CÂU CHUYỆN 2: TINH LỢN - KẺ KHÔNG THỂ CHẾT
Trong dáng hình ẩm thực Việt Nam, không thể không nhắc tới món thịt lợn. Thịt lợn là món ăn hàng ngày trên mâm trên đĩa của mỗi người dân, đầy quen thuộc và dân dã. Thịt lợn dễ chế biến, có thể kho, rán, luộc, tẩm ướp nướng, làm thịt đông, giả cầy, xào nấu,... và trong ngày lễ Tết cũng không thể thiếu thịt mỡ đỗ xanh cuộn tròn trong nhân bánh chưng, bánh tét. Chính vì vậy, thịt lợn vô cùng phổ biến, giá thành rẻ khiến người dân coi rằng thịt lợn là món ăn quen thuộc, cũng không cần bận tâm tới nguồn gốc của chúng. Buôn bán thịt lợn dù vất vả nhưng nếu đảm bảo được chất lượng, có duyên bán hàng thì không sợ thiếu thốn. Quả thực vậy, đã có nhiều người đi lên từ nghề buôn mối thịt lợn này.
Cách đây nhiều năm về trước, khu chợ Thanh Lương, Lương Yên là một khu chợ nhỏ nhưng không kém phần nhộn nhịp. Cư dân ở quanh khu vực đổ về chợ mua bán rau củ quả thịt thà rất đông nên con đường hay trở nên tắc nghẽn. Nếu để nói đến sạp thịt lợn lớn nhất khu chợ phải nhắc tới ông Kiên, một người đàn ông phốp pháp có giọng nói ồm ồm hay tươi cười xởi lởi. Ngày xưa ông lập nghiệp ở khu chợ này chỉ bằng một sạp thịt nhỏ nhưng bởi chất lượng thịt tươi cùng sự khéo léo mà khách khứa ngày một đông. Các sạp thịt xung quanh chỉ mong có khách nếu như sạp của ông hết món khách cần. Họ cũng có phần ghen tức với ông Kiên nhưng cũng chẳng làm gì được. Việc buôn bán ngày một phát triển, ông Kiên trở thành đầu mối thịt lớn cho các khu vực khác, cung cấp thịt lợn cho các nhà hàng, các sạp thịt lẻ, các nhà máy,...
https://www.facebook.com/truyentamlinhThucLinh/
Khi còn buôn bán nhỏ lẻ, ông là người phải mua lại thịt từ các lái buôn khác, thế nhưng khi đã đủ tiềm lực, ông quyết định tự mở lò mổ riêng để phục vụ kinh doanh, việc ăn lãi cũng vì thế mà được nhiều hơn. Thời gian đầu, ông tự tay mổ lấy cùng với một người em họ xa của mình, đêm giết thịt, ngày đem ra chợ bán. Sau rồi nhu cầu tăng cao, ông thuê thêm một số người thợ về làm. Ông Kiên nổi tiếng với việc khắt khe với nhân viên của mình, quanh năm thay thợ như thay áo. Ông muốn những người thợ nhanh nhẹn, ngoan ngoãn và không đòi hỏi lương thưởng quá cao. Rồi trong một đợt thay thợ mổ, ông được người quen nhờ nhận việc hai người cháu họ xa là dân tộc Khmer. Hai người thanh niên đâu khoảng 30 tuổi, trẻ trung và nhanh nhẹn nên ông Kiên thích lắm. Không những thế họ chỉ cần đồng lương vừa phải để gửi về cho gia đình. Hai người từng làm việc nặng trên rẫy trên đồng nên sức khỏe cũng có, đáp ứng tốt công việc.
https://www.facebook.com/truyentamlinhThucLinh/
Hai người thợ gắn bó với lò mổ khoảng hơn năm trời thì trở thành thợ chính, cùng với hơn 5 người thợ khác làm việc cho ông Kiên. Ông Kiên lập gia đình cũng khá muộn, tới tận năm ngoài 40 mới lấy vợ sau khi công việc làm ăn đã khấm khá hơn. Vậy nhưng sau khi ông lấy vợ được độ 2 năm đã có những chuyện chẳng lành xảy ra. Ngày hôm đó ông Kiên dọn hàng như thường lệ nhưng chờ mãi tới khi đến giờ họp chợ cũng không thấy xe của thợ chở thịt ra như mọi khi. Chờ gần tới trưa ông gọi điện không được, quá sốt ruột vì chậm trễ nên đành bỏ sạp chạy xe qua lò để tìm hiểu xem có chuyện gì xảy ra. Nhà của ông ở trong làng Thanh Lương, cũng khá gần khu chợ ông làm việc. Lò mổ ông mở cũng ở gần nhà để việc vận chuyển được thuận lợi. Tùy mỗi ngày mà số lượng lợn mổ khác nhau, ngày ít thì 5,6 con, ngày nhiều thì vài chục con từ sáng tới tối. Ngày hôm đó có khách đặt làm cỗ nên phải mổ khoảng 6 con, giờ ông vẫn chưa nhận được điện thoại báo đủ của thợ.
Nếu ai chưa được chứng kiến cảnh giết lợn sẽ không biết cảnh giết chóc ấy cũng man rợ không kém những cảnh sát sinh các loài vật khác. Con lợn to lớn được hai người thợ vần ra, trói chặt. Họ lấy một con dao nhỏ ngọt, sắc, cứa vào động mạch chủ của con lợn rồi lấy tiết đổ ra những chiếc bát lớn. Con lợn bị chọc tiết kêu la inh ỏi, thê thiết, quẫy đạp nghe đau đớn vô cùng. Tiếng kêu của lợn chờ chết như tiếng kêu của hàng đàn chim cú heo báo tử, váng cả một vùng trời, đau thương đến rợn người. Ấy thế rồi khi con lợn đã nằm im, những người thợ dội nước sôi làm sạch lông và xẻ thịt lợn. Từng mảng, từng phần của con lợn được tận dụng không sót một thứ gì: Từ tai, mắt đến đuôi, chân,...
https://www.facebook.com/truyentamlinhThucLinh/
Ông Kiên bước vào lò mổ thì thấy không gian im ắng khác thường, không có tiếng kêu thảm thiết của lũ lợn như mọi ngày. Ông Kiên hết sức ngạc nhiên bước vào xem thì thấy những người thợ đang đứng yên ắng nhìn nhau bên cạnh 2,3 con lợn vừa được mổ.
"Gì thế này! Sao giờ này vẫn chưa mang đủ thịt ra? Còn bán gì nữa!" Ông gắt lên.
"Dạ...Thì...thì..." Những người thợ lắp bắp.
"Em bảo làm nhanh lên nhưng... nhưng anh Cả lại bảo không làm..." Một người thợ trẻ nhanh nhảu chỉ về phía 1 trong 2 người thợ Khmer.
"Sao lại không làm?" Ông Kiên hỏi khó hiểu. Bình thường hai người thợ này vẫn luôn nhanh nhẹn, biết việc, sao hôm nay lại dở chứng như thế?
"Chúng em không dám đâu anh Kiên ơi... Heo năm móng, ba giò đấy anh!"
"Heo năm móng ba giò là sao?" Ông Kiên hỏi.
"Ở dân tộc em... Heo năm móng ba giò được coi là người. Là người đấy anh ơi... Kiếp người đầu thai thành... Cho nên chúng em không dám giết đâu. Giết heo năm móng ba giò vật chết mình đấy anh."
"Lấy đâu ra lí lẽ vớ vẩn đó. Công việc còn đang dồn ứ lên kìa, ngày mai còn 5 đơn nữa. Các anh làm như thế này mới giết tôi, chứ còn cái ngữ kia thì liên quan gì!" Ông Kiên cáu ầm lên.
Người thợ Khmer vẫn cố chỉ cho ông Kiên thấy một đôi lợn kì lạ: một con có chân sau có thêm một chiếc móng, con lợn còn lại có một chiếc chân đen còn lại ba chiếc chân khác vẫn bình thường.
https://www.facebook.com/truyentamlinhThucLinh/
"Ba giò đó anh! Bốn giò nhưng một giò màu đen. Mẹ em có dặn là phải tránh ra mà. Lạy anh, anh cưu mang giúp đỡ chúng em bấy lâu nay, chúng em nào dám cãi lời. Chỉ là lần này chúng em không dám thật. Mong anh phóng thích chúng nó đi được không?"
"Không báo sớm! Giờ đến trưa rồi, đổi lợn sao kịp làm cho khách được! Thôi bỏ đấy! Chúng mày không dám làm thì để tao!". Ông Kiên nghĩ rằng làm ăn quan trọng là chữ tín, giờ cậy đông khách mà vì việc cỏn con này lại làm nhỡ việc của người ta thì lại chẳng ra gì. Đây cũng là một dịp hay để ông thị võ ra oai với thợ nhà mình, không chúng lại nghĩ không có chúng ông không làm được gì. Ông có bàn tay róc thịt khéo léo vô cùng, giờ không thể hiện thì tới lúc nào nữa.
Ông đuổi mấy người thợ đứng ra xa. Ông vớ lấy chiếc dao nhỏ ngọt sắc tiến lại gần đôi lợn và nhanh chóng kết liễu chúng. Một tia máu tươi phọt ra từ cổ chú heo bắn vào mắt làm ông Kiên giật mình khó chịu. Tuy nhiên sau đó ông vẫn kiên trì làm thịt sạch sẽ hai con heo trước sự chứng kiến của những người thợ. Người thợ Khmer nhìn ông bằng ánh mắt ái ngại và sợ sệt. Điều đáng tiếc rằng ông đã không nghe lời cảnh báo của họ.
Sau đó ít lâu, ông đã gặp phải một tai nạn mà ít ai ngờ tới. Đôi mắt của ông bị máu lợn bắn vào đã sưng tấy lên và đỏ ngầu suốt một tuần trời, nhỏ thuốc mãi mới khỏi. Trong một lần tới thăm thợ của mình, ông đã leo lên mái nhà sửa phần ngói bị vỡ, dột. Đang loay hoay sửa chữa thì đột nhiên con mắt trái bị máu bắn phải của ông trở nên đau rát như phải bỏng. Ông Kiên kêu la đau đớn rồi loạng choạng ngã khỏi mái nhà. Cú ngã chí mạng khiến ông đau đớn nằm im không dậy nổi. Khi đi cấp cứu, bác sĩ kết luận ông bị tổn thương cột sống, phải nằm liệt giường, hai chi dưới không còn cảm giác. Từ đó, gia tài của ông bao năm gầy dựng cũng tan biến thành hư không. Người trong chợ đồn lên ầm ĩ rằng ông Kiên đã gặp quả báo do sát sinh quá nhiều.
https://www.facebook.com/truyentamlinhThucLinh/
Ông Kiên vô cùng đau đớn căm phẫn, than thân trách phận tại sao lại nên nông nỗi này. Người vợ trẻ của ông sau vụ tai nạn cũng buồn rầu mà chạy vạy khắp nơi mong chồng sớm phục hồi. Hồi còn chưa lấy ông Kiên, gia đình cô cũng nói ra vào về nghề nghiệp của chồng nhưng cô thấy anh duyên dáng lại giàu có nên vẫn quyết đến với anh. Cô cũng chỉ làm công nhân may bình thường, lấy được chồng giàu có cô vẫn coi là phước phận, vậy mà giờ phải gánh nạn chăm sóc một người tật nguyền. Cô ra ngôi chùa gần nhà để cầu xin ơn phước. Vị trụ trì thấy người vợ trẻ hay tới chùa, mặt mũi sầu bi cũng lạ mà hỏi chuyện. Người vợ như được trút nỗi lòng mới kể ra cho vị sư trụ trì hay về gia cảnh của mình, mong có được lối thoát. Nghe vậy, vị sư mới thốt lên: "Trời ơi! Đúng là trùng hợp... Thiện tai..."
"Có chuyện gì vậy ạ?" Người vợ hỏi.
Bà sư mới kể cho cô nghe một giấc mơ kì lạ. Cách đó khoảng hơn tháng, khi bà đang ngủ trong nhà chùa thì mơ gặp được hai người ăn xin rách rưới gõ cửa chùa. Hai người ăn xin một trai một gái than khóc xin bà cứu giúp, chỉ về phía xa: "Ngày mai con tới đây... sư tìm sư giúp nhé...". Giấc mơ ngắn ngủi khiến vị sư không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sáng ngày hôm sau và một vài ngày nữa, bà đợi có người tới cũng không thấy có.
"Vậy có lẽ... hai chú lợn mà chồng con giết, chính là hai người trong giấc mơ của ta rồi. Thật đáng tiếc là ta đã không thể giúp họ..."
Bà cũng từng nghe có chuyện lợn tinh do người hóa kiếp đến xin cứu giúp ở chùa Dơi Sóc Trăng. Bà không ngờ đến việc mình cũng có duyên với loài vật này. Những chú heo năm móng ba giò theo quan niệm của người Khmer là người kiếp trước mang tội nghiệt mà đầu thai thành, có chút tinh anh hơn những giống lợn khác. Họ tránh giết thịt những chú heo này để tránh việc giết phải tinh người.
https://www.facebook.com/truyentamlinhThucLinh/
Người vợ nghe được thông tin đó càng thất thần, hiểu rõ tội nghiệt mà chồng mình đang mang. Cô hiểu rằng những chú lợn tinh đã quay về báo oán chồng cô.
"Phải giữ lòng thiện tâm, thành thật sám hối mới mong qua kiếp nạn này..." Vị sư khuyên bảo cô vợ trẻ như vậy.
Người vợ về cũng lập đàn cầu lễ cầu siêu cho hai chú lợn năm móng ba giò kia và ăn chay suốt nhiều tháng trời. Thế nhưng bệnh tình của ông Kiên vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Oán khí của nhiều chú lợn ông đã giết không thể dễ dàng tẩy trắng đi được. Nằm lâu ở một chỗ, cơ thể ông sinh thêm nhiều tật bệnh, ngày càng mệt mỏi đau ốm. Người vợ trẻ ở lại chăm sóc chồng được một năm cũng chán nản mà bỏ đi. Ông Kiên đành phải nương tựa người mẹ già cả dưới quê lên chăm sóc.
Được ba năm ròng rã sống vật vờ như vậy, ông Kiên hấp hối. Điều lạ kì mà những người đi thăm ông chứng kiến đó chính là ông phải trải qua một cái chết đau đớn. Những căn bệnh đã bào mòn cơ thể ông bao nhiêu năm qua vẫn chưa thể đưa ông đến một kết thúc nhẹ nhàng. Ông Kiên nằm giữa giường, rít lên từng cơn như lợn bị chọc tiết. Tiếng kêu kì lạ giống hệt những con lợn đang nằm chờ chết trong lò mổ. Các bác sĩ can thiệp nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Ông Kiên nằm hấp hối trên giường, giãy giụa, kêu rên như vậy suốt cả một tuần trời. Mẹ của ông bèn mời một thầy giỏi tới cúng độ siêu cho ông. Người thầy bước vào nhà cũng liền bảo: "Trên bàn thờ nhà này đang có nhiều tinh lợn quấy phá. Chính chúng đã gây đau đớn cho anh nhà, đến số chết mà vẫn không thể đi được do lợn cản đường tới Quỷ môn quan..."
https://www.facebook.com/truyentamlinhThucLinh/
Người thầy bên làm lễ, tụng kinh gõ mõ cả ngày bên giường bệnh của ông Kiên. Dần dần những cơn sài giật, tiếng kêu eng éc của ông mới giảm bớt. Tới ngày thứ 7 thì ông Kiên nhắm mắt xuôi tay. Người đàn ông tội nghiệp cho tới lúc chết cũng không thể hiểu rõ tội lỗi của mình đã gây ra mà phải gánh chịu cái chết không hề dễ chịu. Những người dân xung quanh biết chuyện đều gọi ông Kiên là "Kẻ không thể chết của làng Thanh Lương", rỉ tai nhau như một bài học về nhân quả sát sinh.
Kỳ sau: Tinh trâu - Hồn rừng càn quấy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top