giới.(7)

Khi công nhiên dựa vào Nga Xô và trực tiếp thách đố Trung Quốc, Việt Nam đã không để ý đến những nhu cầu và dấu hiệu mà hai nước cộng sản đàn anh này cần phải hòa hoãn với nhau. Cả hai nước cộng sản đối nghịch nhau này đều muốn kết thân với Hoa Kỳ nhưng Trung Quốc sau một thời gian ngắn thân thiết với Hoa Kỳ, đã rất bất bình vì Hoa Kỳ vẫn muốn tiếp tục bán võ khí cho Đài Loan. Còn Nga Xô, một mặt không muốn vì Việt Nam mà lơ là với một khối kinh tế năng động đang phát triển mạnh mẽ là những nước ASEAN, mặt khác, Nga Xô đang gặp khó khăn khi phải chạy đua võ trang với Hoa Kỳ trong thời kỳ của tổng thống Reagan, cũng muốn trở lại kết thân với Trung Quốc. Vì thế, khi phó thủ tướng Lý Tiên Niệm của Trung Quốc tuyên bố vào cuối năm 1981 là Trung Quốc sẵn sàng trở lại đàm phán để có quan hệ bình thường với Nga Xô thì ngày 24-3-1982, Brezhnev cũng kêu gọi phải cải thiện ngoại giao giữa hai nước. Ông nhắc lại là Nga Xô chưa bao giờ chấp nhận có "hai nước Trung Quốc" (lục địa và Đài Loan) và cũng chưa bao giờ nói là "không có xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc". Những giao dịch kinh tế, thương mại, văn hóa giữa hai nước đã bắt đầu ngày một cải thiện, dù Nga Xô chưa đáp ứng việc giải quyết ba trở ngại cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước do Trung Quốc nêu ra.

"Ba trở ngại" này gồm có:

1. Nga Xô phải rút quân ra khỏi Afghanistan

2. Chấm dứt khiêu khích ở biên giới Trung - Xô

3. Giải quyết dứt khoát vấn đề Campuchia.

Khi Brezhnev chết, Trung Quốc cũng cử ngoại trưởng Hoàng Hoa sang dự đám tang. Hai năm sau, sau nhiều năm không có những tiếp xúc chính thức, tháng 12 năm 1984, phó thủ tướng Nga Xô Ivan Arkhipov lần đầu sang thăm Bắc Kinh và mấy tháng sau, phó thủ tướng Trung Quốc Diêu Nghĩa Lâm (Yao Yilin) sang Mạc Tư Khoa đáp lễ. (8)

Để thiết lập một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, chính quyền CSVN dự tính thực hiện qua ba giai đoạn:

1. Giai đoạn thứ nhất, 1976-1980, hay kế hoạch ngũ niên lần thứ hai, để hòa hợp kinh tế miền Nam vào giống như hệ thống kinh tế miền Bắc.

2. Giai đoạn thứ hai, 1981-2005 gọi là "kỹ nghệ hóa xã hội chủ nghĩa" dự trù gồm có 2 đợt, đợt đầu từ 1981 đến 1990 và đợt hai từ 1991 đến 2005 để thực hiện nền móng vật chất cho xã hội chủ nghĩa.

3. Giai đoạn thứ ba, 2006-2010, dự trù là giai đoạn "hoàn chỉnh thời kỳ chuyển tiếp".

Tuy nhiên, vì kế hoạch ngũ niên thứ hai từ 1976-1980 để cải tạo công thương nghiệp miền Nam đã làm cho kinh tế cả nước sa sút trầm trọng, đảng cộng sản đã phải sửa đổi lại kế hoạch ban đầu. Đại hội đảng lần thứ V đặt ra kế hoạch ngũ niên lần thứ ba (1981-1985) nhấn mạnh nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu, sau đó là sản xuất hàng tiêu dùng, và công nghiệp chủ yếu là để hỗ trợ cho hai mục tiêu kể trên.

Để khuyến khích sản xuất, từ 1981, nông dân được phép canh tác trên ruộng đất của tập thể, nhưng phải ký hợp đồng trả lại cho nhà nước một số lúa gạo qui định nào đó. Số lúa gạo thặng dư, nông dân có thể bán ra thị trường tự do hay bán lại cho nhà nước. Biện pháp "làm khóan" này từng được bí thư tỉnh Vĩnh Phú là Kim Ngọc áp dụng gần hai mươi năm trước, nhưng Kim Ngọc đã bị trung ương đảng khiển trách và trừng phạt vì biện pháp này bị coi như sai lầm về chính trị.

Các công ty công tư hợp doanh nhỏ cũng được cho phép hoạt động tại miền Nam để sản xuất hàng tiêu dùng và xuất cảng, nhưng những hãng xưởng qui mô lớn, những ngành kỹ nghệ quan trọng như sắt thép, dầu hỏa, xi măng, hóa chất v..v.. đều bị nhà nước quốc hữu hóa hay cưỡng ép trở nên những "công ty hợp doanh".

Thêm vào đó, Việt Nam còn phải đối đầu với nhiều vấn đề: cô lập về ngoại giao, lệnh cấm vận của chính phủ Hoa Kỳ và nhất là cuộc chiến "trường kỳ và đa diện" của Trung Quốc cho nên tình hình kinh tế ngày càng suy sụp.

Trước tình trạng khó khăn đó, tại miền Nam, nhất là tại thành phố HCM, Võ Văn Kiệt rồi Nguyễn Văn Linh đã nhắm mắt để cho một số doanh thương "xé rào", bất chấp cái cơ chế qui hoạch và tập trung mà chính quyền trung ương Hà Nội đề ra. Một số doanh thương được thành ủy TP/HCM cho phép cùng chính quyền địa phương lập ra những công ty hợp doanh để làm ăn theo lối kinh tế thị trường. Công ty đầu tiên do Phan Chánh Dưỡng, một nhà kinh doanh gốc Hoa được Võ Văn Kiệt cho phép thành lập là công ty Cholimex, mua nông phẩm của dân theo giá thị trường (chẳng hạn mua sắn của dân Pleiku với giá 4$50, thay vì 2$ như nhà nước qui định) đem sang Hồng Kông bán rồi mua bột ngọt, tơ sợi, máy móc về bán theo giá thị trường. Với cách làm ăn này, công ty Cholimex cũng như công ty dệt của Bùi Văn Long làm ăn rất phát đạt, giúp nông dân và công nhân tăng gia sản xuất, đồng thời cũng kiếm lời cho nhà nước hàng triệu mỹ kim.

Những công ty này hoạt động chưa được một năm thì bị nhóm lãnh đạo ở trung ương chỉ trích vì đường lối kinh doanh đã đi trật đường hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 14-9-82, bộ Chính Trị ra nghị quyết 01/NQ-TW phê bình đảng bộ TP/HCM "có phần buông lơi chuyên chính vô sản trên mặt trận phân phối lưu thông...".

Bùi Văn Long về sau kể lại " Tôi đã nhẩm tính cặn kẽ, không dưới 26 đoàn thanh tra, kiểm tra quần tới bến những đơn vị trong thành phố do tôi quản lý. Họ hoạnh họe, hạch sách chúng tôi đủ điều... Tất tần tật, chỉ thiếu mỗi một điều là chưa dùng tới còng số 8 để "nói chuyện" với cấp dưới của tôi..." Một giám đốc viết thư lên thành ủy: "Thú thật, chúng tôi không dám tìm tòi làm theo cách mới nữa. Trên bảo sao, làm vậy cho yên. Nếu làm khác, may thì bị thanh tra phê bình lập trường quan điểm. Nặng, có thể vào tù vì tội cố ý làm trái...". Ngay cả Mai Chí Thọ, khi đó là chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố, vì ủng hộ cởi mở kinh tế đang bị bệnh cũng bị bộ Chính Trị bắt đi họp để hỏi tội.

Khoảng thời gian đó, trong khi tại những nước lân bang vùng Đông Nam Á, nền kinh tế tự do và năng động đã tạo nên những thành quả nhảy vọt thì chính sách kinh tế nhà nước chỉ huy của Việt Nam suốt hai kế hoạch ngũ niên vẫn tiếp tục đưa đến những kết quả thảm hại.

Năm 1985, phó thủ tướng đặc trách kinh tế Tố Hữu cho đổi tiền. Nhân dân biết là đồng tiền mất giá nên giá cả hàng hóa tăng vọt. Lạm phát năm 1986 lên tới 700%. Hậu quả tai hại của nhà thơ làm kinh tế này được ghi nhận trong bản báo cáo chính trị của đại hội VI: "Sai lầm về cuộc tổng điều chỉnh giá - lương tiền cuối năm 1985 đã làm cho nền kinh tế xã hội Việt Nam lún sâu vào khủng hoảng, phân phối càng thêm rối ren căng thẳng, vật giá tăng nhanh, ngân sách thâm hụt lớn, lạm phát phi mã, hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp...".

Vì thế, tháng 6-1986, Việt Nam phải cải tổ chính phủ. Tố Hữu cùng các bộ trưởng liên quan đều bị mất chức, trong đó có bộ trưởng tài chánh Chu Tam Thức (Vũ Tuân thay thế), bộ trưởng nội thương Lê Đức Thịnh (Hoàng Minh Thắng thay thế), bộ trưởng ngoại thương Lê Khắc (Đoàn Duy Thành thay thế), tổng giám đốc ngân hàng Nguyễn Duy Giá (Lữ Minh Châu thay thế), bộ trưởng mỏ than Nguyễn Chân đều bị mất chức.(9)

Những thụt lùi về kinh tế của Việt Nam so với các nước lân bang như Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai...có lẽ sẽ còn kéo dài và CSVN sẽ vẫn tiếp tục chính sách kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa nếu không có những thay đổi chính trị ở Nga Xô, một nước mà những lãnh tụ CSVN luôn sùng bái và học tập theo khuôn mẫu.

Những năm đó, nền kinh tế thiếu sinh động của Nga Xô đã đến giai đoạn quá trì trệ và cái chết của Brezhnev năm 1982 đánh dấu một sự suy sụp toàn diện. Hai lãnh tụ kế tiếp là Andropov và Chernenko vì bệnh tật và tuổi tác chỉ cầm quyền một thời gian ngắn nên đã không đưa ra một biện pháp cải thiện nào cho đến khi Gorbachev lên cầm quyền vào tháng 3 năm 1985.

Trước những khó khăn về kinh tế và xã hội của Nga Xô, Gorbachev phải đưa ra những biện pháp cách mạng. Về đối nội, Gorbachev phát động chính sách "cởi mở" (glasnov) để bài trừ tham nhũng và "tái cấu trúc" (perestroika) để cải tổ lại kinh tế. Về đối ngoại, ông chủ trương hòa hoãn với Hoa Kỳ và Trung Quốc để dồn hết mọi nỗ lực vào việc phục hưng kinh tế. Những thay đổi này đã được thông báo cho Việt Nam nên đảng CSVN cũng phải từ từ chuyển hướng.

Nguyễn Văn Linh, bị loại khỏi bộ Chính Trị năm 1982 đến năm 1986 lại được gọi trở lại bộ Chính Trị và dựa theo tình trạng perestroika ở Nga Xô, dần dần thăng lên thứ bậc thứ hai trong đảng.

Tháng 7-1986, bộ Chính Trị đưa ra nghị quyết 32, không còn nhắc đến tình trạng "không thể đảo ngược" nữa mà bắt đầu ám chỉ đến một giải pháp chính trị cho Campuchia.

Tháng sau, ngày 13-8-1986 nhật báo Nhân Dân đăng bài ca ngợi sự hợp tác toàn diện Việt-Xô nhưng cũng nhấn mạnh Việt Nam và Nga Xô sẵn sàng bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Cuối tháng 8-1986, trong bản thông cáo chung của các bộ trưởng ngoại giao ba nước Đông Dương, Hà Nội tuyên bố sẽ rút hết quân đội Việt Nam ra khỏi Campuchia, và muốn khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc và Thái Lan.

Ngày 30-9-1986, trong dịp quốc khánh Trung Quốc, sau nhiều năm đả kích lẫn nhau, Trường Chinh đã gửi điện văn chúc mừng cho Lý Tiên Niệm.

Tuy nhiên, suốt thời gian sau trận chiến 1979, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhiều hành động khiêu khích và lấn chiếm biên giới.

Ngày 28-4-1984, nói là quân Việt Nam khiêu khích ở biên giới, trung đoàn 14/SĐ-40/QĐ-14 của Trung Quốc đánh chiếm Núi Đất (Trung Quốc gọi là Lão Sơn) hay cứ điểm 1509 thuộc xã Thanh Thủy, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Theo nguồn tin Trung Quốc, năm 1981, họ cũng đã lấn chiếm núi Faka của Việt Nam.(10)

Trong thời gian mà Nga Xô đề ra chính sách cởi mở và tái cấu trúc, sự thay đổi về đường lối đối ngoại nhất là đối với Trung Quốc cũng trùng hợp với cái chết của tổng bí thư Lê Duẩn của Việt Nam.(11)

Lê Duẩn sinh năm 1908 tại quận Triệu Phong, Quảng Trị, xuất thân là một thư ký nhà ga, từng là bí thư thứ nhất và tổng bí thư hơn hai mươi năm. (12)

Được sự giúp đỡ của Lê Đức Thọ, Lê Duẩn gần như nắm toàn quyền lãnh đạo và quyết định đường lối hướng dẫn đảng CSVN trong nhiều năm. Đường lối này không dựa trên một chiều hướng ý thức hệ nào mà mang nặng tính thực dụng nhằm giữ vững quyền lực. Khi Khrushchev cầm quyền, chủ trương hòa hoãn với Tây phương và tố cáo tội ác của Stalin, Lê Duẩn nghiêng về phía Trung Quốc và thanh trừng những người bị nghi ngờ thân Nga Xô như Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Nguyễn Văn Vịnh...Võ Nguyên Giáp cũng bị gán cho tội "xét lại" trong thời gian này.

Đến thập niên 1970, khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, Lê Duẩn lại dựa hẳn vào Nga Xô và khai trừ Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn, Lý Ban...

Sau khi Lê Duẩn chết, dù thế lực của Lê Đức Thọ trong đảng rất mạnh, nhưng do nhu cầu cấp bách cần thân cận với Trung Quốc nên nhân vật số hai của bộ Chính Trị là Trường Chinh được cử lên tạm thay. Đồng thời, Nguyễn Văn Linh từng bị loại khỏi bộ Chính Trị năm 1982, sau khi được đưa vào ban bí thư, lại trở lại bộ Chính Trị và dần dần được nâng lên hàng thứ hai.

Trường Chinh, tên thật Đặng Xuân Khu, bí danh là Nhân hoặc là Thận, từng bị mất chức tổng bí thư năm 1956 sau Cải Cách Ruộng Đất, đã nhẫn nhịn suốt ba mươi năm dưới thế lực của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, được tạm thời đưa lên giữ chức tổng bí thư. Với bí danh Trường Chinh hàm ý tôn phục MaoTrạch Đông và từng dịch các tác phẩm Trì Cửu Chiến, Tân Dân Chủ Luận của Mao, Trường Chinh có nhiều điều kiện thuận lợi để CSVN dễ dàng cầu hòa trở lại với Trung Quốc.

Thật ra, chiều hướng Việt Nam hòa giải với Trung Quốc trong giai đoạn này vẫn chỉ là một bước trong chính sách đối ngoại của Nga Xô và nhằm phục vụ cho quyền lợi của Nga Xô nhiều hơn. Trong đám tang Lê Duẩn, Trường Chinh được gặp Tikhonov, ủy viên bộ Chính Trị Nga Xô và được khuyến cáo về sự cần thiết phải thay đổi chính sách, đối nội cũng như đối ngoại.

Theo thông lệ và nghi thức của một nước cộng sản nhỏ đối với một nước cộng sản đàn anh, Trường Chinh mới nhận chức ngày 14-7-1986 thì ngày 26-7-1986 đã bay qua Nga Xô để thỉnh thị ý kiến của Gorbachev. Nhưng Gorbachev không tiếp Trường Chinh ngay mà lại bay sang Vladivostok để thông báo cho thế giới, quan trọng nhất là nhắm vào Trung Quốc, về chính sách ngoại giao mới của Nga Xô trong vùng Thái Bình Dương, rồi chờ đến ngày 12-8-1986 tức cả nửa tháng sau mới tiếp Trường Chinh.

Từ Nga Xô trở về, Trường Chinh họp bộ Chính Trị và những thay đổi đường lối của đảng CSVN bắt đầu từ đó. Lý thuyết gia từng được coi là bảo thủ và giáo điều nhất - theo Trần Quỳnh, thật ra là người ba phải và đón gió nhất - của đảng CSVN đã quay sang "đổi mới" và đưa ra khẩu hiệu "đổi mới hay là chết".

Trường Chinh triệu tập những cán bộ cao cấp và ra chỉ thị sửa đổi lại các văn kiện sẽ được trình bày ở đại hội VI sắp tới. Cuộc họp diễn ra ở Đồ Sơn được Hà Đăng, tổng biên tập báo Nhân Dân, gọi là "hội nghị ba quan điểm" (13) gồm có:

- Về kinh tế, hội nghị công nhận lỗi lầm đã coi trọng công nghiệp nặng, khiến vốn liếng nhà nước đổ hầu hết vào một số công ty quốc doanh lớn như công ty cơ khí Hà Nội, công ty than Cẩm Phả, công ty xi măng,.. nhưng những công ty này luôn luôn kinh doanh lỗ lã. Hội nghị đề nghị thay đổi bằng cách thay vì ra sức phát triển kỹ nghệ thì nên tập trung phát triển lương thực và hàng tiêu dùng.

- Về việc cải tạo xã hội chủ nghĩa (do Đỗ Mười phụ trách), hội nghị thấy đã bị thi hành một cách quá triệt để và toàn diện, xóa bỏ hết tư hữu khiến mọi ham muốn làm ăn, buôn bán bị triệt tiêu.

- Về cơ chế quản lý tập trung, quá quan liêu, bao cấp, mọi kế hoạch đều dựa vào ý muốn chủ quan, duy ý chí chứ không dựa vào thị trường.

Từ hội nghị này, nền móng của đổi mới kinh tế được thiết lập, nhưng từ ngữ "kinh tế thị trường" vẫn chưa được dùng. Văn kiện chỉ nói đường lối đó là "hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa".

Trong thời gian này, đảng cộng sản đang chuẩn bị tổ chức đại hội lần thứ VI, dự định vào cuối tháng 12-1986, nhiều vận động về nhân sự đã xảy ra.

Lê Đức Thọ, người có nhiều thế lực và vây cánh nhất trong đảng cộng sản và bộ Chính Trị không chịu ngồi yên. Khi Lê Duẩn bị bệnh nặng, ông ta đòi Lê Duẩn viết chúc thư truyền chức tổng bí thư cho mình nhưng Lê Duẩn không chịu.(14)

Sau khi Lê Duẩn chết, thời gian mà Trường Chinh tạm thời lên thay để chờ đại hội đảng lần thứ VI bầu tổng bí thư mới, Lê Đức Thọ đã đi khắp nơi để vận động.

Trong bộ Chính Trị, Lê Đức Thọ trông cậy nhiều vào Nguyễn Đức Tâm, Tố Hữu, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh, Chu Huy Mân, Đỗ Mười và Phạm Hùng. Tuy nhiên, trong số những người Lê Đức Thọ trông cậy thì Tố Hữu đã bị loại vì phạm lỗi lầm khi làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế, Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân không được quân đội bầu làm đại biểu tham dự đại hội đảng vì tham nhũng, Phạm Hùng ủng hộ Nguyễn Văn Linh vì được hứa sẽ làm thủ tướng, Đỗ Mười và Lê Đức Anh cũng theo thời thế mà chuyển sang phe đổi mới để được tiến thân.

Trước viễn tượng bị thua phiếu Trường Chinh khi tranh chức tổng bí thư và còn được Lê Đức Anh cho biết là trong quân đội, đang có dư luận vận động để Võ Nguyên Giáp được cử làm thủ tướng, Trường Chinh tổng bí thư, Phạm Văn Đồng chủ tịch nhà nước, nên Lê Đức Thọ cảm thấy bất an.

Tuy Trường Chinh nhờ là người miền Bắc và luôn luôn thuận theo ý kiến Lê Duẩn nên đã được giữ lại ở bộ Chính Trị, nhưng dù ở vị trí số hai, suốt ba mươi năm Trường Chinh đã bị Lê Duẩn và Lê Đức Thọ gạt ra ngoài như một kẻ đứng bên lề, không có một chút thực quyền. Trong khi đó, Võ Nguyên Giáp còn bị đối xử tàn tệ hơn, năm 1982 đã bị Lê Đức Thọ hoàn toàn loại trừ nên chắc chắn sẽ không để Lê Đức Thọ yên nếu được phục hồi quyền chức.

Thấy không thể tranh với Trường Chinh và không thể để Võ Nguyên Giáp nhờ Trường Chinh mà có cơ hội trở lại, Lê Đức Thọ một mặt tìm cách bảo vệ và nâng đỡ những người thân cận như Nguyễn Đức Tâm, Lê Đức Anh, sắp xếp để cho em ruột của mình là Mai Chí Thọ, đang là bí thư thành ủy thành phố HCM, và cháu rể là Nguyễn Thanh Bình, vào bộ Chính Trị.

Mặt khác, Lê Đức Thọ viết thư cho Trường Chinh và Phạm Văn Đồng, đề nghị cả ba Chinh, Đồng, Thọ vì tuổi già nên từ chức nhường chỗ cho thế hệ sau. Lá thư này do Nguyễn Khánh, chánh văn phòng ban bí thư, đích thân đưa cho hai người. Lê Đức Thọ cũng dọa sẽ làm rối loạn đại hội đảng nếu hai người này không chịu.

Trước hoàn cảnh đó, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng sợ mang tiếng tham quyền cố vị nên đành chịu rút lui và Võ Nguyên Giáp cũng mất luôn cơ hội được trở lại quyền vị. Nguyễn Văn Linh, người có thành tích cởi mở nhất, gần gũi với đường lối mới của Nga Xô nhất, được Lê Đức Thọ ủng hộ lên chức tổng bí thư.

Theo một tài liệu, chính Lê Đức Thọ đã gọi Nguyễn Văn Linh đến và bảo: "Kỳ đại hội này sẽ sắp xếp để cho đồng chí làm tổng bí thư". Vì đã nắm quyền ở ban tổ chức trên 20 năm, nên dù từ chức, Lê Đức Thọ vẫn còn có ảnh hưởng lâu dài trong trung ương đảng cho đến lúc chết.

Ngoài Nguyễn Văn Linh, năm 1986 cũng là một năm may mắn cho Lê Đức Anh. Được Lê Đức Thọ nâng đỡ, trong năm 1982 Lê Đức Anh đã được vào bộ Chính Trị trong khi thượng cấp của Lê Đức Anh là Lê Trọng Tấn, tổng tham mưu trưởng quân đội vẫn không được vào. Khi Văn Tiến Dũng sắp bị mất chức bộ trưởng quốc phòng, hai người được chỉ định thay là Hoàng Văn Thái rồi Lê Trọng Tấn lần lượt đột ngột qua đời. Cái chết bất ngờ của hai người cùng với việc tướng Phan Bình, từng đặc trách tình báo quân đội (Cục C2), tự tử trong thời gian các phe phái đang tranh giành quyền lực đã nêu lên nhiều nghi vấn, vì vợ của Phan Bình vẫn cho là Phan Bình bị bắn chết và vài ngày sau, con trai lớn của Phan Bình cũng bị hạ sát (15).

Người ta ngờ cái chết của Phan Bình có liên quan đến cục C2, và những người thay Phan Bình làm cục trưởng C2 là Như Văn sau đó là Đặng Vũ Chính đều là người từng làm việc với Lê Đức Thọ và Lê Đức Anh ở Campuchia. Trong khi đó, Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn là người thân cận với Võ Nguyên Giáp.

Sau cái chết của hai viên tướng này, đại diện quân đội tại bộ Chính Trị không còn là những tướng lãnh kỳ cựu ở bộ tổng tham mưu hay bộ quốc phòng được đôn lên mà lấy từ những quân khu miền Nam (như Lê Đức Anh) hay miền Trung (như Đoàn Khuê).

Nếu mấy năm trước, nhờ lầm lỗi của Trần Văn Trà mà Lê Đức Anh được chỉ huy mặt trận Campuchia thì năm 1986, nhờ cái chết bất ngờ của Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn mà Lê Đức Anh được lên làm tổng tham mưu trưởng và mấy tháng sau, nắm bộ quốc phòng rồi sau đó làm chủ tịch nhà nước. Dù cho có những lời tố cáo về việc khai gian lý lịch và những hành động sai trái trong quá khứ, Lê Đức Anh vẫn có thể tiến thân nhờ được Lê Đức Thọ che chở và từ đó cho tới nhiều năm sau, Lê Đức Anh trở nên một người có nhiều quyền lực và phe cánh của ông ta cũng được cất nhắc.

Bốn năm trước, đại hội đảng lần thứ V của đảng CSVN được họp trong khí thế đang lên của phong trào cộng sản toàn cầu. Vì thế, những lãnh tụ của đảng này đã nhận lãnh vai trò làm người lính tiền phong cho đế quốc Nga Xô tại vùng Nam Thái Bình Dương và quyết tâm xã hội chủ nghĩa hóa Việt Nam một cách triệt để. Rủi thay, sự bành trướng của phong trào cộng sản đó chỉ như một ngọn lửa cháy bùng trước khi tàn rụi.

Bốn năm sau, sự suy sụp của đế quốc Nga Xô đã đưa Việt Nam vào hoàn cảnh ý thức hệ bị lung lay, ngọai giao bị cô lập, quân sự bị sa lầy. Đồng thời, những biện pháp cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa đã khiến kinh tế Việt Nam sa sút trầm trọng, gần như khánh tận. Trong hòan cảnh khó khăn đó, đảng CSVN chuẩn bị họp đại hội lần thứ VI để họp bàn những biện pháp thay đổi để sống còn. Nhưng những biện pháp "đổi mới hay là chết" này thật ra chỉ nhằm để cứu sống giai cấp thống trị mà thôi.

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG II

___________________________________

(1)- Tố Hữu, bí danh Lành, thường chỉ phụ trách tuyên huấn, vì ở cùng quê, nên rất thân thiết với Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quỳnh... Được Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cất nhắc chuẩn bị thay Phạm Văn Đồng. Với bài thơ ca tụng Staline, Tố Hữu dĩ nhiên được Nga Xô tin tưởng, nâng đỡ khi Việt Nam chủ trương kết thân với Nga Xô. Vì ở cùng phe với Lê Duẩn, Tố Hữu đã không ưa Võ Nguyên Giáp. Theo ông Hoàng Tiến, trong bài Sự Thật Ở Đâu, khi Tố Hữu làm phó thủ tướng đi nước ngoài về, có nhiều người ra phi trường đón trong số có Võ Nguyên Giáp, lúc đó chỉ là chủ nhiệm một ủy ban (khoa học hay ngừa thai). Tố Hữu đã bắt tay từng người. Khi đến lượt Võ Nguyên Giáp, ông ta quay ngoắt đi chỗ khác. Hình ảnh này được chiếu trên truyền hình.

(2)- Việc Võ Nguyên Giáp bị ép rút lui: thư của Võ Nguyên Giáp gửi cho trung ương đảng năm 1991

(3)- Tượng của Lê Nin được người dân Hà Nội gọi là tượng "chống kẻ cắp", vì một tay ông để trong túi (giữ chặt ví tiền), tay kia chỉ về phía trước (hướng tên ăn cắp chạy). (Shadows and Wind - Robert Templer).

(4)- Về những chi tiết của cuộc chiến ở Campuchia trong thời gian này, xin xem phần Phụ Lục.

(5)- K. có lẽ là viết tắt chữ Khóa, 5 là vùng chiến trường thứ 5 trong quan niệm chiến thuật của Việt Nam lúc đó, chia Đông Dương ra làm 5 vùng chiến trường: Bắc (1), Trung (2), Nam Việt Nam (3), Lào (4) và Căm Pu Chia (5). Khóa K5 lập nên nhằm ngăn chận sự xâm nhập của những lực lượng chống đối từ biên giới Thái Lan tràn qua là một hành lang mìn, chông, những trạm gác...

(6)- Ngoài các vụ pháo kích, bắn quấy rối, Trung Quốc còn có những võ tiểu xảo như :"thả nhiều quả mìn nhỏ, bọc nhựa màu xanh, một số lớn mang ký hiệu 652A trên các dòng sông bắt nguồn từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam, gây ra nhiều vụ nổ..." (Tài liệu từ Việt Nam, Năm Thứ 12 của Chánh Đạo)

(7)- "Thành lũy thép" (Vietnam People Army, Douglas Pike)

(8)- Tài liệu trong Brother Enemy, Nayan Chanda.

(9)- Về hậu quả chính sách kinh tế của Tố Hữu, trích Giáo trình Lịch Sử Đảng CSVN, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia.

(10)- Trận chiến Việt Hoa năm 1981 và 1984 ở Faka và Núi Đất: bài của Bách Việt Nhân trong Vietnamexodus, lấy tài liệu và hình ảnh từ quân đội Trung Quốc.

(11)- Năm 1986, ngoài cái chết của Lê Duẩn, còn có nhiều cán bộ kỳ cựu khác cũng chết như Lê Thiết Hùng, cựu tư lệnh liên khu Tư và chỉ huy trưởng Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Hoàn, tên thật Nguyễn Trọng Cảnh, từng là bộ trưởng bộ Công An, Hoàng Văn Thái, thứ trưởng Quốc Phòng, Lê Trọng Tấn, tổng tham mưu trưởng quân đội, Tạ Quang Bửu, cũng một thời là thứ trưởng Quốc Phòng...

(12)- Theo Hứa Hoành, thuở sinh thời, Lê Duẩn có ba vợ, bà vợ chính tên Cao Thị Khê ở Quảng Trị cưới khi Duẩn 20 tuổi, có em là Cao Xuân Diệm, sau này trở nên trung tướng công an Dương Thông phụ trách đàn áp văn nghệ sĩ. Bà thứ hai là Đỗ Thị Sảnh. Năm 1942, khi hoạt động trong Nam, Lê Duẩn dùng thủ đoạn cưới thêm bà Thụy Nga cháu gọi ông Đỗ Hữu Vị (đại úy phi công Việt Nam đầu tiên trong quân đội Pháp) bằng chú. Sau 1954, vì bị bà Khê đánh ghen, Lê Duẩn phải gửi bà Nga sang Thiên Tân lánh nạn một thời gian. Ngoài ba bà vợ, Lê Duẩn cũng đã lăng nhăng với nhiều người khác. Theo nhà văn Xuân Vũ, bà Thụy Nga đã có người yêu nhưng bị Lê Đức Thọ dàn xếp lừa bà vào một căn lều vắng để Lê Duẩn đến cưỡng hiếp khiến bà phải chịu làm vợ ba. Trong bài báo Người Vợ Miền Nam (để phân biệt với hai bà miền Trung) trên báo Tiền Phong ngày 25/6/06, câu chuyện được tình tiết hóa là vì người yêu của bà Thụy Nga họat động tình báo nội thành nên đảng không cho phép cưới. Ngay sau hôm đảng cho bà biết quyết định này, Lê Duẩn "tình cờ" đi ngang gặp bà và ngay buổi chiều, đã nói với Lê Đức Thọ dàn xếp cưới bà Thụy Nga làm vợ ba và bà này cũng bằng lòng ngay ngày hôm sau. Câu chuyện của báo Tiền Phong kể lại tuy phi lý là bà Nga đã thay lòng đổi dạ chỉ trong vòng một đêm, nhưng có lẽ đúng sự thật, chỉ trừ bài báo đã không dám đăng chuyện "cái đêm hôm ấy đêm gì" như nhà văn Xuân Vũ kể lại. Trong Lớn Lên Với Đất Nước, tác giả Vy Thanh, một cựu đảng viên kể lại là Lê Đức Thọ cũng đã nhiều lần dùng thủ đọan "ván đã đóng thuyền" này.

(13)- Cuộc họp "ba quan điểm" của trung ương đảng do Trường Chinh triệu tập ở Đồ Sơn để sửa soạn đổi mới, trích từ bài "Đêm Trước Đổi Mới" đăng trong website Thanh Niên.

(14)- Việc Lê Đức Thọ xin Lê Duẩn giúp để làm tổng bí thư: theo cuốn Làm Người Khó, Làm Người Xã Hội Chủ Nghĩa Còn Khó Hơn của Đoàn Duy Thành. Trong cuốn sách, Đoàn Duy Thành kể lại là sau khi Lê Duẩn chết, các con của Lê Duẩn rất lo sợ là cả gia đình sẽ bị Lê Đức Thọ thanh toán. Do vây cánh Lê Đức Thọ còn mạnh, con cái Lê Duẩn mấy năm sau đó đã không được nâng đỡ về chính trị. Nhờ có tiền của cha me và quan hệ, một người con là Lê Kiên Thành mở công ty Thiên Minh, kinh doanh rất phát đạt. Sau khi có tiền, năm 2007 tự ra ứng cử quốc hội.Không ở trong danh sách được đảng chọn lựa, dĩ nhiên Thành thất cử

(15)- Vợ Phan Bình kể lại, khi đưa xác Phan Bình về nhà ở Hà Nội làm tang lễ, người con lớn kêu khóc "Bố bị người ta bắn chết". Anh ta bị công an đem vào bệnh viện tâm thần rồi mấy ngày sau chết ở đó.

CHƯƠNG III

Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam Sau Ðại Hội Đảng lần thứ VI (1986-1991)

Năm 1986, sự suy kiệt về kinh tế, sự cô lập về ngoại giao, đe dọa và gây hấn thường xuyên của Trung Quốc cùng biến chuyển tình hình thế giới, nhất là của Nga Xô đã đẩy CSVN vào một bước ngoặt quan trọng trên đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Những thay đổi về đối nội, đối ngoại của Nga Xô đã tạo một cơn khủng hoảng ý thức hệ cho đảng CSVN và gây hoang mang giao động cho giới lãnh đạo. Đang lệ thuộc Nga Xô về tất cả mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao.., nên khi Nga Xô đã đề ra glasnov (cởi mở) và perestroika (tái cấu trúc), CSVN không còn cách lựa chọn nào khác cũng phải đưa ra chính sách "đổi mới".

Những nguyên nhân của "đổi mới tư duy" về đối nội cũng như đối ngoại của CSVN coi như chính thức bắt đầu sau bài diễn văn của Gorbachev tại Vladivostok (Hải Sâm Uy) ngày 28-7-1986, trong đó Nga Xô công bố chính sách Á Châu và Thái Bình Dương mới mà mục tiêu chủ yếu là tái lập quan hệ ngoại giao bình thường với Trung Quốc. Để đạt mục đích, Gorbachev tuyên bố sẽ giải quyết cả "ba trở ngại" mà Trung Quốc đòi hỏi. Gorbachev còn nói thêm "vấn đề Campuchia phải được giải quyết giữa Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa".

Chính sách thay đổi của Nga Xô đặt Việt Nam vào thế bất ngờ và nguy hiểm. Nga Xô là cường quốc, có thể công khai nhượng bộ Trung Quốc và Hoa Kỳ mà không mất uy thế.. Hơn nữa, làm thế, họ còn được cảm tình của Hoa Kỳ và Tây Âu, sẵn sàng được giúp đỡ để giải quyết những khó khăn kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam là nước nhỏ, lại là gánh nặng bòn rút tài nguyên đang kiệt quệ của Nga Xô nên Nga Xô có thể hy sinh Việt Nam để cầu thân với Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á. Trước viễn ảnh bị Nga Xô bỏ rơi để kết thân với kẻ thù của mình là Trung Quốc, Việt Nam buộc phải thay đổi toàn diện chính sách đối nội đối ngoại. Vì thế, đại hội đảng lần VI cuối năm 1986 đã tạo một khúc quanh quan trọng trong lịch sử đảng CSVN.

Sau mấy tháng chuẩn bị, đại hội VI được triệu tập từ 15 đến 18-12-1986 gồm có 1129 đại biểu tham dự.

Khách tới dự đại hội này có Ligachev, nhân vật số 2 của đảng cộng sản Nga Xô, Kaysone Phomvihane của Ai Lao, Heng Samrin của Campuchia cùng vài đại diện các đảng cộng sản Đông Đức, Cuba... Đại hội đảng kỳ này biểu quyết chấp thuận 124 ủy viên trung ương đảng cùng 49 ủy viên dự khuyết mà đại hội trung ương đảng trước đó đưa ra. Sau đó họ bầu ủy viên bộ Chính Trị là những người có quyền lực nhất của đảng và chính phủ.

Tại đại hội đảng, trước ngày bầu ra những ủy viên bộ Chính Trị, Phạm Hùng tuyên đọc bức thư xin rút lui của bộ ba Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ. Cả ba người sau đó được cử làm "cố vấn tối cao".

Bộ Chính Trị mới được bầu năm 1986 gồm có:

1. Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư, tên thật Nguyễn Văn Cúc, bí danh Mười Cúc, sinh tại miền Bắc nhưng phần lớn cuộc đời hoạt động tại miền Nam. Từ 1940, đã nhiều lần làm bí thư thành ủy Sài Gòn. Trong chiến tranh Đông Dương II, từng là phó bí thư trung ương Cục miền Nam, phụ tá cho Phạm Hùng. Được vào trung ương đảng năm 1960 và bộ Chính Trị năm 1976. Năm 1982, khi Brezhnev còn cầm quyền tại Nga Xô, tập đoàn lãnh đạo cứng rắn của Hà Nội loại bỏ Nguyễn Văn Linh. Sau khi Gorbachev lên, Linh lại được gọi trở về, và nương theo đà đổi mới bên Nga Xô, Nguyễn Văn Linh dần dần thăng chức.

2. Phạm Hùng, thay Phạm Văn Đồng làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng vào tháng 6 năm 1987 nhưng được mấy tháng thì bị bệnh chết vào tháng 3 năm 1988. Phạm Hùng sinh năm 1912 tại miền Nam và là ủy viên bộ Chính Trị duy nhất hoạt động tại miền Nam trong chiến tranh Đông Dương II (sau khi Nguyễn Chí Thanh chết)..

3. Võ Chí Công, tên thật Võ Toàn, sau khi Trường Chinh từ chức, lên thay chức chủ tịch nhà nước tháng 6-1987. Trước từng hoạt động trong trung ương cục miền Nam rồi làm chính ủy quân khu V.

4. Đỗ Mười, sinh năm 1917, thay Phạm Hùng làm thủ tướng từ tháng 6-1988. Đỗ Mười sau năm 1954 là bí thư thành ủy Hải Phòng, rồi tham gia cải tạo công thương nghiệp miền Bắc. Năm 1976 là bộ trưởng bộ Xây dựng, năm sau được cử vào Nam, phụ trách "cải tạo công thương nghiệp" thay Nguyễn Văn Linh để tập thể hóa kinh tế miền Nam một cách triệt để hơn.

5. Võ Văn Kiệt, phó thủ tướng kiêm chủ nhiệm ủy ban Kế Hoạch Nhà Nước. Võ Văn Kiệt, sinh năm 1922, sinh trưởng và hoạt động ở miền Nam, được cử làm ủy viên trung ương cùng với Nguyễn Văn Linh năm 1960. Năm 1976, Kiệt được thăng ủy viên dự khuyết bộ Chính Trị trung ương đảng và thay Nguyễn Văn Linh làm bí thư thành ủy Sài Gòn. Võ Văn Kiệt được coi như người cởi mở, thực dụng, cổ võ cho đổi mới kinh tế, và tản quyền quản lý cho các địa phương. Sau khi Phạm Hùng mất, Võ Văn Kiệt được cử lên thay nhưng vài tháng sau thì bị đảng gạt ra để cho Đỗ Mười làm thủ tướng.

6.Lê Đức Anh, từ thứ 12 lên thứ 6. Thay Lê Trọng Tấn làm tổng tham mưu trưởng năm 1986, rồi thay Văn Tiến Dũng làm bộ trưởng quốc phòng năm 1987. Từng là cai phu đồn điền cao su. Trong chiến tranh Đông Dương II, hoạt động ở vùng đồng bằng Cửu Long. Sau 1975 làm tư lệnh quân khu IX. Khi Trần Văn Trà bị mất chức trước năm 1979, Lê Đức Anh lên thay làm tư lệnh quân khu VII, một quân khu quan trọng hơn, để từ đó chỉ huy công cuộc đánh chiếm Campuchia. Nhờ thân cận với Lê Đức Thọ ở Campuchia, Lê Đức Anh được cất nhắc vào bộ Chính Trị năm 1982.

7. Nguyễn Đức Tâm, thay Lê Đức Thọ làm trưởng ban tổ chức T.Ư Đảng. Từng là bí thư tỉnh Quảng Ninh, rồi phó ban tổ chức cho Lê Đức Thọ trong nhiều năm.

8. Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng Ngoại Giao, tên thật là Phạm Văn Thương, sinh quán Nam Định, ủy viên dự khuyết bộ Chính Trị từ năm 1982.

9. Đồng Sĩ Nguyên, tên thật Nguyễn Sĩ Đồng, trong chiến tranh Đông Dương II phụ trách bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh sau đó làm bộ trưởng bộ Giao Thông Vận Tải.

10. Trần Xuân Bách, kiêm nhiệm trưởng ban đối ngoại trung ương

11. Nguyễn Thanh Bình, là cục trưởng Cục Hậu Cần sau đó làm bộ trưởng Nội Thương rồi bí thư thành ủy Hà Nội, được nâng đỡ vì là cháu rể của Lê Đức Thọ.

12. Đoàn Khuê, cựu tư lệnh Quân khu V, năm 1987, được cử thay Lê Đức Anh làm tổng tham mưu trưởng quân đội, được thăng đại tướng năm 1990. Tới 1991 thay Lê Đức Anh làm bộ trưởng Quốc phòng.

13. Mai Chí Thọ, em của Lê Đức Thọ. Từng hoạt động ở miền Nam. Sau 1975, có lúc làm chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố HCM, kiêm nhiệm luôn vấn đề an ninh toàn miền Nam. Trước khi vào bộ Chính Trị, là chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố HCM. Sau đó, năm 1987 được cử làm bộ trưởng bộ Nội Vụ. (1)

Một ủy viên dự khuyết là Đào Duy Tùng. Trước đó, năm 1977, Tùng là tổng biên tập Tạp Chí Cộng Sản tới năm 1982, chuyển qua làm giám đốc Việt Tấn Xã, sau đó được cử làm trưởng ban tuyên huấn đảng. Năm 1988, Đào Duy Tùng được thăng ủy viên thực thụ bộ Chính Trị. Là một người tham vọng, mấy năm sau Tùng mưu toan tranh chức tổng bí thư nhưng thất bại.

Trong thành phần bộ Chính Trị, Trần Xuân Bách có tư tưởng cấp tiến, chấp nhận đa đảng. Tên thật Vũ Thiện Tuấn, sinh tại Nam Định năm 1924, từng làm bí thư tỉnh ủy tại nhiều tỉnh miền Bắc. Năm 1981, khi Lê Đức Thọ về nước sửa soạn đại hội đảng, Trần Xuân Bách được cử lên thay làm trưởng đoàn B.68 phụ trách cai trị Campuchia. Năm 1985, ông về nước, làm chánh văn phòng ban bí thư trung ương đảng trước khi được cử làm ủy viên bộ Chính Trị. Theo ông, "đổi mới kinh tế phải đi đôi với đổi mới chính trị. Phải đi bằng hai chân, không thể đi khập khiễng bằng một chân".( 2)

Ngoài Trần Xuân Bách, ba ủy viên Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt và Nguyễn Cơ Thạch tương đối cởi mở, số còn lại phần lớn là cơ hội. Đã được khuyến dụ và rèn luyện để trở thành đảng viên cộng sản, họ không thể một sớm một chiều chấp nhận những sai lầm hay yếu kém của chủ nghĩa đó. Vả lại, khi trở thành đảng viên, họ và gia đình đã bước vào một giai cấp mới, được hưởng đặc quyền đặc lợi không chỉ mãn đời mà còn đến đời con, đời cháu. Cho nên nếu có sự sửa đổi, sự sửa đổi này cũng chỉ miễn cưỡng và nửa vời. Hơn thế nữa, với ảnh hưởng của Lê Đức Thọ, một số người cộng sản thủ cựu vẫn được cử vào bộ Chính Trị như Nguyễn Đức Tâm, Mai Chí Thọ, Đào Duy Tùng, Lê Đức Anh...

Giữa hai ủy viên cởi mở từ miền Nam là Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt cũng có bất hòa. Nguyễn Văn Linh thường hay tố cáo Phan Thanh Nam, tổng giám đốc công ty quốc doanh Tradico tham nhũng và là con rơi của Võ Văn Kiệt.(3) Vì thế, sự đổi mới của CSVN đã không được thực hiện triệt để. Hai năm sau, với sự tan vỡ của khối cộng sản Đông Âu và vụ sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn, đa số đảng viên từ cấp nhỏ đến cấp lãnh đạo, kể cả Nguyễn Văn Linh, cảm thấy nguy cơ đảng bị tan rã, đảng viên mất hết ưu quyền nên đã tái áp dụng chính sách cứng rắn và đàn áp về chính trị, dù vẫn phải duy trì cởi mở về kinh tế, vì đây là cách duy nhất để đời sống của nhân dân, nhất là của chính họ khá hơn. Họ gọi chính sách này là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Chính sách này không học tập từ Nga Xô nữa mà rập khuôn theo đường lối của "kẻ thù lâu đời và nguy hiểm" cũ là Trung Quốc. Kể từ 1986, CSVN đã cố gắng bằng mọi cách, kể cả nhường đất đai, để cầu thân với Trung Quốc.

Người may mắn nhất trong đại hội đảng lần này là Lê Đức Anh. Bất ngờ lên chức bộ trưởng quốc phòng sau khi Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn chết một cách đột ngột, Lê Đức Anh đã làm lại lý lịch. Trong lý lịch cũ, năm 1976, Lê Đức Anh khai thành phần bản thân là viên chức, vào đảng từ tháng 7-1945, nhưng khi lên bộ trưởng quốc phòng, Lê Đức Anh khai bản thân là công nhân và vào đảng từ năm 1938.

Những đảng viên CS lâu năm như Phạm Văn Xô (từng là xứ ủy Nam Bộ), Đồng Văn Cống, Năm Thi (chủ nhiệm hậu cần Cục R) đều biết rõ lý lịch Lê Đức Anh và đã báo cáo với Nguyễn Đức Tâm, vụ trưởng vụ tổ chức. Hơn mười năm sau, sau khi đã mất chức và được hỏi về việc này, Nguyễn Đức Tâm trả lời là năm 1986, có báo cáo với Lê Đức Thọ, nhưng Lê Đức Thọ nói xếp lại. Sau đó, Nguyễn Văn Linh cũng được báo cáo, nhưng "không có ý kiến". Đến thời Đỗ Mười thì Lê Đức Anh đã được làm chủ tịch nước nên bỏ qua luôn. Mấy năm sau, trong những đại hội đảng lần thứ VIII, IX và X, đều có thư tố cáo Lê Đức Anh khai man lý lịch nhưng những lúc sau này, thế lực Lê Đức Anh đã rất mạnh nên nội vụ luôn luôn được xử chìm xuồng.(4)

Ngoài những ủy viên bộ Chính Trị phụ trách quyết định đường lối chính sách của quốc gia, những ủy viên trung ương đảng còn bầu ra một ban bí thư để phụ trách điều hành nội bộ đảng. Ban bí thư này ngoài bốn ủy viên bộ Chính Trị là Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Tâm, Trần Xuân Bách, Đào Duy Tùng còn có:

- Trần Kiên, tên thật Nguyễn Tuấn Tài từng là bí thư tỉnh Hải Phòng, Gia Lai, Đắc Lắc và Nghĩa Bình. Từ 1979 đến 1981 là bộ trưởng bộ Lâm Nghiệp. Tới 1982, được đề cử vào ban bí thư và chủ nhiệm Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng.

- Lê Phước Thọ, trưởng ban Nông Nghiệp Đảng.

- Nguyễn Quyết, trung tướng, từng là tư lệnh đặc khu thủ đô và quân khu III. Năm 1986 là tổng cục phó Tổng Cục Chính Trị. Mấy tháng sau, thay Chu Huy Mân làm tổng cục trưởng.

- Đàm Quang Trung, gốc người Tầy, năm 1979 là thiếu tướng tư lệnh quân khu I thay Chu Văn Tấn sau khi Chu Văn Tấn bị thanh trừng, năm 1982 được thăng trung tướng rồi phó chủ tịch quốc hội.

- Vũ Oanh, trước 1975, hoạt động tuyên vận ở miền Nam, từng phụ tá cho Lê Đức Thọ và Trần Xuân Bách trong đoàn B.68 ở Campuchia. Năm 1991 được đề cử vào bộ Chính Trị

- Nguyễn Khánh, chánh văn phòng T.Ư đảng thay Trần Xuân Bách. Nguyễn Khánh là người phụ trách đưa thư khuyến dụ từ chức của Lê Đức Thọ cho Trường Chinh và Phạm Văn Đồng. Năm 1987, ra làm phó thủ tướng kiêm tổng thư ký hội đồng bộ trưởng.

- Trần Quyết, trung tướng công an, từng là thứ trưởng Nội Vụ

- Trần Quốc Hương, năm 1982 trong ban thường vụ đảng ủy thành phố HCM. Năm 1983, phó bí thư thành ủy Hà Nội. 1986 làm tổng cục trưởng tổng cục du lịch. Cùng với Mai Chí Thọ, Trần Quốc Hương là người ra lệnh phá bỏ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở Sài Gòn.

- Phạm Thế Duyệt, người Thái Bình, từng là phó rồi chủ tịch công đoàn, sau cũng được vào bộ Chính Trị.

Sau khi Nguyễn Văn Linh lên làm tổng bí thư, Trần Độ được tái bổ nhiệm trưởng ban Văn Nghệ Trung Ương Đảng, nhưng khi làn sóng đổi mới văn hóa bắt đầu nổi lên, ảnh hưởng đến uy quyền tuỵệt đối của đảng thì những đảng viên cao cấp bị giao động, bộ Chính Trị sát nhập ban này vào Ban Tư Tưởng Văn Hóa do Trần Trọng Tân làm trưởng ban.

Tới 1988, Nguyễn Văn Linh thay đổi đường lối, Trần Độ lại bị mất chức và sau đó, bị khai trừ khỏi đảng cùng lúc với nhà văn Nguyên Ngọc, bí thư đảng đoàn của hội nhà văn cũng bị mất chức vì trong bản "Đề Dẫn" đọc ở hội nhà văn đã viết câu "người viết vẫn cứ viết mà không thật tin ở những điều mình viết ra".

Việc "đổi mới tư duy" đầu tiên của đại hội lần VI là quyết định bỏ câu "Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất" trong lời mở đầu Điều Lệ Đảng, đánh dấu thay đổi quan trọng về đường lối đối ngoại.

Vài ngày sau đại hội đảng, vào tháng 1-1987, ban chấp hành trung ương đảng lại họp hội nghị và đề cử nhân viên chính phủ. Lần này, Võ Chí Công được cử làm chủ tịch nhà nước, Phạm Hùng được cử làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng thay Phạm Văn Đồng.

Nội các Phạm Hùng gồm có 32 bộ trưởng, trong đó những bộ trưởng chính gồm có:

- Phó CT kiêm tổng thư ký HĐBT: Nguyễn Khánh

- Phó CT.HĐBT kiêm bộ trưởng Ngoại Thương: Đoàn Duy Thành. Trước là tỉnh ủy Hải Phòng, sau làm chủ tịch phòng Thương Mại. Năm 2006 viết cuốn hồi ký "Làm Người Là Khó, Làm Người Xã Hội Chủ Nghĩa Càng Khó Hơn" mà mục đích chính là chỉ trích Đỗ Mười, người đã chèn ép ông. Trong cuốn sách, Đoàn Duy Thành kể lại ông ta là người được Lê Duẩn cứu xét để cho làm tổng bí thư. Cuốn sách bị những người trong phe bảo thủ chỉ trích và giám đốc nhà xuất bản bị bộ Thông Tin Văn Hóa khiển trách.

- Bộ trưởng Quốc Phòng: Lê Đức Anh.

- Bộ trưởng Ngoại Giao: Nguyễn Cơ Thạch.

- Bộ trưởng Nội Vụ: Mai Chí Thọ.

- Chủ nhiệm UB Kế Hoạch Nhà Nước: Võ Văn Kiệt, phụ tá là Đậu Ngọc Xuân.

- Chủ nhiệm UB Hợp Tác Kinh Tế Văn Hóa với Ai Lao và Campuchia: Đặng Thí.(5)

- Chủ nhiệm UB Vật Giá: Phạm Văn Tiệm.

- Bộ trưởng Tài Chánh: Hoàng Quy.

-Tổng giám đốc Ngân Hàng NN: Lữ Minh Châu

- Bộ trưởng Vật Tư: Hoàng Đức Nghi.

- Bộ trưởng Xây Dựng: Phan ngọc Tường.

- Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải: Bùi Danh Lưu.

- Bộ trưởng Công Nghiệp Nhẹ: Vũ Tuấn.

- Bộ trưởng Văn Hóa: Trần Văn Phác.

- Bộ trưởng Thông Tin: Trần Hoàn (từng là trưởng ty văn hóa Huế sau 1975, tác giả bài Sơn Nữ Ca).

- Bộ trưởng Tư Pháp: Phan Hiền, từng là thứ trưởng ngoại giao.

- Bộ trưởng Y Tế: Đặng Hồi Xuân (vài năm sau, Đặng Hồi Xuân tử nạn máy bay khi sang Vọng Các họp một hội nghị về y tế).

- Đoàn Khuê được cử thay Lê Đức Anh làm tổng tham mưu trưởng.

- Nguyễn Quyết thay Chu Huy Mân làm chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội.

Tháng tư 1987, Việt Nam cho bầu cử quốc hội khóa 8 và sau khi Trần Độ từ chối, Nguyễn Đức Tâm, trưởng ban tổ chức đảng xếp đặt cho Lê Quang Đạo làm chủ tịch. Kỳ bầu cử này, ngoài cán bộ được chỉ định, đảng cộng sản cho vào quốc hội một số nhỏ những nhân vật cơ hội không phải đảng viên như Phan Khắc Từ, Thích Minh Châu, Lý Chánh Trung, bà Ngô Bá Thành, Nguyễn Xuân Oánh...

Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa được mời ứng cử nhưng từ chối. Sau 1975, dù được cử làm thứ trưởng y tế, bà đã nhiều lần, kể cả khi gặp Phạm Văn Đồng, xin ra khỏi đảng nhưng năm 1979 mới được chấp thuận với điều kiện bà chỉ được tiết lộ việc ra đảng vào 10 năm sau. Sau này, khi được hỏi về biến cố lịch sử nào trọng đại nhất trong 50 năm qua, bà trả lời là sự sụp đổ của bức tường Bá Linh, vì biến cố đó đã chấm dứt một "đại ảo tưởng" (chồng bà Hoa là Huỳnh Văn Nghi, đảng viên Cộng Sản Pháp nhưng không gia nhập đảng CSVN).

Ngoài bà Dương Quỳnh Hoa, những người thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũ như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Định... được sắp xếp cho làm phó chủ tịch nhà nước. Chức vụ này chỉ có hư danh, dành cho những người sắp bị loại. Bà Hoa đã từng nói thẳng với Nguyễn Hữu Thọ rằng họ chỉ là "hình nộm, mặt nạ hay vài món trang sức rẻ tiền" của chế độ.

Trong thời gian đầu đổi mới, CSVN chỉ có một chỗ dựa duy nhất là Nga Xô. Khi sắp xếp xong nội các, ngày 17-5-1987, Nguyễn Văn Linh bay sang Nga Xô để gặp Gorbachev. Gorbachev vạch rõ những kinh nghiệp về sự trì trệ của kinh tế xã hội chủ nghĩa, sự cần thiết phải giao thương với các nước tư bản và khuyến cáo Việt Nam nên giải quyết sớm vấn đề Campuchia ngõ hầu hòa hoãn được với Trung Quốc. Vì thế, từ Nga Xô trở về, ngày 23-5-1987, Nguyễn Văn Linh đã viết ngay loạt bài "Những việc cần làm ngay" đăng trên báo Nhân Dân hô hào "đổi mới tư duy". Ngày 26-5-1987, Linh họp Bộ Chính Trị thông báo về những khuyến cáo của Nga Xô.(6) Thời gian đó, trong bước đầu lấy lòng Trung Quốc, bộ ngoại giao đã làm tờ trình lên bộ Chính Trị xin bỏ câu nói "Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất" trong lời mở đầu của hiến pháp.

Sau phái đoàn của đảng do Nguyễn Văn Linh cầm đầu sang gặp Gorbachev, các phái đoàn chính phủ và quân đội lần lượt bay sang Nga Xô để học kinh nghiệm và xin ý kiến. Phái đoàn chính phủ do Phạm Hùng hướng dẫn sang Mạc Tư Khoa ngày 12-6-1987 và phái đoàn quân đội do Nguyễn Quyết, chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội, sang ngày 19-6-1987. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau đại hội VI, Việt Nam lại học tập khuôn mẫu của Nga Xô để thực hiện sự thay đổi.

Từ Nga Xô về, Nguyễn Văn Linh bắt đầu thi hành hàng loạt những biện pháp "đổi mới". Trước hết về kinh tế, được thấy rõ bản chất thiếu năng động và sự trì trệ của nền kinh tế Nga Xô, được thông báo về kết quả thảm hại của nó sau hơn sáu chục năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, và được chứng kiến sự phát triển kinh tế nhảy vọt của những nước lân bang, CSVN đành chấp nhận sự thất bại của hệ thống kinh tế tập trung và bắt đầu đưa ra những phương cách sửa đổi lại.

Dù cho những biện pháp tư nhân hóa và tản quyền kinh tế như vậy đi ngược lại với giáo điều Mác xít, họ vẫn muốn giữ ưu quyền độc tôn của đảng để gọi chính sách kinh tế của họ là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Tuy Nguyễn Văn Linh được coi như người đã khai sinh ra đổi mới, nhưng người tương đối dám thi hành những biện pháp cải cách táo bạo là Võ Văn Kiệt. Ông ta đã làm "ô dù" và chịu khó nghe theo ý kiến của những chuyên gia kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa trước kia còn ở lại như Nguyễn Xuân Oánh (7), Nguyễn Văn Hảo (8), Lâm Võ Hoàng, Phan Tường Vân... Loạt bài "Đêm Trước Đổi Mới" trên báo Thanh Niên đã viết về một số chuyên gia này như sau: "Ở TP.HCM cũng có một nhóm chuyên gia kinh tế như vậy thường được nhắc đến với cái tên nhóm "Thứ Sáu"... thành phần chủ yếu là các chuyên gia có hạng của miền Nam trước 1975. Người từ trại cải tạo về, người không thuộc diện cải tạo thì sống cảnh nửa thất nghiệp bên lề xã hội. Thế mà họ... đã được bí thư thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí lúc ấy trọng dụng như những "quân sư kinh tế". (9)

Dù mấy năm trước, Trường Chinh đã cho thành lập ở Hà Nội một nhóm tư vấn gồm những học giả Mác xít như Lê Xuân Tùng, Đào Xuân Sâm, Võ Đại Lược, Lê Văn Viện... để nghiên cứu đường lối cải cách kinh tế, nhưng khi tình trạng lạm phát 700% năm 1985 gây ra bởi tài năng kinh tế của Tố Hữu, Võ Văn Kiệt, khi đó là chủ nhiệm ủy ban Kế họach, đã phải triệu đám chuyên gia kinh tế miền Nam ra hỏi ý kiến. Chính báo Tuổi Trẻ cũng phải công nhận sự phá sản của lý thuyết kinh tế Mác xít : "Khi nền kinh tế và đời sống nhân dân đi đến chỗ cùng cực thì những quan điểm giáo điều, tả khuynh mới bộc lộ tính bất lực của nó". Trong loạt bài Đêm Trước Đổi Mới, tác giả kể lại là khi được hỏi ý kiến, nhóm chuyên gia này thẳng thắn phê bình chính sách kinh tế tập trung "chính sách tiền tệ của các nước kế họach hóa tập trung, trong đó có Việt Nam, là chống lạm phát bằng cách hạn chế đưa tiền ra lưu thông và chỉ tạo ra suy thoái kinh tế, làm kiệt quệ các lực lượng sản xuất. Thời ấy mà nói thế là to gan lắm nếu không có những cái "ô" trên đầu"... Nhóm chuyên gia đã đề nghị chính phủ tức khắc bãi bỏ các trạm kiểm soát kinh tế trên các trục lộ giao thông, thay vì ép hạ giá hàng hóa bán ra theo nhà nước qui định thì cho tăng giá hàng để khuyến khích sản xuất, cải tổ lại hệ thống ngân hàng và điều quan trọng là công bố cho dân biết chính phủ không bao giờ đổi tiền nữa. Do những khuyến cáo này, nhiều biện pháp cởi mở kinh tế được chính thức đưa ra, gồm có:

- Giải trừ tập thể hóa nông nghiệp

- Để cho các công ty quốc doanh được độc lập hơn

- Bãi bỏ các trạm thuế quan từ địa phương này sang địa phương khác

- Hoàn chỉnh luật đầu tư để các công ty ngoại quốc dễ dàng đem vốn vào Việt Nam đầu tư.

- Bãi bỏ độc quyền của nhà nước trong việc buôn bán với nước ngoài.

- Cho phép các công ty tư nhân thuê dùng mười nhân công trở xuống.

- Giải thể bớt những cơ quan và bộ máy hành chánh hoạch định kế hoạch kinh tế trung ương.

- Bớt đi 15 % nhân viên nhà nước.

- Trả lại một số những xí nghiệp ở miền Nam đã bị nhà nước tịch thu sau 1975 .

- Bỏ chế độ "bao cấp", theo đó công nhân viên ngoài lương bổng, tùy chức vụ được lãnh một số nhất định nhu yếu phẩm như gạo, đường, thịt, thuốc lá...

Nhờ có những biện pháp cởi mở, tình trạng lạm phát phi mã chấm dứt. Từ đó, nhiều người trong nhóm đã được mời vào tổ tư vấn cải cách kinh tế của Võ Văn Kiệt. (10) Ngoài ra, nhóm chuyên gia này cũng giúp ý kiến về cải tổ ngân hàng, thành lập những khu chế xuất, cải cách giá cả, lương tiền... Nhờ đó, trong những năm sau, công tác đổi mới kinh tế ở Việt Nam đã đạt được một số thành quả nhất định. Nhưng những góp ý đổi mới này không phải không gặp khó khăn với nhiều lãnh tụ trung ương khác ở Ngoài Hà Nội. Chẳng hạn khi họ đề nghị cải tổ ngân hàng và đặt ra chức thống đốc ngân hàng cho giống những nước khác thì cái tên đó bị chê là phong kiến. Một người trong nhóm "Thứ Sáu", Huỳnh Bửu Sơn kể lại với Henry Kamm trong cuốn Dragon Ascending về những cán bộ lãnh đạo Cộng sản "Họ bắt đầu từ một thế giới khác, khép kín. Con người chỉ được giáo dục theo một đường lối. Họ nói cùng ngôn ngữ, chia xẻ cùng lối suy nghĩ, và không biết được ở bên Ngoài, thế giới sinh họat ra sao. Họ nhìn thế giới đó với đôi mắt nghi ngờ và không có đủ kiến thức để phân tích nó một cách đúng đắn".

Sau khi đổi mới kinh tế, trong vòng 2, 3 năm sau, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục và phát triển. Nông dân không còn bị bó buộc lao động trong tập thể và phải bán gạo cho nhà nước với giá rẻ mạt nên đã gia tăng sản xuất. Vì thế, chỉ mấy năm sau, Việt Nam đã bắt đầu xuất cảng lúa gạo. Những cơ xưởng kỹ nghệ nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng cũng bộc phát. Nhờ vị trí thiên nhiên thuận lợi, dân trí cao, nhân công được tiếng là cần cù siêng năng nên dù có phần nào bị gò bó do cấm vận, những nhà đầu tư ngoại quốc bắt đầu đổ tiền vào đầu tư. Ngoài ra, những giếng dầu hỏa ngoài khơi đã khai thác được đồng thời với nhu cầu về dầu hỏa trên thế giới tăng lên nhanh chóng. Thêm vào đó, tiền bạc của người Việt hải ngoại gửi về mỗi năm hàng tỷ mỹ kim đã giúp cho kinh tế Việt Nam kể từ 1991 đã phát triển đều đặn từ 6 đến 8% mỗi năm trong liên tiếp 6, 7 năm.

Nhiều đảng viên cũng nhảy ra kinh doanh để làm giàu như Dương Văn Đầy, cựu sinh viên y khoa Sàigòn đang làm bí thư quận ủy quận I ra mở công ty du lịch, đầu tư trong những dịch vụ khách sạn, quán ăn, phòng trà, Nguyễn Hữu Định phó chủ tịch quận Phú Nhuận mở công ty nữ trang... Những cán bộ cao cấp hơn thì cho người nhà kinh doanh để mình đứng sau làm ô dù.

Tuy nông nghiệp và những xí nghiệp tư doanh đã đóng góp lớn lao cho việc hồi phục kinh tế, chính quyền cộng sản lúc nào cũng nhắm ưu tiên cho việc phát triển những công ty quốc doanh, dù đa số trong khoảng 6000 công ty quốc doanh này bị lỗ vốn.

Do việc phát triển nền kinh tế thị trường, một số luật lệ kinh doanh cần đặt ra. Đại hội VI của đảng cộng sản bắt đầu nhấn mạnh đến quan niệm "nhà nước pháp quyền" để điều hành kinh tế theo luật pháp, nhưng đại hội cũng vẫn xác nhận lại cái "pháp chế xã hội chủ nghĩa" có nghĩa là "đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" nhằm bảo vệ quyền lợi của Đảng.

Trước năm 1986, trong 8914 văn kiện luật pháp, chỉ có 62 đạo luật do quốc hội biểu quyết, số còn lại hoặc là chỉ thị, hoặc thông tư, hoặc nghị quyết do đảng hay chính phủ đưa ra. Họ giải thích luật pháp của họ như sau:"Luật pháp của chúng ta khác với luật pháp tư sản. Luật của chúng ta nhằm phát triển đất nước chúng ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi luật của các quốc gia tư sản là nhằm bảo vệ cho bọn tư bản".

Do sự mơ hồ của luật lệ, nếu có tranh chấp giữa xí nghiệp tư nhân và nhà nước, chắc chắn phía nhà nước sẽ thắng. Ngoài ra, nếu một xí nghiệp tư nhân làm mất lòng hay dám cạnh tranh với một công ty nhà nước, họ không những có thể bị truy tố về những vi phạm kinh tế mà còn có thể bị suy diễn sang thành tội chính trị, phá hoại quốc gia. Để chắc ăn, những công ty tư nhân thường phải dựa dẫm vào một vài cán bộ cao cấp nào đó làm "ô dù". Từ đó tham nhũng nảy sinh. Hệ thống cho vay tiền ngân hàng cũng thế. Một thư giới thiệu của cán bộ hay ủy viên cao cấp sẽ giúp cho việc vay tiền được dễ dàng.

Điển hình của việc đầu tư làm ăn ở Việt Nam là Nguyễn Trung Trực, một Việt kiều ở Úc về thành lập công ty Peregrine. Công ty này bắt đầu kinh doanh nhập cảng thuốc tây từ năm 1990. Vì có một công ty của nhà nước không chịu trả tiền, ông ta nhờ người quen bên vợ là bộ trưởng bộ công an Bùi Thiện Ngộ và vợ của phó thủ tướng Trần Đức Lương làm "ô dù" để can thiệp. Từ đó, trong thời gian Bùi Thiện Ngộ làm bộ trưởng, công ty của Nguyễn Trung Trực làm ăn rất phát đạt, được báo chí Nhà nước ca tụng là "một tư nhân nước Ngoài đầu tư thành công", nhưng đến năm 1996, khi Bùi Thiện Ngộ (phe của đảng) bị lọai ra khỏi bộ Chính Trị, thì Nguyễn Trung Trực bị "phe chính phủ" (của Võ Văn Kiệt ) đưa ra tòa về tội trốn thuế, mục đích chính là để Trần Đức Lương cũng bị mang tiếng (thật ra tất cả đều lả đảng viên, nhưng gọi là phe của đảng là những phần tử bảo thủ thường nắm các bộ Công an, Thông tin Văn hóa và Quốc phòng trong chính phủ).

Về phương diện văn hóa tư tưởng, mấy tháng sau ngày đại hội đảng, không khí đổi mới còn tưng bừng nhộn nhịp, trong hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987, trưởng ban văn hóa Trần Độ đã tổ chức để cho Nguyễn Văn Linh gặp gỡ khoảng gần 100 văn nghệ sĩ gồm có Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Nguyễn Khắc Viện... Trong buổi họp mặt, những văn nghệ sĩ đã phát biểu trung thực cảm nghĩ của họ và Nguyễn Văn Linh cũng tuyên bố "cởi trói" cho văn nghệ, đồng thời cũng nhắc nhở văn nghệ sĩ "đừng bao giờ uốn cong ngòi bút". Nghị quyết số 5 của bộ Chính Trị tháng 12 năm 1988 cũng đề ra những mục tiêu cởi mở tích cực: "Văn học, nghệ thuật góp phần tích cực cho cuộc đấu tranh để mở rộng và làm sâu sắc thêm qúa trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống đất nước, cổ vũ nhiệt tình cho công cuộc đổi mới, tích cực tham gia giải quyết việc giải phóng những tiềm năng của đất nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội do Nghị quyết của đại hội VI của Đảng đề ra". Dù giới văn nghệ nhân dịp này đã đưa ra những lời phê bình hay chỉ trích, Nguyễn Văn Linh vẫn vui vẻ bắt tay Nguyễn Khắc Viện, đón nhận bài tham luận của Dương Thu Hương.

Được nới lỏng sự kiểm soát, văn nghệ sĩ bắt đầu viết về những tệ nạn của xã hội và ngay cả của đảng, của chính quyền một cách táo bạo hơn.

Điển hình nhất là tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ. Tháng 9 năm 1988, dưới bút hiệu Hà Sĩ Phu, đưa ra bài tham luận "Dắt Tay Nhau Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ", nêu lên những sai lầm của chủ nghĩa cộng sản. Ông Nguyễn Xuân Tụ có bằng tiến sĩ sinh học, từng du học ở Tiệp Khắc và làm viện phó học viện khoa học Đà Lạt. Vì không chịu vào đảng, ông bị ép phải về hưu sớm. Trong bài tham luận, ông viết: "Ngày bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước thì cứu nước mưu hạnh phúc cho dân là mục đích chính, chủ nghĩa Mác Lê chỉ là phương tiện. Nhưng rồi dần dần lại phát sinh cái tín ngưỡng "dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa". Lạ như vậy đấy, chủ nghĩa với tư cách là con đường, là phương tiện thì nó là cái để ta dùng chứ sao lại là cái để ta thờ".

Từ đó, Hà Sĩ Phu liên tiếp bị bắt giữ, tra xét nhà cửa, tịch thu máy vi tính hay tài liệu.(11) Ngoài Hà Sĩ Phu có những đảng viên khác như Bùi Minh Quốc, từng là tổng biên tập báo Lang Bian cũng bất mãn. Năm 1988, ông đi một vòng khắp nước kêu gọi văn nghệ sĩ và trí thức đòi hỏi đảng cộng sản mở rộng tự do dân chủ và báo chí.(12) Trở về, ông bị mất chức và bị trục xuất khỏi đảng, sau đó liên tiếp bị bắt giữ. Một nhà văn khác là Vũ Huy Cương, từng bị ở tù nhiều năm, sau khi ra tù viết thư ủng hộ Trần Độ cũng bị công an bắt giữ.(13)

Cũng thời gian đó, một số cán bộ miền Nam bất mãn trước những biện pháp đàn áp nhân dân của chế độ nên đã cùng Nguyễn Hộ lập ra Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ. Sở dĩ gọi là Câu Lạc Bộ vì cộng sản không cho lập đảng hay hội đoàn không thuộc nhà nước.(14) Đảng Dân Chủ được đảng Cộng sản cử ông Hoàng Minh Chính đứng ra thành lập ngày 30-6-1944 để làm bù nhìn, dù đã an phận chịu sự kiểm soát của Mặt Trận Tổ Quốc cũng bị giải tán năm 1988, tổng thư ký của đảng này là Nghiêm Xuân Yêm tuyên bố là "đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử".

Nguyễn Hộ từng là đảng viên cộng sản từ 1937, phụ trách công tác địch vận từ năm 1964 đến 1975. Sau 1975 đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong vùng Sài Gòn. Tuy mới đầu, những đảng viên cựu cán bộ này chỉ muốn cải thiện đường lối cai trị của đảng cùng phẩm chất cán bộ, nhưng vì không một chính quyền cộng sản nào muốn có một đảng hay hiệp hội nào dù non yếu tồn tại song song với mình, nhất là trước cái gương của Công Đoàn Đoàn Kết bên Ba Lan, đã từng phát triển và rồi lấn át được đảng cộng sản, cho nên Câu Lạc Bộ của Nguyễn Hộ mới đầu còn bị cảnh cáo, sau đó bị gán cho là phản động, nhận tiền đế quốc. Tờ nội san Truyền Thống Kháng Chiến sau ba số thì bị đóng cửa.

Đồng thời đảng cho thành lập một hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam để cạnh tranh và phân hóa Câu Lạc Bộ. Những cán bộ tên tuổi của Câu Lạc Bộ bị mua chuộc, lôi kéo, trong đó, có Trần Văn Giàu, một trong những sáng lập viên của Câu Lạc Bộ, sau khi bỏ sang hội Cựu Chiến Sĩ được cho sang Pháp rong chơi nhiều tháng. Trần Văn Trà thì được thông gia là Võ Chí Công dụ sang cho làm phó chủ tịch của hội, còn Trần Bạch Đằng hy vọng sẽ được Nguyễn Văn Linh nâng đỡ cho làm chánh văn phòng nên cũng trở mặt. Cũng như các hội đoàn khác của nhà nước, hội cựu chiến sĩ này được đặt dưới quyền giám sát của Mặt Trận Tổ Quốc.

Những người đứng đầu Câu Lạc Bộ không chịu khuất phục như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu bị bắt giữ. Tạ Bá Tòng trước phụ trách trí vận dưới quyền Nguyễn Hộ, từng khuyến dụ thú y sĩ Phạm Văn Huyến và con gái của ông là Phạm Thị Thanh Vân (tức bà Ngô Bá Thành) vào MTGPMN... Thất vọng với chủ nghĩa cộng sản, Nguyễn Hộ đã viết "Tôi phải thú nhận là chúng tôi đã chọn lầm lý tưởng chủ nghĩa Cộng Sản. Bởi vì, trong suốt 60 năm cách mạng cộng sản, nhân dân VN đã phải gánh chịu biết bao hy sinh để chẳng được cái gì: đất nước vẫn nghèo, nhân dân vẫn không đủ ăn đủ mặc, không có tự do, không có dân chủ".

Tương tự như thế, chính quyền Việt Nam cũng lập ra một giáo hội Phật Giáo Việt Nam thuộc nhà nước, cạnh tranh với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đồng thời tìm cớ bắt giam hai vị cao tăng của giáo hội này là hai hòa thượng Huyền Quang và Quảng Độ. Để bịt miệng hòa thượng Quảng Độ, đã có lần Mai Chí Thọ dụ dỗ hòa thượng về trụ trì chùa Quán Sứ ở Hà Nội nhưng hòa thượng từ chối. Ngoài ra, họ cũng bắt luôn hai nhà Phật học thông thái là thượng tọa Trí Siêu và thượng tọa Tuệ Sĩ ở chùa Già Lam, rồi lên án tử hình ngày 30-9-1988 về tội "âm mưu lật đổ chính phủ". Trước sự phản đối của quốc tế, án tử hình sau đó giảm xuống còn 20 năm tù. Nhiều đại diện tôn gíáo khác như linh mục Nguyễn Văn Lý, ông Lê Quang Liêm (Hòa Hảo), Phạm Công Trí (Cao Đài) cũng bị bắt giữ.

Với Công Giáo, sự kiểm soát cũng rất ngặt nghèo. Các tu sĩ cao cấp khi họp Hội Đồng Giám Mục đều phải xin phép và báo cáo trước về nội dung buổi họp, ngoài ra còn phải đến chào các giới chức địa phương. Tại Sài Gòn, tổng giám mục Nguyễn Văn Bình bị những linh mục nằm vùng như Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh... bao vây chặt chẽ nên đã im lặng nhẫn nhịn nhiều năm. Thái độ thụ động này khác hẳn với tổng giám mục địa phận Huế là Nguyễn Kim Điền. Khi chính quyền bắt giữ các hòa thượng Quảng Độ, Huyền Quang.., tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Vì thế, khi ông bị bệnh qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy, thi hài được chuyển qua tòa tổng giám mục Sài Gòn để chờ an táng thì người đến viếng đều đau lòng khi thấy thi hài ông chỉ được nằm trên một cái cáng đặt dưới đất (15)

Ngoài những đàn áp tôn giáo, bác sĩ Nguyễn Đan Quế (16), từng bị bắt năm 1978 và bị tù 10 năm, lại bị bắt lại vì thành lập Cao Trào Nhân Bản. Bị đưa ra tòa ngày 29-4-1991, ông điềm tĩnh nói với chánh án là họ không có tư cách để xét xử ông. Khi công tố viên đọc bằng chứng là Tuyên Ngôn của Cao Trào, nhiều đoạn chỉ trích chính quyền bị sửa đổi, bác sĩ Quế đã liên tiếp chỉnh lại "Anh phải đọc cho đúng những gì tôi viết". Ông bị tòa nhanh chóng tuyên án 20 năm tù.

Hòa thượng Quảng Độ, bị đày ra ngoài Bắc từ 1982, mười năm sau, ông tự ý trở về Sài Gòn và liên tiếp bị xách nhiễu hoặc quản thúc tại gia.

Mấy năm sau, hòa thượng Thích Đôn Hậu, người được quân Bắc Việt đem ra Bắc năm 1968 làm dụng cụ tuyên truyền, viên tịch. Trước khi chết, hoà thượng Đôn Hậu gửi thư thông báo là đã công nhận hoà thượng Huyền Quang lên thay làm tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và không công nhận hội Phật Giáo nhà nước. Chính quyền tịch thu bức thư, nói đó là giả, không cho hòa thượng Huyền Quang dự đám tang. Thượng tọa Thích Trí Tựu, trụ trì ở chùa Linh Mụ, xác nhận thư đó là thật cũng bị chính quyền bắt và cùng các hòa thượng Hải Thanh, Hải Chánh ở tù tại Phủ Lý.

Có lẽ để gây khó khăn cho phe đổi mới, trong dịp này, công an bắt giữ thương gia Mỹ Michael Morrow, gán cho tội gián điệp rồi hai tháng sau trục xuất.

Về thông tin báo chí, sau một thời gian "cởi trói" ngắn ngủi, trước những biến cố bất lợi xảy ra ở Nga Xô và Đông Âu, đồng thời ở trong nước, có những dấu hiệu phản kháng và xúc phạm vào quyền uy tối thượng của đảng và các đảng viên cao cấp, Chẳng hạn bài phóng sự "Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì" của ký giả Phùng gia Lộc, viết về những hành động tàn ác thiếu tình người của những cán bộ tỉnh Thanh Hóa khi đi thu thuế dân nghèo. Bài báo đăng trên báo Văn Nghệ, đã được quần chúng hưởng ứng đến nỗi bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa là Hà Trường Hoa bị mất chức năm 1988. Vì thế, các nhà lãnh đạo, kể cả người hô hào cởi trói là Nguyễn Văn Linh, lại bắt đầu tìm cách trở lại chính sách "trói buộc".

Hơn nữa, một tháng sau khi Nguyễn Văn Linh đi Đông Âu gặp chủ tịch Lỗ Ma Ni Ceaucescu và tổng bí thư Đông Đức Honecker, vào khoảng cuối 1989, hai người này một người bị xử tử, một người bị bắt ngồi tù. Vì thế, đa số đảng viên cộng sản cao cấp, từ những ủy viên bộ Chính Trị đến những ủy viên trung ương đảng, sợ bị mất quyền lực và có thể bị truy tố nên tìm cách quay về con đường chuyên chính cũ, phục hồi những biện pháp đàn áp. Ngay cả Nguyễn Văn Linh, mới hai năm trước, còn niềm nở bắt tay Nguyễn Khắc Viện, nhận tham luận của Dương Thu Hương thì giờ đây, ông ta nói về Nguyễn Khắc Viện một cách khinh miệt "Con nhà địa chủ dám lên mặt dậy đời" hay về Dương Thu Hương "Con mẹ ranh muốn làm tổng thống".(17)

Trong một buổi họp của trung ương đảng, những biện pháp đổi mới bị phê bình là hữu khuynh. Thủ tướng lúc đó là Võ Văn Kiệt vừa mới tạm thời thay Phạm Hùng được vài tháng thì bị Nguyễn Văn Linh cùng trung ương đảng cộng sản buộc phải nhường chức cho một nhân vật bảo thủ hơn là Đỗ Mười.

Theo bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), một đại biểu quốc hội của thành phố Hồ Chí Minh, khi quốc hội bầu lại thủ tướng, chủ tọa đoàn của quốc hội đã ép các đảng viên phải bầu Đỗ Mười lên thay Phạm Hùng nhưng một phần ba đảng viên cãi lệnh mà bầu cho Võ Văn Kiệt. Bà Thi từng là giám đốc công ty Lương Thực TP.HCM. Trong những năm 1979, 1980, thành phố bị thiếu lương thực vì nông dân không chịu bán gạo với giá thu mua rẻ mạt của nhà nước, chính bà Thi đã dám "xé rào", cãi lệnh trung ương, xuống những tỉnh miền Tây mua gạo rồi về bán lại theo giá thị trường.

Trong nội bộ đảng, Trần Trọng Tân, một người từng theo Lê Đức Thọ phụ trách về tuyên huấn ở Campuchia được cử lên làm trưởng ban văn hóa tư tưởng của đảng để giám sát Trần Độ. Tại ủy ban trung ương đảng, Trần Độ là một trong số người hiếm hoi dám đưa ra những biện pháp cải cách. Cuối năm 1989, trong bản "Phác thảo cương lĩnh văn hóa Việt Nam những năm 1990", Trần Độ đưa ra những điểm rất tiến bộ như: "Văn hóa phải dựa trên cơ sở quan niệm đúng đắn về bản chất và chức năng thực sự của nghệ thuật như một tiếng nói bồi đắp lương tri và đạo đức cho xã hội. Thực hiện đầy đủ chính sách tự do sáng tạo, tự do phê bình".

Thấy được những quan điểm này "chệch đường lối", một số phần tử bảo thủ và cơ hội như Hà Xuân Trường báo cáo ngay lên cho Lê Đức Thọ. Trần Độ sau đó bị phê bình, mất chức. Hà Xuân Trường, người tố cáo, được cử lên thay.

Cũng trong tháng 12 năm 1989, đại hội các nhà văn được tổ chức tại Hà Nội. Tuy là đại hội của các nhà văn, nhưng đại hội lại được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Trần Trọng Tân, Nguyễn Đức Tâm và Đào Duy Tùng. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của Đỗ Mười, Lê Đức Thọ (lúc đó là cố vấn bộ Chính Trị) và trung tướng công an Dương Thông. Dương Thông đến để tố cáo có một số nhà văn nhận tiền để làm tay sai cho nước ngoài nhưng đã không nói rõ được là ai khi bị chất vấn. Tuy trong 330 nhà văn đảng viên, có 180 người (đa số là những nhà văn miền Nam, trừ những người như Trần Bạch Đằng), bỏ phiếu để bầu trực tiếp Nguyễn Quang Sáng làm chủ tịch Hội Nhà Văn, nhưng cũng có đến 150 người theo lệnh đảng mà muốn ban quản trị bầu một người mà đảng đã chọn lựa là Anh Đức. Tỷ số này cho thấy ngay trong giới cầm bút, một giới tương đối đầu óc phóng khóang, cũng có một số không ít những phần tử thủ cựu và sợ oai của đảng.

Nguyễn Quang Sáng đắc cử chủ tịch, nhưng ban quản trị Hội Nhà Văn vẫn gồm đa số là những người có trong danh sách đảng chỉ định. Đó có lẽ cũng là một thắng lợi chót của Hội Nhà Văn.

Những năm sau, chính quyền lại siết chặt quyền kiểm soát thông tin và văn nghệ. Các nhà văn như Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc...bị kiểm soát chặt chẽ hay bị bỏ tù. Dương Thu Hương là người đã viết về những nhũng lạm của chính quyền cộng sản một cách trực tiếp và can đảm nhất. Cuốn tiểu thuyết Những Thiên Đường Mù xuất bản năm 1988 mô tả một giai cấp mới, nhờ ưu quyền mà làm giàu qua tham nhũng hay biển thủ của công.(18)

Song song với những biện pháp cải tổ hệ thống kinh tế, sau đại hội VI, CSVN cũng phải bắt buộc thay đổi đường lối ngoại giao. Tháng 7-1987, hội nghị trung ương đảng họp và ra nghị quyết số 2 về ngoại giao gồm những điểm chính:

- tránh đụng chạm với quân đội Trung Quốc ở vùng biên giới và ở ngoài biển Đông.

- đặt kế hoạch rút quân ra khỏi Campuchia. Việt Nam đã thực hiện việc rút quân từ năm 1986, và cuộc rút quân dự trù hoàn tất vào cuối năm 1989. Song song với việc Việt Nam rút quân, Campuchia cũng chuyển hướng, đổi tên nước, sửa hiến pháp, tuyên bố là một nước trung lập và Phật giáo là quốc giáo. Đồng thời, Việt Nam chấm dứt việc gọi quan hệ ngoại giao với Ai Lao và Campuchia là những "quan hệ đặc biệt "...

- giảm bớt quân số để tiết kiệm ngân sách.

- bớt ngân sách quốc phòng.

Nghị quyết này dù đã từng bước thực hiện nhưng được giữ kín cho tới ngày 28-1-1990 thì báo Nhân Dân mới tiết lộ. Thi hành tinh thần của nghị quyết, bộ ngoại giao dưới quyền điều khiển của Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ, Phan Doãn Nam...đã hoàn thành một dự thảo về chính sách ngoại giao mới, được trình bày trong buổi họp bộ Chính Trị tháng 5-1988. Trong những bộ phận chính phủ, ngành ngoại giao là một ngành gồm những người có học, tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài nên đầu óc cấp tiến hơn. Trước kia, chiều hướng ngoại giao của CSVN là chỉ thân thiện với những nước cộng sản và thế giới theo quan niệm chật hẹp của họ cũng chỉ có hai phe, Cộng Sản hay Tư Bản theo mô hình "hai phe, bốn mâu thuẫn". Cộng sản là bạn, tư bản là địch. Bộ ngoại giao, dưới sự hướng dẫn của bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đổi mới "tư duy đối ngoại" bằng chủ trương "đa phương hóa và đa dạng hóa" đường lối ngoại giao để "phá thế bao vây" trong tình trạng cô lập do sự chiếm đóng Campuchia.

Khác với những ủy viên bộ Chính Trị khác, trong tập san "Quan Hệ Ngoại Giao" năm 1990, Nguyễn Cơ Thạch thẳng thắn công nhận đóng góp quan trọng của chủ nghĩa tư bản trong hai thế kỷ qua, xác nhận sự cần thiết phải hội nhập vào thị trường kinh tế thế giới và nhất là, công nhận sự sụp đổ của những nước xã hội chủ nghĩa khởi từ những nguyên nhân nội tại chứ không phải do âm mưu phá hoại của đế quốc.(19)

Vì bản dự thảo mà Nguyễn Cơ Thạch trình bày trong cuộc thảo luận của bộ Chính Trị tháng 5-1988 có nhiều điểm mới lạ nên đã gặp nhiều chống đối. Cuối cùng, sau những thảo luận gay gắt, bản dự thảo được thông qua ngày 20-5-1988, trở thành nghị quyết 13 của bộ Chính Trị về ngoại giao, trong đó đề ra chính sách đối với những đối tượng khác nhau:

- Nhanh chóng giải quyết vấn đề Campuchia.

- Phấn đấu sớm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

- Bình thường hóa và cải thiện quan hệ với các nước ASEAN.

- Khôi phục quan hệ với các nước phương Tây.

- Tranh thủ Mỹ đi vào bình thường hóa quan hệ.

- Củng cố, tăng cường quan hệ đồng minh, bạn bè.

Theo tinh thần nghị quyết do Nguyễn Cơ Thạch đưa ra, Việt Nam sẽ giải quyết dứt vấn đề Campuchia và hòa giải với Trung Quốc, nhưng đồng thời, phải có một quan hệ ngoại giao quân bình với các nước Asean, Hoa Kỳ và Tây Âu để không bị Trung Quốc chèn ép.

Trong chiều hướng này, song song với việc "cởi trói" văn nghệ, đổi mới kinh tế, và để lấy lòng Hoa Kỳ và các nước Tây phương, năm 1988, chính quyền Việt Nam công bố trả tự do cho 2474 tù nhân chính trị, giảm án hai tu sĩ Tuệ Sĩ và Trí Siêu từ tử hình xuống 20 năm tù. Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận cũng được trả tự do sau 13 năm tù đầy (tổng giám mục Thuận sau đó qua La Mã và được thăng chức Hồng Y). Hai năm 1987 và 1988 cũng là năm mà tổng thống Reagan của Hoa Kỳ lần đầu tiên gửi một sứ giả đặc biệt là tướng Versey sang Việt Nam hai lần để bàn thảo sơ bộ về những vấn đề giúp đỡ nhân đạo.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên do, sự thiết lập bang giao với Hoa Kỳ của Việt Nam đã bị chậm trễ thêm mấy năm. Dù nguyên nhân chính khiến ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch bị loại là vì áp lực của Trung Quốc, nhưng những phần tử bảo thủ trong bộ Chính Trị cũng qui lỗi cho Nguyễn Cơ Thạch là đã thất bại không thuyết phục được Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận dù cho Việt Nam đã rút hết quân đội ra khỏi Campuchia.

Hai năm đầu sau đại hội đảng lần thứ VI, khi sự đổi mới kinh tế còn đang được từ từ phát động, hậu quả của những biện pháp kinh tế cũ vẫn tồn tại nên nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, trong khi tiền viện trợ của Nga Xô và Đông Âu bị cắt giảm, mức sản xuất lương thực trì trệ, nạn thất nghiệp gia tăng, một phần do biện pháp cắt giảm quân số. Kinh tế càng khó khăn, tham nhũng càng phát triển, cùng lúc với sự lung lay của hệ thống xã hội chủ nghĩa toàn thế giới khiến những phần tử bảo thủ áp lực để sau khi Phạm Hùng chết năm 1988, Võ Văn Kiệt chỉ tạm thời nắm quyền thủ tướng được có mấy tháng thì trung ương đảng đã đề cử Đỗ Mười lên thay.

Trong giai đoạn khốn khó đó, Trung Quốc lại tăng thêm áp lực, khiêu khích ở vùng biển tranh chấp Trường Sa (ngày 14 và 16-3-1988), chiếm nhóm đảo Fiery Cross (Đá Chữ Thập) ở Trường Sa, đánh chìm hai tàu tuần của Việt Nam, 77 thủy thủ bị tử trận. Không một phản ứng quốc tế nào, (kể cả của Nga Xô, một nước từng ký hiệp ước liên minh quân sự với Việt Nam) ủng hộ Việt Nam trước biến cố đó và điều này càng cho thấy sự cô lập của Việt Nam.

Sau hai năm từng bước dò dẫm phát triển đổi mới trên mọi địa hạt, tình hình thế giới đã xảy ra nhiều biến cố khiến cho tiến trình đổi mới chính trị và xã hội tại Việt Nam bị ngưng trệ và đôi khi thoái bộ.

Trước hết, phong trào "đổi mới" Nga Xô không thuận lợi. Trong những phụ tá của Gorbachev, ngoại trừ ngoại trưởng Shevadnardze, những người khác không nhiệt tình lắm để cải tổ toàn diện kinh tế Nga Xô. Trong khi Ryzhkov được giao trọng trách cải tổ nông nghiệp còn làm được một số cải cách nhỏ thì đến phiên Ligachev, ông ta giữ nguyên tình trạng của những nông trường quốc doanh và mưu định hợp tác với phe bảo thủ để giành chức tổng bí thư với Gorbachev. Muốn loại trừ ảnh hưởng của Ligachev, Gorbachev chấn chỉnh và thu hẹp bớt trung ương đảng, đặt Medvedev thay Ligachev đặc trách ban tư tưởng đảng và nâng cao tầm quan trọng của quốc hội. Do đó, uy thế của đảng cộng sản yếu dần. Đồng thời, trong nội bộ đảng, một nhân vật cải cách triệt để hơn là Yeltsin, đang là bí thư thành ủy Moscow, xuất hiện khiến cho nội bộ đảng cộng sản Nga Xô càng thêm phân hóa. Cuộc bầu cử quốc hội tương đối tự do đầu tiên của Nga Xô được tổ chức vào tháng 3-1989 đưa đến kết quả thảm hại cho đảng cộng sản. Có đến 38 bí thư tỉnh ủy, trong đó có một ủy viên bộ Chính Trị không được bầu vào quốc hội là một đòn nặng cho đảng cộng sản Nga Xô và cũng là lý do chính cho những đảng viên CSVN, khiến họ sợ chế độ đa đảng và e ngại những phương cách bầu cử dân chủ.

Sự thoái bộ của đế quốc cộng sản Nga Xô không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng ở Đông Âu, Afghanistan, Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, chẳng hạn như ở Angola, Phi Châu. Trong cuộc nội chiến Angola, tuy Nga Xô không trực tiếp can thiệp, nhưng đã để cho Cuba, một nước cộng sản cực đoan khiến cho kinh tế gần như số không đang phải sống nhờ vào viện trợ dồi dào của Nga Xô, gửi quân sang giúp đỡ quân chính phủ. Đầu năm 1989, sau khi Gorbachev cắt giảm viện trợ cho Cuba, nước này phải rút quân về nước và hiện tại, thỉnh thoảng vẫn được Việt Nam gửi gạo sang cho.

Mấy tháng sau, tại Trung Quốc, ngày 3 và 4-6-1989, sinh viên nổi lên biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn, Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc đàn áp biểu tình một cách thô bạo, gây nhiều người chết, tạo nên căng thẳng ngoại giao với Hoa Kỳ và các nước Tây Âu. Sự tham gia đông đảo của mấy trăm ngàn sinh viên cùng sự ủng hộ của dân chúng đã khiến đảng CSVN lo sợ nên thấy phải ngưng chính sách "cởi trói" và thiết lập lại những biện pháp đàn áp chính trị. Tuy nhiên cũng nhờ sự lẻ loi của Trung Quốc sau biến cố Thiên An Môn mà Trung Quốc đã bớt khó khăn với Việt Nam và để cho CSVN cơ hội cầu hòa.

Những tháng cuối năm 1989 là những tháng ngày đánh dấu sự tan rã hoàn toàn của đế quốc cộng sản Nga Xô tại Đông Âu. Cùng ngày với biến cố Thiên An Môn ở Trung Quốc, tại Ba Lan, Công Đoàn Đoàn Kết do Lech Walesa lãnh đạo thắng cử vẻ vang. Lần đầu tiên sau 44 năm, một chính phủ Ba Lan không cộng sản được bầu lên cầm quyền một cách dân chủ. Theo một cựu viên chức bộ ngoại giao Hà Nội, ngày Lech Walesa tiếp nhận chính quyền vào tháng 9-1989 "ta định tổ chức các đoàn đại biểu nhân dân tới sứ quán Ba Lan ở Hà Nội để biểu thị đòi Ba Lan giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa. Khi bộ ngoại giao kiến nghị không nên thì có sự chỉ đạo để báo Nhân Dân có bài bình luận với đầu đề "Một Cuộc Đảo Chính Phản Cách Mạng". Bài báo này do Trần Trọng Tân, trưởng ban thông tin văn hóa đảng, viết. Tòa đại sứ Ba Lan cực lực phản đối chuyện này vì đã xâm phạm vào nội bộ nước họ. Sau đó Nguyễn Văn Linh phải xin lỗi với lý do "vì không nắm được tình hình Ba Lan".

Dù đã loan tin thất thiệt và làm trò cười cho dư luận thế giới, Trần Trọng Tân đã không bị sự trừng phạt hay khiển trách nào. Một chuyện tương tự lại tái diễn ba năm sau, vào ngày 19-8-1991, khi phe bảo thủ ở Nga Xô mưu toan đảo chánh, Thái Ninh, phó ban tư tưởng và văn hóa trung ương đảng vội vã loan báo với báo chí cho đó là một tin mừng cho phong trào cộng sản toàn thế giới. Chỉ ba ngày sau, cuộc đảo chánh thất bại. Cũng trong năm 1989, đảng cộng sản Hung đổi tên, Hung Gia Lợi không còn là quốc gia xã hội chủ nghĩa thuộc khối Đông Âu nữa mà trở nên một nước dân chủ, gia nhập khối Thị Trường Chung Âu Châu. Ngày 9-11-1989, bức tường Bá Linh bị sập đổ, nước Đức thống nhất, lãnh tụ Honecker bị bắt. Những chính phủ Husack của Tiệp Khắc, Ceauscescu của Lỗ Ma Ni sau đó cũng tiêu tan.

Những biến cố kể trên đã gây chấn động cho đảng CSVN. Nhất là sự kiện Honecker bị bắt, Ceauscescu bị xử tử khiến các lãnh tụ CSVN càng lo sợ và gây ra những tranh cãi gay gắt trong bộ Chính Trị. Một bên cho đó là do những mưu toan của chủ nghĩa đế quốc. Bên kia, do Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch chủ xướng, cho rằng nguyên nhân sự sụp đổ của khối cộng Đông Âu là do quản lý yếu kém và tư tưởng giáo điều gắn liền với một mô hình chủ nghĩa xã hội sai lầm. Người đứng đầu phe bảo thủ, trở lại quan niệm "hai phe, bốn mâu thuẫn" lại chính là Nguyễn Văn Linh.

Trong bản báo cáo đọc trước hội nghị trung ương đảng lần thứ 7 (khóa VI) vào tháng 8-1989, Nguyễn Văn Linh đã bắt đầu tìm cách trở lại uy quyền của chuyên chính vô sản: "Chừng nào chủ nghĩa đê quốc còn tồn tại, chừng nào chủ nghĩa xã hội chưa thắng lợi trên phạm vi trên toàn thế giới, thì chừng đó học thuyết của chủ nghĩa Lê nin vẫn giữ nguyên giá trị của nó".

Do sự chống đối của Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch, nghị quyết của hội nghị trên một mặt công nhận sự sụp đổ của khối cộng là do sai lầm chủ quan, duy ý chí của những nhà lãnh đạo, mặt khác vẫn đổ thừa cho sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc.

Tuy nhiên, phe cấp tiến để cải cách về ngoại giao và chính trị trong bộ Chính Trị chỉ có Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch, còn Võ Văn Kiệt chỉ hướng về đổi mới kinh tế. Do nguy cơ đảng có thể bị tan rã, đảng viên bị mất đi quyền lực, các đảng viên cao cấp có thể bị truy tố, đa số đảng viên đều nghiêng về khuynh hướng bảo thủ, nhất là những ủy viên bộ Chính Trị.

Từ đầu năm 1990, họ lại bắt đầu bắt giữ những phần tử khả nghi chống đối. Những người bị bắt ngoài nhóm thuộc Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu còn có bác sĩ Nguyễn Đan Quế và nhà văn Dương Thu Hương vì tội "chuyển tài liệu chống phá nhà nước Việt Nam và những tin tức thuộc bí mật quốc gia ra nước ngoài" (20). Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, sau khi đã ở tù 12 năm, thành lập Diễn Đàn Tự Do vào tháng 6-1989 cũng bị bắt và bị kết án cùng với những nhà thơ Vương Đức Lệ, Mai Trung Tĩnh (21), nhà báo Châu Sơn...Cùng bị bắt và kết án về những tội tương tự, còn có những ông Phạm Đức Khâm, Đoàn Thanh Liêm... Riêng bác sĩ Trần Thanh Thức bị kết tội gián điệp. Một nhà báo Campuchia tên Ly Thara viết báo ở Nam Vang chỉ trích chính quyền Hà Nội bị Campuchia bắt rồi giao cho Việt Nam để bị bỏ tù. Nhà văn Dương Thu Hương năm 1991 cũng bị ở tù 7 tháng.

Ngoài việc đàn áp các phong trào nhân dân, đảng cộng sản cũng thanh lọc những phần tử tiến bộ trong hàng ngũ lãnh đạo. Trong nội bộ đảng, những ủy viên bảo thủ như Đào Duy Tùng, Nguyễn Hà Phan với sự đồng tình của Đỗ Mười, Lê Đức Anh, đã cực lực lên án và cuối cùng loại Trần Xuân Bách ra khỏi bộ Chính Trị.

Trước đó, trong các ủy viên bộ Chính Trị, ngoại trừ Nguyễn Cơ Thạch, Trần Xuân Bách đã là người thấy cần phải đẩy mạnh đổi mới, cải cách triệt để hơn về chính trị. Sau khi bị khai trừ khỏi bộ Chính Trị và trung ương đảng, Trần Xuân Bách được Nguyễn Cơ Thạch kéo về làm cố vấn một thời gian ngắn cho đến khi Nguyễn Cơ Thạch cũng bị loại.

Từ 1990, trước nguy cơ bị sụp đổ sau những biến chuyển chính trị quan trọng tại Đông Âu, Trung Quốc và Nga Xô, bộ Chính Trị Cộng đảng Việt Nam họp ngày 10-4-1990 để thảo luận về tình hình thế giới và tìm đường lối đối phó.

Trong buổi họp, chỉ Nguyễn Cơ Thạch thấy sự sụp đổ của các chính phủ Đông Âu là do nguyên nhân tự phát, còn các ủy viên khác như Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên ... đều cho đó là do "âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ" bằng những thủ đoạn "diễn biến hòa bình" (học tập từ từ ngữ he ping yan bian mà Trung Hoa dùng sau vụ Thiên An Môn) và nhấn mạnh về nhu cầu cấp bách liên kết với Trung Quốc bằng mọi giá để bảo vệ chủ nghĩa xã hội.

Tuy Võ Chí Công đã khuyến cáo trong buổi họp bộ Chính Trị ngày 19-6-1990 là "Trung Quốc lấy lợi ích dân tộc của họ là chính, không phải theo lợi ích của chủ nghĩa xã hội. Họ khác ta. Dù ta có muốn hợp tác họ cũng không chịu đâu. Không nên ảo tưởng" và theo báo cáo của bộ ngoại giao ngày 30-1-1991 thì "việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trong mấy năm qua mang lại ít kết quả vì việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam nằm trong những tính toán chiến lược của Trung Quốc trong quan hệ của Trung Quốc với Mỹ, phương Tây, với ASEAN và trong việc giải quyết vấn đề Campuchia", nhưng theo Nguyễn Văn Linh, Trung Quốc dù "bành trướng" hay "bá quyền", vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa, và Việt Nam cần tìm cách hàn gắn lại tình đoàn kết thắm thiết với Trung Quốc nhằm hy vọng có ngày sẽ khôi phục lại phong trào cộng sản thế giới.

Quan điểm này được đa số ủy viên bộ Chính Trị như Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Phạm Hùng, Đồng Sĩ Nguyên, Đoàn Khuê, Nguyễn Đức Bình đồng tình.

Dù đã phải đối đầu trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và sau đó ở Trường Sa năm 1988, quân đội CSVN dưới quyền Lê Đức Anh đã là một khối bảo thủ mong muốn kết thân với Trung Quốc nhất và tuy chưa chính thức tái lập ngoại giao, quân đội đã vội vã xuất bản ngay cuốn tự điển Việt Hoa.

Trong tập san Quốc Phòng Toàn Dân, tướng Nguyễn Huy Hiệu, tư lệnh binh đoàn Quyết Thắng, nhấn mạnh việc quân đội hướng về một kẻ thù mới: "Bản chất của đế quốc không bao giờ thay đổi....Chúng âm mưu sử dụng "diễn biến hòa bình" trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, trong khi vẫn duy trì sức mạnh quân sự để đe dọa...".

Trong thời gian tranh cãi về quan niệm ngoại giao giữa hai phe trước đại hội VII, Việt Nam đã rút hết quân đội khỏi Campuchia, thực hiện bước đầu tiên trong tiến trình cầu hòa với Trung Quốc và tỏ thiện chí với cộng đồng thế giới.

Nghĩ rằng với tình trạng cô lập của Trung Quốc sau biến cố Thiên An Môn, Trung Quốc sẽ vì ý thức hệ mà đoàn kết với những quốc gia và thành phần cộng sản lẻ loi còn lại trên thế giới, trong đó dĩ nhiên có Việt Nam. Nhất là sau khi chính quyền cộng sản Nga Xô sụp đổ, Trung Quốc sẽ mặc nhiên được tiếp nhận vai trò đàn anh và lãnh đạo phong trào cộng sản để giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa.

Ngày 20-5-1990, trong cuộc họp của tổng bí thư ba nước CSVN, Ai Lao, Campuchia, Nguyễn Văn Linh tiết lộ một "kế hoạch đỏ" để làm căn bản cho giải pháp chính trị ở Campuchia. Kế hoạch này nhằm thành lập một chính phủ Campuchia chỉ gồm hai thành phần cộng sản, một là của Hun Sen do Việt Nam ủng hộ, thứ hai là của Khmer đỏ do Trung Quốc đỡ đầu, gạt ra ngoài hai thành phần không cộng sản - Sihanouk và Son Sann. Việt Nam tin rằng Trung Quốc trên căn bản "vô sản quốc tế đoàn kết" sẽ rất bằng lòng với kế hoạch này.

Trước đó, khi thứ trưởng ngoại giao Đinh Nho Liêm của Việt Nam sang Bắc Kinh tham dự một cuộc "trao đổi ý kiến không chính thức" với Trung Quốc, ngoại trưởng Tiền Kỳ Sâm của Trung Quốc cho biết sẽ cử trợ lý của ông ta là Từ Đôn Tín sang Việt Nam vào đầu tháng 6.

Các lãnh tụ đảng CSVN rất phấn khởi về tin này vì đây là lần đầu tiên mà Trung Quốc tỏ ý muốn hội đàm một cách chính thức và nghiêm chỉnh. Đa số ủy viên bộ Chính Trị đều hy vọng Trung Quốc sẽ thay Nga Xô đứng đầu phong trào cộng sản thế giới và đỡ đầu cho họ để bảo vệ những chế độ độc đảng. Vì thế, trước khi Từ Đôn Tín sang, Nguyễn Văn Linh đã gặp và nói chuyện với Trương Đức Duy, đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Ngày hôm sau, Lê Đức Anh, bộ trưởng quốc phòng, lại mời Trương Đức Duy ăn cơm. Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh, đều mong mỏi có sự hợp tác với Trung Quốc để "bảo vệ xã hội chủ nghĩa" và cũng nêu ra đề nghị "giải pháp đỏ" cho Campuchia. Đồng thời, tướng Vũ Xuân Vinh, cục trưởng cục đối ngoại của bộ quốc phòng Việt Nam cũng nói với Triệu Quốc Nhuệ, tùy viên quân sự của tòa đại sứ Trung Quốc là Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh sẽ tiếp Từ Đôn Tín. (22)

Dù Từ Đôn Tín chỉ là một viên chức ngoại giao hạng trung, nhưng được cả chủ tịch đảng lẫn chủ tịch nước tiếp đón là một sự kiện vượt quá nghi thức ngoại giao bình thường. Ngoài ra, sự tiếp đón này không thông qua bộ ngoại giao đã khiến cho Trung Quốc thấy ngay sự khép nép cầu cạnh của nhóm lãnh đạo CSVN và sự bất đồng ý kiến giữa bộ Chính Trị của đảng và bộ ngoại giao của chính phủ. Vì thế, trong buổi gặp mặt chính thức với bộ ngoại giao ngày 13-6-1990, Từ Đôn Tín đã cư xử như một sứ giả thiên triều, mở đầu buổi hội đàm bằng câu:"Lần này tôi sang Hà Nội chủ yếu là gặp các đồng chí Việt Nam về vấn đề Campuchia, đồng thời cũng xem xét nguyện vọng của những đồng chí...".

Thái độ dựa vào bộ Chính Trị của Việt Nam để át giọng bộ ngoại giao đã khiến Nguyễn Cơ Thạch nổi giận, to tiếng với Từ Đôn Tín, đưa đến kết quả là mấy tháng sau, Nguyễn Cơ Thạch bị mất chức. (23)

Trước hai phản ứng trái ngược, một là nhượng bộ vừa phải (của bộ Ngoại Giao Việt Nam) và hai là nhượng bộ tối đa đến như cầu cạnh (của bộ Chính Trị cộng đảng), Trung Quốc mấy tháng về sau chỉ nói chuyện thẳng với bộ Chính Trị, bỏ lơ bộ Ngoại giao và không đếm xỉa gì đến đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh. Vì những phần tử bảo thủ trong đảng CSVN như Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đỗ Mười... thấy cần đến sự hỗ trợ của cộng sản Trung Quốc một cách gần như tuyệt vọng, họ đã thông báo cho Trung Quốc là nên nói chuyện thẳng với ban đối ngoại trung ương đảng do Hồng Hà (khác với Lê Hồng Hà của bộ công an, đã về hưu), cùng phe với Lê Đức Anh phụ trách, mà không cần thông qua bộ Ngoại giao.

Năm sau, 1991, trong đại hội đảng lần VII, do áp lực của Trung Quốc, Nguyễn Cơ Thạch bị loại khỏi bộ Chính Trị và mất luôn chức bộ trưởng bộ Ngoại Giao.

Do sự đối kháng của bộ Ngoại Giao, cuộc gặp gỡ sơ khởi với Từ Đôn Tín đã không đem lại kết quả nào. Để tạo thêm áp lực, Trung Quốc còn công khai hóa đề nghị "hợp tác để bảo vệ chủ nghĩa xã hội" và "giải pháp đỏ" loại bỏ Sihanouk và Son Sann, của Việt Nam để làm lợi thế ngoại giao, khiến Tây phương, Hoa Kỳ và các nước ASEAN không còn tin vào thiện chí của Việt Nam trong chính sách "đổi mới" hay trong vấn đề Campuchia.

Tuy nhiên, thời gian đó, Trung Quốc cũng gặp khó khăn. Sau vụ Thiên An Môn, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Tây Âu đã thi hành biện pháp cấm vận kinh tế với Trung Quốc, gây trở ngại cho "bốn hiện đại" của họ, đồng thời chuyến đi thăm các nước ASEAN của Lý Bằng cũng không thuận lợi. Những nước này vẫn kiêng dè sức mạnh và tham vọng của Trung Quốc và họ muốn lôi kéo Việt Nam vào khối của họ để quân bình. Ở Campuchia, Hoa Kỳ đã không còn cùng Trung Quốc ủng hộ liên minh của Pol Pot, Son Sann và Sihanouk để chống Việt Nam nữa. Ngoài ra, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga Xô mỗi ngày một thân thiết hơn cho nên Trung Quốc thấy cần dễ dãi hơn với CSVN.

Ngày 29-8-1990, họ khảo nghiệm tầm mức qui phục của nhóm lãnh đạo CSVN bằng cách mời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cùng thủ tướng Đỗ Mười sang Thành Đô bí mật gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng ngày 3-9-1990. Sự kiện Trung Quốc chỉ mời những lãnh tụ của một nước trước có mấy ngày, bắt tổng bí thư đảng và thủ tướng chính phủ đi ngay trong ngày Quốc Khánh 2-9 của Việt Nam và cho gặp một cách lén lút tại thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên mà không phải thủ đô, đồng thời cũng không cho ngoại trưởng đi theo cho thấy thái độ trịch thượng của Trung Quốc, chèn ép Việt Nam trong tất cả ba phạm vi thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Chưa thỏa mãn, họ cho mời luôn "cố vấn tối cao" của chính phủ là Phạm Văn Đồng. Phạm Văn Đồng cũng đi theo phái đoàn, hy vọng là đúng theo nghi thức ngoại giao, Phạm Văn Đồng sẽ được gặp một nhân vật tương đương của Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình (Đặng Tiểu Bình đã chính thức rời mọi chức vụ năm 1989 sau vụ Thiên An Môn và cũng đang là cố vấn chính phủ). Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình đã không đến, không gọi điện thoại nói chuyện, cũng không thèm đá động gì đến chuyến đi của phái đoàn Việt Nam.

Ngay sau khi được Trung Quốc mời, bộ Chính Trị đảng CSVN họp để chuẩn bị. Các ủy viên cao cấp như Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh... rất phấn khởi vì đều mong muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc để bảo vệ xã hội chủ nghĩa và tất cả đều chủ trương nên hòa giải với Trung Quốc để giải quyết cho xong vấn đề Campuchia. Chỉ có Nguyễn Cơ Thạch khuyến cáo là nên đề phòng thái độ của Trung Quốc vì Trung Quốc sẽ đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của xã hội chủ nghĩa.

Dù Nguyễn Cơ Thạch đã khuyến cáo, nhưng khi tới Thành Đô, Nguyễn Văn Linh vẫn đưa ra vấn đề hợp tác của các nước xã hội chủ nghĩa và bị Giang Trạch Dân trả lời thẳng thừng:"Các đồng chí đến đây, cho đến nay các nước không ai biết, cũng không cho các bên Campuchia biết. Chúng tôi cảnh giác vấn đề này. Họ cho rằng Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc xã hội chủ nghĩa đều do đảng cộng sản lãnh đạo, họp với nhau bàn cái gì đây? Vì vậy, chúng tôi giữ kín chuyện này. Tình hình quốc tế hiện nay nếu để hai đảng cộng sản bắt tay nhau là sách lược không lợi cho chúng ta".

Trung Quốc đã không thể vì sự đoàn kết xã hội chủ nghĩa mà làm sứt mẻ mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ và các nước ASEAN.

Khi bàn về vấn đề Campuchia và sau khi đề nghị "giải pháp đỏ" bị Trung Quốc bác bỏ, Việt Nam dễ dàng chấp nhận hết những đề nghị của Trung Quốc để thành lập Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao Campuchia.

Đề nghị của Trung Quốc là công thức 6+2+2+2+1 có nghĩa hội đồng này gồm 13 người trong đó 6 người thuộc phe Hunsen, 2 người thuộc phe Ranaridhh (con của Sihanouk), 2 người thuộc phe Son Sann, 2 người thuộc phe Pol Pot, 1 là Sihanouk sẽ làm quốc trưởng.

Trước đó, Việt Nam đã đồng ý với phe Hun Sen về công thức 6+2+2+2, có nghĩa hội đồng chỉ gồm 12 người và Sihanouk sẽ là một người của phe Ranaridhh.

Giờ đây, vì quyền lợi sống còn của mình để kết thân với Trung Quốc, CSVN đành bỏ rơi quyền lợi của đồng minh Campuchia. Trong hội đàm Thành Đô, Trung Quốc không đả động đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao, và dù đòi hỏi Việt Nam phải giữ bí mật về cuộc hội đàm, một lần nữa, họ lại công khai hóa những điểm mà Việt Nam đã đưa ra ở Thành Đô cho các nước ASEAN, Tây phương và Hoa Kỳ thấy chủ ý chính của Việt Nam vẫn là mưu định bành trướng chủ nghĩa cộng sản.

Người bị mất mặt nhất trong cuộc hội đàm này là Phạm Văn Đồng. Đặng Tiểu Bình đã không đến gặp ông ta, cũng không thèm gửi lời giải thích hay chào mừng. Khi tham dự cuộc hội đàm, Phạm Văn Đồng cũng đồng tình với sự nhượng bộ của Nguyễn Văn Linh. Sau khi họp hội nghị trở về, trong buổi họp bộ Chính Trị để báo cáo và đánh giá về cuộc gặp mặt ở Thành Đô, Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Linh đổ lỗi cho nhau. Sau đó, Phạm Văn Đồng nói là bị Trung Quốc đánh lừa và than thở là đã "hớ và dại".

Tuy than như vậy, chính ông vào năm 1958 đã là người ký văn kiện chấp nhận biên giới lãnh hải của Trung Quốc bao gồm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Năm 1977, khi bị chất vấn về chuyện này, ông không nhận lỗi mà còn bào chữa:"Lúc đó trong thời chiến tranh nên tôi phải nói thế".

Phạm Văn Đồng cũng từng than không có quyền hành nhưng vẫn ở lì chức vụ thủ tướng mấy chục năm. Chuyện "ngậm miệng ăn tiền" của Phạm Văn Đồng không chỉ có thế. Trong cuốn Nhật Ký Trần Quỳnh, cựu trợ lý của Lê Duẩn kể lại là năm 1974, sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Phạm Văn Đồng dẫn đầu một phái đoàn sang Trung Quốc gồm có Nguyễn Duy Trinh và Trần Quỳnh xin viện trợ. Phái đoàn phải đi nhờ một máy bay của Trung Quốc. Trung Quốc đã dàn xếp để tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc ngày hôm đó đăng bài ca tụng chiến thắng Hoàng Sa của họ và cố ý để tờ báo này trên máy bay cho phái đoàn Việt Nam đọc. Hôm sau, gần đến giờ hai bên gặp nhau, Chu Ân Lai thông báo cho Việt Nam biết là ông ta hoãn cuộc tiếp kiến một giờ đồng hồ và khuyến cáo phái đoàn Việt Nam trong khi chờ đợi nên xem truyền hình.

Trong một giờ hoãn lại để phái đoàn Việt Nam ngồi chờ đó, truyền hình Trung Quốc chiếu cảnh một cô gái Trung Quốc ngâm thơ ca tụng chiến thắng Hoàng Sa của Trung Quốc. Chương trình đặc biệt này được thực hiện không phải để cho gần một tỷ khán giả Trung Quốc mà chỉ để dành riêng cho gần chục người của phái đoàn Bắc Việt, nhất là Phạm Văn Đồng, coi. Dù vậy, trong buổi họp chính thức với Trung Quốc chiều hôm đó, phái đoàn Phạm Văn Đồng đã không dám đá động gì đến vấn đề này. Thái độ này khác hẳn với lập trường của Tưởng Kinh Quốc ở Đài Loan, đã đặt quyền lợi quốc gia lên trên, nói là Trung Quốc (lục địa) hay Đài Loan chiếm Hoàng Sa thì vẫn là đất của Trung Quốc.

Một chuyện khác, người trợ lý nhiều năm của Phạm Văn Đồng là nhà thơ Việt Phương, sau khi theo Lê Thanh Nghị sang Âu Châu năm 1972, trở về làm tập thơ Cửa Mở và gọi xã hội ông đang sống là một "địa ngục khổng lồ không cửa sổ". Dù chỉ tự đánh máy tập thơ sao ra mấy chục bản gửi cho những người thân, Việt Phương vẫn bị một "bạn thân" tố cáo và bị bắt vào tù. Phạm Văn Đồng sợ liên lụy đã không dám can thiệp(24).

Mấy tháng sau cuộc gặp mặt ở Thành Đô, Việt Nam được Trung Quốc mời tham dự Á Vận Hội Bắc Kinh vào tháng 9-1990. Vì lúc đó Trung Quốc đang bị chỉ trích sau vụ đàn áp Thiên An Môn nên đã muốn tổ chức Á Vận Hội cho thật rầm rộ. Tòa đại sứ Trung Quốc cho người đề nghị với cục thể thao là sắp xếp để phái đoàn Việt Nam đi thật đông và Trung Quốc sẽ giúp phương tiện bằng cách thu xếp cho phái đoàn di chuyển bằng xe lửa. Do biết thái độ thân Trung Quốc của Lê Đức Anh nên Dương Nghiệp Chi, cục trưởng cục thể thao, không chuyển đề nghị này lên chính phủ cứu xét mà qua tay Nguyễn Chí Vịnh, đưa thẳng lên cho Lê Đức Anh để được hoan hỉ chấp thuận. Trên đường đi, Trung Quốc đã cho người ăn cắp tài liệu về an ninh của phái đoàn, nhưng phái đoàn không dám có lời phản kháng.(25) Người phụ trách an ninh cho phái đoàn là Khổng Minh Du, sau này trở nên cục trưởng cục A25 của bộ công an phụ trách kiểm soát báo chí.(26) Nguyễn Chí Vịnh nhờ thế lực Lê Đức Anh sau này cũng thăng chức, trở nên tổng cục trưởng tổng cục 2 tình báo.

Dịp tổ chức Á Vận Hội lại là một dịp mất mặt nữa cho Võ Nguyên Giáp. Đồng thời với phái đoàn thể thao, Trung Quốc mời một phái đoàn chính phủ sang tham quan. Lúc đó giữa hai nước chưa có quan hệ chính thức, thái độ thù hận vẫn chưa nguôi, cho nên người được Lê Đức Thọ cử đi Bắc Kinh trong công tác khó khăn này là Võ Nguyên Giáp. Khi tới Bắc Kinh, ông ta ngỏ ý muốn được gặp Dương Đắc Chí, người chỉ huy quân Trung Quốc trong trận chiến biên giới Việt - Hoa năm 1979 như một thiện chí hòa giải. Dương Đắc Chí đã từ chối một cách khinh miệt, công khai nói là mồ của binh sĩ Trung Quốc chết ở biên giới Việt - Hoa vẫn chưa xanh cỏ, ông ta không thể nào gặp những người lật lọng.

Theo tác giả Trần Nhu, Võ Nguyên Giáp bắt buộc phải nhận công tác mất mặt này vì bị Lê Đức Thọ dọa sẽ gây khó dễ hay nguy hiểm cho 3 người con đang du học ở nước ngoài (Võ Điện Biên ở Đông Đức, Võ Thị Hòa Bình ở Ba Lan, Võ Thị Hồng Anh ở Nga Xô).(27)

Sau khi từ Trung Quốc trở về, trong thời gian đảng Cộng sản chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ VII, Võ Nguyên Giáp lại bị một phe cánh của Lê Đức Thọ là Lê Đức Anh dùng cục 2 tình báo quân đội gài đặt trong vụ án được gọi là "vụ Sáu Sứ" khiến ảnh hưởng của Võ Nguyên Giáp trong quân đội kể từ lúc đó tiêu tan. Ông bị loại khỏi trung ương đảng và tham vọng muốn trở lại nắm quyền bị hoàn toàn dẹp bỏ.

Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ sáu năm 1986 được coi như đánh dấu một sự "đổi mới". Nếu phong trào cộng sản của Việt Nam bắt nguồn từ buổi "bình minh của nhân lọai", lúc Lê Nin lên cầm quyền ở Nga Xô năm 1917 thì gần 70 năm sau, buổi "hoàng hôn" của phong trào đó cũng bắt đầu xảy ra từ Nga Xô với Gorbachev. Nhờ có Gorbachev, Việt Nam mới phải "đổi mới hay là chết". Nhờ có Gorbachev, Nguyễn Văn Linh mới được làm tổng bí thư. Đổi mới chỉ là góp nhặt từ cởi mở và tái cấu trúc, còn đa phương và đa dạng hóa ngoại giao chỉ là hậu quả tất yếu của chính sách ngoại giao Thái Bình Dương mới của Nga Xô.

Nhờ giải trừ bớt những biện pháp cứng nhắc của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu khá hơn. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Nga Xô và Đông Âu đã khiến Nguyễn Văn Linh cùng đa số đảng viên cầm quyền Việt Nam lo sợ, chùn bước.

Hình như những nhà lãnh đạo CSVN lúc nào cũng cần có một hậu thuẫn ngoại bang nào đó để học tập nếu không muốn nói là sùng bái. Mất đi cái nôi của cách mạng tháng mười, họ quay về Đông phương hồng vì Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa, đúng ra là độc đảng. Kể từ 1989, về đối ngoại, họ muốn được kết thân với Trung Quốc bằng mọi giá để làm một chỗ dựa thay Nga Xô. Về đối nội, họ cóp nhặt mô hình cai trị của đảng cộng sản Trung Quốc, đàn áp dân chủ nhưng mở cửa kinh tế. Kết thúc khóa VI, đảng CSVN họp đại hội đảng lần thứ VII và sẽ loại bỏ Nguyễn Cơ Thạch, bầu lên Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt để thực hiện những điều này.

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG III

____________________________________

(1)- Mai Chí Thọ, tên thật Phan Đình Đồng, bí danh Năm Xuân, là em ruột của Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải) và Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh). Vấn đề giữ gìn dòng họ tổ tiên của cán bộ cộng sản Việt Nam hình như không được coi trọng, vì thế con của Lê Đức Thọ vẫn có tên là Lê Nam Tiến (sau này làm thứ trưởng bộ Bưu Điện).

(2)- Tài liệu về Trần Xuân Bách và B.68 là do ông Dương Văn Thương, một cán bộ từng phục vụ ở Campuchia cùng với Trần Xuân Bách. Ông Thương sau này tỵ nạn ở Đức.

(3)- Nguyễn Văn Linh thường nói muốn diệt tham nhũng "phải bắt hai vợ chồng nhà đó trước" (Võ Văn Kiệt và vợ là Phan Lương Cẩm). Một trong những vụ tham nhũng mà Võ Văn Kiệt bị tố cáo là đã thông đồng với bộ trưởng năng lượng Vũ Ngọc Hải trong công tác xây dựng đường cao tốc Bắc Nam. Vũ Ngọc Hải bị kết án 3 năm tù. Nhờ nhận hết tội trạng và không khai đồng bọn, khi Vũ Ngọc Hải ở trong tù, mỗi khi tết đến Võ Văn Kiệt đều vào thăm.

(4)- Vụ khai gian lý lịch của Lê Đức Anh: theo thư của Phạm Văn Xô gửi trung ương đảng. Lê Đức Anh khai gian để tăng tuổi đảng, vào đảng trước 1945 sẽ trở thành "lão thành cách mạng" và tự đặt mình vào giai cấp "công nhân", tiên tiến hơn là làm cai phu. Ngoài ra, Lê Đức Anh cũng bị tố lấy cớ vợ mình là con địa chủ nên bỏ để đi lấy con gái của chính ủy quân khu V dễ tiến thân hơn.

(5)- Đặng Thí, sau 1954, làm việc ở quân khu IV. Trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, theo chỉ thị của phái đoàn cố vấn Trung Quốc, cứ một tỉnh phải đạt chỉ tiêu là xử tử hai địa chủ. Nhưng tỉnh mà Đặng Thí phụ trách nghèo qúa, không có địa chủ, cấp dưới phải đôn 2 trung nông lên thành địa chủ trình cho Đặng Thí. Đặng Thí lúc đó đang đi ngoài đường, không cần cứu xét, ký giấy chấp thuận khai tử 2 người này ngay trên ghi đông xe đạp (tài liệu của cựu đại tá Bùi Tín).

(6)- Trong một bài Những việc cần làm ngay, Nguyễn Văn Linh có lần công kích những tòa đại sứ Việt Nam đã không chịu mua xe Nga Xô mà lại mua nhiều xe Toyota, Honda của Nhật khiến Nguyễn Cơ Thạch phải giải thích là ở các nước khác, việc bảo trì xe Nga Xô rất tốn kém và nhiều khi không có cơ phận thay thế. Nguyễn Văn Linh ký tắt là NVL (Nói và Làm) bắt chước Hồ Chí Minh ngày xưa ký XYZ.

(7)- Nguyễn Xuân Oánh, hồi nhỏ được phong trào Đông Du đưa qua Nhật, sau sang Hoa Kỳ, tốt nghiệp đại học Harvard. Về nước trước 1975, làm phó thủ tướng, rồi quyền thủ tướng một thời gian ngắn, quay sang làm ngân hàng. Sau 1975, ông ở tù khoảng 8 tháng. Nhà văn Uyên Thao, ở tù cùng nơi với ông, cho biết ông là người tù duy nhất có vợ là Thẩm Thúy Hằng được vào thăm. Có lẽ Thẩm Thúy Hằng có họ hàng với Võ Văn Kiệt nên Nguyễn Xuân Oánh được lãnh ra và làm tư vấn kinh tế cho Võ Văn Kiệt. Sau này, trước khi chết, ông mở một công ty tư vấn cho những công ty ngoại quốc muốn kinh doanh tại Việt Nam (N.X.Oanh Associates). Người hùn hạp với ông là Colby, cựu giám đốc CIA (tài liệu trong cuốn Dragon Ascending). Là cố vấn cho Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt, Nguyễn Xuân Oánh đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc "đổi mới", nhưng dĩ nhiên, vai trò của ông không được đem ra tuyên dương.

(8)- Nguyễn Văn Hảo, cựu phó thủ tướng đặc trách kinh tế trước 1975. Sau 1975, ông ở lại. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, người giữ chìa khóa ngân hàng Việt Nam trước 1975 viết trên báo Thanh Niên, khi quân cộng sản chiếm dinh Độc Lập, bắt tất cả mọi người tập trung ở đó. Lúc Trần Văn Trà cho gọi Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đi "làm việc" thì Nguyễn Văn Hảo năn nỉ xin đi theo, khoe là có công giữ được 16 tấn vàng. Có lẽ nhờ vậy Nguyễn Văn Hảo đã được dùng một thời gian. Tuy nhiên, thấy không được trọng dụng, ông ta xin xuất ngoại sang Thụy Sĩ. Với thái độ như thế, mấy năm đầu, Nguyễn Văn Hảo đã gặp khó khăn với chính phủ Mỹ khi muốn xin đoàn tụ với gia đình đang sống ở Texas. Những lãnh tụ cao cấp đảng CSVN đã làm gì với 16 tấn vàng kể trên không được ai biết đến.

(8)- Nhóm "Thứ Sáu", vì thường gặp mặt nhau vào ngày thứ sáu, gồm những người như Lâm Võ Hoàng (nguyên tổng giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương Tín), Phan Tường Vân (tốt nghiệp kinh tế ở Thụy Sĩ), Huỳnh Bửu Sơn (người giữ chìa khóa kho vàng ngân hàng quốc gia trước 1975), Phan Chánh Dưỡng... Phan Tường Vân về sau bị tố cáo tham nhũng nhưng được Phan Văn Khải che chở (theo David Lan Pham) còn Phan Chánh Dưỡng cùng Đậu Ngọc Xuân thành lập công ty xây dựng Tân Thuận làm giàu. Huỳnh Bửu Sơn được cử làm phó giám đốc ngân hàng Kỹ Thương rồi quay sang làm cho hãng Pepsi Cola. Võ Trần Chí, thay Nguyễn Văn Linh làm bí thư thành ủy năm 1986, tuy không tự mình kiếm tiền nhưng giúp người anh ruột làm giám đốc công ty đông lạnh Hùng Vương.

(10)- Đậu Ngọc Xuân, sau này rời chức vụ, với thế lực và quan hệ khi làm chủ nhiệm ủy ban đầu tư ngoại quốc, làm tổng giám đốc công ty xây dựng Tân Thuận, hợp tác với nhà tỷ phú Đài Loan Lawrence Ting trong những dự án lớn hàng tỷ mỹ kim như mở khu chế xuất Tân Thuận, xây khu đô thị Phú Mỹ Hưng và dĩ nhiên, kiếm được rất nhiều tiền. Lawrence Ting rất được nhà cầm quyển Việt Nam coi trọng, nhưng sau này ông ta đã nhảy lầu tự tử ở Đài Loan vì bị tố cao gian lận thuế. Sau khi ông chết, ở Việt Nam lập qũi học bổng Lawrence Ting.

(11)- Ngoài tài viết khảo luận chính trị, Hà Sĩ Phu cũng làm thơ: Nhân danh

An ninh khu vực

Yêu cầu các tâm hồn

Hãy mở cửa ra

Cho kiểm tra

Hành chính

Còn tim đen người kiểm tra thì được quyền đóng kín

Tối như bưng chẳng khai báo bao giờ.

(12)- Bùi Minh Quốc, một thi sĩ, từng là tổng biên tập tạp chí Lang Biang, sau đó bị khai trừ ra khỏi đảng và mất chức tổng biên tập. Sau khi mất chức, ông đi xe gắn máy khắp nước Việt Nam, nhất là đi kiểm tra việc Việt Nam nhường đất vùng biên giới. Trên đường đi, ông làm những câu thơ:

Một xe "81" với yên cương

Một áo blouson đẫm bụi đường

Rong ruổi với trời thu Việt Bắc

Bồi hồi mỗi dặm mỗi yêu thương.

(13)- Nhà làm phim Vũ Huy Cương, bạn của Vũ Thư Hiên, đã bị tù vì vụ án "xét lại". Xem Đêm Giữa Ban Ngày. Năm 1996, ông bị bắt lần nữa vì tội "photocopy" bức thư của Võ Văn Kiệt gửi trung ương đảng.

(14)- Ngay cả hai mươi năm sau, năm 2004, trước khi diễn đàn nhân dân Á Âu (Asia Europe People's Forum) họp tại Hà Nội, theo thông lệ, phái đoàn của các đoàn thể phi chính quyền (NGO) đến họp trước. Họ ngạc nhiên không thấy có một đoàn thể phi chính quyền nào ở Việt Nam. Những hội đoàn vô tội như hội Hướng Đạo (mà các cựu đoàn viên đều là đảng viên cao cấp như Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu), không được tái thành lập. Do tình trạng giáo dục tồi tệ ở Việt Nam, Hội Khuyến Học được dự định thành lập nhưng chi nhánh ở TP.HCM do ngay cả cựu đại tướng công an Mai Chí Thọ đứng đầu xin phép mấy năm vẫn chưa được cấp giấy phép.

(15)- Trích thư của linh mục Nguyễn Văn Lý.

(16)- Nguyễn Đan Quế là một bác sĩ từng du học ở Bỉ về chuyên khoa bệnh nội tiết, làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 1975, ông thành lập Cao Trào Nhân Bản, bị tù nhiều năm và khi được thả, luôn luôn bị làm khó dễ đủ chuyện nhưng ông vẫn bền gan tranh đấu. Nhà cầm quyền khuyến khích ông ra nước ngoài nhưng ông từ chối.

(17)- Trích Đổi Mới, Niềm Vui Chưa Trọn của Trần Độ.

(18)- Dương Thu Hương, tác giả những cuốn Những Thiên Đường Mù, Bên Kia Bờ Ảo Vọng ..., từng theo bộ đội vào Nam chiến đấu trước 1975. Bà là người bị cả một hệ thống thông tin văn hóa kết hợp với công an bỏ tù, làm khó dễ, bôi đen, lăng mạ, kể cả người phê bình văn học của nhà nước là Phan Cự Đệ. Tuy nhiên, bà vẫn giữ thái độ kiên cường, bất khuất. Sau này, bà sang định cư ở Pháp.

(19)- Trích Vietnam after 7th Party Congress của Tadashi Mio, phân khoa Quan Hệ Quốc Tế đại học Daito Bumka, Nhật.

(20)- Dương Thu Hương bị tố đưa"tài liệu", có lẽ là tác phẩm bị cấm in, cho bác sĩ Bùi Duy Tâm đem về Mỹ xuất bản. Bác sĩ Tâm bị bắt giữ rồi bị trục xuất về Mỹ. Bà Dương Thu Hương kể lại bác sĩ Tâm đã chi rất nhiều tiền cho Dương Thông.

(21)- Nhà thơ Vương Đức Lệ, kể lại ông bị bắt chỉ vì vô tình gặp ông Hoạt và ông Hoạt đưa cho ông một số tài liệu thì ông đọc, nhưng "vậy mà chúng nó nói tôi không phải tù chính trị. Vậy chúng nó bắt tôi vì tội gì?".Ông cũng nói nhà thơ Mai Trung Tĩnh, hoàn toàn không biết gì về việc của ông Đoàn Viết Hoạt hay tài liệu mà ông Vương Đức Lệ đọc, cũng bị bắt ở tù thêm mấy năm vì một tội khác, cái tội "là bạn thân" của Vương Đức Lệ, nhà nước bắt cho chắc ăn.

(22)- Hầu hết tài liệu về việc tái lập bang giao Việt - Hoa đều lấy trong cuốn Hồi Ức của cựu thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ. Để kiểm soát lẫn nhau, cán bộ cộng sản nào tiếp xúc với người nước ngoài cũng đều phải có một người khác bên cạnh (tốt hơn hết là công an) để có gì còn báo cáo.

Việc Lê Đức Anh gặp riêng Trương Đức Duy là trái với thông lệ (không có thông ngôn vì Trương Đức Duy nói rành tiếng Việt). Dù về sau có người phê bình nhưng đảng cộng sản cũng làm lơ.

(23)- Thái độ coi thường Việt Nam của Trung Quốc không phải ít xảy ra. Trong Đêm Giữa Ban Ngày, nhà văn Vũ Thư Hiên kể lại là khi Trần Huy Liệu sang thăm Trung Quốc và được gặp Mao Trạch Đông, báo Trung Quốc đã đăng hình Trần Huy Liệu với ghi chú "Chủ tịch Mao trạch Đông cho Trần Huy Liệu được bắt tay". Ngoài ra, trong thời kỳ tranh chấp Nga - Hoa, khi Hồ Chí Minh trên đường đi Nga, ghé qua Bắc Kinh, Mao Trạch Đông cũng để Hồ Chí Minh chờ vài tiếng đồng hồ mới tíếp.

(24)- Nhà thơ Việt Phương từng là vụ trưởng vụ tổng hợp phủ thủ tướng, rất thân cận với Phạm Văn Đồng. Đầu thập niên 1970, ông theo Lê Thanh Nghị sang Âu Châu, về nhà làm tập thơ Mở Cửa, trong đó có những câu:

Ta nhất quyết đồng hồ Nga Xô tốt hơn đồng hồ của Mỹ

Hình như đây là ý chí, niềm tin và tự hào

Mường tượng rằng trăng Trung Quốc

đẹp hơn trăng nước Mỹ

Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời nhưng ngờ nghệch làm sao

Năm xưa ta vô tình tô thắm cuộc đời để mà tin

Nay đã tin mà không cần tô thắm gì nữa cả

Quen thuộc rồi mối bất ngờ kỳ lạ

Ta đã trả giá rất đau và đã học nhìn.

Thật ra không riêng Phạm Văn Đồng ngậm miệng thủ thân. Trước thế lực của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp cũng ngậm miệng khi làm bộ trưởng quốc phòng mà các thuộc cấp (như cục trưởng tác chiến, quân báo...) bị bắt oan. Ngay cả Hồ Chí Minh, khi bí thư cũ của ông là Vũ Đình Huỳnh bị bỏ tù oan ức trong vụ án xét lại, ông ta vẫn làm lơ, không can thiệp

.

(25)- Trích trong hồi ký của Dương Nghiệp Chi đăng trên báo Khánh Hòa (www.timtatca.com, key word: Nguyen Chi Vinh)

(26)- Khổng Minh Du, sau lên thiếu tướng, cục trưởng cục cảnh sát A25 phụ trách kiểm soát báo chí, cũng đã in thơ. Cuốn thơ được giải nhất văn nghệ của...Bộ Công An, trong đó có những câu: "Có một thời như thế. Xếp hàng mua bia hơi. Đổ vào chai ngâm bể. Chờ đón bạn xa về".

(27)- Con gái Lê Duẩn là Lê Vũ Anh du học Nga, cãi lời cha ở lại lấy ông thày người Nga tên Marlov, sau đó bị tai nạn xe cộ. Người ta đồn cái chết này do Lê Đức Thọ ra lệnh để giữ uy tín cho lãnh tụ, giống như Lê Đức Thọ đã cho giết Nông Thị Xuân.

CHƯƠNG IV

Chính quyền Cộng Sản Việt Nam sau đại hội Đảng lần thứ VII (1991-1996)

Giữa năm 1991,1176 đại biểu CSVN họp đại hội lần thứ VII để tìm biện pháp đối phó với sự thay đổi nhanh chóng. Sự sụp đổ của chính phủ Nga Xô và khối Đông Âu đã đặt CSVN trước tình trạng khó xử. Họ nhận thấy những biện pháp kinh tế cởi mở thi hành từ 1986 đã phần nào giúp phục hồi nền kinh tế bị lạc hậu do hệ thống kinh tế tập thể hóa áp dụng mấy chục năm qua. Nhưng họ cũng nhận thấy nếu cứ tiếp tục chính sách đổi mới theo Nga Xô sẽ có nguy cơ quyền lực bị tan rã. Vì thế, những lãnh tụ CSVN thấy cần phải cầu hòa và nương tựa vào Trung Quốc.

Trước hết, vì Trung Quốc là quốc gia cộng sản hiếm hoi còn sót lại. Thứ hai, đó là một nước đàn áp tự do dân chủ nhưng vẫn đạt những thành quả kinh tế. Thứ ba, trong hoàn cảnh bị cô lập, sẽ không có ai giúp Việt Nam nếu xảy ra tranh chấp với Trung Quốc.

Bộ Chính Trị mới được bầu năm 1991 gồm có:

1. Đỗ Mười, tổng bí thư. Tên thật Nguyễn Cống, trong chiến tranh Đông Dương I hoạt động tại vùng Hải Phòng, sau đó lần lượt là chính ủy quân khu tả ngạn sông Hồng, trưởng ban cải tạo công thương nghiệp miền Bắc, bộ trưởng bộ xây dựng rồi trưởng ban cải tạo công thương nghiệp miền Nam.

2. Lê Đức Anh kiêm chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước

3. Võ Văn Kiệt kiêm chủ tịch HĐ Bộ Trưởng.

4. Đoàn Khuê, kiêm bộ trưởng Quốc Phòng

5. Đào Duy Tùng, trưởng ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương Đảng, thường trực Ban Bí Thư.

6. Vũ Oanh, phụ trách địch vận trong chiến tranh Đông Dương II. Sau 1979, qua Campuchia phụ tá cho Lê Đức Thọ và Trần Xuân Bách trong đoàn B.68. Khi ở bộ Chính Trị, có lẽ được giao trách nhiệm về tôn giáo nên đã có nói chuyện và viết nhiều bài về chính sách đối với Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo.

7. Lê Phước Thọ, vào Ban Bí Thư năm 1986, sau thay Nguyễn Đức Tâm làm trưởng ban Tổ Chức Đảng.

8. Phan Văn Khải, sinh tại Củ Chi năm 1923, sau 1954 tập kết ra Bắc rồi du học Nga Xô. Trở về phục vụ tại ủy ban Kế Hoạch Nhà Nước. 1972 vào Nam tham dự chiến tranh Đông Dương II. Sau 1975, phục vụ tại Sài Gòn. Năm 1985 là phó bí thư thành ủy TP.HCM và được vào trung ương đảng. Năm 1989 bắt đầu làm chủ nhiệm ủy ban KHNN trước khi được vào bộ Chính Trị.

9. Bùi Thiện Ngộ, bộ trưởng Công An, từng là trưởng ty CA Vũng Tàu, giám đốc CA.TP.HCM.

10. Nông Đức Mạnh, từng là bí thư tỉnh Bắc Thái.

11.Phạm Thế Duyệt, cùng Vũ Oanh, Lê Phước Thọ được đề cử vào ban bí thư 1986. Phạm Thế Duyệt trước là giám đốc mỏ than Quảng Ninh, chủ tịch công đoàn, sau thăng bí thư thành ủy Hà Nội rồi ủy viên bộ Chính Trị, cuối cùng là chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc.

12. Nguyễn Đức Bình, giám đốc trường đảng từ 1985, rất giáo điều. Sau khi Việt Nam liên lạc với Trung Quốc, được Lê Khả Phiêu cử qua Trung Quốc để cùng các lý thuyết gia Trung Quốc nghiên cứu cách diễn dịch chủ nghĩa Mác theo khía cạnh "kinh tế thị trường"

13. Võ Trần Chí, bí thư thành ủy TP.HCM thay Nguyễn Văn Linh từ 1986. Trước 1975 là bí thư tỉnh Long An.

Đa số thành phần bộ Chính Trị kể trên đều thuộc khuynh hướng bảo thủ, trong đó có hai khối bảo thủ nhất là quân đội và công an.

Sau khi Nga Xô và Đông Âu sụp đổ, không còn viện trợ, Việt Nam phải rút quân từ Campuchia về và nửa triệu quân nhân bị phục viên. Hầu hết những người này lâm cảnh thất nghiệp, đói kém vì những biến động chính trị ở Đông Âu và chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, không còn được "xuất khẩu lao động" đi ra nước ngoài để làm việc kiếm tiền nữa. Đời sống quân nhân tại ngũ cũng không khá hơn. Khẩu phần ăn hàng ngày bị giảm bớt, ngân sách trang bị và huấn luyện cũng giảm thiểu. Tướng Đàm Văn Ngụy, tư lệnh quân khu I viết lại là có những tháng, tổng cục hậu cần của quân đội đã không phân phối được lương thực cho binh sĩ. Hơn nữa, trong bước đầu của đổi mới kinh tế, khi các đơn vị mua lương thực, họ phải trả theo giá thị trường nên phần ăn càng ít đi, gây nên sự bất mãn của quân đội với đổi mới.

Vì thế, khi vai trò của quân đội được tăng cường trong trung ương đảng và bộ Chính Trị, những phần tử này cùng đại diện của công an đã trở nên một khối bảo thủ vững chắc, chống lại các biện pháp cởi mở.

Tuy nhiên, nhờ có các biện pháp cải cách kinh tế, đời sống người dân tương đối khá hơn trước nên tất cả ủy viên, Ngay cả những người bảo thủ giáo điều nhất như Đào Duy Tùng, Đoàn Khuê, Phạm Thế Duyệt... người nào cũng tuyên bố ủng hộ "đổi mới". Trong diễn văn tại đại hội đảng, Đỗ Mười gián tiếp công nhận sự thất bại của chính sách kinh tế chỉ huy trước đó khi kêu gọi thế giới giúp đỡ Việt Nam ra khỏi tình trạng "nghèo đói và lạc hậu". Nguyễn Văn Linh tuy đã ngả về phe bảo thủ nhưng vẫn bị loại vì bị coi như đã phạm lỗi lầm khi đưa ra vài biện pháp chính trị cởi mở lúc ban đầu.

Trong dịp đại hội lần thứ VII này đã xảy ra tranh chấp giữa Lê Đức Anh và Võ Nguyên Giáp.

Vì uy tín của Võ Nguyên Giáp vẫn còn trong quân đội, gặp hoàn cảnh khủng hoảng ý thức hệ, Võ Nguyên Giáp được một số đại biểu quân đội dự định đưa ra để cứu vãn uy tín của đảng. Thời gian này, Lê Duẩn đã chết, Lê Đức Thọ đã hết thực quyền nên Võ Nguyên Giáp có rất nhiều hy vọng được quân đội ủng hộ.

Lê Đức Anh sợ mất địa vị nên đã sử dụng cục Quân Báo (cục 2) của bộ Quốc Phòng tạo ra một bản báo cáo nhan đề "Tình Hình Hoạt Động Bè Phái Trong Đảng", dùng uy thế của mình cùng Nguyễn Đức Tâm để lấy danh nghĩa bộ Chính Trị phổ biến cho các đại biểu quân đội nhằm triệt hạ uy tín Võ Nguyên Giáp.

Bản báo cáo kể lại có hai đảng viên CS miền Nam (Hồ Văn Châu hay Năm Châu, một sĩ quan về hưu trong hội Cựu Chiến Sĩ, và Nguyễn Thị Sứ hay Sáu Sứ, trong hội Phụ Nữ Cứu Quốc) cùng một số đảng viên khác ra Hà Nội vận động cho Võ Nguyên Giáp làm tổng bí thư, từ đó Trần Văn Trà sẽ làm bộ trưởng Quốc Phòng, Trần Văn Danh (từng là tư lệnh phó quân khu VII cho Trần Văn Trà) sẽ làm bộ trưởng Công An. Cùng bị tố trong âm mưu này có Hà Kế Tấn (nguyên bộ trưởng bộ Thủy Lợi), Nguyễn Thanh Quảng (nguyên thư ký của Võ Nguyên Giáp sau làm phó bí thư thành ủy Hà Nội), Lê Hoàng (biệt danh Hoàng kè hay Hoàng mắt lửa vì mắt lúc nào cũng đỏ, bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên). Những ủy viên trung ương đảng được nghe chứng cớ là các băng ghi âm ngụy tạo của cục 2. Võ Nguyên Giáp tuy mất chân trong bộ Chính Trị nhưng vẫn được tham dự đại hội, nên khi được lên tiếng, ông phủ nhận mọi lời tố cáo. Ông còn cho biết đã bị Lê Đức Thọ chèn ép trong đại hội VI năm 1986.

Trong thư gửi trung ương đảng để phân trần, Võ Nguyên Giáp vẫn nuôi tham vọng trở lại chính trường nên ngoài việc phủ nhận vụ Sáu Sứ, ông tự thấy mình "còn khả năng, nhất là về lý luận và chiến lược" và "tự xác định là không nên tự mình xin rút" (về hưu). Để lấy lòng phe bảo thủ, Võ Nguyên Giáp khoe mình đã nhiều lần "nghiên cứu với Đỗ Mười", "trao đổi với Đào Duy Tùng", "khuyên Trần Văn Trà nên hòa thuận với Lê Đức Anh", cũng như "không tiết lộ bất hòa giữa Hồ Chí Minh và Trần Phú" vì có thể làm xấu mặt đảng (1) Võ Nguyên Giáp còn cẩn thận không bao giờ lên tiếng bào chữa hay bênh vực cho các cộng sự thân tín từng bị ở tù oan ức trong vụ án xét lại hơn ba chục năm trước, sợ làm mất uy tín đảng và mất cơ hội tiến thân.

Tuy nhiên, lúc đó Lê Đức Anh đã củng cố được địa vị, nên trong đại hội đảng lần thứ VII, Võ Nguyên Giáp không được cử giữ một chức vụ gì và sau đó còn bị Lê Đức Anh cùng phe cánh loại trừ luôn ra khỏi trung ương đảng. Vì bị chèn ép như thế, kể từ đại hội VII cho đến hơn mười năm sau, hầu như lần đại hội đảng nào Võ Nguyên Giáp cũng gửi thư khiếu nại cho trung ương đảng. Phần vì uy thế Lê Đức Anh vẫn còn, phần khác vì các đầu não của đảng không muốn phanh phui những xấu xa nội bộ nên đại hội nào cũng tìm cách trì hoãn, nói là đại hội sau sẽ giải quyết, và cuối cùng đến đại hội X thì bị cho đó là "những vấn đề lịch sử, quá cũ".

Để thẳng tay triệt hạ uy tín Võ Nguyên Giáp, mấy năm sau, Lê Đức Anh còn cho một người thân tín là Đặng Đình Loan (2) viết cuốn Đường Thời Đại, dày hơn một ngàn trang, mục tiêu chính là kể xấu Võ Nguyên Giáp và đề cao Lê Đức Anh. Cuốn sách được vây cánh của Lê Đức Anh là Trần Hoàn, bộ trưởng Thông Tin cùng Lê Khả Phiêu, chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị tài trợ và tướng Đoàn Chương, em ruột Đoàn Khuê, đang là giám đốc nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân in, phát hành, quảng cáo và phổ biến rộng rãi trong quân đội.(3)

Lê Đức Anh còn cho thực hiện một phim tài liệu về đời của mình để chiếu trên truyền hình, trong đó đưa ra một nhân chứng xác nhận Lê Đức Anh đã đỗ tú tài và vào đảng năm 1938. Nhân chứng này là anh ruột ông ta.

Đồng thời, cuốn Những Kỷ Niệm Về Lê Duẩn của Trần Quỳnh cũng được tung ra. Trần Quỳnh là cựu trợ lý của Lê Duẩn và từng được Lê Duẩn cất nhắc làm phó thủ tướng. Trần Quỳnh kể lại trong buổi họp bộ Chính Trị về vụ án xét lại, Võ Nguyên Giáp đúng ra đã bị loại nhưng được Lê Duẩn can thiệp giữ lại vì thời gian đó Việt Nam đang cần viện trợ của Nga Xô. Vì thế mà Võ Nguyên Giáp rất sợ Lê Duẩn. Trong cuốn sách, Trần Quỳnh đã ca ngợi "bộ Chính Trị là những người con ưu tú nhất và đáng kính nhất của dân tộc", nhưng nội dung cuốn sách lại chê bai hầu hết những "người con ưu tú nhất" này, chẳng hạn Võ Nguyên Giáp hèn, Lê Đức Thọ nham hiểm, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh đón gió, Hoàng Văn Hoan bội phản...Thái độ đón gió của Trường Chinh được kể lại là trong buổi họp bộ Chính Trị để kết tội Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh mượn gió bẻ măng, tố cáo là có một lần đến nhà Võ Nguyên Giáp chơi, thấy Giáp vẫn còn để lá thư của Marty trên bàn và Trường Chinh đọc lén được mấy chữ "Các con Giáp và Mai thân yêu" - Mes chers fils Giap et Mai. Mai là Đặng Thái Mai, sau này là bố vợ Võ Nguyên Giáp và là người đã lấy vợ của triết gia Trần Đức Thảo.

Ngoài ra, một lá thư nặc danh khác cũng được phổ biến, lá thư nhan đề "Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Anh Văn Của Chúng Ta", gán cho Võ Nguyên Giáp 7 tội, trong đó có tội quan hệ tình ái lăng nhăng với vợ của nhà văn Đào Vũ khi bà này đến dạy nhạc tại nhà cho con của Võ Nguyên Giáp cũng được gửi đi khắp nơi.

Phe ủng hộ Võ Nguyên Giáp phản công, tung một lá thư tố cáo Lê Duẩn hai, ba vợ lạm dụng quyền thế, Lê Đức Thọ hiểm độc, Lê Đức Anh ngoài sự khai man lý lịch còn hành hạ công nhân khi làm cai phu, Phạm Hùng là tình nhân của Trần Thị Trung Chiến, Võ Chí Công là bố vợ của Thân Trọng Hiếu, người đã biển thủ hơn 40 triệu.

Do sự "cởi trói" phần nào cho báo chí từ mấy năm trước, những bất mãn của nhân dân được phơi bày, một số lạm dụng của đảng viên cao cấp bị tố cáo, ưu quyền của giai cấp cầm quyền mới bị đe dọa, đồng thời cuộc sống kinh tế của quân đội cũng như bộ đội phục viên bị khó khăn, khối đảng viên bảo thủ đã qui trách nhiệm cho Nguyễn Văn Linh và loại ông này khỏi chức tổng bí thư, dù hai năm cuối của nhiệm kỳ, Nguyễn Văn Linh đã cố gắng xoa dịu họ bằng cách đưa ra những biện pháp kiểm soát cứng rắn, chẳng hạn như loại bỏ tướng Trần Độ, bắt giữ những người đòi hỏi tự do dân chủ như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, bác sĩ Nguyễn Đan Quế...

Nguyễn Cơ Thạch cũng bị loại khỏi bộ Chính Trị và chính phủ do áp lực của Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Lê Đức Thọ suy yếu dần, chính Nguyễn Đức Tâm cũng bị mất chức. Cũng do áp lực Trung Quốc, Mai Chí Thọ không được đề cử làm ủy viên trung ương đảng vì Mai Chí Thọ khi phụ trách công an thành phố HCM đã dính dáng đến vụ đàn áp, tịch thu tài sản và trục xuất người Hoa trong những năm của phong trào thuyền nhân vượt biên. Võ Chí Công từ chức vì lý do tuổi tác. Trong đại hội đảng lần thứ VII, người bị chỉ trích nhiều nhất là Trần Xuân Bách. Ông ta không những mất chức ở bộ Chính Trị mà còn mất luôn địa vị ủy viên trung ương đảng.

Trong bộ Chính Trị mới bầu, ngoài tổng bí thư Đỗ Mười, người quyền lực nhất là Lê Đức Anh. Chức chủ tịch nhà nước trước kia chỉ là hư vị, nhưng thời gian này, chủ tịch nhà nước Lê Đức Anh lại được giao nhiệm vụ giám sát cả ba ngành quốc phòng, ngoại giao và an ninh. Đảng cộng sản sợ tập trung quyền hành vào một người sẽ xảy ra trường hợp Gorbachev bên Nga nên tăng cường quyền lực cho Lê Đức Anh.

Do sự cần thiết của đổi mới kinh tế, Võ Văn Kiệt được đứng hàng thứ ba trong bộ Chính Trị. Với yếu tố là người miền Nam (Đỗ Mười miền Bắc, Lê Đức Anh miền Trung) cho nên dù nhiều khi phải đối chọi với khuynh hướng bảo thủ của Đỗ Mười và Lê Đức Anh, địa vị của Võ Văn Kiệt vẫn vững vàng trong nhiều năm.

Khi còn làm bí thư thành ủy thành phố HCM, trước thất bại của chính sách kinh tế nhà nước, Võ Văn Kiệt đã lập ra một ban cố vấn kinh tế, đứng đầu là cựu phó thủ tướng VNCH Nguyễn Xuân Oánh và nhiều kinh tế gia cũ của miền Nam, nhờ đó, sớm thi hành những đường lối cải cách kinh tế. Trong một bộ Chính Trị bảo thủ, Võ Văn Kiệt cùng với Phan Văn Khải, cũng là người miền Nam, là hai người tương đối cởi mở nhất. Nhờ hai người này nắm kinh tế cho nên nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long và những xí nghiệp tư nhân của thành phố HCM đã trở nên nguồn phát triển tài lực chính của kinh tế cả nước Việt Nam.

Cũng nhờ Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt nên năm 1987 Nguyễn Xuân Oánh được bầu làm đại biểu quốc hội cùng với bà Ngô Bá Thành. Đến kỳ bầu cử 1992, đà đổi mới bị ngưng trệ, Nguyễn Xuân Oánh không được Mặt Trận Tổ Quốc đưa ra ứng cử, bà Ngô Bá Thành được đưa ra, nhưng dù được đảng cho ứng cử 10 người thì trúng cử hết 9, bà Thành lọt vào trong số người thất cử hiếm hoi đó. Trả lời câu hỏi của đài BBC, bà nói vì có "gian lận" (3).

Do sự ưu thắng của phe bảo thủ trong bộ Chính Trị, chiều hướng ngoại giao nghiêng về ý thức hệ và nhượng bộ Trung Quốc đã lấn áp chiều hướng "đa phương hóa một cách quân bình". Sự coi trọng đặc tính "xã hội chủ nghĩa" và bỏ qua đặc tính "bành trướng" của Trung Quốc của phe bảo thủ xuất phát từ sự sống còn của đảng cộng sản và sự bất an của nhóm lãnh đạo.

Ngoài ra, khối quân đội, từng được ưu đãi trong thời chiến, bị quên lãng trong mấy năm đổi mới, bị mất uy tín khi phải rút khỏi Campuchia, bị quân Trung Quốc lấn áp cả trên bộ lẫn trên biển và nhất là những cấp chỉ huy đều là những đảng viên trung kiên nên đã cùng với khối công an hợp thành một khối bảo thủ vững chắc.

Do sự suy sụp của Nga Xô và khối Đông Âu, sợ rằng những "thế lực thù nghịch" sẽ lật đổ chế độ, vai trò quân đội được coi trọng hơn và Lê Đức Anh là chủ tịch nhà nước, đã có rất nhiều quyền hành để thao túng chính phủ. Hơn một năm sau, phe quân đội lại càng được tăng cường khi Lê Khả Phiêu được đề cử thêm vào bộ Chính Trị. Dù lúc nào cũng cảnh giác với tham vọng của Trung Quốc, nhưng trước nguy cơ tan rã, quân đội luôn luôn nghiêng về ý thức hệ và càng chủ trương thân thiện với Trung Quốc. Kẻ địch phải cảnh giác của báo Quân Đội Nhân Dân kể từ lúc đó không phải là những lực lượng quân sự nào mà luôn luôn là những "diễn biến hòa bình".(4) Sau chuyến đi của Lê Đức Anh sang Trung Quốc năm 1991, lần lượt nhiều tướng lãnh Việt Nam cũng sang kết thân như Vũ Xuân Vinh (cục đối ngoại quân đội), Đoàn Khuê, Lê Khả Phiêu (khi còn là chủ nhiệm tổng cục chính trị), Đào Đình Luyện...

Với sự thắng thế của khuynh hướng bảo thủ và giáo điều trong bộ Chính Trị, Cộng đảng Việt Nam càng tỏ thái độ nhún nhường hơn với Trung Quốc.

Hai tuần lễ sau đại hội đảng, ngày 9-7-1991, tổng bí thư Đỗ Mười gặp đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy, ngỏ ý muốn cử "đặc phái viên" sang Trung Quốc để thông báo diễn tiến và kết quả đại hội VII, một hành động gần như sai sứ cầu phong. Điều này khiến Trung Quốc rất hài lòng, và dù trước đó đã đồng ý hội đàm cấp thứ trưởng giữa hai chính phủ vào đầu tháng 8, Trung Quốc muốn gặp "đặc phái viên" của đảng CSVN trước. Biết được ban lãnh đạo cộng đảng Việt Nam dễ thuyết phục hơn bộ ngoại giao, Trung Quốc ngỏ ý muốn đổi danh xưng "đặc phái viên" thành "đoàn đại diện đặc biệt của ban chấp hành trung ương đảng CSVN", gián tiếp loại ra ngoài các viên chức ngoại giao nhà nghề.

Đảng CSVN cũng hiểu ý, nên đã gạt đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc là Đặng Nghiêm Hoành không cho tham dự các buổi họp, tuy đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội là Trương Đức Duy lại có mặt trong phái đoàn Trung Quốc. "Đoàn đại diện đặc biệt" của Việt Nam sang Trung Quốc báo cáo gồm ba người là Lê Đức Anh, chủ tịch nước, Hồng Hà, bí thư trung ương đặc trách đối ngoại và Trịnh Ngọc Thái, phó ban đối ngoại của đảng.

Được nghe báo cáo chi tiết về đại hội Đảng lần thứ VII, kể cả những ý kiến khác nhau, những tranh luận, những biểu quyết và những thay đổi nhân sự, Giang Trạch Dân và Lý Bằng càng bằng lòng hơn khi nghe nói Nguyễn Cơ Thạch bị loại. Giang Trạch Dân nói: "Từ đáy lòng mình, tôi rất hoan nghênh kết quả đại hội VII của các đồng chí Việt Nam".

Sau khi gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng, Lê Đức Anh đã xin gặp Từ Đôn Tín hai lần để xin lỗi về việc Nguyễn Cơ Thạch to tiếng với ông ta mấy tháng trước. Ngoài ra, phái đoàn của Lê Đức Anh còn tìm gặp Kiều Thạch, chủ tịch quốc hội, người từng phụ trách tình báo và an ninh của Trung Quốc.

Biết là các nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ cho nối lại quan hệ ngoại giao nếu Việt Nam tiếp tục nhượng bộ ở Campuchia, Lê Đức Anh và Hồng Hà sau khi về nước đã ép bộ ngoại giao phải gửi đi một thứ trưởng "không tiền án" với Trung Quốc là Nguyễn Dy Niên sang Bắc Kinh dự cuộc hội đàm chính thức giữa hai chính phủ về vấn đề Campuchia. Sợ rằng những viên chức ngoại giao không chịu nhượng bộ sẽ làm hỏng mưu định cầu hòa, bộ Chính Trị cử thêm Trịnh Ngọc Thái đi theo phái đoàn để giám sát. Cuộc hội đàm một chiều theo ý của Trung Quốc dĩ nhiên đưa đến kết quả mỹ mãn, vấn đề Campuchia coi như đã được giải quyết. Sau cuộc hội đàm, ngoại trưởng Tiền Kỳ Sâm của Trung Quốc mời ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm sang thăm giao hữu và hai tháng sau, ngày 5-11-1991, đến lượt Đỗ Mười cùng Võ Văn Kiệt được mời sang Bắc Kinh (5), ký thông cáo chung chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Việt Nam rất muốn được có quan hệ "môi hở răng lạnh" như trước kia, nhưng Trung Quốc không muốn thế giới nghi kỵ một liên minh cộng sản mà trở ngại cho chương trình "bốn hiện đại" nên chỉ chấp nhận mối quan hệ "thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu - thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, ganh đua nhau nhưng không đánh nhau" tức là "đồng chí chứ không đồng minh".

Tuy thế, trong một nghị quyết về ngoại giao tháng 6 năm 1992, Việt Nam đã xếp hạng Trung Quốc vào loại bạn chí cốt số một cùng với Bắc Hàn, Cuba, Ai Lao và Campuchia (bạn xếp hàng thứ hai là những nước cộng sản cũ như Nga và Đông Âu, thứ ba là các nước lân bang Asean, thứ tư là những nước Phi Châu, Tây phương và Nhật Bản, đứng hàng chót là Hoa Kỳ, một nước mà theo Việt Nam, luôn mưu toan phát động "diễn biến hòa bình" để phá hoại xã hội chủ nghĩa.

Ngoài bộ máy đảng lãnh đạo, việc quản lý nhà nước của Việt Nam do Võ Văn Kiệt làm thủ tướng sau đại hội Đảng năm 1991. Chính phủ này gồm có:

- Ba phó thủ tướng là Nguyễn Khánh, Phan Văn Khải, Trần Đức Lương.

- Bộ Nông Nghiệp: Nguyễn Công Tấn.

- Bộ Xây Dựng: Ngô Xuân Lộc.

- Bộ Văn Hóa Thông Tin: Trần Hoàn.

- Bộ Quốc Phòng: Đoàn Khuê.

- Bộ Giáo Dục: Trần Hồng Quân.

- Bộ Tài Chánh: Hồ Tế (Hồ Tế sau khi về hưu, đã than là ngân sách nhà nước của Việt Nam phải nuôi ba miệng ăn: Chính Phủ, Đảng và Mặt Trận Tổ Quốc).

- Bộ Ngoại Giao: Nguyễn Mạnh Cầm, đại sứ tại Mạc Tư Khoa, được chọn thay Nguyễn Cơ Thạch vì không dính dấp đến những bất hòa của bộ ngoại giao với Trung Quốc năm 1990.

- Bộ Kỹ Nghệ: Đặng Vũ Chú.

- Bộ Nội Vụ: Bùi Thiện Ngộ, từng là trưởng ty công an Vũng Tàu rồi giám đốc công an TP.HCM.

- Bộ Tư Pháp: Nguyễn Đình Lộc.

- Bộ Lao Động và TBXH: Trần Đình Hoan.

- Bộ Hải Sản: Nguyễn Tấn Trình.

- Bộ Y tế Công Cộng: Đỗ Nguyên Phương.

- Bộ KHKT và Môi Trường: Đặng Hữu.

- Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư: Đỗ Quốc Sâm

- Bộ Thương Mại: Lê Văn Triết

- Bộ Giao Thông Vận Tải: Bùi Danh Lưu.

- Chủ tịch Hội Đồng Chống Tham Nhũng Và Buôn Lậu: Nguyễn Kỳ Cẩm.

- Chủ nhiệm UB Sắc tộc: Hoàng Đức Nghi

- Chủ nhiệm UB Chống Lụt và UB sông Cửu Long: Nguyễn Cảnh Định.

- Chủ tịch Quốc Hội là Nông Đức Mạnh, thay cho Lê Quang Đạo sang làm chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc.

- Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước: Cao Sĩ Kiếm.

- Tổng tham mưu trưởng quân đội: Đào đình Luyện, từng là tư lệnh Không Quân.

- Chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội: Lê Khả Phiêu.

Dưới sự hướng dẫn của Võ Văn Kiệt, Việt Nam tiếp tục chính sách đổi mới kinh tế. Từ khi còn là bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, trước sự tê liệt của hệ thống kinh tế quốc doanh trong những năm đầu của thập niên 1980, Võ Văn Kiệt đã dám làm những điều không đúng với đường lối của trung ương như dùng những người Hoa còn ở lại trong nước buôn bán với Hồng Kông, thành lập những công ty Imex lấy tiền của Việt kiều, dùng những chuyên viên chế độ cũ như Nguyễn Xuân Oánh, thậm chí còn mời cả cựu thủ tướng Lý Quang Diệu của Tân Gia Ba làm cố vấn. Trong thời gian đó, phương cách kinh tế trong Nam khác biệt với miền Bắc đến nỗi bộ trưởng ngoại thương Lê Khắc (thời Tố Hữu làm phó thủ tướng đặc tránh kinh tế) khi vừa xuống máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất đã phê bình là "ngửi thấy mùi Nam Tư".(6)

Nhưng Võ Văn Kiệt thật ra chỉ cởi mở về kinh tế, còn về chính trị, vẫn xuôi theo đường lối chuyên chính của đảng CSVN. Hiến Pháp năm 1992 tái xác nhận Việt Nam tiếp tục theo đuổi chế độ độc đảng song song với chính sách "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Điều 4 của Hiến Pháp 1992 viết: "Đảng CSVN, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hổ chí Minh..." (7)

Năm 1982 đã bỏ câu "tư tưởng Mao Trạch Đông" trong Hiến Pháp và Điều Lệ Đảng. Giờ đây, trước sự khủng hoảng ý thức hệ, đảng CSVN thêm vào lời mở đầu hiến pháp "tư tưởng Hồ Chí Minh", một loại "tư tưởng" mơ hồ, rời rạc, góp nhặt tùy tiện, nhưng được các cán bộ thông tin văn hóa tâng bốc. Chẳng hạn có lúc Hồ Chí Minh trích câu châm ngôn Trung Quốc "dĩ bất biến ứng vạn biến", sau này có cả chục bài viết lấy câu trích dẫn đó ra tán tụng cách áp dụng của ông, rồi từ đó đề cao Hồ Chí Minh như một triết gia tài ba, siêu việt.

Do sự cần thiết phải đổi mới kinh tế, quyền hạn Võ Văn Kiệt được tăng đôi chút. Danh xưng "chủ tịch hội đồng bộ trưởng" nhằm nhấn mạnh đến chỉ huy tập thể được thay lại bằng danh xưng "thủ tướng". Trước kia, bộ trưởng do quốc hội bầu và đều là đại biểu quốc hội. Sau 1992, thủ tướng có quyền chọn bộ trưởng, trong hay ngoài quốc hội, nhưng những bộ trưởng này vẫn phải được quốc hội chấp thuận. Trên nguyên tắc, thủ tướng cũng có quyền bãi nhiệm thứ trưởng trở xuống hay các viên chức hành chánh địa phương (cấp bộ trưởng trở lên thuộc diện "trung ương quản lý", tức là do trung ương đảng trách nhiệm). Nhìn chung tuy là thủ tướng rộng quyền, nhưng Võ Văn Kiệt chỉ có thể tương đối tự do trong những phạm vi kinh tế, giáo dục.., còn những ngành quốc phòng, công an hay thông tin báo chí đều bị những phần tử bảo thủ như Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Đào Duy Tùng thao túng.

Không để lọt một kẽ hở nào, dù quốc hội chỉ là cơ quan hình thức, danh sách được đảng cho ra ứng cử dân biểu kỳ này cũng giảm tối đa thành phần ngoài đảng. Bà Ngô Bá Thành là một trong vài người hiếm hoi được đảng cho ra ứng cử nhưng không trúng cử.

Do sự sụp đổ của đế quốc Nga Xô, chế độ CSVN cảm thấy bị lung lay. Những lãnh tụ cộng đảng suy luận rằng các chính quyền cộng sản bị sụp đổ là vì đảng không kiểm soát và chỉ huy được quân đội. Tại Nga Xô và Đông Âu, quân đội đã không chịu nghe lệnh đảng để đàn áp nhân dân. Tại Trung Quốc, trong vụ Thiên An Môn, quân đoàn 38 tại quân khu Bắc Kinh đã từ chối không đàn áp sinh viên khiến chính phủ phải huy động các quân đoàn khác từ xa tới. Vì thế, một mặt đảng gia tăng ngân sách quốc phòng, củng cố lại hệ thống đảng ủy trong quân đội, mặt khác, tăng cường vị thế của quân đội trong trung ương đảng và bộ Chính Trị. Năm 1986, tỷ số ủy viên quân đội trong trung ương đảng chiếm 7%, tới năm 1991, tỷ số này tăng lên 10.2% (15 người trong 146 ủy viên được bầu). Ngoài ra, nếu nghị quyết năm 1986 chỉ đòi hỏi quân đội phải "tôn trọng và quan hệ mật thiết" với các đảng bộ địa phương thì điều 28 của nghị quyết 1991 nói rõ là những đơn vị quân đội phải được đặt dưới sự lãnh đạo của các đảng ủy địa phương.

Cũng từ đại hội đảng 1991, đảng viên quân đội bắt đầu được nắm các chức vụ cao cấp then chốt. Trong bộ Chính Trị gồm mười ba người, Lê Đức Anh đứng thứ hai và Đoàn Khuê, bộ trưởng Quốc Phòng đứng thứ năm. Tháng 9-1991, Lê Đức Anh được đề cử làm chủ tịch Nhà Nước. Nhờ đại diện cho quân đội, một cơ chế được coi là "xương sống" của đảng, chức vụ chủ tịch Nhà Nước do Lê Đức Anh nắm giữ được tăng cường quyền hành để thăng bằng với quyền hành của thủ tướng do Võ Văn Kiệt nắm giữ. Hơn nữa, Lê Đức Anh còn được kiêm nhiệm luôn chức vụ chủ tịch Hội Đồng Quốc Phòng và Tổng Tư Lệnh Quân Đội. Nhờ thế, kể từ 1969, sau khi Hồ Chí Minh chết, qua những đời Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Võ Chí Công... Lê Đức Anh là một chủ tịch Nhà Nước có quyền lực rất lớn.

Ngoài ra, trong bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt, mỗi khi có tranh chấp, Đỗ Mười thường ngả về phe Lê Đức Anh, nên trong đảng CSVN còn phân biệt ra hai khối: đảng và chính phủ (dù cầm đầu chính phủ phải là đảng viên). Tại quốc hội, quân đội giữ 38 ghế (9.6%), trong đó ngoài Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Đào Đình Luyện, Lê Khả Phiêu còn có Đặng Quân Thụy (tư lệnh quân khu II), Phạm Văn Trà (quân khu III), Nguyễn Trọng Xuyên (tổng cục tiếp vận), Phan Thứ (tổng cục kinh tế và kỹ nghệ quốc phòng)...

Đặc biệt kỳ bầu cử quốc hội 1992, ông Nguyễn Thanh Giang, tiến sĩ địa chất, tự ra ứng cử và đã được 96% số phiếu. Đảng cộng sản một mặt bịa ra một qui luật, bắt ông phải qua vòng tuyển chọn tại cơ sở nơi ông làm việc, mặt khác áp lực những người cùng cơ sở với ông phải bỏ phiếu loại ông ra. Sau khi viết và phổ biến bài Nhân Quyền-Khát Vọng Ngàn Năm, ông bị công an xách nhiễu nhiều lần và ngày 4-3-1999 bị bắt về tội "lạm dụng quyền tự do dân chủ", nhưng không bị đưa ra tòa và được thả vào tháng sau.

Sự gia tăng thế lực của quân đội trong bộ Chính Trị (4 ủy viên) và trong trung ương đảng đã giúp quân đội trở nên một thế lực mạnh mẽ không những về chính trị mà còn về kinh tế. Nhờ đó mà từ 1990, tổng cục Kinh tế của quân đội đã ngày càng phát triển mạnh mẽ và tới 1993 đã có khoảng 70 ngàn quân nhân phục vụ trong các ngành kinh tế thuộc gần 300 công ty do quân đội kiểm soát. Những công ty này kinh doanh trong các ngành điện, dầu khí, xây dựng (xa lộ nối Hà Nội với phi trường Nội Bài là do quân đội thiết lập)...Công ty lớn nhất là Tổng Công Ty Xây Dựng Trường Sơn gồm 19 công ty lớn nhỏ về xây cất, đặt đường xe lửa, trồng cà phê...Các công ty khác như Tổ Hợp Hàng Không của Không Quân dùng trực thăng chở chuyên viên đến những mỏ dầu, cung cấp dịch vụ chuyên chở y tế cấp cứu, tìm người Mỹ mất tích. Công ty Tây Nguyên của quân đoàn 15 chuyên về canh nông, công ty Đông Bắc khai thác than, công ty Hóa Chất số 21... Ngoài ra cũng có cả Ngân Hàng Thương Mại Quân Đội, khách sạn Saigon Star Hotel. Năm 1994, Võ Văn Kiệt còn ký nghị định cho phép công ty viễn thông Vietel của quân đội được cạnh tranh với Tổng Cục Bưu Điện trong những dịch vụ viễn liên.(8)

Song song với việc gia tăng thế lực của quân đội, ngành công an cũng được củng cố nhưng đã không hoàn toàn đàn áp được những tiếng nói phản kháng.

Năm 1993, ông Hoàng Minh Chính được thả ra sau khi bị giam cầm nhiều năm, đã gửi thư cho đảng và chính phủ phản đối việc bắt giữ ông trái phép. Sau đó, vợ của tướng Đặng Kim Giang cũng công khai tố cáo đích danh Lê Đức Thọ đã mưu hại, bôi lọ chồng và cả gia đình của bà.(9) Do người bị oan ức gửi đơn khiếu nại, trung ương đảng cử hai đảng viên đã về hưu là Nguyễn Trung Thành, cựu vụ trưởng Vụ Bảo Vệ Đảng, người từng tích cực tuân lệnh Lê Đức Thọ và Lê Duẩn để kết tội nhóm xét lại, và Lê Hồng Hà (10), cựu ủy viên đảng đoàn bộ công an để coi lại hồ sơ vụ án. Nhưng khi hai người đưa báo cáo cho Đỗ Mười, chứng minh là người bị án đều bị oan ức, những chứng cớ chỉ là giả tạo, và xin trung ương đảng giải oan cho những người liên quan đến vụ án thì Đỗ Mười gạt đi, nói trung ương đảng đã kết tội thì chắc chắn là họ có tội.

Ông Nguyễn Trung Thành cảm thấy ân hận nên đã trực tiếp xin lỗi những người bị án oan và cùng ông Lê Hồng Hà công khai phổ biến sự ghép tội vô căn cứ của đảng. Vì việc này, hai ông bị trục xuất khỏi đảng và liên tục bị công an làm khó dễ. Ông Hà còn bị kết án tù hai năm. Những người bị án còn sống hay gia đình họ đều thông cảm và tha thứ ông Thành. Riêng ông Phùng Văn Mỹ, cựu giáo sư trường đảng từng bị tù từ 1967 đến 1976 thì nói là mặc dù ông rất cảm động trước hành động của ông Thành, nhưng ông không cần được giải oan hay phục hồi đảng tịch, vì ông đang được sống cho chính ông. Ông không còn phải làm nô lệ hay nhân viên của bất cứ địa hạt nào trong bộ máy chuyên chính. Ông viết: "Còn về mặt tâm hồn, thì chúng tôi đang sống một cuộc sống thanh thản, không còn bị trói buộc vào một cơ chế máy móc nào. Chúng tôi đang thực hiện lời dạy của người xưa "Phú qúi bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất". Và như thế thì cần gì phải có ai "cứu" nữa. "Cứu" để rồi được trở lại cách sống cũ ư? Quả là một điều hãi hùng!(11)

Khi ông Hoàng Minh Chính bị vào tù, Nguyễn Khắc Toàn đã giúp bà Chính viết kháng thư. Nguyễn Khắc Toàn là một bộ đội phục viên từng chiến đấu trong Nam. Sau 1975, ông thất vọng với chế độ, và đã giúp phổ biến những lá thư đòi tự do dân chủ của Nguyễn Thanh Giang, Trần Độ, Trần Dũng Tiến...

Do những kết quả có được nhờ từ bỏ đường lối kinh tế chỉ huy, nhiều đạo luật cởi mở hơn như luật về quyền tư hữu, luật lao động phân định quyền lợi giữa chủ và thợ, luật cho phép sang nhượng ruộng đất, luật nới rộng đầu tư... được ban hành.

Năm 1992, Việt Nam bắt đầu vận động để gia nhập khối ASEAN và thiết lập quan hệ ngoại giao với Đại Hàn. Nhật Bản cũng bỏ cấm vận và cho Việt Nam vay 370 triệu mỹ kim. Năm 1993, Việt Nam ký thỏa hiệp thương mại với khối kinh tế Tây Âu. Năm 1994, do Việt Nam sốt sắng cộng tác trong việc tìm kiếm người mất tích (MIA), tổng thống Clinton chấm dứt cấm vận vào tháng 7-1995 và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam. Cựu dân biểu Pete Peterson, một cựu tù nhân Mỹ từng bị giam ở Hỏa Lò sáu năm được cử làm đại sứ. Trong khi đó, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ là Lê Văn Bàng, từng làm đại sứ ở Liên Hiệp Quốc. Cũng trong tháng đó, Việt Nam thành nước hội viên thứ bảy của tổ chức ASEAN.Việc gia nhập ASEAN không những giúp Việt Nam được hội nhập và học hỏi những kinh nghiệm phát triển kinh tế của các nước trong vùng mà còn giúp Việt Nam nhiều thuận lợi về chính trị và ngoại giao. Dưới danh nghĩa hội viên một tổ chức quan trọng gồm những nước có kinh tế năng động như Tân Gia Ba, Thái Lan, Mã Lai..., uy tín Việt Nam được nâng cao. Trong khi chưa thể cầu thân với Hoa Kỳ để thăng bằng áp lực của Trung Quốc, ít ra Việt Nam cũng có thể cùng những nước trong tổ chức trên dàn xếp các xích mích với Trung Quốc.

Ngoài ra, việc gia nhập ASEAN cũng là cơ hội tiến thêm một bước để thiết lập bang giao với Hoa Kỳ.

Nhờ trình độ dân trí tương đối cao và nhân công còn rẻ so với các nước ASEAN láng giềng, các công ty ngoại quốc chịu bỏ tiền vào đầu tư, kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển, nhất là về nông nghiệp và kỹ nghệ nhẹ chế tạo hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, để giữ vững "định hướng xã hội chủ nghĩa", chính quyền vẫn duy trì những công ty do nhà nước quản lý dù cho những công ty này bị lỗ lã và chính phủ phải tài trợ mới đứng vững.

Khi Võ Văn Kiệt kêu gọi cần có sự đối xử đồng đều đối với cả công ty tư nhân lẫn quốc doanh, đề nghị này bị gán cho là "sai đường". Trong những công ty hợp doanh lớn, Đỗ Mười đã đòi hỏi phải có đại diện của đảng nằm trong công ty. Ngoài ra, do yếu tố chính trị nhằm nâng đỡ những tỉnh miền Trung, xưởng lọc dầu được chấp thuận xây dựng tại Dung Quất, Quảng Ngãi, nhưng do địa điểm này không thuận lợi, không hợp lý về kinh tế, cách xa những giếng dầu ngoài biển hàng ngàn cây số, những công ty ngoại quốc rút ra khỏi công tác xây dựng. Trung ương đảng nhất định không đổi ý, dùng những công ty xây cất quốc doanh. Do đó mà xưởng lọc dầu này đến nay vẫn chưa xong.

Ngoài việc tìm cách kềm hãm sự đổi mới kinh tế, những thành phần bảo thủ trong bộ Chính Trị đã kiểm soát chặt chẽ hơn trên lĩnh vực thông tin văn hóa. Ngay sau khi nhận chức tổng bí thư, Đỗ Mười đã cảnh cáo là "ngành thông tin cần được hướng dẫn" và "báo chí vẫn là mũi tấn công chính của mặt trận văn hóa tư tưởng". Đỗ Mười chê trách ngành truyền thông đã lợi dụng sự cởi trói báo chí để "có những bài báo, sách vở phủ nhận đảng, bóp méo lịch sử và sự thật". Một ủy viên khác, Nguyễn Đức Bình, cũng gọi truyền thông đại chúng là "vũ khí hữu hiệu trên mặt trận văn hóa tư tưởng", và kêu gọi báo chí phải "vạch trần những âm mưu của những lực lượng chống chủ nghĩa xã hội muốn phủ nhận quyền lãnh đạo của đảng". Tuy không trực tiếp kiểm duyệt, nhưng những giám đốc đài phát thanh, những tổng biên tập nguyệt san và báo chí đều là đảng viên nên đảng tạo áp lực bằng những cuộc họp mỗi tháng với ban tư tưởng văn hóa trung ương đảng. Nhiều tổng biên tập không tuân hành đường lối của đảng đã bị mất chức. Thí dụ Vũ Kim Hạnh, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đã dám đăng bài phê bình chế độ cha truyền con nối của cha con Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên, rồi sau đó đăng bài của ký giả Kiến Phước nói về chuyện Hồ Chí Minh có vợ. Bài báo đăng bài thơ Lý Thụy gửi bà vợ Tàu Tăng Tuyết Minh ngay trên trang nhất (Dữ muội tương biệt. Chuyển thuấn niên dư. Hoài niệm tình thâm. Bất ngôn tự hiểu. Từ nhân hồng tiện. Dao ký thốn tiên. Tỷ muội an tâm. Thị ngã da vọng. Tịnh thỉnh nhạc mẫu vạn phúc. (12) Theo Hoàng Tranh, phó viện trưởng Viện Khoa Học Xã Hội Quảng Tây, đám cưới của hai người cử hành vào tháng 10-1926. Kim Hạnh vì việc này mà mất chức tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Mấy năm sau, bà quay sang xin được làm tờ Sài Gòn Tiếp Thị, một tờ báo giúp ý kiến người đọc mua bán hàng hóa.

Tuy nhiên, dù cho những lãnh tụ CSVN, nhất là phe quân đội, tỏ thái độ tùng phục và dù cho đã có quan hệ ngoại giao chính thức, Trung Quốc vẫn lợi dụng tình trạng cô thế của Việt Nam để lấn át. Ngày 15-2-1992, Trung Quốc công bố luật lãnh hải của họ, bao gồm gần hết biển Đông, và nói sẽ dùng võ lực để ngăn ngừa những vi phạm chủ quyền của họ. Cùng với lời công bố, Trung Quốc cho quân đến chiếm đảo Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa. Chiếm đảo này xong, Trung Quốc mạnh mẽ cảnh cáo Việt Nam là "không nên làm điều gì gây phương hại cho tình hữu nghị mới tái lập".

Một số đại biểu quốc hội phản kháng nhưng bị ban đối ngoại trung ương đảng dẹp bỏ. Ba tháng sau, ngày 8-5-1992, khi cố vấn của bộ Chính Trị là Nguyễn Văn Linh sang gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng tại Bắc Kinh, có lẽ để dằn mặt CSVN, cùng ngày hôm đó và ở cùng một phòng trong Nhân Dân Đại Sảnh, Trung Quốc ký kết với hãng thầu Crestone của Hoa Kỳ để khai thác dầu hỏa trên vùng đảo Tu Chính, nơi mà Việt Nam và Trung Quốc đang tranh chấp. Tổng giám đốc công ty Crestone là Randall Thompson sau đó xác nhận là những giới chức Trung Quốc đã cam kết với ông là hải quân Trung Quốc sẽ dùng toàn lực bảo vệ nếu có chuyện gì xảy ra trong vùng biển mà công ty khai thác. Nguyễn Văn Linh không dám có phản ứng nào về việc này, trái lại vẫn ngỏ lời cám ơn Trung Quốc về "những giúp đỡ qúi báu" trước kia.

Ngày 27-5-1992, quân Trung Quốc cũng dời cột mốc biên giới ở ải Nam Quan sâu vào lãnh thổ Việt Nam từ 400 đến 500 thước và đầu tháng 7, Trung Quốc cắm mốc nhận chủ quyền trên đảo Đa Lạc thuộc Trường Sa. Việt Nam cũng chính thức phản đối Trung Quốc đã dời 142 trong tổng số 314 cột mốc lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam và dựng cột đèn báo hiệu xe lửa lấn sang Việt Nam cách Hữu Nghị Quan 500 thước.(13)

Hành động lấn át của Trung Quốc gây tranh luận gắt gao tại hội nghị trung ương đảng từ ngày 18 đến 29-6-1992. Phe bảo thủ cho là "vì Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần phải liên kết với Trung Quốc và bỏ qua những xích mích nhỏ nhặt", trong khi đó, phe thực dụng tố cáo Trung Quốc hai mặt và "lợi dụng chủ nghĩa xã hội để trói tay Việt Nam".

Đỗ Mười rất bảo thủ nhưng lúc nào cũng hô hào đổi mới, ngoài mặt nói Trung Quốc là "bành trướng" nhưng lại không có phản ứng nào ngoài việc mời Lý Bằng sang thăm Việt Nam. Trước khi Lý Bằng sang thăm Việt Nam, trong tháng 8, Trung Quốc dựng một dàn khoan trên vùng biển mà hai bên trước kia đã thỏa thuận để trống chờ sau này sẽ thương thuyết giải quyết, đồng thời cũng tịch thu hai tàu buôn của Việt Nam tại Hồng Kông, tố cáo là họ buôn lậu.

Sự quá đáng của Trung Quốc gây bất an không chi cho Việt Nam mà còn cho các nước ASEAN. Tháng 11-1992, đô đốc Larson, tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ trên vùng biển Thái Bình Dương tuyên bố là Hoa Kỳ không muốn thấy một quốc gia nào thống trị vùng Đông Nam Á mà chỉ muốn có một sự thăng bằng lực lượng. Có lẽ nhờ vậy mà trước khi Lý Bằng sang Việt Nam, Trung Quốc rút bỏ dàn khoan dầu và trả lại hai tàu buôn.

Tháng 12-1992, thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng sang thăm Việt Nam. Chuyến viếng thăm chỉ chú trọng nhiều đến hợp tác kinh tế nhưng vấn đề biên giới và lãnh hải vẫn có nhiều rắc rối. Trong cuộc họp báo, Lý Bằng tuyên bố một cách lạc quan rằng "dù hai bên còn có những bất đồng, nhưng chúng tôi đã thu hẹp những bất đồng lại chứ không làm lớn ra" nhưng Nguyễn Mạnh Cầm không chắc chắn lắm qua lời tuyên bố:"Thủ tướng Lý Bằng đã cho biết nhận xét của ông về kết quả những cuộc thảo luận. Chúng tôi ghi nhận nhận xét của ông và hy vọng chúng sẽ được thực hiện trên thực tế"

Dù bộ ngoại giao không được hài lòng, nhưng phe quân đội càng muốn liên kết chặt chẽ với Trung Quốc, nhất là sau khi thấy khả năng tấn công của Hoa Kỳ trong chiến tranh vùng Vịnh và trong cuộc chiến Bosnia. Ngay sau khi Lý Bằng về nước, đến lượt bộ trưởng quốc phòng Đoàn Khuê sang Trung Quốc gặp bộ trưởng quốc phòng Trì Hạo Điền và sau đó được gặp Giang Trạch Dân. Trong cuộc tiếp xúc, Đoàn Khuê cẩn thận không nhắc nhở đến vấn đề biên giới. Ba tháng sau, đến lượt Trì Hạo Điền sang thăm Việt Nam đáp lễ. Do sự khác biệt về quan niệm ngoại giao giữa hai bộ quốc phòng và ngoại giao, những viên chức bộ ngoại giao đã không được thông báo gì về những cuộc tiếp xúc kể trên của hai quân đội Việt Hoa.

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc được mô tả trong báo cáo mật của bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm tại quốc hội vào tháng 9-1992 như sau: "Chúng ta phải nỗ lực duy trì quan hệ của chúng ta với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, đây là một tiến trình lâu dài và rắc rối". Sau các cuộc họp cấp thứ trưởng, một thỏa ước về những nguyên tắc căn bản để giải quyết vấn đề biên giới được hai bên ký kết ngày 19-10-1993. Tuy nhiên, ở thế mạnh, kinh tế phát triển nhanh, nhu cầu cần dầu hỏa của Trung Quốc ngày càng cao, vùng biển Đông ngày càng trở nên một vùng biển quan trọng không những vì tài nguyên dầu hỏa ở đó mà còn là một thủy lộ chiến lược quan trọng để các tàu dầu ngoại quốc chở dầu từ Trung Đông qua eo biển Malacca, vòng theo duyên hải biển Đông của Việt Nam đến bán cho Trung Quốc cho nên hải quân Trung Quốc luôn luôn tạo ra một áp lực trên vùng biển này.

Kể từ 1985, Trung Quốc đã từ từ tiến hành một kế họach phòng thủ lâu dài được gọi là "viễn dương phòng vệ" (jinyang fungwu - offshore defense). Kế họach này do tư lệnh hải quân Trung Quốc năm 1985 là Lưu Hòa Thanh (Liu Huaquin) thiết lập, theo đó, trong giai đọan đầu, tuyến đầu phòng thủ của Trung Quốc không còn từ vùng duyên hải đất liền mà từ các hải đảo. Mặt nam của tuyến phòng thủ này bao gồm tòan thể vùng biển và những hải đảo Ngoài biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Một thời gian sau, khi hải quân Trung Quốc đã đủ mạnh, tuyến phòng thủ sẽ nới rộng ra, bao gồm cả vùng biển quanh Đài Loan, Nhật Bản và Phi Luật Tân.(14) Việc tiến chiếm thêm những đảo Fiery Cross của Việt Nam hay Mischiefs của Phi đều nằm trong kế hoạch bành trướng này.

Từ 1992, nhờ kinh tế khá hơn và có tiếng nói mạnh mẽ trong chính phủ, ngân sách quân đội Việt Nam sau một thời gian bị cắt giảm bắt đầu được gia tăng, khoảng hơn 1 tỷ mỹ kim một năm. Ngân sách này dần dần được tăng lên gấp đôi trong năm 1997. Vì vùng biển Đông là một vùng có triển vọng sẽ có tranh chấp, Việt Nam chú trọng nhiều hơn vào việc hiện đại hóa hải quân và không quân. Đồng thời, năm 1994, Đoàn Khuê kêu gọi chính phủ tăng thêm ngân sách cho Tổng Cục Kinh Tế Quốc Phòng nhằm mục tiêu quân đội có ngày có thể tự túc. Trong tiến trình thay thế và canh tân vũ khí, Việt Nam đã mua võ khí từ nhiều nước khác nhau (Algeria, Anh, Úc, Bulgaria, Pháp, Ấn, Nam Dương, Do Thái, Ý, Nhật, Bắc Hàn, Đại Hàn, Ukraine, Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc, Mã Lai...).

Lực lượng hải quân của Việt Nam ở miền Bắc mới đầu gồm có những tàu tuần của Nga Xô. Những tàu này cũng như những tàu của hải quân VNCH cũ đã trở nên lỗi thời và không có cơ phận thay thế. Dù được Nga Xô viện trợ, những nhà quan sát nhận định là vào năm 1992, hải quân của Việt Nam không thể ngang tay với đa số các nước trong vùng Đông Nam Á và không cách nào so sánh được với Trung Quốc.

Sau nhiều thăm dò tại Úc, Nam Dương, Mã Lai, cuối cùng, năm 1994, Việt Nam mua được của Nga (sau 1989, Nga Xô, USSR, bị tách ra làm nhiều nước, nước chính là nước Nga, Russia) bốn tuần dương hạm Tarantus loại I và loại II trang bị hỏa tiễn Styx với tầm bắn xa 83 cây số. Sau đó Việt Nam hỏi mua 3 tàu tuần duyên của Đại Hàn. Nga cũng hợp tác với Việt Nam để chế tạo tàu phóng ngư lôi và hộ tống hạm nhỏ ở bến cảng Sài Gòn, sau đó, bán cho Việt Nam vài tàu ngầm Kilo. Việt Nam cũng mua được hai tàu ngầm cũ của Bắc Hàn và đã trả bằng gạo.

Năm 1999, Việt Nam mua thêm của Bắc Hàn một số hỏa tiễn SS1-Scud-B và hỏa tiễn phòng không Igla (SA-16 Gimlet) trị giá khoảng 100 triệu mỹ kim. Năm 2000, hải quân Việt Nam đã đạt một bước dài sau khi ký hiệp ước với Ukraine để Ukraine giúp đỡ canh tân và huấn luyện chuyên viên tại xưởng đóng tàu Ba Son.

Không quân Việt Nam ngoài các máy bay chuyên chở và trực thăng mà tình trạng hoạt động không được biết rõ, lực lượng chiến đấu chính là những máy bay Mig-21 và Su-22. Số máy bay Mig-21 năm 1987 bị hư hỏng dần, đến năm 1999 chỉ còn có 124 chiếc.

Do thói quen, Việt Nam lại dựa vào Nga để mua vũ khí mới. Năm 1994, Việt Nam mua 6 máy bay chiến đấu và oanh tạc Sukhoi Su-27, hai năm sau lại mua thêm 6 chiếc nữa. Những máy bay này có tầm hoạt động là 4000 cây số và có thể bay trên trời 5 giờ liên tiếp.

Năm 2005, Việt Nam có thêm 5 chiếc Su-30 và mua thêm 40 chiếc Su-22 cũ của Ba Lan. Số máy bay Mig-21 còn lại được Ấn Độ và Do Thái canh tân. Có lẽ Việt Nam sợ không dám mua Su-27 của Nga vì một chiếc bị rớt khi tham dự đại hội Air Show ở Tân Gia Ba, một chiếc khác rớt gần Cam Ranh. Riêng Phần Lan, khi canh tân quân đội, những xe tăng T54 và T55 không dùng đến nữa đã bán tống bán tháo cho Việt Nam. (15)

Do sự bất lực trước những hành động lấn áp của Trung Quốc, ngoài việc gia tăng ngân sách quốc phòng, Việt Nam tiếp tục đa phương hóa ngoại giao bằng cách cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ và các nước ASEAN.

Riêng với Hoa Kỳ, tổng thống Clinton vừa lên cầm quyền nên triển vọng thiết lập quan hệ ngoại giao tốt đẹp hơn. Năm 1992, Clinton đã cho phép ngân hàng thế giới trợ giúp Việt Nam. Nhưng công cuộc thiết lập quan hệ có lẽ bị trở ngại đôi chút khi một thương gia Việt Nam ở Florida, ông Lý Thanh Bình, tố cáo người hùn hạp của ông là Nguyễn Văn Hảo, một viên chức cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa trước kia, đã làm trung gian cho chính quyền cộng sản mưu hối lộ ông Harold Brown, chủ tịch đảng Dân Chủ, sau này làm bộ trưởng bộ thương mại, để ông này nói giúp Clinton bỏ cấm vận. Theo ông Bình, Nguyễn Văn Hảo đã yêu cầu Việt Nam gửi qua ngân hàng Indosuez ở Tân Gia Ba mà một phó chủ tịch là Lê Quang Uyển, bạn ông Hảo, một số tiền 700 ngàn mỹ kim cho ông Brown.(16) Dù lời khai của ông Bình được kiểm chứng qua máy phát hiện nói dối (lie detector), và báo New York Time xác nhận có sự chuyển giao tiền cho ngân hàng Indosuez, ông Brown đã không bị truy tố. Nhưng chuyện này đã khiến tổng thống Clinton phải hoãn lại tiến trình thiết lập bang giao cho tới ngày 3-2-1994, Hoa Kỳ mới tuyên bố bãi bỏ cấm vận, chuẩn bị tái lập quan hệ ngoại giao.

Vì đảng CSVN đã bỏ cơ chế thời Brezhnev cũ là các chức chủ tịch hội đồng nhà nước và chủ tịch hội đồng bộ trưởng mà thay bằng các chức chủ tịch nhà nước và thủ tướng với quyền hạn rộng lớn hơn, ban lãnh đạo Việt Nam được coi như một tam đầu chế của Mười, Anh, Kiệt. Mỗi người có những hậu thuẫn khác nhau, những trách vụ khác nhau. Đỗ Mười với tư cách tổng bí thư được coi là có nhiều quyền lực nhất. Người thứ hai là Lê Đức Anh, tương đối có khuynh hướng bảo thủ nhất, nắm được hậu thuẫn của công an và quân đội. Nhờ kiêm nhiệm luôn chức chủ tịch hội đồng quốc phòng, Lê Đức Anh có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với quốc phòng, nội trị và đối ngoại, nhất là đối với Trung Quốc. Do tư thế đó, giữa năm 1994, Lê Đức Anh đưa được Lê Khả Phiêu, chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội vào bộ Chính Trị trong khi thượng cấp của Lê Khả Phiêu là Đào Đình Luyện, tham mưu trưởng quân đội lại không được vào. Đào đình Luyện là một người nghiêng về đổi mới, sau đó cũng bị Lê Đức Anh cùng Đào Duy Tùng loại khỏi chức vụ. Cùng bị loại với Đào Đình Luyện là một số tư lệnh quân khu. Kể từ đó, Lê Đức Anh trở nên một chủ tịch nhà nước có thế lực mạnh nhất sau khi Hồ Chí Minh chết và thế lực này đã kéo dài nhiều năm sau.

Tuy chỉ đứng hàng thứ ba và đứng đầu phe đổi mới, phe chiếm thiểu số trong bộ Chính Trị, nhưng Võ Văn Kiệt cũng có tư thế mạnh mẽ vì nhờ những biện pháp kinh tế của ông, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu tăng trưởng. Ngoài ra ông lại là người miền Nam trong khi Đỗ Mười người miền Bắc và Lê Đức Anh miền Trung.

Ngoài hậu thuẫn của các tỉnh ủy viên miền Nam và các viên chức cao cấp của chính phủ, Võ Văn Kiệt còn được uy tín với những nhà đầu tư ngoại quốc. Vì thế, ông ta được tương đối tự do khi thi hành những biện pháp kinh tế cởi mở. Trong khi đó, Đỗ Mười có nhiều ảnh hưởng trong nội bộ đảng, tuy là người bảo thủ, nhưng vì quyền lợi riêng và để giữ tư thế tổng bí thư, đã không hẳn luôn luôn ủng hộ Lê Đức Anh.

Ba phe này trong suốt những năm từ 1991 đến 1994 bề ngoài đã không có những dấu hiệu chia rẽ hay chỉ trích nhau. Phe bảo thủ không thể không biết đến những thành quả kinh tế phát triển và đó là một yếu tố quan trọng giúp cho chế độ độc đảng của họ có thể tiếp tục tồn tại. Hơn nữa, ngay cả phe quân đội cũng hưởng lợi khi họ cũng có những tổ hợp rất lớn như những công ty xây dựng, cơ khí, hóa chất, hàng không, thông tin, điện tử...để kinh tài nên đã không mạnh mẽ phản đối cởi mở kinh tế.

Nhờ tình hình kinh tế trong vùng đang thịnh vượng và Việt Nam là một vùng thị trường tương đối chưa được khai thác, trong mấy năm đầu của thập niên 1990, kinh tế Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 8%.

Kinh tế càng khá hơn, phe đổi mới càng cảm thấy tự tin, càng được rảnh tay nên họ cũng không muốn đụng chạm gì với phe thủ cựu. Tình trạng chịu đựng nhau để hợp tác này của hai phe kéo dài khoảng 3 năm, cho tới năm 1995, khi đảng cộng sản dự trù họp đại hội đảng lần thứ VIII vào cuối tháng 6, 1996, thì cả hai phe bắt đầu huy động lực lượng để tranh giành quyền lực một cách quyết liệt hơn.

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG IV

______________________________________

(1)- Trích thư Võ Nguyên Giáp gửi trung ương đảng năm 1991.

(2)- Về Đặng Đình Loan, theo cựu đại tá nhà báo Nguyễn Trần Thiết, Loan đã bỏ đảng 20 năm. Nhờ thế lực của Lê Đức Anh, được phục hồi đảng tịch và khuyến dụ được thành ủy Huế mời nói chuyện ngày 20-11-1996 tại khách sạn Thắng Lợi. Trong dịp này, Loan nói người chỉ huy Điện Biên Phủ là Nguyễn Chí Thanh chứ không phải Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra Loan còn tố Giáp thân Nga Xô, và là nguyên nhân của những thiệt hại trong trận Mậu Thân. Người cho phép Loan nói chuyện là tỉnh ủy Thừa Thiên tên Vũ Thắng, sau đó mất chức.

(3)- Bà Ngô Bá Thành, tên thật Phạm Thanh Vân, con của thú y sĩ Phạm Văn Huyến, được Tạ Bá Tòng móc nối. Sau khi bị tổng thống Diệm đẩy ra Bắc, ông Huyến sống chật vật trong bóng tối. Ngay sau 1975, ông mới được kêu ra và cho biết bà Thành, con ông sẽ được cho làm chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố HCM. Ông mừng được vài ngày, nhưng chẳng may cho bà Thành (và ông Huyến), chuyện này đã không xảy ra.

(4)- Về kẻ địch "diễn biến hòa bình" của báo Quân Đội Nhân Dân: Có lần, báo QĐND đã lên tiếng cảnh giác những "tây ba lô" (du khách Pháp nghèo nhiều khi sống lưu lạc trên đường phố) có thể là kẻ địch. Lần khác, báo tố cáo những nhà đầu tư đến họp hội nghị hay hội thảo có thể là những nhân viên đế quốc đến điều tra, do thám để phục vụ trong những âm mưu diễn biến hòa bình. (Robert Templer trong Shadows and Wind). Kể từ 1991, dù Trung Quốc vẫn hiển nhiên là mối đe dọa chính cho an ninh lãnh thổ, và dù bộ ngoại giao đã nhiều lần phản kháng những vi phạm lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc, hai tờ báo chính thức là Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân tuyệt không có bài vở hay tin tức nào có thể làm mất lòng Trung Quốc. Những tin về tàu Trung Quốc bắn chết ngư dân Việt Nam chỉ thỉnh thỏang mới được đăng trên những báo ngoại vi.

(5)- Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, đài truyền hình có chiếu lại cảnh Đỗ Mười sang gặp Giang Trạch Dân ở Bắc Kinh. Lúc đó, Đỗ Mười muốn chứng tỏ sự kính ái của mình với những lãnh tụ cộng sản Trung Quốc nên đã xồng xộc chạy lên lễ đài ôm chầm lấy Giang Trạch Dân "ôm hôn thắm thiết", khiến ông này ngạc nhiên đến sững sờ

(6)- Nhận xét của Lê Khắc: bài Đêm Trước Đổi Mới - (thanhnien online). Nam Tư là nước cộng sản đi theo đường lối độc lập nên bị Nga Xô và Việt Nam trước đó tẩy chay.

(7)- Câu "Tư tưởng Hồ Chí Minh" đặt trong lời mở đầu của hiến pháp Việt Nam 1992 cũng bắt chước như Trung Quốc là "dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc lấy chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Mao Trạch Đông làm chủ đạo..." Mấy năm sau này, cộng sản Trung Quốc thêm vào câu. "...lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng ba đại diện làm chủ đạo". Tư tưởng ba đại diện là của Giang Trạch Dân, đưa ra trong đại hội đảng năm 2002, theo đó đảng cộng sản là đại diện các lực lượng sản xuất tiến bộ, của nền văn hóa tiến bộ, cho lợi ích của đa số nhân dân Trung Quốc. Vì thế, đảng không những chỉ đại diện cho giai cấp công nhân mà còn đại diện thêm giai cấp trí thức và tư sản yêu nước. Chỉ có điều khác nhau là CSVN chưa viết thêm "... lý luận Đỗ Mười, tư tưởng quan trọng Lê Khả Phiêu" vào mở đầu điều lệ đảng.

(8)- Kinh tế quân đội trích L'armée Vietnamienne, acteur du development economique của Carlyle Thayer và Gerard Hervonet.

(9)- Bị gán tội "xét lại" năm 1963 gồm Hoàng Minh Chính, từng là viện trưởng viện triết học, tướng Đặng Kim Giang, phó chủ nhiệm tổng cục hậu cần, Vũ Đình Huỳnh, vụ trưởng vụ lễ tân, Trần Minh Việt, phó bí thư thành ủy Hà Nội, các đại tá Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng quân báo, Lê Minh Nghĩa, chánh văn phòng bộ quốc phòng, Đỗ Đức Kiên, cục trưởng cục tác chiến, Hoàng Thế Dũng, phó tổng biên tập báo QĐND..., các nhà văn, nhà báo như Vũ Thư Hiên, phó tổng biên tập tạp chí Học Tập Phạm Kỳ Vân, Nguyễn Kiến Giang, Trần Thư, Phạm Viết, Phùng Văn Mỹ, Nguyễn Cận, Mai Lâm, Mai Hiến, Minh Tranh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (giáo sư Anh ngữ, vợ nhà báo Phạm Viết), trung tá công an Bùi Hồng Sĩ (được nhắc đến trong Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn)....Tất cả đều bị tù nhiều năm. Một số khác như Lê Liêm (cựu thứ trưởng), Ung Văn Khiêm (cựu bộ trưởng ngoại giao), Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Vịnh...không bị bắt nhưng bị khai trừ khỏi đảng. Nguyễn Minh Cần, phó chủ tịch ủy ban nhân dân Hà Nội cùng đại tá Lê Vinh Quốc, phó chính ủy quân khu III, thượng tá Đỗ Văn Doãn, tổng biên tập báo QĐND phải ở lại Nga.

(10)- Lê Hồng Hà là con rể học giả Dương Quảng Hàm.

(11)- Thư của Phùng Văn Mỹ gửi Nguyễn Trung Thành (trong Tử Tù Tự Xử Lý của Trần Thư). Cuối thư ông còn viết: "Trong cái mất, chúng tôi thấy cái được và cái được lớn nhất, vô giá, đó là sự giải thoát. Vì thế quả là bất công nếu có ai đó thương hại chúng tôi. Tự do ở thời nào cũng quí, nhưng thứ tự do có được bằng sự đổi chác hay áp đặt thì không đáng giá một xu. Chỉ có sự tự tại mới là thứ tự do mang tính tuyệt đối".

(12)- Lược dịch lá thư:

Cùng em xa cách

Thấm thoắt hơn năm

Nhớ mãi tình thâm

Chẳng nói đã rõ

Nhờ người nối cánh

Giấy vắn ghi nhanh

Chị em an tâm

Anh hằng mong ước

Nguyện cầu nhạc mẫu vạn phúc.

Bài viết của ký giả Kiến Phước, chồng Kim Hạnh, đại diện báo Nhân Dân tại TP.HCM..Tuy nhiên, không ai biết Hồ Chí Minh cầu Phật hay cầu chúa.

Không thua kém lãnh tụ, Lê Duẩn cũng làm thơ nhớ bà vợ thứ ba Thụy Nga, trong đó có những câu:

Hôm nay trời tạnh mây quang.

Gió xuân đầm ấm mùi hương đậm đà.

Tự tình ta lại với ta.

Say sưa bao xiết là ta với mình.

(Báo Tiền Phong ngày 25-6-2006).

Xem ra Hồ Chí Minh và Lê Duẩn ướt át và mùi mẫn hơn Trường Chinh (thi sĩ Sóng Hồng) với những câu thơ sắt máu như: "Sắt chạm sắt, tóe lửa. Tiếng chạm tiếng, đinh tai". Bài thơ này được Chế Lan Viên khen nức nở.

(13)- Những phản đối về việc lấn đất này không được đề cập tới trong bài phỏng vấn "tự hỏi tự đáp" (vừa đá bóng vừa thổi còi) của Lê Công Phụng khi trả lời những chỉ trích nhượng bộ đất đai.

(14)- Xin xem phần phụ lục Ảnh Hưởng Trung Quốc và Chính Sách Đối Ngọai Của Việt Nam.

(15)- Canh tân quân đội Việt Nam: Vietnamese Perceptions of China Threat của Carlyle Thayer.

(16)- Tài liệu về Nguyễn Văn Hảo và Brown: National Review của David Butler ngày 23-3-2004 và Jack Cashill trong Worldnet Daily posted ngày 30-4-2004.

CHƯƠNG V

Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam Sau Ðại Hội Đảng lần thứ VIII

(1996-2001)

Năm năm trước, năm 1991, đại hội lần thứ VII của đảng CSVN đã diễn ra trong hoàn cảnh đổ vỡ tan nát của đế quốc cộng sản Nga Xô. Do bị mất phương hướng và khủng hoảng ý thức hệ, đại hội đó đã bầu ra một ban lãnh đạo tam đầu chế gồm Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt để dò dẫm đi tìm một "định hướng xã hội chủ nghĩa" mới. Vì mục tiêu của những đảng viên, nhất là những cấp ủy trở lên là muốn giữ đặc quyền đặc lợi của họ, trong khi nhờ đổi mới, đời sống người dân và kinh tế quốc gia có tiến bộ rõ rệt nên một mặt, chính quyền cộng sản gần như bỏ rơi giáo điều phát triển kinh tế của Mác mà theo đuổi kinh tế thị trường, mặt khác, họ vẫn giữ những chính sách căn bản của Lênin và Stalin để nắm vững nền độc tài chuyên chế. Tuy nhiên, trong nội bộ đảng đã có những khuynh hướng khác nhau. Khuynh hướng bảo thủ muốn tăng cường sự lãnh đạo của đảng trên mọi lãnh vực, và về kinh tế, muốn dồn nỗ lực để phát triển trở lại nền kinh tế quốc doanh, cho nên luôn luôn tìm cách kềm hãm những biện pháp đổi mới. Trong khi đó, phe đổi mới muốn tăng cường quyền lực cho chính phủ và quốc hội, phát triển thêm mặt kinh tế tư doanh để không phải tài trợ mãi cho những xí nghiệp nhà nước luôn luôn kinh doanh lỗ lã.

Bốn năm sau đại hội VII, gần đến ngày đại hội VIII là thời gian mà đảng cộng sản sửa soạn bầu ra một số nhân sự lãnh đạo và phác họa một đường hướng mới cho năm năm kế tiếp thì sự phân hóa và tranh chấp quyền lực trong bộ Chính Trị càng trở nên trầm trọng.

Các phần tử bảo thủ trong bộ Chính Trị, gồm Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Nguyễn Hà Phan... lúc đó đang nắm hầu hết những ngành quan trọng trong đảng và chính phủ như quốc phòng, công an, thông tin, báo chí đã cố gắng ngăn chặn, kềm hãm những đường lối và hoạt động có hại cho ưu quyền của họ.

Về thông tin, họ giới hạn hơn nữa quyền tự do báo chí và bắt đầu một đợt bắt giam những người chống đối. Càng đến ngày đại hội đảng để bầu bộ Chính Trị mới (lần thứ VIII vào cuối tháng 6-1996), phe bảo thủ càng ra sức đàn áp để lấy lòng các đảng viên cao cấp hiện đang nắm trong tay những cơ quan, đơn vị... có nhiều quyền lực hay tiền bạc.

Tháng giêng 1995, công an lại bắt giữ hoà thượng Quảng Độ và xử 5 năm tù về tội "phá hoại chính sách nhà nước". Hòa thượng Huyền Quang cũng bị quản thúc tại gia. Những hòa thượng chùa Viên Giác, Hội An (Thích Trí Lục), chùa Thiên Mụ (Thích Không Tánh), chùa Liên Trì cũng bị bắt. Năm 1996, lấy cớ chùa Thiên Mụ là địa điểm lịch sử, chính quyền đuổi hai tu sĩ Thích Hải Thịnh và Thích Hải Chánh ra khỏi chùa. Trước sự đàn áp trắng trợn này, đức Đạt Lai Lạt Ma cũng phải lên tiếng can thiệp vào tháng 1-1996. Sau đó, ông Hoàng Minh Chính, một người đã ở tù nhiều năm về tội "xét lại" cũng bị bắt và bị xử mười hai tháng tù. Ông Đỗ Trung Hiếu, một đồng chí của Nguyễn Hộ trong Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ bị mười lăm tháng tù. Tháng sau, sau khi theo dõi, công an bắt thêm các ông Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang về tội có được bản sao dự thảo báo cáo "Tối Mật" của Võ Văn Kiệt gửi cho trung ương đảng. Ba tháng sau, ông Hà Sĩ Phu bị kết án một năm tù, ông Lê Hồng Hà 4 năm tù, và ông Nguyễn Kiến Giang 15 tháng tù, dù trước tòa án, chánh án Nguyễn Sơn và công tố viên Phùng Tiến Lập không cho phép tiết lộ nội dung bức thư và không trả lời được tại sao một lá thư riêng của Võ Văn Kiệt lại là "tối mật quốc gia".

Bản dự thảo báo cáo chính trị "Tối Mật" nêu trên được Võ Văn Kiệt viết vào tháng 8-1995 gửi cho những ủy viên bộ Chính Trị nhằm tranh thủ sự ủng hộ của họ trước khi đại hội đảng khai diễn. Bản dự thảo vẫn công nhận sự độc tôn của đảng cộng sản nhưng có những nhận xét và đề nghị tương đối tiến bộ và táo bạo, đại cương gồm những điểm như sau:

- Yếu tố quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia không còn là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc nữa mà đa diện, đa cực. Quyền lợi mỗi quốc gia, mỗi vùng, trở nên quan trọng hơn trước. Để đối phó với hoàn cảnh mới, Việt Nam phải cải tổ lại mối bang giao quốc tế.

- Bốn quốc gia cộng sản còn lại (Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba) phải đặt quan hệ trên nền tảng quyền lợi quốc gia chứ không trên nền tảng xã hội chủ nghĩa và mỗi nước phải theo con đường phát triển riêng. Triển vọng về sự vùng dậy của phong trào cộng sản và giai cấp công nhân rất thấp, không còn cơ hội phục hồi.

- Quan niệm kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo là một tiêu chí cho định hướng xã hội chủ nghĩa là không đúng. Kinh tế quốc doanh chỉ là một trong những yếu tố quan trọng, không nên đặt vấn đề ưu tiên cho kinh tế quốc doanh. Một minh chứng là trong những năm trước khi có đổi mới, kinh tế quốc doanh đã không thể động viên hết tài nguyên hay tạo ra công việc một cách hữu hiệu và hiện nay, năng suất lao động và mức độ hữu hiệu của kinh tế quốc doanh rất thấp so với các thành phần kinh tế khác.

- Không thể đổ lỗi cho kinh tế thị trường về các hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, phí phạm, ăn cắp của công...vì những đơn vị quốc doanh cũng có hành vi làm ăn trái luật pháp. Những phương tiện giao thông vận tải của quốc doanh, trong đó có cả những cơ sở kinh doanh của quân đội, cũng tham gia buôn lậu.

- Phải tạo một môi trường kinh tế xã hội thông suốt, minh bạch để người dân có thể yên tâm làm ăn. Đầu tư và kinh doanh ngoại quốc đã đánh giá cao tiềm năng và sự ổn định chính trị của Việt Nam, nhưng e ngại về môi trường làm ăn.

- Việt Nam phải không ngần ngại học hỏi cách quản lý của các nước tư bản, đặc biệt là cách kiểm soát ngân quĩ, hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán.

Về phương diện chính trị, Võ Văn Kiệt vẫn khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng CSVN, nhưng muốn tăng cường quyền lực của chính phủ:

- Chức năng giữa đảng và nhà nước cần phân định rõ ràng hơn. Phải bỏ cơ chế chính ủy, quyền lực quyết định tại chỗ, sắp xếp theo yêu cầu chính trị, bộ máy đảng song trùng và nhiều khi đứng trên hoặc làm thay bộ máy chính quyền. Đảng phải ngưng việc đưa chỉ thị qua các bí thư đảng ủy mà phải đưa qua hệ thống chính phủ để cho viên chức chánh phủ lãnh nhiệm vụ thi hành.

- Đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, tăng cường quyền lực và khả năng hoạt động của các cơ quan dân cử như quốc hội, hội đồng nhân dân. Cả nước chỉ có một cơ quan duy nhất có tính năng và quyền lực lập pháp là quốc hội.

Cuối cùng, Võ Văn Kiệt kết luận là trong thời gian hiện tại, đảng nên chú tâm vào việc phát triển quốc gia và tạm thời quên đi việc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Dự thảo báo cáo của Võ Văn Kiệt chỉ được những chuyên viên, những viên chức hành chánh và một số đảng viên cấp tiến hoan nghênh, nhưng đa số đảng viên đều theo về phe bảo thủ đã chống lại, nhất là những đảng viên trong quân đội, công an và thông tin văn hóa, đứng đầu là Đỗ Mười và Lê Đức Anh.

Trong khi Lê Đức Anh luôn qui lỗi gây ra tệ đoan xã hội cho những biện pháp đổi mới và cảnh cáo về âm mưu "diễn biến hòa bình" thì Đỗ Mười đi khắp nơi, gián tiếp chỉ trích những đề nghị của Võ Văn Kiệt.

Ngày 7-5-1996, trong cuộc họp đảng tại Hà Nội, Đỗ Mười kêu gọi khu vực quốc doanh nên tiếp tục phát triển để nắm vai trò lãnh đạo trong việc sản xuất, phát huy kỹ thuật và mở rộng thị trường... Hôm sau, tại Sài Gòn ông ca ngợi sự phát triển kinh tế nhanh chóng của thành phố nhờ những xí nghiệp tư nhưng cũng bày tỏ lo ngại là cạnh tranh nước ngoài có thể khiến kinh tế quốc gia thành "một thị trường tiêu thụ sản phẩm nước ngoài và thành một nguồn cung cấp nguyên liệu thô". Ngoài ra, ông còn nói khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa có thể kiểm soát, khiến gây ra tệ trạng tham nhũng, buôn lậu..., tạo điều kiện thuận lợi cho những âm mưu diễn biến hòa bình gồm có âm mưu gây bất ổn chính trị, phá hoại kinh tế, làm ô nhiễm văn hóa ngõ hầu sẽ lật đổ chính quyền cách mạng. Đỗ Mười không quên chỉ thị công an TP.HCM phải sẵn sàng đập tan mầm mống phản động kể cả việc đàn áp những đồng chí cũ như Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn.

Nguyễn Văn Trấn từng ở trong ban bí thư trung ương đảng trước 1975. Sau khi viết cuốn Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội, ông thường xuyên bị theo dõi, khiêu khích và đe dọa. Còn Nguyễn Hộ, gần đến ngày đại hội đảng, đã viết thư cho các đại biểu khắp nơi kêu gọi ủng hộ những đề nghị cải cách trong bản dự thảo của Võ Văn Kiệt. Sợ bắt giữ ông trong thời gian đại hội có thể gây náo loạn, công an chỉ bắt đầu cô lập ông sau ngày đại hội. Đường dây điện thoại bị cắt, những người đến thăm bị tra hỏi hay bắt giữ (trong số những người đến thăm ông có nhà thơ Phùng Quán, khi về, ông bị bắt về tội phê bình đảng nhưng sau đó được thả ra. Phùng Quán đã viết thư đòi phải đưa ông ra tòa).

Để tăng thêm uy thế, cuối tháng 5, Đỗ Mười áp lực để học viện chính trị Hồ Chí Minh trao tặng huy chương Sao Vàng cho ông ta. Đồng thời để giảm uy tín của Võ Văn Kiệt, hai cán bộ lãnh đạo công an là Lê Minh Hương và Nguyễn Đình Hướng bắt giữ những ông Hà Sĩ Phu, Nguyễn Trung Thành, Lê Hồng Hà...tố cáo họ hoạt động cho âm mưu "diễn biến hòa bình"

Nhìn chung, tình hình trước ngày đại hội đảng có vẻ bất lợi cho Võ Văn Kiệt và phe cấp tiến. Trong hội nghị trung ương đảng năm 1994, số đảng viên được đề cử để trở nên ủy viên trung ương đảng phần lớn được tuyển lựa từ các địa hạt thuần túy chính trị hay từ các xí nghiệp quốc doanh nhiều hơn. Hội nghị này còn bầu thêm bốn người vào bộ Chính Trị, gồm Lê Khả Phiêu, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Hà Phan và Đỗ Quang Thắng (đang là bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi). Trong số những ủy viên bộ Chính Trị, số ủy viên cấp tiến chiếm thiểu số vì khối quân đội và công an (gồm 6 người) luôn luôn đứng về phe bảo thủ. Số còn lại thường e dè và cũng hay nghiêng về phe bảo thủ, chẳng hạn như Lê Xuân Tùng, một phụ tá của Nguyễn Văn Linh trước kia, sau là bí thư thành ủy Hà Nội, đã gián tiếp chỉ trích Võ Văn Kiệt đi sai đường lối xã hội chủ nghĩa. Ngay cả Nguyễn Văn Linh cũng tỏ ý hối tiếc về một số biện pháp đổi mới mà ông ta đã đưa ra.(1)

Thấy xu hướng bảo thủ trên đà thắng thế và bộ ba Đỗ Mười (79 tuổi), Lê Đức Anh (76 tuổi), Võ Văn Kiệt (74 tuổi) chắc sẽ phải về hưu, Đào Duy Tùng mưu toan cùng Nguyễn Hà Phan (năm 1994 vào bộ Chính Trị, được cử làm trưởng ban kinh tế của đảng) tranh chức tổng bí thư và thủ tướng trong đại hội đảng sắp tổ chức vào tháng 6-1996. Nguyễn Hà Phan cũng là người từng chỉ trích và xách động loại trừ Trần Xuân Bách khỏi trung ương đảng mấy năm trước. Để lấy lòng phe bảo thủ, ngày 1-4-1996, Đào Duy Tùng, ra một chỉ thị cho các cấp nhằm đàn áp báo chí. Chỉ thị này cảnh báo có "những thế lực thù nghịch" đang cấu kết để phá hoại chế độ nên các cấp chính quyền phải tăng cường kiểm soát báo chí và nghiêm trị mọi lỗi lầm sai phạm. Đối với báo chí nước ngoài, Đào Duy Tùng chỉ thị cho bộ ngoại giao, bộ thông tin văn hóa phải theo dõi nghiêm nhặt và "pháp luật cần áp dụng chặt chẽ đối với những nhà báo nước ngoài loan tin tức xuyên tạc đường lối và chính sách của Đảng". Chỉ thị cũng ra lệnh cho bộ ngoại giao, bộ thông tin văn hóa, bộ khoa học kỹ thuật, nha bưu điện, bộ công an - trong đó có cục A25 phụ trách kiểm soát báo chí, cục A42 bảo vệ chính trị - theo dõi kiểm soát điện thoại, điện thư ... Đồng thời, trước ngày đại hội, bộ trưởng thông tin văn hóa Trần Hoàn thông báo bắt buộc các phóng viên phải học tập về chính sách của đảng. Tất cả cơ quan truyền thông phải học tập để thông suốt hết về "định hướng xã hội chủ nghĩa".

Ký giả Adam Schwarz, báo Viễn Đông Kinh Tế - Far Eastern Economic Review bị trục xuất. Là người làm việc lâu năm ở Việt Nam, Schwarz nhận xét là trong chính sách của CSVN, có tương quan nghịch giữa cởi mở kinh tế và cởi mở chính trị. Ông ta viết: "Những nhà phân tích nhận thấy mỗi khi có một biện pháp cởi mở quan trọng về kinh tế, thế nào cũng kèm theo một biện pháp thắt chặt sự kiểm soát về an ninh".

Ngoài ra, để làm nản lòng những nhà đầu tư ngoại quốc và làm mất mặt phe đổi mới, công an (thuộc phe Đào Duy Tùng) trước ngày đại hội đảng đã cho đóng cửa các quán karaoke và gỡ bỏ các bảng quảng cáo thương mại có chữ ngoại quốc như Coca Cola, Daewoo, Sony.... Đảng ra lệnh chính phủ ngưng cấp tất cả visa nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian đại hội đảng nhằm gây khó khăn cho những công ty nước ngoài có chi nhánh ở Việt Nam. Người ngoại quốc di chuyển trong quốc nội bị gây rắc rối ở phi trường. Việt kiều về nước làm ăn bị làm khó dễ - điển hình là Nguyễn Trung Trực hãng Peregrine. Một qui định kiểm soát chặt chẽ những điện thư được ban hành. Hai nhật báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân mỗi tuần đăng ít nhất ba bài bình luận kêu gọi cảnh giác với người nước ngoài.

Đồng thời, Đào Duy Tùng phổ biến bản dự thảo báo cáo của Võ Văn Kiệt gửi bộ Chính Trị cho các ủy viên trung ương đảng. Do nỗi lo ngại bị mất quyền lợi và địa vị, đa số ủy viên trung ương đã đồng ý đề cử Đào Duy Tùng, Nguyễn Hà Phan (trưởng ban kinh tế đảng) và Phan Văn Tiệm (trưởng ban vận động đổi mới xí nghiệp quốc doanh) được viết bản báo cáo chính trị cho đại hội - tài liệu quan trọng mà đại hội đảng sẽ dựa theo để quyết định hướng cai trị suốt năm năm sau đó.

Bản dự thảo này nghiêng nhiều về định hướng xã hội chủ nghĩa, dành ưu tiên cho việc phát triển xí nghiệp quốc doanh, đặt chỉ tiêu cho xí nghiệp quốc doanh phải chiếm 60% kinh tế cả nước. Không có một điều gì trong dự thảo cải cách của Võ Văn Kiệt được nhắc đến.

Bản dự thảo báo cáo chính trị được sửa đi sửa lại 3 lần. Trong bản thảo hai lần đầu, về kinh tế cũng như ngoại giao, tuyệt đối không đề cập đến việc gia nhập khối ASEAN, một biến cố quan trọng đã giúp cho Việt Nam phát triển kinh tế mau chóng và thoát khỏi tình trạng bế tắc ngoại giao. Chuyện này chỉ được nhắc đến một cách sơ lược sau khi các đại sứ của ASEAN đọc được bản thảo thứ hai và đã phản đối.

Về nhân sự, Đào Duy Tùng đã cùng Lê Đức Anh loại tướng Đào Đình Luyện ra khỏi chức tham mưu trưởng quân đội cùng với một số tư lệnh quân khu. Đào Đình Luyện được coi là người ủng hộ Võ Văn Kiệt và là một trở ngại cho Lê Đức Anh khi Lê Đức Anh muốn thao túng hết những ủy viên trung ương trong quân đội. Phạm Văn Trà, tư lệnh quân khu III, từng phục vụ dưới quyền Lê Đức Anh, được cử lên thay Đào Đình Luyện.

Đào Duy Tùng cũng nhân dịp này tìm cách nâng đỡ cho con là Đào Duy Quát đang làm phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh vào trung ương đảng. Vì chỉ viện trưởng mới có thể được cử vào trung ương nên năm 1996, Đào Duy Quát đã mưu toan dựa vào thế lực của cha để lật đổ viện trưởng là Đặng Xuân Kỳ (con Trường Chinh), bằng cách dùng Trần Đình Nghiêm tố cáo là trong một buổi hội thảo tại viện, có hai diễn giả nói chuyện không đúng đường lối và chống lại chủ trương của Đỗ Mười. Dù có sự tiếp tay của Đỗ Mười, mưu toan này bị thất bại.

Gần đến ngày đại hội, Võ Văn Kiệt càng yếu thế hơn khi một cộng sự viên là thứ trưởng bộ Ngoại giao Lê Mai, người có công trong việc thiết lập bang giao với Hoa Kỳ và ASEAN, qua đời vì bệnh tim. Trước đại hội, đã có dàn xếp cho Lê Mai vào bộ Chính Trị để thay Nguyễn Mạnh Cầm trong chức vụ ngoại trưởng và Nguyễn Mạnh Cầm sẽ lên làm chủ tịch nhà nước thay Lê Đức Anh. Tuy Lê Mai được tiếng là cấp tiến nhưng trong buổi họp báo về việc sắp thiết lập ngoại giao với Hoa Kỳ, một ký giả trong nước hỏi "từ nay những tin về Hoa Kỳ có cần phải đệ trình để xét duyệt nữa không", ký giả này đã bị khiển trách vì gián tiếp cho ký giả nước ngoài thấy tình trạng báo chí bị kiểm duyệt ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nhờ tình trạng kinh tế Việt Nam trong thời gian từ 1991 đến 1996 cải thiện rõ rệt (tổng sản lượng quốc gia tăng trên dưới 8% mỗi năm) và sau khi thiết lập ngoại giao với Hoa kỳ và ASEAN, địa vị Việt Nam trên thế giới được củng cố cho nên phe đổi mới trước sự tấn công của phe Đào Duy Tùng vẫn không yếu thế lắm. Võ Văn Kiệt phản ứng lại bằng cách ra lệnh phá bỏ những nhà cửa, biệt thự mà các tướng lãnh quân đội và cán bộ cao cấp xây dựng trái phép trên đất công dọc theo đê Yên Phụ tại Hà Nội. Vào dịp ngày đầu năm, không sợ bị chỉ trích, ông ta ngang nhiên đến nhà tù thăm Vũ Ngọc Hải, một cựu bộ trưởng của ông đang ở tù vì tham nhũng trong công tác xây đường dây điện cao thế Bắc Nam.

Nhưng ngón đòn lợi hại nhất của phe Võ Văn Kiệt là cách đối phó với Nguyễn Hà Phan. Lúc đó, gần đến ngày đại hội, Đào Duy Tùng và Nguyễn Hà Phan chủ quan tin rằng sắp nắm chắc được chức tổng bí thư và ghế thủ tướng nên tỏ ra rất tự kiêu, gây bất mãn cho nhiều ủy viên trung ương đảng. Ngoài ra, việc loại bỏ tướng Đào Đình Luyện cũng gây phản ứng trái ngược trong quân đội.

Phe Võ Văn Kiệt, đa số là đại biểu miền Nam, đưa bằng chứng Nguyễn Hà Phan đã bán đứng đồng chí khi bị cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa bắt trong những năm 1960. Nguyễn Hà Phan sau đó bị loại khỏi trung ương đảng và bị quản thúc.(2) Còn Đào Duy Tùng khi ra tranh chức tổng bí thư chỉ được 10% số phiếu. Ít ngày sau, ông ta bị xuất huyết mạch máu não và qua đời. Con trai của ông là Đào Duy Quát đang làm viện phó viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê sau khi không lật được viện trưởng phải đổi sang làm phó ban tư tưởng văn hóa của đảng. Mấy năm sau, tại đại hội IX, Đào Duy Quát nhờ Lê Đức Anh và Lê Khả Phiêu giới thiệu ứng cử để làm ủy viên trung ương đảng nhưng vẫn không được.

Đại hội đảng lần thứ VIII của CSVN sau nhiều ngày chuẩn bị đã khai diễn từ ngày 28-6 đến ngày 1-7-1996 tại Hà Nội. Đại hội gồm có 1198 đại biểu, trong đó số đại biểu quân đội tăng lên 13% (kỳ đại hội trước chỉ có 8%).

Trong số quan khách ngoại quốc có Lý Bằng, thủ tướng của Trung Quốc. Lý Bằng, từng là bí thư thành ủy Thuợng Hải là một người tương đối bảo thủ của đảng cộng sản Trung Quốc. Sự hiện diện của Lý Bằng, người coi như chủ chốt trong vụ đàn áp sinh viên ở Thiên An Môn như để nhắc nhở cho những đại biểu của đảng CSVN về sự quan trọng của ý thức hệ và hậu thuẫn cần thiết của Trung Quốc để có thể tiếp tục chế độ độc tài độc đảng. Trong ngày đại hội, tất cả lãnh tụ CSVN đều đã đến chào và công khai "ôm hôn thắm thiết" Lý Bằng. Tuy nhiên, trong đại hội, bản báo cáo chính trị của đại hội thiên về bảo thủ (như tăng cường hệ thống kinh tế quốc doanh lên 60% kinh tế cả nước) do phe Đào Duy Tùng soạn thảo đã được sửa lại, cắt xén và dung hòa để mục tiêu của chính quyền vẫn là phát triển kinh tế (qua kinh tế thị trường) song song với sự tăng cường an ninh và quốc phòng (bằng cách đàn áp chống đối, siết chặt những quyền tự do căn bản). Sau đó đại hội bỏ phiếu chấp thuận 170 ủy viên trung ương và 19 ủy viên Bộ Chính Trị gồm có:

1- Đỗ Mười, tiếp tục làm Tổng Bí Thư.

2- Lê Đức Anh, chủ tịch Nhà Nước.

3- Võ Văn Kiệt, thủ tướng.

4- Nông Đức Mạnh, chủ tịch Quốc Hội.

5- Lê Khả Phiêu, kiêm ban thường vụ bộ Chính Trị.

6- Đoàn Khuê, bộ trưởng Quốc Phòng, một năm sau bị mất chức.

7- Phan Văn Khải, Phó Thủ Tướng.

8- Nguyễn Mạnh Cầm, kiêm Ngoại Trưởng.

9- Nguyễn Đức Bình, giám đốc Học Viện Chính Trị Hồ Chí Minh.

10- Nguyễn Văn An, trưởng ban Tổ Chức Trung Ương Đảng.

11- Phạm Văn Trà, tham mưu trưởng quân đội .

12- Lê Minh Hương, bộ trưởng Nội vụ.

13- Nguyễn Thị Xuân Mỹ, ban kiểm soát Trung Ương Đảng.

14- Trương Tấn Sang, bí thư thành ủy TP.HCM.

15- Nguyễn Xuân Tùng, bí thư thành ủy Hà Nội (từng làm chánh văn phòng cho Nguyễn Văn Linh).

16- Trần Đức Lương, phó thủ tướng.

17- Nguyễn Đình Tứ, (đã chết).

18- Phạm Thế Duyệt, ban tuyên vận đảng.

19- Nguyễn Tấn Dũng, phó thủ tướng.

Vì sự tranh chấp trong nội bộ đảng vẫn không thể được giải quyết nên đại hội đảng lần thứ VIII đã phải giữ nguyên ban lãnh đạo của Mười, Anh, Kiệt để chờ cho những hội nghị trung ương đảng về sau giải quyết.

Tại đại hội đảng lần này, đặc biệt trong danh sách 19 ủy viên bộ Chính Trị được bầu có Nguyễn Đình Tứ, một nhà khoa học, nhưng người này sau khi được lựa chọn trong hội nghị trung ương đảng mấy ngày trước đại hội thì ngã bệnh chết. Đại hội đảng vì chỉ có quyền thi hành lệnh của trung ương đảng để biểu quyết nên đã không dám gạt bỏ tên ông ra khỏi danh sách và vẫn giơ tay nhất trí bầu một người không còn sống. Ngoài việc bầu cử bộ Chính Trị, đại hội đảng lần thứ VIII cũng giải tán ban bí thư trung ương đảng, một cơ quan chuyên về vấn đề điều hành nội bộ đảng. Thay vào đó là một ban thường vụ bộ Chính Trị gồm có năm ủy viên là Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng.

Nếu đại hội đảng năm 1982 học theo Nga Xô để tổ chức Hội Đồng Nhà Nước và Hội Đồng Bộ Trưởng thì lần này, ban thường vụ bộ Chính Trị là một khuôn mẫu học theo cộng sản Trung Quốc. Năm người trong ban thường vụ gồm bộ ba đầu não của bộ Chính Trị và hai người do họ lựa chọn. Lê Khả Phiêu được chọn là do sự nâng đỡ của Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Để quân bình, Võ Văn Kiệt đòi hỏi phải để Nguyễn Tấn Dũng, một ủy viên đứng thứ 19 trong 19 người (kể cả Nguyễn Đình Tứ) được vào ban thường vụ.

Sự thành lập ban thường vụ rập khuôn theo cách tổ chức đảng của Trung Quốc là do ý kiến của Đỗ Mười và Lê Đức Anh, lấy cớ sẽ làm việc "hữu hiệu" hơn nhưng thực tế chỉ nhắm gom quyền lực của bộ Chính Trị vào 5 người.

Người đứng lên phản đối cách tổ chức này là Trần Trọng Tân, trưởng ban tư tưởng và văn hóa của đảng. Là một đảng viên bảo thủ quan trọng, sau khi không được đề cử vào bộ Chính Trị, Trần Trọng Tân lại mất luôn hy vọng được bầu vào một cơ quan quyền lực khác là ban bí thư. Các đại diện vỗ tay hưởng ứng lời phản đối của Trần Trọng Tân, nhưng Lê Đức Anh, với tư cách chủ tịch đại hội, tìm cách hoãn binh bằng hứa hẹn sẽ cứu xét lại sự phản đối của Trần Trọng Tân, sau đó để cho lời hứa này chìm vào quên lãng. Nhóm cầm quyền vẫn tiếp tục giữ ban thường vụ và Lê Khả Phiêu củng cố thêm quyền hành bằng cách gạt Nguyễn Tấn Dũng ra ngoài nhưng trung ương đảng sau đó đã phản ứng bằng cách chỉ cho ban thường vụ quyền cố vấn cho bộ Chính Trị.

So với bộ Chính Trị năm 1991, những ủy viên bị loại ra gồm Đào Duy Tùng, Nguyễn Hà Phan, Đỗ Quang Thắng, Lê Phước Thọ, Vũ Oanh, Bùi Thiện Ngộ và Võ Trần Chí. Do sự phân chia quyền lực chưa ngã ngũ, bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt không ai muốn từ chức trước, sợ rằng người thay thế mình sẽ bị phe đối thủ chèn ép. Vì không có sự nhất trí trong trung ương đảng, cả ba đều được tạm thời giữ lại.

Theo Đoàn Duy Thành, cựu bí thư tỉnh ủy Hải Phòng, trước ngày đại hội đảng đã có hội nghị trung ương đảng thứ 11 (khóa VII), các ủy viên trung ương đã ra nghị quyết để đại hội đảng sẽ thay đổi hầu hết ủy viên bộ Chính Trị, nhưng sau đó Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh cùng Đỗ Mười cấp tốc triệu tập hội nghị trung ương thứ 11-B, vận động để hội nghị này đưa ra một nghị quyết khác, giữ lại tất cả ủy viên bộ Chính Trị, nhưng có ba ủy viên từ chối không ở lại là Vũ Oanh, Lê Phước Thọ và Bùi Thiện Ngộ. Trong số ủy viên mới, Phạm Văn Trà được lên chức tham mưu trưởng quân đội rồi thăng ủy viên bộ Chính Trị nhờ hậu thuẫn của Lê Đức Anh. Phạm Văn Trà từng là trung đoàn trưởng dưới quyền Lê Đức Anh trước 1975.

Số ủy viên trung ương đảng được bầu trong đại hội 8 là 170 người (nhiều hơn đại hội trước 36 người), gồm 68 viên chức chính phủ (bộ trưởng, thứ trưởng, tổng giám đốc các công ty quốc doanh), 7 viện trưởng đại học, 48 đảng ủy cao cấp, 31 người vừa là đảng ủy vừa là cán bộ hành chánh (như tỉnh ủy kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân), 16 sĩ quan cao cấp (chủ nhiệm tổng cục, tư lệnh hay chính ủy quân khu, binh chủng)...

Tình trạng dằng dai của bộ ba cầm quyền Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt có thể còn kéo dài, nếu Lê Đức Anh không bị xuất huyết mạch máu não tháng 11-1996.

Khi Lê Đức Anh phải vào bệnh viện, Võ Văn Kiệt ở bên ngoài chẳng những đã không nói lời chúc chóng lành bệnh mà còn tuyên bố nếu Lê Đức Anh phải nằm bệnh viện lâu, trung ương đảng sẽ cần bầu một chủ tịch mới vì "một nước không thể nào không có chủ tịch".

Cùng lúc đó, phe Võ Văn Kiệt ngầm tố cáo những hành động sai trái của Lê Đức Anh khi ở Campuchia và thái độ hành hạ công nhân khi làm cai phu đồn điền cao su trong những năm 1940. Vì thế, dù đã lớn tuổi và sau khi ngã bệnh bị yếu đi nửa người, Lê Đức Anh không chịu về hưu mà chờ tới tháng 9-1997 mới dàn xếp để cùng đối thủ là Võ Văn Kiệt từ chức cùng một lúc, nhường chỗ cho Trần Đức Lương và Phan Văn Khải.

Dù được tiếng là người của phe đổi mới, chính Võ Văn Kiệt đã ký "Chỉ thị về quản chế hành chánh" (sắc luật 31/CP) ngày 14-4-1997 "áp dụng cho những phần tử vi phạm luật lệ, phá hoại an ninh quốc gia, nhưng không trầm trọng lắm để có thể đưa ra tòa xử như một trọng tội". Chỉ thị này nhằm hợp pháp hóa việc bắt giữ những tiếng nói đối lập, gán họ vào thành phần của "những thế lực thù nghịch phát động diễn biến hòa bình", cho phép các cơ quan hành chánh hay công an địa phương có quyền bắt và giam giữ bất cứ người nào trong vòng từ sáu tháng đến hai năm mà không cần phải đưa ra xét xử, không cho bị cáo cơ hội biện hộ.

Ngoài ra, do đề nghị của Lê Đức Anh và Đoàn Khuê, Võ Văn Kiệt đã ký sắc luật 96/CP nâng cục quân báo C2 lên thành cấp tổng cục, khiến quyền hành của tổng cục 2 này lớn hơn quyền hạn của công an, tăng cường hơn nữa sự kiểm soát nhân dân.

Điều 1, chương 1 sắc luật 96/CP cho phép tổng cục 2 có quyền hạn hoạt động trong đủ mọi ngành như chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học kỹ thuật, kỹ nghệ và môi trường, văn hóa xã hội.

Điều 11, chương 2 của sắc luật này ghi rõ "Mục tiêu của những lực lượng tình báo quốc phòng là thu thập tin tức và tài liệu liên quan đến Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Phải đặc biệt chú trọng đến những quốc gia, những tổ chức hay cá nhân trong nước cũng như ngoài nước đang âm mưu hay tham gia vào những hoạt động nhằm chống lại đảng cộng sản hay nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam".

Tổng cục C2 chỉ chịu trách nhiệm với bộ trưởng quốc phòng, bộ Chính Trị và chủ tịch nước. Vì quyền hạn quá rộng lớn, bao gồm đủ mọi phạm vi, lại được quyền cho người đến nằm vùng tại các cơ quan, tổng cục này sau đó đã gây ra rất nhiều lạm dụng. Chủ nhiệm tổng cục 2 lúc đó là Đặng Vũ Chính, một người thân cận của Lê Đức Anh khi còn ở quân khu IX và Campuchia. Vũ Chính lên thay Như Văn từ năm 1995.

Sau khi nhậm chức, Đặng Vũ Chính thay hết cán bộ cũ bằng người thân tín. Con trai là Đặng Vũ Dũng đi lao động từ Đông Đức về được cho làm giám đốc công ty xây dựng Hồng Bàng của tổng cục, hai con gái là Đặng Thị Mai, Đặng Thị Ngọc được mang quân hàm đại úy với công tác "cán bộ mật", vợ là Đặng Thị Nhẫn bắt ép vợ của Như Văn nhường lại chức giám đốc khách sạn Hoàng Đế, và vợ của Trần Tiến Cung (tổng cục phó) cũng phải nhường lại chức giám đốc chi nhánh miền Trung của công ty du lịch Deti Tour.

Năm 2000, Vũ Chính về hưu, nhường chức cho con rể là Nguyễn Chí Vịnh, con trai của Nguyễn Chí Thanh, đồng thời, con trai của Vũ Chính là Đặng Vũ Dũng cũng trở về tổng cục 2 và được cử làm cục phó cục 12, hoạt động tình báo trong khu vực miền Nam.

Ba tháng sau ngày Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh từ chức, đến lượt Đỗ Mười phải nhường chức tổng bí thư cho Lê Khả Phiêu, người đang nắm chức chủ nhiệm tổng cục chính trị của quân đội.

Có tin là dịp hội nghị trung ương đảng họp cuối tháng 12-1997, Lê Đức Anh vẫn mưu toan đưa Lê Khả Phiêu lên chủ tịch Nhà Nước để tự mình nắm chức tổng bí thư nhưng thất bại vì chính Đỗ Mười không muốn từ chức. Nhờ được Đỗ Mười đỡ đầu, Lê Khả Phiêu thắng được một đối thủ mạnh mẽ là Nguyễn Văn An, đang giữ chức trưởng ban tổ chức đảng.

Thay chỗ cho Lê Khả Phiêu trong chức chủ nhiệm tổng cục chính trị là tướng Phạm Thanh Ngân, trước đó là tư lệnh Không Quân, ít lâu sau cũng được Lê Khả Phiêu đưa vào bộ Chính Trị.

Một năm sau, khi Đoàn Khuê bị bệnh chết. Phạm Văn Trà đang là tham mưu trưởng quân đội được cử lên nắm bộ quốc phòng. Tướng Đào Trọng Lịch, tư lệnh quân khu II được cử lên làm tham mưu trưởng quân đội.

Riêng ban thường vụ bộ Chính Trị, sau khi bộ ba Mười, Anh, Kiệt từ chức, Lê Khả Phiêu với tư cách tổng bí thư, đã áp lực đẩy Nguyễn Tấn Dũng ra ngoài, thay vào đó là Phạm Thế Duyệt, và ban thường vụ mới này gồm 5 người: Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh, Phạm Thế Duyệt.

Còn ở bộ Chính Trị, bốn người thay thế Mười, Anh, Kiệt, Nguyễn Đình Tứ là Phan Diễn, bí thư thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Phú Trọng, bí thư thành ủy Hà Nội, Nguyễn Minh Triết, bí thư thành ủy TP.HCM cùng với Phạm Thanh Ngân, một người thân tín của Lê Khả Phiêu vừa được cử làm chủ nhiệm tổng cục chính trị thay Lê Khả Phiêu.

Tuy bộ ba Mười, Anh, Kiệt đã chính thức về hưu, trở nên "cố vấn", nhưng Đỗ Mười và Lê Đức Anh vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ trong bộ Chính Trị và cả trong ban thường vụ suốt nhiệm kỳ của đại hội VIII và IX.

Chỉ riêng Võ Văn Kiệt sau khi từ chức dần dần bị thất thế. Mấy năm sau, nhân viết một bài nhận xét về cuốn sách của Lý Quí Chung và bị Nguyễn Khoa Điềm chỉ trích trên báo chí, Võ Văn Kiệt viết thư trả lời nhưng Nguyễn Khoa Điềm không cho báo chí đăng lại.

Do đó, Võ Văn Kiệt đã viết một thư khác phổ biến ra hải ngoại trong đó có câu "...Đối với người như tôi mà đồng chí còn không cho in bài thì người dân có quyền gì nói lên sự thật..".

Trong thư này, dù là một người tương đối cấp tiến và viết thư chính thức để phổ biến công khai, lời lẽ đối với những người cam tâm đầu hàng vẫn có vẻ khinh miệt, chẳng hạn: "...trừ những đoạn mà đám Nhuận, Đức, Hạnh không chịu vì có liên quan..." ("đám" Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức và Nguyễn Hữu Hạnh đòi Lý Quí Chung bỏ đi những đoạn này có lẽ vì đã kể lại các hành động không đáng hãnh diện của họ).(3)

Tân tổng bí thư Lê Khả Phiêu sinh năm 1931 tại Đông Khê, Thanh Hóa, gia nhập đảng cộng sản từ năm 1949. Suốt mấy chục năm trong quân ngũ và trong đảng, Lê Khả Phiêu chỉ giữ những chức chính ủy trong quân đội. Trong Chiến Tranh Đông Dương I trước 1954, Lê Khả Phiêu là chính ủy đại đội, trong chiến tranh Đông Dương II, là chính ủy trung đoàn 9 sư đoàn 304. Sau đó lên chính ủy sư đoàn rồi chính ủy quân khu Trị Thiên. Trong chiến tranh Campuchia, Lê Khả Phiêu làm chính ủy quân đoàn 2 rồi phó chính ủy quân khu 9. Trong thời gian chiếm đóng Campuchia, Lê Khả Phiêu được thăng thiếu tướng. Sau thời gian này, nhờ thân cận với Lê Đức Thọ và Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu được thăng trung tướng, làm chủ nhiệm tổng cục chính trị và sau đó vào bộ Chính Trị rồi lên tổng bí thư. Vì chỉ giữ những chức vụ thuần túy chính trị trong quân đội, Lê Khả Phiêu không có hậu thuẫn vững mạnh trong đảng (như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười là những người từng giữ nhiều chức vụ và công tác ở nhiều nơi), hay trong quân đội (như Lê Đức Anh, từng có nhiều quan hệ với các tư lệnh quân khu khi làm bộ trưởng bộ quốc phòng). Do đó, Lê Khả Phiêu thường phải dựa vào phe bảo thủ và sau đó là dựa vào Trung Quốc.

Sự đề cử Trần Đức Lương lên thay Lê Đức Anh làm chủ tịch Nhà Nước tương đối là một bất ngờ vì trong bộ Chính Trị, ông ta chỉ đứng hàng thứ 16. Trần Đức Lương sinh năm 1937 tại Quảng Ngãi, tốt nghiệp đại học về địa chất và được làm giám đốc Nha Địa Chất năm 1979. Ông gia nhập đảng cộng sản năm 1959 và được cử làm ủy viên trung ương đảng năm 1991 rồi vào bộ Chính Trị năm 1996. Từ 1987 đến 1997 từng là phó thủ tướng cho Võ Văn Kiệt. Việc Trần Đức Lương được lên làm chủ tịch nhà nước cũng là một thất bại cho Đoàn Khuê vì ông này vẫn mong muốn được thay thế Lê Đức Anh.

Đoàn Khuê, sinh năm 1923, cựu tư lệnh quân khu V, từng giữ chức tham mưu trưởng quân đội năm 1987 và bộ trưởng quốc phòng năm 1991, là một người nhiều tham vọng. Trong thời gian trước đại hội VIII, phe bảo thủ, trong đó có quân đội và công an (gồm Đoàn Khuê, Lê Khả Phiêu, Phạm Văn Trà, Lê Minh Hương) tương đối chiếm ưu thế tại bộ Chính Trị. Vì Đào Duy Tùng và Nguyễn Hà Phan không giấu tham vọng tranh chức tổng bí thư và thủ tướng nên Đoàn Khuê nghĩ rằng ông ta có thể nhờ hậu thuẫn công an và quân đội để kế nhiệm địa vị chủ tịch nhà nước của Lê Đức Anh. Khi viếng thăm nước Pháp với tư cách bộ trưởng quốc phòng và lúc được tổng thống Chirac tiếp, Đoàn Khuê đã huyênh hoang nói là sẽ tới thăm nước Pháp lần nữa với tư cách ngang hàng (chủ tịch nhà nước) với Chirac. Do tác phong quan liêu, Đoàn Khuê không được lòng thuộc cấp. Ngoài ra, tuy cùng thuộc phe quân đội và bảo thủ, Đoàn Khuê lại rất bất mãn với Lê Khả Phiêu bởi lý do Lê Khả Phiêu từng là thuộc cấp của Đoàn Khuê khi Đoàn Khuê là bộ trưởng quốc phòng. Vì thế, khi Đoàn Khuê ra tranh chức chủ tịch nhà nước, phe của Lê Khả Phiêu trong quân đội đã nhập vào phe Võ Văn Kiệt mà ủng hộ Trần Đức Lương.

Người thay thế Võ Văn Kiệt là Phan Văn Khải, một người đã được Võ Văn Kiệt nâng đỡ để sửa soạn vào chức thủ tướng. Sự đề cử Phan Văn Khải vào chức thủ tướng đã làm yên lòng các nhà đầu tư ngoại quốc, cho thấy đảng CSVN vẫn muốn tiếp tục đường lối kinh tế cởi mở cũ. Phụ tá của Phan Văn Khải có những phó thủ tướng:

- Nguyễn Tấn Dũng, đặc trách kinh tế và nội an. Sinh ở Cà Mâu, xuất thân là lính quân y (trong lý lịch khai đã được huấn luyện thành bác sĩ giải phẫu). Sau thời gian làm chính ủy đại đội quân y, Dũng chuyển sang làm chính ủy tiểu đoàn rồi trung đoàn, từng phục vụ ở Campuchia. Năm 1994 làm bí thư tỉnh Kiên Giang, năm sau thăng thứ trưởng bộ Nội vụ.

- Nguyễn Mạnh Cầm, phụ trách đối ngoại

- Nguyễn Công Tấn, quê ở Thái Bình, đặc trách phát triển nông thôn. Nguyễn Công Tấn tốt nghiệp kỹ sư canh nông tại đại học Hoa Nam năm 1958.

- Ngô Xuân Lộc, đặc trách kỹ nghệ và phát triển thành thị (sau đó mất chức vì bị phe Lê Đức Anh tố cáo tham nhũng trong việc xây cất công viên tại Hà Nội)

- Phạm Gia Khiêm, đặc trách giáo dục, khoa học. Phạm Gia Khiêm sinh năm 1944 ở Hà Nội, du học ở Nga Xô và Tiệp Khắc. Vào đảng năm 1969, từng dạy đại học Bắc Thái, trưởng khoa giáo dục khoa học trong UB kế hoạch nhà nước, sau đó lên phó chủ nhiệm UB.

Các bộ trưởng chính gồm có:

- Thương Mại: Trương Đình Tuyển, từng là bí thư tỉnh uỷ Nghệ An.

- Nông Nghiệp: Lê Huy Ngọ.

- Giao Thông: Lê Ngọc Hoan.

- Xây Dựng: Nguyễn Mạnh Kiểm.

- Văn Hóa Thông Tin: Nguyễn Khoa Điềm, sinh quán tại Huế, tốt nghiệp sư phạm. Sau 1975, là chủ tịch hội văn hóa Bình Trị Thiên. Với tư cách này, Nguyễn Khoa Điềm cùng Trần Hoàn kết án Trịnh Công Sơn về tội đã gọi cuộc chiến Việt Nam là nội chiến và tội làm bài hát thương tiếc cựu đại tá Không Quân VNCH Lưu Kim Cương rồi đẩy đi cải tạo.

- Quốc Phòng: Đoàn Khuê, sau đó là Phạm Văn Trà (trước là tư lệnh quân khu III quanh Hà Nội, thay Đào Đình Luyện làm tham mưu trưởng quân đội từ tháng giêng năm 1996).

- Giáo Dục: Nguyễn Minh Hiền.

- Tài Chánh: Nguyễn Sinh Hùng, sinh tại Nghệ An, từng du học Bulgary, họ hàng với Hồ Chí Minh.

- Nội Vụ: Lê Minh Hương, sinh quán Hà Tĩnh, xuất thân từ ngành tình báo. Theo học trường an ninh, cán bộ an ninh ở liên khu 4, rồi làm công tác gián điệp ở các tòa đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Nhật. Sau đó thăng giám đốc sở tình báo rồi thứ trưởng nội vụ.

- Tư Pháp: Nguyễn Đình Lộc.

- Hải Sản: Tạ Quang Ngọc: sinh quán Nghệ An.

- Kế Hoạch và Đầu Tư: Trần Xuân Giá, sinh tại Huế, từng là phó chủ tịch ủy ban vật giá, phó chủ nhiệm ủy ban kế hoạch nhà nước rồi thứ trưởng bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư.

- Khoa Học Kỹ Thuật và Môi Sinh:Chu Tuấn Nhã.

- Y Tế: Đỗ nguyên Phương.

- Lao Động, Thương Binh, Xã Hội: Trần Đình Hoan, sau đó là Nguyễn Thị Hằng.

- Văn phòng chính phủ: Lại Văn Cừ.

- Chủ nhiệm UB Bảo Vệ Và Săn Sóc Trẻ Em: Trần Thị Thanh Thanh

- Chủ nhiệm UB Kế Hoạch Gia Đình: Trần Thị Trung Chiến.

- Chủ nhiệm UB Chống Lụt Lội Và Phát Triển Sông Cửu Long: Nguyễn Cảnh Đinh

- Chủ nhiệm UB Thể Thao: Hà Quang Dự.

- Chủ nhiệm UB Sắc Tộc: Hoàng Đức Nghi.

Tất cả bộ trưởng, thứ trưởng hay chủ nhiệm ủy ban do Phan Văn Khải đề nghị đều được quốc hội chấp thuận, trừ thống đốc ngân hàng Cao Sĩ Kiêm, bị quốc hội loại vì sau 8 năm làm thống đốc, hệ thống ngân hàng vẫn quá yếu kém. Vị trí này bỏ trống cho tới 6 tháng sau, Phan Văn Khải mới đề cử Nguyễn Tấn Dũng, phó thủ tướng đặc trách kinh tế kiêm chức vụ thống đốc. Nguyễn Tấn Dũng không có kinh nghiệm về ngân hàng, nhưng được đề cử nhằm nâng cao uy thế chính trị của ngành này. Công việc điều hành hàng ngày được giao cho Lê Đức Thúy, một chuyên viên từng du học ở Harvard trong hai năm 1991 và 1992. Hơn một năm sau, Lê Đức Thúy mới được chính thức làm thống đốc.

Sau đại hội VIII, năm 1997 là một năm xảy ra nhiều biến cố đối với Việt Nam. Dù cơn khủng hoảng kinh tế tại các nước Á Châu như Thái Lan, Tân Gia Ba, Đại Hàn, Nhật Bản... phải nửa năm sau mới ảnh hưởng tới Việt Nam, nhưng kinh tế Việt Nam năm 1997 cũng đã có những dấu hiệu suy thoái. Ngoài cơn bão Linda gây cảnh bão lụt tại miền Nam và miền Trung khiến mức sản xuất lúa gạo bị giảm sút, một lý do khác là hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa vững mạnh khiến những công ty ngoại quốc ngần ngại khi đầu tư và cuối cùng, lý do quan trọng nhất là sự lãng phí và kém hiệu quả của những công ty quốc doanh.

Từ năm 1997, số tiền ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam mỗi ngày một giảm. Một số công ty ngoại quốc đã phải đóng cửa hoặc vì lỗ lã, hoặc do những trở ngại hành chánh hay tham nhũng. Tuy thế, những phần tử bảo thủ vẫn muốn duy trì và phát triển những công ty này vì "định hướng xã hội chủ nghĩa" là niềm hy vọng duy nhất của họ để sẽ có một ngày, tất cả đều trở lại là kinh tế nhà nước chỉ tồn tại những công ty quốc doanh.

Cơn khủng hoảng kinh tế của các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Đại Hàn, Nhật Bản... năm 1997 cũng khiến họ nghĩ đường lối kinh tế chỉ huy là đúng đắn và càng làm cho họ cứng rắn hơn nữa để kềm hãm đà đổi mới, dù những biện pháp đổi mới mấy năm trước đã giúp đời sống người dân tương đối thoải mái hơn trước, nhưng so với những nước lân bang, người dân Việt Nam vẫn còn rất nghèo.

Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, lợi tức bình quân hàng năm mỗi người dân Việt vào năm 1997 là 350 mỹ kim, chỉ ngang với Bangladesh. Trong khi đó, lợi tức hàng năm của người dân Phi Luật Tân cao hơn gấp ba lần (1000 mỹ kim), Thái Lan cao hơn gấp 7 lần (hơn 2000 mỹ kim)...

Dù có những biện pháp cởi mở về nông nghiệp, lợi tức của nông dân vẫn thua xa người dân thành thị. Thống kê của bộ nông nghiệp cho biết sau khi trừ hết chi phí, lợi tức trung bình của nông dân chỉ ở mức dưới 100 mỹ kim, trong khi lợi tức trung bình của thị dân Hà Nội là 800 mỹ kim, Sài Gòn 1000 mỹ kim.

Trước hoàn cảnh khốn khó và bị chèn ép, tháng 5 năm 1997, nông dân tỉnh Thái Bình đã biểu tình phản đối các cán bộ địa phương tham nhũng, đặt ra những thuế khóa vô lý (thuế đất, thuế thày giáo...), trả tiền lúa gạo mà nông dân bán ra thật rẻ so với giá thị trường, chiếm hữu đất đai cho gia đình, bạn bè, ép nông dân phải xung phong lao động xã hội chủ nghĩa không công ít nhất 10 ngày trong năm... Việc đánh thuế vô lý đến nỗi tiền thuế thu được trong 3 năm từ 1994 đến 1997 của tỉnh Thái Bình bội thu hơn con số dự trù của trung ương đến 176 tỷ đồng (khoảng 16 triệu mỹ kim).

Khởi xướng và đứng đầu những cuộc biểu tình phản đối ở Thái Bình đều là những cán bộ hoặc bộ đội về hưu. Họ tổ chức biểu tình qui mô, cho người già và trẻ em đi trước, kế tiếp là cựu cán bộ, sau đó mới là thanh niên.

Suốt từ tháng 5 đến tháng 12, ký giả hoặc nhân viên những tổ chức thiện nguyện ngoại quốc đều bị cấm không được đến tỉnh Thái Bình.

Mới đầu, những cuộc biểu tình còn ôn hòa, nông dân chỉ mong muốn được giảm thuế, nhưng chính quyền địa phương không chịu giải quyết nên đã biến thành bạo động. Một số nông dân và viên chức bị tử thương, nhất là ở huyện Quỳnh Phú. Công an và ủy ban hành chánh nhiều xã đã phải bỏ nhiệm sở chạy trốn. Những cuộc biểu tình đã diễn ra trong nhiều tháng. Chính quyền trung ương ở Hà Nội phải đem 1200 công an đặc biệt từ những nơi khác đến để ngăn chận phong trào chống đối lan tràn. Đồng thời, đảng cử Phạm Thế Duyệt, một ủy viên bộ Chính Trị người tỉnh Thái Bình đến dàn xếp. Chính quyền địa phương đã phải công nhận lầm lỗi, giải nhiệm một số viên chức, đưa ra vài biện pháp xoa dịu. Nhưng mặt khác, họ cũng đã bắt một số người biểu tình đưa lên đài truyền hình ép phải thú nhận tội lỗi là đã có hành động "chống đối" đảng và nhà nước. Trong một bài báo đăng ở báo đảng, bí thư tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Xuân Lai tiếp tục coi những người theo đạo Công Giáo trong tỉnh là những phần tử khả nghi và kêu gọi đảng phải tăng cường cảnh giác. (4)

Tháng 11-1997, sau nhân dân Thái Bình, đến lượt nhân dân tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa cũ). Tại vùng đất của dân Công Giáo, giáo dân biểu tình phản đối những cán bộ địa phương đã ngang nhiên truất hữu đất đai nhà thờ. Tuy nhân dân Đồng Nai không được xếp hạng là thành phần tốt đối với chính quyền, nhưng họ đã biểu tình ngay trên quốc lộ 1, ngăn chặn con đường lưu thông huyết mạch Bắc Nam và chọn thời gian biểu tình vào lúc có một hội nghị quốc tế gồm những nước biết nói tiếng Pháp tổ chức ở Hà Nội để gây tiếng vang.

Như thường lệ, chính quyền phong tỏa tỉnh Đồng Nai, cấm người ngoại quốc lai vãng và trên báo chí quốc nội, không một báo nào được phép đăng tin. Phạm Thế Duyệt lại đóng vai trò dàn xếp và chính quyền lại hứa hẹn sửa sai. Một thời gian sau, bộ trưởng phát triển nông thôn là Nguyễn Công Tấn bị mất chức.

Hiển nhiên là những phản kháng của nông dân đã gây chấn động trong hàng ngũ lãnh đạo.

Vào tháng 8, bộ nông nghiệp loan báo ban hành "mười chính sách lớn" cho nông thôn, gồm có tu sửa, cải thiện hệ thống đường xá, giảm thế khóa cho nông dân và thiết lập một qui chế sở hữu đất đai rõ ràng, không cho cán bộ lạm dụng. Ngày 21-11-1997, thủ tướng Phan Văn Khải trong diễn văn đọc trước quốc hội cũng nhấn mạnh đến chương trình cải tạo nông thôn, còn tổng bí thư Đỗ Mười trước khi từ chức, cũng kêu gọi phải diệt trừ tham nhũng trong hàng ngũ đảng viên.

Tuy nhiên, vấn đề diệt trừ tham nhũng trong nội bộ đảng kể trên chỉ được thi hành theo những ý hướng và mục tiêu chính trị. Dù báo chí đã được Hữu Thọ, trưởng ban tư tưởng văn hóa của đảng cho là "tiếng nói của đảng, của nhà nước, của những tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân" (ngày 25-8-1997), nhưng chỉ hai tháng sau, ký giả Nguyễn Hoàng Linh, tổng biên tập báo Doanh Nghiệp bị bắt vì đăng bài phanh phui những gian lận liên quan đến việc mua 4 tầu tuần cho cục thuế quan. Tòa soạn những báo Hà Nội Mới, Tiền Phong, Thương Mại, Pháp Luật cũng bị tra xét vì bị nghi ngờ với cùng một tội là "tiết lộ bí mật quốc gia".

Cùng trong tháng đó, một phóng viên hãng Reuter bị hành hung và bị bắt về bộ nội vụ tra hỏi khi anh ta chụp hình một toán phụ nữ biểu tình ở công viên Ba Đình.

Tháng 12-1997, nhà văn Phạm Văn Viêm bị công an Việt Nam bắt cóc ở Bulgary mang về Hà Nội sau khi anh dịch cuốn Chế Độ Phát Xít - The Fascist Regime của tổng thống Zhelev, vị tổng thống không cộng sản đầu tiên của Bulgary. Anh bị giam và cho tới nay vẫn không có tin tức gì.

Những học giả, nhà thơ, nhà văn như Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu cũng bị làm khó dễ và theo dõi. Thời kỳ tiền hội nghị của những quốc gia nói tiếng Pháp tại Hà Nội tháng 11-1997, Liên Đoàn Phóng Viên Và Ký Giả thảo một thông tư trong đó có đoạn lên án sự đàn áp báo chí tại 16 trong số 49 quốc gia tham dự hội nghị. Thông tư này không chỉ đích danh nước nào, nhưng Phan Bằng, chủ tịch hội Phóng Viên Việt Nam của nhà nước đã cực lực phản đối vì Việt Nam coi đó là chuyện "can thiệp vào nội bộ quốc gia".

Cuối năm 1997, do quyết định từ đại hội đảng hơn một năm trước, Đỗ Mười bị buộc phải từ chức và Lê Khả Phiêu được đề cử làm tổng bí thư.

Trong tình trạng tranh chấp giữa bộ ba cầm quyền năm trước, Lê Khả Phiêu dần dần đã được lợi thế. Đối thủ sáng giá duy nhất trong bộ Chính Trị của Lê Khả Phiêu là Nguyễn Văn An, trưởng ban tổ chức đảng, nhưng Lê Khả Phiêu có nhiều điều kiện thuận lợi hơn vì ở trong ban thường vụ bộ Chính Trị, lại là trưởng ban bảo vệ chính trị của đảng. Cả đời là chính ủy, không có cơ hội làm giàu, đời tư Lê Khả Phiêu trong sạch hơn Nguyễn Văn An. Ngoài ra, vụ rối loạn ở Thái Bình khiến trung ương đảng muốn có một người lãnh đạo cứng rắn.

Tuy nhiên, Lê Khả Phiêu không có một hậu thuẫn chính trị vững mạnh nên phải đu dây giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến, khi lên làm tổng bí thư. Lê Khả Phiêu đã dựa nhiều hơn vào phe bảo thủ, nhưng ngay trong đảng và trong phe bảo thủ, Đỗ Mười vẫn có nhiều uy tín và ảnh hưởng hơn Lê Khả Phiêu. Dù đã về hưu và chỉ là một trong ba "cố vấn", Đỗ Mười vẫn có quyền tham dự những buổi họp bộ Chính Trị và Lê Khả Phiêu sở dĩ được lựa chọn cũng nhờ ảnh hưởng của Đỗ Mười.

Vì thế, trong bộ ba cố vấn, Đỗ Mười rất coi thường Lê Khả Phiêu. Trong những buổi họp bộ Chính Trị, ông ta hay xen vào những cuộc thảo luận, nhiều khi lấn át cả Lê Khả Phiêu khiến mọi người đều nhận thấy Lê Khả Phiêu là một tổng bí thư yếu thế.

Quân đội cũng không hết lòng ủng hộ Lê Khả Phiêu. Bản chất là một chính ủy, Lê Khả Phiêu tìm hậu thuẫn với phe bảo thủ bằng cách đề cao khẩu hiệu chống đế quốc và phát huy xã hội chủ nghĩa, thể hiện qua biện pháp lấy lòng Trung Quốc, dù cho phải chịu khuất phục và nhượng bộ đất đai.

Sau khi lên nhận chức tổng bí thư, theo thông lệ, tháng 2 năm 1999, Lê Khả Phiêu sang Trung Quốc và gặp đủ mặt giới lãnh đạo Trung Quốc. Từ đó, mối quan hệ Việt Hoa trở nên ngày càng thân thiết.

Trong năm 1999, nhiều phái đoàn của hai nước lần lượt qua lại, kể cả Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Tấn Dũng cho đến những cấp thấp hơn như Hoàng Kỳ, tư lệnh quân khu III, Thường Văn Thái (Chang Wentai), chính ủy quân khu Tây An ... Ngày 26-9-1999, nhân lễ kỷ niệm 50 năm thành lập đảng cộng sản Trung Quốc, 2500 cán bộ từng sống hay du học ở Trung Quốc tập họp ở sân vận động để chúc mừng, trong đó có Hoàng Minh Thảo.

Đầu tháng 12-1999, thủ tướng Chu Đông Cơ của Trung Quốc sang thăm Việt Nam, dự định sẽ tham dự buổi lễ ký kết thỏa hiệp về biên giới trên bộ, nhưng dự thảo thỏa ước có một số chi tiết chưa được thỏa thuận nên phải chờ đến cuối tháng, ngày 30-12-1999, thỏa ước mới được ngoại trưởng hai nước là Nguyễn Mạnh Cầm và Đường Gia Truyền ký kết. Thỏa ước này được hoàn tất là nhờ những nhượng bộ của Lê Khả Phiêu, từng hứa hẹn với Giang Trạch Dân là sẽ giải quyết vấn đề biên giới trên bộ xong trước năm 2000 và trên biển trước năm 2001.

Ngoài ra, để thúc đẩy Trung Quốc chịu đứng ra lãnh đạo phục hồi lại phong trào cộng sản, thắt chặt thêm tình đoàn kết xã hội chủ nghĩa, Lê Khả Phiêu đề nghị hai nước hợp tác tổ chức mỗi năm, một buổi hội thảo về ý thức hệ giữa những lý thuyết gia để nghiên cứu lại chủ nghĩa Mác nhằm biện luận cho kinh tế thị trường. Nguyễn Đức Bình, ủy viên bộ Chính Trị kiêm giám đốc trường đảng cầm đầu phái đoàn sang Bắc Kinh dự cuộc hội thảo đầu tiên vào tháng 6 năm 2000.

Mấy tháng sau, một cuộc hội thảo về lý thuyết khác lại được tổ chức tại Hà Nội. Cầm đầu phái đoàn Trung Quốc là Lý Tiểu Anh, ủy viên bộ Chính Trị Trung Quốc kiêm giám đốc học viện Khoa học Xã hội.

Sau Nguyễn Đức Bình là Nguyễn Minh Triết, Lê Minh Hương cũng lần lượt sang Trung Quốc học tập kinh nghiệm. Để trấn an Trung Quốc trước khi bộ trưởng quốc phòng Cohen, ngoại trưởng Albright, và tổng thống Clinton sang thăm Việt Nam, trong năm 2000, ngoài Lê Khả Phiêu, Nguyễn Đức Bình, còn có Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Nguyễn Dy Niên, Phạm Văn Trà lần lượt qua thăm Bắc Kinh. Từ đó, hầu như mọi cấp từ trung ương đến tỉnh, ngành nào, thuộc đảng hay nhà nước, cũng đều có gắn bó trực tiếp với mọi cấp, mọi ngành của Trung Quốc.

Vì quyền lợi quốc gia của họ, Trung Quốc tuy không tha thiết về một liên minh ý thức hệ với Việt Nam, nhưng đã rất bằng lòng trước thái độ của Lê Khả Phiêu. Do đó mà quan hệ Việt-Hoa thân thiết hơn trước.

Sự thân thiết trở nên dễ dàng hơn sau cái chết của Đặng Tiểu Bình năm 1997. Do "bài học" dành cho Việt Nam năm 1979 không được thành công như ý muốn nên Đặng Tiểu Bình vẫn cay đắng, không nhiệt tình ủng hộ việc kết thân với Việt Nam. Hơn nữa, do trận chiến Việt-Hoa 1979, CSVN còn chế giễu cả đến vóc dáng của Đặng Tiểu Bình bằng câu nói trong những buổi học tập chính trị: "chính trị Trung Quốc không cao hơn Đặng Tiểu Bình".

Dù đã chính thức về hưu năm 1989, uy tín của Đặng Tiểu Bình vẫn còn rất lớn. Năm 1992, khi thấy đà đổi mới kinh tế của Trung Quốc bị kềm hãm bởi Giang Trạch Dân và Lý Bằng, ông đã đi một vòng vùng Hoa Nam dùng uy tín cá nhân phát động một đợt đổi mới thứ hai cho Trung Quốc. Chỉ sau khi Đặng Tiểu Bình chết, Giang Trạch Dân và Lý Bằng mới dám tỏ ra thân thiết hơn với Việt Nam và đã tặng cho Lê Khả Phiêu mười sáu chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng về tương lai" được CSVN gọi là "mười sáu chữ vàng", làm căn bản cho quan hệ giữa hai nước.

Cái chết của Đặng Tiểu Bình vào ngày 19-2-1997 cũng là lúc mà Nguyễn Tấn Dũng với tư cách ủy viên ban thường vụ bộ Chính Trị đang thăm viếng Trung Quốc. Dũng được gặp Giang Trạch Dân và cả hai đều hứa sẽ phát triển thêm mối bang giao. Tuy nhiên, điện văn phân ưu của chính phủ Việt Nam về cái chết của Đặng Tiểu Bình không được nồng nhiệt lắm, khác hẳn với điện văn phân ưu gửi đảng cộng sản Ai Lao về cái chết của Phomvihane (năm 1992).(5)

Trước chủ trương nghiêng về Trung Quốc của Lê Khả Phiêu, về ngoại giao, phe đổi mới trong chính phủ đã cố gắng quân bình lại bằng cách trao đổi đại sứ với Hoa Kỳ và xúc tiến hoàn tất thỏa hiệp thương mại song phương (BTA - bilateral trade agreement).

Năm 1997 trở thành năm đầu tiên sau 1975 mà Hoa Kỳ có đại sứ ở Việt Nam và lần đầu tiên, ngoại trưởng Hoa Kỳ Madelein Albright thăm viếng Hà Nội. Trong dịp thăm viếng này, ngoại trưởng Albright ca ngợi thành quả đổi mới của Việt Nam từ năm 1986, nhưng khuyến cáo Việt Nam nên phát động một phong trào "đổi mới đợt 2".

Có lẽ để cảnh cáo Việt Nam do có hành động làm thân với Hoa Kỳ, ngày 7-3-1997, Trung Quốc đem dàn khoan dầu Kantan III và hai tàu thăm dò 206, 208 đến vùng biển vịnh Bắc Việt mà Việt Nam đã xác nhận chủ quyền.

Sau khi đơn phương phản đối không kết quả, Việt Nam cầu cứu tới những nước ASEAN, gián tiếp cảnh cáo là nếu Trung Quốc có thể lấn áp Việt Nam, họ có thể làm như thế với các nước khác. Trong cùng thời gian này, ngày 22-3-1997, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương cũng viếng thăm Hà Nội. Nhờ thế, ngày 1-4-1997, Trung Quốc loan báo sẽ kéo dàn khoan về và ngỏ ý sẽ thương thuyết với Hà Nội. Hai tuần sau, trong buổi họp giữa khối ASEAN và Trung Quốc, các nước ASEAN đã mạnh mẽ phát biểu quan tâm của họ và Trung Quốc đồng ý là sau này sẽ thảo luận về những tranh chấp lãnh hải.

Dù đạt được thắng lợi ngoại giao, báo chí Việt Nam đã không đá động gì đến những tin này, sợ làm chạm tự ái của Trung Quốc. Hơn nữa, suốt thời gian xảy ra tranh chấp, khi bộ ngoại giao Việt Nam đang phản đối, nhiều viên chức cao cấp Việt Nam vẫn tấp nập sang thăm Trung Quốc như Chu Văn Ry, phó ban tổ chức đảng, Lê Minh Hương, bộ trưởng nội vụ, tướng Nguyễn Văn Độ, chủ nhiệm tổng cục tiếp vận, coi như không có việc gì xảy ra. Vì thế, vào tháng tư năm sau, Trung Quốc tiếp tục lấn tới bằng cách đặt kế hoạch thành lập một trung tâm du lịch tại đảo Đông Hưng, hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam lại phản đối bằng miệng nhưng vô hiệu.

Ngoài những suy thoái kinh tế, năm 1997 cũng là năm bắt đầu có những vụ án tham nhũng nổi tiếng lọt ra ngoài ánh sáng.

Đầu tiên là vụ án nhà máy dệt Nam Định, 14 cán bộ bị tù vì gian lận khoảng 14 triệu mỹ kim.

Sau đó là Nguyễn Trung Trực của hãng Peregrine (được Bùi Thiện Ngộ, và có thể cả Trần Đức Lương, đỡ đầu) bị phe Võ Văn Kiệt bắt về tội trốn thuế.

Tiếp theo đến lượt hãng Tamexco, một hãng xuất nhập cảng của chính phủ. Giám đốc hãng là Phạm Minh Phước đã biển thủ của hãng trên 50 triệu mỹ kim. Người này từng đánh bài ăn thua hàng trăm ngàn mỹ kim và tặng cho tình nhân những biệt thự đắt giá. Bản án ghi nhận là có lần Phước cùng 87 cán bộ và nhân viên chính phủ cùng bay ra nước ngoài ăn chơi. Ra tòa, Phạm Minh Phước bị tử hình cùng bốn đồng bọn.

Khoảng một năm sau nổ ra vụ công ty Minh Phụng.

Minh Phụng là một công ty tư nhân lớn, kinh doanh về nhiều mặt, từ dệt vải tơ lụa đến buôn bán địa ốc. Công ty này cùng công ty quốc doanh Epco thành lập 47 công ty ma và thông đồng với một ngân hàng nhà nước để vay tiền sau đó quịt nợ. Vụ án có 77 bị can, số tiền thất thoát lên tới 280 triệu mỹ kim. Tăng Minh Phụng giám đốc các công ty Minh Phụng, Liên khui Thìn giám đốc công ty Epco, Phạm Nhật Hồng phó giám đốc ngân hàng Kỹ Nghệ và Thương Mại của nhà nước, đều bị tử hình.

Những vụ buôn lậu dính líu đến các cơ quan nhà nước tràn lan đến nỗi cục trưởng cục thuế quan Phan Văn Đính cũng bị mất chức và nhiều bị cáo phải ra tòa. Phùng Long Thất, trưởng toán điều tra thuộc ty thuế quan TP.HCM cùng Trần Đoàn, chủ tịch công ty Tân Trường Sinh bị xử bắn về tội thông đồng buôn lậu 900 thùng đồ điện tử và phụ tùng xe hơi.

Ngoài tệ nạn tham nhũng kinh tế, cũng trong năm 1997, một số sĩ quan công an cao cấp như thượng tá công an Vũ Hữu Chính, đại úy công an Vũ Xuân Trường cùng 30 đồng bọn bị ở tù vì liên quan đến buôn bán thuốc phiện lậu từ Ai Lao. Năm 1998, đến lượt tổng giám đốc Việt Nam hàng không Lê Đức Từ bỏ trốn vì biển thủ trên 2 triệu mỹ kim.

Ngoài ra, tháng 9-1996, khi đến chữa cháy một căn nhà ở Sài Gòn, 5 nhân viên cứu hỏa đã mở một két sắt và lấy đi 47 lạng vàng. Công an điều tra sự việc và khi 47 lạng vàng được trả lại chủ nhân, lại lòi ra chủ nhân này là Nguyễn Kỳ Cẩm, chủ tịch ủy ban bài trừ tham nhũng cả nước. Vì không thể khai làm sao có được 47 lạng vàng này, Nguyễn Kỳ Cẩm bị mất chức. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất là vụ án Trịnh Vĩnh Bình.

Trịnh Vĩnh Bình là một thương gia người Hòa Lan gốc Việt. Những năm đầu thập niên 1990, Trịnh Vĩnh Bình mang khoảng 4 triệu mỹ kim về nước làm ăn (mở công ty Tín Thành và Bình Châu bán đồ biển, xây khách sạn, đầu tư địa ốc...) ở Sài Gòn và Vũng Tàu. Do một người tên Trịnh Hiển Thanh tố cáo, Trịnh Vĩnh Bình bị bắt năm 1998 và bị tịch thu hết tài sản. Sau 18 tháng bị giam, Trịnh Vĩnh Bình ra tòa và bị kết án 11 năm tù (3 năm về tội vi phạm luật nhà đất, 8 năm về tội hối lộ), bị phạt 480 lạng vàng, 6.2 tỷ đồng, ngoài ra còn bị tịch thu toàn bộ gia sản.

Trịnh Vĩnh Bình là một người từng hoạt động chính trị tích cực ở Hòa Lan nên trong thời gian ông ta bị giam giữ, chính phủ Hòa Lan đã phản ứng mạnh mẽ. Dù Phan Văn Khải đã can thiệp, Trịnh Hiển Thanh nhận là đã tố cáo láo và đảng ủy Vũng Tàu cũng công nhận là xử án sai, nhưng khi bộ Chính Trị họp, Lê Khả Phiêu, Lê Minh Hương, Trần Đình Hoan và Phạm Thế Duyệt... nhất định tiếp tục đưa Trịnh Vĩnh Bình ra tòa và qui án.

Chuyện rủi ro cho đảng CSVN là trong khi giải Trịnh Vĩnh Bình từ Sài Gòn ra Hà Nội, không hiểu bằng cách nào (có thể do hối lộ hay do được một phe cánh nào đó thả ra), Trịnh Vĩnh Bình đã trốn thoát ở phi trường Tân Sơn Nhất và trở về Hòa Lan. Ông ta đưa đơn kiện chính phủ Việt Nam vi phạm điều 9 của thỏa hiệp song phương mà Việt Nam đã ký với Hòa Lan, đòi bồi thường 100 triệu mỹ kim. Tòa án quốc tế đã nhận đơn kiện và xét xử. Theo một người thạo tin đang sống trong nước, (người này dĩ nhiên phải lấy tên giả và ông ta đã lấy tên giả là Trần Quốc Hoàn, tên của một bộ trưởng công an nổi tiếng nhất nay đã chết), Trịnh Vĩnh Bình bị một trung tá công an Vũng Tàu là Ngô Chí Đan, một đàn em của Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng công an, kiếm chuyện để tịch thu tài sản. Chính Nguyễn Khánh Toàn đã thúc đẩy Trần Đình Hoan bắt và tiếp tục xử Trịnh Vĩnh Bình về tội gián điệp. Công an đưa ra chứng cớ là Trịnh Vĩnh Bình từng gặp Phan Văn Khải, Nguyễn Trọng Minh (chủ tịch ủy ban nhân dân Vũng Tàu) để lôi kéo, mua chuộc. Nguyễn Trọng Minh do đó bị mất chức, Phan Văn Khải thì nghe nói liên quan đến gián điệp nên không dám can thiệp tiếp. Ngô Chí Đan về sau cũng bị mất chức vì liên quan một vụ án khác, vụ án Phương Vicarrent năm 2003. (6)

Do vụ Trịnh Vĩnh Bình, những giới chức lãnh đạo Việt Nam từ Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An, Nguyễn Dy Niên mỗi khi qua thăm Hòa Lan đều bị tiếp đón rất lạnh nhạt.

Vì tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ đảng viên tràn lan, tất cả những lãnh tụ của đảng đều lên tiếng đòi bài trừ tham nhũng. Phan Văn Khải ra chỉ thị bắt viên chức chính phủ phải kê khai những tài sản trị giá trên 50 triệu đồng (khoảng hơn 4000 mỹ kim), nhưng lại không bắt phải khai nguồn lợi đó từ đâu tới. Đào Duy Quát, phó ban tư tưởng văn hóa đảng, đòi tăng thêm quyền hạn cho các cơ quan điều tra của đảng và chính phủ, còn tổng bí thư Lê Khả Phiêu phát động hai đợt bài trừ tham nhũng và cuối cùng, chính Phạm Thế Duyệt, ủy viên bộ Chính Trị, cũng nói là đảng chưa kiểm soát cán bộ một cách nghiêm nhặt. Phạm Thế Duyệt là người trong năm 1998 bị 11 cán bộ và bộ đội hồi hưu tố cáo lợi dụng quyền thế khi làm bí thư thành ủy Hà Nội để chiếm đoạt đất đai nhà cửa của nhân dân một cách trái phép. Bản tố cáo (được gọi là "tâm thư" gửi tới trung ương đảng vào tháng 8 năm 1998) chỉ đích danh Phạm Thế Duyệt chiếm nhà của công đoàn ở phường Trùng Tu, nhà số 64 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm (sát bên nhà mà bà Nông Thị Xuân trước kia đã ở), nhà số 26 Trại Gang, nhà hai tầng gần hồ Bảy Mẫu.

Cùng bị tố với Phạm Thế Duyệt là Đinh Hạnh, ủy viên ban thường vụ thành ủy Hà Nội, phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố. Lá thư không thể phổ biến công khai, nhưng đã được sao chép và bí mật phổ biến rộng rãi. Những người viết thư ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, chẳng hạn như ông Đoàn Nhân Đạo, cán bộ 48 tuổi đảng, nhà ở 37 Hàng Buồm, bà Đặng Thị Xuân Tiên, 51 tuổi đảng ở số 27 Nghĩa Đô, Cầu Giấy..

Tuy vậy, Phạm Thế Duyệt nhờ được hậu thuẫn mạnh mẽ của Đỗ Mười nên không bị biện pháp kỷ luật nào mà còn tiếp tục ngồi trong bộ Chính Trị rồi Mặt Trận Tổ Quốc nhiều năm sau. Ngoài ra, Phạm Thế Duyệt còn được bộ Chính Trị giao trách nhiệm đả kích và bôi nhọ tướng Trần Độ (kể cả thủ đoạn dùng công an gài bẫy, cho người rình sẵn, hẹn Trần Độ tới một nơi rồi cho một cô gái cới quần áo đến ôm chầm lấy ông cho công an chụp hình). Trần Độ cuối cùng bị đảng tuyên bố trục xuất khỏi đảng năm 1999.

Ngày 15-4-1998, vì bị cán bộ tỉnh Hà Tây hà hiếp không có chỗ kêu oan, ông Nguyễn Văn Kinh chế xăng tự thiêu tại công trường Ba Đình trước lăng Hồ Chí Minh. Ông được cứu sống và bộ ngoại giao ngày 21-4-1998 đổ tội là ông bị bệnh thần kinh.

Ít lâu sau, đến lượt phó thủ tướng đặc trách xây dựng Ngô Xuân Lộc mất chức vì bị nghi là thông đồng với Lê Tất Cương gian lận tiền mua xi măng và lem nhem trong công trình xây dựng công viên Thủy Cung Thăng Long. Sự cách chức và bắt giữ Ngô Xuân Lộc cũng có tin là do tranh chấp giữa phe của Lê Đức Anh và phe chính phủ của Phan Văn Khải, vì chính trợ lý của Lê Đức Anh là Nguyễn Bắc Sơn đã điều động báo chí tấn công Ngô Xuân Lộc. Mấy tháng sau, do Đỗ Mười can thiệp, Ngô Xuân Lộc được minh oan và lại được Phan Văn Khải chỉ định làm cố vấn đặc biệt về kỹ nghệ, xây dựng và giao thông.

Chính Đỗ Mười cũng phải lên tiếng cải chính là ông ta không hề nhận rượu vang của một tổ hợp công ty Đại Hàn (nhiều tin đồn nói Đỗ Mười nhận hối lộ của tổ hợp này một triệu mỹ kim).

Ngô Xuân Lộc bị bắt do tố cáo của tổng cục 2. Người cho tài liệu để tố cáo là Nguyễn Thái Nguyên, một viên chức trong văn phòng thủ tướng của Phan Văn Khải đã được tổng cục 2 chiêu dụ để nằm vùng.

Để trả đũa lại tổng cục 2, phe chính phủ cho bộ Nội vụ bắt và kết tội Nguyễn Thái Nguyên đã cùng tổng cục 2 vu cáo Võ Thị Thắng, tổng giám đốc tổng nha du lịch. Tổng cục 2 từng tố cáo là trong khi ở tù Côn Đảo, Võ Thị Thắng đã làm chỉ điểm cho công an VNCH. Trong vụ này, ngoài Nguyễn Thái Nguyên, tổng cục 2 còn dùng một nhân viên nằm vùng khác trong công ty du lịch là Nguyễn Thị Thanh Hiền.

Giữa năm 1998, cơn khủng hoảng kinh tế Á Châu trong năm 1997 mới ảnh hưởng tới Việt Nam vì phần lớn (60%) hàng xuất cảng của Việt Nam là để bán cho những nước lân bang và những nước đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam như Đại Hàn, Tân Gia Ba, Thái Lan... đều gặp khó khăn. Hàng xuất cảng giảm đi một phần ba. Vốn ngoại quốc đầu tư giảm đi một phần tư so với năm trước. Nhân số thất nghiệp lên tới 20%.

Trong cuộc họp hàng năm của Ngân Hàng Thế Giới và Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế, Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng yêu cầu trợ giúp thêm cho Việt Nam. Tuy nhiên, vì thành phần bảo thủ chiếm đa số trong trung ương đảng và bộ Chính Trị, nên ngoài việc khuyến khích tìm cách sử dụng vốn trong nước để đầu tư thay thế vốn nước ngoài, những buổi họp của trung ương đảng năm 1998 chú trọng nhiều hơn vào những vấn đề văn hóa hay ý thức hệ nhằm củng cố quyền lực của đảng mà không đưa ra một biện pháp cải thiện kinh tế nào. Tiếp theo, hội nghị trung ương đảng lần thứ sáu đầu năm 1999 cũng chỉ chú trọng đến việc kiện toàn bộ máy đảng hay chính phủ, hoặc đề ra chiến dịch "phê và tự phê" trong ba năm để thanh lọc hàng ngũ.

Cuối năm 1998, phân bộ Kinh tế thuộc tổng Cục Kinh tế và Kỹ nghệ Quốc phòng được nâng cấp thành cục Kinh tế, đặt dưới sự kiểm soát của bộ Quốc phòng. Kể từ đó, hầu như không có một ngành kinh tế nào mà quân đội không nhúng tay vào đầu tư, và hầu như ngành nào của quân đội cũng có riêng một cơ quan làm ăn buôn bán, đáng kể nhất là cục quân báo, lúc sau này được nâng lên thành tổng cục 2, có quyền theo dõi, bắt bớ, điều tra những việc không chỉ liên quan đến quân sự mà còn về cả chính trị, kinh tế.

Ít lâu trước đó, giữa năm 1998, quân đội Việt Nam bị tổn thất khi một máy bay quân sự Yak-40 do Nga chế tạo bị rớt bên Lào khiến 26 người tử nạn, trong đó có các tướng Đào Trọng Lịch, tham mưu trưởng quân đội, Trần Tất Thành, tư lệnh quân khu II, Trần Minh Thiết, tư lệnh phó quân khu V cùng các tướng Phạm Minh Thành, Vũ Xuân Thủy và một số sĩ quan cao cấp Ai Lao. Bẩy năm sau, 2005, một máy bay trực thăng MI-8 cũng do Nga chế tạo đâm vào núi ở Nghệ An, gây thương vong cho tất cả những tướng lãnh chỉ huy quân khu IV, trong đó có trung tướng tư lệnh Trương Đình Thanh, tư lệnh phó Nguyễn Bá Tuấn, chủ nhiệm chính trị Lê Hữu Phúc và nhiều sĩ quan cao cấp khác.

Sau khi Đào Trọng Lịch chết, Lê Văn Dũng, người tỉnh Bến Tre, đang là thiếu tướng tư lệnh quân khu VII ở miền Nam được gọi về Hà Nội thay. Cũng như Phạm Văn Trà, sự lên chức nhanh chóng của Lê Văn Dũng là do sự đỡ đầu và cất nhắc của Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh. Những người này đã biết nhau trong thời gian phục vụ ở miền Nam và Campuchia. Do đó, cùng với Phạm Văn Trà, Lê Văn Dũng đã hết lòng phục vụ Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh.

Sự hiện diện của một phái đoàn tướng lãnh gồm tư lệnh những quân khu giáp ranh với Ai Lao trên chuyến máy bay bị tử nạn cho thấy Việt Nam vẫn còn những hoạt động quân sự ở Ai Lao. Dù bộ ngoại giao Việt Nam cực lực chối bỏ, nguồn tin ngoại giao ở Ai Lao cho biết vào tháng 5-2000, quân Việt Nam đã can thiệp để giúp đỡ quân Ai Lao đánh dẹp một số quân khởi loạn người Hmong trong tỉnh Xieng Khoang và trong tháng 6, báo chí Hà Nội đăng tin tướng Nguyễn Khắc Dương, tư lệnh quân khu IV đã cùng đại tá Sayphoubanh của Ai Lao đặt viên đá đầu tiên xây dựng một quân y viện tại tỉnh này.

Cũng tại Ai Lao, hai tháng sau, một trái bom nhỏ gài sát tường tòa đại sứ Việt Nam được gỡ ngòi nổ. Những nguồn tin ngoại giao tin rằng sự việc không do nhóm chống đối người Hmong mà do một nhóm thân Trung Quốc trong đảng cộng sản Ai Lao, vì dù đã có sự hòa hoãn với Việt Hoa, Trung Quốc vẫn luôn tìm cách lấn át ảnh hưởng của Việt Nam tại Ai Lao và Campuchia.

Đi trước Việt Nam, từ năm 1988, Ai Lao đã bắt đầu nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Để có thể thông thương với Thái Lan, Trung Quốc đã tích cực viện trợ cho Ai Lao, nhất là vịệc mở mang xa lộ theo hướng Bắc Nam từ Trung Quốc qua Vạn Tượng tới Thái Lan. Theo thống kê, từ 1988 đến 2001, Trung Quốc viện trợ cho Ai Lao khoảng 1.7 tỷ mỹ kim. Khác với các nước Nhật, Tây Âu, Úc, Ngân Hàng Thế Giới đòi Ai Lao phải thi hành nhiều điều kiện như cải tổ hành chánh, chống thất thoát, cải thiện nhân quyền, Trung Quốc khi viện trợ gần như không đòi hỏi một điều kiện nào. Nhưng xét về ảnh hưởng đối với đảng cộng sản Ai Lao, Việt Nam hiện vẫn chiếm uy thế so với Trung Quốc, dù điều này có thể bị xoay ngược trong tương lai.

Cuối năm 1999, nhằm nâng cao phẩm chất quân đội, quốc hội ra một đạo luật đòi hỏi các sĩ quan phải có trình độ đại học. Cấp trung đoàn trưởng trở lên phải có bằng cấp hậu đại học (không nhất thiết là văn hóa mà có thể là chính trị, lý luận...và có thể học "tại chức"). Các chức vụ được đề cử phải theo thứ bậc, chẳng hạn phải là tư lệnh quân đoàn (chỉ huy khoảng 3 sư đoàn) rồi tư lệnh phó quân khu (chỉ huy lãnh thổ) trước khi làm tư lệnh quân khu. Số tướng lãnh được giới hạn ở mức 150 người.

Do sự ưu thắng của phe quân đội và được Lê Khả Phiêu nâng đỡ, cục Kinh tế và Kỹ nghệ của quân đội tiếp tục bành trướng. Năm 1998, Phạm Văn Trà ra lệnh cho các quân khu và binh đoàn thiết lập nên những "khu kinh tế quốc phòng" và một năm sau, 13 khu đã được thành lập với số vốn khoảng trên 200 triệu mỹ kim. Phần lớn những khu kinh tế này nằm dọc theo biên giới Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Tùy theo hoàn cảnh địa phương, mỗi khu kinh tế kinh doanh những ngành khác nhau. Chẳng hạn binh đoàn 15 đóng tại vùng Tây Nguyên đặt kế hoạch khai khẩn đất hoang, trồng trà, cà phê, nuôi gia súc..., công binh của binh đoàn lập đường xá, xây nhà cửa, trường học. Binh chủng Hải Quân lập xưởng sửa chữa tàu và để cho một số tàu tuần kiêm nhiệm thêm việc đánh cá. Khi Trung Quốc bị mất mùa, dù trái luật, tàu Hải Quân đã chở lúa gạo từ miền đồng bằng Việt Nam sang bán cho Trung Quốc kiếm lời..

Không Quân có tổ hợp công ty hàng không lo việc chuyên chở hành khách thương mại và huấn luyện phi công. Quân Y lập bệnh viện tư. Lực lượng biên phòng phá rừng, xây trường học và cung cấp giáo viên cho dân thiểu số. Học viện Kỹ Thuật Quân Đội cũng lập công ty điện toán Tecapro ký khế ước với hãng dầu Vietsovpetro cùng nhiều công ty ngoại quốc khác.

Những tổ hợp công ty của quân đội thành công nhất là công ty Trường Sơn (binh đoàn 12), công ty Thanh An (binh đoàn 11), công ty Tây Nguyên (binh đoàn 15)...

Ngay tổng cục 2 tình báo cũng có những công ty Vasuco, Toseco buôn bán vũ khí, khách sạn Hoàng Gia, công ty xây dựng Hồng Bàng. Cũng như những công ty quốc doanh, những công ty quân đội nếu bị lỗ lã, sẽ được ngân sách quốc gia tài trợ.

Năm 1999, kinh tế Việt Nam tiếp tục xuống dốc.

Đầu tư ngoại quốc xuống 4 tỷ mỹ kim năm 1998 tới 1999 tiếp tục xuống chỉ còn 1.48 tỷ. Phần lớn các công ty ngoại quốc ở Việt Nam đều bị lỗ nhưng lỗ nhiều nhất là các công ty quốc doanh. Hơn 2000 trong tổng số hơn 6000 công ty quốc doanh bị lỗ và dĩ nhiên chính phủ phải bù đắp. Ngân Hàng Thế Giới và Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế tuyên bố ngưng cho vay, trừ khi Việt Nam áp dụng một phương cách đổi mới toàn diện hơn, nhắm vào 3 mục tiêu:

1.Tư nhân hóa hoặc cải tổ các công ty quốc doanh.

2.Cải tổ hệ thống ngân hàng, kể cả 4 ngân hàng chính của nhà nước.

3.Cải tổ ngành thương nghiệp, mở rộng thị trường.

Khi phe đổi mới đề nghị với trung ương đảng những biện pháp đáp ứng các đòi hỏi kể trên, nhóm bảo thủ lại thấy đó chỉ là âm mưu của tư bản nhằm bóc lột và thao túng kinh tế những nước nghèo. Theo họ, tư nhân hóa các công ty quốc doanh chỉ là phương cách giảm thiểu uy quyền của đảng và nhà nước, phá hoại định hướng xã hội chủ nghĩa, còn mở rộng thị trường chỉ nhắm giúp các công ty ngoại quốc cạnh tranh với giá thành rẻ hơn sẽ làm suy sụp những công ty quốc doanh, tạo ra nạn thất nghiệp và xáo trộn an ninh.

Vì thế, khi dự thảo thỏa hiệp thương mại song phương (BTA-bilateral trade agreement) Việt Nam-Hoa Kỳ được hoàn tất, dù Lê Khả Phiêu ủng hộ thỏa ước vì nó giúp thuế khóa hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ giảm từ 40% xuống còn 3%, và tính ra Việt Nam sẽ được lợi khoảng 800 triệu mỹ kim trong năm đầu tiên, nhưng việc ký kết đã bị phe bảo thủ trì hoãn lại.

Bản dự thảo hiệp ước được thương thuyết từ năm 1997 và với sự đồng ý của Lê Khả Phiêu, việc ký kết được dự trù khi Phan Văn Khải sang Tân Tây Lan họp hội nghị kinh tế các nước ven Thái Bình Dương (APEC) và gặp Clinton ở đó vào tháng 9-1999. Nhưng nếu ký thỏa hiệp BTA, những công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ sẽ không còn được trợ cấp nên các đảng viên cao cấp có liên quan với những xí nghiệp quốc doanh đã vận động Đỗ Mười can thiệp để Lê Khả Phiêu trì hoãn lại. Thêm một lý do khác là lúc đó Trung Quốc đang nghiên cứu ký một thỏa hiệp tương tự với Hoa Kỳ. Cảm thấy không thể đi trước nước đàn anh, Lê Khả Phiêu đã chỉ thị bộ ngoại giao tuyên bố là Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng. Một tháng sau, khi hội nghị trung ương đảng lần thứ VIII họp để nghiên cứu lại, hội nghị đã kết luận là bản dự thảo này "không quân bình, cần nghiên cứu thêm".(7) Tháng sau, từ ngày 8 đến 15-10-1999, do lệnh của Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu, Phạm Thế Duyệt, một ủy viên Bộ Chính Trị, lên đường sang Trung Quốc tham khảo ý kiến về việc ký kết thỏa ước. (8)

Dù Trung Quốc khuyến cáo Việt Nam nên thận trọng khi ký kết với Hoa Kỳ nhưng chỉ vài tuần lễ sau đó, các cấp lãnh đạo Việt Nam đã ngỡ ngàng khi Trung Quốc nhanh chóng ký kết một thỏa ước tương tự với Hoa Kỳ, mở đường cho Trung Quốc gia nhập cộng đồng thương mại thế giới WTO vào đầu năm 2001, trong khi sự trì hoãn của Việt Nam một phần do khuyến cáo của Trung Quốc đã làm chậm đi việc gia nhập tổ chức này tới tháng 11-2006. Một số công ty ngoại quốc dự định đầu tư ở Việt Nam thấy Trung Quốc đã ký BTA với Hoa Kỳ nên quay sang Trung Quốc làm ăn. Tác giả Templer chuyên về Việt Nam nhận xét:"Không phải Trung Quốc bảo họ không ký. Họ chỉ không muốn qua mặt Trung Quốc. Họ nghĩ là tốt hơn nên để Trung Quốc được gia nhập WTO trước".

Thời gian chờ đợi ký kết thỏa ước càng kéo dài càng bất lợi cho Việt Nam. Nhưng chỉ sau khi nước đàn anh và cộng sản gương mẫu Trung Quốc đã ký, những phần tử bảo thủ mới chịu nhìn nhận thực tế là cần nguồn vốn đầu tư ngoại quốc, cần phát triển xuất khẩu mới hy vọng đạt mục tiêu biến Việt Nam thành một nước công nghiệp và hiện đại vào năm 2020.

Tám tháng sau, hội nghị trung ương đảng lần thứ 10 công nhận Việt Nam không còn cách nào khác là hòa nhập vào kinh tế trong vùng và kinh tế thế giới, nhất là với Hoa Kỳ. Vũ Khoan được cử sang Hoa Thịnh Đốn để ký thỏa ước thương mại song phương BTA với Hoa Kỳ ngày 13-7-2000, nhưng việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO của Việt Nam đã phải chờ đến cuối năm 2006 mới xong, sau Trung Quốc hơn năm năm.

Sau hiệp ước song phương, sự cải thiện bang giao giữa hai nước Việt-Mỹ được thể hiện qua việc 3 chiếc phi cơ C130 của Hoa Kỳ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất tháng 10-2000 sau 25 năm vắng bóng để chở đồ cứu trợ cho nạn nhân của một cơn bão lớn vừa gây chết chóc và tàn phá tại các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam.

Sự chần chừ thay đổi ý kiến của Lê Khả Phiêu đã làm nản lòng phe đổi mới, trong khi mấy tháng sau Lê Khả Phiêu lại chấp thuận cho ký kết thỏa ước cũng gây bất bình cho phe bảo thủ.

Sự lúng túng có vẻ tự mâu thuẫn của Lê Khả Phiêu là do thái độ đối với Trung Quốc. Mới đầu Lê Khả Phiêu thay đổi ý kiến không dám ký thỏa ước với Hoa Kỳ vì cùng với Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu sợ làm mất lòng Trung Quốc. Lúc sau, thấy Trung Quốc đã ký thì Lê Khả Phiêu mạnh dạn hùa theo phe đổi mới. Đây là một trong những lý do khiến Lê Khả Phiêu bị mất chức khi chỉ làm tổng bí thư mới hơn ba năm.

Dù xuất thân là một tướng lãnh, khả năng lãnh đạo của Lê Khả Phiêu được coi là yếu kém. Ưu điểm duy nhất của Phiêu là cuộc sống bình dị và gia đình không bị tai tiếng. Tiếng xấu duy nhất về đời tư Lê Khả Phiêu là có tin đồn Lê Khả Phiêu bị trúng mỹ nhân kế của cả tổng cục 2 lẫn Trung Quốc, khiến cho thời gian Lê Khả Phiêu cầm quyền là thời gian Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc nhiều nhất, kể cả phải nhượng bộ đất đai trong tranh chấp về biên giới. Tin đồn không thể kiểm chứng, nhưng thái độ qui phục Trung Quốc của Lê Khả Phiêu đã thể hiện rõ ràng.

Sau khi Lê Khả Phiêu, với tư cách tổng bí thư, sang thăm Trung Quốc tháng 2-1999, phái đoàn thương thuyết của Việt Nam đã bị áp lực để hoàn tất thỏa ước về biên giới Việt-Hoa trên đất liền trước năm 2000 và thỏa ước này được ký kết tại Hà Nội cuối năm 1999 giữa Nguyễn Mạnh Cầm và Đường Gia Truyền (Tang Jiaxuan). (9)

Đạt được thỏa hiệp với Việt Nam, Trung Quốc đã chứng tỏ là họ có thể giải quyết riêng với từng quốc gia theo cách "chia để trị" (tránh cảnh "quần lang đả hổ", theo Trần Quang Cơ) của họ.

Cũng theo cách này, do chủ trương của Lê Khả Phiêu, Việt Nam sẽ đi lẻ với Trung Quốc để giải quyết ranh giới trên biển vào năm sau. Trong chuyến đi thăm Trung Quốc lần này, ngoài việc gặp Giang Trạch Dân, tổng bí thư, Lý Bằng, chủ tịch quốc hội, Hồ Cẩm Đào, phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc, Lê Khả Phiêu còn ghé thăm Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, nơi Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng năm 1990 đã qua tạ lỗi, để tỏ ra coi trọng tình hữu nghị Hoa-Việt và biết ơn thiện ý của Trung Quốc đã chịu để cho Việt Nam được tái lập bang giao.

Vì thế cô về chính trị, không có kinh nghiệm lẫn kiến thức về kinh tế, và lên cầm quyền trong thời gian mà tệ nạn tham nhũng đang lan tràn trong mọi cấp của đảng viên, việc đầu tiên của Lê Khả Phiêu là mở hai đợt thanh lọc hàng ngũ đảng và bài trừ tham nhũng. Chỉ trong tháng 7-1999, đảng trục xuất 200 đảng viên, thi hành kỷ luật 1550 đảng viên khác, hàng ngàn viên chức khác bị sa thải.

Tháng 10-1999, tổng giám đốc thuế quan Phan Văn Đính bị mất chức vì quá nhiều cán bộ hải quan ăn hối lộ và buôn lậu. Người thay thế là Nguyễn Đức Kiên, tỉnh ủy tỉnh Hải Dương. Năm 2001, có hai tỉnh ủy viên bị loại, nhưng Việt Nam vẫn được thế giới xếp vào một trong những nước tham nhũng nhất.

Dù bản thân không tham nhũng, nhưng vì không có hậu thuẫn trong một bộ Chính Trị luôn luôn có phe phái, Lê Khả Phiêu phải ưu tiên nâng đỡ những đảng viên cùng quê hương là Thanh Hóa. Chẳng hạn khi Nguyễn Mạnh Cầm về hưu trong năm 2000, dù Vũ Khoan có khả năng và uy tín hơn, nhưng Lê Khả Phiêu lại áp lực để Nguyễn Dy Niên, người Thanh Hóa, lên thay. Vũ Khoan là người đầu óc cởi mở và chắc chắn sẽ không nhường nhịn Trung Quốc quá đáng như Lê Khả Phiêu. Ông ta đã từng viết trong một báo cáo về sử dụng ngân sách:"...nhiều thứ biết là chưa đúng, nhưng rất nhiều cán bộ lại biện lý lẽ rằng, Trung quốc đã làm qua. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng cái gì đúng ở Trung quốc không chắc đã đúng ở Việt Nam. Thành quả của Trung quốc là lớn, nhưng không thể mù quáng học tập theo, nếu cứ như vậy chúng ta sẽ lại mắc bệnh giáo điều, căn bệnh của những năm 80...".

Tân bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên sinh năm 1935, tốt nghiệp cử nhân văn chương tại trường Banatas Hindu, Ấn Độ. Chuyến công du đầu tiên của Nguyễn Dy Niên khi mới lên nhận chức ngoại trưởng là sang thăm Trung Quốc ngay vào tháng 2-2000. Ngoài Nguyễn Dy Niên, Lê Khả Phiêu cũng vận động trao chức bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chức thứ trưởng bộ Nội vụ cho những người cùng quê ở Thanh Hóa (người Thanh Hóa giữ nhiều chức vụ ở các bộ đến nỗi có lời bàn là Hà Nội đã bị "Thanh Hóa hóa"). Trong thời gian này, do áp lực của các bí thư tỉnh ủy miền Trung cùng sự hỗ trợ của Lê Khả Phiêu và Trần Đức Lương, chính phủ quyết định tiến hành xây dựng xưởng lọc dầu tại Dung Quất, Quảng Ngãi.

Xưởng lọc dầu Dung Quất là điển hình sự lãng phí của một nền kinh tế chỉ huy và duy ý chí. Địa điểm Dung Quất ở xa giếng dầu Bạch Hổ cả ngàn cây số, mọi chuyên gia đều nhận thấy về phương diện kinh tế không có lợi. Kể từ 1995 đến 2002, dù chính phủ đã dành cho nhiều điều kiện thuận lợi, các tổ hợp công ty ngoại quốc như Total (Pháp), Conoco (Hoa Kỳ), LG (Đại Hàn), và các công ty khác của Mã Lai, Đài Loan đều lần lượt bỏ dở. Sau cùng, công ty Zaroubejneft của Nga cũng phải chịu thua nửa chừng vào cuối năm 2002.

Vì công trình được dự trù một cách lạc quan là sẽ hoàn thành vào năm 2001, tỉnh Quảng Ngãi đã gửi hàng ngàn con em nông dân đi Vũng Tàu học căn bản về kỹ nghệ dầu khí và ký giao kèo với trường đại học Địa Chất để đào tạo cấp tốc hàng trăm kỹ sư dầu khí, dự trù về làm cho xưởng lọc dầu. Tất cả những trẻ em và sinh viên ra trường trở về đều thất nghiệp hoặc phải đi làm những công việc lao động khác.

Nhà máy nước được xây dựng theo dự trù cung ứng cho xưởng lọc dầu mỗi tháng 15 ngàn thước khối chỉ bán được 16 ngàn thước khối trọn năm 2001. Vì bộ Chính Trị không thể mất mặt bỏ ngang , tới tháng 2-2003, không còn ai chịu đầu tư, chính phủ Việt Nam phải đứng ra tự đảm nhận. Số vốn mới đầu dự trù 1.3 tỷ mỹ kim vào năm 1996 đã tăng lên 3 tỷ. Tất cả những phần kỹ thuật như thiết kế, trang bị, điện toán điều hành đều phải mướn các công ty ngoại quốc. Công trình dự trù hoàn tất năm 2002 phải triển hạn dần cho tới năm 2008 và hy vọng sau khi hoàn tất sẽ thỏa mãn 40% nhu cầu dầu hỏa trong nước.

Do tình trạng không thống nhất giữa đảng và chính phủ, từ năm 1997, Việt Nam đã không thể có biện pháp mạnh mẽ nào nhằm cải thiện kinh tế. Mấy tháng đầu năm 1998, có khoảng 10% công ty ngoại quốc ở Việt Nam đóng cửa, kể cả 4 ngân hàng Đại Hàn. Mặt khác, số lượng lúa gạo và cà phê xuất cảng cũng giảm sút. Tiền nước ngoài đem vào đầu tư không bằng một nửa năm trước. Tệ hơn, cuối tháng 11-1997, thủ tướng Nga Chernomyrdyn ghé thăm Việt Nam với mục đích chính là đòi nợ. Một điểm gai góc giữa hai nước là Việt Nam vay bằng tiền roubles của Nga, nhưng đồng tiền này đã xuống gíá quá nhanh nên khi Nga đòi 1.7 tỷ mỹ kim, Việt Nam cho là quá cao. Nhờ Nga được coi như một "người bạn truyền thống", hai bên về sau cũng đạt được một thỏa ước, theo đó Việt Nam sẽ trả góp trong 23 năm (một phần nhỏ trả bằng tiền mặt, còn lại trả bằng hàng hóa hay dịch vụ).

Hội nghị trung ương đảng lần thứ 6 vào tháng 10-1998 tuy công nhận sự phát triển kinh tế đã chậm lại nhưng chỉ kêu gọi phát triển nông nghiệp để đối phó với tình thế, ngoài ra mục tiêu chính của hội nghị vẫn là làm sao kiện toàn bộ máy đảng, thanh lọc hàng ngũ đảng viên. Hội nghị cũng không bầu người nào thay thế Đoàn Khuê ủy viên bộ Chính Trị vừa mới chết. Dưới ảnh hưởng của phe bảo thủ, hiệp ước thương mại song phương với Hoa Kỳ cũng bị ngăn chận.

Bất mãn trước sự thụ động của trung ương, năm 2000, thành phố HCM đã đơn phương tìm biện pháp giữ chân giới đầu tư ngoại quốc. Họ tự động giản dị hóa thủ tục, cho phép các nhà đầu tư đã được thành phố chấp thuận có thể tiến hành công việc nếu sau hai tuần vẫn chưa được sự phê chuẩn từ Hà Nội. Những nhà đầu tư nhỏ có thể bắt đầu kinh doanh không cần sự chấp thuận của chính phủ trung ương, và các viên chức của thành phố HCM sẽ họp một tháng hai lần để giải quyết nhanh chóng khó khăn mà giới đầu tư ngoại quốc gặp phải.

Tuy sự phát triển kinh tế mỗi ngày một suy kém nhưng biện pháp đối phó chỉ được nghĩ tới sau khi Trung Quốc ký kết thỏa ước thương mại song phương với Hoa Kỳ. Hội nghị trung ương đảng lần thứ 10 (khóa VIII) họp vào tháng 7-2000 cuối cùng đã bỏ phiếu chấp thuận thỏa ước song phương với Hoa Kỳ và cho phép mở thị trường chứng khoán tại thành phố HCM.

Người được cử sang Hoa Kỳ ký thỏa ước thương mại song phương là Vũ Khoan - vừa chính thức trở thành bộ trưởng bộ thương mại thay Trương Đình Tuyển. Cũng vào dịp đầu năm 2000, bí thư thành ủy TP.HCM là Trương Tấn Sang được điều về Hà Nội làm trưởng ban kinh tế trung ương đảng. Người thay Trương Tấn Sang là Nguyễn Minh Triết. Cựu trưởng ban kinh tế của đảng là Phan Diễn đổi về làm bí thư thành ủy Đà Nẵng. Không hiểu vì lý do gì, hai ủy viên Lê Xuân Tùng, bí thư thành ủy Hà Nội và Nguyễn Phú Trọng, trưởng ban tư tưởng văn hóa cũng đổi vị trí cho nhau.

Việc ký kết thỏa ước thương mại song phương đã mở đường cho tổng thống Hoa Kỳ Clinton ghé thăm Việt Nam vào tháng 11-2000. Trong phái đoàn, ngoài bộ trưởng thương mại Minetta còn có nghị sĩ Kerry, dân biểu Loretta Sanchez (khu vực quận Cam - Orange County, California).

Không phải ai cũng hoan nghênh cuộc thăm viếng đó. Trước khi Clinton tới, ngày 27-10-2000, những phần tử bảo thủ trong bộ Chính Trị gửi một thông tư mật cho đảng viên, do Phạm Thế Duyệt ký tên, chỉ thị các cấp không được tỏ ra quá nồng nhiệt khi tiếp đón Clinton. Thông tư viết "Chúng ta phải luôn nhớ rằng bản chất của Mỹ là chống lại chủ nghĩa cộng sản. Chúng vẫn chưa từ bỏ mưu toan diễn biến hòa bình..."

Chuyến đi của Clinton chỉ được thông báo trước 2 ngày với vài hàng ngắn ngủi "Tổng thống Hoa Kỳ W.J. Clinton và phu nhân sẽ chính thức viếng thăm Việt Nam từ 16 đến 19-11-2000. Chuyến viếng thăm là do lời mời của chủ tịch Trần Đức Lương".

Chỉ có báo Thanh Niên là thêm một vài chi tiết. Báo chí được chỉ thị nếu đăng hình Clinton, hình đó phải nhỏ hơn hình của Giang Trạch Dân mới đi thăm Việt Nam trước đó. Nguyễn Dy Niên thấy thái độ của bộ Chính Trị cũng phải hủy bỏ cuộc họp báo trong ngày Clinton tới Hà Nội. Trần Đức Lương, Phan Văn Khải tiếp Clinton một cách ngoại giao và thân thiện, nhưng khi Lê Khả Phiêu gặp Clinton thì Phiêu đã lên tiếng thuyết giảng một bài học dài về lịch sử Việt Nam, đồng thời lên án chủ nghĩa đế quốc và khoe là chiến tranh Việt Nam đã có một tác dụng tốt cho phong trào xã hội chủ nghĩa.

Clinton dù là một người tránh nhập ngũ trong thời gian chiến tranh Việt Nam trước 1975 đã cứng cỏi đáp lại rằng việc Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam là để bênh vực quyền dân tộc tự quyết. Thái độ thiếu ngoại giao của Lê Khả Phiêu sau đó đã bị phê bình trong nội bộ đảng. Một điều đáng chú ý là trong dịp này, tại Mạc Tư Khoa, Nga cũng thông báo tổng thống Putin sẽ viếng thăm Đại Hàn và Việt Nam vào đầu năm tới.

Có lẽ trong thâm tâm Lê Khả Phiêu, mục đích chính của việc lên lớp Clinton không trực tiếp liên hệ tới vấn đề quan hệ ngoại giao hay kinh tế với Hoa Kỳ mà thực ra là để trấn an Trung Quốc và lấy lòng các thành phần bảo thủ. Bản báo cáo về cuộc nói chuyện riêng với Clinton được công bố trên đài truyền hình hai lần, sau đó được chính thức phân phát cho báo chí. Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng phổ biến ngay lập trường cứng rắn với Hoa Kỳ của Lê Khả Phiêu. Ngoài ra, có dịp lên lớp tổng thống một nước đang đứng đầu các nước tư bản cũng là để giải tỏa những dồn nén. Sáu tháng trước, trong chuyến công du Pháp quốc, theo nghi lễ, tổng thống và thủ tướng Pháp đã không ra phi trường tiếp đón Lê Khả Phiêu, vì trên danh nghĩa chính thức, Lê Khả Phiêu chỉ là tổng bí thư một đảng chính trị. Người thay mặt chính phủ Pháp ra phi trường đón tiếp là bộ trưởng giao thông, lý do ông này là đảng viên cộng sản. Khi rời nước Pháp, chính phủ Pháp cũng không tổ chức tiệc tùng đưa tiễn theo nghi lễ quốc khách (10). Được cử lên làm người có quyền lực cao nhất một nước, nhưng khi ra nước ngoài bị coi thường khiến Lê Khả Phiêu sau khi về nước, chẳng những đã mưu định giữ ghế tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ mà còn tìm cách kiêm nhiệm luôn chức chủ tịch nhà nước giống như Giang Trạch Dân bên Trung Quốc. Quốc gia duy nhất đón tiếp Lê Khả Phiêu một cách trọng thể là Cuba, khi Phiêu sang viếng thăm vào ngày 7-9-1999. Đền bù lại, Cuba đã được Lê Khả Phiêu tặng cho 3000 tấn gạo.

Cùng đi với Clinton sang thăm Việt Nam, ngoài vợ con ông cùng các phụ tá còn có trên 30 đại diện của những công ty lớn như Boeing, Nike, Genetral Motors, Lucent, Motorola... đến để tham quan khả năng kinh tế.

Clinton được mời nói chuyện tại trường đại học Hà Nội và buổi nói chuyện được trực tiếp truyền hình. Trái với ý muốn của Lê Khả Phiêu, buổi nói chuyện cũng như sự tiếp đón của dân chúng đối với Clinton diễn ra rất nồng nhiệt. Đối với nhà cầm quyền Việt Nam, chuyến đi đó gây khá nhiều phiền phức. Họ đã bắt giữ ông Hà Hải, tổng thư ký Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo ngày 19-11-2000 khi ông này đang định từ Long Xuyên lên Sài Gòn gặp Clinton và khi Clinton đang ở Hà Nội thì phi công Lý Tống dùng một máy bay từ Thái Lan bay về Sài Gòn rải truyền đơn rồi an toàn trở lại Thái Lan.

Lý Tống sau 1975 từng vượt ngục tù cộng sản đi bộ sang Tân Gia Ba (11). Năm 1992, ông trở về Việt Nam ép một phi công hàng không Việt Nam bay quanh vùng Sài Gòn để thả truyền đơn. Lần đó ông bị bắt sau khi nhảy dù xuống đất nhưng do chính phủ Hoa Kỳ can thiệp nên được thả 6 năm sau. Trở về Mỹ, năm 2000, ông lái một phi cơ nhỏ sang Cuba rải truyền đơn chống Castro ở Havana rồi an toàn trở về Mỹ.

Do sơ hở này, phòng không của Việt Nam đã trở nên "quá cảnh giác" nên ngay ngày hôm sau, đã bắn lầm một phi cơ dân sự. Sau vụ trở lại Việt Nam lần thứ hai của Lý Tống, Phạm Văn Trà, Lê Văn Dũng và các cấp chỉ huy không quân, phòng không đều bị khiển trách vì không chu toàn nhiệm vụ.

Khi Lý Tống bay trở về Thái Lan, ông đã bị nhà cầm quyền Thái Lan bắt và bỏ tù đến năm 2007 mới được thả về Hoa Kỳ.

Sau chuyến đi của Clinton, Việt Nam lại đón tiếp tổng thống Putin của Nga. Bang giao với Nga được cải thiện rất nhiều từ khi Putin lên cầm quyền và nhất là sau khi Phan Văn Khải sang Nga ký thỏa ước trả món nợ 1.7 tỷ mỹ kim. Putin đến thăm Việt Nam từ Đại Hàn và khi gặp Trần Đức Lương, hai bên tuyên bố sẽ phát triển một "hợp tác chiến lược", theo đó, ngoài việc Nga hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu hỏa, còn giúp xây dựng cho Việt Nam nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trị giá khoảng 3.5 tỷ mỹ kim và một nhà máy thủy điện tại Sơn La, tổn phí khoảng 2.6 tỷ.

Việc xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La đã gây ra một số chỉ trích, vì Sơn La là vùng có thể có động đất và vì bắt buộc phải di cư 100 ngàn người đi nơi khác. Tin đồn về việc di cư này mấy năm trước đã là một nguyên nhân gây ra biến loạn ở vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhờ Nga phóng giúp một vệ tinh truyền tin.

Vấn đề chính trong chuyến viếng thăm của Putin là Việt Nam sẽ tiếp tục mua võ khí của Nga. Từ 1990, việc sản xuất và bán võ khí vẫn là một nguồn xuất cảng lớn của Nga (báo chí Ấn Độ gọi tên Putin là chữ viết tắt của Planes-Uranium-Tanks-Infrastructures-Nuclears).

Putin đã khuyến khích Việt Nam mua thêm các chiến đấu cơ Sukhoi 27 (tầm hoạt động 3680 cây số), oanh tạc cơ Su-30 MK và có thể cả Mig-29. Hải quân Việt Nam cũng được tân trang. Việt Nam đã mua những tàu phóng hỏa tiễn và hệ thống phóng phi đạn chống chiến hạm Mosquito, với những phi đạn có thể bay thấp và bắn trúng mục tiêu trong vòng 120 cây số. Sau chuyến đi của Putin, Nga bán được cho Việt Nam hai dàn hỏa tiễn phòng không tối tân S.300 PMU1, có thể bắn trúng phi cơ cách xa 150 cây số. Nga đã bán cho Trung Quốc loại võ khí này và còn dự định bán cho Trung Quốc loại S.300 PMU2, tối tân hơn. Do ám ảnh áp lực của Trung Quốc, nhiều khi Việt Nam đã lén lút mua võ khí một cách ngoài qui ước. Chẳng hạn, tháng 10-2002, khi nhân viên hải quan St. Petersburg khám xét một thùng hàng lớn đưa về Việt Nam, ngoài thùng ghi là phụ tùng xe hơi, nhưng bên trong lại thấy một số hỏa tiễn phòng không tối tân nhất của Nga.

Để tiết kiệm ngân sách, trong chuyến đi Việt Nam, Putin cũng cho biết sẽ trả lại hải cảng Cam Ranh vào năm 2002, trước thời hạn giao kèo 2 năm. Tuy rất muốn hải cảng được Hoa Kỳ thuê lại, nhưng vì sợ mất lòng Trung Quốc, Việt Nam mời Trung Quốc là nước đầu tiên cho chiến hạm ghé thăm Cam Ranh. Hiểu thâm ý của Việt Nam, Trung Quốc cương quyết từ chối. Việt Nam sau đó tuyên bố sẽ biến Cam Ranh thành một thương cảng.

Sau khi Putin về nước, Nông Đức Mạnh và Trần Đức Lương cũng đã lần lượt sang Nga đáp lễ.

Cùng thời gian chuyến viếng thăm của Clinton và Putin là những cuộc viếng thăm của bộ trưởng quốc phòng Fernandes, ngoại trưởng Singh và thủ tướng Vajpayee của Ấn Độ. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là một nước quan trọng vì đông dân, có thể chế tạo võ khí khá tối tân và nhất là thật tâm muốn bang giao chặt chẽ với Việt Nam.

Tuy nhiên, sau chuyến đi của Clinton, càng gần đến ngày đại hội đảng lần thứ IX, cuộc đấu tranh nội bộ đảng CSVN càng trở nên gay gắt nên tiến trình cải thiện bang giao với Hoa Kỳ bị ngưng trệ. Do áp lực của phe bảo thủ, chuyến viếng thăm của đô đốc Blair, tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, dự trù vào ngày 15-1-2001 bất thình lình bị Việt Nam hủy bỏ và không cho biết lý do. Phải chờ một năm sau (sau khi Việt Nam đã để cho chiến hạm Yulin của Trung Quốc ghé cảng Sài Gòn ngày 22-11-2001), ngày 2-2-2002, đô đốc Blair mới chính thức đến thăm Việt Nam và đã gặp Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Văn Trà, Nguyễn Dy Niên. Trong các cuộc tiếp xúc, đô đốc Blair ngỏ ý Hoa Kỳ không muốn thuê lại hải cảng này nhưng mong là tàu bè của tất cả các nước có thể ghé lại khi cần thiết, nhưng sợ làm phật lòng Trung Quốc, Việt Nam đã từ chối.

Cũng trong hội nghị trung ương đảng lần thứ 10 (khóa VIII) vào tháng 7-2000, những điểm căn bản cho bản báo cáo chính trị của đại hội đảng lần thứ IX sẽ được tổ chức vào tháng tư năm 2001 được Nguyễn Phú Trọng đưa ra bàn thảo. Nội dung dự thảo báo cáo nói chung vẫn kêu gọi "phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Phương châm này chỉ giản dị là sẽ cố gắng để ưu tiên phát triển cho kinh tế quốc doanh vượt trội hơn kinh tế tư nhân.

Hội nghị trung ương cũng đánh giá vai trò của ban thường vụ bộ Chính Trị để tìm cách thay đổi. Tuy công khai tuyên bố theo đuổi đường lối ngoại giao "đa phương", bản báo cáo chính trị chỉ nhấn mạnh đến cải thiện quan hệ với "những nước láng giềng, xã hội chủ nghĩa và bạn bè truyền thống" là Ai Lao, Campuchia, Trung Quốc và Nga mà không nhắc nhở gì đến Hoa Kỳ, Tây Âu hay các nước ASEAN. Với tư cách một thành viên của khối ASEAN, Việt Nam đặc biệt chỉ quan hệ thân thiết với Ai Lao và Miến Điện. Ai Lao là do bản chất thụ động cố hữu vẫn phụ thuộc vào Việt Nam trên nhiều lãnh vực, còn Miến Điện, do nền độc tài quân phiệt khiến bị cô lập đối với quốc tế nên rất thân cận và được cảm tình của những lãnh tụ CSVN. Riêng đối với Campuchia, do mối hận thù lịch sử và thái độ của cán bộ Việt Nam trong thời gian chiếm đóng sau 1979, nên dù chính quyền Hun Sen đã được Việt Nam thiết lập và hỗ trợ, đã không còn có quan hệ thực sự thân thiết như trước. Trong lúc đó, Trung Quốc tiếp tục phát triển ảnh hưởng ở Campuchia bằng cách giúp xây một xưởng đóng tàu lớn ở Kompong Som với phí tổn trên 500 triệu mỹ kim.

Thực ra chủ trương nhường nhịn Trung Quốc không hoàn toàn dành được sự đồng nhất trong đảng. Đầu năm 2001, địa vị của Lê Khả Phiêu có những dấu hiệu lung lay khi hội nghị trung ương đảng thảo luận về vấn đề tuổi tác, đã biểu quyết không cho những ủy viên trên 65 tuổi được tái cử. Lê Khả Phiêu và Phan Văn Khải đều gần 70 nhưng điều này nhắm vào Lê Khả Phiêu nhiều hơn. Hai tuần sau, đúng ngày mà bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Trì Hạo Điền sang thăm Hà Nội, tại miền Nam, báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài tiết lộ chi tiết về hơn 300 vụ vi phạm của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam. Tờ báo cũng đăng thêm về kế hoạch bảo vệ và quản lý hành chánh của Việt Nam trên những hòn đảo. Điều này đã gây phản kháng từ phía bộ ngoại giao của Trung Quốc. Có lẽ đó là sự thách thức của phe đổi mới trong miền Nam đối với phe bảo thủ trong đảng ngoài Hà Nội trước khi có đại hội đảng. Ngoài ra, đó cũng là một cách trả đũa Trung Quốc của phe đổi mới đối với sự việc tháng 12-2000, trong ngày mà Trần Đức Lương sang Trung Quốc để đúc kết thỏa hiệp lãnh hải và thỏa hiệp đánh cá trong vịnh Bắc Việt, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng xác nhận chủ quyền Trung Quốc trên địa phận tranh chấp Trường Sa. Trước sự phản kháng của bộ ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam trả lời bài trên Sài Gòn Giải Phóng là ý kiến của một "tờ báo địa phương". Tuy nhiên, mấy ngày sau, báo Lao Động cũng đăng một bài trong đó ghi lại lời của Hà Văn Tấn, viện trưởng Viện Khảo Cổ nói đã đào được những di chỉ đồ sứ của Việt Nam từ thế kỷ 13 ở các đảo Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn Lớn, Phan Vinh, An Bang... chứng minh chủ quyền lâu đời của Việt Nam trong vùng Trường Sa.

Cũng trong tháng 2-2001, báo Tiền Phong đăng tin đã bắt giữ Phạm Văn Dũng, phó chủ tịch ủy ban nhân dân phường Hoàng Văn Thụ, Hà Nội về tội làm gián điệp (với ám chỉ là cho Trung Quốc).

Ngày 6 tháng 2 năm 2001, tại Đắc Lắc (Ban Mê Thuột) và Gia Lai (Pleiku), một biến động lớn xảy ra.(12) Khoảng năm ngàn người thuộc nhiều sắc dân thiểu số như Êđê, Jarai...nổi lên biểu tình phản đối chính quyền dung dưỡng, hợp tác với người Kinh liên tiếp chiếm đoạt đất đai của họ để lập đồn điền trồng cà phê, đồng thời ngăn cản họ không cho theo đạo Tin Lành. Họ cũng đòi được tự trị về chính trị.

Vì cà phê là một nguồn xuất cảng quan trọng (mấy năm gần đây mức xuất cảng cà phê của Việt Nam chỉ thua Colombia), dân người Kinh và ngay cả những "khu kinh tế quốc doanh" của quân đội đã lấn chiếm và khai phá đất đai của dân thiểu số địa phương.

Theo báo Quân Đội Nhân Dân ngày 27-2-2001, một "khu kinh tế quốc phòng" do binh đoàn 16 thành lập tại tỉnh Dak Lak từ 1999 đã chiếm tất cả 584.032 mẫu rừng, khai hoang để trồng cao su, bông vải, hạt tiêu, cà phê. Việc khai hoang và định cư dân từ các vùng khác cùng với sự tham nhũng của các viên chức hành chánh bắt ép dân địa phương đã gây ra những bất mãn dẫn tới bùng nổ thành biểu tình bạo động, nhất là khi có tin chính phủ trung ương dự định xây đập thủy điện ở Sơn La và sẽ dời khoảng 100 ngàn người (gốc người Thái) đi nơi khác mà nơi khác đó chắc chắn là vùng Tây Nguyên.

Để đối phó với những cuộc biểu tình, chính quyền địa phương phong tỏa toàn tỉnh, cấm phóng viên ngoại quốc đến lấy tin, kiểm soát đường dây điện thoại, sau đó, huy động công an, quân đội, xe xịt nước để đàn áp. Nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nhiều ngày tại những địa điểm khác nhau. Khác với những cuộc biểu tình của nhân dân Thái Bình mấy năm trước chỉ phản đối về thuế khóa và những viên chức tham nhũng, cuộc biểu tình này liên quan đến những vấn đề lớn lao hơn như luật lệ về sở hữu đất đai, về tình trạng các sắc dân thiểu số, về tự do tôn giáo và tự trị chính trị.

Từ nhiều năm, do văn hóa và nếp sống khác nhau, những sắc dân thiểu số tại vùng Tây Nguyên đã khó hòa đồng vào nếp sống của người Việt. Sau 1955, những chính quyền liên tiếp ở miền Nam Việt Nam tương đối để cho họ tự trị và đưa ra nhiều biện pháp nâng đỡ. Dù vậy, năm 1964 đã xuất hiện một lực lượng chống đối là phong trào FULRO (Front Unifié de Lutte des Races Opprimées - Mặt trận Đoàn kết những Chủng tộc bị áp bức) nổi loạn trong vùng Tây Nguyên. Cuộc nổi loạn này bị dập tắt nhanh chóng và những người cầm đầu chạy qua Campuchia. Sau 1975, do kinh tế Việt Nam tồi tệ, đời sống của người dân thiểu số càng khốn khó hơn. Ngoài những túng quẫn về vật chất, họ còn bị chính quyền tìm cách trói buộc về nhiều phương diện sinh hoạt, nhất là bóp nghẹt quyền tự do tín ngưỡng của họ, đặc biệt với những người theo Công Giáo hay Tin Lành. Vì thế, sau nhiều năm bị chèn ép, họ đã nổi lên biểu tình phản đối.

Trước những cuộc biểu tình của dân chúng Tây Nguyên, bộ Chính Trị đảng phải họp phiên họp bất thường ngày 10-02-2001 để tìm cách đối phó. Trước hết, chính quyền trung ương ra lệnh buộc một số viên chức hành chánh tỉnh Đắc Lắc phải xuống ở luôn trong các buôn ấp sinh hoạt với dân chúng và giải quyết nhanh chóng những tranh chấp khiếu nại. Các phái đoàn đảng và chính phủ lần lượt đến tận nơi tra xét. Đầu tiên là Nguyễn Tấn Dũng đến cao nguyên tháng 2-2002, tiếp theo là Phạm Thế Duyệt, Phan Văn Khải đến vào tháng 3, rồi Lê Minh Hương (bộ trưởng công an) đến vào tháng 7 và cuối cùng, Nông Đức Mạnh đến vào tháng 9.

Những biện pháp lấy lòng dân được hứa hẹn, chẳng hạn như lập nhà máy điện, mở bệnh viện, trường học, lấy đất công cấp phát cho dân nghèo...Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, chương trình phát thanh và truyền hình của các sắc tộc khác nhau (Êđê, Jarai, Koho, Mnong, Sedang...) tăng thêm thời gian. Học sinh, sinh viên sắc tộc được tăng trợ cấp và quần áo. Sách báo tuyên truyền ca tụng chính sách về sắc tộc của đảng được in và phân phát, hình Hồ Chí Minh được phát không... Sau đó, một số đất đai bị chiếm lãnh được trao trả bớt lại. Tại Dak Lak, trả lại 165 ngàn mẫu, tại Lâm Đồng 66 ngàn mẫu.

Song song với các biện pháp xoa dịu, chính quyền đổ thừa những vụ biểu tình là nằm trong âm mưu diễn biến hòa bình của những thế lực thù nghịch và bắt giữ những người bị nghi là chủ mưu. Chính quyền tuyên bố đã bắt giữ khoảng 20 người, gán những người này là thuộc về lực lượng FULRO từng làm loạn đòi tự trị tại Miền Nam bốn mươi năm trước. Họ tố cáo người cầm đầu là Ksor Kok, hiện định cư tại Hoa Kỳ, mưu định thành lập quốc gia Degar trên vùng Tây Nguyên. Dù đã có các biện pháp xoa dịu song song với đàn áp, sự bất mãn của những sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên vẫn âm ỉ. Hàng ngàn người, phần lớn là đàn bà và trẻ em bỏ trốn sang Campuchia. Trong số người này chỉ có một số nhỏ được đi định cư tại những quốc gia khác. Số còn lại bị chính phủ Campuchia đẩy trở về Việt Nam.

Tuy đã có những biện pháp xoa dịu và đàn áp, những bất mãn của những sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên vẫn còn âm ỉ. Bị áp lực dư luận của Mỹ, đại sứ Peterson đã lên vùng Tây Nguyên quan sát vào tháng 7-2001, nhưng khi trở về, ông than phiền là không được trực tiếp tiếp xúc với dân chúng. Chính quyền Hà Nội cũng mời Hội Đồng Đặc Trách Về Tự Do Tôn Giáo của Hoa Kỳ cử một phái đoàn đến Việt Nam quan sát vào tháng 2-2002. Tuy nhiên, phái đoàn đã không được gặp những hoà thượng Huyền Quang, Quảng Độ, linh mục Nguyễn Văn Lý hay ông Lê Quang Liêm của Phật Giáo Hòa Hảo...

Hà Nội phản ứng dữ dội khi hai tháng sau, Human Rights Watch đưa ra một bản báo cáo dày 200 trang nhan đề Đàn Áp Những Người Miền Núi lên án chính quyền CSVN. Trước đó, ngày 6-9-2001, Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết đạo luật HR 2833 xác nhận không có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng đạo luật này bị thượng nghị sĩ Kerry kềm lại không cho đưa ra Thượng Viện biểu quyết.

Ba năm sau, chính quyền Việt Nam vẫn còn loan báo những xáo động lẻ tẻ vào các ngày lễ Phục Sinh hay Giáng Sinh năm 2004.

Lợi dụng biến cố Tây Nguyên, trước kỳ họp chót của hội nghị trung ương đảng lần thứ 12 để quyết định cải tổ nhân sự vào dịp đại hội đảng, Lê Khả Phiêu đã thuyết phục đa số ủy viên bộ Chính Trị là trong lúc tình hình đang biến động, không nên thay đổi lãnh đạo. Dù vậy, khi hội nghị trung ương đảng họp, ý kiến này bị bác bỏ.

Ngoài ra, vì bị Đỗ Mười và Lê Đức Anh kềm chế, Lê Khả Phiêu đã dùng tổng cục 2 đặt máy nghe lén điện thoại của các ủy viên bộ Chính Trị để theo dõi hành động và mưu định của họ, đồng thời cũng điều tra những ủy viên có trương mục tại những ngân hàng ngọai quốc. Công tác nghe và điều tra lén này mang ám số A10 bị Lê Văn Dũng và Phạm Văn Trà báo cáo cho Lê Đức Anh vào tháng 6-2000. Lê Đức Anh, dù đã được báo cáo sớm, đã giấu đi tin này để chờ mấy tháng sau, khi trung ương đảng họp về nhân sự lãnh đạo cho đại hội đảng lần thứ IX mới đưa ra, nhằm mục đích hạ Lê Khả Phiêu.

Phạm Văn Trà và Lê Văn Dũng đã được che chở, chỉ bị khiển trách trong hội nghị. Phạm Văn Trà sau đại hội IX vẫn được giữ làm bộ trưởng quốc phòng và ở lại bộ Chính Trị tuy bị sụt thấp 2 hạng, còn Lê Văn Dũng tuy cũng bị khiển trách vì vụ Lý Tống và bị mất chức tham mưu trưởng quân đội, nhưng vẫn được chuyển qua làm chủ nhiệm tổng cục chính trị và được vào ban bí thư. Thay thế Lê Văn Dũng trong chức tham mưu trưởng quân đội là tư lệnh quân khu I Phùng Quang Thanh

Ngoài Phạm Văn Trà và Lê Văn Dũng, ba đảng viên cao cấp khác bị khiển trách và sau đó mất chức là Đoàn Văn Kiên, Hoàng Đức Nghi và Hà Quang Dự.

Đoàn Văn Kiên là tổng giám đốc tổng công ty than đá Vinacoal, vì quản lý sai lầm, than sản xuất ra không ai mua ứ đọng 4 triệu tấn phải bán phá giá và khiến một số lớn nhân công phải nghỉ việc. Hoàng Đức Nghi, chủ tịch ủy ban sắc tộc vì đã để xảy ra biến cố Tây Nguyên, và nhất là đã xảy ra thất thoát vì ăn cắp, hối lộ khỏang 70% ngân sách phát triển cho đồng bào sắc tộc. Chẳng hạn khi mua những máy truyền thanh cho dân thiểu số nghe đài tại Cao Bằng thì những máy này lại chỉ nghe được đài Trung Quốc mà không nghe được đài Cao Bằng cách đó có 8 cây số. Trong khi đó, Hà Quang Dự, chủ tịch ủy ban thể dục thể thao, vì có quá nhiều gian lận trong những cuộc tranh giải thể thao. Riêng Lê Khả Phiêu bị khiển trách, phê bình về việc nghe lén điện thoại và mất chức tổng bí thư.

Đại hội đảng lần thứ VIII của đảng CSVN họp vào giữa năm 1996 là lúc mà sự tranh chấp quyền lực giữa bộ ba Mười, Anh, Kiệt cầm quyền trở nên gay gắt. Sự tranh chấp này chỉ giải quyết được vào hơn một năm sau, nhưng vì những người thay thế như Phiêu, Lương, Khải đều yếu thế nên vai trò chính trị cũng như ảnh hưởng của bộ ba kể trên vẫn tồn tại cho tới hết nhiệm kỳ năm năm của đại hội. Trong thời gian đó, Lê Khả Phiêu đã được đưa lên cầm quyền như một biện pháp hòa giải.

Vì kém khả năng, không có hậu thuẫn vững mạnh trong đảng và lại phải cầm quyền trong một thời gian mà tình hình quốc tế và quốc nội gặp nhiều khó khăn, Lê Khả Phiêu đã không có được một biện pháp lãnh đạo mạnh mẽ nào để cải thiện tình hình trong mọi phương diện như kinh tế, nội an hay bài trừ tham nhũng...

Tệ hại hơn nữa, căn bản là một chính trị viên, trong sự chọn lựa giữa ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và quyền lợi quốc gia, Lê Khả Phiêu đã nghiêng nhiều về ý thức hệ và nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều, nhất là về lãnh thổ, lãnh hải, với hy vọng lấy lòng những phần tử bảo thủ (phần lớn do Đỗ Mười và Lê Đức Anh chi phối) hầu giữ nguyên được quyền vị.

Nhìn chung, do tình trạng kinh tế sa sút, tệ nạn tham nhũng trong đảng và chính quyền gia tăng, sự bộc phát bất mãn của nhân dân ở Thái Bình, Đồng Nai, Tây Nguyên cùng với sự thao túng của Đỗ Mười và Lê Đức Anh.., Lê Khả Phiêu đã bị loại khỏi phạm vi quyền lực sau khi mới làm tổng bí thư được hơn nửa nhiệm kỳ.

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG V

___________________________________________

(1)- Nguyễn Văn Linh vẫn được coi như người bắt đầu phong trào Đổi Mới ở Việt Nam, nhưng về sau, ông ta rất sợ bị gọi là Gorbachev Việt Nam. Ông ta gọi Gorbachev là kẻ "cơ hội". Các cán bộ cốt cán khác cũng thù Gorbachev và Yeltsin, hai người đã phá sập cái thiên đường của họ. Nhà xuất bản Công An Nhân Dân đã ấn hành cuốn sách Sự Phản Bội của Gooc Ba Trốp qui lỗi cho Gorbachev về sự sụp đổ của khối cộng.

(2)- Việc mất chức của Nguyễn Hà Phan, tài liệu mật của đảng CSVN ghi:"trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, khi đồng chí Nguyễn Hà Phan bị bắt và giam cầm, đã không giữ được danh dự của người cộng sản, tiết lộ cho địch những cơ sở nằm vùng. Sau khi được tha năm 1964, đồng chí không báo cáo những sai lầm với đảng. Lỗi lầm của đồng chí Nguyễn Hà Phan rất nghiêm trọng. Trung ương đảng quyết định xử lý kỷ luật với đồng chí Nguyễn Hà Phan và trục xuất khỏi đảng" (Trích Shadows and Wind - Robert Templer). Lỗi lầm của Nguyễn Hà Phan cũng như quyết định mật đó của trung ương đảng chắc do phe Võ Văn Kiệt tiết lộ.

(3)- Lý Quí Chung trước khi chết đã viết cuốn Nhật Ký Không Tên. Người viết không biết nhiều về cá nhân ông, nhưng qua hành động, ông điển hình là một người "cách mạng 30". Trước 30-4-1975, ông từng đối lập với chính phủ VNCH, nhưng chính phủ đó vẫn nương nhẹ, để cho ông viết báo chỉ trích chánh phủ, kiếm tiền, làm dân biểu, đi ngoại quốc. Bạn bè ông, người thân của ông đi tù, trong nhật ký của ông, ông không viết một lời thông cảm. Nhật Ký Không Tên chỉ ghi lại những hậm hực vì không được trọng dụng. Trong khi Lý Chánh Trung còn được cho làm dân biểu bù nhìn một nhiệm kỳ, Lý Qúi Chung bị kéo ra Hà Nội làm một phóng viên quèn cho báo Lao Động một thời gian. Một chuyện khác, trong khi cả những cán bộ cộng sản cao cấp cũng công nhận lỗi lầm về việc cải tạo công thương nghiệp sau 1975 thì trong Nhật Ký Không Tên của Lý Qúi Chung, điều duy nhất mà ông ấm ức là chính quyền đã tịch thu nhà của cha ông, khi "tại tòa báo vào thời điểm đó, tôi tuyên truyền cho các cuộc cải tạo tư sản mại bản, công thương nghiệp, tư sản tư doanh ". Bỏ rơi những người quốc gia, nhưng những người cộng sản chính thống cũng không coi ông ra gì, ông là điển hình của giai cấp lưng chừng, "phi cầm phi thú".

(4)- Vụ đàn áp dân Thái Bình:

www.hrw.org/reports/1997/vietnam

(5)- Kaysone Phomvihane sinh năm 1920, nói được tiếng Việt, cha là người Việt (tên Nguyễn Trí Loan?), là người thực sự chỉ huy đảng cộng sản Ai Lao đằng sau Souphanouvong. Làm tổng bí thư kiêm thủ tướng từ 1975 đến 1991 thì từ chức, lên làm chủ tịch nước. Chết năm 1992, được Việt Nam bỏ tiền ra làm một viện bảo tàng kỷ niệm Phomvihane rất lớn. Mấy năm gần đây, vì Trung Quốc muốn tranh giành ảnh hưởng với Việt Nam tại Lào, cho nên năm 2006, họ làm một cái tượng của Phomvihane cao 8.5m để đặt trước nhà bảo tàng này.

Xin đọc: Ai Lao: đất và người của Hàn Lệ Nhân,

website Vietnamexodus.

(6)- Vụ án Trịnh Vĩnh Bình và Phương Vicarrent, xin đọc bài của Trần Quốc Hoàn (bút hiệu) và bài của ký giả Trọng Kim (báo Ngày Nay) trên website Đàn Chim Việt. Người viết Trần Quốc Hoàn, có lẽ là một viên chức trong bộ công an nên đã rất rõ về Nguyễn Khánh Toàn. Nguyễn Khánh Toàn là nhân vật số 2 trong bộ công an, vào năm 2007 còn bị tai tiếng về gian lận nhà đất. Ông Hoàn cho biết vợ Nguyễn Khánh Toàn là Phạm Gia Liên có hùn hạp làm ăn với Ngô Chí Đan.

(7)- Theo Sheri Prasso, người ra lệnh cho Phan Văn Khải không ký BTA là Đỗ Mười dù lúc đó Đỗ Mười không còn là tổng bí thư, cũng không là ủy viên bộ Chính Trị mà chỉ là "cố vấn". Mấy năm sau, trong một hội nghị trung ương đảng, nhiều ủy viên đã chỉ trích gay gắt Đỗ Mười làm trái nguyên tắc. Lúc này Đỗ Mười đã hết là cố vấn.

Xin coi: http://sheridanprasso.com/viet.trade.htm.

(8)-- Chuyến đi của Phạm Thế Duyệt sang Trung Quốc năm 1999, ngoài việc tham khảo ý kiến về thỏa ước BTA, còn để học hỏi thêm về việc phát triển Mác xít khi thực hành kinh tế tư bản. Để biện luận điều này, ủy viên bộ Chính Trị Trung Quốc Li Ruihuan nói rằng "chủ nghĩa Mác không gạt bỏ mà còn hấp thụ tất cả những thành tựu của văn minh loài người".

(9)- Trong lễ ký kết thỏa ước, Phan Văn Khải đến tham dự, nhưng Chu Đông Cơ không đến, mà chỉ cử Wang Yi, trưởng phái đoàn thương thuyết của Trung Quốc, tương đương với cấp thứ trưởng thay mặt mà thôi.

(10)- Theo Bùi Tín, khi Lê Khả Phiêu sang Pháp ,dẫn một phái đoàn hùng hậu hơn một trăm người, nhưng T.T Chirac không muốn tiếp nên gửi thông tư cho chính phủ để thủ tướng Jospin tiếp. Thủ tướng lấy cớ chính phủ không mời nên làm lơ. Bộ trưởng Ngoại Giao lấy cớ bận việc bỏ đi nơi khác. Báo chí Pháp cũng không có báo nào đăng tin về cuộc viếng thăm.

(11)- Cuộc đời Lý Tống là một cuộc đời bất khuất nhưng cũng ly kỳ không kém những nhân vật của Jack London và đã được kể lại trong báo Reader's Digest. Ông mãn hạn tù (lần thứ ba) ở Thái Lan năm 2007, CSVN đòi dẫn độ ông về Việt Nam. Mới đầu, tòa sơ thẩm đồng ý nhưng ngày 3-4-2007, tòa phúc thẩm bác bỏ vì hành động của Lý Tống đối với Việt Nam có tính cách chính trị và luật Thái Lan không cho phép dẫn độ tù chính trị. Ông trở về Hoa Kỳ tháng 4-2007. Tổng cộng ông đã ở tù 21 năm. Trong lần đầu vượt ngục từ Việt Nam tới Singapore, ông được chuyển qua trại Galant để cứu xét định cư, một hội đoàn gửi tặng 500 mỹ kim, ông đã không dùng và bỏ vào quĩ giáo dục trẻ em tị nạn trên đảo.

(12)- Vụ xáo trộn Tây Nguyên: Thunder from the Highlands của Margot Cohen trong tập san Far Eastern Economic Review số tháng 3-2001.

CHƯƠNG VI

Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam Sau Ðại Hội Đảng lần thứ IX

(2001-2006)

Trung tuần tháng 4-2001, đảng CSVN tổ chức đại hội đảng lần thứ IX để kiểm điểm lại thành tích trong năm năm qua, đồng thời xếp đặt lại nhân sự và đề ra những đường lối mới trong vòng năm năm tới.

Thành tích của những năm sau đại hội đảng lần thứ VIII năm 1996 đã không được lạc quan. Do sự tranh chấp giữa hai phe đổi mới và bảo thủ trong đảng nên không có một biện pháp quyết liệt nào được đưa ra khi phải đối phó với những đổi thay của tình hình kinh tế trên thế giới, nhất là đã không có kế hoạch nào để đối phó với cơn khủng hoảng tiền tệ trong vùng Đông Nam Á năm 1997.

Số vốn đầu tư của ngoại quốc vào Việt Nam trong những năm này đã sụt xuống thấp hơn năm 1992, cán cân mậu dịch bị thâm thủng tới 150 phần trăm, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng vì dân số tăng nhanh chóng, mỗi năm có thêm gần 1 triệu người đến tuổi lao động.

Đại hội đảng lần IX vào tháng 4-2001 được chuẩn bị từ những hội nghị trung ương đảng lần thứ 9 của khóa VIII đầu năm 2000. Cho tới hội nghị trung ương lần thứ 11 vào tháng 2-2001 thì đã có nhiều dấu hiệu chứng tỏ là tổng bí thư Lê Khả Phiêu sẽ bị mất chức dù mới được làm việc có hơn nửa nhiệm kỳ.

Nghị quyết của hội nghị trung ương đảng lần thứ 11 khuyến cáo là những người trên 65 tuổi không nên ra ứng cử để trẻ trung hóa guồng máy lãnh đạo.

Điều này nhắm vào Lê Khả Phiêu (sinh năm 1931, sắp 70 tuổi) và Lê Khả Phiêu đã phải tích cực vận động để được thêm vào câu "trừ vài chức vụ then chốt". Ngoài ra, để tạo áp lực với những phần tử bảo thủ, Lê Khả Phiêu đã dàn xếp để việc canh giữ an ninh cho đại hội đảng không được giao cho công an phụ trách như mọi lần mà được giao cho quân đội. Trong dịp hội nghị lần thứ 11 này, trung ương đảng cũng cho biết đã có hàng ngàn lá thư góp ý kiến vào bản dự thảo nghị quyết của đại hội đảng. Tuy đảng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những ý kiến đóng góp này nhưng sau đó, bản nghị quyết chính thức vẫn giống y như bản dự thảo.

Hiển nhiên là trong những năm sau đại hội đảng lần thứ VIII (1996), nhiều biến cố không thuận lợi đã xảy ra như sự sa sút của kinh tế Việt Nam, tệ nạn tham nhũng lan tràn, những bất ổn ở Thái Bình, Đồng Nai, Tây Nguyên khiến các ủy viên trung ương đảng không tín nhiệm Lê Khả Phiêu ở trách nhiệm lãnh đạo.

Nhưng cũng nhờ biến cố Tây Nguyên, Lê Khả Phiêu đã cố gắng thuyết phục những ủy viên bộ Chính Trị là không nên có thay đổi lãnh đạo trong khi trong nước đang có rối loạn để có thể ra tái cử. Nhiều ủy viên bộ Chính Trị dĩ nhiên cũng muốn ở lại thêm một nhiệm kỳ nên ít ra đã có 2 phần 3 ủy viên đồng ý. Dù vậy, đề nghị này đã bị hội nghị trung ương đảng lần thứ 12 họp mấy ngày trước ngày đại hội đảng bác bỏ, một điều hiếm hoi ít khi xảy ra.

Sự mất chức của Lê Khả Phiêu ngoài những nguyên nhân khách quan kể trên còn do những vụng về lầm lỗi của cá nhân Lê Khả Phiêu.

Trước hết, tuy không có hậu thuẫn chính trị vững mạnh, kể cả trong quân đội, Lê Khả Phiêu ngoài ý muốn được tiếp tục làm tổng bí thư ít ra là đủ một nhiệm kỳ 5 năm, lại muốn kiêm nhiệm thêm chức vụ chủ tịch nhà nước để được coi như quốc khách khi đi công du các nước khác, giống như Gorbachev hay Giang Trạch Dân. Vì Lê Khả Phiêu vận động chuyện này khá công khai, điều này đã gây bất mãn trong những ủy viên trung ương. Nhưng lỗi lầm lớn nhất của Lê Khả Phiêu là đã mưu toan bãi bỏ chức vụ của ba "cố vấn".

Trong ba người này, Võ Văn Kiệt dĩ nhiên luôn luôn chống đối với Lê Khả Phiêu. Người mà Võ Văn Kiệt đỡ đầu cho vào ban thường vụ bộ Chính Trị là Nguyễn Tấn Dũng đã bị Phiêu loại ra ngoài ngay sau khi Phiêu được lên chức.

Đỗ Mười và Lê Đức Anh, tuy cùng chung khuynh hướng bảo thủ cũng tức giận khi bị Lê Khả Phiêu mưu toan loại họ ra khỏi phạm vi quyền lực. Trong đại hội toàn quân ngày 4-1-2001, Lê Đức Anh đã khiến các đại biểu quân đội ngạc nhiên khi công khai kết tội Lê Khả Phiêu, người từng được Lê Đức Anh nâng đỡ để thăng tiến.

Đồng thời, trong đảng, Đỗ Mười cũng tích cực vận động loại bỏ Lê Khả Phiêu. Trong hồi ký của Đoàn Duy Thành, Đoàn Duy Thành kể lại là Đỗ Mười đã nói "Nó muốn đá tao, tao đá nó". Nguyễn Đức Tâm trong thư gửi trung ương đảng kể lại là Đỗ Mười đã cho phổ biến một bản báo cáo tố cáo Lê Khả Phiêu từng giao du thân mật với phụ nữ như Đặng Thị Thu Hà, Vũ Thị Dung...trong đó có người hoạt động tình báo cho ngoại quốc (ám chỉ Trung Quốc). Vì thế, tuy khác khuynh hướng, cả ba đã ký tên chung trong một bức thư gửi các ủy viên trung ương để chê trách khả năng lãnh đạo của Lê Khả Phiêu.

Điều mỉa mai cho Lê Khả Phiêu là khi Nông Đức Mạnh được bầu làm tổng bí thư, ông ta chỉ nhận chức vụ với điều kiện không còn ba cố vấn và cả bộ ba này đã chấp nhận. Một lỗi lầm nữa của Lê Khả Phiêu là đã dùng tổng cục 2 tình báo của quân đội thi hành công tác "A 10", trong đó có việc sử dụng máy ghi âm nghe lén điện thọai của những ủy viên bộ Chính Trị khác và điều tra trương mục trong ngân hàng ngọai quốc của họ.

Nếu Đỗ Mười muốn loại Lê Khả Phiêu là vì Phiêu có ý phản bội, loại bỏ những cố vấn, Lê Đức Anh muốn loại Lê Khả Phiêu với một thâm ý khác. Tin tưởng là hậu thuẫn của mình còn mạnh, Lê Đức Anh dù đã về hưu và làm cố vấn nhưng vẫn muốn trở lại làm tổng bí thư, nên khi được Phạm Văn Trà và Lê Văn Dũng báo cáo về việc Lê Khả Phiêu dùng tổng cục 2 nghe lén điện thoại từ nhiều tháng trước, đã chờ cho tới khi hội nghị trung ương đảng cuối cùng của khóa VIII họp, lúc mà đảng Cộng sản sắp xếp nhân sự lãnh đạo cho đại hội đảng lần thứ IX, mới cho trợ lý của mình là Nguyễn Bắc Sơn đi khắp nơi báo cáo việc này và nói xấu Lê Khả Phiêu.

Cuối cùng là thái độ qui phục Trung Quốc và việc nhân nhượng đất đai của Lê khả Phiêu đã gây bất bình cho một số đại biểu (1).

Kể từ 1986, sau khi phát động đường lối đối ngoại "đa phương và đa dạng", Việt Nam đã cố gắng, một mặt kết chặt thân hữu ngoại giao với Trung Quốc, mặt khác cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước khác (như các nước ASEAN, Nhật Bản, Tây Âu, Hoa Kỳ...). Nhưng vì căn bản đều là xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã thiên về Trung Quốc và sự thiên vị trở nên quá đáng trong thời gian Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư, khiến Việt Nam giống như một nước chư hầu. Những thỏa hiệp về ranh giới lãnh thổ hay lãnh hải với Trung Quốc đã không hề được tham khảo ý kiến với trung ương đảng và cũng chưa được sự chấp thuận của bộ Chính Trị hay đưa ra trước quốc hội.

Do đó, vào kỳ đại hội đảng tháng 4-2001, dù có Hồ Cẩm Đào, phó chủ tịch nhà nước và tổng bí thư tương lai của Trung Quốc, sang tham dự và ngồi cạnh, điều này cũng không giúp gì được cho Lê Khả Phiêu. Ngoài ra, ba ngày trước đại hội, khi Hồ Cẩm Đào tới Hà Nội, báo Nhân Dân đã đăng bài xác nhận chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, gián tiếp nhắc đến khuynh hướng bành trướng của Trung Quốc và thái độ cầu cạnh của Lê Khả Phiêu. Trong bản báo cáo kinh tế đọc trước đại hội đảng, có đoạn nói Việt Nam sẽ xây dựng những cơ sở hậu cần ở các hải đảo để phát triển kinh tế cũng như quốc phòng. Sợ mất lòng Trung Quốc, Nguyễn Dy Niên sau đó giải thích đó chỉ là đường lối chung còn việc áp dụng tùy theo địa phương hay trường hợp.

Sau khi đã loại Lê Khả Phiêu, những ủy viên trung ương đảng bắt đầu họp để bầu tổng bí thư vào ngày 17-4-2001, hai ngày trước đại hội chính thức của đảng.

Trong vòng đầu, ba người được đề cử là Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Trần Đức Lương. Nông Đức Mạnh dẫn đầu nhưng được chưa tới 60% số phiếu, người thứ hai là Nguyễn Văn An, trưởng ban tổ chức đảng được 35% và Trần Đức Lương được khoảng gần 10%.

Vì tỷ số phiếu 35% của Nguyễn Văn An là một số phiếu vững chắc của những cán bộ hoạt động trong tổ chức đảng (2), Nông Đức Mạnh cảm thấy không an tâm, sợ rằng với tư cách trưởng ban tổ chức đảng, Nguyễn Văn An có thể gây khó khăn hay có thể kiếm thêm được một số hậu thuẫn để lật lại mình. Ngoài ra, với ảnh hưởng sâu rộng của bộ ba "cố vấn", Nông Đức Mạnh sẽ có thể bị trói tay như Lê Khả Phiêu. Do đó, mới đầu Nông Đức Mạnh đã từ chối không nhận chức.

Sự từ chối của Nông Đức Mạnh gây khó khăn cho ủy ban trung ương, vì trong số những ứng viên, chỉ có Nông Đức Mạnh là có những điều kiện thuận lợi.

Trước hết, từ trước tới nay, Nông Đức Mạnh vẫn là người đứng ngoài những tranh chấp giữa hai phe bảo thủ và đổi mới. Trong gần mười năm Nông Đức Mạnh làm chủ tịch quốc hội, quốc hội này đã chấp thuận hết những đạo luật đổi mới kinh tế lẫn đàn áp chính trị nên được lòng cả hai phe. Uy tín của quốc hội cũng khá hơn khi quốc hội được quyền triệu tập bộ trưởng ra điều trần công khai. Vì chức thủ tướng chắc chắn về tay Phan Văn Khải, một người miền Nam và chức chủ tịch nhà nước là Trần Đức Lương, người miền Trung, chức tổng bí thư phải là người miền Bắc như Nông Đức Mạnh hay Nguyễn Văn An. Ngoài ra, với tin đồn là con rơi của Hồ Chí Minh, cá nhân và đời tư Nông Đức Mạnh sẽ không bị phanh phui (khi được hỏi, Nông Đức Mạnh đã không phủ nhận và cũng không xác nhận tin đồn này). Sau cùng, nhờ là gốc người Tầy, được cử lên làm một chức vụ quan trọng nhất nước sẽ chứng tỏ chính quyền Việt Nam không kỳ thị chủng tộc, xoa dịu bớt sự phẫn nộ của dân thiểu số đang biểu tình gây rối trên vùng Tây Nguyên và làm vừa lòng Trung Quốc

Vì không có ai thay thế và thời giờ quá gấp rút, chức vụ tổng bí thư phải được bầu ngay để có thể đưa ra cho đại hội đảng "nhất trí biểu quyết chấp thuận" vào hai ngày sau, nên trung ương đảng phải tìm biện pháp hòa giải bằng cách thuyết phục để ba "cố vấn" từ chức, không còn dính dáng gì đến việc điều hành của bộ Chính Trị, đồng thời, thuyên chuyển Nguyễn Văn An ra khỏi ban tổ chức, sang làm chủ tịch quốc hội.

Sau khi đạt được nhượng bộ kể trên, Nông Đức Mạnh chính thức nhận lời làm tổng bí thư. Tuy vậy, vây cánh của Đỗ Mười và Lê Đức Anh vẫn còn rất mạnh (như Phạm Văn Trà, Trần Đình Hoan, Phan Diễn, Nguyễn Khoa Điềm...).(3) Hai người này đã ủng hộ Nông Đức Mạnh vì thấy Nông Đức Mạnh là người tương đối không có hậu thuẫn vững mạnh nào để chống lại họ.

Tân tổng bí thư đảng CSVN sinh năm 1940 ở tỉnh Bắc Thái, được du học Nga Xô và tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp, sau đó về làm việc ở ty Lâm Nghiệp Bắc Thái, thăng trưởng ty năm 1977, rồi được bầu làm chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái năm 1986. Năm năm sau, trở nên ủy viên trẻ nhất của bộ Chính Trị và được đề cử làm chủ tịch quốc hội từ năm 1992.

Ngoài chức tổng bí thư, đại hội đảng cũng bầu ra 150 ủy viên trung ương đảng, trong đó đứng đầu là một bộ Chính Trị gồm 15 người sắp xếp theo thứ tự:

1. Nông Đức Mạnh, tổng bí thư.

2. Trần Đức Lương, kiêm nhiệm chủ tịch Nhà nước.

3. Phan Văn Khải, kiêm nhiệm thủ tướng.

4. Nguyễn Minh Triết, bí danh Sáu Phong, là bí thư thành ủy TP.HCM từ 2001. Trước đó, Nguyễn Minh Triết là bí thư tỉnh ủy Bình Dương, đã thiết lập một khu kỹ nghệ hỗn hợp với Tân Gia Ba tương đối thành công.

5. Nguyển Tấn Dũng, phó thủ tướng.

6. Lê Minh Hương, bộ trưởng bộ Công an.

7. Nguyễn Phú Trọng, bí thư thành ủy Hà Nội.

8. Phan Diễn, bí thư thành ủy Đà Nẵng. Hơn một năm sau, được cử làm thường vụ ban bí thư, một chức vụ quan trọng để cùng Nông Đức Mạnh điều hành hoạt động hàng ngày của nội bộ đảng.

9. Lê Hồng Anh, trưởng ban kiểm soát đảng, từng là bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, trong lý lịch khai có bằng cử nhân luật và chính trị.

10. Trương Tấn Sang, trưởng ban kinh tế đảng, quê ở Đức Hòa, Long An. Trương Tấn Sang cũng là anh em vợ của Nguyễn Tấn Dũng và là anh em của Trương Mỹ Hoa, từng là phó chủ tịch nhà nước.

11. Phạm Văn Trà, bộ trưởng bộ Quốc phòng.

12. Nguyễn Văn An, trưởng ban tổ chức đảng, từng là bí thư tỉnh ủy Hà Nam, từ tháng 11-2001 được đổi qua làm chủ tịch quốc hội.

13. Trương Quang Được, trưởng ban vận động của đảng, từng là bí thư thành ủy Đà Nẵng trước Phan Diễn.

14. Trần Đình Hoan, sau này làm trưởng ban tổ chức trung ương đảng.

15. Nguyễn Khoa Điềm, sau này rời chức bộ trưởng Thông tin Văn hóa để thăng làm trưởng ban thông tin văn hóa của đảng.

Xét thành phần bộ Chính Trị khóa IX, số đại diện quân đội chỉ còn một người là Phạm Văn Trà. Phạm Văn Trà được giữ lại vì theo phe Lê Đức Anh chống Lê Khả Phiêu. Nhờ uy tín quân đội giảm sút sau vụ Lê Khả Phiêu cho đặt máy nghe lén, phe công an mạnh hơn lên trong phe bảo thủ, dưới quyền của Lê Minh Hương, sau đó là Lê Hồng Anh. Giữa nhiệm kỳ, Lê Minh Hương chết, Lê Hồng Anh, dù không có kinh nghiệm một ngày trong quân đội hay công an cũng được phong chức đại tướng công an và được cử lên thay chức bộ trưởng. Ban thường vụ bộ Chính Trị năm người của khóa trước bị giải tán và trung ương đảng giành lại quyền bầu cử ban bí thư. Nhờ vậy, Lê Văn Dũng tuy đã bị khiển trách vì để cho tổng cục 2 đặt máy nghe lén nhưng cũng được chọn vào ban bí thư này (xếp hàng thứ 6 trong 9 người).

Số ủy viên trung ương đảng giảm từ 170 xuống còn 150, trong đó 87 là ủy viên cũ, 63 là người mới.

Số ủy viên bộ Chính Trị từ 18 xuống còn 15 người. 7 người trong bộ Chính Trị cũ bị mất chức, trong đó có Lê Khả Phiêu, Phạm Thanh Ngân, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Thị Xuân Mỹ. Nguyễn Thị Xuân Mỹ là nữ ủy viên bộ Chính Trị đầu tiên và duy nhất, được giao phụ trách ban kiểm soát của đảng, bị mất chức vì đã không chận đứng được tham nhũng và hối lộ. (4)

Tinh thần bè phái của Lê Khả Phiêu (nâng đỡ người cùng tỉnh, xây dựng những công thự, cầu cống không cần thiết ở Thanh Hóa...) đã gây bất mãn, nên tư lệnh quân khu 4 cũng như tỉnh ủy Thanh Hóa không được bầu vào trung ương đảng. Người thân cận của Lê Khả Phiêu trong bộ Chính Trị là Phạm Thanh Ngân cũng mất chức ủy viên và mất luôn chức chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội. Hai ủy viên bộ Chính Trị mới là Trần Đình Hoan và Nguyễn Khoa Điềm được bầu do hậu thuẫn còn mạnh mẽ của Đỗ Mười và Lê Đức Anh, sau đó, hai người này còn giúp cho Trần Đình Hoan lên thay Nguyễn Văn An làm trưởng ban tổ chức đảng, một chức vụ quan trọng trong việc sắp xếp nhân sự. Phạm Văn Trà và Lê Văn Dũng còn tại vị là nhờ sự vận động tích cực của Lê Đức Anh.

Lê Hồng Anh, Nguyễn Phú Trọng, Lê Minh Hương, cùng với Trần Đình Hoan, Nguyễn Khoa Điềm tạo nên một khối bảo thủ vững chắc trong bộ Chính Trị. Ngoài ra, dù đã từ chức cố vấn, Đỗ Mười và Lê Đức Anh vẫn tham dự nhiều buổi họp của trung ương đảng và vẫn còn có thế lực rất mạnh.

Ban lãnh đạo của đảng CSVN sau khi được bầu đã đặt ra những mục tiêu hoạt động chính: cải tổ lãnh đạo, lành mạnh hóa bộ máy đảng, cải thiện khu kinh tế quốc doanh và giải quyết bất mãn của những sắc tộc.

Chính phủ mới của Việt Nam sau đại hội đảng lần thứ IX vẫn giữ Phan Văn Khải làm thủ tướng. Phụ tá của Phan Văn Khải gồm có ba phó thủ tướng:

1- Nguyễn Tấn Dũng, phụ trách kinh tế, kỹ nghệ

2- Vũ Khoan, phụ trách ngoại giao và ngoại thương

3- Phạm Gia Khiêm, phụ trách giáo dục, khoa học kỹ thuật, thông tin báo chí.

Các bộ trưởng gồm có:

- Ngoại Giao: Nguyễn Dy Niên (thứ trưởng Nguyễn Văn Ngành, Chu Tuấn Cáp, Lê Công Phụng, Nguyễn Phú Bình, Nguyễn Đình Bin, Lê Văn Bàng). Lê Văn Bàng vừa được Nguyễn Tâm Chiến thay thế trong chức vụ đại sứ ở Hoa Kỳ.

Trong khi đó, tổng thống Bush vừa đắc cử cũng thay thế đại sứ Peterson bằng ông Burghardt. Đại sứ Burghardt tại chức 3 năm thì được Michael Marine thay thế. Thời gian này, một tham vụ ngoại giao của tòa đại sứ Trung Quốc là Tề Kiến Quốc cũng được cử lên thay làm đại sứ Trung Quốc. (5)

- Quốc Phòng: Phạm Văn Trà (thứ trưởng Phùng Quang Thanh, Lê Văn Dũng, Nguyễn Huy Hiệu, Trương Khánh Châu, Nguyễn Văn Rinh,). Tư lệnh hải quân là Đỗ Xuân Công, tư lệnh không quân là Nguyễn Đức Soát.

- Công An: Lê Hồng Anh (thứ trưởng Hoàng Ngọc Nhật, Nguyễn Khánh Toàn, Lê Thế Tiến, Bùi Quốc Huy). Lê Hồng Anh rời chức trưởng ban kiểm sát trung ương đảng qua thay Lê Minh Hương từ 2002, còn Bùi Quốc Huy, Hoàng Ngọc Nhật sau này mất chức vì liên quan vụ Năm Cam.

- Tư Pháp: Uông Chu Lưu (thay Nguyễn Đình Lộc từ 2002)

- Thương Mại: Vũ Khoan, sau đó là Trương Đình Tuyển (bí thư tỉnh Nghệ An)

- Thông Tin Văn Hóa: Phạm Quang Nghị, từng là bí thư tỉnh ủy Hà Nam.

- Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn: Lê Huy Ngọ (thay Nguyễn Công Tấn). Năm 2004, Lê Huy Ngọ bị mất chức vì nhân viên là Lã Thị Kim Oanh tham nhũng, người thay thế là Cao Đức Phát (thứ trưởng: Phạm Hồng Giang, Bùi Bá Bổng, Hứa Đức Nhi, Diệp Kính Tân). Cao Đức Phát đã tu nghiệp ở Harvard hai năm từ 1993 đến 1995.

- Tài Chánh: Nguyễn Sinh Hùng.

- Lao Động, Thương Binh Xã Hội: Nguyễn Thị Hằng (thay Trần Đình Hoan).

- Giao Thông Vận Tải: Đào Đình Bình (thay Lê Ngọc Hoan).

- Khoa Học Kỹ Thuật: Hoàng Văn Phong (thay Chu Tuấn Nhã).

- Xây Dựng: Nguyễn Hồng Quân (các thứ trưởng Nguyễn Văn Liên, Tống Văn Ngà, Nguyễn Tấn Văn, Đinh Tiến Dũng).

- Giáo Dục: Nguyễn Minh Hiền (thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng, Đặng Huỳnh Mai, Trần Văn Nhung, Nguyễn Tấn Phát, Bành Tiến Long).

- Ngư Nghiệp: Tạ Quang Ngọc.

- Nội Vụ: Đỗ Quang Trung.

- Kỹ Nghệ: Hoàng Trung Hải (thay Đặng Vũ Chú)

- Bưu Điện, Viễn Thông và Kỹ Thuật: Đỗ Trung Tá. Trong bộ này, một người con của Lê Đức Thọ là Lê Nam Thắng (có lẽ bí danh vì đúng ra phải họ Phan) được nâng đỡ làm thứ trưởng.

- Tài Nguyên và Môi Sinh: Mai Ái Trực (từng là bí thư tỉnh Bình Định).

- Kế Hoạch và Đầu Tư: Võ Hồng Phúc (thay Trần Xuân Giá từ 2002).

- Y Tế Công Cộng: Trần Thị Trung Chiến.

- Chủ nhiệm Uỷ Ban Sắc Tộc: Ksor Phước, từng là bí thư tỉnh Dak Lak, thay Hoàng Đức Nghi.

- Chủ nhiệm Uỷ Ban Thể Dục Thể Thao: Nguyễn Danh Thái, thay Hà Quang Dự. Nguyễn Danh Thái từng là viện trưởng Đại học Thể Dục Thể Thao số 1.

Dĩ nhiên, về chính trị, đại hội đảng lần thứ IX vẫn duy trì chế độ độc đảng dù lúc đó, một số cựu cán bộ lão thành như Lê Giản (6) - cựu chỉ huy trưởng công an thời 1940 trước Trần Quốc Hoàn - và Trần Đại Sơn, tự vệ thành, chỉ huy trinh sát sư đoàn 308 trước 1954...viết thư cho đại hội đòi mở rộng tự do dân chủ, bãi bỏ nghị định 31/CP về quản thúc hành chánh (đúng ra là bỏ tù không xét xử) mà Võ Văn Kiệt ký mấy năm trước. Với nghị định quản chế này, chính quyền đã bắt giữ hay quản chế những người đòi hỏi tự do dân chủ. Có lẽ để trấn an phe bảo thủ, quân bình "định chế xã hội chủ nghĩa", sau khi ký thỏa ước mậu dịch song phương với Hoa Kỳ, sau đại hội đảng, chính quyền đã không đếm xỉa đến lời kêu gọi này mà còn bắt đầu một đợt đàn áp mới. Ngoài hành động thường xuyên trong nhiều năm bắt bớ, bỏ tù, quản thúc tại gia, xách nhiễu những người như các hoà thượng Quảng Độ, Huyền Quang... vào tháng giêng 2002, công an lại đến nhà ông Hà Sĩ Phu, một người từng bị bắt giữ hoặc quản chế tại gia nhiều lần, lục soát và lấy đi bộ máy vi tính của ông.

Ngoài Hà Sĩ Phu, nhiều người đấu tranh cho tự do dân chủ khác cũng bị đàn áp, quấy nhiễu, trong đó có:

- Trần Khuê, người đã phổ biến trên mạng chương trình Đối Thoại Năm 2000 và Đối Thoại Năm 2001, gồm những bài kêu gọi cải cách chính trị. Ông bị quản thúc tại gia từ tháng 10-2001. Tháng 3-2002, công an lại trở lại khám nhà ông sau khi ông phổ biến điện thư trên mạng gửi Giang Trạch Dân phản đối thỏa ước biên giới bất quân bình mà hai nước vừa ký kết. Cuối năm 2002 thì Trần Khuê bị bắt giam cùng với cựu đại tá Phạm Quế Dương. Phát ngôn viên chính phủ nói là hai người sẽ phải ra tòa nhưng không nêu rõ tội trạng. Các ông Trần Khuê, Phạm Quế Dương và Trần Dũng Tiến đều bỏ đảng năm 1999 sau khi tướng Trần Độ bị trục xuất.

- Nguyễn Khắc Toàn, một bộ đội phục viên. Vào các năm 2001 và 2002, khi nông dân biểu tình trước quốc hội phản đối chính phủ truất hữu ruộng, Nguyễn Khắc Toàn đã giúp họ viết thỉnh nguyện thư. Ông bị bắt sau khi đi thăm ông Nguyễn Thanh Giang, sau đó bị kết án 12 năm tù về tội "gián điệp".

- Nguyễn Đình Huy, từng là giáo sư sử địa và ký giả, bị tù từ 1975 đến 1992. Ra tù, ông định tổ chức một hội nghị quốc tế về "Phát Triển Việt Nam" tại Sài gòn ngày 27-11-1993, nhưng ngày 17 thì đã bị bắt và bị kết án 15 năm tù từ 1995 về tội "mưu toan lật đổ chính phủ". Ông bị giam ở trại Z.30A, Đồng Nai.

- Bùi Minh Quốc, bị quản chế từ đầu năm 2003, sau khi đi điều tra về tình trạng nhường đất ở vùng biên giới. Bùi Minh Quốc là một thi sĩ, một đảng viên, từng là tổng biên tập tạp chí Lang Bian.

- Lê Chí Quang, một luật sư, bị bắt tháng 2-2002 khi ông phổ biến trên mạng bài tham luận Cảnh Giác Đế Quốc Trung Quốc, tiết lộ chi tiết về việc nhường đất và biển. Ông bị kết án bốn năm tù, bị giam ở Nam Hà.

- Phạm Hồng Sơn, bác sĩ, bị bắt ngày 27-3-2002 khi dịch bài viết What is Democracy, gửi đi cho bạn bè và những cán bộ, viên chức chính phủ. Ông bị gán vào tội gián điệp và bị kết án 13 năm tù cộng thêm 3 năm quản chế. Vì dư luận quốc tế, án này được giảm xuống còn 5 năm tù và 3 năm quản chế.

- Nguyễn Vũ Bình, là phóng viên tạp chí Cộng Sản, bị bắt lần đầu năm 2001 vì mưu toan lập một đảng chính trị. Lần thứ hai ông bị bắt vào tháng 7-2002 khi viết thư đòi mở rộng tự do dân chủ. Ngày 25-9-2002, ông bị bắt lần thứ ba sau khi phổ biến trên mạng bài Vài Suy Nghĩ Về Thỏa Ước Biên Giới Việt Trung. Ông bị gán tội gián điệp và bị kết án 7 năm tù, 3 năm quản chế. Ông bị giam ở B14, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

- Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bị bắt lại đầu năm 2003 khi ông phổ biến Tuyên Ngôn về Tự Do Thông Tin ở Việt Nam. Ông bị giam hơn 1 năm không được xét xử. Tháng 5-2004, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ trả tự do cho ông nếu ông bằng lòng lưu vong ra nước ngoài. Ông từ chối.

- Linh mục Nguyễn Văn Lý, bị bắt và kết án 20 năm tù khi phổ biến hai bài viết của cố giám mục Nguyễn Kim Điền. Được thả ra sớm nhưng ông vẫn bi bắt lại nhiều lần vào các năm 1983, 2001 rồi 2007.

Ngoài việc bắt bớ những thành phần chống đối, năm 2002, bộ Thông Tin Văn Hóa ra lệnh tịch thu và thiêu hủy những tác phẩm Suy Tư và Ước Vọng của Nguyễn Thanh Giang, Đối Thoại Năm 2000 và Đối Thoại Năm 2001 của Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, Gửi Lại Trước Khi Về Cội của Vũ Cao Quận, Nhật Ký Rồng Rắn của Trần Độ. (Cuốn Chuyện Kể Năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người bị ở tù từ 1968 đến 1973, thì bị tịch thu và thiêu hủy năm 2001). Tướng Trần Độ, bị trục xuất khỏi đảng năm 1999, có xin phép ra một tờ báo tư nhân nhưng bị bác. Ông mất vào tháng 8-2002. Võ Nguyên Giáp có gửi hoa đến phúng điếu, nhưng cũng như trên những vòng hoa khác, bốn chữ "Vô Cùng Thương Tiếc" bị gỡ bỏ do lệnh của Đỗ Mười và Nguyễn Khoa Điềm. Quốc Hội cộng sản đã giành việc tổ chức tang lễ, nhưng trong bài điếu văn, đại diện quốc hội là Vũ Mão lại nói là Trần Độ cuối đời đã phạm lỗi lầm khiến gia đình ông đứng lên tuyên bố không chấp nhận bài điếu văn của ban tổ chức, Vũ Mão phải chạy ra xe bỏ về. Mấy tháng sau cái chết của Trần Độ thì đến lượt Tố Hữu qua đời. Hoàng Cầm được báo chí của đảng mời viết một bài ai điếu. Về sau, ông tâm sự là ông đã cố ý viết "Với đảng CSVN, với gia đình ông, đây là một mất mát to lớn" nhưng khi in ra, tờ báo đã tự động thêm vào mấy chữ "với nhân dân". (7)

Ngoài việc thiêu hủy những sách báo không đi đúng đường lối đảng, chính phủ còn ra lệnh cấm nhân dân (trừ những cán bộ cao cấp của chính phủ hay của đảng) được coi các đài truyền hình của nước ngoài qua hệ thống vệ tinh. Tư nhân dùng đĩa thu tín hiệu để coi các đài truyền hình này bị coi là phạm pháp. Đài Á Châu Tự Do của Hoa Kỳ phát về Việt Nam bị gây nhiễu loạn sóng để ngăn cản không cho nhân dân trong nước nghe được. Ngay cả trong những vụ án tham nhũng lớn, báo chí cũng được khuyến cáo nên tự kiềm chế để khỏi làm xấu chế độ. Người đứng đầu báo Công Luận (dĩ nhiên cũng là báo nhà nước), bị nghiêm phạt khi loan tin về vụ Năm Cam không đúng đường lối. Mạng lưới TTVV online.com, một mạng lưới được giới trẻ Việt Nam bầu làm mạng lưới hay nhất trong năm 2001, ngày 7-8-2003 bị dẹp bỏ vì có những tin và bài vở liên quan đến hiệp ước biên giới với Trung Quốc. Ba ký giả báo Tuổi Trẻ bị thu hồi giấy phép hành nghề vì "phạm lỗi lầm nghiêm trọng" khi đăng kết quả thăm dò về thần tượng của giới thanh niên trong đó giới lãnh đạo đảng chỉ có Phan Văn Khải được chọn và Phan Văn Khải còn đứng thấp hơn Clinton. Ngoài ra, báo Viễn Đông Kinh Tế - Far Eastern Economic Review số tháng 7 bị tịch thu khi tường thuật vụ án Năm Cam và số tháng 8 cũng bị tịch thu vì có bài viết về cuộc đời tình ái của Hồ Chí Minh. Một sự kiện khác liên quan đến cuộc đời Hồ Chí Minh là ngày 1-8-2002, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia đã dịch xong cuốn Hồ Chí Minh của tác giả Duiker, nhưng trước khi phát hành, lại đề nghị nhà xuất bản Hyperion cho phép bỏ đi những phần mà Duiker viết về chuyện Hồ Chí Minh đã lấy một bà vợ người Trung Quốc tên Tăng Tuyết Minh và đoạn Hồ Chí Minh quan hệ tình ái với Nguyễn Thị Minh Khai, vợ Lê Hồng Phong...Việc phát hành cuốn sách dịch bị trở ngại vì tác giả Duiker phản đối. (8)

Vì muốn giữ gìn uy tín siêu nhân của lãnh tụ, đảng Cộng sản không bao giờ tiết lộ những chi tiết về cuộc đời tình cảm hay gia đình của Hồ Chí Minh, kể cả việc ông đã có một người con với bà Nông Thị Xuân. Để giải quyết sinh lý cho Hồ Chí Minh, năm 1955, Trần Đăng Ninh lúc đó là tổng cục trưởng tổng cục Hậu cần đã giới thiệu bà Nông Thị Xuân cho ông Hồ, nhưng sau đó vì bà Xuân muốn chính thức hóa chuyện chồng con nên bộ Chính Trị đã cho bộ trưởng công an Trần Quốc Hoàn thủ tiêu để bảo vệ hào quang thuần khiết của Hồ Chí Minh. Người con này, được đặt tên Nguyễn Tất Trung, mới đầu được giao cho Chu Văn Tấn, sau đó là Nguyễn Lương Bằng và cuối cùng thì ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chí Minh nhận làm con. (9) Người đem xe đến đón bà Xuân để đưa đến chỗ chết là Tạ Quang Chiến, một cận vệ của Hồ Chí Minh, sau này được cất nhắc lên làm phó chủ nhiệm ủy ban Thế vận Việt Nam.

Vì tiếp tục công kích chế độ, nhà văn Dương Thu Hương bị báo Công An Thành Phố gán tội "phản quốc" còn tài tử Đơn Dương thì bị gọi là "tay sai cho những thế lực thù địch". Báo chí đăng tin đụng chạm đến những viên chức lớn cũng có thể bị liên lụy, chẳng hạn trong tháng 1-2005 mạng lưới tintucvietnam bị đóng cửa và tổng biên tập mạng lưới VNExpress Trương Đình Anh bị mất chức vì đăng tin chính phủ phí phạm công quĩ khi mua 78 xe Mercedes dùng trong hội nghị những quốc gia nói tiếng Pháp. Mấy tháng sau, đến lượt, ký giả Lan Anh của báo Tuổi Trẻ bị ra tòa vì viết bài về sự gian lận của công ty dược phẩm Zuellig Pharma. Hãng này được độc quyền bán một số thuốc nên đã tăng giá trái phép những thuốc này. Dù bài viết lấy tài liệu từ một báo cáo của Bộ Y Tế gửi cho Phan Văn Khải, trong đó bộ trưởng y tế đề nghị điều tra hãng thuốc nhưng ký giả Lan Anh cũng bị quản thúc tại gia một thời gian về tội tiết lộ bí mật quốc gia...

Tình hình nhân quyền ở Việt Nam tệ đến nỗi vào 2 ngày 16 và 17-3-2005, khi Nguyễn Văn An cầm đầu một phái đoàn quốc hội Việt Nam gồm 39 người sang Âu Châu, chủ tịch quốc hội Âu Châu không chịu tiếp và Nguyễn Văn An cũng không được mời thuyết trình trước ủy ban đối ngoại của quốc hội này như phái đoàn của những nước khác.

Về kinh tế, đại hội đảng IX phác họa những kế hoạch phát triển kinh tế ngũ niên (2001-2005) và thập niên (2001-2010) nhằm biến Việt Nam thành một nước kỹ nghệ, tiên tiến vào năm 2020. Vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam là một số lớn công ty quốc doanh kinh doanh bị lỗ lã nhưng vẫn phải duy trì để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ khi phát động "đổi mới" và kinh tế thị trường tới 2000, sản lượng sản xuất của hệ thống kinh tế quốc doanh chỉ còn chiếm 42% sản lượng quốc gia, và số công nhân viên cũng giảm từ 2 triệu rưởi xuống 1.6 triệu. Vì không thể dẹp bỏ, chính quyền phải tìm cách cải thiện những công ty quốc doanh còn lại, nhưng chính Nông Đức Mạnh cũng công nhận việc cải thiện đó là một tiến trình lâu dài và phải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với sự ổn định chính trị và xã hội.

Nhờ thỏa ước thương mại song phương BTA với Hoa Kỳ (ký ngày 10-12-2001 giữa Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Khoan và Zoellick), những nhà đầu tư ngoại quốc lại đổ vào Việt Nam đầu tư, sản lượng thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ dần dần gia tăng từ 1 tỷ rưỡi năm 2001, 2.4 tỷ năm 2002, đến hơn 6 tỷ năm 2004. Kể từ 2001, mức độ phát triển kinh tế của Việt Nam bắt đầu tăng từ 7% đến 8% mỗi năm. Năm 2005, tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam được tính vào khoảng trên 38 tỷ mỹ kim, lợi tức bình quân mỗi đầu người là 470 mỹ kim. Mỗi năm Việt Nam xuất cảng khoảng 24 tỷ mỹ kim gồm dầu thô, hải sản, hàng vải may mặc, gạo, cà phê, trà...và nhập cảng 28 tỷ dầu xăng, thép, đồ điện tử.

Sau khi ký thỏa ước song phương, hàng hóa Việt Nam bán sang Hoa Kỳ được giảm thuế từ 40% xuống còn 3-4% (vì chưa được qui chế PNTR, qui chế tối huệ quốc thường trực, mức thuế quan này cần phải được quốc hội và tổng thống Mỹ phê chuẩn hàng năm).

Tuy nhiên, dù đã ký BTA, giao thương giữa hai nước vẫn có một số trục trặc. Thứ nhất là về hải sản. Bị ngư dân bản xứ phản đối, quốc hội Hoa Kỳ đưa ra đạo luật nói chỉ có loại cá ictaluridae mới đúng là cá catfish, còn cá catfish của Việt Nam đem sang bán phải ghi rõ là cá tra hay cá basa, không được để là catfish. Sau đó, bộ thương mại Hoa Kỳ cũng điều tra thấy cá catfish filet của Việt Nam đem sang Mỹ bán phá giá nên quốc hội ra đạo luật chống phá giá (anti dumping) đánh vào cá catfish đông lạnh của Việt Nam. Ngoài ra, dưới áp lực từ các công ty hàng vải của Mỹ, số lượng hàng vải may mặc của Việt Nam xuất cảng sang Mỹ bị giới hạn. Trung Quốc không bị giới hạn này vì đã gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO.

Cuối năm 2005, vụ đình công đầu tiên của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã xảy ra tại những cơ xưởng ngoại quốc (Đài Loan, Nhật Bản, Tây Âu...) và liên doanh trong khu công nghiệp thành phố HCM, Thủ Đức, Bình Dương, Hải Phòng. Số công nhân đình công đòi tăng lương lên đến trên 40 ngàn. So với lương công nhân tại các nước khác (Trung Quốc, Thái Lan, ngay cả Campuchia...), lương của công nhân Việt Nam tương đối còn rất thấp. Chính thức đại diện công nhân trong xã hội cộng sản đúng ra là những công đoàn, nhưng những công đoàn nhà nước đã không dính dáng gì đến những vụ đình công kể trên, và mới đầu chính quyền địa phương còn khiển trách công nhân (Trần Đức Lương đã công khai xin lỗi ông Hiroshi Okuda, chủ tịch liên hiệp doanh nghiệp Nhật và hứa sẽ ổn định tình thế nhanh chóng), nhưng sau đó, do sự đồng ý của những chủ nhân ngoại quốc, thủ tướng Phan Văn Khải đã phải ký đạo luật tăng lương tối thiểu cho công nhân 40%.

Vì đình công là chuyện hiếm hoi xảy ra tại những nước cộng sản, có dư luận đồn là do chính phủ xúi giục công nhân ở những hãng xưởng Đài Loan để trả đũa vụ Đài Loan cho xây phi trường trên đảo Thái Bình thuộc quần đảo Trường Sa, nhưng không ngờ vụ đình công đã lan rộng. Ủy viên trung ương đảng Cù Thị Hậu, chủ tịch công đoàn toàn quốc, mấy tháng sau mất chức vì tiết lộ là công nhân của một số công ty quốc doanh cũng đình công. Bà cũng phân trần là dù biết công nhân bất mãn, nhưng nếu công đoàn muốn chỉ đạo để đình công thì phải xin phép đảng ủy địa phương rồi đi lên trung ương để xét sẽ mất rất nhiều thì giờ.

Song song với vấn đề cải thiện hợp tác mậu dịch, vấn đề cải thiện quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ cũng được xúc tiến. Sau khi ký xong thỏa hiệp thương mại song phương, nhiều phái đoàn chính phủ của Việt Nam đã sang thăm Hoa Kỳ, trong đó có thứ trưởng Thương Mại Lương Văn Tư, phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Phúc Thành (tháng 4-2004), bộ trưởng Thương Mại Trương Đình Tuyển, bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc, bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 6-2002), bộ trưởng Quốc Phòng Phạm Văn Trà (tháng 11-2003)... và tháng 6-2005, là Phan Văn Khải.

Chuyến đi của Phan Văn Khải vào tháng 6-2005 là chuyến đi Hoa Kỳ của một giới chức Việt Nam cao cấp nhất sau 1975. Trong chuyến đi, Phan Văn Khải dẫn theo một phái đoàn hùng hậu trên 200 người, với mục đích chính là yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ giúp Việt Nam được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Chuyến đi được tổ chức rất kỹ. Do lời khuyên của Hội Đồng Thương Mại Việt-Mỹ, chính phủ Việt Nam bỏ tiền ra thuê công ty giao tế Hill & Knowlton giúp đánh bóng cho chuyến đi, kể cả cố vấn về cách ăn mặc, trang điểm, cách ăn nói trước ống kính...Do sự cố vấn đó, phái đoàn đã mang theo nhiều phụ nữ trong đó có hai bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến (y tế) và Nguyễn Thị Hằng (thương binh xã hội). Ngoài ra, còn có một người đại diện của giáo hội Tin Lành nhà nước đi theo để chứng tỏ là nhà nước coi trọng đạo Tin Lành, một tôn giáo mà chính quyền vẫn coi như một công cụ phục vụ diễn biến hòa bình, chủ mưu những biến động trên vùng Tây Nguyên mấy năm trước.

Sau khi được gặp tổng thống Bush ở Bạch Cung, hai bên ra thông cáo chung trong đó có câu "hai bên trao đổi ý kiến và góc nhìn về hòa bình và an ninh trong vùng Đông Nam Á và sẽ hợp tác song phương hay đa phương với nhau để thực hiện mục tiêu trên". Phan Văn Khải được hứa là chính phủ Hoa Kỳ sẽ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Sau đó phái đoàn đã đi Boston, nơi có nhiều người Mỹ thiên tả và Seattle, nơi Phan Văn Khải được tiếp đón nồng hậu vì đã đặt mua 4 phi cơ của hãng Boeing.

Dù chuyến đi Hoa Kỳ của Phan Văn Khải đã được cân bằng với chuyến đi Trung Quốc của Nông Đức Mạnh và Trần Đức Lương trong cùng năm, sau khi ở Hoa Kỳ về, Phan Văn Khải vẫn sang Côn Minh ngay để dự hội nghị về phát triển lưu vực sông Cửu Long. Tại đây, Phan Văn Khải đã đồng ý với thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc về việc hợp tác giữa ba nước Trung Quốc, Phi Luật Tân và Việt Nam để thăm dò địa chất và tiềm năng dầu hỏa trong vùng quần đảo Trường Sa. Đây là một nhượng bộ quan trọng vì trước đây, ngày 7-10-2004, Việt Nam đã phản đối vấn đề Trung Quốc hợp tác riêng lẻ với Phi Luật Tân. Lập trường của Trung Quốc là họ có chủ quyền trên toàn thể vùng biển Đông, nhưng trong thời gian hiện tại, họ bằng lòng để các nước khác cùng khai thác tài nguyên trên những vùng biển đang tranh chấp. Việt Nam từng phản đối vì khi ký hiệp nghị này là đã gián tiếp công nhận phần nào lập luận về chủ quyền của Trung Quốc.

Trong quan hệ Việt-Mỹ, ngoài vấn đề tự do tôn giáo cũng như đàn áp nhân quyền ở Việt Nam, còn có một số vấn đề gai góc khác như tác nhân da cam (agent Orange) và cờ. Được sự khuyến khích và tiếp tay của những luật sư Mỹ, một số người ở Việt Nam đã đưa đơn kiện chính phủ Mỹ vì cho là chất độc da cam được dùng trong chiến tranh đã làm cho họ sinh ra những trẻ em bị khuyết tật. Tuy các nhà khoa học Mỹ xác nhận là không có liên quan hiển nhiên nào giữa tác nhân da cam với những khuyết tật và chính phủ Mỹ bằng lòng chịu một số tiền như một giúp đỡ nhân đạo, nhưng vấn đề vẫn còn dùng dằng chưa được giải quyết. Dù những vùng được rải thuốc khai quang là ở miền Nam, nhưng đứng đơn kiện lại là những người ở miền Bắc nhiều hơn.

Ngoài ra còn có vấn đề lá cờ của Việt Nam. Do áp lực của cộng đồng Việt Nam hải ngoại, một số địa phương tại Hoa Kỳ đã dùng cờ Việt Nam Cộng Hòa cũ để tượng trưng cho nước Việt. Tháng giêng năm 2003, quốc hội tiểu bang Virginia biểu quyết dùng lá cờ này. Bộ ngoại giao Mỹ lúc đó gửi một văn thư can thiệp nói là việc đó có thể gây "hậu quả nghiêm trọng cho bang giao Việt-Mỹ". Do đó dự luật này bị dẹp bỏ, nhưng đến tháng 7-2003, bất chấp chính phủ liên bang, thống đốc tiểu bang Lousiana, sau đó là tiểu bang Washington ký một đạo luật chính thức dùng cờ VNCH trong những trường công lập hay trong những ngày lễ của tiểu bang. Đến ngày 5-8-2006 thì thống đốc Schwarzagger ký sắc lệnh cờ VNCH là cờ chính thức của Việt Nam tại California. Tòa đại sứ Việt Nam có gửi thư phản đối nhưng không hiệu quả.

Ngoài chuyến viếng thăm chính thức của Phan Văn Khải năm 2005, chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Phạm văn Trà vào tháng 11-2003 đã được chú ý nhiều nhất, vì đây là một bước thăm dò sự hợp tác quân sự giữa hai nước. Trên thực tế, cả hai nước đều muốn có một sự hợp tác chặt chẽ hơn. Hoa Kỳ thì muốn có thêm Việt Nam như một đối tác để nếu không ngăn chận Trung Quốc thì cũng giữ an toàn được sự lưu thông tàu bè trên vùng biển Đông, còn Việt Nam cũng muốn có Hoa Kỳ như một chỗ dựa để không bị Trung Quốc lấn ép quá đáng. Do mối lo ngại về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, hội nghị trung ương đảng vào tháng 7-2003 chấp thuận "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", theo đó, ý thức hệ đã bớt quan trọng, và Việt Nam đánh tiếng để Hoa Kỳ nhắc lại lời mời bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà sang thăm Hoa Kỳ của Cohen hơn hai năm trước. Vì hoàn cảnh chính trị và địa dư đặc biệt của Việt Nam, mỗi bước cải thiện hợp tác với Hoa Kỳ đều phải cân nhắc phản ứng của Trung Quốc nên sau chuyến đi của Phạm Văn Trà, sự hợp tác này mới chỉ thể hiện ở phạm vi y tế và huấn luyện Anh ngữ. Trước khi Phạm Văn Trà sang Hoa Kỳ, Việt Nam đã phải cử Phùng Quang Thanh, tham mưu trưởng quân đội sang Trung Quốc gặp Tăng Khánh Hồng, ủy viên ban thường vụ bộ Chính Trị Trung Quốc, để trấn an và báo cáo.

Sau chuyến đi của Phạm Văn Trà, một chiến hạm của hải quân Mỹ, chiến hạm Vandergrift, trở lại viếng thăm hải cảng Sài Gòn vào ngày 19-11-2003 sau 28 năm vắng bóng. Năm 2003 cũng là năm mà lần đầu tiên Việt Nam cử quan sát viên đến tham dự cuộc thao diễn quân sự của Hoa Kỳ, Thái Lan, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân... Năm sau, Việt Nam gửi một tham mưu phó đi họp hội nghị bộ trưởng quốc phòng của Hoa Kỳ và những đồng minh trong vùng Thái Bình Dương.

Trong khi đó, quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vẫn được coi trọng và phát triển, nhưng không còn có vẻ lấy lòng một cách quá lộ liễu như thời Lê Khả Phiêu.

Ngay sau khi được bầu làm tổng bí thư, Nông Đức Mạnh đã gặp Siphadon, chủ tịch nhà nước Ai Lao trước, sau đó mới gặp Hồ Cẩm Đào, lúc đó là phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc sang tham dự, có lẽ đúng hơn là thăm chừng, sự thay đổi quyền lực của đảng CSVN trong đại hội đảng. Nông Đức Mạnh đã hứa với Hồ Cẩm Đào là "quan hệ Việt Hoa sẽ tiến triển mỗi ngày một tốt đẹp hơn". Nông Đức Mạnh chỉ sang Trung Quốc vào cuối năm sau khi đã đi thăm Ai Lao vào tháng 7-2001 và cũng sau chuyến đi của chủ tịch quốc hội Trung Quốc là Lý Bằng, sang Việt Nam do lời mời của Nguyễn Văn An. Trong cuộc viếng thăm Trung Quốc, Nông Đức Mạnh gọi đó là một "chuyến đi lịch sử" vì đã "nâng quan hệ Hoa-Việt lên một tầm cao mới".

Dù không còn tỏ vẻ cầu cạnh Trung Quốc một cách quá đáng như Lê Khả Phiêu, nhưng nhóm lãnh đạo mới của CSVN vẫn tiếp tục và chính thức chấp thuận những nhượng bộ về biên giới, lãnh hải mà Lê Khả Phiêu đã đồng ý. Trung Quốc rất hài lòng về kết quả của hai thỏa ước về biên giới trên bộ và ngoài biển đã đạt được nên đã đáp ứng thiện chí hòa giải của Việt Nam một cách rất dễ dàng. Vì thế, sau khi Nông Đức Mạnh thăm Trung Quốc trở về, ngày 2-2-2002, khi Giang Trạch Dân sang Việt Nam đáp lễ, ngoài việc gặp các lãnh tụ CSVN mới được bầu lên, Giang Trạch Dân còn đặc biệt đến thăm Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu, hai người đã nhiệt tình chủ trương kết thân với Trung Quốc. Giang Trạch Dân ca ngợi Đỗ Mười đóng góp lớn lao cho việc bình thường hóa bang giao Việt - Hoa và giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề giữa hai nước.

Khi gặp Lê Khải Phiêu, Giang Trạch Dân nhắc lại chuyến đi thăm Bắc Kinh của Phiêu mấy năm trước và khen ngợi Phiêu đã "đặt ra một nguyên tắc chung để phát triển quan hệ song phương giữa hai nước cho một thế kỷ mới". Đáp từ, Lê Khả Phiêu nói rằng "hai đảng và hai quốc gia phải tin tưởng lẫn nhau. Chỉ có tin tưởng lẫn nhau, cả hai không những trở nên hai láng giềng và hai bạn tốt, mà còn là hai đồng chí tốt và anh em tốt".

Giống như Clinton năm trước, Giang Trạch Dân cũng đọc diễn văn và nói chuyện ở đại học Hà Nội, mục đích để tạo một hình ảnh thân thiện của Trung Quốc, và không giống Clinton, đi dạo phố Sài Gòn và ăn phở, Giang Trạch Dân đi tắm biển ở China Beach, Đà Nẵng. Chuyến đi của Giang Trạch Dân xảy ra 3 tuần sau chuyến viếng thăm của đô đốc Blair, và sau đó, Việt Nam đã dứt khoát sử dụng Cam Ranh như một thương cảng.

Theo thời gian, mối quan hệ ngoại giao Việt-Hoa càng trở nên một mối quan hệ đa diện và toàn diện, chẳng những giữa quốc gia với quốc gia, đảng với đảng, quân đội với quân đội mà còn bộ của nước này với bộ tương ứng của nước kia, cấp này với cấp kia, tỉnh này với tỉnh kia, đoàn thể này với đoàn thể kia...

Trên thế giới, có lẽ không có hai nước nào có nhiều phái đoàn qua lại viếng thăm và học tập nhau như hai nước Việt, Hoa (mỗi năm, ít ra có trên 300 cuộc tiếp xúc lớn nhỏ giữa hai nước và Nông Đức Mạnh ít ra đã sang thăm Trung Quốc bốn lần). Về thương mại, sản lượng buôn bán mỗi năm giữa hai nước lên tới hàng tỷ mỹ kim, cán cân mậu dịch dĩ nhiên nghiêng về Trung Quốc.

Tiếp tục truyền thống của Lê Khả Phiêu, hai nước tổ chức những buổi hội thảo chính trị hàng năm. Năm 2002 hội thảo về nguyên nhân và bài học từ sự tan rã của Nga Xô và các nước Đông Âu. Năm 2003, về chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường ở Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2004, về việc xây dựng đảng cầm quyền. Do ý hướng coi trọng ý thức hệ, cấp lãnh đạo đảng CSVN đã vô hình chung kết chặt sự liên hệ giữa hai nước và đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng nhân đó tìm cách gia tăng ảnh hưởng để từ từ khiến Việt Nam phải lệ thuộc vào Trung Quốc về tất cả mọi mặt và theo chiều hướng này, có lẽ có ngày sẽ phải nhượng bộ Trung Quốc thêm về vấn đề những hải đảo.

Tháng 11-2005, Hồ Cẩm Đào, với tư cách tổng bí thư và chủ tịch nước sang thăm Việt Nam. Hồ Cẩm Đào trấn an Việt Nam và các nước khác về sự phát triển của Trung Quốc là một sự phát triển trong chiều hướng hòa bình. Trong bài diễn văn, Hồ Cẩm Đào thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước: "hai bên quyết tâm xuất phát từ đại cục và tầm cao chiến lược, áp dụng các biện pháp có hiệu quả, làm sâu sắc và triển khai toàn diện quan hệ hai đảng, hai nước...tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các ngành của đảng và chính phủ, quốc hội, đoàn thể quần chúng và địa phương trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh văn hóa, giáo dục...".

Trong dịp này, Hồ Cẩm Đào cũng loan báo Trung Quốc sẽ cho Việt Nam vay 1 tỷ mỹ kim để thiết lập 3 nhà máy điện, canh tân hệ thống đường sắt, xây dựng một trường đào tạo công an "cao 15 tầng" và xây dựng một cung "văn hóa hữu nghị Việt Trung". Việt Nam đã mô tả chuyến đi này "là biểu hiện cao đẹp của tình đoàn kết hữu nghị thủy chung". Chuyến đi và hành động của Hồ Cẩm Đào, và sau đó của bộ trưởng quốc phòng Tào Cương Xuyên, chủ tịch hiệp chính Giả Khánh Lâm (nhân vật số 4 trong cộng đảng Trung Quốc) thật ra nhằm tác động vào các hội nghị trung ương đảng thứ 13, 14, 15 chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ X của đảng CSVN vì đặc biệt ở kỳ đại hội này, đảng CSVN không mời những phái đoàn đảng hay chính phủ của các nước khác tham dự.

Tuy ban lãnh đạo đảng và chính phủ mới của CSVN tiếp tục muốn thân thiện với Trung Quốc, đã thông qua những thỏa ước về biên giới lãnh thổ và lãnh hải, đã ký thỏa hiệp về đánh cá ở vịnh Bắc Bộ, tình hình trong vịnh Bắc Việt và biển Đông cũng không khá hơn.

Hai bên liên tiếp phản đối nhau vi phạm hiệp định hay công ước ứng xử biển Đông. Chẳng hạn Trung Quốc phản đối Việt Nam tổ chức những chuyến du lịch dân sự ở Trường Sa. Nhưng thường thường những rắc rối xảy ra là do bên phía Trung Quốc.

Tháng 8-2002, Việt Nam đã phải chính thức phản đối khi Trung Quốc ra lệnh cấm ngư phủ Việt Nam đánh cá trong vùng biển mà theo hiệp định là của Việt Nam. Ngoài ra, báo chí nhà nước của Việt Nam cũng đăng tin có nhiều trường hợp ngư phủ Việt Nam bị "tàu lạ" tấn công, giết người và cướp bóc.

Tháng 7-2003, bộ chỉ huy biên phòng Đà Nẵng báo cáo là "trong thời gian gần đây, tàu kiểm ngư và tàu hải quân Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động kiểm soát, đón bắt các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam" và "trong sáu tháng qua, phía Trung Quốc cũng một lần đưa tàu tiến hành thăm dò địa chấn tại các khu vực có nhiều điểm nằm sâu trong vùng biển nước ta..."

Tháng 2-2004, đại tá Lê Thanh Tùng, chỉ huy trưởng biên phòng Quảng Nam cho biết "tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm hải phận Việt Nam". Chính các giới chức quân sự này cũng công nhận đó là "những động thái nhằm từng bước hợp thức hóa sự có mặt của Trung Quốc tại biển Đông". (10)

"Động thái từng bước lấn chiếm" biển này tiếp tục diễn ra sau khi quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ Việt - Trung vào ngày 15-6-2004. Năm tháng sau, ngày 19-11-2004, đài phát thanh Trung Quốc loan báo họ sẽ dùng tàu Nam Hải 215 để đem dàn khoan Kantan 3 đến vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc thăm dò tài nguyên. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Lê Dũng cực lực phản kháng, nói rằng địa điểm đó (cách Việt Nam 63 hải lý và đảo Hải Nam 67 hải lý) hoàn toàn nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam kêu gọi Trung Quốc sẽ không làm điều đó. Tệ hơn nữa, khi hai thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng (Việt Nam) và Võ Đại Vỹ (Trung Quốc) đang gặp mặt để tiếp tục bàn luận việc thực hiện đường biên giới trên biển trong 2 ngày 27 và 28-12-2004 thì trong cùng ngày, Trung Quốc loan báo bắt giữ 9 tàu đánh cá cùng 80 ngư phủ Việt Nam.

Vụ này chưa giải quyết xong thì hai tuần sau, ngày 13-1-2005, đài BBC loan tin tàu tuần Trung Quốc bắn chết 8 ngư phủ Việt Nam trong đêm 9-1-2005 và các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ cũng đăng tin đó lại nói là những "tàu lạ mang cờ nước ngoài" đã dùng súng bắn xối xả vào ngư dân của xã Hòa Lộc, Việt Nam (11). Phải chờ tới ngày 21-1-2005, Lê Dũng sau khi được bộ Chính Trị cho phép, mới chính thức phản kháng "việc Trung Quốc giết những ngư phủ vô tội Việt Nam mới đây là một vi phạm luật lệ quốc tế nghiêm trọng, vi phạm thỏa ước ranh giới vịnh Bắc Bộ". Trả lời Lê Dũng, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Khổng Tuyền gán cho những ngư phủ bị giết và bị bắt là hải tặc và còn dọa sẽ đưa những người bị bắt ra tòa.

Cùng thời gian, ngày 14-1-2005, dù Phan Văn Khải có gặp Cổ Tú Liên, phó chủ tịch quốc hội Trung Quốc nhưng đã không đá động đến chuyện này mà chỉ ca ngợi hợp tác thương mại tốt đẹp với Trung Quốc.

Hai bên tiếp tục thương thuyết cho đến tháng 10-2005, Phạm Văn Trà sang Trung Quốc ký thỏa ước tuần tiễu hỗn hợp trên vịnh Bắc Việt, hy vọng giảm thiểu những xung đột. Để củng cố luận cứ về chủ quyền, ngày 24-8-2004, phó giám đốc công ty hàng không Việt Nam Nguyễn Tiến Sâm tuyên bố sẽ tổ chức các chuyến bay du lịch thường xuyên ra đảo Trường Sa Lớn. Do áp lực của Trung Quốc, bốn ngày sau, thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng phải cải chính là chưa có kế hoạch như vậy.

Sau khi ký hiệp ước thương mại với Hoa Kỳ và vì kinh tế những nước ASEAN cũng như Đại Hàn, Đài Loan bắt đầu hồi phục, kinh tế Việt Nam lại tiến triển khả quan (từ 7 đến 8% mỗi năm). Năm 2005, tổng sản lượng quốc gia tăng 8.4%, sản phẩm kỹ nghệ tăng 21%, dịch vụ tăng 25%, nhưng 76% dân số vẫn sống nhờ nghề nông. Nhờ giảm thuế nhập cảng những linh kiện điện tử, việc sản xuất hàng hóa điện tử ở Việt Nam rẻ hơn những nước khác, điều này khiến hãng Intel, vào đầu năm 2006, loan báo sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ mỹ kim để mở một xưởng sản xuất ở thành phố HCM. Sau đó, một tổ hợp công ty của Đại Hàn cũng công bố sẽ mở một công ty thép gần Vũng Tàu với số vốn đầu tư lên đến 1.2 tỷ mỹ kim.

Trước lợi lộc kinh tế, Việt Nam đã bỏ rơi người bạn đồng minh nghèo đói Bắc Hàn. Mùa hè 2004, có lẽ được dàn xếp trước, hơn 400 dân tỵ nạn Bắc Hàn trốn sang Trung Quốc rồi kéo sang Việt Nam để sau đó, được Việt Nam bí mật chở thẳng qua Đại Hàn. Chính quyền Bắc Hàn gọi đó là một hành động "bắt cóc" và ngưng những tiếp xúc hàng tháng với Đại Hàn trong vòng một năm. Dù Bắc Hàn không công khai phản đối việc này với Việt Nam, Việt Nam cũng đền bù cho Bắc Hàn một số lúa gạo. (12)

Kể từ 2003, Việt Nam lại vượt qua Ấn Độ để trở nên nước xuất cảng lúa gạo đứng hàng thứ hai thế giới (sau Thái Lan) dù cho mỗi năm Việt Nam đều phải đối phó với thiên tai (mưa bão lụt lội) và các bệnh dịch. Từ năm 2003, hội chứng hô hấp trầm trọng (SARS) và dịch cúm gà bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Hội chứng SARS tuy được chận đứng nhưng những trường hợp cúm gà thỉnh thoảng vẫn xuất hiện dù hàng trăm ngàn gà vịt đã bị thiêu sống.

Do một thể chế chính trị mà quyền lực chìm trong những dàn xếp bí ẩn của nội bộ đảng cộng sản nên tệ nạn tham nhũng vẫn tràn lan. Giống như Lê Khả Phiêu hay những tổng bí thư trước đó, Nông Đức Mạnh lại kêu gọi tiếp tục phong trào chống tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực. Tuy nhiên, những năm sau đại hội đảng lần thứ IX là những năm đã mở ra những vụ án tham nhũng quan trọng nhất. Đầu tiên là vụ Năm Cam.

Vụ án Năm Cam là một vụ án quan trọng làm xôn xao dư luận trong nước vì đây là lần đầu một số đảng viên và viên chức cao cấp trong ngành công an bị phanh phui có dính líu chuyện làm ăn với "xã hội đen".

Năm Cam, tên thật Trương Văn Cam, là một tay anh chị đứng đầu một tổ chức làm ăn phi pháp như cờ bạc, thu tiền "bảo vệ", đá gà, cho vay lãi... Bề mặt, Năm Cam cũng có những cơ sở làm ăn hợp pháp như quán karaoke Tân Hải Hà ở quận 4 trong phạm vi thành phố HCM để làm bình phong. Dù được bao che, nhưng Năm Cam cũng bị bắt vào năm 1995. Do hối lộ và chạy chọt, Năm Cam được thả ra sau khi ở tù một thời gian ngắn. Ra tù, Năm Cam tiếp tục làm ăn phi pháp. Công việc làm ăn càng phát triển, tiền kiếm càng nhiều thì Năm Cam càng có quan hệ nhiều với những giới chức đảng viên và công an có địa vị càng cao.

Năm 1998, một tay nữ anh chị là Vũ Hoàng Dung tự Dung Hà xuất xứ từ miền Bắc sau mấy năm tù ở Hải Phòng vào Nam nhờ Năm Cam giúp đỡ. Dung Hà được Năm Cam cho mở một sòng bài ở đường Bùi Thị Xuân. Sau một thời gian, Dung Hà kêu thêm đàn em từ miền Bắc vào và tìm cách cạnh tranh với Năm Cam. Hậu quả đưa đến việc Năm Cam cho người thanh toán Dung Hà vào tháng 10-2000.

Qua điều tra, người ta ngạc nhiên tại sao Năm Cam đã được thả ra quá sớm trong vụ án trước. Nhờ vậy mới lòi ra những liên hệ của Năm Cam không chỉ với ngành công an địa phương mà còn với những cấp lãnh đạo của đảng. Vì những hoạt động phi pháp của Năm Cam đã bành trướng mạnh mẽ và ăn sâu vào bộ máy công an của thành phố HCM, chính quyền trung ương phải đưa công an từ Hà Nội và từ các nơi khác vào điều tra. Kết quả bắt được gần 200 đồng bọn và những viên chức cao cấp, trong đó có hai ủy viên trung ương đảng là Bùi Quốc Huy, thiếu tướng thứ trưởng bộ công an, từng làm giám đốc sở công an thành phố HCM từ 1996 đến 2000 và Trần Mai Hạnh, tổng giám đốc các đài phát thanh Việt Nam. Trần Mai Hạnh bị bắt khi đem 8000 mỹ kim đi tìm cách hối lộ các giới chức thẩm quyền.

Ngoài Bùi Quốc Huy và Trần Mai Hạnh, còn có Hoàng Ngọc Nhật, thứ trưởng công an, Đỗ Năm, cục trưởng cục quản lý các trại giam, Lê Thanh Đạo, phó ban tuyên vận trung ương, Phạm Sĩ Chiến, phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao TP.HCM, thượng tá Dương Minh Ngọc, trưởng phòng hình sự, trung tá công an Võ Công Thắng, phó tổng biên tập báo Công An, Triệu Quốc Kế, cục trưởng cục điều tra bộ công an, Hoàng Linh, phóng viên báo Tuổi Trẻ...(Hoàng Linh dựa thế Năm Cam để đi tống tiền các thương gia)(13)...

Tuy đại cương vụ án là Trần Mai Hạnh nhân danh báo chí viết đơn xin cho Năm Cam giảm án, Lê Thanh Đạo phê chuẩn và Phạm Sĩ Chiến thi hành để ký giấy thả, nhiều cán bộ lãnh đạo đã có dính líu. Vợ của Nguyễn Văn An, chủ tịch quốc hội, bị tố cáo là có giao du thân mật với vợ của Năm Cam và đã tìm cách bảo vệ cho Phạm Sĩ Chiến. Trương Tấn Sang làm bí thư thành ủy lúc Năm Cam được thả sớm cũng bị khiển trách. Lê Minh Hương bộ trưởng công an năm sau mất chức vì không kiểm soát được Bùi Quốc Huy. Viên đại sứ Việt Nam ở Uzbakistan, từng là một phụ tá cho Võ Văn Kiệt, bị triệu hồi để điều tra về những liên hệ với Năm Cam. Do việc này, Võ Văn Kiệt bị phe bảo thủ tố cáo là có liên quan. Võ Văn Kiệt phản ứng lại, nói là trong việc thả Năm Cam, ngoài ông ta, cả Đỗ Mười và Lê Đức Anh cũng biết. Sợ mọi chuyện vỡ lở đến cấp lãnh đạo đảng, Nguyễn Khoa Điềm, nhân danh trưởng ban tư tưởng văn hóa đảng đã khuyến cáo báo chí không nên phanh phui quá nhiều khiến có thể gây chia rẽ nội bộ và làm mất uy tín của đảng.

Ra tòa, Năm Cam bị xử bắn, còn Bùi Quốc Huy bị kêu án 4 năm tù, Trần Mai Hạnh bị 9 năm, Phạm Sĩ Chiến (14) bị 6 năm nhưng tất cả những người tòng phạm này "vì có công theo cách mạng", trở nên đảng viên cao cấp nên đã được thả ra sau khi chỉ ngồi tù một thời gian ngắn. Riêng thẩm phán Nguyễn Đức Bình bị ngưng chức vào tháng 8-2002 vì đã 4 lần "quên" không ra bản án, trong đó có bản án cho một cộng sự thân tín của Năm Cam, khiến việc thi hành hình phạt khó khăn.

Do ảnh hưởng vụ án Năm Cam, uy tín ngành công an bị giảm sút, đồng thời uy tín tổng cục 2 tăng lên (15). Sự lộng hành của tổng cục 2 nghiêm trọng đến nỗi ngày 3-1-2004, Võ Nguyên Giáp gửi thư cho trung ương đảng tố cáo tội trạng của tổng cục này, theo đó tổng cục đã dựng ra một nhân vật gián điệp giả tưởng bí danh T4 để vu cáo nhiều nhân vật chính trị, trong đó có Võ Nguyên Giáp, nằm vùng cho CIA.

Bộ Chính Trị đã không trả lời thư của tướng Giáp.

Mấy tháng sau, ngày 17-6-2004, đến lượt thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, phó chủ nhiệm tổng cục chính trị cũng gửi một lá thư tương tự (Nguyễn Nam Khánh trước 1975 là chính ủy sư đoàn 3 Sao Vàng hoạt động trong vùng Tuy Hòa, Qui Nhơn, thăng chính ủy quân khu 5 rồi phó chủ nhiệm tổng cục chính trị).

Sau đó nhiều cựu đảng viên cao cấp như các tướng Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài, Nguyễn Quyết, Lê Tự Đồng...cũng gửi thư tố cáo tội lỗi của tổng cục 2 đồng thời nhắc lại việc Lê Đức Anh khai gian lý lịch. Lần này, bộ Chính Trị không thể thoái thác và đã đề cử ủy viên thường trực bộ Chính Trị Phan Diễn giải quyết.

Phan Diễn một mặt gặp riêng Võ Nguyên Giáp để phân trần và đề nghị đừng làm lớn chuyện, sẽ làm đảng mất uy tín. Mặt khác, Phan Diễn công khai giải thích là những sự việc nêu trên xảy ra đã lâu nên sẽ chỉ đươc giải quyết trong phạm vi bộ Chính Trị chứ không đưa ra hội nghị trung ương đảng để bàn cãi. Phan Diễn cũng nói thêm là bộ Chính Trị đã xử lý những bị can Nguyễn Thái Nguyên, Đỗ Ngọc Chấp và Nguyễn Quang Vinh.

Đỗ Ngọc Chấp (đại tá cục phó cục 11, tổng cục 2) và Nguyễn Thái Nguyên (cựu phụ tá của Phan Văn Khải), bị ra tòa vì giả mạo chứng thư vu oan cho Võ Thị Thắng. Nguyễn Quang Vinh, cũng là một đại tá của tổng cục 2, phụ trách công ty mua bán võ khí Toseka của tổng cục đã mua toàn tàu chiến gần như phế thải của Nga Xô.

Ngoài ra, Đặng Diệu Hà, giám đốc công ty xuất nhập khẩu văn hóa phẩm TP.HCM do tổng cục 2 kinh doanh cũng bị tù. Trong một bức thư tố cáo Lê Đức Anh, cựu trưởng ban tổ chức đảng Nguyễn Đức Tâm viết là Đặng Diệu Hà được tổng cục 2 gài làm nhân tình của Lê Khả Phiêu để theo dõi và lấy tin tức.

Trước sự chỉ trích của những cựu tướng lãnh cao cấp cựu trào thuộc phe Võ Nguyên Giáp về sự lộng quyền của tổng cục 2, ngày 24-8-2004, trong một buổi họp quân ủy trung ương, Phạm Văn Trà thuộc phe Lê Đức Anh phản ứng lại bằng cách phổ biến một bản báo cáo nhan đề Âm mưu, ý đồ của Mỹ và các thế lực thù địch chống phá Việt Nam - Đông Dương từ nay đến Đại hội X, trong đó Phạm Văn Trà nhấn mạnh "hiện nay trong đảng có tình hình chống phá quân đội và tập trung mũi nhọn, trước hết là trực tiếp chống phá tổng cục 2 ngày càng quyết liệt hơn, bôi nhọ tổng cục 2, gây mâu thuẫn trong tổng cục 2... Tổng cục 2 là người bảo vệ quân đội trung thành nhất, đánh tổng cục 2 là đánh quân đội, đánh vào chế độ. Kinh nghiệm như ở Nga, chỉ một nhóm người nhưng họ đã làm tan rã chế độ Xô Viết vì bước 1, họ đánh trước vào KGB để dọn đường rồi sau đó đánh sập chế độ Xô Viết".

Bản báo cáo tố cáo Hoa Kỳ mưu đồ xây dựng một "khu vực Đại Trung Á" chạy từ Bắc Phi đến Afghanistan, thành lập một "NATO Á Châu" và muốn biến Lào, Campuchia thành bàn đạp để chuyển hóa Việt Nam. Bản báo cáo cũng nói về ý đồ Trung Quốc là "đi ngầm, đi sâu, tập trung vào thiết lập ảnh hưởng kinh tế để đặt vững chân vào Đông Dương, đẩy Việt Nam vào thế cô lập buộc phải hợp tác với Trung Quốc". Năm 2005, Lê Đức Anh còn cho xuất bản cuốn "Đại Tướng Lê Đức Anh" do một đàn em của Lê Đức Anh là Khuất Biên Hòa viết. Cuốn sách được Đỗ Mười đề tựa, hết sức đề cao Lê Đức Anh.

Được Lê Đức Anh và Phạm Văn Trà hỗ trợ và vì Nông Đức Mạnh không dám đụng chạm đến thế lực quân đội, Nguyễn Chí Vịnh vẫn ở nguyên vị trí tổng cục trưởng và tổng cục 2 chỉ giải quyết qua loa những chỉ trích bằng cách giải tán Cục 15 (tình báo công nghệ, bị tố cáo nhũng lạm), nhập vào Cục 16 (tình báo chiến lược). Cục trưởng 15 là Phạm Ngọc Hùng (biệt danh Hùng Tút) được đôn lên làm tổng cục phó. Mấy tháng sau, cuối 2004, Nguyễn Chí Vịnh còn được đề bạt thăng chức trung tướng (tuy mới lên thiếu tướng hơn 2 năm trước) và theo tướng Nguyễn Hòa, được Nông Đức Mạnh đề cử làm ủy viên trung ương đảng, từ đó có thể lên thứ trưởng quốc phòng, nhưng đề nghị này bị hội nghị trung ương đảng bác bỏ.

Sau vụ Năm Cam một thời gian ngắn, một vụ tham nhũng khác lại nổ lớn. Đó là vụ án bà Lã Thị Kim Oanh, giám đốc công ty Tiếp Thị Nông Nghiệp thuộc bộ nông nghiệp, bị tố cáo đã tham ô gần 4.7 triệu mỹ kim và làm thất thoát hơn 2 triệu. Bà bị kết án tử hình nhưng sau đó được khoan hồng thành án tù chung thân.

Hai thứ trưởng bộ nông nghiệp là Nguyễn Thiện Luân và Nguyễn Quang Hà đều bị kết án 3 năm tù. Bộ trưởng Lê Huy Ngọ bị bãi chức, được cử sang làm chủ tịch ủy ban phòng chống bão lụt.

Ngoài vụ Năm Cam và Lã Thị Kim Oanh, Nguyễn Tuấn Minh, chủ tịch ủy ban nhân dân Vũng Tàu cũng bị khiển trách vì liên lụy trong vụ buôn bán xe hơi lậu với Phạm Văn Phương (phó tổng giám đốc công ty liên doanh Vicarrent), một người mà theo bản án đã "dựa vào quan hệ với nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương để từ đó khống chế, gây sức ép và lừa đảo", đối với cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có vụ âm mưu cưỡng đoạt công ty UDEC của Nguyễn Minh Hoàng. Phạm Văn Phương bị kết án 27 năm tù. Ngô Chí Đan, trưởng phòng an ninh tỉnh, em rể Phạm Văn Phương, bị xử lý hành chánh (khai trừ khỏi đảng và ngành công an). Tuy không bị tù tội, nhưng vì Ngô Chí Đan làm ăn với vợ của Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng công an, nên được Nguyễn Khánh Toàn giúp đỡ, gửi thư cho tỉnh ủy Vũng Tàu nói xử lý như vậy là quá mức và đòi cho Ngô Chí Đan được về hưu với cấp đại úy.

Cùng lúc bị khiển trách với Nguyễn Tuấn Minh là Ksor Phước vì không dẹp được những bất mãn của dân chúng vùng Gia Rai, thứ trưởng thể thao Lương Quốc Dũng bị ra tòa vì hiếp dâm bé gái vị thành niên. Rồi đến lượt thứ trưởng thương mại Mai Văn Dậu cùng con là Mai Thanh Hải cũng bị bắt ngày 18-11-2004 vì gian lận khi phân chia số lượng hàng vải xuất cảng.

Cuối năm 2004, giám đốc công ty vận tải đường biển mất chức vì ký khế ước về dầu hỏa trái phép.

Tuy nhiên, vụ án tham nhũng nổi tiếng nhất có lẽ là vụ án Bùi Tiến Dũng. Bùi Tiến Dũng là tổng giám đốc của Đơn Vị Quản Trị Kế Hoạch 18, gọi tắt là PMU 18, thuộc bộ giao thông công chánh. Đây là một trong những cơ quan nhà nước có nhiều tiền nhất, có nhiệm vụ thực hiện khoảng 20 dự án xây dựng cầu cống, đường xá trị giá trong nước với ngân sách chi tiêu khoảng 2 tỷ mỹ kim. Trong số tiền này, ngoài tiền của ngân sách nhà nước còn có tiền viện trợ của Nhật Bản, của những nước Tây Âu và của Ngân Hàng Thế Giới.

Nhờ có thế lực (là con trai của Bùi Thiện Ngộ, từng là bộ trưởng công an) và khéo đút lót, Bùi Tiến Dũng được làm tổng giám đốc cơ quan này từ năm 1998. Với sự tiếp tay của Nguyễn Việt Tiến, đệ nhất thứ trưởng giao thông công chánh, PMU 18 giành được những dự án nhiều tiền, béo bở, sau đó Bùi Tiến Dũng giao cho những công ty tay trong của bạn bè hay họ hàng của mình được thầu để thực hiện, dù cho những công ty này không có đủ khả năng, vốn liếng hay kinh nghiệm. Bùi Tiến Dũng có khoảng hơn một chục công ty tay trong này, trong đó có công ty Hoa Việt (do một người bạn của Bùi Tiến Dũng là Nguyễn Mậu Thôn làm giám đốc), công ty Thái Bình Dương Shareholding Comp (do Tôn Anh Dũng, tự Dũng Huế, một người bạn khác của Bùi Tiến Dũng), công ty Bắc Nam Construction Shareholding (do Vũ Việt Dũng cùng với anh ruột Bùi Tiến Dũng là Bùi Quốc Tiến làm chủ)...

Trong bộ giao thông công chánh, Bùi Tiến Dũng còn được sự tiếp tay của một Dũng khác, Phạm Tiến Dũng (tự Dũng Con, phân biệt với Bùi Tiến Dũng là Dũng Tổng) đang làm trưởng phòng tài chính và kế hoạch là con rể của Nguyễn Việt Tiến, và Phạm Hoàng Hải, con rể Nông Đức Mạnh cũng là một trưởng phòng. Phạm Tiến Dũng được coi như trung gian nhận hối lộ cho ba người là Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Bắc (phó tổng giám đốc công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Viêt Nam). Nguyễn Việt Bắc là con rể của bộ trưởng Đào Đình Bình. Tài sản của Nguyễn Việt Bắc và Nguyễn Việt Tiến mỗi người có hàng trăm triệu mỹ kim. Hai người này cũng cờ bạc nhưng không nhiều như Bùi Tiến Dũng.

Ngoài những thất thoát do gian lận của những công ty tay trong, ngân khoản PMU 18 khi kiểm soát lại thấy bị mất đi khoảng 7 triệu mỹ kim. Cuộc điều tra cho thấy PMU 18 đã mua 150 xe hơi và Bùi Tiến Dũng đã cho người quen hay những người có thế lực mượn 34 xe để dùng trong những việc tư.

Một người mượn xe (mang bảng số "tứ qúi" 9999) là Nguyễn Khánh Trọng, nổi danh công tử ở Hà Nội và là con của Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng bộ công an. Cựu bộ trưởng Bùi Danh Lưu, đang làm phó ban kinh tế của đảng cũng được giao cho một xe.

Vụ án bắt đầu ngày 13-12-2005, khi công an bắt được 2 cầu thủ cờ bạc trong một mạng lưới cá độ đá banh mà người đứng đầu là Bùi Quang Hưng (trước đó 4 tháng, trung vệ Quốc Vượng của đội tuyển Việt Nam khi tranh giải túc cầu Đông Nam Á đã nhận 6300 mỹ kim để "bán độ" tìm cách đá sao cho thua đội tuyển Thái Lan). Khi Bùi Quang Hưng bị bắt, công an xét máy điện toán của Hưng thấy có một danh sách khoảng 200 người cờ bạc, trong đó có một người trong vòng 2 tháng đã đánh cá khoảng 2.6 triệu mỹ kim vào những trận túc cầu bên Âu Châu.

Điều tra thì ra người này là Bùi Tiến Dũng.

Từ đó mới phăng lần ra những tham nhũng và thâm lạm công qũi của Dũng và Nguyễn Việt Tiến, Nguyễn Việt Bắc. Hệ thống cá độ bóng tròn của Bùi Quang Hưng nằm trong một mạng lưới cờ bạc quốc tế rộng lớn, do một người tên Dũng khác đứng đầu. Người này tên Ngô Tiến Dũng tự Dũng Kiều, là một Việt kiều Canada, điều khiển một mạng lưới cá độ bóng tròn trải rộng nhiều nước như Canada, Hồng Kông, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Nga và Đài Loan. Dũng Kiều bị bắt khi đem tiền về Việt Nam làm ăn.

Khi sự việc bắt đầu đổ bể, Bùi Tiến Dũng và đồng bọn tìm cách chạy tội. Người đứng đầu "đường dây chạy tội" là Tôn Anh Dũng (Dũng Huế), lúc đó đang ở Thái Lan. Khi về đến Việt Nam và bị bắt, công an tra xét và thấy ngày hôm trước, ở Thái Lan, Tôn Anh Dũng đã dùng điện thoại cầm tay gọi cho một người 89 lần.

Điều tra thì người được gọi này là thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, cục trưởng cục điều tra C15 của bộ công an, đang được Nông Đức Mạnh đề nghị vào trung ương đảng để lên thứ trưởng. Cao Ngọc Oánh bị ngưng chức sau đó. Việc điều tra được giao cho Phạm Xuân Quắc, một thiếu tướng công an khác đang là cục trưởng cục C14.

Vì quĩ PMU18 có đóng góp của tiền viện trợ, hai chính phủ Nhật và Anh đã cử phái đoàn qua quan sát và tìm hiểu. Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Bắc và đồng bọn đều bị ngưng chức và bị bắt. Riêng Đào Đình Bình, bộ trưởng công chánh, mới đầu phủ nhận mọi trách nhiệm và khi bị chất vấn trước quốc hội, ông ta trả lời "Tôi thuộc diện trung ương quản lý", có nghĩa ông chỉ trả lời với trung ương đảng. Ông ta chỉ từ chức sau khi bị áp lực của đảng vào mấy tháng sau. Còn Cao Ngọc Oánh, một năm sau được kết luận là "không có liên quan" trong vụ này. Theo báo cáo của Viện Kiểm Sát, "tướng Oánh không chạy án là kết luận của một quá trình điều tra, nghiên cứu, có cơ sở, bằng chứng và nhân chứng...", nhưng bản báo cáo không đề cập đến việc Dũng Huế gọi điện thoại đến 89 lần và tại sao lại ngồi ăn với nghi can.

Nhân vụ PMU18, ông Lê Đăng Doanh, một chuyên viên kinh tế ở Hà Nội nhận xét "PMU18 xảy ra không chỉ là một trường hợp sai phạm cá biệt của con người mà là một hiện tượng phản ánh những khuyết tật của hệ thống".

Trong khi vụ PMU18 đang làm xôn xao dư luận thì lại có một chuyện khác xảy ra. Ngày 11-4-2006, công an phi trường Nội Bài tìm thấy một cặp da của một hành khách bỏ quên. Khi cặp da được mở ra, trong cặp có hơn chục bao thư chứa khoảng trên 10 ngàn mỹ kim và 20 triệu đồng Việt Nam. Bao thư ghi rõ là từ những ủy ban nhân dân tỉnh và một số công ty quốc doanh ở miền Nam.

Cuộc điều tra tìm ra chủ nhân chiếc cặp là Nguyễn Văn Lâm, phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ (tương đương cấp thứ trưởng).

Nguyễn Văn Lâm là người có họ hàng với Nguyễn Việt Tiến và báo chí sau đó cũng đăng tải tin của cuộc điều tra là trong thời gian đầu, Cao Ngọc Oánh có ăn trưa với Dũng Huế, người đứng đầu "đường dây chạy tội" của Bùi Tiến Dũng tại một khách sạn sang trọng tại Hà Nội. Trong bữa ăn có cả Nguyễn Văn Lâm, Đoàn Mạnh Giao (chủ nhiệm văn phòng chính phủ, tương đương bộ trưởng) và Nguyễn Hiếu Vinh, vụ phó vụ chống tham nhũng của đảng. Như thế, cuộc điều tra cho thấy "đường dây chạy tội" của nhóm Bùi Tiến Dũng bao gồm bốn mục tiêu: phía chính phủ (Nguyễn Văn Lâm và có thể Đoàn Mạnh Giao), đảng (Nguyễn Hiếu Vinh, có thể có Phạm Hoàng Hải, con rể Nông Đức Mạnh), tòa án (Nguyễn Duy Hồng - vụ trưởng vụ thực hành quyền tố tụng hay công tố viên) và công an (Cao Ngọc Oánh cùng 2 trung tá công an Bùi Huy Kim và Nguyễn Đình Toản). Nguyễn Duy Hồng bị tố cáo là có ngồi ăn với Nguyễn Mậu Thôn và Nguyễn Văn Lâm trong thời gian điều tra. Vì ông Lâm có chức vụ cao trong đảng (thuộc diện trung ương quản lý) nên sự việc được giao cho đảng ủy giải quyết.

Khi trả lời báo chí về vụ này, phó bí thư đảng ủy của văn phòng chính phủ là Nguyễn Văn Trường đã bao che cho ông Lâm là không có văn bản nào cấm cán bộ nhận phong bì và khi được hỏi ông Lâm coi về nội chính tại sao lại có phong bì tiền của công ty thủy điện thuộc về kinh tế, ông Trường nói là "lãnh đạo văn phòng lãnh việc cho nhau để tiết kiệm là chuyện thường".

Do dư luận rầm rộ và vì có dính líu đến những cán bộ cao cấp nhất của đảng về vụ PMU18 và vụ ông Nguyễn Văn Lâm, Trần Đình Hoan, trưởng ban tổ chức đảng, cho gọi Phạm Xuân Quắc đến nói chuyện về tầm mức của vụ điều tra. Có lẽ nhờ vậy nên những cuộc điều tra chỉ giới hạn tới những cán bộ cao cấp nhất là mức thứ trưởng như Nguyễn Việt Tiến và Nguyễn Văn Lâm. Những giới chức cao cấp hơn như Đoàn Mạnh Giao hay Đào Đình Bình hoặc con rể của Nông Đức Mạnh là Phạm Hoàng Hải đều được che chở và không bị nhắc tới trong cuộc điều tra.

Cuối cùng, vào tháng 10-005, đến lượt một người phụ trách chống tham nhũng là Lương Cao Khải bị bắt về tội ăn hối lộ và hối mại quyền thế. Theo báo Tuổi Trẻ, khi Lương Cao Khải điều tra về những gian lận trong xí nghiệp dầu hỏa và hơi đốt, ông đã nhận tiền và đất đai của một số viên chức để che chở cho họ, đồng thời cũng áp lực với họ để đưa thân nhân của ông ta vào công ty này làm việc. Những viên chức trong công ty đã giả mạo hợp đồng gian lận khoảng 17 triệu mỹ kim khi phụ trách làm đường ống dẫn hơi đốt từ giếng dầu Bạch Hổ về Thủ Đức. Báo chí loan tin là ông Lương Cao Khải đã có đưa tiền cho Quách Lê Thanh, tổng thanh tra nhà nước. Mấy tháng sau, Quách Lê Thanh cũng mất chức. (16)

Những vụ tham nhũng liên quan đến các giới chức cao cấp trở nên một vấn đề quan trọng khi đảng CSVN sửa soạn tổ chức đại hội đảng lần thứ X. Lê Khả Phiêu nói là khi ông ta và Võ Văn Kiệt còn nắm quyền, đã có những người đưa hối lộ. Đồng thời, hai ông cũng biết rõ những vụ hối lộ khác nhưng "không dám nói".

Tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp này cũng phê bình là đảng đã thành cái mộc che chở cho những cán bộ tham ô. Sau đó, tháng 11-2005, ông lại gửi thư tố cáo tổng cục 2 cùng lúc với thư tố cáo Lê Đức Anh của nhiều cựu tướng lãnh. Bộ Chính Trị tuy có xét lại chuyện khai man lý lịch của Lê Đức Anh hay lạm dụng quyền thế của tổng cục 2, nhưng trong những hội nghị trung ương đảng thứ 12 và 13 (tháng 12-2005), vấn đề hoàn toàn bị "khoanh tròn" (dẹp bỏ), vì theo Phan Diễn "cần bảo vệ sự đoàn kết thống nhất của đảng. Chuyện quá cũ, không còn ý nghĩa quan trọng nữa, không được để cho kẻ thù và bọn xấu lợi dụng..."

Mấy tháng sau, tháng 2-2006, cựu trung tướng Nguyễn Hòa lại gửi thư cho trung ương đảng. Lần này, ông chỉ trích đích danh Nông Đức Mạnh bao che cho Nguyễn Chí Vịnh, Bùi Tiến Dũng, Đào Đình Bình, Nguyễn Việt Tiến (đề cử những người này vào trung ương đảng ở hội nghị 13), nâng đỡ con trai là Nông Đức Tuấn được làm chủ tịch Liên Hội Thanh Niên Sinh Viên và đề cử thân thuộc là Nông Thị Ngọc Minh, Nông Đức Tuấn vào trung ương đảng. Nguyễn Hòa cũng tố cáo Nông Đức Mạnh đã ếm nhẹm những vụ Sáu Sứ, T.4 hay lý lịch của Lê Đức Anh.

Cũng như những tố cáo trước, hội nghị trung ương đảng thứ 14 và 15 đầu năm 2006, không thảo luận về tổng cục 2 và vụ T4, tuy rằng một ban xử lý được thành lập gồm có Lê Hồng Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Hưởng (công an), Trương Vĩnh Trọng (ban nội chính đảng), Hà Minh Trí (kiểm soát)...

Phan Diễn sau đó nói đó là những "vấn đề lịch sử", xảy ra đã quá lâu. Còn lý lịch Lê Đức Anh thì được Đỗ Mười che chở. Do có quá nhiều bằng chứng, Lê Đức Anh phải nhận là có khai sai lý lịch, nhưng Đỗ Mười đề nghị bỏ qua vì Lê Đức Anh đã có "công lao quá lớn". Hội nghị trung ương đảng thứ 13 cũng quyết định sẽ thi hành nghiêm túc giới hạn về tuổi đặt ra từ đại hội VIII để trẻ trung hóa guồng máy lãnh đạo. Do đó, những ủy viên lớn tuổi Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, Phạm Văn Trà, Trần Đình Hoan, Trần Quang Được chắc chắn sẽ mất chức. Nông Đức Mạnh được đặc biệt giữ lại. Nguyễn Khoa Điềm cũng hy vọng được giữ lại nhưng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng ủy thông tin văn hóa, Nguyễn Khoa Điềm chỉ được 12 trên 60 phiếu bầu.(17) Trần Đình Hoan quá 65 tuổi, cũng hy vọng được giữ lại, nhưng trong buổi họp thứ 13 trung ương đảng, chỉ được có 20% số phiếu.

Kể từ cuối năm 2005, đảng CSVN lại rộn rịp sửa soạn tổ chức đại hội đảng lần thứ X, dự trù tổ chức vào tháng 4-2006. Hai việc quan trọng nhất cho mỗi đại hội đảng là việc thay đổi nhân sự trong bộ Chính Trị cũng như trong trung ương đảng, và việc hoạch định đường lối cai trị của đảng trong vòng 5 năm tới. Việc thay đổi nhân sự được bắt đầu bàn thảo từ hội nghị trung ương đảng lần thứ 9, còn bản báo cáo chính trị để hướng dẫn chính sách được giao cho Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị trung ương đảng thứ 13 cuối năm 2005. Nguyễn Phú Trọng đã huy động một ủy ban hùng hậu khoảng 70 người có bằng tiến sĩ (?) về chính trị hay lý luận để thực hiện bản báo cáo này. Ngân sách dành cho việc soạn thảo báo cáo này lên tới gần 2 triệu mỹ kim. Sau khi hoàn tất, bản dự thảo được công bố để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp ý kiến, sau đó sẽ hoàn chỉnh lại để đưa ra cho hội nghị trung ương đảng thứ 15 chấp thuận rồi một tuần sau mới chính thức công bố trong ngày đại hội đảng.

Trước dư luận, hội nghị trung ương đảng thứ 13 đòi hỏi xử lý nghiêm khắc Đào Đình Bình, Nguyễn Việt Tiến, Cao Ngọc Oánh cùng Nguyễn Duy Hồng (vụ trưởng vụ A1 của viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, nằm trong "đường dây chạy tội"). Đào Đình Bình phải xin rút lui khỏi danh sách đề cử vào trung ương đảng, còn Nguyễn Việt Tiến, Cao Ngọc Oánh bị loại. Nông Đức Mạnh là người đã đề cử Nguyễn Việt Tiến.

Trong dịp chuẩn bị đại hội đảng lần này, có lẽ để tránh áp lực của Trung Quốc, đảng CSVN không mời khách nước ngoài tham dự, kể cả đại diện của những đảng cộng sản khác. Tuy vậy, trong thời gian sửa soạn vào dịp những hội nghị trung ương đảng 13 và 14, Trung Quốc đã lần lượt gửi tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, chính hiệp chủ tịch Giả Khánh Lâm và bộ trưởng quốc phòng Tào Cương Xuyên sang để thăm dò và nhắc khéo đảng, chính phủ và quân đội Việt Nam về sự quan tâm của Trung Quốc. Trung Quốc cũng chờ dịp này mới thông báo sẽ cho Việt Nam vay 1 tỷ mỹ kim.

Trong hội nghị lần thứ 14, bí thư tỉnh Lạng Sơn là Hoàng Công Hoàn bị khiển trách vì khuyết điểm về lãnh đạo nhưng một tháng sau, lại được Trần Đình Hoan điều về làm phó trưởng ban quản trị tài chánh trung ương đảng.

Đầu năm 2006, bản dự thảo báo cáo chính trị được công bố để "dân nói, đảng nghe" trong vòng một tháng. Theo báo cáo của đảng, đã có hàng ngàn ý kiến đóng góp gửi về trung ương đảng và được công bố trên những cơ quan nhà nước. Dĩ nhiên chỉ có những ý kiến đi đúng đường lối của đảng là được hoan nghênh và được phổ biến trên các cơ quan truyền thông. Theo báo Nhân Dân ngày 31-3-2006 "đảng trân trọng cám ơn, tiếp thu tối đa những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và xác đáng...Đồng thời, cũng kiên quyết phê phán và dứt bỏ những ý kiến sai trái, chống đối...". Tờ báo chỉ đăng hai ý kiến đóng góp, một của Đỗ Mười, một của Nguyễn Đức Bình. Mấy báo ngoại vi khác đăng bài của Võ Nguyên Giáp và Lê Khả Phiêu. Bài viết của hai người này không có ý kiến cải cách nào, chủ yếu chỉ công kích tệ nạn tham nhũng trong đảng, có lẽ để gián tiếp chê trách khả năng lãnh đạo của Nông Đức Mạnh.

Thư của Mai Chí Thọ cũng than về tham nhũng nhưng đặc biệt tố cáo"Vợ Trần Đức Lương xây nhà lớn. Con Phan Văn Khải làm ăn đủ kiểu...". Đoạn kết, Mai Chí Thọ ca tụng đảng "...đã lãnh đạo cả dân tộc đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược Nhật, Pháp, Mỹ, Tàu Tưởng..." nhưng không nói đến Tàu Cộng.

Chu Huy Mân, cựu trung tướng, ủy viên bộ Chính Trị khóa V, bị đại hội đảng lần thứ VI năm 1986 loại ra vì tham nhũng cũng viết bài chỉ trích tham nhũng.

Một số khác có những ý kiến táo bạo hơn như Nguyễn Huệ Chi, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Trung, Nguyễn Trọng Vĩnh... Nhưng đóng góp của những người này chỉ là những cải cách nửa vời nhằm cải thiện lại cơ cấu đảng chứ không thực hiện cải cách dân chủ cho toàn dân, chẳng hạn Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ ở Trung Quốc chê việc làm của ban chấp hành trung ương đảng từ xưa tới nay "thiếu dân chủ", nhưng phương cách "dân chủ hóa" của Nguyễn Trọng Vĩnh chỉ là "danh sách những người ứng cử trung ương đảng (dù do trung ương chọn lựa hay được cá nhân đề cử) nên xếp chung nhau theo thứ tự A,B,C chứ không để riêng ra", hoặc "nếu cần 100 người, thì nên đưa ra danh sách 150 hay 200 để chọn chứ không nên 105 hay 110". Dương Trung Quốc, một đại biểu quốc hội là một sử gia nên lưu tâm nhiều hơn đến tình trạng an ninh của đất nước. Ông nhận xét "văn kiện đề cập nhiều đến nguy cơ "diễn biến hòa bình" song không lưu tâm đến, hình như không có câu chữ nào, đề cập tới nhiệm vụ bảo toàn chủ quyền và lãnh thổ của đất nước...thực tế đang diễn ra cho thấy đang có nguy cơ bị "gậm nhấm" bằng rất nhiều thủ đoạn thâm độc, kiên trì và lâu dài. Không thể không nên làm nhiệm vụ củng cố toàn diện sức mạnh phát triển và phòng thủ biên cương và hải đảo...". Ông Trần Đình Bút, cựu giáo sư trường đảng Nguyễn Ái Quốc, khẳng định là "không thể duy trì việc bộ máy quản lý nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng cộng sản và đề nghị cần phải xét lại điều 4 Hiến Pháp minh định vai trò lãnh đạo nhà nước của đảng CSVN", còn ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ ở Thái Lan và Úc thì cho là những lãng phí trong khu vực quốc doanh, văn hóa suy đồi, tệ nạn tham nhũng đều có ít nhiều nguyên nhân sâu xa nằm trong tình trạng "đảng hóa" nhà nước. Để tỏ ra nhà nước đã cởi mở hơn, ý kiến của ông Nguyễn Trung được cho đăng trên báo Tuổi Trẻ. Dù bài của ông Trung đã bị cắt xén nhiều đoạn so với nguyên bản nhưng báo Tuổi Trẻ hôm đó bán hết sạch.

Thư của cựu đại tá Phạm Văn Hùng, nói kỳ đại hội đảng lần trước cũng có cả triệu thư góp ý, nhưng kết quả là báo cáo chính thức so với dự thảo vẫn y nguyên, không sai một chữ. Cuối cùng, ông Võ Văn Kiệt đưa ra nhận xét: "Việt Nam không phải không có nhân tài. Nhưng ở Việt Nam mấy thế kỷ qua, nhân tài chỉ được dùng như những người "điếu đóm" cho lãnh đạo".

Bị gán là ý kiến của những "phần tử xấu" nhằm bôi bác chế độ, đảng và nhà nước là ý kiến của những người xưa nay vẫn tranh đấu cho dân chủ như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Phan Đình Diệu ... Ngoài ra, còn có những ý kiến mạnh dạn của ông Đỗ Nam Hải là chính quyền nên dũng cảm dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê Nin vì nó lỗi thời và xa lạ với truyền thống dân tộc. Ông Lê Hồng Hà đề nghị đảng Cộng Sản nên bỏ từ ngữ định hướng xã hội chủ nghĩa. Riêng ông Đặng Văn Việt (18) nổi danh trong mặt trận Lạng Sơn trước 1954, đặt câu hỏi tại sao bản dự thảo chỉ dám viết về "20 năm đổi mới" mà không dám viết về "30 năm xây dựng kinh tế trong hòa bình", để thấy là 10 năm đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, chống bóc lột, hoàn thiện kinh tế quốc doanh, nắm vững chuyên chính vô sản, đã đưa kinh tế quốc gia đến một suy sụp toàn diện. Ông Đặng Văn Việt cũng chia ra hai xu hướng chính trị hiện nay của Việt Nam:"xu hướng bảo thủ là những người có chức, có quyền, có thể bỏ tù người khác còn xu hướng tiến bộ là những người chỉ có cái miệng và ngòi bút". Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng viết nhiều bài công kích đảng "độc quyền chân lý là thủ tiêu chân lý". Những ý kiến đòi dân chủ kể trên chỉ được biết đến nhờ các tác giả khi gửi cho trung ương đảng còn gửi cho những người quen hay gửi cho những cơ quan truyền thông hải ngoại.

Ngoài những ý kiến đóng góp về vấn đề thực hiện dân chủ, cũng có những ý kiến về việc đảng viên có thể đứng ra kinh doanh tư nhân được không. Nguyễn Đức Bình, cựu chủ nhiệm trường đảng từng là ủy viên bộ Chính Trị phản đối việc này. Ông ta cho rằng kinh doanh thì phải mướn nhân công, trong khi đảng cộng sản là đảng của giai cấp công nhân, nay đảng viên trở nên chủ nhân, đứng vào giai cấp bóc lột thì cái tên cộng sản không còn ý nghĩa nữa. Ông viết nếu chấp thuận chuyện này thì đảng Cộng Sản nên đổi tên. Trần Bạch Đằng, một người xu thời, ủng hộ việc này vì "đó là áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác để "hưởng thụ thực lãi" chứ không phải "bóc lột giá trị thặng dư". Một đảng viên khác là Hồng Hà, cũng nói không nên lãng phí khả năng của đảng viên trong công cuộc xây dựng kinh tế. Hồng Hà là một đảng viên bảo thủ nhưng từng cùng Lê Đức Anh rất coi trọng khuôn mẫu Trung Quốc cho nên đã ủng hộ việc này, bởi Trung Quốc đã làm năm năm trước (vào tháng 3-2003, Giang Trạch Dân đã đưa ra lý thuyết "ba đại diện" trong đó đảng cộng sản ngoài giai cấp công nhân, còn nhận làm đại diện cho cả doanh nhân và trí thức), còn Nguyễn Đức Bình, sau khi đảng CSVN chấp thuận cho đảng viên kinh doanh kiếm lợi, ông ta vẫn ở trong đảng.

Đại hội đảng lần thứ X vào giữa tháng tư năm 2006 đã chấm dứt nhiệm kỳ năm năm của trung ương đảng và bộ Chính Trị khóa IX của đảng CSVN. Kể từ 2001, sau khi ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ cùng với sự hồi phục của những nước trong vùng, kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng tuy rằng mức sống của người dân Việt Nam vẫn còn thua xa những nước khác trong vùng.

Nhưng tình trạng độc đảng đã giúp cho những cán bộ cao cấp hành động coi thường luật pháp khiến đảng viên dễ dàng tham ô. Để duy trì tình trạng độc tôn, về đối nội, CSVN tiếp tục đàn áp những người khác chính kiến và về đối ngoại, vẫn dựa vào Trung Quốc để làm hậu thuẫn, và cũng như những năm trước, Trung Quốc tiếp tục lợi dụng sự yếu thế của Việt Nam để từ từ lấn át trên vùng biển Đông. Kết thúc nhiệm kỳ của trung ương đảng khóa IX, đảng CSVN đã thành công trong công cuộc kéo dài một chế độ lỗi thời thêm 5 năm.

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG VI

_________________________________________

(1)- Việc mất chức của Lê Khả Phiêu: The lessons of Le Kha Phieu: Changing Rules in Vietnamese Politics của Dr. Zachary Abuza. Abuza cũng viết là tháng 2-2000, trước khi bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Cohen tới Việt Nam, Lê Khả Phiêu thình lình bay qua Bắc Kinh để trấn an Trung Quốc. Thỏa ước biên giới vịnh Bắc bộ ký được là do nhượng bộ của Lê Khả Phiêu trong cuộc họp thượng đỉnh tháng 12-2000 tại Bắc Kinh, không tham khảo trước với bộ Chính Trị và bộ ngọai giao.

(2)- Nguyễn Văn An có hậu thuẫn mạnh trong đảng nhưng vợ của ông ta nổi tiếng về tham nhũng nên An đã không được lên tổng bí thư. Ngoài ra, Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã ủng hộ Nông Đức Mạnh vì thấy Nông Đức Mạnh yếu thế, dễ bị lung lạc hơn Nguyễn Văn An.

(3)- Theo Trần Đình Hy trong Nhân Sự Trước Đại Hội X ngày 1-14-06: Trần Đình Hoan năm 2001 được thay Nguyễn Văn An làm trưởng ban tổ chức, một chức vụ rất mạnh trong đảng là nhờ "sự can thiệp bố trí áp đặt qúa sâu của anh Mười, anh Lê Đức Anh rất dai dẳng quyết liệt".

(4)- Nguyễn Thị Xuân Mỹ là ủy viên bộ Chính Trị phái nữ đầu tiên của đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách chống tham nhũng. Một biện pháp chống tham nhũng được nhiều người biết tiếng nhất của bà là trong một bài phỏng vấn của một tạp chí phụ nữ, bà kêu gọi những bà vợ hãy tố cáo chồng nếu biết chồng tham nhũng (Shadows and Wind, Templer)

(5)- Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam: sau Trương Đức Duy là Tề Kiến Quốc rồi Hồ Càn Văn, một cán bộ thuộc sở tình báo Hoa Nam.

(6) - Lê Giản, người đầu tiên chỉ huy bộ máy công an Cộng Sản Việt Nam, bị mất chức vì Trung Quốc không chấp thuận (lý do là sau khi bị bắt đầy đi Phi Châu, năm 1945 được đồng minh thả rồi đưa về nước, như vậy là đã có vấn đề và không còn được tin cậy). Bị loại cùng lý do là Hoàng Hữu Nam, thứ trưởng nội vụ. Sau này, những người bị "tiêm nhiễm văn hóa đế quốc" cũng không được dùng. Gián điệp Phạm Xuân Ẩn chỉ được lãnh lương nhưng không được giữ một chức vụ nào, phi công phản bội Nguyễn Thành Trung chỉ được dùng làm huấn luyện viên nhưng không được bay trong nhiều năm. Cả hai đều phải trải qua những lớp học chính trị.

(7) - Việc tự ý thay đổi, thêm thắt, sửa chữa bài vở, sách báo một cách trắng trợn và thô bạo của Cộng sản là một điều thường xảy ra. Ông Nguyễn Văn Lục, trong website Đàn Chim Việt, ghi lại "Nguyễn Hiến Lê trong hồi ký chê thơ Tố Hữu là kỳ cục khi ca tụng Staline: " thơ không đáng gọi là thơ khi gọi Nguyễn Du là anh". Vậy mà khi nhà xuất bản Văn Học Hà Nội in lại hồi ký đó đã biến đổi ra như sau (trang 524):"Tố Hữu là một nhà thơ Cách Mạng, đóng góp rất lớn cho Cách Mạng"

(8) - Theo tác giả Hoàng Tranh (Huang Zheng), thư của Hồ Chí Minh gửi Tăng Tuyết Minh bị mật thám Pháp chặn được ngày 14-8-28 và hiện tang trữ tại C.A.O.M (Aix en Provence). Về chuyện tình cảm và gia đình của Hồ Chí Minh, ngoài bà Tăng Tuyết Minh còn nhiều người nữa, trong đó đáng kể là Nguyễn Thị Minh Khai và Nông Thị Xuân. Về bà Nguyễn Thị Minh Khai, theo bà Sophia Q. Judge, người tra cứu văn khố của đảng Cộng Sản Nga Xô qua tác phẩm Ho Chi Minh, The Missing Years thì hơi khác với cuốn sách về cuộc đời Hồ Chí Minh của tác giả Duiker. Duiker nói là trong khi Hồ Chí Minh ở Hồng Kông, làm đơn gửi Noulens, đại diện của Quốc Tế Cộng Sản, xin phép được cưới Minh Khai và Quốc Tế Cộng Sản đang cứu xét thì Minh Khai bị bắt nên Hồ Chí Minh chưa kịp cưới. Thời gian sau, bà Minh Khai bỏ Hồ Chí Minh và lấy Lê Hồng Phong. Còn bà Judge thấy là Hồ Chí Minh đã cưới bà Minh Khai vì trong danh sách 6 người Việt Nam đi tham dự đại hội 6 của Quốc Tế Cộng Sản năm 1934, có tên Quốc (HCM) và vợ (Minh Khai), cùng Lê Hồng Phong và 3 người khác. Ở Moscow, bà Khai cũng khai là có chồng tên Lin (cũng là HCM). Theo Duiker, trong thời gian này, được gặp Lê Hồng Phong, bà Khai mới bỏ HCM và lấy Lê Hồng Phong.

(9) - Sau hiệp định Genève, bộ Chính Trị định giới thiệu bà Nguyễn Thị Phương Mai, thành ủy viên tỉnh Thanh Hóa cho HCM, nhưng bà Phương Mai không chịu, đòi phải cưới hỏi đàng hoàng. Trần Đăng Ninh, lúc đó là chủ nhiệm tổng cục hậu cần mới giới thiệu bà Nông Thị Xuân. Bà Xuân về cư ngụ tại căn gác số 66 Hàng Bông Nhuộm, bên dưới căn gác là gia đình ông Nguyễn Qúi Kiên, chánh văn phòng phủ thủ tướng.

Sau khi bà Xuân bị giết, người con là Nguyễn Tất Trung lần lượt được các ông Nguyễn Lương Bằng, Chu Văn Tấn và cuối cùng là ông Vũ Kỳ nuôi. Một người em họ người viết đã được gặp ông Nguyễn Tất Trung. Nguyễn Tất Trung mới đầu chỉ là một công nhân viên thường nhưng sau này được Nguyễn Chí Vịnh đưa vào làm ở tổng cục 2.

(10) - Tin tức của Vietnam Express ngày thứ hai 23-2-04

(11) - Tin tức của People's daily online ngày 28-12-04

(12) - Tin về dân tị nạn Bắc Hàn trong web site của human rights watch

(13) - Theo Vnexpress.net, Hoàng Linh được Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt nằm vùng ở báo Điện Tín trước 1975, đưa vào làm báo Công An, đã nhiều lần dọa cả Phạm Huy Phước, Liên Khui Thìn và nhiều người khác để lấy tiền. Huỳnh Bá Thành cũng có nhiều kẻ thù trong những vụ nhũng lạm chức vụ, chia chác không đều nên sau khi Huỳnh Bá Thành chết, hình như vợ con đã tìm đường sang Mỹ, hiện đang sống ở California.

(14) -Trần Mai Hạnh, ủy viên trung ương đảng, đại biểu quốc hội, tổng thư ký hội nhà báo, năm 1996 gửi thư cho Phạm Sĩ Chiến: "Hội nhà báo Việt Nam có nhận được thư khiếu nại khẩn cấp ngày 2-11-96 của bà Phan Thị Trúc...đề nghị can thiệp cho chồng bà là Trương Văn Cam bị đưa đi tập trung cải tạo sai pháp luật...". Báo "Nhà báo và Công luận" ngày 21-10-1996 cũng đăng một bài cho là Năm Cam không thuộc diện đi tập trung cải tạo.

(15) - Dù luôn bị chỉ trích và tố cáo, Nguyễn Chí Vịnh vẫn thăng cấp rất nhanh, sau khi lên thay bố vợ Vũ Chính làm tổng cục trưởng tổng cục 2, được thăng thiếu tướng năm 2002, trung tướng năm 2005. Vì tổng cục 2 bị gia đình Vũ Chính kiểm soát hết và lãnh đạo cha truyền con nối nên còn được gọi là "Vương triều Vũ Chính".

(16) - Quách Lê Thanh trong thư trần tình gửi cho các báo, đặc biệt nhấn mạnh ông là người Mường, không biết gian tham hay nói láo.

(17) - Theo ông Trần Đình Hy (website Đàn Chim Việt): mới đầu, Điềm được 12 trên 60 phiếu. Khi ra trước tiểu ban Văn hóa Thông tin và Khoa giáo của đảng bộ, chỉ còn có 2 trên 103 phiếu. Ngoài ra Nguyễn Khoa Điềm còn bị bố vợ là ông Nguyễn Đức Đạo viết thư cho trung ương đảng tố cáo là đã khai gian về tuổi đảng. Điềm sinh tại Huế, ra Bắc năm 1954, được lén lút đưa trở về họat động nội thành cùng Tô Nhuận Vỹ (sau này làm tờ Sông Hương), và Trần Vàng Sao, tới 1964 bị bắt giam ở Huế, năm 1968 được giải thoát. Trong bưng, Điềm được đề bạt giữ chức tuyên huấn, nhưng bị các cán bộ đảng ủy miền Trung hồi đó bác vì Điềm lúc đó "chưa là đảng viên, trong tù là phần tử phản bội, đầu hàng, khai báo có hại cho cách mạng". Vì thế ông Đạo đã rất ngạc nhiên về đảng tịch và sự thăng tiến nhanh chóng của Điềm.

(18) - Đặng Văn Việt là con của Đặng Văn Hướng, một cựu bộ trưởng. Trong Cải Cách Ruộng Đất, vợ chồng ông Hướng về quê và vị bắt để đưa ra đấu tố vì là giai cấp địa chủ. Người vợ tức quá treo cổ tự tử.

CHƯƠNG VII

Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam Sau Ðại Hội Đảng X tới nay

(2006 - ... )

Đại hội X của đảng CSVN tiến hành tại Hà Nội từ ngày 18 đến 25-4-2006 với sự tham dự của 1176 đại biểu nhằm quyết định những chính sách quan trọng cho 5 năm tới, đồng thời bầu nhân sự lãnh đạo mới. Cũng như các đại hội khác, đại hội X gần như chỉ là hình thức, vì việc thay đổi nhân sự cùng chính sách đã được hoạch định sẵn từ hội nghị trung ương đảng thứ 15 của khóa IX họp một tuần trước đó.

Như thường trực ban bí thư Phan Diễn hứa hẹn khi trả lời báo Thanh Niên trước ngày đại hội: "Một thể hiện của dân chủ hơn là ban chấp hành trung ương khóa IX cũng sẽ giới thiệu số ứng cử viên vào ban chấp hành trung ương khóa X với đại hội dôi ra, có thể là 175 lấy 160", đại hội lần thứ X đã có nhiều (!) chọn lựa hơn khi chọn 160 ủy viên trung ương đảng trong danh sách 174 người của hội nghị trung ương đảng thứ 15 đưa ra. Để có vẻ dân chủ, ngoài 174 người kể trên, còn 33 ứng viên khác do đại hội đề cử và 2 người tự ứng cử là Nguyễn Xuân Hãn và Nguyễn Phú Bình.

Nguyễn Xuân Hãn là giáo sư đại học còn Nguyễn Phú Bình trước là đại sứ tại Đại Hàn sau làm vụ trưởng vụ Việt kiều trong bộ Ngoại giao. Tất cả 35 người không do đảng lựa chọn đều không được bầu (phải được trên 64%).

Hai ông Bình và Hãn bị loại với lý do quá tuổi.

Theo thông lệ, tất cả các bộ trong chính phủ đều có bộ trưởng và một vài thứ trưởng được bầu làm ủy viên trung ương trong số những ủy viên trung ương đảng mới, nhưng riêng hai bộ Ngoại giao và Giáo dục cũng như bộ Giao thông Vận tải kỳ này lại không có ai.

Ở bộ Ngoại giao, Nguyễn Dy Niên đến tuổi về hưu, tất cả những thứ trưởng đều không được bầu. Cả bộ Ngoại giao, chỉ có Phạm Bình Minh, một vụ trưởng, được cử làm ủy viên dự khuyết (Phạm Bình Minh là con Nguyễn Cơ Thạch, bí danh của Phạm Văn Thương).

Lý do Lê Công Phụng, thứ trưởng thường trực bộ ngoại giao (chức vụ được coi như chuẩn bị lên bộ trưởng) không được bầu có lẽ vì trách nhiệm của ông ta trong hiệp định biên giới. Vũ Dũng bị loại có thể vì sự bất lực của bộ ngoại giao khi mấy tháng trước đó, tàu Trung Quốc bắn chết 9 ngư phủ Việt Nam và bắt giữ hơn 80 người, vu cho tội hải tặc. Dù tòa án Trung Quốc tuyên án những người bị bắt vô tội và thả về nước, nhưng những người bị giết không được bồi thường và không được một lời xin lỗi. Vũ Dũng là người vẫn thường xuyên tiếp xúc với thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Võ Đại Vỹ về vấn đề biên giới giữa hai nước. Bộ ngoại giao cũng bị tai tiếng khi lấy bớt tiền lệ phí làm Visa mà những tòa đại sứ thu (khoảng 16 triệu mỹ kim) để tiêu vào việc riêng.

Ngoài ra, năm 2006, khi một số tổ chức đòi tự do dân chủ cho Việt Nam định tổ chức cuộc hội thảo "Cơm Áo và Tự Do" ở Ba Lan, tòa đại sứ Việt Nam ở Ba Lan nhờ một dân biểu cộng sản là bà Anita Gut viết thư cho chính phủ để phản đối. Rủi thay, trong thư, bà Gut gửi kèm bản sao chép một điện thư (email) của ông Krzyszton gửi cho lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan Sniadek nói là do tòa đại sứ Việt Nam cung cấp. Báo chí và đài truyền hình Ba Lan đã mạnh mẽ tố cáo tòa đại sứ Việt Nam hoạt động gián điệp, lén lút ăn cắp và đọc trộm thư riêng của công dân Ba Lan. Do việc này, dù mới đầu còn do dự, chính phủ Ba Lan đã lập tức chấp thuận cho buổi hội thảo được tổ chức.

Vì không có ai trong bộ được bầu làm ủy viên trung ương đảng, chức bộ trưởng bộ Ngoại giao được giao cho phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm kiêm nhiệm.

Tại bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ trưởng Nguyễn Minh Hiền và những thứ trưởng cũng không ai được bầu vào trung ương đảng. Tình trạng bộ giáo dục với những vụ báo cáo láo, bằng cấp giả... tràn lan đến nỗi sau khi nhận chức vài tháng, cuối năm 2006, tân bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã tuyên bố với báo chí: "Chúng tôi rất vui khi thấy báo cáo tỷ lệ học sinh giỏi giảm đi và học sinh kém tăng lên" (!). Ông Lê Thu, giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc phân trần rõ hơn: "Tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm của học sinh trước kia là trên 90%, bây giờ được đánh giá đúng hơn nhưng cũng không thế vì thế mà giảm từ 90 xuống ngay 60 mà phải từ từ. Chúng tôi bị áp lực của địa phương khá lớn". Còn đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Dũng thì khuyến cáo "Đã đến lúc phải đánh trượt những em không chịu học".

Mặc dù vậy, bộ giáo dục cũng vẫn đặt ra những chỉ tiêu rất cao như mỗi năm sản xuất 2000 tiến sĩ (1000 trong nước và 1000 ở ngoại quốc). Bộ trưởng Giáo dục tiền nhiệm Nguyễn Minh Hiền khi về hưu được tân bộ trưởng cấp cho học bổng sang Anh quốc học Anh văn. Sau khi báo chí đăng tin này, học bổng cho Nguyễn Minh Hiền bị Nguyễn Tấn Dũng chận lại.

Tuy thành phần bộ Chính Trị gồm nhiều người trẻ và cởi mở hơn, nhưng trước viễn ảnh phải hội nhập với thế giới đã khơi lên nỗi sợ hãi là bộ máy độc quyền của đảng sẽ lung lay, khi nhân dân được giao tiếp nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Vì thế, trung ương đảng đã tăng cường nhân số và vị thế của hai bộ quốc phòng, công an.

Do mỗi quyết định quan trọng của đảng đều đòi hỏi điều kiện nhất trí mà muốn đạt được sự nhất trí trong các phe phái, cần phải có bàn cãi, mặc cả. Vì thế, để đạt được sự nhất trí về cởi mở kinh tế, nhóm đổi mới phải chấp nhận tăng cường thế lực của quân đội và công an. Do đó, bộ trưởng bộ Công An Lê Hồng Anh đã được đẩy lên hàng thứ hai trong bộ máy lãnh đạo, đồng thời sáu thứ trưởng bộ Công An đều được vào trung ương đảng (khóa trước tổng cộng chỉ có 5 người).

Để kiểm soát chặt chẽ mọi ngành sinh họat của nhân dân, tổ chức guồng máy công an của Cộng Sản Việt Nam là một guồng máy khổng lồ chằng chịt bao gồm nhiều tổng cục: Tổng Cục An Ninh (hiện tại Trịnh Lương Hy tổng cục trưởng), Tổng Cục Cảnh Sát (Trần Văn Thảo), Tổng Cục Tình Báo (Trần Quang Bình (?)), Tổng Cục Xây Dựng Lực Lượng (Lê Qúi Vượng), tổng cục Kỹ thuật (Nguyễn Viết Thế), Tổng Cục Hậu Cần (Đỗ Xuân Thọ)...

Mỗi tổng cục có nhiều cục, chẳng hạn Tổng Cục An Ninh - quan trọng nhất, hướng về chính trị để bảo vệ chuyên chính vô sản - có nhiều cục như cục A25 kiểm soát báo chí, cục A18 kiểm soát ngoại kiều và Việt kiều, cục 40 lo về hành chánh, cục A41 đối phó với tôn giáo, cục A24 chuyên về xét hỏi, cục A35 theo dõi người ngoại quốc, nhất là người Mỹ, cục A44 kiểm soát và theo dõi người gốc Khmer...Quan trọng nhất là cục A42, chuyên theo dõi và bắt bớ những người chống đối chế độ.

Ở tổng cục cảnh sát, những cục không được gọi là A mà là C như C14 về tội phạm xã hội, C15 về điều tra, C 17 về ma túy.., thí dụ Phạm Xuân Quắc người điều tra vụ PMU18 là cục trưởng cục C14 còn Cao Ngọc Oánh từng là cục trưởng cục C15. Cũng cần phân biệt C15 là cục Cảnh Sát Kinh Tế thuộc Tổng Cục Cảnh Sát trong khi A17 là cục bảo vệ An Ninh Kinh Tế lại thuộc Tổng Cục An Ninh.

Dưới cục là những phòng, ám ngữ là P. Tuy nhiên, những ám ngữ và ám số này cũng có thể thay đổi.

Những người chống đối để cục A 42 theo dõi bắt bớ cũng được phân biệt: thứ nhất, những tổ chức phản động lưu vong (Việt Tân, Nhân Dân Hành Động...), thứ hai, những người bị coi là cơ hội chính trị (từng là đảng viên cộng sản như ông Hoàng Minh Chính, Bùi Minh Quốc..), thứ ba, những người phản cách mạng (không bao giờ theo cộng sản như bác sĩ Nguyễn Đan Quế...)(1)

Trong thành phần quân đội, ngoài Phùng Quang Thanh, còn 16 tướng lãnh khác, trong đó có cả tổng cục trưởng và tổng cục phó tổng cục chính trị được vào trung ương đảng. Thay mặt các quân khu không phải là các tư lệnh mà đa số là chính ủy quân khu. Việc coi trọng bồi dưỡng chính trị quân đội còn được thể hiện qua việc tái lập qui chế chính ủy trong quân đội kể từ năm 2006, theo đó, cấp trung đoàn trở lên có chính ủy, cấp tiểu đoàn và đại đội có chính trị viên. Chế độ chính ủy này từng bị bãi bỏ nhiều năm trước.

Vì không thể đụng chạm đến Trung Quốc, những bài đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân hay các phát biểu trong các buổi họp hay học tập, kẻ địch của quân đội vẫn chỉ là những thế lực thù nghịch đang mưu toan lật đổ chính quyền qua những diễn biến hòa bình. Quân đội vẫn bầu Nguyễn Chí Vịnh, tổng cục trưởng tổng cục 2, để dự đại hội đảng, nhưng trong những hội nghị trung ương, Nguyễn Chí Vịnh không được chọn làm ủy viên trung ương đảng. Nông Quốc Tuấn, con của Nông Đức Mạnh là chủ tịch tổng đoàn sinh viên học sinh, và Trần Anh Tuấn, con của Trần Đức Lương, lãnh sự ở San Francisco, cũng bị loại. Thất bại trong việc đưa con vào trung ương đảng, năm sau, 2007, Nông Đức Mạnh giúp cho Nông Đức Tuấn được ra ứng cử Quốc Hội.

Việc nâng đỡ con cháu là việc thường xảy ra ở chế độ cộng sản. Chẳng hạn: bố con Trường Chinh và Đặng Xuân Kỳ, Lê Đức Thọ và Lê Nam Tiến, Trần Đức Lương và Trần Anh Tuấn, Đào Duy Tùng và Đào Duy Quát, Nguyễn Cơ Thạch và Phạm Bình Minh... Ở tổng cục 2 ngoài Đặng Vũ Chính và Nguyễn Chí Vịnh, còn có Đặng Vũ Dũng (Vũ Quốc Dũng), và cả ba con gái Đặng Vũ Chính đều là sĩ quan tổng cục 2. Những người con cán bộ lớn không có khả năng học hành hay kiên nhẫn để làm cán bộ đều mở công ty để nhờ thế lực và quan hệ mà làm giàu, chẳng hạn con của Lê Duẩn (Lê Kiên Thành), con Võ Văn Kiệt (Phan Thành Nam), con Phan Văn Khải (Phan Văn Tỵ biệt danh Hoàng Tỵ), con tham mưu trưởng quân đội Phùng Quang Thanh là Phùng Quang Hải chủ công ty xây dựng cho quân đội, con thống đốc ngân hàng Lê Đức Thúy là Lê Đức Minh lập công ty in tiền, con Trần Văn Trà là Trần Nam mở công ty Lâm Viên, thầu công tác tại trường đào tạo sĩ quan Đà Lạt....Chỉ riêng con của Nguyễn Văn Linh là không có cơ hội vì bị bệnh.

Cũng như Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đình Hoan còn muốn tiếp tục ở thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng cả hai đều không được đủ phiếu.

Do hậu thuẫn của Lê Đức Anh và Trần Đình Hoan, Nông Đức Mạnh trước kia định đưa Nguyễn Bắc Sơn, cựu trợ lý của Lê Đức Anh, vào làm phó ban tổ chức trung ương đảng nhưng không được nên đã xếp đặt cho làm tỉnh ủy Thái Nguyên thay Hồ Đức Việt. Nhờ vậy, Nguyễn Bắc Sơn đương nhiên trở nên ủy viên trung ương đảng, cũng giống như Nguyễn Văn Tự, tỉnh ủy Khánh Hòa, người từng bị tai tiếng vì tham nhũng. Còn tỉnh ủy Nguyễn Văn Thuận tỉnh Hải Phòng, dính líu vụ bán đất, vẫn được kiêm nhiệm chức phó chủ tịch Quốc Hội (Nguyễn Văn Thuận được coi như con nuôi Đỗ Mười).

Ngoài ba bí thư tỉnh ủy kể trên, một ủy viên trung ương đảng nổi tiếng khác là Đào Ngọc Dung, phụ trách đoàn thanh niên cộng sản. Đào Ngọc Dung là cháu vợ Nguyễn Văn An, khi Nguyễn Văn An làm trưởng ban tổ chức đảng đã sắp xếp cho Đào Ngọc Dung làm bí thư thứ nhất đoàn thanh niên cộng sản và ủy viên trung ương đảng, còn trẻ và rất có triển vọng tiến xa. Mới mấy tháng trước, ngày 27-2-2006, Đào Ngọc Dung còn được thay mặt đảng trao tặng huy chương cho đại sứ Trung Quốc là Tề Kiến Quốc vì những "đóng góp to lớn" cho quan hệ Hoa-Việt. Vì qui luật mới do đảng đặt ra, các đảng viên muốn tiến thân và muốn được giữ trọng quyền đều phải có bằng cấp đại học, Đào Ngọc Dung đi dự thi nghiên cứu sinh ở học viện Quốc Gia Hành Chánh. Ông ta đã bị bắt quả tang về tội gian lận. Dù chức bí thư đoàn thanh niên cộng sản bị người khác thay thế nhưng Đào Ngọc Dung vẫn là ủy viên trung ương đảng, một trong khoảng 200 người có ưu quyền và được đảng cộng sản coi là những phần tử "ưu tú" nhất nước. Nếu không bị bắt về gian lận, Đào Ngọc Dung đã có bằng "tiến sĩ" về chính trị và sẽ tiến xa trên đường sự nghiệp. Hiện tại, Đào Ngọc Dung được chuyển qua coi phân bộ đảng viên ở nước ngoài.

Do sự quản lý của ngành giáo dục lỏng lẻo, Việt Nam hiện có rất nhiều tiến sĩ và thạc sĩ (chẳng hạn đề tài luận án của một tiến sĩ triết học là "bàn về cách giảng dậy chính trị ở trường trung học")... Ông Nguyễn Văn Yến, trưởng ban thanh tra giáo dục Đà Nẵng đã nhận xét: "Thuê mượn người khác làm luận văn luận án diễn ra chủ yếu ở các cán bộ làm công tác lãnh đạo, vì họ thường có một đội ngũ giúp đỡ". Vì thế thời gian gần đây, trong lý lịch của các cán bộ lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay đều khai có bằng cử nhân trở lên. Phó ban kiểm tra trung ương đảng của khóa IX là Vũ Quốc Hùng từng than phiền về tệ nạn chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tội và tố cáo Vũ Văn Hiền giám đốc các đài phát thanh Việt Nam tham nhũng thì kết quả Vũ Văn Hiền vẫn vào trung ương đảng, còn Vũ Quốc Hùng thì mất chức.

Sau khi bầu xong những bí thư trung ương đảng, đại hội đã nhất trí tán thành đề nghị của trung ương đảng chấp thuận danh sách bộ Chính Trị gồm 14 người:

1- Nông Đức Mạnh, vẫn được giữ làm tổng bí thư

2- Lê Hồng Anh, từng là bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, lên làm trưởng ban kiểm soát trung ương đảng, từ năm 2002 thay Lê Minh Hương làm bộ trưởng bộ Công an.

3- Nguyễn Tấn Dũng, mấy tháng sau kiêm nhiệm thủ tướng.

4- Nguyễn Minh Triết (Bình Dương), kiêm nhiệm chủ tịch Nhà nước.

5- Trương Tấn Sang (Long An), trưởng ban kinh tế đảng.

6- Nguyễn Phú Trọng, từng là bí thư thành ủy Hà Nội, chủ tịch ủy ban lý luận trung ương đảng, sau đại hội X chuyển qua làm chủ tịch quốc hội.

7- Phạm Gia Khiêm (Hà Nội), phó thủ tướng. Vì không có thứ trưởng ngoại giao nào được cử làm ủy viên trung ương - điều kiện phải có để làm bộ trưởng - nên Phạm Gia Khiêm kiêm nhiệm chức bộ trưởng Ngoại Giao.

8- Phùng Quang Thanh, thượng tướng, từng là tư lệnh quân khu I rồi tham mưu trưởng quân đội, sẽ thay Phạm Văn Trà làm bộ trưởng Quốc Phòng.

9- Trương Vĩnh Trọng, bí danh Hai Nghĩa, trưởng ban nội vụ trung ương đảng, từng là bí thư tỉnh Đồng Tháp

10- Lê Thanh Hải, chủ tịch UBND/TP.HCM.

11- Nguyễn Sinh Hùng, bộ trưởng Tài Chánh.

12- Nguyễn Văn Chi, trưởng ban nội an của đảng, năm 1986 là bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, tới 1999 là phó chủ tịch UBND/TP.HCM

13- Hồ Đức Việt, chủ tịch ủy ban khoa học kỹ thuật và môi trường của quốc hội, sau được làm trưởng ban tổ chức trung ương đảng, từng là bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên.

14- Phạm Quang Nghị, bộ trưởng Thông Tin Văn Hóa, sau đại hội đảng, được cử làm bí thư thành ủy Hà Nội. Phạm Quang Nghị cũng từng là trợ lý của Đào Duy Tùng.

Theo dự định, dự trù có từ 15 đến 17 ủy viên bộ Chính Trị nhưng chỉ có 14 người được bầu trong những buổi họp trung ương đảng trước đó. So với thành phần bộ Chính Trị cũ, trừ Lê Minh Hương đã chết, chỉ còn 6 người là Nông Đức Mạnh, Lê Hồng Anh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Trương Vĩnh Trọng, Trương Tấn Sang và 8 người mới.

Ban bí thư để điều hành công việc nội bộ đảng trong khóa X dự định tăng từ 9 lên 11 cũng chỉ bầu được 8 người(2) gồm có: Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Văn Chi, Phạm Quang Nghị, Lê Văn Dũng, Tòng Thị Phóng (trưởng ban tuyên vận trung ương đảng, trước là bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn La) và Tô Huy Rứa, viện trưởng viện Nghiên cứu chính trị Hồ Chí Minh, từng là bí thư thành ủy Hải Phòng, sau này thăng trưởng ban thông tin văn hóa đảng (lý lịch khai có bằng tiến sĩ về "xây dựng đảng")- Phụ tá của Rứa là Đào Duy Quát (3)

Cũng như danh sách những tân ủy viên trung ương đảng và danh sách bộ Chính Trị, thành phần chính phủ cũng được xếp đặt trước để quốc hội nhất trí chấp thuận vào tháng 6 năm 2006. Thành phần này ngoài chủ tịch và phó chủ tịch nhà nước là Nguyễn Minh Triết và Trương Mỹ Hoa còn có:

- Thủ tướng: Nguyễn Tấn Dũng.

- Ba phó thủ tướng là Trương Vĩnh Trọng, phó thủ tướng thường trực, đặc trách chống tham nhũng. Nguyễn Sinh Hùng, được nâng đỡ vì là cháu họ Hồ Chí Minh và Phạm Gia Khiêm kiêm bộ trưởng Ngoại Giao.

- Bộ trưởng Quốc Phòng: Phùng Quang Thanh

- Bộ trưởng Công An: Lê Hồng Anh

- Bộ trưởng Thương Mại: Trương Đình Tuyển

- Bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư: Võ Hồng Phúc

- Bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn: Cao Đức Phát

- Bộ trưởng Tài Chánh: Vũ Văn Ninh, trước đó là thứ trưởng cho Nguyễn Sinh Hùng.

- Bộ trưởng Tư Pháp: Uông Chu Lưu

- Bộ trưởng Kỹ Nghệ: Hoàng Trung Hải

- Bộ trưởng Ngư Nghiệp: Tạ Quang Ngọc

- Bộ trưởng Y Tế : Trần thị Trung Chiến

- Bộ trưởng Xây Dựng: Nguyễn Hồng Quân

- Bộ trưởng Thông Tin Văn Hóa: Lê Doãn Hợp, từng là bí thư tỉnh Nghệ An.

- Bộ trưởng Lao động và Thương binh xã hội: Nguyễn Thị Hằng.(4)

- Bộ trưởng Giáo Dục: Nguyễn Thiện Nhân, từng là chủ tịch UBND/TP.HCM.

- Bộ trưởng Giao Thông: Hồ Nghĩa Dũng (từng là bí thư tỉnh Quảng Ngãi và chủ tịch công ty Thép)

- Bộ trưởng Môi Sinh: Mai Ái Trực

- Bộ trưởng Viễn Thông, Bưu Điện: Đỗ Trung Tá

- Bộ trưởng Nội Vụ: Đỗ Quang Trung.

- Thống đốc Ngân Hàng: Lê Đức Thúy

- Chủ nhiệm ủy Ban Sắc Tộc: Ksor Phước

- Viện kiểm sát: Quách Lê Thanh (mất chức vì vụ tham nhũng Lương Cao Khải. Trần Văn Truyền thay).

- Chủ nhiệm văn phòng chính phủ: Đoàn Mạnh Giao.

- Chánh án tòa án Nhân Dân Tối Cao: Nguyễn Văn Hiện. Ông Hiện từng mô tả về tình trạng ngành tư pháp ở Việt Nam "Ngành ta đã phải vơ vét, đôn cả lái xe, đánh máy lên bổ nhiệm thẩm phán rồi cho đi học để hoàn chỉnh trình độ "

Lý lịch của tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mù mờ. Theo một tài liệu chính thức, Nguyễn Tấn Dũng là con của một "đảng viên lão thành, có uy tín" quê ở Thanh Trì, Hà Nội vào Nam trong những năm 1940. Vì tài liệu không nêu tên, có thể người "đảng viên lão thành và uy tín" này đã có vợ chính thức ở miền Bắc, và khi vào Nam cũng giống như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phan Trọng Tuệ..., đã lấy thêm vợ khác.

Lấy lý do để các cán bộ cao cấp không bị bức xúc sinh lý hầu phục vụ tốt cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa nên để hợp thức hóa tình trạng quan hệ nam nữ lỏng lẻo này, mùa xuân năm 1951, phòng tổ chức quân khu IX trong Nam đã ra chỉ thị cho phép các cán bộ lãnh đạo xa nhà trên 300 cây số được lấy vợ khác, vì thế nhiều người đã có con rơi.(5)

Sau 1954, khi những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc muốn lấy vợ khác nhưng không được phép, họ nêu trường hợp Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thì Hồ Chí Minh nói là thời gian Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và những cán bộ cao cấp lấy nhiều vợ chưa có luật nên xí xóa, còn các cán bộ miền Nam ra sau 1954 đã có luật nên không được. (6)

Vì chủ trương duy vật, quan hệ vợ chồng theo chủ thuyết cộng sản không khắt khe như luân lý Á Đông. Lê Nin từng có tình nhân là vợ của một đồng chí, Mao Trạch Đông có nhiều vợ. Những cán bộ cao cấp của CSVN đầu tiên có nhiều vợ là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ...

Lê Duẩn có ba bà vợ (Cao Thị Khê, Đỗ Thị Sảnh, Nguyễn Thị Thụy Nga) và còn quan hệ với nhiều người khác trong số có Hồ Thị Nghĩa, một bác sĩ, con của Hồ Viết Thắng. Lê Đức Thọ có hai bà ở chung nhà. Phạm Văn Trà cũng có ba vợ. Trong thư của Nguyễn Đức Tâm gửi trung ương đảng, có nhắc đến Lê Khả Phiêu là tình nhân của Đặng Diệu Hà, con ông Đặng Kính, một đảng viên lão thành. Phạm Hùng từng bị tố cáo là đã "giao du thân mật" với Võ Thị Thắng, chủ tịch công ty du lịch (có chồng là Trần Quốc Thuận, đại biểu quốc hội), và sau đó là Trần Thị Trung Chiến.

Trần Đức Lương bị bà Phạm Thị Dần (xã Gia Lộc, Hải Dương, sinh năm 1958, chứng minh nhân dân số 070593590) tố cáo là bà từng là vợ của Trần Đức Lương hồi nhỏ và đã có mấy con, sau đó Trần Đức Lương bỏ đi biệt tích cho tới khi được làm chủ tịch nước bà mới biết.

Lê Đức Anh bịa ra chuyện vợ cũ thuộc thành phần không tốt và đã lấy chồng khác nên xin ly dị để lấy vợ khác, trong khi thật sự bà này vẫn sống một mình và lên tới chức thành ủy viên ở Bình Dương.

Ngoài ra, trong giới quyền thế ở Hà Nội, do quan điểm đạo đức cách mạng, theo đó quyền lợi của đảng mới là tối thượng nên quan hệ nam nữ ngoài khuôn khổ đạo lý Á Đông không cần giữ gìn nghiêm cẩm.

Võ Nguyên Giáp bị tố cáo đã có quan hệ với vợ của nhà văn Đào Vũ khi bà này đến nhà dạy dương cầm, đồng thời cũng có tin vợ Võ Nguyên Giáp lại quan hệ với Phạm Huy Thông (7), viện trưởng viện Sử học, còn vợ của triết gia Trần Đức Thảo, sau khi ông bị vùi dập và sống khổ cực sau vụ Nhân Văn, đã bỏ ông mà lấy Đặng Thái Mai, bố vợ Võ Nguyên Giáp. Do những quan niệm về vợ chồng đối với những lãnh tụ cao cấp Cộng sản dễ dàng như vậy, lời đồn Nguyễn Tấn Dũng là con rơi của Nguyễn Chí Thanh không phải vô lý.(8)

Vì là con của một cán bộ cao cấp, Nguyễn Tấn Dũng được đặc biệt chú ý và cất nhắc từ hồi còn nhỏ. Sau khi làm y tá, y sĩ rồi chính ủy tiểu đoàn, trung đoàn ở vùng Cà Mau, Dũng thăng dần lên tỉnh ủy Kiên Giang, rồi thứ trưởng công an cho Bùi Thiện Ngộ (1995-1996)- Nguyễn Tấn Dũng được coi như có công trong việc bắt ông Trần Văn Bá, con cụ Trần Văn Văn và trong năm 1978-1979 khi làm tỉnh ủy Kiên Giang, đã tổ chức những vụ vượt biên bán chính thức để lấy tiền của người Hoa.

Năm 1996, khi Nguyễn Hà Phan mất chức, Nguyễn Tấn Dũng được cử sang thay làm trưởng ban kinh tế của đảng và vào bộ Chính Trị. Do kinh nghiệm công an, năm 1999, Dũng được chỉ định làm chủ tịch ủy ban phụ trách giải quyết vấn đề Tây Nguyên. Lý lịch lúc đầu nói là y sĩ giải phẫu, sau là cử nhân luật, nhưng cũng có tin nói Dũng chỉ có trình độ trung học phổ thông. Không hiểu vì lý do gì, tại quốc nội có tin đồn là Ôn Gia Bảo đến Việt Nam trước đại hội đảng để vận động chức thủ tướng cho Nguyễn Tấn Dũng.

Sau khi được đề cử làm thủ tướng, ngày 15-11-06, Nguyễn Tấn Dũng sang Trung Quốc để gặp Ôn Gia Bảo và hai bên đã thảo luận về một dự án kinh tế liên hợp "hai hành lang, một vành đai" (một hành lang đi từ Côn Minh qua Lào Kay, Hà Nội tới Hải Phòng, hành lang thứ hai từ Nam Ninh qua Lạng Sơn, về Hà Nội đến Hải Phòng, còn vành đai là bờ biển dọc theo vịnh Bắc Việt).

Trước Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh đã sang Trung Quốc ngày 23-8-2006 cùng một phái đoàn gồm Phạm Gia Khiêm, phó thủ tướng, Tô Huy Rứa, trưởng ban tư tưởng văn hóa và Nguyễn Văn Son, trưởng ban đối ngoại, nhưng theo thông tấn xã Việt Nam, dù phái đoàn được gặp Hồ Cẩm Đào, nhưng khi ra đón Nông Đức Mạnh ở phi trường, chỉ có Vương Gia Thụy, một ủy viên dự khuyết trung ương đảng của Trung Quốc kiêm trưởng ban đối ngoại là nhân vật cao cấp nhất.

Đặc biệt trong thời gian danh sách chính phủ chưa công bố, con của nhà thơ Cù Huy Cận trước kia là Cù Huy Hà Vũ nộp đơn xin làm bộ trưởng thông tin văn hóa. Ông nói tuy ông không là đảng viên cộng sản nhưng vì sinh trưởng trong một gia đình thấm nhuần văn học, từng du học và tốt nghiệp tại Pháp nên chắc chắn sẽ làm tốt công tác văn hóa. Dĩ nhiên đơn xin việc của ông bị bác. Khi được báo chí phỏng vấn về vụ Bùi Tiến Dũng, ông nhận xét "nơi có khả năng tham nhũng nhiều nhất, lại phụ trách công tác chống tham nhũng thì đã triệt công tác này từ trong trứng".

Trung ương đảng và chính phủ CSVN sau khi được bầu lên bắt đầu thi hành những biện pháp nhằm dọn đường vào WTO và chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh những nước ven Thái Bình Dương APEC.

Trước hết, Việt Nam lần lượt mở hai đợt thả tù nhân, vào khoảng gần 7000 người trong đó có bác sĩ Phạm Hồng Sơn (riêng ông Nguyễn Vũ Bình vẫn bị giam giữ). Vào tháng 9-2006, tướng công an Nguyễn Khánh Toàn còn đến thăm hoà thượng Huyền Quang, người đã bị công an hành hạ, xách nhiễu nhiều năm. Vào ngày 5-9-2006, chính phủ ra nghị quyết 22/NQ-CP bãi bỏ nghị quyết quản chế hành chánh 31/CP cũ. Trong nghị quyết 22 này có câu "Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thực hiện cải cách tư pháp hiện nay thì việc bãi bỏ biện pháp hành chánh và hủy bỏ nghị định số 31/CP là cần thiết...".

Việc bãi bỏ nghị quyết 31/CP này nằm trong những dàn xếp giữa hai chính quyền Việt-Mỹ từ năm 2005 khiến cho viên chức bộ ngoại giao Hoa Kỳ Michael Orona đã đoan chắc điều này với phóng viên của hãng AFP vào tháng 10-2005. Việt Nam chờ khi phụ tá bộ trưởng bộ ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách về dân quyền là Lowenskron viếng thăm Việt Nam để bãi bỏ nghị định này và người đầu tiên được thông báo là Lowenskron.

Ngoài việc bãi bỏ nghị quyết 31/CP, thả bớt tù nhân, chính phủ Việt Nam cũng vội vã đem những người Mỹ gốc Việt từng bị bắt và gán cho tội "mưu toan phá hoại và lật đổ nhà nước" ra xử, trong đó có ông Đỗ Thành Công ở San Jose và bà Nguyễn Thương Cúc Foshee ở Florida.

Ông Đỗ Thành Công (9), một kỹ sư ở San Jose đã cùng một số người ở trong nước như Lê Nguyên Sang, Huỳnh Nguyên Đạo lập đảng Dân Chủ Nhân Dân, còn bà Cúc sinh sống ở Florida. Vì bà Cúc bị giam giữ và không được xét xử, thượng nghị sĩ Martinez của tiểu bang Florida dọa sẽ ngăn chận không cho đạo luật mà tổng thống Bush đề nghị cho Việt Nam được hưởng qui chế thương mại bình thường ra trước quốc hội.

Với tình trạng tư pháp của Việt Nam, ông Công và bà Cúc được đem ra xét xử nhanh chóng và trả về Mỹ. Việt Nam còn tiến xa thêm nữa là ủng hộ biện pháp trừng phạt Bắc Hàn sau khi Bắc Hàn cho nổ trái bom nguyên tử. Và, Việt Nam cũng đã chuẩn bị trước để trấn an Trung Quốc về những hành động chiều lòng Hoa Kỳ.

Sau khi được tái cử chức tổng bí thư, Nông Đức Mạnh lên đường sang Trung Quốc vào tháng 8-2006, gặp Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo để "nâng quan hệ Việt-Hoa lên một tầm cao mới".

Trong tháng 7-2006, khi đô đốc Fallon, tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đến thăm Việt Nam và gặp Phùng Quang Thanh, tân bộ trưởng quốc phòng, đô đốc Fallon ngỏ ý muốn Việt Nam tham dự những cuộc diễn tập quân sự hàng năm của Hoa Kỳ với các nước trong vùng và tăng cường hợp tác. Phùng Quang Thanh trả lời "đây là một vấn đề tế nhị, có thể làm một số nước khác hiểu lầm". Ngược lại, khi Fallon thăm Campuchia, cả bộ trưởng quốc phòng Tea Banh lẫn tướng Kim Yan của Campuchia đều yêu cầu được Hoa Kỳ giúp đỡ cả về huấn luyện lẫn trang bị.

Tuy về phương diện chính thức, Việt Nam đã bãi bỏ nghị định nổi tiếng 31/CP, nhưng như Lê Hồng Anh, nhân vật số 2 của đảng đã cảnh cáo "chính quyền sẽ kiên định tiến lên xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh với các tư tưởng đa nguyên chính trị, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập", chính quyền cộng sản trước đó đã khôn khéo đưa ra ra những đạo luật dự phòng khác như pháp lệnh xử lý vi phạm hành chánh 2002, nghị định 38/CP ngày 18-3-2005 về việc cấm tụ tập đông người. Ngôn ngữ của pháp lệnh 2002 ra ngày 1-10-2002 tuy nhẹ nhàng hơn, nhưng nội dung vẫn tương tự như nghị định 31/CP, chẳng hạn điều 27 qui định "Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, phương hại đến an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Và thời hạn quản chế hành chính là từ 6 tháng đến 2 năm". Cũng vẫn là người dân có thể bị bắt và ở tù không cần xét xử. Còn điều 22 của pháp lệnh qui định những biện pháp xử lý hành chính khác bao gồm: giáo dục tại thị xã, phường, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh và...quản lý hành chính (quản thúc tại gia, bỏ tù...)

Những phương tiện truyền thông vẫn được chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Những tin bất lợi cho chính phủ được giới hạn. Ngày 6-6-2006, Nguyễn Tấn Dũng ký nghị định 56/CP về thông tin văn hóa và ngày 21-6-2006, Đỗ Quí Doãn, thứ trưởng thông tin văn hóa khuyến cáo giới truyền thông không nên "thông tin quá liều lượng, đưa tin nhiều và dồn dập quá mức cần thiết về các vụ việc tiêu cực, về tình tiết của các vụ án, trong khi đó lại chưa chú ý thông tin đúng mức về các sự kiện, nhiệm vụ quan trọng khác của đất nước..." Sự kiểm soát nghiêm nhặt đến nỗi cuốn sách Tranh Luận Để Đồng Thuận của nhà xuất bản Tri Thức in lại bài của những cựu lãnh tụ cao cấp như Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Nguyễn Đức Bình...cũng không được phát hành.

Vì thấy vô hại, ngày 22-2-2007, đảng cộng sản gián tiếp công nhận lỗi lầm trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm bằng cách khi trao giải thưởng văn nghệ cho hơn 100 người thì trong đó có Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán (2 người sau đã chết), nhưng giải này chỉ nhắc đến những tác phẩm về sau, còn những tác phẩm thời 1955-1956 không được nhắc đến.

Một tháng trước đó, khi Nguyễn Hữu Đang mất, nhà nước tuy có tổ chức tang lễ, vẫn cứ nhắc đến "sai lầm trong vụ Nhân Văn" của ông.(10) Trong đám tang, Hoàng Tùng, lý thuyết gia cộng sản từng là tổng biên tập báo Nhân Dân có gửi vòng hoa và những người đi dự gọi đó là cảnh "Chu Du khóc Khổng Minh".( 11)

Trong câu chuyện dài bài trừ tham nhũng, lần này tham nhũng đã nằm luôn cả trong cơ quan kiểm soát về truyền thông. Đầu năm 2006, báo chí loan tin Nguyễn Việt Thông, phó ban tư tưởng văn hóa của trung ương đảng, bị bắt về tội giả mạo chữ ký để biển thủ công quĩ.

Sau đó, báo chí làm rầm rộ về sự tắc trách của các cơ quan nhà nước khi tường thuật về cơn bão Chanchu xảy ra ở biển Đông trong tháng 5-2006 khiến hàng trăm ngư phủ thương vong và mất tích. Mới đầu, cơn bão thổi mạnh ở biển Đông theo hướng Tây/Tây Bắc vào hướng đất liền, nhưng nửa chừng, cơn bão đổi hướng sang hướng Bắc. Mọi đài tiên đoán thời tiết của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hồng Kông...đều thông báo sự chuyển hướng này, nhưng hơn 4 ngày sau, đài Việt Nam tiếp tục loan báo là cơn bão vẫn thổi theo hướng Tây/Tây Bắc. Tất cả tàu thuyền đánh cá của Việt Nam đang ở ngoài biển nghe đài Việt Nam như vậy đã không chạy vào bờ (hướng Tây) mà chạy lên hướng Bắc tránh bão để cuối cùng khi đài Việt Nam bắt đầu loan tin về sự chuyển hướng của bão thì đã quá muộn, cơn bão đã đuổi kịp và đánh chìm 17 thuyền bè của Việt Nam.

Khoảng 200 ngư dân Việt Nam bị chết đuối hay mất tích. Trong khi đó, những ngư phủ Trung Quốc không bị một tổn thất nào vì tàu thuyền của họ đã chạy theo hướng Tây vào tránh bão trong đất liền. Sau vụ này, trung tướng Nguyễn Đức Soát, cựu tư lệnh không quân, phó chủ tịch ủy ban cứu nạn đổ thừa cho những ngư phủ "rõ ràng là bà con ngư dân ta rất chủ quan", còn ủy ban phòng chống bão lụt thì qui lỗi cho tổng cục Khí Tượng Thủy Văn. Chủ nhiệm tổng cục này là Lê Công Thành trước khi mất chức bào chữa: "Chúng tôi dự báo đúng nhưng chỉ hơi muộn".

Do nhu cầu hội nhập và đòi hỏi để được vào WTO cũng như để ve vãn những nhà đầu tư ngoại quốc, những luật lệ kinh tế cởi mở được đưa ra.

Trong đại hội đảng lần thứ X, nghị quyết của đảng công nhận 5 khu vực kinh tế: nhà nước, tập thể, tư nhân (cá thể, liên doanh), vốn nhà nước và đầu tư nước ngoài. Nghị quyết cũng đặt chỉ tiêu phát triển kinh tế từ 7.5% đến 8% mỗi năm, ngõ hầu biến Việt Nam thành một nước công nghệ vào năm 2020.

Chính phủ dự trù dần dần bán cổ phần cho tư nhân khoảng 1700 trong 2700 công ty quốc doanh còn lại (tuy chính phủ đã bán cổ phần của khoảng 3000 công ty quốc doanh, nhưng đó chỉ là những công ty nhỏ)- Nhờ đó, nhiều công ty ngoại quốc đổ vào đầu tư, trong đó có hãng Intel và một công ty Đại Hàn đầu tư trên một tỷ mỹ kim. Tỷ phú Bill Gates cũng viếng thăm Việt Nam trong dịp đại hội đảng. Tuy chỉ ở lại Việt Nam hơn một ngày, nhưng ông được nồng nhiệt tiếp đón như minh tinh màn bạc, nhất là đối với giới sinh viên học sinh.

Sau khi nhậm chức, trước những vụ tham nhũng tiếp tục bị phanh phui, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lập ra một ủy ban chống tham nhũng do chính ông ta làm trưởng ban, hứa hẹn sẽ điều tra và trách phạt những viên chức, cán bộ hay đảng viên tham nhũng ở bất cứ cấp bực nào. Nhưng khi chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng được phỏng vấn về vấn đề này, Nguyễn Phú Trọng nhắc lại qui định của đảng là "cấp thứ trưởng tương đương trở xuống thì ban chỉ đạo trung ương có thể trực tiếp tạm đình chỉ, còn cấp cao hơn thì phải xin ý kiến của các cơ quan chức năng..." Thứ trưởng công an Lê Thế Tiệm cũng xác nhận đã gặp nhiều khó khăn trong việc điều tra đối với những cán bộ thuộc diện "trung ương quản lý".

Vụ tham nhũng lớn nhất trong năm 2006 được phát hiện ngày 7-9-2006, khi cơ quan truyền thông VnExpress loan tin về vụ án đất đai ở Đồ Sơn với nhan đề "Bí thư Hải Phòng xin xử nhẹ tội cho quan chức nhúng chàm".

Theo bản tin, giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường Hải Phòng là Chu Minh Tuấn cùng đồng bọn đã bán 33 lô đất công cho con cháu và người thân của cán bộ cao cấp trong tỉnh. Khi Chu Minh Tuấn bị đưa ra tòa, bí thư tỉnh ủy Hải Phòng là Nguyễn Văn Thuận đã áp lực với Viện Kiểm Sát Nhân Dân để chỉ phạt nhẹ về tiền mà tha về mặt hình sự, miễn cho ở tù. Viện phó viện KSND là Mai Anh Thông công nhận do áp lực đó nên ông đã viết quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với Chu Minh Tuấn gửi cho tòa án. Lúc đó, Nguyễn Văn Thuận đã gửi thư cho tòa án là "nên tôn trọng quyết định của Viện Kiểm Sát". Người phụ trách vụ án là Dương Văn Thành, phó chánh án tòa án nhân dân Hải Phòng trả lời với phóng viên VnExpress là "cũng thấy làm như vậy là bất ổn nhưng vì cấp trên đã có đề nghị xin thì mình làm khác cũng khó. Như các anh cũng vậy thôi. Xếp đã có ý kiến thì mình phải theo". Sau khi Chu Minh Tuấn và đồng bọn bị xử nhẹ tội, Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh cho tòa xử lại nhưng bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Thuận chẳng những vẫn ở trong trung ương đảng mà còn kiêm nhiệm phó chủ tịch quốc hội. Trong khi đó, một đại biểu quốc hội khác là Mạc Kim Tôn của tỉnh Thái Bình bị bắt vì gian lận tiền bạc khi mua máy vi tính cho những trường học trong tỉnh.

Vì giá nhà đất ở Việt Nam tăng vọt, một ủy viên trung ương đảng khác, thứ trưởng công an Nguyễn Khánh Toàn, con rể Phan Trọng Tuệ (từng là bộ trưởng giao thông trước 1975), cũng bị sở nhà đất tố cáo gian lận để chiếm hữu nhà cửa trong thành phố HCM.(12)

Ngoài ra, tại Hà Nội, dù thống đốc ngân hàng Lê Đức Thúy và cựu thị trưởng Hoàng Văn Nghiên đã có nhà riêng nhưng vẫn thuê nhà chính phủ sau đó mua lại những nhà này với giá thấp bằng 1/10 giá trên thị trường. Bị báo chí phanh phui, hai người phải trả lại nhà nhưng Hoàng Văn Nghiên tuyên bố việc ông mua nhà của nhà nước rẻ như thế, vẫn "đúng luật". Hoàng Văn Nghiên đã được dân chúng Hà Nội đặt tên trong mấy câu vè: "Giàu như Phú - Lú như Trọng -Lật lọng như Nghiên - Tiêu tiền như Triệu" (Huỳnh Hữu Phú, Nguyễn Phú Trọng, Hoàng Văn Nghiên, Nguyễn Quốc Triệu đều là bí thư thành ủy hay chủ tịch, phó chủ tịch thành phố Hà Nội, giàu có nhờ chiếm đất đai khi giá địa ốc vùng Hà Nội vọt lên cao).

Còn Lê Đức Thúy, thống đốc ngân hàng, để cho con là Lê Đức Minh in tiền. Khi báo chí chê là tiền in ra chất lượng kém thì hai báo Thời Đại và Công Lý bị đình bản, sáu tờ báo khác như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, An Ninh Thủ Đô, Công Luận...bị cảnh cáo.

Quen với hệ thống tư pháp chỉ có tính cách hình thức nên chính quyền Việt Nam không quan tâm đến các vụ kiện quốc tế. Sự xem thường này đã khiến công qũi Việt Nam bị tốn kém rất nhiều trong những vụ kiện tụng với các công ty hay cá nhân nước ngoài.

Vụ thứ nhất là vụ kiện của công ty quốc doanh Vietnam Airlines. Đầu năm 2006, tòa án Paris tuyên án buộc hãng Vietnam Airlines phải bồi thường cho luật sư Liberati khoảng trên 5 triệu Euro (6 triệu mỹ kim). Vụ án bắt đầu từ 1994 khi luật sư Liberati bên Ý kiện công ty hàng không Vietnam Airlines không trả tiền thù lao cho ông ta khoảng nửa triệu Euro. Tòa án La Mã đã gửi thư cho Vietnam Airlines qua tòa đại sứ để đến dự phiên xử nhưng Vietnam Airlines không có mặt và cũng không gửi luật sư đại diện. Dù không có bị cáo, phiên tòa vẫn tiếp tục theo luật pháp Ý năm 2000 và tòa đã tuyên án Vietnam Airline phải trả cho nguyên đơn 4.3 triệu Euro. Mãi 2 năm sau Vietnam Airlines mới nhận được thư đòi tiền của luật sư Liberati, nhưng cũng không thèm để ý cho tới khi nhận được phán quyết tịch biên và phong tỏa tài sản của Vietnam Airlines tại ngân hàng BSP của Pháp. Chỉ tới lúc đó, Vietnam Airlines mới bắt đầu thuê luật sư để kháng cáo nhưng đã quá muộn, tòa Paris ngoài số tiền 4.3 triệu Euro của tòa Roma đã thêm vào 9 trăm ngàn Euro tiền lãi và án phí.

Ngoài những tắc trách trong vụ án trên, giám đốc Nguyễn Xuân Hiển của Vietnam Airlines còn bị tố là dùng tiền của công ty cấp học bổng cho người thân cũng như con cháu những viên chức lớn (con của Uông Chu Lưu, bộ trưởng tư pháp, con của tướng Phương Minh Hoa, phó tư lệnh Không Quân, ủy viên trung ương đảng, và con của Dương Thanh Biểu, phó viện trưởng viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao). Đầu năm 2007, Nguyễn Xuân Hiển và phó giám đốc Nguyễn Tiến Sâm được cho về hưu (Việt Nam gọi là "hạ cánh an toàn", có nghĩa là khi làm việc thì tham nhũng sau đó có tiền an toàn về hưu hưởng thụ).

Riêng Nguyễn Văn Lâm, sau vụ để quên va li bạc tại phi trường, dù mất chức phó giám đốc văn phòng chính phủ (tương đương thứ trưởng), nhưng vẫn được giữ lại làm "chuyên viên".

Nửa năm sau vụ án Vietnam Airline, chính phủ Việt Nam lại phải đối phó với vụ án Trịnh Vĩnh Bình. Vụ án được đem ra xử tại tòa án quốc tế Stockholm, Thụy Điển, dự trù xử vào tháng 12 và mới đầu ông Bình đòi bồi thường khoảng 100 triệu mỹ kim. Vì vụ án bị chính phủ Việt Nam làm dằng dai, số tiền đòi bồi thường dần dần tăng lên trên 400 triệu mỹ kim. Cuối năm 2006, chính phủ Việt Nam đã xin hoãn lại vụ án và xin hòa giải ngoài tòa.

Đây không phải những lần mà chính phủ Việt Nam gặp rắc rối với luật pháp quốc tế. Ngay cả trong địa hạt bóng tròn, năm 2002, khi huấn luyện viên Letard của Pháp bị sa thải sai giao kèo, ông ta đã kiện lên tòa án của tổng cục bóng tròn quốc tế và tòa đã bắt Việt Nam phải bồi thường 197.800 mỹ kim. Do vụ này, tổng thư ký tổng cục túc cầu Việt Nam là Phạm Ngọc Viễn phải từ chức.

Cuối năm 2006, do quyền lợi kinh tế và nhu cầu cần có một thành tích ngoại giao, bất chấp phản đối của những tổ chức tôn giáo và nhân quyền, bộ ngoại giao Hoa Kỳ loại bỏ Việt Nam khỏi danh sách những nước cần lưu ý đặc biệt về tôn giáo, mở rộng cửa cho Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) vào ngày 13-11-2006, trở nên hội viên thứ 150.

Khi gia nhập WTO, hàng hóa Việt Nam sẽ dễ dàng xuất cảng khắp nơi trên thế giới, được bảo vệ để cạnh tranh công bình khi xuất cảng sang bán tại những nước khác. Việc này giúp thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng phải ký nhiều thỏa ước về thuế quan, về quyền tư hữu, đầu tư, về môn bài xuất nhập cảng. Những công ty quốc doanh sản xuất hàng xuất cảng của Việt Nam cũng không còn được tài trợ.

Chỉ mấy ngày sau khi được vào WTO, giới lãnh đạo CSVN được tiếp đón nhiều nguyên thủ quốc gia đến tham dự hội nghị thượng đỉnh những quốc gia ven vùng Thái Bình Dương APEC trong đó có Bush, Putin, Abe (tân thủ tướng Nhật), Hồ Cẩm Đào...

Hội nghị này chỉ nhấn mạnh đến những hợp tác kinh tế, vấn đề chống khủng bố, vấn đề Bắc Hàn...nhưng đã không đưa ra một kết quả cụ thể nào. Tuy nhiên, việc tham dự hội nghị cũng giúp được tổng thống Bush tạm thời đánh lạc hướng những thất bại nội bộ và ông coi việc giúp Việt Nam vào WTO như một thành quả ngoại giao của chính phủ ông.

Trước khi sang Việt Nam dự hội nghị APEC, tổng thống Bush muốn đem theo một món quà là dự luật cho phép Việt Nam được hưởng qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn hay tối huệ quốc (PNTR) với Hoa Kỳ. Nhưng ông đã chủ quan, đem dự luật này ra quốc hội biểu quyết theo một tiến trình bất thường, đòi hỏi phải có 2/3 số phiếu nên dự luật bị bác. Dự luật chỉ được chấp nhận vài tháng sau khi được đệ trình theo thủ tục thông thường, chỉ cần đạt đa số quá bán để thông qua.

Tổng thống Bush khi được hỏi về cảm tưởng chuyến đi đã trả lời là ông rất thú vị khi được biết con cái của thủ tướng Việt Nam đều du học tại Hoa Kỳ và có một người đã kết hôn với một người Mỹ gốc Việt (13) Sau khi dự APEC ở Hà Nội, ông vào Sài Gòn rồi sang Indonesia. Khi còn ở Sài Gòn, khác với Clinton đi ăn phở, Bush đi ăn cơm Việt Nam ở một quán cơm mà chủ nhân là em gái của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Hơn một tháng sau hội nghị APEC và chuyến đi của Bush, ngày 21-1-2007, đến lượt đô đốc Gary Roughead, tân tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương ghé thăm Việt Nam. Ông cho biết Hoa Kỳ rất quan tâm đến an ninh vùng Thái Bình Dương nên đã di chuyển thêm một hàng không mẫu hạm từ Đại Tây Dương sang, nâng tổng số hàng không mẫu hạm trong vùng biển này lên 6 chiếc, nhiều hơn ở Đại Tây Dương. Đồng thời, số tàu ngầm ở Thái Bình Dương cũng tăng lên, chiếm 60% tổng số tàu ngầm của Hoa Kỳ. Nhưng ông thừa nhận là những hợp tác quân sự Việt-Mỹ còn ở mức hạn chế, "chưa định ra một khung thời gian hợp tác cụ thể". Ông cũng hiểu rõ hoàn cảnh của Việt Nam nên đã cho biết Mỹ sẽ "xử lý tế nhị, bảo đảm tôn trọng chủ quyền" và "chúng ta có thể hợp tác huấn luyện, chia xẻ thông tin, không ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ của ai".

Trước đó, ngày 29-12-2006, Hoa Kỳ âm thầm bãi bỏ luôn lệnh cấm vận Việt Nam về võ khí. Tuy phần lớn võ khí mà Việt Nam mua là của Nga, Ukraine, Ấn Độ.., nhưng điều này cũng là một bước tiến quan trọng và đã không được công khai loan báo ở Việt Nam. Việt Nam cũng đã để cho hãng Martin Lockheed của Hoa Kỳ trúng thầu thiết lập hệ thống vệ tinh cho Việt Nam.

Một phần nhờ phản ứng thân thiện của Hoa Kỳ, trong năm 2006, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Tính đến cuối năm, Việt Nam đã xuất khẩu 40 tỷ mỹ kim, trong đó dầu thô 8 tỷ, giày da 5 tỷ, hàng dệt may 3 tỷ...

Một người khác cũng bận rộn không kém Bush khi sang Việt Nam dịp này là Hồ Cẩm Đào, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước của Trung Quốc. Ông ta đến trước Bush một ngày và đã gián tiếp nhắc nhở Việt Nam cần có mối quan hệ thắm thiết với Trung Quốc bằng cách tặng cho giới lãnh đạo CSVN ba câu "lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan". Báo chí khi tường thuật về hoạt động của Hồ Cẩm Đào thường đăng ở trang đầu, trong khi hoạt động của Bush thì để ở trang trong.

Để tránh những vụ như Lý Tống trong dịp Clinton thăm Việt Nam, lần này trong dịp hội nghị APEC, quân đội cũng như công an của Việt Nam đã tăng cường bố phòng chặt chẽ. Tại Hà Nội, những người vô gia cư bị dồn ra khỏi thành phố, những nhân vật từng tranh đấu cho dân chủ như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Lê Hồng Hà, bác sĩ Phạm Hồng Sơn... đều bị kiểm soát và quản thúc qua những biện pháp "bốn không" (không được dùng điện thoại, không được ra khỏi cửa, không được tiếp xúc với ai, không được tụ tập đông người trong nhà)- Quanh khu nhà những người này ở, công an lập những rào cản và những bảng chặn tiếng Anh như "No Foreigners", "Restricted Area"...

Dù có những biện pháp kiểm soát gắt gao, khát vọng đòi hỏi tự do dân chủ vẫn phát triển. Ngày 8-4-2006, một nhóm 118 người đồng ký tên vào Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ đòi hỏi được bầu cử một cách tự do công bằng. Bản tuyên ngôn này sau đó được hàng ngàn người khác trên toàn quốc bất chấp đe dọa ký tên ủng hộ. Những người này lần lượt bị công an địa phương xách nhiễu hoặc làm khó dễ. Riêng một số người chủ trương bị bắt đi mất tích.

Nhóm người này được gọi chung là "Khối 8406" gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó có linh mục Nguyễn Văn Lý, cựu trung tá Trần Anh Kim và có những người rất trẻ, có học thức và nghề nghiệp như Đỗ Nam Hải, Nguyễn Khắc Toàn, Bạch Ngọc Dương, Hoàng Tiến, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Tiến Trung, Lê Trí Tuệ, Kha Văn Chẩu ...

Một luật sư trẻ khác, Lê Thị Công Nhân, bất chấp luật độc đảng của chính quyền, đã sáng lập đảng Thăng Tiến Việt Nam vào ngày 8-9-2006. Cũng như những người khác, bà liên tiếp bị công an chính trị thuộc cục A42 tra hỏi, làm khó dễ, ngăn chặn không cho đi nói chuyện tại đại hội dân quyền bên Ba Lan và trong dịp APEC, bà cũng bị biện pháp "bốn không" và quản thúc.

Do thái độ bất khuất, hòa thượng Thích Quảng Độ được trao giải Nhân Quyền Rafto và ngày 30-1-2007, ông được 54 dân biểu Ý gửi văn thư đề nghị ủy ban giải Nobel Hòa Bình cứu xét vì ông đã "dâng hiến trọn đời cho cuộc đấu tranh bất bạo động nhằm mục tiêu dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền cho Việt Nam".

Vào đầu năm 2007, hội nghị trung ương đảng lần thứ tư được triệu tập. Hội nghị này ngoài việc tái lập qui chế chính ủy quân đội để đặt quân đội dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và trực tiếp của trung ương đảng, còn thảo luận về một "Đề án Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" với mục đích "bảo vệ tổ quốc ta". Đề án này nhằm "xây dựng cơ sở luật pháp và lực lượng nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển, đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học - công nghệ biển, triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng biển và ven biển".

Hội nghị cũng quyết định chấm dứt việc quân đội và đảng kinh doanh, chuyển hết các cơ sở làm ăn như những công ty viễn thông, đóng tàu, khách sạn sang dân sự để cho quân đội chuyên tâm hơn trong công tác quốc phòng, đồng thời cũng giảm bớt tệ nạn tham nhũng, một việc mà Trung Quốc đã làm từ 1988. Cuối cùng, hội nghị này cũng muốn thu hẹp 11 ban khác nhau của trung ương đảng vào còn 6 ban: tổ chức, kiểm tra trung ương, tuyên giáo, dân vận, đối ngoại và văn phòng trung ương.

Vì phải mua chuộc dư luận thế giới trước khi được vào WTO, chính quyền Việt Nam trong năm 2006 đã tương đối gượng nhẹ với những nhân vật đấu tranh cho dân quyền và dân chủ, nhưng sau khi đã được vào WTO, đúng như nhận xét của ký giả tờ Viễn Đông Kinh Tế - "càng cởi mở kinh tế, càng đàn áp chính trị"- vào đầu năm 2007, họ lại mở ra một đợt bắt bớ và giam cầm mới. Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy (14), cùng nhiều người khác lần lượt bị bắt.

Việc bắt giữ và bỏ tù những người tranh đấu cho dân chủ đã gây nhiều phản ứng trong dư luận Hoa Kỳ. Ngay cả những chính trị gia thiên tả như Kennedy, Kerry cũng đòi hỏi ngọai trưởng Rice phải có phản ứng. Dân biểu Earl Blumenauer thuộc tiểu bang Oregon, chủ tịch nhóm thân hữu Mỹ Việt trong quốc hội, gồm những đại biểu có cảm tình với Việt Nam, từ chức chủ tịch của nhóm để phản đối. Về phía chính quyền, vào đầu tháng 3, khi Phạm Gia Khiêm sang Hoa Kỳ gặp ngọai trưởng Rice, sau câu chào hỏi xã giao, câu đầu tiên mà bà Rice hỏi là về số phận của ông Nguyễn Vũ Bình, vì trong hội nghị APEC bốn tháng trước, Phạm Gia Khiêm đã hứa với bà là ông Bình sẽ được thả. Sau đó, ngày 5-4-07, đại sứ Marine tại Hà Nội mời thân nhân của những người bị bắt đến tư dinh uống trà. Những người này bị công an canh gác xung quanh không cho vào. Mấy hôm sau, trong Nam, trợ lý bộ Ngọai giao Mỹ thuộc vụ Đông Á và Thái Bình Dương là Eric John đến Thanh Minh thiền viện thăm hòa thượng Quảng Độ .

Dù đã có những phản ứng không thuận lợi từ phía Hoa Kỳ, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn tiếp tục không nương tay với những người bất đồng chính kiến vì đây là thời gian mà giới lãnh đạo Việt Nam đang chuẩn bị cho chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch Nhà nước Nguyễn Minh Triết. Nhiều tranh cãi đã diễn ra giữa hai phe đổi mới và bảo thủ về tầm mức hợp tác với Hoa Kỳ. Để trấn an phe bảo thủ là uy quyền tối thượng của đảng vẫn được tôn trọng, những biện pháp đàn áp đối lập vẫn tiếp tục, những người đã bị bắt bị đưa ra tòa kết tội để bỏ tù nhiều năm. Linh mục Nguyễn Văn Lý bị xử 8 năm tù. Trong phiên tòa, ông bị bịt miệng không cho lên tiếng. Chẳng may hình ảnh đó bị chụp được và truyền bá đi khắp thế giới như một biểu tượng của nền công lý xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau linh mục Lý, những ông Huỳnh Nguyên Đạo, Lê Nguyên Sang, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân.... cũng bị kết án tù nhiều năm.

Trước hành động ngang ngược của Hà Nội, bộ Ngọai giao Hoa Kỳ đã thông báo cho đại sứ Nguyễn Tâm Chiến là nếu không có những biện pháp cải thiện, chuyến viếng thăm của Nguyễn Minh Triết sẽ bị đình hõan. Nguyễn Tâm Chiến vội vàng khẩn khỏan yêu cầu bộ Ngọai giao Hoa Kỳ khoan công bố về việc đình hõan để trở về Hà Nội trình bày sự việc. Để tăng thêm áp lực, giữa tháng 5 năm 2007, bộ Ngọai giao Hoa Kỳ cử trợ lý ngọai trưởng Christofer Hill sang Việt Nam, đưa ra một số yêu cầu và cũng thông báo là nếu Nguyễn Minh Triết có qua, Hoa Kỳ sẽ hạ thấp nghi lễ tiếp đón. Nguyễn Minh Triết sẽ không được đón tiếp như những nguyên thủ khác, sẽ không có dạ tiệc tiếp tân mà chỉ được Bush mời ăn sáng hay ăn trưa, sẽ không được ngủ qua đêm ở phòng Blair trong Bạch Cung mà sẽ phải ở khách sạn.(15)

Ngày 28-5-07, bộ Chính Trị Việt Nam họp bàn về vấn đề này. Họ cử thứ trưởng Ngọai giao Lê Văn Bàng sang Hoa Kỳ với tư cách một "toán tiền trạm" để giải quyết. Vì không biết rõ kết quả, phát ngôn viên bộ ngoại giao chỉ có thể tuyên bố một cách mập mờ sau cuộc họp là "chủ tịch nước dự kiến sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ trong thời gian tới".

Để công khai chứng tỏ sự quan tâm của mình về vấn đề vi phạm nhân quyền, ngày 29-5-07, tổng thống Bush mời những ông Đỗ Thành Công, thuộc đảng Dân Chủ Nhân Dân, Đỗ Hoàng Điềm, đảng Việt Tân, Lê Minh Nguyên, mạng lưới nhân quyền, Nguyễn Quốc Quân, thuộc Cao Trào Nhân Bản vào tòa Bạch Ốc nói chuyện. Hai ông Nguyễn Chính Kết và Đỗ Nam Hải ở Việt Nam được mời nhưng dĩ nhiên, Hà Nội không cho hai người này đi, thay vào đó là Lê Văn Bàng, đứng đầu toán "tiền trạm" để cứu vãn chuyến viếng thăm.

Tại Hoa Thịnh Đốn, Lê Văn Bàng đã gặp lại dân biểu Blumenauer nhờ vận động với tòa Bạch Ốc để có được giấy mời, đồng thời cũng thông báo là sẽ thả ba người bất đồng chính kiến.(16) Hai ông Nguyễn Vũ Bình và Lê Quốc Quân sau đó được trả tự do. Vì cũng muốn nâng tầm quan hệ với Việt Nam giúp cho lợi ích về kinh tế và quốc phòng, cuối cùng, chính phủ Bush đã gửi giấy mời chính thức để Nguyễn Minh Triết sang thăm Hoa Kỳ hai tuần sau (khác với nguyên thủ những nước khác là giấy mời được gửi trước một tháng).

Ngày 18-6-2007, Nguyễn Minh Triết mang theo một phái đoàn hùng hậu hơn 200 người đến New York, trong đó có Phạm Gia Khiêm, Đỗ Thiện Nhân, Đỗ Trung Tá... Phụ trách kiểm soát nhân viên phái đoàn là trung tướng công an Nguyễn Văn Hướng. Con của điệp viên Phạm Xuân Ẩn là thông ngôn chính thức của phái đoàn. Ngày đầu tiên sau khi đến Mỹ, Nguyễn Minh Triết đến dự phiên tòa xử về tác động của chất độc da cam trên những bệnh nhân Việt Nam. Có lẽ sự hiện diện của ông ta đã gây một phản ứng trái ngược vì tòa án sau đó bãi bỏ vụ kiện. Ngày hôm sau, Nguyễn Minh Triết đến thăm tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, bàn về chuyện Việt Nam xin làm hội viên không thường trực trong hội đồng Bảo An trong năm tới, và ngày 22-6-2007, Nguyễn Minh Triết đến gặp Bush ở phòng làm việc vào buổi sáng.

Trong cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ, ngoài những vấn đề hợp tác kinh tế và chống khủng bố, tổng thống Mỹ mong muốn Việt Nam công khai ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ đối với một số quốc gia như Bắc Hàn, Iran, Miến Điện, Sudan... Ông Triết nhân buổi hội đàm này cũng kêu gọi những người Mỹ gốc Việt ủng hộ chính quyền. Vấn đề nhân quyền và tự do dân chủ của người dân được tổng thống Bush nêu ra, nhưng vấn đề này được đặc biệt nhấn mạnh vào buổi chiều, khi Nguyễn Minh Triết đi thăm quốc hội lưỡng viện. Nhiều dân biểu, nghị sĩ đã lên tiếng chỉ trích, nhưng khi trả lời, ông Triết hoặc đã tránh né, hoặc giải thích theo lập luận của riêng ông, nhất là luôn luôn nói ở Việt Nam không có tù chính trị. Khi được hỏi về việc bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Minh Triết nói dối là việc đưa linh mục Lý ra tòa đã được sự đồng ý của hội đồng giám mục Việt Nam và Vatican. Lời nói dối này đã bị hội đồng giám mục Việt Nam, từng mang tiếng là đã bị "thuần hóa" cải chính và phản đối. Để tỏ thái độ bất bình, một tháng sau, ủy ban Đối ngọai Hạ viện của Hoa Kỳ đưa ra một dự luật mang số HR 3096 có tên "Dự Luật Nhân Quyền Năm 2007 cho Việt Nam".

Sau khi rời Hoa Thịnh Đốn, Nguyễn Minh Triết ghé California (17) và sau đó sang Canada trước khi về nước. Do nhu cầu cần hợp tác của cả hai bên, dù còn có những quan điểm khác nhau, chuyến đi 6 ngày của ông tương đối đã đạt được một số kết quả. Về kinh tế, ông ký được những hợp đồng đầu tư vào Việt Nam trên 10 tỷ mỹ kim. Về ngọai giao, hai bên đã xích lại gần nhau thêm một chút.

Việc kết thân với Hoa Kỳ lần này dĩ nhiên cũng là một điều nhạy cảm đối với Trung Hoa và Việt Nam đã phải hết sức cẩn thận. Vì thế, ba tháng trước, tháng 3 năm 2007, Phạm Gia Khiêm sau khi ở Hoa Kỳ về đã vội phải bay sang Trung Hoa, đến tháng tư là Nguyễn Phú Trọng, và rồi Nguyễn Minh Triết đã phải sang Bắc Kinh gặp Hồ Cẩm Đào vào tháng năm, một tháng trước khi đi Mỹ. Ngoài ra, như một dấu hiệu tôn trọng Trung Hoa, vào tháng 6 năm 2007, Việt Nam ra lệnh không cho tàu y tế Peleliu được phép dùng trực thăng đưa bệnh nhân từ đất liền ra tàu để được giải phẫu.

Tàu y tế Peleliu là một tàu chiến (trước đây có tên Khe Sanh rồi Đà Nẵng) được cải biến thành tàu bệnh viện có khả năng giải phẫu những trường hợp khó khăn, được Việt Nam mời đến Đà Nẵng. Tàu gồm 120 bác sĩ dân sự và sinh viên y khoa thiện nguyện thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, tình nguyện công tác cho những bệnh nhân trong vùng Đông Nam Á. Trước khi sang Việt Nam, tàu đã vừa phục vụ ở Phi Luật Tân. Dù sở trường của đoàn y tế trên tàu là giải phẫu, nhưng Việt Nam đã cấm đoán những hành động thiện nguyện nhân đạo này để chứng tỏ với Trung Hoa giới hạn của họ trong việc kết thân với Hoa Kỳ.

Tuy thế, Trung Hoa vẫn không bằng lòng. Để cảnh cáo, trong thời gian này, họ lại dùng uy thế nước lớn để bắt chẹt Cộng sản Việt Nam.

Trước hết, vào tháng 5 năm 2007, họ áp lực với hãng dầu BP của Anh quốc để hủy bỏ hợp đồng thăm dò tài nguyên dầu khí tại một vùng biển phía nam Trường Sa, nói là vùng biển đó thuộc chủ quyền của họ. Dù Việt Nam có phản đối nhưng hợp đồng trên một tỷ mỹ kim đó cũng đã bị mất. Trung Hoa tuy không tiến chiếm vùng biển nhưng cảnh cáo là Việt Nam phải hợp tác với họ nếu muốn tiếp tục khai thác.

Sau đó, vào ngày 3-7-07, gần vùng biển tranh chấp, một tàu đánh cá của Việt Nam bị tàu hải quân Trung Hoa săn đuổi, bắn chết một ngư dân và làm bị thương nhiều người khác. Theo giáo sư Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc học viện Quốc Phòng Úc, trong vụ này, một tàu chiến BPS mà Việt Nam mới mua của Nga cũng có mặt nhưng đã phải tránh né đứng ở xa vì thấy hỏa lực của tàu chiến Trung Quốc mạnh hơn nhiều. Ông cũng đặt câu hỏi là "tại sao chính quyền Việt Nam không chính thức phổ biến tin này trên truyền thông, báo chí vì những công dân Việt Nam bị xâm hại bằng những vũ khí tối tân trong khi họ không có phương tiện tự bảo vệ trong vụ này". (18) Cũng như những việc bắn giết hai năm trước, việc bắn giết này bị chính phủ bưng bít nhiều ngày. Chỉ sau khi hãng tin Kyodo của Nhật hỏi Phạm Gia Khiêm rồi các đài Á Châu Tự Do cùng các cơ quan truyền thông ngọai quốc loan báo thì thông tấn xã Việt Nam mới phổ biến một đoạn tin ngắn là Vũ Dũng đã gặp Vũ Đại Vỹ từ 21 đến 23 tháng 7. Kết quả của cuộc thảo luận vẫn là một điều mơ hồ rằng hai bên "nhất trí sẽ nghiêm chỉnh thực hiện nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, gìn giữ ổn định trên biển Đông", còn Tân Hoa Xã thông báo vắn tắt hơn, không nhắc nhở đến việc bắn giết người trên biển.

Khoảng hơn một tuần sau khi Nguyễn Minh Triết về đến Việt Nam, hội nghị trung ương đảng CSVN lần thứ 5 (khóa X) được họp từ ngày 5 đến 19 tháng 7, 2007 và đã thảo luận về năm vấn đề:

1. Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước nhu cầu mới.

2. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát của đảng.

3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo của đảng.

4. Cải tổ hành chánh bộ máy nhà nước.

5. Thay đổi nhân sự trong chính phủ

Trong mục tiêu thứ tư, cải tổ hành chánh, số bộ trong chính phủ và các cơ quan ngang bộ (như các ủy ban), sẽ giảm xuống từ 29 xuống 22. Hai bộ Thủy Sản và Nông Nghiệp trước kia được sát nhập thành bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông thôn. Hai bộ Công nghiệp và Thương Mại trở thành bộ Công Thương. Các ủy ban Dân Số, Gia Đình, Thể Dục Thể Thao... được sát nhập vào các bộ khác. Riêng về việc kiểm soát báo chí, trước kia thuộc bộ Văn Hóa Thông Tin, nay được giao về bộ Bưu chính Viễn thông, cải danh thành bộ Thông tin Truyền thông. Bộ Tài Nguyên, Môi Trường được cải tiến thành Tài Nguyên, Môi Trường và Biển.

Về nhân sự, Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị thêm hai phó thủ tướng là Nguyễn Thiện Nhân và Hoàng Trung Hải. Đây là hai người trẻ tuổi, từng du học ở Tây phương và đã chứng tỏ khả năng khi làm việc ở bộ Giáo dục và bộ Kỹ nghệ. Nguyễn Thiện Nhân từng học ở Đức và tu nghiệp tại Harvard, còn Hoàng Trung Hải học ở Ái Nhĩ Lan.

Việc cải tổ nội các này được coi như một sự lên cấp đặc biệt đối với Nguyễn Thiện Nhân, người mới làm bộ trưởng một năm và là một sự xuống cấp đối với Nguyễn Sinh Hùng. Trước đó, Nguyễn Sinh Hùng là phó thủ tướng thường trực, coi như chỉ dưới Nguyễn Tấn Dũng, nhưng sau hội nghị trung ương lần thứ 5, Nguyễn Tấn Dũng công khai tuyên bố quyền hạn năm phó thủ tướng ngang nhau, không ai quan trọng hơn người khác. Ngoài ra, có tin đồn Nguyễn Tấn Dũng muốn chuyển Nguyễn Sinh Hùng sang làm chủ tịch quốc hội, thay Nguyễn Phú Trọng, còn Nguyễn Thiện Nhân kiêm bộ Ngoại Giao thay Phạm Gia Khiêm. Do hậu thuẫn của phe bảo thủ, của Nguyễn Phú Trọng (chưa muốn mất chức) và của Hồ Đức Việt, trưởng ban tổ chức đảng cũng cùng quê quán Nghệ An, Nguyễn Sinh Hùng cuối cùng được giữ lại, Nguyễn Thiện Nhân cũng không được làm Ngoại Trưởng.

Chính phủ mới của Nguyễn Tấn Dũng gồm có:

- Thủ tướng: Nguyễn Tấn Dũng.

- Năm phó thủ tướng:Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải.

- Bộ trưởng Công An: Lê Hồng Anh

- Bộ trưởng Quốc Phòng: Phùng Quang Thanh

- Bộ trưởng Ngoại Giao: hạm Gia Khiêm

- Bộ trưởng Công Thương: Vũ Huy Hoàng (bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn).

- Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông: Lê Doãn Hợp (từng là bộ trưởng Văn Hóa Thông Tin). Như vậy, chính sách kiểm soát báo chí sẽ không có gì thay đổi. Sự sát nhập báo chí vào truyền thông là để cho sự kiểm soát báo chí trên mạng lưới điện tử được hữu hiệu hơn, nhất là để kiểm soát những "nhật ký điện tử" - blog.

- Bộ trưởng bộ Văn Hóa Thể Thao: Hoàng Tuấn Anh, từng là tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch.

- Bộ trưởng Y Tế: Nguyễn Quốc Triệu, đang là chủ tịch ủy ban nhân dân TP.Hà Nội

- Bộ trưởng Nội Vụ: Trần Văn Tuấn

- Bộ trưởng Kế Họach Đầu Tư: Võ Hồng Phúc

- Bộ trưởng Tư Pháp: Hà Hùng Cường

- Bộ trưởng Tài Chính: Vũ Văn Ninh

- Bộ trưởng Giáo Dục: Nguyễn Thiện Nhân

- Bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn: Cao Đức Phát

- Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải: Hồ Nghĩa Dũng

- Bộ trưởng Xây Dựng: Nguyễn Hồng Quân

- Bộ trưởng Tài Nguyên, Môi Trường và Biển: Phạm Khôi Nguyên

- Bộ trưởng Lao Động, Thương Binh Xã Hội: Nguyễn Thị Kim Ngân

- Bộ trưởng Khoa Học Công Nghệ: Hoàng Văn Phong.

- Chủ nhiệm văn phòng chính phủ: Nguyễn Xuân Phúc.

- Chủ nhiệm ủy ban Dân Tộc: Giàng Seo Phử

- Thống đốc Ngân Hàng: Nguyễn Văn Giàu

- Tổng thanh tra chính phủ: Trần Văn Truyền.

Như một biểu tượng về công lý xã hội chủ nghĩa, ngành tư pháp của Việt Nam được giao cho Trương Hòa Bình(19), thứ trưởng Công An, được thăng chánh án tòa án Nhân Dân Tối Cao. Nguyễn thị Doan, đang là phó ban kiểm tra trung ương đảng được cử lên làm phó chủ tịch Nhà Nước như một hình thức nâng đỡ phụ nữ.

Danh sách nhân viên chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra quốc hội chấp thuận ngày 2-8-07. Quốc hội này mới được bầu 2 tháng trước. Dù lần bầu cử này, chính quyền để cho 230 người tự nộp đơn ứng cử không phải thông qua đảng và Mặt Trận Tổ Quốc, nhưng đảng đã loại 200 người. Trong 30 người còn lại, chính quyền chỉ để cho 1 người trúng cử. Một trong ba mươi người thất cử đó là Lê Kiên Thành, con trai Lê Duẩn và một trong 500 người trúng cử là Nông Quốc Tuấn, con trai Nông Đức Mạnh, trúng cử ở Sơn La.

Trong lúc đại biểu quốc hội chuẩn bị họp tại Hà Nội để giơ tay nhất trí với những đường lối của đảng thì tại văn phòng quốc hội 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM, từ ngày 22-6-2007, hơn một ngàn nông dân bị truất hữu, cướp đoạt ruộng đất từ nhiều tỉnh miền Nam (Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre ...) đã kéo lên tụ họp, đòi hỏi quốc hội cũng như chính phủ trung ương can thiệp. Không một đại biểu quốc hội hay viên chức chính phủ nào đến tiếp xúc, người dân phải dựng những lều bạt thô sơ che mưa nắng chờ đợi nhiều ngày đòi hỏi được giải quyết. Họ biểu tình tuần hành trong khu vực, căng biểu ngữ phản đối..

Công an đã dùng mọi biện pháp đối phó: cấm phóng viên nhà báo, phong tỏa khu vực để không cho người biểu tình có phương tiện giải quyết những nhu cầu vệ sinh cá nhân, bắt giam và đánh đập một số người, khuyến dụ người biểu tình trở về và nói là địa phương sẽ giải quyết. Dĩ nhiên những khuyến dụ của công an không lừa gạt được ai và nông dân bị mất đất oan ức vẫn kiên trì chịu đựng nắng mưa khổ cực, đói khát, bệnh tật... nhiều ngày, mong được giải quyết. Hòa thượng Quảng Độ cũng bất chợt vượt vòng vây công an đến ủy lạo và giúp đỡ những người khiếu kiện.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên nông dân khiếu nại. Kể từ khi có luật đất đai năm 2003, khắp nơi đều có những trường hợp oan ức. Do chế độ mà quyền lực nằm trong tay đảng, luật pháp chỉ là hình thức. Lấy lý do cần "giải phóng mặt bằng" để xây công sở, trường học, đường xá...hay phát triển kinh tế, chính quyền địa phương khắp nơi lập nên những "dự án ma", ép nông dân bán đất với giá rẻ mạt, sau đó có thể bán lại hoặc cho những doanh nghiệp thật, hoặc cho người nhà, hoặc cho những "doanh nghiệp ma" với giá gấp hàng trăm lần. Tờ Tuổi Trẻ ngày 8-7-2006 đăng lại lời của Trịnh Xuân Thu, thiếu tướng công an, phó tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh phụ trách an ninh nông thôn: "Cán bộ địa phương bán đất công bừa bãi như bán mớ rau, con cá. Tỉnh nào cũng có chuyện chính quyền cấp cơ sở bán đất vô tội vạ. Ngay giữa thủ đô Hà Nội cũng bán đất vô tội vạ. Các kiểu tham nhũng đất đai thì muôn hình vạn trạng". Trước tình trạng đó, bộ Tài Nguyên Môi Trường đã lập nhiều đoàn công tác xuống tận cơ sở để giải quyết, nhưng vì "không có sự nhất trí trong cách giải quyết giữa đoàn với lãnh đạo địa phương" nên khi đoàn công tác ra về, cán bộ lãnh đạo địa phương tiếp tục giải quyết theo cách của họ. Trên diễn đàn quốc hội, bộ trưởng Tài Nguyên Môi Trường là Mai Ái Trực phân trần "Với cơ chế của chúng ta, bộ trưởng cũng không có quyền xử lý đối với cán bộ địa chính cấp xã làm sai".

Do cơ chế đó, không một nhân viên chính phủ, không một đại biểu quốc hội nào đến tiếp xúc với người dân khiếu kiện, và rồi, gần một tháng sau, vào đêm 18-7-07, lợi dụng đêm tối, hàng ngàn công an giả dạng làm nhân viên đoàn thể (công đoàn, phụ nữ, học sinh) bao vây, đàn áp, bắt bớ rồi chuyên chở tất cả những người biểu tình hoặc vào tù, hoặc về địa phương, nơi mà chính Trịnh Xuân Thu đã phải nhận xét là chính chủ tịch tỉnh cũng dính líu đến những vụ "ăn đất". Thứ trưởng bộ Công An Thi Văn Tám sau đó giải thích là chỉ bắt 13 "đối tượng cầm đầu, xúi dục, có liên quan tới các tổ chức phản động ở nước Ngoài" còn tất cả người khiếu kiện đều đã "được thuyết phục và tự ý trở về địa phương".

Đại hội đảng CSVN thứ X diễn ra với nhiều kỳ vọng, vì ảnh hưởng của Đỗ Mười, Lê Đức Anh đã phai nhạt, và những người lãnh đạo tiếp nối tương đối trẻ, nhất là trong nội các mà Nguyễn Tấn Dũng vừa cải tổ.

Do những điều kiện khách quan và để sống còn, chính quyền trên thực tế đã phải bỏ rơi chủ nghĩa Mác và mỗi ngày một cởi mở hơn về kinh tế để Việt Nam có thể hội nhập với đà tiến bộ toàn cầu. Sự kiện kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển là một sự kiện tích cực, đáng mừng, nhưng vì đảng cộng sản vẫn là một đảng siêu quyền lực trong đó các cấp lãnh đạo bao che nhau để khống chế nhân dân, nhũng lạm của công, sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng xa. So sánh với những nước trong vùng, Việt Nam vẫn ở tình trạng tụt hậu. Để sống còn, họ e sợ những tiến trình dân chủ, cho nên về đối nội, họ tiếp tục bóp nghẹt tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo, đàn áp những người bất đồng chính kiến. Về đối ngoại, họ phải cầu cạnh Trung Hoa, để cho Trung Hoa mỗi ngày một lấn tới mà không có biện pháp nào khả dĩ hữu hiệu để chống đỡ. Khi mà đảng CSVN vẫn muốn duy trì tình trạng độc tôn để đảng viên hưởng đặc quyền đặc lợi, tình trạng tham nhũng, đàn áp thì tình trạng bị Trung Hoa áp chế kể trên còn tiếp tục.

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG VII

________________________

(1)- Trích Đối Sách Của Bộ Công An - website Đối Thoại

(2)- Lý do bộ Chính Trị và ban bí thư không bầu được đủ số: Vì những chính sách hay điều động nhân sự quan trọng cần có sự "nhất trí", nên trong những hội họp của đảng, những phe phái mặc cả hay dàn xếp với nhau. Khi mặc cả không xong và không được sự nhất trí, vấn đề được gác lại.

(3)- Đào Duy Quát, thường trực phó ban TTVH cho Tô Huy Rứa. Đào Duy Quát, con của Đào Duy Tùng, dù đã có gia đình, là tình nhân của cố ca sĩ Lê Dung.

(4)- Trong một buổi gặp gỡ những "anh hùng lao động" và "chiến sĩ thi đua", Nguyễn Thị Hằng là một chiến sĩ thi đua trong một tổ hợp đan cói ở Thanh Hóa nổi bật về nhan sắc nên lọt vào mắt xanh của Xuân Thủy nên từ đó được nâng đỡ.

(Việt Thường, www.hungviet.com)

(5)- Tài liệu của Vy Thanh, một trí thức cựu đảng viên trong cuốn Lớn Lên Với Đất Nước.

(6)- Về việc những cán bộ tập kết sau 1954 không được lấy thêm vợ đã nêu trường hợp Lê Duẩn và Lê Đức Thọ ra để khiếu nại, theo ông Bùi Tín, Hồ Chí Minh đã trả lời rằng lúc đó chưa có luật nên "xí xóa". Sau này có luật nên không được.

(7)- Việc Phạm Huy Thông, một giáo sư sử học, lem nhem với vợ Võ Nguyên Giáp, Hà Nội đã có bài vè:

Một tay bóp méo sử nhà

Một tay nắn bóp lệnh bà tướng quân.

(8) - Tác giả Hoàng Dũng, một cán bộ từng làm việc tại văn phòng trung ương đảng trên mạng ykien ngày 29-10-06 có nói ông còn gặp Nguyễn Tiến Thắng, em của Nguyễn tấn Dũng cũng là con Nguyễn Chí Thanh. Ông còn ghi rõ số điện thọai của Thắng trong năm 2001. Theo Roger Mitton của WNUS Reports, Nguyễn Tấn Dũng trước khi làm sĩ quan quân y đã từng được gửi đi học ở Quảng Tây

(9) - Theo ông Đỗ Thành Công, hoạt động của ông và người trong đảng bị bại lộ vì công an len lỏi đọc trộm điện thư. Được sự yểm trợ dồi dào, bộ công an có rất nhiều tiền và phương tiện, nhờ thế mà mua chuộc được nhiều trí thức, kể cả giáo sư đại học, làm việc cho họ. Người phụ trách kỹ thuật đọc trộm điện thư cho công an để giúp họ bắt bớ những người chống đối là Nguyễn Từ Quảng, giáo sư đại học Bách Khoa Hà Nội (kiêm giám đốc an ninh mạng cho công an) và Nguyễn Trung Ngọc, giáo sư toán tại đại học Khoa Học TP.HCM.

(10) - Luận điệu lật lọng của cộng sản được biểu hiện qua luận điệu thay đổi của Tố Hữu với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm: Trong bài Sự Thật Ở Đâu, Hoàng Tiến viết: "Trong cuốn Qua Cuộc Đấu Tranh Chống Nhóm Phá Hoại Nhân Văn Giai Phẩm, nhà xuất bản Văn Hóa năm 1958, Tố Hữu viết "...trong cái công ty phản động Nhân Văn Giai Phẩm ấy thật sự đủ mặt các lọai biệt kích: từ bọn Phan Khôi mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn Trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt...". Ba mươi sáu năm sau, trong bài Nhà Thơ Tố Hữu Tâm Sự với Nhật Hoa Khanh, ông ta "tâm sự" về Phan Khôi "Muốn hay không, cụ cũng đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học nước ta", và về Trương Tửu "có năng lực đặc biệt về phê bình và lý luận văn học, không thể tùy tiện qui kết anh là cơ hội, là trốt kít", về Trần Đức Thảo "là một mẫu mực của lòng say mê nghiên cứu và sáng tạo vì độc lập dân tộc và CNXH trên lĩnh vực triết học..", còn về Nguyễn Hữu Đang: "suốt đời trung thành với bác Hồ và với lý tưởng độc lập tự do..." và về Trần Dần, Văn Cao, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Quang Dũng: "Tất cả sáu anh đều là những nhà văn nghệ luôn luôn giữ vững phẩm vàng đạo đức của người cầm bút..."

(11) - Đây chỉ là một ví von bóng bẩy thuộc loại "nước mắt cá sấu" vì thật ra Chu Du chết trước Khổng Minh. Tuy mấy năm gần đây, Hoàng Tùng có viết sách bài bác Mác-xít, nhưng cho tới 1980, Hoàng Tùng vẫn là một lý thuyết gia cộng sản trung kiên. Nguyễn Hữu Đang từng bị Hồng Vân bôi nhọ trong báo Văn Nghệ tháng 5/1958: "hắn chỉ là một tên khiêu khích gian ngoan và hiểm độc, đi vào cách mạng để tìm danh lợi địa vị "

(12) - Nguyễn Khánh Toàn là con rể Phan Trọng Tuệ, từng là chính ủy quân khu IX rồi bộ trưởng Bộ Giao Thông. Chiếm được miền Nam, Phan Trọng Tuệ được chia một căn nhà có sân lớn ở 32A Trương Định, quận 2, TP.HCM. Tuệ và Toàn lấy một nửa thửa đất ở đó xây thêm một ngôi nhà lớn, đã cho thuê nhiều năm. Nhà còn lại do vợ chồng Phan Trọng Tuệ ở. Sau khi hai người này chết, vợ chồng Toàn được thừa hưởng cả hai nhà, ngoài ra còn có 1 căn ở số 6, Trần Não, TP.HCM, nhưng đến năm 2004, Toàn lại khai là không nhà cửa định xin thêm một căn nữa (thư tố cáo của ông Lê Văn Kiểm thuộc sở địa chính (xây dựng) TP.HCM.

(13) - Nguyễn Tấn Dũng sau đó đính chính là con ông ta không lấy Việt kiều. Đây là điều tối kỵ của các lãnh tụ cộng đảng nhưng vẫn xảy ra, chẳng hạn con gái Lê Duẩn lấy một ông thày người Nga, sau đó bị chết trong một trường hợp bí ẩn. Qua hồi ký của cựu đại tá Võ Đại Tôn, trong trại giam ông có gặp một người tù tên Tô Cẩm Sơn, bạn học với Nguyễn Hữu Thọ bên Pháp. Sau 1975, ông Sơn về nước chơi rồi bị bắt không lý do, không xét xử. Ông ta đoán có lẽ vì ông biết và đã loan truyền chuyện con của Nguyễn Hữu Thọ có một người lấy Mỹ, một người lấy Pháp. Con trai của Nguyễn Tấn Dũng từng học ở đại học George Washington, con gái học ở Thụy sĩ. Để đài thọ việc du học tốn kém cho con, với lương chính thức của thủ tướng chưa đến 1000 mỹ kim một tháng, Nguyễn Tấn Dũng nói là con ông ta được học bổng. Diện học bổng này có lẽ nằm trong "chế độ đãi ngộ" cho cán bộ lãnh đạo.

(14) - Trong một bài tự sự của Trần Khải Thanh Thủy viết về thân phụ của bà, một người đã có 38 tuổi đảng nằng nặc xin ra khỏi đảng, trước khi chết đã trối lại:"Bố ra đi hận vì mình chưa làm gì cho được cho mẹ và các con, chỉ u mê ảo tưởng, lầm lạc về một lý tưởng bị bội phản, hy vọng thế hệ các con không dễ bị đầu độc như vậy"

(15) - Một trong những lý do khiến chính quyền Bush trở nên quan tâm về nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam, Ngoài những hành động thô bạo của Việt Nam, là sự thất thế của đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử quốc hội mới đây. Cộng đồng Việt Nam tuy tương đối nhỏ bé, thường thường thiên về Cộng Hòa đã ngả sang Dân Chủ và đã góp phần cho việc đảng Dân Chủ nắm đa số ở thượng viện khi giúp cho ông James Webb thắng cử khít khao tại tiểu bang Virginia.

(16) - Theo DCVOnline, Hà Nội định lừa bịp khi mưu toan cho tên của Nguyễn Đình Hoan, một Việt kiều về Việt Nam hợp tác làm ăn bị bắt bỏ tù về tội lường gạt vào danh sách 3 người này, nhưng do cộng đồng Việt Nam biết được và phản đối, bộ ngọai giao Mỹ đã nói cho Hà Nội biết việc làm như thế là không trung thực và thiếu minh bạch. (Phần lớn tài liệu trong giai đoạn này đều đã được trích từ DCVOnline).

(17) - Trong một bữa tiệc với Việt kiều thân cộng tại Dana Point, Orange County, Nguyễn Minh Triết cũng có mời Nguyễn Cao Kỳ. Do việc làm ăn của bà vợ mới (từng là vợ nhân viên cấp dưới của Kỳ), mấy năm trước Nguyễn Cao Kỳ trở về Việt Nam làm ăn và dĩ nhiên, phải tìm cách lấy lòng chính quyền cộng sản. Nhờ công lao này, Kỳ được cho ngồi cùng bàn với cặp vợ chồng Nguyễn Minh Triết và Trần Kim Chi, nhưng vợ Kỳ lại không được phép ngồi cùng.

(18) - Câu hỏi của Thayer chỉ có tính cách tượng trưng nhằm nhấn mạnh vấn đề. Là một chuyên gia ngọai quốc hàng đầu về Việt Nam, ông dư biết thái độ rụt rè khó xử của những người Cộng sản khi phải đối phó với những hành vi lấn lướt của Trung Hoa.

(19) - Trương Hòa Bình từng là phó giám đốc Công an TP.HCM trong thời gian Bùi Quốc Huy làm giám đốc. Nhờ Nguyễn Khánh Toàn che chở và giúp đỡ, Trương Hòa Bình thoát khỏi vụ án Năm Cam và lên làm tổng cục trưởng tổng cục III (Xây dựng) của bộ Công An, sau đó làm thứ trưởng rồi vào trung ương đảng. Một sĩ quan công an là đại tá Nguyễn Văn Đô tố cáo Trương Hòa Bình hách dịch, cửa quyền, thoái hóa, biến chất, đã bỏ lọt tội phạm và xử chìm xuồng nhiều vụ án. Một sĩ quan công an khác, thượng tá Bùi Xuân Sinh thì ngạc nhiên là Trương Hòa Bình luôn khoe có thạc sĩ luật nhưng chưa bao giờ thấy đi học. Ngoài chức chánh án, Trương Hòa Bình còn có thể được cử làm chủ tịch liên đoàn võ thuật Vovinam Việt Nam

PHỤ LỤC

CHIẾN DỊCH XÂM CHIẾM

CAMPUCHIA 1979

Sau trận tấn công của quân Việt Nam vào nội địa Campuchia cuối 1977, Campuchia cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước, công khai tranh chấp và tăng cường quân đội ở biên giới. Bị tố cáo là xâm lược, quân Việt Nam phải rút về nước ngày 6-1-1978.

Những sư đoàn 703, 301... của Campuchia từ các quân khu Tây Nam và trung ương mới đến tăng cường bắt đầu cuộc thanh trừng nội bộ quân khu Ðông. Vì thế, tình hình chiến sự ở vùng biên giới Tây Ninh tương đối lắng dịu một thời gian. Tuy nhiên, ở biên giới cực nam, ngay từ đầu tháng 1-1978, các đơn vị thuộc sư đoàn 2 và 210 quân khu Tây Nam của Campuchia đã tấn công và chiếm đóng các xã Phú Cường, Khánh An, Khánh Hòa, Khánh Bình và các quận lỵ Hồng Ngự, Hà Tiên thuộc lãnh thổ quân khu IX Việt Nam.

Phòng thủ biên giới quân khu IX là những đơn vị cơ hữu của quân khu, gồm các sư đoàn 4, 8, 330, cùng những trung đoàn chủ lực tỉnh Hậu Giang, Ðồng Tháp. Tư lệnh quân khu lúc đầu là Lê Đức Anh, tư lệnh phó Trần Nghiêm. Sau khi Lê Đức Anh thay Trần Văn Trà, Trần Nghiêm lên làm tư lệnh quân khu IX.

Lúc đó mặt trận quân khu VII đang yên tĩnh, nên sư đoàn chính qui 341 do Vũ Cao tư lệnh ở Tây Ninh được điều động đến tăng phái cho quân khu. Với lực lượng này, và nhờ sự yểm trợ của không quân, pháo binh, thiết giáp, trực thăng võ trang..., sau hai tháng hành quân, quân khu IX tái chiếm được những lãnh thổ đã mất. Sư đoàn 341 trở lại nằm trong đội hình quân đoàn 4, trấn đóng phía tây và tây nam Tây Ninh.

Thời gian này, cuộc thanh trừng nội bộ của quân khu Ðông trở nên gay gắt. Ngày 24-5-1978, đơn vị của Ke Pauk thuộc quân khu Trung Ương kéo đến bao vây tổng hành dinh quân khu Ðông tại Suong, bắt giam các sĩ quan chỉ huy. Một số đơn vị của sư đoàn 4 trốn thoát vào rừng và nhiều cuộc chạm súng đã xảy ra giữa các toán quân này và quân Trung Ương. Trong số lực lượng đồn trú tại quân khu Ðông, sau cuộc thanh trừng, sư đoàn 4 coi như biến mất, các sư đoàn 3, 5, 280 bị suy yếu hẳn. Lợi dụng tình thế, giữa năm 1978, quân đội Việt Nam được lệnh mở cuộc hành quân mới tiến sâu vào lãnh thổ Campuchia để "mở rộng địa bàn, mở rộng hành lang liên kết với các lực lượng nổi dậy ở nhiều nơi, giúp đỡ lực lượng nổi dậy tạo thế và lực..." và quân đoàn 4 được lệnh "tiêu diệt sư đoàn 290, kiềm chế sư đoàn 3, phát triển đánh sư đoàn 703 ở Kompong Trach, mở rộng hành lang giúp lực lượng bạn nổi dậy".

Ngày 15-6-1978, chiến dịch bắt đầu. Các sư đoàn 7, 9, 341 cùng các đơn vị yểm trợ lại tràn qua biên giới, chiếm một giải đất sâu trong nội địa Campuchia từ 10 đến 40 cây số, trong đó có quận lỵ Prasaut. Lúc đó là mùa mưa, Campuchia tăng cường thêm nhiều sư đoàn từ các quân khu khác đến để phản công. Từ Prasaut, quân Việt Nam phải lùi về Chipru, và tới tháng 8, phải điều động thêm sư đoàn 2 từ quân khu V đến tăng cường cho quân đoàn 4. Mùa mưa năm đó, trời bị lụt lội, hai bên giữ nguyên tình trạng dằng co cho đến tháng 11. Trong mấy tháng này, quân Việt Nam đã giải thoát thêm cho một số binh lính và dân chúng của quân khu Ðông đang trốn tránh, tăng cường cho một mặt trận giải phóng bù nhìn mà Việt Nam mới thành lập.

Cuối mùa mưa 1978, tại mặt trận phía bắc Tây Ninh, do bộ tư lệnh quân khu VII phụ trách, sư đoàn 303 cơ hữu quân khu đang đồn trú ở Phước Long được đưa lên phối hợp với sư đoàn 5 và sư đoàn 302 để sửa soạn chiếm đóng thị xã Snoul, nơi Việt Nam dự định dùng làm địa điểm cho lễ ra mắt của "Mặt Trận Ðoàn Kết Dân Tộc Cứu Nước Campuchia". Snoul là một thị xã nằm trên ngã tư quốc lộ 13 và quốc lộ 7, trước kia đã là một mật khu an toàn của CSVN. Phòng thủ Snoul là sư đoàn 260 Campuchia.

Chiến dịch này bắt đầu ngày 13-11-1978. Trong những ngày đầu, quân Việt Nam tổn thất nặng, nhưng nhờ ở quân số và hoả lực mạnh hơn, sau đó Việt Nam cũng chiếm được Snoul, cùng với một đoạn đường của quốc lộ 7 trên hướng đi tới Mimot. Chiếm được Snoul, Việt Nam đưa sư đoàn 476 công binh đến khai quang một khoảng đất rộng trong vùng rừng núi gần đó, thiết lập khán đài, sửa soạn cho lễ ra mắt Mặt Trận Giải Phóng Campuchia do Việt Nam đỡ đầu.

Sáng ngày 2-12-1978, một đoàn xe vận tải chở khoảng hơn một ngàn dân tị nạn Campuchia tới địa điểm hành lễ để hoan hô và trương biểu ngữ. Nơi đây, ba tiểu đoàn binh lính Campuchia thuộc lữ đoàn 778, một đơn vị quân sự gồm toàn người Campuchia do Việt Nam thành lập, đã đứng xếp hàng dàn chào. Xung quanh đó, bộ đội Việt Nam, gồm cả xe tăng và súng phòng không được bố trí bảo vệ. Buổi lễ được đặt dưới quyền giám sát của Lê Đức Thọ. Mười bốn ủy viên của Mặt Trận Dân Tộc Cứu Nước Campuchia được giới thiệu, và Heng Samrin được cử làm chủ tịch Mặt Trận, kiêm tư lệnh lữ đoàn 778.

Từ cuối tháng 11, khi mùa mưa chưa dứt hẳn, sau khi đã ký hiệp ước thân hữu với Thái Lan, Campuchia dồn hết 19 trong 23 sư đoàn cơ hữu ra biên giới phía đông, liên tiếp phản công và tái chiếm những vị trí đã mất dọc biên giới Tây Ninh, đồng thời pháo kích và tấn công nhiều vị trí từ Ðức Cơ (Pleiku) tới Hà Tiên (An Giang). Quân Việt Nam, bề ngoài chỉ phản ứng thụ động, nhưng bên trong, âm thầm chuẩn bị cuộc tổng tấn công quyết định. Lương thực, đạn dược ngày đêm chở đến biên giới. Quân đoàn 3 Tây Nguyên được tăng cường ở Pleiku, Ban Mê Thuột. Quân đoàn 2 Hương Giang từ Lào và quân khu IV được đưa xuống An Giang, Kiên Giang. Vì thiếu cơ phận thay thế, các phi cơ cũ A37 và F5 của Việt Nam Cộng Hòa bỏ lại không dùng được nữa. Thay vào đó là những phi cơ Mig 21 do Nga mới viện trợ đưa từ Hà Nội và Ðà Nẵng vào. Bộ đội được học tập để chuẩn bị cho cuộc chiến xâm lăng và chiếm đóng, gồm có những bài học "Phương pháp giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam", "Chín điều qui định đối với lực lượng võ trang chiến đấu tại biên giới Tây Nam", "Công tác địch vận", và "Sáu điều kỷ luật về công tác dân vận quốc tế". Cuối tháng 12 năm 1978, về quân sự, Việt Nam đã sẵn sàng.

Tuy Việt Nam quyết định sẽ mở cuộc tấn công qui mô trên toàn tuyến biên giới vào những ngày cuối năm, nhưng ngày giờ xuất phát từ Pleiku, Ban Mê Thuột, Tây Ninh hay Hà Tiên không xảy ra đồng thời, và cho đến nay, ngoài bộ chỉ huy đầu não của CSVN hay bộ tổng tham mưu quân đội, không ai biết chắc về mục tiêu ban đầu của cuộc tổng tấn công. Có lẽ mới đầu Việt Nam chỉ muốn chiếm đóng phần đất phiá đông sông Cửu Long, cố gắng giải thoát Sihanouk, đặt ông này vào chức vụ chủ tịch Mặt Trận để lãnh đạo cuộc chiến lật đổ Pol Pot. Vì thế, ngày 2-1-1979, một toán đặc công vượt sông Cửu Long đến Nam Vang định bắt cóc Sihanouk. Toán đặc công này bị phát giác và tiêu diệt. Ngoài ra, sau khi chiếm phần lãnh thổ phía đông sông Cửu Long của Campuchia ngày 4-1-1979, đà tấn công của quân Việt Nam đã lơi đi trong nhiều giờ, có lẽ để chờ lệnh từ Hà Nội. Một ủy viên trong ban thường vụ Mặt Trận Giải Phóng Campuchia là Chia Soth tiết lộ với Stephen Haden năm 1981:"Chúng tôi chỉ định chiếm phân nửa lãnh thổ bên này sông Cửu Long, còn nửa bên kia để lại cho Pol Pot". Một ủy viên khác, Heng Samin cũng tiết lộ: "Nhưng rồi khi chúng tôi tấn công và truy kích, thấy dễ dàng quá, chúng tôi cứ tiến mãi".

Tuy ở một tình thế chính trị và ngoại giao khó khăn, Việt Nam tin vào khả năng quân sự và tuyên truyền của mình nên quyết định cuộc hành quân phải thần tốc để đặt dư luận thế giới trước một sự đã rồi. Vì thế, họ huy động một quân số tới gần hai trăm ngàn quân, sử dụng ba trong bốn quân đoàn chính qui, và một lực lượng yểm trợ hùng hậu gồm đủ hải quân, không quân, thiết giáp, hoả tiễn.... Lê Đức Thọ giám sát tổng quát cuộc hành quân. Lê Đức Anh làm tư lệnh chiến dịch hay còn gọi là tư lệnh "đội quân tình nguyện".

Cuộc tấn công chính thức bắt đầu 12 giờ khuya đêm Giáng Sinh 1978, khi Chu Huy Mân, tổng cục trưởng tổng cục chính trị bắn phát súng xuất quân tại Ban Mê Thuột, nhưng trên thực tế, đã mở màn từ hôm trước, khi sư đoàn 2 cùng trung đoàn chủ lực tỉnh Tây Ninh mở cuộc tấn công cố đánh bật các trung đoàn 23 thuộc sư đoàn 304 và trung đoàn 13, sư doàn 221 của Campuchia khỏi các vị trí dọc tỉnh lộ 13 sát biên giới.

Theo kế hoạch, quân Việt Nam tràn qua biên giới bằng nhiều hướng. Từ vùng cao nguyên, các đơn vị của quân khu V và quân đoàn 3 Tây Nguyên do tướng Kim Tuấn chỉ huy đánh dọc quốc lộ 19 và 14 chiếm Stung Treng và lãnh thổ đông bắc Campuchia. Tướng Kim Tuấn từng là tư lệnh sư đoàn 320-B năm 1975. Quân đoàn 3 gồm các sư đoàn 10, 320, 31... có thể đã được các đơn vị Việt Nam trú đóng bên Lào giúp đỡ. Ngày 3-1-1979, quân Việt Nam chiếm được Stung Treng.

Mũi tấn công thứ hai xuất phát từ mặt bắc tỉnh Tây Ninh, gồm những sư đoàn cơ hữu của quân khu VII như sư đoàn 303, 302, 5, được tăng cường thêm một số đơn vị của quân đoàn 3 như lữ đoàn 12 thiết giáp, cùng những trung đoàn chủ lực các tỉnh Tây Ninh, Long An, Sông Bé, các trung đoàn 262 pháo binh, trung đoàn 26 thiết giáp, tiến quân theo quốc lộ 13 và quốc lộ 7 đánh vào Kratié và Kompong Cham.

Hướng thứ ba là hướng tấn công chủ yếu do các sư đoàn 2, 7, 9, 341 của quân đoàn 4 cùng lữ đoàn 22 thiết giáp, lữ đoàn 24 pháo binh, lữ đoàn 25 công binh, xuất phát từ phía tây và tây nam Tây Ninh, sau khi đã tái chiếm những vị trí trên tỉnh lộ 13, tiến dọc theo trục quốc lộ 1 về hướng tây, nhằm đánh bến phà chiến lược Neak Luong. Hướng tấn công này được coi như chủ yếu vì là con đường gần nhất đi tới Nam Vang, và những sư đoàn trấn đóng khu này được coi như những sư đoàn thiện chiến nhất của quân đội Campuchia.

Hướng thứ tư, ở phiá nam, từ An Giang, Hà Tiên, được giao cho những lực lượng của quân khu IX và quân đoàn 2 hay binh đoàn Hương Giang mới được tăng phái từ quân khu IV. Binh đoàn này, do Nguyễn Hữu An tư lệnh, Lê Linh chính ủy, gồm những sư đoàn chính qui 304, 306 và 325, nhưng sư đoàn 306 được giữ lại làm "nghiã vụ quốc tế" bên Lào, cho nên binh đoàn được tăng cường thêm sư đoàn 8 của quân khu IX. Nguyễn Hữu An từng là trung đoàn trưởng sư đoàn 312 trong trận Ðiện Biên Phủ, sau này thay Hoàng Minh Thảo làm giám đốc Học Viện Quân Sự Cấp Cao. Cũng như tại mặt trận Tây Ninh, tại An Giang, quân Việt Nam chia quân tấn công hai hướng. Hướng thứ nhất do các sư đoàn 4, 330 cơ hữu của quân khu IX cùng những trung đoàn chủ lực các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp... phụ trách, theo quốc lộ 2 tiến về hướng bắc tấn công Nam Vang. Hướng thứ hai gồm sư đoàn 325 và sư đoàn 8 tiến theo duyên hải về hướng tây đánh chiếm hải cảng Kompong Som. Sư đoàn 304 làm trừ bị, có thể được tăng cường cho quân đoàn 4 tấn công Nam Vang.

Sau ba ngày tấn công, tại hướng chủ yếu Tây Ninh, quân đoàn 4 với sự yểm trợ hùng hậu của không quân, trực thăng võ trang, pháo binh, hải quân, thiết giáp.., đã đánh bật được quân Campuchia ra khỏi các vị trí Năm Căn, Hoà Hội dọc theo tỉnh lộ 13, và các đơn vị của các sư đoàn 703, 340, 221 Campuchia phải rút về thành lập một tuyến phòng thủ mới tại Svayrieng. Nhưng sau khi bị đánh thua ở Tây Ninh, quân Campuchia đã bị mất tinh thần. Hơn nữa, khi phải chấp nhận một trận đánh qui ước với một địch thủ mà hỏa lực, quân số và kinh nghiệm chiến trường trội hơn quá nhiều, quân Campuchia tan rã nhanh chóng. Tuyến phòng thủ Svayrieng bị vỡ ngày 2-1-1979, và quân Campuchia lại phải rút về Preyveng và Neak Luong. Quân Việt Nam ráo riết truy kích bằng ba cánh. Sư đoàn 7 và sư đoàn 2 làm nỗ lực chính di chuyển theo quốc lộ 1, sư đoàn 9 tiến song song bảo vệ sườn phía nam, và sư đoàn 341 bảo vệ sườn phía bắc. Tới ngày 6-1-1979, những đơn vị đầu tiên của sư đoàn 7 chiếm được bờ phía đông của bến phà Neak Luong. Quân Campuchia trong khi rút lui vội vã đã không kịp thiết lập công sự phòng thủ. Ðêm hôm đó, cách bến phà khoảng hai cây số về phía nam, trung đoàn 113, trung đoàn 14 của sư đoàn 7 được tàu đổ bộ đưa sang bên kia sông, tiến chiếm luôn bờ phía tây của bến phà.

Sớm hôm sau, 7-1-1979, toàn bộ đội hình quân đoàn 4 rầm rộ vượt sông. Do sự tan rã nhanh chóng của lực lượng phòng thủ biên giới và ước tính chủ quan của Pol Pot, con đường từ Neak Luong về Nam Vang dài hơn năm chục cây số thênh thênh mở rộng, không còn lực lượng chống đối nào đáng kể. Quân Việt Nam, với xe tăng mở đường, ào ào tiến về Nam Vang bằng xe vận tải. 11 giờ sáng 7-1, đơn vị đầu tiên của Việt Nam vào đến Nam Vang, lúc đó đã là thành phố bỏ ngỏ. Những người duy nhất còn ở lại là đại sứ Ai Lao Khampha Vilachit với vài ba nhân viên sứ quán của ông ta.

Tại hướng tây bắc Tây Ninh, quân Việt Nam phát xuất từ những vị trí đã chiếm đóng từ tháng 11-1978 ở Snoul và Mimot bắt đầu cuộc tấn công ngày 30-12-1978. Sư đoàn 5 và sư đoàn 303 di chuyển dọc theo quốc lộ 13 về hướng bắc tấn công Kratié do sư đoàn 260 và 2 trung đ oàn địa phương Campuchia của đặc khu 505 phòng thủ. Ba ngày sau quân Việt Nam chiếm Kratié. Lúc đó, sư đoàn 302 tiến về phía tây đã chiếm được Kompong Cham. Hai sư đoàn 302 và 303 cùng quay lại đánh chiếm thị xã Chhlong đang do sư đoàn 603 Campuchia chống giữ. Ngày 4-1-1979, họ chiếm được Chhlong. Kể từ lúc đó, toàn bộ lãnh thổ Campuchia ở phía đông sông Cửu Long coi như bị mất.

Tại mặt trận phía nam, quân Việt Nam chỉ bắt đầu vượt biên giới ngày 3-1-1979 và từ An Giang, tấn công làm hai hướng. Sư đoàn 325 và sư đoàn 8 tiến về phía tây, dọc theo quốc lộ 2. Ngày 9-1, sau khi đánh tan sư đoàn 230, họ chiếm được Kampot. Ngày hôm sau, với sự trợ lực của hải quân, cánh quân này chiếm được quân cảng Ream và hải cảng Kompong Som. Hướng thứ hai, do quân khu IX phụ trách, tiến về phía bắc đánh chiếm hai thị xã Tani và Takeo. Các sư đoàn Campuchia trấn giữ quân khu Tây Nam như sư đoàn 2, 210, 230, 250, bị tan rã và rút lui vào rừng.

Sự thất thủ Nam Vang ngày 7-1-1979 đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Pol Pot. Quân Việt Nam không ngừng lại ở Nam Vang mà nhanh chóng tiến về phía tây. Trên đường tiến, họ bỏ qua các ổ kháng cự nhỏ của quân Khmer Ðỏ. Chỉ trong hai tuần sau, quân Việt Nam tiến sát tới biên giới Thái Lan và chiếm đóng hết những thị xã lớn, những tỉnh lỵ quan trọng của Campuchia. Dù cho lực lượng hai bên có chênh lệch ngay từ đầu, sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Campuchia vẫn làm ngạc nhiên nhiều người, kể cả những cấp lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam. Vì thế mà họ đã không chuẩn bị kịp việc tiếp vận cho một địa bàn quân sự quá lớn. Nhiều xe tăng đã bị bỏ lại và bắn cháy trên đường tiến về hướng tây chỉ vì hết xăng giữa đường.

Chiến thắng này cũng bất ngờ với 66 đại biểu Campuchia được Việt Nam triệu tập đang họp ở Mimot ngày 5-1-1979 để bàn việc thành lập một đảng cộng sản Campuchia mới. Ðảng này lấy lại danh xưng Ðảng Nhân Dân Cách Mạng có từ 1951. Pen Sovan, một cán bộ Campuchia tập kết về Hà Nội năm 1954, đang mang quân hàm thiếu tá trong quân đội Việt Nam, được cử giữ chức chủ tịch đảng. Những ủy viên thường vụ của đảng gồm Hun Sen, Bou Thang, Chas Kiri, Heng Samin, Chea Soth. Ngày 8-1-1979, đài phát thanh Nam Vang loan báo Nam Vang đã được giải phóng bởi "những lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia". Một hội đồng cách mạng được thành lập do Heng Samrin làm chủ tịch.

Khoảng mười ngày sau, hội đồng này ký một hiệp ước với Việt Nam, hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội nước này trên đất Campuchia.

Đạt được chiến thắng về quân sự, nhưng Việt Nam bị thất bại về ngoại giao. Mười năm sau, dù đã bằng lòng rút quân khỏi Campuchia, Việt Nam vẫn là quốc gia lẻ loi nhất thế giới về ngoại giao. Chính quyền Heng Samrin, dù không tàn ác như Pol Pot, chỉ là một chính quyền bù nhìn, không được thế giới công nhận. Hai ngày trước khi Nam Vang thất thủ, sau khi đã mất phần đất phía đông sông Cửu Long, do lời khuyên của Trung Quốc, Pol Pot cho mời Sihanouk đang bị giam lỏng đến và nhờ ông này đại diện Campuchia tại ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc để tố cáo và lên án hành động xâm lăng của Việt Nam. Ngày hôm sau, 6-1-1979, Sihanouk đáp chuyến bay Boeing 707 của Cục Hàng Không Dân Dụng Trung Quốc cùng các nhân viên của hai tòa đại sứ Trung Quốc và Nam Tư di tản sang Vọng Các. Vì thiếu chỗ, hai viên đại sứ phải nhường chỗ cho nhân viên rồi tự mình di chuyển đi Battambang bằng đường bộ.

Sáng ngày 7-1-1979, tin về quân đội Việt Nam đang vượt bến phà Neak Luong gây rối loạn trong thành phố Nam Vang. Toàn thể dân cư Nam Vang, gồm viên chức, cán bộ hay binh lính chỉ kịp rời thành phố bằng xe hơi hay xe lửa chạy về hướng tây khoảng một giờ đồng hồ, trước khi quân Việt Nam kéo đến. Ieng Sary cũng ở trong đám người này. Còn Pol Pot, Nuon Chia, Khieu Samphan, Son Sen trốn vào mật khu. Bốn ngày sau, Ieng Sary mới tới biên giới Thái Lan. Tại đây, Ieng Sary lên một máy bay của không quân Thái bay tới Vọng Các, và từ đó, sang Bắc Kinh.

Trong cuộc tiếp xúc với Ieng Sary ở Bắc Kinh ngày 13-1, Ðặng tiểu Bình không giấu được giận dữ. Ông ta trách cứ Khmer Ðỏ đã đẩy chiến dịch thanh lọc hàng ngũ đi quá trớn. Ông cũng nhắc lại thí dụ cộng sản Trung Quốc đã hợp tác với Quốc Dân Ðảng trong chiến tranh kháng Nhật, và khuyến cáo Khmer Ðỏ phải trọng dụng Sihanouk, tạm thời che giấu bản chất cộng sản, bắt đầu đề cao lòng ái quốc và chủ nghiã quốc gia.

Campuchia đã bị mất, Thái Lan trở nên một địa bàn chiến lược quan trọng để Trung Quốc có thể giúp đỡ cho Khmer Ðỏ tiếp tục chiến đấu. Ngay sau khi họp xong với Ieng Sary, Ðặng Tiểu Bình bí mật cử Geng Biao, ủy viên bộ Chính Trị, cùng thứ trưởng Ngoại giao Hàn Niệm Long sang Vọng Các hội đàm với thủ tướng Thái Kriangsak tại căn cứ không quân Utapao. Sau khi Việt Nam liên minh với Nga Xô và xâm lăng Campuchia, Thái Lan không còn giữ thái độ trung lập được nữa, Kriangsak đồng ý để Trung Quốc dùng lãnh thổ Thái Lan tiếp tế cho Khmer Ðỏ.

Trong khi đó, tại Nữu Ước, sau gần mười năm vắng bóng trên chính trường, ông hoàng Sihanouk tái xuất hiện, đại diện Campuchia đọc diễn văn trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong một bài diễn văn cảm động, ông lên án cả hành động xâm lăng của Việt Nam lẫn chế độ bạo tàn Pol Pot. Ông yêu cầu đại hội đồng ra nghị quyết buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia. Dù được đại đa số đại biểu tán thành, nghị quyết này bị Nga Xô phủ quyết. Sau khi dự đại hội đồng, Sihanouk bí mật rời khách sạn, đến gặp đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Andrew Young, yêu cầu được tỵ nạn chính trị.

Yêu cầu của Sihanouk đã gây ít nhiều khó khăn cho Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc chỉ có hai tuần, và Ðặng Tiểu Bình sắp sang thăm thân hữu Hoa Kỳ. Do đó, Hoa Kỳ tỏ vẻ ngần ngại. Trong khi đó, Pháp bằng lòng để Sihanouk định cư, nhưng lại cấm ông ta hoạt động chính trị. Người giúp giải quyết vấn đề tế nhị đó là Ðặng Tiểu Bình. Ông ta thuyết phục Sihanouk là Trung Quốc luôn luôn là bạn tốt của Sihanouk, và sẽ cảm thấy bị mất mặt nếu Sihanouk không chịu qua sống ở Trung Quốc. Ông bảo đảm với Sihanouk quyền tự do đi lại, và hứa áp lực với Khmer Ðỏ để hỏi thăm tin tức về những người con mất tích của ông. Cuối cùng Sihanouk đồng ý.

Trở lại chiến trường Campuchia, vì quân Việt Nam tiến chiếm toàn lãnh thổ Campuchia quá nhanh nên quân Campuchia chỉ bị tan rã chứ chưa bị tiêu diệt hẳn. Nhiều đơn vị đã tập trung lại thành những đơn vị nhỏ, tiếp tục đánh du kích và quấy phá.

Sau khi quân đoàn 4 Việt Nam chiếm được Nam Vang, các đơn vị của quân đoàn 3 và quân khu VII cũng vượt sông Cửu Long tiến chiếm và bình định lãnh thổ phiá bắc Biển Hồ và sông Tonlé Sap. Quân đoàn 2 và các sư đoàn quân khu IX sau khi chiếm vùng duyên hải cũng tiến dọc theo quốc lộ 4 về hướng bắc. Mấy ngày sau khi Trung Quốc tiến đánh biên giới Việt-Hoa, quân đoàn 2 rút về bảo vệ Hà Nội. Việt Nam bắt đầu tổng động viên, một số trung đoàn độc lập được tăng cường và đôn lên thành cấp sư đoàn, như trung đoàn Gia Ðịnh 1 và 2, Quyết Thắng 1 và 2, trở thành các sư đoàn 317, 318, để gửi sang tăng cường mặt trận Campuchia. Trách nhiệm chính trong công tác hành quân vẫn là các đơn vị của quân đoàn 4. Một phần vì đa số cán bộ cũng như binh sĩ những đơn vị này đã quen thuộc với địa thế chiến trường Campuchia từ thời chiến tranh Ðông Dương 2. Phần khác vì những vị trí và mật khu quan trọng của Khmer Ðỏ đều nằm trong vùng trách nhiệm của quân đoàn 4 và các đơn vị quân khu VII.

Trận đánh quan trọng đầu tiên trong chiến dịch bình định diễn ra tại Kompong Speu, trên quốc lộ 4 nối cảng Kompong Som với Nam Vang, cách Nam Vang khoảng 50 cây số. Thị xã này, sau khi quân Campuchia di tản vội vã, đã do trung đoàn 10 thuộc sư đoàn 339 của Việt Nam chiếm đóng. Nhưng ít ngày sau, các lực lượng còn lại của các sư đoàn Campuchia 703, 340, 221 từ tuyến phòng thủ Svayrieng chạy về đã tập trung lại và dự định tái chiếm thị xã. Ðược tin, bộ tư lệnh quân đoàn 4 điều động sư đoàn 341 đến tăng cường. Trận đánh bắt đầu ngày 21-1 đến ngày 7-2-1979 mới kết thúc. Dù bị tổn thất nặng, quân Việt Nam vẫn giữ được Kompong Speu, các lực lượng của 3 sư đoàn Campuchia bị tan rã, từ đó chỉ còn là những nhóm nhỏ tiếp tục đánh du kích.

Giữ vững Kompong Speu, bảo đảm được giao thông trên quốc lộ 4, quân Việt Nam tiến đánh căn cứ Amleng, nơi mà bộ chỉ huy quân sự của Pol Pot từ Nam Vang rút về trú đóng. Căn cứ này nằm trong một vùng rừng núi hiểm trở, cách Nam Vang khoảng 100 cây số đường chim bay về phía tây nam. Lực lượng tấn công gồm sư đoàn 2, sư đoàn 7, sư đoàn 9 của quân đoàn 4, được tăng cường thêm sư đoàn 5 của quân khu VII. Sau hai tuần tấn công, căn cứ Amleng bị tràn ngập và quân Việt Nam mở chiến dịch đánh chiếm thị xã Leach.

Leach là một thị xã nhỏ nằm gần quốc lộ số 5 là con đường từ Nam Vang đi Battambang, cách biên giới Thái Lan khoảng tám chục cây số. Trước ngày 7-1-1979, Leach được Khmer Ðỏ sử dụng làm căn cứ tiếp liệu. Ngay sau khi Nam Vang thất thủ, do quân Việt Nam chưa có đủ thì giờ để chiếm đóng hết các vị trí, Khmer Ðỏ dự định biến Leach thành một căn cứ phản công. Phần lớn những lực lượng còn lại được tập trung tại đây. Tuy quân số mang tiếng là gồm nhiều sư đoàn (264, 210, 104, 502, 260, 460), nhưng trên thực tế, mỗi sư đoàn chỉ có chưa tới một ngàn binh sĩ. Lực lượng phòng thủ cũng chỉ có vài khẩu pháo 105 ly và vài xe thiết giáp.

Ðể tấn công Leach, quân Việt Nam đã sử dụng một lực lượng lớn và tấn công làm bốn hướng:

- Hướng thứ nhất, do sư đoàn 341 thay thế sư đoàn 330 giải toả quốc lộ số 5, đánh chiếm thị xã Pursat để từ đó đánh vào mặt bắc của Leach.

- Hướng thứ hai do sư đoàn 9 từ căn cứ Amleng mới chiếm được đánh vào phía đông.

- Hướng thứ ba do quân khu IX phụ trách được tàu đổ bộ chở đến tỉnh Kokong, từ đó, tấn công mặt nam.

- Hướng thứ tư, do sư đoàn 31 từ biên giới Thái Lan theo tỉnh lộ 56 đánh ngược về mặt tây của Leach.

Vì là trận quyết định, nên trận đánh kéo dài trên một tháng. Sư đoàn 341 bị tổn thất nặng trong khi giải tỏa đường số 5 và thị xã Pursat. Sau nhiều đợt tấn công khốc liệt, căn cứ Leach của Khmer Ðỏ bị sư đoàn 9 chiếm ngày 29-4-1979. Trận đánh tại căn cứ Leach là trận đánh có qui mô lớn cuối cùng trên đất Campuchia.

Sau khi Leach bị mất, các đơn vị còn lại của Khmer Ðỏ rút về các mật khu ở Pailin và Taxang sát biên giới Thái Lan. Một số khác phân tán thành những đơn vị nhỏ tiếp tục đánh du kích. Vì lòng thù hận và mối nghi kỵ lâu đời giữa hai dân tộc, và vì thái độ hống hách của các cán bộ lãnh đạo chính trị và quân sự của Việt Nam ở Campuchia, nên đội quân tan nát của một chính thể tàn bạo như Khmer Ðỏ vẫn còn khả năng quấy phá buộc Việt Nam, dù đang ở trong tình trạng kinh tế tồi tệ, phải duy trì một đạo quân chiếm đóng lên tới khoảng hai trăm ngàn quân kéo dài gần mười năm sau đó để cuối cùng vẫn phải rút về khi đế quốc cộng sản Nga Xô tan rã.

MỐI QUAN HỆ

ĐẶC BIỆT

Đầu năm 1979, quân đội CSVN coi như đã đánh bại Khmer Đỏ và chiếm đóng hầu hết lãnh thổ Campuchia. Để tính kế lâu dài, những nhà lãnh đạo CSVN lập nên một đảng cộng sản Campuchia mới, một chính quyền mới, gồm toàn những người do họ lựa chọn. Tuy không bao giờ nhắc lại danh hiệu "liên bang Đông Dương", nhưng hiển nhiên Việt Nam muốn lập nên một chính quyền Campuchia tùng phục mình kể cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự... giống như những nước Đông Âu tùng phục Nga Xô.

Trong thời gian này, phong trào cộng sản lan tràn khắp mọi nơi trên thế giới. Tại Phi Châu, Mengitsu đảo chánh lên nắm quyền ở Ethiopie. Tại Mỹ Châu, các phong trào nổi loạn phát triển mạnh ở El Salvadore, Nicaragua, Guatemala... Tại miền Tây Á, cuối năm 1979, Nga Xô tiến quân xâm chiếm Afghanistan, đe dọa vùng dầu hỏa Trung Đông. Những diễn biến kể trên khiến những lãnh tụ già nua của cộng đảng Việt Nam càng tin tưởng vào sự ưu việt của chủ nghĩa Mác-Lê nin, càng tin vào khí thế của "ba dòng thác cách mạng" và càng tin vào sức mạnh của Nga Xô. Vì thế, họ đã ngang nhiên thách thức Trung Quốc, ghi ngay trong Hiến Pháp năm 1982 câu Trung Quốc là kẻ thù lâu đời. Họ cũng coi thường dư luận thế giới, tuyên bố việc quân đội CSVN chiếm đóng đất Campuchia là một điều "không thể đảo ngược".

Tuy nhiên, sự tràn lan của phong trào cộng sản vào những năm thập niên 70 chỉ như một ngọn lửa bùng cháy trước khi tàn lụi. Kể từ 1985, phong trào cộng sản bắt đầu suy yếu và đế quốc Nga Xô bắt đầu có triệu chứng tan rã. Sự tan rã này đã gây chấn động cho đảng CSVN và họ đã bị bắt buộc phải thay đổi chính sách, nhất là về đối ngoại. Đối với Campuchia, họ đã phải đảo ngược chính sách "không thể đảo ngược" của họ và đối với Trung Quốc, thái độ của những lãnh tụ CSVN từ ngang nhiên thách thức trở nên qụy lụy cầu cạnh.

Sau khi lật đổ chính quyền Pol Pot, người được giao trách nhiệm giám sát tổng quát việc chiếm đóng Campuchia là Lê Đức Thọ. Tuy đảng cộng sản và chính phủ Campuchia đã được thành lập, nhưng thực quyền nằm trong tay cán bộ CSVN. Họ lập ra những nhóm công tác để cố vấn chính quyền Campuchia điều hành mọi công việc từ trung ương đến địa phương.

Nhóm B.68 phụ trách cố vấn chính trị về đảng mới đầu do Lê Đức Thọ. Năm 1982, Lê Đức Thọ trở về Việt Nam sửa soạn đại hội đảng thì Trần Xuân Bách lên thay đến 1985. Nhóm thứ hai A.40 phụ trách cố vấn hành chánh chính quyền trung ương và nhóm thứ ba, A.50, cố vấn hành chánh cấp tỉnh. Người phụ trách lo về quân sự là Lê Đức Anh, tư lệnh "quân tình nguyện".

Đảng cộng sản Campuchia, dưới tên Đảng Nhân Dân Cách Mạng Campuchia (viết tắt là KPRP) được Việt Nam giúp thành lập thay cho đảng cộng sản của Pol Pot ngay sau khi quân Việt Nam vào Nam Vang. Chức tổng bí thư được giao cho Pen Sovan, một cán bộ Campuchia tập kết sang Việt Nam năm 1954 đang giữ chức trưởng ban tiếng Khmer của đài phát thanh Việt Nam. Các ủy viên gồm Heng Samrin, Hun Sen, Bou Thang, Chia Sim...Trong báo cáo chính trị đọc tại Đại Hội của Đảng này năm 1981, đảng gián tiếp công nhận vai trò đàn anh của Việt Nam bằng cách nhấn mạnh việc tăng cường tình đoàn kết với Việt Nam, Nga Xô và Lào.

Thời gian này, vì tài nguyên vật lực cũng như nhân lực của Campuchia kiệt quệ, các công việc hành chánh từ cấp trung ương đến cấp tỉnh hoàn toàn do cán bộ Việt Nam lấn lướt. Điều này khiến cán bộ Việt Nam trở nên kiêu ngạo. Đứng đầu là Lê Đức Thọ. Ông ta hành xử như một thái thú, triệu tập chủ tịch nhà nước, tổng bí thư đảng cộng sản Campuchia...đến tư dinh phê bình, trách móc như những nhân viên thuộc cấp.

Một vụ lấn quyền quan trọng đã xảy ra ở Siem Reap, khi bộ đội CSVN bắt được một cán bộ Khmer Đỏ. Lúc hỏi cung, người này khai ra số đồng bọn gồm những viên chức quan trọng trong đảng và chính quyền tỉnh, kể cả viên bí thư tỉnh ủy. Không cần điều tra kỹ lưỡng, cán bộ quân báo Việt Nam thuộc cục C2 đến bắt giữ hết những người này. Viên tỉnh ủy tức quá tự tử. Sau vụ này, CSVN phải cử Chu Huy Mân sang xin lỗi, tướng Hồ Quang Hóa, tham mưu trưởng đội quân chiếm đóng bị mất chức dù người chịu trách nhiệm chính là Lê Đức Anh. Có lẽ vì không chịu tùng phục Việt Nam, ngày 12-4-1981, Pen Sovan mất chức tổng bí thư và bị đưa về Việt Nam quản thúc. Heng Samrin lên thay.

Song song với việc tổ chức chính quyền, quân đội Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Lê Đức Anh, tư lệnh đội quân "tình nguyện", bắt đầu mở những cuộc hành quân chiếm đóng và bình định, đồng thời giúp tổ chức và phát triển quân đội Campuchia.

Sau khi Trung Quốc đưa quân đánh phá các tỉnh biên giới đầu năm 1979, Việt Nam tổng động viên, tăng cường quân số lên hơn một triệu quân. Những quân đoàn chính qui tinh nhuệ II, III, IV... từ Campuchia lần lượt được rút về nước để phòng thủ biên giới phía bắc. Công việc hành quân và bình định giao cho những sư đoàn tân lập từ những quân khu VII và IX ở miền Nam.

Về phương diện bình định và phòng thủ diện địa, quân đội Campuchia dần dần đảm trách. Chính quyền Campuchia, do sự cố vấn của Việt Nam, chia lãnh thổ ra bốn quân khu I, II, III, IV. Trong khi đó, quân Việt Nam phụ trách cơ động hành quân gọi những vùng tương ứng đó là bốn mặt trận có tên 479, 579, 779 và 979.

Lê Khả Phiêu từng là tư lệnh mặt trận 479, quan trọng nhất, nằm sát biên giới Thái, sau đó lên làm chính ủy phụ tá Lê Đức Anh. Có lúc quân số Việt Nam ở Campuchia lên tới 19 sư đoàn. Để ngăn chặn quân kháng chiến từ biên giới xâm nhập, Lê Đức Anh lập một hành lang phòng thủ gồm những hầm chông, bãi mìn gọi là khóa K5. Quân đội Campuchia cũng được Việt Nam giúp tổ chức, huấn luyện và trang bị từ cấp trung đoàn rồi sư đoàn (như những sư đoàn 179, 196, 266...) để giúp đỡ trong công tác bình định.

Dĩ nhiên, sau bài học đắt giá tấn công biên giới Việt Nam đầu năm 1979, Trung Quốc đã không chịu ngồi yên. Tuy không hẳn sẽ có một "liên bang Đông Dương", nhưng một liên kết chiến lược của ba nước Việt-Miên-Lào là một xúc phạm lớn cho uy tín Đại Hán của Trung Quốc. Đồng thời, sự hiện diện của hải quân và không quân Nga Xô ở Cam Ranh đe dọa nặng nề đến an ninh lãnh thổ của họ. Hơn thế nữa, cuối năm 1979, Nga Xô đã ào ạt xua quân vào chiếm đóng Afghanistan, tạo thêm sự đe dọa từ hướng tây. Trung Quốc đã quyết định đối phó với Việt Nam bằng một cuộc "chiến tranh đa diện" qua nhiều biện pháp chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự..., trong đó việc sử dụng đám tàn quân Pol Pot là một trong những nỗ lực chính.

Về chính trị, một mặt, họ lên án chính sách xâm lấn của Nga Xô mà Việt Nam là công cụ. Họ ve vãn các nước ASEAN, lôi kéo vào một liên minh chống lại Nga Xô. Mặt khác, họ dùng những chính khách bị thất thế như Hoàng Văn Hoan, Trương Như Tảng, Khong Le (của Ai Lao) để tạo nên những chia rẽ nội bộ.

Về kinh tế, một mặt họ cộng tác với những quốc gia khác phong tỏa kinh tế Việt Nam, một mặt duy trì áp lực quân sự để tiêu hao tài nguyên nhân lực và vật lực của Việt Nam và Nga Xô. Trên biên giới phía Bắc Việt Nam, Trung Quốc thường xuyên duy trì một quân số trên 200 ngàn quân, luôn luôn đe dọa là sẽ có một bài học thứ hai và thỉnh thoảng lại pháo kích qua biên giới.

Tuy nhiên, nỗ lực chính để Trung Quốc làm cho Việt Nam kiệt quệ là sự giúp đỡ đám tàn quân Khmer Đỏ kéo dài cuộc chiến tranh phá hoại và tiêu hao. Ngay sau khi quân Pol Pot chạy về những vùng rừng núi sát biên giới Thái, Trung Quốc và Thái Lan đã ký mật nghị cho phép Trung Quốc chuyên chở vũ khí, tiếp liệu quân sự cho quân Pol Pot qua ngả Thái Lan. Để mọi người quên dần tội ác của họ, Pol Pot rút lui vào phía sau, cho Khieu Samphan đứng tên làm chủ tịch và đổi tên đảng cộng sản Campuchia thành đảng Dân Chủ Campuchia.

Ngoài lực lượng Khmer Đỏ, Thái Lan cũng cùng các nước ASEAN ủng hộ hai lực lượng khác chống Việt Nam. Lực lượng thứ nhất là Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia của Nhân Dân Campuchia (viết tắt tiếng Anh là KPNLF) đứng đầu bởi cựu thủ tướng Son Sann và tướng Dien Del. Lực lượng thứ hai là những người trung thành với Sihanouk, được gọi là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất chủ trương một nước Campuchia Độc Lập, Trung Lập, Hòa Bình và Hợp Tác (viết tắt tiếng Pháp FUNCINPEC). Lực lượng này do người con lớn của ông Hoàng Sihanouk là Ranariddh đứng đầu.

Cả ba mặt trận chống lại Việt Nam và chính quyền Heng Samrin đều có mật khu ở sát biên giới Thái Lan. Cả ba đều tuyển mộ binh lính từ các trại tỵ nạn sát biên giới. Lực lượng Khmer Đỏ nhận tiếp liệu quân sự từ Trung Quốc trong khi hai lực lượng không cộng sản nhận viện trợ võ khí từ các nước ASEAN. Họ hoạt động với những đơn vị nhỏ từ tiểu đội đến đại đội, tổ chức những vụ phục kích, chận đường, phá hoại đường xá cầu đường, ám sát những viên chức, pháo kích và tấn công những đồn bót xa xôi. Dù họ chỉ hoạt động mạnh ở những tỉnh phía tây, nhưng những trục đường phía đông thỉnh thoảng cũng bị đặt mìn, chận xét... Số thương vong của đoàn quân chiếm đóng trong vòng mười năm có thể đã lên tới gần năm chục ngàn người.

Để cuộc chiến chống Việt Nam hữu hiệu hơn, các quốc gia ASEAN cũng như Trung Quốc đã thúc đẩy cả ba lực lượng kết hợp lại thành một mặt trận kháng chiến duy nhất. Nhưng công việc hợp nhất cả ba lực lượng rất khó khăn. Cựu thủ tướng Son Sann vốn không ưa ông Hoàng Sihanouk và cả hai lực lượng không cộng sản đều không muốn cộng tác với Khmer Đỏ. Tuy nhiên, Khmer Đỏ lại có lợi thế là được Trung Quốc ủng hộ, trên pháp lý vẫn là đại diện trong Liên Hiệp Quốc và là lực lượng có kỷ luật và khả năng chiến đấu cao nhất.

Do thúc đẩy của các quốc gia đỡ đầu, ba lực lượng chống Việt Nam kể trên, sau nhiều lần thảo luận và gặp gỡ tại Vọng Các, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng..., cuối cùng đã đồng ý kết hợp thành một Chính Phủ Liên Hiệp Campuchia Dân Chủ (viết tắt CGDK) vào ngày 22-6-1982, theo đó, chủ tịch nước là ông Hoàng Sihanouk, phó chủ tịch đặc trách ngoại giao là Khieu Samphan và thủ tướng là Son Sann. Ba thành phần này thỉnh thoảng họp một lần ở những mật khu sát biên giới nhưng các cuộc họp thường để tranh luận và chỉ trích nhau.

Trong những năm đầu thập niên 80, vì thế lực của Nga Xô chưa tỏ lộ những nét suy yếu nên lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Campuchia rất cứng rắn. Họ tuyên bố chỉ rút quân khỏi Campuchia khi nào không còn một sự đe dọa nào từ bên ngoài. Một mặt duy trì sự chiếm đóng, một mặt tấn công ngoại giao, tháng 7-1980, Việt Nam, nhân danh cả ba nước Việt-Miên-Lào đề nghị ký những thỏa ước song phương hay đa phương sống chung hòa bình, bất tương xâm, không liên kết với Thái Lan hay những nước láng giềng khác. Đề nghị này cũng kêu gọi thiết lập một vùng phi quân sự dọc theo biên giới Thái và Campuchia nhưng bị Thái Lan từ khước. Năm sau, 1981, Việt Nam lại đưa một đề nghị khác nhằm mục tiêu quốc tế hóa vấn đề Campuchia, liên kết vấn đề Việt Nam chiếm Campuchia với việc Thái Lan và Trung Quốc giúp đỡ những lực lượng chống đối. Theo đề nghị đó, sẽ có một hội nghị giữa các nước trong vùng để thảo luận về liên hệ của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc và Thái Lan với vấn đề Campuchia. Trong đề nghị mới này, Việt Nam hứa sẽ rút một phần quân chiếm đóng nếu Thái Lan ngưng giúp quân kháng chiến và Liên Hiệp Quốc ngưng công nhận chính quyền Khmer Đỏ.

Không ai để ý tới đề nghị của Việt Nam nên năm sau, 1982, Việt Nam tỏ ra mềm dẻo hơn, hứa sẽ rút về một phần quân số nếu Thái Lan ngưng giúp đỡ quân kháng chiến và chính quyền Heng Samrin sẽ không đòi ghế đại diện tại Liên Hiệp Quốc dù cho đại diện Khmer Đỏ có bị trục xuất khỏi cơ quan này. Thái Lan vẫn làm ngơ với đề nghị này. Hai năm sau nữa, vì tình trạng an ninh tồi tệ tại các tỉnh phía tây Campuchia, Việt Nam tập trung một quân số nhiều sư đoàn đồng lọat tấn công vào mật khu của các lực lượng kháng chiến. Các mật khu này sau khi bị pháo tan nát đã bị tràn ngập, cả ba lực lượng chống đối đều tổn thất nặng. Tin là khả năng các lực lượng kháng chiến đã suy yếu, năm 1985, thủ tướng Hun Sen tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Sihanouk và Son Sann. Hun Sen cũng đề nghị từng bước tiến đến việc rút quân Việt Nam và bầu cử tự do với sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.

Trong thời gian đó, Trung Quốc vẫn chỉ coi Việt Nam như là một quân cờ của Nga Xô nên không thèm đàm phán thẳng với Việt Nam. Họ coi vấn đề Việt Nam chiếm đóng Campuchia chỉ là một yếu tố để thảo luận và giải quyết trên một bình diện rộng lớn hơn. Đó là quan hệ giữa Nga Xô và Trung Quốc.

Kể từ 1982, Trung Quốc và Nga Xô đã có những cuộc hội đàm nhằm bình thường hóa bang giao giữa hai nước. Nhưng những cuộc hội đàm đó đã không đi đến đâu. Trong quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc lúc đó có ưu thế nên đã đặt nhiều điều kiện để Nga Xô có thể bình thường hóa ngoại giao với họ. Họ gọi những điều kiện đó là "ba trở ngại" mà Nga Xô phải giải quyết. Trở ngại thứ nhất là chấm dứt những hành động gây hấn ở biên giới Trung-Xô. Trở ngại thứ hai là vấn đề Campuchia và trở ngại thứ ba là vấn đề Afghanistan.

Riêng về "trở ngại Campuchia", Trung Quốc đưa ra những yêu sách:

- Nga Xô chấm dứt ủng hộ việc Việt Nam xâm lăng Campuchia.

- Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia. Trung Quốc sẽ bắt đầu hòa đàm với Việt Nam khi Việt Nam bắt đầu rút quân.

- Lập chính phủ liên hiệp ở Campuchia gồm tất cả bốn phe (Hun Sen, Pol Pot, Sihanouk, Son Sann).

- Bảo đảm quốc tế cho một nước Campuchia độc lập và không liên kết.

Trong thời kỳ tiền Gorbachev, khi bang giao Trung-Xô còn căng thẳng, số phận của Campuchia nằm trong tay của các cường quốc và những quốc gia láng giềng. Mỗi nước đó có một mục đích, một quyền lợi quốc gia, một ưu tiên khác nhau. Thái Lan muốn Việt Nam rút quân và Campuchia trở nên một vùng trái độn trong vòng đai an ninh của họ. Việt Nam muốn duy trì tình trạng ưu thắng và bá quyền của mình trên đất Campuchia. Riêng Trung Quốc lại muốn duy trì tình trạng dằng dai để làm Việt Nam và Nga Xô kiệt sức, đồng thời, cô lập Việt Nam trước các nước Tây phương và Đông Nam Á.

Sau gần bảy năm sa lầy ở Campuchia với khoảng năm chục ngàn bộ đội thương vong, chính sách đối ngoại của Việt Nam bắt đầu một bước ngoặt quan trọng vào ngày 28-7-1986, khi tổng bí thư cộng đảng Nga Xô Gorbachev đọc một diễn văn quan trọng ở Hải Sâm Uy về chính sách đối ngoại mới trong vùng Thái Bình Dương, theo đó, Nga Xô muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và bằng lòng giải quyết tất cả "ba trở ngại" mà Trung Quốc đòi hỏi.

Với áp lực của Nga Xô, đại hội VI đảng CSVN họp vào tháng 12-1986 đã vội vã bầu Nguyễn Văn Linh, một người từng bị loại khỏi bộ Chính Trị năm 1982 vì tương đối cởi mở khi điều hành kinh tế miền Nam sau 1975, lên làm tổng bí thư để phát động chính sách "đổi mới", rập khuôn theo glasnov và perestroika của Nga Xô. Đồng thời, trước viễn ảnh bị Nga Xô bỏ rơi, bộ ngoại giao Việt Nam đặt ra một tổ công tác lấy ký hiệu CP-87 do Trần Quang Cơ cầm đầu nhằm nghiên cứu phương án hòa giải lại với Trung Quốc và trước hết là phải giải quyết vấn đề Campuchia. Lần đầu tiên, Việt Nam nghĩ đến chuyện rút quân và giải quyết vấn đề Campuchia để đáp ứng lại điều kiện của Trung Quốc.

Tin là Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu "vô sản quốc tế đoàn kết" lên hàng đầu nên Trung Quốc chỉ đặt điều kiện là chính phủ liên hiệp Campuchia tương lai sẽ bao gồm 4 thành phần, bộ Chính Trị CSVN còn muốn đi xa hơn, đưa ra "giải pháp đỏ", theo đó vấn đề Campuchia chỉ nên giải quyết trong khối Cộng (Trung Quốc - Việt Nam) với nhau và chính phủ liên hiệp của Campuchia chỉ có 2 thành phần cộng sản - Hun Sen và Pol Pot. CSVN nghĩ rằng Trung Quốc là một nước xã hội chủ nghĩa, sẽ thấy đó là một thắng lợi của quốc tế vô sản, và sẽ rất hài lòng với đề nghị của Việt Nam. Vì thế, dù Hun Sen cực lực phản đối giải pháp này, ngay lần đầu được gặp Giang Trạch Dân ở Thành Đô năm 1990, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã đưa ra như món quà ra mắt. Tuy nhiên, Trung Quốc chẳng những thẳng tay cự tuyệt mà còn tiết lộ đề nghị này ra ngoài để Tây phương và các nước ASEAN mất lòng tin về thiện chí hòa bình của Việt Nam.

Trước hoàn cảnh khó khăn và đơn độc, Việt Nam bằng lòng rút quân và tỏ thiện chí cầu hòa nhưng Trung Quốc vẫn gây khó dễ. Năm 1988, họ gây hấn ở Trường Sa, đánh chìm hai chiến hạm Việt Nam. Cuối năm đó, khi quan hệ Hoa Kỳ và Nga Xô cải thiện và các nước ASEAN muốn giải quyết sớm vấn đề Campuchia để rảnh tay phát triển kinh tế, Trung Quốc mới đánh tiếng mời một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam sang Bắc Kinh nói chuyện. Năm sau, sau vụ Thiên An Môn, uy tín Trung Quốc với Hoa Kỳ và Tây Âu bị giảm sút, Trung Quốc mới nghiêm chỉnh bàn thảo về vấn đề Campuchia cũng như việc cải thiện bang giao với Việt Nam.

Trong thời gian đó, đã có các cuộc hội đàm riêng rẽ và không chính thức giữa những phe phái riêng lẻ của Campuchia ở Vọng Các hoặc Kuala Lumpur, Bình Nhưỡng, Jacarta..., nhưng tất cả đều không đạt kết quả cho đến năm 1988, mới có một cuộc gặp mặt không chính thức của cả bốn phe Campuchia cùng các nước liên hệ như Việt Nam, Trung Quốc, các nước Asean, Nga Xô, Hoa Kỳ, Pháp... Tuy nhiên, những cuộc hội đàm dằng dai mãi cho đến hai năm sau, thỏa hiệp nhằm thành lập một chính phủ duy nhất cho nước Campuchia mới được ký kết.

"Thỏa ước dàn xếp chính trị toàn diện cho Campuchia" nhằm "tái lập và duy trì hòa bình ở Campuchia, thúc đẩy hòa hợp quốc gia, và bảo đảm quyền tự quyết của nhân dân Campuchia qua những cuộc bầu cử tự do công bình" được ký ở Paris ngày 23-10-1991. Ngoài chữ ký của bốn phe đối nghịch Campuchia, có chữ ký của năm nước hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, sáu nước ASEAN, Việt Nam, Lào, Nhật, Ấn Độ, Úc, Canada, Nam Tư. Theo thỏa ước. Một "Cơ Quan Thẩm Quyền Chuyển Tiếp của Liên Hiệp Quốc ở Campuchia" (United Nations Transitional Authority in Campuchia, viết tắt là UNTAC) được thành lập để tạm thời cai trị Campuchia cho đến ngày tổng tuyển cử.

Vì Nhật Bản là quốc gia chính đóng góp ngân quĩ dồi dào cho cơ quan này, một nhà ngoại giao Nhật, ông Yasushi Akashi được cử đứng đầu cơ quan, trung tướng Sanderson của Úc phụ trách về quân sự. Nhân viên cơ quan bao gồm nhiều quốc gia, nhiều quốc tịch: cảnh sát của Hung Gia Lợi và Hòa Lan, lính của Uruguay, quan tòa của Pháp, chuyên viên nhân quyền của Côte d'Ivoire, chuyên viên bầu cử của Canada, y tế của Ấn Độ, phái đoàn quan sát quân sự của Trung Quốc, Hoa Kỳ, Mã Lai, Cameroon ... Dù được lãnh lương rất cao, nhân viên UNTAC hầu như không làm được việc gì. Binh lính cả bốn phe không chịu giải giới như thỏa ước qui định, chính phủ Hun Sen kiểm soát chặt khoảng 80% dân số không chịu từ chức và nhượng quyền cai trị cho UNTAC. Nhân viên quân sự UNTAC cũng không được vào các vùng của Khmer Đỏ, của Son Sann, Sihanouk để quan sát hay làm việc.

Trong hai năm 1992 và 1993, những phong trào giết người Việt lại nổi dậy, hàng trăm người Việt bị tàn sát. Cảnh sát của Hun Sen làm ngơ trong khi binh lính và cảnh sát của UNTAC không can thiệp, thậm chí bệnh viện quân sự của Ấn cũng không chịu chăm sóc những người bị thương. Tuy nhiên UNTAC đã tổ chức được cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 5-993. Cuộc bầu cử thành công một cách đáng ngạc nhiên. Nhân dân Campuchia, sau nhiều năm bị đàn áp hy vọng có cơ hội đi bầu một chính phủ dân chủ, đã tham gia đông đảo và dù chính quyền Hun Sen dùng đủ mọi phương cách như đe dọa, ám sát, gian lận... để kiếm phiếu, kết quả đảng FUNCINPEC của Ranariddh (con Sihanouk) vẫn chiếm đa số phiếu (45%), đảng của Hun Sen được 38 %, của Son Sann được 4%.

Tuy nhiên, Hun Sen không chịu để cho Ranariddh và đảng FUNCINPEC lên nắm quyền. Ông ta tạo áp lực đòi để ông Hoàng Sihanouk làm Quốc Trưởng kiêm luôn thủ tướng vì cha con Sihanouk đã đang bất hòa với nhau. Hun Sen biết rằng Sihanouk ham chức vị, nhưng khi quân UNTAC rút đi, ông ta sẽ bị cô lập và sẽ bị Hun Sen thao túng. Sihanouk nhận lời ngay và tuyên bố sẽ đảm nhiệm cả ba chức vụ quốc trưởng, thủ tướng, tư lệnh quân đội. Khi Ranariddh phản đối để giành chức thủ tướng, một người em của Ranariddh cũng ở trong FUNCINPEC là Chakrapong ly khai, kéo theo một số hậu thuẫn chạy theo phe Hunsen. Chakrapong sau đó được gắn lon đại tướng và được một chân ủy viên bộ Chính Trị trong đảng của Hun Sen. Tình hình chỉ ổn định sau khi dàn xếp được Sihanouk làm quốc trưởng với một chính phủ liên hiệp có Ranariddh làm đệ nhất thủ tướng, Hun Sen làm đệ nhị thủ tướng. Ashaki và tướng Sanderson tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ và giải tán UNTAC. Sau khi quân LHQ rút đi, quân đội của Hun Sen thanh toán dần những vây cánh của Ranariddh và Son Sann. Kể từ đó, Sihanouk chỉ có hư vị và Hun Sen hoàn toàn nắm quyền cai trị Campuchia.

Trong khi đó, vì đế quốc Nga Xô hoàn toàn tan rã và Việt Nam đã tỏ dấu hiệu thần phục, mối đe dọa từ phía nam không còn nữa, Trung Quốc từ từ bỏ rơi Khmer Đỏ. Lực lượng này dần dần bị phân hóa. Năm 1996, Ieng Sary về đầu thú và được Sihanouk ký lệnh "khoan hồng". Ieng Sary tuyên bố là đã "bất đồng ý kiến với Pol Pot từ ngay khi đảng cộng sản Campuchia được thành lập" (?), đổ hết tất cả tội lỗi cho Pol Pot, Nuon Chea và Son Sen. Trước tình hình phân hóa của Khmer Đỏ, năm sau, phe Ranariddh ở Nam Vang mưu toan chiêu dụ rồi sau đó liên kết với Tamok để chống lại Hun Sen. Chẳng may tin này bị lộ. Hun Sen cho thuộc hạ tấn công phe Ranariddh, giết và xử tử trên 150 người. Mấy tháng sau, trong mật khu, Pol Pot cho người giết vợ chồng Son Sen. Tranh chấp nội bộ bùng nổ, Ta Mok thắng thế bắt giữ được Pol Pot. Ông ta tổ chức một phiên "tòa" ở biên giới, kết án xử Pol Pot tù chung thân về tội giết Son Sen. Nhưng Pol Pot chỉ sống thêm vài tháng rồi chết vì bệnh. Tháng tư năm 1998, quân đội chính phủ Campuchia tiến vào Anlong Veng, sào huyệt cuối cùng của Khmer Đỏ, Ta Mok cùng một số nhỏ bộ hạ chạy về biên giới Thái Lan sau đó bị bắt. Lực lượng Khmer Đỏ coi như hoàn toàn tan rã.

Từ đó, Hun Sen toàn quyền cai trị Campuchia. Đảng FUNCINPEC cũng dần dần yếu thế và Ranariddh được Hun Sen dàn xếp cho làm chủ tịch quốc hội. Còn quốc vương Sihanouk từ chức vào tháng 10-2004, một người con bà Monique là Sihamoni lên nối ngôi.

Sự tồn tại của chính quyền Hun Sen thân Việt Nam tương đối là một kết quả thuận lợi cho Việt Nam sau những dàn xếp ngoại giao nhằm vãn hồi hòa bình ở Đông Nam Á. Ngoài mặt, giữa hai chính quyền Việt Nam và Campuchia đang có mối quan hệ "thân hữu" bền chặt nhưng bên trong, sự thù hận dân Việt vẫn âm ỉ trong lòng người dân Campuchia. Dù đã có công giải phóng nhân dân Campuchia khỏi ách thống trị tàn bạo của Khmer Đỏ, nhưng chủ trương "chiếm đóng lâu dài", và cách cai trị hống hách quan liêu của các cán bộ cộng sản cao cấp Việt Nam ở Campuchia càng khiến mối thù hận lâu đời giữa hai dân tộc được hâm nóng. Những lãnh tụ đối lập của Hun Sen như Ranariddh và Sam Rainy luôn luôn tìm cách khơi dậy mối hận thù này.

Ngoài ra, Trung Quốc với ưu thế quân sự và kinh tế sẵn có, đang ồ ạt viện trợ hai đồng minh thân thiết của Việt Nam là Ai Lao và Campuchia. Có lẽ do áp lực này, hiệp định biên giới giữa hai nước được Hun Sen ký với Nguyễn Cơ Thạch năm 1985 đã phải tu chỉnh theo đòi hỏi của Campuchia vào hai mươi năm sau. Trong khi Việt Nam vẫn muốn theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, hy vọng chủ nghĩa này lại có ngày tràn lan trên thế giới để xây dựng thế giới đại đồng và Campuchia vẫn luôn là bước chinh phục đầu tiên thì bên phía Campuchia vẫn có những nhà lãnh đạo cũng luôn nhìn về đồng bằng Cửu Long, hy vọng có ngày sẽ trở về với Campuchia, lấy lại cái tên Khmer Hạ. Sự hiềm khích giữa hai dân tộc có lẽ còn kéo dài trong nhiều thế hệ tới.

TRẬN CHIẾN

BIÊN GIỚI VIỆT- HOA

NĂM 1979

Ngày thứ bảy 17-2-1979, lúc 3giờ30 sáng, pháo binh Trung Quốc bắt đầu pháo kích ào ạt các vị trí quân sự các quận Tiên Lĩnh, Hà Quảng thuộc tỉnh Cao Bằng, mở đầu cho cuộc tấn công qui mô trên một chiến tuyến dài hơn một ngàn cây số dọc theo biên giới Việt - Hoa từ Lai Châu đến Móng Cái.

Xét về địa thế, lãnh thổ hai nước dọc theo biên giới có thể chia làm hai vùng. Vùng lãnh thổ phía tây gồm những tỉnh Lai Châu, Lào Kay, Hà Giang tới Cao Bằng giáp giới với Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc là một vùng đất hiểm trở, núi non trùng điệp, với rặng Fansipan trải dài từ Tây Tạng qua Vân Nam, chiếm ba phần tư lãnh thổ phiá tây của Bắc Việt, kéo dài đến dãy Trường Sơn. Trục lộ giao thông chính của vùng này là con đường nối Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam qua Mông Tự, vượt biên giới Việt Hoa ở Lào Kay, xuôi theo thung lũng sông Hồng về Hà Nội.

Vùng lãnh thổ phía đông từ Cao Bằng xuống Lạng Sơn, Móng Cái giáp giới Quảng Ðông tương đối bằng phẳng, ít núi non, đường xá thuận tiện, dân cư đông đảo phồn thịnh. Trục lộ giao thông chính là con đường từ Nam Ninh chạy qua ải Nam Quan thuộc Lạng Sơn, theo quốc lộ 1 chạy qua châu thổ sông Hồng về Hà Nội.

Sinh sống dọc theo biên giới hai nước Việt - Hoa là những sắc dân thiểu số. Ở Sơn La có sắc dân Thái đen, ở Lai Châu có sắc dân Thái trắng. Vùng Lào Cay là người Mèo, người Mán, vùng Thái Nguyên, Cao Bằng là người Tầy (Thổ), vùng Móng Cái là người Nùng... Những sắc dân thiểu số này không bao giờ có được sự tin cậy của chính quyền cả hai nước. Trong lịch sử, mỗi khi có dịp là họ lại nổi lên chống lại sự cai trị của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, chẳng hạn như Nùng Trí Cao năm 1041 đã nổi lên chống lại nhà Lý rồi chạy sang Trung Quốc chống lại nhà Tống. Trong chiến tranh Ðông Dương thứ nhất, người Pháp đã lôi kéo được những sắc dân này chống lại Việt Minh, trong đó có những tù trưởng Ðèo Văn An, Ðèo Văn Long (người Thái), Châu Quản Lộ (người Mán), Voòng A Sáng (người Nùng). Chỉ có người Tầy là hợp tác nhiều với Việt Minh, có lẽ vì ở ngay tại căn cứ địa của cộng sản. Nổi bật trong những lãnh tụ người Tầy là Chu Văn Tấn, trước là châu đoàn coi lính dõng cho Pháp, sau theo Việt Minh. Ðể lấy lòng các sắc dân thiểu số, Chu Văn Tấn được Hồ Chí Minh đề cử làm bộ trưởng quốc phòng trong chính phủ đầu tiên của Việt Minh năm 1945. Nhưng chỉ mấy tháng sau, vì tình hình chiến sự, ông ta bị Võ Nguyên Giáp thay thế. Sau 1954, Chu Văn Tấn được thăng quân hàm thượng tướng, giữ chức phó chủ tịch quốc hội, rồi tư lệnh quân khu I. Tuy nhiên đến năm 1977, khi bang giao Việt - Hoa bắt đầu căng thẳng, thì cùng với Lê Quảng Ba, Lý Ban, Chu Văn Tấn bị mất chức, sau có tin là bị bắt giam. Chu Văn Tấn bị mất chức không phải vì ông ta có những hành động phản nghịch mà vì uy tín của ông ở vùng biên giới quá lớn, và ông đã có liên hệ họ hàng chằng chịt với những người Tầy ở bên kia biên giới. Chính quyền CSVN sợ rằng Chu Văn Tấn có thể bị Trung Quốc khuyến dụ để nổi lên đòi tự trị.

Trong lịch sử chiến tranh Việt - Hoa, Lạng Sơn luôn luôn được coi là vị trí chiến lược chủ yếu và là hướng tấn công chính của Trung Quốc. Lý do địa thế ở đó là đồng bằng. Chiếm được Lạng Sơn là chiếm được cửa ngõ châu thổ sông Hồng và chỉ còn một trăm năm mươi cây số dọc quốc lộ 1 là tới Hà Nội. Từ quân nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, đến nhà Thanh đều kéo quân qua ngả Lạng Sơn. Ngay cả khi Lý thường Kiệt đem quân đánh Tống năm 1075, ông cũng kéo quân qua ngả Lạng Sơn, và từ đó, cùng với phó tướng Tôn Ðản đánh phá châu Khâm, châu Liêm và chiếm được châu Ung (Nam Ninh hiện nay).

Sau Lạng Sơn, Lào Cay là cửa ngõ quan trọng thứ hai giữa hai nước. Giữa vùng rừng núi bao la hiểm trở dọc biên giới tây bắc, chỉ có một trục lộ thuận tiện từ Côn Minh qua Lào Cay theo thung lũng sông Hồng về Hà Nội. Nhưng đó là một con đường độc đạo chập chùng qua rặng Hoàng Liên Sơn, rất dễ¬ bị phục kích, vì thế nên trong lịch sử, khi quân Minh và quân Thanh tiến đánh Việt Nam theo hai hướng, Lào Cay chỉ là hướng tấn công phụ. Riêng quân Nguyên không dùng Lào Cay, mà dùng thủy quân từ Nghệ An đánh lên.

Kể từ khi Pháp đặt chân đến Việt Nam, nhờ đường xá phát triển, Cao Bằng ngày càng trở nên một bàn đạp quan trọng tiến về trung châu. Từ Cao Bằng, có quốc lộ 3 qua Thái Nguyên về Hà Nội. Vì thế, về phương diện quân sự, quốc lộ 4, từ Cao Bằng chạy song song với biên giới Việt - Hoa qua Lạng Sơn tới Móng Cái đặc biệt quan trọng. Chính tại quốc lộ số 4 này, chiến dịch biên giới năm 1950 đã đánh dấu một sự hợp tác thân thiết nhất giữa hai phong trào CSVN và Trung Quốc.

Hai mươi chín năm sau "tình nghĩa vô sản quốc tế trong sáng", hai nước thành thù nghịch. Các địa danh Cao Bằng, Lạng Sơn, Ðông Khê, Thất Khê trở nên chiến trường chính của cộng sản hai nước. Các đơn vị chính qui, trước kia được Trung Quốc giúp trang bị và thành lập, nay trở nên mục tiêu chính mà Trung Quốc mong muốn tiêu diệt, và tướng Vi Quốc Thanh, ân nhân của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp năm 1950, năm 1979 đã 72 tuổi, giữ chức chủ nhiệm tổng cục chính trị hồng quân, lại là người quyết tâm nhất muốn dạy cho CSVN một bài học về sự trở mặt và vô ơn.

Ngoài các vị trí Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cay, từ biên giới Hoa - Việt ở Lai Châu có quốc lộ 6 đi về Hà Nội, nhưng đó là con đường độc đạo chạy giữa vùng núi non hiểm trở cao hơn hai ngàn thước, không tiện cho việc di chuyển võ khí nặng cùng tiếp liệu, nên hướng tấn công của Trung Quốc tại Lai Châu không đáng kể. Sườn phía tây của Bắc Việt có một cửa ngõ quan trọng là con đường từ tỉnh Phong Saly của Ai Lao theo sông Nậm Na qua thung lũng nổi danh Ðiện Biên Phủ, tiến về Hòa Bình mà không phải qua các dãy núi gập ghềnh của Lai Châu. Sau 1975, Trung Quốc đã giúp Ai Lao mở con đường từ Vân Nam xuống Phong Saly. Năm 1979, bộ trưởng thông tin Sisana Sisane của Ai Lao tố cáo Trung Quốc cố tình làm con đường lệch sang biên giới Việt Nam và khi chiến cuộc Việt-Hoa bùng nổ, các sư đoàn 306, 968 của Việt Nam đang trú đóng bên Lào đã phải dồn lên phòng thủ biên giới phía bắc nước Lào.

Ngay buổi sáng 17-2-1979, quân đội Trung Quốc đã tấn công tổng cộng 39 mục tiêu dọc biên giới hai nước, trong đó có 26 mục tiêu bị tấn công từ cấp tiểu đoàn trở lên. Riêng Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cay bị tấn công bằng cấp sư đoàn. Tổng cộng quân số Trung Quốc vượt biên giới trong ngày đầu chiến dịch khoảng tám chục ngàn. Con số này tăng dần cho tới ngày cuối chiến dịch lên tới trên một trăm năm chục ngàn. Ðó là không kể hàng mấy trăm ngàn binh sĩ khác giữ nhiệm vụ yểm trợ hay trừ bị phía sau. Chỉ huy tổng quát mặt trận là Hứa Thế Hữu, ủy viên trung ương đảng, kiêm tư lệnh quân khu Quảng Châu (gồm hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây). Hứa Thế Hữu đặt bộ tư lệnh mặt trận ở Nam Ninh. Phụ tá cho Hứa Thế Hữu là Dương Đắc Chí, từng nổi danh khi phụ tá cho Bành Đức Hoài trong chiến tranh Triều Tiên. Ðể sửa soạn tham gia trận tấn công Việt Nam, Dương Đắc Chí đang là tư lệnh quân khu Vũ Hán được cử xuống làm tư lệnh quân khu Tây Nam gồm Vân Nam và Quí Châu. Trong những ngày đầu, Hứa Thế Hữu trực tiếp chỉ huy tấn công mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn, còn Dương Đắc Chí phụ trách tấn công Lào Cay, Lai Châu, Hà Giang. Ðể tấn công Việt Nam, Trung Quốc đã huy động nhiều quân đoàn từ nhiều quân khu khác nhau. Hai quân đoàn 13, 14 được giao trách nhiệm tấn công Lai Châu, Lào Cay. Hai quân đoàn 41, 42 tấn công Cao Bằng, còn những quân đoàn 43, 54, 55 tấn công mạn Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Bên phía Việt Nam, phòng thủ biên giới Việt Hoa là trách nhiệm của những quân khu I, II, III. Tư lệnh quân khu I là Ðàm Quang Trung, một người Tầy, cận vệ cũ của Hồ Chí Minh được cử thay Chu Văn Tấn. Ðàm Quang Trung không phải là một tướng có khả năng, nhưng được cất nhắc nhờ gốc người Thổ như Chu Văn Tấn nhưng không có uy tín chính trị như Chu Văn Tấn. Quân khu này gồm cả Cao Bằng lẫn Lạng Sơn nên chịu áp lực nặng nhất của quân Trung Quốc. Trong những ngày đầu, trách nhiệm phòng vệ Lạng Sơn được giao cho Nguyễ¬n Văn Thương, tư lệnh sư đoàn 3.

Tại vùng biên giới phía tây, tư lệnh quân khu II là Vũ Lập, phụ trách phòng thủ Lai Châu, Lào Cay và Hà Giang. Ngoài ra, tư lệnh quân khu III là Nguyễ¬n Quyết, phụ trách vùng Quảng Ninh và châu thổ sông Hồng. Bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam ở Hà Nội trực tiếp theo dõi, giám sát và điều hợp mặt trận.

Có lẽ vì chủ quan tin vào hậu thuẫn Nga Xô, tính toán sai quyết tâm và qui mô tấn công của quân đội Trung Quốc nên Việt Nam đã sử dụng hết ba trong bốn quân đoàn chính qui trong cuộc hành quân xâm lăng Campuchia. Do đó, khi quân Trung Quốc tấn công, Việt Nam chỉ còn những sư đoàn 308, 312, 390...của quân đoàn 1 đóng quanh Hà Nội. Việt Nam đã cố gắng không dùng những sư đoàn này, thứ nhất để dùng làm lợi khí tuyên truyền là đã không cần dùng tới quân chính qui, thứ hai là Việt Nam sợ quân Trung Quốc dùng toàn lực tiêu diệt những đơn vị này, làm lợi khí tuyên truyền. Trách nhiệm phòng thủ biên giới do đó được giao cho những sư đoàn chủ lực quân khu, như các sư đoàn 3, 327, 337, sư đoàn Tây Sơn ở Lạng Sơn, sư đoàn 567, B.46, sư đoàn pháo binh M66 ở Cao Bằng, các sư đoàn 316, 345 ở Lào Kay, cùng các trung đoàn chủ lực tỉnh, các huyện đội, và lực lượng công an biên phòng.

Thật ra sự phân biệt giữa chính qui hay chủ lực của quân đội Việt Nam rất mù mờ, vì một sư đoàn có thể đổi từ chính qui sang chủ lực hay ngược lại bất cứ lúc nào. Chẳng hạn sư đoàn 303, sau 1975, đổi thành đoàn xây dựng kinh tế Phước Long, năm 1978 lại làm chủ lực cho quân khu VII tấn công Campuchia. Năm sau, 1979, được chuyển ra Bắc Việt đổi thành chính qui, nằm trong đội hình quân đoàn 68 mới thành lập để bảo vệ biên giới Việt - Hoa. Hai năm sau, đang là chính qui đổi thành chủ lực cho quân khu III, và tới 1987, lại trở về là sư đoàn chính qui của quân đoàn 1 Quyết Thắng. Trong khi trên nguyên tắc, binh sĩ chính qui trẻ hơn, cơ động hơn, dồi dào phương tiện hơn, được huấn luyện và trang bị chiến đấu hợp đồng với không quân, pháo binh, thiết giáp thuần thục hơn, thì những sư đoàn chủ lực các quân khu biên giới phía Bắc đa số là các đơn vị từng chiến đấu lâu năm tại miền Nam trong chiến tranh Ðông Dương II, nên bộ đội thiện chiến hơn, có kinh nghiệm phòng thủ, đào công sự và chiến đấu độc lập dưới hỏa lực. Vì thế, họ đã may mắn thích hợp với điều kiện chiến trường. Nhiều tháng trước khi Trung Quốc tấn công, sĩ quan, cán bộ của những sư đoàn chủ lực này được phân tán đi huấn luyện các lực lượng địa phương, hướng dẫn cách đào công sự, giao thông hào, lập bãi mìn, bãi chông. Họ cũng nghiên cứu sẵn những vị trí hiểm yếu, những địa điểm có thể bị tấn công, những đường chuyển quân để bố trí sẵn tọa độ pháo binh. Ðể thống nhất chỉ huy và tăng cường nhân lực, các huyện đội, xã đội dân quân được bố trí vào những trung đoàn hay sư đoàn chủ lực. Các phái đoàn trung ương của Chu Huy Mân, tổng cục trưởng tổng cục chính trị, của Hoàng Minh Thảo, giám đốc học viện quân sự cấp cao, liên tiếp tới kiểm tra, đôn đốc. Vì thế, khi quân Trung Quốc bắt đầu tấn công, quân Việt Nam đã sẵn sàng.

Trong những ngày đầu của trận chiến, dựa vào quân số đông, Hứa Thế Hữu cho áp dụng chiến thuật biển người để tấn công. Quân Trung Quốc được những người Hoa trước kia từng sống ở biên giới dẫn đường. Ở nhiều nơi, quân Trung Quốc đã ngụy trang thành bộ đội Việt Nam để xâm nhập.

Tại Lai Châu, phía cực tây biên giới, quân Trung Quốc đánh Gò Tô, Phong Thổ trên đường tiến về tỉnh lỵ. Tại hướng quan trọng Lào Cay, hai sư đoàn thuộc hai quân đoàn 13 và 14 tấn công ngay vào thị xã và các xã lân cận như Thanh Bình, Bản Cầu. Tại Hà Giang, họ tấn công Bản Kiệt, La Quỳnh. Hướng quan trọng thứ hai Cao Bằng cũng bị hai sư đoàn của các quân đoàn 41, 42 tấn công. Tại Quảng Ninh, hai trung doàn quân Trung Quốc tấn công Than Phum, Cao Bá Lãnh.

Riêng tại mục tiêu chủ yếu Lạng Sơn, quân Trung Quốc tấn công theo thế gọng kìm bằng hai hướng. Hướng thứ nhất là hai sư đoàn 163, 164 thuộc quân đoàn 55 vượt Hữu Nghị Quan tấn công Ðồng Ðăng, cửa ngõ phía bắc Lạng Sơn. Hướng thứ hai là hai sư đoàn 127, 128 quân đoàn 43 tiến đánh từ phía đông vào các tiền đồn ở Bản Xâm, Ðồng Nội, Hải Yến.

Tại khắp nơi, quân Trung Quốc gặp sức kháng cự mãnh liệt. Quân Việt Nam, nhờ vị trí cố thủ hiểm trở, công sự kiên cố, binh sĩ thiện chiến nhiều kinh nghiệm nên trong đợt tấn công đầu, vẫn giữ vững được vị trí. Với sự yểm trợ hùng hậu và hữu hiệu của đủ loại pháo binh, từ đại bác 72, 85, 155, 130 ly đến hỏa tiễ¬n 122 ly, họ gây cho quân Trung Quốc tổn thất nặng nề về nhân mạng, nhất là ở các mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng. Chiến thuật biển người mà Hứa Thế Hữu áp dụng đã trở nên lỗi thời trước tác dụng của những võ khí hiện đại.

Quân Trung Quốc bị tổn thất ít hơn tại Lai Châu, Lào Cay, vì Dương Đắc Chí không tấn công chính diện mà dựa vào địa thế rừng núi hiểm trở để chuyển quân, và khi tấn công, bộ binh được pháo binh và thiết giáp yểm trợ hữu hiệu. Vì số tổn thất quá cao, mấy ngày sau, tuy Hứa Thế Hữu còn giữ chức tư lệnh mặt trận, quyền chỉ huy các cuộc hành quân được giao cho Dương Đắc Chí. Quân Việt Nam cũng cho vài đơn vị cấp tiểu đoàn vượt biên tấn công các vị trí tiếp liệu của Trung Quốc ở Mã Lý Phố (Vân Nam), Ninh Minh (Quảng Tây), nhưng các cuộc tấn công này chỉ có tác dụng gây rối.

Sau khi Dương Đắc Chí nắm quyền, tuy chiến thuật biển người bị bãi bỏ, hoả lực pháo binh và thiết giáp được sử dụng nhiều hơn, quân Trung Quốc vẫn dựa vào ưu thế quân số để tấn công bất kể tổn thất. Sau mấy ngày đêm bị pháo kích, công sự phòng thủ của Việt Nam dù kiên cố đến đâu cũng dần dần bị phá sập, và quân Trung Quốc cuối cùng cũng chiếm được một số mục tiêu. Riêng tại Lạng Sơn, sư đoàn 163 của Trung Quốc chiếm được Ðồng Ðăng ngày 22 -2 -1979.

Trong những ngày 24, 25, 26, trận chiến tương đối lắng dịu. Quân Trung Quốc sau khi chiếm được một số vị trí đã bị tổn thất nặng và thiếu tiếp liệu nên không thể tiếp tục tấn công. Họ đã chủ quan cho rằng có thể chiến thắng chớp nhoáng nên không dự trữ đủ đạn dược pháo binh. Tuy nhiên, quân Việt Nam cũng không thể phản công tái chiếm những vị trí đã mất vì không đủ nhân lực. Mặt trận bị trải quá rộng, lực lượng bị phân tán mỏng. Các sư đoàn chính qui của quân đoàn 1 vẫn đóng quanh Hà Nội, đề phòng trường hợp Trung Quốc đổi ý, sẽ tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Trong khi chờ đợi sự tăng viện của những sư đoàn chủ lực từ các quân khu miền Trung và miền Nam ra tiếp viện, Hà Nội phải điều động những tiểu đoàn dân quân từ các quận huyện ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm, Ðông Anh, Thanh Trì, Từ Lâm lên bổ xung quân số. Ðồng thời, sau bốn năm hoà bình, dân chúng Hà Nội lại được thông báo chuẩn bị sơ tán và đào những hầm hố chống phi cơ oanh tạc.

Mờ sáng 27-2-1979, sau khi được bổ sung và tiếp liệu đầy đủ, quân Trung Quốc mở đợt tấn công mới. Dưới sự chỉ huy của Dương Đắc Chí, họ tận dụng tối đa hỏa lực pháo binh, thiết giáp nên nội một ngày, các thị xã ven biên Lai Châu, Lào Cay, Cao Bằng, Hà Giang lần lượt thất thủ. Ðể duy trì áp lực, không cho quân Việt Nam dốc toàn lực tiếp viện Lạng Sơn, quân Trung Quốc sau khi chiếm Lào Cay, tiếp tục chuyển quân về phía nam dọc theo quốc lộ số 2 tiến đánh Cam Ðường.

Tại hướng tấn công chính Lạng Sơn, Trung Quốc tung vào trận đánh sáu sư đoàn gồm sư đoàn 127, 129 của quân đoàn 43, sư đoàn 160, 161 của quân đoàn 54, sư đoàn 163, 164 của quân đoàn 55, với hàng trăm xe thiết giáp và đại bác yểm trợ. Phía Việt Nam, các đơn vị phòng thủ chính gồm sư đoàn 3, 327, 338, 347 và sư đoàn 337 mới từ quân khu IV ra tăng cường, kết hợp lại thành quân đoàn 14 để thống nhất chỉ huy.

Kể từ 27-2, quân Trung Quốc liên tục hai mặt tấn công. Dù Việt Nam chống trả mãnh liệt, tuyến phòng thủ quanh Lạng Sơn thu hẹp dần. Trước nguy cơ thất thủ Lạng Sơn, bộ tổng tham mưu Việt Nam vội điều động quân đoàn 2 chính qui đang hành quân tại phía nam Campuchia di chuyển khẩn cấp bằng xe lửa và máy bay vận tải Antonov của Nga Xô về lập tuyến phòng thủ sau quân đoàn 14 để bảo vệ châu thổ sông Hồng. Nhưng việc tiếp ứng Lạng Sơn không còn kịp. Thị xã bị pháo kích mấy ngày đêm, cuối cùng bị quân Trung Quốc xâm nhập và quân đội hai nước cộng sản đã chiến đấu ác liệt trên đường phố. Khuya 4-3-1979, quân Trung Quốc hoàn toàn làm chủ thị xã Lạng Sơn. Hôm sau, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích dạy Việt Nam một bài học, đơn phương ngưng bắn và sẽ rút quân.

Tuy nhiên, vì còn bận dùng công binh phá sập hết những công sự, đồn bót, cầu đường, nhà cửa, trường học, chợ búa, nhà máy, bệnh viện... ở những thị xã bị chiếm đóng, kể cả hang Pắc Bó, "suối Lê Nin", "núi Các Mác", nên cuộc lui quân của Trung Quốc kéo dài đến ngày 16-3-1979 mới hoàn tất. Với biết bao đau thương đổ nát, với hàng mấy chục ngàn binh sĩ thương vong, cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng.

ẢNH HƯỞNG

TRUNG QUỐC

ĐỐI SÁCH NGOẠI GIAO

CỦA VIỆT NAM

Do tình hình thế giới biến chuyển giữa thập niên 1980, kể từ sau đại hội lần thứ VI, đảng CSVN có những thay đổi mạnh mẽ. Phải phát triển kinh tế để duy trì chế độ, chính quyền cộng sản một mặt áp dụng nguyên tắc kinh tế của chủ nghĩa tư bản, mặt khác, lại phải duy trì hệ thống chính quyền độc đảng, công an trị để gìn giữ ưu quyền của giai cấp mới, cho nên ngay cả về kinh tế, đã theo một chính sách rất nghịch lý đối với Mác xít là "kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa". Tuy nhiên, để thực hiện được ưu điểm của kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ phải giao thương với tất cả những nước tư bản. Muốn như vậy, đường lối ngoại giao ngoại giao của Việt Nam cũng phải thay đổi. Vì vẫn còn muốn bám víu vào xã hội chủ nghĩa, đường lối ngoại giao mới này cũng có hai mục tiêu mâu thuẫn nhau là "chống đế quốc, bảo vệ xã hội chủ nghĩa" và "đa dạng hóa và đa phương hóa" để hội nhập.

Mục tiêu hàng đầu của đảng cộng sản là duy trì sự độc tôn quyền lực của đảng. Sự độc tôn này chỉ có thể được biện luận trong chiêu bài của chủ nghĩa xã hội mà thành trì duy nhất của chủ nghĩa xã hội trên thế giới sau năm 1989 chỉ còn có Trung Quốc nên mục tiêu đối ngoại chống đế quốc chỉ giản dị là tìm mọi cách kết thân để có được hậu thuẫn Trung Quốc. Vì thế suốt hơn hai mươi năm qua, yếu tố Trung Quốc hầu như đã ảnh hưởng đến mọi tiến trình đa dạng và đa phương hóa.

Sự thay đổi "tư duy đối ngoại" của CSVN bắt đầu từ những năm cuối thập niên 1980. Kể từ đó, thế giới quan "hai phe, bốn mâu thuẫn" của khối cộng sản truyền thống đã không còn hợp thời nữa. Trong hoàn cảnh mới của thế giới cuối thập niên 1980, phe Nga Xô đã sụp đổ, chiến tranh lạnh trên thế giới đã chấm dứt, nền kinh tế thế giới đã bị toàn cầu hóa, mọi quốc gia bất kể mô thức kinh tế chính trị xã hội đều phải hội nhập và "tùy thuộc lẫn nhau" để phát triển. Đồng thời cũng trong những năm đó, Việt Nam bị hoàn toàn cô lập về ngoại giao do hậu quả chính sách thân Nga Xô và sự chiếm đóng Campuchia. Chính sách ngoại giao "đa dạng hóa và đa phương hóa" đã được đề ra để "phá thế bao vây" ngõ hầu hội nhập vào cộng đồng thế giới.

Người được coi như bắt đầu chủ trương đa dạng và đa phương hóa ngoại giao là Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng ngoại giao lúc đó, cùng các cộng sự viên như Trần Quang Cơ, Phan Doãn Nam...Trong tạp chí Quan Hệ Quốc Tế của bộ ngoại giao số tháng 1-1990, đại cương ông viết "Chúng ta không thể giữ mãi suy nghĩ của bốn mươi năm trước áp dụng vào những thay đổi hiện nay của thế giới. Vai trò của những nước xã hội chủ nghĩa rất quan trọng, nhưng không phải chỉ có phe xã hội chủ nghĩa mới quyết định sự phát triển của xã hội loài người. Chúng ta không nên phủ nhận những thành tựu của hệ thống chủ nghĩa tư bản trong hai trăm năm qua..." Đường lối ngoại giao mới này được bộ Chính Trị đảng CSVN thông qua qua nghị quyết 13 về ngoại giao tháng 5-1988. Tuy nhiên, quan niệm ngoại giao đa dạng và đa phương theo Nguyễn Cơ Thạch là một quan hệ ngoại giao đa phương quân bình đối với mọi nước trên thế giới, để không nước nào có thể bắt chẹt. Trung Quốc chỉ được coi như một nước trong những nước lớn khác.Quan niệm này không thích hợp với quyền lợi của Trung Quốc từ mấy ngàn năm vẫn luôn muốn những nước lân bang nhỏ yếu thần phục hay lệ thuộc vào mình. Vì thế, Nguyễn Cơ Thạch chỉ có thể cố gắng thực hiện đường lối đa dạng và đa phương của ông cho đến năm 1990 thì quyền quyết định đường lối ngoại giao của Việt Nam bị các phần tử bảo thủ trong bộ Chính Trị tước đoạt. Yếu tố "chống đế quốc" được ưu tiên, nhu cầu kết thân với Trung Quốc trở nên cấp thiết và rồi Nguyễn Cơ Thạch bị loại ra khỏi bộ Chính Trị. Kể từ đó, tuy Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển đường lối đa dạng và đa phương để phục vụ những mục tiêu kinh tế, nhưng trong mỗi hành động đối ngoại, nói theo cách của một nhà ngoại giao Việt Nam, "lúc nào cũng phải nhìn theo nét mặt của anh hai Trung Quốc".

Trung Quốc, trong khoảng ba chục năm gần đây, kể từ khi áp dụng chính sách mở cửa (hắc miêu bạch miêu thuyết) của Đặng Tiểu Bình đã ngày càng trở nên một thế lực hùng mạnh, kể cả về kinh tế lẫn quân sự trong vùng Thái Bình Dương. Sau sự sụp đổ của Nga Xô và khối cộng sản Đông Âu, trên thế giới chỉ còn có một siêu cường là Hoa Kỳ, nhưng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong vùng Đông Nam Á không còn mạnh mẽ sau khi rút lui khỏi căn cứ Subic và Clark ở Phi Luật Tân, nhất là gần đây Hoa Kỳ phải dồn nhiều nỗ lực vào cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq. Với đà phát triển kinh tế mỗi năm cao nhất thế giới (từ 8 đến 10%), với tinh thần Đại Hán sẵn có, Trung Quốc mỗi ngày càng trở nên tự tin, hy vọng sẽ lấn át các nước lân bang để tạo nên một thế giới "đa cực" về chính trị, kinh tế cũng như quân sự, để rồi có ngày trở thành một siêu cường đối đầu với Hoa Kỳ.

Chính sách ngoại giao mới của Việt Nam coi như bắt đầu sau đại hội đảng lần thứ VI năm 1986, sau khi Nga Xô công bố chính sách ngoại giao mới trong vùng Thái Bình Dương, trong đó điều quan trọng nhất là Nga Xô sẽ hòa hoãn với Trung Quốc.

Có lẽ đó là lý do chính khiến những phần tử bảo thủ trong đảng CSVN phải chấp nhận đường lối đa dạng và đa phương hóa, trong đó ưu tiên cấp thiết nhất là hòa hoãn với Trung Quốc. Để thực hiện việc này, Việt Nam bắt đầu rút quân khỏi Campuchia, không còn gọi quan hệ với hai nước Lào, Campuchia là quan hệ đặc biệt, tránh đụng độ quân sự với Trung Quốc ở biên giới... Tuy vậy, bốn năm sau đó, Trung Quốc vẫn ngoảnh mặt làm ngơ để cho các lãnh tụ cộng đảng Việt Nam thấm thía về "bài học phản bội", đồng thời họ cũng lợi dụng tình trạng bơ vơ cô lập của Việt Nam để tiếp tục gây hấn và lấn chiếm biên giới trên bộ và ngoài biển.

Trung Quốc chỉ bắt đầu phản ứng thuận lợi sau năm 1989, khi bị cô lập trong vụ đàn áp sinh viên ở Thiên An Môn và sau khi Đặng Tiểu Bình đã từ bỏ những chức vụ chính thức. Một lý do khác để Trung Quốc chấp nhận cho Việt Nam cầu hòa là lúc đó, Hoa Kỳ tỏ dấu hiệu muốn bắt đầu thảo luận về thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Trung Quốc thấy cần phải nhanh tay thu phục Việt Nam trước Hoa Kỳ.

Trong khoảng thời gian ba năm từ 1986 đến 1989, trong khi Nguyễn Cơ Thạch đang thi hành chính sách ngoại giao đa phương một cách quân bình, cố gắng tái lập bang giao với Trung Quốc đồng thời cũng cố gắng thiết lập bang giao với Hoa Kỳ thì bức tường Bá Linh sụp đổ. Biến cố này, trên bình diện thế giới, đánh dấu sự sụp đổ của phong trào cộng sản Đông Âu và Nga Xô thì tại Việt Nam, là năm đánh dấu chấm dứt sự quân bình trong đường lối ngoại giao đa phương, đa dạng. Trước nguy cơ bị tan rã, những nhà lãnh đạo Việt Nam hốt hoảng đi tìm hậu thuẫn và hậu thuẫn này, họ chỉ tìm thấy được ở Trung Quốc. Từ đó, khuynh hướng ý thức hệ, dựa vào Trung Quốc, đã lấn át khuynh hướng đa phương, quân bình với tất cả các nước. Đường lối ngoại giao của Việt Nam mất đi tính cách sáng tạo, độc lập và khó có cơ hội để tìm ra những đối tác nào để nếu cần, đối kháng được áp lực của Trung Quốc. Dù các cán bộ ngoại giao là những người tương đối sáng suốt, cởi mở, cũng chỉ có thể cố gắng xoay sở trong một phạm vi mà ý thức hệ, hay đúng hơn là Trung Quốc, giới hạn. .

Những người đầu tiên chủ trương nhượng bộ Trung Quốc để cầu hòa nhằm giữ vững chế độ và xã hội chủ nghĩa là Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đỗ Mười...Cả ba đều cho sự sụp đổ của phong trào cộng sản trên thế giới là do âm mưu của Hoa Kỳ qua những thủ đoạn mà Trung Quốc gọi là những "he ping yan bian" ("diễn biến hòa bình") và cả ba đều nói "Trung Quốc tuy bá quyền nhưng vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa"...nên đã rất phấn khởi khi được Trung Quốc ngỏ ý muốn xét đến vấn đề tái lập quan hệ ngoại giao.

Theo lời mời của Giang Trạch Dân, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã bay sang Thành Đô ngày 3-9-1990 để bí mật hội đàm về những điều kiện tái lập bang giao. Họ mang theo một lễ vật ra mắt là "giải pháp đỏ" để chia cho Trung Quốc một nửa ảnh hưởng ở Campuchia và họ cũng tỏ lòng tôn xưng Trung Quốc bằng cách ngỏ lời mong muốn Trung Quốc thay Nga Xô đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên Trung Quốc, vì lợi ích của quốc gia, đang cần sự bang giao với Tây phương để thực hiện "bốn hiện đại" nên từ chối mối quan hệ môi hở răng lạnh với Việt Nam và cũng gạt luôn giải pháp "đỏ" về Campuchia. Sau khi Việt Nam đáp ứng những đòi hỏi của Trung Quốc, kể cả việc gạt bỏ Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi bộ Chính Trị và bộ ngoại giao, quan hệ của hai nước mới ngày càng thuận lợi. Hai nước chính thức bắt đầu quan hệ ngoại giao vào tháng 11-1991, khi Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đại diện đảng và chính phủ Việt Nam sang viếng thăm Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay từ lúc ban đầu, mối quan hệ "đồng chí" mới được tái lập không phải luôn được thuận lợi như những người CSVN mong muốn. Nắm được nhu cầu cần cải thiện bang giao một cách gần như tuyệt vọng của giới lãnh đạo CSVN, Trung Quốc tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Chỉ ba tháng sau khi có quan hệ ngoại giao, ngày 25-2-1992, Trung Quốc công bố chủ quyền của họ trên vùng biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) và tuyên bố sẽ dùng võ lực để ngăn ngừa những ai vi phạm chủ quyền của họ. Sau đó hải quân Trung Quốc chiếm đảo Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa. Họ còn khuyến cáo Việt Nam "không nên làm điều gì nguy hại tới tình hữu nghị mới tái lập". Do khuyến cáo đó, phía Việt Nam không dám công khai phản đối. Tới ngày 8-5-1992, Trung Quốc lại cùng công ty Hoa Kỳ Crestone ký khế ước khai thác dầu hỏa trên vùng biển đảo Tu Chính, một vùng biển mà Việt Nam đã xác nhận chủ quyền. Cùng ngày, cùng gian phòng mà hai bên ký khế ước, buổi chiều Giang Trạch Dân và Lý Bằng tiếp đón Nguyễn Văn Linh. Trong buổi tiếp xúc, Nguyễn Văn Linh không dám nhắc nhở gì đến chuyện Trung Quốc chiếm đảo Tu Chính mà chỉ cám ơn về những giúp đỡ trước kia. Đồng thời, bộ binh Trung Quốc thừa cơ hội Việt Nam đang yếu thế cần cầu cạnh cũng tràn qua lấn đất. Họ dời bia mốc biên giới, đặt đường sắt sâu vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm thêm đảo Đa Lạc, đem hai dàn khoan thăm dò dầu hỏa đặt ở vùng biển đang tranh chấp và bắt giữ nhiều tàu hàng của Việt Nam tại Hồng Kông, tố cáo những tàu này buôn lậu.

Trung Quốc chỉ đem hai dàn khoan về và thả tàu buôn Việt Nam sau khi các nước ASEAN lên tiếng chỉ trích và đô đốc Larson, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương cảnh cáo là Hoa Kỳ không muốn thấy một quốc gia nào mưu toan thống trị vùng biển Đông.

Theo thời gian, Việt Nam từ từ mở rộng bang giao với những nước khác, như ASEAN, Nhật Bản, Đại Hàn và Hoa Kỳ. Dù cho việc giao thương với những nước này đã được Trung Quốc thi hành từ nhiều năm trước và Việt Nam chỉ đi theo sau, nhưng mỗi động tác ngoại giao của Việt Nam hầu như cũng phải "nhìn nét mặt anh hai Trung Quốc" vì "mặt trời ở xa và Trung Quốc ở gần". Buôn bán với Đài Loan, Việt Nam phải hỏi ý Trung Quốc. Ký thỏa ước thương mại song phương với Mỹ, Việt Nam để cho Trung Quốc ký trước. Năm 2006, khi đô đốc Roughead ngỏ ý muốn tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, Phùng Quang Thanh trả lời sợ có nước lân bang hiểu lầm. Những đảng viên nào có cơ hội lên nắm chức vụ trọng yếu trong đảng hay chính phủ trước đó đều đã phải có đôi lần ghé sang trình diện Trung Quốc và sau khi được lên chức, nước đầu tiên đi viếng thăm thường là Trung Quốc.

Tuy Việt Nam hết sức giữ gìn và cảnh giác với cảm nhận của Trung Quốc, nhưng giao tiếp giữa hai nước không luôn luôn thuận lợi. Trước hết là quyền lợi của Trung Quốc, như Võ Chí Công, chủ tịch nước Việt Nam năm 1990 đã nói "Trung Quốc lấy quyền lợi của quốc gia họ là chính, không phải theo lợi ích chung của chủ nghĩa xã hội" khiến cho Trung Quốc nhiều khi đã chiều theo Tây phương mà không đếm xỉa gì đến nước xã hội chủ nghĩa anh em. Thứ hai là tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, nhất là ở vùng biển Đông.

Trong khoảng ba mươi năm trở lại đây, nhờ chính sách cởi mở của Đặng Tiểu Bình, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Tuy khả năng khoa học kỹ thuật cũng như quân sự còn thua kém nhiều nước, nhưng quan niệm "thế giới đa cực" của Trung Quốc ít ra đã thực hiện được một thế lưỡng cực trong vùng biển Đông Nam Á (theo Trung Quốc, thế đa cực đang dần dần hình thành. Ngoài Trung Quốc, còn có khối Tây Âu, các nước Nam Mỹ, các nước Hồi giáo...). Dân số tăng gia, kỹ nghệ phát triển, Trung Quốc nhìn về biển đông, vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa, như một nguồn dầu hỏa khổng lồ và một nguồn hải sản đáng kể (theo Trung Quốc, đó là một "không gian sinh tồn" mới). Thế lực Nga Xô đã suy sụp, Hoa Kỳ lại vừa rút khỏi căn cứ Subic của Phi Luật Tân. Khoảng trống chính trị và quân sự trong vùng đã được Trung Quốc lợi dụng và ngày càng củng cố, gây e ngại cho các nước Đông Nam Á. Quốc gia trực tiếp nhất phải đối đầu với tham vọng bành trướng của Trung Quốc là Việt Nam, nhất là tại vùng biển Đông, vì ngoài vấn đề tài nguyên dầu hỏa, khoáng sản phosphate và hải sản, vùng hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn là vị trí chiến lược quan trọng về an ninh lãnh thổ cho cả hai nước. Đối với Trung Quốc, kể từ 1982, Trung Quốc không còn quan niệm phòng vệ lãnh thổ trong vùng duyên hải của lục địa mà họ đặt ra một kế hoạch phòng thủ "viễn dương phòng vệ" (jinyang fungwu - offshore defense) mà tuyến đầu phía nam của họ là vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Viễn dương phòng vệ là một kế hoạch phòng thủ song song với chương trình canh tân hóa hải quân do đô đốc Lưu Hoà Thanh (Liu Huaquing) (1), tư lệnh hải quân Trung Quốc từ 1985 đến 1989, hoạch định, gồm hai giai đọan. Giai đoạn thứ nhất, xâm chiếm rồi sử dụng những hải đảo ngoài khơi như Hoàng Sa, Trường Sa làm tuyến đầu phòng thủ nhằm thoát khỏi vòng đai ngăn chặn của Hoa Kỳ kéo dài từ Đại Hàn xuống Nhật Bản, Đài Loan vòng qua Phi Luật Tân, Ấn Độ. Giai đoạn thứ hai, khi hải quân Trung Quốc đủ mạnh, tuyến đầu phòng thủ sẽ nới rộng trong vùng Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan lẫn Phi Luật Tân. Việc lấn chiếm những đảo Fiery Cross của Việt Nam, Mischiefs của Phi Luật Tân là nằm trong sự tiến hành kế hoạch viễn dương phòng thủ.

Trong hoàn cảnh cô thế, vừa muốn liên minh chặt chẽ với Trung Quốc để thành một khối xã hội chủ nghĩa anh em, nhưng lại không thể để Trung Quốc theo chiến thuật tầm ăn lá dâu mà từ từ lấn lướt, bước đầu trong tiến trình đa phương hóa ngoại giao của Việt Nam là kết thân với khối ASEAN. Việc kết giao này được thuận lợi cho cả hai bên vì đối với ASEAN, họ cần có một sự ổn định và yên ổn trong vùng để phát triển kinh tế. Họ cũng e ngại Trung Quốc nên có thêm được Việt Nam, họ sẽ có thêm sức mạnh. Đối với Việt Nam, vào được ASEAN là được ở trong một tổ chức có uy tín trên thế giới, được giao thương và học hỏi kinh nghiệm về những hoạt động kinh tế năng động của những nước trong vùng, để từ đó dễ dàng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, làm hội viên WTO. Ngoài ra, về chính trị, có thể dựa vào ASEAN và, một cách gián tiếp qua ASEAN dựa vào Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất trên thế giới có thể kềm chế tham vọng của Trung Quốc trong vùng biển Đông. Ngay cả những phần tử bảo thủ như Phạm Văn Tiệm, cùng phe với Đào Duy Tùng và Nguyễn Hà Phan, lúc đó là chủ tịch ủy ban vật giá, cũng hứng khởi tuyên bố "ASEAN là cây cầu giữa Việt Nam và thế giới". Sau nhiều thảo luận, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN vào tháng 7-1995.

Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN là tổ chức thành lập trong thời chiến tranh Việt Nam, mới đầu được coi như một tổ chức chống cộng, nhưng sau 1975, dần dần chuyển sang hợp tác kinh tế. Tổ chức này lúc đó gồm 6 nước: Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương, Brunei và Phi Luật Tân. Tuy ở cùng tổ chức, nhưng mỗi nước có mục tiêu, đường lối đối ngoại khác nhau. Thái Lan sau 1979 đã rất thân thiết với Trung Quốc, coi như một hậu thuẫn để kiềm chế Việt Nam. Nam Dương thì không ưa Trung Quốc vì trước đó, trong thập niên 1960, Trung Quốc đã ủng hộ đảng cộng sản Nam Dương đảo chánh, giết hại nhiều tướng lãnh quân đội. Phi Luật Tân tương đối gần gũi hơn với Hoa Kỳ, nhưng thủ tướng Mahathir của Mã Lai lại không ưa Hoa Kỳ vì nước này luôn chỉ trích ông không tôn trọng tự do dân chủ. Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng hay bị báo giới Hoa Kỳ chỉ trích, nhưng Tân Gia Ba thân với Hoa Kỳ hơn vì những ràng buộc kinh tế và hai nước có chung mục tiêu chống khủng bố. Vì những quốc gia thuộc ASEAN cùng với Trung Quốc đã là những quốc gia có một mức độ phát triển kinh tế cao cho nên trong gần hai thập niên qua, hai bên đã hợp tác với nhau để phát triển. Trung Quốc cần vốn đầu tư, ASEAN cần thị trường nên những vấn đề chính giữa hai bên chỉ là vấn đề những hải đảo ở biển Đông, nhất là sau khi công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển được đưa ra.

Vì công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (viết tắt là UNCLOS - United Nations Conference on the Law of the Sea), đưa ra năm 1982, cho phép quốc gia nào có chủ quyền trên một bãi cát, một mỏm đất đá hay san hô nhô lên khỏi mặt biển dù nhỏ đến đâu cũng có quyền khai thác một vùng biển 200 hải lý quanh đó nên trong những nước thuộc ASEAN, ngoài Việt Nam và Trung Quốc (lục địa cũng như Đài Loan), đã có thêm Mã Lai, Phi Luật Tân, Brunei nhảy ra để giành chủ quyền tại một số đảo nhỏ hầu có thể khai thác những vùng biển rộng lớn xung quanh. Theo công ước UNCLOS, khi một nước có chủ quyền trên một hòn đảo, dù có thể rất nhỏ, vùng xung quanh 12 hải lý quanh đảo là thuộc chủ quyền của nước đó, kể cả tài nguyên dưới lòng đất đáy biển và vùng trời phía trên, còn vùng biển từ hải đảo ra xa 200 hải lý, được gọi là Vùng Độc Quyền Kinh Tế (EEZ- exclusive economic zone), chỉ cho phép quốc gia chủ quyền hải đảo được độc quyền khai thác tài nguyên, nhưng tàu bè của những quốc gia khác có quyền tự do đi lại thông thương trên vùng biển đó.

Sau khi công ước được đưa ra, tất cả những quốc gia trong vùng đều công nhận công ước nhưng lại tranh cãi nhau về vấn đề chủ quyền trên tất cả các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa (như Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan) hay một số đảo ở Trường Sa (như những nước khác trong vùng). Trong số những nước này, Mã Lai chỉ bắt đầu thông báo chủ quyền trên một số đảo nhỏ phía nam của Trường Sa từ năm 1979, lúc mà Việt Nam và Trung Quốc còn đang bận rộn trong cuộc chiến cộng sản tương tàn, nói là nằm trên thềm lục địa của họ. Hiện họ dùng khoảng vài chục quân nhân chiếm cứ 4 đảo nhỏ, trên 1 đảo có làm thêm một đường bay ngắn (2).

Về phương diện pháp lý, luận cứ của Mã Lai về chủ quyền trên những đảo Trường Sa rất yếu vì chỉ được công bố từ năm 1979. Brunei thì nhận là sở hữu 2 mô đá ở phía cực nam, nói là nằm trên thềm lục địa nước họ. Hai mô đá này chỉ nhô lên khi thủy triều xuống và Brunei là một nước nhỏ nên các nước khác đã không để ý đến công bố của Brunei. Riêng Phi Luật Tân nói là năm 1947, một thuyền trưởng của họ là Tomas Cloma đi thuyền tuần tra các đảo nhỏ ở gần đảo Pahlawa của Phi và đã chiếm đóng ở đó nhiều tháng. Cuối năm 1956, Cloma công bố tất cả những đảo trên vùng biển đó là thuộc Phi Luật Tân và năm 1960, Phi Luật Tân đặt những trạm quân sự trên 7 đảo. Luận cứ của Phi không mạnh mẽ vì khi Cloma tuyên bố chủ quyền, chính phủ Phi đã không nói gì, và luận cứ thứ hai lấy lý do những đảo đó ở gần Phi cũng không đúng về phương diện luật pháp. Còn Đài Loan, những luận cứ về chủ quyền trên tất cả vùng biển và vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng giống như Trung Quốc. Hiện Đài Loan vẫn giữ đảo Thái Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa, nơi mà quân đội Nhật trước kia dùng làm căn cứ tàu ngầm và năm 1945 khi bị giải giới đã giao lại cho quân của Tưởng Giới Thạch. Việt Nam chiếm giữ khoảng trên dưới ba chục hòn hay đảo nhỏ, còn Trung Quốc mới bắt đầu đem quân đánh chiếm nhóm đảo Fiery Cross của Việt Nam năm 1988. Từ nhóm đảo này, Trung Quốc đã dần dần lấn chiếm thêm những đảo nhỏ khác...để từ đó, có thêm những vùng EEZ 200 hải lý xung quanh để thăm dò dầu hỏa. Trong 6 nước tranh chấp, đã có những đụng chạm quân sự lẻ tẻ diễn ra giữa Trung Quốc với Phi Luật Tân, Việt Nam hay Mã Lai, nhưng sự tranh chấp về lãnh thổ hải đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan trọng nhất.

Hai nước đòi hỏi chủ quyền của tất cả vùng hải đảo và vùng biển ở cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa là Việt Nam và Trung Quốc. Cả hai đều nêu những lý do về sự khám phá ra những đảo, chủ quyền hành chánh nhiều năm, sự phát triển kinh tế và việc người Việt Nam và Trung Quốc đã cư ngụ ở đó một thời gian. Riêng Trung Quốc đưa ra những bằng chứng dẫn từ sách vở lâu đời và mơ hồ, chẳng hạn, họ khám phá được Trường Sa từ đời nhà Hán, người Hoa đến Hoàng Sa từ đời nhà Tùy... Nhưng việc khám phá ra một hòn đảo thật ra không có nghĩa là có chủ quyền ở đảo đó và tác giả Odgaard đã nhận xét là "Trung Quốc đã không có một hoạt động hành chánh, quân sự hay bất cứ một điều gì khác trên vùng đảo Trường Sa trước năm 1988", tức là năm tàu chiến Trung Quốc đụng độ với tàu chiến Việt Nam. Trong vụ đụng độ ở vùng đảo Fiery Cross đó, ba chiến hạm của Việt Nam bị đánh chìm, trên 70 thủy thủ bị tử trận, không quân Việt Nam, cũng có tham dự (trong đó có viên trung úy nằm vùng Nguyễn Thành Trung, năm 1988 là đại tá). Do không đủ xăng, máy bay của Việt Nam chỉ ở lại đó trong vòng 1, 2 phút.

Để giảm thiểu nguy cơ tranh chấp võ lực trong vùng biển Đông, chính phủ Nam Dương đã tổ chức những buổi thảo luận hàng năm về Trường Sa cho các nước trong vùng. Lần nào phái đoàn Việt Nam cũng bối rối khi bị chất vấn về văn kiện mà Phạm Văn Đồng ký ngày 14-9-1958 công nhận ranh giới lãnh hải của Trung Quốc (bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa). Ngoài ra, Trung Quốc còn tố cáo là sách địa lý của Bắc Việt in năm 1972 có ghi vùng hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung Quốc. Trung Quốc cũng nêu ra năm 1974, khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, chính phủ Việt Nam ở miền Bắc, một chính phủ luôn tự nhận là chính thống đại diện cả nước, đã không có một lời phản đối. Bài báo "Chủ quyền bất khả tranh cãi của Trung Quốc trên quần đảo Tây Sa và Nam Sa" của bộ ngoại giao Trung Quốc trong số báo Beijing Review tháng 2-1980 ngoài việc công bố lá thư của Phạm Văn Đồng còn đăng thêm một luận cứ là vào tháng 6-1956, thứ trưởng ngoại giao của Việt Nam Ung Văn Khiêm có nói với Lý Kỳ Dân (Li Zhimin), tham vụ ngoại giao tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội là "theo những tài liệu của Việt Nam, những đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là thuộc Trung Quốc".

Vì Trường Sa và Hoàng Sa là những địa điểm quan trọng về kinh tế (những giếng dầu ngoài thềm lục địa đã đóng góp 1/3 xuất khẩu của Việt Nam) và an ninh quốc phòng (nếu Trung Quốc chiếm hết Hoàng Sa và Trường Sa, họ sẽ khống chế hết sườn phía đông của Việt Nam). Hơn nữa, đã mang tiếng trong lầm lỗi năm 1958, họ chỉ có thể che giấu những nhượng bộ về biên giới đất liền trong hiệp ước biên giới cuối năm 1999, nhưng sẽ không cách nào che giấu được nếu nhượng bộ về chủ quyền trên những hải đảo. Vì thế, những lãnh tụ CSVN kể từ sau Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã cố gắng giữ những gì còn giữ được ở Trường Sa, và luôn chối bỏ các lời tuyên bố chính thức trước đây về Hoàng Sa và Trường Sa.

Để chứng minh chủ quyền Việt Nam trên hai vùng đảo đó, CSVN phải viện dẫn những hành động của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, một chính phủ mà họ vẫn gọi là "ngụy", như công bố về chủ quyền tại hội nghị Hòa Bình Thế Giới ở San Francisco năm 1951 của ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, sắc luật đặt hai quần đảo trong phạm vi quản lý hành chánh của tỉnh Quảng Nam và Phước Tuy của chính phủ Ngô Đình Diệm, sự hiện diện của binh lính Việt Nam tại các đảo...Chính là nhờ những hoạt động của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 mà hiện tại, trong khoảng hơn 200 đảo, cồn đất, mỏm đá hay san hô trong vùng Trường Sa, Việt Nam đã giữ được gần 30 đảo tương đối lớn nhất. Văn kiện của chính phủ CSVN ngày 25-4-1988 đã nhờ Việt Nam Cộng Hòa bênh vực như sau:"...Chính quyền Sài Gòn đã tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 1956 từ Pháp khi họ rút khỏi Đông Dương. Từ đó đến năm 1975, họ đã tổ chức hai quần đảo về mặt hành chánh, tổ chức khảo sát và khai thác kinh tế..." (3)

Cũng trong văn kiện trên, CSVN công nhận là có lá thư của Phạm Văn Đồng nhưng biện minh "cần phải đặt các lời tuyên bố này đúng trong bối cảnh lịch sử của nó. Trong cuộc chiến đấu một mất một còn chống kẻ thù xâm lược có sức mạnh quân sự lớn hơn mình nhiều, Việt Nam tranh thủ được Trung Quốc gắn chặt với cuộc chiến đấu của Việt Nam càng nhiều bao nhiêu và ngăn chặn Mỹ sử dụng hai quần đảo cũng như vùng biển Đông chống Việt Nam thì càng tốt bấy nhiêu..."

Trong cuộc họp báo ngày 2-12-1992, ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm bào chữa với cùng một luận điệu: "Lời tuyên bố (ủng hộ công bố về chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa) của những nhà lãnh đạo chúng tôi trước kia là cần thiết vì đã trực tiếp đóng góp vào công cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập tự do của tổ quốc. Hơn nữa, nó nhằm ngăn cản đế quốc Mỹ dùng những hòn đảo đó làm căn cứ tấn công chúng tôi. Điều đó không liên quan gì đến những nền tảng pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa". Luận cứ này tuy thế cũng không ngây thơ như cách giải thích của báo Sài Gòn Giải Phóng tháng 5-1976, khi rạn nứt Việt - Hoa chưa bộc lộ "Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí mà còn là người thày tín cẩn, đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có được ngày hôm nay, thì chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung Quốc hay thuộc ta cũng vậy thôi...".

Cách lập luận của CSVN về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy về căn bản cho thấy tương quan giữa quyền lợi của ý thức hệ và quyền lợi dân tộc. Những năm sau này, khi chủ thuyết cộng sản đã lộ ra những khuyết điểm và sai lầm, không còn có thể "bao gồm tất cả chân lý" và không còn "bách chiến bách thắng", nhưng vẫn còn ảnh hưởng đối với đa số đảng viên, nhất là những đảng viên cao cấp, điển hình là Lê Khả Phiêu.

Lê Khả Phiêu lên nắm chức tổng bí thư vào năm 1997, sau khi những đổi mới về kinh tế đã giúp cho đời sống nhân dân được cải thiện. Thành quả kinh tế này đã được thực hiện nhờ ở chính sách đa phương hóa ngoại giao, nhất là nhờ được gia nhập khối ASEAN và được Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhưng những quan hệ ngoại giao đa phương đó đã làm những phần tử bảo thủ sợ là đã đi quá xa. Thứ nhất họ sợ khi nhân dân càng giao tiếp với cộng đồng thế giới, nhân dân sẽ càng thấy chế độ chính trị lạc hậu của họ và họ cũng sợ mất lòng Trung Quốc.

Năm 1995, năm mà Việt Nam gia nhập ASEAN, để chứng tỏ uy thế chính trị và quân sự, gián tiếp cảnh cáo Việt Nam là không thể dùng lá bài ASEAN để chống lại mình, Trung Quốc dùng hải quân chiếm đảo Mischief, rất gần với Phi Luật Tân và Phi Luật Tân vẫn coi như thuộc chủ quyền của họ. Phi Luật Tân, một nước rất yếu về quân sự, phản kháng dữ dội, kể cả ở ASEAN, nhưng Trung Quốc chỉ nhượng bộ là bằng lòng thương thuyết với Phi Luật Tân để "hợp tác song phương" khai thác kinh tế, nhưng chủ quyền của họ trên đảo đó là điều không cần bàn cãi. Năm sau, trong dịp đại hội đảng lần thứ VIII, CSVN do áp lực của phe bảo thủ sợ mất lòng Trung Quốc, đã không đả động đến một sự kiện quan trọng về kinh tế và ngoại giao của Việt Nam là việc được gia nhập khối ASEAN trong bản dự thảo báo cáo chính trị. Chỉ sau khi những đại sứ của ASEAN ở Hà Nội biết được và phản đối, sự kiện đó mới được thêm vào một cách sơ sài trong báo cáo chính thức: "Việt Nam sẽ nỗ lực tăng cường mối quan hệ với những nước lân bang và những nước hội viên ASEAN". Những nước lân bang ám chỉ Trung Quốc, Campuchia, Ai Lao, nhưng nỗ lực này của Việt Nam đối với Ai Lao và Campuchia đã tương đối khó khăn hơn trước

Tuy nhiên, sau xích mích với Phi Luật Tân năm 1995, thấy các nước ASEAN bắt đầu tỏ dấu e ngại về hành động ỷ mạnh hiếp đáp của mình, đường lối đối ngoại của Trung Quốc với ASEAN bắt đầu mềm dẻo hơn. Hơn nữa, sau nhiều năm phát triển kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc cần phải thay đổi để bắt đầu hành xử về ngoại giao với một "đại quốc tâm thái", nhằm có được uy tín của một nước lớn, không thể chèn ép những nước nhỏ lân bang một cách công khai lộ liễu. Sự lấn ép quá đáng có thể để cho những nước ASEAN, kể cả Việt Nam, xích lại gần hơn với Hoa Kỳ - nhất là Hoa Kỳ vừa bỏ cấm vận, thiết lập bang giao với Việt Nam.

Hơn nữa, sát bên cạnh Trung Quốc ở phía đông vẫn còn hai đối thủ mạnh của Trung Quốc là Đài Loan và Nhật Bản. Không kể Đài Loan là nước mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai phản loạn, thái độ gây hấn thái quá của Trung Quốc có thể làm cho Nhật Bản từ bỏ chế độ giải trừ binh bị và canh tân quân lực. Với tiềm năng kinh tế khổng lồ, khả năng kỹ thuật khoa học tiên tiến, dù không có Hoa Kỳ đứng sau, nếu họ muốn, Nhật Bản cũng dễ dàng trở nên một địch thủ đáng ngại của Trung Quốc. Nếu để xảy ra xung đột, Trung Quốc cũng sẽ phải trả một giá rất đắt về quân sự cũng như kinh tế. Vì thế, đường lối đối ngoại của Trung Quốc trở nên thực dụng hơn, trong đó có một điểm quan trọng là "ổn định chu biên" với những nước láng giềng, biến những nước xung quanh thành một "biên giới mềm". Trung Quốc biết là thời gian ở cùng phe với họ cho nên tại vùng biển Đông hiện tại, bề mặt, Trung Quốc chấp nhận tình trạng dằng co "nguyên trạng", nhưng bên trong, như một đại biểu quốc hội của Việt Nam, ông Dương Trung Quốc, e ngại, Trung Quốc vẫn đang âm thầm "gậm nhấm", không những ở vùng biển đông mà còn đang bành trướng thế lực ở hai quốc gia đồng minh cũ của Việt Nam là Campuchia và Lào. Trung Quốc đã giúp Campuchia xây quân cảng, lập khu kinh tế đặc biệt, khai phá rừng ở Mondulkin, khai thác hầm mỏ... Trong khi đó, mấy năm gần đây, Trung Quốc là nước viện trợ kinh tế và quân sự nhiều nhất cho Ai Lao. Với thời gian, những lãnh tụ già nua của cộng sản Lào chết đi, mối ràng buộc cá nhân giữa hai đảng sẽ phai nhạt dần và lớp lãnh tụ trẻ sẽ hướng về Trung Quốc, một nước có khả năng giúp đỡ họ nhiều hơn.

Nếu so về dân số, về khả năng kinh tế và quân sự, tất cả 10 nước ASEAN hợp lại (gồm 6 nước nguyên thủy sau này thêm vào Việt Nam, Campuchia, Lào và Miến Điện) vẫn còn thua xa Trung Quốc. Những nước ASEAN này về chính trị và mục tiêu đối ngoại lại không đồng nhất. Vì thế, trong tranh chấp ở biển Đông, Trung Quốc không bao giờ muốn thương thuyết với cả khối ASEAN hay một nhóm nhiều nước. Họ chỉ muốn thương thuyết với từng nước riêng biệt. Chẳng hạn họ đã thành công khi Phi Luật Tân bằng lòng khai thác tài nguyên chung với Trung Quốc trên vùng biển Mischiefs. Việt Nam đã kịch liệt phản đối sự hợp tác này vì lập trường của Việt Nam là tất cả vùng hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc Việt Nam. Tuy nhiên, mấy năm sau, năm 2005, khi Phan Văn Khải đi Hoa Kỳ về, như để xoa dịu Trung Quốc, Việt Nam đã đồng ý ký chung vào bản thỏa ước giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân này, gián tiếp công nhận Trung Quốc và Phi Luật Tân cũng có phần trong vùng biển.

Cùng lúc với chính sách "ổn định chu biên" của Trung Quốc, những nước ASEAN cũng không muốn có rắc rối với Trung Quốc. Đường lối đối phó của ASEAN là cho Trung Quốc có dịp cùng tham dự những hoạt động của ASEAN càng nhiều càng tốt, để từ đó bớt sự nghi kỵ và tăng cơ hội thảo luận. Vì thế, ngoài những hội nghị thường xuyên của ASEAN (có Trung Quốc làm quan sát viên), còn có những hội nghị hàng năm của ASEAN+3 (10 nước Asean và Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn), ASEAN Regional Forum (thảo luận về những vấn đề chính trị gồm ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản), CAFTA (vùng miễn thuế khóa gồm Trung Quốc và ASEAN), APEC (hợp tác kinh tế vành đai Thái Bình Dương, trong đó có cả Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu, Chí Lợi, Peru, Nga ...).... Kinh tế càng phát triển, để tăng cường uy tín đối với những nước trong vùng, tạo nên thế lưỡng cực trong vùng Đông Á, đường lối đối ngoại của Trung Quốc ngày càng mềm dẻo hơn, càng có "đại quốc tâm thái" hơn. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế Á Châu năm 1997, khi Hoa Kỳ và Nhật Bản thụ động làm ngơ, Trung Quốc đã tỏ ra tích cực bằng cách cho Thái Lan và Nam Dương vay tiền, không hạ giá đồng quan để hàng hóa của ASEAN trong lúc khó khăn có thể cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc...Năm 2002, thi hành đường lối "ổn định chu biên", sau nhiều năm từ chối, Trung Quốc đã bằng lòng ký vào bản qui ước ứng xử (Code of Conduct) trong vùng biển Đông và ký luôn thỏa ước căn bản của ASEAN là thỏa ước thân hữu và hợp tác Bali, theo đó các nước cố gắng tự chế, tìm cách giải quyết mọi tranh chấp bằng những phương cách hòa bình, phát triển sự tin cậy lẫn nhau. Trong qui ước ứng xử (chỉ là những hứa hẹn, không bị bắt buộc phải tuân thủ), Trung Quốc chỉ muốn nói đến vùng biển Trường Sa, nhưng Việt Nam lại muốn thêm vào vùng biển Hoàng Sa. Hai bên đã hòa giải bằng cách không nhắc tới một địa phận đặc biệt nào để bên nào cũng có thể suy diễn theo cách của họ.

Vì sự yếu thế của Việt Nam do hoàn cảnh ở gần và sự giao tiếp với đối tác duy nhất của Trung Quốc là Hoa Kỳ mới chỉ ở bước đầu, Trung Quốc vẫn tiếp tục dò dẫm để lấn ép Việt Nam trong những tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, nhất là từ thời gian Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư. Những hành động bắt giữ ngư dân Việt Nam, vu cho xâm phạm lãnh hải, hoặc giả làm hải tặc gây bất an trong những vùng biển tranh chấp có thể là nằm trong chính sách tằm ăn lá dâu của chính quyền Trung Quốc, hay cũng có thể là hành động của những giới chức địa phương, vì chính sách của Trung Quốc ở biển Đông tuy chính thức thuộc trách nhiệm của bộ ngoại giao, nhưng cũng thuộc trách nhiệm của tỉnh Hải Nam cùng hạm đội Nam Hải.

Vừa do ý hướng, vừa do hoàn cảnh, trong hai mươi năm qua, chiều hướng ngoại giao chống đế quốc của Việt Nam đã khiến Việt Nam càng sát lại gần Trung Quốc, trong khi mục tiêu quan trọng nhất của đường lối đa phương đa dạng hóa ngoại giao là Hoa Kỳ đã phát triển rất chậm chạp, không cân đối, nhất là trong giai đoạn mà Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư. Lúc đó, CSVN cố gắng làm như những chuyện gia nhập ASEAN, bang giao với Hoa Kỳ, Clinton viếng thăm đều không quan trọng. Ngoài ra, Việt Nam cũng trì hoãn ký thỏa hiệp song phương BTA với Hoa Kỳ, hủy bỏ chuyến viếng thăm của đô đốc Blair, đứng về phe Trung Quốc trong vụ phi cơ thám thính EP-3 của Hoa Kỳ đụng phải một phi cơ Mig của Trung Quốc ngoài khơi biển Đông và cuối cùng là đã ký hai thỏa ước về biên giới trên bộ và ranh giới trên biển ở vịnh Bắc Việt

Do thúc ép của Lê Khả Phiêu, hai thỏa ước về biên giới trên bộ và ngoài biển giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký vào cuối năm 1999 và 2000 đã gây ra nhiều chỉ trích và phản kháng. Riêng về thỏa ước biên giới trên bộ, cho đến nay, chính quyền Việt Nam không dám công bố công khai, quốc hội mang tiếng là đã thông qua thỏa ước đó nhưng hầu hết các đại biểu không ai được biết nội dung thỏa ước. Bản đồ biên giới hai nước vẫn còn phải che dấu. Ngay cả đại tá Lê Minh Nghĩa, đã từng là chủ tịch ủy ban biên giới của Việt Nam phụ trách đàm phán với Trung Quốc cũng phải tiết lộ "Kể từ sau thế chiến thứ II, Trung Quốc đã luôn muốn bành trướng lãnh thổ của họ. Họ từng bước thực hành chiến lược của họ. Lịch sử cho thấy họ chỉ ngưng lại khi có một sức mạnh ngăn cản".

Những nhượng bộ quá đáng cùng hiệp định về biên giới trên đất liền bị những viên chức ngoại giao bất mãn tiết lộ và dĩ nhiên, bị dư luận (đa số ở quốc ngoại vì chính quyền trong nước hoàn toàn bưng bít thông tin về vấn đề này) chỉ trích. Phải chờ hơn một năm sau khi ký thỏa ước, ngày 28-1-2002, người phụ trách về đàm phán là thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng mới dùng một cơ quan thông tin của nhà nước để biện hộ bằng cách trả lời những câu hỏi được chọn lựa sẵn. Những lời giải thích này chỉ được công bố trên mạng lưới chứ không được đăng trên báo chí hay loan truyền trên đài phát thanh, nhằm che giấu nhân dân quốc nội. Nhưng lời giải thích của ông không đưa ra một chi tiết nào, dù về nội dung hiệp ước hay bản đồ biên giới, và khi được hỏi về thác Bản Giốc cùng vùng đất ở ả i Nam Quan, lời giải thích đã trái ngược với những công bố của bộ ngoại giao Việt Nam trước đó là Bản Giốc hoàn toàn thuộc Việt Nam và bị Trung Quốc lấn chiếm năm 1979 (trong sách "Địa Chí Cao Bằng" của nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia năm 2000 có ghi rõ: "Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.. phía bờ sông bên kia là cột mốc 53 biên giới Việt - Trung". Tỉnh ủy Cao Bằng cũng xác nhận điều này). Lê Công Phụng cũng không nhắc nhở gì đến những lời tố cáo của Việt Nam trong cuốn "Vấn Đề Biên Giới Giữa Việt Nam Và Trung Quốc" do nhà xuất bản Sự Thật xuất bản năm 1979. Bản đồ đính kèm của thỏa ước cho tới nay vẫn được giữ kín. Khi ký giả Bùi Minh Quốc đi Lạng Sơn kiểm chứng những lời của Lê Công Phụng là biên giới cách ải Nam Quan "trên" 200 thước hay bao nhiêu, ông đã bị bắt. Giếng Phi Khanh, nơi Nguyễn Trãi khóc khi tiễn cha bị bắt sang Tàu nay cũng đã thuộc Trung Quốc.

Một năm sau, cuối năm 2000, thỏa ước về lãnh hải ở vịnh Bắc Việt cũng không khá hơn. Việt Nam gọi thỏa ước đó là một "thắng lợi cho cả hai bên", nhưng khi so sánh đường ranh giới lãnh hải vẽ từ cửa sông Bắc Luân trong thỏa ước mới năm 2000 (có hình chữ S ngược với đường cong phía trên nhỏ hơn, thuộc về Việt Nam), theo đó, Việt Nam được 54 %, Trung Quốc được 46 % diện tích, và đường ranh giới Brevié cũ của hiệp ước Pháp - Hoa năm 1887 (là một đường thẳng Nam Bắc vẽ từ cửa sông Bắc Luân), theo đó, Việt Nam 62 %, Trung Quốc 38 %. Ở vịnh Bắc Việt, Việt Nam bị mất đi khoảng 10 ngàn cây số.

Dù có uy thế về hải lực so với ASEAN, hành động lấn áp của Trung Quốc trên vùng biển Đông đã được giới hạn rất nhiều do sự hiện diện của hạm đội thứ bảy của Hoa Kỳ trong vùng. Tuy vậy, về phương diện chính thức, giới chức Việt Nam không khi nào chính thức nói về mối đe dọa của Trung Quốc, nhưng luôn luôn công khai nói về mối nguy cơ "diễn biến hòa bình" của Hoa Kỳ và khi xếp hạng theo quan hệ ngoại giao thân hữu, Trung Quốc vẫn đứng đầu và Hoa Kỳ đứng chót.

Hai nước lân bang cùng với Trung Quốc được đứng đầu trong quan hệ thân thiết của Việt Nam là Campuchia và Ai Lao cũng do Trung Quốc mà gây ra nhiều quan tâm cho Việt Nam. Chính quyền Campuchia và Ai Lao được thành lập do Việt Nam hậu thuẫn, nhưng ở Campuchia, do mối nghi kỵ và thù hận lâu đời nên những lãnh tụ đối lập đã không ngừng khai thác mối thù hận này. Ngay cả chính quyền Hun Sen, có lẽ vẫn chưa quên thái độ của những "cố vấn" Việt Nam, hành động bắt bớ và tra khảo tỉnh ủy tỉnh Seam Reap cũng đối xử với Việt Nam với sự e ngại. Trong khi đó, tại Ai Lao, sau khi nhóm lãnh đạo như Phomvihane chết đi, những lãnh tụ trẻ không còn nhiều quan hệ thân thiết với Việt Nam như trước. Việc Trung Quốc cần có quan hệ thân thiết với Ai Lao có nhiều lý do: thực hiện ổn định chu biên để biến những nước xung quanh thành những "biên giới mềm", mở con đường thông thương giữa vùng Vân Nam với Thái Lan và tạo thế cô lập Việt Nam. Do ưu thế nước lớn, Trung Quốc đã giúp cả Campuchia lẫn Ai Lao canh tân quân đội và phát triển kinh tế nhiều hơn những gì Việt Nam có thể giúp, kể cả giúp Campuchia xây hải cảng 600 triệu mỹ kim. Nhiều thanh niên hai nước được gửi sang Trung Quốc huấn luyện. Hiện tại, Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ với hai nước láng giềng phía tây, nhưng có lẽ chỉ vài thập niên sau, điều này sẽ không còn dễ dàng.

Ngoài Trung Quốc, một nước khác có ảnh hưởng quan trọng đối với Việt Nam là Hoa Kỳ, nhưng đó là một quan hệ phức tạp.

Về căn bản, vết thương chiến tranh giữa hai nước vẫn chưa hàn gắn. Nhân dân Hoa Kỳ vẫn nhìn thấy chế độ CSVN là một chế độ độc tài, phi dân chủ, đàn áp tự do nhưng chính phủ Hoa Kỳ thời gian gần đây đã bắt đầu coi khả năng và kinh nghiệm đối kháng với Trung Quốc của Việt Nam như một yếu tố kềm hãm bớt tham vọng của Trung Quốc.

Ngược lại, CSVN vẫn tin rằng chủ nghĩa tư bản của Hoa Kỳ là một chủ nghĩa luôn tìm cách bóc lột những nước nhỏ, chính quyền Hoa Kỳ là một chính quyền đế quốc đang tìm cách lật đổ chế độ của họ bằng những phương cách gọi chung là "diễn biến hòa bình".

Tuy nhiên, Hoa Kỳ lại là siêu cường duy nhất có thể kềm hãm âm mưu bá quyền của Trung Quốc trên vùng biển Đông, là thị trường lớn nhất và duy nhất trên thế giới có thể giúp Việt Nam phát triển kinh tế và thương mại. Mỗi khi cho đấu thầu để thăm dò hay khai thác dầu hỏa, Việt Nam thích để cho những công ty Hoa Kỳ thầu, hy vọng giảm bớt áp lực của Trung Quốc. Cuối cùng, Hoa kỳ cũng là nước cờ tối hậu mà Việt Nam có thể dùng nếu bị Trung Quốc chèn ép tới đường cùng, là sẽ để cho Hoa Kỳ đặt căn cứ để tạo nên một vòng cung bao vây Trung Quốc từ Đại Hàn, Nhật Bản qua Ấn Độ. Trong công cuộc thi hành chính sách ngoại giao gần như đu dây này, Việt Nam được lợi thế nhờ bản chất thực dụng của Hoa Kỳ, vốn chỉ chú trọng tới lợi nhuận mà không để ý gì nhiều đến những chỉ trích. Từ hai mươi năm nay, hai tờ báo chính thức của chính quyền Việt Nam là Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân đã không bao giờ đăng một bài nào chỉ trích Trung Quốc (mỗi khi muốn chỉ trích hay phản kháng, họ dùng những báo ngoại vi như Thanh Niên, Lao Động...), trong khi đã nhiều lần ám chỉ Hoa Kỳ là kẻ thù.

Do nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là Việt Nam ký thỏa ước thân hữu và hợp tác với Nga cũng như sự chiếm đóng Campuchia năm 1979, Hoa Kỳ chỉ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ 1995, nhưng tiến trình phát triển ngoại giao đã phải dò dẫm từng bước vì ảnh hưởng của Trung Quốc. Sau khi những lãnh tụ CSVN như Đỗ Mười, Lê Đức Anh đặt Việt Nam dưới cây dù xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, trong mỗi bước cải thiện ngoại giao với Hoa Kỳ, Việt Nam đều phải tìm cách để trấn an, giải thích hay hỏi ý kiến Trung Quốc. Kể từ khi thiết lập bang giao, nhiều phái đoàn ngoại giao và thương mại của Việt Nam đã lần lượt đến Hoa Kỳ hầu như mỗi tháng, trong đó có phái đoàn của Nguyễn Tấn Dũng (lúc còn là phó thủ tướng), Vũ Khoan, Trần Xuân Giá, Lương Văn Tư, Nguyễn Mạnh Cầm, Trương Đình Tuyển, Võ Hồng Phúc, Nguyễn Phúc Thành... và đến tháng 6 năm 2005 thì Phan Văn Khải dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu hơn 200 người sang thăm Hoa Kỳ nhằm mục đích kêu gọi tư bản Hoa Kỳ đầu tư.

Cùng năm đó, cả tổng bí thư Nông Tấn Mạnh, chủ tịch nhà nước Trần Đức Lương và thủ tướng Phan Văn Khải vừa ở Mỹ về đều sang thăm Trung Quốc.

Trong khi đó, về phương diện quân sự, phải chờ tới tháng 11-2003, bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà của Việt Nam mới sang thăm Hoa Kỳ và sự hợp tác quân sự giữa hai nước cho tới nay mới chỉ ở mức giới hạn. Hoa Kỳ tuyệt đối không muốn can dự vào cuộc tranh chấp lãnh thổ hải đảo của những nước trong vùng biển Đông. Họ chỉ quan tâm đến sự tự do lưu thông hàng hải và cũng không muốn có một nước nào độc bá vùng biển này. Dù chỉ công nhận một nước Trung Quốc, khi Trung Quốc đe dọa sẽ tấn công Đài Loan mấy năm trước, Hoa Kỳ đã nhanh chóng đem hai hàng không mẫu hạm đến để bảo vệ Đài Loan. Phải nhiều thập niên nữa Trung Quốc mới hy vọng theo kịp sức mạnh của hạm đội thứ bảy nên hiện tại Hoa Kỳ vẫn yên tâm đứng ngoài những tranh chấp và vẫn là một yếu tố quan trọng khiến Trung Quốc phải dè dặt trong mục tiêu mở rộng lãnh hải phía nam. Do thể chế chính trị khác biệt, và bị ảnh hưởng cũng như áp lực của Trung Quốc, Việt Nam đã không thể nào phát triển bang giao nhanh chóng với Hoa Kỳ như các nước Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba đã ký hiệp ước để hải quân Hoa Kỳ có thể sử dụng hải cảng của họ khi cần thiết. Vì thế Việt Nam tương đối gặp khó khăn nhiều hơn mỗi khi bị Trung Quốc lấn ép. Ngoài ra, Mã Lai và Tân Gia Ba còn có một đảm bảo khác là có một hiệp ước quốc phòng riêng của những nước thuộc Liên Hiệp Anh cũ với Anh, Úc, Tân Tây Lan.

Những năm gần đây, Hoa Kỳ đã lưu tâm nhiều hơn tới Việt Nam. Tháng 8-2006, để chiều lòng Hoa Kỳ giúp cho gia nhập WTO, Việt Nam đã công khai phản đối vụ khai triển vũ khí nguyên tử của nước bạn truyền thống Bắc Hàn và đã tham gia biện pháp trừng phạt phong tỏa kinh tế Bắc Hàn bằng cách chấm dứt giúp đỡ Bắc Hàn trong các dịch vụ ngân hàng. Nhưng Việt Nam đã mạnh miệng làm điều này chỉ vì Trung Quốc cũng thông qua nghị quyết lên án Bắc Hàn của Liên Hiệp Quốc. Do nhượng bộ của Việt Nam để được vào WTO và sự quan tâm về sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, kể từ 2006, Hoa Kỳ quan tâm hơn đến vùng biển Đông. Tháng 6-2006, bộ trưởng quốc phòng Rumsfelt ghé thăm Việt Nam, kêu gọi Trung Quốc phải minh bạch hóa những chi phí quốc phòng.

Ngoài các nước ASEAN và Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn muốn phát triển quan hệ với hai nước lớn khác là Nga và Ấn. Đường lối cai trị cứng rắn của Putin khiến Việt Nam cảm thấy gần gũi với Nga hơn là thời của Gorbachev hay Yeltsin. Tuy nhiên, chỗ dựa Nga của Việt Nam không được vững chắc, vì so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nga thấy Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn. Khi loan báo trả lại Cam Ranh cho Việt Nam, Nga đã cho Trung Quốc thấy họ thực tâm muốn hòa hoãn và hợp tác. Nga đã kiếm lợi bằng cách bán võ khí cho cả hai nước, và Trung Quốc, với ngân sách lớn hơn, đã mua những vũ khí của Nga sớm hơn, nhiều hơn và tối tân hơn. Với tình trạng hiện nay, Việt Nam khó có thể dựa vào Nga dù cho mai này, giữa Trung Quốc và Nga có xảy ra tranh chấp. Dù vậy, mối quan hệ với Nga vẫn được Việt Nam trân trọng, coi như người bạn hàng đầu bảo đảm cho Việt Nam nguồn cung cấp võ khí. Đồng thời, các lãnh tụ CSVN vẫn nuôi hy vọng mỏng manh là chế độ cộng sản Nga có thể có ngày hồi phục.

Ngoài Hoa Kỳ và Nga, Ấn Độ là một nước lớn thật tâm muốn kết thân với Việt Nam. Hai nước đã có quan hệ bền chặt trong nhiều năm. Trước 1975, Ấn Độ tuy trung lập nhưng phần nào thiên về Bắc Việt. Sau 1975, lúc mà Việt Nam bị cô lập khi chiếm đóng Campuchia, Ấn Độ vẫn là một nước hiếm hoi ủng hộ Việt Nam. Điều này xảy ra do ganh đua lâu đời giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Cũng như Việt Nam, Ấn Độ bị Trung Quốc lấn chiếm một phần đất biên giới phía Bắc trong thập niên 1960. Hơn nữa, Trung Quốc lại là đồng minh thân thiết của Hồi quốc, một nước đối đầu của Ấn Độ, đã giúp Hồi quốc canh tân hải cảng và có thể đã giúp Hồi quốc rất nhiều trong công cuộc chế tạo võ khí hạt nhân và hỏa tiễn. Dù ở gần Thái Lan và Mã Lai hơn, nhưng Ấn Độ lại phải nhờ Việt Nam trong giao tiếp với ASEAN. Gần đây, Ấn Độ đã nhờ Việt Nam (theo đó, cả Campuchia và Ai Lao) giúp để xin trở nên một hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Vì thế, cùng với Nga, Ấn Độ đã giúp Việt Nam phát triển về nghiên cứu nguyên tử, canh tân lại những chiếc Mig cũ và có thể đã bán cho Việt Nam những hỏa tiễn và phi đạn do Ấn chế tạo. Cùng với Trung Quốc và Việt Nam, trong mấy năm qua, kinh tế Ấn Độ cũng phát triển nhanh chóng. Để ngăn chận bớt sự bành trướng của Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã kết thân hơn với Ấn và dù Ấn từ chối không ký hiệp ước ngăn ngừa phát triển võ khí nguyên tử, quốc hội Hoa Kỳ đã đặc biệt cho phép chính phủ Hoa Kỳ giúp đỡ Ấn về công cuộc nghiên cứu phát triển năng lượng nguyên tử trong phạm vi dân sự.

Sau cùng, một cường quốc ở Á châu có khả năng chống đối Trung Quốc là Nhật Bản. Do bản hiến pháp chủ hòa năm 1945, lực lượng quân sự Nhật chưa đến 200 ngàn người, chỉ nhằm mục đích phòng thủ và nền quốc phòng phụ thuộc vào thỏa ước an ninh Mỹ - Nhật. Nhưng do sức mạnh kinh tế và kỹ thuật, lực lượng hải quân Nhật gồm 15 tàu ngầm, 41 thiết giáp hạm, 20 tuần dương hạm, 8 tàu đổ bộ, 4 tàu chuyên chở lớn, hiện vẫn tối tân và tinh nhuệ hơn những tàu chiến Trung Quốc. Trung Quốc dù luôn luôn đòi chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư mà Nhật đang chiếm giữ, họ chỉ thỉnh thoảng đưa ra lời phản kháng xuông. Những năm gần đây, trước sự phát triển của Trung Quốc và hành động của Bắc Hàn, Nhật Bản đã gia tăng kinh phí quốc phòng của họ. Thủ tướng Koizumi và người kế nhiệm là Abe không đếm xỉa gì đến phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc, vẫn hàng năm đến thăm đền Yasukumi, nơi thờ phụng những binh lính Nhật đã chết, trong đó có những người mà cả Trung Quốc lẫn Nam, Bắc Hàn coi là những tội phạm chiến tranh, từng gây nhiều đau thương chết chóc cho nhân dân họ trong thế chiến thứ II. Do mối nhục bị Nhật xâm lấn và áp bức hơn 60 năm trước cùng với tiềm năng phát triển quân sự của Nhật, Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm đối với nước này và trong tương lai gần, Việt Nam chỉ có thể có một mối quan hệ bình thường đối với Nhật Bản. Vì Nhật là nước viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam, Việt Nam đã tuyên bố sẽ ủng hộ cả Nhật lẫn Ấn để hai nước này trở nên hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Đường lối đa dạng và đa phương hóa ngoại giao của Việt Nam được Nguyễn Cơ Thạch vạch ra năm 1986 gần hai mươi năm qua nhằm thiết lập và phát triển quan hệ với tất cả các nước (kể cả Hoa Kỳ, các nước Tây Âu và Trung Quốc) một cách quân bình. Đường lối này chỉ mới được thực hiện trong mấy năm thì sự sụp đổ của Nga Xô và các nước cộng sản Đông Âu đã khiến cho những phần tử bảo thủ trong đảng lo sợ và áp lực để đường lối đối ngoại phải coi trọng vấn đề bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là bằng mọi giá, phải tìm mọi cách kết thân với Trung Quốc. Kể từ đó, dù Việt Nam vẫn tiếp tục đa dạng và đa phương hóa ngoại giao, vai trò Trung Quốc đã luôn nổi bật.

Trong đa phương ngoại giao, hầu hết những quyết định của Việt Nam đều phải xét đến yếu tố Trung Quốc. Trở ngại duy nhất và quan trọng của quan hệ Việt - Hoa là dù Việt Nam đã học hỏi khuôn mẫu Trung Quốc, đã cố gắng nhường nhịn, nhưng mục tiêu của Trung Quốc không phải để phát triển xã hội chủ nghĩa như Việt Nam mong muốn mà là phát triển và bành trướng uy thế chính trị, kinh tế, quân sự, kể cả lãnh thổ cũng như lãnh hải của Trung Quốc để có ngày trở nên một siêu cường.

Hiện tại với những quan hệ chính trị và kinh tế chằng chịt ngày một lún sâu, có lẽ đã quá muộn để cho Việt Nam có thể có một đường lối ngoại giao độc lập và bình đẳng với Trung Quốc. Trước một áp lực thường xuyên, Việt Nam đã không thể tìm được một đối tác quan trọng khả dĩ có thể dùng mặc cả trong những đàm phán ngoại giao với Trung Quốc. Do nhu cầu phát triển kinh tế cần phải hòa hoãn hợp tác, do thế lực chính trị và quân sự của siêu cường Hoa Kỳ trong vùng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian hiện tại vẫn đang hòa thuận để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy mối quan hệ Việt - Hoa luôn luôn có những lúc thăng trầm, kể cả tình đoàn kết vô sản quốc tế môi hở răng lạnh, sông liền sông, núi liền núi từ 1949 mà cuối cùng ba mươi năm sau cũng đã đưa đến trận chiến tương tàn khốc liệt trên vùng biên giới. Vì muốn bám chặt vào xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Việt Nam. Đối với Việt Nam, Trung Quốc là chỗ dựa, là yếu tố sống còn của chế độ, còn đối với Trung Quốc, Việt Nam chỉ là một khâu trong vòng đai phòng thủ, đồng thời cũng là một trở ngại cho việc phát triển không gian sinh tồn của Trung Quốc ở biển Đông. Vì thế, 16 năm sau khi tái lập quan hệ ngoại giao, 7 năm sau hiệp ước về lãnh hải, vùng biển Đông vẫn còn sôi động.

Khi chúng tôi viết những trang cuối của cuốn sách này thì Trung Quốc đang xây bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa và Hồ Cẩm Đào cũng vừa tặng cho các lãnh tụ CSVN ba hàng chữ ngọc thêm vào mười sáu chữ vàng trước kia, là " Lý tưởng tương thông. Văn hóa tương đồng. Vận mệnh tương quan". Ba hàng chữ này đã thể hiện rõ rệt tình trạng của Việt Nam hiện nay là ngày nào CSVN còn cố gắng học tập để tương thông lý tưởng với Trung Quốc (chống đế quốc, chống diễn bi ến hoà bình), ngày đó, Việt Nam vẫn ngày càng bị "vận mệnh tương quan", càng bị lệ thuộc và càng bị Trung Quốc lấn áp. Trong hoàn cảnh hiện tại, để thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam cần phải có một đường lối ngọai giao sáng tạo, táo bạo, nhưng điều này sẽ khó xảy ra nếu Việt Nam vẫn còn muốn núp dưới cái bóng của Trung Quốc để duy trì chế độ chuyên chính dưới chiêu bài xã hội chủ nghĩa của họ.

CHÚ THÍCH

____________________________________________

(1)- Tác giả của chiến lược viễn dương phòng vệ là đô đốc Lưu Hoà Thanh (Liu Huaquing), tư lệnh hải quân Trung Quốc từ 1982 đến 1987. Nhờ được Đặng Tiểu Bình rồi Giang trạch Dân nâng đỡ, Lưu Hòa Thanh sau đó được thăng lên làm ủy viên bộ Chính Trị Trung Quốc kiêm phó chủ tịch quân ủy trung ương. Trong đời Lưu Hòa Thanh chỉ mong đợi có ngày Trung Quốc chế tạo được hàng không mẫu hạm (ở Việt Nam gọi là "tàu sân bay"). Trong thuật ngữ hải quân, có được hàng không mẫu hạm là hải quân đã nâng cấp từ "green water"(cận duyên) lên "blue water"(viễn dương) có thể tạo áp lực sang những nước khác. Nhờ có sự đe dọa của hải quân Nga Xô sau khi Việt Nam để Nga Xô xử dụng hải cảng Cam Ranh, năm 1985, Úc bán cho Trung Quốc một hàng không mẫu hạm nhỏ đã hư hỏng. Trung Quốc đã gỡ hết máy móc của hàng không mẫu hạm này để nghiên cứu và học hỏi, còn sàn tàu giữ lại y nguyên để huấn luyện sẵn phi công. Ngoài ra, để phát triển kỹ thuật quân sự tân tiến, năm 1996, Lưu Hòa Thanh đã cho con gái là Lưu Thiếu Anh (Liu Chaoing - trung tá của hải quân Trung Quốc) tới California lập công ty Marswell Institute mưu toan mua những bí mật về kỹ thuật vệ tinh và hỏa tiễn. Lưu Thiếu Anh đã nhờ Johnny Chung, một ủng hộ viên của đảng Dân Chủ, giúp cho được gặp Clinton. Vụ này bị báo New York Times và Los Angeles Times phanh phui, Johnny Chung bị truy tố và đã thú nhận là đã có gặp tướng Ji Shengde, phụ trách tình báo của Trung Quốc và tướng Ji có gửi vào trương mục của Chung 300 ngàn mỹ kim, sau đó Chung gửi vào qũi tranh cử của Clinton khoảng 100 ngàn. Johnny Chung bị đưa ra tòa và bị kết án tù.

(2)- Theo The Spratly Island Dispute: Who's on First của Dan J. Dzurek: - Số đảo Việt Nam chiếm giữ có: Bãi Tộc Tan (Allison Reef), đảo An Bang (Amboyna Cay), Chan Chai (Barque Canada Reef), Bombay Reef, Truong Sa Đông (Central Reef), Bãi Vũng Mây (Collins Reef), Johnson Reef, Đá Núi Lẻ (Cornwallis Reef), Đá Lớn (Discovery Great Reef), Cồn Đông (East Reef), Bãi Quế Dương (Grainger Reef), Kingston Shoal, Đá Lạt (Ladd Reef), Len Dao, Nam Yết (Namyit), Orlena Shoal, Hòn Sáp (Pearson Reef), Đo Thi (Pentley Reef), Đá Tiên Nữ (Pigeon Reef), Bãi Phu Nguyên (Prince Consort Bank), Đá Sơn Ca (Sand Cay), Đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island), Sinh Tồn Đông (Sin Cowe East Island), Đá Nam (South Reef), đảo Song Tử Tây (Southwest Cay, đảo Trường Sa (Spratley Island) Bãi Tu Chính (Vanguard Bank), Cồn Tây (West Reef). VN có thể đã chiếm thêm Orleana Shoal và Kingston Shoal. - Trung Quốc chiếm những đảo: Chigua Reef (được đặt tên lại là Dongmen Jiao), Cuateron Reef (Huayang Jiao), Fiery Cross Reef (chiếm của Việt Nam năm 1988, được đặt tên lại là Yongshu Jiao), Gaven Reef (Nanxun Jiao), Johnson Reef (Chigua Jiao), Mischief Reef (Meiji Jiao) và Subi Reef (Zhubi Jiao). - Đài Loan chiếm giữ đảo Thái Bình (Tai Ping Jiao hay Itu Aba island do Nhật Bản giao lại năm 1945). - Mã Lai chiếm Ardasier Reef (đặt tên lại là Terumbu Ubi), Investigator Shoal (terembu Peninjau), Mariveles Reef (terumbu Montanani) và Swallow Reef (terumbu Layang Layang). - Phi Luật Tân chiếm Commodore Reef, Flat island, Lankiam Cay, Loaita Island, Nanshan Island, Northeast Cay, Thitu Island, West York Island và đổi tên là Rizal, Patag,Panata, Dagahoy Dugao, Lawak, Parola, Pagasa, Likas.

(3)- Trích Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng của Ngô Thế Vinh. Ngoài ra, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa cũng như biên giới trên bộ đã được nghiên cứu rất tường tận bởi các tác giả Vũ Hữu San, Trương Nhân Tuấn. Một tác giả trong nước là Nguyễn Hồng Thao, vụ trưởng vụ lãnh hải bộ ngoại giao, cũng viết về hiệp ước lãnh hải, nhưng chỉ chú trọng nhiều về khía cạnh kỹ thuật.

BẠT

Đây chỉ là các góp nhặt về những gì xảy ra trên quê hương sau hơn hai mươi năm qua. Đọc lại những gì mình viết, hình như tôi đã để cảm tính lấn lướt mà viết quá nhiều điều tiêu cực về một chính thể đã từng bắt tôi ở tù. Dĩ nhiên, ngoài khả năng giới hạn, tôi tự biết mình không thể có đủ công tâm của một người viết sử, và tôi cũng không tin là có một người nào có thể khách quan tuyệt đối đến mức vô cảm khi viết về những sự kiện xảy ra xung quanh mình, liên hệ đến đời sống của mình.

Viết về nhiều điều tiêu cực xảy ra trên đất nước (dĩ nhiên những gì tôi biết chỉ là mặt nổi của tảng băng sơn), không phải tôi không biết đến những sự kiện như tổng sản lượng kinh tế nước ta đang tăng gia mạnh mẽ, uy tín đất nước được nâng cao khi nhiều nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam tham dự APEC và Việt Nam có thể sẽ là một hội viên không thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong năm tới. Tôi không phải không biết trên đất nước ta, trường học, đường xá, cầu cống... đang mở mang. Các trạm thủy điện, nhiệt điện, các xưởng lọc dầu, luyện thép đang xây dựng...Tư bản các nước đang đổ vào đầu tư, tỷ số người nghèo ở Việt Nam đang xuống thấp... Thú thật, tôi mừng cho dân tộc nhưng đã không coi trọng những việc này vì so với các nước trong vùng, trừ Campuchia và Lào, Việt Nam vẫn là nước nghèo nhất. Kinh tế có khá hơn do "kinh tế thị trường", nhưng việc áp dụng đường lối này thật ra chỉ là một bắt đầu muộn màng - một đường lối kinh tế mà những chính phủ miền Nam đã áp dụng từ trước 1975. Sự muộn màng đó đúng ra chỉ là sự trở về khởi điểm sau mấy chục năm mù quáng bắt ép nhân dân đi theo một con đường đầy máu và nước mắt, khiến cho Việt Nam tụt hậu hơn 20 năm so với lân bang. Theo ý kiến riêng chủ quan, nếu miền Nam Việt Nam được để yên, dù với một chính phủ bình thường như Ngô Đình Diệm, hoặc tệ hơn nữa là Nguyễn Văn Thiệu, lợi tức bình quân của người dân Việt Nam cũng không đến nỗi chỉ bằng 1/4 người dân Thái Lan, 1/7 dân Mã Lai, 1/20 lợi tức người dân Đại Hàn và 1/40 lợi tức người dân Tân Gia Ba như bây giờ và có lẽ chúng ta không đến nỗi mất Hoàng Sa và lo lắng về Trường Sa như hiện nay.

Tôi không nghi ngờ những nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay cũng cố gắng để dân giàu nước mạnh bằng cách áp dụng kinh tế thị trường của tư bản. Nhưng dân giàu nước mạnh chỉ để phục vụ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội (đúng hơn là Lê-nin-nít) này chỉ là nhằm để giữ vững độc quyền thống trị của một số người, theo như nhận xét của Hà Sĩ Phu - "Chủ nghĩa Mác Lê suy tàn quay về cố thủ ở những vùng còn ít ánh sáng dân chủ, nơi mà tư tưởng phong kiến vẫn còn sống lai rai trong núi rừng châu Á hết đời nọ đến đời kia...Nó đã mất tư cách để tuyên chiến với cái gọi là chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết mà được dùng như một công cụ để trị dân. Chẳng những là phương tiện để trị dân, nó chuyển sang làm phương tiện chở những người "vô sản" cầm quyền vào cõi tư bản".

Tôi không thể nghĩ và viết ra được những lý luận chính trị và kinh tế một cách kinh điển và thông thái như Hà Sĩ Phu. Tôi chỉ biết sau năm năm sống trong xã hội chủ nghĩa, là một người bình thường, giờ đây tôi vẫn còn cảm thấy ghê sợ tác dụng của nó trên con người và quan hệ giữa con người.

Tự nhận là thuộc giai cấp tiền phong, tiên tiến, đã được "giác ngộ", được "mặt trời chân lý chiếu qua tim", chế độ đã nhồi sọ để đảng viên coi người khác như cỏ rác, và càng được lên cao, càng có thái độ duy ngã độc tôn.

Ngoài ra, nhân danh đạo đức cách mạng, nhân danh quyền lợi tối thượng của đảng, chế độ đã cho phép khai thác những khía cạnh đi ngược lại luân lý và phong hóa cũ, khiến con người nhiều khi bị ép buộc và khuyến khích để gian dối, nịnh bợ, dòm ngó và làm hại lẫn nhau.

Hãy đọc một đọan trong bài Một Nửa Thế Giới... trong báo Quân Đội Nhân Dân ngày 9-3-07 ca tụng một người vợ:

"Một chị là cơ sở cách mạng nuôi giấu ông (Lê Duẩn) trong phòng ngủ, bất chợt người chồng trở về và nổi cơn ghen khiến ông có nguy cơ bại lộ. Chị cơ sở báo động và xin chỉ thị có cần phải "khử" người chồng hay không..."

Tôi đã lợm giọng khi đọc phải những hàng chữ viết về cái tình nghĩa vợ chồng tiến bộ đến mức đó, nhất là bài báo mới được viết hơn bốn tháng trước đây.

Điều đáng ghê sợ là hệ thống kiểm soát của một chế độ có những điều bất nhân như vậy vẫn khiến cho những người cao ngạo như Nguyễn Tuân, thông thái như Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường cũng bị khuất phục. Một thời uy võ như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cũng hèn đi. Trên thế giới không có nước nào mà trẻ thơ phải học thuộc những lời tung hô sáo ngữ như "... bác Hồ ngôi sao sáng vô ngần, cuộc đời của bác chói ngời gương người Cộng Sản..." hoặc "Hoan hô Hồ Chí Minh. Cây hải đăng mặt biển. Bão táp chẳng rung rinh..." Cứ mỗi khi đọc những lời tán tụng như thế, tôi lại liên tưởng tới những lời tương tự của đám đệ tử Đinh Xuân Thu, Hồng giáo chủ hay Đông Phương Bất Bại...(Đó là lời huấn thị thánh thần của giáo chủ, trải qua trăm năm vẫn còn mới mẻ, sau muôn thuở vẫn không người vượt mức...)

Tôi cũng biết là sau khi nhượng bộ ở biên giới đất liền và vịnh Bắc Việt (nhân danh tình thân hữu xã hội chủ nghĩa), nhà cầm quyền đang cố gắng duy trì những hải đảo và lãnh hải còn lại ở biển Đông, nhưng điều đáng buồn là tôi chưa bao giờ đọc được những lời công khai vinh danh hơn 70 thủy thủ hy sinh bảo vệ Trường Sa năm 1988, huống hồ gì những đồng đội của tôi đã chết khi bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Chắc đảng đã coi sự hy sinh của 77 thủy thủ kia là những gai góc không cần thiết nên quên đi để phục vụ cho cái quan hệ Việt Trung vĩ đại và tôi ngờ rằng khi trung tá Ngụy Văn Thà và những đồng đội tôi chết ở Hoàng Sa, các lãnh tụ (và đa số đảng viên) CSVN hồi đó, đã coi như một "thắng lợi của phe xã hội chủ nghĩa", trong lòng đã dấy lên một niềm vui bệnh hoạn.

Như trên đã viết, cuốn sách này chỉ là góp nhặt những dữ kiện để bạn đọc dễ dàng theo dõi về những gì xảy ra trên đất nước (có in lại hai bài trong cuốn Chiến Tranh Đông Dương III trong phụ lục để có sự liên tục).

Trong thời đại tin học, phần lớn dữ kiện được lấy ra từ những liên mạng điện tử nên tôi, một người viết không chuyên nghiệp, đã sơ ý không ghi hết lại xuất xứ.

Những liên mạng hữu ích nhất mà tôi tìm tài liệu là Lên Đường, Đàn Chim Việt, Đối Thoại, Tuổi Trẻ Việt Nam, Lẽ Phải, Ý Kiến, Hưng Việt, Talawas, Vietnam aujourd'hui, Vietnamexodus, Google...

Người thông hiểu nhất về chính trường trong nước mà tôi hay trích dẫn là cựu đại tá Bùi Tín, ông Trần Nhu, tiến sĩ Âu Dương Thệ.

Những vấn đề xảy ra trong công cuộc tái lập bang giao Việt Hoa được tiết lộ bởi cựu thứ trưởng Trần Quang Cơ.

Những tài liệu về tranh chấp Việt - Hoa là từ các tác giả Trương Nhân Tuấn, Ngô Thế Vinh.

Một chuyên gia ngoại quốc viết nhiều về Việt Nam sau 1975 là ông Carlyle Thayer thuộc học viện quốc phòng Úc. Xin tha lỗi về những sơ sót không ghi hết xuất xứ những trích dẫn.

Tôi đã viết cuốn Chiến Tranh Đông Dương III cách nay hơn 10 năm, về cuộc chiến tương tàn của những người cộng sản, sau đó quay sang nghiền ngẫm về Thiên Văn, về trời trăng mây nước, về thuyết tương đối, về lượng tử... Ở tuổi trên 60, những tưởng đã tri thiên mệnh để an phận sống đời lưu vong của một người thua trận, phó mặc vận nước cho vũ trụ nổi trôi (trái đất này rồi cũng chỉ tồn tại 5 tỷ năm nữa)...

Thời gian gần đây, vô tình được đọc về những người trẻ bất khuất mới nổi lên như Lê Thị Công Nhân, Đỗ Nam Hải, Bạch Ngọc Dương, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Quốc Quân, Trần Khải Thanh Thủy... trong lòng tự nhiên nảy sinh sự kính trọng và xúc động nên lại quay về tìm hiểu thêm những gì xảy ra tại cố hương.

Cho tới nay, sự kiểm soát tinh vi của guồng máy công an đã giới hạn ảnh hưởng hành động của những người này, nhưng với tiến bộ của tin học, với thời gian, dân trí Việt Nam sẽ được mở mang qua hội nhập...tôi tin rằng toàn thể người dân Việt Nam sẽ thấy họ bị bưng bít và lợi dụng như thế nào và họ sẽ lấy lại được những quyền tự do dân chủ căn bản của con người trong tương lai không xa. Vì thế, những lời cuối trong cuốn sách này là lời cám ơn và cảm phục của tôi đối với những người trẻ anh hùng đó.

HOÀNG DUNG

SỬA CHỮA VÀI SAI SÓT

Sau khi đưa cuốn Sau Bức Màn Đỏ lên mạng của Văn Tuyển, tôi nhận được 2 điện thư của ông Cau Bay BT và nhất là của ông Nguyễn Học, chỉ điểm cho những chỗ sai:

1. Bà vợ cũ của Trần Đức Thảo sau này lấy ông Nguyễn Khắc Viện chứ không phải Đặng Thái Mai (tôi đã kiểm tra tài liệu của tôi và thấy đúng như vậy).

2. Trung tướng Công An Dương Thông không có liên hệ gì với gia đình Lê Duẩn (khi tôi viết Dương Thông là em vợ Lê Duẩn, tôi lấy tài liệu từ ông Hứa Hòanh, một người rất thông hiểu chuyện miền Nam). Dù cho ông Lê Duẩn có tới 3 bà vợ và khó mà biết những chuyện riêng tư mỗi gia đình, nhưng tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Học biết rõ hơn về chuyện này.

3. Ông Lê Thanh Công là thứ trưởng bộ Văn Hóa chứ không phải Công An (sách của ông Bùi Tín cũng viết như thế nhưng tôi đã nhớ sai).

4. Chu Văn Tấn được thả ra khi gần chết chứ không phải chết trong tù.

5. Hồ Viết Thắng không phải bộ trưởng bộ Canh nông mà trong thập niên 1980, chỉ làm phó chủ nhiệm Ủy ban kế họach nhà nước. Tôi coi lại trong google, thì có tác giả nói sau đó ông ta có được làm thứ trưởng (không phải bộ trưởng) bộ Canh nông

6. Người được mai mối để gần cận Hồ chí Minh theo ông Nguyễn Học là bà Lưu Thị Phương Mai chứ không phải Nguyễn Thị Phương Mai

7. Ông Đặng văn Hướng, theo ông Nguyễn Học, không bao giờ là bộ trưởng.

8. Ông Bùi tiến Dũng, trong vụ PMU, không có liên hệ gì với Bùi Thiện Ngộ như tôi đã viết. Tôi không biết từ đâu tôi có tin tức sai lầm này mà viết ra. Khi viết xong, không hiểu sao, tôi đã ân hận và thắc mắc. Trước khi được ông Nguyễn Học chỉ bảo, tôi được ký giả Lê Quỳnh của BBC phỏng vấn. Lúc đó, tôi đã có hỏi ký giả Lê Quỳnh về thắc mắc này và ký giả Lê Quỳnh đã không xác nhận.

Tác giả xin nhận lỗi về những sai sót và cũng xin những vị độc giả khác bổ khuyết thêm. Tác giả cũng xin cám ơn ông Cau Bay BT (?), và nhất là ông Nguyễn Học.

2008-05-26

Link đọc trực tuyến: http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=23997&chapter=2

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #abcd